Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Phạm Hiền Mây













Phạm Hiền Mây

Tên khai sinh: Phạm Thu Thủy
Nhà thơ










Nghìn năm yêu nữa anh nha
vào em buồn
đợi í a
tàn ngày












Phạm Hiền Mây tên thật là Phạm Thu Thủy, sinh ra và lớn lên tại đất Sài Gòn - Gia Định.
Tốt nghiệp Đại Học Sài Gòn (tiền thân là Cao Đẳng Sư Phạm), khoa Văn Nhạc. 
Dạy Việt Văn trung học được mười năm thì thôi hẳn, chuyển sang kinh doanh. 
Hiện đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ. 
Viết rải rác đã từ lâu. Bài thường được các báo, tạp chí, trang web nước ngoài... chọn đăng. 
Trong năm 2018 và 2019, lần lượt đã ra mắt, in và phát hành trên hệ thống Amazon năm thi phẩm.

"Phạm Hiền Mây chuyên về thể loại lục bát. Lục Bát Hiền Mây khác với Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly… Đây là một thứ lục bát ngổn ngang, khắc khoải nhưng rất tinh tế và xao xuyến. Hiền Mây chú trọng nhiều đến vị trí, tầm “sát thương” của ngôn từ trong thơ. 
Bản Sắc Việt nhận định: Thơ Hiền Mây rời nhưng không rã, từ ngữ chồng lấn nhưng hỗ trợ cho nhau, gây xúc cảm. Thỉnh thoảng có nhiều câu hay xuất thần. Thơ Phạm Hiền Mây là thơ trữ tình. Có chia xa đau cắt, có hân hoan đoàn viên, có nước mắt thương thân, có tiếng nấc giữa đêm trường cô quạnh."

Tuổi trẻ online











TIỄN TÔ THÙY YÊN… .

đi như đi lạc trong trời đất
thủy tận sơn cùng xí xoá ta
cõi chiều đứng lại khóc như liễu
có thật là ta đã đi xa.
(đi xa - tô thùy yên)

**
kẻ trước người sau ngày sập tối
dọc ngang cổ độ kiếp giang hà
mục xuôi dòng củi ghềnh lưu xứ
ngược thác trơ cành nước xiết qua

**
xế bóng hoàng hôn làn chợt tắt
buồn lên chửa vợi chớm dương tà
hờn biên ải núi màu ai oán
lặng lẽ non về mây thiết tha

**
trùng dương khởi sóng đời gang tấc
dâu bể vùi chôn thoắt í a
nghìn năm hồ dễ lòng khôn giấc
chí cả anh hùng ngựa vó ca

**
cơn mưa hạt đổ mờ phương ấy
hay khóe nhòa tuôn lệ biệt sa
xin đây tiễn xá hồn hương kính
chầm chậm tàu lăn khói tỏa ga

**
đi như thuở gió tàn nhân thế
thật ảo phù hư mộng sớm hoa… .

22/05/2019
phạm hiền mây













màu quan san…
thơ xưa tả dấu quan san
ngậm ngùi em hiểu
hợp tan vô thường
người đi từ độ ấy
dường
màu thời gian phủ kín tường rêu xanh


lá lay
em biết mong manh
chốn quê đành lặng loanh quanh phận đời
rao lời vọng cổ trùng khơi
sáu câu hương sắc rã rời
từ khi


miệt đồng – phố chợ
biệt ly
sải đôi cánh rộng chim di quên về
người phai dạ… bẵng lời thề
giật mình bừng thức… ngủ mê
trời chiều


cống xề xang… lỗi nhịp yêu
bão giông ập
đổ liêu xiêu
bóng nàng
kiếp này mộng trót trễ tràng
sân vàng lá úa bàng hoàng tàn thu


cô đơn… buồn lạc giọng ru
gạt sầu hát trọn bài phù hư… nhưng
chừng
tim khóc quặn chẳng ngưng
màu quan san ấy… có từng?














Tác phẩm đã xuất bản









1
 Lục Bát Phạm Hiền Mây
Nxb Nhân Ảnh













2
Sẽ Sóng Mãi Trăm Năm
Nxb Nhân Ảnh













3
Bất Tương Phùng, Không Tin
Nxb Nhân Ảnh













4
Đáng Đời
Nxb Mở Nguồn













5
Uyên Ương
Nxb Mở Nguồn















BUỔI ANH ĐI…

ngày không khép và 
đêm dài bất tận
buổi anh đi nắng úa 
ngõ nghiêng buồn
lá xác xơ giận dỗi gió 
như tuồng
nghìn năm rất vội quên 
tình em thoáng

**

nghìn năm rất vội quên 
tình lặng khoảng
giấc hồ đông ngan ngát 
tím giăng mờ
buổi anh đi hò hẹn thuở 
em chờ
đời cổ tích trần gian 
mùa vọng ngóng

**

đời cổ tích trần gian 
mùa trăng bóng
nỗi cô đơn treo tít đỉnh 
non ngàn
cõi chiêm bao lấp 
xuống mộng hoang tàn
vùi em buổi anh đi sầu 
diện kiến

**

vùi em buổi anh đi sầu 
đưa tiễn
nẻo hoàng hoa dần 
khuất trắng mây bờ
lối về xưa quạnh quẽ 
đến bây giờ
màu viễn xứ dốc mù 
sương chân dấu

**

màu viễn xứ phiến 
chiều rơi lòng nẫu
buổi anh đi quạnh quẽ 
bến giang đầu
cánh thiên di gửi lại 
chốn quê rầu
mù mịt thẫm chim bay 
niềm cố quận

**

ngày không khép và 
đêm dài cứ vẫn
khói hương tình 
buốt đợi 
buổi anh đi…










MAI NÀY VUI EM

vui em vừa mới lên đầy
đã nghe mùa trở bóng 
gầy chim di
khi mùa gió trở làn mi
là sân ga lại biệt ly khóc 
thầm

**

sân ga lại dỗ bước trầm
vui em vừa mới đã đầm 
đìa vương
đầm đìa mưa đổ dòng 
tương
bâng khuâng gót biết về 
nương chốn nào

**

trời cho vay cái ba đào
chênh vênh cành đậu 
lộn nhào xuống sông
vui em vừa mới ngọn 
bông
khói sương vần vũ 
mênh mông bãi chiều

**

khói sương cổ tích mây 
nhiều
cánh hoa ngủ thiếp tiêu 
điều cội mơ
trắng xương rụng nhớ 
phất phơ
vui em vừa mới thoắt 
bơ vơ tàn

**

vui em vừa mới xanh 
làn
hải âu lũ lượt theo đàn 
xa xăm
hỏi bao giờ cố hương 
thăm
phù du tự thuở trăm 
năm sẽ ngày

**

phù du bụi đỏ lên dày
mắt môi vừa mới 
mai này 
vui em…










TRÁCH CHI…

trách làm chi nỗi trời 
bày
trò chơi từ thuở mượn 
vay xuân thì
thuở yêu đương cuộc 
hạn kỳ
cây ly biệt trổ xanh rì 
lộc non

**

mầm ly biệt trổ màu son
trách làm chi nỗi héo 
hon trời dành
đêm lên ngày xuống 
trên nhành
tình riêng một mớ treo 
mành chỉ tơ

**

tình riêng một mớ ngu 
ngơ
người đi mãi để bài thơ 
hoang đường
trách làm chi nỗi trời 
dường
mơ hồ như thể bức 
tường vân trôi

**

tường vân bức hoặc 
nghi đôi
gió mây hò hẹn phai 
phôi xuống mù
nẻo thiên cổ vẫn thế dù
trách làm chi nỗi trời 
phù du tan

**

trách làm chi nỗi trời 
đang
càn khôn trận nổi mênh 
mang giang hà
đời hoa cỏ mộng ta bà
chiêm bao giấc mãi 
chiều tà lá lay

**

thắp buồn sương trắng 
trời bay
mờ tay khói nỗi sầu 
này trách chi… .











KHÓI SÓNG…

một bầy khói sóng buồn 
thiu
đậu lên bờ khóe mắt 
chiều xa nhau
khóe chiều xa mắt đỏ 
au
chẳng sân ga tiễn mà 
đau đã chừng

**

mà cơn đau đã mấy 
từng
trời cao khói sóng lưng 
chừng trắng bay
lưng chừng trắng ngọn 
sầu lay
mê man gió thắp loay 
hoay nỗi mình

**

thắp bâng khuâng nẻo 
đăng trình
vỗ về người ở lại tình 
thiết tha
địa đàng khói sóng mù 
qua
vườn khuya táo bỗng lăn 
ra chín vàng

**

táo thơm chín rụng 
quáng quàng
ôm chầm trăng bóng 
mơ màng phơi hiên
bóng trăng rũ mộng 
xanh nghiêng
dõi mơ khói sóng miền 
biêng biếc chờ

**

niềm riêng khói sóng 
lặng tờ
nhớ thương dòng muộn 
nước lờ lững trôi
con sông củi mục tìm 
đôi
giữa xưa vết dấu phai 
phôi ít nhiều

**

đang ngày yêu bước du 
phiêu
lòng em khói 
sóng dâng triều 
anh đi …











SẼ KHÔNG BAO GIỜ…

bao giờ hết lạnh mùa 
đông
hết bầy con nít chạy 
rông ngoài đường
thì em mới hết mộng 
thường
mơ yêu anh suốt cuộc 
trường tương tư

**

dù yêu rất đỗi hồ như
bao giờ cõi hết ông sư 
bà thầy
hết ba la hết má rầy
thì em mới hết đời này 
thương anh

**

đời hư lá ngọn mong 
manh
mùa qua cơn mị rụng 
nhanh phiến vàng
bao giờ gió hết mơ 
màng
hết bay về phía cuối 
ngàn chân mây

**

thì em mới hết chiều 
tây
ngóng trông anh bến 
mù vây trắng xuồng
ngóng tay anh thắp sợi 
buồn
bao giờ trăng hết sông 
nguồn mới thôi

**

bao giờ hết mục rã trôi
hết rêu rong hết phai phôi củi dòng
thì em mới hết cạn lòng
yêu anh lúa trổ đòng đòng nhúm bông

**

đất trời hỏi hết kiếp 
gông 
ngừng yêu anh 
ối 
sẽ không bao giờ…









ĐÔI KHI…

đôi khi thèm quá cơn 
say
để quên tình trắng xóa 
bay cuối trời
quên từng hai đứa 
trong đời
yêu đương in vết rã rời 
gối chăn

**

yêu đương in vết áo 
khăn
đôi khi thèm quá lụa 
nhăn vạt mềm
để quên những lúc bên 
thềm
cô đơn em với êm đềm 
nguyệt treo

**

cô đơn em với lá reo
đêm vườn dâu trút héo 
queo nong tằm
đôi khi thèm quá trăng 
rằm
để quên cái buổi ăn 
nằm cùng nhau

**

để quên cái buổi lòng 
đau
trần gian đổ xuống mưa 
mau hạt buồn
chia ly đã tự thuở 
nguồn
đôi khi thèm quá lạnh 
luồn ngổn ngang

**

đôi khi thèm quá thênh 
thang
để quên gió rất mênh 
mang lối về
xanh lên ngọn cỏ 
hương thề
hoang biền biệt nẻo 
xưa hề chiều tây

**

thèm xa vời vợi bóng
mây
để quên anh khói tay 
gầy đôi khi…


























Phạm Hiền Mây, 
treo cao đam mê trên vàng son lục bát

Từ hồi nào giờ, tôi vẫn tin thi ca của một dân tộc không bao giờ nằm ngoài những chuyển biến lịch sử, xã hội của một dân tộc đó. Bởi vì ngôn ngữ thi ca, chính là tấm gương soi phần trầm, khuất nhất của sinh hoạt trí tuệ một dân tộc. Ngay cả khi may mắn dân tộc ấy, có được cho riêng mình một thể thơ riêng. Thí dụ, Việt Nam, lục-bát.

Vì thế, khi lục bát được nâng lên cấp độ cao nhất của nghệ thuật kể chuyện, bởi thi hào Nguyễn Du, nó đã dừng lại với người thừa kế tài hoa Nguyễn Bính (cụ thể qua thi phẩm “Lỡ bước sang ngang” và, những bài thơ “trăm câu một vần”, rất gần ca dao của ông)

Kế tiếp, cùng với sự tiếp cận nghệ thuật tả cảnh tây phương, lục-bát hình thành một dạng thức khác: Lục bát Huy Cận, Hồ Dzếnh… Theo tôi, đó là thứ lục bát ra khỏi phạm trù kể chuyện - -  Mở mở đường cho hình ảnh hay những ngẫu tượng lên ngôi;  như một cuộc thay máu cần thiết, để lục bát còn được nhận như một đặc trưng riêng của văn học Việt Nam. Nhưng, vẫn theo tôi, nỗ lực của Huy Cận và Hồ Dzếnh, cũng chỉ như một rớt bão. Không dài lâu.   
Từ nhiều thập niên qua, lục bát của chúng ta, đã không còn là mũi… “xung kích” ngoạn mục nơi quảng trường thi ca đất nước nữa.
Thời gian không đứng về phía lục bát. Lục bát ngày nay của chúng ta, chỉ còn có cho nó những đường kiếm ngoạn mục, khi được dùng trong phạm vi thơ tự-trào hoặc, thơ giễu-nhại…
Vì thế, thâm tâm, tôi vẫn có ý khâm phục sự can đảm vượt bậc của những người làm thơ, chẳng những vẫn thủy chung ăn ở với lục bát mà, còn đánh cược tài năng, treo cao đam mê mình trên nắng, gió chênh vênh lộ trình một thi phẩm, lục bát!
Hôm nay, tôi xin gửi sự khâm phục của cá nhân tôi vào thi phẩm “Lục Bát /  Phạm Hiền Mây” - - Mẫu bìa của họa sĩ Khánh Trường.
Phạm Hiền Mây là “người tình” chung thủy của Lục Bát, nên tôi tin, người đọc sẽ không ngạc nhiên lắm, khi ngay tự những vần thơ thứ nhất của thi phẩm “Lục Bát /  Phạm Hiền Mây”, đã tươm đậm hồn tính ca dao Việt Nam ngày qua và, những so sánh hay liên tưởng đương đại:
“Bụi hoa xưa đã lên vài
Nhánh vàng cổ tích dốc dài tình nhân.
(…)
“Buồn sâu kèn đã tơi bời
Bướm ơi chuyển kiếp giữ lời tìm nhau”
(Trích “Giữ lời tìm nhau”).

Hay:

“Mặn em nhỏ xuống chẳng dừng
Trên vai anh ướt không ngừng trời mau
Mưa nghiêng trút xuống nỗi đau
Trái oan khiên chín đỏ au phận người
Vết thương chín mọng ngực đời
Và em quả chín rụng lời từ ly”
(Trích “Vô thường nhỡ mai”)  

Khởi tự tính từ “mặn” chỉ nước mắt, trên vai người yêu, Phạm Hiền Mây dùng lục bát để dẫn cơn mưa, nỗi đau đi lần tới “trái oan khiên chín đỏ” là sự rụng xuống (không thể khác hơn?) của những “lời từ ly”.

Hoặc nữa:

“Nắng lâm chung tắt thình lình
Chưa hoàng hôn đã một mình niềm riêng
Môi vào môi sớm thần tiên
Dậy thì đánh rớt tháng giêng nhớ người”
(Trích “Tháng giêng nhớ người”)

Bằng vào ghi nhận của tôi, Phạm Hiền Mây không chỉ có khả năng “nhân cách hóa”một cách bất ngờ mà, họ Phạm còn có khả năng làm mới thơ mình bằng vào những tương tác vi tế mà, nếu không phải là người nữ, tôi e, các tác giả khác, sẽ rất khó cảm và nhận. Thí dụ:
‘Mùa đông một sớm mùa đông
Không dưng em mắt môi nồng tình anh”
(Trích “Mình yêu nhau nhé”)

Hoặc:

“Tiễn anh đếm lá hồn mình
(Trích “Phù du yêu người”)

Hoặc nữa:

“Tóc dài ngọn hẹn rưng rưng
Chờ giây phút được giọng mừng dạ thưa”
(Trích “Nhớ anh thôi đã rất thừa mùa đông”)

Bên cạnh đó, Phạm Hiền Mây cũng cho thấy chủ tâm (?) khai thác từ kép của tiếng Việt, để dòng chảy thi ca có được nhịp lẻ, khác hơn nhịp chẵn hay đều (2/ 2/ 2 hoặc 3/3) quen thuộc, nhàm chán:

“Đời em rồi sóng lênh đênh
Ướt men em giấc đợi phiền muộn đi”/
(Trích “Lênh đênh sóng rồi”)

Vì tính từ “phiền muộn” là từ kép, không thể tách bạch, nên nhịp đi của câu thơ 8 chữ này, với tôi, ít nhất cũng có được cho nó 2 nhịp lẻ là:

“Ướt men / em giấc / đợi phiền muộn / đi (2 / 2 / 3 / 1) 
.
Vẫn trong ghi nhận của tôi, dù người đọc có thể kiếm tìm được khá nhiều so sánh, liên tưởng bất ngờ trong cõi-giới “Lục Bát /  Phạm Hiền Mây”, nhưng ở đó, người đọc cũng rất dễ bắt gặp những từ ngữ, hình ảnh ước lệ như:

“Mù sa xuống ướt nẻo kiều
Dấu chân gió bạt bước liều ngày nao”
(Trích “Tình thơm giấc buồn”)

Hay:

“Mộng ngơ ngẩn suối im lìm
Mở hoa ngọc vóc lặng chìm tiểu khê
Mở sa mây ngọn thường nghê
Đôi bờ cỏ đợi sầu mê dáng kiều”.
(Trích “Mở”).

Và, khá nhiều từ ngữ, thành ngữ trở thành ước lệ đã lâu, như: Giang hà, từ ly, cố tri, phù vân, phù hư, ba đào, cỏ khâu, cổ lục, lưu thủy trường giang v.v…

Tôi cũng lấy làm tiếc khi lẫn trong “Lục Bát /  Phạm Hiền Mây”, một số bài có nhiều chữ Hán-Việt, hoặc điển tích, như các bài: “Mây buồn nghìn năm”; “Không đợi chờ”; “Về ngủ thiên thu mây trời”…
Tôi nghĩ đường bay “Lục Bát /  Phạm Hiền Mây” sẽ bay cao, xa hơn nữa, nếu thơ họ Phạm không bị trì níu, kéo xuống thấp bởi những xác chữ gây nhiễm độc không gian thơ của chúng ta, nhiều chục năm qua.
Dám mong vậy thay!
(Calif. Tháng 3-2018)
(‘Bạt’ thi phẩm ‘Lục Bát’ Phạm Hiền Mây, nhà XB Nhân Ảnh.)


























Sóng về đâu
mà sẽ sóng trăm năm




Sóng, có những con sóng gầm thét lồng lộn vỗ kè đá chặn nước giữ đất dưới trời mênh mang gió.

Có những đợn sóng bạc đầu đuổi nhau xóa trắng thời gian. Có những gợn sóng trong lòng, dẫu đưa người Thâm Tâm không đưa qua sông. Có những con sóng bị xô ngược về biển khiến Trịnh Công Sơn băn khoăn chẳng biết sóng về đâu.

Nay chúng ta có thêm sóng của Phạm Hiền Mây, người nổi danh với thơ lục bát, thể thơ rất dễ thành vè. Thơ lục bát đóng dấu ấn tuyệt phẩm trong thi ca hiếm. Dĩ nhiên Nguyễn Du là thi nhân hàng đầu. Sau, có Nguyễn Bính, thơ như ca dao. Rồi Phạm Thiên Thư, Nguyễn Duy, Du Tử Lê… Trao đổi riêng, có lần tôi mạnh miệng cho rằng lục bát Phạm Hiền Mây có thể đã vượt cả Đoạn Trường Vô Thanh. Vượt, không phải ở tiết điệu, vì vần buộc là vần bằng ở chữ số 6 trong mỗi câu 6 và 8. Vượt có thể từ thủ pháp cấy ghép những từ tách biệt để tạo ra liên cảm mới lạ, từ đó những rung động bất ngờ.

Vượt, có thể đến từ thủ pháp xử dụng điệp ngữ. Vượt có thể đến từ cách nối dòng câu 6 vào câu 8, tuy đã có trong thơ, nhưng tinh tế như thơ Phạm Hiền Mây thì hiếm. Nói, phải có dẫn chứng cụ thể và nay xin chép một đoạn để ta cùng động não:


nỗi buồn giấu
tại sao không
vào trong mắt rất màu đông mỗi lần
mỗi lần nhớ nhắc em cần
quá chừng anh lúc trời gần đổ mưa

(trích bài Bềnh bồng Mây bay)

Lưu ý:

Cấy ghép: mắt rất màu đông (màu đông, màu gì đây mà không nhìn cũng lạnh buốt)
Điệp ngữ: mỗi lần (câu 2 và 3)
Nối dòng: em cần (câu 3) quá chừng (câu 4)

Gần đây, nàng thơ của chúng ta lại tạo bất ngờ với thể thơ 7 hoặc 8 chữ mỗi câu, viết tắt là thể 7/8. Nhắc, thơ nàng không phải kiểu Đường thi niêm luật cứng queo, chỉ dùng âm nhạc và tiết tấu loại thơ cổ này đã ảnh hưởng (quá) nhiều lên thơ Việt. Vần thì Phạm Hiền Mây vẫn chủ yếu dùng vần bằng, và so với lục bát thể thơ 7/8 chữ cho phép linh động hơn khi tạo vần. Nàng tiếp tục làm những bứt phá cấy ghép, nối dòng, điệp ngữ. Thí dụ:


tình non trái lên xanh buồn hai nửa
rêu tự nguồn thương vết dấu hôn phai
nghe ra mình chân lối hẫng vào mai
thiên thu nẻo vô cùng cơn bụi cát

thiên thu khói hương mờ anh tay ngát
buốt ngón rầu thơm thắp buổi yêu nhau
dỗ em hồng ngoan giấc mộng ngày sau
sao nghe đã thức đau lời ru vụng

mà nghe đã vàng xưa vườn cội rụng
đóa sương tàn phút cuối đẫm hồn nhiên.

(trích Nghe)


Lưu ý, vần trắc trong thơ 7/8 chữ rất lợi hại. Thanh Tâm Tuyền trong tập“Thơ đến từ đâu” là một thí dụ tạo ra những tương phản qua xử dụng vần trắc vẫn khá hiếm trong dòng thơ nước ta.

Đến đây, tôi thấy tôi chỉ mới đề cập đến dăm ba hình thức qua đó Thơ định hình. Như thế, có khác gì chỉ nói về trang phục những hoa khôi trên sân khấu trình diễn đi đứng yểu điệu tạo dáng cho bắt mắt. Thơ khác, đòi hỏi hơn. Thơ hay, là thơ có hồn vía, phần ẩn bên trong của mọi hình thức. Vậy phần hồn thơ Phạm Hiền Mây là gì?

Thơ Phạm Hiền Mây không cật vấn ta từ đâu tới, sinh ra ở cõi này làm gì, và rồi đi về đâu… Thơ nàng không dáng dấp siêu hình, thứ dùng làm dáng trang điểm cho cái sang trọng học thức. Thơ Phạm Hiền Mây không kêu Chúa cầu Phật, không có thiên đàng địa ngục, không vô thường, không tịnh độ, tức hầu như tránh dán mác tâm linh. Thơ Phạm Hiền Mây không cổ động xuống đường, hô hào theo cái này chống cái nọ, chắc chắn không thuộc loài lưỡi gỗ xách động… Không, thơ Phạm Hiền Mây không là loại sản phẩm đèo bồng những đẳng cấp thời thượng vừa kể. Thơ Phạm Hiền Mây là thơ trữ tình. Có chia xa đau cắt, có hân hoan đoàn viên, có nước mắt thương thân, có tiếng nấc giữa đêm trường cô quạnh… Nhưng trong tình huống nào thì thơ Mây không bao giờ nhỏ nhen oán trách, căm giận oán hờn. Thơ em buồn, nhưng vắng bóng tuyệt vọng. Thơ em da diết, nhưng không than van cầu xin bất cứ gì, ngoài khoan dung và độ lượng, với người, với mình.

Sóng, sóng thơ Phạm Hiền Mây không là cơn sóng đập vỡ ghềnh đá chắn giữ đất trơ gan cùng tuế nguyệt. Sóng thơ Phạm Hiền Mây không bị xô ngược khiến có kẻ chạnh lòng chẳng biết sóng về đâu. Sóng thơ Phạm Hiền Mây là những gợn sóng hiền hòa trong một giòng sông độ lượng đẩy mọi phế hưng về biển xa. Và đưa người, đâu cứ phải đưa qua sông. Để còn nghe được tiếng sóng ở trong lòng, nghe ra những thủ thỉ được mất, dịu dàng bởi hoàn toàn vắng bóng chua cay trì triết oán hờn.

Vì thế, hãy mời nhau đọc Sẽ mãi sóng trăm năm mà nhà thơ Phạm Hiền Mây nay trao tặng.


Nam Dao

15-07-2018


















Bất Tương Phùng, Không Tin


Bất Tương Phùng, Không Tin, thi phẩm thứ ba của Phạm Hiền Mây đến với người thưởng thức thơ như một tiếng hót của loài chim không tên từ rừng hoang lạ tìm đến đồng bằng nhân sinh nơi có những tâm hồn khắc khoải đang yêu, tìm yêu và được yêu,...

Mỗi tâm hồn nhà thơ thật vậy là một “không-gian” tàng chứa những ẩn số nhiệm mầu, bất ngờ, nơi đó có thể tìm thấy những ám ảnh cũng như những gì xa lạ, huyền bí nhất. Tất cả như một thế-giới mặt chìm nhưng dĩ nhiên có thể bền bĩ hoạt động mà ý thức không kiểm soát được. Một tình yêu chớm nở như một tiếng sét, một chạnh lòng chợt đến chợt đi, một tiếc nuối phải chi, v.v. Đưa đến sáng-tạo, đưa huyễn mơ thành thực hữu!

Thi ca Việt-Nam từ nhiều thập niên qua, như luôn có một khủng hoảng nội tại, ở vần! Thơ hôm nay mất vần, mất khổ, biến thể thành tản văn, đoản văn, thành suy niệm, tản mạn, có hay không không hề hấn gì đến cõi nhân sinh! Thơ Phạm Hiền Mây đã đến với chúng tôi hôm nay bất ngờ như một tiếng hót của loài chim lạ, khi cao, khi thấp, một tiếng kêu thương lẫn hạnh-phúc của tình, của tâm thức phận nữ. Phạm Hiền Mây trong Bất Tương Phùng, Không Tin chủ trì ở tình yêu – một tâm trạng đã thăng hoa thành tâm thức, không chỉ giới hạn ở con chữ mà đã là nguồn sống vừa là nguồn cảm hứng thi-ca bất tận, đa dạng như “sóng mãi trăm năm”, tựa một thi-tập trước.

Ở Phạm Hiền Mây, tình-yêu hiện diện như không thể khác, với một ngôn-ngữ thơ rất riêng (mà trích dẫn cô đọng từ hình-thức dài xuống hàng của nguyên bản). Tình có chân dung hồn nhiên, giản dị như đời sống thường nhật:

“... bờ môi thương nhớ hương cài
hôm đi hôn níu hôn hoài mông mênh
ơi à / yêu dấu / buồn tênh
quên rồi cái đứa nổi nênh sớm chiều...” (Ơi À Dấu Yêu)

Tình đến nhẹ nhàng như tiếng ơ ờ :

“... huống hồ / em / nhớ quá chừng
đêm dài mấy cũng xuống mừng ngày lên
sương tàn cũng chẳng thể quên
giọt con dế khát tình rên hừ hừ

ngậm no nê dế nằm thừ
huống hồ / em
cổ độ từ hồng hoang
đợi anh từ thuở ngổn ngang
khai thiên lập địa mênh mang đến giờ

ông trời bà đất đâu chờ
ai cho phép cứ ờ ờ là yêu
huống hồ / em
có bao nhiêu
chỉ xin cùng với anh chiều mây bay” (Huống Hồ)



Chỉ có tình-yêu, chỉ có người ấy, Duy Nhất Chỉ Có Anh, rồi Anh Thôi:

“... chiêm bao cuộc lữ ngậm ngùi
cả khi đom đóm quen mùi thiêu thân
yêu liều gửi xác hiên sân
chỉ / anh thôi
chẳng bâng khuâng cánh sầu

chỉ / anh thôi / dẫu đôi đầu
sông dài phơi bóng trăng rầu chênh vênh
cả khi nguồn biết lênh đênh
yêu con nước lặng buồn tênh mái chèo

yêu mây trắng buổi eo sèo
nổi chìm dăm bảy mớ bèo bọt đau
mỗi / anh thôi / đến ngàn sau
cả khi tro bụi mù nhau mịt mùng

cả khi trời đất nghìn trùng
yêu sương khói đến vô cùng có không
ngày hơi thở lạc mênh mông
mỗi / anh thôi
giấc bềnh bồng trần gian...” (Anh Thôi),

Thứ tình là chi mà tâm cảm thì tha thiết, trì triết: tình, tình, và chỉ có tình:

“người ta yêu đếm tháng năm
em yêu anh / đếm / giọt đầm đìa rơi
giọt thương giọt nhớ chơi vơi
phút giây thiêng tưới xanh đời lá hoa

phút giây vời vợi đừng qua
người ta yêu sợ buổi xa buổi gần
em yêu anh / sợ / tan dần
nhịp tim thở gấp mỗi lần bên nhau

mỗi lần môi cánh cài mau
đường lên thiên giới đẫm màu nắng non
người ta yêu ngọn chon von
em yêu anh / đỉnh / còn ngon ngọt tình

ngũ liên ngực đập thình thình
đất trời gióng trống thúc mình đam mê
vòng tay ôm trọn miên khê
người ta yêu / dễ / chán chê mộng thường

em yêu anh / viễn xứ / đường
mây loanh quanh đậu bến trường giang thôi
về cùng mây giấc ngủ đôi
phù du chờ đợi nhẹ trôi thân nằm

người ta yêu thoáng sủi tăm
em yêu / từ thuở nước / ăm ắp nguồn” (Thuở Nước Ăm Ắp Nguồn)


Đam mê, tha thiết, dĩ nhiên không tránh được những khoảnh khắc buồn, nhớ, tiếc nuối,...

“người vui buồn mấy cũng qua
chỉ / bờ bến / tiễn dòng xa rất rầu
ngoài kia tang hải đã màu
biển dâu lòng cuộn đáy đau khôn lường

trăm năm đau cuộc hoang đường
người vui buồn mấy cũng thường nắng mưa
chỉ / tình / sầu níu dây dưa
để như nhiên dại dột xưa chẳng về

để rong rêu tắp ê hề
lệ xanh khóc đá bãi thề đợi trăng
đợi hồn sương cạn giọt giăng
người / vui buồn mấy
cũng khăn áo chùi (...)” (Bỏ Mây)

Sóng lòng, sóng tình, sóng mãi, trăm năm, dù Bất Tương Phùng, Không Tin!

*

Thơ Phạm Hiền Mây chủ trì lục bát nhưng là một thể-loại hình-thức mới ở chỗ mang tính tự do, tự do ở kỹ thuật thụt chữ khi xuống hàng, con chữ rời rạc, nhiều cách quãng, tự do ở cả ý tình bất chợt, nhiều ngõ ngách, cánh cửa tâm hồn mở rồi đóng, không mong, không đợi chờ,... Phạm Hiền Mây đã nỗ lực canh tân làm mới thơ dù không diễn văn, lý thuyết,... Hãy thưởng thức:

“người đi ư
đã
người đi
mặc chiều luống cuống
níu ghì dốc hoa
đau bờ lá đất khóc òa
lem nhem nước mắt nắng
nhòa bụi mê
(…) tím biêng biếc cát lầm lùa
trăm năm đom đóm lóe khua giang hà
người đi
sóng
dậy ta bà
tương tư mộng vỡ ánh ngà trăng rơi
trăng xương cội cánh tả tơi
phù dung phút chốc cõi đời thinh không
địa đàng khói cõi mênh mông
người đi gieo nhớ sầu
đông ngậm ngùi
người đi gieo nhớ em
mùi
hương ân ái biết phải vùi vào đâu
may mà dằng dặc đêm thâu
giả vờ chẳng thấy cúi đầu khép mi
giả vờ quay mặt mỗi khi
rưng rưng lệ mắt người đi
chưa về” 
(Người Đi Chưa Về)


Ngôn từ thơ ở đây rõ giàu thi-tính, sung mãn và đầy bất ngờ: “... mai nào biết trôi về đâu lồng lộng / quá giang sầu / vói níu / vạn trùng mây” trong Nỗi Sầu Quá Giang; hay “... phần em / cái mớ xuân thì / vẫn đương trả nốt hạn kỳ nhân duyên / (…) rầu như thể có ai đem / qua cầu con sáo lấm lem vạt tình” (Phần Em); và “... nào đâu ai chỉ mịt mờ / cánh chim biền biệt / đời / bờ đợi rêu” (Bờ Đợi Rêu); hay trong Say Anh Vẽ Vào:

“vẽ / vào mây / tóc em bay
gọi cơn gió gửi heo may úa vàng
gửi lòng theo lá nhẹ nhàng
hàng cây khô trút ngổn ngang cuối mùa

ngổn ngang hương khói xuống lùa
vẽ / vào áo / buổi sớm trưa anh từng
vòng tay ôm sát thơm lừng
mùi phong nguyệt dậy quá chừng nhớ thương

quá chừng mắt ướt đẫm sương
quá chừng môi nóng bờ tương tư cài
vẽ / vào ngực / dấu hôn dài
dặn xanh trái đợi thêm vài độ trăng ...”


Thơ tình Phạm Hiền Mây có vẻ muốn bỏ hết những ràng buộc vần, điệu, luật,.. nhưng thực sự không phải vậy, bởi những bài có thể thuyết phục người đọc thường vẫn có một cú pháp, một thi-pháp của thi ca, của lục-bát, của văn-chương - ở đây là của Phạm Hiền Mây! Bất cần hậu-hiện-đại hay nữ-quyền, nhà thơ dấn thân trong từng con chữ tài tình gợi nhục cảm (không nhất thiết), nâng cao, công khai những con chữ, để tự giái phóng, như một tiếng nói nữ. Từ tâm tình đam mê thường tình, có khi e ấp, thoáng qua, thầm kín, gián tiếp, nhà thơ cũng có những đợt sóng dâng cao, vào sâu tận cùng nhục cảm mà khéo léo, không sỗ sàng như nhiều nhà thơ nữ “nữ quyền”. Bài Phải Không Anh là một điển hình Phạm Hiền Mây:

“phải không anh / chiều qua / cơn mưa thả
chưa kịp nghiêng hạt nắng rắc hoa thềm
chưa kịp em hạn hán nứt khe mềm
anh sông tưới đồng xanh mơn mởn cánh

anh trăng tưới mùa em tròn vành vạnh
phải không anh / rằm ngực chín / căng đồi
nẩy hân hoan nhịp rộn rã tim rồi
cùng ngưng thở mạch nguồn nghe len nước

cùng ngưng thở chân nguồn nghe cỏ ướt
lá thêm cong sóng phiến ưỡn lưng gần
phải không anh / loài sâu ngủ / muôn lần
môi áp xuống giọt thơm sầu sương nuốt

môi áp xuống mật non sầu hương buốt
đỉnh đêm treo bí ẩn ngọn mê tình
kiếm tìm nhau đã tự thuở đôi mình
nghìn năm trước
phải không anh / trời đất (...)”.



Nếu mặt khác muốn xem thi-ca là trò chơi của ngôn-ngữ thì thơ Phạm Hiền Mây cũng nhập cuộc với nhiều hình ảnh, ẩn dụ, cả âm thanh,... bất ngờ và thi-vị không kém - trong những bài như Trôi Dưới Trời Sầu Khôn Nguôi, Áo Buổi Tà Huy,...



Mây thường gặp trong thơ, có khi người thưởng thức nghĩ là tác-giả (“Bỏ Mây”, “Cột Mây”...) mà nào đã chắc với phù thủy chữ, có khi là những vô định như phù vân, “bèo mây”, “mây bồng”, như mây trên trời, mây khi trời tối, trước cơn mưa,... Nhiều mây trong “mây trắng nỗi chiều êm”,... Mây nhiều khi là những con sóng nhẹ, có khi làm nát lòng, đổ vỡ cuộc tình, “chớ hoài cột mây”- nắm cột được sao? Con chữ qua cảm xúc thi tính Phạm Hiền Mây đã thăng hoa tài tình, như trong Từ Mây Biết Có Địa Đàng:

“từ mây buổi chớm dung nhan
người ta nói / gió / sẽ mang về trời
không cho được ở cùng đời
khói sương tràn xuống tơi bời cách ngăn

tơi bời sương khói mù giăng
bờ ly biệt dựng cao bằng trăng sao
mặc người ta / vẫn / ước ao
mây yêu anh đến khi nào phù vân

khi nào bụi cát tình nhân
anh và mây vạn nghìn lần mộng chung
vạn nghìn lần nhịp tim rung
mặc người ta / cứ
mây thung lũng hồng

(…) từ mây biết có địa đàng
người ta nói / gió / đành dang dở tìm”.



Phạm Hiền Mây áp-đảo ngôn-ngữ của riêng mình vào những buồn, nhớ, tiếc, … mà dày xéo, dằn vặt, cho nát, cho rõ ra, những Buồn Rất Đỗi, Lúc Buồn, Buồn Như Thế, Đời Đau Nhìn Trùng, Người Ta Nói, Vì Yêu Thôi Mà, Lúc Buồn,Yêu Bằng Hết,...



Cũng như không thể không nói đến ngôn từ cổ điệu, một chiêu hồn rất Phạm Hiền Mây, như trong Chờ Anh:

“bến chiều lá đợi vàng khô
chờ anh / vó / nhịp ngựa thồ mùa thu
đường mây lối gió phiêu du
chín tầng trắng xuống sương phù vân lan

chín tầng trắng xóa dung nhan
nghe chim xa mỏi hợp tan cánh bằng
chờ anh / đã / bụi cát đằng
mà tình xanh ruổi rong giăng đôi bờ

tình rong ruổi lạc phương mờ
dấu môi hôn dạ lý giờ còn vương 
dấu môi hôn vẫn thầm hương
chờ anh / ngậm / bóng em thương trăng tàn

chờ anh / ngậm / giọt em tràn
cái hôm xưa ấy nồng nàn anh cho 
cái hôm yêu biết nằm co
cong mình sâu cuộn thơm tho giấu vào

giấu sâu trong khóe ba đào
chờ anh / mắt / cuộn dạt dào mù khơi
một trời lệ hạt buồn rơi
xa người biển khóc mặn đời sóng xô

hỏi sầu viễn xứ khi mô
mới xong / giấc mộng sông hồ / chờ anh”.



Hoặc bất chợt trong thơ, khiến nội-dung con chữ dày thêm tình ý, như đoạn cuối bài Chờ Trông:

“ (...) cuối cùng
yêu / cũng nổi nênh mây trời

cuối cùng
tình / cũng rêu đời
chiêm bao tàn cánh tơi bời phù dung
mơ hồ sông suối biển chung
đau cùng dòng chảy muôn trùng bóng không

đường thiên lý trổ xanh bông
rợp em / cổ độ chờ trông
cuối cùng”



Hoặc hình ảnh của biệt ly não lòng: “... người đi gót ngoái lại coi / sầu cây cỏ bật khóc đòi níu chân” (Yêu Buồn). Nên đi tìm (Tìm Nhớ), nên … cõi thơ thêm sung mãn! Bất Tương Phùng, Không Tin rốt cuộc là một thế-giới tình, tình chớm, tình rã, tình đau, tình nhớ, tình tiếc, …, như nỗi Nhớ Chẳng Ngừng Thiên Thu:

“nhớ ơi 
sao / nhớ quá chừng
khi màu nắng giữa trưa mừng gót qua
trưa mừng nhịp gót thiết tha
nụ hôn ngon đợi người xa mang về

đợi người môi mắt mang kề
nhớ ơi / sao nhớ quá tề
mênh mông 
hắt hiu vào rất mùa đông
rất đầy vơi khói mù không chuyện tình

rất mây xuống trắng thình lình
thắp yêu đương giấc mộng mình chung thân
nhớ bao nhiêu / cũng / phù vân
cũng tàn chiều cánh bâng khuâng chim trời

bâng khuâng mỏi lối mê đời
mỏi xanh rêu bước rã rời trần gian
rã rời bờ bỉ ngạn sang
nhớ / quay trở lại
trường giang dòng sầu

nhớ ơi / sao / nhớ ai rầu
ngày yêu nhau nước chân cầu bèo trôi
chân cầu bóng chạng vạng đôi
hoàng hôn bến cố hương ngồi rưng rưng

bên đồi sim gió thơm lừng 
yêu là thế / nhớ chẳng ngừng / thiên thu”.

*

Phạm Hiền Mây đã bày tỏ những kinh nghiệm vừa tư duy vừa tâm linh mà cũng là một kinh nghiệm nhân sinh và nữ phận. Nhà thơ lên tiếng về những âu lo, tâm tình, nói thẳng ra những lo âu thực tế, sờ mó được, cảm được, không cần nhiều ngõ quanh, đi vòng, những tâm sinh lý, tự nhiên, phải có, không thiên kiến và mặc cảm.

Thi ca như một nhất trí không thể tách bạch, phân tích; thiển nghĩ nên lắng mình để đón nhận và cảm thơ và nên mở rộng mọi giác quan để tiếp nhận thơ! Thơ Phạm Hiền Mây là thơ hôm nay, một thứ thơ đang hình thành - thơ luôn ở tiếng nói của con người sử-dụng nó trong thời gian và không gian! Thơ là thơ hay, thành công, độc đáo, khi tự thi-bản thơ là một vũ trụ, một khối tự lập hình thành từ nhiều cấu trúc, yếu tố, và một khi đã thành, trở nên một ngôn ngữ riêng biệt! Như thơ Phạm Hiền Mây!

Người thưởng thức thơ trong tình-thế nào cũng hy vọng, ở thi-ca, ở một ngôn-ngữ sống động nhất! Gập Bất Tương Phùng, Không Tin lại, người thưởng thức không thể quên, ám ảnh bởi những bản tình ca Phạm Hiền Mây khởi đi với Từ Mây Biết Có Địa Đàng!

Mời bạn thơ bước vào địa đàng thơ tình Phạm Hiền Mây!


Toronto, Cuối Thu 2018


















TÂM THẾ LỤC BÁT


Trong những thi phẩm Việt Nam đã xuất bản xưa nay mà tôi được đọc, ngoại trừ những truyện kể bằng thơ, tôi không nhớ đã có tập thơ nào toàn bộ làm theo thể lục bát như tập LỤC BÁT PHẠM HIỀN MÂY chưa. Dĩ nhiên đây là chọn lựa của tác giả và nhà xuất bản, với ý thức sáng suốt và dụng tâm minh mẫn, điều này không hàm ý là trong những thể loại khác, thơ Phạm Hiền Mây không hay, không giá trị.

Như vậy thể thơ lục bát ở đây, ngoài hình thức cố hữu của nó, ắt còn có một tiềm thế riêng, một của tin gửi đến độc giả mỗi ngày một đa dạng và khó tính hoặc chỉ gửi về một thiểu số tâm giao?

Thơ sáu tám với nhịp điệu trăm năm của nó, ắt khó bề làm ngạc nhiên. Nhưng LỤC BÁT PHẠM HIỀN MÂY vẫn có sức lôi cuốn vì câu chữ hồn nhiên, tuôn trào như ca dao, dân ca nguyên sơ, thật sự là sáng tạo dân gian, chưa được gạn lọc, trau chuốt bởi giới nho sĩ đời sau.

Nguồn thơ ở đây là những suy nghĩ tưởng tượng, rung cảm của nhà thơ từ lời ăn tiếng nói của dân gian, những nhịp điệu, hình ảnh tuôn tuôn từ thành ngữ, tục ngữ, phong dao. Phạm Hiền Mây làm thơ lục bát nhưng nói rằng lục bát đã làm ra Phạm Hiền Mây cũng không phải là ngoa ngữ. Vần điệu cổ truyền gây được hứng thú là do tác giả khéo sử dụng hình ảnh bất ngờ, từ vựng đột phá và cú pháp phóng túng, tạo cho độc giả cảm xúc uyên nguyên như nghe câu hát trên đồng áng hay điệu hò đối đáp trên sông nước. Hãy tưởng tượng Phạm Hiền Mây là cô gái chèo đò trên kênh rạch miền Nam.

Tuy nhiên, tiếng thơ ấy vẫn là tiếng nói của thời đại, mới mẻ, có lúc tân kỳ:

kịp xanh chưa biếc cỏ non
kịp vui chưa xóa buồn còn hôm qua

Lời thơ lạ lẫm, thử tái lập cú pháp thông thường ta sẽ có: cỏ non chưa kịp biếc xanh, niềm vui chưa kịp xóa nỗi buồn còn lại hôm qua. Ta sẽ có một tứ thơ logic, thuận lý, một tâm tình ý nhị: mỗi nguồn vui đều lưu luyến; thời gian là niềm vương vấn khôn nguôi; ngọn cỏ non chưa kịp xanh màu hạnh phúc. Tứ thơ như thế là hàm súc, tinh tế nhưng nó không phải là thơ như câu thơ nguyên mẫu, lạ lùng, mà tôi đã trích dẫn. Thơ khác văn xuôi ở chỗ này và LỤC BÁT PHẠM HIỀN MÂY cũng riêng lẻ chỗ này.

Văn thơ xưa nay vẫn có những câu cầu kỳ như thế hoặc hơn thế nữa nhưng thường là do dụng tâm đẽo gọt, lập dị, không phải là trường hợp Phạm Hiền Mây. Bạn ấy không thuộc hạng "phu chữ" cật lực lao động trên chữ trên câu. Ta đọc đôi ba bài của Phạm Hiền Mây sẽ thấy ngay điều đó. Làm thơ chậm lại, đắn đo đôi chữ, bạn sẽ có bài thơ tề chỉnh hơn nhưng lại sẽ đánh rơi những câu chữ hồn nhiên thiên thanh làm nên phong cách của Phạm Hiền Mây. Thà ném ra giữa chợ đời những tiếng nấc bật ra từ đáy tim như chính cuộc đời mình mặc cho thế gian đón nhận ra sao. Làm thơ như thử thách định mệnh, đó là ý nghĩa thâm trầm của LỤC BÁT PHẠM HIỀN MÂY. Định mệnh ấy rồi sẽ ra sao thì không còn thuộc về tác giả mà tuồng như tác giả cũng chẳng mấy quan tâm.

Đề tài thơ Phạm Hiền Mây cũng thông thường thôi, là chuyện tình yêu. Thơ tình mà không lụy, gợi tình nhưng không gợi dục, do ngôn ngữ tài hoa, kiểu cách, điểm giọng bông đùa, dí dỏm. Tình yêu ở đây xa cách, một thứ "vạn lý tình" như tác giả định nghĩa "yêu là cổ tích bến chờ nghìn năm".

Nhưng nhìn chung, LỤC BÁT PHẠM HIỀN MÂY là niềm tin cuộc sống, niềm tin hạnh phúc, đằm thắm, dịu dàng:

đâu cần phải nói gì thêm
trong im lặng đã êm đềm có nhau

Quả là không cần nói gì thêm. Cũng như Tình Yêu, Thơ là một Uy Quyền của Tuyệt Đối.















LẦN ĐẦU



lần đầu 
nếm trái chín… rơi 
bắp non hé đón chơi vơi nụ tình
giữa ngày… sao chiếu lung linh (!)
nghe đâu đây ngát hương trinh
lần đầu

*

lần đầu 
thơm vị chua dâu
nôn nao hái sớm (sợ lâu… quả… già)
như con nít ngóng chờ quà
anh vung phép mở mắt na
lần đầu

*

lần đầu 
bối rối nguyện cầu
đừng buông… đang lửng lơ mây ngang trời
vòng tay ôm chớ để rời
ngọt dòng mật lịm anh ơi
lần đầu

*

lần đầu 
huyền thoại nhiệm mầu
lặng im mà ngỡ nói câu yêu rồi
ai làm bung cánh thềm môi
rước em – phi ái… lên ngôi
lần đầu

*

lần đầu – anh đó
lần đầu… .

PHM






















Phỏng Vấn








PHẠM HIỀN MÂY: NHƯ MÂY BAY ĐI
(phỏng vấn Phạm Hiền Mây do Triều Hoa Đại thực hiện).



Đã gần năm mươi năm trôi qua nếu lấy cái mốc lịch sử từ 1975 thì như thế. Từ một nơi xa hồi tưởng lại những đau thương, những tù đày và chết chóc, lòng bỗng như một sợi dây đàn mà ai kia đã bỏ chùng. Huế, Sài Gòn, Hà Nội ngày nay đã nối liền, người người hớn hở, nhà nhà hân hoan, nhưng có thật như thế chăng, tôi làm sao mà biết được, trò chuyện với những người còn ở với quê nhà, đôi khi và có khi, lắm lúc, lòng tôi vẫn có những con sóng lao xao.
Thôi thì để cho mình có chút êm đềm, có lẽ chúng tôi phải mời độc giả và văn hữu cùng tham gia vào cuộc chuyện trò với một nhà thơ, đó là chị Phạm Hiền Mây, một người thơ rất thơ như dòng chảy từ những mượt mà trong thơ của chị.
Mời quý vị cùng theo dõi.

**
Lâu nay có lẽ là vậy, cứ quẩn quanh với những thơ, văn bạn bè nơi xa xứ, những người mà với tôi không thể thiếu được, cho nên đã trở nên thân thiết như anh em một nhà. Nhưng vào những năm gần đây, tôi đã rất vui mừng được đọc những nhà văn, nhà thơ từ trong nước mà trong đó có những bạn nữ như: Phạm Hiền Mây, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Kim Hài, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Trần Thị Cổ Tích, v.v… , là những người mà theo tôi đã làm cho văn chương mỗi lúc một trong sáng hơn, óng ả hơn.
Tiếp xúc với nhà thơ Phạm Hiền Mây, có lẽ tôi sẽ hỏi chị về những người làm thơ viết văn trẻ ở quê nhà, những sinh hoạt đời thường của một nhà thơ, những giao tình Nam, Bắc “hai quê” như chị, là bởi vì song thân của chị từ Bắc vào Nam sau khi đất nước hai miền chia cắt.

Triều hoa Đại: Được trò chuyện cùng chị hôm nay tôi rất vui vì đã “gặp” được một nhà thơ mà nhiều độc giả yêu thơ của chị “cậy nhờ” tôi thay họ để “chất vấn” đôi điều, mong chị nể tình mà cho phép.

Phạm Hiền Mây: xin cảm ơn, và, xin anh tự nhiên.

Triều hoa Đại: Một chút về chị (phần tiểu sử).
PHM:
Mây tên thật là Thủy, Phạm Thu Thủy, sinh ở Sài Gòn và hiện vẫn đang sống tại đây. Ba má Mây gốc bắc, di cư 1954 nhưng tâm hồn Mây, trái tim Mây, tình cảm Mây, đó giờ, thiết tha duy nhất chỉ với mảnh đất Sài Gòn này.
Mây lần lượt học ở Ngô Sỹ Liên, Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình) và rất khó để đậu đại học vì lý lịch xếp hạng thứ mười một. Mây thi Tổng Hợp nhưng CĐSP (bây giờ là Đại Học Sài Gòn) lại gửi giấy báo đến. Mây vào học khoa Văn, ra trường và sau mười năm đi dạy, Mây rời hẳn bục giảng.
Đời dạy học của Mây gắn bó với hai nơi, Thủ Đức và Quận Ba. Mây vừa dạy lớp vừa đào tạo học sinh giỏi; vừa là hiệu phó chuyên môn vừa là chuyên viên Văn của phòng giáo dục. Đó là thời kỳ sôi động nhất, nhiều kỷ niệm nhất của cuộc đời Mây. Nhưng giờ đã chấm dứt, tất cả đã lui vào dĩ vãng.
Hiện Mây đang có một công việc bình thường, ngoài chuyên môn, để làm. Đời sống cũng vậy, cũng bình thường như bao người bình thường khác.

thđại: Chị bắt đầu làm thơ từ khi nào, còn nhớ không bài thơ đầu tiên mà chị đăng lên báo là bài gì vậy?
PHM:
Như bao cô gái trẻ đầy mơ mộng khác, Mây cũng viết này viết nọ từ rất sớm. Còn đăng báo thì chỉ khoảng sáu, bảy năm gần đây. Bài thơ đầu tiên, Mây không nhớ, thiệt tình là không nhớ. Thường, các báo hay đồng loạt lấy bài Mây, nhân một dịp nào đó, nên số lượng Mây gửi cho họ cùng lúc lên tới mười, hai mươi bài… . Vì vậy, thật khó để Mây nhớ lại… .
Và vốn dĩ, Mây cũng là người không thích phải nhớ những không lấy làm quan trọng ấy, trong đời.

thđại: Độc giả bảo với tôi thế này, thơ chị ở một nơi nào đó sâu thẳm trong cách chia ly, những bóng xế đò ngang, lại cũng có người cho là “yêu quá đi thôi” vậy thì lúc đó trong chị đang là gì, tưởng nhớ đến một ai kia, một hình bóng đã cận kề và cũng là cái gì đó “yêu vừa đủ” như chị đã viết, vậy thì cái nào là đúng, cái nào là không?
PHM:
Mây mồ côi ba sớm.
Ai từng mồ côi thì mới hiểu mồ côi thiệt thòi đến như thế nào. Mây lại là con gái duy nhất trong gia đình, má thì đầu tắt mặt tối buôn bán để lo cho bầy con nhỏ dại, nên ngoài nỗi buồn mồ côi, Mây còn có cả nỗi buồn của sự cô đơn, thiếu sẻ chia nữa. Thêm vào đó, chứng kiến nhiều ly tan, mất mát của những năm sau 1975, Mây hiểu cặn kẽ, rõ ràng, chia ly, cách biệt nghĩa là gì. Thơ Mây, nhiều bài, vì thế, thường nhuốm màu quan san, thiên lý, màu của xa xôi, biền biệt… .
Còn “yêu quá đi thôi”, trong Mây lúc đó đang là gì, hình bóng ai, tưởng nhớ ai, và có đúng thế không ư.
Thưa, đúng chứ. Sao mà giả được. Làm sao mà có thể giả được. Viết văn, làm thơ mà giả, khác gì cái xác không hồn. Bài thơ không có hồn vía, sao có thể lay động, rung động được, sao có thể khiến người đọc khóc cười, buồn vui… theo tác giả được.
Hiềm một nỗi, mỗi khi đăng thơ lên facebook, vẫn thường có nhiều bạn vô bình phẩm, rồi đoán già đoán non, rằng, Mây đang yêu người này, Mây đang tha thiết với người kia, rồi phân tích loạn cả lên. Rồi bàn tán, rồi bỏ nhỏ, rồi nhắn tin cả cho Mây, chỉ cốt để biết, để tường tận, người mà Mây yêu là ai vậy.
Thiệt tình, rầu hết sức.
Ai thì để làm gì, có ích lợi gì cho bài thơ và cho việc thưởng thức thơ của bạn đọc? Ai ư, ai là khói đấy. Ai ư, ai là sương kìa. Ai rất thực nhưng lại vô cùng ảo. Ảo ảo thực thực chính là “vô thường”. Ai nói “vô thường” là một từ sến súa, bị lạm dụng, thì kệ họ. Thơ Mây vẫn sử dụng rất tự nhiên từ “vô thường” khi cần thiết. Được mất tấc gang, có còn chỉ trong một chớp mắt. Với Mây, chỉ hai chữ “vô thường” mới mô tả đúng và đủ về bản chất của muôn loài và về cõi tạm bợ, đến vội mà nhanh đi này.
Ai thì để làm gì. Ai cũng không thoát được vô thường. Anh Triều Hoa Đại và Mây đây cũng vậy - vô thường. Vô thường ngay chính phút giây Mây đang gõ trả lời anh đây. Thì việc, Mây có ai không, hình bóng trong Mây là ai, biết, cũng chẳng để làm gì.
Có chăng, là để thỏa tính tò mò, để có đề tài đàm tiếu, thị phi, mua vui cho chính mình thôi.
Chuyện ấy chẳng hay ho gì, nên, bỏ qua.
Kết lại cho câu hỏi này, “yêu quá đi thôi” hay “anh là tất cả” hoặc “chỉ cần anh thôi”, “anh là đủ rồi”, trong thơ Mây, đều là thật hết, thưa anh.

thđại: Một nhà thơ nữ hải ngoại bảo:…” thơ đến với tôi như là một cơn gió, cứ thế mà ùa vào”. Thơ có đến với chị như vậy?

PHM:
Dạ, thì cũng đại loại vậy, “nó” (thơ) đến với Mây rất tự nhiên, từ đã nhiều năm trước. Ngoài thơ, Mây cũng thử sức mình với văn xuôi. Mây viết ngắn, tản mạn, thậm chí, viết cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm nữa, và xem chừng, chúng cũng luôn được bạn đọc hoan nghênh, đón nhận.
Không chỉ thơ, mà ngay cả lối viết của Mây, Mây cho rằng, nó cũng được diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Chữ đến với Mây tự nhiên. Mây viết ra, cũng bằng một tâm thái tự nhiên, không dựa vào bất cứ một phương pháp, dàn ý, hay bố cục cố định nào cả. Quan trọng nhất là Mây không để chữ của mình mang hơi hướm, hay na ná, hay giông giống chữ của bất kỳ người nổi tiếng nào. Còn nữa, Mây thường không vất vả sửa tới sửa lui, càng không cố gò chúng vào điệu, vần. Nếu bạn đọc có nhận xét thơ Mây vần điệu chỉn chu quá, thì chắc có lẽ, do Mây viết riết mà thuần thục, mà “lành nghề” thôi.

thđại: Mỗi khi làm thơ chị có cần cho mình một không gian yên tĩnh?

PHM:
Dạ, điều đó là đương nhiên. Nhưng thi thoảng, giữa những ồn ào, xao động vây bủa, trong đầu Mây vẫn đột ngột xuất hiện một tứ thơ, một ý thơ, một câu sáu, câu tám, hoặc một cặp sáu tám, hoặc là một câu có đến chín, mười chữ và rất giàu nhạc tính ở trong đó.
Những chữ ấy, câu ấy, ý ấy, chúng bám theo Mây, theo cho đến khi nào Mây ngồi vào máy, gõ ra, thì mới thôi.
Trạng thái Mây lúc ấy, tựa như, kiểu như, hồn lìa khỏi xác, cái lúc mà tứ thơ xuất hiện giữa náo nhiệt, đông người ấy mà.

Thđại: Là một nhà thơ chị nghĩ sao khi có người bảo là:” thơ cần phải mang vác trên mình một sứ mệnh thiêng liêng hay phụng sự nghĩa vụ thanh lọc đời sống con người”?

PHM:
To tát quá, thưa anh.
To tát quá, quan trọng quá, xem trọng cái tôi của mình quá, khi cho rằng nhà thơ thì phải thế này thế kia, thơ thì phải thế kia thế nọ, sứ mệnh thiêng liêng rồi thì trách nhiệm vĩ đại, phụng sự này, thanh lọc kia… . Thậm chí, đặt cho nó, gán cho nó, buộc cho nó, thơ ấy mà, tính này tính nọ, kiểu như là, tính chiến đấu, tính xung phong, tính xung kích tại mặt trận này, ở chiến trường kia… , nghe rổn rảng, nhọc lòng, và, nặng nề, mệt mỏi làm sao.
Thơ, chỉ là thơ thôi. Thơ là nghĩ suy, là tiếng lòng của người viết, được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, tâm trạng cụ thể, nói về những sự việc cụ thể. Người đọc thơ, nếu thấy hợp với mình, như nói hộ được ruột gan mình, thì thích, thì khen hay. Bằng như ngược lại, thì không thích, thì chê dở.
Chẳng người làm thơ nào có liêm sỉ lại tự khen thơ mình. Nguyễn Du thế kia mà còn cung kính “mua vui cũng được một vài trống canh”, Bùi Giáng thế đó mà còn giả lả “vui thôi mà”, thì hỏi còn ai dám. Thơ hay, thơ dở, thơ sống lâu vài trăm năm, thơ chết mau từ lúc mới ra đời, thơ đã làm được điều này, thơ đã gieo rắc những điều kia… , tất cả các nhận định, nhận xét và đánh giá ấy, đều từ phía bạn đọc.
Còn với Mây, Mây viết vì thích, vì muốn, chỉ vậy thôi. Chẳng chi quan trọng và to tát.

Thđại: Chị có thường bàn bạc, trao đổi chuyện văn chương với những người cầm bút khác?

PHM:
Cũng không nhiều. Lý do chính là Mây không thích các hoạt động mang tính nhóm, hội. Gặp gỡ riêng thì lại càng hạn chế.
Mây có từng chuyện trò, trao đổi chuyện văn chương qua email, qua tin nhắn, qua gặp mặt, với, nhà thơ Phạm Ngọc Lư (đã mất), nhà thơ Cao Thoại Châu, nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến, họa sĩ Khánh Trường, nhà giáo Nguyễn Thị Dư Khánh… , và dăm ba người nữa nhưng không thường xuyên và thân thiết lắm.

thđại: Nhà văn quá cố Nguyễn Huy Thiệp có lần bảo rằng: “Ở Việt Nam người ta nói người đánh cá gặp nhau không bao giờ bàn về chuyện đánh cá”, chị nghĩ sao về lời phát biểu này?

PHM:
Lần đầu tiên trong đời, Mây nghe câu này. Nói thế là để hàm ý, Mây không hiểu một cách đích xác lắm, câu trên của ông Thiệp.
Cũng có thể, rằng một khi con người ta đã biết tỏng tòng tong về nhau, rõ tất tần tật về nhau, theo hướng chẳng vui vẻ gì, hoặc đang có những vấn đề đối chọi, bất đồng, hoặc không mấy hợp “gu”, người ta sẽ tránh đụng độ nhau, tránh va chạm nhau, bằng cách không bàn về chuyên môn, sở trường, nghề nghiệp lúc phải gặp mặt chăng?
Cũng có thể là do chuyện nghề vốn đã quá nhàm chán, ngày nào chẳng phải dây vào, hà cớ gì trong cuộc vui, là lúc cho phép mình thoát ra khỏi những mệt mỏi, rắc rối, phức tạp từ công việc, từ nghề nghiệp, dại gì lại đem chúng vào để chúng làm ta mất hứng.
Mây không xem văn chương là nghề nghiệp chính. Mây lại là đứa kiệm lời khi ở giữa đám đông, thế nên, đem văn chương ra bàn tán, đàm đạo cũng được, mà qua quýt, chiếu lệ, ba điều bốn chuyện rồi lảng sang chuyện khác, cũng chẳng sao.
Chuyện trò gì khi gặp mặt nhau, theo Mây, cứ tùy nghi mà ứng biến.

thđại: Chị quan niệm thế nào về thơ, còn với nhà thơ quá cố Song Hồ thì: “thơ là vũ khí, hoá giải kẻ thù, sự hận thù, sự cô đơn, sự ngăn cách, sự sầu não”?

PHM:
Thơ là lời tự sự, là tâm tình, là tiếng nói của tác giả, nghĩa là, của chỉ một người, của chỉ một cá nhân.
Thơ ra đời, đến với người đọc. Có bài, về sau, trở thành lịch sử, về sau, được người đời truyền tụng, rằng khi đọc lên, nó khiến quân địch phải khiếp sợ, nó khiến lòng yêu nước và lòng căm thù giặc của chiến sĩ ta sôi sục, dâng cao, vậy thì bảo rằng, thơ là vũ khí, chắc cũng không mấy quá lời. Như bài này, chẳng hạn:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Có bài, lại được cả một thế hệ xôn xao, tìm tòi, yêu thích, vì tác giả, kiểu như là, đã thay mặt cho họ mà cởi giúp chiếc áo ngoài lâu nay bọc, đậy tâm hồn họ, thay mặt họ mà thở than, thay mặt họ mà buồn bã cũng như chia sẻ tận đáy lòng nỗi mất mát, trống vắng bời bời của họ. Thế thì nói rằng, thơ hóa giải cô đơn, sầu não, chắc cũng không quá ngoa ngôn, như bài Hai Sắc Hoa Ti Gôn của TTKH, chẳng hạn.

thđại: Nói đến người đọc và người viết, theo chị, ai có trách nhiệm hơn ai?

PHM:
Trách nhiệm của người viết là làm sao cho thứ mình tạo ra, còn gọi một cách trân trọng là tác phẩm, phải đẹp, phải hay và bổ ích.
Còn về phía người đọc, chẳng có lý do nào để bắt họ phải có trách nhiệm trong việc đọc của họ cả. Họ thích, họ vui, họ rảnh rỗi, thì họ đọc. Khi không thích, không hứng thú, bận bịu, thì chẳng ai buộc được. Chỉ mong họ, nếu có phê bình, nhận xét tác phẩm, tác giả, thì cũng nên có lý có tình một chút, đừng vì ganh ghét, hằn thù mà nói lấy được, hoặc mượn cớ tấn công cá nhân. Tác giả hẳn sẽ thấy mình may mắn và biết ơn người đọc nếu được họ góp ý chân thành, thay cho những chê bai, chửi bới vô căn cứ hay quy kết, chụp mũ rồi chỉ trích, xúc xiểm, miệt thị.

thđại: Một vài dự tính tương lai?

PHM:
Mây hoàn toàn không có một dự tính nào cho tương lai cả.
Sau sáu tập thơ, Lục Bát Phạm Hiền Mây; Sẽ Sóng Mãi Trăm Năm; Bất Tương Phùng, Không Tin; Đáng Đời; Bóng Câu và Uyên Ương lần lượt ra đời tại Mỹ trong vòng ba năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, thì cho đến thời điểm này, 2023, Mây vẫn chưa có một dự tính nào cụ thể.
Mặc dù họa sĩ Khánh Trường, người bạn văn vô cùng thân thiết của Mây, bà đỡ cho sáu đứa con thơ của Mây được lần lượt ra đời vuông tròn, trong hoàn cảnh bệnh tật ngày một nhiều hơn, vẫn luôn nhắc Mây xuất bản thêm tập mới, hoặc chí ít là một tuyển tập, và anh hứa sẽ luôn hỗ trợ bằng hết sức còn lại của mình… .
Mặc dù nhà thơ Đỗ Trung Quân, cũng là một người anh chí tình, rất mực thương quý của Mây, luôn “đe nẹt” mỗi ngày, Mây in thơ đi, anh chờ Mây đấy nhé, bìa và phụ bản, nhớ đấy, anh luôn để dành cho thơ Mây.
Nói sao nhỉ, kệ đi.
Vâng, thưa anh, thưa bạn đọc rất quý mến của Mây, kệ đi, cái gì đến khắc sẽ phải đến, tính toán mấy cũng vậy thôi. Cái gì của mình thì trước sau, cũng sẽ của mình. Cái gì không thuộc về mình, hì hục mấy, gắng sức mấy, rồi cũng chỉ bằng không.

thđại: Trước khi chúng ta chia tay, chị có cần bổ túc thêm cho những thiếu sót mà tôi đã quên không đề cập tới. Xin mời chị.

PHM:
Thưa, không thiếu sót gì. Mây chỉ xin kể thêm ra đây một vấn đáp vui từng diễn ra giữa Mây và nhà thơ Cao Thoại Châu.
- Mây có thường đọc không? Nếu có thì thường đọc gì, đọc ai?
- Dạ không thường. Tiện gì trước mắt thì vớ nấy, không chú tâm ai, không thần tượng ai, không học theo ai.
- Thảo nào.
- Thảo nào gì ạ?
- Thảo nào, thơ Mây rất riêng, không giống ai xưa mà cũng chẳng giống ai nay.
Cũng trong lần phỏng vấn này, nhà thơ Cao Thoại Châu đã trích ra hai câu thơ của Mây trong bài thơ Này Em, này em nếu chợt kề bên, ôm cho cả lúc người quên nhớ mình và nhận định, hai câu trữ tình này tôi cho là hiếm trong thơ Phạm Hiền Mây. Nó lọt vào những câu không phải từ sự đọc mà tôi có thể dễ dàng hiểu rõ được nghĩa. Nên đành nghĩ, thơ chị bây giờ đang có chút “siêu thực”. Phải thế không?
Và Mây trả lời, cũng không quá hiếm trong thơ Mây đâu ạ. Nhưng quả là, nhiều lúc viết xong, đọc lại, Mây cũng ngẩn người ra một lúc lâu với những chữ mà mình vừa mới dùng. Mây nghe mình hạnh phúc. Kiểu hạnh phúc khi biết Thượng Đế đã ban cho mình một đặc ân quý báu, đó là, khi làm thơ, những ý tưởng, những con chữ, chúng hồn nhiên, chẳng biết từ đâu, bỗng rơi vào túi Mây, như quả thị rụng túi bà trong cổ tích xưa, đột ngột, bất ngờ, khó lý giải. Siêu thực hay không, điều đó và nhiều điều khác nữa, giờ đây, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Mây.
Nhân cơ hội này, Mây xin được cảm ơn hết thảy những độc giả đã quan tâm, thương yêu Mây trong suốt thời gian qua. Cảm ơn nhà thơ Triều Hoa Đại đã bỏ thời gian và công sức để thực hiện buổi phỏng vấn công phu này. Cảm ơn tạp chí Ngôn Ngữ, một tạp chí văn chương uy tín và được đông đảo bạn đọc tin yêu, ủng hộ, đã tạo điều kiện và ưu ái cho Mây xuất hiện trong số sắp tới. Mây cảm kích tấm lòng của quý vị và xin chân thành chúc quý vị luôn được bình an, thân tâm thường lạc.

thđại: Chân thành xin cám ơn chị, nhà thơ Phạm Hiền Mây.























Trở về 










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.