Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Hoàng Trọng (1922 - 1998)













http://phannguyenartist.blogspot.com/


Hoàng Trọng


Tên thật: Hoàng Trung Trọng

(1922 Hải Dương- 1998 Hoa Kỳ)
Hưởng thọ 76 tuổi

Nhạc sĩ










Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Trọng













Đêm trăng














Tiểu sử



Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương.
Năm 1927 gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định.


Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc từ năm 1933 qua người anh trai là Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ một trường ở Paris. Cũng thời gian ở Nam Định, khoảng 1940 Hoàng Trọng có mở một lớp dạy nhạc.


Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng cùng các anh em trong gia đình Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và một số bạn bè như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ... lập một ban nhạc. Ban đầu ban nhạc không có tên và gần như chỉ để giải trí. Năm 1945 Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Thái Bình, và bạn nhạc từ ấy mang tên Thiên Thai. Thiên Thai trình diễn ở đó mỗi tối và hoạt động tới năm 1946, khi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ.


Cuối thập niên 1930, tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, Hoàng Trọng cũng có sáng tác đầu tay Đêm trăng được viết năm 1938, khi ông mới 16 tuổi. Một số bản nhạc tiếp theo của ông đã được Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, trong đó có Tiếng đàn ai, một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam. Một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của Hoàng Trọng thời gian đó là Một thuở yêu đàn.


Vì chiến tranh, ông di chuyển khỏi Nam Định, qua phủ Nho Quan, Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội năm 1947. Thời gian đó ông đã viết bản Phút chia ly, một nhạc phẩm tango giá trị, do Nguyễn Túc đặt lời. Cũng trong khoảng thời gian ở Hà Nội, Hoàng Trọng liên hệ với những nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ... nhờ đó các nhạc phẩm của ông được phổ biến. Hoàng Trọng cũng viết cuốn Tự học Hạ Uy cầm, tích lũy từ những kinh nghiệm dạy đàn trước đó, và được nhà xuất bản Thế Giới phát hành.


Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội. Ông là trưởng ban Quân nhạc Bảo Chính Đoàn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu Điện Hà Nội (vườn hoa Indira Gandhi?) và trong chương trình Tiếng nói Bảo Chính Đoàn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này, ông viết nhiều bài hát, trong đó có Gió mùa xuân tới. Năm 1953 tên tuổi Hoàng Trọng thực sự nổi tiếng với Nhạc sầu tương tư, ca khúc đó được trình diễn thường xuyên trên đài phát thanh khi ấy. Năm đó ông còn viết một bản tango khác là Dừng bước giang hồ.


Năm 1954, Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi 3 con: Hoàng Nhạc Đô[1], Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La. Tại Sài Gòn, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu... đặc biệt từ năm 1967 với tên Tiếng Tơ Đồng. Ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng, với các ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của Sài Gòn khi đó, đã trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.


Khoảng thời gian ở Sài Gòn, Hoàng Trọng sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như Ngàn thu áo tím, Lạnh lùng, Bạn lòng, Mộng lành, Tiễn bước sang ngang, Ngỡ ngàng... Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc... Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, Hoàng Trọng viết tango nhiều và được xem như người thành công nhất với danh hiệu Vua Tango.


Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như Xin nhận nơi này làm quê hương, Giã từ bóng tối, Người tình không chân dung, Sau giờ giới nghiêm, Bão tình. Với nhạc trong bộ phim Triệu phú bất đắc dĩ, Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa trong năm 1972 - 1973.



Sau 1975, Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc và không phổ biến. Bản cuối cùng của ông là Chiều rơi đó em. Năm 1992 Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998. Hưỡng thọ 76 tuổi




















Chương Trình Phát Thanh Hải Ngoại về Nhạc Hoàng Trọng






VOVN Houston, Texas








SBS- Úc Châu
















Tác phẩm 




Nhạc Hoàng Trọng


Đầy bình minh
Gió mùa xuân tới
Gửi hương cho gió
Hai mối tình yêu
Hương yêu
Hương mùa thanh bình
Khúc hát mùa chiêm
Mộng ngày hồi hương
Mùa lúa mới
Nguồn mến yêu
Nhớ thương
Thuyền chờ
Trăng lên
Trăng về
Tình trăng






Khác

(lời Duy Viêm)

(thơ Vĩnh Phúc)

(thơ Quách Đàm)

(thơ Vĩnh Phúc)

(lời Hoàng Dương)

(lời Thanh Nam)

(lời Nguyễn Túc)

Thương về quê cha 
(thơ Vĩnh Tâm)

(lời Hoàng Dương)






Những bài nhạc và lời của Hoàng Trọng

Bẽ bàng
Bến mơ
Bên sông đưa người
Bơ vơ
Châu Đốc miền quê yêu
Chiều mưa
Chiều mưa nhớ Bắc
Chiều vũng tàu
Đêm trăng
Đêm về
Gió lạnh chiều đông
Hoa xuân
Hồn thanh niên
Hương đời đẹp tươi
Khóc biệt kinh kỳ
Khúc ca màu xanh
Khúc nhạc xuân
Khúc tình ca ngày cưới
Lá rụng
Mộng cô đơn
Mộng đẹp tình xuân
Một nụ Cười
Say say say
Thôi đừng lưu luyến em ơi
Tìm lại hương yêu
Tình thơ mộng
Trăng sầu viễn xứ
Vui cảnh xây đời















Hoàng Trọng: Người Nhạc Sĩ Chân Thành
Ca sĩ Quỳnh Giao


Người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc. Hai hàng lệ làm nhoè mắt ông khiến ông không nhìn rõ được dòng nhạc. Nhưng ông có cần nhìn rõ đâu, bởi nó -dòng nhạc- có trong ông đã lâu lắm rồi, nó là xương là máu của ông mà!... Những người nhạc sĩ đang cắm cúi đàn, đều là những người đã làm việc với ông từ hơn hai thập niên trước, có người là bạn của ông từ nửa thế kỷ qua. Người ngồi dương cầm là nhạc sư Nghiêm Phú Phi, cộng tác với Hoàng Trọng từ bao lâu rồi nhỉ, có lẽ là từ khi mới du học bên Pháp về, vào đầu thập niên 50. Nơi hàng ghế đầu của dàn violons có Đan Thọ, bạn của ông từ ngày ở ngoài Bắc, trong ban nhạc Bảo An, người đã trình tấu những đoạn ad-lib có phong điệu tzigane bất hủ cho nhưng bài tango trác tuyệt của Hoàng Trọng. Tiếng đàn Đan Thọ vẫn như xưa: lả lướt mềm mại, nhưng khuôn mặt ông, cũng như của nhạc sĩ Hoàng Trọng, đã đầy nếp nhăn… Cạnh đó vẫn dàn violons có Phạm Văn Phúc, Trần Nhật Hiền, có Nguyễn văn Mô, có violoncelle Cao Thanh Tùng, những sinh viên trường nhạc ngày xưa từng cộng tác với ông khi vừa tốt nghiệp. Những mái đầu rất xanh ngày đó, nay đã ngả muối tiêu…

Hai người ca sĩ nhìn về phía khán giả, tức là quay lưng về phía dàn nhạc đang trình bầy song ca bản Lạnh Lùng, bài hát ông viết từ mùa Đông 1946. Đó là bài song ca ông soạn cho một nam và một nữ. Người nữ ca sĩ đang hát, nhìn về phía khán giả, nhưng không nhìn thấy gì trước mắt cả, mà chỉ thấy lại khung cảnh cũ, đã mấy chục năm qua. Nàng thấy lại phòng thu thanh nóng bức, đầy khói thuốc lá. Nàng nghe lại tiếng cười nói vui nhộn và thân mật của những người ca sĩ xung quanh, mà nàng gọi họ bằng cô, bằng chú. Ngày ấy nàng mới 16, 17 thôi. Cô bé vừa chạy thục mạng gọi xich lô đến đài cho kịp giờ thu, trên áo dài trắng còn mang huy hiệu trường Gia Long. Cuốn sách nhạc nàng viết tay những bài hát mình yêu thích còn nằm trong cặp, để trên bàn.

Cô Kim Tước vừa ký tặng nàng bài Đừng Xa Nhau của Phạm Duy, lời đề tặng là “tặng Trang bài của tôi đang yêu thích”. Cô Mộc Lan thì đề tặng bài Lặng Lẽ của Lâm Tuyền với lời thủ thỉ “tặng cháu bài của cây si cổ thụ”. Chị Mai Hương thì tặng bài Chú Cuội với lời đề “tặng Trang bài hát đầu tiên của chị”. Ngay trang đầu tiên của tập nhạc là bài hát do người trưởng ban đề tặng: “tặng cháu bài chú viết từ mùa đông năm cháu vừa chào đời”. Nàng thích làm sao lời đề tặng! Vì nó cho thấy rõ sự ý nhị kín đáo mà lại đầy tình cảm của ông. Ông mà đề năm 1946, thì cũng thường thôi, có phải không? Bài hát đó mang tên Lạnh Lùng…

Người nữ ca sĩ chớp mắt, cố không để tâm trí mình đi quá xa, xa cái khung cảnh hiện tại, cô đang trình diễn trên sân khấu nhạc hội tại rạp Le Petit Trianon ở San Jose, miền Bắc California, kỷ niệm một đời phụng sự âm nhạc của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng. Chính ông nắn nót viết lời nhắn, về hát cho ông…”Lần cuối đây”, ông nhấn mạnh với nét chữ đã ngả nghiêng.

Không cần phải kể thêm, chắc độc giả đã đoán cô học trò đó chính là kẻ viết bài này…

Thấm thoát đã hơn 30 năm, kẻ từ khi nhạc sĩ Hoàng Trọng mời tôi hát cho ban Tây Hồ thay thế cho Mẹ. Tôi phải nói sao cho đủ lòng biết ơn của tôi đối với ông, khi mình còn là một đứa bé con 15 tuổi đã được hát với toàn người lớn. Người nhỏ thứ nhì sau tôi là chị Mai Hương cũng mới lập gia đình. Có chồng là thành người lớn rồi, tôi nghĩ vậy.

Hát cho ban Tây Hồ là hạnh phúc lớn của tôi lúc đó, mặc dù, cùng lúc hoặc sau đó, các nhạc sĩ khác cũng lần lượt mời tôi cộng tác hát trên đài phát thanh Sài Gòn như: Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Lang, Võ Đức Tuyết, Vũ Thành, Đan Phú, Y Vân, Võ Đức Thu, Anh Ngọc, Phạm Duy, Nhật Bằng, Hoàng Nguyên (trong ban nhạc mà trưởng ban là nhạc sĩ Anh Việt, cũng có mặt tại San Jose ngày hôm đó). Và dĩ nhiên cả ban nhạc của Dương Thiệu Tước nữa chứ.

Năm 1962, là năm mà đất nước đất nước còn tương đối yên ổn. Thời kỳ này chính quyền ông Diệm để ý và nâng đỡ nhiều sinh hoạt về văn hóa. Nơi trường nhạc người ta thấy có mời nhạc trưởng người Đức qua dậy và điều khiển dàn hoà tấu của trường nhạc. Vào năm trước đó, nhạc trưởng Otto Solhner đã hoà âm và điều khiển dàn nhạc của trường trong bài “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, có đi lưu diễn ở Đà Lạt. Khi ấy tôi mới 14, lần đầu đi hát với người lớn, nhưng vẫn với tên Đoan Trang của mình trong Ban Thiếu Nhi.

Cái tên Quỳnh Giao ra đời khi nhạc sĩ Hoàng Trọng mời tôi hát thay cho Mẹ.

Ban đầu, tên tôi là Quỳnh Dao với chữ “ D” mới đúng, nhưng Hoàng Trọng cứ ghi là Quỳnh Giao với chữ “G”. Thành thử cũng chính ông là người làm tôi phải giữ tên mình là Quỳnh Giao với chữ “G”, nhất là khi có truyền hình, generique bao giờ cũng ghi chữ G mặc dù tôi có dặn và các chú Phạm Duy, Anh Ngọc, Hoàng Lang đều ghi là Dao…Ông bướng lắm đấy!

Lúc bấy giờ, Chủ sự phòng Văn Nghệ của đài là Vũ Thành. Vốn là Nhạc sĩ chân chính và cẩn trọng, ông chú ý đến phẩm chất nghệ thuật nên dành nhiều đặc ân cho các nhạc sĩ có chân tài như Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Nhật Bằng. Ông xin trả thù lao rất cao cho phần hòa âm công phu, nhờ đó mà các ca khúc nghệ thuật của chúng ta được thăng hoa và tồn tại mãi trong lòng người yêu nhạc. Và ông vua tango Hoàng Trọng còn là vua hòa âm thời đó. Ông hòa âm cho dàn nhạc đã hay mà viết cho hợp ca càng xuất sắc. Hát bè phụ của ông là dùng hết công phu để nâng giọng solist, để làm nổi giọng chính. Bè ông viết không rườm rà mà đan lượn uyển chuyển đầy nghệ thuật. Hát trong ban của ông, ngoài đơn ca, tôi còn song ca, tam ca, hợp ca, rồi phụ họa, bài nào cũng tân kỳ và độc đáo. Vì vậy mà tôi thường háo hức trước ngày thu thanh, như chờ ngày hội vậy. Tính ông cẩn thận, thường đưa bài trước để tập dượt, ngoài xấp bài hát còn kèm miếng giấy nhỏ ghi chú, mà giờ đây tôi như còn thấy rõ trước mắt:

1/ Mưa trên phím ngà (đơn ca)
2/ Tình Xuân (tam ca) QG bè nữ 1
3/ Thương về quê cũ (hợp ca)
4/ Bạn Lòng (song ca vơí An)
5/ Thiên Thai (phụ hoạ)

Cứ như thế hàng tuần, Hoàng Trọng lái chiếc lambretta mầu xám, áo chemise mầu xám hoặc xanh, chứ không có mầu nào khác, đến đài phát thanh. Ông luôn luôn đến đài trước giờ đã định. Hát xong, cả ban rủ nhau đi ăn phở 44, tôi nhớ là ông không ăn hành ngò, bị tôi ghẹo là ăn như đi tu. Gương mặt ông nghiêm nghị trong dáng u buồn, khi nào trêu ông cười được thì chúng tôi vui suốt buổi. Ông luôn đón nghe và thu thanh lại chương trình của mình, nên ca sĩ nào lỡ hát sai thì nơm nớp lo! Cô Mộc Lan hay đòi đứng cạnh tôi, nhờ tôi đếm mesure trước cho đỡ hồi hộp. Ông cứ đòi thu đi thu lại một bài hát cho thật hoàn toàn làm chú Anh Ngọc có lần đòi “bỏ của chạy lấy người, thà mất tiền còn sướng hơn, chứ hát nhọc quá”, khiến mọi người được dịp cười ầm. Hoàng Trọng rất thích chụp hình, nên cứ bắt tụi tôi làm người mẫu cho ông huấn nghệ. Đôi khi để trả thù cho những lúc ông nghiêm nghị, tôi lè luỡi làm trò. Bức hình buồn cười ấy, năm 1992, sang Mỹ, ông đưa tôi xem lại. Cười đâu không thấy, tôi chỉ thấy cay cay nơi con mắt…

Vào thời kỳ bắt đầu có truyền hình, Hoàng Trọng lập Ban Tiếng Tơ Đồng, mỗi lần đi thu mất cả một ngày thật vất vả cho giới nghệ sĩ chúng tôi. Ông chọn và mua vải bắt may đồng phục cả nam lẫn nữ, và thành phần ca sĩ thì mời thật đông. Chúng tôi biết chắc là ông lỗ vốn. Vậy mà Hoàng Trọng say mê, không mỏi mệt, ngay cả giây phút cuối cùng trên sân khấu ở San José mà tôi kể ở đoạn trên, ông vẫn say mê. Nhìn bàn tay ông run rẩy, tôi chỉ sợ ông sẽ ngất ngay lúc ấy… Hát xong tôi chào khán giả quay lại nắm tay cám ơn ông. Tôi thấy hai hàng lệ ông tuôn rơi mà mình chợt nghẹn ngào. Hôm đó, tôi không thốt được lời cám ơn ông…

Các ca nhạc sĩ đều từ giã ông để về ngay sáng hôm sau. Riêng tôi vì đến từ xa, đã ở lại đến tối hôm sau mới đi Virginia. Buổi sáng chủ nhật đó, vợ chồng Hoàng Cung Fa, con trai ông đưa tôi đến thăm ông và dự định ở chơi cho đến giờ tôi ra phi trường. Vừa vào nhà, không khí đã có vẻ u buồn: người vợ hiền bé nhỏ của ông cho biết cả đêm qua Hoàng Trọng không ngủ được, và vừa nôn hết thức ăn ra rồi. Tôi vẫn cố hồn nhiên, cười cười: “ chắc là chú vui quá vì đã xong chương trình hôm qua, nên mới không ngủ được chứ gì?” tôi trêu tiếp: “và lúc chị Tâm hát xong bài 'Chiều Rơi Đó Em' cháu mới hết lo, chỉ sợ chú cảm động quá mà ngất đi đấy chứ!”.

Tôi nói đùa mà như tự trấn an mình, vì lúc đó chú than là hơi bị khó thở. Cả nhà bàn bạc không biết có nên đưa đi nhà thương hay không, vì nhà thương đã có hẹn là thứ năm mới vào khám để hôm sau mới mổ tim. Người con trai tên Út mới 17 tuổi mà chững chạc như người lớn, đột nhiên thưa với mẹ là nên đưa cha đi nhà thương ngay. Nét mặt cậu giống hệt chú Hoàng Trọng của tôi lúc trẻ, nên càng nhìn mình càng thấy xót xa. Cô gái út tên Kim Mi mới 12 tuổi xinh thật là xinh, mà hầu cha cũng thật là giỏi, đang ngơ ngác đứng nhìn. Cung Fa và Bạch La, là hai người con lớn từ xa đã về dự ngày nhạc hội của cha. Bạch La và Phước cùng hai con về từ bên Đức, còn Cung Fa và Dung về từ Virginia. Cả nhà lo lắng, ủ rũ. Mọi người chờ chú vào nhà trong thay áo, rồi đi hai xe đưa chú vào nhà thương Palo Alto. Tôi ngồi xe do chị Thu Tâm lái, nhìn chị, tôi thương cảm hết sức và hiểu được tình yêu của hai người. Tình yêu của họ có lẽ bắt đầu bằng sự cảm phục về tài, và tồn tại bằng sự chia sẻ nghệ thuật trong những năm cô đơn và đau buồn của người nhạc sĩ sau 75.
Tôi thấy họ đẹp vô cùng, và tôi cũng thấy được cái hạnh phúc cuối cùng của chú Hoàng Trọng. Tôi ngồi ghế ngoài phòng đợi với Phước và Bạch La, khi hai mẹ con đưa chú vào phòng khám, mà lờ mờ nghĩ rằng có thể đây là lần cuối tôi được nhìn thấy chú…

Trở về Virginia vài ngày, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, thi gặp ngay giọng của Dung, người con dâu trả lời, tôi giật mình lo sợ: Dung và Fa đã về Virginia rồi, nay lại có mặt ở đó, nghĩa là tình hình không khả quan, có khi bệnh tình đã nguy ngập. Dung nói “chị gọi vào nhà thương cho cha em đi, chắc ông vui lắm đó. Mấy hôm nay cha nói mớ toàn tên bài hát và có nhắc đến tên chị nữa đó”. Tôi nghẹn ngào xin số của nhà thương. Gọi vào gặp chị Thu Tâm, và được chuyển ngay cho Hoàng Trọng. Tôi hỏi thăm và cố nói vui: “Chú ơi, ráng khỏe lại nhé, mình còn làm vài chương trình nữa chứ!” Hoàng Trọng chỉ ừ ừ cám ơn, giọng thều thào như qua tấm lá chắn. Tôi lại hỏi: “Chú ơi, cháu muốn hát một bài tango của chú, chú khuyên bài gì, Tình Trăng được không?". Tôi nghe như có niềm vui: “Ừ, hát Tình Trăng thì hay lắm, chưa hát đĩa bài ấy đấy.”

Vài tuần sau thì mẹ tôi gọi từ quận Cam của Cali, báo cho biết chú Hoàng Trọng vừa ra đi. Sau đó Nguyễn Thành Vân (người song ca với tôi bản Lạnh Lùng ở San Jose) gọi báo tin, kèm lời than “trời ơi! ai biểu ông làm chương trình nhạc làm chi, mệt quá ổng mới vào nhà thương đó.” Tôi an ủi Vân: “không đâu, ông có được niềm vui sau cùng đó, Vân à”.

Sống với âm nhạc cả một đời, chú đặt tên cho con toàn là nốt nhạc: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La, Hoàng Thiên Út (tức khóa Đô trong nhạc) chứ không phải út ít như nghĩa thường, và Hoàng Kim Mi. Ông chỉ thiếu Ré và Sol vốn là chữ khó dùng để đặt tên được vì nghe không thuận tai. Còn nốt Si thì tôi trộm nghĩ đó chính là tên của ông: Hoàng Trọng là người si mê âm nhạc đến tận cùng, và ông gắn bó với nhạc cho tới hơi thở cuối cùng.

Hoàng Trọng viết nhạc từ thời còn thanh niên cho tới gần đây, và tôi ít thấy nhạc sĩ nào có trí nhớ hơn ông. Sau 1975, phần lớn các nhạc sĩ mất hết tài liệu và tác phẩm của mình. Người nào may mắn có tác phẩm trình bày trong tape, được người khác mang theo khi di tản, thì mới còn mong ghi lại lời ca ý nhạc của mình. Nhưng, nhạc thì không quên được, chứ lời thường bị quên. Phần lớn các nhạc sĩ còn phải hỏi ca sĩ về lời của bài hát mình viết. Các nhạc sĩ như Văn Phụng, Ngọc Bích, Tuấn Khanh, v..v..thường gọi chúng tôi hỏi lời bài hát, Cô Châu Hà cũng còn quên lời nhạc của chú Văn Phụng, và mẹ tôi không nhớ lời các ca khúc Dương Thiệu Tước bằng chính tôi, vì mình vẫn hát mãi… Chính các ca sĩ chúng tôi đã tiếp tục đem lại sự sống cho các ca khúc và giữ chúng tồn tại ở ngay trong tim mình. Cho nên, với thời gian thì quên lời là sự thường, đó là trường hợp chung. Chỉ riêng chú Hoàng Trọng thì có lẽ ông quên tất cả để chỉ nhớ nhạc, nhớ lời.

Khi qua Mỹ năm 1992, Hoàng Trọng mang theo một cuốn sách nhạc nhỏ, giấy rất xấu, tự chép tay tất cả các tác phẩm của mình, từ bài đầu tiên cho đến về sau, từ lời tim óc của mình đến lời ca của người khác, với đầy đủ năm sáng tác nữa… Ông đã in lại tặng cho vài người trong chúng tôi mấy bản chép tay thật tỉ mỉ công phu đó. Đối với tôi, đây là món quà vô giá.

Là một ca sĩ đã hát nhạc của ông từ mấy chục năm nay, tôi biết nói gì để cảm ơn Hoàng Trọng?

Tánh ông ít nói, nên xưa nay tôi cũng ít có dịp thố lộ sự tri ân của mình. Từ nay, tôi chỉ còn lẩm nhẩm lại bài “Nhạc Sầu Tương Tư" để nghe tiếng lòng ấp úng của ông trước nhan sắc của một giai nhân Hà Nội thời trước, hay Lạnh Lùng để thấm thía với tình quê hương dạt dào trong lòng ông. Ai đó có nói là người Việt mình thương nơi chôn nhau cắt rốn đậm đà hơn các sắc dân khác. Tôi thấy đúng vì vẫn rưng rưng mỗi khi hát bài Lạnh Lùng, Chiều Tha Hương, hay Buồn Nhớ Quê Hương, Chiều Về Thôn Xưa, hoặc Đường Về… Những tuyệt tác trên nhịp điệu tango của Hoàng Trọng có một phong thái rất mới mà cũng rất Việt Nam. Nó có nét Tây Phương về nhịp điệu, mà lại rất Á Đông trong nét nhạc. Đông phương mà sang trọng chứ không bình dân quê kệch. Các ca khúc Mộng Ban Đầu, Mộng Ngày Hồi Hương hay Tình Trăng… nghe ròn rã nhịp điệu mà vẫn gợi lên hình ảnh đằm thắm của quê hương.

Khi Hoàng Trọng yêu màu xanh, ông làm những bài xanh ngát hương đời và niềm tin. Những Mộng Đẹp Ngày Xanh, Khúc Ca Mầu Xanh, hay Thanh Bình Nhạc Khúc… chan chứa tình người và những hy vọng tươi đẹp cho đất nước. Ông đã làm cho lũ bạn trường Gia Long của tôi mê màu tím khi sáng tác Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím, Ngàn Thu Áo Tím hoặc Cánh Hoa Yêu…Tuổi hoa niên của chúng tôi có bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc của ông, dòng nhạc mơ mộng mà chân thật như con người đó, ít nói, ít cười mà đằm thắm và đam mê kín đáo.

Thưa chú Hoàng Trọng,

Giờ đây, hồi tưởng lại cả một đoạn đường sáng tác của chú, từ miền Bắc tới trong Nam và trong những ngày cuối của cuộc đời trên đất Mỹ, cháu thật kính trọng lòng say mê và phục vụ âm nhạc nơi chú. Những người có may mắn để biết, làm việc và sống gần chú đều yêu thương và quý trọng chú. Có một điều rõ ràng hơn cả, là chú không bao giờ giả dối, làm dáng, cường điệu. Ngay cả sự vụng về của chú cũng là điều làm cháu yêu quý chú. Cháu biết ơn chú mà cũng biết là chú không cần cháu nói ra điều đó. Chú thấy không, đến phút cuối cháu cũng chỉ nắm tay chú mà không nói lên được điều gì cả. Cháu chỉ mong là chú hiểu cháu và nghe được lời cám ơn của cháu, bây giờ và mãi mãi.

Giờ đây, ở nơi đó, chú có biết không, cháu vẫn còn nghe vẳng bên tai câu hát mà cháu có lúc đùa nghịch, bắt bẻ chú, vì chú dùng chữ “mà” lập đi lập lại nhiều lần:

Mà mơ, mà nhìn lên cõi trời cao,
Mà ngùi thương những năm nào,
Mà mong tìm một ánh sao…

Xin vĩnh biệt ánh sao.



 
Quỳnh Giao - Tháng 7, 1998













Ngàn thu áo tím
Thái Thanh








Đẹp giấc mơ hoa










Gió mùa xuân tới












Đường Vào Dĩ Vãng - 

Bạch La 

(Ái nữ cố nhạc sĩ Hoàng Trọng)


Bây giờ trời đã chuyển Thu sang Đông, sáng sáng đưa con đến trường học, trên đường về nhà, co ro trong chiếc áo lạnh dày cui, tôi vừa đi vừa rủa thầm cái thời tiết mắc dịch ở cái xứ lạnh lẽo này. Vùng chúng tôi là vùng kỹ nghệ nên thời tiết thật quái gỡ, mùa Hè thì chẳng mấy nóng lâu, mùa Thu thì mưa... mút chỉ, mùa Đông thì vừa mưa vừa lạnh, sống ở đây mà có tâm sự buồn thì bối cảnh chung quanh càng làm cho con người thối chí. Chẳng trách nào thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng tin là người ta nhảy lầu hay đâm đầu xe vào gốc cây mà tự tử và lại thường xảy ra vào mùa này, cái mùa mà sáng bừng mắt dậy thì trời vẫn tối đen cứ tưởng là còn đêm, nhìn đồng hồ mới biết là giờ mà ở quê nhà thì mặt trời đã lên khỏi đỉnh đầu, ra khỏi nhà mới thấy cái thấm thía cái lạnh của thời tiết xứ người.

Sau bài hồi ký nói về chuyến đi Mỹ của chúng tôi vừa rồi được đăng ở các báo Việt tại hải ngoại thì nhiều người mới biết thêm về nhạc sĩ Hoàng Trọng; người cha đầy lòng yêu âm nhạc, vừa mất đi của tôi. Tôi được nhiều độc giả xa gần khuyến khích viết thêm nữa về cha tôi, về con người có cái vẻ thật khô khan bên ngoài nhưng lại có những dòng nhạc lãng mạn quá sức, mà càng nghe mới càng thấy những uẩn tình của ông che dấu trong ấy... Viết thêm về cha tôi ư? mặc dù cũng đã học vài năm tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975, tôi chưa hề viết bao giờ và tôi vốn chả có tài viết lách, cái năng khiếu về nghệ thuật của tôi chỉ gói ghém trong sự ca hát làm hobby. Sau này khi theo học đại học bên Đức này tôi đã lựa ngành vẽ mẫu cho vải, nên vẽ vời thì còn kha khá chứ muốn viết lách thì phải có trí nhớ dai mà tôi thì chúa quên lại thêm hai lấn sanh mổ bị chụp thuốc mê làm trí nhớ cũng hơi.. lủng!!!

Lần qua Mỹ vừa rồi tôi như trải qua một cơn ác mộng, ông ra đi một cách quá đột ngột làm tôi xúc động bàng hoàng đến độ cần phải viết một bài về ông để kể lại những diễn biến trong khoảng thời gian cuối bên cạnh ông. Tôi chỉ nhắm mắt lại là những hình ảnh ấy lại hiện ra tuần tự rõ ràng khiến tôi chỉ cần ghi lại mà không gặp khó khăn gì cả. Cái cảm xúc mất đi người cha thân yêu vẫn còn đầy ấp trong tâm tư, nhưng muốn viết về ông thì quả thật không dễ vì ông thật giản dị, thật ít nói, thật khép kín. Những người sống chung quanh ông đều tôn trọng cái thế giới riêng mà ông chỉ mở ra cho người ta thấy qua những dòng nhạc ông viết, còn con người của ông đối với bối cảnh bên ngoài chỉ là một sự nhịp nhàng điều hòa như cái máy: viết nhạc, thâu thanh, sáng đi, trưa về, chiều tối viết bài hoặc lên sân thượng nằm ướp sương và ngắm trăng sao...

Tôi được xem lại video buổi tưởng niệm 49 ngày của cha tôi được chú Nghiêm Phú Phi và các anh các chú tại tòa báo Người Việt ở Santa Ana tổ chức. Hôm ấy, ngoài các ca nhạc sĩ mến mộ cha tôi lên đàn hát nhạc của ông còn có các bạn hữu đã từng làm vìệc chung tại đài phát thanh cũng như thân quen lên nói chuyện về con người của ông cũng như những kỷ niệm với ông. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khám phá ra rằng cha tôi rất thật, rất trong suốt, nên ai đã tiếp xúc với ông đều có những nhận xét về ông rất đúng, những gì họ diễn tả là cha tôi đó, trong lề lối làm việc hay trong nếp sống gia đình ông vẫn là một người trong ngoài như một. Bây giờ, tôi cũng cố gắng để tâm tư trở về với dĩ vãng, nhớ lại những kỷ niệm với cha tôi mà xin viết bổ túc thêm để quí vị biết về ông vậy.


Hoàng Trọng và Âm Nhạc


Cha tôi bắt đầu viết nhạc lúc ông 16 tuổi, nghĩa là lúc ấy tôi đang còn ở một kiếp khác nên tôi không được biết gì về những hoạt động của cha tôi với âm nhạc lúc bấy giờ. Qua các tiểu sử của ông được đăng trên các báo chí thì ông cho biết ông đã phải ra đời rất sớm, tự học hỏi về âm nhạc vì hoàn cảnh gia đình không cho phép ông được theo trường lớp để có bằng cấp về âm nhạc như nhiều nhạc sĩ khác. Cha tôi sanh vào năm Nhâm Tuất mà theo Tử Vi Á Châu thì trai Nhâm gái Quí là số tốt lắm đấy, chỉ có chờ người đem dâng đến miệng mà ăn thôi. Nhưng sao tôi thấy có lẽ cha thôi thuộc thành phần ngoại lệ vì ông rất vất vả. Cũng vì hoàn cảnh eo hẹp của gia đình, ông phải dẫn dắt, dạy dỗ các em của ông là các chú và cô tôi theo ông vào ngành âm nhạc để mưu sinh. Chỉ có bác Cả tôi thì lập gia đình và làm việc cho chính phủ nên không hoạt động gì về nhạc, mặc dù chính bác Cả đã dạy và hướng dẫn cha tôi tập tễnh vào âm nhạc và nhờ đó cha tôi mới khám phá năng khiếu và sư đam mê về âm nhạc của ông.

Nói đến cha tôi thì phải nói đến ban nhạc do ông lập ra: Tiếng Tơ Đồng. Tôi chỉ được biết những hoạt động của cha tôi từ khi tôi hát cho ban Tiếng Tơ Đồng, được trình diễn trên đài truyền hình độ hai hoặc ba tuần một lần, còn đài truyền thanh thì hàng tuần nhưng bận học nên tôi được tha. Làm việc cho cha tôi rất ư là... khó chịu vì ông là một người rất tôn trọng kỷ luật và tỉ mỉ. Mỗi khi ông soạn chương trình, ông chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ bài vở cho các ca sĩ và nhạc sĩ, ông luôn luôn muốn ban nhạc của mình được hoàn hảo nên hay nghĩ ra những ý kiến mới lạ mà chúng tôi: những người cộng tác chung với ông, dưới sự hướng dẫn của ông như một vị tiền bối, như một người anh cả, đôi khi phải chịu đựng những ý kiến đôi khi hơi... khác bình thường! Thí dụ như ban Tiếng Tơ Đồng là một ban trình diễn những bài ca tiền chiến của các tác giả cùng thời hoặc lớn tuổi hơn cha tôi nữa, và các ca sĩ cộng tác với Tiếng Tơ Đồng phần đông cũng là các người chuyên môn hát về các loại nhạc này, các cô chú cũng đã hát có tiếng tăm từ ngoài Bắc, hoặc ngoài Huế nên đều đã khá lớn tuổi như các cô Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Châu Hà, Hà Thanh, các chú Anh Ngọc, Nhật Bằng, Thanh Vũ.. các chị trẻ hơn thì cũng phải có trình độ nhạc lý vững vàng như chị Mai Hương, Quỳnh Giao, Hoàng Oanh, Thanh Lan, anh Nhật Trường... Vì sợ chơi nhạc tiền chiến khó chiếm cảm tình của các khán thính giả trẻ, cha tôi muốn tạo một sắc thái đặc biệt cho ban nhạc, ông tự đi chọn, mua vải để các ca sĩ mặc đồng phục; may áo giống nhau cũng có lắm vấn đề lắm chứ, theo luật nghệ thuật thì người gầy, nhỏ nhắn thì nên mặc vải hoa to hay mẫu to trong khi người có da, có thịt một chút thì nên xài vải hoa nho nhỏ thôi. Cha tôi thì chả phân biệt chi cả, cứ đi mua các loại vải thật là lòe loẹt, bông hoa nào cũng to bằng cái bát ăn cơm để lên truyền hình cho nó nổi mà lị! vừa nổi nhưng giá lại phài chăng nên chỉ có loại vải may màn cửa mới có, mà vải may màn cửa thì nó vừa dày, vừa cứng, ai mà may áo dài?

Hồi ấy chúng tôi đả đảo dữ lắm, nhất là các chị ca sĩ , lên truyền hình ai chả muốn diện cho đẹp, cho cả nước thấy mà, nhưng cha tôi thì cứng rắn lắm, gần như là độc tài, cộng tác với ông thì phải làm theo ý của ông thôi, có bất bình thì cũng chỉ càu nhàu mà rồi cũng chả đi đến đâu. Ông đưa vải chỉ có việc đem may, tiền công tự phải lo, chắc mấy bà thợ may nào cắt áo dài cho chúng tôi cũng đều phải cười thầm, khách hàng này có cái "gout’’ quái lạ thiệt! Chưa hết, có người muốn mặc cổ cao, cổ thấp, cổ bà Nhu... cứ loạn cả lên, cha tôi có biết đến chuyện đó đâu, cứ việc may sao cho đồng nhất đi, bởi vậy đến ngày thâu hình đem áo dài đến mới phát giác ra người thì cổ tròn, người thì cổ trái tim lung tung, cha tôi lại tối sầm mặt mày, thở ngắn, thở dài cho là đám Ca sĩ cố tình "chơi’’ ông Bầu. Ông nhất quyết không chịu thua, đưa vải bắt may tiếp, bởi vậy mà số áo dài lạ lùng này chả ai dám mặc đi khơi khơi ngoài đường - thứ nhất: vì sợ người ta tưởng lầm mình là... cắc kè bông! thứ hai: trời Sài Gòn nóng hôi hổi mà mặc áo dài dày cui như thế không khéo mồ hôi toát ra trôi cả phấn son mất! Càng ngày số áo dài càng gia tăng nên đến ngày đi thâu hình ai cũng khệ nệ rê theo gần như cả một tủ áo dài nặng chình chịch- toàn vải may màn cửa mà lị!

Đến ngày thâu hình cũng nhọc công lắm. Ở các ban khác thì ca sĩ đến hát khỏe ru, nhắm giờ đến hát xong bài mình thì ra về, hoặc đôi khi hát cho hai ba ban khác nhau, thâu xong ban này thì chạy sang phòng thâu khác thâu cho ban khác, thật là nhất cử... tam tứ tiện. Nhưng hát cho Tiếng Tơ Đồng của cha tôi đâu có... thoải mái vậy! Ban nhạc của ông là một ban đại hòa tấu và hợp xướng nên bao giờ người ta cũng dành cho ông thâu hình và thâu âm vào buổi sáng vì họ biết sẽ kéo dài đến buổi chiều nếu không trục trặc gì. Còn nếu ba cái máy thâu hình mà đình công thì khỏi nói, đến tối cũng chưa xong - nghĩa là kể như đi "đoong" một ngày vì cha tôi bắt các ca nhạc sĩ đi sơm sớm mà còn tập dợt, ngoài những bài solo còn có song ca, tam tứ ca, phụ họa nữa, ai cũng cầm một sấp bài đã được phát từ cả tuần trước!
Tuy ai cũng được cho là có trình độ nhạc lý vững vàng nhưng cũng vẫn phải tập dợt chung với ban nhạc. Người Việt mình lại hay mắc bịnh kéo giờ, dặn 8 giờ thì đủng đỉnh 9, 10 giờ cũng còn kịp chán. Nhưng làm việc với cha tôi thì không có chuyện đi trễ được, ông mà dặn giờ nào là trước đó cả tiếng ông đã có mặt, đến trễ thì sẽ được tiếp đón bằng bộ mặt lạnh lùng như cục nước đá của cha tôi khiến ai cũng hơi... ớn. Thường thì chỉ có những ‘’ca sĩ khách’’ nghĩa là những ca sĩ không thường trực cộng tác với Tiếng Tơ Đồng và cũng chưa biết tính cha tôi thì mới phạm phải lỗi lầm đó, chứ ai làm việc với ông chỉ một vài lần là tự động phải đi đúng giờ ngay. Ông thường ít nói nhưng có một cái nhìn mà ai cũng hiểu ý, không cần phải nói bằng lời, ông buồn, ông vui, ông giận, ông hài lòng... chỉ qua một ánh mắt nhin thì ai cũng biết ngay. Tất cả đều thể hiện trên đôi mắt của ông, còn miệng thì không nói không cười, làm việc hay tiếp xúc với ông là tự động ai cũng phải hiểu cái ngôn ngữ ‘’câm’’ ấy - có phải là người có bản lãnh không hở quí vị?

Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, mới độ đôi tám, ca sĩ trong ban TTĐ chia ra làm nhiều nhóm: các cô, thường nhỏ hơn cha tôi từ một chục cho đến vài tuổi, được gọi là nhóm mấy ‘’bà già giết giặc’’. Nhóm này đã từng quen biết hoặc làm việc với cha tôi từ dạo ngoài Bắc, các cô rất tự nhiên như người trong gia đình và... có vẻ chả... ngán cha tôi tí nào cả nên hay chọc ghẹo cha tôi lắm. Thấy cha tôi càng hồi hộp khẩn trương vì trục trặc kỹ thuật hay gì đó là họ càng thích đùa giỡn cho bớt căng thẳng, lắm khi chúng tôi cứ phải dấu mặt đi mà cười bò, trong khi cha tôi thì mặt mũi như đeo chì ấy, không thấy cởi mở tí nào. Khi nào thu hát xong thì cũng thấy ông hài lòng với nhóm này nhiều nhất, mấy cô mà tam tứ ca thì nhún nhẩy hết chỗ chê, thật đúng ý ông Bầu! Nhóm tuổi ít hơn thì các chị ít dám giỡn hơn, thỉnh thoảng mới dám bỏ nhỏ, ghẹo mà nói sau lưng cho ông nghe thôi chứ không dám nhìn mặt "ngầu’’ của ông. Tôi còn nhớ các chị hay bảo nhau: "thôi coi chừng chú Trọng sắp sửa ‘"môi anh hé run’’ kìa, đàng hoàng laị đi!. Nghĩa là cha tôi đang giận đấy, môi ông cứ xệ xuống mà lại run run như đang cảm động không nói nên lời vậy. Nhìn ông là đủ hiểu muôn vàn câu trách mắng trong ánh mắt, ở ông: đôi mắt đúng là cửa sổ của tâm hồn! "Nhóm nhí", có tôi trong ấy, tuổi tác nhỏ nhất và cũng sợ ông nhất. Ngoài tôi là con gái ‘’rượu’’ của ông Bầu thì tuy sợ thì có sợ nhưng cái mồm nhất quyết không chịu thua, hay lép nhép, lải nhải hầu có gỡ gạc được đôi chút. Còn các "tên" kia thì tuyệt đối không dám hó hé gì cả. Ông biểu gì là răm rắp nghe theo thôi, hát bài vui là phải đu đưa, lắc loạn cả lên mới đúng ý ông, lắm khi mắc cở thí mồ mà vẫn phải lắc. Ôi, Cha tôi nhà độc tài số một!

Hồi mới có truyền hình, phải thâu hình ảnh và hát với ban nhạc cùng một lúc mới là đáng sợ. Có lỗi, phải thâu đi thâu lại, làm mặt ông đã tối lại càng tối hơn, chớ có nhìn mặt ông vì đã sai lại càng sai dữ nữa! Sau này, chơi kiểu "play back" nghĩa là thâu tiếng trước rồi khi thâu hình ca sĩ chỉ việc nhép lại nên cũng đỡ phiền nhiều mà lại khỏi cần học thuộc bài vì trong khi thâu hình thì có người nhắc ở ngoài cũng được. Tuy vậy nhưng cha tôi vẫn bắt các ca sĩ học thuộc lòng vì ông muốn họ diễn tả tự nhiên chứ không để lâm vào cảnh bối rối chờ người khác nhắc rồi mặt mũi cứ đờ đẫn ra, bài ca vui mà mặt mày hơi đau khổ! Đôi khi lại còn bị nhắc nhầm đâm ra miệng nhép một đằng, tiếng lại ra một nẻo thì... quê xệ! Bởi vậy trong ngày thâu hình cho TTĐ thì hay có cái cảnh... các ca sĩ đi thơ thẩn vòng vòng hoặc kiếm một góc nào trong phòng trang điểm để mà lẩm nhẩm học bài, xong rồi còn khảo bài cho nhau nữa để khỏi bị ông Bầu khiển trách. Riêng tôi nhớ lại những ngày đi thâu hình cho cha tôi thì thật là... đau khổ! Ngoài việc bài vở phải chuẩn bị kỹ càng không thì chết với ông, con ông mà không làm gương thì còn gì là thể diện ông Bầu. Thật ra tôi không đau khổ vì vấn đề phải thuộc lòng bài cho lắm vì trong ban của ông tôi chỉ hát những bài hợp ca, hay tam tứ ca với đám ca sĩ nhí thôi chứ không hát đơn ca. Thứ nhất là vì ban của ông toàn là ca sĩ "chiến’’ nên những bài đơn ca không đến lượt mình, thứ hai là tôi cũng bị bịnh run- ở sát bên ông thì càng "rét’’ hơn nữa, hát cho ông mà cứ sợ làm hỏng kiểu thôi... thà đừng hát còn hơn.

Đau khổ là vì tôi phải dậy thật sớm để đi với cha tôi, hôm nào mà có hẹn 9 giờ sáng là tinh mơ mình đã phải dậy sửa soạn, chưa 8 giờ đã phải ra khỏi nhà, leo lên cái xe Vespa của ông, ôm một đống áo dài nặng như bao gạo, bài vở thì ông bỏ vào cặp táp thật to để đàng trước dưới chân ông và hai cha con ì ạch mà tiến thẳng đến Đài. Cha tôi có một lối lái xe thật là an nhàn, cứ gần đến cột đèn giao thông thì hễ đèn vàng là ông đã từ từ để dừng lại, rất là đúng luật lệ, nhưng từ đằng xa mà thấy đèn xanh thì ông cũng chạm thắng để rồi đến nơi thì đèn vàng thì nghĩa là cũng dừng lại, ngồi đằng sau mà sốt cả ruột, cũng chả dám nói vì cũng ... thế thôi! Trong mọi vấn đề, ông có bao giờ chịu thay đổi. Trời thi hay có luật bù trừ, sống trong một gia đình toàn những người thật trầm tĩnh, làm gì cũng từ tốn chậm chạp, từ cách đi đứng cho đến ăn nói, tôi lại là những gì hoàn toàn ngược: cha tôi cạy miệng cũng chả ra chữ thì tôi lại hay lách chách cái miệng, ông rất nhàn nhã trong việc lái xe thì tôi lại thích tốc độ, được dịp lái xe một mình là tôi phóng nhanh ghê gớm. Ai ngờ sau này lấy phải ông chồng cũng lái xe kiểu ăn chắc mặc bền như cha mình vậy, tôi chỉ còn biết kêu trời "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"!

Hoàng Trọng và nếp sống gia đình

Khi mới di cư từ Bắc vào Nam, cha tôi cùng anh em tôi và người cô, em ruột cha tôi - người thay thế mẹ tôi để nuôi chúng tôi khôn lớn, đều ở chung tại một căn nhà nhỏ hẹp ở đường Cô Bắc, ngay khu chợ Cầu Muối, nơi nổi tiếng là không an ninh vì toàn các tay "anh chị’’ sống tại khu đó. Chúng tôi chỉ ở đó một thờI gian thì dọn về khu Nancy Chợ Lớn, nhưng cha tôi vì muốn ở một mình để soạn bài vở nên vẫn cứ ngủ ở đó, ban ngày ông về đằng chúng tôi ăn cơm trưa chiều. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng cô tôi và tôi phải lên chỗ cha tôi ở để dọn dẹp vì cha tôi bày bừa ghê lắm. Ngoài âm nhạc, ông còn có thú chụp hình và tự rửa hình lấy, ông sắm máy móc đầy ra nên căn nhà nhỏ không có lối mà đi. Trên giường, trên bàn thì bài vở hình ảnh ngổn ngang, chất đống. Cô tôi phải dọn dẹp cả ngày mới xong nhưng tôi chắc chỉ gọn được vài ngày rồi thì cha tôi cũng sẽ bày bừa tiếp. Cái hay là ông vẫn tìm được bài vở trong đống hỗn loạn ấy. Tôi nghe ông luôn dặn cô tôi là khi dọn đừng quăng vứt đi của ông bất cứ cái gì, bởi thế cô tôi chỉ được phép xếp tất cả lại cho gọn mà thôi!

Riêng tôi, đi theo tháp tùng cô tôi chỉ để phá phách, nghich ngợm và vì tò mò, tôi thích nhào vào những đống giấy ấy mà moi móc lục lọi, có khi có cả tiền cắc thì thú quá. Còn không thì cứ tìm xem có hình cô nào lạ lạ mà được cha tôi chọn làm người mẫu thì phải kiếm cách mà đối phó nữa chứ, biết đâu chả là bồ của ổng? vì cha tôi thích chụp hình và quay phim nên ông hay yêu cầu các chị ca sĩ trong ban nhạc làm người mẫu. Cả tôi và người chị họ cũng là người mẫu thường xuyên của cha tôi. Mỗi khi Tết đến có chợ hoa là thể nào cũng có một ngày mấy chị em diện thật đẹp rồi đi khắp chợ, cười thi đua với hoa Xuân trong lúc cha tôi thì loay loay với máy quay phim trong tay và máy chụp hình trên cổ. Đôi khi ông sắm được máy mới thì chẳng cần chợ hoa, ông bảo chúng tôi thả bộ trong Thảo Cầm Viên đến rã cả chân để ông quay phim và chụp hình. Lại có khi mình cười làm dáng thiếu điều vọp bẻ cả mấy cái bắp thịt ở miệng lẫn chân (vì đi bộ cả buổi cơ mà!) thì ông bảo hết phim, đủ rồi, và hình ông khám phá ra điều gì không ổn, ông phán một cách thất vọng: 
- Thôi chết chửa, ta lắp phim sai rồi! 
hoặc là:
- Ơ, tuột phim mất rồi! Thôi, làm lại từ đầu nhá.

nghĩa là nãy giờ chỉ là công cốc thôi và ông mới cười hì hì coi như xin lỗi... thật là quê xệ! Chỉ những lúc ấy mới thấy ông cười, đáng giận quá nhưng nhìn vẻ mặt bẽn lẽn của ông lại không nỡ, nhưng thôi hết hứng mất rồi, khất ông lần khác vậy.

Sau năm 92, cha tôi sang định cư tại Mỹ, mỗi lần sang thăm và bước vào phòng ông là tôi mường tượng lại căn gác hẹp ngày xưa vì ông vẫn bày bừa như xưa. Cha tôi vẫn làm những công việc ông đã từng làm như ngày xưa là chí thú với âm nhạc và nghệ thuật phim ảnh, dĩ nhiên cô Tâm, vợ ông và Thiên Út, Kim Mi, các em tôi là các người mẫu cho ông thử nghiệm những khám phá mới lạ của ông, chúng tôi trao đổi những kinh nghiệm ... méo mó của ông phó nhòm (cha tôi) cho nhau nghe để rồi cùng cười bò vì giống nhau quá sức!

Lần vừa rồi, sau khi cha tôi mất, anh em chúng tôi mới có dịp thu dọn căn phòng hỗn độn đó vì khi còn sống, ông muốn cứ để mọi thứ như thế cho ông, để ông có thể tìm ngay được những gì ông muốn tìm. Có lẽ ông vẫn áp dụng trật tự trong sự vô trật tự như mình học trong môn nghệ thuật chăng? Tôi bùi ngùi lượm những tiền cắc vương vãi đây đó nhưng lòng không còn thấy thú vị như ngày xưa. Tôi lại tiếc nuối khi sắp vứt bỏ những bài nhạc viết tay đã vàng của cha tôi, những dòng chữ quen thuộc của cha tôi và theo ông từ quê nhà đến xứ người. Tôi nâng niu xếp vào một thùng giấy cả những phim ảnh cha tôi tự chụp rửa cũng được giữ cả lại, những lưu vật của cha tôi mà, ai nỡ vứt bỏ...

Có lần khu Cầu Muối cháy vào ban ngày, lúc cha tôi đang thâu thanh ở Đài, khi về đến nhà chỉ còn là đống tro tàn. Cha tôi tiếc ngẩn ngơ các bài vở của ông, cũng may là ông còn để một ít bài vở ở căn nhà trong Chợ Lớn nên cũng vớt vát được chút đỉnh. Nhưng ông cũng đã phải bỏ rất nhiều thời giờ để viết lại tất cả những bài bản đã mất. Đúng như lời chị Quỳnh Giao viết về Ông:" một người soạn nhạc với tất cả tâm hồn". Ông luôn nhớ những tác phẩm của ông như những đứa con tinh thần yêu quý. Ông chỉ cần ngồi xuống và viết lại từ lời cho đến nhạc mặc dù nhiều bài hát của ông do các bạn hữu viết lời nhưng ông vẫn thuộc vanh vách. Ngay cả thời gian sau khi mất nước (1975), các bài vở của ông lại thêm một lần nữa bị đốt bỏ, nhưng ông cũng đã viết lại các tác phẩm từ đầu tay cho đến mới nhất không sai sót tí nào. 
Trở lại chuyện cháy nhà, sau đó các bạn hữu thân sơ trong giới nghệ sĩ đóng góp mỗi người một tay giúp cha tôi xây lại căn nhà của ông, vẫn tại chỗ cũ. Cha tôi quyến luyến với chỗ ấy, ông cho xây căn lầu ba tầng để ông tha hồ bày bừa các bài vở và nghiên cứu về phim ảnh. Ông dành cái sân thượng để nuôi chim cút và trồng nho, thế giới riêng của ông là đấy.

Cha tôi là người ít nói, điều đó ai cũng biết. Ông đi đi, về về, thầm lặng như cái bóng, chả nói với ai tiếng nào. Hàng xóm thấy vẻ lặng lẽ của ông cũng sợ. Con nít tụm năm tụm ba trước cửa nhà mà nghe tiếng Vespa lịch xịch của ông là lo giải tán ngay. Có một lần anh Fa tôi, lúc ấy khoảng bẩy hay tám tuổi gì đó, chạy chơi ngoài ngõ bị xe Taxi đụng phải, chỉ trầy sơ chút đỉnh, nhưng vì là con nít nên sợ hãi, khóc bù lu bù loa. Cha tôi được con nít trong xóm báo tin, chạy ra ngay hiện trường cầm cổ áo ông tài xế xốc lên khỏi mặt đất mà hét vào mặt ông ta "sao chạy thế nào để đụng phải trẻ con như thế ?’’. Tôi nhớ mãi hình ảnh cha tôi lúc ấy, ông nào có vạm vỡ gì, chỉ dong dỏng cao, thế mà chả hiểu sức ở đâu ra khiến cha tôi khỏe như voi vậỵ Mặt ông tài xế thật không còn hột máu thấy thật tội - chắc tưởng đụng phải con trai của tay anh chị bự nào đây! Dĩ nhiên sau đó thấy anh tôi không hề hấn gì thì thả ngay ông tài kia xuống và điều chỉnh giọng xuống bình thường, nghĩa là phải lắng tai mớI nghe rõ ông nói gì. Sau này thỉnh thoảng chúng tôi cứ đem chuyện cha tôi làm anh hùng Hercules ra chọc cha tôi, ông chỉ hơi tủm tỉm cười, chắc chính ông cũng không ngờ ông có thể nóng nẩy như vậy.

Trong nhà có chuyện gì ông cũng không bao giờ to tiếng, giận lắm thì ông trợn mắt hoặc quát lên một câu rồi sau đó là bỏ mặc không thèm ngó ngàng đến nữa. Tôi nhớ lần thi rớt tú tài, vừa ‘’quê’’ vừa nản, và thầm nghĩ làm con gái học ít thôi cũng được nên thưa với cha để bỏ học luôn. Cha tôi buồn lắm, ông không nói gì nhưng mỗi ngày ông về nghỉ trưa bên nhà chúng tôi, ông cứ nằm gác tay lên trán mà thở dài. Tiếng thở dài âm thầm nhưng não nuột làm sao, làm tôi đau khổ hơn muôn vàn lời trách móc, thậm chí nhiều lúc tôi chỉ ao ước cha tôi mắng chửi tôi một mách nhưng ông chả trách câu nào mà chỉ có im lặng thở dài. Đến nỗi sau Hè tôi chịu hết nổi, đành bấm bụng, muối mặt mà xách cặp đi học lớp tối để năm tới lều chõng đi thi tiếp. Lúc ấy mới thấy cha tôi trút được cái cục đá trên mặt mà tươi tỉnh trở lại. Cha tôi là thế đấy, ông vẫn tự cho mình là người câm, cái tình cảm rạt rào như sóng biển ông chỉ cất dấu trong lòng, rất thương con cái nhưng không bao giờ nói ra những lời ngọt ngào, văn hoa bóng bẩy. Tuy vậy chúng tôi cũng hiểu qua ánh mắt của ông, mỗi lần chúng tôi có sinh nhật khi đã lớn không tổ chức đình đám nữa nhưng ông cũng tự động mua cái gì đặc biệt đem về ăn, dù chả ai nhắc nhưng ông vẫn nhớ. 
Cha tôi ít nói lại cương quyết nên cả họ đều nể sợ. Ngay đến bác Cả tôi cũng ngán cha tôi vì tính bác xuề xòa, nói nhiều nhưng hay mềm lòng chứ không như cha tôi, nói ít nhưng nói ra thì như đinh đóng cột vậy không ai lay chuyển nổi. Cô tôi hay phải la mắng để dạy dỗ chúng tôi nhưng khi cha tôi về đến nhà thì bà cũng không dám ồn ào vì tôn trọng sự yên lặng của cha tôi. Không dễ gì chọc quê hoặc làm cho ông nổi nóng đâu nhé, chọc già chọc dai thì ông cũng cứ tỉnh bơ như không. Chỉ có một cách đo lường cái chọc phá tinh nghịch của mình có kết quả không thì nhìn vào bàn chân của ông, hễ ngón cái nó ngoáy ngoáy, rung rung là biết cái độ nao núng của ông, càng ngoáy tợn là ông đang bị xao động dữ tợn đó! Thí dụ tôi biết ông rất yêu các sáng tác của ông, tôi chêm lời tầm bậy vào, chỉ hát độ hai câu là thấy ngón chân ông nhúc nhích ngay, chọc già tí nữa là thấy ông cười cười, mắt long lanh chớp lia lịa, chân thì ngoáy tứ tung, và cả hai đùi rung luôn, ha ha, thế là tôi biết mình đã thắng rồi, trong nhà chỉ có tôi mới dám đùa giỡn với cha tôi như thế.

Ông có trí nhớ dai phi thường, ông học ngoại ngữ bằng tự điển nên ông như là một quyển tự điển sống. Hỏi bất cứ chữ nào ông chỉ cần nặn óc tí thôi là biết ngay. Mà ông cũng thích được tra hỏi lắm nên dù đang giận chúng tôi, nhưng hễ tôi hỏi gì về các từ ngữ Ăng-lê là ông quên giận, giải thích cặn kẽ, thế là tôi lại có cả tài phá tan cái không khí nặng nề khi cha tôi đang giận. Có phải không có tôi thì trong gia đình rất im lặng buồn chán không?

Chính vì cứ nghĩ và tự tôn mình như thế mà tôi cho mình là cái rốn của vũ trụ gia đình. Từ lúc có trí khôn để hiểu được mình không có mẹ bình thường như các trẻ con khác, cha tôi đối với tôi là tất cả. Tôi yêu và tôn thờ cha tôi, ông là sở hữu của tôi, không ai có thể chiếm đoạt được. Một cái gì thay đổi nơi cha tôi, tôi cũng không muốn, cả khoảng đời thơ ấu cho đến lớn tôi quen sống trong cái tình thương không nói nên lời đó. Cho tới khi mất nước, tôi chạy thoát ra nước ngoài, bỏ ông ở lại một mình, tôi còn nhớ sau vài tháng mất liên lạc, lần đầu tiên nhận được thư ông viết từ VN tôi đã đau đớn vô cùng vì những tưởng ông không còn có thể đi thoát được. Và đọc thư ông tôi lại càng buồn khổ hơn vì ông như một người khác mất rồi, những lời lẽ ngọt ngào âu yếm thế, có bao giờ tôi từng được nghe đâu?

Tôi đọc đi đọc lại mà vẫn không hiểu có phải thật sự là cha mình đã viết những lời dài dòng này không, ông xưa nay vẫn là người ít lời ít nói mà sao bỗng dưng bây giờ lại ra thế này. Rồi những lần thư sau, cũng toàn những lời thư thắm thiết lạ lùng ấy, tôi cho rằng cha mình đã thay đổi và tôi bắt đầu thất vọng. Cho đến khi cha tôi lập gia đình thì sự thất vọng ấy lên tới tột cùng làm tôi đâm ra hỗn láo mù quáng. Tôi có biết đâu rằng chính tôi mới là đứa con gái ngu xuẩn đã ở bên cha mình mấy chục năm mà không hiểu được con người ông. Một người chỉ có thể diễn tả tình cảm trên trang giấy chứ muôn đời không thốt ra bằng lời. Sau này khi ông sang đến Hoa Kỳ tôi mới được gặp lại và càng thấy cái ngu của mình vì cha tôi vẫn như thế đó, vẫn như thủa nào: gặp mặt thì chả biết nói gì, cứ ấp úng mà nhìn thương, nhìn cảm, qua ánh mắt mà thôi.

Rồi tôi cũng có dịp làm quen với người vợ thứ hai của cha tôi và hai em cùng cha khác mẹ với tôi: Thiên Út, Kim Mi. Ca hai cũng ảnh hưởng tính nết của cha tôi, nhìn vào tụi nó là thấy hiện thân của cha tôi: rất nhỏ nhẹ, rất đầm. Mái gia đình thứ hai của cha tôi cũng y như chúng tôi ngày xưa vậy, lúc nào cũng êm ả như nhà tu, thì ra ai ở bên ông cũng tập quen cái lối sống bằng nội tâm không cần nói thành lời ấy. 
Sau này, khi cha tôi làm chương trình nhạc tiền chiến trên Đài Phát Thanh Mẹ Việt Nam của chị Như Hảo, ông hay kể những tình tiết liên quan đến mỗi sáng tác của ông. Tôi mới càng nhận thấy ông không bao giờ ngừng yêu, ông vẫn chỉ là một người đàn ông đầy tâm hồn nghệ sĩ, yêu đời yêu người nhưng vì ông hay gặp phải trắc trở trong vấn đề tình cảm. Chính tôi cũng là đã từng là một chướng ngại vật, luôn luôn ngăn cản ông trên con đường tình cảm đó. Đã bao nhiêu lần tôi đã ích kỷ đặt từng cục đá chắn trên bước đường đi tìm hạnh phúc của ông, nên ông đã tự dấu diếm tất cả bằng cách mang cái mặt nạ sắt lạnh lùng, khắc khổ. Ông đã chịu cô đơn trong mấy chục năm để cho những đứa con hài lòng cho đến khi trưởng thành. Vì hoàn cảnh ly tán, tuổi già đơn độc nơi quê nhà nên ông mới lập gia đình và có được nguồn an ủi lúc tuổi đã xế bóng.

Bây giờ ngồi đây viết lại những kỷ niệm với cha tôi, tôi chỉ còn biết tự trách mình dù biết ông chẳng bao giờ bắt lỗi đứa con gái nhỏ ông hết lòng thương yêu vì tội cho nó không có mẹ như ông đã nói với tôi trước giờ ly biệt. Tôi đã lăn xả vào lòng ông mà xin ông tha thứ, ông đã vuốt tóc tôi và bảo đó là lẽ thường tình mà thôi. Tôi vẫn tiếp tục tự trách những suy nghĩ và hành động nông nổi ngày xưa của mình, có phải khi người ta mất đi vĩnh viễn cái gì không thể tìm lại được thì mới nhận thức ra nhiều điều hay lẽ phải và mới càng thấy rõ lầm lỗi mình đã phạm phải? Thấm thoát cha tôi mất đã gần một năm, từ lúc tôi ngồi thả tâm tư đi ngược lại dĩ vãng và viết lại những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt với người cha thân yêu. Đã trải qua gần hai mùa, vì nhiều khi tôi đang viết mà những cảm xúc và nỗi nhớ nhung dâng lên khiến tôi lại mủi lòng, khóc thương không thể viết tiếp phải bỏ ngang ở đó để làm chuyện khác nên mới mất nhiều thời gian như vậy. Khi bắt đầu là trời vào Thu mà nay đã sang Xuân, dù thế nhìn ra ngoài trời ở cái xứ xa xôi hẻo lánh này chả có khác gì, vẫn cứ xám xịt, cây cối vẫn trơ những cành khô và ra đường vẫn co ro vì gió lạnh.

Hè này chúng tôi lại sang Mỹ để tổ chức đám giỗ đầu cho cha tôi. Lúc ông còn nằm trong nhà thương và còn hy vọng được mổ để bình phục mà còn tổ chức thêm vài ba đêm nhạc Hoàng Trọng nữa thì bác sĩ cho chúng tôi biết họ đã bó tay rồị Phải báo cho cha tôi biết tình trạng vô vọng đó thì chúng tôi đau khổ vô cùng, không ai muốn làm chuyện đó cả nhưng sau cùng cũng đành phải nói. Nhân tiện có một cậu bác sĩ VN trẻ đang thực tập trong khu cha tôi nằm, cậu này ăn nói thật lưu loát và cũng quý mến cha tôi lắm nên khi thấy chúng tôi cứ do dự mãi không biết phải trình bày thế nào thì cậu nhận lới nói dùm chúng tôi. Hôm đó tôi rất là nhát, đã đứng núp ở bên ngoài để cô Thu Tâm và mọi người vào với cậu này nói chuyện với cha tôi. Chờ hồi lâu lòng bồn chồn không yên, tôi mới rón rén bước vào phòng núp sau lưng chị người chị dâu, qua bờ vai chị, tôi chỉ có thể nhìn thấy mặt cha tôi thì vào đúng lúc cậu bác sĩ đang nói cho ông biết là ông không còn hy vọng sống nữa. Tôi sẽ không bao giờ quên được vẻ mặt cha tôi lúc bấy giờ: vẻ ngỡ ngàng tuyệt vọng như một tội nhân bị tòa tuyên án tử hình vậy. Tôi đã không nén được xúc động mà phải chạy bay ra ngoài để khóc và tôi cũng chắc rằng mọi người trong phòng cũng không tránh được cái xúc động ấy. Độ một lúc sau, mọi người đi ra, mặt ai cũng bình tĩnh nhẹ nhàng và kể lại cho tôi nghe là cha tôi chỉ bàng hoàng vài giây (như tôi đã thấy) rồi ông bình thản mà chấp nhận cái lời phán quyết đó và còn pha trò để phá tan cái không khí thê lương đang ngự trị: 
- Thế thì năm tới, đến ngày giỗ đầu thì nhớ tổ chức gì mà ca hát nhạc của Hoàng Trọng nhé.

Vì lời ước nguyện ấy nên cô Thu Tâm quyết định mùa hè năm nay sẽ làm một buổi ca nhạc Hoàng Trọng để tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, hết lòng vì nghệ thuật. Tôi thấy mình phải có bổn phận giúp cô để hoàn thành tâm nguyện của người cha đã mất. Con chim đầu đàn đã ra đi không bao giờ trở lại, chúng tôi biết không thể xây dựng lại một ban Tiếng Tơ Đồng như hồi còn cha tôi nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một buổi ca nhạc trình bày những tác phẩm, những đứa con tinh thần mà cha tôi cả đời đã soạn ra với tất cả tâm hồn của ông. Mong rằng những nghệ sĩ và bạn hữu có lòng ưu ái với Hoàng Trọng sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi để buổi ca nhạc thành công mỹ mãn, nơi chín suối cha tôi được hài lòng vì những công sức đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục được những người còn lại lưu truyền.



Bạch La 
 (Germany 10/98-3/99)









Tìm một ánh sao







Mộng ban đầu









Một thuở yêu đàn










HOÀNG TRỌNG, cung thương dệt tiếng tơ đồng -

Vương Trùng Dương



(Bài nầy được viết nhân lễ tưởng niệm 49 ngày cố nhạc sĩ Hoàng Trọng do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng... tổ chức vào tối thứ Bảy, ngày 5 tháng 9 năm 1998 tại phòng hội nhật báo Người Việt, Little Sài Gòn. Và, đăng tải trên tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật. Mười năm trôi qua, những nhạc sĩ trên đã ra người thiên cổ. Ðể tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài danh có công đóng góp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, tưởng nhớ mười năm ngày vĩnh biệt cõi trần và ba mươi năm với tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Cali Weekly xin gởi đến quý độc giả - VTrD 2008)





Thế kỷ XX qua đi mang theo nhiều vì sao trong vòm trời âm nhạc Việt Nam, vĩnh biệt thế gian nhưng dư âm nhiều tình khúc bất hủ vẫn còn rung động bao trái tim thưởng ngoạn. Người nghệ sĩ tài hoa, đam mê nghệ thuật, giữ được nhân cách trong vườn hoa nghệ thuật đó, với Tiếng Tơ Ðồng vào cuối thập niên 50 đến 70, đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình và tình tự quê hương: Hoàng Trọng.

Bày tỏ tâm tư tình cảm với người bạn đồng nghiệp sống với nhau qua chiều dài của lịch sử âm nhạc, theo nhạc sĩ Phạm Duy: “Hoàng Trọng đã từng phục vụ cho nền tân nhạc Việt Nam từ lúc phôi thai cho đến khi đã trưởng thành, tất cả đều có một hành trình rất phong phú...Trong đời tôi, chưa thấy ai nhu mì như nhạc sĩ Hoàng Trọng cả”. Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Hoàng Trọng là người bạn văn nghệ suốt cả cuộc đời sống với nhau bằng chữ tâm: tâm thành, tâm ý trong nghệ thuật và cuộc sống. Trong bài viết Thuở Bình Minh Của Âm Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết: “Những ai sinh quán ở Nam Ðịnh đều biết thành phố nầy có những nhạc sĩ quen thuộc với đại chúng như Ðặng Thế Phong, Hoàng Quý Phạm Ngữ, tác giả bản Buồn Nhớ Quê Hương, Hoàng Trọng với những bản tango nổi danh và Ðan Thọ...”.

Theo nhạc sĩ Ðan Thọ: “Hoàng Trọng là khuôn mặt nghệ sĩ quý báu trong tình bạn từ lúc gặp nhau trong ban nhạc đầu tiên ở Nam Ðịnh vào thời tiền chiến và trải dài qua nửa thế kỷ cho đến lúc vĩnh biệt”.

Từ ca khúc đầu tay Ðêm Trăng năm 1938, mới 16 tuổi đến ca khúc cuối cùng Chiều Rơi Ðó Em năm 1978, trong 60 năm, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sáng tác hàng trăm bản nhạc, trong đó có nhiều ca khúc rất quen thuộc, được mọi người ái mộ và sống mãi với thời gian. Nhạc sĩ Hoàng Trọng được mệnh danh là Vua Tango của Việt Nam.


Theo Dòng Thời Gian

Hoàng Trọng, tên thật Hoàng Trung Trọng. Sinh năm 1922 ở Hải Dương, lớn lên ở Nam Ðịnh. Năm 11 tuổi học nhạc với sự chỉ dạy của người anh ruột, nhạc sĩ Hoàng Trọng Quý. Ông chơi được nhiều nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm và sáo. Năm 15 tuổi, học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Ðịnh và thành lập ban nhạc đầu tiên. Ban nhạc Nam Ðịnh gồm các anh em trong gia đình như Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và các thân hữu như Ðan Thọ, Bùi Công Kỳ, Ðặng Thế Phong, Phạm Ngữ, Vũ Dự, Tạ Phước... Ðến năm 19 tuổi, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ Universelle de Paris... Hoàng Trọng là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác ca khúc cho nền tân nhạc Việt Nam.

Ca khúc Ðêm Trăng (1938), Bóng Trăng Xưa (1940), Thu Qua (1941)... xuất hiện trong thời kỳ mở đầu nền âm nhạc Việt Nam.

Năm 1945 Hoàng Trọng mở phòng trà, lập ban nhạc lấy tên Thiên Thai ở Nam Ðịnh. Cuối năm 1946, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, Hoàng Trọng cùng gia đình lánh cư ở Phủ Nho Quan, Phát Diệm, rồi về Hà Nội. Ðược sinh hoạt trong môi trường thích nghi, qua làn sóng phát thanh, những ca khúc Ðêm Trăng, Thu Qua, Tiếng Ðàn Ai, Lạnh Lùng, Chiều Tha Hương, Khúc Nhạc Xuân, trong đó 2 nhạc phẩm tango Bóng Trăng Xưa & Phút Chia Ly đưa tên tuổi Hoàng Trọng sáng giá và lan rộng khắp mọi miền.

Năm 1950, gia nhập vào Quân Nhạc Bảo Chính Ðoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh Bảo Chính Ðoàn trên đài phát thanh Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954, trước khi di cư vào Nam, Hoàng Trọng sáng tác trên hai mươi ca khúc: Ðường Về, Gió Mùa Xuân Tới, Say Say Say, Bến Mơ, Tiếng Nhạc Trong Sương, Buồn Nhớ Quê Hương, Bên Sông Ðưa Người, Cánh Hoa Xuân, Gió Lạnh Chiều Ðông, Chiều Về Thôn xưa, Mơ Xuân, Hoa Xuân, Gởi Hương Cho Gió, Hững Hờ, Một Nụ Cười, Tiếng Mưa Rơi, Vui Cảnh Mùa Hè, Khóc Biệt Kinh Kỳ, Tiếng Lòng, Lá Rụng... Trong đó có ca khúc Nhạc Sầu Tương Tư, nhạc phẩm trữ tình, tiếng lòng của con tim đang vương vấn trong tình yêu & nhạc phẩm Dừng Bước Giang Hồ sinh động, vui tươi được thịnh hành, trở thành quen thuộc, yêu thích, đưa tên tuổi Hoàng Trọng vang vọng cả nước.

Năm 1954, đất nước chia đôi, theo làn sóng di cư vào Nam, ngoài ba mươi tuổi, xa gia đình, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi con: Hoàng Nhạc Ðô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La còn thơ dại. Lấy âm nhạc như nguồn sống, niềm an ủi vô biên để dấn thân trên cuộc hành trình xa lạ. Nỗi niềm đó được thể hiện qua hai ca khúc Chiều Xưa Tưởng Nhớ & Trăng Sầu Viễn Xứ.

Với khả năng và kinh nghiệm, lưu lạc ở Sài Gòn thời gian ngắn, Hoàng Trọng cùng bằng hữu thành lập ban nhạc với nhiều ca sĩ tên tuổi để trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn. Theo thời gian, Hoàng Trọng đảm nhận vai trò trưởng ban nhạc Hoàng Trọng, Tây Hồ, Ðất Nước Mến Yêu, lừng lẫy nhất, tên tuổi vang vọng với Tiếng Tơ Ðồng... hoạt động trên hệ thống truyền thanh Sài Gòn, Quân Ðội, Tự Do và băng tần Số 9 Truyền hình Việt Nam.

Từ 1955 đến 1960, Hoàng Trọng sáng tác khoảng 40 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc quen thuộc, nổi tiếng như Tình Không Biên Giới, Mộng Lành, Bên Bờ Ðại Dương, Mộng Ban Ðầu, Bạn Lòng, Nhớ Về Ðà Lạt, Tiễn Bước Sang Ngang, Ðàn Yêu...

Bước vào đầu thập niên 60, nhiều nhạc phẩm trữ tình, lãng mạn, chất chứa yêu thương làm say đắm hàng triệu thính giả ái mộ với Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím, Một Thuở Yêu Ðàn, Một Người Lên Xe Hoa, Hai Phương Trời Cách Biệt... xuất hiện thường xuyên trên làn sóng phát thanh và rất “ăn khách” qua các hãng đĩa.

Nói đến Hoàng Trọng, phải nói đến “Tiếng Tơ Ðồng”, và ngược lại. Ông đã để lại lịch sử âm nhạc Việt Nam ban nhạc nổi danh, tạo dựng nhiều tiếng hát tên tuổi, đưa nhiều sáng tác của nhiều nhạc sĩ lên đỉnh vinh quang của nền âm nhạc. Khi được mời thành lập ban nhạc để trình diễn trên hệ thống truyền hình, Hoàng Trọng nhận lời. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, ngày 30 tháng 8 năm 1957, Tiếng Tơ Ðồng xuất hiện trên đài Truyền Hình Việt Nam, qui tụ với khoảng 40 ca nhạc sĩ đã gây “dấu ấn” sâu sắc trong làng ca nhạc. Từ đó, Tiếng Tơ Ðồng vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn giới mộ điệu, khán thính giả bốn phương và cũng là môi trường sinh hoạt, tiến thân của nhiều nghệ sĩ.

Tiếng Tơ Ðồng đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt Nam, khán thính giả có dịp thưởng ngoạn cung bậc của thời tiền chiến, âm nhạc bán cổ điển, êm dịu, nhẹ nhàng, mượt mà, mang âm hưởng của thời kỳ lãng mạn Tây phương. Khi Tiếng Tơ Ðồng thành công trên bước đường nghệ thuật, Hoàng Trọng vừa lo chăm sóc Tiếng Tơ Ðồng mỗi ngày thêm sắc thái mới lạ, vừa chuyển hướng sang lãnh vực điện ảnh: nhạc phim.

Từ năm 1968 đến 1974, Hoàng Trọng viết hầu như gần hết nhạc phim Việt Nam vào thời điểm đó như Vụ Án Tình, Xin Nhận Nơi Nầy Làm Quê Hương, Giã Từ Bóng Tối, Bơ Vơ, Trao Nhau Lời Cuối, Mộng Cô Ðơn, Còn Ðâu, Duyên Kiếp, Lá Rừng, Người Tình Không Chân Dung, Nàng, Nhặt Lá Vàng, Tình Yêu Không Ðến, Gọi Sầu, Ngậm Ngùi, Ngọc Lan, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình, Muôn Kiếp Ngậm Ngùi, Sao Phụ Tình Anh, Hương Ngọc Lan, Ðường Dài Một Bóng, Năm Hiệp Sĩ Bất Ðắc Dĩ, Còn Gì Cho Nhau, Bẫy Ngầm, Lệ Ðá, Cho Nhau Ân Tình, Mang Xuống Tuyền Ðài, Chiếc Lá Bên Ðường, Hoa Lư, Mùa Mưa Thương Nhớ, Triệu Phú bất Ðắc Dĩ, Ngày Vui Năm Ðó, Vào Thu, Hòn Phụ Tử...

Trong các bản nhạc phim nầy tiếng hát Lệ Thu trong Người Tình Không Chân Dung rất được thịnh hành ở Việt Nam thuở đó như tiếng hát Celine Dion qua bản My Heart Will Go On trong phim Titanic hiện nay trên thế giới. Về giải thưởng, ông đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật trong năm 72-73 về nhạc phim trong Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ.

Cũng như nhiều nghệ sĩ tài danh khác, bước đường sinh hoạt nghệ thuật còn dài để cống hiến nhiều tác phẩm nghệ thuật cho đất nước, nhưng sau tháng 4 năm 75 trái tim và khối óc sáng tạo không còn nữa, sống âm thầm với thời gian... năm 1978 mới sáng tác tác phẩm cuối cùng Chiều Rơi Ðó Em như lời tâm sự để chia sẻ nỗi buồn đau.

“Chiều rơi đó em, trên đời anh hoàng hôn rồi 
Chiều rơi đó em, trên đời anh sương lạnh rồi 
Nhìn nụ hoa thắm mầu tươi, nở đẹp trong bóng chiều rơi 
Chợt làm bước anh ngập ngừng trên lối

Chiều rơi đó em, trên đời anh lạnh tê người 
Chiều rơi đó em, trên đời anh phai nụ cười 
Cuộc đời anh vẫn lẻ loi, mà gặp em lúc chiều rơi 
Thì tình thắm cũng là muộn mất rồi!...”

Năm 1992, Hoàng Trọng định cư tại Hoa Kỳ trong diện đoàn tụ. Ðược sum họp với con cái và sống với người vợ cuối đời - ca sĩ Thu Tâm - còn trẻ, chẳng được bao năm, Hoàng Trọng vĩnh viễn ra đi lúc 12 giờ 45, trưa thứ Năm, ngày 16 tháng 7 năm 1998 tại Paolo Alto, Bắc Cali, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi.

Hoàng Trọng đã sáng tác khoảng hai trăm bản nhạc, ông đặt lời cho một số tác phẩm, còn lại với lời viết như Quách Ðàm, Hồ Ðình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Vĩnh Phúc...

Những tác phẩm tiêu biểu theo mẫu tự alphabet gồm:

Bắc Một Nhịp Cầu - Bạn Lòng - Bẽ Bàng - Bên Bờ Ðại Dương - Bến Mơ - Bên Sông Ðưa Người - Bơ Vơ - Bóng Trăng Xưa - Buồn Nhớ Quê Hương - Cánh Hoa Xưa - Cánh Hoa Yêu - Châu Ðốc Miền Quê Yêu - Chiều Mưa - Chiều Mưa Nhớ Bắc - Chiều Rơi Ðó Em - Chiều Tha Hương - Chiều Về Thôn Xưa - Chiều Vũng Tàu - Dừng Bước Giang Hồ - Ðêm Trăng - Ðêm Về - Ðẹp Giấc Mơ Hoa - Ðường Về -Ðường Về Dĩ Vãng - Em Còn Nhớ Không Em - Gió Lạnh Chiều Ðông - Gió Mùa Xuân Tới - Hai Phương Trời Cách Biệt -Hẹn Gió Xuân Về - Hình Ảnh Quê Xưa - Hoa Xuân - Hồn Thanh Niên - Hương Ðời Ðẹp Tươi - Hương Mộc Lan -Hương Yêu - Khóc Biệt Kinh Kỳ - Khúc Ca Màu Xanh - Khúc Ðàn Tâm - Khúc Hát Mùa Chiêm - Khúc Nhạc Xuân - Khúc Tình Ca Ngày Cưới - Lá Rụng - Lạnh Lùng - Mộng Ban Ðầu - Mộng Cô Ðơn - Mộng Ðẹp Ngày Xanh - Mộng Ðẹp Tình Xuân - Mộng Lành - Mộng Ngày Hồi Hương - Một Người Lên Xe Hoa - Một Nụ Cười - Một Thuở Yêu Ðàn - Mùa Hoa Thắm - Ngàn Thu Aó Tím - Ngỡ Ngàng - Người Ði Chưa Về - Người Tình Không Chân Dung - Nguồn Mến Yêu - Nhạc Sầu Tương Tư - Nhặt Lá Vàng - Nhịp Võng Ngày Xanh - Nhớ Hoài - Nhớ Thương - Nhớ Về Ðà Lạt - Phút Chia Ly - Say Say Say - Thôi Ðừng Lưu Luyến Em Ơi - Thu Qua - Thương Về Quê Cha - Tiễn Bước Sang Ngang - Tiếng Ðàn Ai - Tiếng Lòng - Tìm Lại Hương Yêu - Tìm Một Ánh Sao - Tình Ðầu - Tình Thơ Mộng - Tình Trăng - Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím - Trăng Lên - Trang Nhật Ký - Trăng Sầu Viễn Xứ - Vào Mộng - Vui Cảnh Mùa Hè - Vui Cảnh Xây Ðời...

Trong nền điện ảnh Việt Nam, Hoàng Trọng viết nhạc cho rất nhiều phim, trong đó có những phim có tiếng như Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương, Giã Từ Bóng Tối, Người Tình Không Chân Dung, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình...

Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật trong năm 1972-1973 với nhạc của phim Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ.

Trái Tim Nghệ Sĩ

Ông hoàng của nhạc khúc tango sau thời gian cố gắng thực hiện Ðêm Nhạc Hoàng Trọng để đánh dấu 60 năm cuộc đời âm nhạc và 40 năm với Tiếng Tơ Ðồng... Nói đến Hoàng Trọng phải nhắc đến Tiếng Tơ Ðồng và ngược lại. Hơn nửa thế kỷ dấn thân cho nghệ thuật, trong vòm trời âm nhạc Việt Nam, một vì sao rơi, bao nhiêu niềm thương tiếc.

Âm nhạc có lẽ nhập vào tận huyết quản của Hoàng Trọng, yêu cung bậc đến nỗi dùng nốt nhạc để đặt tên cho con cái. Thế nhưng, nghệ sĩ sống giữa ngàn hoa song trái tim khô héo trước muôn màu khoe sắc! Hoàng Trọng lập gia đình năm 1945, được 3 người con rồi chia tay người vợ đầu đời. Trái tim rướm máu, nỗi niềm đó thể hiện qua lời ca tiếng nhạc: “Ai thay ai đổi tơ duyên bước chân sang thuyền. Riêng ta ấp ủ trong tim tình đầu nào quên... Bao nhiêu lá thay màu,. Ngày nào ta vẫn khắc sâu ngàn câu mến thương” (Tình Ðầu). Niềm nhớ khôn nguôi với hình ảnh năm cũ vẫn canh cánh bên lòng “Ai biết thương nhớ bao giờ nguôi. Lạnh lùng trông cánh lá khô nhẹ rơi. Tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi. Ðêm đêm dõi bóng một người. Tôi đi tìm thuở xa xôi” (Một Thuở Yêu Ðàn).

Hơn hai thập niên, Hoàng Trọng sống trong thế giới âm thanh, thế giới đèn mầu, sống giữa bóng hồng thướt tha, yểu điệu thục nữ nhưng bao mối tình đi phơn phớt qua trái tim, lãng đãng như sương khuya, đắng cay trong hơi thở. Hoàng Trọng sống độc thân để nuôi con, ông để trái tim mình trọn vẹn với con. Trong 3 người con, Bạch La là con gái út mang hình ảnh yêu thương thuở xa xưa và Bạch La không muốn hình ảnh người đàn bà nào ngự trị trong trái tim người cha đáng kính. Bản tính nhu mì, con người mẫu mực, trái tim khô héo nhưng tỏa ra rừng âm thanh thánh thót, diệu vợi, huyền ảo, lời ca chất chứa yêu thương, đam mê, trữ tình, nồng ấm.

Là nghệ sĩ, người cha, về tình cảm, khó có ai nghĩ đến con cái như Hoàng Trọng. Năm 1975 Cung Fa di tản sang Hoa Kỳ, Bạch La lưu lạc sang Ðức, ông sống trong cảnh cô đơn. Ông mang niềm bất hạnh lớn lao, không còn sống với âm nhạc, không được gần gũi với con cái. Sau 3 năm, con trai và con gái ở phương xa lập gia đình, ông tiến bước với người ca sĩ trẻ, nhỏ hơn khoảng hai con giáp, làm bạn đời để sống bên nhau khi tuổi xế chiều. Ông viết ca khúc Chiều Rơi Ðó Em cho Thu Tâm và hơn thập niên sau đó ông không sáng tác ca khúc nào khác. Với Thu Tâm, được 2 người con là Thiên Út và Kim Mi; Hoàng Trọng muốn truyền máu huyết âm nhạc lại người con gái và tuy còn nhỏ nhưng Kim Mi chịu khó học hỏi, rèn luyện âm nhạc để thừa hưởng di sản tinh thần của thân phụ.


Trong sáu năm định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng, Hoàng Trọng trở lại với âm nhạc nhưng không được không khí sôi động, hấp dẫn như thuở xa xưa. Ông trở lại với âm nhạc như chim muông trở về rừng tìm tiếng hót cho an ủi tuổi già, cho thỏa lòng khát khao mong đợi. Ông tìm được niềm vui, hạnh phúc gia đình với âm nhạc với sự rung cảm, đồng điệu trên bước đường sinh hoạt văn nghệ. Hoàng Trọng muốn thực hiện “dấu ấn cuộc đời nghệ thuật” nơi hải ngoại nên mê say lao vào công việc. Tuổi già, sức yếu nhưng khi bắt tay vào nghệ thuật lại miệt mài, bất chấp sức khỏe. Và rồi, Ðêm Nhạc Hoàng Trọng là đêm định mệnh cho cuộc đời nghệ thuật, có lẽ ông cũng linh cảm được điều gì đó khi quy tụ đông đảo thân nhân và bằng hữu để cùng nhìn nhau lần cuối trong ngày tháng lưu vong. Sau đêm đó, Hoàng Trọng ngã bệnh, khó thở, nôn mửa thức ăn, đi vào bệnh viện và bệnh tình ngày càng thêm trầm kha cho đến lúc vĩnh viễn từ biệt cõi trần. Rồi Ngày Sẽ Trôi Qua nhưng dòng nhạc vẫn còn lại vương vấn nơi chốn cát bụi trần gian.

Ngàn Thu Áo Tím

Từ ngàn xưa, mùa thu là mùa của thi ca, hội họa và âm nhạc. Mùa thu đến và được thể hiện với âm nhạc Việt Nam trên nửa thế kỷ, tuy nhiên những tình ca mùa thu đã đi sâu vào lòng người, vượt không gian và mãi mãi quyến rũ với thời gian.

Nói đến mùa thu, với âm nhạc, nói đến tình ca. Thế giới âm thanh của thương yêu, nhung nhớ, khổ đau trong trái tim rộn rã, nồng nàn, say đắm và rướm máu. Nhiều tình ca mùa thu từ thời tiền chiến cho đến nay đều giống nhau từ giai điệu đến lời ca, êm ái, nhẹ nhàng, lả lướt, thướt tha... như thời tiết mà tạo hóa đã an bài. Những bài ca mùa thu đã trở thành quen thuộc như Buồn Tàn Thu của Văn Cao, Thu Quyến Rũ của Ðoàn Chuẩn - Từ Linh, Ðêm Thu, Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong, Thu Vàng của Cung Tiến, Mùa Thu Paris, Nắng Thu, Mùa Thu Chết của Phạm Duy, Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng, Thu Ca của Phạm Mạnh Cương, Hoài Thu của Văn Trí, Thu Tím Lá Vàng của Vân Tùng, Mùa Thu Trong Mưa của Trường Sa, Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên, Thu Hát Cho Người của Vũ Ðức Sao Biển, Thu Sầu của Lam Phương, Nhìn Những Mùa Thu Ði của Trịnh Công Sơn, Tiếc Thu của Trần Thiện Thanh... như những ca khúc tuyệt vời, đã một thời làm vang vọng khung trời mùa thu, vượt thời gian. Hoàng Trọng cũng góp mặt trong rừng âm điệu huyền nhiệm, du dương trác tuyệt đó để làm nhịp cầu chuyển tiếp từ tiền chiến đến nay, ngoài Thu Qua, có Ngàn Thu Áo Tím. Ở hải ngoại, dù không sống trong thời khắc bốn mùa như quê nhà nhưng niềm rung cảm trong thu với ca khúc mang hình ảnh mùa thu với niềm đau thương rất tuyệt vời như những bản nhạc bán cổ điển của những nhạc sĩ tài danh trên thế giới vào thời kỳ lãng mạn của âm nhạc vào thế kỷ XIX.

Tiếng hát Thái Thanh, Quỳnh Dao... qua Ngàn Thu Áo Tím đã vượt thời gian và không gian. Thế nhưng, định mệnh với người nhạc sĩ lại đến trong âm nhạc, đôi khi bắt gặp sự linh cảm xa xăm nào đó với tình yêu. Khi viết ca khúc, Thu Tâm vẫn còn bé nhỏ và xa lạ nhưng bốn thập niên sau, ca khúc đó trở thành tiếng lòng, tâm sự của người bạn đời, góa phụ. Trong đêm tưởng niệm, tiếng hát Thu Tâm thay cho nỗi niềm thổn thức, khóc thương với hình ảnh tình quân:

“Từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ. Mà sao anh đi, đi mãi không về nữa. Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa...

... Anh xa khơi, bóng mưa giăng đầy lối. Anh xa xôi, áo bay trong chiều tím. Anh xa xôi, áo em tím lẻ loi, tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi...

Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím. Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím. Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau, tháng năm còn lướt mau, biết bao giờ thấy nhau...”

Cùng với ca khúc Nghìn Thu Áo Tím, ca khúc Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím với tiếng hát Lệ Thanh đã làm rung động hàng triệu trái tim thưởng ngoạn âm nhạc.

“Trời buồn đem mây tím về chơi vơi khiến lòng tối nhớ!: 
Một mùa thu xưa lúc còn thơ ấu bên vườn mộng mơ. 
Tôi đã yêu hoa màu tím. 
Tôi đã hay mơ thầm kín, 
Hay đứng bên song trông áng mây trôi lướt sang ngàn nơi. 
Chiều chiều đi trong nắng nhặt hoa rơi ép vào trang giấy. 
Và màu tôi yêu thuở nào xa vắng bây giờ còn đây. 
Hiu hắt trăng thu mờ úa 
Nâng cánh hoa xưa thầm nhớ 
Man mác không gian mây tím giăng ngang in vào thu vàng.

Thu về hoa tím tàn, trần gian ngỡ ngàng và tim tôi xao xuyến mơ màng. 
Ôi màu hoa mỹ miều, gợi thương nhớ nhiều, ngàn năm tôi mãi còn yêu!...”

Trong buổi lễ tưởng niệm, với chiếc áo dài màu tím, người góa phụ Thu Tâm với ca khúc Ngàn Thu Áo Tím như lời vĩnh biệt, mọi người đều xúc động, không cầm được nước mắt!


Hoàng Trọng đi suốt cuộc hành trình trong chiều dài của âm nhạc Việt Nam. Ông không còn hiện diện trên cõi trần, trong không gian vô tận, thoáng hiện một vì sao màu tím với giải ngân hà bồng bềnh như những chuỗi âm thanh.

Vương Trùng Dương

























Nhạc sầu tương tư









Hai phương trời cách biệt












Chiều tha hương









Những dòng chia sẻ với mối tình cùng Hoàng Trọng - Thu Tâm



Lúc còn bé, Thu Tâm được chị dắt đi hát cho các tổ chức từ thiện, cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo do Thầy Tâm Giác tổ chức. Ðến thời trung học, Thu Tâm tham gia ca hát trong trường học, vào những dịp lễ lạc để quyên góp và ủy lạo cho các chiến sĩ tiền đồn ven đô. Xong tú tài, theo học Ðại học Văn Khoa ban Anh văn thì biến cố 1975, không còn dịp đi hát nữa, chỉ sinh hoạt trong phạm vi gia đình và bạn bè...

Mùa hè năm 1977, Thu Tâm được cô bạn cùng học violon ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn giới thiệu đi đàn tạm thời cho ban nhạc thuộc công ty du lịch của thành phố, Thu Tâm được xếp ngồi đàn violon cạnh nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng cũng đàn và đôi khi viết hòa âm cho ban nhạc và được quen nhau từ đó. 
Sau đó, Thu Tâm đi đàn cho ban nhạc khác nhưng vẫn đến thăm Hoàng Trọng để trao đổi về âm nhạc hoạc có thắc mắc gì về hòa âm, nhờ Hoàng Trọng giúp đỡ... Hoàng Trọng rất thích chụp hình vì vậy đôi khi đến chụp để lưu niệm và dôi khi rủ nhau đi mua cây kiểng về trồng. Nhà Hoàng Trọng có trồng cây Ngọc Lan và Thu Tâm rất thích loại hoa nầy nên luôn luôn có vài cánh hoa làm quà mỗi lần ghé thăm...

Tháng ngày trôi qua bình thường... cho đến một hôm cuối tuần, Thu Tâm đến thăm thì Hoàng Trọng cho biết, hôm giữa tuần anh bị ngất xỉu, hôn mê mà không ai hay biết... dần dần tự tỉnh dậy và đi bác sĩ, mới biết bị bệnh tiểu đường từ lâu rồi mà không hay biết. Từ khi biết bệnh tình, Hoàng Trọng bắt buộc phải ăn uống kiêng khem và bát đầu nghiên cứu về châm cứu và dùng Ngải Cứu chữa bệnh... Và, Thu Tâm trở thành phụ tá đắc lực trong thời gian ấy.

Một trong những phương thuốc mà Hoàng Trọng muốn thử nghiệm để chữa trị bệnh tiểu đường là dùng hoa Sứ nhật Bản và trái dứa sao cho thật khô để pha nước uống. May sao hàng xóm gần nhà bố mẹ Thu Tâm có cây hoa sứ đó, nhờ vậy Thu Tâm đi xin hoa Sứ về để làm thuốc... Trong thời điểm đó, vần đề tìm kế sinh nhai rất khó khăn nên có những buổi tối Thu Tâm đi xa, lên đàn trong Chợ Lớn, có lần gặp lúc mưa gió dữ dội. Hoàng Trọng lôi chiếc vespa để nằm xếp xó từ tháng 4 năm 1975, cong lưng đạp mãi mới nổ để đến đón cho bớt nguy hiểm. Càng gần nhau và chăm sóc cho nhau như thế thì khó xa nhau nên rủ đi vượt biên. Gần đến ngày đi, gặp chị bạn biết xem bói, nhờ xem cho một quẻ... chị tiên đoán chuyến đi nầy hung nhiều hơn cát thế là hủy bỏ chuyện vượt biên. Sau đó, gia đình có cho Thu Tâm đi vượt biên một lần nữa nhưng cũng không thành nên Thu Tâm không nghĩ đến chuyện vượt biên nữa. Về vấn đề tình cảm, Thu Tâm cũng đến tuổi trưởng thành cho nên bố mẹ cũng để tùy ý lựa chọn con đường tương lai cho riêng mình, miễn sao có hạnh phúc là bố mẹ yên tâm. 
Hoàng Trọng bắt đầu tập dưỡng sinh, luôn luôn thức dậy thật sớm, không có những đam mê như uống rượu, hút thuốc để tìm cảm hứng khi sáng tác. Có lẽ khi hoàng hôn xuống là lúc Hoàng Trọng có nhiều cảm hứng nhất, hay lên sân thượng nằm mộng mơ với trăng sao, và ướp sương hằng giờ trên ấy cho đến khi thấm lạnh mới xuống phòng nghỉ.

Hoàng Trọng thường hay đến nhà Mục Sư Lưu Van Mão (thân phụ chị Vĩnh Phúc) để hàn huyên, tâm sự và rất khâm phục đức tính vị mục sư nầy.

Hoàng Trọng nói năng rất thận trọng, ăn mặc dễ dãi, không phê bình chỉ trích người khác, thích cầu tiến, tự học, tự tra cứu sách vở rất nhiều. Bề ngoài trông lạnh lùng, đạo mạo nhưng tâm hồn rất trẻ trung, chắt chiu gìn giữ nhiều kỷ niệm cảu những người thân quen. Có lúc Thu Tâm hoài nghi về chuyện tình cảm không bình thường này thì anh tâm sự là anh tin chuyện mình sẽ thành ngay từ khi có dịp nắm bàn tay Thu Tâm lần đầu tiên. Và, niềm tin yêu của Hoàng Trọng đã biến thành sự thật, Thu Tâm cũng tin tưởng vào niềm tin yêu đó. Tuy tuổi tác rất chênh lệch nhưng hai tâm hồn rất hợp nhau qua âm nhạc, qua mơ mộng... cũng như qua những đức tính cơ bản của con người là lòng chân thật và sự ân cần đến người khác...

Cuối năm 1979, Thu Tâm có mang, Hoàng Trọng đặt rất nhiều hy vọng vào đứa con này, thúc giục Thu Tâm phải siêng năng tập đàn nhiều hơn, kiếm thầy cho Thu Tâm học thêm về hội họa, đàn tranh và rất hồi họp chờ đón ngày chào đời của đứa con. Tháng Tám năm 1980, Thiên Út ra đời nhưng rủi thay cháu bị khuyết tật ở cánh tay và bàn tay phải! Hoàng Trọng vào thăm vợ con và ra về với nội buồn tê tái! Thiên Út rất kháu khỉnh và mạnh khỏe, được bố chụp nhiều hình. Dạo ấy, Hoàng Trọng khám phá ra cách chụp hình một người thành hai, ba, bốn... thành ra 4 nữa trên một tấm phim. Và, Thiên Út thành người mẫu cho “phát minh” ấy vì vậy nhiều người lầm tưởng Hoàng Trọng có con sinh đôi dạo đó. Thế là cái mộng cho con học đàn không thành nhưng bù lại hát hay. Khi còn học mẫu giáo, Thiên Út thuộc được nhiều bài hát và có thể hát chục bài không ngừng, lớn lên có giọng hát cao và khỏe.

Năm 1983, Kim Mi ra đời, có năng khiếu về âm nhạc nên học nhạc rất nhanh, chơi được piano va flute. (Năm 1992, Hoàng Trọng và gia đình định cư tại Hoa Kỳ, Kim Mi tốt nghiệp University Califonia Davis về Piano và Bio-Chem, vừa đi học vừa dạy đàn piano tại nhà, hiện đang theo học ngành Dược. Lúc nào nhớ tới bố thì ngồi vào đàn các bản nhạc của bố. Hai anh em bận đi học và đi làm nên không gặp nhau hằng ngày, mỗi khi có dịp gặp nhau thì em đàn anh hát, rất thương mến nhau như ước nguyện của bố).

Thời gian ở Sài Gòn, với phương tiện bằng xe đạp để di tập dưỡng sinh và những công việc một mình nhưng được đi lại nơi nầy nơi nọ. Khi sang Hoa Kỳ thì vấn đề đi lại tùy thuộc vào gia đình mà Hoàng Trọng thích đi đây đi đó không được nên rất buồn. Bấy giờ Thu Tâm là người tài xế, vừa lo công việc nội trợ, đưa đón con cái đi học, vừa đi học, vừa đi làm, quá bận rộn nên chỉ đưa Hoàng Trọng đến nơi nào đó rồi lo việc khác. Rất may, nhạc sĩ Anh Việt ở gần nhà nên có những dịp họp mặt văn nghệ, có bạn đồng hành với nhau.

Khi còn ở Việt Nam, Hoàng Trọng thường mời bà con, bạn hữu văn nghệ trước năm 1975 như ca sỹ Mộc Lan, Tâm Vấn, Anh Ngọc, Nhật Bằng... đến chung vui trong những dịp sinh nhật con cái, kỷ niệm mối tình có nhau... cũng là cơ hội tâm tình, hàn huyên với bao kỷ niệm xa xưa.

Thời gian đầu, như những gia đình khác mới định cư tại Hoa Kỳ, tuy gặp khó khăn nhưng được sự hỗ trợ của chính phủ và bạn bè nên tạm ổn định để đầu tư cho con cái ăn học.

Khi định cư tại Hoa Kỳ, ước mơ của Hoàng Trọng tiếp tục dấn thân vào âm nhạc nhưng vấn đề đi lại nơi vùng trời bao la nầy bị trở ngại nên chỉ đóng góp ở địa phương. Hoàng Trọng cộng tác với chị Như Hảo trong chương trình phát thanh Hương Xưa ở San José, Thu Tâm hát nhiều cho phần bè phụ do Hoàng Trọng viết hòa âm. Hoàng Trọng rất nghiêm chỉnh, kỹ lưỡng trong từng nốt nhạc, hát sai một tí phải chỉnh lại cho thật đúng. Vì đam mê với nghệ thuật nên thời gian nầy, anh rất bận rộn và ít có dịp liên lạc với bạn bè thân quen. Sau khi ngưng chương trình phát thanh, Hoàng Trọng ước mong tổ chức được chương trình ca nhạc Hoàng Trọng - Tiếng Tơ Ðồng thật quy mô để có dịp quy tụ tất cả bạn bè cũ. Anh làm việc cật lực, bất kể ngày đêm, bất chấp cả sự ngăn cản của bác sỹ... Thế rồi sau buổi trình diễn đó, anh vĩnh viễn ra đi...!

Khi Hoàng Trọng vĩnh biệt cõi trần, Thu Tâm có dịp thu xếp các giấy tờ ngổn ngang trong phòng riêng của anh thì chợt bắt gặp tất cả thư từ và nhũng mẫu giấy nhắn tin của Thu Tâm gắn vào cửa sổ nhà Hoàng Trọng từ những ngày quen biết... Lặng người để nước mắt tuôn trào... kỷ niệm chợt hiện về từ phút giây đầu tiên Thu Tâm bước vào ban nhạc và trông thấy anh mặc chemise trắng dài tay ngồi bên cửa sổ đang viết hòa âm. Tóc muối tiêu lất phất bay, trông như tiên ông đạo cốt... và, sự “liên hệ tình cảm” có vẻ như không có thật mà khó thành sự thật nầy cho nên dạo ấy khi viết thư cho Hoàng Trọng, Thu Tâm thường gọi anh là “Tiên Ông” và mình là “Tiên Cô”.

Mỗi khi nhớ nhau, Thu Tâm thường mộng mơ hát nhạc phẩm Nhớ Hoài của Hoàng Trọng với lời của Vĩnh Phúc “Thiên thai thắm xinh, đây là chốn quê hương mình...”. 
Sau 10 năm Hoàng Trọng vĩnh viễn ra đi rồi mà niềm tin yêu từ thuở ban đầu dành cho Thu Tâm vẫn còn đó và là nguồn an ủi lớn lao cho Thu Tâm trong những lúc băn khoăn, trăn trở trên đường đời.

Cảm ơn Hoàng Trọng, cảm ơn tình yêu của anh đến với Thu Tâm từ thuở đôi mươi với bao thăng trầm trong cuộc sống. Cảm ơn Hoàng Trọng đã mang tiếng hát Thu Tâm bay bổng trong vòm trời nghệ thuật, đi xa và Thu Tâm có cảm tưởng là mình “trẻ mãi không già” khi đi bên Hoàng Trọng hay nghĩ đến Hoàng Trọng. 
Hoàng Trọng đã ra đi... biền biệt, không bao giờ trở lại nhưng hình bóng Hoàng Trọng vẫn mãi mãi bên cạnh Thu Tâm. 
Hiện thời Thu Tâm chỉ dạy học tại nhà và ở Community School of Music and Arts ở Mountain, lúc nào rảnh rang và có điều kiện thì thu thanh các bài hát của Hoàng Trọng để làm kỷ niệm... như niềm chia sẻ cho nhau giữa người còn lại với người quá cố.

Thu Tâm 









Hoàng Trọng & Thu Tâm 
1977












Thu Tâm, Hoàng Trọng
Kim Mi, Thiên Út










Sài Gòn 1990














Ban Hoàng Trọng 1958
Nghiêm Phú Phi (piano), Đan Thọ (violin), Hoàng Trọng (violin), Văn Phụng (clarinet), Xuân Tiên ( alto saxo), Hoàng Vinh ( alto saxo), Hoàng An ( tenor saxo), 
phía sau: Hoàng Lang (guitar), Vũ Chấn ( contre bass)












Ban Tiếng Tơ Đồng























Hoàng Trọng & Ban Tiếng Tơ Đồng











Nam Lộc, Ns Phạm Duy, Ns Hoàng Trọng, Ns Văn Phụng, Song Ngọc, Ns Ngô Thụy Miên, Ns Nhật Bằng, Ns Vũ Thành An. 
Houston 1997















Hoàng Trọng 1978









































Bản nhạc cuối cùng của nhạc sĩ Hoàng Trọng








Thu Tâm trình bầy














Đêm Tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Trọng
(năm thứ 12)







Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.