Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Vũ Ngọc Tiến (1946 - 2024)












Vũ Ngọc Tiến
(1946 - 2024)
Nhà Văn
hưởng thọ 78 tuổi









Đời ơi, người nợ hay ta
Nếu ta chủ nợ, thì tha cho người

Sg 20/5/2024

Dấu tay này được làm một tháng trước khi anh mất.
ngày 19/6/2024










Vũ Ngọc Tiến (1946 tại làng Yên Thái, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội – 19 tháng 6 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh), [1]






Sự nghiệp văn học

Năm 1966, ông bắt đầu có tác phẩm in trên báo với bút danh Vũ Liên Châu, nhưng năm 1969 thì nghỉ viết. Năm 1994, ông viết trở lại với nhiều bút danh: Vũ Mai Hoa Sơn, An Thái, An Thọ, Vũ Ngọc Tiến… Các tác phẩm ký, phóng sự, điều tra, truyện ngắn, phê bình tiểu luận đăng nhiều trên các báo ở TW, HN, Tp HCM (Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Văn Sài Gòn, Tia Sáng, Tuần Tin Tức…).và khoảng gần 100 kịch bản, lời bình cho các phim tài liệu truyền hình.


Giải thưởng

Giải thưởng ở 2 cuộc thi Ký- Phóng sự do báo Văn Nghệ và Hội Nhà Văn tổ chức năm 1996- 1997 & 2002- 2003















Thư mục
Tác phẩm đã xuất bản





1
Cố nhân
Tập truyện ngắn
Nxb Hà Nội, 1997




2
Mười hai con giáp
Tập truyện ngắn. Nxb Hà Nội, 1998.




3
Tội ác và sám hối
Tập truyện ngắn. Nxb Công an nhân dân, 1999.




4
Những truyện ngắn về tình yêu
Nxb Thanh Niên, 2001




5
Khói mây Yên Tử.
Tiểu thuyết lịch sử.
Nxb Văn hoá thông tin, 2001
Nxb Kim Đồng tái bản 2002




6
Quân sư Đào Duy Từ.
Tiểu thuyết lịch sử. Nxb Kim Đồng, 2002.




7
Giao Châu tụ nghĩa.
Tiểu thuyết lịch sử. Nxb Kim Đồng, 2002.




8
Câu lạc bộ các tỷ phú.
Ký và phê bình, tiểu luận. Nxb Hội nhà văn, 2002.




9
Ba nhà cải cách.
Tập tiểu thuyết lịch sử (3 tiểu thuyết đã từng xuất bản).
Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2007.




10
Sóng hận sông Lô
Tiểu thuyết lịch sử. Nxb Hội nhà văn, 2013 [2].



Tiếu thuyết giáo trình của Vũ Ngọc Tiến

(Toquoc)- Vũ Ngọc Tiến hiểu rõ rằng, lịch sử và tri thức lịch sử trong văn học, là những lịch sử, tri thức đơn nhất, có giới hạn của nó, chưa được giải mã hết, chưa có tiếng nói cuối cùng và cũng vì thế nó luôn mời gọi các cách đánh giá, diễn giải, các cách suy luận, điểm nhìn khác nhau bổ sung, làm phong phú đa dạng thêm.

(Toquoc)- Những năm gần đây vấn đề sáng tác về đề tài lịch sử, việc diễn giải lịch sử, "đọc lại quá khứ" thông qua các ngôn ngữ nghệ thuật được quan tâm riết róng trở lại, không chỉ từ phía sáng tác, phê bình mà cả giới quản lý văn hóa văn nghệ. Tại sao? Vì tất cả những vấn đề đó động chạm đến rất nhiều huyền thoại, điển phạm, quyền lực, những điểm tựa tinh thần - văn hóa thiêng liêng... Có thể quan sát thấy trong hiện tượng phức tạp này: sự cải biên các hình thức truyền thống để tạo ra những "mô hình lịch sử" mới; quá trình tái khẳng định quyền lực, vị thế của nhà văn trong việc kể lại lịch sử và tham gia vào các quá trình vận động của lịch sử xã hội từ quá khứ đến hiện tại; sự hủy kiến tạo những ngôn ngữ kiểu mẫu truyền thống về các nhân vật lịch sử lớn của dân tộc; sự chuyển dịch của những vấn đề chính trị quá khứ vào các lập trường xã hội - đạo đức mới; những câu chuyện "lịch sử nhỏ, ngoại vi", những thời điểm lịch sử quan trọng, dữ dội có tính bước ngoặt; những số phận lịch sử từng bị chính "lịch sử" đẩy ra bên lề và săn đuổi, cả vấn đề "mặt nạ lịch sử"... đang trở lại trên các trang viết. Phải chăng nhiều nhà văn hiện nay đang thoát li thực tại, đang trốn vào quá khứ? Dù nói gì đi nữa, chúng ta, vẫn phải thừa nhận rằng, họ đang cố gắng nói về một thứ lịch sử vắng mặt, họ sử dụng ngôn ngữ tiểu thuyết để che đậy những mối quan tâm sâu sắc của mình về cuộc thời cuộc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà họ lại bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu các tài liệu lịch sử, khảo cổ lại lịch sử, dò tìm từng ngõ ngách, đơn vị lịch sử khác nhau. Họ mong muốn đem đến cho những độc giả đã chán đọc thơ ca, sử thi hay tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc... những "lịch sử khác", một thực đơn khác, một ẩn dụ. Lý giải về sự phục hồi của tiểu thuyết lịch sử Pháp những năm 60-70 trong tương quan với sự khủng hoảng của văn học Pháp và ngành xuất bản Pháp, nhà phê bình G.Garsen cho rằng, không nên "loại trừ rằng tiểu thuyết lịch sử thực hiện chức năng làm ổ đề kháng cuối cùng đối với khủng hoảng mà tác phẩm văn học đang trải qua". "Trong số các nguyên nhân tạo ra sức phổ biến của tiểu thuyết lịch sử trong công chúng, G.Garsen cho rằng có nguyên nhân là người đọc muốn thoát khỏi sự sản xuất thừa thãi thông tin hiện nay, muốn thoát khỏi những mối lo âu thời đại". Còn Bernard Pivot thì nhận thấy, nguyên nhân tính phổ biến tiểu thuyết lịch sử trong người đọc là sự mòn chán và không có tính anh hùng của cuộc sống, "công chúng tìm đến tiểu thuyết lịch sử chủ yếu vì ở đó có những người đàn ông và đàn bà nhờ trí thông minh và lòng dũng cảm, tính kiên quyết của mình mà đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử. Trong một thời đại không có anh hùng hoặc khả năng tồn tại của người anh hùng là điều đáng phải hoài nghi, họ tìm những con người ấy trong quá khứ". P.Ankel có cách nhìn khác, "ông cho rằng tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn các nhà văn vì ba nguyên nhân: 1/đó là phương tiện tái tạo quá khứ; 2/đó là một "không gian" nghệ thuật cho phép triển khai câu chuyện theo trí tưởng tượng rộng lớn của tác giả; 3/đó là khả năng tạo thêm ý nghĩa ẩn dụ cho tự sự để có thể, trong khi tái tạo một cách gần gũi tối đa hiện thực quá khứ cuộc sống của những con người cách chúng ta những khoảng thời gian xa hay gần, có thể miêu tả được những nhân tố nào đó của cuộc sống hiện tại dưới cái mặt nạ quá khứ". Các tiểu thuyết lịch sử mới "lựa chọn các thời kỳ lịch sử xã hội thích hợp nhất cho trí tưởng tượng cũng như sự ưa thích các tình tiết lịch sử hỗn loạn, tàn nhẫn nhưng thường là thứ yếu, ít người biết đến"(M.Bertrand). Và, như ta biết, kết quả của những thay đổi đó đã "dẫn tới cuộc phiêu lưu của bút pháp" (M.Bertrand), những tìm tòi về nghệ thuật biểu đạt. Ý kiến của các nhà phê bình Pháp mà chúng tôi nhắc đến trên đây, có thể đúng với tác giả này hoặc khác. Nhưng dù thế nào, thì đó vẫn là những gợi ý thú vị cho độc giả khi đọc các sáng tác về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam gần đây.

Gia nhập "phong trào khảo cổ lại quá khứ", nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô. Như chính lời người kể chuyện trong tác phẩm này, thì Sóng hận sông Lô là truyện mà lại không phải truyện, chỉ là những ghi chép từng mảng suy nghĩ, độc thoại, hồi ức đan xen vào trong lời kể của nhân vật, được tác giả khâu nối lại để các bạn phần nào mường tượng ra sự thật lịch sử thời Lê sơ quanh số phận và cái chết oan ức, tức tưởi của Trần Nguyên Hãn trên sông Lô, giữa vòng xoáy tranh đoạt quyền lực muôn thuở ở cõi người. Và vì thế, hắn gọi những điều mình viết ra là “ký vãng lịch sử” mà sau buổi tọa thiền, gặp lại nhân chứng trong cõi giới vô hình, hắn về nhà đóng cửa phòng văn, miệt mài ghi chép lại. Nhân vật của hắn - những linh hồn trong quá vãng nhớ và nghĩ nhiều, nói ít. Cuốn sách nhiều sự, ít chuyện. Hắn cậy nhờ và vô cùng biết ơn bạn đọc mỗi người một vẻ, tiếp tục suy ngẫm và tưởng tượng thêm cái phần chuyện mà hắn bất tài, lười nhác đang còn bỏ dở..." Coi Sóng hận sông Lô là một "thử nghiệm loại hình “Tiểu thuyết giáo trình” kết hợp với cách viết kiểu W.Faulkner đậm đặc các mảng suy nghĩ, độc thoại, hồi ức của nhân vật đan xen vào miêu tả", nhà văn Vũ Ngọc Tiến muốn đối thoại với một cách diễn giải lịch sử đã bị quy phạm hóa. Tiểu thuyết lịch sử mới luôn đề nghị chúng ta một cách diễn giải khác về lịch sử, một tiếng nói khác. Lịch sử, đối với Vũ Ngọc Tiến là một phương tiện nhận thức, một cách để suy tư về cuộc đời, chính trị, đặc biệt là về số phận cá nhân. Tìm đến quá khứ là tìm đến những bài học kinh nghiệm, những mẫu người, những kiểu giá trị nào đấy. Tìm đến quá khứ còn là một cách ngữ cảnh hóa những vấn đề, mà đối với người viết, có liên quan, theo nhiều cách khác nhau, đến sinh mệnh Con người Cá nhân cụ thể. Đúng hơn, đó là một cách dịch các văn bản quá khứ sang ngôn ngữ hiện đại, hay ngôn ngữ hiện tại được cất lên từ “mặt nạ quá khứ”. Tiểu thuyết lịch sử “giúp ta làm những bảng so sánh, đối chiếu thời đại nọ với thời đại kia” (Dorothy Brewster, Jonh Angus Burrell, Tiểu thuyết hiện đại, Nxb. Lao động, H, 2003, tr.131)

Trong lời vào sách và chú giải cho cuốn sách, Vũ Ngọc Tiến, không úp mở về cách cấu trúc lịch sử của mình. Ở đây người viết vừa dịch lịch sử từ ngôn ngữ tâm linh vừa đọc lịch sử từ những cứ liệu lịch sử nguyên gốc Hán Nôm của các sử gia triều Lê và triều Nguyễn, các văn bia cổ, ngọc phả tại các đền miếu, các sách hoặc bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại”; vừa tưởng tượng phán đoán vừa ghi chép, phân tích, điều chỉnh lại chính sử từ nhận thức, quan niệm của cá nhân: “Chiến dịch Tây Bắc dẹp loạn Đèo Cát Tư Hãn do Lê Tư Tề và Lê Sát chỉ huy, ghi chép vào năm 1430, nhưng tác giả đẩy lên sớm 1 năm (mùa xuân 1429) để trùng hợp lúc đó Trần Nguyên Hãn còn sống, kèm cặp, dạy dỗ Tư Tề - con cả của Lê Lợi về văn hóa và kiến thức binh pháp. Ở phần cuối chuyện (Vĩ thanh), tác giả cho Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi và hàng loạt các sĩ phu triều Lê Thái Tổ, Thái Tông đều xảy ra vào năm 1459, tức là ngay sau khi Tư Thành lên ngôi. Trong chính sử ghi Thánh Tông giải oan cho họ vào năm 1465”. Sóng hận sông Lô muốn đọc trong các văn bản quá khứ “sự thật lịch sử thời Lê sơ quanh số phận và cái chết oan ức, tức tưởi của Trần Nguyên Hãn”, tức là ở đây lịch sử của thời đại, của một triều đại được nhìn qua số phận cá nhân: lịch sử chiến tranh, lịch sử chính trị - trước hết là lịch sử của ý thức và số phận con người cụ thể. Bên cạnh tri thức lịch sử chiến tranh, lịch sử chính trị, Vũ Ngọc Tiến còn cho đọc giả thấy những hiểu biết sâu sắc của ông về địa lý, tín ngưỡng tôn giáo, tư tưởng, văn hóa, tâm lý của con người thời Lê sơ. Lịch sử được diễn giải trong Sóng hận sông Lô không chỉ là lịch sử Đại Việt mà cả lịch sử nhà Minh, lịch sử của chúng ta và lịch sử của chúng nó. Trình bày, giảng giải lịch sử đan xen trong các hồi ức, kí ức, người viết tự do thăm dò tiềm thức, lịch sử ý thức của nhân vật, linh hoạt chuyển mạch tự sự, có thể tô đậm nhân vật, sự kiện này theo dụng ý nghệ thuật riêng, hoặc làm mờ chi tiết, sự kiện, nhân vật khác theo các vai trò, chức năng của chúng. Những điểm mù của lịch sử, những chỗ chính sử ghi chép mờ, hoặc có nhiều thông tin mâu thuẫn nhau, Vũ Ngọc Tiến lấp đầy lịch sử bằng các lựa chọn, các tưởng tượng, suy luận logic, cốt làm sao cho lịch sử trở nên sống động, “chân thực nhất”. Ông cấp cho nhân vật tên tuổi, lai lịch để nó có “cơ sở” nhập vào hệ thống lịch sử và nhờ đó có số phận riêng. Ông thay đổi thời gian sự kiện để tri thức lịch sử trong Sóng hận sông Lô trở thành tri thức đơn nhất, để câu chuyện lịch sử ở đây có một logic mới mẻ, có những ý nghĩa mới theo văn cảnh cụ thể. Đó là dấu ấn và quyền năng mềm của người kể lại lịch sử.

Ngoài lời vào sách, chú giải, Sóng hận sông Lô, gồm 12 chương. Cái bất biến (cấu trúc) của hệ thống nghệ thuật Sóng hận sông Lô là sự đối lập. Đối lập giữa hiện tại (hiện hữu) - quá khứ (vắng mặt), cái chết - sự sống, bình hòa ổn định - tranh đoạt bất ổn, mất - còn, ra đi - trở về, dùng - bỏ, khuyết vắng - thay thế, mong muốn - cấm đoán, liên tài - đố kị, tin tưởng - tị hiềm, phá hủy - kiến tạo… Đối lập vận hành như một quy luật nội tại, một nguyên tắc tổ chức thế giới nghệ thuật Sóng hận sông Lô. Mở đầu văn bản, Tư Tề di chuyển từ không gian hiện thực sang không gian hoài niệm, từ sống với những hiện hữu hướng đến “những người vắng mặt”, từ sự ra đi đến sự trở về. Bằng cách trần thuật này, Vũ Ngọc Tiến luôn tạo ra được hai lời nói: lời vọng từ quá khứ và lời cất lên từ hiện tại. Hiện tại bị xáo trộn bởi những hoài niệm thực hành chức năng của chúng. Quá khứ gắn liền với nhiều chấn thương luôn muốn chen vào thực tại, chi phối cái nhìn thực tại của nhân vật. Tác giả không để cái đã qua trở thành tín hiệu câm, mà cấp cho nó một đời sống, một bí mật. Nhân vật của Vũ Ngọc Tiến không đọc quá khứ một lần mà đọc đi đọc lại; nhưng nó chỉ được “đọc lại quá khứ” một cách rất chậm. Lần nào đọc quá khứ, Tư Tề cũng đọc thấy “hàng loạt biến cố”, cái chết, gian khó, sự vây hãm, truy đuổi, thái độ chấp nhận hy sinh tính mạng, sự khuyết vắng… Vũ Ngọc Tiến ít khi đặt nhân vật của mình sống giữa hai lằn ranh, mà buộc chúng luôn phải dứt khoát lựa chọn một trong hai hành động, một trong hai phía - chúng bao giờ cũng quyết định “đánh đổi”… Đặc biệt hơn nữa, nhân vật chính nào của Sóng hận sông Lô cũng trở thành những con người đầy suy tư và thường mang theo “những mật ngôn” trên chiều hướng con đường đời của nó. Lịch sử vì thế cứ hiện ra qua các suy tư, kí ức, uẩn khúc, bí mật của mỗi nhật vật; nhân vật của Sóng hận sông Lô luôn được làm đầy lên bởi kí ức, uẩn khúc, còn những mật ngôn của nó thì luôn chứa đựng những bất trắc, mưu tính, sự đổi thay, những số phận… Tư Tề về thăm nhà mang theo lời dặn, lời cấm của cha tức là mang theo một giới hạn. Trong dòng hoài niệm về thời trai trẻ, thuở bắt đầu khởi binh, về quê hương Lam Sơn, hình ảnh Lê Lợi thường được gắn với lời thiêng, lời sấm, lời trong mộng, hàm ngôn, thâm ý. Lê Sát trên đường hành quân mang theo mật ngôn, có quyền chém trước tâu sau nếu Trần Nguyễn Hãn có biểu hiện anh hùng cát cứ. Tiểu thuyết của Vũ Ngọc Tiến vừa giải mã lịch sử, giải thích các sự kiện, hành động, biến cố lịch sử qua các dòng ý thức, các hồi ức của nhân vật vừa mã hóa lịch sử theo những ngôn ngữ quyền lực. Ở đây, chỉ có những nhân vật có quyền lực, có tham vọng quyền lực mới tạo ra các mật ngôn, che giấu chúng.

Từ trước đến nay, nói đến văn học người ta thường nói đến cảm xúc, tình cảm… mà không chú trọng đến tri thức. Trong khi, trên thực tế, sáng tác văn học chính là một hình thái nhận thức đặc thù, một cách nghiên cứu, khám phá và giải thích thế giới (sự vật, hiện tượng, con người) theo cơ chế riêng của nó, thể hiện những kinh nghiệm, trải nghiệm riêng của từng chủ thể hoặc cả của một cộng đồng. Văn học là một diễn ngôn kiến tạo ra tri thức bình đẳng với bất kì một diễn ngôn tri thức khoa học nào. Sự thay đổi của diễn ngôn văn học, nhất là những diễn ngôn về lịch sử trong văn học luôn gắn với những cách đánh giá, góc nhìn, sự nhận thức, với từng hệ hình tri thức. Không có cách nào chiếm lĩnh được “lịch sử toàn vẹn”, lịch sử nguyên gốc. Mọi cách viết về lịch sử đều là dịch lịch sử, viết lại lịch sử, kiến tạo ra các lịch sử, các phiên bản lịch sử sau khi “lịch sử thực tế” đã trôi đi. Lịch sử trong văn bản văn học là lịch sử của các ngữ cảnh nhận thức nhất định về lịch sử, gắn với một hệ hình tri thức, là lịch sử của các diễn ngôn về lịch sử. Trong tinh thần đó, mặc dù tác giả đã rất công phu “viết giáo trình”, diễn giải lại lịch sử, rút ra từ lịch sử thời Lê sơ những ý nghĩa cần thiết cho thời hiện tại, nhưng Sóng hận sông Lô vẫn đề nghị với độc giả “tiếp tục suy ngẫm và tưởng tượng thêm cái phần chuyện” mà người kể còn bỏ dở… Vũ Ngọc Tiến hiểu rõ rằng, lịch sử và tri thức lịch sử trong văn học, là những lịch sử, tri thức đơn nhất, có giới hạn của nó, chưa được giải mã hết, chưa có tiếng nói cuối cùng và cũng vì thế nó luôn mời gọi các cách đánh giá, diễn giải, các cách suy luận, điểm nhìn khác nhau bổ sung, làm phong phú đa dạng thêm.

Mai Vũ







11
Quỷ vương
Tiểu thuyết lịch sử. Nxb Hội nhà văn, 2016 [3].




12
Rồng Đá


Tác phẩm bị thu hồi

Rồng đá của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do Nhà xuất bản Đà Nẵng in vào quý 3/2008, đã bị thu hồi vì "có nội dung không phù hợp". Nó động chạm đến xung đột Việt–Trung 1979–1990 và viết ra "những sự thực có thật của chiến tranh, những sự thực mà thời đang chiến phải tạm giấu đi, tạm quên đi, cho mục đích cuối cùng là chiến thắng" [4].





13
Hà Nội Và Tôi
Nxb Hội Nhà Văn




14
Kẻ Sĩ Thời Loạn


Một bức tranh toàn cảnh về chính trị xã hội thời cuối Lê đầy biến động của lịch sử VN, cùng sự phân chia sâu sắc giữa các thế lực quân sự: Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, rồi thế chân vạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn được nhà văn Vũ Ngọc Tiến phản ánh khá chân thực qua cuốn tiểu thuyết lịch sử mới nhất Kẻ sĩ thời loạn (ảnh) do NXB Phụ Nữ vừa ấn hành.












Đi thăm nhà văn Nguyên Ngọc ở Hội An
Ý Nhi, Hoàng Dũng, Ngô Thị Kim Cúc, Vũ Ngọc Tiến và Nguyên Ngọc (ngồi)





Vũ Ngọc Tiến, Hoàng Dũng, Trương Vũ






Nhà văn Vũ Ngọc Tiến có mặt trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò phi pháp (cùng với nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi)






















Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.