Trần Mộng Tú
(19/12/1943 - .....) Hà Đông
Nhà thơ, nhà văn
Nhà thơ, nhà văn
TRẦN MỘNG TÚ,
NHÀ THƠ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN VÀO SÁCH GIÁO KHOA MỸ
QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh.
Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai màu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng.
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu.
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương.
Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời.
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động.
Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.
Tháng 7-1969
GIẤC MƠ HÒA BÌNH
Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo.
Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh.
Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương.
Từ khi em ra đời
Từ khi có trí khôn
Em thấy toàn chém giết
Em thấy toàn máu xương.
Từ khi em biết nghe
Từ khi em biết nói
Toàn những lời giả dối
Toàn những lời hứa suông.
Từ khi em biết yêu
Từ khi em biết nhớ
Anh đã dặn đợi chờ
Rồi anh không về nữa.
Ôi giấc mơ khờ khạo
Ôi giấc mơ hòa bình
Xây giữa lòng tham bạo
Chết trước khi thành hình.
Ôi lòng non bé nhỏ
Như giấy trắng thơm tho
Vết mực đen loang lổ
Làm hoen ố hồn thơ.
Em đã biết giận thù
Biết cuộc đời dối trá
Trang nhất nói hòa bình
Trang tư toàn cáo phó.
Em không còn bồng bột
Tin những lời đầu môi
Em bắt đầu tỉnh ngộ
Thì đã mất anh rồi.
Ôi giấc mơ hòa bình
Anh trả bằng sự sống
Em trả bằng tủi hờn
Bằng một đời đơn độc.
Tháng 7-1969
Trần Mộng Tú (1943-) sinh tại Hà Đông, di cư vào Nam năm 1954. Là thư ký cho hãng thông tấn Associated Press ở Sài Gòn giai đoạn 1968-1975.
Sang Mỹ định cư từ 1975.
Sang Mỹ định cư từ 1975.
Thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
Trần Mộng Tú viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000 và thơ được dịch sang Anh ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học.
Trần Mộng Tú vừa là tên và bút hiệu. Đã có nhiều tác phẩm thơ được phổ nhạc, trong số đó có Gọi anh mùa xuân với nhạc sĩ Anh Bằng, Kiếp sau và Chia tay với nhạc sĩ Nhật Ngân, Quán lạ với nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo.
Đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California (Oct.2002 - Oct.2005)
“Có thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại. Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Ðầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực như chính ngôn ngữ của cô; hay đúng hơn, ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như tình yêu của cô: vừa phải, chừng mức, nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị. Thơ Trần Mộng Tú là thơ tình. Thứ tình rất keo sơn, thủy chung. Thứ tình bất tận. Tình yêu quê hương. Tình yêu gia đình. Tình yêu đôi lứa và đặc biệt, tình yêu đối với cuộc đời, dù với bao cay đắng, phũ phàng. Trần Mộng Tú luôn ca tụng lẽ thiện và niềm hạnh phúc chung cho con người, nhưng không thù ghét cái ác, người ác. Thơ cô là biểu tượng lòng bao dung tha thứ của một người mẹ, một người chị, một người em gái, mở rộng vòng tay đối với những sai lầm, man trá, tàn ác.
(Vĩnh Bảo)
Tác phẩm:
1
Thơ Trần Mộng Tú
(Nxb Người Việt, tập thơ, 1990)
2
Câu Chuyện Của Lá Phong
(Nxb Người Việt, tập truyện ngắn, 1994)
3
Để Em Làm Gió
(Nxb Thế Kỷ, tập thơ, 1996)
4
Cô Rơm và những truyện ngắn khác
(Nxb Văn Nghệ, tập truyện ngắn, 1999)
5
Ngọn Nến Muộn Màng
(Nxb Thư Hương, tập thơ, 2005)
6
Mưa Sài Gòn Mưa Seattle
(Nxb Văn Mới, tạp văn, 2006)
7
Nxb Văn Mới, tập truyện ngắn 2009
8
Thơ tuyển Trần Mộng Tú
(Tác giả xuất bản, 2009)
9
The Defiant Muse
(The Vietnamese Feminist Poems)
nhà xuất bản The feminist Press và The Women's Publishing House Hanoi, Vietnam.
10
An Anthology Of Vietnamese Poems - From the Eleventh through the twentieth Centuries
Huỳnh Sanh Thông dịch
nhà xuất bản Yale University Press- New Haven and London
Những bài thơ được phổ nhạc
(nhạc Phạm Anh Dũng)
(nhạc Phạm Anh Dũng)
(nhạc Hoàng Quốc Bảo)
(nhạc Nam Lộc)
(nhạc Anh Bằng)
Nhân Chứng
(nhạc Vũ Tiến Dũng)
Chia Tay
(nhạc Nhật Ngân)
Kiếp Sau
(nhạc Nhật Ngân)
Thanh Xuân
(nhạc Nguyễn Tuấn)
Mùa Thu Paris
(nhạc Nguyễn Minh Châu)
Đọc thơ Trần Mộng Tú
***
tháng tư quê hương tôi
Tháng tư quê hương tôi
Con chim chết cháy trên ngọn cây
Con bướm chết cháy giữa bông hoa
Mẹ già chết cháy trong góc chợ
Em thơ chết cháy cùng căn nhà
Tháng tư quê hương tôi
Máu chảy ngoài quốc lộ
Máu kéo vào thành phố
Chiếc nón sắt vùi dưới mương
Đôi giày saut vứt trên bãi cỏ
Tháng tư quê hương tôi
Có người lính quay súng bắn vào đầu
Có ông vua chạy trốn ngai vàng
Có ông tướng quên mình là tướng
Chưa kịp đánh đã hô to "tan hàng"
Tháng tư quê hương tôi
Những nụ hôn mặn chát
Những giọt lệ khô
Những chiếc thuyền ra cửa biển
Những cánh tay gãy trong hàng rào tòa đại sứ
Tháng tư quê hương tôi
Một vết đen lịch sử
***
Trăng Ðất Khách
Những đêm trăng sáng tôi không ngủ
Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương
Ngày về sao bỗng xa xăm quá
Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.
Vườn xưa lối cũ trăng còn sang
Thềm vắng còn ai đứng đợi chờ
Ngôi nhà thân mến ai đang ở
Có còn đầm ấm khói hương xưa
Bạn cũ bây giờ ở chốn nao
Ngửng mặt nhìn trăng dạ có sầu
Chén trà có mặn đôi giòng lệ
Ngậm ngùi có khẽ gọi tên nhau
Còn dòng sông nữa đêm biệt ly
Tôi đã cùng sông khóc hẹn về
Trăng nước thân yêu còn lắng đợi
Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi
Ôi trăng đất khách làm tôi khóc
Quê hương càng nhớ lòng càng đau
Liệu tóc còn xanh ngày trở lại
Quê người lưu lạc đến bao lâu!
***
có phải tôi không
có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không?
ô hay tại sao tự nhiên tôi nhận
sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu góa phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi
ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang
sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô trần thị chiến tranh.
***
mưa seattle
Đêm qua trở gối nghe mưa
Tình như chăn hẹp không vừa ấm tôi
Kéo hoài vẫn hụt một nơi
Tôi co phận mỏng buông rơi đóa sầu
Sáng nay ra phố gội đầu
Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
Cong tay hứng hạt mưa sa
Mưa đan mắt lưới xóa nhòa chỉ tay
Tình ơi không ghé về đây
Sầu tôi trăm nhánh tóc gầy rẽ vai
Tôi đi dưới mưa nguyên ngày
Dỗ hồn lá mục trách cây vô tình
(Dec. 96)
***
người câu ở sông nào
Tôi máng nỗi buồn nhẹ
Trên một sợi dây cung
Chữ nhẹ có dấu nặng
Nên sợi dây cung chùng
Tôi gánh nỗi buồn nặng
Trèo lên một đỉnh đồi
Lưng chừng nỗi buồn ngã
Lăn xuống đáy hồn tôi
Tôi quấn nỗi buồn cong
Vào vòng tròn cuộc sống
Chữ cong không có dấu
Nỗi buồn như nỗi không
Buồn tôi như dấu sắc
Ngắt câu rất mơ hồ
Đặt vào không đúng chỗ
Nên nỗi buồn làm thơ
Buồn tôi như chữ tình
Ai viết trên lưng gió
Dấu huyền sẽ bay đi
Căn lều tôi cửa ngỏ
Có người níu áo hỏi
Dấu nỗi buồn ở đâu?
Dấu hỏi như dấu móc
Buộc đầu sợi dây câu
Tôi là con cá nhỏ
Người câu ở sông nào?
(3/99)
***
Quà Tặng Trong Chiến Tranh (a)
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh
Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai mầu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động
Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.
(Tháng 7/ 1969)
***
The Gift In Wartime
Tran Mong Tu
Translated by Vann Phan
I offer you roses
Buried in your new grave
I offer you my wedding gown
To cover your tomb still green with grass.
You give me medals
Together with silver stars
And the yellow pips on your badge
Unused and still shining.
I offer you my youth
The days we were still in love
My youth died away
When they told me the bad news.
You give me the smell of blood
From your war dress
Your blood and your enemy's
So that I may be moved.
I offer you clouds
That linger on my eyes on summer days
I offer you cold winters
Amid my springtime of life.
You give me your lips with no smile
You give me your arms without tenderness
You give me your eyes with no sight
And your motionless body.
Seriously, I apologize to you
I promise to meet you in our next life
I will hold this shrapnel as a token
By which we will recognize each other.
***
Giấc Mơ Hòa Bình (a)
Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo
Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh
Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương
Từ khi em ra đời
Từ khi có trí khôn
Em thấy toàn chém giết
Em thấy toàn máu xương
Từ khi em biết nghe
Từ khi em biết nói
Toàn những lời giả dối
Toàn những lời hứa suông
Từ khi em biết yêu
Từ khi em biết nhớ
Anh đã dặn đợi chờ
Rồi anh không về nữa
Ôi giấc mơ khờ khạo
Ôi giấc mơ hòa bình
Xây giữa lòng tham bạo
Chết trước khi thành hình
Ôi lòng non bé nhỏ
Như giấy trắng thơm tho
Vết mực đen loang lổ
Làm hoen ố hồn thơ
Em đã biết giận thù
Biết cuộc đời dối trá
Trang nhất nói hòa bình
Trang tư toàn cáo-phó
Em không còn bồng bột
Tin những lời đầu môi
Em bắt đầu tỉnh ngộ
Thì đã mất anh rồi
Ôi giấc mơ hòa bình
Anh trả bằng sự sống
Em trả bằng tủi hờn
Bằng một đời đơn độc
(Tháng 7/1969)
(a) Được Vann Phan dịch ra Anh văn, đưa vào sách giáo khoa dạy ở bậc Trung học Mỹ.
Văn
LỐI XƯA XE NGỰA
Mẹ tôi kể, cuối năm 1943, ảnh hưởng đảo chính Nhật, gia đình tôi phải tạm tản cư từ Hà Nội ra ngoài thành phố; lúc đó mẹ tôi đang có mang tôi sắp tới ngày sanh, mẹ được chở trên một chiếc xe bò có lót rơm, vào Hà Đông thì tôi được sanh ra trên xe bò, nên trong giấy khai sanh, nơi sanh là Hà Đông (đáng nhẽ tôi phải được đặt tên là Rơm mới đúng.)
Trong gia đình, các anh chị em tôi đều được đi xe tay, xe kéo, đến nhà thương (lúc đó chưa gọi là bệnh viện) ra đời ở Hà Nội, duy chỉ có mình tôi được sanh trên xe rơm do hai con bò chở. Như vậy xe bò là phương tiện di chuyển đầu tiên tôi được dùng. Về sau mẹ lại kể, vào năm 1946 vẫn loạn lạc, gia đình tôi chạy từ Hà Nội về Thái Bình; lúc đó, cô út mới 5 tháng, còn đỏ hỏn, tôi mới hai tuổi, mẹ tôi phải thuê người gánh tôi và cô út trong hai cái thúng. Còn anh chị tôi thì một người mẹ dắt, một người bố dắt. Phương tiện di chuyển thứ hai của tôi là được gánh bằng thúng.
Tôi lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, trưởng thành ở Sài Gòn, những chiếc xe kế tiếp tôi được đi là: xe đạp, bus, xích lô đạp, taxi, xe đò, xe lam, xe thổ mộ, xe gắn máy (chỉ ngồi sau lưng tài xế) và phà. Mỗi phương tiện di chuyển này đều để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào.
Thuở mới lên mười tập xe đạp với bạn, đầu gối, khuỷu tay lúc nào cũng rớm máu, sây sát vẫn hẹn hò tập nữa, chưa đi giỏi đã chở nhau, ngã lên ngã xuống. Chao ôi, là hạnh phúc!
Xe bus tôi đi ở thời gian trung học, lúc nào cũng bị dồn vào một góc xe, không nhìn thấy trạm xuống. Nhưng đi trên xe bus tôi học được nhiều điều qua những nét mặt của từng người. Nét mặt, nụ cười hồn nhiên của học trò, nét băn khoăn của giới công, tư chức, nét mệt mỏi của những người lao động. Tất cả chen chúc, hối hả lên, hối hả xuống. Tôi hay ngoái cổ nhìn theo những cái lưng vừa được thả xuống lề đường. Có cái lưng lấm tấm, có cái lưng ướt đẫm mồ hôi. Tôi cũng thích di chuyển bằng xích lô đạp lắm, thong thả và thoáng. Nắng quá có mui kéo lên, mưa có cánh gà thả xuống. Xích lô đạp không bí và ngột ngạt mùi xăng như taxi. Taxi ở Sài Gòn hồi đó là những chiếc xe nhỏ, cũ, của hãng Renaul, lúc nào cũng ngộp mùi xăng. Tôi nhớ lại, có lần các cô học trò mới lớn, ngồi nói chuyện “người chồng lý tưởng” với nhau. Mỗi người chọn một ông chồng tiêu chuẩn đẹp trai, con nhà gia giáo, hoặc “phải có danh gì với núi sông.” Tôi nói một cách hồn nhiên: “Tao xí ông xích lô đạp, để chở tao mỗi ngày.” Cả nhóm bạn cười ầm lên: “Nhỏ này ngu, cứ có tiền là có xích lô đi, việc gì phải lấy anh phu xe.” Sau thấy anh xích lô ở trong ngõ gần nhà, có hai vợ, anh đi làm về, uống rượu, và đánh cả hai bà vợ quá xá, tôi đâm hoảng, không dám tuyên bố dại dột nữa. Không dại dột mơ ông xích lô hay đánh vợ, nhưng khi trưởng thành đã đi làm, vẫn thích đi xích lô đạp. Nhà tôi ở Thị Nghè, văn phòng hãng thông tấn Associated Press ở lầu 4, trong khu thương xá Eden. Ông xích lô tháng của tôi ở Thủ Đức, sáng sáng ông lên đón tôi, thả tôi xuống Nguyễn Huệ, ông đi kiếm khách nguyên ngày, chiều về ghé đón. Có hôm tôi đi chơi với “bồ” thì ông về xe không.
Xích lô máy tôi sợ lắm, đi thử một, hai lần rồi. Bay nón, bay tóc, bay áo, và có thể bay luôn cả linh hồn xuống đường.
Thuở bắt đầu có hẹn hò, đưa đón, thích nhất được ngồi sau Vespa hay xe Honda của các chàng. Ngồi mà không dám ngồi sát, hai chân về một phía, khi mặc robe còn phải hai chân để chồng lên nhau; nếu chưa thân lắm, phải giữ một khoảng cách với cái lưng đằng trước, không dám ngồi thật sát, nên có khi suýt ngã mỗi lần xe quẹo hay xe ngừng.
Những con đường Sài Gòn ngày đó không chen chúc quá đáng, có những đường đôi khi còn vắng bóng xe, thỉnh thoảng mới có xích lô đạp đi vào như đường Cường Để, Đồn Đất. Mọi người, mọi vật thong thả, đám mây trên cao cũng thong dong trôi.
Xe lam, thỉnh thoảng chờ taxi hay xích lô đạp mãi không được, cũng trèo lên xe lam. Xe lam không cần đến bến, không có bảng đậu như xe bus, miễn mình biết đường đó có xe lam chạy, cứ chờ xe đi qua, vẫy tay xe còn chỗ sẽ ngừng lại cho lên, muốn xuống, cứ ơi ới kêu tốp tốp, là được thả xuống. Nhưng đi xe lam chẳng thấy nên thơ tí nào cả.
Xe thổ mộ thì tuyệt vời, không phải ở đâu cũng có. Sài Gòn không có xe thổ mộ đã lâu lắm rồi. Tôi nhớ chỉ một hai năm đầu vào Nam thấy xe thổ mộ đưa các bà đi chợ. Sau này mỗi lần từ Sài Gòn xuống Bình Dương, tôi được đi xe thổ mộ từ bến xe đò Bình Dương về nhà dì tôi ở đường Châu văn Tiếp, quá miếu tử trận một chút. Tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên đường nghe hay lắm, lúc đó chẳng biết diễn tả thế nào, âm thanh khô và dứt khoát, xe đi dọc bờ sông Bình Dương (do sông Bé chẩy qua tỉnh), đường xá rộng, xe ít, người thưa, gió từ sông thổi lên, chiếc xe lắc nhẹ như đưa võng, thỉnh thoảng nghe tiếng roi của người xà ích quất nhẹ vào mông ngựa. Cái cảm giác cô gái tỉnh thành được về quê chơi, cái gì cũng thấy hay, cũng lạ tai, lạ mắt, cũng đẹp. Xe đưa về đến sát hàng rào nhà dì tôi, nhìn thấy cái giếng nước trong sân mới phải nhẩy xuống. Thời niên thiếu quê nhà, chao ơi, làm sao tả!
Tôi cũng thích được đi qua phà. Một người bạn thân của anh tôi, hồi đó hay cho tôi qua phà Thủ Thiêm chơi. Những hôm trời mưa lâm râm qua phà trên sông Sài Gòn thấy mênh mông, buồn và đẹp làm sao! Mới lớn mà, anh hơn tôi đến bảy, tám tuổi. Chắc anh cũng còn nhớ mãi kỷ niệm những lần dắt tay một cô bé qua phà. Rồi những dịp hè, (trước 1963 đường sá còn yên ổn) chị em tôi được cha mẹ cho đi xuống tận Bạc Liêu, nơi cô chú tôi ở, phải qua hai cái bắc: bắc Mỹ Thuận và bắc CầnThơ. Tôi yêu cái không khí nhộn nhịp, khi xe đò đậu lại, chờ sang phà. Tiếng rao của các hàng quà bánh, hình ảnh của những người bán hàng, khăn rằn vắt vai, hay nón lá đội đầu; những thúng, những rổ đựng: ổi xá lị, ốc gạo, mía ghim, xoài, cóc, thơm v.v, sao mà đẹp thế! Sau năm 1963 cha mẹ chúng tôi không cho con đi xe đò xa nữa, vì đường sá bắt đầu bất an. Bây giờ, ngồi đây, nhớ lại cái cảnh đất nước thái hòa đó vẫn ứa nước mắt.
Nhưng chuyến về Việt Nam vừa qua, cho tôi một cái nhìn về giao thông hoàn toàn đổi khác.Trước tiên Sài Gòn là nơi dân quê cả ba miền tụ về kiếm sống. Càng đông người, càng nhiều việc, người tăng thì xe cộ tăng theo, gần như 90% gia đình có xe gắn máy, gia đình năm người, thì cũng phải cần đến ba cái xe gắn máy, để sáng ra đi làm, mỗi người về một hướng.
Trước khi lên xe gắn máy, ai cũng cần có kính râm, khẩu trang, nón sắt, găng tay, nếu phụ nữ mặc áo ngắn tay thì găng lên đến cùi chỏ, em bé đi theo còn có một tấm voan trùm đầu che bụi. Người Sài Gòn gọi đó là “võ trang đến tận răng”. Dân số Sài Gòn hiện nay theo thống kê chính thức là 8.5 triệu, nhưng người ta cộng thêm số người chưa kiểm soát được có thể lên đến 10 triệu. Chỉ cần tưởng tượng hai phần ba số người đó, sáng sáng túa ra đường bằng những chiếc xe gắn máy. Tiếng nổ của xe, rung cả mặt trời vừa thức, khói từ những ống bô bay ra làm ô nhiễm đám mây đầu tiên vừa nhìn thấy, và con người phải đón nhận ngay tiếng động đó vào đầu, đám khói đó vào phổi như bắt đầu của một ngày dài.
Nếu đứng trên một sân thượng nhìn xuống đường phố, Sài Gòn và Hà Nội không khác nhau mấy, cái khác biệt chỉ là tỷ lệ ngắn, dài, rộng, hẹp, còn cả hai đều giống như từng con kinh khổng lồ chở theo nó một đám rác rất ngoạn mục. Những hình tròn của nón sắt nhìn từ trên cao xuống như những cái lá lục bình to đủ màu, những càng xe như những khúc củi cong, bập bềnh trôi, người xếp lớp như châu chấu, muốn chồng lên nhau, chân tay ngọ ngoạy, cả bốn hướng đâm sầm vào nhau. Trên cái khối sắt có hai càng đó, một con châu chấu ốm yếu chở năm con heo bó chặt trong rọ, hai con rọ ôm đằng trước, ba con rọ nằm đằng sau; hay châu chấu chở nguyên cái tủ lạnh nhỏ còn trong thùng, một tay cầm ghi, một tay ngược ra sau lưng đỡ; hoặc châu chấu chở một lúc bốn vòng hoa tang, xếp theo chiều dài của hai bên xe, không nhìn thấy thân mình đâu cả, chỉ thấy hoa tang lừng lững đi, như đi vào nghĩa trang; có khi châu chấu chở nguyên một gian hàng bán bát đĩa Bát Tràng, thúng trước, rọ sau, chẳng bao giờ rơi vỡ; châu chấu còn chở một cửa hiệu bán quần áo, với gọng, với móc che kín mít thân mình, chỉ thấy những miếng vải xanh đỏ, bay bay, lạ và đẹp lắm! Kinh hoàng hơn nữa, châu chấu bố, châu chấu mẹ, châu chấu con và ngay cả châu chấu sơ sinh, tổng cộng năm mạng chở nhau trên cái khung sắt đó, mẹ châu chấu bình thản cho con bú trong khi cái khung sắt cứ nhúc nhích. Giữa cái con kinh chở đám rác bập bềnh đó, chợt xuất hiện một cái xe hơi, cái xe của ai nhỉ? Xe hiệu Ferrari hay Lamborghini (giá trung bình từ 198 ngàn đến 320 ngàn Mỹ kim; nhập vào Việt Nam đánh thuế gấp ba lần). Cái xe hơi hào nhoáng đó thản nhiên nhúc nhích quay đầu quẹo chữ U giữa dòng xe gắn máy. Bỗng tất tả ở đâu đến một bà áo cánh vá, quần đen ống thấp, ống cao, hai bàn chân nứt nẻ trong đôi dép nhựa bẩn thỉu, gánh một đôi quang mỗi bên vài bó rau, hai, ba nải chuối, mấy củ hành, bà cũng thản nhiên đứng nhúc nhích cản trước chiếc xe hơi, bà muốn qua đường. Bà đâu có biết xe của ai, mang nhãn hiệu gì, bao nhiêu tiền? Cản trở của xe tải hay xe hơi hào nhoáng đối với bà cũng như nhau, bà chỉ cần băng qua bên kia đường bán mấy nải chuối, hình như có một người đang gọi mua.
Băng qua đường là cả một nghệ thuật, du khách không có kinh nghiệm, không dám sang đường một mình. Phần nhiều ở ngã tư không có đèn xanh, đèn đỏ và nếu có chẳng thấy ai tuân theo luật giao thông. Xe không bao giờ ngưng lại cho người đi bộ. Người sang đường phải tự hiểu: bước xuống, băng sang, đi chậm, nhưng không rụt rè, cố nhìn vào mặt người lái cái xe như đang muốn tông vào mình, thực sự, khi hai người nhìn thấy nhau, người lái xe sẽ nhường cho mình bước thêm một bước, rồi nhích được một bước, khách bộ hành phải nhìn kế tiếp vào cái xe vừa chạy tới; cứ thế, vừa bước vài bước vừa nhìn. Không rụt rè, không chạy, và nhất là không được hốt hoảng chạy ngược lại lề đường.
Xe phun khói tự nhiên, nhúc nhích rất chậm, nhất là vào giờ “tan tầm” Bạn có nhìn thấy đàn tầm trong cái nong nhúc nhích bao giờ chưa? Nếu chưa, thì chịu khó về Hà Đông ở miền Bắc nhìn đi, cái con kinh xe cộ này, giống như cái nong tầm vậy: đông đúc, lúc nhúc và nhúc nhích rất chậm. Nhưng những chiếc xe nhúc nhích rất chậm đó, thực sự nó đang chở trên nó những con người tất bật lăn xả vào xã hội, giành giựt từng mảnh đời sống hàng ngày.
Đó là một bức tranh nhìn xuống từ một căn nhà bảy từng, chiều ngang ba thước, chiều sâu sáu, bảy thước. Những ngôi nhà như thế này, rất nhiều ở Hà Nội và Sài Gòn, vì giá đất rất cao, được tính bằng vàng. Người Việt ở hải ngoại không cách nào hiểu được tại sao mỗi mét vuông đất giá đến năm sáu cây vàng. (Mỗi cây khoảng một ngàn Mỹ kim).
Vì xe luôn luôn kẹt cứng, nên không chạy nhanh được, không có tai nạn xe gắn máy khủng khiếp xảy ra trong thành phố giữa ban ngày, chỉ có sây sát, cọ xước. Tai nạn khủng khiếp chỉ xẩy ra ở ngoài quốc lộ, đường đi xuyên tỉnh, nơi tài xế có thể chạy quá tốc độ. Ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ, xe gắn máy kiếm cơm ban ngày đã được cất vào nhà, hoặc khóa lại, nằm trên lề đường, trước các khách sạn, là lúc các con ông lớn, các con đại gia mang xe gắn máy “hàng xịn” ra đua. Lúc đó tai nạn sẽ xảy ra, sống chết chỉ là trò chơi tìm cảm giác mạnh của các quý tử.
Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ không còn ai nói đến chữ “thong thả” nữa. Cái tất bật của họ khác với cái tất bật của Âu, Mỹ. Người Âu, Mỹ chọn cái tất bật, trong khi họ có thể chậm lại. Người Việt bây giờ bị cuốn vào tất bật, không ra được nữa rồi. Chậm lại có nghĩa là thất bại, là bỏ cuộc.
Nhưng những chiếc xe trong thành phố vẫn nhúc nhích rất chậm, chở trên nó một đàn châu chấu ùa ra từ một cánh đồng vô tận, vết chân của nó cào xuống mặt đường, sẽ để lại những dấu tích vào những trang ký sử sau này.
tmt
Thăm quê, tháng 1/2010
*Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo-Bà Huyện Thanh Quan
Ngã tư ơi, có lệ rưng rưng
Trần Mộng Tú
Anh ạ, hôm nay đất trời vẫn còn rất mới, lịch trên tường còn thơm mùi giấy, gió ở đây vẫn trốn trong cây, nóc nhà trắng xóa như trong tranh vẽ. Buổi sáng em ra đường, gặp ông già cũ bán hoa ở ngã tư, râu tóc ông cũng trắng xóa như trong tranh vẽ, tay ông cầm chùm hoa đỏ, từng bông hồng gói trong giấy bóng nhỏ, ông mời khách qua đường. Chẳng ai nhìn thấy hoa, chỉ thấy một ông già, những chiếc xe đi qua, chẳng chiếc nào ngừng lại đón nhận một đóa hoa.
Ông già đứng đó tự bao giờ, ngã tư quen đi vào cổng chợ, có hôm em gặp ông, thấy như mình gặp bạn, có hôm em không gặp, thấy nhớ hai bàn tay cũ kỹ và những bông hoa màu đỏ. Ðồng tiền trong túi em cũng nhớ những ngón tay thô.
Ông nói với mọi người, lời chúc mừng năm mới. Ông thì rất cũ kỹ, cái nón và bộ râu, bàn tay và vai áo tất cả đều cũ nhàu, nhưng nụ cười của ông mới như ngày tháng mới.
Anh ạ, với em ông già đó lúc nào cũng mới, ông luôn luôn làm ấm một ngã tư, ông tặng nụ cười cho những người ngồi trong xe đang giận dữ hay đang buồn phiền, có những chiếc xe chỉ dừng lại để chờ đèn, nhưng vẫn nhận được nụ cười không tính toán.
Ðôi khi em bâng khuâng tự hỏi, tối nay ông ngủ ở đâu, hoa bán không hết ông sẽ cất ở chỗ nào, hay ông có ôm hoa cùng ngủ dưới một gầm cầu.
Gió ơi đừng thổi nữa, tuyết ơi đừng nhuộm trắng râu ông.
Những chiếc xe cứ đi qua, ngày tháng cứ đi qua, mùa xuân rồi mùa hạ mùa thu cứ đi qua, đông về trắng phố, trắng nóc nhà. Thành phố có khi thay đổi, con đường đôi khi bỗng mất một hàng cây, đôi khi một cao ốc được dựng lên. Mọi việc chung quanh ông xoay tròn, đổi mới, ông già vẫn cũ kỹ và vẫn hay đứng đó, ngã tư này như thuộc của riêng ông.
Con phố ơi, đừng bỏ ta đi.
Anh ạ, em biết ở một góc khuất lấp nào đó, dưới gầm cầu, hay dưới chân xa lộ, ông già cũng có một chỗ riêng cho mình, em cũng đoán ông không hay dọn nhà, dù là nhà của một “kẻ không nhà” vì đã lâu lắm rồi ông chỉ đứng ở một ngã tư này và ông bán những bông hoa đỏ, tặng thêm những nụ cười. Ông rất cũ và nụ cười rất mới.
Anh ơi! Chiếc xe nào đi qua, chiếc xe nào dừng lại, bàn tay nào đưa ra, nhận bông hồng trao lại. Hoa rất mới và đồng tiền rất cũ.
Ngã tư ơi, có lệ rưng rưng!
Vườn Măng Cụt
Trần Mộng Tú
Người con gái ra đón ông Thành ở ngay khu đậu xe của chung cư. Cô hồn nhiên nắm tay ông, cái nắm tay không phải dắt ông cho khỏi vấp ngã, nhưng tỏ sự thân tình. Cô vừa đi vừa nói:
- Lâu quá rồi bác cháu mình không gặp nhau. Con xem đồng hồ áng chừng giờ bác đến, thế mà đúng. Con vừa ra chưa được năm phút đã nhìn thấy xe bác rẽ vào. Bác trông còn khỏe quá!
Rồi cô thấp giọng. “Mẹ con đang chờ bác.”
Ông Thành nhìn cô con gái của bạn, nhớ lại ngày cô còn bé tí, nay đã gần bốn mươi rồi, không trách mình già. Ông xiết chặt tay cô, nhớ đến người đã đi biền biệt.
Ông Thành là bạn thân từ thời còn rất trẻ của cha mẹ cô, ông là bạn học của ông Lâm từ thời trung học. Họ cùng trưởng thành, ra đời làm việc, lập gia đình, gần như lúc nào cũng có nhau. Họ cùng di tản, tham dự ngày con cái nhau ra trường và cưới hỏi. Cách đây năm năm, ông Lâm qua đời, rồi bà Thành cũng chỉ còn là một nắm tro than. Ông Thành sức khỏe bắt đầu hơi kém đi theo tuổi tác. Sắp tám mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa, ông làm biếng đi ra ngoài, sự liên lạc cũng thưa thớt dần giữa hai nhà.
Tuần trước cô cháu Lan, gọi bác Thành thăm hỏi và nói thêm:
- Mẹ con mấy hôm nay không hiểu sao cứ mong gặp bác, nhắc bác hoài, bác có thể ghé qua xơi một bữa ăn trưa với mẹ con và con không?
Ông ngại đi quá, nhưng nghe cô cháu gọi đến lần thứ ba, ông không nỡ chối từ. Hơn nữa gặp lại vợ con của một người bạn thân đã qua đời, sẽ gợi nhớ cho mình bao nhiêu kỷ niệm thân tình cũ cũng là một điều nên làm.
Cô Lan đưa ông vào căn chung cư của mẹ, mẹ cô ở đây từ sau khi cha cô mất được một năm. Bà ở rất gần các con nhưng không muốn ở chung. Con cháu thay nhau gọi điện thoại, và ghé qua, khi sáng, lúc chiều. Thỉnh thoảng một người thu xếp đến ăn trưa với mẹ, không kể những tụ họp gia đình cuối tuần, nên tuy bà ở một mình ở tuổi bẩy mươi các con vẫn yên tâm.
Bà Lâm hôm nay có trang điểm nhẹ nhàng một chút, trông cho tươm tất tuổi già, chắc để tiếp khách Ông Thành để ý đến những bông hoa nhỏ tím đậm trên chiếc áo len mỏng mầu xám bà mặc, mầu sắc trông rất hài hòa.
Bà Lâm vồn vã đón ông:
- A, anh Thành. Anh trông khỏe mạnh quá, chẳng khác thời tôi mới gặp anh lần đầu. Anh còn nhớ lần đó không? Anh Lâm và tôi đón anh đi Lái Thiêu, đi thăm vườn trái cây. Chúng mình mua bao nhiêu là măng cụt.
Ông Thành lắc lắc cái đầu bạc trắng của mình, cố nhớ lại lần đầu tiên gặp bà. Tại sao lại ở vườn măng cụt nhỉ?
- Anh quên rồi à, chúng mình cùng đi trong cái xe Renault đen của ba anh Lâm?
Chịu, ông không thể nào nhớ ra được. Trí óc của mình sao có thể tệ đến thế nhỉ? Đã tám mươi đâu?
Cô Lan dọn bữa ăn trưa lên chiếc bàn nhỏ. Mấy món ăn nhẹ cho ba người. Bà Lâm hình như không chú ý đến thức ăn, Lan tiếp thức ăn vào chén của bác Thành, nhắc mẹ hai ba lần bà vẫn chưa cầm đũa.
Bà Lâm đang hứng khởi nói về dĩ vãng:
- Anh nhớ chứ. Mình ăn trưa ở Búng. Món nem chua ở đó cũng khá ngon. Sau đó mình vào vườn măng cụt, vườn chôm chôm, vườn dâu ở Lái Thiêu. Lúc đó tôi chưa lấy chồng, lần đầu tiên gặp tôi, anh đã yêu tôi ngay. Cả hai anh cùng yêu tôi. Anh nhớ không?
Cô Lan nhìn mẹ, không hiểu mẹ đang muốn nói gì? Ông Thành cũng sững người ra nhìn bà. Ông có yêu bà thời trẻ à? Không làm gì có chuyện đó. Thủa đó họ chơi chung với nhau, cả hai cặp. Thành,Tuyết và Lâm, Liên. Sau đó cả hai cặp đều thành vợ chồng.
Bà Lâm hồn nhiên nói tiếp:
- Mấy cái vườn trái cây khi được mùa mới hấp dẫn làm sao! Những chùm trái dâu, trái chôm chôm nặng trĩu chạm mặt đất. Măng cụt đỏ tím cả khu vườn. Muốn vào trong vườn phải rẽ cành hai bên mà đi. Anh nhớ không, anh dắt tôi vào đó, ở một chỗ vừa che mất anh Lâm, và anh đã tỏ tình.
Ông Thành thần mặt ra, hoang mang không hiểu những lời bà Lâm đang nói có thật hay không? Cô Lan có lẽ biết, đã đến lúc nên rút lui để cho hai người bạn già cũ nói chuyện quá khứ. Cô khe khẽ thu bát của mình, im lặng bước vào phòng ngủ của mẹ. Căn chung cư nhỏ, chỉ có nơi đó, cô có thể tránh mặt hai người.
Ông Thành nhíu mày lại, cố hình dung ra hình ảnh khu vườn trái cây, nơi ông đã mang người yêu của bạn vào đó tỏ tình. Không cách nào ông nhớ ra được. Trí óc mình lú lẫn rồi! Ông than thở trong đầu.
Bà Lâm nheo cặp mắt đã có thật nhiều vết nhăn kéo dài ra đến thái dương nhìn ông, từ tốn nói:
- Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói:” Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi”
Chi tiết đến thế này thì chuyện chắc phải có thật, mình không nhớ ra được thì ngày mai mình nên làm cái hẹn gặp bác sĩ. Tuổi tám mươi chắc bước vào tuổi mất trí nhớ rồi! Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, căp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt (Chắc là vội vàng lắm, vì hôn trộm người yêu của bạn mình)
Bà không để ông có thời giờ thả đầu óc về những hình ảnh bà nhắc nhở ông, bà uống một ngụm nước, nói tiếp:
- Sau đó tôi lấy anh Lâm, nhưng không thể quên mối tình của ông. Hôm đám cưới chúng tôi, ông làm rể phụ. Ông đẹp trai và rất xứng với tôi, nên có người đã nói, để ông làm chú rể thì đẹp đôi lắm. Mấy chục năm sống với ông Lâm, sanh mấy đứa con, nhưng chẳng lúc nào tôi không tơ tưởng đến ông. May mà chúng mình chưa hề xa nhau ngày nào cho đến khi anh Lâm mất hẳn. Bây giờ thì chắc chắn không còn ai ngăn trở mình nữa. Ông có nghĩ mình nên dọn vào ở chung không?
Thế này thì nguy quá rồi. Bà Lâm nhắc lại dĩ vãng cốt để nối hiện tại vào. Nhưng ông không hề nhớ được một chi tiết nào cả. Tuổi già thật khó chịu, nó xóa hết cả dĩ vãng, rồi dựng lên một tương lai huyễn hoặc. Ông cúi xuống uống nốt ngụm trà trong chén, cất tiếng gọi:
- Lan ơi! Bác về nghe con.
Ông kéo ghế đứng lên. Ông không trả lời về đề nghị của bà Lâm vội, ông chỉ nói nhỏ nhẹ, và hứa một lời rất bâng quơ:
- Tôi về nghe chị. Sẽ trở lại thăm chị khi nào trí óc sáng suốt thêm một chút.
Lan tiễn bác Thành ra chỗ đậu xe. Cô ở trong buồng ngủ, sát vách, nên đã nghe hết lời của mẹ kể. Hai bác cháu yên lặng đi bên nhau không nói năng gì. Ông Thành đã ngồi vào xe, trước khi mở máy, ông quay kính xuống nói như tâm sự với Lan:
_ - Chắc bác cần đi khám lại cái đầu của mình. Những điều mẹ con nói hôm nay, bác không làm sao hình dung ra được một dĩ vãng vừa thơ mộng, lãng mạn, vừa tội lỗi của tuổi trẻ. Bác có mất trí nhớ tồi tệ đến thế không?
Bác nhớ là cả ba con và bác cùng lớn lên ở Đà Lạt. Những kỷ niệm của bốn người: Lâm, Liên, Thành,Tuyết có với nhau hồi đó là: Cà phê Tùng, Nhà thờ con gà, Đồi Cù, trường Võ Bị Đà Lạt, và những trại mận. Rồi ngày ba mẹ con đám cưới, bác đang tu nghiệp võ bị ở Mỹ, làm sao bác phù rể được nhỉ?
Ông nói xong, ngẩn người ra như không tin những điều mình nhớ, ông đợi Lan trả lời câu hỏi của mình.
Lan cho hẳn đầu cô vào trong cửa xe, gục đầu lên vai bác Thành, cô ngửi được mùi già nua trên cổ bác phả ra, mùi của ba cô ngày trước, làm cô khóc nức lên:
- Bác ơi! Không phải bác mất trí nhớ đâu. Mẹ con đấy, mẹ con bị Alzheimer nặng lắm rồi. Mẹ con quên hết dĩ vãng thật của mình, và ngày nào cũng vẽ ra một câu chuyện mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.
Tối hôm đó, Ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. “Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.”
Ông bâng khuâng: Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết?
Một vườn măng cụt đổ ập xuống giấc mơ của ông trong đêm.
TRẦN MỘNG TÚ
(Tháng 11/2008)
Bình Thủy
Trích trong Mưa Sài Gòn Mưa Seattle
Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969, khi tôi đang ngồi xem những tấm ảnh màu đám cưới gửi từ Mỹ về, xắp xếp để làm một cuốn album, thì nghe tiếng chuông cửa. Tôi ra mở cửa, hết sức ngạc nhiên khi thấy Carl và anh Huân là hai người ở Sở trước mặt. Anh Huân làm phòng tối, phụ trách về rửa phim, in hình và Carl vừa là phóng viên vừa là nhiếp ảnh viên. Cả hai người này chẳng bao giờ đến nhà tôi vào giờ này, càng chắc chắn là không phải gọi tôi đi làm. Tôi lúc đó làm thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press, công việc của tôi là lo tất cả những việc linh tinh cho hãng: Từ phát lương cho nhân viên, giữ sổ chi thu, mua bán hình ảnh, thư ký cho ông chánh văn phòng, đi nghe họp báo bỏ túi, v.v. Những việc này không bao giờ phải làm cuối tuần, cũng như không bao giờ làm ca đêm.
Cả hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt, nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói:
"Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là Cung, chồng của cô đã tử trận."
Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào, Carl nói tiếp:
"Suốt từ chiều, chúng tôi liên lạc được với Rạch Giá (Kiên Giang), xác định tin rõ ràng, có gọi điện thoại nói chuyện với bà giám thị của đại học xá Trần Quý Cáp, mẹ Cung, cụ cũng nhận được tin rồi."
Tôi ngồi xuống hai gót chân mình, không nghe được gì tiếp, ngoài tiếng xôn xao của cha, mẹ và gia đình.
Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dạy được 1 năm, anh bị gọi trong chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ, tôi có chồng từ tháng 6-1968. Lúc làm đám hỏi chú rể tương lai không có mặt (đang đóng ở chi-khu Trà Bồng) chỉ có mẹ chồng mang trầu cau sang. Nghĩ cũng tủi thân, nhưng thời chiến mà, làm sao được.
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dạy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
* * *
Chiếc máy bay vận tải Mỹ đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ.
Người phi công phụ quay xuống nói với anh trai của Cung và tôi, đang ngồi cạnh chiếc quan tài.
"Chúng tôi rất tiếc là phải thả hai người và quan tài xuống đây, vì đây là máy bay quân đội Mỹ chở dầu, chúng tôi chỉ đi tới Cần Thơ chứ không về đến Sàigòn."
Đuôi máy bay mở ra, một chiếc forklift tiến đến trục quan tài ra khỏi máy bay để giữa lòng phi đạo. Anh chồng tôi dặn:
"Em đứng đây, anh vào gặp ông xếp của phi trường này may ra được giúp đỡ."
Buổi trưa tháng Tám, mặt trời tóe những chùm nắng rát bỏng, chói chang trên sân bay, cái sân bay rộng lớn chổng chơ một chiếc áo quan có phủ xộc xệch lá quốc kỳ, mấy giọt nến đóng thành mảng khô cứng trắng đục trên màu vàng của lá cờ, một vài chiếc lá quăn queo sót lại của vòng hoa chiều qua còn dính ở đó.
Tôi tự thấy mình bé nhỏ, mỏng manh trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, áo nhầu nát, tóc bơ phờ, mặt ngơ ngác đứng nhìn chung quanh mình. Cái sân bay trông sao mông mênh thế mà cái áo quan thì bé tí, tôi đứng bên cạnh trông lại càng bé hơn. Sân bay không một bóng người, vài ba chiếc máy bay quân sự đậu rải rác bên cạnh những phuy dầu chưa kịp xếp vào kho. Hình như đã có mùi hôi bốc ra từ áo quan, tôi đứng lui ra một tí nữa, xoa tay lên ngực, thấy mình nghẹt thở, ngực nặng và đau buốt, đau thấu xuống tận bụng, tôi muốn ngất đi.
Hai ngày, một đêm ở Kiên Giang đã làm tôi đuối sức. Tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ không ăn, không ngủ, không khóc, không cả vệ sinh. Chắc trong người tôi không còn nước. Bà mẹ chồng một bên, ông anh chồng một bên, họ đổ sữa ông Thọ cho tôi. Bà mẹ chồng tôi thật giỏi, bà có kinh nghiệm với chiến tranh, kinh nghiệm với chết chóc, nên đi đón xác con mà bà còn nhớ đem theo hộp sữa ông Thọ cho cô con dâu tiểu thư, cô con dâu còn mới như vuông lụa chưa thêu.
"Con uống đi. Con mà gục xuống đây nữa thì mẹ biết nói làm sao với cha mẹ con."
Tôi không uống được, cái mùi tử khí trưa nay của mấy chục cái xác xếp chất lớp trước cửa nhà xác vẫn ràn rụa trong thân thể tôi. Nó phủ chụp từ đỉnh đầu xuống hai bàn chân, khi tôi len lỏi bước qua những xác lính bên ngoài để vào bên trong chỗ người ta để xác sĩ quan. Tôi đã phải bước qua từng cái túi có bọc thây người ở trong, có cái thòi hai bàn chân còn nguyên đôi giầy sau ra một đầu, có cái thì lòi ra ở đầu kia một đỉnh tóc bết đất, có cái thò nguyên một khuôn mặt tái mét vàng khè có mấy con ruồi đậu trên đôi mắt chưa khép kín hẳn. Tôi đi theo bàn tay dắt của người anh chồng, xúc động và kinh hoàng đã làm tôi không còn cảm giác nữa. Không biết tôi có dẫm phải ai không. Tôi cố gắng không dẫm lên những người đàn ông nằm đây. Vào được đến bên trong thì tôi có nhìn thấy gì đâu. Tôi chỉ nghe tiếng bật khóc của mẹ chồng, tiếng anh chồng bảo "Đúng là Cung rồi."
Tôi thấy hình như tôi được bế lên, được đặt ngồi xuống một cái bậc thềm, gió ở sông thổi vào mặt tôi, giúp tôi tỉnh lại, tôi mở mắt ra, nhìn xuống. Tôi thấy một dòng nước đục chẩy lờ đờ bên dưới. Thì ra nhà xác của bệnh viện Kiên Giang nằm sát cạnh bờ sông. Tôi không dám nhìn vào những người đàn bà đang đi lật từng cái poncho quấn thây người để tìm chồng, tìm con họ trước cửa nhà xác. Tôi thấy tôi còn may mắn hơn họ.
Người ta đem xác Cung về trại gia binh tiểu khu để làm lễ. Tôi được bày đứng cạnh áo quan cho ông Phó Tỉnh Trưởng đọc diễn văn, trong khi ông đọc thì tôi đứng nhìn mấy cây nến chẩy, nhìn vòng hoa đã bắt đầu héo, có cả chén cơm đã khô và quả trứng luộc có mấy con ruồi bay lên bay xuống, tàn nhang rơi phủ đầy trên đó. Ông Phó Tỉnh đọc diễn văn xong, hấp tấp ra về. Chắc ông hơi thất vọng vì không thấy tôi khóc để có dịp nói lời an ủi. Mấy người vợ lính trong trại gia binh, chạy sang thăm hỏi, mấy đứa nhỏ con lính chạy loanh quanh áo quan với mấy con chó gầy trơ xương, trụi cả lông, cái áo chúng mặc ngắn cũn, bụng ỏng ra ngoài, mũi thò lò cũng chẳng chùi. Chúng tròn mắt nhìn mấy người Sài Gòn, mặt mũi có vẻ khang khác với những người trong trại lính này. Có người cũng từ xa đến chưa tìm ra xác chồng, xác con đến hỏi han bà mẹ chồng tôi với con mắt nặng trĩu và gương mặt thất thần.
Tôi đứng đó lơ mơ nghe lao xao những tiếng nói chồng lên nhau, mỗi người kể một cách, giống như ở nhà tôi mỗi khi đi xem một cuốn phim về, chị em tôi vẫn thường tranh nhau nói như thế. Hình như họ nói về trận đánh ngay ở xã Vĩnh Thanh Vân. Xã này, tôi không biết ở đâu nhưng chắc là rất gần. Họ nói đánh ba bốn hôm rồi, và vẫn còn đánh nên xác không kéo ra hết được, phải ngồi chờ thôi. Cứ ngồi chờ thế nào cũng gặp, họ bảo nhau.
"Không thấy người thì thấy xác. Thế nào cũng gặp mà!"
Người anh chồng thì thỉnh thoảng lại biến mất, không biết đi đâu, chắc là đi tìm cách đưa mọi người về nhà. Tôi thấy trong những người đi nhận xác chỉ có 3 người trong gia đình này ít khóc nhất.
Bà mẹ chồng tôi thì vừa mếu máo vừa lo xin nước sôi pha sữa cho con dâu uống. Con bé này vốn đã gầy, hai hôm rồi nó chẳng ăn, chẳng nói gì làm bà phát hoảng, giá nó cứ khóc sướt mướt như mấy người vợ lính đang khóc ngoài kia thì bà lại đỡ lo. Không biết còn kẹt ở đây đến bao giờ? Bằng vốn liếng tiếng Pháp bà nói chuyện với một ông sĩ quan Mỹ cho bà quá giang máy bay quân sự về Sàigòn, rồi bà sẽ thuê máy bay dân sự xuống đây đón mấy đứa con.
Bà giỏi lắm. Mấy chục năm trước, còn trẻ măng mà bà đã một mình thuê đò ở Nam Định đi tìm chồng. Chồng bà đang đêm được Việt Minh đập cửa mời đi, rồi cả tháng không thấy về. Ông được mời vì lúc đó ông có một ngôi trường nhỏ dạy học tiếng Pháp ở Nam Định. Bà đi đò, đi bộ cả bao nhiêu cây số, đến tận chỗ không ai dám bén mảng đến hỏi tin tức chồng. Họ bảo về đi, bắn chết rồi. Bà lại thuê đò về, tính ngày đi của chồng dùng làm ngày giỗ vì bà không biết ông bị xử bắn vào hôm nào.
Mấy hôm sau bà bỏ nhà ở Nam Định, dắt ba thằng bé, đứa lớn nhất chưa quá 10 tuổi tìm đường ra Hà Nội. Đi làm, nuôi con ăn học. Rồi lại dắt con di cư vào Nam. Ai làm được gì thì bà cũng làm được như vậy. Bà cũng khóc chứ. Nhưng nước mắt thì vốn chóng khô vì nó không chảy hết ra một lúc, nó chảy rỉ rả ít một. Chảy suốt một đời. Cô con dâu bà mới cưới được có ba tháng, còn trẻ lắm, lại chưa có con, đi đón xác chồng lại có mẹ chồng, anh chồng bên cạnh. So với bà cô còn may mắn chán.
Mà đúng thật, bà mẹ chồng tháo vát của tôi số khổ hơn con dâu. Bà xin lên được máy bay về trước các con một hôm thì cũng bị thả xuống phi trường Bình Thủy đêm hôm đó, máy bay không về đến Sài Gòn. Một cơn mưa tháng Tám bất chợt ập xuống làm bà ướt sũng, thất thểu tìm một nhà thờ vào xin ngủ qua đêm, bà không cần khóc nữa, trời đất khóc hộ bà rồi. Sáng hôm sau bà đi xe đò về Sàigòn. Trong khi đó thì các con của bà: Con sống, con chết cũng bị thả xuống chỗ mẹ ngày hôm qua, nhưng không phải buổi tối mưa sũng nước mà một buổi trưa đầy nắng.
Cuối cùng thì cũng đưa được quan tài về Sài Gòn. Khi xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất thì cả người và cảnh trông thật bắt mắt. Nếu có cần quay một cảnh phim cho chiến tranh thì hay quá. Cái quan tài cũng không cần phải trang trí cho ra vẻ tang thương hơn nữa. Lá cờ phủ trên nó nhầu nát, xộc xệch, cô đơn, đã đủ vẻ tang thương.
Hai nhân vật thất thểu xác xơ đứng cạnh không cần phải hóa trang hay diễn xuất, họ đi đứng như người mất hồn, ngơ ngác, thất lạc, rơi ra từng mảnh như những người lính vừa bại trận trở về. Cứ dựng máy quay phim lên, quay họ như thế vào phim cũng tuyệt lắm rồi.
Sau nầy tôi nghĩ lại vẫn tự hỏi. Tại sao lúc đó mà mình tỉnh khô như vậy, sao mình không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường?
Cả trăm câu hỏi cứ chạy lung tung trong đầu tôi bao nhiêu năm trời.
Một chiếc xe nhà binh đón chở áo quan từ phi trường đến nhà xác bệnh viện Grall. Đã bảo bà mẹ chồng tôi là người tháo vát mà! Bà còn xin được miếng đất chôn Cung trong Mạc Đĩnh Chi để bà thăm viếng cho tiện, chứ lên tận Nghĩa Trang Quân Đội thì làm sao bà có thể đi thăm thường xuyên được.
Họ cho Cung đi qua nhà, dừng lại cho Cung nhìn chỗ mình đã sống, đã lớn lên một lần chót. Chẳng biết ai là người nghĩ ra cái tục không được chết ở nhà thì phải ghé qua nhà trước khi ra đi hẳn mà hay thế! Tôi thấy những người lân cận và một vài người họ hàng đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà. Họ nhìn tôi, nhìn quan tài như xem phim chiếu chậm, họ quen quá rồi cái cảnh nầy những năm gần đây. Tôi còn trẻ quá, họ nghĩ. Thế nào rồi cũng quên đi, cũng lại lấy chồng, chỉ tội cho bà mẹ anh ta.
Họ nghĩ cũng chẳng sai mấy. Khi tôi bị đẩy ra khỏi nước, gia đình chồng cũng bỏ đi, chỉ có Cung là người ở lại. Cung cũng chẳng khác gì những người còn sống, cũng bị đuổi nhà, bị chiếm đoạt tài sản. Người anh họ ở lại tìm cho anh một nơi cư ngụ mới trong nhà thờ Tân Định.
Tôi trôi mãi rồi cũng phải dạt vào một chỗ. Bảy năm sau tôi lấy chồng, sanh con, tôi sống bình thường như tất cả mọi người đàn bà khác trên một đất nước không có chiến tranh. Tôi cũng vui, cũng buồn với những thăng trầm của đời sống.
Ở đời sống hàng ngày, tôi quên dần cái bất hạnh của tôi mấy mươi năm về trước. Nhưng tôi nhớ rất rõ ràng là cái bất hạnh đó nó có hiện diện trong kiếp người của mình. Thỉnh thoảng Cung vẫn về trong giấc mơ, dù suốt ngày hôm trước tôi không hề nghĩ đến. Cung về như còn sống hay về như đã chết thì khi tỉnh dậy, nước mắt tôi vẫn lặng lẽ trào ra trên gối. Tôi cố gắng không làm giao động người nằm bên cạnh đang ngon giấc. Buổi sáng, thức dậy, tôi thay áo gối, rồi lại thản nhiên bước vào đời sống trước mặt: Giặt giũ cho chồng, cơm bánh cho con.
Thời gian cứ thản nhiên trôi, buồn và vui đầy ắp hai tay. Ngày trắng tóc rồi cũng đến.
* * *
Lần đầu tiên về thăm lại Việt Nam năm 1998, sau 23 năm, tôi đi tìm Cung ở nhà thờ Tân Định. Tôi đi len lỏi giữa những dẫy kệ, đọc từng cái tên, đi đến vần "T" là họ của Cung. Tôi nhìn thấy một cái hộc nhỏ, không có hình chỉ có ghi Họ, tên, ngày sinh, ngày mất. Tôi đứng lặng người, run rẩy chạm những ngón tay mình lên mặt chữ. Cái cảm giác chạm tay vào đầu áo quan của năm 1969 bỗng hiện ra dưới những ngón tay tôi. Một tiếng nấc đưa lên thanh quản, vỡ òa ra, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Tôi khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc.
Chung quanh tôi vắng lặng. Tôi trầm mình vào nước mắt, vào bất hạnh, vào nỗi cô độc của mình. Cái hộc nhỏ đựng tro than bên trên đầu tôi vẫn thản nhiên, im lìm nhìn như trước khi tôi đến.
Tham khảo thêm về tác giả Trần Mộng Tú
Đọc một bài thơ mới của Trần Mộng Tú
Đến California vào ngày 21 tháng 4, 1975, cách nay đúng 35 năm, nhưng Trần Mộng Tú đã có 40 năm viết văn làm báo. Hãy đọc bài thơ Bản Tin Trong Ngày của Trần Mộng Tú viết năm 1969 để thấy nhà thơ-nhà báo của chúng ta đã sống và viết như thế nào:
… Ở toà báo em làm
những người phóng viên
đang thu xếp ngày mai ra Đà Nẵng
không có ai đi Kiên Giang
làm sao em gửi được cho anh
một nụ hôn vào chiếc bao thư
làm sao em gửi được cho anh
những giọt nước mắt sáng nay của em
vào trong bao thuốc lá
Em se mình trong toà báo
hoang mang
cúi xuống một bản tin mới ra
….
Em gọi trong lồng ngực đáng thương của mình
Ôi anh!
Ôi anh!
Ôi anh!
Buổi chiều
em trở về
chiếc xích lô vẫn còn đầy gió.
Bốn mươi năm sau, tháng Tư, 2009, trong bài thơ Có Phải Tôi Không?, Trần Mộng Tú viết:
Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
có gái trong hình có phải tôi không
Ô hay tự nhiên tại sao tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu goá phụ
goá phụ còn hồng một vệt son môi
Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang
Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
goá phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô Trần Thị Chiến Tranh.
Hai bài thơ Trần Mộng Tú viết cách nhau 40 năm, nhưng người đọc nhận ra đó là một câu chuyện, một câu chuyện dài trên bốn mươi lần của 365 trang-ngày giấy. Một cuốn sách dày trên 14.606 trang-ngày mà người đọc dù không được đọc những trang giữa cũng có thể hình dung ra một câu chuyện tình thời chiến. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó, Trần Mộng Tú sẽ cho người đọc một tác phẩm có tên là Trần Thị Chiến Tranh.
Nhưng có vẻ như, Có Phải Tôi Không? chưa hẳn là chương cuối của Trần Thị Chiến Tranh. Lần này, tháng Tư, 2010, trong khung cảnh Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại, Trần Mộng Tú lại vừa gửi đến cho chúng ta sáng tác mới nhất của chị: bài Thơ của người lính trong nhà già.
Liệu đây có phải là những trang chót trong tác phẩm Trần Thị Chiến Tranh của Trần Mộng Tú? Đó là một câu hỏi không cần câu trả lời, bởi vì – như lời chị nói - dù thời gian có làm xoay chuyển cái môi trường sống của Trần Mộng Tú đến thế nào đi nữa thì những hình ảnh của những người chiến sĩ Việt Nam ngày xưa vẫn thấp thoáng trong thơ văn của chị. Trần Mộng Tú trẻ thì họ trẻ, Trần Mộng Tú già thì họ cũng già theo nhà thơ. Họ luôn luôn hiện diện trên từng trang chữ của chị.
TRẦN MỘNG TÚ
Thơ của người lính
trong nhà già
Tôi ngồi đây
căn nhà già
chiếc ghế già
tất cả đồ đạc có mùi tuổi tác
bàn tay tôi
da nhăn như lịch sử
tôi ngồi đây
buổi chiều xuống thấp
sao hôm mờ mờ
những chiếc lá ngoài kia
hình như đang buồn ngủ
những chiếc lá sống thêm một ngày
đi dần về con phố mùa đông
những chiếc lá không biết gì
về lịch sử
những chiếc lá chưa hề nghe bom nổ
trong tĩnh lặng của một vòng tròn
tôi ngồi đây
trong tĩnh lặng của một vòng tròn
tôi nghe bom nổ
tôi nghe tiếng súng
tiếng mìn
tiếng pháo kích
tiếng kêu thất thanh
tiếng gào
tiếng khóc
và cả tiếng rơi của một bông hoa
chưa kịp nở
tôi ngồi đây
người lính già
ở một quê hương khác
kê lại tuổi mình
trên viên gạch thời gian
người lính
người tù
khi được sống khác đi
không biết làm sao sống
quê quen
đất lạ
hai sân khấu
đóng hoài không biết đổi vai
cả hai cùng lạc chỗ
cả hai cùng cúi xuống
vỗ về tôi
tôi ngồi đây
trong căn nhà già
bỗng thấy mình rất lạ
da nhăn nheo
nhưng ký ức trong veo
ký ức đổ tràn
những ống mầu trong lồng ngực
rồi dịu dàng treo một bức tranh
Một bức tranh
không có tựa đề
vẽ bằng rất nhiều cây cọ
lớn nhỏ khác nhau
mầu xanh
mầu trắng
mầu vàng
mầu đỏ
mầu đen
khẩu hiệu hung hãn
dấu hiệu hòa bình
cùng vẽ vào một góc
ngũ sắc
vẽ thêm những dòng nước mắt
vẽ được môi cười
vẽ được cả đả đảo hoan hô
ngũ sắc
tôi cúi xuống bàn tay mình
da nhăn như lịch sử
có phải chính tôi
đã phụ vẽ
bức tranh này
tôi ngồi đây
trong căn nhà già
chiếc ghế già
tất cả đồ đạc có mùi tuổi tác
bàn tay tôi
da nhăn như lịch sử
buổi chiều xuống chập choạng
ngoài kia
cúi nhìn xuống vết thương
giữa ngực mình
chao ôi,
vết thương
còn trẻ lắm!
TRẦN MỘNG TÚ
Tháng Tư, 2010
* Tác giả dùng chữ “nhà già” thay cho Viện Dưỡng Lão
Tôi đọc Vườn Măng Cụt của Trần Mộng Tú
5.04.2012
Trần Mộng Tú là nhà thơ. Ta quen gọi như thế và dường như chị cũng thích gọi như thế. Thực ra, Trần Mộng Tú còn viết văn, không chỉ thỉnh thoảng viết cho vui, mà viết nhiều. Đặc điểm của Trần Mộng Tú: viết văn mà vẫn “hoài thơ”. Thành thử văn của chị khi nào cũng lấm tấm thơ. Thay vì gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ/nhà văn, hãy gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ viết văn.
Có lẽ Trần Mộng Tú là một trong số những cây bút viết nhiều ở hải ngoại. Những ai yêu văn chương thường được đọc những bài thơ rất mực trữ tình và những truyện ngắn và tản mạn của chị, xuất hiện đâu đó khá đều đặn, trên nhiều tạp chí văn học hải ngoại, giấy cũng như mạng. Chả thế mà ba năm sau “Mưa Sài Gòn Mưa Seattle” (tạp bút, Văn Mới xuất bản năm 2006), Trần Mộng Tú cho ra đời một lúc hai tác phẩm: Một tập thơ tuyển lựa từ hàng trăm bài thơ chị sáng tác trong bốn mươi năm qua và một tập truyện ngắn và tản văn là Vườn măng cụt.
Tác phẩm văn xuôi do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành tháng 8/2009 này gồm có ba phần:
– Truyện ngắn
– Tản mạn/tùy bút và ký
– Truyện thật ngắn.
Bài viết này đi lần lượt từng phần, ngược từ cuối lên.
Phần ba, “Truyện thật ngắn”, hay truyện “Chớp” (theo cách dịch từ tiếng Anh “flash fiction” của tạp chí mạng Da Màu), một thể loại khá mới mẻ chỉ mới xuất hiện trong vòng hơn một thập niên trở lại ở hải ngoại, là những mẩu truyện có độ dài dưới 1500 từ (*), thường xuất hiện là trên hai tạp chí mạng Tiền Vệ và Da Màu. Do độ dài có giới hạn nên truyện thật ngắn chứa đựng nhiều ẩn dụ, do đó, gần gũi với thơ. Và gần gũi với Trần Mộng Tú. Trong Vườn măng cụt, có 16 truyện thật ngắn. Truyện nào cũng lửng lửng lơ lơ, thiệt thiệt giả giả. Đọc xong, ta cảm nhận một điều gì đó, nhưng chỉ là những cảm nhận lơ mơ, không biết rõ là cái gì. Có truyện là vài nét chấm phá về cuộc sống. Có truyện như liêu trai. Có truyện như một dụ ngôn (parable). Có truyện lại ỡm ờ y như chẳng chứa đựng một điều gì đáng kể. Thử đọc qua một truyện khá ngắn trong 16 truyện: “Con gấu”. Nguyên cả truyện như sau:
Con gấu của tôi cũ lắm rồi, tôi không nhớ mình có nó từ năm nào. Tôi đi ngủ với nó hàng đêm như một thói quen. Tôi ôm nó vào lòng khi nằm nghiêng, lót nó xuống một bên đùi khi nằm thẳng. Nó nhỏ thôi, nhưng sao vững chãi thế. Chắc chỉ là một thói quen tin cẩn, không có nó thì chông chênh như nằm trên thuyền, khó ngủ lắm. Ôm nó như ôm giấc ngủ, như ôm cơn mơ, như ôm bài thơ của mình. Cả tôi và nó cùng cũ kỹ lắm rồi.
Một hôm, người đàn ông đó ghé qua thành phố, chỉ kịp uống chung một tuần trà, rồi đi.
Con gấu của tôi bắt đầu trở chứng, nó vươn vai thành người đàn ông, hai mắt nó biết nhìn tôi trong giấc ngủ, hai tai nó biết nghe thơ. Tôi đọc cho nó nghe những câu thơ mới. Những câu thơ lơ mơ về tình yêu.
Nó không cũ nữa và tôi bỗng mới.
Ý nghĩa của một truyện như thế này nằm ở đâu? Về thơ, về tình yêu, về sự đổi thay? Hay không ở đâu cả! Theo tôi, có lẽ cái ý vị của nó nằm ở chỗ “không ở đâu cả” này. Vả, “không đâu” với “có đâu” đôi khi chỉ là một cái “chớp”!
Một truyện khác, dài hơn, “Mua cá”. Một người đàn ông dẫn một cô gái vào chợ mua cá. Sau khi đi hết từ hàng cá này đến hàng cá khác, chợ này đến chợ khác, hắn mới chọn được một con vừa ý. Về nhà, hắn bắt cô gái nấu cho hắn ăn. “Cô gái ngồi nhìn Hắn ăn con cá như nhìn xuống chính thân phận mình trong mấy ngày hôm nay. Hắn gậm mút không bỏ quên một phân thịt nào sót lại trên thân cá.” Ăn xong, hắn bảo cô gái gói xương cá lại và hôm sau dẫn cô ra hàng cá chê cá không ngon, trả lại bộ xương, đòi tiền lại. Người bán cá không chịu, đuổi hắn đi. Sau đây là đoạn kết câu chuyện:
Hắn mang cô gái ra bến xe, mua vé, trả cô về nguyên quán Việt Nam với mấy chữ: “Cá không ngon, thịt ít. Đổi con khác!”
Tháng sau, một chuyến xe từ Việt Nam đến, thả xuống một cô gái khác.
Hắn đón về.
Thử nữa!
Cách viết khô, ngắn, dửng dưng. Nhưng đầy dụng ý. Truyện là một ẩn dụ. Lại là một ẩn dụ đầy hiện thực. Nó gợi lên hình ảnh phũ phàng của một hiện tượng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay: những cô gái nghèo Việt Nam trở thành những món hàng bị bán ra nước ngoài để làm nô lệ tình dục.
Phần hai, tản văn, gồm những bài bút ký, tản mạn và tùy bút; nhiều bài là tổng hợp cả ba loại. Một số bút ký ghi lại mấy chuyến đi về Việt Nam. Cảm động nhất là “Những người lính cũ”, ghi lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả với một số thương binh VNCH hiện đang sống một cách vô vọng dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam. Một số bài khác mang tính cách tiểu luận. Trần Mộng Tú bàn về thời gian, về người mẹ, về bức tường, về những giọt lệ, về người đưa thư, về tuổi già, vân vân…Dưới dạng nào, Trần Mộng Tú cũng viết với giọng văn đằm thắm, nhẹ nhàng. Nghe như những lời tâm sự, hơn là lý sự. Và một điều không thể thiếu: phảng phất thơ. Hãy đọc một đoạn Trần Mộng Tú “luận” về bức tường:
Bức tường ngăn cách ta với nhà hàng xóm, ta vẫn thân yêu gọi là “sát vách” đó, đôi khi nó phải nghe hết những bất bình của cả hai phía. Bức tường vô hình được dựng lên giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, các cháu với ông bà làm cho chúng ta ngộp thở ngay trong một căn buồng cửa mở. Phần nhiều những bức tường có đôi tai rất thính, nó có thể mang sự bí mật của ta sang tận một nước khác, ta nên cẩn thận khi nói thầm.
Một tản mạn khác, “Giọt lệ giấu đi”. Sau khi nói về nỗi đau khổ của những người “bị” (hay “được”) giấu đi tin tức về cái chết của người thân với mục đích tránh cho người đó khỏi đau khổ, Trần Mộng Tú quả quyết:
Con người đủ khả năng đương đầu với đau khổ, biết rõ nỗi đau của mình, hơn là sống trong một đám sương mù. Quyền được đau đớn cũng ngang với quyền được sung sướng. (Giọt lệ giấu đi)
Nhà thơ muốn lập thuyết, một lý thuyết về tình cảm chăng? Chắc là không. Có lẽ chị chỉ muốn nhấn mạnh một kinh nghiệm sâu sắc của bản thân về nỗi đau mà chị đã từng trải nghiệm. Riêng tôi, tôi suy đi gẫm lại cái ý lạ: Đau đớn, hóa ra, đâu chỉ là một trạng thái tâm lý, mà còn là một cái “quyền”!
Cũng đề cập đến giọt lệ, nhưng ở một tình huống khác, đó là giọt lệ của chính bà mẹ Trần Mộng Tú khi đứa con gái duy nhất sắp đi lấy chồng: “Thư cho con gái ngày đính hôn”. Đây là một tùy bút, được viết dưới dạng một lá thư. Bà mẹ tân thời này cũng lạ! Mới nghe tin bạn trai của con mình sẽ ngỏ lời cầu hôn, thay vì vui mừng vì con mình không bị “ế”, có đôi có đũa, thì ở đây, mẹ Tú “buông điện thoại xuống mà nước mắt trào ra.” Không chỉ khóc một lần rồi thôi, mà khóc rất nhiều lần. “Mấy tháng nay sắm sửa khăn áo cho con. Đi chọn áo cô dâu với con. Đi mua trà, mua bánh, mua rượu. Mỗi lần đi về mẹ lại khóc.” Tại sao lại khóc? Mẹ Tú trả lời:
Đối với các bà mẹ, con gái mình là chuỗi ngọc trai, là chiếc vòng cẩm thạch, là hoa mẫu đơn, là ly nước suối, là miếng bánh thơm tho. Con gái bà là tất cả phần gia bảo mình có. Bây giờ bà đứng nhìn cái phần gia bảo đó đang chuyển sang nhà người khác. Làm sao mà ngăn được nước mắt ứa ra!
Ra thế! Khóc thì khóc, nhưng tôi đoán là mẹ Tú không khỏi mừng thầm. Ngày đính hôn, người mẹ Tú tặng cho con gái một món quà, mà theo tôi, là trên-cả-lạ-lùng:
Mẹ mua tặng con hộp kim chỉ, mẹ biết bây giờ không còn ai may cắt quần áo ở nhà. Tất cả đều mặc quần áo may sẵn. Mẹ chỉ muốn gửi gấm tặng con lời dặn dò trong món quà đó:“Với tình yêu và sự kiên nhẫn ai cũng có thể vá được những miếng rách nhỏ, khâu lại những cái khuy bị đứt, có thể có, trong đời sống vợ chồng.”
Thì ra, món quà là thật mà cái dụng của nó lại hoàn toàn hư cấu. Nghĩa là: mang cái thật để vá cái ảo. Bản thân tôi, một người cha, cũng đã từng tiễn con gái đầu lòng đi lấy chồng với một trái tim trăn trở, không làm sao có thể nghĩ ra một món quà độc đáo dường ấy. Chỉ có điều, đọc xong lá thư, tôi tự hỏi: chẳng biết bà mẹ Tú đã đích thân ra chợ mua cái món quà có thật đó về/ hay chế tạo món quà, cũng có thật đó, bằng một…bài thơ!?
Phần một, với tôi, là phần thú nhất. Chả là vì tôi thích đọc truyện ngắn. Tôi gọi mỗi truyện ngắn trong Vườn măng cụt là một “tiểu phẩm”. Vừa về độ dài mà cũng vừa về tính cách. Truyện dài nhất chưa đến 10 trang, còn những truyện khác chỉ chừng 6,7 trang, có truyện chưa tới 5 trang. Tính cách Trần Mộng Tú: ngắn, gọn, vừa đủ. Thành thử, đôi khi, tôi hào hứng đang muốn đọc thêm thì truyện đã chấm dứt.
Về mặt bút pháp, Trần Mộng Tú của Vườn măng cụt cũng là Trần Mộng Tú ngày nào. Tuy nhiên, trong một vài truyện, chị có vẻ lưu tâm đến vấn đề dựng truyện, hay nói cho có vẻ chuyên môn, là kỹ thuật viết. Tuy nhiên, chị không “sáng tạo” một kỹ thuật nào tân kỳ, nghĩa là không có ý sử dụng kỹ thuật như là một hình thức sáng tạo. Tùy theo nội dung của câu chuyện, Trần Mộng Tú sử dụng một cách kể chuyện phù hợp. Và cách kể nào cũng quen thuộc, người đọc nào cũng dễ dàng tiếp cận. Trần Mộng Tú muốn truyền đạt trực tiếp đến người đọc những cảm nhận của mình về cuộc sống, chứ không tìm cách đánh đố, biểu diễn.
“Chuyện kể” là một câu chuyện tình vô cùng cảm động, sáng tác nhân ngày 30 tháng 4, được viết theo lối, tạm gọi là, “hiện thực huyền ảo”. Nó tạo ra một khung cảnh nửa thực nửa hư, khá đặc biệt. Lại phảng phất không khí liêu trai. Một người đàn bà có chồng ở Mỹ, về Việt Nam, đi chơi với người chồng cũ. Hai người bồi hồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, thời anh còn trong quân ngũ. Người đàn bà “bắt cá hai tay”? Vừa có/vừa không. Diễn biến và các chi tiết được Trần Mộng Tú sắp xếp một cách tinh tế khiến câu chuyện trở nên thấm thía khác thường. Đọc xong truyện này, tôi phải thừa nhận cách dựng truyện đã đóng góp một phần rất quan trọng cho chính nội dung câu chuyện. Nó tạo nhiều cảm xúc. “Đứa con” cũng có một cách dựng truyện tương tự, hiện thực huyền ảo. Truyện kể về một người đàn bà Trung Quốc chuyên hành nghề giết những đứa bé gái sơ sinh, hậu quả của chính sách “Mỗi gia đình chỉ có một đứa con” của nhà cầm quyền Cộng Sản muốn giảm dân số. Một truyện khác, “Lá thư”, nội dung chính chỉ là ba lá thư chữ nghĩa lộn xộn, vô số lỗi chính tả và tràn đầy trái tim, từ Việt Nam gửi sang Mỹ mà lộn địa chỉ. Trong lúc đó, “Truyện tình” là một chuyện ngoại tình khá đặc biệt được diễn tả bằng một bút pháp hiện thực, táo bạo với nhiều chi tiết lý thú. Có lẽ truyện này, cùng với một bút ký khác trong phần tản văn, “Phất phơ bay”, cho ta một Trần Mộng Tú khác với Trần Mộng Tú như ta thường biết trước đây.
Nói chung, nội dung các truyện thường đơn giản. Nhân vật cũng đơn giản. Trần Mộng Tú không muốn dài dòng. Cũng như thơ, chị muốn thâu tóm ý nghĩa của câu chuyện vào những câu văn mềm mại và nhiều hình ảnh. Có truyện chỉ là một mẩu chuyện, đôi khi diễn ra như một hoạt cảnh.
Chẳng hạn: “Một nửa người đàn ông”. Truyện mô tả cuộc gặp gỡ giữa một người vợ và người tình của chồng. Hai người nói chuyện với nhau, không hẳn như hai người bạn, nhưng không gay cấn lắm. Không cãi vả, không đay nghiến, không dọa dẫm, không khóc lóc. Nói chuyện xong, hai người chia tay. Và…hết! Nhân vật thì vậy, tình huống là vậy, thế mà dường như chẳng có chuyện gì. Không có gì vui, tất nhiên. Nhưng truyện để lại một “thông điệp” khác thường. “Người tình” nói với “người vợ”:
Chắc bà cho tôi là một người mất thăng bằng. Hay có thể là bà cho tôi đang tìm cách lừa bà, để một ngày nào đó tôi sẽ chiếm đoạt nguyên cả anh Minh. Không, không bao giờ tôi cần nguyên một người đàn ông cả, tôi chỉ cần một nửa thôi. Có nhiều người phải uống nguyên một ly trà mới thấy vị ngon, phải ăn nguyên một trái táo mới hài lòng, phải đến được chân núi, hay trèo lên đỉnh núi để thưởng thức thì mới mãn nguyện, sông thì phải đi hết dòng mới thỏa chí, phải được lấy nguyên một ông chồng và được gọi là vợ thì mới cho là sung sướng. Tôi thì trà uống một ngụm, táo cắn một miếng, núi nhìn một góc, sông yêu một khúc, đàn ông hưởng một nửa. Suốt đời chỉ là người tình thì cũng đã thấy mình dư thừa hạnh phúc. Bà cứ an lòng ra về.
Trần Mộng Tú cho ta một ý niệm rất mới (nghe khá lạ lùng mà cũng… hữu lý!) về tình yêu và về đàn ông, đàn bà. Hay nói chung, về sự thụ hưởng trong đời sống. Hãy tạm gọi là triết lý một nửa. Đại loại như “thuốc ngon nửa điếu”, theo kinh nghiệm của những vị nghiền thuốc lá. Đúng hơn là triết lý một phần. Chị bảo: trà một ngụm, táo một miếng, núi một góc, sông một khúc. Chỉ có đàn ông thì mới một nửa! Có lẽ , theo Trần Mộng Tú thì, một ngụm, một miếng hay một góc, một khúc hay một nửa thì cũng từa tựa như nhau. Ở chỗ nó không là toàn thể, không nguyên. Cái thú thưởng thức thực phẩm trần gian, như thế, nên thiêu thiếu. Đừng đủ. Chỉ có cái thiếu mới tạo nên cái thừa. Ngộ ghê!
Chẳng hạn: “Vườn măng cụt”, truyện được chọn làm tựa đề cho nguyên cả tác phẩm. Hai người bạn già (già lắm, đến “bát thập” lận!), một bà cụ (góa chồng) và một công cụ (góa vợ) ngồi ăn cơm với nhau và kể lại chuyện xưa, thời còn trẻ mỏ xuân thời. Bà cụ kể cho ông cụ nghe (với nhiều chi tiết sống động) lúc ông hôn bà trong vườn măng cụt.
Bà Lâm nheo cặp mắt đã có thật nhiều vết nhăn kéo dài ra đến thái dương nhìn ông, từ tốn nói:
– Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói: “ Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi”
Chi tiết đến thế này thì chuyện chắc phải có thật, mình không nhớ ra được thì ngày mai mình nên làm cái hẹn gặp bác sĩ. Tuổi tám mươi chắc bước vào tuổi mất trí nhớ rồi! Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, căp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt (Chắc là vội vàng lắm, vì hôn trộm người yêu của bạn mình)
Bà cụ thì nhớ rất rõ còn ông cụ thì chẳng nhớ một chút gì. Ông cụ về nhà, lòng quá đỗi hoang mang.
Tối hôm đó, ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. “Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.”
Ông bâng khuâng: ‘Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết?”
“Vườn măng cụt”, theo tôi, là dạng “tiểu phẩm” khá điển hình của Trần Mộng Tú. Bố cục gọn gàng, tình tiết đơn sơ nhưng sống động, và câu kết luận nghe nao nao lòng. Đơn giản thì đơn giản thật, nhưng nó cho ta những rung động tinh tế về tình trai gái. Đọc truyện mà như đọc một bài thơ tình…dang dở!
Mặt khác, truyện nào cũng khá “đời thường”, nghĩa là không có tình tiết nào ly kỳ, không có diễn biến nào bất ngờ. Và dường như chẳng có chứa đựng một lý giải triết lý gì lớn lao nào. Nhưng cái lạ là, chúng lại gợi cho ta những ý nghĩa lớn, mở ra những cánh cửa lớn. Trần Mộng Tú, khác với nhiều nhà văn khác, mở cửa rất nhẹ, đôi khi khá khẽ khàng (và dường như chẳng có dụng ý) cho người đọc tự mình tìm thấy cái mình cho là lớn. Và nếu không tìm thấy cái gì lớn, thì cũng…không quan trọng gì đối với Trần Mộng Tú. Tôi đoán thế.
Trong truyện “Puzzle”, Trần Mộng Tú mô tả một người đàn bà với hầu như toàn là khuyết điểm: xấu, cục mịch, quê mùa, bắt cặp hết người đàn ông này đến người khác, nên con đông mà là con năm cha bảy mệ. Có lẽ vì thế mà nhân vật được gọi là “mụ”. “Số mụ long đong nên chồng sống, chồng chết đều có cả. Ba chục năm trước, mụ mới bốn mươi, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tháo vát, có chút nhan sắc. Giải phóng về, mụ cũng chạy đôn chạy đáo, làm đủ mọi việc kể cả việc thỉnh thoảng phải bán thân để nuôi được đàn con bẩy đứa.”. Mụ không từ nan bất cứ “nghề” gì. Mụ như “một con kiến thợ tha bất cứ cái gì về tổ cho sự sống còn của cả nhà.” Nghe người ta đi H.O, mụ “lại chạy đôn chạy đáo vừa mua bằng tiền vừa dụ bằng xác một ông đi tù về còn độc thân, tưởng là bắt được rồi, nhưng thấy gánh con của mụ đông quá, ông ta sợ nhỡ sang Mỹ rồi mụ không buông ông ta ra thì chết toi, chả dại. Thế là mụ lại hụt. May cho mụ, khi diện các con lai được đi thì mụ đã có ngay trong nhà một đứa để làm vốn rồi. Cái quá khứ nhăng nhít của mụ trước kia, hóa ra được việc. Chẳng ai biết đứa trẻ đó là con mụ giấu giếm ở đâu hay mụ mới đi mua về.
Tác giả ví cuộc đời của nhân vật “mụ” này như những mảnh trong trò chơi “puzzle”, mảnh này mảnh kia lung tung y như chẳng dính dáng gì đến nhau. Nhưng: “Tôi ráp nhưng mẩu chuyện đó vào nhau, như ghép hình puzzle, nhìn theo cái lưng vẹo của bà khuất sau cánh cửa, tôi ráp được một tấm hình: “Người Mẹ”.
Hình ảnh một người mẹ như thế có gì trái cựa không? Quả là trái cựa. Tác giả rõ ràng đã dựng nên một bà mẹ khác với hình ảnh (và cả khái niệm) quen thuộc của chúng ta về người mẹ: mẹ hiền. Sao lại Mẹ/Hiền? Vì “Mẹ già như chuối bà hương/Như xôi nếp một như đường mía lau” trong ca dao hay “Mẹ là giòng suối ngọt ngào, là nải chuối buồng cau…” trong bài hát nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có nghĩa là mẹ thì phải chính chuyên, thờ chồng nuôi con, mẹ thì phải hiền thục, thì phải tần tảo, thì phải chịu đựng. Người mẹ của “Puzzle” thì cũng là mẹ đó mà đồng thời lại mang nhiều nét rất “phản-mẹ”. Phản mẹ mà lại rất mẹ! Mẹ chẳng “hiền” tí nào, nhưng ai dám bảo đó không là “người mẹ”?
Truyện dài nhất trong Vườn măng cụt là “Truyện tình”. Nó dài nhất nó sống động nhất nó bạo nhất, hot nhất và, một thói quen không sửa được của tác giả, vẫn nhiễm chất thơ. Cô gái ấy có một anh chồng mù (vì sao cô lấy một anh chồng mù thì tác giả không nói đến). Anh chồng mù ‘thưởng thức” vẻ đẹp của vợ mình không phải bằng mắt (dĩ nhiên), mà bằng…tay.
Mặc dầu anh không cần nhìn bằng mắt, nhưng chị theo thói quen bao giờ cũng đưa tận tay chồng những gì chị muốn. Anh ngắm nghía thân thể vợ bằng bàn tay khéo léo của mình. Anh đang chọn những phần ngon trên thân thể vợ như anh đang chọn trái cây trong siêu thị. Vỏ mỏng của trái cà vừa chín tới thật là tươi mát, mùi hăng hăng của củ hành mới hái thật là quyến rũ. Đặt tay trên lưng chị, có khác nào đặt tay trên một lá rau cải vừa được tưới nước. Cái mũi có đầu nhòn nhọn vừa phải như một trái ớt Mễ thật khiêu gợi, anh hôn môi vợ mà tưởng đang ăn trái anh đào tháng tám. Cặp núm vú nhỏ xíu của chị, anh đoán khi được âu yếm nó sẽ đỏ rực lên như mầu đỏ của trái thanh lương trà .
Một lối diễn tả thật khác lạ và thú vị! Erotic mà vẫn hồn nhiên.
Cô yêu chồng, nhưng cô thất vọng vì muốn vẻ đẹp của mình phải được thưởng thức bằng… mắt. Chính cái này mới sinh chuyện. Cô tự nguyện hiến dâng cho một người đàn ông hung dữ mang trọng án vì tội giết vợ đang ở trong nhà tù, nơi cô làm y tá chuyên chăm sóc sức khỏe cho tù nhân:
Hai con mắt đó nó không còn hung hãn nữa mà nó trong suốt như hai mảnh gương cho cô nhìn thấy phản chiếu tất cả vẻ đẹp của mình, cái vẻ đẹp rực rỡ thanh xuân ở tuổi ba mươi mà mấy năm nay chỉ được chồng cô nhìn bằng tay trong bóng tối. Cái ánh sáng lấp lánh của hai mảnh gương đó như những lưỡi thủy tinh sắc cắt thân thể cô ra làm nhiều mảnh, rồi cũng lại cái ánh sáng đó dịu xuống, mềm mại như một giải băng âu yếm quấn thân thể cô liền vào với nhau như cuộn một vết thương, làm cho cô ngây ngất như người vừa được chích một mũi thuốc gây mê. Óc cô lâng lâng, trái tim cô nôn nao, cồn ngực cô bồng bềnh như những mảng bông trắng nõn đang bay lượn trong phòng. Hắn chiêm ngưỡng thân thể cô mà không vồ vập, níu kéo. Hắn đi chung quanh chiếc giường, bắt đầu bằng những bước từ từ, rồi nhanh dần, nhanh dần giống như cái bóng trong chiếc đèn kéo quân làm cô chóng mặt.
Nóng. Mà vẫn tràn đầy nữ tính.
Nếu độc giả xao động vì một “truyện tình” nóng bỏng như thế thì cái tâm cũng sẽ tĩnh lại nếu đọc một câu truyện khác. Câu chuyện này mang, nói theo thuật ngữ Phật Giáo, thiền tính: “Đồng vọng”. Chuyện kể về một ngôi chùa ở nơi tiểu bang mà tác giả hiện đang sinh sống. “Gọi là chùa nhưng thực ra chỉ là một căn nhà cũ trong một khu đất rộng.” Trong lúc chờ đợi “một ngôi chùa mới, lớn hơn” như dự tính của vị sư trụ trì, thì chùa chưa có gì ngoài một quả chuông khá lớn treo ở bên ngoài. Một hôm, quả chuông bị kẻ gian lấy mất.
Ngày hôm đó và rất nhiều ngày sau đó, rất nhiều tháng sau đó, mỗi tinh mơ sư vẫn nghe thấy tiếng chuông rung trong đầu, rung rất rõ rệt, tiếng kêu boong boong ròn rã, rồi cái âm kéo dài ra rung cả lồng ngực sư, sư uống từng ngụm chuông, nằm im nghe ngóng, cho tiếng chuông thấm khắp thân thể mình, tiếng chuông thấm cả vào vạt áo sư.
Từ đó, tiếng chuông trở thành một “đồng vọng” thân thiết, như một người bạn “giấu mặt cùng tu tập với sư”. Thế rồi, có tín hữu mang đến tặng một quả chuông khác. Cho rằng chuông nào cũng như chuông nào, nhà sư tưởng là tiếng “đồng vọng” sẽ biến mất khi chùa đã có chuông mới. Nhưng không. Tiếng chuông mới, “cái âm rung không kéo dài ra, không thấm vào sư, không đi theo sư nguyên ngày, làm rung cả vạt áo sư” như tiếng của chuông đã bị lấy mất. Nhà sư cảm nhận như thế, nhưng không biết tại sao. Một buổi sáng khi đi ra vườn, đang “loay hoay với những xếp đặt trong đầu, nhà sư bỗng nghe thấy những tiếng động nhỏ nhưng rất rõ rệt ngay dưới chân mình, nhìn xuống thì hóa ra một chú sóc nhỏ đang tha một trái thông, trái thông khá to so với vóc của chú sóc, chú tha trái thông đi băng băng qua mấy hòn đá, qua mấy cái rễ cây trồi trên mặt đất rất nhanh nhẹn, nhưng khi kéo quả thông đi, mất hút vào một bụi cây rồi, chú vẫn để lại những tiếng động rất mơ hồ của quả thông trong không gian. Tiếng động nhỏ nhưng kéo dài âm hưởng.”
Thật là bất ngờ! Chú sóc nhỏ và trái thông đã làm nhà sư “ngộ ra tiếng chuông mơ hồ trong không gian của quả chuông đã mất mà bấy lâu nay vẫn vang trong đầu mình. Kẻ trộm chỉ mang được quả chuông đó đi nhưng tiếng chuông thì phải để lại. Cái xe cần trục chở được quả chuông nặng nề kia nhưng không chở được tiếng chuông nhẹ hẫng. Nhà sư gật gù bằng lòng với bài học mình học được sáng nay từ chú sóc nhỏ.”
“Đồng vọng” ngắn, gọn, lời văn nhẹ nhàng, lan man như một tùy bút. Viết về nhà chùa, không “đạo vị” mà nhiều “thiền vị”. Điều thú vị là tác giả không phải là một Phật tử mà là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành.
Mỗi lần đọc xong một truyện của Trần Mộng Tú, tôi đều có cảm giác lơ mơ. Cay cay. Đăng đắng. Chua chua. Bùi bùi. Ngọt ngọt. Cái gì cũng một chút. Chút này lẫn vào chút kia. Tựa như ta nếm một trái cây lạ mọc hoang trong góc vườn. Nhẹ và thấm thía, sau đó.
Mời mọi người thử nếm một chút. Không chỉ trái măng cụt, trong vườn. Mà cả trái măng cụt, ngoài vườn. Và còn nhiều thứ trái khác. Trong rừng. Dưới suối. Ngoài khơi. Và có thể là một thứ trái lạ ẩn dấu đâu đó bên dưới trái tim mỗi người.
(8/2009)
_____________________________________________________
Ghi chú: (*) Con số này không có gì dứt khoát. Người thì cho là dưới 2000 từ, người thì cho là dưới 1000 từ. Truyện ngắn nhất trong thể loại này được biết chỉ có 2 từ. Ở đây, tôi chì tạm thời đưa ra một khái niệm chung chung về truyện thật ngắn.
Trần Mộng Tú, Song Thao, Phạm Xuân Đài
ngồi: Trần Mộng Tú & mẹ của Nguyễn Đông Ngạc
đứng: Đỗ Quý Toàn, Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Song Thao
đứng: Đỗ Quý Toàn, Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Song Thao
Trở về
Chân Dung Văn Nghệ Sĩ
Danh Sách Tác Giả
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.