Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Khế Iêm











Khế Iêm

tên thật: Lê Văn Đức
(1946 - ......) Nam Định

Nhà Thơ
(Được xem là "chủ soái" của trào lưu thơ Tân Hình Thức việt)







Phẩy con đường làm đôi
Không biết lối nào có dấu quê cũ





Từ thủơ tuổi tác như đồng nát
Sương khói xây thành trăng mộ bia
Ta uống say khướt nước quẩn bách
Theo gió ra ngoài biên giới kia


Khế Iêm
30/9/14 





Khế Iêm sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Học Luật tại Sài Gòn. Sống tại Mỹ.

Sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại California 1994-2004.













Tác phẩm:






Mới Nhất













Con Đường Thơ










Vũ Điệu Không Vần
Tiểu luận






1
Hột huyết
(kịch, Sàigòn 1972)






2
Thanh xuân
(Thơ, California 1992)






3
Lời của quá khứ
(Truyện, California 1996)






4
Dấu quê
(Thơ, California 1996)






5
Tân hình thức, Tứ khúc và những tiểu luận khác
(Tiểu luận, California 2003)






6
đồng tác giả và chủ biên tập
Thơ Kể
Poetry Narrates
(Tan hinh thuc publishing, 2009)









Khế Iêm nổi tiếng như người khởi xướng và, đến nay vẫn tiếp tục, như cây viết lý luận chính yếu của phong trào thơ Tân hình thức Việt. Về sáng tác, anh cũng là một trong vài nhà thơ quan trọng nhất của phong trào này. Trước đó, thời kỳ cổ điển và thơ tự do, thơ Khế Iêm ít được biết tới hơn nhưng không phải là anh không có những bài thơ được yêu mến. Chúng phần nào là tiền đề để anh bước vào con đường thi pháp mới. Như một người sáng tác, anh có những thuận lợi của nhà thơ có kinh nghiệm lâu năm, viết nhiều thể thơ, đọc nhiều, nhưng vì thế anh cũng có những gánh nặng khác trên vai: toàn bộ lý luận về thơ Tân hình thức, sự triển khai và sự áp đặt của nó đối với một nhà lý thuyết.

Những người đọc kỹ thơ Khế Iêm trước đây sẽ ngạc nhiên thấy rằng trong thời kỳ đầu anh vốn không phải là người nặng về tự sự và mô tả, với khuynh hướng đi sâu vào chi tiết và khuynh hướng yêu thích tính chính xác vốn phổ biến trong các truyền thống phương Tây. Như vậy, có thể xem Tân hình thức là một bước ngoặt trước hết với thẩm mỹ của nhà thơ. Có lẽ nhiều người đã từng gặp những khúc quanh như thế, nhưng chỉ một số người trong số họ, những tài năng có lẽ, mới kịp đột ngột rẽ đường vào khúc quanh ấy. Thơ Khế Iêm đầy rẫy những chi tiết thời thơ ấu, thời mới lớn, ký ức chiến tranh, chiêm nghiệm lẽ đời và tuổi già. Những yếu tố chính trị trong thơ anh chỉ thấp thoáng hiện diện nhưng sẽ trở đi trở lại. Những đề tài được ưa thích của Khế Iêm như quan hệ giữa người và người, thân phận, quê hương, không phải là những đề tài khác thường. Vì vậy, khi trở thành chất liệu của thơ Tân hình thức, cố gắng cần thiết của nhà thơ trở nên rất lớn để có thể biến chúng thành các phương tiện hữu dụng.

Thơ Tân hình thức, như nhiều lần được anh và các nhà thơ đồng hành định nghĩa, bao gồm những đặc tính như: tính truyện, tính lập lại, ngôn ngữ đời thường, tính vắt dòng, vần điệu. Có lẽ cần thêm rằng tính chất vui chơi và tính chất huyền bí cũng tạo nên những phẩm chất cốt lõi khác. Là một phong trào nặng về hình thức nghệ thuật, cho đến nay thơ Tân hình thức nói chung, của nhiều tác giả, và thơ của riêng Khế Iêm, đang cho thấy những khả năng tiềm tàng và những giới hạn dễ thấy của nó. Đó là vì sao trong dư luận phê bình có hai khuynh hướng, khen và chê, đối với Tân hình thức.

Năm 2014, một hội thảo khoa học về thơ Tân hình thức được dự định, bởi tạp chí Sông Hương ở Huế và tổng biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc, cũng là một nhà thơ Tân hình thức, chứng tỏ sức lan tỏa của phong trào này ở hải ngoại và trong nước. Hội thảo không thực hiện được, nhưng đã trở thành, một cách đầy ấn tượng, việc ra mắt một tuyển tập song ngữ dày dặn, công phu, mỹ thuật (*), chứng tỏ sự hiện diện của cả hai khuynh hướng ủng hộ và nghi ngại này, và cả hai đều mạnh mẽ.

Xét thuần túy về mặt nghệ thuật, các phản hồi khen chê có thể được các nhà thơ đồng hành với Khế Iêm sử dụng để điều chỉnh. Gần đây một số nhà thơ đã có khuynh hướng mở rộng các ranh giới của nó, tiếp cận những đề tài xã hội và chính trị, mới, đi sâu vào các khuynh hướng tâm linh, làm phong phú thêm ưu điểm ngôn ngữ của Tân hình thức.

Nhà thơ Đỗ Quyên, một trong những người theo dõi khách quan và sát sao phong trào Tân hình thức, cũng như theo dõi nhiều vận động thơ ca khác, đã nhận xét như sau:

“Đây cũng là lần đầu tiên trong sự phát triển văn học Việt Nam, một trào lưu thi ca – có lý thuyết bài bản, có tranh luận sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành sáng tác rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia – đã được cộng đồng văn học chấp nhận về học thuật. Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt Nam lâu nay chưa có tập quán trường/ phái/ nhóm, đây nên được xem là bước chuyển đổi lớn…

Một cách tương đối, nếu xem hành trình sáng tác theo 4 bậc thang – Cách mạng (Cải cách) thơ: cần văn hóa, thời đại mới, thông qua chủ nghĩa, triết thuyết mới; Cách tân (mở đường) thơ: cần thi pháp mới, tạo khuynh hướng mới; Đổi mới thơ: bằng bút pháp mới tạo lối viết mới; Sáng tạo thơ: qua phong cách mới với thủ pháp mới – thì Thơ Tân hình thức Việt ở bậc thang Cách tân.”

Phong trào Tân hình thức Hoa Kỳ có lẽ đã chọn được người đại diện xứng đáng của mình trong ngôn ngữ Việt, không những đại diện mà thậm chí còn nâng lên, ở một nhà thơ với sự xẻ đôi giữa một bên là khuynh hướng cách tân về phong cách và ngôn ngữ, một bên là khuynh hướng trữ tình và vần điệu cổ điển.

(Theo Văn Việt )














Thơ Khế Iêm






TỰ CA

Mở mắt
Nhấp nháy nghi, hồn nhiên
Rơi trên thềm, ruộng đồng chảy mật
Chưa bao giờ nước và đất thành bùn
Chưa bao giờ điêu linh là mộng

Ta khởi từ đời thật có
Chạy đi rồi về gió tất tưởi
Chiều xa chôn hờ thây ngoài non
Đợi nhau từng giờ bướm thổn thức

Dừng lại con quay quẻ may rủi
Dắt tay bước qua cầu nước mắt
Thở dài
Cười
Tiếng hùng hổ
Nhè nhẹ rừng lời buông bông lơn

Nhát cuốc
Cỏ, hẳn nhiên chết
Cho nhanh ngày mầm héo xơ xác
Vay trả ngàn kiếp muôn biến đổi
Ta ca thiêm thiếp quê mùa thơm.




XUÂN TÙ

Gửi TPK

Lửa mắt, hôn tóc sao
Chảy và khóc
Lời kinh mưa

Như trái tim kịch, lòng co quắp
Như bất ưng chiều run phiêu linh
Như chim bay qua rừng hát huyên náo

Ta, sâm thương nguồn gió đau đớn
Bên quán xưa men rượu còn chờ
Thây man di có tiếng hờn oán
Sông cuối sông về, hoa tinh mơ

Ngăn ngắt quanh ngực núi càn rỡ
Khuya liếp tranh hồn quê siêu sinh
Ta cắn răng cùng đá gầm rú
Trong nước trôi ngoài trăng lân tinh

Soi, bỗng nhiên dòng nỗi lam lũ
Đang cuốn đi từng cơn phiếm du
Thiêm thiếp hơi gặm miếng tình cũ
Bao phế hưng ta mùa xuân tù.








CON MÈO ĐEN

Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;
con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo
linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,
mà quên rằng, tôi đã sống những ngày
hôn ám biết bao, tự thuở nào và
tại sao thì tôi đành chôn kín, trong
cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,
được lượm lặt từ rất nhiều mẫu chuyện,
để cấu thành câu chuyện về con mèo
đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn
của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo
đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ
không phải bất cứ đôi mắt nào khác;
mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang.





NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU 40 NĂM

Người đàn bà 40 tuổi trở
về sau 40 năm cuộc chiến
tàn nơi một đất nước xa lạ
xa lạ như đứa trẻ sinh ra


không biết mình là ai trong cuộc
đời 40 năm mập mờ ký
ức bà đi tìm bà hay bà
đi tìm ai ôi chao bà đi


tìm câu chuyện về người đàn bà
đã sinh ra bà và ném bà
vào một thế giới không phải của
bà nhưng bà chỉ gặp một Sơ


già từng cưu mang những đứa trẻ
mồ côi và cho họ một cuộc
đời khác khác với cuộc đời họ
đã sinh ra Sơ ngỡ ngàng Sơ


không nhận ra bà bà không nhận
ra Sơ đã 40 năm qua
rồi Sơ kể kể đi kể lại
những hoài niệm cất giấu sau cuộc


chiến tàn bà là đứa trẻ được
đưa tới trại trẻ mồ côi từ
bệnh viện bệnh viện nơi trú ẩn
của sự sống và cái chết cuộc


đời của người đàn bà đã sinh
ra bà và cứ thế huyễn hoặc
này vùi vào huyễn hoặc khác cuộc
đời này vùi vào cuộc đời khác


những dấu tích phôi pha đủ để
Sơ già già hơn qua năm tháng
nhưng vẫn chồng chất những mảnh đời
bất hạnh của những đứa trẻ mồ


côi rồi Sơ lại kể kể đi
kể lại như thể sợ mất đi
đứa con thất lạc nay đã về
nhà trong cuộc hành trình 40


năm sau cuộc chiến tàn bà trở
về nơi bà đã ra đi nay
bà lại ra đi đến nơi đã
trở về bà là ai là ai


là câu hỏi mãi đeo đẳng nơi
bà dù cho là có 40
năm sau nữa.





*Theo bản tin “Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975”, nguồn Khampha.vn, câu chuyện sơ tán của Julie Davis từ Sài Gòn tới Seattle, Mỹ, vào năm 1975.




NẮNG VÀNG
Tôi đứng ở bãi đậu
xe nhìn bâng khuâng một
vùng nắng vàng (và trong
lúc này) tôi không biết


tôi là nắng hay nắng
là tôi con đường phía
trước một hướng ra biển
còn hướng kia lên đồi


cả hai nơi đều có
những ngôi nhà đắt tiền
nhưng những ngôi nhà đắt
tiền thì có liên hệ


gì tới tôi có lẽ
là do sự liên tưởng
từ con đường con đường
dẫn tới những ngôi nhà


đắt tiền bây giờ nắng
đã xóa đi ký ức
và cái nghĩ của tôi
cũng đã rời xa tôi


lờ mờ tôi không còn
biết tôi đang ở đâu
và đi đâu bởi tôi
là nắng chỉ khi nào


nắng rời xa tôi lúc
đó ký ức và cái
nghĩ trở lại thì may
ra tôi mới trở lại


tôi nhận ra nơi tôi
đến và đi (chẳng mấy
chốc) bóng tối tiễn đưa
ánh sáng và bãi đậu


xe sẽ lấp lánh lấp
lánh đủ sắc màu nên
tôi không muốn lãng phí
giây phút nào ở với


nắng lúc này tôi không
làm gì ngoài ngó quanh
lác đác bóng người len
lỏi qua những hàng xe.








THƠ TÂN HÌNH THỨC 




TÂN HÌNH THỨC VÀ CÂU CHUYỆN KỂ

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

giống lời nào, về người đàn bà và
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

nhưng người đàn bà và đàn con nheo
nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
kể lại, như người khác đã từng kể
lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự
kể lại, và không ai, ngay cả người
đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.




NGƯỜI ĐÀN BÀ

Người đàn bà ngủ với người đàn ông
không phải chồng của mình, trong căn phòng
không phải căn phòng của mình, với cái
tôi không phải cái tôi của mình, vào

buổi tối không giống buổi tối nào (vào
buổi tối không khác buổi tối nào), giữa
nhà ga đầy muỗi mòng và nước đái
ngựa, nhai lại bất cứ thứ gì có

thể nhai lại, bôi xóa bất cứ thứ
gì có thể bôi xóa, ném vào đống
đồ đạc cũ, mảnh báo cũ, kể về
nỗi nhọc nhằn đồi trụy; xỏ chân vào

đôi guốc mộc, và bước qua ngưỡng cửa,
để đi tìm người chồng nơi những người
đàn ông không phải chồng của mình. Biết
thế thì. Thôi thế thì. Người đàn bà

đánh mất quá khứ, hay quá khứ đã
tàn phai, thất thiệt, từ hàng trăm năm
trước, rằng đã có một thời, đã có,
“một thời áo trắng xa xôi”. Người đàn

bà quay gót, trở về căn phòng không
phải căn phòng của mình, với cái tôi
không phải cái tôi của mình, dửng dưng,
như sự thật chẳng bao giờ có thật.

———————
* “Một thời áo trắng…”: Lời nhạc của Trầm Tử Thiêng



TẾT Ở NEW YORK
Năm cũ không bước qua
năm mới vì năm mới
vốn thông thương với năm
cũ trong lúc lũ tết
và lũ tuyết ập xuống
mái nhà ôm lấy nhau
không chịu tan ra chẳng
khác nào năm cũ nằm
ôm lấy năm mới nhì
nhằng không thể bước qua
nhau mãi cho đến lúc
giật mình thức giấc bởi
tiếng động của cái lạnh
làm se da thay cho
tiếng pháo nhắc tới tết.


20/2/2015





MẸ KHỔ

Mẹ già đã gìa ngồi
còng lưng bên gánh hàng
rong nơi góc phố bụi
mờ những bước chân qua
mẹ chờ gì và mẹ
chờ ai không mẹ không
chờ gì và mẹ không
chờ ai ngòai nỗi buồn
canh cánh từ thuở khai
sinh mẹ còn gì và
mẹ còn ai không mẹ
không còn gì mẹ không
còn ai ngòai lũ con
đứa lang bạt kỳ hồ
đầu đường xó chợ đứa
vợ bỏ đi hoang lặn
lội tìm trầm nơi rừng
sâu núi thẳm một sớm
tin về xảy chân đã
thành thiên cổ không ai
nuôi mẹ vậy mẹ nuôi
ai mẹ nuôi lũ cháu
còn thơ mồ côi mồ
cút bữa đói bữa no
trong vòng tay mẹ bà
ơi bà ơi mẹ như
chiếc lá đổi màu năm
cùng tháng tận ngồi đây
kẻ qua người lại không
ai thấy mẹ mẹ không
thấy ai rồi một hôm
mẹ nghe lũ chim non
quang quác đầu nhà kêu
trong hoang sơ mẹ
không kịp về cơn đau
ập đến mang xác mẹ
đi đi đâu về đâu
bà ơi bà ơi ngày
đi vào đêm mẹ không
kịp về mẹ ngồi bên
đường mẹ ngồi chết khô
bên gánh hàng rong người
đi kẻ ở phố vẫn
như xưa chỉ không còn
cuộc đời mẹ khổ bà
ơi bà ơi bà ơi
bà ơi đi đâu về đi.





KẺ VIẾT

Những kẻ viết – như tôi –
sống với những nhân vật
của họ mà nhân vật
của họ thì vốn dĩ


là những mẫu người thật
đủ mọi dạng hình được
bỏ vào những tình huống
do họ tạo ra theo


kiểu cách của họ những
nhân vật của họ trở
thành những con rối dần
dần những con rối lại


biến chính kẻ viết thành
những con rối con rối
trong những con rối ô
hay thế giới của những


con rối cứ thế và
cứ thế phiêu bạt phiêu
bạt những con rối chữ
nghĩa lộn xộn với những


con rối cuộc đời và
trong cái mớ bong bong
của hoài nghi kẻ viết
đi đâu về đâu cuối


cùng rồi cũng chỉ là
kẻ viết có khác gì
những con người khác luẩn
quẩn trong những thế giới


khác nhiễu nhương và nhiễu
nhương nhưng nhiễu nhương thì
nhiễu nhương những kẻ viết –
như tôi – làm sao có


thể thoát ra khỏi cái
viết và chỉ có thể
mãi mãi là kẻ viết
vất vưởng trong cái viết.





NHỮNG CÁI TÔI BUỒN
Nếu sự thực chỉ là ảo tưởng
và thực tại trùng trùng lớp sóng
phế hưng trong tình huống như vậy
tôi bị đẩy ra ngoài lề tôi


là con chữ những bản văn không
thể khác và không thể khác và
thế là tôi có thể cắt dán
tôi tải lên lấy xuống nén lại


gửi đi tách lìa giữa tôi và
tôi những cái tôi được tạo ra
từ tâm trí tôi những cái tôi
ký hiệu những cái tôi viết lời


tuyên ngôn những cái tôi viết lời
cổ động những cổ động rỗng không
những cái tôi dị dạng méo mó
những cái tôi nổi trôi trên mạng


lưới trời những cái tôi phẳng những
cái tôi bị tâm trí dày xéo
những cái tôi bị tâm trí xâm
lăng dựng thành kịch bản kịch bản


ở ngoài mọi kịch bản tôi là
tù nhân của tâm trí tôi và
những người khác là tù nhân của
tâm trí khác y như tôi vậy


đẩy con người tới bờ vực lãng
quên và bây giờ tôi đang ngồi
bên song cửa ngó ra ngoài thấy
le lói ánh trăng soi và ngẫm


lại nếu con người chỉ là hư
cấu những bản văn thì tôi cũng
chỉ là bản sao của vô số
những bản sao tôi những chiếc bóng


nói nói và nói chi nhiều (vì
sự thật chẳng bao nhiêu.)




(*) Kỷ Yếu Hội Thảo Tuyển Tập Tiểu Tuận “Thơ Tân Hình Thức Việt: Tiếp Nhận Và Sáng Tạo”/ Sông Hương Magazine Workshop Summary “Vietnamese New Formalism Poetry: Reception And Creativity”, Tạp Chí Sông Hương, Huế, 2014




Cái hộp

Những rác rưởi ở ngoài lề đường, những
giẻ rách ở ngoài lề đường, những cái
hộp phế thải ở ngoài lề đường, đó
là điều không thể chối cãi, và không

thể hồ nghi; nhưng tôi sắp nói những
điều tôi sẽ nói, như tôi cứ nói
những điều tôi đã nói, rằng tôi chật
chội, chật chội trong cái hộp phế thải,

như tôi chật chội, chật chội ở ngoài
lề đường; nhưng tôi không thể nào bước
ra ngoài cái hộp, và cái hộp cũng
không thể nào bước ra ngoài tôi; những

cái hộp đựng giày dép cũ, những cái
hộp đựng quần áo cũ, những cái hộp
toàn đồ lạc xon, những cái hộp vất
vưởng, những cái tôi vất vưởng; những cái

hộp kể chuyện đời cũ, những cái tôi
lập lại, kể chuyện đời cũ, những hình
ảnh cứ thế, hiện ra rồi biến mất,
những thực tại cứ thế, hiện ra rồi

biến mất, những tai ương cứ thế, những
hạnh phúc cứ thế, những thuở nào cứ
thế, và cứ thế, cứ thế, cứ thế;
những cái hộp bằng cát tông, giấy dầu,

nhựa dẻo, những cái tôi bằng cát tông,
giấy dầu, nhựa dẻo, như rác rưởi, giẻ
rách ở ngoài lề đường, tan tác như
thế, lôi thôi như thế; nhưng tôi sắp

nói những điều tôi sẽ nói, như tôi
cứ nói những điều tôi đã nói, mặc
dù, thà có hơn không, đó chẳng phải
là những điều tôi muốn nói.

Chiếc ghế

Những chiếc ghế không cùng một màu,
những chiếc ghế không dùng để ngồi,
những chữ ghế, không phải là ghế;
những chiếc ghế có thể sờ được,

những chiếc ghế có thể gọi tên,
những chiếc ghế đúng ghế, không phải
là ghế; những chiếc ghế không bao
giờ vẽ được, những chiếc ghế không

bao giờ nói được, những chiếc ghế
không bao giờ có được, bởi những
chiếc ghế không bao giờ biến dạng,
những chiếc ghế không bao giờ mất

đi, những chiếc ghế không hiện diện;
những chiếc ghế, ôi chao, chỉ là
nó đó; những chiếc ghế, ôi chao,
không cùng một màu, những chiếc ghế,

ôi chao, không dùng để ngồi; những
chiếc ghế không ở đâu xa, những
chiếc ghế ở ngoài mọi điều; những
chiếc ghế chỉ là chiếc ghế.









THƠ TỰ DO
(trích từ tập Dấu quê)



DẤU QUÊ

phà vào lũ mục
tử bằng đất nung
với tay nhón cái phôi

pha với khói
tí tách
con mắt góc xếch
mé trong thế giới hai mặt một lời
(ai ở ngoài lời)

vẽ lại hình dạng đã thành quen
thói

phẩy con đường làm đôi
không biết lối nào có dấu quê




Cà phê

gác mái
con đò không
giả dụ vậy

ẩn dụ lời
đừng đùa bỡn với ký ức

nóng nảy

đã đến lúc phải chôn sống
cả hơi thở

tí tách
giọt cà phê rơi





Chợ trời

bụi bậm
ngổn ngang nắng gió

thở chút hơi ngày hát cuồng

nghe ngóng
phế thải cả

xao xác, xao xác
chim muông bay

coi chừng hoàng hôn
đóng cửa lại




Kịch một ngày

bình minh
(lại bình minh)
nhắc tới là sôi ruột

mồi điếu thuốc
không cháy

chắc lưỡi
đằng nào cũng đã bị mắc bẫy

hiên mưa
hiu quạnh quá

khán giả đâu
ở ngoài kia kìa

màn











THƠ GRAPHIC
(trích từ Tạp chí Thơ)


Đọc "Chinh Phụ Ngâm" 



















Phê bình

Câu chuyện không vần kể lại
Khế Iêm




Vào giữa thế kỷ 16, khi Earl of Surrey dùng thể thơ không vần của Ý để dịch thơ của Virgil sang tiếng Anh, ông đã chuyển thể thơ không vần (cuối dòng) của Ý sang thơ Anh. Rồi thơ từ những ngôn ngữ đa âm và trọng âm như tiếng Đức, tiếng Nga... lại tiếp nhận thơ không vần từ thơ Anh. Gần 5 thế kỷ sau, thơ Việt tiếp nhận thơ không vần từ thơ tiếng Anh. Như vậy thơ không vần có liên quan gì tới thơ tân hình thức Việt?


Thơ Tân hình thức xuất phát từ Mỹ, trong quan điểm, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ bằng cách dùng lại những thể thơ truyền thống, để cứu vãn thơ trong tình trạng người đọc thơ càng ngày càng cạn kiệt, hậu quả của một thế kỷ làm mới của thơ tự do. Nguyên nhân chính là thơ Mỹ đã khai thác hết những khả năng của thơ tự do, và rơi vào trò chơi khó hiểu của ngôn ngữ. Sau nữa là nền văn minh vi tính đã đưa tình trạng kỹ thuật sang một khúc quanh mới, mang ưu thế đến cho TV, điện ảnh và các phương tiện truyền thông. Không chỉ có thơ mà các ngành nghệ thuật khác như hội họa, kịch nghệ cũng chịu chung số phận khó khăn. Có lẽ còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, mà chúng ta khó có thể biết được. Vì khi xã hội thay đổi, báo hiệu những chuyển biến lớn thì đồng loạt kéo theo nhiểu thay đổi ở khắp mọi lãnh vực, nhất là thập niên 1980 ở Mỹ, nơi được coi là đất lành để ươm trồng và thực hành chủ nghĩa hậu hiện đại. Phong trào thơ tân hình thức lúc đó được hình thành một cách tự phát, mới đầu chỉ có vài nhà thơ thực hành theo thể luật truyền thống, với ngôn ngữ đời thường, gây được sự chú ý của những nhà phê bình. Sau đó càng ngày càng thu hút được nhiều người, cho đến thập niên 1990 thì trở thành một phong trào rộng lớn. Đó là những tóm tắt mà chúng tôi đã đề cập tới nhiều lần.


Khi cái hay (trong thơ) và cái đẹp (trong hội họa) đựoc thay thế bằng tiến trình đi tìm ý nghĩa (trong tác phẩm), thì những nhà hiện đại, tự coi là cấp tiến, những nhà sáng tạo, khởi đi từ chủ nghĩa Tượng Trưng (trong thơ) và chủ nghĩa Ấn tựơng (trong hội họa). Mê cuồng với những quyền năng mới, lấy cái lạ, cái mới làm tiêu chuẩn nghệ thuật, những nhà hiện đại luôn luôn coi thường những điều bình thường. Trong khi thơ là những chuyện bình thường, là lời ca của đám đông, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Cái đẹp bị bóp méo, thậm chí xấu xí đi. Trong thơ không còn cái hay, trong tranh không còn cái đẹp, hay cái hay cái đẹp được định nghĩa không còn đúng với ý nghĩa của chính nó. Thơ là sự cảm nhận trực tiếp nên khi phân tích để tìm ra ý nghĩa, thơ mất đi, và chỉ còn là phương tiện để phô bày kiến thức, qua diễn giải. Khốn nỗi, kiến thức chỉ là nội dung của thời đại chính họ. Khi mắc kẹt vào kiến thức, chữ, đường nét và màu sắc, họ mắc kẹt vào phương tiện. Sau thời kỳ hậu hiện đại (thật ra chỉ là thời quá độ của chủ nghĩa hiện đại) những nhà thơ, họa sĩ quay về hồi phục cái hay cái đẹp (chủ nghĩa tân hiện thực) truyền thống. Con người đã quá mệt mỏi với tinh thần nổi loạn và đập phá của thời hiện đại, quay về cái hay, cái đẹp để tìm lại sự bình an trong tâm hồn. 


Thơ Tân hình thức Việt là một hành trình khác. Gọi là tân hình thức, là cái tinh thần trở về với đời sống thực tại, hồi phục lại nghệ thuật thơ và những giá trị nhân bản đã mất, sau rất nhiều tàn phá của chiến tranh, và những tiêu cực của tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm sơ cứng tâm hồn con người. Trong thực hành là sự tiếp nhận thể thơ không vần của thơ tiếng Anh. Đây là một thể thơ mà các ngôn ngữ ở phương Đông khó tiếp nhận vì không phải là ngôn ngữ trọng âm. Nhìn bài thơ, hình thức giống như một bài thơ, nhưng khi đọc thì lại thấy giống như văn xuôi, đọc xong thì lại thấy đó là thơ chứ không phải văn xuôi. Vì nó đã sử dụng hai yếu tố tối ưu của thơ và tối kỵ đối với văn xuôi: vắt dòng và lập lại. 


Gọi là văn xuôi khi viết hết, đụng tới hết lề phải của trang giấy, mới xuống hàng, cứ như thế cho hết một đoạn văn. Còn về thơ, dòng (line) dài hay ngắn (thơ tự do) hay mỗi dòng có một số chữ nhất định (7, 8 chữ, lục bát) là xuống hàng. Như vậy, văn xuôi là ngôn ngữ nói và viết thông thường, được phân biệt với thơ bằng dòng (line), sự lập lại (repetitive pattern of rhythm) hay thể luật (meter), theo định nghĩa tiếng Anh. Còn thơ văn xuôi (prose poem) là thể loại giữa thơ tự do và văn xuôi, có hình thức văn xuôi (chỉ xuống hàng khi hết lề phải, không vắt dòng hay dòng gẫy), với những đặc tính của thơ như sự lập lại nhịp điệu, thính giác, và cú pháp (rhythmic, aural and syntactic repetition), sự cô đọng tư tưởng (compression of thoughts), cường độ (sustained intensity) và hình thái cấu trúc (patterned structure). Có nghĩa là, trên nguyên tắc, thơ và văn xuôi có cái nền chung là cú pháp văn phạm, nhưng thơ có rất nhiều kỹ thuật chung và riêng (của từng nhà thơ) để làm thơ khác với văn xuôi, vắt dòng và lập lại chẳng hạn.


Phân biệt như thế thì chúng ta mới không có sự lầm lẫn vì không thiếu người đọc bắt bẻ thơ tân hình thức bằng cách xếp lại thành văn xuôi rồi kết án đó không phải thơ. Sự khác biệt giữa thơ và văn xuồi chỉ là ở một đường tơ kẽ tóc.


Luật thơ, ở ngôn ngữ nào cũng vậy, đều rút ra từ ngôn ngữ nói. Thơ tiếng Anh, (không nhấn, nhấn), cứ đều đếu như vậy, lập đi lập lại 5 lần trong 1 dòng, 10 âm tiết (dĩ nhiên có những luật khác làm thay đổi tính đều đặn của iambic). Thơ có trước luật thơ vì vậy luật thơ chỉ là phương tiện hướng dẫn người đọc muốn tìm hiểu thơ. Còn nhà thơ, luật thơ đã có sẵn trong tâm thức, tài năng, nên lời thơ tuôn ra một cách tự nhiên, như lời nói. Mỗi ngôn ngữ có những bản sắc khác nhau, có khi ròn rã (như tiếng Anh), có khi du dương trầm bổng (như tiếng Việt) vì thế luật thơ cũng khác nhau. Luật iambic làm cô lại nhịp điệu nói của tiếng Anh, còn thơ Việt, chỉ là sự sắp xếp nhịp nhàng tính bằng trắc của ngôn ngữ.


Những nhà thơ Mỹ phổ những câu nói đời thường vào thể luật iambic cũng giống như vọng cổ mang vào âm luật cổ nhạc, khi ca lên chúng thành vọng cổ, còn khi viết xuống trên mặt giấy, thì chỉ là những câu nói bình thường. Nhưng vì ngôn ngữ tiếng Anh vừa đa âm và trọng âm, nên dễ vần ở cuối dòng thơ, và vì thế khi chuyển câu nói và ngôn ngữ thường ngày, nhà thơ có thể sử dụng cả thể luật thơ vần và không vần. Thơ vần và không vần trong thơ Anh chỉ khác nhau vần ở cuối dòng, còn luật thơ thì vẫn như nhau. Với thơ Việt, không thể mang những câu nói đời thường vào vì bị vướng luật vần ở cuối câu, nên phải dùng kỹ thuật vắt dòng thay thế vần. 


Thơ tân hình thức Việt khởi đầu với tiểu luận: “Chú Giải Về Thơ Tân Hình Thức” lôi cuốn 11 nhà thơ sáng tác theo thể loại này. Những nhà thơ đến với thơ tân hình thức chỉ với một mục đích vui chơi, vô tư, không có bất cứ bận tâm nào khác (đây chắc hẳn cũng là bản chất của thơ). Cũng cần ghi nhận rằng, phong trào thơ tân hình thức chỉ có ở Mỹ, ngay cả thơ tại Anh cũng không có. Ở Pháp, nhà thơ Đỗ Kh. dịch thơ của Jean Rista, cứ đúng 12 chân (âm tiết) xuống hàng, là hình thức đếm âm tiết để chế diễu truyền thống của những nhà hiện đại. Một phần vì những nhà hiện đại luôn luôn muốn độc đáo, khác người, tìm mọi cách gây sốc. Và một phần, suốt cả thế kỷ, những nhà hiện đại không ngừng nắm lấy mọi cơ hội để chế diễu truyền thống, như một phía đối nghịch. Không giống như Jean Rista chế diễu truyền thống, nhưng lại giống Jean Ristat là những nhà thơ Việt làm thơ tân hình thức bằng ngôn ngữ thơ tự do, theo cung cách của Jean Rista. Trong khi những nhà thơ tân hình thức Mỹ bắt đầu với thể luật và không liên hệ gì với thơ tự do của thời hiện đại. 


Thơ tân hình thức ở thời kỳ này chưa thật sự có cá tính là một dòng thơ mới. Đúng hơn, thơ không vần Việt, về ngôn ngữ gần với thơ không vần tiếng Anh thời lãng mạn, Wordsworth chẳng hạn, về phong cách lại gần với thơ tự do phái hình tượng đầu thế kỷ 20. Vì Wordsworth thay ngôn ngữ trừu tượng thời Victoria, thế kỷ 18, bằng ngôn ngữ thông thường trong thơ không vần. Còn phái Hình tượng, cũng chủ trương dùng ngôn ngữ nói thông thường, nhưng thoát ra ngoài thể luật iambic, gần với tính cách hài hòa ngôn ngữ của thơ Việt. Thơ không vần Việt, vì thế không hề cắt đứt, mà là đường nối giữa truyền thống và hiện đại.


Chính vì khởi đầu như thế nên thơ tân hình thức còn rất nhiều khuyết điểm, và bị chống đối mạnh mẽ từ những người không làm thơ tân hình thức. Sự chống đối mang tính bất công và thành kiến rõ rệt, nhưng bây giờ ngẫm lại, nó đã giúp cho những nhà thơ tân hình thức nhận ra những hạn chế của mình. Tiếng chê nhiều lúc lại có giá trị hơn tiếng khen. Khi coi chuyện làm thơ tân hình thức chỉ như một trò vui chơi, thì cái hay cái dở không còn là vấn đề. Và qua tinh thần đó, những nhà thơ tân hình thức cảm nhận được những tâm tình mới, bình đẳng với mọi người và bình đẳng với nhau. Nhưng trò chơi này không còn là một trò chơi nữa vì càng lúc càng có nhiều người tham dự, lên đến 64 người với tuyển tập thơ Không Vần, vào đầu năm 2006, kèm theo những bài nhận định và dịch thuật xuất hiện. Ý thức đổi mới và học hỏi từ mọi nguồn thơ, và cả mọi ngành nghệ thuật khác bắt đầu hình thành phong trào. Một số những nhà thơ dần dần bắt được ngôn ngữ của dòng thơ này như Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Hy Lạc…tiếp nối những thế hệ sau như Biển Bắc, Nguyễn Tất Độ, Giảng Anh Iên… Câu chuyện không vần đang giở qua một trang khác.


Đến đây, chúng ta đề cập tới vấn đề những yếu tố và kỹ thuật của thơ tân hình thức. Nếu thể thơ không vần với kỹ thuật vắt dòng, chỉ là hình thức, không phải nội dung, là phương tiện nối kết với mọi thế hệ, thì ngôn ngữ đời thường và tính truyện lại là những yếu tố hoàn toàn khác hẳn thơ vần điệu và tự do. Ngôn ngữ đời thường là những câu nói của những người bình thường, dung dị, trực tiếp. Khác với thơ vần và tự do là loại ngôn ngữ bóng bảy, trừu tượng hay khó hiểu. Ngay như ca dao, tuy nội dung và ngôn ngữ bình thường nói về những sinh hoạt đồng ruộng, nhưng bằng những câu ru điệu hát. Trong đời sống không ai ru hay hát khi giao tiếp với nhau. Những nhà thơ tân hình thức cho rằng mọi câu nói và cách nói trong đời sống thường nhật thuộc về ngôn ngữ thơ tân hình thức.


Nhưng trong đời sống có rất nhiều thành phần xã hội, từ lớp cùng đinh tới những tầng lớp cao hơn, từ loại người đầu đường xó chợ, băng nhóm ngoài lề xã hội tới những thành phần học thức, ngành nghề, sinh viên học sinh... Mỗi hạng người có cách nói cách nghĩ, cách giao tiếp, và vì thế có một loại ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ thơ tân hình thức bao gồm tất cả. Như vậy thì chưa ai chạm tới được ngôn ngữ đời thường này, nếu có thì cũng không đáng nói. Vì vậy mà thơ tân hình thức chưa có vóc dáng đặc biệt và phong cách lớn lao của nó.


Ngôn ngữ đời thường kết hợp với tính truyện là hai yếu tố chính trong thơ. Nếu không có tính truyện mà chỉ là những cảm xúc nhất thời thì cũng chưa đúng thơ tân hình thức. Tính truyện không hẳn là một câu truyện kể, mà là tính liên tục của một ý tưởng, một câu truyện làm bật lên tư tưởng của bài thơ. Còn một bài thơ kể một câu truyện thì chúng ta gọi là thơ “tân tự sự” (the new narrative). Truyện kể có thể là truyện dài, truyện ngắn hay truyện cực ngắn. Nhưng sao phải là truyện kể mà không là gì khác. Trong thời đại truyền thông, với tốc độ ngốn tin khủng khiếp của phương tiện truyền hình và internet, gần như mọi truyện kể đều biến thành những bản tin. Khi truyện kể bị giản lược tối đa, biến thành những bản tin, không còn tình tiết, bố cục, cảm xúc của một câu truyện, hết bản tin này đến bản tin khác, đến độ người đọc, người xem luôn luôn bị cuốn vào cơn lốc, để rồi chính mình cũng biến thành một phần của bản tin. Truyện kể dần dần mất đi, bị quên lãng chẳng khác nào thơ đã từng bị vùi dập vì cơn lốc làm mới suốt thời hiện đại. Hồi phục lại thơ cũng có nghĩa là hồi phục lại truyện kể (cũng đã từng mất đi trong thời hiện đại), giúp con người quân bình đời sống, giữa thế giới ảo và thực. Hơn nữa, từ xa xưa, tính truyện cũng đã là một phần của tính thơ.


Yếu tố thứ ba, quan trọng đặc biệt cho thơ, nhất là thơ Việt, là nhịp điệu (ryhtm). Thơ vần điệu gọi nhạc tính, còn trong thơ tự do, nhịp điệu rất sơ sài, chỉ là những nhịp nói hoặc nhịp âm của chính ngôn ngữ. Với thơ Tân hình thức, nếu là nhưng câu nói hay cách nói bình thường thì đó chỉ là những câu đối thoại hay kể lể của văn xuôi. Khi thơ tư do tiếng Anh đầu thế kỷ 20, muốn thay thế nhạc tính trong thơ truyền thống, họ sử dụng nhiều phương cách, một trong phương cách đó là lập lại câu chữ để thay thế công dụng của thể luật. Thể luật thơ tiếng Anh có lợi thế là biến ngôn ngữ đời thường thành nhịp điệu và ngôn ngữ thơ, nên thơ không bị rơi vào văn xuôi. Thơ Việt vì sự sắp xếp hài hòa của bằng trắc nên giống như thơ tự do tiếng Anh (thoát ra ngoài thể luật) hay bị lạm dụng, ngắt đoạn văn xuôi (chopped up) xuống dòng để coi giống như thơ. Vì kỹ thuật dòng gãy (line break) trong thơ tự do (cũng tương tự như vắt dòng trong thơ không vần) là một hình thức để phân biệt với văn xuôi.


Đối với thơ không vần tiếng Việt, kỹ thuật lập lại câu chữ có nhiều lợi thế, vì khi mang đời sống vào thơ, mà nhịp điệu đời thường là nhịp điệu của văn xuôi, nên khi dùng kỹ thuật này chúng ta được cả hai việc, đưa vào thơ một yếu tố mới, nhịp điệu, tạo thành thể luật thơ không vần Việt, đồng thời biến văn xuôi thành thơ và ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ thơ, công dụng chẳng khác nào âm luật vọng cổ hay thể luật trong thơ tiếng Anh. Ngay nhà thơ Steele cũng cho rằng thơ thế kỷ 21 phải là kết hợp giữa thể luật và nhịp điệu. Với thơ Việt là sự kết hợp sự hài hoà bằng trắc và nhịp điệu.


Nhà thơ Federic Turner cho rằng, ông không muốn mất một tí gì của hiện đại. Nhưng thơ không vần Việt, một cách tự nhiên, đã chẳng phải là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại đó sao. Như vậy, mọi kinh nghiệm đều tốt nếu chúng ta áp dụng vào được trong thơ. Trong lúc thực hành, những nhà thơ tân hình thức Việt đã dùng lại một kỹ thuật, từ những nhà hiện đại. Chúng tôi mượn lại bài phê bình “Đọc thơ Dã Thảo” với bài thơ Tình xa, như một thí dụ điển hình:


Dã Thảo

TÌNH XA 

em vẫn qua đấy mỗi ngày
building cao cao và cũ 
ban công thấp thấp màu nhạt 
nơi anh thường tì đôi tay 
chuyện trò cùng đám bạn lơ
đãng và sẽ nhìn thấy em 
qua đấy mỗi sáng giờ không 
còn anh đứng trong nắng gửi 
một lời chào có khi một 
nụ cười tươi nếu em tình
cờ liếc nhìn ban công thấp
đôi khi chỉ là ánh mắt 
thầm dõi bước em qua và 
em sẽ biến mất trong màu 
kính sẫm tối anh sẽ chẳng 
nhìn thấy cho đến lúc chúng 
mình ăn trưa cafeteria 
chen chúc những phút ban trưa 
vội vàng lắm chuyện đời thường 
để nói chuyện xếp dở hơi 
phách lối, laid-off, đã, 
đang và sắp tới, chuyện trại 
tù, chuyện khủng bố thế giới 
nhiều nhất là những tan vỡ 
dù không hối tiếc vẫn nhớ 
tình anh với ả con gái 
cùng ngôn ngữ khác màu da
tình em với gã con trai 
cùng màu da khác ngôn ngữ 
nhưng chưa lần nhắc chuyện chúng 
mình em mỗi ngày đi qua 
building cao cao vẫn có
người tì tay chuyện trò 
bên ban công thấp không còn 
lời chào trong nắng không còn 
nụ cười buổi sáng không còn 
ánh mắt lặng lẽ ấm áp
anh đã đi xa em chưa 
kịp kể nguồn gốc em dân 
tị nạn thế hệ thứ nhất 
không thuộc cộng đồng thiểu số 
mít, tàu, xì, campuchia, 
inđônêzia, cuba, 
malayzi a... anh biết 
mỗi điều em là công dân 
hợp chủng quốc em mê làm 
việc em lười rong chơi em 
khoái Brad Pitt chẳng ghiền bóng 
đá không nghiện bóng cà na 
em mê jazz khoái hiphop 
em khác màu da khác ngôn 
ngữ cùng công ty giờ đây 
anh đã ra đi... nhớ nhiều!!! 
(nhưng chẳng nói nói ra nhiều 
cũng vậy thôi.)



Có lẽ đó là bài thơ tình hay qua thể thơ Tân hình thức. Một câu chuyện tình lồng trong những sinh hoạt bình thường, không có gì phải cường điệu hay tưởng tượng nhưng đầy chất lãng mạn. Bài thơ lôi cuốn người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần, không khác nào những bài thơ vần điệu được thuộc lòng trước kia. Câu chuyện được tóm tắt như sau: mỗi sáng đi làm, cô gái vẫn nhìn thấy chàng trai đứng nói chuyện với bạn bè trước giờ làm việc, nhìn theo bước chân cô cho tới khi khuất sau bức tường kính sẫm của tòa nhà. Chàng và nàng chỉ gặp nhau vào lúc ăn trưa, nói lăng nhăng những chuyện xảy ra trong ngày mà ai cũng biết, không có gì mới lạ, và nhiều nhất vẫn là những mối tình đã đổ vỡ, cùng những sở thích của mỗi người. Nhưng rồi công ty sa thải người và chàng là người phải ra đi, để lại nơi cô gái một chút bâng quơ, như mất mát một cái gì thân quen. 


Bài thơ đưa đến cho người đọc thấy đời sống hàng ngày của những người trẻ tuổi trong một xã hội công nghiệp, có quá nhiều sắc dân sống chung, nên đời sống văn hóa truyền thống hoặc đã hòa trộn hoặc không còn đủ là mối ràng buộc. Họ sống chung và cặp bồ với nhau, cùng ngôn ngữ khác màu da hay cùng màu da khác ngôn ngữ, xa nhau, tình cờ gặp nhau, quen biết và rồi xa nhau. Tất cả chỉ còn để lại một chút nuối tiếc, rồi lại bị cuốn theo công việc, thói quen và sinh hoạt thường ngày. Đời sống bất định và trôi nổi đến nỗi chính sự bất định và trôi nổi đó mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Không có một giá trị nào bền vững. Tất cả những bí mật không còn là bí mật, tất cả những cấm kỵ không còn là cấm kỵ. Cho nên, người ta ngán ngẩm những gì trần trụi, trơ trẽn, quay về tìm lại một thời lãng mạn mới, và cả những giá trị mới để thay thế những gì đã cũ, không còn phù hợp với thời đại và đời sống của thế hệ trẻ tuổi. 


Bài thơ hay chắn hẳn ở nơi cách sử dụng bình thường và điêu luyện chữ và nghĩa. Một nội dung mới mẻ, người đọc thấy được một sinh hoạt rất quen thuộc và nhàm chán của đời sống nhưng lại phát hiện một khía cạch tích cực rất nên thơ trong đó. Tác giả sử dụng thể thơ 5 chữ, toàn bài thơ chỉ có 2 đoạn có dấu phẩy (mỗi đoạn 5 dấu phẩy) chia bài thơ ra làm 3 phần, giảm bớt tốc độ đọc liên miên và khá nhanh của bài thơ. Bài thơ vì thế chẳng những là một bài thơ hay còn là một bài thơ đặc sắc và giá trị vì nhấn mạnh tới một kỹ thuật mới cho thơ. Trong văn xuôi ý tưởng phải rõ ràng trong lúc ý tưởng trong thơ thường mơ hồ, không rõ ràng. Ý tưởng không rõ ràng không có nghĩa là không có ý tưởng, mà bị phủ đi bởi chất thơ. Chẳng khác nào lớp sương mù buổi sáng làm mờ đi quang cảnh sự vật. 


Để hiểu rõ điều này chúng ta quay trở lại bài thơ của Dã Thảo. Vì bài thơ không có dấu chấm phẩy nên rất khó phân biệt ý tưởng này và ý tưởng kia. Muốn rõ ràng phải hồi phục lại các dấu chấm phẩy cho bài thơ. Chúng ta có thể làm cách này. Viết một bài thơ với những dấu chấm phẩy rõ ràng, phân biệt các ý tưởng liền lạc từng câu. Sau đó bỏ tất cả các dấu chấm phẩy đi, tiến trình giải trừ. Ý tưởng bài thơ bây giờ không còn rõ ràng, bị phủ lấp bởi tốc độ đọc. Nếu bây giờ chúng ta muốn hồi phục lại ý tưởng của thơ, chúng ta phải hồi phục lại những dấu chấm phẩy. Tiến trình hồi phục này cũng là tiến trình tìm lại ý nghĩa bài thơ. Điều này cũng chẳng khác nào tiến trình phân tích trong thơ tự do tiếng Anh. Sau đó, lại dùng tiến trình giải trừ để trở lại sự nguyên vẹn của bài thơ. Đây chính là điều, “Nhìn bài thơ, hình thức giống như một bài thơ, nhưng khi đọc thì lại thấy giống như văn xuôi, đọc xong thì lại thấy đó là thơ chứ không phải văn xuôi.” mà chúng ta đã đề cập ở trên.

“Câu Chuyện Không Vần, Kể Lại” có nghĩa là chúng tôi chỉ giải thích thêm về những điểm căn bản đã viết về thơ tân hình thức. Thẩm quyền phát biểu bây giờ thuộc về những nhà thơ thực hành dòng thơ này. Những phát biểu đó khả tín tới đâu tùy thuộc mức độ thực hành của từng tác giả. Bởi chỉ qua thực hành mới có thể phát hiện những yếu tố mới cho thơ. Đây chính là điều hấp dẫn và thách thức đối với những nhà thơ tân hình thức Việt. Chúng ta cần phải đặt mình trong nguyên tắc sáng tác, không bao giờ lập lại bài này giống bài nọ, hay ngắt đoạn văn xuôi xuống dòng. Mỗi bài thơ phải có nhịp điệu (hay tiết tấu), phong cách diễn đạt khác nhau. Cái giá chúng ta trả càng cao, sự thành công càng lớn. 


Cuối cùng, xin quí bạn muốn tiếp cận với dòng thơ này, xin tự giải trừ những quan điểm, thành kiến còn tồn đọng do cái đọc, cái tiếp thu, và cả từ những cảm xúc cũ. Vì thường chúng ta đọc thơ tân hình thức bằng cách đọc và cảm quan của thơ vần điệu hay tự do nên không thấy được cái hay của dòng thơ này. Chúng tôi mời gọi quí bạn tham gia sáng tác và tìm hiểu thể loại thơ này qua website chuyên thơ tân hình thức http://www.thotanhinhthuc.org. Email liên lạc: tanhinhthuc@yahoo.com.

Khế Iêm


















Nt Phạm Việt Cường, Hs Phan Nguyên, Nt Khế Iêm, Nt,Dịch giả Trịnh Y Thư  (San José)











Họa sĩ, Nt Minh Ngọc Vương, Hs,Nv Khánh Trường, vợ con KT, Nt Phạm Việt Cường, Nt Khế Iêm, Hs Phan Nguyên, Nt Nguyễn Hoàng Nam
California 1994






























Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.