Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Lê Kinh Tài
















Lê Kinh Tài
(1967 - ....) Đà Nẵng
Họa sĩ














LÊ KINH TÀI QUA GÓC NHÌN ZEN GALLERY

Lê Kinh Tài tham gia triển lãm ngay từ khi ra trường trong triển lãm Họa Sĩ Trẻ năm 1997. Nhưng sau đó vì nhiều lý do, chủ yếu vì kinh tế, anh họat động mạnh trong lĩnh vực design graphic và quảng cáo nên ít tham gia triển lãm tranh. Trong lĩnh vực này anh đã có những thành công không ít. Nhưng lòng nhiệt tình sáng tạo vẫn không ngừng thôi thúc, đưa đầy anh đến với những tranh sơn dầu, những sáng tác mới, mà ở đó anh vẫn cảm thấy hài lòng hơn cả.

Trước đây Lê Kinh Tài thường chỉ vẽ phong cảnh, vẽ người mẫu khỏa thân… và thể hiện nỗi đam mê trạng thái vẽ thuần túy qua bút pháp, màu sắc… theo đường lối biểu tình hiện thực bài bản. Nhưng rồi nhịp sống bộn bề và những bức xúc trong cuộc sống đã mang lại cho anh thái độ nghệ thuật khác. Anh phát hiện rằng những giây phút bất chợt, những con người, sự việc của đời sống ngày thường rất cần được tôn vinh. Đó là cảm giác yêu đời mà anh mong muốn chia sẻ cùng mọi người.

Với Lê Kinh Tài, cái hiện tại, hiện thực cuộc sống được nhìn với thái độ bỡn cợt độc đáo, trào phúng nhẹ nhàng. Xem tranh anh ta thấy vui, nhất là mảng tranh tự họa. Sắc thái trào phúng đã được Lê Kinh Tài thể hiện một phong cách rất riêng, khá hiếm hoi trong giới Mỹ thuật hiện nay.

Đối với Lê Kinh Tài, thái độ vẽ một bức tranh không còn là một trạng thái đóng kín như trước đây với những yêu cầu, những thói quen về bố cục chặc chẽ, về tính hài hòa… Mà anh đưa lên mặt tranh một cách tức thì những ý tưởng, những ý tưởng chợt đến và vì thế mà hình vẽ, màu sắc.v.v rõ ràng là không đủ, không kịp thời. Anh viết luôn trên bề mặt tranh những ý nghĩ, những phát biểu tức thời. Anh viết chữ cùng với vẽ một cách hết sức thỏai mái. Anh không làm thơ. Đó là một trạng thái mở, nó cho phép, nó mời gọi người xem cùng tham gia. Nó liên tưởng đến cái hiện thực có khi còn sống sượng, mang theo nhịp thở cuộc sống, cuộc sống thường ngày mà người xem hầu như ai cũng có những trải nghiệm ấy. Nó kích thích người xem cùng tham gia vào trạng thái ấy. Đó là những “tản mạn cuộc sống” đã được tôn vinh, được thăng hoa. Nhưng hình như thời gian gần đây trong giới họa sĩ mới chỉ có Lê Kinh Tài đã phát hiện những cái ý tưởng chừng như là “nhỏ” mà lại là cái “lớn” và dùng nó để làm chất liệu cho sáng tác của mình.















LÊ KINH TÀI -VẼ NHƯ LỘN TRÁI CHÍNH MÌNH (*)

Anh là một họa sĩ sớm thành công. Ngay khi mới ra trường, trong vòng hai, ba năm liền, với phong cách Ấn tượng (chủ nghĩa), vẽ những bức tranh có bảng màu nồng ấm và bút pháp khoáng hoạt về phố cổ Hội An, anh đã là một trong số ít họa sĩ trẻ ở TP Hồ Chí Minh được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, Lê Kinh Tài lạ, là đang khi trên đà thu được cả “tiếng” lẫn “tiền”, anh lại thôi không vẽ nữa, chuyển đi làm trang trí nội thất rồi thiết kế đồ họa trang trí, những việc vừa cực công hơn vừa không chắc có tiền nhiều hơn. Rồi lạ thêm lần nữa, khi mà với công việc trang trí nội thất với thiết kế đồ họa trang trí, đã tạo được cho mình một “thương hiệu” để có thể khai thác ổn định, anh lại “đùng đùng” bỏ ngang quay về với sơn với cọ…

Bất thường. Nhưng rất nghệ sĩ. Lần “từ bỏ” thứ nhất, người không biết, tưởng Lê Kinh Tài bỏ nghệ thuật chạy theo kinh tế; lần “từ bỏ” thứ hai, người không biết, tưởng Lê Kinh Tài thất bại về kinh tế mà phải quay về với nghệ thuật. Thực ra không phải. Lần trước, Lê Kinh Tài bỏ “nghệ thuật” vì “nghệ thuật”. Vẽ, tuy được nhiều người yêu thích, nhưng càng vẽ, anh càng phát hiện đó, chỉ là “lối mòn”, là sự “khéo tay”, “quen tay” và “nịnh mắt”… Càng vẽ càng chán. Chán vẽ, chán mình. Do đó, bỏ. Sự “từ bỏ” này “đẹp” như từ bỏ ý thức chiếm hữu trong tình yêu. Phải xem nghệ thuật là thiêng liêng, phải yêu nghệ thuật bằng tình yêu trong sáng lắm mới có thể “hy sinh” đến vậy! Bởi dám “bỏ” mà có “trở về”. Không “tìm mình trong nghệ thuật”, Lê Kinh Tài đã thoát ra khỏi sự trì kéo của các “khuôn mẫu nghệ thuật”, và, thấy được “nghệ thuật trong mình”. Cái khoảng thời gian không vẽ của anh, đã trở thành quí giá. 

Lê Kinh Tài hầu như không còn quan tâm gì đến việc chinh phục các ấn tượng thị giác về thế giới chung quanh nữa. Thậm chí, không còn quan tâm gì đến “cái đẹp”-hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác-nữa. Vẽ, với anh, không còn ý nghĩa “tạo ra một thế giới khác”-đẹp hơn, cao cả hơn-như một sự thăng hoa của cảm xúc và tư tưởng… mà giản dị, chỉ còn là bắt chộp hình hài của “tiếng lòng ú ớ”, của tình-ý-sống hình thành và tan biến tự nhiên trong mình. Anh trở nên tự do hơn với hội họa. Hình ảnh thế giới chung quanh, và hình tượng nghệ thuật của bao nhiêu nghệ sĩ ở khắp mọi nơi được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra, chữ viết ở cả khía cạnh ý nghĩa và hình dạng, kể cả những mảng màu, vệt màu vu vơ hay chủ định v.v… trong tranh anh, đều là những ký hiệu. Những ký hiệu tượng trưng, trừu tượng hay thuần qui ước…, tùy từng trường hợp cụ thể, chúng tương tác với nhau theo một cấu trúc nào đó mà làm nên nội dung và ý nghĩa biểu hiện tác phẩm…

Một cách khách quan, có thể nói, hình thức sáng tác này không mới. Nhưng cần phải ghi nhận, với “lựa chọn” này, Lê Kinh Tài đã thành công: Một, nó đưa anh về đối diện với hiện thực xã hội, đưa hội họa của anh vào hành trình đối thoại, tìm kiếm những giá trị chân thực của cuôc sống-một yêu cầu mang tính “đương đại” đối với người nghệ sĩ ngày nay; Hai, trong sự đối diện này, anh dường như , đã khai phá được những tiềm lực ẩn khuất trong con người sáng tạo nơi mình, đã “bắt được giọng” của mình-tranh anh đạt đến sự thuần khiết, tự nhiên với cái nhìn hơi có phần “tinh nghịch” hướng vào những tình cảnh đời thường, bình thường mà trớ trêu…

Những bức tranh đầu tiên của lần “trở lại” và “chuyển hướng” này, Lê Kinh Tài đã triển lãm tại ZEN gallery vào tháng 2 năm 2006. Và đã thu hút ngay được sự chú ý của đông đảo công chúng và người trong làng mỹ thuật.

Triển lãm lần thứ hai, Lê Kinh Tài đã cho thấy một sự chin chắn hơn với cách nhìn, cách nghĩ hội họa của mình. Không còn ngã nghiêng qua các đề tài thời sự, và không còn vướng víu vào những hình hiệu có nội dung thuần túy như một khái niệm khiến không ít tranh sa đà vào hình thức biếm họa giản đơn nữa, mà đã vẽ như lộn trái chính mình trong những nghịch cảnh-vừa rất thực vừa xao động lòng người. Mỗi bức tranh, trong triển lãm, với Lê Kinh Tài, đều có ý nghĩa của một sự “thức tỉnh”. Ngay cái tên chung của cuộc triển lãm “Chiêm bao ngày”, tự nó cũng nói lên phần nào ý hướng này. Nó làm cho mọi người phải chợn nghĩ đến một thế giới “mộng mị” nào đó, đến những “giá trị không có thực” nào đó đang lôi kéo, chi phối chính mình…

Xem tranh Lê Kinh Tài, không thể “xem nhẹ” tên tranh. Tên tranh, cũng là một thành phần không thể tách rời ra khỏi tranh anh. Những “Ám ảnh thường trực”, “Người khôn”, “Mặt thật”, “Một cái tôi nữa”, “Cảm giác hoành tráng”, “Chuyện người lớn không quan tâm” v.v… vừa như khơi mào, vừa như “châm chọc” cho một cuộc đối thoại-trong tranh.

20 bức tranh trong “Chiêm bao ngày” của Lê Kinh Tài, có thể nói, đều là những bức tranh “đẹp”. “Đẹp” ở những sự thật được nhìn lại-nhiều biếm ý, táo bạo nhưng hồn nhiên, thuần hậu.

Nguyên Hưng

(*) Bài đã đăng trên Thể thao & Văn hóa






















Hoạ sĩ Lê Kinh Tài: Kẻ sống bằng tình yêu và khí trời

TTO - Tốt nghiệp năm 1997 tại Trường Đại học Mỹ thuật, hắn kiếm được không ít tiền khi bán sạch một số tranh tĩnh vật, khoả thân, tranh vẽ về Hội An. Được 4 năm, hắn muốn dừng lại vì những ý tưởng mới bắt đầu phôi thai trong đầu.



Giao thừa


TTO - Tốt nghiệp năm 1997 tại Trường Đại học Mỹ thuật, hắn kiếm được không ít tiền khi bán sạch một số tranh tĩnh vật, khoả thân, tranh vẽ về Hội An. Được 4 năm, hắn muốn dừng lại vì những ý tưởng mới bắt đầu phôi thai trong đầu.

Vậy là, hắn thôi vẽ tranh trong 2 năm (2001-2003) để lao vào công việc design graphic và quảng cáo. Mặc dù làm công việc có dính dáng đến hội họa nhưng ý thức được cầm cọ trở lại luôn thường trực trong đầu của hắn. Để sau 2 năm đó, hắn dần dần ổn định kinh tế gia đình, dư ít vốn liếng, hắn đổ hết vào tranh.

Hắn chính là Lê Kinh Tài (*) - một cái tên nghe dễ bị “sốc”, đầu trọc giống… dân buôn hơn là họa sĩ!

Những bức vẽ ra đời trong nỗi bức xúc và kìm nén lâu ngày. Nét vẽ của hắn hết sức mạnh mẽ và đầy trăn trở với màu sắc đa dạng: đôi lúc trẻ trung, ngây thơ, đôi lúc dữ dội bất ngờ. Nhưng có lẽ chưa “đã”, hắn còn viết lên tranh những suy nghĩ cuồn cuộn nhưng đầy mâu thuẫn của mình, khiến người xem ấn tượng về cái “tôi” của tác giả.

Xem tranh hắn, thấy quan niệm về cuộc sống, về cái Đẹp, về hạnh phúc sao mà đơn giản và gần gũi quá đỗi!

Hắn vẽ bằng quan niệm sống. Hạnh phúc lớn lao của hắn chỉ đơn giản là được nhìn thấy con mình mạnh khoẻ, được nghe con cười, được nhìn con khóc… (Con trai tôi), cũng như ước ao sự đồng cảm từ vợ trên con đường sáng tạo cũng như tính cách khác người của mình. Nhưng ước ao cũng chỉ là… ao ước mà thôi và hắn đã trải qua những ngày dài cô đơn. Hắn đã sống trong cô đơn. Và vẽ trong cô đơn. Bức Giá như em lớn thêm nhưng đừng già đi ra đời trong hoàn cảnh đó.

Rồi hắn lại khao khát những điều bình thường nhất. Hắn muốn trở thành một đứa trẻ được vợ cưng chiều (Đứa trẻ trong người đàn ông). Hắn tự hỏi: “Có nên không khi mình làm nũng với vợ, có nên không khi mình vừa về đến nhà mệt mỏi, muốn vợ xoa đầu như con trẻ, rót nước cho uống, dỗ cho ăn cơm, liệu điều đó có nên không? Nên chứ! Và người phụ nữ có nên thấy những điều đó hay không. Nên chứ!”. Vì đó là hạnh phúc rất nhỏ nhoi, rất đời thường.

Và đó là cái đẹp. Đó là tình yêu mà. Hắn đã suy nghĩ như thế, ngây thơ và chân thật. Những bức như Ước mong của người cha, Cọp của tuổi dần, Sự thật không bằng phẳng, Mơ ước bình thường… là những bức vẽ thoát thai từ tình yêu đó…


Ta la ai? - tranh của Lê Kinh Tài


Hay một lần hắn thấy con ngựa bị khách du lịch cưỡi lên chụp hình (Chụp hình ngựa), hắn chợt hỏi: “Nó đã thồ đồ đạc rất nặng, liệu chúng ta có lấy nó làm trò vui cho mình không?”. Những hình ảnh tưởng nhỏ nhặt ấy tưởng chừng như không ai quan tâm, thế mà hắn lại hỏi vặn hỏi vẹo thì… thật là khó!

Cứ cái kiểu tự hỏi mình, hỏi người với những bức tranh tưởng như… vứt đi của hắn như Không đề, Giao thừa dễ khiến người khác giật mình. Nhưng với hắn, đó là… khí trời vì ngày nào hắn cũng lắng nghe, quan sát và hít thở! Để rồi hắn vẽ bức tranh Con-Người, đỉnh điểm của sự giằng xé nội tâm, bức tranh mà khi lột chiếc mặt nạ, hắn nhận thấy phần Người của mình đã không còn, và nỗi khao khát sống chân thật với chính mình sao mà khó!

Có thể nhận thấy từ Nó, Với chính mình (2003) đến Ta là ai? (2005) là cả một quá trình trải nghiệm và suy tưởng. Có những lúc ta hạnh phúc đến cháy lòng vì ta là ta như thế; nhưng có những lúc ta lại buồn, buồn đến ngây người cũng vì ta là như vậy? Ta là ai? Là kẻ có trái tim ngoài da? Là kẻ sống bằng tình yêu và khí trời!

Vâng, hãy cứ xem tranh hắn một lần đi, chúng ta có thể sẽ bắt gặp mình trong đó!

* Triển lãm "Tản mạn cuộc sống” của hoạ sĩ Lê Kinh Tài từ ngày 14-2 đến 23-2 tai Zen Gallery số 83 Nguyễn Văn Trỗi, Q3, TP.HCM.

























HỌA SỸ LÊ KINH TÀI: ĐỪNG ĐỊNH NGHĨA CÁI ĐẸP

Chàng họa sỹ 48 tuổi hiện đang có giá tranh bán cao nhất trên thị trường nội địa này luôn tìm tòi, khai mở những thủ pháp hội họa để thâm nhập hầu lột tả các vũ điệu của màu sắc, phản ánh đúng tâm thức hài hước và bao dung của anh trong cuộc sống.

Họa sỹ nổi tiếng Lê Kinh Tài chia sẻ nhiều quan điểm thú vị về cuộc đời và nghệ thuật trong chuyên mục What I’ve Learned. Anh cho rằng chúng ta có thể nghĩ về tương lai nhưng không thể sống trước tương lai được, hãy để các giá trị được chắt lọc qua nhiều thế hệ.

› Cách đây 30 năm, ở tuổi 17, tôi cứ tưởng mình đã trưởng thành. Tôi bắt đầu ít nghe lời ba mẹ hơn. Ba muốn tôi thi đại học ngành kinh tế tài chính với hy vọng đổi đời, ít ra cho chính tôi… Tôi cũng đến hội đồng thi nhưng không vào phòng làm bài. Tôi sống đơn độc với nhiều tham vọng nghệ thuật thầm kín cho tương lai. Lạ kỳ, với một tuổi thơ mà hàng ngày thấy khoai lang, khoai mì nhiều hơn thấy cơm gạo, chẳng màng đến giàu nghèo, tôi vẫn nuôi khát vọng một ngày tôi trở thành họa sỹ. Ở tuổi 27, sau nhiều biến cố cuộc sống trong mưu sinh, tôi bỏ mặc tất cả phía sau và thi đỗ vào đại học mỹ thuật.

› Bố, mẹ là người tác động lớn đến tôi. Mẹ cho tôi thấy tình yêu và nhẫn nhịn, ba cho tôi ý chí vượt khó. Điều đáng nói là cả ba mẹ tôi đều là người ít học nhưng chúng tôi kính phục và bị họ khuất phục.

Tôi rất tệ, trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi chỉ biết vẽ, không biết đàn ca. Trong thể thao, tôi chỉ biết bóng bàn, không biết bóng đá dù rất mê xem, không biết bơi lội, dù mê tắm biển.

› Đàn ông ai cũng biết “yêu là cho nhiều hơn nhận”, với tình yêu đẹp nhất của mình, tôi đã “cho” kết tinh bằng hai cháu, chúng rất ngoan và đẹp. Đó là kết quả một tình yêu lãng mạn từ thời sinh viên. Khi yêu một người phụ nữ, tôi cũng say đắm và nịnh đầm không kém người đàn ông nào. Khi họ đã là người “đầu ấp tay gối” vẫn yêu, nhưng trong tim đầy ắp lãng mạn kia đã nhường bớt cho sự trân trọng, nghĩa tình chiếm chỗ đôi chút. Khi người đàn bà đã cho mình những đứa con, thời gian lấy đi nét thanh xuân, tôi luôn nhắc mình tình yêu của cả hai từ thời cơ cực để “giữ ấm”.

Bất hạnh lớn nhất cuộc đời này là nuôi lớn lòng sân hận, thực ra, hạnh phúc hay bất hạnh đều do tâm mình tự khiến. Tâm hồn mỗi người có hồn nhiên và vị tha hay không tùy thuộc vào việc để sân si tự do nở rộng hay mình dằn lòng gột xóa. Yên vui có trở thành xa xỉ hay không tùy thuộc lòng tham trước cám dỗ.

› Theo tôi, sự quả cảm trung thực là sức mạnh lớn nhất, mọi thời đại, không riêng thời đại này. Ngoài tri thức, bản lĩnh lớn nhất của người đàn ông là hành vi với tri thức đó.

› Không có chuyện nền văn minh, nghệ thuật nhân loại đang đi xuống, chỉ có cái nhìn nóng vội và mặc cảm với những thành tựu văn hóa có được từ quá khứ, từ đó nảy sinh nhiều so sánh khiên cưỡng và khập khiễng. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại càng không nên so sánh, bởi sự phát triển của nghệ thuật luôn đi song hành với nền văn hóa duy ý thức trong không gian và thời gian của thời đại. Các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được tạo ra với mục đích cao cả nhất là món ăn tinh thần cho chính con người thời đại đó.

› Người ta hay dùng thuật ngữ tác giả và tác phẩm đi trước thời đại cho những thành tựu từ những thế kỷ trước bởi những cá nhân kiệt xuất hiếm hoi như Van Gogh hay Picasso. Sự khai thác “cái đẹp” của những tác giả đó dường như vẫn còn dang dở cho các chuẩn mực “cái đẹp” của thế hệ kế tiếp. Theo tôi, đó chính là bi kịch cho những tranh cãi bất tận. Có hay không những “tác giả tác phẩm đi trước thời đại” của nhân loại trong kỷ nguyên này, chúng ta phải còn chờ sự phán xét của lịch sử, văn hóa của tương lai.

› Tôi thiển nghĩ, đã là người hoạt động văn hóa văn nghệ thì nên lạc quan để sống đẹp và cống hiến đúng với hơi thở thời đại ta đang sống. Chúng ta có thể nghĩ về tương lai, chúng ta không thể sống trước tương lai được, hãy để các giá trị được chắt lọc qua nhiều thế hệ của nhân loại giúp chúng ta thêm khát vọng phát triển. Với nghệ thuật, rất cần thời gian, hãy nhìn về phía trước đừng ngoái đầu để mặc cảm tự ti với quá khứ.

› Tôi từng đến nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn ở các nước tiên tiến, nhìn trẻ em xếp hàng vào xem nghệ thuật mà chỉ biết ao ước cho thế hệ sau này của Việt Nam… Chương trình giáo dục thẩm mỹ ở ta dường như vẫn bỏ ngỏ, có cũng là “được chăng hay chớ” với khái niệm thẩm mỹ chung chung chứ không thể là mỹ học cơ bản.

› Tôi nghĩ “cái đẹp” không thể định nghĩa được, nó mãi mãi chỉ là những khái niệm. Nếu người ta trả một bức không phải tâm đắc nhất của tôi cao hơn nhiều lần bức tâm đắc nhất ư? Thật lòng mà nói, tôi chưa từng để nhà sưu tập làm việc đó với mình. Xét ở một khía cạnh nào đó, tôi không nghĩ rằng tác phẩm hội họa được định giá cao là thước đo tài năng của họa sỹ. Cần phải hiểu rõ hơn về giá trị và trị giá tác phẩm. Một tác phẩm có giá trị cao phải được nhìn nhận thật khách quan qua các nhà chuyên môn thực thụ, qua nhiều cột mốc biến thiên, định hình, độc lập trong trường phái hoặc mang tính tiên phong trong phong cách sáng tạo.

› Trong phòng ngủ, tôi luôn để một bức tranh vẽ hỏng, để ý đến nó và tìm mọi lý giải tại sao mình có tư duy tệ hại này. Một lần, bà Libby Zinman (một nhà sưu tập người Mỹ) muốn mua đúng bức tôi vẽ hư. Tôi đã từ chối bán và nêu lý do rằng sẽ hủy bức tranh sau khi tôi “thuộc” và biết cách tránh cái sai, bà đã giận dữ hỏi tôi: “Ông có điên không?” Về sau, tôi luôn được nghe từ trước cũng như sau lưng bà những lời trân trọng nhất bà dành cho tôi.

› Mơ ước bây giờ của tôi là sức khỏe tốt để bắt tay thực hiện nốt các ước mơ đã lỡ… mơ từ tuổi 20.


BÀI: NGUYỄN HẬU – ẢNH: ANH DŨNG.
ESQUIRE VIỆT NAM





























Họa sĩ Lê Kinh Tài: Hạnh phúc bởi được là con và người


(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Lê Kinh Tài có một thói quen không bỏ được: mỗi năm tương ứng anh lại vẽ một con giáp. Năm nay anh vẽ con ngựa, với những nét vẽ vẫn dứt khoát, mạnh mẽ mà vẫn mang vẻ mềm mại, vẫn màu sắc rực đối nhau chan chát, vẫn chữ bên hình ảnh để khẳng định rằng đó là... ngựa (như thể đừng nhầm với con vật khác, theo phong cách hồn nhiên Lê Kinh Tài) “với mong tìm về cảm giác không sân si trọn vẹn, ít ra trong một thời khắc chào năm mới”.
Lê Kinh Tài đã vẽ hai bức tranh vào dịp Tết Dương lịch và giao thừa Tết Nguyên đán, một phần để khai bút năm mới.

Vẽ để giải phóng bản ngã

* Từ bức tranh mới đón chào năm Ngọ này anh muốn nói lên điều gì?
- Tôi vẽ một phần để khai bút năm mới, phần khác, rất buồn cười, tôi muốn so sánh phần “con” trong chính tôi với con giáp ấy. Tôi muốn mình hiện thân trong nó trong khoảnh khắc giao niên, hoặc để hân hoan chấp nhận phần “Con” luôn song hành và ngự trị bởi cách gọi tên “Con - Người” mà tạo hóa ban cho (cười).

Thật sự, tuy biết mọi so sánh đều khập khiễng nhưng thật thú vị, những lúc như vậy, tôi luôn chịu phần thua về phía mình... và thật lạ kỳ, những khi được “tỉ tê” với từng con giáp, nó mang lại cho tôi sự cảm thông kỳ lạ trong một cá thể sống, “cái sự tự hào” và hạnh phúc khi đã có mặt trên đời này, được làm Con và Người. Tôi tận hưởng cảm giác này từ phút giao thừa cho đến sáng.
Tôi biết ngự trị bên trong tôi, (xin lỗi, đôi khi cả chúng ta) luôn hiện diện phần “Con”. Không thể khác được. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, đó là diễm phúc của tạo hóa ban cho…
Vâng, Con-Người và quyền được mơ ước khát vọng, quyền được thấy thành quả lao động, và dĩ nhiên cả quyền được quyết định thân phận...

* Tại sao trong tranh anh thường diễn tả bằng chữ...?
- Thật tình, lúc đang đối diện với màu, với cọ vẽ tôi vẫn ưu tiên cho mình giải phóng bản ngã là trên cả, đó là hạnh phúc riêng, đẹp nhất mà tôi có được, dẫu biết rằng như thế là sự tự do mang nhiều “ích kỷ” nhưng tôi không thể tách rời nó khi tôi đang làm việc. Trong nhiều tình huống, tôi không cho rằng mình đang “làm hội hoạ” mà tự cho mình cái quyền tung tẩy mặc sức phơi bày các ý tưởng sắp xếp từ trước. Lắm lúc hình và màu không đủ cho tôi đối thoại với đề tài, tôi viết vào tranh như độc thoại và không toan tính… Cho đến khi đề tài cho bức tranh phơi cả ra mặt tấm toan thì tôi dừng và không để ý nhiều đến việc nó đẹp hay xấu và nó sẽ được người ta yêu hay ghét …


“Ngựa trắng – mây trắng – và những con vật khác”.
1m50 x 1m80. Sơn dầu


Tôi biết rất rõ, tôi là ai...

* Cảm nhận tranh của anh, sau những nét vẽ “nghệch ngoạc” hồn nhiên trẻ con, lại có thể phơi bày con người bên trong... nhìn khuôn mặt anh lộ nét tinh nghịch mà hồn hậu, nhìn những gì anh làm, đủ thấy sự hướng tới mọi sự liên quan đến sáng tạo nghệ thuật rõ nét rành mạnh mãnh liệt?
- Bình thường, như mọi người khác, tôi biết rất rõ, tôi là ai, tôi làm gì và sẽ phải làm gì, tuy nhiên thật lòng mà nói, một khi đã đắm vào “bên trong” công việc vẽ vời, nhiều khi tôi chẳng biết tôi là ai nữa, đối diện với đề tài tôi luôn đặt mình vào trạng thái “công kích” cao độ với chính mình, tranh cãi và phản biện bằng màu, bằng sắc đến quyết liệt để tìm cốt lõi bản chất bên trong những đề tài tuy rất đời thường nhưng thật khó “gặm” mà mình muốn nêu.
Vâng, có thể bạn biết tôi qua nét mặt “tinh nghịch mà hồn hậu” (xin cám ơn nhận xét này), nhưng bạn vẫn chưa biết đấy thôi, tôi vẫn thường tra khảo chính tôi: “Sao cứ khư khư tâm trạng lạnh lùng với mình đến thế và luôn làm khó Lê Kinh Tài đến vậy ?” (cười).

* Anh có thể chia sẻ vì sao tranh anh vẫn bán được trong thời kỳ kinh tế khó khăn như vừa qua?
- Thực tình tôi cũng không biết nữa, đó là việc của các nhà môi giới, các nhà sưu tập tranh (cười lớn).

* Anh mong chờ điều gì cho một năm mới? Có tự nhủ cần hoàn thành việc nào đó còn dở dang không?
- Mỗi đầu năm, tôi luôn mong đủ thời gian và sức khoẻ để thực hiện các kế hoạch trong năm mới mà mình hoạch định từ cuối năm trước. Như nhiều họa sĩ khác, một sự khởi sắc cho thị trường tranh nội địa vẫn là mong mỏi của tôi hằng năm.

* Cảm ơn về cuộc trò chuyện!

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa








































































































































































Trở về 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.