Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Đông Hồ (1906 - 1969)










http://phannguyenartist.blogspot.com/





Đông Hồ

Lâm Tấn Phác
 
(10/3/1906 Hà Tiên - 25/3/1969 Sài Gòn)

Hưởng thọ 63 tuổi
Nhà thơ, Nhà giáo
Giai đoạn sáng tác 1922-1969





Đông Hồ (10 tháng 3 năm 1906 - 25 tháng 3 năm 1969), tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, hiệu Đông Hồ và Hòa Bích; các bút hiệu khác: Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh. Ông được đánh giá là một nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt và là một người nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam.[2]

Ông là thành viên của nhóm "Hà Tiên tứ tuyệt" gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết (cũng là vợ của ông), Lư Khê và Trúc Hà.




 
 
Tiểu sử

Đông Hồ sinh tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kỳ Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi.

Nhà ông, tổ tiên truyền mấy đời, đều ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, là một thắng cảnh trong Hà Tiên Thập Cảnh, nên khi bắt đầu biết làm thơ ông đã lấy hiệu Đông Hồ[3].

Theo tâm sự của Đông Hồ, chính Nam Phong tạp chí đã đánh thức nơi ông niềm say mê với quốc văn, quốc ngữ: Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó [4]
Năm 1926 - 1934: lập Trí Đức học xá trên bờ Đông hồ, chủ trương chuyên dạy toàn tiếng Việt, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai Việt ngữ. Thời kỳ này ông cộng tác với Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản (1935). Thời kỳ này, ông nổi tiếng với bài ký Linh Phượng tức Trác Chi lệ ký tập và bài phú Đông Hồ.
Năm 1935: xuất bản tuần báo Sống ở Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì ngưng vì không tự túc nổi, ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam.
Năm 1945: tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng sức yếu, ông rời Hà Tiên trở lên Sài Gòn.
Năm 1950: sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang.
Năm 1953: xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên cho đến giữa năm 1964, tất cả mới ngưng hoạt động.
Năm 1964: ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn. Những năm về sau, ông vừa làm văn vừa làm thơ, thường viết về văn học, về lịch sử đăng ở các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn như Văn Hóa nguyệt san, Bách Khoa, Văn,...
Năm 1965: ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 1969 (tức 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang[5].



























Tác phẩm
Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết văn, ký, khảo cứu, văn học sử. Về văn, ông viết từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông có tiếng khi viết cho báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương và nổi tiếng nhất với bài ký Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập và bài Phú Đông Hồ.










Các tác phẩm đã in thành sách:








1Thơ Đông Hồ 
(Văn Học Tùng Thư, Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xuất bản, 1932): sáng tác trong khoảng 1922 - 1932




 2
Lời Hoa 
(Trí Đức Học Xá, Hà Tiên xb, 1934): 
các bài Việt văn của học sinh Trí Đức Học Xá đã nhuận sắc



 3Linh Phượng 
(Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xb, 1934): 
tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, đăng ở Nam Phong tập XXII, số 128




 4Cô Gái Xuân 
(Vị Giang Văn Khố Nam Định xb, 1935): 
thơ sáng tác trong khoảng 1932 - 1935




 5
Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn 
(Trí Đức Học Xá xb, 1936): soạn chung với Trúc Hà




 6Hà Tiên thập cảnh 
(Bốn Phương xb, 1960): in chung với Đường Vào Hà Tiên của Mộng Tuyết thất tiểu muội



 7
Trinh Trắng

(Bốn Phương xb, 1961): thi tuyển




 8Truyện Song tinh 
(Bốn Phương xb, 1962): 
sao lục, khảo cứu truyện Song Tinh Bất Dạ




 9
Chi lan đào lý

(1965): tùy bút




 10Năm ba điều nghĩ về Truyện Kiều 
(1965): thuyết trình nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du




 11Bội lan hành
(1969)




 12
Úc Viên thi thoại

(1969)




 13
Đăng đàn

(1969)




 14
Dòng Cổ Nguyệt

(1969)




 15Văn học miền Nam: văn học Hà Tiên
(1970): tập họp những bài giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.













 

Đã hoàn thành các biên khảo:






 16
Thăm đảo Phú Quốc

(Nam Phong, t. XXI, số 124, 1927)




 17
Hà Tiên Mạc thị sử

(Nam Phong, t. XXV, số 143, 1929)




 18Chuyện cầu tiên ở Phương thành
(1932)


 

Ngoài ra, Đông Hồ là một người có bàn tay tài hoa, vốn yêu thích viết chữ đẹp và nghệ thuật thư pháp, và lại yêu tiếng Việt nên ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu viết chữ quốc ngữ. Vì thế ông được tôn là tổ sư của bộ môn Việt thư (thư pháp chữ Việt).



















 






Nhà kỷ niệm Đông Hồ, cũng là nơi ở cuối cùng của Mộng Tuyết tại Hà Tiên.




Đông Hồ viết nhiều loại văn, thơ, ký, khảo cứu và văn học sử. Ông viết từ thập niên 1920 cho đến thập niên 1960, đã đi từ thơ cũ đến thơ mới, từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông cùng với vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007), đã từng làm rạng rỡ văn học đất Phương Thành (Hà Tiên) bởi các tác phẩm của mình.




Trích một vài nhận xét: 

Hoài Thanh và Hoài Chân: ...Yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít... Và với thi phẩm Cô gái xuân ông là "người thứ nhất đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng [6].
Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng: Từ tập "Thơ Đông Hồ" cũ kỹ đến tập "Cô gái xuân" mới mẻ, người ta nhận thấy thoát lốt, một con người thi sĩ đang ở trong thời đại của mình, bỗng nhiên làm một cuộc biến hình..." [7]
Tự điển Văn học: Người ta còn nhớ ông là tác giả của Linh Phượng, tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, với những hình ảnh, vần điệu cũ kỹ, song lại nói lên được cái buồn có tính chất thời đại lúc ấy...Về mặt sưu tầm, khảo cứu văn liệu: tập Hà Tiên Mạc thị sử nói về nhóm Tao đàn Chiêu Anh Các do ông biên soạn; cuốn Truyện Song Tinh, tức Song Tinh Bất Dạ, là một truyện thơ nôm của Nguyễn Hữu Hào do ông tìm được; là những "cống hiến đáng kể [8].



















Bài thơ nổi tiếng



Mua áo

Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi! 
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài? 
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!



















 

Thơ









Ánh sáng của vô minh

Em thút thít là bắt đầu sắp khóc
Hồn rạt rào như sóng vỗ liên miên
Tuổi mười sáu là trăng vừa mới mọc
Lệ của tình nên rớt xuống vô biên

Anh chạy đến cầm tay em thật chặt
Bởi mơ hồ nghe trái đất rung rinh
Ôi kiêu hãnh khi nhìn em tận mắt
Anh thấy rồi ánh sáng của vô minh.









Đêm lại liêu trai
Dễ hay tình lại gặp tình
(Tố Như)
                                                 
Nhớ thương ngập nẻo sầu cô quạnh,
Xa lắm tiền thân từ kiếp nào,
Đêm ấy đều đều mưa đếm giọt,
Ngàn thông reo tiếng, nước lao xao.
Mắt ngừng vơ vẩn trên tờ sách,
Sửa lại trầm cho khói bốc cao.
Lửa nến run run mờ bóng chữ,
Lách mình khe cửa, gió len vào.
Một luồng hơi thoảng hương xiêm áo,
Ngất lịm mùa thơm tóc trái đào.
Vàng ngọc tiếng khua rung khe khẻ,
Nhìn quanh lòng rợn ý nao nao.
Gió im, bóng lửa bừng tim sáp,
Khép áo, giai nhân chúm chím chào.
Đợi mãi nghìn xưa lời hẹn ước,
Đường về không một bóng trăng sao.
Bụi mưa ướt thấm trên mình lụa,
Màn gió rèm sương ngỏ đón rào.
Băng giá ngoài kia, ôi lạnh lẽo,
Đây lò hương sưởi chất thơ đào.
Đôi bàn tay ủ đôi tay ấm,
Suối mắt tình cho uống khát khao.
Hồng hạnh thơm bừng gò má nóng,
Khơi nguồn thông cảm phút lao đao.
Ngây thơ thuyền ghé bờ ân ái,
Bóng đợi, hình mong, duyên ướt ao.
Đã gặp rồi đây mùa tưởng mộng,
Men lòng say ngọt ý bồ đào.
Yêu đương đâu phải vì non biển,
Khắng khít cần chi đến tất giao.
Một sợi tóc tơ huyền đủ buộc,
Nghìn năm người thực với chiêm bao.









Đêm Liêu trai
Yếm tác nhân gian ngữ
(Bồ Tùng Linh)

Cánh mộng từ đây thôi khép lại,
Đêm đêm bút mực tặng ai đây.
Thời gian dằng dặc dài: Thương nhớ;
Vũ trụ mênh mông vắng: Đoạ đày.

Còn nhớ đêm nào đương thuở ấy:
Ngàn thông reo tiếng, gió lung lay.
Tơ trăng mảnh rướm sau rèm lá,
Tay mới cầm tay dậy đắm say.
Ngờ ngợ như quen từ kiếp trước,
Ái ân bừng cảm phút giây này.

Lòng hoa ngậm kín hồn trinh trắng,
He hé mùa yêu ngát mái tây.
Một phút cảm thông tình vạn thuở,
Sông hồ còn vướng gió trăng đầy.
Qua rồi lạnh lẽo lòng chăn gối,
Chờ đợi đìu hiu tháng với ngày.

Đã thấy lâng lâng niềm giản dị,
Lòng tan theo nước, ý theo mây.
(Tuyển tập Trinh trắng)

Nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu
 








Đêm nguyệt đông
Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Năm mười sáu em bắt đầu thấy rát
Khắp trong người rờn rợn máu đang căng
Hồn hoa đã động tình đêm thứ nhất
Em đến nằm phơi mộng giữa vườn

Trong bóng lá anh thấy mình chết điếng
Cả xác thân rơi rụng bãi cô liêu
Từ dạo đó anh đâm ra lười biếng
Bởi mộng đời còn lại có bao nhiêu.









Bốn cái hôn
“... Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng
Theo khe cửa sổ, gió thổi rít
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng!
Em cuốn mình trong làn chăn đệm,
Đệm cỏ, chăn bông em chẳng ấm,
Bỗng như có một ánh than hồng.
Chạm vào trán em chạy vào lòng,
Lòng em ấm áp, hơi lạnh tan;
Em nằm sung sướng mà bàng hoàng
Sờ tay lên trán em mới biết:
Hơi ấm âu yếm mẹ em hôn...

... Em nhớ: một buổi chiều mùa thu,
Bấy giờ mẹ em mất đã lâu
Trông chiếc lá rơi, em ủ rủ.
Hơi may hiu hắt, em buồn rầu
Mất mẹ, em mất tình âu yếm,
Lạnh lùng, em thiếu hơi hôn ấm.
Đứng tựa bên vườn em ngẩn ngơ
Chợt thấy cha em về trước sân,
Áo quần lấm láp vết phong trần,
Chạy ra mừng rỡ đưa tay đón,
Cúi xuống mái đầu, cha em hôn
Từ hôm em được cha em hôn,
Đầm ấm lòng em bớt nỗi buồn.
Nhưng cha em mải bận xuôi ngược,
Rày đó mai đây việc bán buôn...

Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ,
Buổi trưa nặng nề, trời oi ả.
Tựa cửa lớp học, em rầu rầu,
Nghe tiếng ríu rít đàn chim sâu
Trước sân, bè bạn em nô đùa
Riêng em buồn cảm thân bơ vơ:
Mẹ mất, còn cha, cha ít gặp,
Một năm chỉ hai lần rước đưa!...
Đi qua, gọi em hỏi sự tình.
Cầm tay cô dắt lại bàn học,
Ân cần, thương yêu vuốt mái tóc.
Rồi cô âu yếm hôn tay em,
Lộng qua cửa lớp cơn gió nồm,
Bao năm buồn bực, gió thổi mát,
Cái hôn như ngọn gió êm đềm...

Nay em đang giữa cảnh đêm xuân
Gió trăng tình tứ đêm thanh tân
Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng,
Cùng anh trao đổi tình ái ân
Khoác tay anh đi trên bãi cát,
Cát bãi, trong soi màu trắng mát.
Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh,
Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt.

Nước mây êm ái bóng trăng sao,
Say sưa em nhìn lên trời cao,
Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió.
Giờ phút thần tiên hồn tiêu dạo
Một hơi thở mát qua, dịu dàng,
Như cơn gió biển, thoáng bay ngang
Rồi luồng điện ấm chạm trên má:
Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng.
Nũng nịu, em ngả vào lòng anh,
Ngẩn ngơ ngừng lặng giây cảm tình
Tóc em xoã tung, tay gió lướt,
Bàng hoàng em nhớ chuyện sau trước:
Đời em khoảng hai mươi năm hơn
Được hưởng bốn lần âu yếm hôn
Bốn lần em thấy em sung sướng,
Mưa gió đời em đỡ lạnh buồn.
Nhưng, từ khi em thôi học rồi,
Cùng cô giáo em không gặp gỡ.
Mà rồi từ đó em lớn khôn,
Cha em cũng chẳng hôn em nữa,
Ba lần hôn kia em mất rồi,
Lần này biết có được lâu dài
Nước bèo, em nghĩ đời chia biệt,
Mà lệ sầu em thổn thức rơi!....
Rút từ Cô gái xuân, 1935.

Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007








Bội lan hành
Trăm kém hai dòng lệ
Gởi lại Mái Trăng Non
Gởi theo gió ly tán
Khắp làng thơ đau buồn

Lệ khô lòng tấm tức
Chưa hết nỗi oan hờn
Lệ khô rồi lệ nhỏ
Quán khách khóc cô đơn

Mực đọng sầu trên giấy
Vần gieo lòng bài thơ
Lệ gieo lòng đau khổ
Sương đọng trên cành khô
Lệ đọng sầu trên gối

Thuyền neo bến mộng bơ vơ

Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Non tan tành
Nước tan tành

Gởi ai bài nước non hành...


Nguồn: Bội lan hành, NXB Quình Lâm










Băng tuyết
Đầy lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
Đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
Giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
Rừng đông phương mù mịt dấu em nằm.








Cô gái xuân
Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.

Lững thững lên trường buổi sớm chiều,
Tập tành nghiên bút, học may thêu
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xoã ngang vai, tóc bỏ đều

Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồhôi trán,
Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng.

Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phất phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.

Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thợ
Trông cô hớn hở như đàn bướm,
Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.

Đàn bướm bay cao, cô trở về,
Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
Vì bướm ngày xân chẳng thiếu chi!

Cũng xóm làng trên cô gái thơ,
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ.
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia náo nức chờ.

Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xuân,
Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng,
Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.

Tình quân cô; ấy sự thương yêu,
Đằm thắm, xinh tươi, lắm mỹ miều
Khao khát, đợi chờ, cô chửa gặp,
Lòng cô cảm thấy cảnh đìu hiu.

*

Một hôm, chợt thấy bóng tình quân,
Gió lộng mây đưa thoáng đến gần.
Dang cánh tay tình, cô đón bắt,
Vô tình mây gió cuốn xa dần.

Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo:
"Tình quân anh hỡi! Hỡi người yêu!
"Gió mây xin để tình quân lại;
"Chậm chậm cho em nói ít điều..."

Han ôi! Mây gió vẫn vô tình,
Cuồn cuộn bay trên ngọn núi xanh.
Nhìn ngọi núi xanh, mây khói toả,
Mắt cô, đôi giọt lệ long lanh.

Lá rợp cành xoài bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên dường.
Cởi khăn phẩy gió mồ hôi trán,
Gió mát, lòng cô những cảm thương.

Lủi thủi bên đường, cô ngẩn ngơ
Chốn này, đuổi bắt bướm ngày xưa,
Cô buồn, cô tiếc, cô ngui ngậm,
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ:

"Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
"Lòng cô phất phới biết bao tình.
"Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
"Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh...

"Đàn bướm bay cao, cô trở về,
"Sửa khăn cắp sách lại ra đi
"Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
"Vì bướmngày uân chẳng thiếu chi!...."

Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
Tình ái ngày xuân chỉ một lần.
Một thoáng bay qua không trở lại,
Gái xuân rỏ lệ khóc tình quân!
Rút từ Cô gái xuân, 1935.

Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007








Chơi Bạch Tháp động
Bạch Vân thăm dấu cũ,
Bạch Tháp nhớ người xưa;
Người Bạch Vân đã vắng,
Động Bạch Tháp còn trơ;
Người Bạch Vân chẳng thấy,
Chòm bạch vân phất phơ.
Hỏi đá, đá không nói;
Hỏi mây, mây làm ngơ.
Nhìn đá lòng ngơ ngẩn;
Trông mây dạ thẫn thờ.
Kim cổ màu rêu phủ,
Tang thương bóng nhật mờ.
Ngàn cây cơn gió thoảng,
Cửa động tiếng chuông đưa.
Nghe kinh lòng tục sạch,
Lăng kệ giấc tiên mơ.
Trần gian hay Cực lạc?
Bây giờ là bao giờ?
Người nay tình cảnh ấy,
Lai láng mảnh hồn thơ.
(1925)

Động Bạch Tháp trong giải núi Châu Nham (Hà Tiên) là nơi ẩn dật của Bạch Vân hoà thượng, sống cùng thời với Mạc Thiên Tích.

Nguồn: Thi nhân Việt Nam hiện đại, Phạm Thanh, NXB Xuân Thu tái bản, 1990








Giữa chợ đời
Giấy mực đau lòng chữ nghĩa
Tài hoa phô giữa chợ đời
Những nghĩ e hồng thẹn tía
Chi cho bướm cợt ong cười

Mấy độ phai sương nhạt nắng
Mắt xanh còn luyến gót đường
Giữ chút niềm Trinh ý Trắng
Gửi lòng tri kỷ muôn phương


Xuân Giáp Thìn 1964 









Hai giọt lệ
Giọt lệ thu kia vẫn đượm sầu
Cánh chim Linh Phượng biết về đâu
Đài gương nhạt phấn phôi pha nét
Viện sách tàn hương lạnh lẽo màu
Cõi bắc trời nam hai giọt lệ
Đông hồ Tương phố một dòng châu
Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng
Một hội thương tâm một dịp cầu
Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004 








Hai loài hoa lạ
Biết tiếng chưa quen mặt
Biết mặt lại yêu lòng
Đôi tấm lòng nhi nữ
Khẳng khái và anh hùng

Đôi cành danh hoa ấy
Nở trong cảnh gió mưa
Mưa sa và gió táp
Hớn hở nét đào thơ

Trải bao cảnh nạn khổ
Thịt nát với xương tan
Giam cầm được thể chất
Sao cầm được linh hồn

Nghĩ rằng đem nước mắt
Than khóc cho loài người
Sao bằng đem máu đỏ
Điểm cho đời thêm tươi

Mỉm cười nhỏ giọt máu
Từ trong tim nóng sôi
Để rửa cho nhân loại
Những vết bẩn muôn đời
1938

Nguồn: Bội lan hành, Đông Hồ








Một loài hoa vàng
Kỳ sắc như cúc chi hoàng
Kỳ hương nhược lan

Hoa nở nụ đầu
Niềm trinh ý trắng
Hái hoa phong tặng
Hương lắng tờ mây
Hoa cho thơm tuổi thơ ngây
Thơm tay người hái thơm tay người trồng
Nay một bông mai lại một bông
Yêu hoa xin giữ tấm lòng cho nhau
Trăm năm về sau
nghìn năm về sau
Mang mang trời đất
Ai cười ai khóc
Ai vui ai sầu
Cánh hoa còn giữ tươi màu thời gian
Xuân không nở mà thu không tàn
Tinh hoa sắc núi với hương ngàn đâu phai
(1963)








Mua áo
"Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi
Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!

- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích từng bao rộng, vạt bao dài?

- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!"

Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007








Nhớ rằm tháng hai
Non Bình San lững lờ bóng nguyệt
Nước Đông Hồ man mác hơi may
Cũng rằm năm ngoái tháng này,
Cũng trong, cũng nước non này năm xưa

Cảnh năm trước vẫn là năm trước,
Tình năm xưa đã khác năm xưa,
Này trăng, này núi, này hồ,
Mà người cùng ngắm bây giờ là đâu?

Chợt nhớ thuở trăng nhô đầu núi,
Dưới bóng trăng lủi thủi bóng ai.
Bóng ai tha thướt cành mai,
Cành mai tuyết điểm, cành mai trăng lồng.

Ta cùng ai thong dong dưới nguyệt,
Sẽ dang tay người ngọc thẩn thơ.
Hồ Đông một vũng nông sờ,
Non Bình một dãy tờ mờ ngọn cao.

Em mới hỏi: "Trăng sao sáng tỏ,"
Ánh đáp rằng: "Trăng có đôi ta"
Bây giờ em đã vắng xa,
Vầng trăng cũng vẫn chưa loà bóng gương.

Ấy mới biết trăng thường soi tỏ,
Mà lòng ta vẫn có với nhau.
Màu trắng cũng vẫn một màu,
Mà màu mai tuyết thế nào, đổi thay?

Khóm lau lách lung lay trận gió,
Khiến lòng anh nhớ chỗ năm xưa.
Bóng ai trăng dãi thướt tha,
Tiếng ai gió thổi gần xa đòi hồi.

Nay vẻ tuyết chiều mai đã vắng,
Tiếng ai còn văng vẳng bên mình.
Bụi hồng đã mỏi mắt xanh,
"Xa xôi ai có hay tình chăng ai?"

Đi về những lối này năm nọ,
Anh vắng em, anh nhớ xiết bao.
Non Bình này vẫn cao cao,
Nước Hồ kia vẫn một màu xanh xanh.

Ngơ ngẩn mãi với tình non nước,
Nước cùng non đôi bức sầu treo
Nước non, non nước đìu hiu,
Người xưa cảnh cũ biết bao nhiêu tình!


Theo "Thơ Đông Hồ", Văn học tùng thư - Nam ký thư quán, Hà Nội, 1932.

Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951










Nhớ vợ hiền
Chăn gối cùng nhau những ấm êm,
Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm.
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm,
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm.
Hình dáng mơ màng, khi thức ngủ,
Tiếng hơi quanh quả nếp y xiêm
Bảy năm vui khổ nghìn năm biệt,
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm.
(Linh Phượng, 1928)







Quỳ hướng hoàng hoa



滿




Quỳ hướng hoàng hoa

Kim cốc chi lan triêm thuỵ vũ,
Ngọc đường đào lý mãn xuân phong.
Đãn hiềm lão phố thu sương đạm,
Hạnh hữu quỳ tâm cúc vị dung.


Võ Hoài Nam vong niên hiền hữu huệ tần, nguyên đán Kỷ Dậu.

Bài thơ được tác giả viết trình bày bằng lối thư pháp chữ Việt gồm cả chữ phiên âm và bản dịch, không có bản chữ Hán.

Nguồn: thủ bút của tác giả








Sơ giá Thịnh Đường
(Hoạ đề Đường thi trích dịch)

Men thơ dâng ý rượu ngà ngà,
Đất rượu trời thơ mở nẻo qua.
Đài Phượng chim ca quanh án sách,
Đình trầm hương toả ngát song sa.
Bút đầm ngọn thỏ sương về tối,
Nghiên rực ao sen nắng quái tà.
Chuông khánh Thịnh Đường ti trúc Việt
Cổ kim nô nức hội tài hoa.

Bài thơ được chép từ thủ bút của tác giả. 









Tài hoa phô
Hơn hớn má đào đôi quả
Hây hây xuân thắm mười ba
Hé cánh song hồ êm ả
Hài xuân nhè nhẹ bước qua

Từng bước noi lề kim cổ
Đôi bờ có cánh hoa hiền
Bạn bè bốn mùa trăng gió
Rừng em suối chị giao duyên

Bội lan hành, NXB Quình Lâm 








Thiên địa gian
Ôi, trót sanh làm người
Sống giữa khoảng Đất Trời.
Mênh mông biển Vũ trụ,
Hạt bụi lửng lơ trôi.

Ôi, trót sanh làm người
Giữa thế giới tôi đòi.
Mênh mông biển Nước mắt,
Góp một dòng lệ rơi.

Đem tấm lòng hạt bụi
Gói ghém cho Đất Trời.
Ngưng một giọt nước mắt,
Cho Biển đời lệ vơi.

Đất Trời to rộng quá,
Một tấm lòng lẻ loi.
Goí ghém mãi không kín,
Gió mưa lòng tả tơi.

Biển lệ sầu vô tận.
Nước mắt ngừng, không vơi,
Tháng ngày ngưng đọng lại:
Suối sông dòng láng lai.


(Tuyển tập Trinh trắng)

Nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu
 







Trăm năm
Bên ngoài trời đã rạng đông
Mẹ con mầy vẫn giấc nồng đang say
Thăng trầm thế cuộc đổi thay
U u thiên địa có hay biết gì
Trăm năm ta ngủ li bì
Tỉnh ra cỏ mọc xanh rì mộ bia. 








Tuổi xuân
Kể từ khi quen nhau
Vừa mười ba tuổi đầu
Tuổi xuân, tuổi vui sướng
Nào có biết chi sầu

Quen nhau thì yêu nhau
Yêu nhau quấn quít nhau
Quây quần trong một tổ
Như đôi chim bồ câu

Ngày tháng chỉ mong cầu
Bên nhau được dài lâu
Sum vầy lòng những ước
Ly biệt có ngờ đâu

Muốn thế, vẫn được thế
Ai khéo chiều nhau tệ
Bao những cuộc vui cười
Cùng nhau cùng chia sẻ

- Anh ơi, em muốn học
Anh hãy dạy em đọc
Dạy em không? Hở anh?
Không dạy em, em khóc

- Em đừng làm nũng chứ!
Hãy nói anh nghe thử
Em muốn học chữ gì?
- Em muốn học Quốc ngữ!

Quốc ngữ chữ Việt Nam
Này thơ em, anh xem
- Anh nghe, em cứ đọc!
- Thơ rằng: "Anh yêu em!..."

"Em muốn dạy anh theo
- Yêu em, anh phải chiều,
- Chỉ kim, anh thử lựa,
Nghe lời em, em yêu

Này! Anh thêu khéo chán,
Ngàn mây đôi chiếc nhạn
Chắp cánh tung trời bay,
Trăm năm cùng kết bạn

- Tươi thắm bức lụa là,
Đôi chim nhạn kông già
Đời mình âu cũng thế
Ngày xuân ở với ta...

- Này anh, buổi thư nhàn
Em dạy anh học đàn
- Học đàn khó! - Đâu khó!
Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!...
Khoan nhặt đôi đường tơ
Lay động đôi lòng thơ
Gảy nên khúc tình ái
Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ...
Buông bắt bên tơ trúc,
Nhìn em, năm ngón ngọc,
Năm búp măng nõn nà,
Mải nhìn đàn chửa thuộc...

"Anh ơi! Em muốn chơi,
Non nước chốn này vui..."
Âu yếm, cầm tay dắt
Cùng nhau hưởng cảnh trời
Ngày lặng, màu hoa cỏ,
Đêm thanh, thú trăng gió
Cảnh trời với lòng người
Biết bao lần gặp gỡ.

"Anh! Em muốn chơi thuyền
Một ngày ta làm tiên..."
Buông buồm theo ngọn gió,
Sóng nước những triền miên
Trời biển cảnh lồng lộng,
Đôi tấm lòng rung động.
Kề vai sẽ tựa nhau,
Chập chờn trong giấc mộng.
Bên rừng chiếc là rơi,
Mặt nước, cánh hoa trôi
Chòm mây bay tản mác,
Đôi nhạn rẽ phương trời
Trông cảnh, em ngậm ngùi
Nhìn anh, em thở dài,
Cảm nghĩ chuyện dời đổi
Giọt lệ bắt đầu rơi!...

Biết đời từ hôm ấy
Tuổi lớn, ngày dần thấy:
Chuyện buồn đưa đến thường,
Ngày vui không có mấy
Đôi lứa cũng xa nhau
Tuổi xuân còn mãi đâu
Biệt ly nay mới biết,
Chi xiết nỗi thuơng đau
Giọt lệ một lần ứa,
Biết bao lần chan chứa;
Một lần khi bắt đầu,
Biết bao lần sau nữa!

Chốc, mười mấy năm trời,
Trăm nghìn cảnh đổi dời,
Nói đến chuyện gặp gỡ
Sóng ngược lại bèo xuôi!
Cuộc đời những lăn lóc.
Tiếng cười đổi tiếng khóc
Nào đâu bạn trẻ thơ
Cùng ta kề mái tóc?
Buồn nhớ cảnh năm xưa
Lòng riêng những thẫn thờ
Tóc xanh hồ đã bạc,
Luống tiếc tuổi ngây thơ!


Bài này nguyên ở trong Thơ Đông Hồ sau lại đưa vào Cô gái xuân. Thi nhân có thêm ít nhiều. Tiếc sao người lại không bỏ đôi đoạn đỏm dáng quá.

Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
 






Xuân bất tận
Không quá khứ, không vị lai,
Thời gian xuân giữ thắm tươi hoài.

Từ lâu xanh vẫn mơn cành liễu,
Và mãi vàng luôn đượm cánh mai.
Cuộc thế mị thường cơn mộng lớn,
Nguồn xuân bất tận suối thơ dài.

Làm chi năm một lần khai bút,
Bút đã khai từ thiên địa khai.


Tuyển tập Trinh trắng.

Nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, Nxb Xuân Thu, 2000















Chú thích

^ Cặp đôi thi sĩ và cuộc tình huyền thoại , An ninh thủ đô, 09/07/2012
^ Lược theo Đông Hồ, thi sĩ yêu tiếng Việt trên báo Tuổi Trẻ
^ Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, ĐÔNG HỒ (1906-1969)
^ Trích dẫn tại [1].
^ Nhiều sinh viên dự lớp hôm ấy tin rằng khi đang bình giảng bài thơ "Trưng Nữ Vương" (bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng) của nữ sĩ Ngân Giang, vì quá xúc động trước vẻ đẹp của thơ, nên thầy Đông Hồ đã bị đột tử (tai biến mạch máu não) ngay trên bục giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn vào ngày 25 tháng 3 năm 1969 (theo bài viết "Phút cuối cùng trên bục giảng" của Bùi Văn Chúc. Nữ sĩ Mộng Tuyết, vợ Đông Hồ cho in lại trong Núi mộng gương hồ [quyển 2], Nxb. Trẻ, 1998, tr.115-116).
^ Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 1998, tr. 319 và 321.
^ Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), Nxb. Sống Mới, 1969, tr.32
^ Tự điển văn học (tập 1), Nxb. KH-XH, Hà Nội, 1983, tr. 226.
Liên kết ngoài
Đông Hồ - thi sĩ yêu tiếng Việt
Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, ĐÔNG HỒ (1906-1969)
Võ Văn Nhơn, Đôi thi sĩ đất Hà Tiên và Thăng Long – Hà Nội


















Nhà lưu niệm Đông Hồ 

































Nữ sĩ Mộng Tuyết & Nhà thơ Đông Hồ



































Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.