Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Lâm Thị Mỹ Dạ (1949 - 2023)












Lâm Thị Mỹ Dạ
(18/9/1949 - 6/7/2023)
Thọ 74 tuổi
Nhà thơ
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.







Tiểu sử

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình,
Năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du.
Sau đó bà làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương (của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế).
Lâm Thị Mỹ Dạ là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
 Chồng bà – Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn, nhà thơ có tiếng ở Việt nam














Lá cờ trắng


Tôi
Sa mạc
Trước thơ

Trong tôi
Những ốc đảo
Không còn

Không cầu mong mưa
Không cầu mong nắng

Cảm xúc
Đóng băng
Trống rỗng

Trước thơ
Tôi trắng sa mạc
Và tuyệt nhiên
Không còn khát

Tôi cất giấu hồn lửa
Nhưng không chờ đợi sự
bùng cháy

Thơ cao sang thánh thiện
của tôi ơi,
Tôi sa mạc mênh mông
hoang lạnh
Tự thiêu chính mình
Giơ cao lá cờ trắng
Trước thơ

Mồng một Tết - 2004











Tác phẩm chính







1
Trái tim sinh nở
(thơ, 1974)






2
Bài thơ không năm tháng
(thơ, 1983)






3
Danh ca của đất
(truyện thiếu nhi, 1984)






4
Nai con và dòng suối
(truyện thiếu nhi, 1987)






5
Phần thưởng muôn đời
(truyện thiếu nhi, 1987)






6
Hái tuổi em đầy tay
(thơ, 1989)






7
Nhạc sĩ Phượng Hoàng
(truyện thiếu nhi, 1989)






8
Mẹ và con
(thơ, 1994)






9
Đề tặng một giấc mơ
(thơ, 1998)






10
Cốm non
(thơ, 2005)






11
Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi
(2006)






12
Hồn đầy hoa cúc dại
(thơ, 2007)






13
Khoảng trời - Hố Bom
(thơ, 1972)











Một tập thơ gồm 56 bài do bà tự tuyển chọn trong những tập thơ đã xuất bản của mình được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành năm 2005.









Màu phố Phái


Người đi chợ tết mua gà thật
Tôi mua gà đất tuổi thơ tôi
Gà đất bây chừ nằm trong đất
Tiếng gáy còn tươi rộn giữa trời

Chợt thấy cầu vồng sà trước mặt
Trăm loài hoa đẹp nói lời mơ
Thấp thoáng trong hoa thiên thần nhỏ
Em gái mắt đen phấp phổng chờ...

Đôi lúc tâm hồn màu phố Phái
Tĩnh lặng ngói rêu, tĩnh lặng tường
Sớm nay thời tiết như mười bảy
Tở mở lá cành ngơ ngác hương.











Thông tin thêm

Cha Lâm Thị Mỹ Dạ – ông Lâm Thanh đã từng tham gia Việt Minh và đến năm 1949 vào Sài Gòn sinh sống, năm 1954, ông định đưa cả gia đình vào đây nhưng vợ ông, bà Lý Thị Đấu không thể mang Lâm Thị Mỹ Dạ đi theo được vì phải chăm sóc mẹ già và em gái. Mặc dù sau khi đất nước thống nhất ông đã được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì đã có công với cách mạng trong thời gian sinh sống ở Sài Gòn, nhưng do hoạt động bí mật nên trong suốt thời gian trước đó, ở quê ông bị hiểu lầm là "theo địch vào Nam". Mẹ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng học tiểu học bằng tiếng Pháp, thời còn trẻ đã từng bán hàng cho các đồn lính Pháp nên khi cải cách ruộng đất bà bị nghi là gián điệp do "địch cài lại". Do cha bị hiểu lầm là đầu hàng địch, cộng thêm với việc ông nội là đại địa chủ nên trong những năm tuổi thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ bị bạn bè, người quen nghi kỵ, xa lánh. Mặc dù đã học xong cấp III nhưng bà không được học tiếp bậc cao hơn do vấn đề lý lịch.


















Bức tường đen *


Người mẹ Mỹ đưa bàn tay run rẩy
Tìm tên con giữa hàng vạn tên người
Bức tường đen - những linh hồn chết
Những cái tên - những con người
Những cuộc đời
đã biến thành khói
đã biến thành bụi
đã biến thành gió
đã biến thành sương
đã biến thành vết thương
Trong ngực bà - người mẹ Mỹ!

Tôi đưa tay
Sờ lên từng cái tên
Sao nghe lòng nhói buốt!

Có phải
Tôi đã đến đây bằng trái tim người mẹ
Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con
Có phải
Tôi đã nhập thân vào người mẹ ấy
Người mẹ khóc con suốt mấy mươi năm
Giọt nước mắt héo khô nhưng không bao giờ cũ
Rơi xuống những bông hoa mỏng manh tưởng niệm
Giọt nước mắt như giọt lửa
bỏng rát
mẹ vẫn khóc cho anh
Người lính Mỹ bị tổng động viên
vào Việt Nam trong chiến tranh

Mỗi mùa xuân
Bà mang hoa đến tặng con mình
Bàn tay từng ngón
Sờ vào tên con
Người con trai 19 tuổi
Những bông hoa mười chín tuổi,
Những bông hoa của mẹ
Con ơi, hãy cầm lấy đi...
Bà tưởng tượng...
mắt khẩn cầu, năn nỉ
Rồi cất lên tiếng gọi dịu dàng
Bà gọi tên con
Phập phồng, hy vọng
Bà gọi tên con khát khao trông ngóng
Doney sẽ bước ra - đầu áp ngực bà
khuôn ngực đã cất giấu
Một trái tim
Nặng hơn quả đất!

Và bóng chiều nghe tiếng bà kêu
Tiếng kêu ngọt ngào, thiết tha, ức nghẹn
Con ơi! Doney L.Jackson ơi,
Mẹ có mang theo bánh sandwish
Thứ bánh ngày bé thơ con rất thích đây này!

Ở đây chỉ có một màu đêm
Những bình minh đã chết
Tuổi trẻ đầu xanh đã chết
cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết
Những tâm hồn tắt lặng...
Nhưng
Hãy nhìn xem
Những tên người đang chảy máu
Hãy nhìn xem
Những tên người đang chảy máu
Hãy nhìn xem
Bức tường đen như một vết thương
Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ
Nhức nhối
không bao giờ thành sẹo
Washington D.C, Huế - 2000

----------------------------
* Bức tường đen đặt ở Washington D.C, ở đó có khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến ở Việt Nam










Lâm Thị Mỹ Dạ: Muốn có thơ hay, phải sống thật với chính mình


Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ về cuộc sống hiện tại và thơ ca...




Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ về cuộc sống hiện tại và thơ ca...

* Chị quan niệm thế nào về cuộc sống và hạnh phúc?

- Cuộc sống đa dạng, và mỗi người có một quan niệm riêng về nó. Tôi yêu cuộc sống, dẫu số phận mình không được suôn sẻ. Cuộc sống rất đẹp, đẹp trong sự rực rỡ hạnh phúc và cả trong đau khổ, cô đơn. Cuộc sống giàu có cho tôi nhiều cảm xúc trong sáng tạo. Yêu cuộc sống để làm những gì mà mình thấy có thể làm được cho cuộc sống đẹp hơn, đó chính là quan niệm của tôi.

Tôi quan niệm hạnh phúc theo từng giai đoạn: tuổi thơ - tuổi trẻ - và tuổi về chiều. Khi còn bé, hạnh phúc của tôi là được mẹ bế ẵm, mua quà bánh và đồ chơi thật nhiều. Khi đã là người trưởng thành, hạnh phúc của tôi là được cống hiến cho lý tưởng mà mình tâm nguyện, là được các chàng trai để mắt, là soi gương thấy gương mặt mình thật sáng tươi, rạng rỡ, là những bài thơ được bạn đọc xa gần yêu thích, mến mộ...

Còn bây giờ khi tuổi đã về chiều, với hoàn cảnh tương đối khó khăn như tôi hiện nay, chăm sóc người chồng bị liệt gần 8 năm và người mẹ già 83 tuổi (tôi có 2 con gái, các cháu đã vào sống và làm việc ở Sài Gòn) thì hạnh phúc của tôi là có sức khỏe, không đau ốm để còn gánh vác gia đình. Ước mơ đơn giản vậy thôi nhưng cũng không dễ chút nào.

* Người phụ nữ làm thơ, làm vợ và làm mẹ như chị thường phải trăn trở những gì?

- Ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là tôi có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom... Tôi đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều. Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Tôi phải phân thân ra thành nhiều con người, và khổ một nỗi là ở vai trò nào mình cũng phải cố hoàn thành cho thật tốt.

Tôi đã cố gắng sống và nhiều khi kiệt sức. Khi trong gia đình có người thân đau ốm không đi lại được, tôi phải gánh vác tất cả mọi chuyện. Thời gian của tôi bị xé vụn ra từng mảng, tôi ít khi được ngồi để suy ngẫm về thơ và về sáng tác thơ. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn.

Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh, tìm kiếm, trăn trở, dằn vặt không nguôi nên có lúc tôi đã giương cao cờ trắng đầu hàng thơ (bài thơ Lá cờ trắng).

* Vậy chị quan niệm thế nào về thơ?

- Tôi nhớ ngày còn bé, lúc ấy tôi chưa đi học, có một buổi sáng mải chạy đuổi theo con chuồn chuồn đỏ, tôi bị trượt ngã. Khi ngồi dậy, vô tình bàn tay tôi chạm vào ngực mình. Tôi hoảng hốt nhận ra ngực mình có tiếng đập lạ. Tôi chạy nhanh về nhà, đưa tay sờ lên ngực mọi người, rồi lắng nghe. Khi biết chắc trong ngực ai cũng có những tiếng đập như vậy, tôi mới hết lo và thở phào nhẹ nhõm...

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi biết mình có một trái tim. Tôi đã sống bằng trái tim đó, trái tim lần đầu được biết bằng sự đi tìm cái đẹp, màu đỏ của con chuồn chuồn ngày thơ dại. Và tôi không ngờ rằng, chính con chuồn chuồn ớt ngày ấy là thứ ánh sáng của tín sứ đã dẫn dắt tôi đi vào cõi thơ huyền diệu, lạ lùng...

Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ.

Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết.

Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình.











Chợ tuổi thơ


Tuổi thơ xa lắc phiên chợ làng
Ngày bé qua sông, cầm áo mẹ
Nấm, rau, tôm cá tươi xanh quá
Gạo nếp dâng đầy kẻ lại qua

Tôi đi ngơ ngác buổi chợ mai
Ổi, thị, sim, dâu thơm bước ai
Tò mò thấy một ông già lạ
Đầy tay chùm quạt, đi đi hoài

Chào mời luôn nào có ai mua
Còng lưng làm quạt đã bao mùa
Ông già áo gụ, chòm râu lụa
Đi mấy vòng rồi, chợ đã trưa

Dừng bước ông già bán quạt ơi,
Cho mua vài chiếc để bày chơi
Ông già thật giọng, nhìn tôi nói:
- Cháu chỉ nên dùng một chiếc thôi!

Tiền mẹ cho mua mấy thứ quà
Tôi mua hết quạt cho ông già
Ôm bao ngọn gió lòng vui sướng
Mỗi bước nghe hồn reo tiếng ca

Bây chừ xa lắc chợ tuổi thơ
Mùi quả, mùi rau thơm đến giờ
Cá tôm còn nhảy long tong nước
Tôi còn bé nhỏ mỗi lần mơ...

Bây chừ xa lắc buổi chợ mai
Tuổi đã nghiêng chiều, tóc đã phai
Hỡi người bán quạt giờ thiên cổ
Sao gió trong tôi cứ thổi hoài!






















Hoàng Phủ Ngọc Tường & Lâm Thị Mỹ Dạ










Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.