Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Hoàng Đăng Nhuận (1942 - 2021 )













Hoàng Đăng Nhuận
(1942 - 2021)
Thọ 79 tuổi
Họa sĩ









Sinh năm 1942 tại Huế
Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam
Tranh tham dự triển lãm tại Mỹ, Pháp, Hồng Kông, Singapore. Có tranh tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore.

Địa chỉ Gallery Chiêu Ê, 89 Minh Mạng, Huế, Việt Nam - ĐT: (0080) (0) 54 3885014.







Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế, hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Vốn say mê và có năng khiếu hội họa từ thời niên thiếu nên mặc dù không theo học mỹ thuật một cách trọn vẹn ở nhà trường như phần lớn các họa sĩ khác, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận vẫn thành danh nhờ có một chuổi dài tháng năm tự miệt mài nghiên cứu, học hỏi và sáng tác. Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có một thời trai trẻ sống lang bạt trên nhiều miền đất nuớc. Từ những thị trấn miền Trung khốn khó với biển xanh cát trắng đến vùng cao nguyên của cây ngàn, gió núi hoặc phương Nam phóng khoáng tình người. Những nơi chốn anh qua, những vòng tay bạn bè thân ái, những cuộc tình đến rồi đi... đều trở thành vốn sống bền bỉ của khổ đau, hạnh phúc nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo trong anh. ”Tất cả những chất liệu của anh là ở đó, và tất cả phương cách tạo hình cũng đã được tìm kiếm, khai phá từ đó. Thanh lọc thế giới không bằng kích thước và cách nhìn cổ điển nữa, tất cả đều được thu nhận qua cánh cửa trực giác và tình cảm, quay mình lại với bên ngoài để chạm cùng vào những sâu thẳm của tâm hồn...” 
(Huỳnh Hữu Ủy, 1971).










Tác phẩm tiêu biểu








































Chặng mới của Hoàng Đăng Nhuận


Sau hơn năm tháng bị tai biến, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đang dần hồi phục. Ý thức sống là sáng tạo đã thôi thúc người nghệ sĩ. Và như vậy, toan đang căng trở lại, màu cũng đã sẵn sàng.

Đâu như Albert Camus trong cơn bệnh có nói: “Bệnh tật là một dòng tu kín”. Hy vọng rằng trong ngọn lửa sáng tạo nhen lên lần này, Hoàng Đăng Nhuận có thêm nhiều trải nghiệm mới trong “dòng tu kín” của mình.


Cỏ lau bên thành cổ


Đầu những năm 1970, ở Đà Lạt có một gã họa sĩ đi từ Huế đến. Những nét hoang dã và văn minh hội tụ trên người gã, hiện rõ trên khuôn mặt vừa tươi cười, vừa nghiêm nghị. Một người bạn đã giới thiệu tên của gã họa sĩ ấy là Hoàng Đăng Nhuận trước khi tôi và người mới gặp ngồi im lặng bên ly cà phê trong quán nhỏ dọc đường. Từ hôm đó, tôi thỉnh thoảng gặp lại Nhuận, không phải trong nhà, mà trên những con đường.
Hồi ấy, Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy mà Nhuận thường đi dưới nền trời Đà Lạt quanh năm xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong đầu những bức tranh mới. Những bức tranh mới chỉ ra đời trên toile với những gam màu lạnh thường xuất hiện ở mái nhà này hay mái nhà khác, những nơi mới quen và có lòng mến Nhuận.
Một trong những bức tranh mới sẽ được bán với giá rẻ để đổi lấy cơm chợ, bánh mì, thuốc lá, toile, màu và đôi khi là một chuỗi hạt cườm cho người nữ sinh đã liều lĩnh yêu chàng họa sĩ lưu lạc này.
Nhưng những điều vừa kể trên chưa tạo ra lộ trình tình cảm để tôi đến với Nhuận, rồi được nghe Nhuận kể đôi nét về con đường dẫn Nhuận vào thế giới của hội họa, con đường đậm nét gian nan, đam mê và ý chí con người. Tình cảm mà tôi và nhiều người khác ở Đà Lạt ở thế kỷ trước dành cho Nhuận dường như từ hai và hơn hai bức tranh của Nhuận.


Của một người đã tới


Bức tranh thứ nhất có tên gọi Đợi chờ. Ở Đợi chờ, tôi còn nhớ một khung cửa, một mặt bàn nghiêng xuống bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra khoảng không gian lá vàng và những dấu hiệu bạo tàn của chiến tranh. Đợi chờ gì? Tôi đã có lần hỏi Nhuận giữa đêm khuya thèm thuốc lá và cà phê, nhưng Nhuận chỉ gượng cười, không nói.
Bức tranh thứ hai là Những người đi mua không khí có gam màu xám, nền trời xám, khuôn mặt người màu xám và chai lọ đợi đựng không khí để đem về nhà thở cũng màu xám. Có thêm cơn mưa xám ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bán không khí.
Sau năm 1975, đời sống của gã họa sĩ ngày xưa bắt đầu dễ thở, rồi theo chuyện kể của nhiều người, anh ta trở nên giàu có. Xe mới, nhà mới đến một phần từ tranh được bán với giá cao, chưa kể những cuộc triển lãm cá nhân ở cả trong và ngoài nước. Nghe vậy những người quen xưa của Nhuận đều mừng, nhưng có người lại hỏi bây giờ Nhuận vẽ ra sao, vẫn theo lối vẽ pointillisme (kỹ thuật tạo hình phát triển ở Pháp hồi cuối thế kỷ XIX, vẽ bằng những chấm li ti như một cách pha trộn màu) hay đã thay đổi?


Hoàng Đăng Nhuận sau cơn bạo bệnh-
ký họa bút sắt của Phan Ngọc Minh (tháng 7-2009)

Đổi thay lối vẽ là chuyện bình thường của người sáng tạo, nhưng sự thay đổi này đem lại những bức tranh như thế nào khiến Nhuận bán được giá cao như thế? Những câu hỏi trên vẫn ở trong đầu tôi lúc tôi đến gặp Nhuận sau mấy mươi năm xa cách. Tại “tháp ngà” của Nhuận, gồm chỗ ở sang trọng, phòng vẽ sang trọng, hôm ấy anh đang ngồi giữa nhiều bức tranh mới và… rượu tây!
- Ông xem bức tranh mới vẽ xong này, thú vị lắm! - Nhuận nói sau cái bắt tay, nhìn nhau với ánh mắt vừa gần gũi, vừa xa lạ.
- Thú vị không? - Nhuận lại hỏi khi tôi còn ngập ngừng.
- Này, tôi nói cho ông biết nghe! - Nhuận trở nên nghiêm nghị sau lúc tươi cười - Ông đừng tưởng cách sống thay đổi thì tranh tôi không thú vị nghe!
- Tôi không nghĩ như vậy, nhưng còn bận nghĩ đến một bức tranh của ông đang treo trước hiên nhà. Nơi đó là một không gian hồng vàng, một hậu cảnh im lặng, một chiếc ghế chưa có người ngồi. Bức tranh ấy gợi cho tôi về Nhuận ở thế kỷ XX. Tranh thường thiếu bóng người nhưng vẫn gợi nên sự có mặt của con người qua cửa sổ, bậc thềm vắng chẳng hạn.
- À! Đó là bức Của một người đã tới. Còn những bức tranh mới vừa rồi, ông cứ tiếp tục nhìn.
Nhuận nói và tôi nghĩ đến sự ra đời của cái mới. Có những cái mới được đón nhận ngay lúc sơ sinh và có những cái mới khác chịu những ánh mắt bình thường của người thưởng ngoạn, chịu như thế cho đến lúc người họa sĩ qua đời. Đến lúc ấy, những bức tranh ấy sẽ bật sáng lên.

Theo LÊ VĂN NGĂN






Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận:
 “Hội họa là ngôi nhà ở đời của tôi…”


Quyết định lui về ở ẩn trong một căn phòng nhỏ cách xa thành phố ồn ào, bụi bặm, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đang sống, vẽ và hồi tưởng những kỷ niệm đã qua trong cuộc đời mình…




Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận bên tác phẩm của mình


Bước chân vào căn phòng ấy, có cảm nhận, đó là thế giới của riêng ông. Những di vật, bút tích của bạn bè, những bức ảnh đen trắng của một thuở nào đó rất xa xăm, đã mờ bụi thời gian, nằm yên ắng trên bức tường loang lổ…

Với một chút chạnh lòng, một chút xót xa, một nỗi buồn rất mơ hồ, ông nở nụ cười: “Đã qua rồi thời trai trẻ, cũng phải chọn cho mình một nơi chốn bình yên…”. Thời gian đi qua trên đôi mắt, trên mái tóc, trên cả đôi bàn tay, chỉ có trái tim người nghệ sĩ trong ông là vẫn trẻ, vẫn đập những nhịp đầy yêu thương và ông muốn tiếp tục định hình nỗi đam mê ấy với toan, cọ và sơn mài.

Chính trong căn phòng lặng lẽ ấy, những bức tranh mới ra đời, rộn ràng sắc màu, thoát ra khỏi chiếc áo đẫm màu cô độc của thời trai trẻ. Ông cũng thừa nhận rằng khi những ám ảnh của tuổi già ùa tới là lúc ông cảm thấy yêu cuộc sống, yêu tuổi trẻ hơn và khao khát vô cùng một nơi trú ngụ yên bình cho trái tim. Hẳn cũng vì nỗi khao khát ấy mà tranh ông dẫu có xao xác chút niềm vui thơ trẻ vẫn không vượt qua được nỗi sầu muộn vô hình ám ảnh trong tâm thức. Thoang thoảng đằng sau những khối màu tươi tắn là bão, là dông, là đôi mắt đăm chiêu đang tự vấn chính mình.

Nói đến Hoàng Đăng Nhuận, người ta nhớ ngay đến một thế hệ những người nhạc sĩ tài hoa như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, những cây cọ đầy góc cạnh như Đinh Cường, Bửu Chỉ… những nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Lê Văn Ngăn… Hoàng Đăng Nhuận là một trong những người hiếm hoi còn lại của thế hệ ấy. Giàu có, nổi tiếng với ông đều là chút mộng phù du, nên ông chỉ xin chính là mình với nỗi đam mê của một thời trai trẻ trong căn phòng nhỏ bé.

Những ngày trước giải phóng, khước từ trọng trách trở thành nhà kinh doanh mà cha mẹ của mình đặt nặng lên vai, ông lang bạt từ Sài Gòn lên Đà Lạt, làm đủ nghề kiếm sống chỉ để hoàn thành ước nguyện được vẽ. Từ cuộc triển lãm đầu tiên từ năm 1969 tại Đà Nẵng, Hoàng Đăng Nhuận đã thực sự bước vào cuộc sống bằng bước chân của người nghệ sĩ. Không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng ông đã tự khẳng định mình qua 15 cuộc triển lãm cá nhân ở các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ)…

Ở đâu người ta cũng đón tiếp ông, thưởng thức tranh ông bằng sự trân trọng. Những cơ hội ở lại nước ngoài mở ra trước mắt nhưng ông khước từ tất cả, bởi không đâu bằng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ông trở về trú ngụ nơi góc khuất yên bình ở con đường Nguyễn Thiện Kế trong nội thành của cố đô cổ kính, rêu phong. Về sau, ông lại lui tiếp đến đồi Thiên An với một phòng tranh có tên là lạ, dễ thương là Galery Chiêu Ê.

Dạo ấy, tranh ông thấm đẫm nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn xanh rờn hơn cả cỏ cây, đỏ tươi hơn cả màu ngói và tím ngát màu thời gian. Nỗi cô đơn ấy như một vệt màu vô tình dây ra giữa một khối màu rực rỡ mà kéo dài bất tận, mà ám ảnh khôn nguôi. Xem Đốm nhà, Bãi vắng, Một thời nào, Rèm cây hay Mưa phùn… mới cảm nhận sâu sắc nỗi muộn phiền của chàng trai trẻ ấy.

Mỗi bức tranh là một cuộc độc thoại âm thầm mà đầy day dứt với những chuyến phiêu lưu không kỳ hạn trong thế giới tâm linh đa sầu, đa cảm. Những khung cảnh mờ ảo phiêu diêu cổ tích, những vệt màu mong manh, những đốm rạn nứt như kéo người xem tranh vào một cõi u linh, huyền bí nào đó mà tâm thổn thức với những nỗi buồn siêu thực.

Một nỗi buồn hoang vắng và lạnh lẽo như thể phủ đầy sương. Cũng trong chính thời gian ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những cảm nhận về tranh ông: “Tranh Nhuận là những tấm thảm nhiều màu, thiếu vắng hoàn toàn hình thể. Với một khối lượng màu khá đông đảo trên mỗi bức tranh, tôi đã ngạc nhiên thấy rằng tranh Nhuận không hề có cái vẻ rực rỡ của những mùa nắng ở miền nhiệt đới. Tôi bỗng đâm ra hồ nghi về một mối phiền não hay tai ương nào đó đang ẩn kín đâu đó trong đời Nhuận”.

Nhiều bức tranh của ông thấp thoáng dáng phố. Một dáng phố mỏng manh sau sương sớm, một dáng phố cô đơn và lặng lẽ đến chạnh lòng. Phố hẹn, Phố chờ, Phố má hồng hay Địa chỉ của những cô gái đa tình… đều là con phố kỷ niệm của ông.

Khi mới bắt đầu vẽ, ông chịu ảnh hưởng nhiều của tranh Klee. Lại có thời gian, cỏ cây trong tranh ông mang chút ít dáng dấp của Monet. Thế rồi, ông nhanh chóng thoát ra khỏi nó, không còn thanh lọc thế giới bằng cách nhìn cổ điển nữa, mà nhìn sự vật bằng đúng bản chất, hiện tượng của nó thông qua cái nhìn của người nghệ sĩ nhạy cảm, đầy tinh tế.

Từ đó, ông chọn cho mình một lối đi riêng, mộc mạc, chân thành mà vẫn rất sang trọng, quý phái và được người thưởng thức tranh trên thế giới công nhận. Một loạt tranh vẽ trong thời gian đó đã tạo nên dấu ấn Hoàng Đăng Nhuận tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Về sau, ông không còn vẽ được những bức tranh mượt mà, buồn mà yểu điệu, thướt tha như thế, mà chính ông cũng chẳng lý giải nổi.

Những người yêu nghệ thuật hội họa không còn được hội ngộ với một Hoàng Đăng Nhuận với những bức tranh “độc” với những cái tên lạ lẫm kín đáo gợi mở thế giới sâu thẳm của tâm hồn như Đôi khi hạnh phúc buồn, Chiều lên tháp cao nhìn qua phố vàng cũ kỹ, Trong lòng tôi có cơn bão hay Đoàn người đi mua không khí… nữa.

Tranh của ông rẽ sang một hướng khác, vẫn mang dáng hình của nỗi cô đơn ấy mà rộn rã sắc màu, thấp thoáng chút nắng của miền nhiệt đới và niềm vui mong manh như những vệt màu lặng lẽ. Có lẽ, nỗi ám ảnh về tuổi già đang xồng xộc lao tới đã làm ông yêu tha thiết cái sắc màu và nhịp điệu tươi vui của cuộc sống. Sau những cuộc triển lãm đầy ấn tượng, một thời gian dài, ông lui về với thế giới tĩnh lặng của riêng mình ở căn phòng nhỏ tận đường Nguyễn Sinh Cung (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), âm thầm vẽ và ôm ấp những ký ức của thời trai trẻ.

Gần đây, người ta lại thấy Hoàng Đăng Nhuận “tái xuất giang hồ”. Mở đầu là cuộc triển lãm tranh Mùa xuân mừng Xuân Đinh Hợi 2007, sau đó là cuộc triển lãm tranh chào mừng 90 năm ngày thành lập trường Nữ sinh Đồng Khánh và mới đây nhất là cuộc triển lãm của các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế. Trong loạt tranh mới của ông, tuyệt nhiên không thấy màu rêu phủ, không thấy màu thạch thảo xanh xám buồn thảm, không những khu phố phủ trắng sương, không những vệt màu vung vẩy nhiều tâm trạng. Chiều đơn dương hay Phượng ơi đừng buồn… đều trong trẻo và rạng rỡ như đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác giữa phố phường tấp nập.

Giữa thế giới rộn rã sắc màu ấy, bức Trăng dã tràng nhã nhặn, mượt mà bỗng nhiên gợi lại dáng dấp của một Hoàng Đăng Nhuận quý phái, sang trọng trong nỗi cô đơn riêng mình của thập niên trước. Chính ông cũng thừa nhận rằng giai đoạn này, trong ông lại xuất hiện những ám ảnh của thời trai trẻ. Người ta vẫn bảo: “Đi có nghĩa là về”. Có lẽ, trên hành trình nghệ thuật, ông đang trở lại là mình của những ngày tháng cũ. Mong rằng, với sự trở về ấy, ông sẽ bắt gặp chính mình với nụ cười mãn nguyện, nụ cười của một kẻ cô đơn đã tự nhận: Hội họa là căn nhà ở đời của tôi…”.

(Theo DNSGCT)







Hoàng Đăng Nhuận, vẫn màu son tươi ấy

Chiều trên quê hương tôi
nắng phơi trên màu ngói non tươi
(Trịnh Công Sơn)




Hoàng Đăng Nhuận
Bửu Chỉ vẽ



Thế nào rồi tôi cũng bắt gặp những vết son tươi- màu đỏ vermillon- trên những mái phố, trên nhiều điểm nhỏ li ti khác nữa trong tranh của Nhuận, cả chữ ký Nhuận cũng hay dùng màu đỏ ấy. Và thời gian, đời sống của một đời người, có lúc đổi thay, người họa sĩ tài hoa lang bạt đã tạm dừng lại vì một cơn bệnh bất ngờ, tai biến …và lại thời gian, bất chợt mùa hè qua tôi lại về thăm bạn, vui mừng thay thấy những tấm tranh mới được treo lên, và tất nhiên đập vào mắt tôi trước nhất vẫn màu son tươi ấy, màu son trên những mái nhà … lần này có thêm những mảng màu rực sáng hơn, cô con dâu nói: cháu nói ba cháu vẽ tươi hơn ,( Thu Thanh tên người con dâu hiếm có, luôn lo chăm sóc cho Nhuận ) không như ngày xưa : Nhuận từ một thiên nhiên tự do sầu muộn nào phía cỏ cây Đà Lạt trở về chưa hết mùi cô độc. Nhuận lưu tuyến thầm lặng, vẫn cúi sát mặt xuống mảnh đất của mình chăm lo từng kỷ niệm (Thái Bá vân- Hoàng Đăng Nhuận - Sở VHTT Thừa Thiên Huế 1991). Chăm lo kỷ niệm là Nhuận, nhớ không đầu những năm 70, những ngày tháng lang thang Đà Lạt sương mù, có lúc ngồi bán cà phê trên mấy bực tầng cấp trước khu chợ Hoà Bình, như Phạm công Thiện đã đi bán những bài thơ vừa làm xong qua các quán cà phê ở Geenwich Village thành phố New York thời mới hơn hai muơi tuổi đầy đắm say, đói rả, mộng mị ….Hồi ấy Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy chăng nên Nhuận thường đi dưới nền trời quanh năm thường xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong lòng những bức tranh mới …Tình cảm mà tôi và nhiều người khác ở Đà Lạt ở thế kỷ trước dành cho Nhuận dường như từ hai và hơn hai bức tranh của Nhuận . Bức tranh thứ nhất có tên gọi” Đợi chờ.” Ở “Đợi chờ”, tôi còn nhớ một khung cửa, một mặt bàn nghiêng xuống bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra khoảng không gian lá vàng và những dấu hiệu bạo tàng của chiến tranh. Đợi chờ gì ? Tôi đã có lần hỏi Nhuận giữa đêm khuya thèm thuốc lá và thèm cà phê, nhưng Nhuận chỉ gượng cười không nói. Bức tranh thứa hai là “ Những người đi mua không khí “, gam màu xám .Khuôn mặt người màu xám. Chai lọ được đựng không khí để đem về nhà thở cũng màu xám. Và có thêm cơn mưa xám ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bàn không khí.( Lê văn Ngăn –Nghĩ về một họa sĩ còn sống- Tạp chí Sông Hương online ). Cơn mưa xám ở cuối chân trời kia vẫn còn thấp thoáng trong tranh của Nhuận nhiều năm sau này. Là cõi tịch lặng muôn trùng. Có lần ngồi với Nhuận trước bao lơn cà phê Chiêu Ê nhìn trận mưa rào buổi trưa, nhắc lại một thời giang hồ cũ, nhắc lại lần Sơn và tôi ghé thăm Nhuận trong căn nhà ở khu Thanh Bồ- Đà Nẵng, căn nhà nằm giữa rừng dừa bên cạnh con lạch thỉnh thoảng có ghe thuyền lui tới . Chỗ ở thanh tịnh như một thảo am, Trịnh Công Sơn nói . Bây giờ thì Nhuận lại lui về thảo am, nơi căn nhà ngói nhỏ mới xây sau này để làm xưởng vẽ, có bức tường gạch lớn đầy chữ ký bạn bè khi ghé thăm Nhuận ( căn nhà lớn phía trước là quán cà phê- galerie Chiêu Ê, do vợ chồng người con trai chăm lo, quán nằm trên đường Minh Mạng đi lên phía đồi Thiên An và các lăng tẩm Huế ).



Chỗ một người đã tới
sơn dầu trên bố 30 x 40 cm
2011

Xê dịch nhiều, thay đổi nhiều nơi làm chỗ vẽ, có thời gian về xa dưới phía Vỹ Dạ, có lẽ thân thiết hơn với Bửu Chỉ ở thời kỳ này. Hai bạn làm chung cuộc triển lãm tại Galerie Vĩnh Lợi Sài Gòn năm 1997. ( Sau đó lại trở thành sui gia ,vui biết bao, khi hay tin cháu MiSa cô con gái út Nhuận thương lắm, hay để ngồi lọt thỏm trong cái ba-ga phía trước chiếc xe đạp mini chở qua thăm tôi trong Thành Nội, nay là vợ cháu Phương con trai đầu của Bửu Chỉ - Tường Vi ).



Studio Hoàng Đăng Nhuận
Chiêu Ê, Huế



Kỷ niệm đáng ghi nhớ là chuyến đi Paris của Nhuận năm 1990 với hai cuộc triển lãm: tại trụ sở Unesco và tại Nhà Việt Nam vào tháng 6 …”Tôi viết mấy dòng này hôm cuộc triển lãm ở Unesco vừa được khánh thành. Trưng bày được 50 bức tranh giữa kinh đô Pháp, ở một nơi đông đảo nhất dân ngoại quốc tứ xứ, là một hân hạnh rất lớn cho nhà nghệ sĩ. Mặc dầu lễ khánh thành kéo dài hai tiếng đồng hồ, người ra kẻ vào liên tục, lúc bài diễn văn khai mạc và giói thiệu họa sĩ được đọc ra, cũng khoảng trên dưới 80 khán giả bao quanh anh Nhuận để khen ngợi các tác phẩm của anh ...” ( Võ Quang Yến – Hoàng Đăng Nhuận giữa Paris – Đoàn Kết số 425 tháng 7 và 8.1990 ) . Cao Huy Thuần thì nhận xét : “ Bước vào phòng triển lãm ở Unesco người thưởng thức ngợp trong màu tím. Cả một loạt tranh của Nhuận được vẽ bằng màu tím. Ảnh hưởng của Huế ? Màu của thời gian ? Màu của hoàng hôn ? Màu của bâng khuâng? Có thể là tất cả, và tất cả đã gợi lên một không khí rất Huế, một nỗi buồn man mác của Nam Ai, và màu tím đã khiến cho Nhuân thành công, bởi vì Nhuận đã tạo ra được một nét lạ nơi những hình dáng rất quen của quê hương .( Hoàng Đăng Nhuận - Sở VHTT Thừa thiên Huế 1991)




Hoàng Đăng Nhuận - Đinh Cường
galerie Chiêu Ê , Huế 2008


Quê hương - Huế và Hoàng Đăng Nhuận là một .và nghệ thuật và cuộc đời có là một giấc mộng như lời Nhuận nói: … Nghệ thuật hiện đại cho ta đôi khi cảm tưởng rằng cuộc đời là một giấc mộng và những giấc mộng cũng là một giấc mộng …( Hoàng Đăng Nhuận – Sở VHTT Thừa Thiên Huế 1991) .

Là giấc mộng thôi, như vệt son tượi nơi chiếc ghế kia, bức tĩnh vật mới vẽ mà Nhuận nói rất thích, treo riêng trong phòng mình và đặt tên “ Của một nguời đã tới 2 “ Ai đã ngồi nơi chiếc ghế ấy năm xưa Nhuận ơi .

Virginia, 25 Nov. 2011
ảnh Võ Xuân Huy






Chùm tranh Hoàng Đăng Nhuận


Phố I
sơn dầu trên bố 30 x 40 cm
2011


Phố II
sơn dầu trên bố 30x 40 cm
2011

Phố III
sơn dầu trên bố 30 x 40 cm
2011


Phố IV
sơn dầu trên bố 30 x40 cm
2011





Hoàng Đăng Nhuận
Sinh năm 1942 tại Huế
Họa sĩ tự học
Hội viên hội Nghệ Sĩ Tạo Hình Việt nam



-1969 Triển lãm tại Nha Trang
-1971 Triển lãm tại Đà Nẵng cùng Tôn Thất Văn , Đinh Cường
-1972 Triển lãm tại Dolce Vita – Saigon cùng Rừng
-1974 Triển lãm tại Đà Lạt cùng Trần Hoài
-1980 Tranh được Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam sưu tập
-1985 Triển lãm cá nhân tại Hà Nội
-1988 Triển lãm cá nhân tại Huế
-1990 Triển lãm cá nhân tại Unesco – Paris
-1997 Triển lãm tại Galerie Vĩnh Lợi – TPHCM cùng Bửu Chỉ 



















Nguyễn Hải Chí, Phạm Nhuận, Trịnh Công Sơn, Công Thế Cường, Hoàng Đăng Nhuận






Hoàng Đăng Nhuận, Phan Nguyên, Bửu Chỉ
Huế 1998






Huế 1998









Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.