Hoàng Trung Thông
(1925 - 1993)
Hưởng thọ 68 tuổi
Bút danh khác: Bút Châm, Đặc Công
Nhà thơ, nhà phê bình văn học, Dịch giả
Nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học; nguyên Viện trưởng Viện Văn học (1976-1985) và Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương.
Tiểu sử
Hoàng Trung Thông sinh ngày 05 tháng 05 năm 1925 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán và được coi như một thần đồng nổi tiếng khắp vùng. Đến năm 12 tuổi, ông theo học trường Quốc Học Vinh, một trong những trường danh giá thời bấy giờ. Sớm thoát ly tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh[1], trong Kháng chiến chống Pháp ông từng cùng Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên lãnh đạo Hội văn Nghệ khu IV.
Từ 1945 cho đến cuối đời, bên cạnh sáng tác thi ca và nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, viết thư pháp, Hoàng Trung Thông đảm nhiệm các chức trách quan trọng như cán bộ văn nghệ của khu ủy Liên khu IV, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Nghệ An, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương; Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam; Tổng biên tập báo Văn nghệ, báo Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam; Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương và Viện trưởng Viện Văn học (giai đoạn 1976-1985).
Hoàng Trung Thông mất ngày 04 tháng 01 năm 1993 do bệnh phổi và gan tại Hà Nội. Mặc dù giữ nhiều trọng trách trong văn nghệ nhưng cả đời ông sống nghèo nàn, thanh bạch. Cuối đời, ông thường nói một mình trong đêm với tượng Lí Bạch, Lỗ Tấn, Pushkin.
Sự nghiệp
Trong các thi sĩ Việt Nam thế kỉ 20 Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lí tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ. Nhà nghiên cứu - giáo sư Phan Ngọc đã từng viết về ông: "Trong thâm tâm, anh là con người nhỏ bé, của những con người nhỏ bé. Trong thơ, anh chỉ là nhà thơ của những người nhỏ bé" và "Chỉ có một Hoàng Trung Thông nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung Thông".
Ông viết nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học, giới thiệu thơ Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Đỗ Phủ, Lục Du, Puskin, Xuân Diệu, Chế Lan Viên v.v.
Thủ bút bài thơ tặng Chế Lan Viên
Tác phẩm chính
Tiểu luận phê bình
1
Chặng đường mới của văn học chúng ta
(1961)
2
Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống
(1979)
3
Những người thân những người bạn
(2008)
Thi ca
4
Quê hương chiến đấu
(1955)
5
Đường chúng ta đi
(1960)
6
Những cánh buồm
(1964)
7
Đầu sóng
(1968)
8
Trong gió lửa
(1971)
9
Như đi trong mơ
(1977)
10
Hương mùa thơ
(1984)
11
Tiếng thơ không dứt
(1989)
12
Mời trăng
(1992)
Hoàng Trung Thông thông thạo 3 ngoại ngữ: tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh; từng dịch nhiều tác phẩm thơ cũng như văn xuôi nổi tiếng thế giới. Ông còn là một nhà thư họa tài hoa, bạn bè gần gũi với Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Vi Kiến Minh.
Vinh danh
Tên Hoàng Trung Thông được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh, Nghệ An.
Ngày 22 tháng 4 năm 2013 Dưới sự phối hợp đồng tổ chức của Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà Xuất bản Văn học, tại Viện Văn học đã tổ chức Tọa đàm khoa học Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông (Tưởng niệm 20 năm mất nhà thơ Hoàng Trung Thông).[2]. Tọa đàm thu hút nhiều nhà nghiên cứu đến dự và phát biểu ý kiến như GS. Phong Lê, GS Hà Minh Đức, GS Nguyễn Huệ Chi, TS. Lê Thành Nghị, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên v.v.
Đời tư
Giai thoại
Thi sĩ Hoàng Trung Thông có tính cách phóng khoáng, hóm hỉnh. Lúc sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên đã mến tặng người bạn thân thiết của mình bài thơ "Gửi Trạng Thông họ Hoàng":
"Ông thì hay say
Tôi thì quá tỉnh
Mà ông đằm tính
Tôi thì hay gây
Thiên hạ người người yêu ông
Tôi thiên hạ ghét
Gặp tôi người ta lườm nguýt
Nghe ông người ta thông
Thế mà lạ không
Hai đứa thân nhau mãn kiếp".
Và chính Hoàng Trung Thông, người từng giữ cương vị cao trong giới văn hoá văn nghệ, lại cũng dám mổ xẻ mình một cách thẳng băng, nghiêm khắc trong lời nhận định về người bạn thơ:
"Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói"[5]
Tham khảo
^ Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học - 50 năm xây dựng và phát triển, NXB Khoa học, H. 2003, trang 76
^ Tọa đàm khoa học về sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông (Tưởng niệm 20 năm mất nhà thơ Hoàng Trung Thông)
^ “Giai điệu tự hào số 4 tháng 4 năm 2014 VTV1 HD”. Ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2014. Phút 30:00
Liên kết ngoài
Bao Giờ Trở Lại
Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau
Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
Dẫu rằng núi gió đèo sương
So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi
Bấm tay tính buổi anh đi
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về ?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào
Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh ?
Các tác phẩm do Hoàng Trung Thông dịch:
Puskin (Nga)
- Nàng công chúa thiên nga
- Ông lão đánh cá và con cá vàng
- Người tù Kavkaz
- Đoàn người Di Gan
- Thơ Liên Xô
(Nhiều người dịch)
Maiakovski (Nga)
- Quay trái
- Nhật lệnh số 1 của đoàn quân nghệ thuật
- Lê Nin (trích trường ca)
- Cáo biệt
- Nói chuyện với Lê Nin
- Bài thơ hay nhất
- Tờ hộ chiếu Liên Xô
- Chuyện người Ku zơ nét và xây dựng Ku zơ nét
- Bọn phá hoại và tụi giết người
- Những người loạn họp
- Những thằng nịnh hót
- Bọn đặt điều nói nhảm
- Làm thơ như thế nào (dịch cùng Lê Đạt)
Konstantin Simonov (Nga)
- Mùa đông năm 70
Thơ Triệu Cơ Thiên (Triều Tiên)
- Triều Tiên chiến đấu
Thơ Đức
- Thơ Heine (dịch cùng Tế Hanh)
Thơ Trung Quốc
- Thơ và từ Mao Chủ tịch (dịch cùng Nam Trân)
- Vương Quý và Lý Hương Hương (thơ của Lý Quí)
- Về Diên An (Nhiều tác giả)
- Thơ Lỗ Tấn (1 bài)
Thơ Hungari
- Thơ Petophi (17 bài)
Thơ Ba Lan
- Thơ Adam Mickievich (6 bài)
- Thơ Wladislawz Bronievski (5 bài)
Thơ Châu Phi
- Những nhà thơ da đen (8 bài)
Thơ chữ Hán Việt Nam
- Thơ Cao Bá Quát
Thơ Pháp
- Louis Aragon (2 bài)
- Eugène Pottier (2 bài)
- Louis Michel (1 bài)
- Jean Baptiste Clément (1 bài)
- Victor Hugo (1 bài)
Đọc thơ Hoàng Trung Thông
Sa Vĩ
Dải cát nằm dài uống nước biển khơi
Như một trái tim người
Đang đập nhẹ với nước triều lên xuống.
Đây Sa Vĩ lần đầu tôi đến
Lần đầu tôi mới nghe tên
Dải cát dài sóng vỗ bình yên
Như tiếng hát rì rầm trong cổ
Tôi đi nhặt vỏ sò ốc nhỏ
Lòng xôn xao đi nhặt niềm vui
Cái chấm đầu của bờ biển ta ơi
Mắt tôi đuổi ngược theo ngàn đợt sóng.
Bạn chài ơi, thuyền về có nặng
Tôi chờ đây kéo mẻ lưới chiều
Tắt nắng rồi, tôi vẫn đứng trông theo
Gò má thắm cô gái làng Trà Cổ.
Lắng nghe xa... lời ca hay sóng vỗ
Từ khơi nào? Từ quần đảo Cô Tô?
Sao tôi không là ngọn sóng nhấp nhô
Để đi mãi tới bờ xa đảo nắng?
Nguồn: Biển trong thi ca, tuyển thơ nhiều tác giả, NXB Hội nhà văn, 2007
Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông
Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông
Hoàng Trung Thông & họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông, Hồ Thị Hoa . 1970
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều qua.