Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Hoàng Xuân Sơn


















Hoàng Xuân Sơn
(1942 ..........) Vỹ Dạ, Huế
Bút hiệu khác: Sử Mặc, Hoàng Hà Tĩnh, Vô Định

Nhà Thơ, Nhà Văn


















Vỗ từ lẹt đẹt bàn tay
chợt nghe bụi khẳm
luống cày nhân gian

Montreal VIII, XIII








Thuở nhỏ học tiểu học Lý Thường Kiệt, trung học Bán công và Quốc học Huế. Sau vào Sài gòn học Đại Học Văn Khoa, tốt nghiệp Cử nhân Triết và Cao học Chính trị Kinh doanh.
Làm việc tại Tổng cục bưu chính Sài Gòn trước và sau 1975. 
Định cư tại Canada từ tháng 12 năm 1981.
Hoàng Xuân Sơn bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1963 và đã cộng tác với hầu hết các tạp chí văn chương trong và ngoài nước. Ông là một trong những người thành lập, khai sinh ra Quán Văn, tụ điểm văn nghệ nổi tiếng của giới trẻ và sinh viên Sài Gòn giữa những năm chiến tranh khốc liệt nhất 67, 68 (Mậu Thân), và cũng là nơi xuất phát của nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ, đặc biệt với hai dấu ấn đậm nét của âm nhạc Việt Nam sau này là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. 









Thanh Trí vẽ Hoàng Xuân Sơn











Bài thơ mới nhất





L O N G L A N H Q U Ỳ N H (*)



viết lại, gởi theo một đóa quỳnh vừa tan biến

Long lanh long lanh
nụ cười long lanh
trong mắt trên môi
giọt cười reo vui
sương bay qua phố
trăng lạc bên đồi
quỳnh thơm một nụ
hương cài mấy trăng

Mong manh mong manh
tuổi đời mong manh
chơi vơi chơi vơi
hồn người chơi vơi
ai qua như gió
ai nhẹ như cười
dường dài có mỏi
tựa đầu lên vai
đường trần có vội
xin tóc bay dài

Ôi đẹp bàn tay
rưng rưng mầu nắng
ôi đẹp làn môi
gọi thầm xa vời
người như trăng mộng
chia áo ngàn khơi
người đi khuất nẻo
thương quá mây trời

Như sương như hoa
tuổi trời mưa sa
như run như đau
tình còn bao lâu
xin mai sau rót
giọt rượu luân hồi
đời người vẫn lạnh
tự ngày thôi nôi
hồn người sẽ tạnh
xương máu rã rời .

Hoàng Xuân Sơn
2003-2015
(*) một vài ý của Trịnh Công Sơn









Tập thơ mới


Tản mạn về Thơ Quỳnh bản thảo

Bản thảo tập Thơ Quỳnh được hoàn tất vào mùa thu năm 1991, đến nay đã tròm trèm hai mươi lăm năm; một quãng thời gian khá gọi là dài cho sự chuẩn bị và ra đời một tập thơ. Cũng giống như đời sống, tất cả sự kiện, sự vật đều có cái duyên của nó. Trong trùng trùng duyên khởi cuộc nhân sinh, những hạt mầm vay mượn có hạt chắc và lép. Hạt chắc có cơ duyên nẩy mầm sinh sôi góp mặt với đời. Hạt lép đành làm phận lẻ loi ngậm ngùi nơi cõi tối. Nhưng có hề gì phải không? Phạm Nhuận bạn tôi đã từng viết Có Hề Chi Vàng Một Chút Rong Rêu. Tái đi một chút hay vàng thêm một chút thì đời mình, tình mình cũng đã chín tới; ở khúc Hóa Vàng rêu rong.

Nội dung Thơ Quỳnh, phần lớn thơ có thể gọi là cổ điển, vần điệu; cấu tứ và hình tượng nghiêm chỉnh, khuôn thước; trước khi người viết tạm vạch hàng rào trốn lỉnh vào một lối đi khác như một thử nghiệm cước trình thơ ca. Không dám nói lớn lối, chỉ xin mượn mảnh đất bạn làm nơi ký gởi Thơ Quỳnh, lần lượt, trọn bản. Như một kỷ niệm. Như dấu tích của một thời đã qua. Xin cảm tạ bằng hữu văn nghệ đã rộng lượng cho mượn đất cắm dùi.

Tạ ơn họa sĩ Đinh Cường đã vẽ tranh bìa, họa sĩ Trương Vũ phác họa chân dung kẻ viết; và dược sĩ Mai Tâm cất công trình bày bìa tập Thơ Quỳnh.

Gần đây nhất, một người bạn mới, anh T.Vấn; tuy sơ giao mà tâm ý đã tương tri nghìn dặm. Cảm ơn bạn hiền đã có hảo ý trình bày và cho phép Thơ Quỳnh được góp mặt trong Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu dưới dạng e-book để giới thiệu với bạn đọc trong thời buổi in ấn cực kỳ khó khăn.

Rất cảm kích quý bạn văn Nguyễn Thị Khánh Minh, Vũ Hoàng Thư, T.Vấn, Duyên, Trần Vấn Lệ, Trần Thị Nguyệt Mai. . . đã bảo ban lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu cho Thơ Quỳnh được thêm hương sắc

Đa tạ,

Hoàng Xuân Sơn











Tác phẩm đã xuất bản








Thơ









1989












1993














Lục Bát Hoàng Xuân Sơn
2004













Vi Vi vẽ HXS 















HXS Paris 2004












Trời Mưa
Thơ: Hoàng Xuân Sơn  Nhạc: Lê Văn Thành
Tiếng hát: Hoàng Xuân Sơn











 Về tác giả Hoàng Xuân Sơn






Phỏng vấn







Châu Hải Châu / Hoàng Xuân Sơn




Châu Hải Châu (CHC): Chúng ta thường tự hào “mỗi người Việt Nam là một thi sĩ” Thơ đầy ắp trong tâm hồn mỗi người. Theo anh, niềm hãnh diện này hôm nay có còn tiếp tục duy trì hay không ? Nếu không, xin cho biết lý do.

Hoàng Xuân Xơn (HXS): Tôi nghĩ, cái hồn thơ trong mỗi người Việt Nam vẫn còn tiếp tục duy trì mãi mãi. Thơ trở thành máu huyết, mà máu huyết thì luân lưu hoài không bao giờ cạn. Và đó chính là niềm tự hào, là điều hãnh diện của dân tộc Việt Nam (tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ đối với những ai cố tình khước từ Nguồn Việt, đối với mọi chủ thuyết vong bản phi nhân)


CHC: Thi ca tuy có vị trí tốt trong lòng người Việt như thế, nhưng có nhận xét cho rằng : Thơ không phải là bộ môn chủ yếu trong nền văn học nghệ thuật. Nó thường chỉ đóng vai phụ để làm đẹp, làm duyên cho các tạp chí, nguyệt san, tuần báo vv… Việc in thơ từ trước đến nay vẫn là sự hy sinh của tác giả hoặc nhà xuất bản. Điều này cho thấy số lượng “tiêu thụ” rất thấp (dĩ nhiên không dám nói số lượng độc giả) Anh có ý kiến gì về nhận xét này ?

HXS: Tôi không nghĩ là trong văn chương nói chung, có sự phân biệt bộ môn nào chủ yếu, thứ yếu. Như bàn tay có năm ngón, dòng sông lớn có những phụ lưu đổ về, hay một khu vườn với trăm hoa đua nở. Thơ, văn, họa hay nhạc hay bất cứ một bộ môn nào khác cũng đều mang một sứ mệnh riêng, một nét đẹp riêng, làm cho khu vườn văn chương khởi sắc, cho dòng sông văn học nghệ thuật tuôn chảy đời đời và cho bàn tay xây dựng tình người, tình đời hướng về chân, thiện, mỹ.

Tôi là một người làm thơ, bởi thế, một cách chủ quan, tôi cho rằng thơ chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Anh thử nhìn lại xem: giở bất cứ tờ báo nào, một tập san nào (từ trước tới nay), thơ vẫn dồi dào, phong phú không kém văn về phẩm cũng như về lượng. Để không khí buổi nói chuyện bớt nặng và vui đùa một tí, tôi xin trích lại phát biểu của một vài văn hữu cho rằng làm thơ “ngon lành” hơn viết văn:

“Con đường vương giả là phải làm thơ” (Võ Phiến, lời tựa tiểu thuyết Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác)

hoặc:

“Chính nhiều người kể lại đã gặp và nhìn tận mắt nhiều thi sĩ mặc vét, đeo cà vạt…” (Nguyễn Bá Trạc, Ngọn Cỏ Bồng, trang 32, dòng 10, 11)


“Thơ cao quý, ngắn gọn, chừng hai ba câu, nhà thơ có thể biểu dương sở trường, sở đoản của mình. Còn nhà văn phải viết ítnhất một vài trang mới làm cho độc giả biết tài nghệ của mình” (Hồ Trường An-trích thư riêng)

Tôi đồng ý với anh về cái nỗi khó khăn của người làm thơ muốn in và xuất bản thơ mình. Đa số là tự ấn hành, hoặc bạn bè quyên góp in cho. Hiếm có nhà xuất bản hoặc cơ sở phát hành nào rộng vòng tay chờ đón thơ. Điều này dễ hiểu vì số lượng tiêu thụ các thi tập kém hơn so với tiểu thuyết. Tôi nghĩ có lẽ văn, tiểu thuyết thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý của độc giả trực tiếp và mau lẹ hơn thơ.

CHC: Tôi có một người bạn rất thân, đã có lần anh ta nhận xét: “Thi sĩ là một kẻ rất lười biếng. Hắn lười ngay trong công việc cầm bút làm thơ. Vì thế, hắn thường không bố trí cho hắn một thời gian nhất định, một chỗ ngồi nhất định để viết lách, thậm chí cũng không chuẩn bị cho chính hắn những giấy bút cần thiết, dù rất đơn giản. Hắn làm việc tùy hứng, bất cứ lúc nào, bạ đâu viết đó với bất cứ mẩu giấy, ngọn bút nào hắn chợt vớ được”. Nhận xét của người bạn tôi có đúng được phần nào chăng ? Với cá tính như thế sẽ có những ưu khuyết điểm gi ? Riêng cá nhân anh, anh có thể cho biết những thói quen khi sáng tác ?

HXS: Đúng y chang 100% trường hợp của tôi. Một thói quen đáng yêu !

CHC: Anh quan niệm thế nào là một bài thơ hay ?

HXS: Còn tùy thuộc anh ơi ! Một bài thơ có thể “hay” với người này, nhưng không “hay” với người khác. Thôi thì như thế này: Trong cương vị một người làm thơ và được đọc thơ mình trước, tôi thấy bài nào tôi “chịu” đều xuất phát từ những cảm xúc ít nhiều có thật. Bởi thế, thơ phải “cảm” trước tiên, tùy tâm trạng, hoàn cảnh mỗi người. Thơ không cần giải thích dài dòng.

CHC: Ngôn ngữ trong thơ của anh, của bè bạn anh hôm nay có những gì khác với Xuân Diệu, Huy Cận…?

HXS: Ngôn ngữ, không chỉ riêng trong văn chương, thay đổi theo thời đại. Bởi thế mới có sự phân biệt: tiền chiến / hậu chiến / thơ mới /thơ cũ / tiểu thuyết / tân tiểu thuyết vv… Khác nhau thế nào thì không dám bàn, vì không chuyên.

CHC:Anh có thể cho biết sự khác biệt giữa thơ và văn ?

HXS: Một câu hỏi hóc búa ! Tôi nhớ lại cách đây không lâu, nhà văn Võ Kỳ Điền gợi ý tôi về một đề tài nói chuyện trong các cuộc sinh hoạt của trung tâm Văn bút Québec như sau: “Thơ khác văn như thế nào ?”. Tôi đã lưỡng lự vì thấy vấn đề khá rộng lớn, đòi hỏi phải tra cứu kỹ càng. Về sau cũng không thực hiện được vì giờ giấc đi làm của tôi với giờ sinh hoạt của Văn bút trái cựa nhau. (Nhân đây, cũng xin bày tỏ lòng ân hận và tạ lỗi về những lơ là, thiếu sót trong sinh hoạt với anh chị em Văn bút). Về câu hỏi này, tôi đề nghị, chúng ta cùng đọc thêm chương “Văn Thi Sĩ” của Nguyễn Bá Trạc trong Ngọn Cỏ Bồng (từtrang 34 đến trang 40) sẽ thấy nhiều điều thú vị.

CHC: Trong số các thi sĩ tiền chiến anh thích người nào nhất, vì sao ?

HXS: Không thích một ai nhất, nhưng thích nhiều người. Ví dụ: thích Quang Dũng ở những bài thơ bi hùng thời loạn lạc. Yêu cái nét mộc mạc, cô đơn trong thơ Nguyễn Bính. Cái nhẹ nhàng thanh thoát của Hồ Dzếnh, hay gần gũi hơn nữa: bị lung lạc bởi ngôn ngữ thần bí trong những thiên tình sử của Đinh Hùng.

CHC: Anh thích thơ Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên ? Thơ của họ có tạo cho anh những hứng khởi, thôi thúc đặc biệt ?

HXS: Vào thời cao điểm của nhóm Sáng Tạo, tôi cũng thích và đọc thơ của quý vị này. Có thể kể thêm Quách Thoại, Sao Trên Rừng vv…Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hay, mới lạ, tôi rất ưa những câu: “Ôm em hôm nay mà đã nhớ em ngày sắp tới” hoặc “Em gối đầu sương xuống chuyện trò với bóng hình…”…Tuy nhiên tôi thích hơn những bài thất ngôn của ông sau này, dưới bút hiệu Trần Kha (?). Tôi chịu Tô Thùy Yên những hành khúc viết về lính. Những bài thơ về đời lính của các thi sĩ Việt nam thời nào cũng rất hay. Quang Dũng, Tô Thùy Yên, Kim Tuấn, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Lâm Hảo Dũng vv.. đều lý thú cả. Thơ của họ đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp khi sống cũng như khi viết.

CHC: Anh có đồng ý Bùi Giáng là thi sĩ số 1 của giai đoạn 54-75 ? Xin cho biết lý do.

HXS: Tôi không dám làm cái công việc thẩm định ai là văn sĩ thượng hạng cho dù trong bất cứ giai đoạn nào. Tuy nhiên, theo thiển ý, Bùi Giáng là một trong những Thi sĩ lớn của Việt Nam. Cái nguồn thơ “bạt ngàn” (chữ Mai Thảo), cái cõi thơ nửa mê nửa tỉnh, cợt đùa chữ nghĩa của ông thật là kỳ diệu, thẳm sâu, khó lòng hội nhập thấu đáo. Tôi đã đọc Bùi Giáng nhiều và choáng ngợp bởi những câu như thế này: “Em về giũ áo mù sa, trút quần phong nhụy cho tà huy bay…”

CHC: Anh có được đọc thơ của một số cây bút miền bắc, trong giai đoạn 54-75 ? Xin cho những nhận xét tổng quát về thơ dưới chế độ cộng sản.

HXS: Không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi này. Tôi bị kẹt lại ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản gần 7 năm, nhưng hầu như hiếm đọc (vì không thích đọc) các cây bút Xã hội chủ nghĩa. Có nghe nói lại vài nhà thơ miền bắc có thành thật bộc lộ ít nhiều tình cảm con người trong sáng tác, nếu lọt qua được ngọn dao đồ tể của đảng.

CHC: Trong tập Viễn Phố của anh vừa ấn hành, anh đã xử dụng nhiều thể thơ. Anh đặc biệt ưa viết dưới thể loại nào nhất ?

HXS: Tập Viễn Phố quả được viết dưới nhiều thể loại thơ, tùy tâm trạng, tùy lúc, không có chọn lựa trước. Tôi thấy thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay.Thơ thất ngôn âm điệu du dương trầm bỗng, quen thuộc, dễ lôi cuốn. Tuy nhiên, nếu phải chọn, tôi sẽ chọn hình thức 6 chữ, vì không cường điệu quá, ngắn ngủi quá, trầm buồn, vừa đủ để tâm sự, kể lễ, tỉ như:

“Một hôm ngộ cảm đất trời
Cái thân run đi nhè nhẹ
Quanh ta những cảnh và người
Nhìn ra vô cùng nhỏ bé”

CHC: Cũng qua thi phẩm Viễn Phố, ngoài thơ, bạn đọc còn thấy nét vẽ của anh từ mẫu bìa, phụ bản cũng như những minh họa đen trắng, chứng tỏ anh có dính líu ít nhiều đến hội họa. Anh có theo học ngành này ? Trong các tay Họa Sĩ Trẻ: Nghiêu Đề, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Đinh Cường, Trịnh Cung ..vv anh thích tranh người nào nhât, lý do.

HXS: Hẳn anh còn nhớ, hồi ở trung tiểu học, ngoài các môn nhiệm ý, học sinh phải chọn theo một trong hai thứ: thể dục hoặc vẽ, hoặc nhạc. Tôi chọn vẽ, vì ốm yếu không kham nổi leo trèo chạy nhảy.Tôi cũng mê vẽ từ thuở nhỏ và cũng nghe người ta nói có khiếu về môn này. Lớn lên chưa được học hôi họa trường ốc một ngày nào. Mấy cái bìa lẩm cẩm trong lúc hứng chí ngồi nguệch ngoạc bậy bạ cho vui thôi. Các họa sĩ anh vừa nhắc tên tôi cũng có quen biết. Hồi 67, 68 gì đó, bọn tôi mở Quán Văn trong khuôn viên đại học Văn Khoa cũ, thì Hội Họa Sĩ Trẻ là hàng xóm.Lui tới riết rồi quen nhau hết trơn. Tranh của các vị này đều đẹp cả, mỗi người một nét, một cá tính. Tôi thích Nghiêu Đề về cả nghệ thuật lẫn con người. Nguyễn Trung trầm tĩnh, chững chạc. Thế giới tranh của anh mở ra những âm bản của phim ảnh trông lạ, nhuyễn, và bắt mắt lắm.Nghe nói sau này khách ngoại quốc ghé Việt Nam thường mua tranh Nguyễn Trung với giá cao. Nguyên Khai, Đinh Cường vẽ nhiều nét nghiêng về tây phương hơn.

CHC: Vẫn thường được nghe anh hát trong các sinh hoạt văn nghệ ở Montréal, anh có sáng tác nhạc không ? Nhạc sĩ nào hiện nay có mặt tại hải ngoại anh thích nhất ?

HXS: Tôi không biết một tí gì về nhạc lý nên không có chuyện sáng tác nhạc đâu anh. Hát hò thì có hay hát. Hát cho bạn bè nghe, có tí hứng thì nghe tàm tạm, lên sân khấu thì…dở ẹc. Ở đây tôi mới chỉ được dịp nghe nhạc Hà Thúc Sinh, Phan Ni Tấn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Ngô Yên Thái, Trần Chí Phúc vv, đều thích hết thảy.

CHC: Anh là ‘dân’ của xứ sông Hương núi Ngự, hẳn biết nhiều về những sinh hoạt văn học nghệ thuật của Huế trước 1975, Anh có thể trình bày một phần nào cái không khí của “một thời ấy:” ?

HXS: Tôi rời Huế vào Sài Gòn sau khi xong trung học. Lúc ấy chưa có mầm non mầm già văn nghệ chi hết nên không biết được các sinh hoạt lớn bé ở đấy ra thế nào. Thuở nhỏ, chỉ biết được một hội thơ là Hương Bình Thi Xã do cụ Ưng Bình Thúc Gịa làm chủ soái. Bác ruột tôi, thi sĩ Ngự Xuyên Hoàng Xuân Vịnh, có chân trong hội này. Các cụ thường lui tới ngâm vịnh với nhau rất tương đắc.Lúc đã lớn, tôi thường ở Sài Gòn, có nghe nói có một nhóm anh em bạn còn lưu luyến “da diết” với xứ Huế, đã thường gặp nhau ở quán Bạn (?) trường Mỹ Thuật Huế, hội quán Thể thao vv..như Bửu Ý, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Ngô Kha, Tôn Thất Văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường…Nhóm này về sau phân tán. Kẻ ra bưng theo cộng sản. Người lưu lạc qua miền khác. Kẻ còn, người mất. Một số anh em văn nghệ khác như Mường Mán, Hồ Minh Dũng, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ…vv..hình như chỉ viết được nhiều khi đã xa Huế, bỏ Huế mà đi. Tôi có nghe nói sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định rầm rộ hơn, có báo chí, có quy tụ thành nhóm, đông đảo anh chị em hơn thì phải ?

CHC: Anh có thể cho biết tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tại Montréal và những giao tình của anh với các anh chị cầm bút tại đó ra sao ?

HXS: Ở Gia Nã Đại, có thể nói Montréal là nơi tập trung nhiều nhất các cây bút cộng tác với báo chí Việt Nam tại hải ngoại so với các thành phố khác cùng xứ. Ấy vậy mà đến nay chưa có một tờ báo nào gọi là chuyên nghiệp ! Hồi tôi mới sang, cuối năm 1981, có tờ Dân Quyền của một nhóm anh chị em trẻ, nhiều tâm huyết, đã hoạt động được chừng hai ba năm. Bài vở thiên về đấu tranh chính trị nhiều hơn văn nghệ. Đến nay báo đã đình bản. Gần đây có thành lập Trung tâm Văn bút Québec, tập hợp được một số anh chị em viết lách. Có sinh hoạt mỗi tối thứ sáu cuối tháng về nhiều đề tài khác biệt. Nơi tôi ở, điều kiện sinh sống khó khăn hơn so với các thành phố khác. Anh chị em văn nghệ phải vùi đầu vào cuộc mưu sinh, rất hiếm khi được gặp gỡ ngoài các dịp sinh hoạt cộng đồng. Giới cầm bút tôi được diện kiến, tiếp xúc gồm có quý vị: Trương Bảo Sơn, Đỗ Quý Toàn, Trang Châu, Nguyễn Khắc Ngữ, Lê HữuMục, Nguyễn Hải Bình, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Hữu Chung, Vũ Kiện, Lưu Nguyễn, Phạm Nhuận vv…Giới nghệ sĩ ca diễn, sáng tác nhạc, hội họa có Đoàn Chính, Hoàng Phúc, Trọng Nghĩa (đã sang Cali), Lê Phan Lân, Vy Hùng, Hoàng Xuân Giang, Ngô Yên Thái, Vivi, La Toàn Vinh vv… và vv…. Mới đây, có nghe nhà văn Hồ Đình Nghiêm, người cùng xứ, cư ngụ cùng thành phố mà tôi chưa được dịp gặp mặt, thật đáng tiếc ! Hiện nay, giao tình văn nghệ thân thiết nhất tại Montréal đối với tôi là các anh Luân Hoán, Bắc Phong.

CHC: Cảm ơn anh Hoàng Xuân Sơn.

HXS: Xin cảm ơn người phỏng vấn, cảm ơn tạp chó Sóng, cảm ơn bạn đọc đã cho tôi ít phút thưa thốt đôi điều tâm sự

(Tạp chí Sóng số 80 Xuân Kỷ Tỵ, tháng 1-1989)



Ghi chú: tiểu sử trích từ Tác Giả Việt Nam: Hoàng Xuân Sơn

Nhà thơ, tên thật Hoàng Xuân Sơn, bút hiệu Sử Mặc, Hoàng Hà Tỉnh, Vô Ðịnh, sinh năm 1942 tại Vỹ Dạ Huế (Ngày sinh theo giấy khai sinh: ngày 01 tháng 01 năm 1947). Học tiểu học ở trường Lý 
Thường Kiệt, trung học Bán




Công và Quốc Học Huế, đại học Văn Khoa Sài Gòn (ban triết ),và Cao học Chính Trị Kinh Doanh. Làm việc ở bộ Giao Thông-Bưu điện, thuộc Tổng Cục bưu chính Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 được lưu dụng 7 năm. Ðịnh cư tại Montreal, Canada từ tháng 12 năm 1981. Bắt đầu viết từ năm 1970 trên các báo Văn, Chính Văn, Diễn Ðàn, Khởi Hành, Nghiên Cứu Văn Học, Ðối Diện, Thân Hữu, Xây Dựng Nông Thôn, Ngưỡng Cửa, Nhà Văn... Tại hải ngoại, thơ đăng trên các báo Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Chủ Ðề, Sóng, Sóng Văn, Nắng Mới, Saigon Times, Hợp Lưu, Phố Văn, Gío Văn , Canh Tân, Ði Tới, tạp chí Thơ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Viễn Phố (thơ, Việt Chiến xb 1988), Huế Buồn Chi (thơ,93), Lục Bát (thơ, 2005)

Có bài trong các tuyển tập :

Ngọn Cỏ Khô Trên Thung Lũng Mùa Xuân (tuyển tập thơ văn, Làng Văn 1986), Chân Dung Thơ Luân Hoán (Kinh Ðô 1991),Việt Nam Quê Hương Tôi (ảnh Lê Quang Xuân, 1994), 20 Năm Văn Học VN Hải Ngoại (Ðại Nam 1995), Tuyển Tập 20 Người Viết Canada (Nắng Mới 95), Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 (Văn Mới), Gửi Vầng Trăng Lưu Lạc (hội nhà văn VN 1994), Ngày Xưa Hoàng Thị (nxb Văn Nghệ, VN 1995).












Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn




Lê Thị Huệ: Trò chuyện với nhà thơ Hoàng Xuân Sơn
















Quán Văn  (1967)




Bùi Văn Phú / Hoàng Xuân Sơn





Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc, Hoàng Xuân Sơn 
tại Quán Văn (1967)













Trịnh Công Sơn hát "Ca Khúc Da Vàng" tại Quán Văn (1967)













Khánh Ly & Trịnh Công Sơn
tại Quán văn (1968)













Hoàng Xuân Giang, một thân hữu nữ, Trần Tiễn Tự, Hoàng Xuân Sơn, 
Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn, Ngô Vương Toại, Trần Hiếu Lai. 
Hình chụp tại cửa sau Hội Họa Sĩ Trẻ trong khu CPS (1968)













Ru Ta Ngậm Ngùi
Nhạc: Trịnh Công Sơn, Ca sĩ: Khánh Ly

















Nữ Hoàng Chân Đất



Một buổi tối chống gậy lò dò từ hậu liêu CPS ra sân Quán Văn (sự tích chống gậy vì ăn đạn pháo kích của việt cộng này sẽ được nhắc lại sau), tôi bất chợt nghe được một tiếng hát lạ kỳ: nửa như quyện từ lòng đất âm u, nửa như tự trời thanh cao rót xuống. Một tiếng hát có ma lực cuốn hút người nghe tự buổi đầu hội ngộ (Ngõ ban sơ hạnh ngân dài - Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua - Bùi Giáng)


Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm, mây âm thầm mang gió lên

Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng, nước dâng lên hồn muôn trùng

Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
             
                                                        ..............


Những chữ Khóc; Đỉnh Cao như làn hơi vút hắt ra. Như dòng sống chợt kích ngất. Rồi bàng hoàng ngậm lắng lời ru êm vào hơi thở nhè nhẹ. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Chao ơi sao lại có giọng hát liêu trai đến giữa cuộc đời như một tặng phẩm bất ngờ thế nhỉ?. Sao lại có đường thanh lột tả hết những lời ca nhiệm mầu Trịnh Công Sơn?
Nàng là ai ... Là Ai? ngồi ở đâu đó. Thu mình trong góc tối. Mà tiếng ca như dòng nhựa chảy trào cả đêm mênh mông? Và tôi, và em. Mơ hồ giữa một vùng khói sương lãng đãng.

Những chiếc ghế xích lại gần. Vòng tròn nhỏ vây quanh. Chuỗi vòng lớn lấp lánh sáng lân tinh trên những bực thềm. Trên cỏ. Và nàng tiếp tục hát

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
làm sao có nhau - hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn mưa bay ...


Mưa bay về những hàng cây thủy tinh muộn thắp nắng chiều. Giọt nắng. Giọt nến. Ngàn cây thắp nến lên hai hàng - để nắng bây giờ trong mắt em.

Rồi nàng đứng lên gọi tên bốn mùa. Gọi đêm liêu trai dài tóc thần thoại. Gọi cuộc tình dấu chim bay và kiếp người mang nặng từ trẻ thơ mới lọt lòng ...

Khánh Ly! Một cái tên xa lạ chưa từng nghe đến. Có phải là tiếng phong linh mang về thành đô cơn gió miền cao Đà Lạt?

TCS nồng nàn giới thiệu: " Đây là Mai, mới từ Đà Lạt xuống, sẽ sinh hoạt với anh em mình lâu dài! ". Vâng Lệ Mai đã đến. Khánh Ly đã ở lại. Với chúng ta, thật dài lâu.


Việc gì phải đến, đã đến: Khánh Ly / Trịnh Công Sơn chính thức xuất hiện trước công chúng tại Quán Văn vào một tối thứ sáu mùa hè đẹp trời. Dù phương tiện thông tin phổ biến hạn chế, số lượng khán thính giả đêm KL/TCS đông đảo chưa từng thấy. Các bạn trẻ ngồi kín sân cỏ, tràn ra bên hông và ngay cả đàng sau Quán Văn. Tất cả nín lặng chờ nghe KL/TCS hát. Thức uống làm không kịp. Nhưng có hề gì . Tuổi trẻ đến đây là để chia sẻ những giá trị tinh thần. Chia sẻ nỗi khát khao và niềm mất mát. Trong từng lời ca tiếng hát. Trong từng hơi thở mớm ru nhau.

TCS mở màn với Gia Tài Của Mẹ:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ: một nước việt buồn


Ở đoạn điệp khúc, anh hát lại nhiều lần và tất cả cùng hát theo nhịp vỗ tay vang dội:


Dạy cho con tiếng nói thật thà
Dạy cho con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha - Quên hận thù!



Đêm trường lồng lộng tiếng đồng ca. TCS tiếp tục kể lể nỗi khổ đau chiến tranh mà quê hương Việt Nam hằng cưu mang: Một ngày dài trên quê hương - Ngày Việt Nam hoang tàn quá - Một ruộng đồng trơ đất đỏ - Một đàn bò không luống cỏ ...


Và Khánh Ly bước lên bục gỗ theo tiếng vỗ tay sóng biển rạt rào. Giọng hát ma túy cất lên:


Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như đã yêu mình ...


Người con gái VN da vàng ấy lớn lên giữa vùng chiến tranh khốc liệt. Chưa kịp nếm tình yêu đầu đời đã vội tắt nụ cười thanh xuân


Em chưa biết quê hương thanh bình - em chưa thấy xưa kia Việt Nam...

Người con gái một hôm qua làng - đi trong đêm đêm vang ầm tiếng súng - người con gái chợt ôm tim mình - trên da thơm vết máu loang dần



Rồi đến Tình Ca Của Người Mất Trí:


Tôi có người yêu - chết trận Pleime. Tôi có người yêu ở chiến khu D - chết trận Đồng Xoài - chết ngoài Hà Nội - Chết vội vàng dọc theo biên giới ...


Những địa danh. Những cái chết trong trí nhớ cuồng điên. Và nàng cất cao giọng ở điệp khúc kêu gào thảm thiết:


Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh - tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay - dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người



Khánh Ly bất thần tụt giày, đứng chân đất trên bục gỗ. Vịn vai Trịnh Công Sơn. Mắt nhắm nghiền. Mặt ngước cao như van xin, nguyện cầu ơn cứu rỗi. Cho người. Cho đời. Cái tĩnh mịch của đêm dài một lần nữa lại bị phá vỡ bởi sự cổ vũ nồng nhiệt, mê say của những người tuổi trẻ đồng điệu. Và rồi đêm ngất lịm trong những lời ca ru, tiếp.

Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn. Cứ thế, TCS/KL say sưa hát ca khúc da vàng từ bài này sang bài khác. Có khi tràn sang những bài ca về thân phận, tình yêu ... rơi rụng trong đời những trái non đắng chát hay trái chín ngậm ngùi. Những lời thơ tiếng hát quyện lấy nhau nồng nàn trong từng hơi thở. Lúc này đây bạn đang cảm thấy hạnh phúc được lắng nghe. Được chia sẻ. Ca Dao Mẹ - Nước Mắt Cho Quê Hương - Người Nô Lệ Da Vàng ...

Trước ngọn đèn lương tri mù mờ giông bão, Ca Khúc Da Vàng (CKDV) sẽ không được chấp nhận bởi một thế lực nào chủ tâm rẻ rúng con người, tôn vinh quyền lực. CKDV chỉ được ghi nhận bằng tiếng nói đích thực của con tim.Những lời khát khao hoài vọng một ngày quê hương thôi máu đổ xương rơi đã được đáp ứng nồng nhiệt   bởi tấm chân tình của tuổi trẻ hôm nay


Khi đất nước tôi thanh bình - tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm - cầu gẫy vì mìn - đi thăm hầm chông và mã tấu
Khi đất nước tôi không còn giết nhau - mọi người ra phố mời rao nụ cười


Khi đất nước tôi thanh bình - tôi sẽ đi không ngừng
Sài Gòn ra Trung - Hà Nội vô Nam - Tôi đi chung cuộc mừng -
Và mong sẽ quên chuyện non nước mình


Hỡi ơi! Cái chung cuộc ấy chưa hề là chung cuộc mừng. Ôi! đã là rách nát tang thương hơn! Ai biết được đằng đằng cuộc bể dâu sau này.


Trịnh Công Sơn / Khánh Ly như Gió dưới biển hắn dồn vô - Mây trên trời hắn cuốn lại ( dân ca Quảng Bình). Chưa hề có một buổi sinh hoạt nào mang khí thế lồng lộng, "ấn tượng" đến vậy.

Nữ Hoàng Chân Đất đã ở lại với anh em chúng tôi: Khánh Ly?
Không, chưa. Chính là Lệ Mai, Mai voi, Mai đen ... đã ngồi lại giữa vòng tay bằng hữu chan chứa niềm thương.

Những cái tên gọi, nicknames thân tình, dễ thương như Sơn Què, Giang Đô Lực Sĩ, Lai Cận, Tuấn Còm, Toại Hột Mít, Tấn Mốc, Mai Đen (mặn mà duyên dáng) của Lệ Mai (của một thời chưa ăn nói văn vẻ từ một nhân dạng " Khánh Ly ca sĩ " v.v  đã vầy đoàn, kết thân dễ dàng tự nhiên, không đợi, không chờ, không hẹn mà đến.




                                                               HXS





Trích từ tập "Cũng cần có nhau" 
Ký Hoàng Xuân Sơn






















Quỳnh Hương


Nhạc: Trịnh Công Sơn  Tiếng hát: Hoàng Xuân Sơn





































Nối Vòng Tay Lớn

Hợp ca: Hoàng Xuân Sơn, Trịnh Công Sơn, Vân Quỳnh, Vân Hòa, Vân Khanh.



















Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn















Hoàng Xuân Sơn 
 Ký: Tà Áo Văn Khoa





[ trích đoạn phóng bút Cũng Cần Có Nhau để tưởng niệm cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Ban Trầm Ca, Phong Trào Du Ca Việt Nam, đã vĩnh viễn từ biệt chúng ta, ôm đàn sang hát phía Bên Kia Sông, nơi có ánh mặt trời của quê hương Việt Nam muôn đời ngạo nghễ . . .]





Trường Đại Học Văn Khoa (cũ) tọa lạc trên một vuông sân thơ mộng . Mặt tiền ngó ra đường Nguyễn Trung Trực. Hông bên phải là đường Gia Long chạy dài tới Dinh Gia Long. Phía trái là đường Lê Thánh Tôn. Và sau lưng là Công Lý. Khu tứ giác này về sau có nhiều hội đoàn đến đóng đô tạo nên một sinh hoạt khá sôi động, một thời kỳ tiêu biểu cho các hoạt động thanh niên sinh viên, văn hóa, xã hội v. v.



Ngô Vương Toại và tôi sau một thời gian bỡ ngỡ trước thềm cuộc sống mới, cũng đã bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học Văn Khoa, nơi có truyền thống lâu đời về cái đẹp văn nhã, trang trọng. Chúng tôi đã có một quãng đường dài tập tành ăn chơi, đua đòi thời còn ở trung học nên không đến nổi lúng túng lắm ( như mấy trự nhà quê ra tỉnh ) khi trực diện với ngày mới, người mới, đời mới của văn minh Sàigòn. Ở đây chúng tôi vui mừng gặp lại một vài bạn cũ và kết giao thêm rất nhiều bạn mới. Toại đã sớm nổi đình nổi đám nhờ sự hoạt bát, bạo dạn, ăn nói thu hút ( nhờ đó về sau, chàng xông thẳng vào trường chính trị không chút ngần ngại ). Còn tôi vẫn là một kẻ nhút nhát đứng bên lề! Những ngày chập chững đi ghi cours cũng khá hấp dẫn với không khí là lạ của buổi đầu đại học. Thỉnh thoảng ngồi chăm chú nghe giảng, hí hoáy biên chép. Thỉnh thoảng đứng ngoài hành lang ngó ngang liếc dọc. Và các đấng nữ lưu ở đây chao ơi là đẹp, là duyên dáng. Con gái Văn Khoa đẹp có tiếng so với nữ sinh viên các ngành khác. Có rất nhiều tà áo văn khoa huyền ảo phất phới khắp mọi nẻo giảng đường. Nào là Diệm My hoa khôi từ Huế vào . Nào là Hồng Khắc Kim Mai rất hiện sinh, à la mode, với thi tập bạo dạn Mắt Màu Nâu gây được tiếng vang. Và rồi Thanh Lan, Hoàng Oanh tài tử, ca sĩ về sau. Làm sao không ngẩn ngơ được khi đứng trông vời bóng hồng Kim Dung với tà áo tím lilac thướt tha, sáng rực cả góc chiều …


Thời kỳ này, Văn Khoa cũng có nhiều sinh viên cầm bút làm thơ, viết văn, biên khảo, đã trở thành những tác giả có tiếng, có người đã có tác phẩm xuất bản như Đặng Phùng Quân, Cao Huy Khanh, Nguyễn Nhật Duật, Trần Nhật Tân, Đào Trường Phúc, Đỳnh Bảng, Phạm Quốc Bảo, Cung Vĩnh Viễn v. v

Sau lưng trường Văn Khoa, ngay ở trung tâm điểm của khu tứ giác là một dãy nhà tiền chế được xây cất bằng vật liệu nhẹ (vách bằng rơm ép, mái tôn). Dãy nhà này hiện diện từ hồi còn mồ ma Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên được sử dụng cho hội chợ, phòng triển lãm, nhà trưng bày sản phẩm đặc biệt chi đó. Nguyên khu đất trống này hồi còn Pháp là khám lớn, nơi giam giữ các tội phạm chính trị. Thậm chí ở đây còn nguyên bậc tam cấp lưu lại dấu tích nơi đặt máy chém xử tử các tội nhân. ( Bởi thế, có nhiều huyền thoại về thế giới âm hồn ma quỷ quanh quất khu đất này sẽ nhắc về sau ) .

Phần lớn dãy nhà chính được dùng làm trụ sở của một cơ quan mang tên CPS. Cái tên thoạt nghe như tên một cơ quan Mỹ . Nhưng thật ra CPS là chữ viết tắt của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường. Cổng chính vào trụ sở CPS nằm ở đường Gia Long. CPS trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, là một cơ quan được sự trợ giúp của các tổ chức thiện nguyện quốc tế, chuyên trách về điều hành và xây dựng các sinh hoạt thanh niên sinh viên học sinh hướng về phụng sự xã hội .

CPS được coi sóc bởi một nhóm giáo chức trẻ, nhiều tâm huyết, là những người trí thức dấn thân mà tên tuổi trở nên rất quen thuộc về sau: Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc (đã khuất); Phạm Phú Minh ( tức Phạm Xuân Đài), Đỗ Qúy Toàn, Hà Tường Cát, Phan Văn Phùng ...Thật ra, trước khi CPS chính thức sinh hoạt, cũng đã có những chương trình chuyên trách về công tác xã hội như Chương Trình Hè 64 (?), Chương Trình Công Tác Bạn Đường. Một trong những tay điều hành cốt cán của những chương trình này là ký giả lão thành Đỗ Ngọc Yến sau này của tờ Người Việt ở California . Tất cả những nhân vật trẻ nhắc trên đều là thành viên của Hội Đồng Sáng Lập tạp chí Thế Kỷ 21 và một vài cơ quan truyền thông khác hiện nay ở Quận Cam, Cali .

Thử điểm qua một vài cứ điểm khác của khu đất trống kỳ lạ này :

- Sau lưng trường Văn Khoa, cách một lối mòn, là căn phòng nhỏ của Nhóm Sử Địa chuyên in ấn cours cung cấp cho sinh viên (bằng kỹ thuật Ronéo, dĩ nhiên, vào thời đó). Chúng tôi thường gọi đùa Nhóm Sử Địa là “ những tay lái cua” của Văn Khoa . Nhóm này quy tụ những đấng mày râu rất mồm mép, hễ gặp nhau là ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Điểm mặt quần hùng thấy có: Phạm Quân Khanh, Nguyễn Minh Diễm, Vũ Hiệp, Lê Hoài Quỳnh, Nguyễn Tuyển, Bùi Hồng Sỹ, Trần Công Sung, Phạm Quốc Bảo, Đỗ Phan Hạnh v.v.

- Sau lưng trụ sở CPS là dãy nhà hình chữ L, được chiếm hữu bởi Hội Nhu Đạo của GS Phạm Lợi và Hội Kiếm Thuật do thân phụ của nhạc sĩ Nam Lộc làm trưởng tràng .

- Qua bậc tam cấp, xuống hết con dốc thoai thoải là sân bóng chuyền. Chiều chiều cư dân trong khu vực và anh em Văn Khoa sinh hoạt muộn chia phe đánh đấu ra gì ! Chỉ cá độ một chầu cà phê hoặc trà đá chanh đường cũng đủ mát lòng mát dạ. Có những thân hình lực sĩ vạm vỡ thì cũng có những bộ xương cách trí xông pha chuyền bóng, đỡ bóng ngoạn mục không kém. Nhớ có lúc Trần Công Sung (tức ký giả Từ Thức) nhìn Đào Trường Phúc ( nhà thơ, Phong Trào phó Hưng Ca sau này) cởi trần đánh bóng cứ tấm tắc gật gù ơ kìa! xem con hạc nó vờn banh. Cũng chính ở sân bóng chuyền “lô can” này đã xuất phát được một tay kiệt hiệt về nghệ thuật chuyền bóng cá độ. Đó là hảo thủ Nguyễn Văn Hào ( con của cụ Riêm, quản trường Văn Khoa mới ). Hào chỉ cần sử dụng một cái ghế đẩu để chuyền bóng mà đối phương ba người được chấp phải chạy trối chết mới mong đở được những đường bóng hiểm độc của Hào .

- Ngó xéo sân bóng chuyền là ngôi nhà nhỏ với vườn rau be bé xinh xinh của gia đình một nhân viên trường Văn Khoa khác. Gia đình này có cô con gái tên Phương về sau đánh bạn với Hoàng Xuân Giang em tôi .

- Kế nhà Phương là trụ sở của Ca Đoàn Nguồn Sống. Trưởng Đoàn là Nghiêm Phú Phát ít khi xuất hiện. Người điều hành thường trực là Hà Quốc Bảo, người tròn trịa, vui tính. Chính nữ ca sĩ Thanh Lan và nhiều tên tuổi khác cũng xuất phát từ ca đoàn này .

- Sau rốt, day mặt ra đường Lê Thánh Tôn là trụ sở của Hội Họa Sĩ Trẻ: Chủ Tịch /Nguyễn Trung, Tổng Thư Ký / Hồ Thành Đức và nhiều khuôn mặt hội họa danh tiếng khác hằng lui tới sinh hoạt. Có thể kể: Nguyên Khai, Trịnh Cung, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Lâm Triết, Hiếu Đệ v. v. Một số đã trở nên thân thiết với bọn tôi về sau như Cung, Cường, Đề, Khai . . .Coi sóc Hội Họa Sĩ Trẻ là hai cây cọ trẻ chịu chơi ; Mai và Bích .

MỘT BƯỚC THÀNH CƯ DÂN CPS

Vì đâu Ngô Vương Toại và tôi trở thành dân cư ngụ thường trực của CPS ? Đầu dây mối nhợ cũng tự Nguyễn Huỳnh. Như đã nhắc ở trên, chính Nguyễn Huỳnh xúi Toại và tôi ghi danh Văn Khoa. Sau một khoảng thời gian ngắn, Huỳnh hỏi tụi tôi : Toại Sơn có muốn đi làm kiếm thêm tí bổi không? Thế thì còn gì bằng. OK liền tút xuỵt . Lũ bọn tôi xa nhà du học chỉ trông mong vào trợ cấp gia đình, nay có cơ hội kiếm thêm tí ngoại bỗng thì sướng rên mé đìu hiu. Bạn hãy tin vào triết lý mèo mù vớ cá rán nhé! Nhờ quen biết sao đó với mấy anh trong ban chấp hành CPS, Huỳnh đưa chúng tôi vào làm việc bán thời gian cho cơ quan này. Trợ cấp tới ba ngàn rưỡi một tháng à nhe ! Với cuộc sống sinh viên tự túc, đó là một món tiền lớn cho tụi tôi. Nhớ lần đầu tiên lĩnh lương, Toại và tôi ra phố sắm mỗi chàng một ống vố (pipe) hiệu Dr.Plum ngậm cho oai với thiên hạ .

Trước khi rời xa miền trung trọ học, tôi đã mường tượng ra cái cảnh :

Anh chàng người Huế đi lang bạt
Vô tuốt Sài Gòn ở gác thuê
Chiều chiều ngó xuống đường xe cộ
Buồn nhớ chi mô, lạ rứa tề !

Thế mà cuộc đời không vận vào cái xì tin “ Trầm buồn xa vắng “ như mấy câu thơ thẩn trên. Cuộc đời xoay chiều theo hướng khác, một sớm một chiều bỗng xô vào trường náo nhiệt. Một khúc quành rẽ của đường đời khá quan trọng .

Trước khi cất bước giang hồ, bọn tôi, những đứa con cưng xứ Huế cũng đã được gởi gấm cẩn thận. Toại có người chú ruột ngụ ở gần Trường Đua Phú Thọ (Ong là chuyên gia đấu thầu hệ thống cung cấp giếng nước). Chú Phát của Toại thuộc hàng trung lưu. Ong cũng thường dẫn tụi tôi đi ăn uống du hí này nọ. Phần tôi được trao gởi cho người chị bà con, chủ nhân nhà xuất bản Trường Thi ở đường Võ Tánh, cạnh ngã sáu Saigon. Chị Đức, nữ chủ nhân Trường Thi là thân mẫu của Nguyễn Xuân Hùng ( tức nhà thơ Khê Kinh Kha). Hùng và tôi đồng trang lứa, lại có chút máu văn nghệ văn gừng nên rất dễ thân nhau. Cơ sở Trường Thi ngoài việc xuất bản và phát hành sách vở từ điển còn có hai cao ốc lớn ở đường Trương Tấn Bửu và Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận cho người nước ngoài ( Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân …) mướn dài hạn . Vì còn nhiều phòng ốc trống, bọn lang bạt chúng tôi được phép chiếm ngụ làm chỗ lui tới văn nghệ nhiều năm sau đó. Nhân lực phục vụ cho nhà Trường Thi cũng đông đảo vô ngần: Thợ in, thợ sắp chữ, nhân viên bán hàng, giao hàng, quản trị, hành chánh lên độ vài chục người. Tất cả đều ăn chung một nhà nhưng phải chia làm hai, ba đợt .

Toại và tôi đều có chỗ nương tựa “ nhà êm cửa ấm là thế” mà cứ thích bụi đời. Au là những con chim ra ràng mới lìa xa tổ ấm thích đời tự do bay nhảy. Hết hai phần ba cuộc đời sinh viên, bọn tôi sống lây lất ở CPS. Chỉ lúc nào ngặt nghèo mới lết về nhà kiếm ăn .

Thế là một sớm một chiều, lũ chúng tôi vầy đoàn, nhập bọn với nhau và trở thành những tay tử thủ dài hạn vùng đất thiêng CPS

*

Phía sau trụ sở chính CPS là dãy nhà ngang được ngăn làm nhiều phòng. Vách rơm, mái lợp tôn, những dãy ghế bố nhà binh kê sẵn, là “long sàn “ của những ông vua lang bạt. Căn nhà nóng hừng hực những trưa hè và mướt lạnh những ngày mưa. Và cứ thế, chúng tôi mỗi người bám trụ một ghế bố, một giang san “ riêng một góc nhà “. Đồ đạc nhét dưới gầm ghế. Sách vở đóng thùng kê đầu giường. Tiên chỉ trong đám ngụ cư dĩ nhiên về tay Nguyễn Huỳnh. Một đầu nậu hiền lành, dễ mến, rất có lòng với bạn hữu. Huỳnh kéo theo Trần Tiến Định, anh vợ Huỳnh (sau mới biết Định là cháu gọi nhà thơ Luân Hoán bằng cậu ruột). Hiện diện những tay vào CPS trước Toại và tôi: nào là Nguyễn Luyện nhà văn trẻ, Tiên đàn ghi ta tay trái, Tỷ (to, cao – về sau đi Quân Cảnh), Châu công-tử-bột, Nguyễn Phùng (tức Phùng nhỏ, phân biệt với Phan Văn Phùng lớn ) v.v. Để kết chặt tình thân hữu, chúng tôi thành lập Nhóm Thanh Niên Tự Lực (NTNTL) – lại bắt đầu phe nhóm ! – về sau còn có tên gọi là Thiên Bang ( ý muốn nói ta đây là bang hội của nhà trời, đâu có thua gì Cái Bang hành hiệp trượng nghĩa !).

Kể thêm vài láng giềng gần: Linh, Phát của chương trình Bạn Đường, Đỗ Tăng Bí (Đỗ Việt Anh) em nhà thơ Đỗ Qúy Toàn, Phan Văn Phùng, Phạm Phú Minh ngụ ở nhà trên . . .

Nhận thấy Nhóm Sử Địa Văn Khoa quay cours làm ăn coi bộ khấm khá, Thiên Bang được phép sử dụng phương tiện in ấn của CPS, cũng thực hiện quay bài vở cho lớp Dự Bị Triết Văn Khoa, kiếm thêm chút ngoại bổng bia bọt cuối tuần cho cả nhóm.

Đám tân tuyển tụi tôi làm tất cả mọi việc cho CPS, từ những việc lặt vặt văn phòng, trang trí, sắp xếp hồ sơ, đến tham vấn kế hoạch các chương trình sinh hoạt thanh niên/sinhviên/xã hội. Tinh thần làm việc chung rất cao, không có phân biệt kẻ trước người sau, chức phận lớn nhỏ nhưng vẫn theo đúng quy củ nề nếp tổ chức . Mọi việc tiến hành tốt đẹp …Nhờ óc tổ chức khéo léo, có cơ sở trường ốc của anh Lê Đình Điểu, cọng thêm kinh nghiệm và nhiệt huyết của những thành viên trẻ, CPS sớm chiều trở nên một trong những cơ quan nòng cốt, tiên phong trong các sinh họat đoàn thể thời bấy giờ . Trong nhiều sinh hoạt, phải kể đến sự hổ trợ tác động của Ban Trầm Ca ( tiền thân của Phong Trào Du Ca VN) gồm có Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng Thảo , Hoàng Kim Châu (*)với loạt nhạc hùng mạnh, trong sáng , khởi động lòng hăng hái của tuổi trẻ tham gia vào những công tác tự nguyện xây dựng xã hội, quê hương .

Nào chúng ta cùng hát :

Từ Nam Quan Cà Mâu – từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng-
Tiếng reo vui rộn trong lòng
Cùng đi xoay Hoành Sơn – cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi biến đồng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa – lướt ngàn nước sông nhà
Ta đắp bồi cho mẹ cha

[ Về Với Mẹ Cha – Nguyễn Đức Quang ]

hoặc:

Ngồi bên nhau ta hát, hát cho vang trời
Trời bao la nung chí cao tới mây
Ngồi bên nhau ta hát, hát cho bao lời
Lời yêu mến sẵn trong tim mỗi người
. . . . .

Ngồi bên nhau hôm nay ta hát hát lên cho đông ta chung một nhà – nhà Việt Nam qua bao giông tố bấy nhiêu đem cho tương lai
Ngồi bên nhau hôm nay ta hát hát lên cho hung ta chung một dòng – người Việt Nam đã có lắm phen nêu cao chí hùng . . . .
[ Ngồi Bên Nhau ta Hát – Nguyễn Đức Quang ]

Chính lúc này, ở đây, tất cả mọi người đều bắt tay vào việc :

Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau – nghi ngờ nhau –
Khích bác nhau cho cay cho sâu cho thật đau . . . .
Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông
Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai bắt đầu ?
Thế giới ngày nay không còn ma quái – thần tượng tàn rồi còn
anh với tôi – chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi
Làm việc đi không lo khen chê – làm việc đi hãy say và mê . . .

[ Không Phải Là Lúc Đặt Vấn Đề – Nguyễn Đức Quang ]

Nhưng khí thế và mạnh mẽ nhất chính là đại hùng ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ [ đã qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế hệ mà tiếng đồng ca hoành tráng vẫn còn cất lên, vang vọng trong lòng người ] :

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian . . .
[ Nguyễn Đức Quang ] (**) 

Và rồi thêm Việt Nam Việt Nam, tâm ca cùng loạt dân ca cải biên của Phạm Duy, những bài ca cộng đồng, tranh đấu của Ngô Mạnh Thu, Giang Châu, Nguyễn Tầm v. v . đã mang lại những đêm lửa trại hào hứng, bừng bừng khí thế .

Sinh hoạt du ca, khởi nguồn từ CPS đã lan rộng thành phong trào rộng lớn với các Toán, Nhóm sinh hoạt có mặt khắp nơi trên đất nước. Có thể kể thêm Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Ni Tấn, Trần Đình Quân v. v. tay đàn tay nhạc khiến phong trào du ca ngày thêm vững mạnh. Nguyễn Hữu Nghĩa về sau còn tiếp nối Phong Trào Hưng Ca ở hải ngoại với Nguyệt Anh, Huỳnh Công Anh, Đào Trường Phúc . . .


(*) Theo Hoàng Kim Châu, Ban Trầm Ca được thành lập vào muà hè năm 1965 gồm có Nguyễn Đức Quang như cánh chim đầu đàn, và các anh chị em khác : Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Mai Thái Lĩnh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Quốc Văn và chị Đỗ Phương Oanh. Khởi đầu Ban Trầm Ca chuyên sinh hoạt ca diễn văn nghệ theo tinh thần hướng đạo, thanh niên sinh viên phụng sự xã hội. Sau hơn một năm hoạt động, với thành quả sinh hoạt ngày càng nâng cấp, phát triển; Ban Trầm ca quyết định thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam với cả ngàn đoàn viên có mặt khắp mọi nơi trên đất nước dưới hình thức những Toán Du Ca từ Huế , Đà Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Đà Lạt. . . đến Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang v.v. Phong Trào Du Ca Việt nam đặt trụ sở tại số 114 SươngNguyệt Anh Sàigòn. Chủ tịch đầu tiên là anh Hoàng Ngọc Tuệ, nhạc sĩ Nguyẽn Đức Quang là Trưởng Xưởng Du Ca . . .
(**) Nguyễn đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn tây, Bắc Việt – tạ thế lúc 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật 27 tháng 3 năm 2011 tại bang California – Hoa Kỳ; sau cuộc điều trị tai biến mạch máu não không thành công.

28 mars 2011
(còn tiếp) 


















Nguyễn Ước: đọc Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn







Lương Thư Trung: "Lục Bát Hoàng Xuân Sơn" một chỗ cho bè bạn và cho mình







Thơ Hoàng Xuân Sơn 







Luân Hoán: Hoàng Xuân Sơn, "Con Đò Khẳm Nặng Tình Ni Nớ"







Hoàng Xuân Sơn: Một chữ thàng







Hoàng Xuân Sơn trên vanchuongviet.org






Hoàng Xuân Sơn với tạp chí Da Màu







Hoàng Xuân Sơn trên Tiền Vệ





























HXS  Đà Lạt 1971










Hoàng Xuân Sơn &  Khánh Ly 2008






















Nguyễn-Xuân Hoàng & Hoàng Xuân Sơn  2012 














Hồ Đình Nghiêm, Phan Nguyên, Hoàng Xuân Sơn
Montreal 2019


















X đứng Lớp đệ tam C1 Quốc Học 1961











Trở về
















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.