Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Nguyễn Duy



















Nguyễn Duy

(1948 - .........) Thanh Hóa
Tên thật: Nguyễn Duy Nhuệ
Nhà thơ













Nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình .
9/10/2011









Nguyễn Duy đã từng là lính bộ đội thông tin, đã tham gia chiến đấu nhiều năm trên các trận Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào và chiến trường miền Nam.
 Sau đó giải ngũ, làm việc tại Tuần báo Văn Nghệ, trưởng đại diện cho tờ báo này tại phía Nam. 
Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi còn là học sinh cấp 3 ở Thanh Hóa.
Giải nhất cuộc thi thơ 1972 - 1973 của Tuần báo Văn Nghệ.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (Việt Nam) 2007
Giải thưởng Viện Hàn lâm Quốc tế Mihai Eminescu (Romania) 2010 





*




"Tôi từng tuyên bố dừng làm thơ từ 1997 và đi làm những việc khác hơn 10 năm nay rồi. Viết nhiều thơ cũng cùn đi, nên tôi không muốn làm nữa mà làm những việc khác như: Làm lịch thơ, in thơ trên giấy dó, viết sách, chụp ảnh và hát xẩm."

ND (TT&VH 14/01/2011)















Anh Ngọc & Nguyễn Duy lúc trẻ












Tác phẩm tiêu biểu:









Tập Thơ










1
Cát Trắng 
(nxb Quân đội nhân dân, 1973)








2
Ánh Trăng
 
( nxb Tác Phẩm Mới, 1984)










3
Đãi Cát Tìm Vàng 
(nxb Văn Nghệ,1987)











4
Mẹ Và Em 
(nxb Thanh Hóa,1987)










5
Đường Xa 
(nxb Trẻ,1989)











6
Quà Tặng 
(nxb Văn Học,1990)










7
Về 
(nxb Hội Nhà Văn,1994)











8
Sáu & Tám - Tuyển thơ lục bát
(nxb Văn Học, 1994)









9
Vợ ơi - Tuyển thơ tặng vợ 
(nxb Phư Nữ, 1995)









10
Tình Tang 
(nxb Văn Học, 1995)









11
Bụi 
(nxb Hội Nhà Văn,1997)










12
Thơ văn tuổi thơ 
(nxb Kim Đồng, 2002)










13
Thơ trữ tình 










14
36 bài thơ 
(nxb Lao Động, 2007)


















Distant Road
Curbstone Press, US .1999









Em - Sóng  
( nxb Kim Đồng1983)








Tiểu thuyết

Khoảng Cách. 1986








Bút ký

Nhìn Ra Bể Rộng Trời Cao. 1986























Những bài thơ được nhiều người biết đến:









Đánh Thức Tiềm Lực. 1982




Tiễn đưa anh S.D. đi làm kinh tế

Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...

***

Tôi lớn lên bên bờ bãi sông Hồng
trong màu mỡ phù sa máu loãng
giặc giã từ con châu chấu, con cào cào
mương máng, đê điều ngổn ngang chiến hào
trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc
giọt mồ hôi nào có gì to tát
bao nhiêu đời mặn chát các dòng sông
bao nhiêu thời vỡ đê trắng đất mất đồng
thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bảy nổi
khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi
hột gạo nõn nà hao gầy đi vì thiên tai
đói thâm niên
đói truyền đời
điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói...

***

Tôi đã qua những chặng đường miền Trung bỏng rát và dai dẳng
một bên là Trường-Sơn-cây-xanh
bên còn lại Trường-Sơn-cát-trắng
đồng bằng hình lá lúa gầy nhẳng
cơn bão chưa qua, hạn hán đổ tới rồi
ngọn cỏ nhọn thành gai mà trốn không khỏi úa
đất nứt nẻ ngỡ da người nứt nẻ
cơn gió Lào rát ruột lắm em ơi!

Hạt giống ở đây chết đi sống lại
hạt gạo kết tinh như hạt muối
cây lúa đứng lên cũng đạp đất đội trời

***

Tôi về quê em - châu thổ sáng ngời
sông Cửu Long giãn mình ra biển
đất cuồn cuộn sinh sôi và dịch chuyển
cây mắm cây tràm lặn lội mở đường đi

Đất tân sinh ngỡ ngọt ngào trên mặt
lòng còn chát chua nào mặn nào phèn
má sung sức và ba cường tráng thế
man mác âu sầu trong câu hát ru em

Đã qua đi những huyền thoại cũ mèm
những đồng lúa ma không trồng mà gặt
những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt
những ghểnh cẳng, vuốt râu mà làm chơi ăn thật
miếng ăn nào không nước mắt mồ hôi!

Ruộng bát ngát đó thôi, và gạo đắt đó thôi
đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện
con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng
thóc bỏ mục ngoài mưa thiếu xăng dầu vận chuyển
phà Cần Thơ lê lết người ăn xin
cây đàn hát rong não nề câu vọng cổ
quán nhậu lai rai - nơi thừa thiếu trốn tìm

***

Này, đất nước của ba miền cày ruộng
chưa đủ no cho đều khắp ba miền
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...

***

Lúc này tôi làm thơ tặng em
em có nghĩ tôi là đồ vô dụng?
vô dụng lấy đi của cuộc sống những gì
và trả lại được gì cho cuộc sống?

Em có nghĩ tôi là con chích choè ăn và gại mỏ?

Em có nghĩ tôi là tay chuyên sản xuất hàng giả?

Em có nghĩ tôi là kẻ thợ chữ đục đẽo nát cả giấy
múa võ bán cao trên trang viết mong manh?
tình nghĩa nhập nhằng với cái hư danh
tờ giấy chép văn thành tờ giấy bạc

Em có nghĩ...
mà thôi!

***

Xin em nhìn kia – người cuốc đất
(tôi cũng từng chai tay cuốc đất)
cái cuốc theo ta đời này, đời khác
lưỡi cuốc nhỏ nhoi liếm sạch cánh đồng rồi
dướn mình cao
chĩa cuốc lên trời
bổ xuống đánh phập
đẹp lắm chứ cái tạo hình cuốc đất!

Xin em nhìn - người gánh phân, gánh thóc
(tôi cũng từng mòn vai gánh phân, gánh thóc)
kẽo kẹt hai vai một nhịp cầu vồng
đẹp lắm chứ cái tạo hình gồng gánh!

Những cái đẹp thế kia... em có chạnh lòng không?
cái đẹp gợi về thuở ngày xưa ngày xửa
nhịp theo tiết tấu chậm buồn
cái đẹp ấy lẽ ra không nên tồn tại nữa!

Em có chạnh lòng chăng
giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu
bỗng hiện lù lù cái xe hơi chạy than
vệt than rơi toé lửa mặt đường

Em có chạnh lòng chăng
xích lô đạp càng ngày càng nghênh ngang
xích lô máy và xe lam chạy dầu vừa nã đại liên vừa phun khói độc
người đi bộ vừa đi vừa nghĩ về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...

***

Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo
quen cái thói hay nói về gian khổ
dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm

Làng tôi xưa toàn nhà tranh vách đất
bãi tha ma không một cái mả xây
mùa gặt hái rơm nhiều, thóc ít
lũ trẻ chúng tôi vầy đất tối ngày

Thuở tới trường cũng đầu trần chân đất
chữ viết loằng ngoằng củ sắn ngọn khoai
thầy giáo giảng rằng
nước ta giàu lắm!...
lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài

***

Lúc này
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
ta biết buồn để biết lạc quan
và, để nhắn lại sau ta cho lớp lớp trẻ con
(dù sau này dầu mỏ đã phun lên
quặng bô-xít cao nguyên đã thành nồi thành soong
thành tàu bay hay tàu vũ trụ...
dù sau này có như thế... như thế... đi nữa
thì chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại)
rằng
đừng quên đất nước mình nghèo!

Lúc này
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
tuổi thanh xuân trọn vẹn cuộc chiến tranh
sau lưng ta là kỷ niệm bi tráng
trước mặt ta vẫn con đường gập ghềnh
vẫn trang trọng tấm lòng trung thực
dù có thể lỗi lầm – làm thế nào mà biết trước
dù có sao thì cũng phải chân thành

Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành
để khôn lớn ta hát bài đánh thức
có lẽ nào người lớn cứ ru nhau
ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt

***

Tiềm lực còn ngủ yên
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng

Tiềm lực còn ngủ yên
trong bộ óc mang khối u tự mãn

Tiềm lực còn ngủ yên
trong con mắt lờ đờ thủy tinh thể

Tiềm lực còn ngủ yên
trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ

Tiềm lực còn ngủ yên
trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm

Tiềm lực còn ngủ yên
trong lớp da biếng lười cảm giác

Năng động lên nào
từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan
cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi

***

Cần lưu ý
lời nói thật thà có thể bị buộc tội
lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương
đạo đức giả có thể thành dịch tả
lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường

Cần lưu ý
có cái miệng làm chức năng cái bẫy
sau nụ cười là lởm chởm răng cưa
có cái môi mỏng rát hơn lá mía
hôn má bên này bật máu má bên kia
có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa
khái niệm bắn ra không biết lối thu về

Cần lưu ý
có lắm sự nhân danh lạ lắm
mượn áo thánh thần che lốt ma ranh
nhân danh thiện tâm làm điều ác đức
rao vị nhân sinh để bán món vị mình

Cần lưu ý
có lắm nghề lạ lắm
nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau
nghề chửi đổng, nghề ngổi lê, nghề vu cáo
nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào
có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả
thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề...

Bộ sưu tập những điều ngang trái ấy
phù chú ma tà ru tiềm lực ngủ mê

***

Tôi muốn được làm tiếng hát của em
tiếng trong sáng của nắng và gió
tiếng chát chúa của máy và búa
tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai
tiếng trần trụi của lưỡi cuốc
lang thang
khắp đất nước
hát bài hát
ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC...


Tp. Hồ Chí Minh 1980-1982

Nguồn: Nguyễn Duy, Mẹ và Em, Nxb Thanh Hóa, 1987



























Nhìn Từ Xa...Tổ Quốc. 1988



Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

Đêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng

Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ


Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma

Ai?
im lặng

Ai?
cái bóng!

A...
xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà

Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta


Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta vẫn mê ta

Vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

Vâng - một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng

Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên nhồn nhột cả tim gan


Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt khôn nguôi vón sạn gót chân
nhói dài mỗi bước

Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày?

Ai?
không ai

Vết bầm đen đấm ngực


Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan

Ai?
không ai

Vết bầm đen quều quào giơ tay


Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh...
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài

Đêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma trơi

Ai?
không ai

Vết bầm đen ngửa mặt lên trời


Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện - Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh

Ai?
không ai

Vết bầm đen tọa thiền


Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường 

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng 
mở mắt... bóng nhân tài thất thểu

Ai?
không ai

Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh


Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn...

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn

Ai?
không ai

Vết bầm đen vò tai


Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần - buôn tuốt...
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

Ai?
không ai

Vết bầm đen nhún vai


Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia ly toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

Ai?
không ai

Vết bầm đen rứt tóc


Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh - vua lừa - vua chôm - vua chĩa
vua không ngai - vua choai choai - vua nhỏ...

Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

Luật pháp như đùa - như có - như không có
một người đi chật cả con đường

Ai?
không ai

Vết bầm đen gập vuông thước thợ


?...
?...
?...

*

Ai?
Ai?
Ai?

không ai!

Tự vấn - mỏi
vết bầm đen còng còng dấu hỏi

*

Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng

*

Đôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm

Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm
tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề
phật và ma... mỗi thứ tí ti...

Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ

Thì lột mặt nạ đi - lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ


Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào

Sự thật hôn mê - ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào

Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thấy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội

Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy...
xin đừng hót những lời chim chóc mãi

Đừng lớn lời khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn

Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?


Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét

Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì?
ta cần thiết cho ai?

*

Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người

Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?
những người tốt đang cần liên hiệp lại

*

Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân - vậy thì ta tồn tại

*
Giọt từng giọt
nặng nhọc

Nặng nhọc thay

Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây


Mátxcơva, tháng 5.1988
TP.Hồ Chí Minh 19.8.1988

Nguồn: Nguyễn Duy, Đường xa, NXB Trẻ, 1989












Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ .1991



Nguyễn Quang Lập: Tối qua đi nhậu với bác Nguyễn Duy, bác hỏi: “Lập có nhớ bài Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ của mình không?” Ồ, sao lại không nhớ. Bài Thơ đó in ở Cửa Việt số 16, cùng với truyện ngắn Gió dại của Bảo Ninh, toạ đàm Bàn tròn nó đã góp phần đánh sập Cửa Việt, buộc Hoàng Phủ Ngọc Tường phải chạy vô Huế, còn tui chạy ra Hà Nội. Tui nói góp phần là vì đó chỉ là cái cớ… Mà thôi, chuyện qua lâu rồi, không muốn nhắc lại thêm buồn.

Bài thơ bác Duy đã “ác” mà cái sapo của bác Tường viết cũng “ác”, bác Tường viết:“Thơ xưa, Quỉ Cốc Tử nói rằng: “Quản Trọng đạt thời sớm. Khương Tử Nha thời muộn. Thạch Sùng giàu, Mông Chính thì bần cùng. Bành Tổ sống lâu, Nhan Uyên chết yểu. Cả sáu người đó đều nằm trong Ngũ Hành”. Nay cuộc sống nhìn từ gần, hoá ra mọi sự lố lăng nhếch nhác, mắc cười, vỡ mộng… tất thảy cũng đều là trò cười của Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ. Bài thơ này đọc thì cười ngất, nhưng cười xong thấy lạnh buốt tuỷ sống, như rơi vào cõi thái âm. Thơ Nguyễn Duy vẫn bông đùa như vậy”.

Câu chuyện xảy ra từ năm 1992, bây giờ nhớ lại thấy bồi hồi, nhớ Cửa Việt, nhớ Quảng Trị, nhớ anh em ở toà soạn cỏ lau…Nhớ vô cùng
.





1


Quả đất nóng dần lên

tầng ôzôn có vấn đề gì đó

sọ dừa gặp vấn đề trì trệ

tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra

mắt vấn đề toét tai vấn đề ù

bất an vấn đề giấc ngủ

sâu rầy đang vấn đề cánh đồng

rừng cây vấn đề cháy và trụi

nón hành khất ngả vấn đề xó chợ

trẻ lang thang vấn đề bụi đời

lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói

chiến trận tuôn vấn đề đỏ lòm

2

Chó cứ sủa người cứ đi

những con đường đầy vấn đề ổ gà

những nhịp cầu chông chênh quá tải

vấn đề nay mai sập bất cứ lúc nào

những giống người tham gặm nhấm cả trời đất

vấn đề ngày kia thiên nhiên ăn thịt tuốt

vấn đề nước cầm đầu lũ lụt

vấn đề lửa thủ phạm hỏa họan

khủng hoảng thiếu thần linh

khủng hoảng thừa yêu quái

đại loạn thay cái thiên hạ rắc rối

vấn đề tầng ôzôn cả thôi

3

Lục bục bụng dạ sôi

ruột gan đang vấn đề gì đó

nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt

sida giác quan ung thư toàn thân

không thể nói rằng ta bất cần

ta cần sống và cần đủ thứ

cần dinh dưỡng cần khí thở

cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh

cần phút lặng thinh mặc niệm những mối tình quan họ

những người tình không giao phối bao giờ

4

Thất xà ngóc cổ trong hũ rượu

nọc rắn tuần hoàn bổ âm bổ dương

độc trị độc nhộn nhạo huyết quản

lúc nhúc hổ mang khè hang hốc xương

gần đây ta ngài ngại đi ra đường

dù chả để làm gì ta muốn ngồi một mình

ta vu vơ mình trống rỗng mình

ta sờ sợ nơi nào nhiều khôn vặt ít thông minh

ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá

khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kia

ta mặc cảm cái bóng đèn điện không có điện

lủng lẳng trần nhà thường làm ta giật mình

ta ngan ngán đám quan hoạn giả thiếngiả đạo

vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào

những phường buôn cứt bán cho chó

nợ khó đòi thì làm gì nào?

những bất ổn đầy rẫy

thì đã sao thì làm sao?

có người thách ta đánh nhau

ta bảo ta yếu rồi ta lại không có võ

có kẻ thách ta chửi nhau

ta bảo ta vừa bị mất trộm cả sọt từ ngữ

có đứa thách ta nhổ vào mặt nó

ta bảo hết đờm rồi

ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo

hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở

không có việc gì khó

chỉ sợ không có việc

ta khao khát tiếng hát giun dế

không biên tập không kiểm duyệt

ta ao ước cái bay chim chóc

không hộ chiếu không biên giới

chó già giữ xương mèo già hóa cáo

ta già ta hóa trẻ con

thiêng liêng thay khoảng lặng cô đơn

người hóa thánh chỉ khoảnh khắc ấy

5

Nóng quá trằn trọc quá

tầng ôzôn có vấn đề gì đó

quạ cũ kêu sương ươn ướt dĩ vãng

tiếng cú rạch trời rơi từng giọt bầm đêm

giấc mê mệt thiêm thiếp chiêm bao trắng

loạng quạng ma nhảy nhót trước thềm

thử nhập đồng khúc bát âm quỉ

chợt thấy xác mình thối rữa từ từ

kèn trống bỗng mọc móng mọc vuốt

gầm gừ đèn lân tinh nhờ nhợt

ú ớ mồ hôi

chân lỡ nhảy phải nhảy cứ nhảy

6

Bước nhảy nảy tư duy thị trường

kinh doanh xác mình dù giá thậm rẻ mạt

quạ có mua ta bán xác trọn gói

hoặc bán từng phần trước khi thối rữa hết

cú có mua ta chấp nhận hóa giá

chấp nhận cho trả góp từng phần

như kiểu bán từng phần rừng bể núi sông

từng miếng địa ốc từng mẩu mặt bằng từng khúc ruột đất

thời buổi thị trường mọi việc đều có thể

có thể nước này mua trọn gói nước kia

có thể lập những liên doanh ma quỉ

những công ty bán nước từng phần

có thể kể những tập đoàn siêu quốc

những quốc gia mất nước từng phần

cái xác ta thì có nghĩa lý gì

ta tự tháo khớp và tự bán

chuyện xưa ông lão kiết dặn con

khi cha chết xẻ xác cha mà bán

ta thì phải tự tay làm lấy

sợ các con chia chác không đều

tự đọc điếu văn soạn sẵn vĩnh biệt mình

tự giải thoát một thời mộng mị

cuốn gói hồn đi kinh tế mới vầng trăng

cấy lúa trồng khoai Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ

ta đi đây kinh tế mới vũ trụ

vượt tầng ôzôn đang có vấn đề

7

Ngôi sao xa xôi bất ngờ đổi ngôi

ánh sao băng chợt đọng đẫm hố mắt

ngọn gió thông thường lay ta tỉnh giấc

khí thở thông thường thoi thóp lại ta rồi

ta bịch về mặt đất bất ổn

nhố nhăng đến chết nết không chừa

lại lục bục bụng sôi

lại ruột gan vấn đề gì đó

lại đi đưa những đám ma từ ngữ

xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình

lại thừ nhớ những mối tình quan họ

những người tình không giao phối bao giờ

lại thắc mắc sọ dừa trì trệ

tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra

lại càu nhàu quả đất nóng dần lên

nghi tầng ôzôn có vấn đề gì đó

8

Ta lững thững xách sọ dừa đi chợ

tìm chú vịt Tàu lai thím vịt Xiêm

ẩn sĩ lêguymtọa thiền giữa chợ

gia vị ê hề những chua chát đắng cay

những quàng quạc đành đạch âm nhạc

những cua ốc nghêu sò nguồn thi hứng tràn đầy

những cuống muống non ròng ròng tứa nhựa

oai oái khoái cái roi rói chợ

ngà ngà say men chợ thường ngày

cứ thế bình tâm cân bằng dần các thứ

phảng phất thơm chùa những hồng hào má

những thắm cười tươi như hoa nhà ai

chiêm ngưỡng bàn tay bậc thầy mổ cá

bái phục giáo sư vặt lông vịt thiên tài

tiết vịt sống hài hòa lòng vịt chín

món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa

vào cuộc nhậu nhiều bợm rất sợ tiết

dù ở đời họ máu tiết canh nhau

thì làm sao?

thì làm gì nào?

9

Thì ta thi tài với con nít lối xóm

cờ tướng cờ vua cờ ngựa cờ ô

và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì

ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ

năm ô cờ sắp xếp lại thiên hạ

ngồi xổm chơi hay ngồi bệt thì tùy

và nghêu ngao lõng thõng hò vè

giun dế du dương ễnh ương đắm đuối

và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội

lời trẻ con phấp phới Ngũ Hành Kỳ



(1990 – 1991 / Tạp chí Cửa Việt – 1992)
















Triển lãm Thơ:






Thơ trên các chất liệu Tre, Nứa, Thúng, Mẹt, Bao tải v.v...
1998





Hồn Giấy Dó
2001





Thơ Thiền thời Lý Trần trên giấy Dó . 2005

















"Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó"

Trịnh Công Sơn



















Thơ Nguyễn Duy trên Thivien.net






















Tham khỏa thêm về tác giả Nguyễn Duy









Nhà thơ Nguyển Duy: Vẫn giã từ thơ dù nhận giải quốc tế



(TT&VH) - Hội Nhà văn VN và Đại sứ quán Romania tại VN vừa tổ chức lễ trao giải thưởng lớn về thơ năm 2010 của Romania cho nhà thơ Nguyễn Duy tại Hà Nội. Đây là giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Quốc tế Mihai Eminsecu, Romania dành cho một nhà thơ nước ngoài trên toàn thế giới và lần đầu tiên có một nhà thơ VN vinh dự đạt giải thường này.


Nhân dịp này, TT&VH đã chúc mừng nhà thơ của Tre Việt Nam, tác giả đầu tiên của VN làm lịch thơ và mang thơ đi triển lãm ở cả trong và ngoài nước, với 13 tập thơ đã xuất bản như: Cát trắng, Ánh trăng, Mẹ và em, Đường xa, Về...Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết:

- Khi nhận được thông báo, chưa biết cụ thể thế nào, tôi cũng ngạc nhiên lắm. Không biết người ta đọc thơ tôi ở đâu, có lẽ ai đó đã dịch thơ của tôi ra tiếng Anh, tiếng Pháp... và thông qua các bản dịch đó họ lựa chọn tôi. Nhưng điều tôi vui nhất là tiếng thơ của mình đã vượt ra khỏi biên giới VN và được thế giới biết đến.

Tên chính thức của đơn vị trao giải là Academie Internationnale Mihai Eminescu, Viện Hàn lâm Quốc tế mang tên đại thi hào Mihai Eminescu của Romania trụ sở tại thành phố Craiova chứ không phải là “Viện Hàn lâm Romania” như một vài báo đã đưa tin. Trong số các thành viên sáng lập viện này có 2 giải Nobel văn học.







Nhà thơ Nguyễn Duy (trái) tại lễ trao giải. 
Ảnh Nguyễn Đình Toán



* Được biết, lễ trao giải này đã được tổ chức long trọng tại thủ đô Bucharest, Romania. Tại sao ông không sang nhận giải?
- Tôi ốm và bận, không thể đi được. Nói chung do lý do sức khỏe; tôi có cảm ơn người ta. Rồi họ gửi qua đường ngoại giao, chuyển về Hội Nhà văn VN. Hội Nhà văn có mời Đại sứ quán Romania tại VN đến trao lại giải thưởng cho tôi hôm 8/1 vừa rồi. 


* Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên của ông?
- Đúng vậy. Trước đây toàn giải thưởng trong nước thôi. Tôi được họ chọn ngẫu nhiên vì thật sự tôi không có quan hệ gì với họ, ngay cả Hội Nhà văn VN cũng không có quan hệ gì. Giải thưởng này không có tiền. Giải thưởng chỉ gồm văn bằng kèm theo một biểu trưng của giải thưởng bằng thủy tinh, không kèm theo hiện kim.


* Nhìn lại hành trình thơ ca của mình hơn 30 năm qua, với những vần thơ được biết bao thế hệ độc giả VN ghi nhớ, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi từng tuyên bố dừng làm thơ từ 1997 và đi làm những việc khác hơn 10 năm nay rồi. Viết nhiều thơ cũng cùn đi, nên tôi không muốn làm nữa mà làm những việc khác như: làm lịch thơ, in thơ trên giấy dó, viết sách, chụp ảnh và hát xẩm.

* Nhưng văn thơ là cái nghiệp. Với một người nặng lòng với cuộc sống, với thơ như Nguyễn Duy, thì khó lòng mà bỏ được thơ đâu...
- Nhiều người cũng nói với tôi thế. Tất nhiên tiếng thơ của Nguyễn Duy sẽ không bao giờ tắt, nhưng sức khỏe của tôi giờ không được tốt. Tôi bị bệnh tiểu đường, ốm lâu dài lắm. Ở cái tuổi trên 60, với thơ ca, tôi tự nhận thấy mình là người khó tính. Với những bài thơ của mình, tôi rất đắn đo đến từng từ, từng chữ viết ra. Vậy nên tôi muốn dừng thơ lại...

* Xin cảm ơn ông!



























Vương Trí Nhàn: Nguyễn Duy








Vài nét tiểu sử

Nguyễn Duy, sinh 1948. Tác phẩm chính Cát trắng (1973), ánh trăng (1984), Về (1994), Bụi (1997).


Một bản sắc đã đến lúc định hình

Có những tài năng “tinh hoa phát tiết” từ những tác phẩm đầu tay và cuộc đời tiếp sau của con người đó trong nghệ thuật là một chuỗi ngày mỏi mòn tẻ nhạt. Lại có những cây bút phải qua thời gian mới tìm thấy lại mình, sự trưởng thành muộn màng nhưng chắc chắn. Nguyễn Duy là một trường hợp như thế: ở ngưỡng cửa của tuổi 50, anh mới cho in một tập thơ có lẽ là đều tay hơn cả, chín hơn cả trong đời thơ của mình.

Người làm thơ ấy đã được biết tới rộng rãi trong những năm từ 1975 về trước, với mấy bài thơ quen thuộc như Tre, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, thường có mặt trong các tuyển tập và đã đưa vào sách giáo khoa học sinh phổ thông. Nhưng đúng như người bạn vong niên của tác giả là nhà văn Nguyễn Quang Sáng (trong bài viết in ở cuối tập Mẹ và em) đã nhận xét, thơ Nguyễn Duy hồi ấy còn non nớt, mà tác giả thì còn trong cơn trăn trở tìm tòi. Cuộc tìm tòi này kéo dài liên tục qua các tập ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đường xa (1990). Giờ đây, với tập Về từ chỗ pha giọng, chập chững, mày mò, nhà thơ đã đi tới một giọng thơ có nhiều phẩm chất thuần nhất. Dân dã mà hiện đại, từng trải dạn dày song lại run rẩy tinh tế, cay đắng ngậm ngùi ngay trong khi cười cợt đắm say, lam lũ dông dài mà vẫn có những nét cao sang riêng, thơ Nguyễn Duy những năm 90 gợi ra cảm tưởng một bản sắc đã chín, đã định hình ở đó có tất cả những phóng túng nồng nàn, lẫn những ngang trái khó chịu mà đã yêu thơ anh người ta phải chấp nhận.



Bao dung nên giàu có

ở những tập thơ trước, Nguyễn Duy đã tự giới thiệu như một người hay đi. Một cách hình tượng, bạn bè bảo Duy thời ấy “như một con ngựa sung sức, nếu không được buông vó trên đường dài, thì ở trong tàu, lúc nào cũng nghe cái tiếng gõ lộp cộp của nó, nó đòi đi”. Đến những năm gần đây, lẽ tự nhiên là Nguyễn Duy vẫn hay đi lắm, giang hồ phiêu bạt đủ chốn, song cái ấn tượng toát lên từ thơ không phải là sự đi nhiều mà là sự từng trải. Dù viết về chuyện gì – cát trắng Quảng Trị, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long hay chỉ phác ra mấy nét sinh hoạt phố xá Sài Gòn, các bài thơ đều thống nhất ở cái tâm trạng riêng của tác giả. Trước chuyện khiêu vũ chẳng hạn: với tư cách là một cựu chiến binh, một người “chân đất”, những tưởng anh sẽ nhìn lại cái cảnh “khoan nhặt vô thường ríu rít tít mù loảng xoảng” này bằng cặp mắt xa lạ, chối bỏ. Hoặc cũng có thể – như thái độ quay ngoắt 180 độ thấy ở nhiều người – lại ngả sang mốt tân thời, hết lời ca ngợi, cho như thế mới là văn minh lịch sự! Nguyễn Duy của những năm này đã vượt qua cả hai thái cực nông nổi như vậy. Với tầm nhìn rộng rãi hơn, anh hiểu ngay rằng, thật ra, cả thế gian là một cuộc khiêu vũ, và chính nhà thơ trong anh cũng thường phải làm một cuộc nhảy nhót đầy nhọc nhằn. “Vũ trường giấy trắng cô đơn anh khiêu vũ giấc mơ – Không bắt đầu từ đâu, không kết thúc nơi nào”. Một cách tương tự, tâm trạng quán xuyến trong anh khi ngồi xem cuộc thi “hoa hậu vườn nhà ta” là “mắt vui vui khúc ruột buồn buồn”. Bài thơ đọng lại ở mấy câu “Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm – Được cũng thương mà thua cũng thương”. Nhờ cái nhìn bao dung như vậy, bản thân Nguyễn Duy đã giàu lên khá nhiều. Giờ đây đến với anh, người ta không chỉ gặp những cơm bụi, cát, rau muống, rau tập tàng, cánh cò phiêu bạt… – tức những mảnh đời buồn buồn tủi tủi, mà còn có dịp cùng anh lắng nghe chuông chiều Dresden, nhận ra một Mặt Danube đỏ nhừ như say khướt bên cạnh một Danube xanh muôn thuở của Budapest. Rồi ảo giác, rồi áo trắng má hồng, rồi pháo tết… bao nhiêu là vẻ đời – có khi sặc sỡ, có khi thơ mộng, lại nhiều khi đẹp đẽ đấy mà thê thảm đấy – hiện lên như trong ống kính vạn hoa. Song dù quay cuồng hỗn loạn đến đâu thì với Nguyễn Duy, thế giới này vẫn có cái gì đó cận nhân tình, và có cái vẻ đáng yêu riêng của nó. Ngay việc vận dụng hình thức – tức việc chọn chữ, đặt câu, hình thành nhịp điệu trong thơ anh, cũng đều xuất phát từ một cách nhìn đời, một mỹ cảm nhất quán như thế cho nên cái cảm hứng chính mà tác giả muốn làm lây truyền thêm thấm thía, khi đến với bạn đọc.


Chữ lạ, người lạ
Sự tìm tòi không phải là nhu cầu của riêng ai. Đọc nhiều tập thơ xuất bản dăm bảy năm gần đây, người ta nhận thấy một ý hướng chi phối người làm thơ là họ đều muốn cục cựa, thay đổi, mỗi người mò mẫm một cách, những mong có được cách diễn đạt thích đáng về một thế giới mà họ đều cảm thấy là đang thay đổi. Hiềm một nỗi là đọc một số tập thơ loại đó, thấy người viết cứ miên man tìm kiếm, mỗi lúc một kiểu, mỗi bài một hướng, không tạm dừng lại ở hẳn một chỗ nào, làm rõ một giọng nào, kết quả là cả tập thơ vừa bề bộn vừa tẻ nhạt, đơn điệu ngay trong những tìm tòi hỗn loạn thường trực.
ở tập thơ này, Nguyễn Duy có cách tìm khác. Sau khi dò ra mạch, anh dừng lại khai thác đến cùng. Nhờ thế Về có được sự nhất trí mà ở những tập thơ của nhiều người khác, người ta thấy thiếu.
Trước tiên là ở khu vực chữ nghĩa. “Thơ là sự do dự giữa chữ và nghĩa”, “chữ bầu lên nhà thơ”, “sự say mê sáng tạo ngôn từ phải là sự say mê đầu tiên của một nhà thơ” – những tuyên bố lớn lao, không phải là mục đích Nguyễn Duy theo đuổi, song có thể anh cũng không ngại gì sự thách thức của những khái quát kiểu ấy, đơn giản là vì nếu không có điều kiện để quan tâm tới mọi khía cạnh của vấn đề hình thức thì cũng có một số phương diện của nó được anh chăm sóc tỉ mỉ, và gắng tìm tòi một cách xử lý riêng. Nói cụ thể hơn, trong nhiều sự đắm đuối đôi khi đến mức đồng bóng mà con người này nhận lấy và cho phép nó thả cửa hành mình, có sự đắm đuối đi tìm những chữ lạ, những chữ méo mó, oái oăm, song lại diễn tả được hết cái trạng thái kỳ cục của sự vật. ở đây đại khái có thể thấy hai loại. Một là có những chữ mọi người đã dùng nát ra rồi, nay được Nguyễn Duy sử dụng lại, song nhờ sử dụng một cách thích đáng lại tạo hiệu quả kỳ thú. Hai là có những chữ đọc lên ngờ ngợ, không rõ tác giả bịa ra hay nhặt ở đâu không ai biết, song lại được dùng đắc địa, người ta không ai cãi nổi. Tổng hợp cả hai loại này là cả một bản hợp xướng của những chữ lạ: “ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma”, “đàn kêu tang tảng tàng tang”, “ỡm ờ dở dói dồn ghe dạt bèo”, “Phang anh xất bất xang bang sao đành” v.v… Có nhiều bài thơ như các bài Nợ nhuận bút, Trở gió, Em đi, Gió gần như câu nào cũng có một chữ lạ đặc kiểu Nguyễn Duy như vậy. Đã bao nhiêu người tả gió, nhưng đến Nguyễn Duy, người ta mới bắt gặp một thứ “hội hóa trang” của gió, hết gió cong queo lại gió tuây huây, gió loang toang, gió vùng vằng, rồi đến gió rờn rợn và cả gió tâm thần nữa. Ngày của anh là ngày ngun ngủn, trăng là trăng rỗng tuếch (trong một câu thơ đẹp một vẻ đẹp cổ điển Đêm suông rỗng tuếch trăng tà), mây là thứ mây tướp, thời gian thì trôi thườn thượt và con người nếu không là rơm rạ, không hóa đá, thì cũng lẫn với ma, cùng là các loại người đi như xác chết trôi giữa đường. Đến đây, lại càng thấy rõ trong một nền thơ, cuộc khiêu vũ ngôn từ trải ra trên cả một vũ trường hết sức rộng rãi, có người chỉ nhảy theo nhịp cổ điển, có người thích lao vào những thể nghiệm hoàn toàn mới. Về phần mình, Nguyễn Duy ở vào giữa hai đám chúng sinh đó. Tìm đến đâu anh vận dụng ngay đến đó. Sở dĩ đôi khi anh đưa ra những chữ lạ, không phải vì anh bị chúng quyến rũ, hoặc ham chơi quá, sẵn sàng “thể nghiệm để thể nghiệm”, mà đơn giản chỉ vì phải những chữ ấy mới diễn tả hết cái vẻ riêng của thế giới anh quen hình dung. Chữ vẫn trong tay anh sai khiến.

Vẻ cao quý riêng
Những người có quen Nguyễn Duy thường tỏ vẻ thú vị, khi đối chiếu con người anh với thơ anh. Bề ngoài đó là con người lùn mập, mặt vuông, bàn chân bè, bàn tay chai sạn, mái tóc ổ rơm. Hình như đó là một thứ ngoại hình không thơ chút nào. Giải thích tình trạng ẩn tướng thú vị này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bình luận một cách thân ái “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó”.
Nói thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý, điều ấy nhiều người có thể chia sẻ. Song “chữ quý kia cũng có ba bảy đường” – tôi tưởng nên nói rõ ở đây không có sự tương phản nào hết. Ngược lại cái quý và cái lạ của thơ Nguyễn Duy là nó mang được hình hài của đám đất hoang đã nuôi dưỡng nó. Đó là một vẻ cao quý riêng, không lẫn với sự cao quý thông thường chúng ta vẫn gặp.
Có lần, nhân tả một đám học trò, Nguyễn Duy bột phát đưa ra một “tuyên ngôn” về cái đẹp: “đẹp như là không đâu vào đâu”. Quả thực, đọc thơ Nguyễn Duy rất hay bắt gặp những gì bâng quơ bất chợt, những gì hồn nhiên mà đẹp như vậy. Mà trước tiên là giọng thơ. Nhịp thơ trong Về không có cái cân xứng cổ điển. Luôn luôn nó có cái vẻ “Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” thế nào đó. ở đây người ta không bắt gặp cái ngân vang tuyệt vời trong thơ Đường mà về sau còn thấy vang vọng kín đáo trong Thơ mới. ở đây, thường khi người ta bắt gặp những trái khoáy ngang phè, những nghịch phách tương phản, mà chỉ trong âm nhạc hiện đại mới thấy, để rồi được đẩy lên, gợi một cảm giác vừa khó chịu, vừa thú vị.
Bên cạnh thơ tự do, ai cũng biết Nguyễn Duy khá “ăn chịu” với thơ truyền thống, thơ lục bát. Song có thứ lục bát của ca dao Bắc bộ nuột nà óng ả, lại có thứ lục bát của câu đố, của xẩm, dông dài, tàng tễu, ở đó con người thường thích cười cợt và chỉ thỉnh thoảng mới thoáng qua một chút rưng rưng để rồi lại tự giấu đi rất nhanh sau tiếng cười. Thơ Nguyễn Duy chính là ngả sang loại lục bát thứ hai này, nó hợp với cốt cách bình dân, bụi bặm của thơ anh, mặt khác, lại tạo được cái vẻ đẹp kỳ dị mà chỉ thơ hiện đại mới chấp nhận.

Cuộc trở về không ảo tưởng
Từ nhiều tập trước, trong thơ Nguyễn Duy đã láy đi láy lại mô-típ trở về. Sau khi chìm nổi cùng đám đông, những phút cô đơn là những phút con người này trở lại với những giá trị cội nguồn. Dù ở đâu, thì với thi sĩ, làng quê xưa cũng là một cõi nhớ. Nó là đối trọng của thành thị. Nó có chút gì đó trong sáng thanh sạch mà càng từng trải người ta càng khao khát. Chỉ có điều cần nói là nếu ở một số người (và ở chính Nguyễn Duy trong các tập trước), trở về hàm nghĩa một sự lý tưởng hóa cảnh điền viên thì giờ đây, trong cuộc trở về này, nhà thơ vẫn giữ được vẻ tỉnh táo cần thiết. Làng quê nói riêng, quá khứ nói chung, chỉ là một bộ phận hợp thành của cái thế giới kỳ cục, như quả sầu riêng “vừa thủm vừa thơm”, mà tất cả chúng ta đang phải sống. Song bởi lẽ nó là cuộc đời của mình, những kỷ niệm của mình, nên người ta vẫn có thể yêu nó bằng một tình yêu hồn nhiên nhất. Sớm mai đánh bệt trước thềm – Đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời – bài thơ Thuốc lào phác ra một tư thế hiền triết, song là cái hiền triết dân dã, đi gần tới một thứ lão thực giản dị đáng yêu.
Có thể thấy rõ tâm thế trở về của Nguyễn Duy bộc lộ rõ hơn cả trong mấy bài thơ ở cuối tập như Vợ ơi, Nợ nhuận bút, Mời vợ uống rượu, Rơi và nhặt. ở đây chúng ta bắt gặp một Nguyễn Duy tình nghĩa, có trước có sau, có lúc mê muội đắm đuối, song cuối cùng, vẫn biết trở lại với cái gì thật là của mình. Có đến hai lần, nhà thơ nói đến mái tóc ngả bạc trên vai người vợ. Có cảm tưởng ấy là những lúc con người này đang trải nghiệm tất cả: thời gian đang trôi, cuộc đời mỗi người đang ngắn lại, những ngày qua có đủ vui buồn, mà những ngày sắp tới đây như chén rượu kia cũng sẽ có đủ ngọt ngào cay đắng. Song được sống đã là một điều thiêng liêng rồi và anh tự nhủ mà cũng là nói với chúng ta: hãy biết trân trọng niềm thiêng liêng ấy.












Nguyễn Duy - Thơ






Đánh Thức Tiềm Lực

Trình bày: Nguyễn Duy 












                                                                                                              
Thủ bút Nguyễn Duy


Thân gửi Phan Nguyên

Lũ chúng tôi đến thăm ông
Vì ông đi vắng nên không có nhà
Chúc ông và cháu và bà ...
Cả lò hạnh phúc, cả nhà yên vui

Ký tên: Nguyễn Duy
Hà Dương Tường, Nguyễn Đôn Phước, Đàm Quang Minh,
Lý Trực Sơn, Nguyễn Trọng Chức






































































Nguyễn Duy & Phan Nguyên








Trái: Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Trọng Khôi, Phan Nguyên








Phan Nguyen, Nam Dao, Frank, Nguyễn Duy
tối giao thừa năm 2018


Nói chuyện với ly rượu mơ.

Sắp giao thừa,
chỉ còn vài giờ nữa qua năm mới, bạn bè chiêu nốt chút thời gian còn lại năm cũ với chai Chivas và chai rượu Mơ. Một đĩa thịt đông với dưa cải, một bát miến gà với chân giò heo hầm măng rất ngon của chủ nhà thết đãi.

Nắng chang chang cũng thịt mỡ dưa hành
Cũng có một mùa đông trong tủ lạnh 
Quạt máy xua khói nhang bay đỏng đảnh
Thiếu chút gì mà Tết vẫn như chưa (ND)

Rồi chuyện thơ văn, chuyện thời cuộc với những con người đã từng vuông chành chạnh như khúc gỗ.
Kể chuyện kẻ Bắc người Nam còn sót lại sau bao nhiêu năm chiến tranh tương tàn ... 
Ai? thủ phạm và nạn nhân ... 
Kẻ thắng cuộc, người thua cuộc rồi bỏ cuộc với nụ cười méo mó chua chát.
Mới rõ sự cực đoan quá khích ở hai đầu dây tư tưởng tả hữu thật chẳng mấy khác nhau!
Chỉ có anh chàng Gerke thi sĩ người Đức mê hát nhạc TCS thì có lạ.

Không gian phảng phất một nén hương trầm cổ tích.

Rồi tiệc rượu dần tan với giọng say ngà ngà vui của nhà thơ ND khi anh tự họa chân dung bằng một câu thơ cũ, lần đầu nghe thấy:

Mày đấy ư, như cái củ cặc gì!
Rốt cuộc lại cũng trên răng dưới dái 
Vài vần thơ ấm ớ gió mang đi 
Chút ưu ái may ra còn sót lại ...

Nghe ra một sự bất đắc chí rất vỉa hè của tác giả "Nhìn Từ Xa Tổ Quốc" và "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ"

Nhưng hương trầm đã hết.
Đang tro tàn và tan trò.
Chia tay nhau và hẹn gặp lại nhé ... Còn về cúng giao thừa nữa chứ!

Xin chào Kỷ Hợi tân niên, mong sao đất nước thanh bình hạnh phúc cho dân Việt. Thoát khỏi ách xâm lăng của giặc "lạ" phương Bắc!

Phan Nguyên,
Tối 30 Tết Kỷ Hợi 2019






































Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.