Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019)

 









 Nguyễn Trọng Tạo

(25/8/1947 - 7/1/2019) Nghệ An
 Nhạc sĩ, Nhà thơ, Nhà báo, Họa sĩ

Ca khúc tiêu biểu

Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang







NHÂN DÂN

Thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019)

Có thể thay quan, không thay được Nhân Dân
Thay tên nước, không thể thay Tổ Quốc
Nhưng sự thật khó tin mà có thật
Không thể thay quan dù quan đã thành sâu!


Quan thành dòi đục khoét cả đất đai
Vòi bạch tuộc đã ăn dần biển đảo
Đêm nằm mơ thấy biển Đông hộc máu
Những oan hồn xô dạt tận Thủ Đô

Những oan hồn chỉ còn bộ xương khô
Đi lũ lượt, đi tràn ra đại lộ
Những oan hồn vỡ đầu gãy cổ
Ôm lá cờ rách nát vẫn còn đi

Đi qua hàng rào, đi qua những đoàn xe
Đi qua nắng đi qua mưa đi qua đêm đi qua bão
Những oan hồn không sức gì cản nổi
Đi đòi lại niềm tin, đi đòi lại cuộc đời

Đòi lại những ông quan thanh liêm đã chết tự lâu rồi
Đòi lại ánh mặt trời cho tái sinh vạn vật…
Tôi tỉnh dậy thấy mặt tràn nước mắt
Nước mắt của Nhân Dân mặn chát rót vào tôi.

Ôi những ông quan không Dân trên chót vót đỉnh trời
Có nhận ra tôi đang kêu gào dưới đáy
Cả một tỷ tôi sao ông không nhìn thấy?
Vì tôi vẫn là người mà ông đã là sâu?…



Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách nguyên Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) (2003-2004) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.




 


 Nguyễn Trọng Tạo thời trẻ






 
Tiểu sử

 

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 

Năm 1969 tham gia quân đội, thuộc Đoàn 22, Quân khu 4, rồi làm Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn văn công xung kích Sư đoàn 341B. 

Năm 1976 ông được Tổng cục Chính trị điều về Hà Nội tham gia Trại viết văn quân đội rồi vào học Đại học viết văn Nguyễn Du khóa I. 

Ông đã có ý định tự tử bằng hai khẩu súng ngắn bắn vào đầu mình vào ngày 11 tháng 11 năm 1981[1]

Năm 1982 làm Trưởng ban biên tập Nhà Văn hóa Quân khu Bốn. 

Năm 1988 chuyển về làm công tác biên tập xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Năm 1990 cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này bộ đầu tiên gồm 17 số. 

Năm 1997 làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, tạp chí Âm Nhạc, báo Thơ, tác giả măng-sét tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, báo Thơ v.v. 

Năm 2000-2005 ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003-2004). 

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.



 
Sự nghiệp văn học nghệ thuật 


Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Cho đến năm 2008 ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật












 
Tác phẩm






 
Thơ [2]
   

 
Tình yêu sáng sớm
(in chung với Nguyễn Quốc Anh)
1974


 
Gương mặt tôi yêu
(in chung với Trần Nhương, Khuất Quang Thụy)
1980


 
Sóng nhà đêm biếc tôi yêu
(in chung với Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha)
1984


 
Sóng thủy tinh
1988


 
Gửi người không quen
1989


 
Đồng dao cho người lớn 
1994, 1999


 
Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống
1995


 
Nương thân
1999


 
Thơ trữ tình
2001


 
36 bài thơ
2006


 
Thế giới không còn trăng
2006


 
Em đàn bà
2008


 
Ký ức mắt đen
(song ngữ Việt - Anh)
2010


 
Thơ và Trường ca
2011


 
Nến trắng
(tam ngữ Việt - Anh - Ba Lan)
2014







 
Trường ca 



 
Con đường của những vì sao
(Trường ca Đồng Lộc)
1981, 2008


 
Tình ca người lính
1984





 
 
Văn Xuôi





Miền quê thơ ấu
1988
(tái bản với tên Mảnh hồn làng)
1997, 2002, 2005


 
Ca sĩ mùa hè
1991, 1998, 2003...



Khoảnh khắc thời bình
1987


Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ
2001






 
Tiểu luận, phê bình 





Văn chương cảm và luận
1999







 
Nhạc 




Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo
1996


 
Tình khúc bốn mùa
1996


 
Khúc hát sông quê
2002








 Nguyễn Trọng Tạo & con gái, con rể, cháu ngoại




 
Nhận định 

 

Anh làm mới thơ, đôi khi bằng nhịp điệu khác thường trong thơ lục bát, bằng một từ đột xuất, một đảo ngữ chênh vênh, hay một hư từ đặt không đúng chỗ, hoặc bằng một hình ảnh không giống ai: "ta như sao lạc giữa ban ngày". Những câu thơ hay như thế bất chợt đến, bất chợt gặp trong thơ anh rất nhiều.
Thơ anh thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như những hình tượng đã có sẵn trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống Thơ anh.
Nguyễn Trọng Tạo là một Người Thơ nghịch ngợm, thơ thẩn đi giữa dòng đời rồi bỗng dưng bị lạc. Anh chàng ấy thỉnh thoảng tung ra một vì sao để soi rạng Cõi Đi. Chúng ta may mắn nhặt được những Vì Sao Lạc ấy, và thấy sáng lại lòng mình...[3]

Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt... Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt...[4]

Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại.
Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra...[5]
 
Tham khảo
Đồng dao cho người lớn. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1994, tái bản 1999
Nương thân, nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 1999.


3/Thụy Khuê, Paris, 1993 - Nguồn: Đồng dao cho người lớn. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1994, tái bản 1999 
4/Nguồn: Đồng dao cho người lớn. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1994, tái bản 1999 
5/Nguồn: Nương thân. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999








Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Trọng Tạo
Hoàng Cầm & Nguyễn Trọng Tạo 








Văn Cao & Nguyễn Trọng Tạo 








Trịnh Công Sơn & Nguyễn Trọng Tạo 







Nguyễn Trọng Tạo & Nguyễn Quang Lập 








Hữu Thỉnh & Nguyễn Trọng Tạo 







Nguyễn Trọng Tạo & Bảo Ninh








Nguyễn Thiên Đạo & Nguyễn Trọng Tạo








Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.