Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Bùi Quang Ngọc















Bùi Quang Ngọc
(1932 - ......) Quảng Bình
Họa sĩ

















Năm ngón bất kham
9.1.2017
Bùi Quang Ngọc











Vẩn còn đây linh hồn 5 ngón
9.1.2017











Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1932 (giấy khai sinh ghi 1934) tại Quảng Trạch, Quảng Bình, làng Cảnh Dương quê hương ông.
Đã tập vẽ chân dung theo ông anh Cả làm kỹ sư từ thuở bé.
Năm 1949 ông nhập ngũ, tham gia bộ đội Bình Trị Thiên, đơn vị gọi ông là người lính biết vẽ khi mới 16 tuổi.
Năm 1952 ông được đơn vị cho đi học văn hóa, năm 1955 ông vào học lớp trung cấp mỹ thuật đầu tiên mang tên họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau đó ông thi vào Đại học Mỹ thuật Việt nam và đứng thứ nhì.

Lớp học của ông hồi ấy được sự hướng dẫn của các thầy giáo: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Trần Văn Cẩn V.V...
Năm 1960 Bùi Quang Ngọc về làm việc tại Sở Văn hóa Quảng Ninh, Tại đây ông có rất nhiều kí họa và tranh, cùng với phác thảo có giá trị nghệ thuật về vùng mỏ than này, Ông coi đó là kỉ niệm một thời gian khổ của đời mình.
Từ năm 1978 ông cùng gia đình đã vào định cư tại TP. Hồ Chí Minh, ngày ngày làm việc bên giá vẽ, vẽ những gì mình thích.

Với ông vẽ là niềm vui, là hạnh phúc.




















Tác phẩm tiêu biểu







Nguyễn Gia Trí






Văn Cao






Quang Dũng






Trịnh Công Sơn












































Bùi Quang Ngọc: Đi và đến
Tiền Phong

BÁO XUÂN BÍNH THÂN 2016


TP - Bùi Quang Ngọc thuộc thế hệ đàn em và cũng là học trò trực tiếp của những ông thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.


Chở cát trên sông Hồng

Với văn chương, thơ ca, âm nhạc và ngay cả một số ngành khoa học, sự nghiệp của một tác giả đôi khi lừng lẫy chỉ bởi một hoặc vài tác phẩm. Nhìn vào nghệ thuật Việt Nam kể từ 1945 đến nay cũng dễ nhận ra điều đó. Nguyễn Đình Thi chỉ cần một ca khúc Người Hà Nội thôi là đã gần như hoàn thành sự nghiệp âm nhạc của mình. Nhà thơ Thâm Tâm chỉ cần một “Tống biệt hành” và nhà thơ Vũ Đình Liên cũng chỉ cần một bài “Ông đồ” thôi cũng vậy. Và còn khá nhiều nhà thơ khác nổi danh nhờ “thơ một bài”.

Nghệ thuật tạo hình từ trong lịch sử đã không có một trường hợp nào như thế. Nổi tiếng nhất của nghệ thuật tạo hình hàn lâm Việt Nam ai cùng phải nhắc đến là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tuy nhiên, cái mà người ta nhắc đến ông nhiều nhất lại không phải là hội họa mà là sự nghiệp giáo dục. Ông đã hi sinh khi còn ôm ấp nhiều khát vọng sáng tác và chuẩn bị nhiều tư liệu mà chưa kịp biến chúng thành tác phẩm. Di sản lớn nhất ông để lại cho chúng ta ngày nay vẫn là lớp học trò kế cận với những tên tuổi xứng đáng Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Thế Vị…

Nói như thế để thấy mĩ thuật nói chung và hội họa nói riêng cần có một quá trình. Đúng hơn là cần duy trì được quá trình ấy liên tục trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Tuyệt đối không bao giờ có họa sĩ nào nổi tiếng chỉ vì một bức tranh đột ngột ra đời. Tranh không ra đời đột ngột như thơ. Điều đó không hề dễ với mĩ thuật Việt Nam vì rất nhiều lí do.

Thứ nhất, việc đào tạo đã từng có một qui chuẩn hàn lâm từ thời thuộc Pháp bị gián đoạn trong kháng chiến và thay vào đó là chương trình đào tạo mang nặng thuộc tính dùng cho việc tuyên truyền về sau.

Thứ hai, nền mĩ thuật non trẻ Việt Nam có quá ít giao lưu tiếp xúc với nghệ thuật thế giới bởi những qui định cực đoan giáo điều tồn tại suốt hơn một nửa thế kỉ sau hòa bình.

Thứ ba, bản thân nghệ sĩ rất ít người vượt thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của áo cơm để dốc lòng cho nghệ thuật. Điều này có thể châm chước được nhưng không có nghĩa là không thể. Chúng ta đã có vài họa sĩ làm được điều đó như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên v.v… Và các ông đã phải chấp nhận một cuộc sống dưới mức nghèo túng trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình.

Ông vào học khóa đầu tiên sau hòa bình lập lại 1955 với tên gọi khóa Tô Ngọc Vân. Để tưởng nhớ đến người thầy lớn đã có công tạo dựng một trường mĩ thuật trong kháng chiến, người ta đã đặt tên cho khóa học của Bùi Quang Ngọc như vậy. Những người bạn đồng môn của Tô Ngọc Vân là các họa sĩ nổi tiếng lúc ấy trực tiếp đứng lớp là Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ…

Và cũng không ngạc nhiên khi những họa sĩ học khóa ấy về sau đã không làm lu mờ danh tiếng của những người thầy lớn. Họ là những người thành đạt cả trong sáng tác lẫn quản lí hành chính về sau. Họ là Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Đỗ Hữu Huề, Văn Đa, Quang Thọ, Trọng Cát, Phạm Công Thành, Vũ Duy Nghĩa…


Một số tác phẩm của Bùi Quang Ngọc.

Bùi Quang Ngọc không được may mắn giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy như các bạn mình. Ông khoác ba lô và đi xuống vùng mỏ Quảng Ninh làm việc. Với ông, chuyện này nhẹ nhàng như nó đã từng với cậu thanh niên 16 tuổi Bùi Quang Ngọc khoác ba lô lên đường đi bộ đội vào năm 1949 ở chiến trường Quảng Trị.

Cuộc sống gian lao vất vả ở vùng mỏ suốt những năm đánh Mỹ tưởng chừng như đã làm thui chột đi ý chí sáng tạo của người thanh niên đầy nhiệt huyết Bùi Quang Ngọc mà không phải. Nhiều đồng nghiệp của ông dù tài năng chẳng kém nhưng khi sống trong môi trường thợ thuyền bụi bặm ấy đã không còn giữ được niềm say mê ngày nào. Họ lần lượt chọn cho mình một công việc nhàn nhã hơn, dễ sống hơn bằng nhiều cách. Người thì ra sức sáng tác tranh cổ động phục vụ sản xuất. Người thì mở lớp dạy vẽ cho công nhân. Người nản chí buông xuôi tất cả.

Bùi Quang Ngọc ý thức được cách hoạch định cuộc đời sáng tạo của mình từ rất sớm. Ông chẳng coi những vất vả thường nhật ấy là chuyện đáng để tâm. Hàng ngày có thể cùng thợ mỏ đi vào hầm lò theo ca kíp như một ông thợ chính cống. 

Chính những tiếp xúc ấy đã cho ông cảm hứng. Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo suốt trong giai đoạn nhọc nhằn này. Đây là thời kì ông có những kí họa vào hàng đẹp nhất của lịch sử mĩ thuật Việt Nam dù rằng hàng ngày vẫn phải làm công việc của một anh vẽ tranh cổ động ở Sở văn hóa.

Với Bùi Quang Ngọc, mọi thứ trong cuộc sống đều phải gắn với nghệ thuật. Cho nên ta không bất ngờ khi thấy dù chỉ là một bức tranh cổ động thời vụ thôi ông cũng đầu tư trí tuệ và tình cảm đến mức cao nhất. Bộ mặt tranh cổ động ở vùng mỏ ngày ấy không thể thiếu tác phẩm của Bùi Quang Ngọc. Đến nỗi bạn bè qua lại nhiều năm sau ngày ông rời khỏi vùng mỏ vẫn cứ thấy như đã thiếu đi một chút gì đó rất ngay ngắn kiểu Bùi Quang Ngọc.

Mỗi một hành trình đều có điểm đi và đích đến. Cái xuất phát điểm của họa sĩ không phải bao giờ cũng thuận lợi. Và cũng không chắc đúng. Bùi Quang Ngọc không phải một ngoại lệ. Có chăng chỉ khác người ở chỗ ông phải chịu nhiều thử thách hơn mà thôi. Thử thách về đời sống vật chất nghèo khổ. Thử thách về đời sống tinh thần luôn bị nhòm ngó soi mói bởi những kẻ thiếu thiện tâm.

Thử thách mà ông cho là lớn nhất khi mấy chục năm phải mò mẫm trên con đường độc hành không chút giao lưu với ánh sáng văn minh của nghệ thuật thế giới. Ta đều biết rằng trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ thì nền mĩ học của chúng ta là duy nhất chỉ có một. Và từ đó cũng chỉ có duy nhất một phương pháp sáng tác mà thôi. Điều gì sẽ xảy ra khi phương pháp sáng tác ấy lại không phù hợp với lựa chọn của nghệ sĩ? Nhiều người bỏ bút cũng vì như thế.

Bùi Quang Ngọc có một thái độ làm việc kiên nhẫn đến kinh ngạc. Ngay từ những ngày còn ở xứ u tì quốc đội than cuốc đất ông đã kiếm tìm những phương pháp sáng tác khác với số đông. Dĩ nhiên, điều ông đạt được lúc ấy chỉ mình ông biết. Nhiều khi còn phải giấu giếm khổ sở. Chính vì thế nên ông đã có những tác phẩm rất quan trọng trong sự nghiệp vào giai đoạn ấy. Những tìm tòi thể nghiệm sôi sục ấy đã làm nền tảng cho những sáng tác sau này. Nhiều năm sau, khi đất nước đã mở cửa cho những sáng tạo khác biệt, ông cũng đã sẵn sàng bước chân vào giai đoạn mới không hề bỡ ngỡ.

Sáng tác của Bùi Quang Ngọc bao gồm rất nhiều đề tài, thể loại, chất liệu. Một cuộc đời cầm bút dày dặn đến kinh ngạc suốt 60 năm qua đã để lại cho công chúng rất nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đặc biệt sung mãn trong mảng đề tài tranh chân dung bởi khả năng tư duy về hình họa đã đến độ sắc bén. Nhiều tranh chân dung của ông được vẽ bằng trí nhớ với đặc điểm nhân vật nổi trội rất dễ nhận ra. 

Ông cũng đặc biệt khoáng hoạt trong mảng đề tài phụ nữ khỏa thân. Những người đàn bà khỏa thân trong tranh ông không mang sắc thái tư lự yêu kiều đài các như nhan nhản trong nghệ thuật nước nhà. Nó là sự vận động của khát khao, của huyền bí và mê hoặc. Ở những mảng đề tài phong cảnh, sinh hoạt hoặc trừu tượng ông cũng tìm kiếm cho riêng mình một phong cách biểu hiện. 

Người xem có thể hiểu đến đâu thì còn tùy duyên nhưng chắc chắn nhận ra Bùi Quang Ngọc qua từng nét vẽ. Điều đó cho thấy từ một điểm đi là cậu bé 16 tuổi vào bộ đội ham thích môn vẽ cho đến một họa sĩ lão thành 81 tuổi hôm nay là cả một quá trình vận động và tích lũy không ngừng để có không chỉ một đích đến. Cái tiến trình tưởng như đơn giản này không phải họa sĩ nào cũng thu xếp ổn thỏa cho cả cuộc đời sáng tạo để không bị rơi vào cảnh “chết lâm sàng”. 

Hà Nội 12/2015









Chân dung tự họa



Bùi Quang Ngọc
Tôi vẽ chân dung hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí


Giới vẽ cũng như công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam từ lâu quí mến và hâm mộ tài danh đức độ của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. 

Tôi thuộc thế hệ sau, khi được ngồi dưới mái trường ngày xưa cụ Trí đã học vào năm 1955, thì cụ không còn ở Hà Nội nữa. Năm 1954 cụ theo mẹ di cư vào Nam. Được xem tranh Nguyễn Gia Trí, lại đọc những dòng viết ngợi ca hết lời của bạn cùng thời với ông là Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung hoặc nghe cụ Nam Sơn kể những giai thoại về Nguyễn Gia Trí, bọn hậu sinh chúng tôi rất ngưỡng vọng người hoạ sĩ tài đức ấy. 

Sau ngày 30/4/1975, tôi mới có dịp từ Hà Nội vào Nam. Những ngày đầu ở Sài Gòn, việc trước tiên là tìm đường đến thăm hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. Nhưng nghe đồn rằng cụ Trí rất khó tính và ngại tiếp khách ngoài Bắc vào. Lại nghe nói Hội Mỹ thuật Việt Nam có mời cụ ra Hà Nội nhưng cụ từ chối. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân vừa ở Sài Gòn ra cũng cho biết: Thái Bá Vân cùng nhạc sĩ Văn Cao đến nhưng cụ Trí đón tiếp không mấy hào hứng… Vì vậy, trước khi vào Nam, tôi đã nhờ nhà thơ – nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, vốn là bạn thân thuở thiếu thời của Nguyễn Gia Trí ở Hà Nội, viết cho một thư giới thiệu cầm tay. Đoàn Phú Tứ cũng vừa từ Sài Gòn ra, đã gặp cụ Trí và được cụ tặng một bức tranh nhỏ đề tặng dưới tranh rất thân thiết; việc đề tặng này đối với Nguyễn Gia Trí là rất hiếm. Sau bức thư tôi có ghi vài nét chân dung cụ Tứ. Vì vậy, cụ Tứ có viết thêm vào rằng: “Tôi giới thiệu một hoạ sĩ trẻ của Hà Nội đến gặp anh cùng với nét vẽ của cậu ta, anh có nhận xét gì không?” [1]



Chân dung nhà thơ, nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ của hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc


Cầm thư trong tay cùng quà Hà Nội là trà Thái Nguyên và cốm làng Vòng gói lá sen tươi, tôi tìm đến nhà cụ Trí cùng hoạ sĩ Lưu Công Nhân, số 26/8 đường ngõ Đình Khôi (Sài Gòn cũ). Tôi còn nhớ đó là một sáng nắng rất đẹp trong tháng 12 năm 1977. 

Tiếc thay, hôm đó cụ đi vắng, chỉ có người em là kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức tiếp chúng tôi. Tôi đành gửi lại bức thư giới thiệu cho ông Đức chuyển giùm. Khoảng một tuần sau, tôi được hoạ sĩ Lưu Công Nhân nhắn tin là cụ Trí gửi cho tôi danh thiếp và mời đến nhà. Lưu Công Nhân nhắn vậy nhưng không đưa tận tay tôi tấm thiếp đó vì nói là vội ra Hà Nội ngay. Mãi đến năm sau, khi định cư hẳn ở Sài Gòn, tôi mới có dịp tiếp cận hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. 


Hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc và hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí năm 1990


Được gặp cụ Trí, việc đầu tiên của tôi là tìm cách vẽ cụ. Nhưng cụ không muốn người khác vẽ mình. Thực ra, cụ Trí không khó tính. Cụ dung dị, tinh tế và rất nhạy cảm. Vẽ cụ thì như “múa rìu qua mắt thợ” mà thôi. 

Tôi đã vẽ bốn bức vào sổ tay theo trí nhớ mà không đạt. Sau này khi đã quan hệ thân thiết với gia đình, tôi đã vẽ và ghi chép chân dung cụ trực diện nhiều lần. Tôi đã vẽ khoảng năm bức sơn dầu, trong đó có một bức do gia đình đặt vẽ và ba mươi tư bức khác ghi chép, ký hoạ và thâm diễn hoạ. Trong số này, có ba bức đặc biệt, tôi rất quý và trân trọng giữ gìn. 

Danh hoạ Nguyễn Gia Trí từ trần lúc 22 giờ 30 phút ngày 20/6/1993 tại Sài Gòn. Gia đình làm lễ khâm liệm vào ngày 21/6/1993. Tôi lúc bấy giờ được gia đình cho phép là một trong bốn người thân cầm nến đứng bốn góc làm lễ trước khi phủ vải và quấn thi hài đặt vào quan tài. Trong giây phút ngắn ngủi còn được thấy lần cuối cùng khuôn mặt hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đó, tôi nhìn thấy tấm lịch cũ treo trên tường. Rất nhanh, tôi xé vội một tờ và vẽ gấp khuôn mặt cụ nằm yên nghỉ. Nước mắt làm nhoà cả bức tranh [2]

Vẽ chân dung, nặn chân dung ư? Không có gì dễ hơn vẽ hoặc nặn một chân dung thật giống người mẫu. Việc này trong “điều khiển học” hoặc tượng đổ sáp đều làm được. 

Cái khó trong việc vẽ chân dung người khác chính là việc sao cho hoạ sĩ vẽ chân dung người mẫu cũng như thể vẽ chính bản thân mình. Vấn đề này thuộc về chiều sâu của tâm niệm trong nghệ thuật. 

Để kết thúc, xin trích theo trí nhớ vài dòng trong bài viết “Người nghệ sĩ cuồng nộ” của Milan Kundera về tranh chân dung và chân dung tự hoạ của Francis Bacon [3] như sau: 

“Vào ngày cuối cùng của đời người, cái gì sẽ rời bỏ chúng ta trước tiên? Đó chính là khuôn mặt. Khuôn mặt ẩn chứa kho báu, quặng vàng và kim cương. Khuôn mặt ẩn chứa trong góc tối nép mình run rẩy cái vô hạn mong manh. Khuôn mặt ấy… vô thường và phù du…” 

Sài Gòn tháng 4/2007 




[1]Đáng tiếc rằng bức thư giới thiệu và mấy nét ghi lại chân dung cụ Đoàn Phú Tứ đó của tôi nay đã thất lạc. Bức chân ký hoạ cụ Đoàn Phú tứ đăng cùng bài viết này là một trong những bức cùng thời điểm đó tôi vẽ cụ Đoàn.
[2]Xem chân dung (số 10 theo thứ tự trong talaGallery) vẽ ngày 21.6.1993 với dòng ghi "Vĩnh biệt".
[3]Bài viết do Như Huy dịch đăng trong blog của Như Huy.


Nguồn: Bài sẽ in trong tập san đặc biệt của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển (1987-2007). Bản quyền toàn bộ hình ảnh đi theo bài viết này thuộc hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc.

















































































HỌA SĨ BÙI QUANG NGỌC


Khiêu vũ. Sơn dầu

Chân thành, thiết tha với nghệ thuật. Họa sĩ Bùi Quang Ngọc luôn sẵn sàng quên đi mọi phiền toái của cuộc sống để dành mọi tâm lực cho sáng tạo. Tư chất ấy đã bộc lộ ngay từ những năm đầu khi ông vừa vào học trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thái độ cần mẫn, tinh thần trách nhiệm, đức tính khiêm tốn của ông với cuộc sống và nghệ thuật đã mang lại cho ông một vị trí xứng đáng trong làng mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nếu tính theo tuổi ta thì năm nay họa sĩ Bùi Quang Ngọc bước vào tuổi 80, ông đã có 58 năm hoạt động mỹ thuật liên tục không ngừng, không nghỉ. Giờ đây, khi ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi thì ông vẫn tiếp tục vẽ vẽ và vẽ. Niềm đam mê gần như định mệnh đã là nguyên nhân làm cuộc đời người họa sĩ tài hoa thêm nhọc nhằn.

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Tuổi thơ của ông gắn liền với với một làng quê miền cát trắng, mặn mà gió biển, thơ mộng giàu truyền thống khoa bảng, làng Cảnh Dương quê hương ông. Đây cũng là địa danh cách mạng nổi tiếng thời chống Pháp được gọi là "Làng chiến đấu". Năm 1949 ông nhập ngũ, vào quân đội ông làm báo tại E271 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, đơn vị gọi ông là người lính biết vẽ khi mới 16 tuổi. Năm 1952 ông được đơn vị cho đi học văn hóa, năm 1955 ông vào học lớp trung cấp mỹ thuật đầu tiên mang tên họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau đó ông thi vào đại học mỹ thuật và đứng thứ nhì. Lớp học của ông hồi ấy dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo giỏi: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Trần Văn Cẩn… vì thế khóa học đã đào tạo nên nhiều họa sĩ tài năng như Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Đỗ Hữu Huề, Trọng Cát, Lê Công Thành, Phạm Văn Mười, Lưu Yên, Nguyễn Anh Thường… đã góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam.


Khỏa thân. Sơn dầu

Năm 1960 ông rời giảng đường trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, với hành trang là sự nhiệt tình của chàng sinh viên mới ra trường. Ông về công tác tại Sở Văn hóa Quảng Ninh, nhiệm vụ của người họa sĩ trẻ là vẽ tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian này ông được tiếp xúc với cuộc sống của người công nhân đất mỏ Quảng Ninh. Và chính cái miền vùng núi trùng điệp với những tầng than đen, những hầm lò sâu thăm thẳm… lại là một môi trường thực tế tốt nuôi dưỡng ý chí và tài năng khởi đầu cho người họa sĩ trẻ với những khung cảnh, đời sống lam lũ, vất vả và cực nhọc của người thợ mỏ thời chiến tranh. Thực tế lao động và chiến đấu của quân và dân vùng mỏ đã nuôi dưỡng dòng máu nghệ thuật trong ông, thấm vào cơ thể ông. Ông vừa làm công tác cơ quan vừa vẽ, vẽ quên cả tuổi đời, quên cả nỗi đau thân phận và quên cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Ông đã đi xuống những nơi sâu nhất dưới hầm mỏ, cùng hưởng nỗi vất vả của người công nhân. Rồi chính hội họa cùng với đau khổ và nhọc nhằn, thành công đã mỉm cười với ông. Ông có rất nhiều kí họa và tranh, cùng với phác thảo có giá trị về nghệ thuật cũng như lịch sử về vùng mỏ than Quảng Ninh. Bộ tranh kí họa và nhiều phác thảo ấy hiện nay vẫn được giữ cẩn thận tại gia đình ông. Ông coi đó là kỉ niệm một thời gian khổ của cuộc đời mình.

Năm tháng tuổi trẻ, họa sĩ Bùi Quang Ngọc sống ở Hà Nội và Quảng Ninh, hòa mình vào đời sống kháng chiến chống Mỹ của dân tộc và đó là chặng đường đáng nhớ trong đời nghệ sĩ của ông. Nên Hà Nội với ông thật máu thịt, học mỹ thuật ở đây, giao du với những nghệ sĩ nổi tiếng một thời, đó là thời gian tích lũy vốn sống quý báu, cho ông vốn liếng hội họa sau này trở thành hành trang suốt cuộc đời mình. Từ năm 1978 ông cùng gia đình vào định cư ở TP. Hồ Chí Minh.

Ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng vẽ cũng chính là ngôi nhà ông ở hiện nay. Ngày ngày họa sĩ làm việc bên giá vẽ, ông vẽ những gì mình thích và sáng tác những gì tâm đắc. Với ông vẽ là niềm vui, là hạnh phúc. Ông có thể vẽ trực họa, có khi vẽ bằng kí ức. Có nhiều bức tranh ông vẽ rất nhanh, lại có bức vẽ lâu vì còn tùy thuộc vào cảm hứng đôi khi tiếng nói của hình, nét và màu ào ào tuôn chảy dưới bút vẽ của ông rồi lại chậm rãi như chờ đợi phút giây xuất thần. Có nhiều lúc ngồi trước toan mà không biết thế giới hình và màu dẫn ông đi về đâu? Tất cả phụ thuộc vào cảm xúc, thói quen, tình yêu và tài năng người họa sĩ. Tranh và kí họa của ông được thể hiện bút pháp mạnh mẽ, thoáng đạt, hào hoa. Nét vẽ khỏe khoắn dứt khoát, đậm nhạt mạnh, cũng có lúc ông làm nhòe hình, buông lỏng nét để tạo nên sự mềm mại. Nhiều tranh, ông sử dụng nét kết hợp với mảng để miêu tả đối tượng. Có khi chỉ dùng các mảng màu kết hợp với nhau để tạo khối và ánh sáng. Ông thường sử dụng nhiều mảng màu lớn với kỹ thuât ửng màu, kết hợp đường nét thẳng hoặc gấp khúc mạnh mẽ. Màu sắc nóng, lạnh được ông thể hiện hợp lí, màu hài hòa kết hợp với tương phản, phối hợp giữa bút và bay tạo nên những mảng màu chỗ dày, chỗ mỏng tạo thành những vết hằn trên mặt tranh và những vết nổi dầy của sơn được thể hiện theo cảm xúc dâng trào ào ạt của mình. Vì thế tranh của ông luôn tạo chất sơn dầu lung linh và trong vắt, tràn trề ánh sáng, mang dáng dấp của những gam màu son đỏ, vàng nhũ theo tranh sơn mài và chịu ảnh hưởng phong cách hiện đại của sơn dầu châu Âu, mỗi tác phẩm của ông là một sự tìm tòi phát hiện. Có thể nói một phong cách Bùi Quang Ngọc luôn đổi mới. 


Bến thuyền. Sơn dầu

Các nhân vật trong mỗi bức vẽ của Bùi Quang Ngọc luôn chuyển động, xem tranh của ông, người xem nhận thấy các nhân vật không chịu đứng yên, động tác của họ rất mạnh kết hợp với bố cục chắc chắn thể hiện tay nghề cao với một nền tảng hình họa vững vàng. Có cảm giác ông vẽ rất nhanh với một cảm xúc dạt dào. Ông ưa thích vẽ những người lao động, họ là công nhân, nông dân, những người chân lấm tay bùn, họ vào tranh của ông với vẻ mộc mạc, đáng yêu. Mặc dù là họa sĩ rất ưa thích vẽ trừu tượng nhưng quan điểm nghệ thuật của ông: "Dù người họa sĩ có vẽ gì đi nữa, nghệ thuật phải luôn mang hơi thở từ thực tế cuộc sống".

Trong căn nhà ông tranh được treo nhiều trên những mảng tường. Mỗi bức tranh là một kí ức. Sở trường của ông là vẽ chân dung, rất nhiều chân dung treo trong xưởng vẽ của mình. Năm tháng những bức chân dung theo ông về đây, ngày ngày theo dõi cuộc sống của ông. Họa sĩ mà vẽ chân dung chắc hẳn là người sống nội tâm, vẽ chân dung đã đem lại cho ông nhiều thú vị, đọc được những góc tâm hồn của nhân vật. Với bút pháp hiện đại phóng khoáng, tranh chân dung của họa sĩ Bùi Quang Ngọc mang đậm cái tình và cảm xúc của họa sĩ. Ông không dấu được tình cảm chân thành trong những bức chân dung ông vẽ. Có thể nói họa sĩ Bùi Quang Ngọc có một mảng vẽ chân dung khá đặc sắc khiến các họa sĩ cùng trang lứa và các thế hệ sau phải kính nể, đó là bộ tranh ông vẽ các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Họ là những người bạn ông, cùng thời với ông đó là danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Văn Cao… Các nhà văn, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, Quang Dũng, Hữu Loan, Phan Vũ, Hoàng Cầm, Thái Bá Vân… Ông thuộc vẻ mặt và cá tính họ đến nỗi đặt bút chỉ vài nét là ra chân dung người mình yêu quý.

Ở bất kì thể loại nào từ vẽ kí họa đến tranh sinh hoạt, chân dung, khỏa thân, trừu tượng... Tranh của họa sĩ Bùi Quang Ngọc đều tạo ấn tượng với công chúng. Người xem có thể xem nhiều tranh của ông mà không biết chán, ông quan niệm cuộc sống luôn đổi mới nên người họa sĩ cũng phải đổi mới chính mình, trong sáng tác không nên lặp lại. Mỗi tác phẩm có cuộc sống riêng, không thể giống nhau được. Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân đã viết về ông: ''Trên con đường hội họa, Bùi Quang Ngọc đi một mạch, cắm đầu về phía trước từ khi vào cuộc, không bao giờ ngoái trở lại tiếc rẻ những bến bờ đã dừng chân, anh đi từng bước gian nan, nhưng chính cái gian nan ấy là phẩm giá nghệ thuật của anh".

Sống và vẽ Bùi Quang Ngọc nhận ra rằng nghệ thuật không phải là một cuộc lãng du mà ngược lại là một hành trình chuyển nặng những suy tư, tâm huyết và nhiều điều trăn trở. Ở Tuổi 80, họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẫn lặng lẽ vẽ. Ông như một dòng sông miệt mài chảy mãi về phía trước mà không có điểm dừng. Ông không có danh hiệu "ưu tú" hay "nhân dân", cũng không có những giải thưởng cao quý của Đảng và nhà nước, nhưng những gì đã cống hiến và hi sinh cho nghệ thuật, ông đã xứng đáng là người nghệ sĩ của nhân dân, của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Hồ Minh Quân

















Bùi Quang Ngọc & Phan Nguyên
Sài Gòn, 2016









Trở về




Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 
Danh Sách Tác Giả

Emprunt Empreinte





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.