Lê Thành Nhơn
(17/11/1940 Thủ Dầu Một - 4/11/2002 Melbourne, Úc)
Hưởng thọ 62 tuổi
Họa sĩ, Điêu khắc gia
(17/11/1940 Thủ Dầu Một - 4/11/2002 Melbourne, Úc)
Hưởng thọ 62 tuổi
Họa sĩ, Điêu khắc gia
Tiểu sử
Ông sinh tại Thủ Dầu Một. Sau khi học xong trung học, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn nơi ông tốt nghiệp thủ khoa.
Đồng khóa với ông là họa sĩ Đỗ Quang Em.
Đồng khóa với ông là họa sĩ Đỗ Quang Em.
Năm 1966 ông nhập ngũ Quân đội Việt Nam Cộng hòa được bốn năm thì giải ngũ với cấp thiếu úy sau khi bị thương.
Trong đời sống dân sự ông làm giáo sư trường Mỹ nghệ Thực hành Bình Dương rồi trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cùng trường Mỹ thuật Huế và Đại học Cộng đồng Duyên Hải (NhaTrang).
Trong thời gian này ông cho ra mắt những tác phẩm như tượng Quan Thế Âm tại chùa Liễu Quán, Huế; tượng Phật Thích Ca cao 4,5 m tại chùa Huệ Nghiêm, Phú Lâm; tượng Lê Văn Đệ ở sân trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn; và tượng Phan Thanh Giản cao 3 m. Bức tượng sau cùng này sau năm 1975 đã bị phá hủy. Tượng Lê Văn Đệ cũng không còn nữa.
Năm 1975 ông rời Việt Nam tỵ nạn sang Úc và định cư tại Melbourne. Ông tiếp tục sáng tác và được mời giảng dạy khoa kiến trúc tại trường RMIT University of Melbourne.
Một số tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông nay được trưng bày ở Đại học Monash tại Melbourne, Viện Bảo tàng Quốc gia Úc tại Canberra và Viện Bảo tàng Di dân tiểu bang Victoria. Nổi tiếng nhất trong những điêu khắc của ông là tượng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu bằng đồng cao 3,5 m ở Huế.
Lê Thành Nhơn qua đời lúc 16 giờ 30 chiều thứ hai 4-11-2002 (Nhâm Ngọ), trong bệnh viện Royal Melbourne vì bệnh ung thư gan, hưởng thọ 62 tuổi
Đinh Cường vẽ Lê Thành Nhơn theo trí nhớ
Lê Thành Nhơn với Huế
BỬU Ý
“Cô gái Việt Nam”, tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của Lê Thành Nhơn, có mặt tại Huế, dựng ở công viên trước mặt trường nữ lớn nhất ở đây: Trường THPT Hai Bà Trưng, trước đây là Trường Đồng Khánh, ngày 30-04-2011.
Nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn
Ngoài giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại mãi với thời gian, pho tượng bán thân này sẽ còn là biểu tượng đẹp đẽ của người chị, người mẹ đáng được soi chung cho mọi người, và đặc biệt cho giới nữ, tuy ở đây là cái đẹp hình thể từ mắt, má, mũi, môi cho đến chiếc khăn duyên dáng và chiếc cổ bạch ngọc, nhưng tất cả đều tiết lộ cái đẹp ẩn tàng của trái tim, của tâm hồn.
Pho tượng này được tạc vào những năm 1969 - 1970 và đặt tại 101 Nguyễn Du - Sài Gòn. Theo lời của Đinh Cường: tượng chân dung phụ nữ quấn khăn, Nhơn đặt tên là “Mẹ Việt Nam”, được chọn tham dự triển lãm Châu Á đầu tiên tại Singapore năm 1974.
Lê Thành Nhơn sinh ra, lớn lên, sáng tác, dạy học một thời gian dài ở Nam Bộ, nhưng sao ông nặng tình với Huế đến như vậy, để rồi ông tặng cho Huế ba tác phẩm điêu khắc gần như là đẹp nhất trong sự nghiệp của mình: tượng Đức Quán Thế Âm, tượng Phan Bội Châu và tượng Cô Gái Việt Nam.
Lê Thành Nhơn qua thời gian sống ở Huế, 1970-1975, đã thực sự yêu Huế.
Năm 1972, tôi trót đưa Lê Thành Nhơn lên viếng chùa Linh Mụ. Nhơn vốn người theo Công giáo, nhưng giờ đây ở trên cao, văng vẳng bên tai tiếng chuông chùa, nhìn xuống dưới kia con sông Hương trải rộng và uốn khúc, Nhơn đứng trầm ngâm như pho tượng. Và Nhơn quyết định ở Huế ăn Tết, và “làm cho Huế một cái gì”: đó là khởi đầu của pho tượng Phan Bội Châu.
Đây là một công trình dài hơi, đầy gian lao nhưng cũng đầy hứng khởi và nhiệt huyết, cùng sức mạnh tập thể của những người chung tay góp sức.
Tuyệt tác này đã gây cảm hứng ngập tràn nơi anh em bạn bè khắp nơi.
Ta hãy nghe lời của Nguyễn Hưng Quốc:
“Nhìn bức tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn, tôi hay liên tưởng đến một đỉnh núi, ở đó, từ đôi lông mày cho đến hàm râu đều mang hình ảnh của những triền đá. Nó đẹp cái đẹp rất xương xẩu, rất cứng cáp. Cái đẹp của xương rồng. Của kim khí. Sắc và mạnh. Ngay cả khi Lê Thành Nhơn tạc tượng Đức Phật, Đức Mẹ Maria, hay một thiếu nữ nào đó, với những đường nét dịu dàng, người ta vẫn thấy có cái gì lớn lao và cuồn cuộn đằng sau: ở hai bàn tay thong thả như muốn ôm chứa cả vũ trụ; ở một vạt áo tĩnh lặng như bất chấp mọi giông tố của cuộc đời, ở cánh môi sắc nét như sắp sửa nói lên những lời yêu thương. Nhìn tượng bằng đá hay bằng đồng mà người ta cứ thấy có cái gì như có hơi thở. Phập phồng.”
Và những xúc cảm từ Nguyễn Hoàng Văn:
“Tôi lan man nghĩ đến mắt tượng Phan Bội Châu, một Phan Bội Châu uy nghi và sừng sững ánh đồng của anh vốn đã trở thành một di sản, một dấu tích không thể tách rời của Huế. Ánh mắt của nhà cách mạng tranh đấu suốt một đời và ra đi giữa lúc tắt lịm ước mơ, qua bàn tay anh, cơ hồ tỏa ra sức mạnh của cả non sông, cái non sông hùng vĩ mà anh đã dồn nén vào toàn thể hình khối. Từ hàng chân mày nhô ra như một gờ đá, gợi nhớ những vực đá cheo leo, đâu đó ở Việt Bắc heo hút mù sương hay ở Trường Sơn xanh thẳm. Từ vầng trán cao như là núi, rộng như là bình nguyên và vằng vặc như một vừng trăng. Từ những vết da nhăn cuồn cuộn, trườn mình như những triền sóng dưới hàng chân mày để rồi, với chòm râu rậm, tỏa ra và ào xuống như một thác nước, như là chòm rễ của một cội đa già hàng thế kỷ, cái chòm rễ rậm rì và dày đặc nối kết ngọn ngành vào lòng đất.”
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc: “Trán như thế, cằm như thế, mắt nhìn như thế, Ông Già Bến Ngự của Nhơn xứng đáng được toàn dân, sinh viên học sinh, công chức bãi khóa đình công để buộc thực dân Pháp phải tha tội chết cho ông.”
Thời gian ở Huế, Lê Thành Nhơn ở ngay trong trường Mỹ Thuật, trong một căn phòng do Tôn Thất Văn nhường lại, vào ra một căn nhà nhỏ trong khuôn viên trường, chỗ ở của gia đình Đinh Cường do nhà trường dành riêng. Nhơn sống gần gũi và thân thiết với các bạn, dành được tình cảm và ưu đãi của Vĩnh Phối, Giám đốc trường và là người “đứng mũi chịu sào” luôn tìm cách khôn khéo hỗ trợ cho công trình của Nhơn và vô hiệu hóa những dư luận ngược chiều.
Vĩnh Phối đã từng viết về nghệ thuật và phong cách làm việc của Lê Thành Nhơn như sau:
“Với kỹ thuật tay nghề điêu luyện tài ba, lao động sáng tạo nghệ thuật có phương pháp một cách chững chạc nghiêm túc ròng rã suốt một năm trời không mệt mỏi, suốt mùa đông lạnh buốt lẫn mùa hè nóng bức dưới một lán trại cao rộng như một công trường thủ công thời cổ đại Ai Cập với bao thợ thầy và sinh viên giúp việc bên cạnh gốc cổ thụ tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế; với cây trường kiếm thần kỳ dài hơn một mét là dụng cụ thay thế chiếc bay và dao của các nhà điêu khắc, anh vạch mảng hình, cắt gọt, miết mài, nhấn nhá sâu nông tạo bóng của một tác phẩm ngoài trời cần khối âm dương. Như một hiệp sĩ với đường kiếm bay bướm diệu kỳ, thỉnh thoảng tác giả đứng xa vừa tầm nhìn tổng quan sâu lắng suy tư những ý đồ để biểu đạt độc đáo chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, thật sự là một quá trình lao động trí óc, chân tay và cái tâm của người nghệ sĩ lớn, như tôi thường gọi anh là Michelangelo Nhơn. Anh thường có thói quen thích yên tĩnh để làm việc từ năm giờ chiều đến suốt đêm”.
Đinh Cường nhắc nhở lại “không khí” làm việc giữa Lê Thành Nhơn và các bạn:
“Làm sao kể hết những kỷ niệm trong thời gian làm cái chân dung vĩ đại ấy. Một khoảng sân trường Mỹ Thuật dưới bóng mát của những cây nhãn. Góc quán cà phê ông Tôn trước cổng trường, với bao nhiêu lần bạn bè ghé qua, bao nhiêu xác chai bia. Khi hưng phấn lúc gian nan, có lúc như muốn bỏ dở, nên công lớn về phương tiện vẫn là anh Hồ Đăng Lễ, hiện ở tại San Jose, vẫn là kỹ sư công chánh tại Mỹ.”
Lê Thành Nhơn là người ít nói, nhưng vui vẻ, luôn sẵn tinh thần nhập cuộc. Làm việc thì hùng hục. Có lần anh nói chuyện với Hoàng Ngọc Tuấn, nói về cách mình làm việc, quan niệm của mình về nghệ thuật:
“Ông biết không, làm art là sẵn sàng đổ máu. Chứ giỡn sao? Work, work, work, work mãi. Như đánh giặc. Như điên. Mà thấy không tới, là cạo liền. Không hề thương tiếc gì cả. Tôi bỏ ra ba tháng trời, làm việc ngày đêm cho một bức tranh. Đi mỗi đường sketch là mỗi lần thấy “đã”… Anatomie. Cuồn cuộn. Cuồn cuộn. Rồi lên màu. Từng mảng, từng mảng dày cộm. Đói. Mệt. Nhức xương. Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Như điên. Khi màu lên tới mức, là xong. Tôi để đó, đóng cửa xưởng, đi nhậu để tự thưởng. “Đã” lắm… Tôi chơi vài ngày cho giãn gân, rồi quay lại xưởng để xem lại ra sao. Ông biết không, vừa mở cửa bước vô là tôi chới với. Trên bức tranh của tôi, linh hồn Michelangelo chui ra, nhe răng cười. Toàn là ám ảnh Michelangelo. Chỗ cuồn cuộn này là ông ấy. Chỗ cuồn cuộn kia là bắp thịt ông ấy. Michelangelo. Michelangelo. Suốt ba tháng trời quá “đã” như thế, mà Michelangelo chui lổn ngổn vào hồi nào không biết. Thế là tôi đè cổ ra mà cạo. Cạo sạch trơn. Rồi phết trắng lên như mới. Rồi làm lại. Vậy đó. Rồi lại ba tháng nữa. Work, work, work. Như điên. Rồi Picasso, Klee, Miro… thò ngón tay ra chỗ này, thò ngón chân ra chỗ nọ… Lại chới với. Lại cạo. Lại tô trắng. Lại ba tháng nữa…”
Như vậy là làm việc vì Yêu, vì Tin.
Và tin yêu vượt quá bản thân, vượt bản thân nên mới xả thân, để vươn tới tầng cao hơn.
Trương Vũ, một người bạn thân của Lê Thành Nhơn, hiểu rõ điều này và đã có lần “mơ mộng”:
“Xã hội như của Việt Nam vào lúc đó (và có thể cả ngày hôm nay) rất cần trí thức hay chuyên gia có tinh thần dấn thân, hiểu và yêu nơi làm việc của mình, thông cảm với những người bất hạnh hơn mình, và thật sự yêu đất nước mình.
Xã hội Việt Nam, và đặc biệt ở miền Nam, đã dành cho giới trí thức và chuyên gia rất nhiều ưu đãi nhưng số người có những đức tính như vậy lại không nhiều và những đức tính đó nếu có lại không phải do sự đào luyện ở đại học mà có. Để đào tạo những con người toàn diện như vậy, sách vở và những bài giảng không đủ; dạy toán, lý, hóa, động vật, v.v., thật hay, không đủ. Cần có trí dục nhưng cũng cần phải có mỹ dục. Và để đảm trách tốt phần mỹ dục, cần những người thật sự sinh hoạt trong các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, v.v., có thực tài, có trình độ văn hóa cao, có tấm lòng, và có nhân cách.”
Cô Bội Trân, ở Úc, mà tôi có tiếp một lần ở Huế, phát biểu về Lê Thành Nhơn:
“Anh là bằng chứng rực rỡ nhất cho một diaspora Việt Nam sống đàng hoàng trong một nền văn hóa khác, đi vào nền văn hóa khác bằng cổng chào.”
Nhà nghiên cứu Bội Trân suy nghĩ như thế này thật xứng hợp với ông Dawn Casey, giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia Úc, trong một bài báo của tờ The Sydney Morning Herald ra ngày 12-06-2001, đã tôn xưng Lê Thành Nhơn là anh hùng, trong cái nghĩa là người làm tốt những việc trong đời sống hàng ngày và là người góp phần làm nên lịch sử của nước Úc.
Ông CLAUDE LÉVI-STRAUSS, nhà cơ cấu luận tiếng tăm thế giới người Pháp, năm 2002, lúc bấy giờ 94 tuổi, được phỏng vấn trên truyền hình Pháp: “Giả thử mai đây xảy ra thảm họa thiêu rụi địa cầu thì ông có suy nghĩ gì?” Ông đáp: “Giả như đại nạn xảy ra thiêu rụi mọi thứ, thì sự mất mát duy nhất không thay thế được là những tác phẩm nghệ thuật.”
Ba tác phẩm của Lê Thành Nhơn ở Huế, câm lặng là thế, mà tỏa ra cái đẹp nhiều tầng và nhất là nói lên rất nhiều ý nghĩa.
B.Y
(268/06-11)
Tượng Quan Thế Âm
Lê Thành Nhơn và tượng Quan Thế Âm
Tượng
PHAN BỘI CHÂU
của Lê Thành Nhơn
Năm 1973, trong Đại Nội, một góc cuối khuôn viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế – vốn là phủ Nội Vụ của vương triều Nguyễn – vụt hiện cái chòi bằng tre lá nom khá lạ đời. Chòi chứa cả khối đất sét bự sư lứ: cao 4,5m, ngang 6m, sâu 5m. Từng ngày, qua bàn tay khéo léo của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, khối đất xù xì kia được chuyển dần ra nhân dạng: chân dung chí sĩ Phan Bội Châu.
Trợ thủ cho Lê Thành Nhơn có các sinh viên điêu khắc mà nổi trội là Phan Thế Bính. Bên cạnh Lê Thành Nhơn lúc ấy có các hoạ sĩ Vĩnh Phối (giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế), Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Trịnh Cung, Phan Hữu Lượng, các điêu khắc gia Trương Đình Quế và Trương Đình Ý, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly, dịch giả Bửu Ý, v.v. Thân nhân của cụ Phan cũng thường đến thăm pho tượng trong quá trình hình thành. Nhà giáo Trần Viết Ngạc – người nghiên cứu về Phan Bội Châu – đã giúp cho Lê Thành Nhơn nhiều tư liệu cùng ý kiến hữu ích. Trả lời phóng viên Minh Nguyệt của đài Radio Australia phỏng vấn dịp cuối năm 1998 tại Úc, Lê Thành Nhơn còn nhắc đến những người khác đã góp công sức vào việc tác thành pho tượng Phan Bội Châu, như kỹ sư Hồ Đăng Lễ, luật sư Phan Duy Tuệ, phó thủ tướng Phan Quang Đán.
Khuôn mặt nhà yêu nước Phan Bội Châu được tái tạo bằng những mảng khối rất đặc trưng. Tượng cắt ngang nửa chòm râu rậm, tạo thế cương nghị đầy thú vị. Tuy nhiên, tóc với tai cụ Phan cần phục dựng thế nào? Suy nghĩ và bàn bạc hồi lâu, Lê Thành Nhơn quyết định thay những chi tiết kia bằng loạt đắp nổi diễn tả hình ảnh nhân dân bao đời đoàn kết quyết bứt tung xiềng xích.
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ!
Theo dự định, câu thơ hùng tráng đó của cụ Phan sẽ được trổ lồi đằng sau pho tượng. Thế nhưng, do sự can thiệp của Tổng trưởng Văn hoá và Thanh niên là ông Hoàng Đức Nhã, dòng thơ khí phách đã bị thay bằng mấy chữ: Phan Bội Châu 1867 -1940.
Cũng theo dự định, tượng Phan Bội Châu sẽ đặt trong công viên hữu ngạn dòng Hương, cạnh cầu Trường Tiền, ngay trước Đại học Sư phạm và Trung học Kiểu Mẫu Huế. Nếu biết rằng thửa đất Sư phạm với Kiểu Mẫu từng một thời là Toà Khâm sứ Pháp, càng hiểu thêm rằng đặt tượng cụ Phan toạ lạc đối diện là ý tưởng rất hay.
Tượng đất sét được hoàn tất vào ngày 24 tháng chạp Quý Sửu, nhằm thứ tư 16-1-1974. Công đoạn kế tiếp là đúc đồng. Quy trình kỹ thuật này do nghệ nhân Nguyễn Văn Thế thực hiện.
Lò ông Thế nằm ven đường Huyền Trân Công Chúa (nay là đường Bùi Thị Xuân), đối diện trường tiểu học Dương Xuân Thượng (nay là tiểu học Phường Đúc). Tượng Phan Bội Châu được phân 12 mảnh để rót 7 tấn đồng, đoạn ghép lại và dựng thử trước sân. Mọi chuyện đang dang dở thì sự kiện lịch sử năm 1975 diễn ra, khiến việc dựng thử kéo dài.
Hơn thập niên trôi qua, một bức tượng to đẹp và chứa nhiều giá trị như thế lại không được dựng đàng hoàng! Chừng nấy đủ khiến thiên hạ bàn tán xôn xao. Chính quyền họp bàn chuyện này lắm lần, vấn đề vẫn chưa giải quyết thấu đáo. Cuối năm 1987, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh danh nhân Phan Bội Châu, được UBND tỉnh Bình Trị Thiên đồng ý, UBND thành phố Huế tổ chức chuyển tượng Phan Bội Châu về đặt tạm trong vườn nhà và cũng là vườn mộ Phan Bội Châu tại dốc Bến Ngự. Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế đã phối hợp với Sở Điện lực Bình Trị Thiên, Công ty Cung ứng vật tư xây lắp Bình Trị Thiên, Phòng Công trình đô thị thành phố Huế cùng Hợp tác xã đúc Thắng Lợi ở Phường Đúc bốc tải và lắp ráp tượng này vào ngày chủ nhật 30-8-1988. Tạm thời đặt tượng đồng trên một bệ cao 1,6m xây bằng đá khối.
Tạp chí Sông Hương số 33 (tháng 9 và 10-1988) đã loan tin vắn của Trần Nguyễn: “Việc chuyển bức tượng đồng cụ Phan về khu vườn mộ Bến Ngự, dù vẫn còn ý kiến chưa thoả mãn về vị trí, nhưng trong tình hình thành phố chưa có quy hoạch tượng đài, cũng đã kết thúc được những nỗi ray rứt suốt mười mấy năm của nhân dân thành phố Huế”.
Thật sự, nỗi ray rứt đó chẳng chấm dứt, nên Tết Mậu Dần 1998, tạp chí Huế Xưa Và Nay số 25 tiếp tục đăng lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Hoa: “Tượng Phan Bội Châu tạm đưa về vườn nhà cụ Phan để hoàn chỉnh trong khi chờ tỉnh có quyết định về vị trí đặt tượng. Không gian chật hẹp ở vườn nhà cụ Phan không chứa đựng nổi quy mô của một bức tượng đồng quá lớn. Giá như tượng Phan Bội Châu được đặt tại một công viên hoặc một trục đường tương xứng thì Huế sẽ có thêm một công trình văn hoá đặc sắc, tô điểm một nét riêng cho thành phố”. Tờ Huế Xưa Và Nay còn chú thích: “Ước mong vị trí đặt tượng danh nhân Phan Bội Châu sớm được cấp có thẩm quyền giải quyết; không nên và không thể kéo dài mãi”.
Năm 2005, kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du, nhiều nơi tổ chức một số hoạt động. Ngày 10-9-2005, tại Nghệ An có hội thảo Phan Bội Châu và phong trào Đông Du. Từ 20 đến 23-10-2005, tại Hà Nội có hội thảo Phong trào Đông Du cùng cuộc triển lãm Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Sakitaro Asaba. Trong hai ngày 28 và 29-10-2005, hội thảoViệt Nam 100 năm phong trào Đông Du và hợp tác Việt-Nhật để bảo tồn, phát triển văn hoá Huế diễn ra tại cố đô. Cũng ngày thứ sáu 28-10-2005, tại thành phố Huế, trường THCS Phan Sào Nam dựng tượng Phan Bội Châu do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng: pho tượng bằng đồng, cao 0,8m, nặng 80kg, điêu khắc gia Tạ Duy Đoán ở Hà Nội thiết kế và các thợ đúc ở Nam Định thi công. Tham dự các hoạt động ấy, rất nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ nỗi bức xúc: pho tượng Phan Bội Châu do Lê Thành Nhơn tạc vẫn chưa chính thức an vị ở địa điểm trang trọng phù hợp tại Huế....
Di dời tượng Phan Bội Châu về bên bờ sông Hương http://dantri.com.vn/xa-hoi/di-doi-tuong-phan-boi-chau-ve-ben-bo-song-huong-1333112937.htm
Tượng Chí sĩ Phan Bội Châu
Tượng Cô gái Việt Nam
Tượng xi măng Phật Thích Ca tại Sài Gòn
Phanxipăng
(trích)
Cũng trong xưởng điêu khắc cá nhân của Lê Thành Nhơn nơi 101 Nguyễn Du, quận nhất, Sài Gòn, pho tượng Phật Thích Ca bằng xi măng cốt thép đã xuất hiện năm 1974. Tác phẩm không chỉ đẹp, mà lạ: cà sa quấn quanh thân và phủ trùm đôi cánh tay theo kiểu Colombo (16), đấng Như Lai ung dung tọa thiền vững chãi bằng tư thế kiết già, trên đùi có bàn tay phải ngửa ra trong lòng bàn tay trái với đầu đôi ngón cái chạm nhau đúng dạng thiền ấn (17), mắt khép hờ, mũi thẳng, miệng mỉm cười, tóc xoắn cục, tai dài uốn khúc. Bậc giác ngộ chẳng ngồi trên đài hoa sen, mà trên tòa kim cang (18). Càng lạ khi nắm thông số trắc đạc: chiều ngang tượng tính giữa hai đầu gối = chiều cao tượng tính từ đỉnh đầu đến mặt đế = 4,5m. Chẳng phù hợp tỉ lệ tương ứng giải phẫu học người, thế mà nom pho tượng vẫn tự nhiên, hoàn toàn không gò ép gượng gạo.
Tuyệt tác đó hiện tọa lạc trong vườn chùa Huệ Nghiêm (19), đối diện bến xe miền Tây, địa chỉ 220/110/1 Đỗ Năng Tế, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. HCM. Thượng tọa Thích Minh Thông hiện làm phó trụ trì chùa này, hồi tưởng:
– Năm 1977 hoặc 1978, thân nhân của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tha thiết đề nghị Phật giáo cung thỉnh pho tượng Phật Thích Ca. Nhị vị hòa thượng Thích Trí Thủ và Thích Trí Tịnh cùng một số tăng chúng ghé sân biệt thự 101 Nguyễn Du, Q.1, thấy tượng quá phương phi, quá đồ sộ. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng tu viện Quảng Hương Già Lam do thầy sáng lập và trụ trì nay quá chật hẹp, chỉ có khả năng đặt được phần đầu tượng này mà thôi. Hòa thượng Trí Tịnh bèn quyết định đưa tượng về chùa Huệ Nghiêm. Vậy là quý thầy viết đơn xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Được Thủ tướng chấp nhận, chùa Huệ Nghiêm bèn mướn nghệ nhân Bảy Chánh chỉ huy nhóm thợ phân tượng thành nhiều khối, đoạn dùng xe vận tải mà đưa dần. Thấy khoảng cách giữa hai đầu gối quá dài, hai thầy Trí Tịnh và Bửu Huệ – Viện trưởng và Viện phó trường Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – cho thợ cắt bớt mỗi chân 5 tấc, cả thảy 1m, nhưng ráp lại, ôi chao, khó coi làm sao. Phải ráp đầy đủ theo nguyên tác, mọi người mới mãn nhãn. Ngay cả sơn phủ bên ngoài, chùa cũng chọn màu y hệt thuở trước. Tượng Phật Thích Ca của Lê Thành Nhơn được an vị tại chùa Huệ Nghiêm năm 1979.
Tôi hỏi:
– Từ khi rời Tổ quốc đến phút cuối đời, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã 2 lần hồi hương, lần nào cũng đến chùa Huệ Nghiêm ngắm nhìn pho tượng mà anh ấy từng đầu tư nhiều tâm huyết. Anh Nhơn phát biểu gì với chùa về quy cách lắp dựng tượng Phật Thích Ca ạ?
Thượng tọa Minh Thông từ tốn:
– Nghe phong thanh điêu khắc gia Lê Thành Nhơn về thăm cố quốc, có ghé chùa, nhưng chẳng thấy ảnh gặp ban giám tự cùng tăng chúng. Hy vọng rằng ảnh im lặng vì hài lòng với vị trí cùng sự lắp dựng tượng Phật Thích Ca tại Huệ Nghiêm.
– Một số đạo hữu đàm luận rằng tượng này có giá trị mỹ thuật, chứ không có giá trị chiêm bái. Ý kiến nọ chính xác chăng?
– Xem xét từ cả hai bình diện nghệ thuật lẫn tôn giáo, theo tôi, pho tượng Phật Thích Ca của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đều rất đẹp. Về tác phẩm này, anh Phanxipăng nhận định ra sao?
Bên cội sala (20) nở đầy hoa kề pho tượng đang bàn, tôi đáp:
– Phật giáo lưu dấu ấn đáng kể trong sự nghiệp của Lê Thành Nhơn. Được phác thảo bằng thạch cao vào năm 1987, bộ tượng Sinh, Lão, Bệnh, Tử của anh Nhơn diễn đạt pháp lý “tứ khổ” bằng nghệ thuật tạo hình quá ư tuyệt diệu là ví dụ. Với kiểu dáng Phật tọa thiền, các pho tượng của Lê Thành Nhơn đã khiến tỉ khâu (21)Trí Năng khen ngợi rằng nhờ “bàn tay vàng và tâm thành” nên loạt tác phẩm điêu khắc ấy được sánh với “những pháp bảo sinh động”. Tránh lệ thuộc các quy thức biểu tả hàng loạt hảo tướng của đấng Thế tôn, nghệ sĩ tập trung chắt lọc mảng khối nhằm tạo lập tác phẩm hoành tráng mang tính khái quát, mà biểu cảm với phong cách riêng hừng hực nội lực. Tượng đồng xuất hiện năm 1987 đã được Bảo tàng quốc gia Austalia ở thủ đô Canberra sưu tập và trưng bày. Đó là tượng nhỏ, kích cỡ đặc biệt 50 x 50cm gợi nhớ tượng 4,5 x 4,5m của cùng tác giả. Tượng khác đã phác thảo bằng thạch cao với chiều cao 2,5m, dự kiến hoàn thành sẽ cao 25m nhằm đặt tại Vườn quốc gia Blue Mountains (22), tuy nhiên hợp đồng bị hoãn lại. Cả hai pho tượng Sitting Buddha / Phật ngồi vừa kể đã được anh Nhơn thực hiện ở Úc, dẫu mỗi tượng một vẻ, song đều tư thế kiết già chắc khỏe trên tòa kim cang và đôi tay bắt thiền ấn đặt trên đùi tương tự tượng hiện an vị tại chùa Huệ Nghiêm. So sánh thần thái diện mạo lẫn tổng thể cả ba tác phẩm, ắt nhiều người đồng ý rằng tượng ở Việt Nam bi-trí-dũng và sinh động hơn hẳn. Cũng cần thêm rằng Lê Thành Nhơn còn sáng tạo theo đề tài Kitô giáo, chẳng hạn tượng đồng Đức Mẹ Madonna đầy cá tính đã được dựng trong khuôn viên nhà nghỉ dưỡng của dòng Tên (23)mang tên Montserrat (24) năm 2004.
Tượng Phật Thích Ca trong vườn chùa Huệ Nghiêm ở Sài Gòn. Ảnh: Phanxipăng
Tranh Lê Thành Nhơn
Lê Thành Nhơn bên đồi Vọng Cảnh ở Huế
Tưởng Nhớ Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn
HUỲNH HỮU ỦY
Lê Thành Nhơn và Tượng Đức Mẹ Việt Nam
Khi được tin Lê Thành Nhơn qua đời vào tháng 11 năm 2002 ở Úc, chúng tôi có bài viết tưởng niệm anh, in trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 165&166, năm 2003.
Đó cũng là dịp để chúng ta có thể nhìn lại toàn bộ sự nghiệp và phần nào đánh giá những công trình nghệ thuật anh đã để lại cho cuộc đời. Bài viết có sử dụng nhiều dữ kiện và trích lại một phần đã viết về Lê Thành Nhơn trong "Nghệ thuật tạo hình Sàigòn trước năm 1975" in ở phần đầu của sách này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng in lại nguyên văn dưới đây, không cắt xén bớt, để bạn đọc có thê có một cái nhìn toàn diện và liền mạch về chân dung nhà điêu khắc lớn của chúng ta. (H.H.U)
Trước năm 1975, ba nhà điêu khắc trẻ Mai Chửng, Trương Đình Quế và Lê Thành Nhơn, mỗi người một phong cách riêng, đã góp phần tạo nên một vẻ mặt sinh động cho nền điêu khắc trẻ trung của miền Nam. Rồi thời thế đổi thay nhiều quá, mỗi người lưu lạc một phương trời, nhưng dường như cả ba đều luôn giữ ngọn lửa sáng tạo cháy sáng trong lòng mình. Trương Đình Quế ở lại trong nước, bị bủa vây vì biết bao gian khổ ràng buộc, từ khó khăn về kinh tế của một đời sống nghèo nàn xuống cấp không tưởng tượng được chung quanh, cho đến những áp đảo trầm trọng về tinh thần, anh vẫn giữ vững tinh thần và vẫn có những tác phẩm đẹp, với cách nhìn mạnh mẽ và sáng.
Cũng nên nhắc đến Phạm Văn Hạng, đi tiếp con đường Trương Đình Quế đang đi, và đã dựng được nhiều tác phẩm rất đồ sộ, có thể nói là những công trình điêu khắc lớn, mang nhiều dấu vết thời đại mà lại rất vững chắc, hoành tráng, đáng kể như chưa từng thấy. Trong khi ấy, Mai Chửng lưu lạc ở Mỹ, phải bỏ nghề vì thúc bách trong cuộc sống mới quá khủng khiếp, nhưng cái ám ảnh của nghề, của nghiệp, của nghiệp chướng, hay đúng hơn là cái thúc đẩy của đời sống bên trong tâm hồn, đòi hỏi phải làm một cái gì cho mới mẻ. Vậy là Mai Chửng bỏ việc sinh nhai để trở lại với điêu khắc thiết cốt của anh. Một số tác phẩm mới của Mai Chửng đã vượt qua nhiều chặng đường cũ của chính anh trước đây; anh vừa mới mang lại cho chúng ta một số tác phẩm vừa được đúc đồng xong, với một cách nhìn rất mới mẻ. Nhưng ở tuổi sáng tạo chín muồi ấy, Mai Chửng lại chia tay vĩnh viễn với chúng ta, dở dang bao nhiêu công trình đang nuôi dưỡng.
Năm vừa qua, nền nghệ thuật của đất nước mất đi một tài năng lớn đang ở độ sung mãn thì năm nay chúng ta lại mất thêm Lê Thành Nhơn: một nhà điêu khắc nổi bật đặc biệt trên vùng đất mới Úc châu, được ghi nhận vì những đóng góp sáng giá của anh. Nhân tài như lá mùa thu, trời đất quả là có phần bất công với nền nghệ thuật của chúng ta, mà những ngọn lá ấy cũng chưa vàng úa hẳn, chỉ mới đổi màu đã tan tác lìa cành. Không riêng trong lĩnh vực điêu khắc, mà nói rộng hơn một chút là nghệ thuật tạo hình, cách đây vài năm chúng ta mất Ngọc Dũng, rồi Mai Chửng, tháng trước là Lê Thành Nhơn, mới cách đây vài ngày là Bửu Chỉ. Đều là những giá trị và tài năng không có gì thay thế và bù đắp được.
Tôi đã có dịp đề cập đến Ngọc Dũng (1) , sẽ có dịp nói đến Mai Chửng và Bửu Chỉ. Với bài viết này, xin trở lại với Lê Thành Nhơn.
Trong khoảng thời gian 1970-1975, Lê Thành Nhơn được công chúng chú ý đến một cách đặc biệt vì dự án xây dựng mười tượng đài danh nhân tầm cỡ của Việt Nam. Tập trung suy nghĩ, thu thập tài liệu và thực hiện liên tục nhiều phác thảo trong tình trạng nghiên cứu, Lê Thành Nhơn hăm hở, nhiệt tình dồn hết tất cả sức lực của mình, quyết dựng những tượng đài to lớn các danh nhân đất nước, mỗi tượng đài sẽ là một tác phẩm cô đọng những nét đặc trưng nhất. Trước tiên anh bắt tay thực hiện chân dung Nguyễn Trung Trực, pho tượng lớn được đắp bằng đất sét thử nghiệm nơi xưởng làm việc của anh giữa một khu vườn ở đường Nguyễn Du, Quận I, Sài Gòn, dự trù sẽ đúc đồng để dựng ở Rạch Giá, trên chính vùng đất nhà anh hùng dân chài đổ dòng máu dâng trào vào những ngày đầu Nam Bộ kháng Pháp. Thời kỳ này, pho tượng Phan Thanh Giản cao 2.5m cũng đã được hoàn tất, thực hiện bằng xi măng cốt sắt.
Cuối thập niên 60, đầu 70, đang giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, được mời thỉnh giảng ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, trong những ngày đi về làm việc ở Huế, ý định của anh về những công trình này càng được thôi thúc thêm giữa bầu khí sôi sục của một thành phố hừng hực lửa đấu tranh. Những tượng đài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu... nhất định sẽ phải được dựng lên. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, Đại Nội Huế, thành phố Huế vừa lặng lẽ vừa sôi nổi, và những người bạn của Huế đã kích thích, gây nên một sự phấn khích rất đặc biệt để Lê Thành Nhơn hoàn thành pho tượng đồ sộ Phan Bội Châu.
Chân dung Phan Bội Châu, điêu khắc đồng
Chân dung Phan Bội Châu, linh hồn của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã hình thành trong bối cảnh ấy. Giữa khuôn viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, pho tượng được hoàn tất đợt đầu bằng đất sét. Khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại được đắp tạc khá hoàn hảo, đầy tính chiến đấu, lột tả được nét kiên cường, cứng rắn, quyết liệt, cũng như sự thông tuệ rực rỡ vô song. Tượng chỉ là khuôn mặt phóng lớn đầy tính diễn tả, thêm vào đó là những mảng phù điêu đắp nổi, phía hậu diện pho tượng, hình ảnh cuộc đấu tranh bền bỉ của đất nước từ kỷ nguyên thứ nhất cho đến ngày nay. Cũng cần biết thêm là phù điêu hậu diện pho tượng bấy giờ còn dở dang. Các mẫu phù điêu này hiện nay đã được Lê Thành Nhơn hoàn tất; sẽ được thực hiện bằng đồng ở Úc châu, với hy vọng một ngày nào đó trong tương lai sẽ được đưa về ráp thêm vào phía sau pho tượng.
Pho tượng Phan Bội Châu bằng đất sét được người thợ đúc truyền thống của Huế đúc thành tượng đồng cao hơn hai thước, nặng gần bốn tấn, công trình đang thực hiện dở dang thì biến cố 1975 xảy đến. Gần 15 năm trôi qua, pho tượng nằm hoang phế giữa Phường Đúc gần đồi Long Thọ, và mãi đến cuối năm 1987, di tích lịch sử và mỹ thuật này mới được chuyển về dựng lại tại vườn cũ của cụ Phan, rất trang trọng trên đầu dốc Bến Ngự. Pho tượng này đặt ở đây là đã đúng yêu cầu về phương diện lịch sử, tuy nhiên với kích thước của nó, mà có một địa điểm khác rộng lớn hơn, có không gian hơn, thì chắc chắn sẽ tạo nên được nhiều hiệu quả hơn nữa về mặt thẩm mỹ. Dù sao cũng là rất đáng mừng vì pho tượng hiện nay đã được xem là một bộ phận trong toàn quần thể di tích văn hóa nghệ thuật Huế, đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO, tổ chức văn hóa-giáo dục-khoa học của Liên Hiệp Quốc.
Cùng với thời kỳ phác thảo và thực hiện tượng Phan Bội Châu, Lê Thành Nhơn thực hiện khá đạt tượng chân dung Quan Thế Âm trước Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán của Phật giáo ờ Huế. Là tượng Phật Quan Âm, tất nhiên phải giữ một vài quy cách ước lệ cũ, có nghĩa là phải giữ lấy vài điểm chính để gợi ý về biểu tượng này. Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem đây là chân dung của một người phụ nữ với phong cách rất lạ, phía trên đầu là một khối hình chóp gần với thể dạng quen thuộc trong mỹ thuật Chàm, với các vũ nữ múa Apsaras, các tượng nữ thần Laksmi hay Siva, khuôn mặt rất bay bổng do đôi mắt thanh nhã, môi mỏng, cổ cao mà tác giả đã tìm cảm hứng hiện thực từ khuôn mặt của một ca sĩ thời danh và rất phiêu lãng lúc bấy giờ. Gần như phong cách tượng Phật Quan Thế Âm vừa đề cập, chúng ta còn tìm thấy vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng cứng cáp và chắc nịch của khối thể nơi tượng Bà Mẹ Việt Nam với chiếc khăn trùm quen thuộc của những bà mẹ Nam Bộ. Tượng này vẫn còn nguyên chỗ cũ, trước sân xưởng làm việc ngày trước của Lê Thành Nhơn, 101 Nguyễn Du, Q.I, Sài Gòn. Trong gần 20 năm sau ngày 30.4.75, rất đáng tiếc là pho tượng này không còn ai để ý tới nên không được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận giữa bao nhiêu sắt gạch, gỗ đá chồng chất của một cơ sở xây dựng của thành phố Sài Gòn. Hiện nay tình hình đã đổi khác nhiều, người ta đã bắt đầu biết lưu tâm đến một số giá trị cũ, hy vọng là tượng Bà Mẹ Việt Nam sẽ có chỗ đứng đàng hoàng trong đời sống văn hóa của Sài Gòn, nếu không muốn nói là của đất nước. (*)
Người Phụ Nữ Melbourne, sơn dầu
Nguồn: Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, VAALA, 2008
Năm 1975, định cư tại Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, sau khi vượt qua những khó khăn bước đầu trong cuộc sống mới, Lê Thành Nhơn tiếp tục con đường nghệ thuật trước đây anh đã đi qua ở quê nhà, đã có nhiều đóng góp vào cuộc sống đa văn hóa nơi đây. Bút pháp cũ sống động trở lại với tượng Mẹ Việt Nam, phảng phất khuôn mặt hai pho tượng cũ Quan Thế Âm và Bà Mẹ Việt Nam, dựng giữa Trung tâm Văn hóa Công giáo Hoan Thiện được Đức Giáo Hoàng rất mến mộ. Louise Carbines, một ký giả chuyên về mỹ thuật có tiếng tăm của Úc, trong bài viết "Nuôi sống tinh thần Việt Nam" (Keeping the Sprit of Vietnam Alive) in trên báo The Age số ngày 20.7.1991 (2) , đã đánh giá pho tượng này:
Giữa những tượng thuộc phái trừu tương và những tượng bán thân gân guốc hiện đại, bức tượng Đức Mẹ đứng tĩnh mặc trong xưởng đúc Meridian ở Fitzroy có một sức thu hút tỏa ra từ phong cách và tầm vóc của tác phẩm. Với đường nét hiền dịu tỏa ra từ cặp mắt và đôi tay, chiếc áo dài của người Việt, bức tượng đối tượng của niềm tin rằng ngôi làng Nazareth là một với trái đất, và không có sự phân cách nào giữa Nazareth với một ngôi làng Việt Nam... (*)
Cũng phải kể đến pho tượng Phật đúc đồng của anh được chọn bày tại Bảo tàng Quốc Gia Canberra hồi tháng 6.1991, rồi được lưu giữ vĩnh viễn trong bộ sưu tập của Nhà Bảo Tàng này. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, cũng là người bạn thân thiết của Lê Thành Nhơn, đã cho chúng ta biết Lê Thành Nhơn là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất và là một trong những nghệ sĩ ít ỏi có gốc gác nước ngoài ở Úc có tác phẩm được giữ gìn trong bộ sưu tập này (3). Về các pho tượng khác, như tượng Joy bằng đồng cao khoảng 2.50m được dựng trước sân đại học Monash (Canfield Campus) tại Melbourne, tượng Chân Dung Mùa Thu, Mẹ và Con, (tức là bức tượng về một bà mẹ đưa con mình vượt qua biển dữ để đến nơi an toàn), bộ tượng Sinh, Lão, Bệnh, Tử cũng rất được nhiều người chú ý đến.
Về tượng Phật của Lê Thành Nhơn, tôi rất đồng ý với đánh giá của Thi Vũ: Tượng trong các chùa của nước ta dựng theo mô hình Trung Quốc. Nước nào của Á châu cũng có tượng đặc thù sắc nét dân bản địa: Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nhìn tượng Phật các nước này, ngoài mỹ quan Phật giáo cố định qua 32 tướng tốt và 80 tướng tùy hình của Phật, hình nét dân tộc mỗi nước đều lộ qua sắc diện. Riêng Việt Nam chưa thấy rõ. Tượng Phật Việt Nam mới bắt đầu có đôi chút cách tân với Nguyễn Khoa Toàn ở Huế vào những năm 1930. Và đến nay, Lê Thành Nhơn là một nghệ sĩ tài năng thực sự, một tài năng lớn, đã chuyển hóa được tâm thức quê hương bị vùi lấp từ bao lâu bên bờ quên lãng, sống động trở lại trên khuôn mặt Đức Phật thực sự hết sức tài tình (4) . Chúng ta có thể cảm nghiệm lại điều này khi chiêm ngắm pho tượng Phật cao 4.5m hiện dựng tại Trung tâm Phật học Huệ Nghiêm, Phú Lâm, Sài Gòn. Đặc biệt hơn nữa là hãy trầm lắng chiêm ngắm khuôn mặt thanh thản, từ ái và trí tuệ nơi pho tượng Phật được dự định đặt trên đỉnh một ngôi chùa tương lai (hình in đính kèm bài viết này).
Điêu khắc gia nào cũng phải vẽ tranh. Lê Thành Nhơn cũng vậy. Nguyễn Hưng Quốc cũng đã cho chúng ta biết Lê Thành Nhơn có khoảng vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như bức Yarra River dài 4 thước, bộ Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) là một bộ tứ bình, mỗi tấm cao 2 thước và dài 6 thước (riêng bức Gió thì dài 6 thước rưởi) (5) .
Nhìn lại quá trình hoạt động nghệ thuật của Lê Thành Nhơn, chúng ta thấy rất rõ là từ bước đầu, ngay từ những ngày chập chững, rồi tốt nghiệp ở trường Mỹ Thuật cho đến những năm đầu của thập niên 90, Lê Thành Nhơn đã tạo được một phong cách chừng mực của riêng anh: không đi vào con đường truyền thống mà cũng không tiến hẳn vào điêu khắc hiện đại. Có lẽ nên nói rằng, đó là một bút pháp, hay đúng hơn, là kiểu cách ấn tượng của riêng anh. Ấn tượng mà đã nhiều phần ngả sang biểu tượng. Khi tạc một chân dung, dĩ nhiên là anh phải quan sát dáng dấp bên ngoài, nhưng hơn thế nữa, anh tiến vào chiều sâu bên trong, tìm cho ra cái lực đẩy đã tạo ra hình thái bên ngoài. Cách nhìn ấy là chủ quan, nhưng cũng có thể nói khi dựng nên tác phẩm thì nó đã trở nên rất hài hòa giữa cái nhìn chủ quan và thực tại khách quan. Hãy nhìn lại pho tượng Phan Bội Châu, tượng Quan Thế Âm, hay tượng Mẹ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ra ngay điều đó. Và chắc là Lê Thành Nhơn đã học được rất nhiều ở Auguste Rodin về nghề điêu khắc trong kỹ thuật cũng như tư tưởng chủ đạo trên đường đi tìm và thực hiện cái đẹp. Như Rodin đã từng nói:
" Khi một nhà điêu khắc có tài nắn mô hình về thân người, anh ta không chỉ miêu tả những cơ bắp cho thực sinh động, mà chính là anh ta vẽ lại đời sống bên trong của những thân hình ấy, hơn cả sự sống sinh động bên trong nữa..., mà chính là cái lực nội tại tạo thành hình thái bên ngoài của các thân người ấy, tạo cho chúng cái duyên dáng, sức mạnh, vẻ yêu kiều, hay là niềm vui không gì kiềm chế được". (6)
Tôi đã từng thấy Lê Thành Nhơn tìm xem nhiều tài liệu về Phan Bội Châu, hình ảnh Phan Bội Châu, suy nghĩ và phác thảo vô số để cùng đúc kết thành chân dung Phan Bội Châu. Ai đã tùng được gặp cụ Phan thời trước 1940 ở Huế, hay xem nhiều hình ảnh cụ Phan ghi lại trong sử sách thì cũng đều phải thấy là Lê Thành Nhơn đã thực hiện đúng chân dung của cụ. Mà hơn thế nữa, như ý kiến vừa đề cập đến bên trên của A.Rodin, Lê Thành Nhơn đã bằng con mắt chủ quan của mình để nhìn cho ra được cái lực đẩy bên trong tâm hồn cụ Phan, và rồi đã tái tạo trên tác phẩm một cách linh động, tài tình khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại của đất nước.
Giữa thập niên 90, hình như do một cơ duyên rất đặc biệt, Lê Thành Nhơn đã phát hiện được cái đẹp tự nhiên của một số đá tảng, một vài khối đá bị xói mòn hoặc biến đổi vì những hiện tượng địa chất trong một chuyến đi bên Pháp. Rồi từ đó, anh đã đục đẽo thêm, bào mòn những chỗ thừa thãi và có những tác phẩm điêu khắc hiện đại thuần túy. Tôi không được xem những pho tượng này thực sự tận mắt, chỉ được xem các hình chụp lại. Như tượng Nứng bòi hay Cửa vườn Xuân, gợi lên một không khí erotic đầm đìa rất thơ mộng, có những đường uốn lượn gần với Henry Moore, Constantin Brancusi, hay Hans Arp.
Có lẽ cũng nên biết thêm đôi chút về tiểu sử nhà điêu khắc này.
Sinh năm 1940 ở Thủ Dầu Một, một trung tâm thủ công mỹ nghệ lớn phía Đông Sài Gòn, rất nổi tiếng về các sản phẩm sơn mài và gốm, điều này chắc hẳn có nhiều ảnh hưởng về con đường nghệ thuật của anh. Nguyễn Hưng Quốc cho chúng ta biết thêm một chi tiết khá hay là bà mẹ của Lê Thành Nhơn là một phụ nữ Việt Nam gốc Chàm lai Trung Hoa(7) . Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ và nói chuyện với Lê Thành Nhơn, mặc dù chưa có liên hệ thân thiết, nhưng có thể nói là cũng biết nhiều. Có một điều gì đó mơ hồ nơi anh mà tôi chưa biết được, thì đến nay Nguyễn Hưng Quốc đã cho tôi biết: dòng máu pha trộn nơi anh có chất Chàm. Điều này hẳn cũng ảnh hưởng nhiều vào tác phẩm của anh, cũng như đất đai Thủ Dầu Một đã dễ đưa anh đến với nghề điêu khắc và làm gốm của anh.
Lê Thành Nhơn tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, khóa 9 trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1964, được họa sĩ Lê Văn Đệ ngợi khen và đánh giá là sinh viên ưu tú nhất kể từ ngày trường thành lập. Có lẽ do chỗ tri kỷ ấy mà Lê Thành Nhơn cũng đã từng tạc tượng chân dung bậc thầy này, đặt ở trường Mỹ Thuật Gia Định trước năm 1975.
Giảng dạy ở các trường mỹ thuật Gia Định, Mỹ Thuật Huế, và Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang. Năm 1975, định cư ở Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc. Năm 1987, anh đã được trường Kiến Trúc của Viện Kỹ Thuật Hoàng Gia Melbourne mời dạy học, và sau đó Bộ Giáo Dục mời anh đảm nhận một chương trình đưa nghệ sĩ vào học đường.
Đã tham dự các cuộc triển lãm: Liên Hoan Nghệ thuật Quốc tế ở Paris, 1963; Sài Gòn, 1965 và 1969; Melbourne, 1975; Dusseldorf (Đức), 1975; Bremen (Đức), 1976; Koln (Đức), 1977; Melbourne, 1992; Sydney, 1992.
Đã thực hiện tác phẩm Hành Trình Vào Tương Lai bằng vitrail, ghép kính màu cho Hội đồng Úc châu, Melbourne, năm 1991. Có tác phẩm thuộc sưu tập của Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc (National Museum of Australia) ở thủ đô Canberra và Bảo tàng Antartica.
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940, qua đời ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại bệnh viện Royal Melbourne Hospital, Australia, để lại một sự nghiệp đồ sộ với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Thành phố Vườn, California, 25.12.02
Huỳnh Hữu Ủy
(Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại VAALA, 2008)
Chú thích:
(1) Huỳnh Hữu Ủy, "Tưởng nhớ Họa sĩ Ngọc Dũng", Văn số 45, tháng 9.2000.
(2) Dẫn theo bản chuyển dịch Việt ngữ của Thường Quán, Thế Kỷ 21, số 29, 1991.
(3) Nguyễn Hưng Quốc, "Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn trở bệnh ung thư nguy kịch", Việt Báo Kinh Tế, số ngày thứ Bảy, 23.2.2002.
(4) Thi Vũ, "Tượng, hình và tính siêu việt trong điêu khắc Lê Thành Nhơn", Quê Mẹ, Paris, giai phẩm Xuân Giáp Tuất, 1994.
(5) Nguyễn Hưng Quốc, "Lê Thành Nhơn đã từ trần", Văn Học, California, số 200, tháng 12.2002, trang 136-137.
(6) Dẫn lại trong Art of the 20th Century, Volume II, Ingo F. Walther chủ biên, Benedikt Taschen Verlag GmbH, Koln, Germany, l998, trang 411.
(7) Nguyễn Hưng Quốc, Văn Học, đã dẫn.
Bài viết "Tưởng nhớ điêu khắc gia lê Thành Nhơn" khi in trên Thế Kỷ 21, Tết Quí Mùi, số 165 & 166, tháng Giêng và Hai năm 2003, có hai điểm chưa được cập nhật hóa, nay xin được ghi thêm cho rõ:
1) Về pho tượng Bà Me Việt Nam. Pho tượng này không còn nằm ở địa chỉ 101 Nguyễn Du, Quận I, Saigon nữa. Năm 2000, Lê Thành Nhơn đã trở lại Việt Nam để chuyển pho tượng về gửi ở sân nhà bà dì của anh ở đường Lê Ngô Cát, Quận 3, Sàigòn.
2) Về pho tượng Mẹ Việt Nam. Dựa vào một bài viết của Louise Carbines, chúng tôi đã viết là pho tượng được dựng ở trung tâm Công Giáo Hoan Thiện. Nhưng thực sự thì, pho tượng này không được các cộng đoàn Công Giáo chấp nhận vì không phù hợp với hình ảnh thân thiết và quen thuộc của họ, nên hiện nay vẫn còn được lưu giữ ở một xưởng đúc đồng ở Melbourne. (Chú thích theo ghi nhận của Nguyễn Hoàng Văn, một cây bút đang sống ở Úc, trong bài viết Đôi mắt Lê Thành Nhơn..., Tạp chí Văn, California, số 72, tháng 12, 2002, trang 46).
Nhân cần đính chính hai điểm trên, chúng tôi cũng xin trích đăng thêm ở đây bài viết Lê Thành Nhơn:
Một Nghệ Sĩ Lớn của Hoàng Ngọc Tuấn
in trên số báo Văn vừa dẫn, tức số đặc biệt Chia Tay Họa Sĩ - Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn (1940-2002). Hoàng Ngọc Tuấn, người bạn gần gũi và thân thiết với Lê Thành Nhơn, là một tài năng văn nghệ đa dạng, hoạt động trong nhiều lãnh vực: âm nhạc, kịch nghệ, văn chương. Chính với thuận lợi như thế, Hoàng Ngọc Tuấn đã phác vẽ lại được, chỉ trong mấy nét chấm phá, bức chân dung Lê Thành Nhơn thực vô cùng linh hoạt. Bài viết này được viết từ ngày 9 tháng 1 năm 2000, nhân cuộc triển lãm hội họa Lê Thành Nhơn mang tên "Giao Hưởng của Âm và Sắc" tại Turbine Gallery, Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney.
Vài kỷ niệm với điêu khắc gia
LÊ THÀNH NHƠN
Võ Kỳ Điền
Tôi và Lê Thành Nhơn là bạn từ thưở ấu thơ, chúng tôi lớn lên ở xóm chợ Thủ Dầu Một thuộc thị xã Phú Cường. Hai đứa học trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trãi tọa lạc trên đường Võ Tánh. Cũng trên con đường nầy cách trường năm chục thước có con hẽm nhiều cây xanh, đầu hẽm là tiệm hủ tiếu Cây Dừa, đi sâu tuốt vô hẽm là nhà Nhơn, căn nhà bằng cây lá đơn sơ, cạnh con rạch nhỏ, bên kia là cầu đúc phía nhà thuốc Võ Văn Vân.
Thưở đó mỗi ngày có buổi học tôi thường la cà, lang thang từ nhà, băng ngang qua khu phố chợ, đến nhà Nhơn để rủ đi học chung. Hồi nhỏ, tôi cũng có nhiều bạn nhưng không biết tại sao tôi lại thích cùng Nhơn đi chung hơn là các bạn khác. Có lẽ tánh tình Nhơn hiền lành và ưa chiều chuộng bạn bè. Tôi là thằng nhỏ dễ buồn dễ vui, lại ưa hờn mát, giận lẫy, khó có bạn nào chơi lâu cho được ngoài Nhơn.... Bây giờ nhớ lại từ thời con nít đó cho đến bây giờ, hình như hai đứa chưa hề gây lộn hay đáùnh lộn lần nào.
Đến chơi nhà Nhơn có nhiều thú vị lắm. Nhà tuy nghèo nhỏ và đơn sơ, nhưng tôi đâu để ý mấy thứ đó làm chi. Cái tôi thích nhứt là mỗi lần đến, là Nhơn thường bày ra nhiều trò chơi ngộ nghĩnh. Những ngày nghỉ học tôi cùng Nhơn lội xuống rạch bên hông nhà để móc đất sét xám đen dẽo quánh lên phơi khô để nắn tượng. Tôi và Nhơn tha hồ mà nắn trâu, bò, gà, vịt, chó, heo, ông già, con nít... Trò chơi thiệt là vui và kỳ lạ. Tôi vốn làm biếng và thích ở dơ, nên việc vọc bùn vọc đất tay chưn mặt mũi tèm lem tuốt luốt thiệt là hạp.
Con người Nhơn toát ra một vẻ gì đặc biệt kỳ lạ lắm, tôi không giải nghiã được. Nhơn có thân hình lực lưỡng, xương to và lộ, da đen mun, mắt lộ, kiểu mắt ốc bươu, ánh mắt sáng quắt và mạnh. Đầu to, tóc quăn xoắn đuôi rùa và xương quay hàm bạnh hẳn ra, mặt vuông hình chữ điền, răng Nhơn trong sáng và đẹp. Không biết vì cạp mía hay cắn vật gì cứng rắn, răng cửa của Nhơn bị mẻ một miếng to, tôi thường nhìn cái răng mẻ như một thói quen khi nói chuyện với bạn. Mỗi lần nhớ tới Nhơn là tôi nhớ cái răng cửa mẻ đó. Thoạt trông Nhơn rất gồ ghề, bậm trợn và gân guốc, vóc dáng bề ngoài dễ sợ như vậy nhưng tánh tình bên trong lại hiền khô.
Tuy chơi thân và đến nhà Nhơn mỗi ngày, tôi chỉ biết mẹ Nhơn là một bà già tóc bạc với dáng vẻ phúc hậu. Bà ít nói và sống trầm lặng, tôi hoàn toàn không gặp cha Nhơn lần nào, nghe nói là ông đi làm xa, làm gì tôi không biết, thỉnh thoảng mới đem tiền về để gia đình chi dụng. Nhà có ba anh em trai, hao hao giống nhau, cũng to lớn, mập mập và đen đen. Tên của cả ba thiệt là lạ và hay. Anh Lê Chơn Thành, rồi Lê Thành Nhơn và cậu em út tên Lê Nhơn Thiện. Tên của người nầy lấy làm chữ lót của người kia, tên người kia lấy làm chữ lót cho người nọ... Tôi thích cách đặt tên của ba anh em nhà nầy lắm, rõ là cha mẹ muốn con cái liên kết nhau, ràng buộc gắn bó mà thương yêu nhau hoài hoài. Cũng do cách đặt tên nầy, tôi đoán ba má Nhơn tuy nghèo nhưng chắc chắn phải là người có học thức và có đời sống nội tâm cao.
Lúc đó, học sinh Việt Nam còn phải học chương trình thuộc địa, giáo sư dạy môn Sử Địa của chúng tôi là nhạc sĩ Lê Thương (Ngô Đình Hộ) với các bài giảng về cuộc Chiến tranh Thập Tự Giá Một Trăm Năm, Thời Trung Cổ, Thời Phục Hưng...bên Âu Châu, cuộc Cách Mạng Tự Do Dân Chủ 1789, thầy giảng say mê bằng tiếng Pháp giọng Bắc nghe ngộ lắm và chúng tôi học cũng say mê. Tôi cố gắng học bài để được điểm tốt, thi cho đậu cao mà không chịu khó hiểu cho tường tận và ứng dụng được điều gì trong các bài học ở mấy cái xứ gì lạ hoắc đó.
Trái lại Lê Thành Nhơn khác tôi. Sau thời gian vọc đất nắn tượng, không biết do đâu và đọc thêm sách nào, Nhơn lại đâm ra say mê môn hội hoạ. Nhà bạn bây giờ lại đầy giấy trắng, thuốc màu và cọ. Tôi lại thấy Nhơn say mê với cọ với màu, và câu chuyện giửa tôi và Nhơn không còn là chuyện đá cá lia thia, đá gà, câu cá, lội sông như thưở trước nữa mà là nghe Nhơn miên man nói về mấy ông hoạ sĩ lạ hoắc như Renoir, Gaugin, Matisse, Van Gogh... gì đó. Mỗi lần nói về trường phái Tượng Trưng, trường phái Siêu Thực, Dã Thú, Lập Thể, Án Tượng... Nhơn nói say sưa, tôi lắng nghe bạn nói, mà không hiểu gì hết trơn. Tôi cũng tin rằng Nhơn biết tôi không hiểu, nhưng mà Nhơn vẫn nói, hình như Nhơn nói cho chính Nhơn nghe. Nói ra được điều mình yêu thích cũng là một thứ hạnh phúc, cần gì người hiểu hay không hiểu. Đến bây giờ thì tôi hiểu được một chút, nói là một nhu cầu và bộc bạch, thố lộ tâm sự là một nhu cầu cần thiết. Bên trong con người Nhơn chất chứa từ đời nào, có thể từ kiếp trước, một thứ đam mê nghệ thuật, rất to, thiệt là to, khó mà hiểu được...
Quả tình tôi có chịu khó lắng nghe... mà không cần phải hiểu và quả tình Nhơn có một sở thích mà tôi chưa từng thích bao giờ. Lúc đó cái tôi thích khác hẳn bạn mình. Tôi ngâm nga, ư ử suốt ngày các bài thơ có trong tay, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính... Tôi âm thầm nắn nót chép tay các bài thơ tình trong tập giấy trắng nõn, để lén tặng cho con nhỏ có cặëp mắt thiệt to, học lớp đệ nhị niên (deuxième année) mà tim đập thình thịch. Làm quen với con gái thiệt là khó và run muốn chết, tôi mắc cở mà thú thật với Nhơn như vậy..
Nhơn biết được chuyện riêng tư đó và cười cho tôi tầm thường. Nhơn đôi khi nói với tôi, đời người ngắn ngủi và vô thường, được sống làm người thì phải làm cái gì hữu ích cho xã hội, nhưng đã làm thì phải làm cho vĩ đại, đừng chấp nhận sự tầm thường, hèn mọn... rồi sau đó những mẫu người vĩ đại của Nhơn là Van Gogh, Matisse....lại ào ào tuôn ra. Bạn thường tâm sự với tôi những mơ ước cao xa, những thành công rực rỡ, những viễn ảnh kỳ thú, những sung sướng khi thực hiện được hoài bảo. Nhơn thường nói xa nói gần cho tôi hiểu những kẻ sống không lý tưởng, chỉ cố học cho cao dùng bằng cấp kiếm tiền cho nhiều, sống giàu sang sung sướng bên vợ đẹp, con khôn, sống đời ích kỷ là đáng chê trách.
Tôi biết rồi, chuyện vĩ đại mà bạn mình nói là tạo nên những công trình đồ sộ cho nghệ thuật, nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật điêu khắc.... Tôi nghĩ thầm, Nhơn và tôi ở tỉnh nhỏ, lại còn là con nít, học hành đâu có bao nhiêu, nhà lại nghèo thì làm sao làm chuyện gì cho vĩ đại được. Những nhà danh hoạ, điêu khắc mà Nhơn thường ôm ấp trong lòng, thường nhắc tới đó, coi là thần tượng đó, nghe nói họ sống nghèo khổ lắm, không vợ, không con, và chết trong hiu quạnh cô đơn. Những tác phẩm của họ chỉ nổi tiếng sau khi đã chết. Cũng như thầy Nhan Hồi sống thiếu thốn nghèo rớt mồng tơi, vậy mà đức Khổng Tử đã từng khen ngợi -sống trong hẽm nhỏ, một giỏ cơm, một bầu nước, gấp tay gối đầu mà vui với đạo lý, quên đi cái nghèo.
Nhà tôi vốn buôn bán và khá giả, tôi không hiểu và thiệt tình không hiểu, thiếu thốn, nghèo khổ làm sao mà vui được, thầy Nhan Hồi hay mấy ông Renoir, Gauguin gì đó... có thiệt vui không, mà chết rồi, nổi tiếng sau khi chết, thì dù đạt được cái danh, họ cũng đâu có biết, sướng ích gì đâu,... Tôi nghĩ như vậy, thương cho bạn (!) và thấy bạn thuộc mẫu người không tưởng, mơ mộng, xa xôi , hão huyền...
Sau khi cả hai đậu Trung Học xong, tôi phải xuống Sài Gòn tiếp tục học các lớp cao hơn. Nhơn lại thi đậu vào trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một, sau đó nhờ học giỏi thi đậu vào Cao Đẳng Mỹ Nghệ Gia Định... Rồi những nhu cầu cơm áo, những hệ lụy nhân sinh, tôi và Nhơn xa nhau biền biệt lúc nào không nhớ. Năm 1963 sau cuộc đảo chánh Ngô triều, tôi bất ngờ gặp Lê Thành Nhơn trong công viên Tao Đàn, trong phòng triển lãm rộng lớn, trình bày những hình ảnh Pháp nạn của Phật Giáo. Nhơn chỉ cho tôi bức tranh sơn dầu thật lớn, choáng đầy cả bức vách, hình ảnh những nạn nhân của chế độ đang rên siết oằn oại, vươn lên những cánh tay khẳng kheo như muốn bám víu một chút hy vọng, một chút tình thương, màu sơn đỏ bầm, màu sơn tím nâu như màu máu, màu lửa, màu đấu tranh bốc lên ngùn ngụt... tôi đọc được chữ ký tên Lê Thành Nhơn bằng sơn vàng ở góc phải. Cái sống động, cái to lớn vĩ đại của bức tranh làm tôi chú ý.
Tôi hiểu ngay, những đường nét, màu sắc, khuôn khổ bạn tôi thể hiện cho tác phẩm không bao giờ có sự tầm thường và bạn tôi, tác giả, cũng không tầm thường. Con đại bàng lúc còn non thì cũng là đại bàng, không bao giờ là chim sẻ.
Lê Thành Nhơn rời Bình Dương mà bay nhảy tận chưn trời góc biển nào. Đời sống vật chất bạn ra sao, tôi không biết, vợ con bạn ra sao, nghề nghiệp ra sao, tôi không biết. Cuộc chiến lúc đó dữ dội và tàn khốc quá mà. Thời gian trước tháng tư, 1975 chừng vài tháng, Lê Thành Nhơn lái một chiếc xe Huê Kỳ lớn màu xanh trở về Bình Dương kiếm tôi, không phải để đi rủ rê đi chơi mà bàn công chuyện. Tôi mừng cho bạn và ngạc nhiên hết sức. Bạn muốn tôi giới thiệu với ông bác, sui gia ba tôi ở Búng, thuộc quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Tôi nhìn Nhơn ngạc nhiên và hỏi -bạn muốn tôi giới thiệu với bác Đạo để làm chi. ?
Nhơn lấy ra một hoạ đồ kiến trúc thật lớn để lên bàn và giải thích cho tôi hiểu. Khu vực xa lộ từ Búng lên Bình Dương có những ngọn đồi cao thấp thật đẹp, tại sao lại phí phạm đem trồng củ sắn với khoai lang, khoai mì. Mình phải biến nó thành một công viên quốc gia với đầy đủ các tượng danh nhân, những người có công góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu nầy như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu... những anh hùng, những văn nhân, nghệ sĩ tài hoa để con cháu noi gương mà yêu thương cái đất nước bốn ngàn năm văn hiến nầy.
Tôi nhìn sững Nhơn - lập một công viên quốc gia, tiền ở đâu, ai cho, và làm như vậy để được cái gì, đất nước đang chiến tranh tàn khốc, làm sao mà thực hiện. Khả năng Nhơn tới đâu và công trình nầy đâu phải là một người có thể làm. Hàng trăm câu hỏi trong đầu, chuyện nầy Nhơn nói thiệt hay nói chơi và tôi chợt hỏi- tại sao bạn lại nhờ tôi giới thiệu với bác Đạo, bác Đạo có liên hệ gì tới vụ nầy ?
Nhơn trả lời cho tôi là đã gặp ông xã Nhu làng Hưng Thạnh, cũng như đã nghiên cứu kỹ sổ địa bộ của vùng nầy, biết được những trái đồi đó thuộc sở hữu của bác Đạo, công trình nầy là tầm mức quốc gia, chớ không còn thuộc tỉnh hay địa phương nữa... Nhơn có khả năng thuyết phục các giới chức thẩm quyền tài trợ, các doanh thương, kỹ nghệ gia quyên góp, đồng thời có sự giúp đỡ của các cơ quan quốc tế...
Rồi Nhơn nói miên man những công trình đã thực hiện ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Phan Thiết, những phù điêu trang trí dinh Độc Lập, những cuộc triển lãm quốc tế, những huy chương vàng bạc nhận được và cuối cùng những phác hoạ đẹp đẽ trong tương lai cho Bình Dương chúng tôi -thung lũng xanh bên nầy phải là công viên cây cao rủ bóng, bên kia là suối reo, bên nọ là rừng thưa nuôi những đàn nai ngơ ngác, có những con đường trải sỏi cho những cặp tình nhân yêu nhau hò hẹn, dọc theo các đường mình dựng tượng... tất cả phải to lớn, phải vĩ đại. Tôi nghe qua như nằm chiêm bao, mới có chừng mười năm xa cách mà Nhơn đã khác lạ quá mức tưởng tượng trong tôi, thiệt tình tôi không ngờ, quả là không ngờ được...
Sau đó, Nhơn gặp bác Đạo, các giới chức địa phương, trình bày, bàn cãi, thảo luận nhiều ngày về phương cách thực hiện dự án nầy. Lúc đó tôi mới bật ngửa, chuyện thiệt tình chớ không phải chuyện nói chơi, con đại bàng đã đủ lông cánh...
*
Khi nghe tin Nhơn bịnh rồi biết tin bạn mất ở Úc Đại Lợi, tận Nam Bán Cầu, tôi cảm thấy thật trống vắng và đâm nhớ miên man những ngày xưa. Chết hay sống là chuyện hiển nhiên đời người, có tụ thì phải có tan, có thành thì có hoại, Lê Thành Nhơn đã thấy rất rõ, rất rõ, bạn sẵn sàng ra đi yên vui, đời bạn đẹp quá, có gì phải tiếc nuối.
Ôm ấp những giấc mơ Renoir, Van Gogh... nhiều hay ít bạn đã thực hiện được. Lê Thành Nhơn bây giờ và mãi mãi sẽ là những Renoir, Van Gogh của những người yêu mến nghệ thuật. Sống một đời trọn vẹn cho những lý tưởng của mình, như vậy chẳng thoả nguyện sao ?
Cái nhân ngày trước và cái quả bây giờ, không phải do một sớm một chiều mà có được. Nhơn ơi, ở một góc trời phương Bắc lạnh và xa, tôi bồi hồi nhớ thương bạn và ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy bạn sẽ là con đại bàng và thời gian đã chứng minh đúng y như vậy, nhìn những tác phẩm của bạn để lại cho đời, rải rác ở Việt Nam, ở Pháp, ở Mỹ, ở Đức, ở Úc... khiến tôi hãnh diện và sung sướng. Bạn đã trở về được với cõi trăng sao và màu sắc.
Võ Kỳ Điền (10 Feb 2003)
Thứ Hai, ngày 18 tháng 3 năm 2013
Nhớ Lê Thành Nhơn, nghĩ về sự sống của người nghệ sĩ
Nguyễn Hưng Quốc
Giống như mọi người, người nghệ sĩ, dù tài hoa đến mấy, một lúc nào đó cũng sẽ chết. Có khi hắn còn chết sớm hơn vô số người bình thường khác. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ có tài năng lớn, chúng ta hay dùng chữ “bất tử”. Là sống mãi. Vậy, sự sống của hắn nằm ở đâu? Câu trả lời đơn giản: ở tác phẩm. Chỉ ở tác phẩm.
Tác phẩm chứ không phải là tiếng tăm. Ở không hiếm người, tiếng tăm lớn hơn tài năng thực sự của họ. Nhưng tiếng tăm, không gắn liền với độ bền vững của tác phẩm, chỉ là những giai thoại phù du. Một lúc nào đó, chúng sẽ biến mất. Như bọt. Tiếng tăm không cứu được tác giả; và tác giả không cứu được tác phẩm. Ngược lại: chỉ có tác phẩm mới cứu được tác giả và tác giả mới cứu được tiếng tăm. Đó là một con đường ngược chiều với những cách hiểu thường tình.
Nghệ sĩ có thể biết mình nổi tiếng hay không và nếu nổi tiếng, nổi tiếng đến độ nào. Nhưng không ai dám chắc về độ lớn của tác phẩm của mình. Một số người có thể tự tin và tự hào. Nhưng chỉ cần tỉnh trí một chút, mọi niềm tự tin và tự hào ấy đều gắn liền với nỗi bất an.
Ví dụ cho những nỗi bất an ấy nhiều vô cùng. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng ở thời điểm này, tôi đang nhớ đến bạn tôi, tôi xin lấy bạn tôi làm ví dụ:
Lê Thành Nhơn (1940-2002 )
Lúc còn trẻ và khỏe, nhất là những lúc uống rượu ngà ngà, Lê Thành Nhơn thường say sưa nói về tác phẩm của mình; một số tác phẩm mà anh tin là sẽ còn lại mãi. Như bức tượng Phật được lưu giữ trong Viện bảo tàng Quốc gia Úc ở thủ đô Canberra. Hay bức tượng Phan Bội Châu ở Huế. Nhìn về tương lai, Lê Thành Nhơn cũng ăm ắp những ước mơ như thế: anh mơ trang trí một ngôi chùa nào đó với phù điêu và những cái trụ thật cao và thật lớn, đầy những hình ảnh đẹp để có thể cạnh tranh với thế giới. Anh mơ dựng một Bức tượng Phật uy nghi cao cả hàng chục thước trên những đỉnh núi sừng sững để, đứng cách mấy cây số, người ta cũng có thể nhìn thấy và ngưỡng mộ. Anh mơ vẽ những bức tranh sơn dầu dài cả chục thước để có thể phủ kín nguyên một bức tường trong viện bảo tàng…
Sau, lớn tuổi, nhất là lúc bị bệnh hiểm nghèo, giọng nói của anh về tác phẩm của chính mình cũng như về những mơ ước của mình bớt sôi nổi dần. Lúc anh phát hiện mình bị ung thư cũng là lúc anh phải dời nhà. Các con của anh muốn đập căn nhà cũ để dựng lên một ngôi nhà mới hai tầng. Công việc xây cất kéo dài gần cả năm. Trong thời gian ấy, gia đình anh phải thuê một chỗ ở khác. Dời chuyển đồ đạc từ nhà cũ đến chỗ ở mới là một gánh nặng. Nhưng khó xử nhất là, trong vườn cũng như trong nhà chứa xe của anh lại đầy những tác phẩm dở dang, bao gồm nhiều bức tượng, phù điêu và trụ cột bằng thạch cao. Trước, anh cứ để ngổn ngang, với hy vọng một lúc nào đó sẽ có cơ hội đúc đồng và xây xi măng để bày hoặc dựng đâu đó. Những tác phẩm ấy quá lớn và quá nặng để có thể chuyển đến căn nhà mới thuê. Anh bảo tôi muốn lấy gì thì lấy. Tôi không nhận. Chỉ đề nghị anh tặng bức tượng Phật cao gần hai thước trong nhà chứa xe cho một người bạn chung của chúng tôi: Võ Quốc Linh. Linh là một Phật tử thuần thành, rất thương Lê Thành Nhơn, lại có một ngôi nhà rộng, trên ngọn đồi cao nhìn xuống một dòng sông ở Sydney. Tôi nghĩ đó là nơi thích hợp nhất để bày bức tượng Phật ấy. Nghe tôi nói, Nhơn đồng ý ngay. Tôi liên lạc với Võ Quốc Linh để chuyển bức tượng ấy từ Melbourne đến Sydney. Mấy ngày sau, khi đến thăm anh lại, tôi thấy khu vườn của anh đã quang đãng hẳn. Tôi hỏi Nhơn về các tác phẩm còn lại. Anh cho biết công ty xây cất đã dọn dẹp xong hết. Rồi tiếp: “Tro bụi lại về tro bụi!”
Dạo ấy, cứ vài ba ngày tôi lại đến chở Lê Thành Nhơn ra ngoài ăn uống cho đỡ buồn. Nhiều lần chạy ngang qua căn nhà cũ đã bị san bằng của anh, cả anh lẫn tôi đều thấy chạnh lòng. Một lần, Lê Thành Nhơn nói: “Tôi ở đó bao nhiêu năm, chưa bao giờ thấy khu vườn nhà mình rộng đến vậy.” Rồi gật gù, nói tiếp, giọng như đang triết lý: “Rộng nhờ không còn gì cả.”
Những tháng cuối đời của Lê Thành Nhơn, không phải anh, mà chính tôi, mới là người hay nói về sự trường tồn của các tác phẩm của anh. Tôi nói vì muốn an ủi bạn. Tôi biết là Lê Thành Nhơn biết rõ anh đang đối diện với cái chết. Tôi không muốn anh nghĩ chết là mất tất cả. Nhưng Lê Thành Nhơn không mặn mà với những viễn tượng đẹp đẽ ấy. Ngay cả những lúc không mệt mỏi lắm, anh cũng khá hờ hững. Dường như anh thấy những chuyện ấy đều vô nghĩa. Hoặc anh đã mất một phần niềm tự tin về tác phẩm của chính mình.
Rồi Lê Thành Nhơn qua đời.
Sự ra đi của người nghệ sĩ nào cũng buồn. Sự ra đi của một nghệ sĩ lưu vong lại càng buồn. Có cái gì thật dửng dưng và cũng thật hiu hắt. Nước mắt và nỗi xúc động chỉ chảy ra từ một số, thật ít ỏi, những người trong gia đình và bạn bè thân thiết. Xã hội chung quanh, vốn xa lạ, vẫn tiếp tục xa lạ. Mấy năm sau, khi tôi và một số bạn bè liên lạc đây đó để tổ chức một cuộc triển lãm nhằm trưng bày các tác phẩm còn lại của Lê Thành Nhơn, chúng tôi đều gặp phải một sự lạnh lùng đến kinh người. Nỗ lực ấy, cuối cùng, thất bại. Không đến đâu cả.
May, tác phẩm của Lê Thành Nhơn vẫn còn. Mỗi lần có dịp đến trường Đại học Monash ở Melbourne, tôi cũng đều thấy bức tượng “Joy” của anh trước sân trường. Bức tượng Phật cao gần hai thước tặng cho Võ Quốc Linh được Linh đặt một cách trang trọng giữa nhà. Để có một vị trí như vậy, Linh phải sửa nhà, yêu cầu kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế một căn phòng riêng, trên lầu, để đặt bức tượng nặng gần cả tấn ấy. Bức tượng uy nghiêm nhìn xuống dòng sông, nơi Lê Thành Nhơn, lúc còn sống, khi ghé thăm, thường ngắm với sự thích thú đặc biệt của một người nghệ sĩ say mê thiên nhiên và cảnh đẹp.
Các tác phẩm khác của Lê Thành Nhơn ở Việt Nam trước 1975, trừ những gì đã bị phá hủy, đang dần đần được sưu tập lại. Bức tượng Phan Bội Châu cao 4,5 thước và nặng cả 7 tấn, suốt cả mấy chục năm, gần như bị quên lãng trong một góc vườn ở Huế, bây giờ đã được dựng trên bờ sông Hương cho mọi người chiêm ngưỡng. Bức tượng Thiếu Nữ Việt Nam bằng xi măng trắng, suốt cả mấy chục năm trời, nằm quạnh quẽ trong vườn nhà một người thân ở Sài Gòn, cuối cùng, cũng được chở ra dựng ven sông Hương. Bây giờ, thăm Huế, đi dọc theo sông Hương, mọi người đều có thể nhìn thấy hai tác phẩm ấy của Nhơn. Và thêm một tác phẩm thứ ba nữa: tượng Phật Quan Thế Âm ở Trung tâm Liễu Quán, gần đường Lê Lợi. Và cũng gần cả bờ sông.
Cái dòng sông ấy, thời trẻ, trong vài năm ngắn ngủi sống và làm việc ở Huế, Nhơn yêu vô cùng. Bây giờ, nó trở thành một trong những không gian anh sống.
Vĩnh viễn
bài của NGUYÊN HƯNG QUỐC
Nguồn : V.O.A Tiếng Việt
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.