Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Lưu Trọng Lư (1911 - 1991)














Lưu Trọng Lư

(19/6/1911 – 10/8/1991)
 Quảng Bình
Hưởng thọ 80 tuổi
nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch.






 
 
Tiểu sử


Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.
Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ mới.
Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế.
Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV.
Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Con trai thứ chín của ông là đạo diễn Lưu Trọng Ninh.









Bài thơ cuối cùng của nhà thơ Lưu Trọng Lư

Một buổi sáng cuối tháng 7-1991, cô y tá Bệnh viện Việt Xô Hà Nội nói với nhà thơ khi đang săn sóc thuốc men cho ông: "Lúc nào bác khoẻ, bác nhớ làm tặng chúng cháu một bài thơ nhé". Ngay sau khi thở ôxy xong, trên người còn đầy những dây rợ, nhà thơ đột ngột vừa vung tay vừa ứng tác bài thơ này.


trời đã về chiều
buồn tà
vơ vẩn tà
ta đi tìm ai
bây giờ?
ai tìm ta nổi?
trăm khoá không giữ nổi ta,
ta như con chim giữa trời
vô ích! vô ích! vô ích!
không ai giữ nổi ta hết
ta đi tìm người ta yêu…






Nguồn: Kiều Văn, Thi ca Việt Nam chọn lọc - Thơ Hồ Dzếnh, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 3-2006











Tác phẩm









Thơ





Tiếng thu
(1939)
 
Tỏa sáng đôi bờ
(1959)

Người con gái sông Gianh
(1966)

Từ đất này
(197l)

Chị em
(1973)
 
Đây mùa thu tới
(1987)

Bâng khuâng
(1988)

Bao la sầu
(1989)










Sân khấu



Nữ diễn viên miền Nam
(cải lương)
 
Cây thanh trà
(cải lương)

Xuân Vỹ Dạ
(kịch nói)

Anh Trỗi
(kịch nói)

Hồng Gấm, tuổi hai mươi
(kịch thơ,1973)







Văn xuôi

Người sơn nhân
(truyện, 1933)
 
Chiếc cáng xanh
(truyện, 1941)
 
Khói lam chiều
(truyện, 194l)

Mùa thu lớn
(tuỳ bút, hồi ký, 1978)

Nửa đêm sực tỉnh
(hồi ký, 1989)










Thơ Lưu Trọng Lư



Tiếng thu
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?












Mắt buồn
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng. 
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng. 
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông. 
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa... 


Bài thơ Tiếng thu đã được các nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Hữu Xuân phổ nhạc thành bài hát cùng tên, còn bài Một mùa đông cũng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành bài Mắt buồn.









Tiếng Thu
Nhạc Phạm Duy









 Mắt buồn
(Một mùa đông)







Người em sầu mộng
 Nhạc Y Vân
Thơ Lưu Trọng Lư


NGƯỜI EM SẦU MỘNG 

(Y VÂN; THƠ: LƯU TRỌNG LƯ)

Một thuở nào xa lắm ở quê nhà. Mỗi lần nhìn nắng xế nghiêng thềm là lòng tôi bỗng chùng xuống như có nỗi buồn vu vơ... tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn... Ngồi ở trước thềm nhìn qua bên kia Đình Làng Hội, vài cánh chim xoãi cánh vút lên bầu trời cuối thu ẩm đục. Màu lá vườn cây đã đổi vàng tả tơi bay vèo trong gió. Tiếng hát ru con của Mẹ u buồn như những giọt mưa ngâu rơi trên những tàu lá chuối:

...Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba
Chữ trung thì để thờ cha
Chữ hiếu thờ mẹ đôi ta chữ tình...
... Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau...


Cuộc chiến đã mang anh em tôi ra ngoài vĩ tuyến, xa lìa ngôi nhà thân yêu, xa lìa tiếng hát mẹ ngọt ngào trìu mến như những chiếc nôi đời êm ả.
Cho mãi đến khi Mẹ tôi tưởng chừng như những lời cầu nguyện đạt thành, hòa bình trở về trên khắp quê hương. Nụ cười chưa tan trên môi thì nước mắt đã chảy dài trên đôi má nhăn nheo tội nghiệp, vì ba anh em chúng tôi đã bị đưa đi cải tạo trên những miền rừng thiêng nước độc của tỉnh Quảng Nam. Và để rồi khi ra khỏi tù các đứa con bà lại vượt thoát ra hải ngoại.
Gần như suốt cuộc đời Mẹ tôi tần tảo nuôi con và khổ đau vì chia cách triền miên.
Bây giờ ở Monterey Park, buổi chiều, nắng hanh vàng trên hàng cây phong, chợt nhớ đến Mẹ, chợt nhớ đến những hình ảnh đầy trìu mến cất dấu từ nhiều năm trong tâm tưởng:

... Mỗi lần nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ Mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi
Hình dáng Mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

(Nắng Mới)


Bài thơ Nắng Mới của Lưu Trọng Lư đã vượt thoát ra ngoài hữu hạn của thời gian. Những xúc động tột cùng, thăng hóa nỗi nhớ về Mẹ đã như một chất men rượu cất lâu ngày trong tâm hồn đứa con đang ở miền viễn biệt. Bài thơ đã tạo cho Lưu Trọng Lư một chỗ đứng trang trọng trên thi đàn Thơ Mới mà Lưu Trọng Lư là một trong những thi sĩ chủ xướng phong trào này từ năm 1932. Vì trong mỗi đời sống ấu thơ của chúng ta không ai mà không nhìn thấy hình ảnh trìu mến của Mẹ hiền hòa với nụ cười đen nhánh sau tay áo...

...Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi...


Mẹ tôi bây giờ ở quê hương không biết có còn đem phơi những chiếc áo bên hàng giậu thưa khi trời trở gió, nắng hắt hiu trên cành soan... khi mùa thu đang chuyển mình. Ở đây không có Mẹ, mỗi năm không còn nhìn thấy ...nắng mới reo ngoài nội... Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi... mà chỉ thấy hàng phong thay lá... màu vàng mênh mông của mùa thu nhung nhớ đang bắt đầu tàn phai... để chuẩn bị lễ Tạ Ơn và Mùa Giáng Sinh trở về...
Đã bao nhiêu năm cuộc đời thăng trầm trôi giạt, tôi vẫn không quên bài thơ ca tụng Mẹ dễ thương này. Bài thơ hay vì chất chứa hồn thi nhân chân thật, hồn nhiên, vẽ nên nguyên thực hình ảnh đôn hậu hiền hòa của Mẹ. Có nhiều người bảo: “Trong tất cả kỳ quan của nhân loại, không có kỳ quan nào vĩ đại bằng trái tim Mẹ”. Nhưng thế giới Tây Phương khoa học, văn minh tiến bộ này có nhiều bà mẹ đành tâm tự mình phá hủy cái thần tượng vĩ đại của người Mẹ, chạy đuổi theo những viên gạch hoa cương đang đổ nát dưới lâu đài ảo hóa.
Trong bài viết về những kỷ niệm một thời với Lưu Trọng Lư, nhà giáo, nhà văn Vũ Ký có đoạn nói về Lưu Trọng Lư: “Chúng tôi quen nhau từ thời cùng học ở Huế, Thanh Tịnh đã giới thiệu Lưu Trọng Lưu với tôi... giữa chúng tôi vẫn quý mến nhau qua tình văn nghệ, thường trao đổi với nhau những câu chuyện sáng tác và đường lối sáng tạo thơ mới rất là tương đắc... Chiến tranh ý thức hệ đã xô giạt chúng tôi về những phía hận thù... Gần đây trong một chuyến về thăm quê hương, tình cờ chúng tôi gặp nhau ở Saigon, và cùng nhau rủ đi cùng một chuyến xe về Mỹ Tho thăm bà con... Trên suốt đoạn đường từ Saigon đến Mỹ Tho, tôi đã kể cho Lưu Trọng Lư nghe lại những giai đoạn sinh hoạt văn nghệ đầy sinh động của miền Nam, và dĩ nhiên tôi đã đề cập đến hàng loạt những bài thơ một thời của Lưu Trọng Lư được đa số người yêu mến văn chương qua nhiều thế hệ mến mộ nồng nhiệt. Đại khái, những bài Nắng Mới, Một Mùa Đông, Thơ Sầu Rụng, Tiếng Thu... Cuối cùng, tôi có nhắc đến giai đoạn nhầm lẫn của những con đường ngược chiều với tình tự quê hương dân tộc... Để rồi bây giờ anh chẳng còn gì trong đôi tay gầy guộc run rẩy của anh... Suốt đoạn đường Lưu Trọng Lư không nói, chỉ yên lặng lắng nghe và ra chiều suy nghĩ... Cho đến mãi khi xe dừng trạm đến Mỹ Tho... Chúng tôi cũng xuống xe, một vài giây phút trước khi chia tay, Lưu Trọng Lưu bắt tay tôi thật chặt, thật lâu và nói khẽ: Những điều anh vừa nói làm cho tôi vô cùng cảm động. Trong bao nhiêu năm qua, không một ai nói với tôi những điều đó. Tôi tưởng chừng đã nằm sâu trong huyệt mộ và anh đã gõ trên tấm mộ bia nhắc cho tôi biết tôi vẫn còn sống nhưng linh hồn tôi đã chết từ lâu. Những bài thơ một thời của tôi trước kia mới là những hơi thở đích thực của tôi đang sống mãi qua thời gian. Cám ơn anh là người đầu tiên nói thật. Tôi quý anh và tôi quý những người nói thật...”.
Lưu Trọng Lư đã không còn rong chơi trong cõi nhân thế đầy nghiệt ngã dối gian đó nữa. Ông đã về miền an nghỉ vĩnh cửu ngày 10-8-1991 tại Hà Nội. Tôi muốn viết về những bài thơ của ông. Những bài thơ một thời giao động tình yêu, như những đóa hoa phù dung e ấp trong nắng mới. Thơ Lưu Trọng Lư đánh dấu của một thời điểm nhọc nhằn như hạt lúa trong lòng đất, để hẹn đến những chùm lúa vàng chĩu hạt ngả nghiêng trong gió.
Ở cái thời giao điểm giữa mới và cũ, giữa hương khói Đường Thi và những điệu luân vũ của Tây Phương. Có thể vừa đọc thơ của Baudelaire, vừa ngâm nga những tuyệt tác của Vương Bột:

...Trường Giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương duy
Huống phục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi

(Tự Quy)


Trường Giang động hồn sầu chất ngất
Nghìn trùng xa da diết nhớ quê
Gió chiều lên mây càng u ám
Rừng núi bay vàng lá não nề
Sông dài sầu động hồn ta
Dặm ngàn thương nhớ quê nhà dấu yêu
Lại thêm gió thảm thê chiều
Vàng bay mấy cõi đìu hiu núi rừng.

(Nghĩ Về Cố Hương - Ái Cầm chuyển dịch)


Biên giới giữa mới và cũ đang là nghịch lý trong tâm hồn những người sáng tạo lúc bấy giờ.
Trong thơ Lưu Trọng Lư cố gắng vượt tới những mới mẻ, trong những vần điệu đan cử, nét vẽ hoang sơ tiêu điều buồn bã như khi nghe tiếng gà vọng từ thôn xóm:

Núi xa, nhà vắng, mưa mau
Mênh mông cồn cát, trắng phau ngô dừa
Trong thôn văng vẳng gà trưa
Lắng nghe đúng ngọ chuông chùa... nện không

(Tiếng Thu)


Ở một không gian khác, trăng sáng rọi xuyên qua cửa liếp an bình. Người em gái đang xõa tóc ngang vai lặng lẽ ngồi dệt lụa. Tiếng quay tơ đều đặn như một âm điệu buồn bã, làm cho anh chàng thi sĩ xúc động ngẩn ngơ, đã du hồn Lưu Trọng Lư vào cõi mộng mơ diễm tuyệt:

...Vừng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ...
...Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh...

(Thơ Sầu Rụng)


Thơ Lưu Trọng Lư nồng nàn tình ái không thua kém Xuân Diệu, có nhiều bài Lưu Trọng Lư đã thực sự tạo cho ông một thế giới độc đáo riêng rẽ. Thế giới của những chiếc lá vàng rơi khẽ báo mùa thu đã tới với thế gian. Ở xa ngoài nghìn dặm quê hương vẫn thấy được màu vàng chuyển lá trên hàng cây phong trong công viên hay trên những lối đưa em vào thư viện. Thật mộng mơ và tình tứ. Những lúc vũ trụ chỉ còn hai ta là những lúc thơ của Lưu Trọng Lư lại về trong trí tưởng:

...Chim chi gọi mãi bên cầu
Phải chòm sao rụng trước lầu hở em?
Lắng nghe trăng giãi bên thềm
Lắng nghe trăng giãi bên thềm... ái ân...
...Em không nghe rừng thu?
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng Thu)


Ông Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại cho rằng bài Tiếng Thu ảnh hưởng nặng nề thi phẩm Thu Thanh của Âu Dương Tu, Trung Hoa. Còn ông Đặng Tiến thì cho rằng bài Tiếng Thu có nhiều âm hưởng của những nhà thơ Pháp như Verlaine hay Baudelaire. Nhưng theo thiển ý của tôi thì hình ảnh con nai vàng đâu có gì xa lạ với núi rừng Việt Nam. Và sự rung động trong Tiếng Thu rõ ràng là rung động của tâm hồn Đông Phương và bức tranh Tiếng Thu đúng là bức tranh thủy mạc thuần túy nét đẹp của người cô phụ trông ngóng người chinh phu?

...Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?...


Qua hình ảnh những tình yêu lãng mạn khác, Lưu Trọng Lư quả thật là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới, táo bạo nhưng tình tứ đằm thắm của thời kỳ 1935-1942. Thời kỳ mà Vũ Ngọc Phan gọi Lưu Trọng Lư “Chúng ta có thể tóm tắt tất cả những ý trong thơ của Lưu Trọng Lư vào hai chữ Tình và Mộng” (Đặng Tiến ghi lại trong bài viết Đóa Mộng Đầu).

...Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng...
Hãy xếp lại muôn ngàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng...
Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn buồn mãi không thôi...

(Một Mùa Đông)


Lưu Trọng Lư cứ tưởng rằng chính ông đã khai tử những bài thơ tình thời tiền chiến, nhưng ông có đâu ngờ những đứa con tinh thần thuở đó, mới chính là những đứa trung hiếu làm rạng danh ông mãi trên thi đàn Văn Học Việt Nam. Thơ ông đã được những nhạc sĩ tài danh miền Nam phổ nhạc với tất cả sự cảm xúc tuyệt với như Phạm Duy, Phạm Đình Chương... để cho mọi người yêu thơ ông vẫn còn yêu ông mãi mãi.
Trong khi ở miền Bắc chạy đuổi theo một lý thuyết không tưởng vọng ngoại, phản bội lại truyền thống Dân Tộc. Cho dù ông là thiên tài một thời vang bóng nhưng “...Lưu Trọng Lư là một trong những nhà thơ gian khổ nhất trong hai cuộc kháng chiến. Từ năm 1946 ông tham dự chiến khu Hòa Mỹ tại Thừa Thiên là chiến trường ác liệt vào hạng nhất trên toàn quốc, đến tháng 5-1975, khi các nhà văn, nhà thơ khác vào Nam để sum họp, đoàn tụ, thì Lưu Trọng Lư đi tìm xác đứa con trai hy sinh tại Vàm Cỏ Tây, mấy hôm trước ngày 30 tháng 4 trên đường tiến quân về Saigon. Giữa hai cái mốc đánh dấu bằng lửa và máu đó, Lưu Trọng Lư không sáng tác được gì đặc sắc, chức vụ chỉ là một nhân viên thường không đáng kể và cuối cùng cũng chỉ là phù danh...” (Đặng Tiến, Hợp Lưu số 3 tháng 2/1992).
Suốt chiều dài trong thời chiến, những Thế Lữ, Văn Cao, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Vũ Đình Liên... là những giáo chức hoặc là những công nhân chẳng ai để ý tới, để rồi một ngày kia chết trong cô đơn của tuổi già. Cũng may cõi thơ Lưu Trọng Lư quá tuyệt vời về tình mẹ, tình yêu, nên nhiều thế hệ còn giữ mãi trong lòng đôi nét hình ảnh yêu quý đó ở miền Nam. Trước khi Lưu Trọng Lư từ giã cõi đời, ông có tâm sự với một người bạn tâm giao ở Hà Nội về bài thơ sáng tác từ năm 1940 đến nay ông vẫn yêu thích nhất:

...Ước gì ta có ngựa say
Con sông bên ấy bên này của ta
Trời cao, bến lặng, bờ xa...
Lao đao gió sậy, la đà dặm trăng
Một mai bên quán lại ngừng
Quẩy theo với rượu, một vừng giai nhân
Ta say, ngựa cũng tần ngần
Trời cao xuống thấp, núi gần lên xa

(Say)


Những giòng thơ trữ tình của Lưu Trọng Lư cho đến nay chúng ta vẫn cảm thấy chất men say thấm vào tâm hồn ngây ngất như một vừng trăng tỏa sáng ở đầu núi quê hương. Và ở đâu đó, bóng dáng những con nai vàng đang xuống núi, ngơ ngác đạp trên lá vàng khô..

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa

Em chỉ là em gái thôi
Người em sầu mộng muôn đời
Tình như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau buồn
Ai bảo em ngồi bên song
Cho vương nợ thi nhân

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ đêm Xuân tràn
Cho tình giăng đầy trước ngõ
Cho mộng tràn gối chăn

Em chỉ là em gái thôi
Người em sầu mộng muôn đời
Tình như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời

Nguồn: Nhạc Việt
 








Đặng Tiến
Tưởng niệm 100 năm sinh
Lưu Trọng Lư (1912-1991)





ĐÓA MỘNG ĐẦU

Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé
Em hái đưa anh đóa mộng đầu

(LTL)


«Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời», là thế giới, là tâm giới, là thi giới của Lưu Trọng Lư. Nguồn ánh sáng trong trẻo ấy đã đến với con nai vàng ngơ ngác từ một buổi bình minh sơ khai của Thơ Mới, là tia nắng hạnh phúc, đồng thời cũng làm giới hạn nghệ thuật và sự nghiệp Lưu Trọng Lư. 

Là hạnh phúc, những bài thơ tuyệt vời của ông, khi vừa xuất hiện trên văn đàn, đã gặp ngay tri kỷ. Các nhà phê bình và sau họ là những nhà giáo, nhà soạn nhạc đã chọn và giới thiệu đúng những bài thơ hay, bình dị và trong sáng nhất, dễ thuộc nhất. Từ 1942, Vũ Ngọc Phan đã viết: «Có thể tóm tắt tất cả những ý thơ của Lưu Trọng Lư vào hai chữ tình và mộng»[i]. Tưởng chúng ta khó thêm thắt điều gì; và từ ấy đến nay vẫn chưa thấy ai thêm được điều gì. Hoài Thanh, bạn thân và sành thơ Lưu Trọng Lư, trong dăm trang đặc sắc cũng loanh quanh với ngần ấy ý [ii]. Giới hạn là ở chỗ đó. 

Việc còn lại, để tưởng niệm Lưu Trọng Lư, là thử phân tích hương tình và phấn mộng bàng bạc trong thơ ông và qui định biên giới của cõi tình và cõi mộng ấy. 




NGƯỜI EM SẦU MỘNG



Thơ Lưu Trọng Lư là niềm hoài vọng mang mang hướng về dĩ vãng, về một nền văn hóa dân tộc và đông phương đang phôi pha trước làn sóng phương tây và hiện đại. Một tàn phai, không cưỡng lại được, không hò hẹn hồi sinh. 


Niềm tiếc nuối khôn nguôi, khu biệt thơ văn Lưu Trọng Lư, và đánh dấu một thời đại, từ «mấy chùm trước dậu, hoa năm ngoái» trong Nguyễn Khuyến, đến «sông kia rày đã nên đồng » ở Trần Tế Xương, và gần hơn nữa, ở một Thế Lữ gửi lòng «theo nước trang giang ấy, sớm tối theo chàng đến Phúc Châu», một Xuân Diệu «trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi» đến Vũ Hoàng Chương «nghe hồn ly phụ khóc trên tơ» hay Huy Cận, nhất là Huy Cận «phất phơ buồn tự thời xưa thổi về». Ấy là những người tân học đã cổ vũ cho thơ mới mạnh mẽ nhất. 

Văn xuôi cũng vậy; trước Đoạn tuyệt kêu gào cải cách, Nhất Linh đã từng lưu luyến với Nho phong, Người quay tơ, Khái Hưng trước Nửa chừng xuân còn tần ngần với Hồn bướm mơ tiên. Một thế hệ u hoài về một thời vang bóng. 

Lưu Trọng Lư khác với các nhà thơ đồng lứa ở chỗ ông không mơ mộng được cái gì khác ngoài dĩ vãng của dân tộc, trong khi Xuân Diệu còn có lúc Giục giã, Huy Cận còn lo lắng cho Mai sau; họ còn sống trong hiện tại, sống cho tương lai. Con người thời đó, ý thức khá rõ những thay đổi chung quanh, như Hoài Thanh đã ghi từ 1941 «một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông (…) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui của ngày trước, buồn cái buồn ngày trước…»; Hoài Thanh dựa vào lời Lưu Trọng Lư, trong một buổi diễn thuyết tại Quy Nhơn, 1934: «Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ…» [iii]. Nhưng màu xanh nhạt, tiếng gà trưa rồi cũng tàn phai theo một nền văn minh đang lỡ bước sang ngang. Lưu Trọng Lư chấp nhận khó khăn những đổi thay của cuộc sống: «Tôi vừa đau đớn vừa căm giận khi nghĩ đến lớp đàn bà loè loẹt kia đã dám kiêu hãnh thay thế lớp đàn bà cũ kỹ ấy – những người đàn bà thùy mị với những bộ răng đen nhánh. Những người đàn bà ngày nay để răng trắng (…) Nhưng tôi biết nói thế nào khi người ta gọi đó là sự tiến bộ.» Ông nuối tiếc «những đồng tiền kêu lẻng kẻng một cách vui vẻ biết bao! Chúng ta ngày nay ở vào cái thời kỳ mà đồng bạc chỉ làm bằng giấy (…)»; và tiếng lục lạc của tuổi thơ «Nhưng trời ơi, làm sao tôi quên được những tràng lục lạc ấy.. Không phải là tiếng lục lạc cột ở chân một đứa bé, mà là tiếng rung của một thời, của một thế giới đã sụp đổ, đã đổ rồi »[iv]. Hàm răng trắng, đồng bạc giấy, là những thay đổi tối thiểu mà một người toàn tân học như Lưu Trọng Lư năm 1941 còn không chấp nhận, nói chi đến những biến đổi thâm trầm hơn, trong phong tục, trong tư tưởng hay tình cảm? 

Lưu Trọng Lư mơ mộng nhưng không hão huyền. Mới đây, ông có tâm sự «trong đời, có một câu thơ nào, hình như đều do đời gợi ý. Tuy vậy, cũng có những bài thơ đôi khi một mình ngâm lại vẫn không biết từ đâu tới»[v]. Hoài Thanh nhầm và ví dụ không đúng về ông: «thường ta chỉ thấy những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời nay, mà cũng không có ở thời nào. Hãy đọc bài Thơ sầu rụng [vi]

Vầng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ, em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều,
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

Hình ảnh dù được thi vị hóa, cũng đã có thực trong tuổi thơ của tác giả «Đến nay mẹ tôi đã chết. Mà cái nghề tầm tang cũng đã chết trong làng tôi rồi (…) Tôi quên làm sao được những mảnh trăng rơi đầy trên những ruộng dâu. Tôi quên sao được tiếng đều đều của guồng xa. 

«Những cảnh đầy thơ, đầy êm ái, đầy tôn nghiêm của nghề tầm tang»[vii] đã gợi lên giấc mộng tình: 

Chàng cùng tôi
Trong gian nhà cỏ
Tôi quay tơ
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã.

Gần đây, ông có nhắc lại câu thơ Baudelaire đã từng ám ảnh tuổi thơ: 

Tant l’écheveau du temps lentement se dévide
(Guồng tơ dần thu ngắn sợi thời gian)

« Làm sao mà chuyển dịch cho được cái nhịp điệu, dư ba âm hưởng ấy » [viii]. Ý ông muốn nói đến 4 âm mũi luyến láy trong câu thơ. Ta thấy Lưu Trọng Lư đặc biệt lưu tâm đến nhạc điệu trong thơ ; về hình ảnh, Baudelaire đã mượn ở nghề canh cửi (écheveau là cuộn chỉ, cuộn tơ, dévider là tháo chỉ, tháo tơ từ cuộn để dệt). Nghề tầm tang ở nông thôn ta, có phần vất vả nhất định, «làm ruộng ăn nằm, chăn tằm ăn đứng», nhưng là một sinh hoạt của phụ nữ, nhiều thi vị; từ cái buổi một cô gái hái dâu, thành Ỷ Lan phu nhân, hay xa hơn nữa, một người đẹp rũ lụa trên bến Trữ La, nghề tầm tang đã lưu lại trong thơ văn nhiều tác phẩm hay – từ Lý Thương Ẩn đến Nguyễn Bính : 

Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ,
Em thử quay xem được mấy vòng ?
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ,
Em thử lào xem được mấy thưng ?
( Nhớ, trong Tâm hồn tôi, 1940)

Bài Một mùa đông nổi tiếng, là điển hình cho tầm nhìn hồi cố của Lưu Trọng Lư. Bắt nguồn từ một liên quan có thật giữa nhà thơ và một thiếu nữ tên Cúc – chị Điềm Phùng Thị, nhà điêu khắc nay đã qua đời– chuyện nhiều người biết, nhưng không ai dám nhắc lại vì ngại chạm đến đời tư; nay chính Lưu Trọng Lư đã kể lại vanh vách trong suốt năm trang trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh [ix] thì chúng ta ghi lại như một tư liệu văn học: 

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

(…) Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa

(…) Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn nô đùa uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi;
Đôi má em hồng núm nụ cười;
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.



 


Giai nhân ở đây là một cô gái tân thời, thuộc loại «răng trắng» đã từng làm cho nhà thơ «vừa đau đớn, vừa căm giận», nhưng bây giờ thì «lệ tràn đêm xuân, tình tràn trước ngõ, mộng tràn gối chăn». Chuyện «tình sử» ( !) diễn ra tại sân chùa Thầy, hôm ấy có cả nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế và chồng là họa sĩ Dương Cẩm Chương, có lúc cùng ở Paris. «Chúng tôi trải giấy nhật trình, bày bữa ăn trưa. Có ít gà quay và chai rượu vang Pháp. Thấy tôi uống, Cúc cũng bắt chước đưa cốc rượu chạm vào môi. Người con gái tuyệt vời khi trên môi nhuốm màu nho tươi và hồng đôi má, rồi để rơi trên trán vài sợi tóc cô đơn vô tình tạo thành một hình tượng nghệ thuật khó phai. Cúc nhìn tôi với nước mắt khẽ rơi». 



Từ cảnh thật, người thật, nhà thơ đã dệt thành một giấc mơ, trong đó, cô gái mới, «đượm sặc mùi nho tươi», đã trở về ngôi «người em sầu mộng của muôn đời»: 

Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời


Nhất định Lưu Trọng Lư phải thuộc câu thơ của Đỗ Phủ

Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
(Song ngậm nghìn thu ngời tuyết núi)
Tản Đà dịch «Nghìn năm tuyết núi song in sắc»).


Đoạn cuối Một mùa đông:

Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng



gợi ta nhớ đến nhiều bài thơ Đường, đặc biệt bài Xuân giang hoa nguyệt dạ (Sông xuân đêm trăng hoa) của Trương Nhược Hư: 

Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
(…)Thùy gia kim dạ biên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu[x]

[Long lanh muôn dặm sóng xao,
Sông xuân một giải, cõi nào không trăng
(…) Thuyền ai thấp thoáng canh thâu,
Dưới trăng ai nhớ, trên lầu nhớ ai…

ĐT dịch


Thơ Lưu Trọng Lư phản ánh một nền văn hóa đang phôi pha nhưng còn để lại những màu sắc, những âm thanh, những « chiếc cáng xanh », những «chiếc cáng điều», đến những câu ca dao mà ông rất sành sỏi, và thơ Đường, thơ Tống. Bài Tiếng thu, như đã có người nhận xét, chịu ảnh hưởng một bài thơ Nhật cổ, và cả thơ Pháp, như Baudelaire, hay Verlaine, từ ý thơ đến nhạc điệu; nhưng không khí vẫn đông phương, với những chinh phu, cô phụ, ánh trăng mờ, con nai vàng ngơ ngác. Vũ Ngọc Phan thông thái khi nhận ra âm hưởng cái tên bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu; và sau này Lưu Trọng Lư xác nhận đã nghe phụ thân ngâm «có khi ông ngâm cả bài Thu thanh của Âu Dương Tu cho tôi nghe (…) Dầu sao bài thơ ( ?) ấy cũng gợi cho tôi một thứ nhịp điệu mơ hồ nào đó và cho tôi một cái tên để đặt cho bài thơ Tiếng thu của tôi sau này» [xi]. Nhưng ảnh hưởng chỉ dừng lại ở cái tên: Thu thanh = Tiếng thu, nội dung bài phú và bài thơ không tương quan. Về «con nai vàng ngơ ngác», Lưu Trọng Lư kể lại: «Trên vách, cạnh chỗ tôi hàng ngày ngồi học, có ghi bằng chữ Hán to, bài ký của thầy tôi, và dưới bài ký là hình một con nai có hoa. Tuổi nhỏ tôi sống bên con nai đó». Dĩ nhiên, nai không phải là hình ảnh đặc trưng cho cái gì, trong thơ Pháp, thơ Nhật, thơ Tàu đều có. Con nai vàng Lưu Trọng Lư, cũng như con nai cao của Huy Cận, chỉ chia sẻ nỗi sầu mông lung với «con nai bị chiều đánh lưới» của Xuân Diệu: «Mắt ngơ ngác và thân hình ảo mộng». 

(Ghi chú 2012: chúng ta không biết rõ thời điểm sáng tác bài Tiếng Thu, một trong những thành tựu sớm nhất của nền Thơ Mới. Nó chưa có trong tập Người Sơn Nhân, 1933, nhưng được báo Hà Nội Báo khen ngợi tháng 11-1936. Như vậy, có lẽ được sang tác khoảng 1934-1935.) 


NGỰA SAY

Cái mơ gặp cái say, bỗng chếnh choáng hương tình:
Vừng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
(Trăng lên)

Hình ảnh vừa cổ điển, vừa tân kỳ. Vũ Ngọc Phan phê là «tuyệt bút», vì đã bắt gặp «cái phút ái ân của đôi trai gái trong lúc giáo đầu, thật là đầy tình, đầy mộng» [xii]. Lối giải thích máy móc quá, thành dung tục; có thể vì vậy mà bài thơ hay này đã bị loại ra khỏi Tuyển tập Lưu Trọng Lư, 1987. Với tôi, bài thơ chỉ là một liên tưởng tạo hình. Người xưa lấy thiên nhiên làm tiêu chuẩn cho thẩm mỹ, thường so sánh tóc với mây: «mây thua nước tóc; tóc mây một món dao vàng…». Lưu Trọng Lư lật ngược tương quan – Baudelaire vẫn thường hành văn như vậy – so sánh mây với tóc, một lối nhân cách hóa, tỏa rộng thành bầu trời, «một hồn thu tạnh»[xiii]. Chữ tạnh, có nghĩa là dứt cơn mưa, tạnh là một bầu trời quang đãng, dịu mát và tươi thắm, như là mới gột rửa hết bụi trần. Tản Đà đã dùng chữ «sông tạnh » để dịch rất sát chữ Hán «tình xuyên» trong bài Hoàng hạc lâu «tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ»: «Hán Dương sông tạnh cây bày». Tạnh còn có nghĩa im ắng: «dặm khuya ngắt tạnh mù khơi » (Kiều). Xuân Diệu có lần dùng chữ tạnh trong bài Thu rất hay: 

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa,
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Chữ tạnh gạn lọc nguồn sáng mát trong và vô tội trong cơn «mơ say hương nồng». Hương thơm và hơi ấm len vào không gian trong vắt, vừa thực vừa mộng: «mắt em là một dòng sông», trong suốt đến độ mọi sự vật đều phản chiếu vào đáy nước, đáy mắt, «mắt em» đầu câu lặp lại ở cuối câu, là một phản ánh. Dòng sông trong đôi mắt gọi về hình ảnh con thuyền, thuyền của «hồn ta», ngược với ẩn dụ «một hồn thu tạnh», hồn của bầu trời. Ta nhớ lại một câu khác, cùng trong bài thơ Thu của Xuân Diệu: « hây hây thục nữ mắt như thuyền », hay Đinh Hùng: 

Em tự nghìn xưa chuyển bước về
Thuyền chao sóng mắt dẫn trăng đi.

Khi so sánh: mắt với sông, hay ngược lại, sông với mắt, ta phải đứng xa; khoảng cách đẩy lùi chân trời, làm không gian rộng lên, cao mênh mông, trong niềm yên tĩnh vô biên, «thuyền ta bơi lặng» [xiv]. Cái bao la bao giờ cũng vô tội, như thơ Lưu Trọng Lư vậy. Những câu thơ hay, đầy chất Lưu Trọng Lư thường vẫn vời vợi. Ngược lại:

Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi [xv]

là một câu thơ hay, nhưng không lộng tình và ngát mộng Lưu Trọng Lư. Có thể vì thế mà Lư nhớ nhầm thành thơ…Thế Lữ !!! 

Trăng lên là một bài thơ tuyệt vời vì những giao ảnh và giao hưởng tế nhị, tiếp nối hài hòa tạo cảm giác rạo rực, nồng nàn, ngây ngất, nhưng vẫn thanh tân và đằm thắm. Như một đêm thu nào tĩnh và sáng mãi trong lòng ta. 

(Ghi chú 2012: trong Tiếng Thu 1939, có 2 bài cùng tên Trăng lên tr.49 và 86) 

Mơ và say một lần nữa lại làm ta ngất ngưỡng với bài Say mà Lưu Trọng Lư có lần bảo là mình thích nhất: 

Ước gì ta có ngựa say,
Con sông bên ấy bên này của ta.
Trời cao, bến lặng, bờ xa…
Lao đao gió sậy, la đà dặm trăng…
Một mai bên quán lại ngừng
Quẩy theo với rượu, một vừng giai nhân.
Ta say ngựa cũng tần ngần,
Trời cao xuống thấp, núi gần thêm xa.

Bài Say đăng trên báo Hà Nội Tân Văn ngày 09.4.1940 được Vũ Ngọc Phan trích dẫn lại [xvi] toàn văn và bản trích dẫn được xem như là văn bản chính, vì so với Tuyển tập Lưu Trọng Lư, tr.64, thì đầy đủ và hợp lý, hay hơn. Trong cơn ngây ngất, người say muốn ngựa cũng say; ngựa không chỉ là phương tiện vận chuyển, hoặc là bạn đường, mà hóa thân làm tri kỷ và đồng lõa, cùng làm nghiêng ngã càn khôn. Nhịp thơ linh động, so với nhịp đôi đều đều của lục bát: «bên ấy … bên này… bến lặng… bờ xa» như giọng lẩm nhẩm của người say, không còn phân biệt phương hướng, tả, hữu, trước, sau; đất liền và sông nước đều như nhau, đều «của ta»: say là chiếm hữu, là trấn ngự trần gian. Mải làm chủ trần gian nên quên cả mình, quên tự chủ. Và mơ hồ chữ nghĩa: «gió sậy» không «lao đao» mà chỉ lao xao, con người mới lao đao; dặm trăng chỉ lờ mờ, nếu cần thì la cà chứ không la đà, cành trúc mới la đà: âm thanh và hình khối nhòe nét. Nhưng lao đao và la đà vẫn có nét chung là mất thăng bằng qua âm l /đ luyến láy, như trong: lảo đảo, lênh đênh, long đong, lừ đừ, lờ đờ, lật đật, lận đận… Bước chân chập choạng nên mới «ước gì có ngựa». Mà ngựa phải say, niềm vui mới hài hòa, trọn vẹn, mới cùng tương đắc và tâm đắc «Bên quán lại ngừng». Có quán rồi, mà muốn chắc bụng, phải «quẩy theo với rượu», và quên bẵng là mình … đi ngựa. Trên ngựa thì làm sao mà gánh mà quẩy ? «Một vừng giai nhân» ở đây nên hiểu là vầng trăng hơn là một người đàn bà, như Vũ Ngọc Phan đã phân tích. Vui như thế, ngây ngất như kia, ai gánh đàn bà theo làm gì? Vừng giai nhân là một hình ảnh tài hoa và hàm súc, thu gọn phong cách « nghìn năm thi sĩ tửu đồ » như lời Tản Đà hay qua câu thơ Hồ Xuân Hương: 

Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi nghiêng phong nguyệt nặng vì thơ

Ánh trăng sóng sánh trong gánh nước là một hình ảnh quen thuộc trong thơ nôm Nguyễn Trãi: 

Khách đến chim rừng hoa xẩy rụng,
Chè tiên nước ghín nguyệt theo về
(Tiên nghĩa là nấu; ghín là gánh nước)

Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt
Mai rụng hoa đeo, bóng cách song

Uống chè, uống rượu trong cảnh ấy, là uống cả ánh trăng, là đón vũ trụ trong sáng vào lòng: 

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
(Nguyễn Trãi)


Về ánh trăng trong nồi nước chè mộc mạc, Quang Dũng có đoạn văn hay: «chốc chốc họ lại vục cái bát vào nồi chè tươi ông cụ đã để sẳn ngoài hiên, làm tan mảnh trăng vằng vặc ở trên lớp bã chè ở đáy nồi » [xviii]].


Chúng ta lại nhớ Xuân Diệu: «trăng võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng» [xvii].


«Một vừng giai nhân» tạo nên một vòng hào quang, phong nhã hào hoa, tình tứ mà trân trọng. Kiểu cách một tí, lả lơi một tí; liều lĩnh mà dè dặt; chừng mực nhờ cổ kính. Nhà thơ chợt biết mình say: «ta say ngựa cũng tần ngần», nghĩa là ngựa còn có phần tỉnh táo – nhà thơ mong thế, trong niềm e ngại không gian đang bớt chiều cao và thêm chiều rộng: 


Trời cao xuống thấp, núi gần thêm xa


«Cao, thấp, gần xa», những khoảng cách xa ngái, gập ghềnh. «Tần ngần» là phải. Phần e đường sá, phần thương dãi dầu. 


Uống rượu, ngại nhất là đường về.
Về nhà, hay về thực tại, đều ngại. Về là ngại.


Một tâm hồn mơ mộng, đôn hậu và trong sáng như Lưu Trọng Lư, một trái tim thi sĩ như thế nhất định phải gặp nhiều khó khăn khi va chạm vào những góc cạnh cuộc sống. Cuộc sống bình thường thôi, nói chi đến lịch sử khốc liệt của chúng ta. Sống bình thường thôi, tồn tại thôi, là đã gian nan, nói chi đến việc đưa cuộc sống vào nghệ thuật – theo những quy luật thường tình thôi – nói chi đến quan điểm hẹp hòi của chủ nghĩa hiện thực xã hội, trong một giai đoạn nghiệt ngã của đất nước.

Nhiều người có thành kiến với Lưu Trọng Lư, vì những tập thơ về sau của ông, và cũng vì thái độ cứng nhắc của ông thời chống Pháp ở Khu IV, hay qua những buổi nói chuyện về thơ sau 1975 in lại trong Mùa thu lớn. Con người mơ mộng, khi lạc bước vào những hành lang thực tế, có khi vụng về và thô bạo. Tuy gần gũi, ông không học được cái khôn của Hoài Thanh, cái khéo của Nguyễn Tuân, ông tai tiếng nhiều, dù danh lợi không là bao. 

Lưu Trọng Lư là một trong các nhà thơ gian khổ nhất trong hai cuộc kháng chiến. Từ 1946 ông tham dự chiến khu Hòa Mỹ tại Thừa Thiên là chiến trường ác liệt vào hạng nhất trên toàn quốc; đến tháng 5.1975, khi các nhà thơ, nhà văn khác vào Nam để sum họp, đoàn tụ, thì Lưu Trọng Lư đi tìm xác đứa con trai, hy sinh tại Vàm Cỏ Tây, mấy hôm trước ngày 30.4, trên đường tiến quân về Sài Gòn. Giữa hai cái mốc đánh dấu bằng lửa và máu đó, Lưu Trọng Lư không sáng tác được gì đặc sắc; chức nọ chức kia nếu có cũng chỉ là phù danh. 

Thơ ông sau này không hay vì không hợp với tầm viết của ông, vì đường lối thúc bách đã đành, nhưng còn vì một chọn lựa, theo nhu cầu thời đại và đòi hỏi của lương tâm. Vì thật ra, không ai bắt ai phải làm thơ; bao nhiêu người không làm thơ. Suốt thời kỳ chống Pháp, Huy Cận không làm thơ bao nhiêu. 

Vì rằng, trong một xã hội, một giai đoạn nào đó, người ta có thể viết: «Em ngồi trong song cửa, Anh đứng dựa tường hoa», nhưng vào một thời điểm khác, sau khi đã sống, đã nhận thấy những hoàn cảnh khác, người ta không còn viết được như vậy nữa. Ở Pháp cũng như vậy thôi, những Aragon, Eluard, từ trường phái siêu thực bước vào kháng chiến chống Đức cũng đã thay đổi đề tài. Năm 1940 Camus, trong L’Etranger (Kẻ lạ) tạo nên nhân vật Meursault hoàn toàn dửng dưng với xã hội; sau những năm kháng chiến ông viết La Peste (Dịch hạch) nói đến tình tương thân tương trợ giữa con người. Tại Pháp nào có đường lối nào thúc ép ai đâu. Nhưng với những đề tài mới, dấn thân hơn, họ vẫn thành công vì nghệ thuật của họ đa dạng hơn. Còn Lưu Trọng Lư, dù hẹn đến luân hồi, cũng chỉ dâng được cho đời «đóa mộng đầu» của kiếp trước, vẫn dưới một gốc sim già, một buổi bình minh của Thơ Mới. Thơ Lưu Trọng Lư chỉ trinh tiết một lần. 

Lý thuyết văn nghệ rườm rà, phức tạp trong khi sự sáng tạo và thưởng ngoạn theo một vài quy luật đơn giản. Một nền văn nghệ phong phú, khi sáng tác đưa đến lý thuyết; nền văn nghệ ấy sẽ cằn cỗi khi ngược lại, lý thuyết đúc khuôn cho tác phẩm. Trường hợp Lưu Trọng Lư cũng vậy thôi. Khi thơ ông là «một chút hồn thơ mộng, vất chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nó thành hình gì thì nó là cái ấy» [xix], thì thành những đóa hoa tráng lệ, mãi mãi lưu hương gửi sắc lại cho đời. Khi nó thu mình vào những khuôn mẫu, do lịch sử hay lý trí chỉ định, thì nó trở thành những vật dụng thường và xoàng, dù có ích hay không có ích. 

Thập niên cuối cùng trong đời, từ khoảng 1980 trở đi, dường như tâm hồn Lưu Trọng Lưu thanh thản hơn, như thoát lý ra khỏi trần lụy và thế tình. Thơ ông thanh thoát và trong trẻo hơn ba mươi năm về trước, giàu cảm xúc và nghệ thuật hơn. Tập hồi ký mới đây (1989) Nửa đêm sực tỉnh là một lưu bút chân thành, cảm động, xứng đáng với thế giới mà Lưu Trọng Lư, với tập Tiếng thu, đã sáng tạo nửa thế kỷ trước. Một thế giới «vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời». 

Lưu Trọng Lư, theo tư liệu phổ biến, sinh ngày 19.6.1912 tại Quảng Bình, mất ngày 10.8.1991 tại Hà Nội. Chúng tôi theo tư liệu này. 

Đặng Tiến

Viết tại Orléans, 18.12.1991 , ngày giỗ Xuân Diệu
Đọc và cập nhật nhân kỷ niệm 100 năm sinh Lưu Trọng Lư, và 80 năm xuất bản báo Phong Hóa, 22-9-1932/ 2012.
[i] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại III, nhà xuất bản Vĩnh Thịnh tái bản, Hà Nội, 1951, tr.289.
[ii] Hoài Thanh và Hoài Châu, Thi nhân Việt Nam, Thiều Quang tái bản, Sài Gòn 1967, tr.298. Trích lại trong Tuyển tập Hoài Thanh I, nhà xuất bản Văn Học
[iii] Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, sđd, tr. 10, 11, 12.
[iv] Chiếc cáng xanh, nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1941, trích lại trong Tuyển tập Lưu Trọng Lư, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1987, tr.210, 211, 212.
[v] Nửa đêm sực tỉnh, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1989, tr.23.
[vi] Thi nhân Việt Nam, sđd, tr.298
[vii] Tuyển tập Lưu Trọng Lư, sđd, tr.216. Mùa thu lớn, nxb Tác phẩm mới, Hà Nội 1978, tr.14.
[viii] Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr.147 .
[ix] Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr.18-23
[x] Trương Nhược Hư, Xuân giang hoa nguyệt dạ, Ngô Tất Tố dịch hay. Cheng Chi Hsien (François Cheng) có trình luận án về bài thơ này, phân tích hay: Analyse formelle de l’oevre poétique d’un auteur des Tang, Zhang Ruo Xu, Mouton, Paris la Haye, 1970
[xi] Mùa thu lớn, sđd, tr. 27 và 28.
[xii] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr.294.
[xiii] Có nơi ghi «một hồn thu lạnh»; chúng tôi theo bản Vũ Ngọc Phan.
[xiv] Có nơi ghi «bơi lội, bơi lặn».
[xv] Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr.130.
[xvi] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr.296.
[xvii] Trên ý này, nhà thơ Vũ Hân, đã mất , có bài Mai nguyệt hành hay:

Đêm qua chú lái tự thiên thai
Quảy một bồ trăng chiếu dặm dài
Trăng Tống, trăng Đường, trăng Chiến Quốc
Trăng Chu, trăng Hán, trăng Liêu Trai

(…) Tiếc thay chú lái còn non vốn
Không tậu Hằng Nga ở nguyệt đài…

(…) Nặng quẩy về đâu ? đường cát bụi

Mua trăng mấy kẻ dạ gương soi ?
Bán quách cho ta cho nhẹ gánh
Để ta hòa rượu được dăm chai.
Rồi ta mở tiệc mời người đến,
Chén chú chén anh khướt nhịp hài (…)
(Diễm Trang, Huế, 1956)
[xviii] Quang Dũng, Nhà đồi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1983, tr.116.
[xix] Nửa đêm sực tỉnh, sđd, tr.23 .










Vần Thơ Sầu Rụng
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/van-tho-sau-rung-mai-huong.fmvlRWZof1.html

Nhạc Phạm Duy, Thơ Lưu Trọng Lư, tiếng hát Mai Hương














Chân dung và đối thoại - Bài 03: Lưu Trọng Lư



Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét thật chuẩn xác:Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh, và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bõm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn,

Còn về con người Lưu Trọng Lư, thiết tưởng cũng chẳng có ai hiểu ông hơn Hoài Thanh: Cả đời Lư cũng là một bài thơ, nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết.

Quả đúng vậy, và nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó chính là Tiếng thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô...

Bài thơ vẻn vẹn có 9 câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn lại so le, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khểnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen thói bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ Đầu Ngô mình Sở. Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về, tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tí nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông:

Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ

ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng, người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chứ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi thế, người đọc cũng phải dùng hồn để chiêm ngưỡng nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo. Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này. Có người còn viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khoá mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này. Bằng cách vận dụng thi pháp, có người cho đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn không có sự chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên bài thơ có 9 câu mà đã có đến ba câu điệp Em không nghe:

Em không nghe mùa thu
Em không nghe rạo rực
Em không nghe rừng thu...

Em không nghe, còn anh thì nghe thấy hết. Nghe thấy hết mà không nói ra được. Đây là cuộc đối thoại mà kẻ đối thoại lại ẩn sau sự câm lặng. Hoặc giả em cũng đã nghe thấy, nhưng anh vẫn hỏi như vậy, nghĩa là anh không hiểu em. Đằng nào thì cũng vẫn cứ là thiếu niềm đồng cảm. Một bên thì thổn thức, rạo rực, kêu xào xạc, một bên thì không nghe, không nghe, không nghe, cả con nai ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, nghĩa là nó cũng không nghe nôt. Hiểu một cách sống sít như thế thì thật thô thiển. Nhà phê bình đã kéo những đám mây ngũ sắc đang bay bảng lảng trong không trung, rồi rải xuống đường làm rơm rạ lót chân, và như thế còn đâu cánh rừng thu, tâm hồn thu cho con nai vàng trú ngụ. Mấy câu điệp khúc ấy thực chất chỉ để tạo giai điệu rất đặc biệt cho bài thơ này. ở đây, nhạc điệu cũng là một phần nội dung chính làm nên hồn vía bài thơ. Còn ở góc độ khác, cũng nhìn bằng con mắt lý trí, có người còn cho rằng đây là bài thơ Lưu Trọng Lư thâu cóp của nước ngoài. Thực tế trong bếp núc sáng tác, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bình luận còn viện cớ rằng: Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng. Đấy là rừng châu âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm. Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: Rừng thu rừng biếc chen hồng? Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác? Ơ hay, Lưu Trọng Lư có nhìn thiên nhiên bằng con mắt thịt đâu! Lại phải mời Hoài Thanh về làm luật sư bào chữa cho ông thôi: Trong thơ Lư, nếu có cả chim kêu, hoa nở, ta cũng chớ tin. Hay ta hãy tin rằng tiếng ấy, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng. Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ 20, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội mà người cứ mơ màng thấy mìn gò ngựa ở những chốn xa xăm nào

Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non. Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời...







 Sách tham khảo:

Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam. Nhà xuất bản Văn học in lại năm 1988.
Nguyễn Văn Long, mục từ Lưu Trọng Lư trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.


Chú thích 

^ Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Hoài Thanh-Hoài Chân








KIỀU THANH QUẾ VIẾT VỀ TẬP “TIẾNG THU”


[….]
Giá trị của bài “Tiếng thu” này, là ngoài việc [chấm] phá được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt, còn tượng trưng được một bức họa chấm phá, một bưc thủy mặc Tàu, hay một tấm Kakemono Nhựt cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa “Tiềng thu” của Lưu Trọng Lư.
Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập “Tiếng thu”.

(1) Oku-yama ni
(2) Momiji fumi wake
(3) Naku shika no
(4) Koe kiku tokizo
(5) Aki wa kamshiki

Bài thơ Nhựt ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó, viết nên bài “Tiếng thu” rồi.
Vậy để làm quà cho những bạn đọc hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy:

Bản Pháp văn I
(1) Au coeur de la montagne
(2) Fouland l’ érable qu’ il écarte
(3) Le cerf gémit:
(4) Et à l’ écouter, jamais
(5) L’ automne ne m’ a pesé plus triste !

Bản Pháp văn II
(5) Combien triste est l’ automne
(4) Quand j’ entends la voix
(3) Du cerf qui brâme
(2) En foulant et dispersant les feuilles des érables
(1) Dans les profondeurs de la montagne !

KIỀU THANH QUẾ
“Tri tân”, Hanoi, N. 138 (April 1944)






Về bài thơ Tiếng thu: của Lư hay của Sarumaru?


Có một lần ở tại nhà trọ của Lư phố Hàm Long tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư:
-Lư ơi, bài thơ Tiếng thu có phải thật của cậu không?
Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư “cười như nắc nẻ”:
-Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à?
-Thế Lữ làm gì nổi một bài thơ như thế.
- Nhưng tao có đọc một bài thơ của một thi sĩ Nhật Bản, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là Tiếng thu.
Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy:
- Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không?
Huy bảo tôi:
-Bài thơ Nhật như thế nào?
-Mày muốn chép, tao đọc cho chép. Đây là một bài Tanka nổi tiếng:

Oku yama ni
Momoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku toki zo
Aki wa kanashiki

Tác giả là Sarumaru, thế kỉ VIII.

Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette):

Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne.

- Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed. Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật:

Aux profondeurs de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
Dịch đúng nghĩa ra Việt văn:
Trong núi rừng sâu
Ta nghe tiếng xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Ôi buồn làm sao!
Bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư!
Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Lưu Trọng Lư cãi liền:
- Bài của tao còn đoạn trên:
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Tôi cười:
- Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
- Mới đây.
- Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để tương đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
- Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp nhau!)
Lưu Trọng Lư cũng biết rằng Lư nổi tiếng là nhờ bài này, nên anh lấy tựa đề bài thơ Tiếng thu làm nhan đề cho quyển thơ của anh.
Nhân vụ này, tôi cũng cho Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Huy biết là câu thơ “Yêu là chết trong lòng một tí” của Xuân Diệu, là lấy nguyên vẹn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi kí Sur la route mandarine:
Partir c’est mourir un peu
(Đi, là chết trong lòng một tí).
Chỉ đổi động từ Partir thành Yêu mà thôi.

Cũng như tất cả những truyện ngắn của Đoàn Phú Tứ trong tập truyện Những bức thư tình, đều dịch ra từ các truyện của các nhà văn Pháp: Jules Renard, Courteline, P. Benoit, Secha Guitry.
Đoàn Phú Tứ dịch hẳn ra Việt văn, chứ không phải phóng tác, hay “phỏng dịch”, mà anh ta lờ luôn “xuất xứ”, tự đề tên tác giả là Đoàn Phú Tứ?
Cũng hôm ấy, Nguyễn Xuân Huy và Lưu Trọng Lư bảo tôi viết một bài trong Hà Nội báo, phê bình tập truyện của Đoàn Phú Tứ, với câu kết luận là “trả lại César cái gì của César”. Bài đó có đăng hai trang Hà Nội báo của Lê Tràng Kiều.

Nguồn: Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ, NXB Khai Trí, 1969









Phạm Duy & Lưu Trọng Lư
Lúc còn trai trẻ
















 
Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư và các con








(Trái) Lưu Trọng Ninh, Lưu Trọng Khải, Lưu Trọng Văn,
Lưu Ý Nhi bên tượng gốm Lưu Trọng Lư


























Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.