Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Dương Thu Hương













Dương Thu Hương
(1947 - ........) Thái Bình

Nhà văn
Huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres 
(Pháp 1994)
















Dương Thu Hương hiện sống tại Paris, Pháp quốc.
Là tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp như Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Đường Mù, Chốn Vắng, Lưu Ly, Đỉnh Cao Chói Lọi v.v ... 

Dương Thu Hương từng là Thanh niên xung phong năm 20 tuổi, phục vụ trong đoàn văn công tại vùng Bình Trị Thiên những năm bom đạn ác liệt nhất.

Dương Thu Hương cũng từng bị bắt bỏ tù vì tội viết sách phê phán việc áp dụng Chủ nghĩa Mác Lê tại Việt Nam.

Năm 1980 Dương Thu Hương Tham dự khóa đầu tiên Trường Viết văn Nguyễn Du.

Năm 1994 được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres.

Năm 2009 được đề cử vào danh sách cứu xét cho giải Nobel văn chương.

Dương Thu Hương còn là tác giả Việt Nam đầu tiên có bốn tác phẩm được đưa vào bộ sách Bouquins của Pháp.

Hiện nay các tác phẩm của Dương Thu Hương bị cấm lưu hành tại Việt Nam vì lý do chính trị.











"Tất cả những tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những câu chuyện thật"

Dương Thu Hương




















NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG ĐOẠT GIẢI CINO DEL DUCA 2023


Tên nhà văn đoạt giải được ông Daniel Rodeau từ Hàn lâm viện Pháp ngữ (l’Académie Française) công bố ngày 21 tháng 4 năm 2023 trong khuôn khổ Liên hoan Sách Paris.
Đa số tuyệt đối bầu chọn
Theo đề nghị của Ban giám khảo Giải Toàn cầu Cino Del Duca, Chủ tịch là bà Hélène Carrère d’Encausse Thư ký trọn đời của Hàn lâm viện Pháp ngữ, Uỷ ban Quỹ hội Del Duca, Chủ tịch là ông Xavier Darcos, Chưởng ấn của Pháp quốc Học viện (l’Institut de France) đã quyết định tặng Giải Toàn cầu 2023 trị giá 200.000€ cho bà Dương Thu Hương tác giả của tiểu thuyết Terre des oublis (Sabine Wespieser) (nguyên tác tiếng Việt: “Chốn vắng”), để tôn vinh một nữ văn sĩ lớn mà sự nghiệp và nhân cách đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại mà giải thưởng toàn cầu này tưởng thưởng.

Dương Thu Hương, một nữ văn sĩ dấn thân
Nổi tiếng rộng rãi ở Việt Nam đất nước gốc gác của mình cũng như ở nước ngoài, nhất là ở Pháp, bà Dương Thu Hương sinh năm 1947, đã xuất bản khoảng chục tiểu thuyết được dịch ra tiếng Pháp, chủ yếu tại NXB Sabine Wespieser. Từ Terre des oublis (2016) (bản gốc tiếng Việt: “Chốn vắng”) là cuốn sách được đọc nhiều nhất, đến Collines d’eucalyptus (2014) (bản gốc tiếng Việt: “Đồi bạch đàn”), qua Au zénith (2009) (bản gốc tiếng Việt: “Đỉnh cao chói lọi”) viết về gương mặt Hồ Chí Minh, bà miêu tả chuyện thường ngày của người dân Việt Nam, gánh nặng của quá khứ và các truyền thống trong một xã hội hằn in dấu các cuộc chiến tranh.

Giải toàn cầu Cino Del Duca
Được Simone Del Duca sáng lập năm 1969, Giải này vinh danh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hay nước ngoài mà tác phẩm, dưới hình thức khoa học hay văn chương, là một thông điệp của chủ nghĩa nhân bản hiện đại.
Trị giá 200.000 €, là món tặng thưởng quan trọng về văn học chỉ đứng sau Giải Nobel (ND: không chính xác! Giải “Genius” của Quĩ hội McArthur Mỹ trị giá 625.000 USD, nhà thơ & nhà văn Ocean Vuong đã nhận được Giải này năm 2019).
Ban giám khảo Giải có 14 thành viên, phần lớn là thành viên Pháp quốc Học viện.
Giải sẽ được trao cho nhà văn Dương Thu Hương ngày 21 tháng 6 trong Hội trường Mái Vòm của Pháp quốc Học viện
trong một buổi lễ trọng thể trao các Giải Lớn của các Quĩ hội của Học viện.
(Lưu ý: nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận cũng đã nhận được Giải này năm 2012)
Ảnh: Dương Thu Hương và Daniel Rondeau, trong sảnh Eiffel của Grand Palais Éphémère là nơi diễn ra Liên hoan Sách Paris.
Par Rédaction Viabooks,
21 avril, 2023 - 21:13
https://www.viabooks.fr/.../duong-thu-huong-laureate-du...

Ghi chú: Thiết chế các tổ chức hàn lâm của Pháp khá phức tạp, ra đời từ cuối TK 18, giữ nguyên tên gọi truyền thống tuy chức năng có thay đổi. Institut de France (Pháp quốc Học viện) là cơ quan hành chính bao gồm, chủ yếu là tạo điều kiện hoạt động (như trụ sở họp hành - Hội trường Mái Vòm Coupole de l’Institut), cho 5 Hàn lâm viện thành viên (Académie des Sciences morales et politiques - HLV các khoa học đạo lý và chính trị; Académie des Sciences de France – HLV khoa học Pháp), Académie des Beaux-arts (HLV Mỹ thuật), Académie des Inscriptions et Belles Lettres (HLV nghiên cứu văn khắc cổ và lịch sử, khảo cổ học), Académie Française (HLV Pháp ngữ).

Hoàng Thuỵ Hưng



























Nhà văn Dương Thu Hương: 40 năm, nhìn lại về ngôn từ



Tường An, thông tín viên RFA

2015-03-11



Nhà văn Dương Thu Hương tại văn phòng RSF
Photo by Tuong An


Trong hồi ức 40 năm, đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện nhà văn Dương Thu Hương về quan điểm của bà về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam cũng như những hệ luỵ của nó.

Tường An: Thưa bà, cách đây đã lâu, trong một bài viết, bà có nói ngày 30/4, vào đến miền Nam bà đã ngồi trên vỉa hè và khóc. Nhân đây bà có thể giải thích về những giọt nước mắt ngày 30/4, 40 năm về trước không ạ ?
Dương Thu Hương: Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ. Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi vì họ hung hăng hơn, vì họ có thể văn minh hơn vì văn hoá nhưng họ kém về phương diện tổ chức quân sự.
Sau này tôi mới hiểu tôi cũng ngây thơ tôi khóc thế thôi. 30/4 tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ ngày về, nhưng mà chúng tôi tưởng chiến thắng quân ngoại xâm nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Và tất cả tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêu huỷ đi. Và vì vậy mà tôi khóc, trong những giọt nước mắt của tôi có cái phần chung cho dân tộc và có phần riêng của chúng tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.»

Tường An: Thưa bà, cuộc chiến dài 21 năm mà miền Bắc gọi là «Chống Mỹ cứu nước» đã chấm dứt vào ngày 30/4, bà có nhận xét gì về cái ngày mà Việt Nam ngưng tiếng súng, ngày mà đại tướng Văn Tiến Dũng gọi là «thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến tranh nhân Việt Nam trong thế kỷ XX » ạ?
Dương Thu Hương: Đối với tôi ngày 30/4 có 2 phía : phía những người Việt ở miền nam thì gọi là ngày «Quốc hận», phía những người Việt ở miền Bắc thì gọi là «ngày Giải phóng của dân tộc» thì tất cả 2 cái đó thì tôi cho là cần phải xét lại ngôn từ , bởi vì ngôn từ nó cũng bấp bênh và nó cũng chao đảo với thời gian, nói tuỳ theo quan niệm con người , tuỳ theo cách nhìn con người để mà thay đổi.
Về phía những người miền Bắc tưởng rằng đó là một sự sung sướng, một chiến công lừng lẫy, một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Bây giờ nhìn lại tôi thấy nó chỉ là một ánh đèn loé lên trên một chặng đường, mà cái chặng đường ấy phía sau khi ánh đèn ấy loé lên thì nó đã dần dần trôi vào bóng tối. Thắng lợi ngày 30/4 là một thứ mà người ta gọi là « illusion » tức là một ảo ảnh. Bởi vì sau cái ảo ảnh ấy thì có những thực tại chồm đến và người Cộng sản ngập trong những cái thực tại ấy.
Sự thất bại liên tục của họ trên tất cả những chính trường, trên ngoại giao cũng như là đối nội.

Tường An: Bà có thể giải thích tại sao từ một chiến thắng mà người Cộng sản gọi là «cuộc kháng chiến thần thánh » họ lại trở nên thất bại sau này như bà nhận định ?
Dương Thu Hương: Cái sự chiến thắng đó đem cho họ một lòng kiêu hãnh quá độ. Cho nên cái chiến thắng ấy là mở màn cho tất cả những thất bại sau này. Và bây giờ, mặc dù họ còn giữ được chính quyền nhưng cái thất bại thì rõ ràng không ai có thể chối cãi được là họ đã trở thành một bộ phận nô lệ của triều đình Cộng sản phương Bắc và cái sự bán nước của họ dù diễn ra trong bóng tối, nhưng nhân dân và tất cả những người có lương tâm đều đoán được một cách chính xác.
Chiến thắng 30/4 khiến cho những người Cộng sản có món mồi bở béo giống như ông Nguyễn văn Trấn viết trong cuốn «Viết cho Mẹ và Quốc hộ » - tôi cho ông Nguyễn văn Trấn là một người rất chính trực - ông ấy nói : nhà của người ta lấy, vợ của người ta ngủ v.v… và tức là một sự chiếm đoạt về mặt tài sản đối với tất cả những người mà đã chiến bại.
Họ đã thực hiện phương sách của Mao Trạch Đông, tức là «Toạ sơn quan hổ đấu» tức là để chọ người Việt đánh nhau với người Mỹ, một cuộc chiến tranh sức tàn lực kiệt để mà dễ biến thành một thứ thuộc địa nghìn năm Bắc thuộc lần thứ hai.

Tường An: Tại sao bà cho là phải xét lại chữ «Quốc hận" của những người miền Nam, những người đã thua trong cuộc chiến này, thưa bà ?
Dương Thu Hương: Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao ? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ . Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? Cái đó phải xét lại.

Tường An: Từ khi sang Pháp năm 2006 cho đến nay, có vẽ như bà ít tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại, phe chống Cộng cũng như phe thân Cộng, chắc là phải có lý do nào đó có phải không ạ?
Dương Thu Hương: Bây giờ nhìn lại những phong trào chống Cộng của người Việt hải ngoại, ta thấy cái gì ? Trừ những vụ treo đầu dê bán thịt chó như Hoàng Cơ Minh ra, rất nhiều chính khách khác chỉ chờ cơ hội để về Việt Nam thương thuyết với Cộng sản để chia ghế. Những nhà chống Cộng ở đây tôi biết thì hoàn toàn là một thứ trò du hí để thoả mãn cái lòng tự tôn của họ. Bởi vì sống ở nước ngoài họ không có một gương mặt hãnh diện, một vị trí xứng đáng cho nên là họ nêu chiêu bài chống Cộng, nhưng lúc nào cũng ngóng chờ Cộng sản chìa tay ra để trở về chia ghế. Và có những ông Cộng sản chưa cần mời đã vội vàng đến sứ quán làm lành trước . Vì sao . vì họ thấy đấu tranh mệt mỏi quá, hàng Cộng sản đi kiếm được một chút vui thú trong cuối đời. Cho nên bây giờ muốn chiến thắng Cộng sản thì trước tiên phải chiến thắng chính bản thân mình.
Bây giờ rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài chửi Cộng sản nhưng về trong nước lại vui thú, cho làm ăn, cho kiếm tiền, cho chơi gái rẻ. Cho nên cái tinh thần chống Cộng của tôi cũng giống như cái đuôi con chó, vẫy lên rồi vẫy xuống theo cái lợi ích của họ.»

Tường An: Từ sự phân tích những tiêu cực của phe Cộng sản cũng như phe chống Cộng, bà có kết luận gì về cuộc đấu tranh trên chiến trường mới này ạ ?
Dương Thu Hương: Tóm lại, tôi thấy cần phải chống Cộng, nhưng trước hết cần phải soi lại bản thân mình. Thế còn người Cộng sản nhìn lại ngày 30/4 như một điều hãnh diện thì tôi đó là sự ngu ngốc . Bởi vì bây giờ, cái đứa ngu nhất thì cũng hiểu là họ đang bán nước và sẽ còn bán nước một cách trầm trọng hơn. Và nếu không có một sự kiện nào có thể thay đổi được vận mệnh quốc gia thì chắc chắn 1000 năm Bắc thuộc lần thứ hai sẽ diễn ra. Không phải với một đoàn quân phương Bắc kéo sang nữa mà là một sự khống chế toàn bộ về mặt chính trị và kinh tế bắt đầu từ đảng Cộng sản Trung quốc đối với đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó là hai nhà nước cùng một hệ thống mà tôi gọi là một thứ phong kiến trá hình.

Tường An: Xin cám ơn bà đã dành thì giờ cho đài Á Châu Tự Do.



















Tác phẩm tiêu biểu










Tiểu Thuyết




1
Quầng Trăng Lơ
Truyện thiếu nhi 1981












2
Chàng Trai Trên Sân Thượng
1985










3
Hành Trình Ngày Thơ Ấu
(Itinéraire d'enfance) 1985
Dịch giả Đặng Trần Phương chuyển ngữ sang tiếng Pháp














4
Bên Kia Bờ Ảo Vọng 

(Au-Delà des Illusions) 1987
Dịch giả Phan Huy Đường chuyển ngữ sang tiếng Pháp











5
Những Thiên Đường Mù
(Paradis Aveugles) 1988
Phan Huy Đường chuyển ngữ

Quãng Đời Đánh Mất
1989











7
Tiểu Thuyết Vô Đề

(Novel without a name)
 Nina Mac Pherson chuyển ngữ 
(Roman sans titre)
Phan Huy Đường chuyển ngữ












8
Lưu Ly

 ( Myosotis 1998)
Dịch giả Phan Huy Đường chuyển ngữ sang tiếng Pháp












9
Chốn Vắng

No Man's Land 
Dịch giả Nina McPherson 
Terre des oublis
Dịch giả Phan Huy Đường








Dương Thu Hương và Chốn vắng




Nhà văn Dương Thu Hương đang ở Paris để cùng với nhà xuất bản Sabine Wespieser ra mắt cuốn sách mới của bà nhan đề là Terre Des Oublis, bản tiếng Pháp dịch từ tác phẩm Chốn vắng.
Cuốn sách được giới thiệu tại Liên hoan sách lần thứ 26 tại Paris, qui tụ sách của trên dưới 2.000 tác giả đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Trong khung cảnh nhộn nhịp của một quán cafe ở thủ đô nước Pháp, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã trò chuyện với Christine Nguyễn (CN), cộng tác viên của đài BBC tại Pháp.

CN: Bà nói rằng những nhân vật trong truyện có thực ngoài đời, đó là những người đàn bà Việt Nam trong chiến tranh và họ đã thôi thúc bà viết cuốn Chốn vắng?
DTH: Vâng, hoàn toàn tất cả những tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những câu chuyện thật và Chốn vắng cũng như vậy, tức là những nhân vật này tôi đã gặp họ và câu chuyện của họ xảy ra ở tại Quảng Bình. Tất nhiên là khi tôi viết thì tôi có gia cố vào đó tất cả những suy tưởng của tôi, những giấc mộng của tôi và những ý tưởng và những quan niệm sống của tôi. Và đương nhiên là tôi phải nói một cách rành rọt: phần kết chính là phần mà tôi sáng tạo. Cái đoạn kết người ta gọi là có hậu đó chính là giấc mơ của tôi cho số phận những người đàn bà như Miên. Còn trong cuộc sống thì có lẽ mọi người đều biết rằng sau cuộc chiến tranh này hàng vạn người đàn bà chết già bởi vì không có ai lấy họ nữa và họ bị dồn vào những nông trường xa xôi, những nông trường trồng cam ở Hòa Bình và các tỉnh miền núi khác, trồng cam, trồng lạc, trồng sắn và những nông trường toàn đàn bà đến nỗi ở một cái chân trời không bao giờ hiện lên một người đàn ông nào cả. Và nếu có một vài thi thoảng hiện lên một người đàn ông thì đối với họ đấy là những cái hạnh phúc rất là hiếm hoi, mặc dù nó chỉ là một cái thứ hạnh phúc vay mượn và chụp giật.

CN: Với ba nhân vật: cô Miên, anh Bôn và anh Hoan thì ba nhân vật này tạo thành một cái bi kịch trong xã hội sau thời chiến. Ý đồ sáng tác của bà khi viết tác phẩm Chốn vắng này là gì?
DTH: Thật ra tôi là người viết văn không có ý đồ. Khi nào tôi định viết, khi nào có thời gian và khi nào có đủ điều kiện để có thể ngồi viết được thì những câu chuyện mà nó còn tích trữ trong óc tôi thì nó tự nó mở đường chui ra và tôi viết là dưới sức ép của nó như người ta nói là viết như một sự ám ảnh và tôi hoàn toàn không có ý đồ gì cả. Khi tôi đã bắt đầu viết thì câu chuyện đó nó sống dậy và những nhân vật đấy nó kéo tôi theo chứ tôi không kéo họ theo.

CN: Như vậy thì phải chăng sự ám ảnh đó chính là những thân phận của những người lính cũng như là của những người phụ nữ sau chiến tranh thống nhất đất nước, thưa bà?
DTH: Vâng, chính là những lịch sử, những con người cụ thể họ luôn luôn ám ảnh tôi và tôi như một thứ tù nhân của họ vậy. Đấy là cái nhà tù lớn nhất mà tôi phải chịu đựng.

CN: Cô Miên là một trong 3 nhân vật chính, vì phải đối đầu với những sức ép truyền thống, sức ép xã hội mà phải quay về với người chồng cũ sau bao nhiêu năm thất lạc. Phải chăng sự phát triển của nhân vật này nó có một cái gì đó không được bình thường, hay là nói khác đi là nó không có đại diện cho đa số những cái trường hợp đại loại như thế có thật xảy ra ở Việt Nam, thưa bà?
DTH: Nó rất bình thường với thế hệ của chúng tôi và nó xa lạ với thế hệ của các chị. Vì bây giờ các chị trẻ tuổi và các chị đã tự cho mình quyền được sống cuộc đời của các chị. Các chị không chịu sức ép của truyền thống và sự hy sinh một cách vô tận như chúng tôi. Cho nên tôi đã nói lại là cái thích của người này có thể là cái không thích của người khác. Cái của đối với người này là tất nhiên thì đối với người khác là hoàn toàn ngược với lý chí và có thể là không tất nhiên.

CN: Cũng là một người phụ nữ đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì bà nghĩ gì về thân phận những người phụ nữ sau cuộc chiến hiện nay?
DTH: Tôi nghĩ rằng những thế hệ sau chiến tranh đã tiêu mòn và đã già rồi như tôi rồi và tất cả những thế hệ ấy là những cuộc đời bị đánh mất trong hoàn toàn câm lặng và quên lãng. Tôi hy vọng là các chị và những người trẻ hơn các chị sẽ không bao giờ nếm trải lại những cái địa ngục mà chúng tôi đã trải qua.

CN: Phải chăng ngoài những điều bà vừa tâm sự ra, đâu đó cũng chính là cuộc đời thật của bà được dàn trải trong quyển sách này?
DTH: Cuộc đời thật của tôi thì nó có giống cô Miên, tức là tôi luôn luôn phải hy sinh thân tôi vì người khác, và cuộc đời của tôi là một cuộc đời tù đày vì người khác. Tù đày đây không phải nghĩa là trong nhà giam của cộng sản, mà còn tù đày trong một cái nhà giam lớn hơn, vì đối với tôi thì con người ta luôn luôn phải gánh vác trách nhiệm. Và cái trách nhiệm đối với tôi thì nó cao cả hơn là cái hạnh phúc của chính bản thân mình. Cho nên khi tôi viết cô Miên thì tôi cảm thất rất là dễ dàng bởi vì tôi hiểu được cái tâm trạng của người đàn bà đó. Bản thân cuộc đời tôi cũng là một mảnh của cuộc đời người ta.








10
Đỉnh Cao Chói Lọi

(Au Zénith  2009)
Dịch giả Đặng Trần Phương chuyển ngữ sang tiếng Pháp
Sanctuaire du Coeur
2011
Đặng Trần Phương chuyển ngữ 
























Tập Truyện






12
Những Bông Bần Ly 
1980











13
Một Bờ Cây Đỏ Thắm
1980












14
Ban Mai Yên Ả 
1985












15
Đối Thoại Sau Bức Tường 
1985











16
Chân Dung Người Hàng Xóm 
1985
Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông 
1986

(Histoire d'amour racontée avant l'aube)

Kim lefèvre chuyển ngữ sang tiếng Pháp

http://motsach.info/story.php?story=chuyen_tinh_ke_truoc_luc_rang_dong__duong_thu_huong













18
Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ 
1988














Và những truyện khác:







19
Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu








Loài Hoa Biến Sắc
(truyện ngắn)








Miền Cỏ Tơ
(truyện ngắn)















Thơ Xuân Sách
tặng Dương Thu Hương



Tay em cầm bông bần ly
Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng
Chuyện tình kể trước lúc rạng đông
Hoàng hôn ảo vọng vẫn không tới bờ
Thiên đường thì quá mờ
Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma
Hành trình thơ ấu đã qua
Hỡi người hàng xóm còn ta với mình




















Đọc Truyện DươngThu Hương























Tham khảo thêm về tác giả Dương Thu Hương:




Phỏng vấn người đề cử giải Nobel cho Dương Thu Hương




Sự Cứu Rỗi Cuối Cùng
(Tham luận đọc tại liên hoan Văn học do Hội Văn bút Quốc tế tổ chức)








Bà Dương Thu Hương ký tên vào sách cho khách thăm Liên hoan sách Paris 2006


Lần đầu tiên nhà văn Dương Thu Hương đã đến Mỹ và hiện đang có mặt ở New York, tham dự một liên hoan văn học do Hội Văn bút Quốc tế (PEN) tổ chức.

Hôm thứ Tư, 26-4, bà Dương Thu Hương có bài tham luận đọc tại liên hoan "Faith & Reason: Writers Speak."
Đi cùng bà là dịch giả Nina McPherson, người dịch tác phẩm mới nhất của Dương Thu Hương sang tiếng Anh, Chốn vắng (No Man's Land, dịch chung với Phan Huy Đường, 2005)
Chủ đề của liên hoan xoay quanh lý trí và đức tin, và vai trò của văn học trong mối quan hệ này.
Tham dự liên hoan này còn có nhiều nhà văn nổi tiếng quốc tế như Chinua Achebe, Martin Amis, Nadine Gordimer, Toni Morrison, Salman Rushdie và Zadie Smith.
Theo lịch, vào Chủ nhật, tác giả sẽ có buổi nói chuyện, với người dẫn chương trình là nhà văn Mỹ Robert Stone, tại Thư viện New York.
Được sự cho phép của tác giả, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài tham luận vừa đọc hôm thứ Tư, có tựa đề "Sự cứu rỗi cuối cùng."



Nhu cầu được cứu rỗi có lẽ là nhu cầu sớm nhất của nhân loại. Nó xuất hiện cùng lúc với con người đầu tiên đi bằng hai chân, lưng thẳng đứng, quyết định rời bỏ cánh rừng để tiến về chân trời phía trước. Chân trời hoang vắng kia chính là định mệnh của loài người, vừa cám dỗ vừa hàm chứa hiểm nguy, đem lại cùng một lần hy vọng và lo âu, say đắm và khắc khoải. Chính bởi con đường dẫn đến tương lai bao giờ cũng được cắm mốc bởi những bất an, nên con người cần có sự cứu rỗi. Nhu cầu về sự cứu rỗi là một hằng số, kể từ con người đầu tiên, đầu tóc đầy chấy rận, che thân bằng lá rừng cho đến nhân loại ngày hôm nay, một năm tiêu thụ hàng chục triệu lọ thuốc nhuộm tóc và hàng chục vạn tấn quần jean.

Trên con đường dài đặc của lịch sử, tấm áo giáp tinh thần đầu tiên che chắn cho tâm hồn mong manh của con người chính là niềm tin. Một quyền năng tối cao phải ra đời để mang đến cho họ sức mạnh đặng có thể vượt qua mọi thử thách, đứng vững trước những chân trời giông bão, trước những ngọn sóng thần, những hỏa diệm sơn, những bệnh dịch ma quái và những cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt. Nhưng vì đã có tháp Baben để con người chịu lời nguyền chia rẽ về ngôn ngữ nên phải có một thứ Baben khác để con người chịu lời nguyền thứ hai: Sự chia rẽ về niềm tin. Đấng Omnipussant xuất hiện dưới những gương mặt khác nhau, mặc những thứ trang phục khác nhau, đòi những món ăn khác nhau trong ngày lễ và sau rốt, ra những chỉ định khác nhau cho con chiên của họ. Vì những khác biệt này, sự cứu rỗi của nhân loại đã trở thành duyên cớ cho biết bao cuộc chiến tranh kinh khủng, tàn độc trong lịch sử.

Vì cớ gì Chúa của người Do Thái khác Chúa của người Thiên Chúa giáo, từ những dữ kiện nào, được ghi nhận vào năm tháng nào, và do ai chịu trách nhiệm về tính chân thật?...Dường như không có lời giải đáp. Vậy mà trong gần hai mươi thế kỉ, những cuộc tàn sát người Do Thái diễn ra không ngưng nghỉ cho đến tận ngày Giáo Hoàng Paul II chính thức nói lời đề nghị tha thứ trước toàn thể dân cư trên hành tinh.

Thêm nữa, dưới chỉ định nào của Jesus mà suốt mấy trăm năm những người Thiên Chúa giáo dồn những người theo đạo tin Lành lên các vùng núi trong một cuộc chiến tranh tàn khốc cho đến nỗi những giáo dân Tin Lành chỉ được quyền làm bánh mì một lần trong năm, chỉ được ăn bánh mới một ngày độc nhất trong 365 ngày. Nhiều thế kỉ đã trôi qua, nhưng ngày hội bánh mới vẫn còn và những ngôi nhà của người Tin Lành trên các vùng núi nước Pháp vẫn nguyên vẹn với những bức tường dày hơn cả tường của các pháo đài xưa cũ.

Giờ đây, nếu nhìn lại quá khứ, liệu có lý thuyết nào xứng đáng để biện minh cho những tầng xác chết của giáo dân vùi dưới lòng đất, những con người cùng đeo thánh giá, cùng múc những nguồn cảm xúc tinh thần trong Kinh Phúc Âm và cùng quỳ gối trước một ông thánh bị đóng đinh?

Chỉ có thể lý giải: Mọi niềm tin đều có khả năng điên rồ và chúng đã dẫn tới sự điên rồ.

Có lẽ vì mệt mỏi với những cuộc chiến tranh tôn giáo, con người tìm nguồn cứu rỗi trong lý trí trong sự khôn ngoan, trong các loại biện chứng pháp, và sức mạnh thần kỳ của nền kĩ trị. Vào thế kỷ 18 và 19, đã có lúc con người của chủ nghĩa duy lý tin rằng họ là những Pha-ra-on cuối cùng của nhân loại và từ nay về sau, mọi chân trời đều khép kín, hạnh phúc đã vĩnh định trong các sơ đồ vẽ sẵn.

Từ năm 1968 cho tới gần đây, nhiều giáo sư triết học Pháp đã hớn hở tìm những vấn đề trong tương lai còn khiến dân chúng quan tâm. Nói cách khác, họ đặt từ cuối cùng cho nhân loại: Người thì tin rằng từ đó là Tiện Nghi, người gọi từ tối hậu là Sex…Họ tin chắc rằng sau cuộc cách mạng tình dục, nước Pháp sẽ không còn con bệnh tâm thần, và mọi cuộc cởi trói sẽ biến xã hội Pháp thành cõi thiên đường nơi hạ giới…

Nhưng ngày hôm nay, người ta có thể gặp những người mất thăng bằng tinh thần, những con bệnh tâm thần thực thụ ngay trên đường phố Paris, ấy là chưa kể đến những khu vực bidon-ville ở ngoại ô.

Như vậy là sự thông minh cũng có thể nhầm lẫn, cũng có thể hàm hồ. Những hy vọng thái quá ở sức mạnh của lý trí cũng dẫn đến một sự điên rồ khác. Sự điên rồ của nền kĩ trị, sức tàn phá không thể so sánh của nó trong việc hủy hoại môi sinh và sỉ nhục con người. Những vấn đề ấy không còn là mới mẻ.

Vậy chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa hai làn đạn chéo? Sự điên rồ của niềm tin và Sức mạnh phá hủy của sự duy lý?...Chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa các tầng mây nhiễm phóng xa và tiếng gào thét của những phần tử cực đoan đạo Hồi?

Liệu chúng ta có thể lấp đầy vực thẳm phân ly giữa niềm tin và lý trí? Câu hỏi này có vẻ như ngớ ngẩn bởi dù đức tin hay lý trí, chúng cũng đều xuất phát từ con người, cấu thành một phần bản thể Người.

Đức tin khi bị dẫn dắt bởi sự vị ngã sẽ dẫn nhân loại tới sự suy đồi, độc ác. Bởi lúc đó, dù là đấng Tối cao của người Do Thái, chúa Jesus, hay thánh Allah thì họ cũng chỉ là những cái cớ sang trọng để biện minh cho sự phóng chiếu bản năng gốc của con người. Nhân loại cần những ông thánh để hợp lý hóa sự tham tàn của họ, nhu cầu thù ghét tha nhân mà họ được nuôi dưỡng từ thuở hồng hoang khi phải tranh cướp con mồi. Bản năng xâm kích song sinh với bản năng tình dục, một kẻ dẫn đường không kém phần uy lực trong suốt cuộc tồn sinh.

Lý trí khi bị dẫn dắt bởi vị ngã cũng dẫn con người tới cùng một vực sâu như đức tin, vì nó là thành phẩm của con người, do con người sáng chế, nó không thể tránh khỏi vòng quay ma quỷ của dục vọng. Dục vọng được biểu tượng như một chiếc túi không có đáy. Với số đông, ý thức được sự vô bờ bến của dục vọng dường như quá khó khăn.

Nhưng có lẽ nhiệm vụ của những người cầm bút là ở nơi khó khăn này.

Họ cần phải thức tỉnh lương tâm con người. Bởi lương tâm thường mệt mỏi và luôn thiu thiu ngủ. Họ cần kêu gọi lòng từ ái, bởi trước những bản năng sâu xa nhất tồn tại vĩnh cửu nơi con người, lòng từ ái, sự hy sinh quả là điều rất đỗi mong manh.

Nếu như cả đức tin lẫn lý trí đã chứng minh khả năng tàn phá, hủy diệt với tất thảy những chiều kích của sự điên rồ, thì chỉ còn lại phẩm chất duy nhất có thể cứu rỗi chúng sinh, ấy là lòng tốt. Một mai đây, nếu hành tinh này còn có thể tồn tại được, chắc chắn là nhờ ơn phước của những con người từ ái, cao thượng, những người có Trái tim vàng, chứ không thể là các lãnh tụ tôn giáo hoặc các kĩ trị gia.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mượn lời Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.


Tiểu sử Dương Thu Hương
Sinh năm 1947, hiện sống ở Hà Nội
Từ 1991, tiểu thuyết bị cấm ở VN và được gửi ra nước ngoài để in
Nhận huân chương chính phủ Pháp (1994)
Chung kết giải Prix Femina (1992, 1996)
Một số tiểu thuyết:
Những thiên đường mù
Tiểu thuyết vô đề
Chốn vắng








Dương Thu Hương vào tuyển tập Bouquins















Thủ bút Dương Thu Hương gởi Ý Nhi khi mới ra tù.
(MDTG Công bố với sự đồng ý của nhà thơ Ý Nhi)

















Chân dung Dương Thu Hương



Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học trường viết văn Nguyễn Du chăng (1981)?. Tôi được mời dậy trường này mấy khoá đầu. Dương Thu Hương học khoá một cùng với Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường… Hôm làm lễ bế giảng, chị mặc áo dài trắng, khoác tay tôi cho Hoàng Kim Đáng chụp. ấy là năm 1982. Dương Thu Hương là một phụ nữ có tính cách rất dữ dội và ngang tàng.
Tôi nhớ trong một cuộc họp rất đông văn nghệ sĩ nghe Hoàng Tùng nói chuyện, ở câu lạc bộ báo chí xế xế Nhà hát lớn. Có lẽ nghe chán quá, nhiều người bỏ xuống tấng trệt giải khát. Giữa chỗ đông người, Dương Thu Hương nói lớn: “Trừ anh Hoàng Ngọc Hiến là thày tôi, anh Nguyễn Đăng Mạnh là người tôi kính trọng, còn tất cả bọn phê bình đều là dòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó ngao”.
Hồi tôi còn ở nhà B10, khu tập thể Đồng Xa, chị có đến vài lần. Một lần chị đến với đạo diễn điện ảnh Tiến. Tôi đi vắng. Khi về, thấy có một mảnh giấy gài ở cửa, ghi mấy chữ: “Em đến anh cùng với Tiến để trao đổi về tác phẩm của nhà văn trâu bò của chúng ta (tức cuốn Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, chị muốn chuyển thành kịch bản phim). Rất tiếc, anh đi vắng. Ngày mai em lại đến. Nếu anh không có nhà thì cái trường Đại học Sư phạm của anh sẽ bị đốt”.
Hồi chị viết Bên kia bờ ảo vọng, ban đầu đưa đến nhà xuất bản Lao động. Lúc ấy Ma Văn Kháng làm giám đốc. Kháng ngại không in, có lẽ vì sợ đụng đến Nguyễn Đình Thi. Chị đưa cho nhà xuất bản Phụ nữ và được chấp nhận. Trên đường đi về, tình cờ chị gặp Ma Văn Kháng và một anh nữa cũng ở Nhà xuất bản Lao động. Họ đi xe đạp ngược chiều nhau. Dương Thu Hương gọi hai anh kia đỗ xe lại và nói dõng dạc: “Này hai thằng mặt dày, sách của tao in rồi!”. Trong một cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng (1980), Dương Thu Hương lên diễn đàn, chị phát biểu “Đôi điều suy nghĩ về nhân cách của người trí thức”, phê phán nhiều văn nghệ sĩ tư cách rất hèn. Chị cũng phàn nàn về đời sống nhà văn. Chị nói: “Viết một tác phẩm rất khó nhọc mà nhuận bút thấp. Nếu tôi không say mê văn chương thì tôi đi làm thợ may hay bán bánh rán còn sống tốt hơn. Cả hội nghị đói, anh nào cũng mặt xanh nanh vàng cả. Ta có quá nhiều nhà thơ và anh hùng mà thiếu người làm kinh tế…”
Lại nhớ một lần tôi cùng Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh được trường Đại học Sư phạm Việt Bắc mời nói chuyện. Hôm Dương Thu Hương đăng đàn diễn thuyết, tôi có đến nghe. Chị vừa nói vừa đi đi lại lại rất hiên ngang. Tôi nhớ loáng thoáng, mở đầu chị phê phán Hồ Chí Minh: “Năm điều bác Hồ dạy, không nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết.” Lúc đó có một anh cán bộ giảng dạy đứng lên hỏi, đại khái, có phải tác phẩm nào đấy của chị là kết quả của chuyến đi thực tế ở đâu đó không? Chị mắng luôn anh cán bộ nọ: “Lẽ ra tôi không thèm trả lời. Việc gì tôi phải đi thực tế! Chỉ có bọn cán bộ lãnh đạo quan liêu mới phải đi thực tế chứ! Chính tôi là thực tế, còn phải đi đâu?”
Có một lần tôi đến Dương Thu Hương lúc chị còn ở Ngô Thì Nhậm. Chị nói, ông Đỗ Mười có sai một anh thư ký đến mời chị đến gặp. Chị trả lời : “Ông Đỗ Mười hay Đỗ mười một muốn gặp tôi thì đến đây mà gặp”. Tôi và Dương Thu Hương có một cuộc dong chơi có thể gọi là một cuộc “bát phố” Hà Nội rất thú vị. Từ Ngô Thì Nhậm, chị rủ tôi đi bộ. (Dương Thu Hương rất cảnh giác, không đi xe đạp, không đi xe máy, sợ bị thủ tiêu). Chúng tôi cứ đi lang thang từ phố này sang phố khác. Thỉnh thoảng chị lại chỉ nhà này nhà nọ, hỏi tôi: “Anh có biết nhà ai đây không?”. Tôi không biết. Chị nói: “Cớm đấy!” Theo chị, Trần Quốc Vượng, Phạm Hoàng Gia cũng là cớm. Đi mãi, mỏi chân, chúng tôi vào ăn ở một cái quán ven đường Trần Quốc Toản chỗ giáp Trần Bình Trọng. Ăn xong, tôi rủ Dương Thu Hương đến nhà Văn Tâm chơi. Văn Tâm ở Phan Bội Châu, gần đấy. Hương nói: “Văn Tâm là thằng khốn nạn, không đến!”. Tôi ngạc nhiên nói, Văn Tâm không phải thế đâu, cũng là người tử tế. Chị nói: “Thôi được, đã là bạn của anh thì đến cũng được”. Văn Tâm hôm ấy hơi mệt, vào thấy đang nằm trên giường. Vợ chồng Văn Tâm thấy Dương Thu Hương đến thì cảm động lắm, vội vàng tiếp đón niềm nở.
Nhìn thấy bức tranh Lưu Công Nhân vẽ Văn Tâm treo trên tường, tôi nói: “Tranh của Lưu Công Nhân”. Dương Thu Hương nói “Lưu Công Nhân là thằng khốn nạn!”. Từ Đà Lạt, nó dám viết thư gọi: “Em vào đây với anh – Thằng khốn nạn!” Chị Cam, vợ Văn Tâm nói: “Chị uống ca cao nhé!” Dương Thu Hương: “Không, uống cà phê”
Chị Cam: “Cà phê chúng tôi cũng có nhưng để bị hả mất rồi!”
Dương Thu Hương: “Thì ra ngoài phố uống!”.
Vợ chồng Văn Tâm phải nài khéo chị mới ở lại.
Bỗng Dương Thu Hương chỉ mặt Văn Tâm nói: “Anh là thằng khốn nạn!” Văn Tâm ớ người, không hiểu sao. Dương Thu Hương giải thích: “Anh làm thầy dùi phá đám cuộc tình của Cao Xuân Hạo và Phương Quỳnh phải không? (Lúc này Dương Thu Hương còn chơi thân với Phương Quỳnh).
Văn Tâm phân trần: “Anh không hề can thiệp gì đến cuộc tình ấy. Thậm chí anh còn cho đấy là mối tình đầu tiên thật sự là tình yêu của Cao Xuân Hạo. Chẳng qua là vợ Hạo trong Nam doạ sẽ thuê bọn voi xanh voi đỏ ra phá tan nhà Phương Quỳnh, vì thế họ phải chia tay”. Dương Thu Hương không nói gì nữa.
Đấy khẩu khí của Dương Thu Hương là như vậy. Thế mà khi đến nhà tôi, vợ tôi thấy chị có vẻ rất hiền. Cười rất tươi. Tính cách Dương Thu Hương như vậy, nên viết văn cũng dữ dội lắm.
Hồi ấy tôi viết bài Những phiên toà của Dương Thu Hương (1986) là muốn diễn tả cái chất văn quyết liệt ấy. Chất văn này mà được phát huy trong thể văn bút chiến, tranh luận thì phải biết! Sau này quả là chị đã trở thành ngòi bút chính luận rất sắc sảo. Sắc sảo hơn văn tiểu thuyết. Chính Dương Thu Hương cũng không đánh giá cao văn tiểu thuyết của mình. Có lần chị nói với tôi: “Văn của em là văn cải lương, anh đọc làm gì!”. Dương Thu Hương rất có ý thức viết văn không vì mục đích văn chương mà vì mục đích chính trị, mục đích chiến đấu cho lợi ích dân tộc, cho chân lý – chị tuyên bố như thế.
Hồi Dương Thu Hương mới ở tù ra, tôi tình cờ gặp ở quán cà phê vỉa hè chỗ 51 Trần Hưng Đạo. Không hiểu sao chị lại ngồi với một nữ trung uý công an rất xinh xắn (Dương Thu Hương là nữ mà lại mê những cô gái đẹp). Đối với những người có liên quan đến chị mà phải làm việc với công an khi chị bị tù, chị nghi ngờ tuốt và khinh tuốt, như Đỗ Đức Hiểu (từng dạy chị tiếng Pháp), Nguyễn Huy Thiệp, cả Nguyên Ngọc và người bạn gái xinh đẹp và thân thiết của chị là Phương Quỳnh. Chị hỏi tôi: “Này, có phải Nguyễn Huy Thiệp sợ vãi đái ra phải không?”.
Dương Thu Hương thích nói năng kiểu dân dã, kể cả nói tục. Thích giọng đời. Không thích giọng văn chương. Coi nhiệm vụ công dân lúc này là cao hơn nhiệm vụ làm văn.
Nhân chuyện Hoàng Ngọc Hiến nghe Đỗ Chu nói dối đi hội chen về mà tưởng thật, và chuyện anh dại dột tham gia vào một đảng nào đấy, Dương Thu Hương gọi Hiến là đồ ngốc, “nếu là đàn bà thì chửa hoàng hàng tỉ lần”.
Ở Dương Thu Hương, dường như nói bạo, nói thô, nói tục là để át đi một cái gì có thực trong lòng là những tình cảm đằm thắm, là sự nhạy cảm về lý tưởng, do đó tự thấy là yếu đuối. Con người dữ mà thực ra lành. Đốp chát đấy mà hay nể người. Rất cảnh giác mà lại cả tin. Dễ bị lừa. Thách thức kẻ thù, hiên ngang đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng cô độc giữa bầy sói, nhưng lại cần tình bạn.
Ôi! Tình bạn vô tư, chân thật sao mà hiếm có trên đời, nhất là đối với một cô gái xinh xắn trên đất Việt Nam này! Cho nên viết văn là nhu cầu tất yếu, là lẽ sống, để có thể có người tri kỷ mà không có tình dục xen vào. Văn chương là người bạn vô tư. Dương Thu Hương hay viết về tình yêu – đúng ra là những vụ án tình. Nhưng trong truyện của chị, xem ra không hề có tình yêu tốt đẹp, được ngợi ca như là hạnh phúc đời người. Tình yêu trong tác phẩm Dương Thu Hương, hoặc chỉ là tình yêu ảo vọng của những cô gái ngây thơ và lãng mạn, hoặc chỉ là thứ “tình chài gái, lừa gái” của những gã Sở Khanh hiện đại.
Dương Thu Hương tuyên bố thoải mái: “Tôi là con đàn bà lại đực (Còn Nguyễn Khải là thằng đàn ông lại cái)”. Chị thích chơi với bạn trai nhưng rất ghét những thằng cứ muốn chuyển sang tình yêu nam nữ, như Lê Đạt, Trần Đĩnh… Khi nhận thấy có biểu hiện như thế, lập tức chị đuổi luôn. Dương Thu Hương cũng không thích phiền luỵ đến những gia đình mà do chồng có quan hệ với chị mà vợ chồng lủng củng. Có lần Dương Thu Hương rủ Nguyễn Duy Tiến (một tiến sĩ toán có giúp đỡ gì đó đối với con hay cháu của chị) đi nhậu cho vui. Nhưng khi biết vợ Tiến có ý nghi ngờ, ghen tuông, chị cắt luôn, không chơi với nữa. Riêng tôi và Hoàng Ngọc Hiến vẫn được chị coi là bạn vô tư. Với chúng tôi, chị có thể nói như nam giới với nhau về thói dâm ô của người này người khác, như chuyện Hoàng Tùng nửa trên, nửa dưới như thế nào đó…
Một người có vẻ sắc sảo và luôn cảnh giác như thế mà đã nhiều phen bị lừa… Chẳng hạn chuyên làm nhà làm cửa gì đấy với Lam Luyến, hay chuyện mua phải thuốc bổ rởm (làm bằng thuốc tăng trọng lợn) bị phù và lở loét khắp người. Tóm lại Dương Thu Hương có vẻ giầu nam tính – tính cách mạnh, ăn nói ngổ ngáo – nhưng thực chất vẫn là một phụ nữ giầu tình cảm và luôn có mặc cảm của một cô gái trong xã hội Việt Nam với những thành kiến, những định kiến về người phụ nữ. Ăn nói tạo tợn dữ dội, bốp chát, ngang tàng, đúng là một cách để che dấu sự mềm yếu của nữ tính và để đối phó với những định kiến xã hội nói trên. Cho nên chị mới phải “tự thiến” (Uống thuốc diệt dục). Có ba điều dễ mắc phải và dễ bị lợi dụng, bị vu khống là danh, lợi, tình dục. Danh lợi chị không thèm. Nhưng tình dục thì phải “tự thiến”.
Dương Thu Hương đã từng có lúc tưởng chỉ còn vất vào nhà xác (uống nhầm aspirine bị chảy máu dạ dầy). Hai lần uống thuốc tự tử. Lấy phải thằng chồng vũ phu, bị nó đánh có thương tích (Nguyễn Văn Hạnh nói, có lần Dương Thu Hương dùng mưu trả thù: lừa chồng chui đầu vào gầm giường nhặt hộ cái gì đó, rồi lấy gậy quật thật lực).
Dương Thu Hương không dấu tôi chuyện gì. Hỏi gì cũng nói: Hương sinh ở Thái Bình (quê nội) được một năm thì nhà chuyển đi Bắc Giang, chỗ giáp Bắc Ninh (Việt Yên). Nhà bị bom, chuyển vào thị xã Bắc Ninh cho đến hết kháng chiến chống Pháp. Học trường Hàn Thuyên cho đến 1964. Sau đó học trường lý luận nghiệp vụ Bộ văn hoá. Từng cắn máu tay viết đơn xin đi tuyến lửa Quảng Bình (1966- 1975). Chín năm ở tuyến lửa. Khi chiến thắng thì vỡ mộng: lý tưởng vấp phải thực tế đầy tiêu cực, bị phá sản. Những thần tượng bị sụp đổ. Tự coi như bị lừa dối, chị từ bỏ thơ, xoay ra viết văn xuôi để lên án những kẻ đã làm vấy bùn lên lá cờ lý tưởng của mình. Từ nay, tất cả đều phải cảnh giác, chỉ tin ở mình thôi. Chấp nhận sống cô độc, chấp nhận sống giữa kẻ thù để chiến đấu.
Nhưng thật ra có tin ở một cái gì mới hăng hái chửi bới, phủ định như thế chứ! Chín năm ấy dẫn đến sự vỡ mộng, nhưng cũng là chín năm rèn luyện một niềm tin ở mình và cuộc sống.
Dương Thu Hương kể chuyện với tôi, chị lấy phải một thằng chồng thô bỉ mà mãi không bỏ được. Ông bố là một sĩ quan quân đội rất phong kiến, không cho bỏ chồng. Ông bắt con phải kiểm điểm chỉnh huấn theo kiểu Tầu, học được ở Quế Lâm. Con gái lớn mà bắt đứng úp mặt vào tường. Li dị chồng rồi vẫn thế (Dương Thu Hương thế mà lại là đứa con ngoan, rất sợ bố). Mãi sau ông cụ mới hiểu ra. Sáng sớm hôm ấy, ngồi đầu giường con đang ngủ, hút thuốc lào, nhìn con, thương con, ông hối hận. Giờ ông mới hiểu, do biết thằng rể thực chất là một thằng đểu. Mười bốn năm sống với nó, còn gì là đời con gái!.
Có lần Nguyễn Tuân mời Dương Thu Hương đến chơi. Chị từ chối, vì thấy ông ấy kiêu ngạo quá. Nguyễn Tuân nhắc lại. Chị nói: “Cháu chè, thuốc, rượu, chả biết”. Vậy là Dương Thu Hương không thích quan hệ trên dưới kiểu gia trưởng. Con người này sinh ra thích bình đẳng, có máu dân chủ.
Dương Thu Hương đặc biệt căm ghét bọn trí thức hèn nhát, trí thức quý tộc đi Volga mà hèn. Căm ghét khái niệm “đi thực tế”. Bọn quan lại: đi ôtô, xa thực tế mới cần đi thực tế. Còn nhà văn là phải sống với thực tế cả đời chứ! Đâu còn loại nhà văn tháp ngà!
Sau khi đi tù về, Dương Thu Hương ở một căn hộ thuộc một chung cư ở Trung Tự (A8, B17). Sống một mình. Hai con có chồng có vợ, trưởng thành cả rồi. Chị hay mời tôi với Hoàng Ngọc Hiến (gần đây thêm Nguyễn Thị Bình) đi ăn, khi ở nhà hàng Phú Gia, khi ở nhà hàng Vân Nam, thường vào dịp đầu xuân hay sau một chuyến đi nước ngoài về. Chị không muốn có quan hệ với bạn mới, sợ liên luỵ đến người ta.
Gần đây, Dương Thu Hương luôn tự nhận mình là giặc, và là một người đàn bà nhà quê, răng đen, mắt toét, mặc váy. Chị nói, dân tộc Việt Nam thực ra là một dân tộc nông dân. Chị thích văng tục vì đấy là ngôn ngữ nông dân. Phải nói bằng ngôn ngữ nông dân mới diễn đạt được đích đáng mọi sự thật.
Nhưng Dương Thu Hương là người rất công bằng. Có lần chị được mời sang Pháp. Một đám Việt kiều ở một tỉnh nào đó mời đến nói chuyện. Bọn này muốn chị mạt sát Hồ Chí Minh. Nhưng chị vẫn đánh giá Hồ Chí Minh, dù sao cũng là một nhân vật vĩ đại. Thế là chúng tức tối, có thằng đến khách sạn doạ đánh chị. Dân Việt Nam là thế, hay bè phái. Mà bè phái thì bất chấp chân lý, bất chấp lẽ phải.
Hồi ấy nhiều người cứ tưởng Dương Thu Hương ở lại Pháp không về. Thực ra đúng thời hạn, chị về ngay.
Gần đây, chị lại sang Pháp. Lần này chị chủ trương ở lại. Ở trong nước, bị quấy nhiễu quá, không làm việc được. Có hồi người ta cắt cả điện thoại của chị. Viết truyện, Dương Thu Hương thường hay luận về vấn đề hạnh phúc của những cô gái trẻ. Những cô gái hợm hĩnh và lãng mạn, chẳng hiểu tình yêu và hạnh phúc là gì, cứ chạy theo những tình yêu mơ mộng và huyền hoặc, để cuối cùng đánh rơi mất tình yêu và hạnh phúc thực của mình. Dương Thu Hương từng luận về hạnh phúc như một người đầy trải nghiệm: nó như quân xúc sắc trong trò chơi. Cần thì không đến. Không cần lại đến. Nhưng nó đến mà đánh rơi nó, đánh mất nó như chơi. Hạnh phúc phải do chính mình quyết định. Là ý thức, là hiểu biết, nhưng nó cũng là sự hồn nhiên, chân thực, thật thà, trước hết với mình. Đừng có dại nghe ai xúc xiểm – vì hạnh phúc chỉ có cá nhân mình mới hiểu được.
Không rõ Dương Thu Hương tự thấy đời mình thế nào, còn theo tôi, chị chưa bao giờ có hạnh phúc. Đời người đàn bà như thế là khổ lắm.
Tôi thật sự khâm phục Dương Thu Hương. Cảm phục sự dũng cảm của chị – sự dũng cảm đã phải trả giá rất đắt: một người yêu đời, rất cần tình bạn và sự cảm thông, mà phải sống cô độc, một mình chống chọi với cả một Nhà nước.
Tôi cũng thật sự thương Dương Thu Hương, một người đàn bà như thế là khổ lắm. Hiện nay Dương Thu Hương đang ở Pháp.
Nghe nói tiểu thuyết Chốn vắng của chị được dịch và Những thiên đường mù sắp được chuyển thành kịch bản phim.
Xin chúc mừng chị.
https://t-van.net/ng%E1%BB%99-khng-tc-gi%E1%BA%A3-tc-ph.../






































































Đông Trình, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập




























Dương Thu Hương, Nv, Dịch giả Phan Huy Đường, Hs Phan Nguyên
(Paris 1994 )















 Hiện sống và làm việc tại Paris (Pháp)















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.