Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Tú Mỡ (1900 - 1976)


















Tú Mỡ

(1900 - 1976) Hà Nội
Hưởng thọ 76 tuổi

Tên thật: Hồ Trọng Hiếu
Nhà thơ trào phúng, Soạn giả Chèo và Tuồng
Thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn













Tú Mỡ, tên thật: Hồ Trọng Hiếu (1900-1976), là một nhà thơ trào phúng(1). Theo các nhà nghiên cứu văn học, thì với gần nửa thế kỷ cầm bút bền bỉ, ông đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của thơ ca[2], đặc biệt về mặt thơ trào phúng, thời nào ông cũng là bậc thầy.[3]





Cuộc đời


Tú Mỡ sinh ngày 14 tháng 3 năm 1900 tại phố Hàng Hòm (Hà Nội), trong một gia đình lao động nghèo ở thành thị (tiểu thủ công).

Lên 5 tuổi, ông học chữ Hán với ông nội. Khi ông nội mất, ông mới học chữ quốc ngữ với thầy giáo Quý ở phố Hàng Mành. Học được một năm, ông xin chuyển vào học trường nhà nước ở phố Hàng Bông, tiếp đến là trường ở Hàng Vôi.

Năm 14 tuổi (1914), ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp-Việt, nên năm sau được vào học tại trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An), chung với Hoàng Ngọc Phách

Năm 16 tuổi (1916), ông bắt đầu "mắc bệnh" làm thơ. Trong Hồi ký, ông kể lại: "...tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua bộ Hán-Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đổ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất..."

Năm 17 tuổi (1917), ông bắt đầu yêu một cô gái 15 tuổi ở Hàng Bông, làm được bài thơ tình đầu tiên (theo thể thất ngôn bát cú) có tên là Tương tư, bị Hoàng Ngọc Phách chê là sáo...[4]

Năm 18 tuổi, ông đỗ bằng Thành Chung và cuối năm đó, ông xin vào làm (thư ký) trong Sở Tài chính (Hà Nội) cho đến Cách mạng tháng Tám (1945).

Bước vào nghề "thầy Phán", ông sáng tác được bài thơ khôi hài đầu tiên, đó là bài Bốn cái mong của thầy Phán.

Năm 1926, ông bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam thanh niên tạp chí, Tứ dân tạp chí.

Sau khi gặp gỡ Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), được nhà văn này phát hiện năng khiếu làm thơ trào phúng của ông, năm 1932, Tú Mỡ tham gia Tự Lực văn đoàn[5], rồi được cử phụ trách mục Giòng nước ngược trên tờ Phong Hóa, một tờ báo chuyên về văn chương, hài hước và trào phúng của bút nhóm này.

Tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, Tú Mỡ lên chiến khu, tham gia kháng chiến bằng ngòi bút trào phúng sở trường quen thuộc. Thời kỳ này, Tú Mỡ ký tên là Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh,...cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ. Tú Mỡ là tên đặt đùa, ý là người kế tục nhà thơ bậc thầy Tú Xương. Vả lại, hai chữ Tú Mỡ lúc này ông còn nghe gần với "đú mỡ", có vẻ không được...nghiêm túc. Và từ nay, tôi đặt thơ vào hai mục riêng: loại đánh địch là mục "Nụ cười kháng chiến", loại ca ngợi tinh thần anh dũng của quân dân là mục "Anh hùng vô tận"[6]. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì trong lúc kháng chiến, có lần ông bị đối phương bắt nhưng đã tìm cách thoát được.

Tú Mỡ và Thế Lữ là đôi bạn tri kỷ lui tới với nhau, một đời.

Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới.

Năm 1957, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, và làm Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam.

Năm 1974, bà vợ tào khang chung thủy của ông mất, Tú Mỡ đã viết bài thơ Khóc Người Vợ Hiền, đáng kể là một trong những bài thơ tình hay nhất:

Bà Tú ơi! Bà Tú ơi
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao.
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai…

Tú Mỡ mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 7 năm 1976 tại Bệnh Viện Việt–Xô (Hà Nội), hưởng thọ 76 tuổi.







Tác Phẩm chính







Thơ







1
Dòng nước ngược:
Thơ Tập 1







2
(Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1934), 
tập 2 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1941)







3
Nụ cười kháng chiến
(1952)






4
Anh hùng vô tận 
(1952)






5
Nụ cười chính nghĩa
(1958)







6
Bút chiến đấu 
(1960)





7
Đòn bút 
(1962)





8
Ông và cháu 
(tập thơ thiếu nhi, 1970)





9
Thơ Tú Mỡ 
(tập thơ tuyển, 1971)










Diễn ca, chèo, tuồng…






10
Rồng nan xuống nước 
(tuồng, 1942)





11
Địch vận diễn ca 
(diễn ca, 1949)





12
Trung du cười chiến thắng 
(thơ, chèo, hát xẩm, 1953)





13
Tấm Cám 
(chèo, 1955)





14
Nhà sư giết giặc 
(chèo, 1955)





15
Dân tộc vùng lên 
(diễn ca, 1959), vv…








Nghiên cứu


Bước đầu viết chèo (1952)

Năm 2008, Tú Mỡ toàn tập (gồm 3 tập) được xuất bản. Bộ sách do Lữ Huy Nguyên - Trần Thị Xuyến - Hồ Quốc Cường sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản văn học ấn hành.


Giải thưởng

Tú Mỡ đã được trao tặng các giải thưởng sau:
Năm 1951: giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 1955: giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 2000: được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II.


Nhận xét
Về tác giả

Theo Nguyễn Hoàng Khung, thì Tú Mỡ là người có một "tâm hồn đôn hậu, lạc quan và chan chứa tình đời"[2].

Trong một bài viết, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, còn cho biết thêm rằng: "mặc dù sống trong một thế kỷ đầy biến động, song cuộc đời Tú Mỡ lại chỉ hiện ra với những đường nét đơn giản...Theo bạn bè và những người thân trong gia đình kể lại, thì cách sống của ông phải gọi là thanh bạch. Lúc nhỏ, đi học, lớn lên, đi làm nuôi gia đình. Lớn lên là một công chức mẫn cán...Đến khi được chuyển hẳn sang sáng tác, thì ông lại cặm cụi lo đọc lo viết. Mặc dù quen biết nhiều, nhưng theo Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ là người "thuốc lá không hút, chè tàu không nghiện, tổ tôm không biết đánh". Giữa đám người cầm bút đông đảo "đa ngôn đa sự", ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu không mơ tưởng hão huyền, tin rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã có nụ cười hóa giải giúp!"[7]


Về tác phẩm

Đề Tựa cho tập thơ Giòng nước ngựợc, nhà văn Khái Hưng đã liệt tập thơ này vào dòng văn chương bình dân. Còn Lê Thanh, ngay năm 1942, đã xác định rằng: "Tú Mỡ là một nhà thơ khôi hài và trào phúng"[8].

Cũng trong năm 1942, giới thiệu Tú Mỡ trong bộ sách Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan viết:"Thơ mới ngày nay đã xâm chiếm gần đến đất đai của thi ca Việt Nam...làm cho những tay kiện tướng còn lại của trường thơ cũ như Trần Tuấn Khải, Tương Phố đều phải xếp bút. Tuy vậy, vẫn còn một dòng thơ cũ chảy róch rách, nước thật ngọt ngào, vì nó là thứ nước của nguồn xưa mà người Việt nam quen uống từ lâu. Tôi muốn nói đến hai tập "Dòng nước ngược" của Tú Mỡ. Hai tập thơ này đều có cái giọng bình dân rất trong sáng. Chúng ta vốn ưa thích xưa nay: giọng cợt đùa lẳng lơ của Hồ Xuân Hương, giọng nhạo đời của Trần Tế Xương, giọng thù ứng ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu, giọng giao duyên tình tứ của Trần Tuấn Khải; từng ấy giọng thơ, ngày nay ta thấy cả trong hai tập thơ trào phúng của Tú Mỡ...Cũng như Tản Đà và Trần Tuấn Khải, Tú Mỡ viết rất nhiều lối, nào phong dao, nào thù ứng, nào hát xẩm, nào văn tế, nào chầu văn...mà lối nào của ông cũng đều hay cả...Thơ Tú Mỡ thật là thơ có tính các Việt Nam đặc biệt"[9].

Năm 1965, đề cập đến Tú Mỡ, trong bộ Việt Nam văn học giản ước tân biên (Quyển 3) của GS. Phạm Thế Ngũ, có đoạn viết:"Trong làng thơ Việt Nam sau 1932, có một cây bút không mới chút nào...vậy mà ngự trị thường xuyên trên báo 'Phong Hóa, Ngày Nay' và được độc giả thời ấy rất ham coi, đó là cây bút trào phúng Tú Mỡ"...

Sau khi phân tích và trích dẫn thơ Tú Mỡ, tác giả kết luận:"Thơ ông chịu ảnh hưởng rõ rệt thơ cũ…từ cảm hứng đến thể cách. Ông sáng tác đủ loại: thơ Đường, phú, văn tế, lục bát, hát nói, hát xẩm, chầu văn...Nói rằng ông đã tiến hơn tiền bối thì quá đáng, song ở ông cũng đã có một lời thơ hoạt bát, cách gieo vần tài tình, giọng dí dỏm tự nhiên và biết mượn tình cười để chinh phục người ta... Sau Tú Mỡ (và đồng thời ông nữa) trên khắp các báo, người ta làm thơ trào phúng nhan nhãn, nhưng dễ chừng không ai bắt chước được tác giả " Giòng nước ngược"...[10]

Năm 2004, đúc kết lại sự nghiệp văn chương của Tú Mỡ, Nguyễn Hoành Khung trong Tự điển Văn học (bộ mới) đã có những đánh giá đáng chú ý. Lược lại như sau:"Những sáng tác của Tú Mỡ trước 1945, đều được tập hợp trong hai tập "Giòng nước ngược" do Tự Lực văn đoàn xuất bản. Đây là một thi phẩm có giá trị, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Chúng bao gồm nhiều tiểu phẩm châm biếm bằng văn vần, mang tính chất thời sự rõ rệt, thể hiện thái độ phê phán của nhà thơ đối với chế độ nửa thực dân và nửa phong kiến khi đó...Kế tục truyền thống của các nhà thơ trào phúng tiền bối: Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải...; ngòi bút của Tú Mỡ đã trở nên sắc sảo, tạo tiếng cười sảng khoái, táo bạo...được độc giả rất hoan nghênh. Và chính nhờ "Giòng nước ngược" mà ông nổi tiếng."Từ năm 1947, Tú Mỡ chuyên làm thơ trào phúng để đánh thực dân Pháp một cách sâu cay. Ngoài điều đó ra, thơ trong "Nụ cười kháng chiến" còn có cái sảng khoái, đầy tinh thần lạc quan của một dân tộc đang chiến đấu và tin rằng sẽ chiến thắng... Bên cạnh thơ, ông còn sáng tác diễn ca, vè, chèo, dân ca...để ca ngợi, tuyên truyền để động viên cổ vũ nhân dân"."Từ năm 1954, ngòi bút trào phúng của Tú Mỡ lại tiếp tục nhằm vào một đối phương mới, đó là Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam". Những năm cuối đời, Tú Mỡ làm nhiều thơ vui về đàn cháu nhỏ, về tình cảm gia đình[11] về cuộc sống bản thân. Chính những chùm thơ trữ tình hài hước này càng làm nổi rõ tâm hồn đôn hậu, lạc quan và chan chứa tình đời của nhà thơ trào phúng lão thành Tú Mỡ...[2].


Tài liệu liên quan

Tú Mỡ có mối giao tình thật đặc biệt với nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) & Tự Lực văn đoàn. Ngay từ tập thơ đầu tay Giòng Nước Ngược, Tú Mỡ đã ghi bốn câu thơ đề tặng Nhất Linh: Ít lời lẽ ngang phè, Mấy vần thơ lỗ mỗ,Tặng anh Nguyễn Tường Tam Ðáp tấm ơn tri ngộ.

Tú Mỡ kể lại:"Bốn câu thơ đó ghi lại mối tình chí thiết của tôi đối với anh bạn văn chương, người sáng lập ra Tự Lực văn đoàn, trong đó tôi đã hoạt động hơn 13 năm, từ 1932 đến 1945, thời kỳ mới vào nghề, thuở đương thì tuổi trẻ lâng lâng làm việc, hào hứng nhất. Riêng tôi, công chức viết báo nghiệp dư, ngày hai buổi tốt nhất đã cống hiến cho công sở, tôi cũng noi gương các anh hết sức tranh thủ thời gian để viết…Ðối với tòa soạn, tôi tiếng là chân trong nhưng vẫn làm việc ở nhà. Tối thứ bảy, tôi đến họp với anh em. Cuộc họp rất "gia đình". Trên căn gác ấm cúng nhà số 80 đường Quan Thánh, chúng tôi quây quần, thân mật như hồi ở Ấp Thái Hà"......"Tự lực văn đoàn, khi ra đời chỉ có chủ định làm việc văn chương. Nhưng hoàn cảnh thúc đẩy, thời kỳ này một số anh em bước vào đường làm chính trị, dù muốn hay không muốn. Một buổi tối họp mặt, anh Tam bảo tôi: "Ðã đến lúc chúng ta phải hoạt động chính trị để giành lấy chính quyền...Chúng ta cần phải vào một tổ chức cách mạng để khi thời cơ đến, sẽ đứng ra giành chính quyền. Hiện giờ anh em trong đoàn đã vào đảng Việt Cách hoạt động bí mật, anh cũng nên vào". Tôi thú thực: "Tôi không biết làm chính trị. Trước đây anh Sắc đã rủ tôi vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tôi chỉ xin đứng ngoài ủng hộ; khi cần đến việc gì tôi có thể giúp được, tôi sẵn lòng làm ngay. Bây giờ cũng vậy thôi. Anh Tam cũng không nài ép"..."Ðến khi Cách mạng tháng Tám thành công, làm xong Tổng tuyển cử, thành lập chính phủ Liên hiệp, trong đó anh Tam được ghế Bộ trưởng Ngoại giao, anh Long (Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo) làm Bộ trưởng Kinh tế, tôi khấp khởi mừng Tự Lực văn đoàn có cơ hồi phục, tan rồi lại hợp. Nhưng tôi đã mừng hụt...Viết bài hồi ký này đến đây, tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nuối!"...[12]

Sau này, mặc dù Tú Mỡ và Nguyễn Tường Tam mỗi người mỗi ngã, nhưng tác giả Dòng nước ngược vẫn luôn nhớ đến người ơn xưa. Nhà văn Tô Hoài kể lại:"Chỉnh huấn xong ở rừng Chiêm Hóa (mùa đông 1951), tôi về tổ chức chỉnh huấn cho giới trí thức và văn nghệ sĩ...Người khó góp ý kiến, khó "đánh đổ" không phải bác Phan Khôi ương bướng, mà không ai ngờ lại là bác Tú Mỡ hiền lành, củ mỉ, ít nói. Bác ấy nói: "Nguyễn Tường Tam phản bội, là kẻ thù của dân tộc...tôi cũng thấy thế, tôi lên án. Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có ơn với tôi".Nói thẳng là không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ. Khi làm báo Phong Hóa, Nguyễn Tường Tam đã khuyến khích Tú Mỡ đi vào thơ trào phúng, cho nên mới thành Tú Mỡ...Sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu: "Các anh phân tích thế thì tôi đã nghe ra...Chỉ lo trước một điều, quả đất tròn, biết đâu việc đời thế nào, một ngày kia ta bắt sống Nguyễn Tường Tam mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đấy. Xin Chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam." Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không nhìn ai: "Tôi đề nghị các anh như thế."[13]




Chú thích

1-Tú Mỡ cho biết vì bởi yêu kính tài thơ Tú Xương, nên ông mới lấy bút danh Tú Mỡ, chứ ông gầy lắm: "Màu mỡ vì chưng ra cả bút. Thân hình nên mới ngẳng như que" (theo "Hồi ký" của Tú Mỡ).
2-Lược theo Nguyễn Hoàng Khung trong Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1875.
3-Trích "Thay lời giới thiệu" của nhà văn Nguyễn Công Hoan, in trong bộ sách Tú Mỡ toàn tập, tr. 13.
4-Xem chi tiết trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), tr. 627-628.
5-Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, Tự Lực văn đoàn do Nguyễn Trường Tam sáng lập, xuất hiện trên văn đàn vào tháng 9 năm 1932, nhưng chính thức tuyên bố thành lập trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2 tháng 3 năm 1933 (Từ điển Văn học [bộ mới], tr. 1899).
6-Bài Trào phúng đánh địch, do Tú Mỡ kể lại, Nguyễn Công Hoan ghi, in trong Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học (tập I), tr. 50-51.
8-Lê Thanh, Thân thế và văn chương Tú Mỡ, Hà Nội, 1942.
9-Lược theo Nhà Văn hiện đại (trọn bộ), tr.793-794.
10-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học giản ước tân biên (Quyển 3), tr. 583 và 587.
11-Trong số những bài thơ viết về tình cảm gia đình của Tú Mỡ, bài 'Khóc người vợ hiền', đã được bầu chọn là một trong số '100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20'. Xem: [1]
12-Trích Tú Mỡ-Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn trong Hồi Ký của Tú Mỡ. Xem chi tiết tại đây: [2].
13-Lược theo lời kể của Tô Hoài, trong Cát bụi chân ai (hồi ký), tr. 113.



Sách tham khảo
Lê Thanh, Thân thế và văn chương Tú Mỡ, Hà Nội, 1942
Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (trọn bộ). Nxb Sống mới, 1959.
Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học giản ước tân biên (Quyển 3). Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1965.
Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển hạ). Nxb sống mới, Sài Gòn, 1969.
Nhiều tác giả, Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
Nhiều tác giả, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học (1945-1954), Tập I. Nxb Tác phẩm mới, 1984.
Tô Hoài, Cát bụi chân ai. Nxb Hội nhà văn, 1992.
Lữ Huy Nguyên-Trần Thị Xuyến-Hồ Quốc Cường sưu tầm và biên soạn, Tú Mỡ toàn tập (3 tập). Nxb Văn học, 2008.











Tú Mỡ





Vài nét tiểu sử
Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, sinh 14-3-1900, mất 13-7-1976, nhà thơ trào phúng có chân trong Tự Lực văn đoàn. Tác phẩm chính: Dòng nước ngược (1934), Nụ cười kháng chiến (1952), Bút chiến đấu (1960)...

Biết cười tức là biết sống

Trở lại với một quan niệm
chi phối cuộc đời nhà thơ trào phúng Tú Mỡ
Trào phúng là một chuyện khó. Trong khi cười cợt người khác, người ta lại dễ bộc lộ chỗ tầm thường của mình, và đã đến nước ấy thì không gì cứu vãn nổi! Chỉ những tấm lòng hồn nhiên và cởi mở, hơn nữa, những đầu óc tỉnh táo, mới cười được một cách trong sáng và sâu sắc. ít ra điều đó đã đúng với nhà thơ trào phúng thuộc loại sáng giá nhất của văn học hiện đại: Tú Mỡ.

Học để nhìn đời một cách lạc quan
Có lần, qua một tờ báo, nhà thơ Vũ Đình Liên có gửi mấy dòng thơ tâm tình với Tú Mỡ. Tác giả Ông đồ bảo rằng đời mình "đầy rẫy những nỗi buồn không thi vị", nên muốn hỏi kinh nghiệm Tú Mỡ xem nên nghĩ sao để sống cho vui vẻ. Tác giả Dòng nước ngược liền trả lời bằng bài Lạc quan, trong đó ông kể rằng lúc trước ông cũng thường ủ rũ chán đời, và nhiều phen rên rỉ "trần ai là bể khổ". Nhưng, "thật phúc đức", ông đã mau tỉnh ngộ và thường tự nhủ hãy yên vui để làm việc và hưởng hạnh phúc ở đời; còn khi nào mệt quá, tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi cho đầu óc được thoải mái. Tóm lại, sở dĩ ông không buồn vì ông quyết trở thành một tín đồ của chủ nghĩa lạc quan. Dường như qua đây, Tú Mỡ muốn bộc bạch rằng nhìn đời với những khía cạnh vui vẻ của nó nhiều khi không cần bẩm sinh mà là điều người ta có thể học được; và khi nó đã thành nhu cầu nội tại, thành phương cách tự vệ của con người thì tự nhiên người ta gạt được hết mọi nỗi ưu phiền và tạo được niềm vui sống.

Theo dõi các bài thơ in trong Dòng nước ngược, thấy đối với cái định hướng tâm lý chính của đời mình, Tú Mỡ khá thành thật, thơ ông quả là tiếng cười vút lên từ sự quan sát đời sống, và càng đi theo các hướng lạc quan như thế, ngòi bút ông càng tìm được sự hào hứng vốn rất cần cho sáng tạo. Một lần nào đó, trên chuyến tàu hỏa, Tú Mỡ chứng kiến một cảnh trái mắt: một bên là người vợ ngồi không, và luôn tay phấn son ngắm vuốt, còn một bên là anh chồng "tay cầm chai sữa, tay bồng con thơ", đến khi con ngủ lại ngân nga ru con. Thế là ông có bài Thằng... vú em. Lại một lần khác - theo lời các thành viên Tự Lực văn đoàn kể lại - mấy anh em đang cùng nhau đi chơi thì bắt gặp một cảnh lạ đời không dễ ai tưởng tượng nổi: Một viên quan ngồi trong ô tô, hai bên có bốn tên lính chạy theo vác lọng che ngoài mui xe. Trong lúc ai cũng thấy chướng nhưng chưa kịp nói gì, thì Tú Mỡ buột ra một câu khái quát: "Y đi lọng!" (chơi chữ từ tiếng Pháp idiot nghĩa là thằng ngốc), và trở về làm bài thơ Đi lọng. Cứ thế, ông viết về đủ cảnh nhố nhăng kỳ cục: những ông già làm bộ trẻ và những ông trẻ làm bộ già; những viên quan nịnh bợ dốt nát và những tờ báo chết yểu. Đặt bên cạnh những bài thơ của Tú Xương nhiều phen ngả sang cay cú hằn học, cái cười của Tú Mỡ như có gì lành hiền hơn, nhưng do đó, lại dễ chấp nhận hơn. Trên một số phương diện, Tú Mỡ gợi nhớ tới Nguyễn Khuyến, nhất là trong những bài tự trào hóm hỉnh và pha chút trữ tình.

Cốt cách dân tộc

Ai đó từng nói: các dân tộc khóc giống nhau, song cười lại khác hẳn nhau. Một điều có thể chắc chắn hơn; xưa nay những cây bút gây cười ở ta, thường khi là những cây bút mang được căn cốt dân tộc đặc sắc. Hồ Xuân Hương, Tú Xương xưa đã thế, mà Tú Mỡ cũng thế. Không phải ngẫu nhiên, bên cạnh các bài thơ trào phúng đậm đà phong vị dân gian, Tú Mỡ còn là tác giả của những truyện thơ phỏng theo ngụ ngôn, cổ tích, và bản thân ông từng viết chèo, viết kịch dân ca.
Chính điều này cũng là nhân tố khiến cho Tú Mỡ sống chết với nghề cầm bút và có được vị trí nghề nghiệp vững chãi.

Nguyên hồi đó là khoảng những năm 1931-1932, sau những ngày du học ở Pháp về, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bắt gặp một nét chủ yếu trong không khí thời đại: cái phong thương sầu bi kiểu Tuyết hồng lệ sử và cả Tố Tâm nữa đã quá đủ; nay là lúc người ta đang khao khát một đời sống tinh thần thiết thực và khỏe mạnh. Và thế là ông bắt tay làm lại tờ Phong hóa mà một trong những mục đích là tạo ra được tiếng cười vui vẻ cho xã hội. Điều đáng lưu ý là trong công việc khá tâm huyết này, một người chủ trương Âu hóa như Nhất Linh nghĩ ngay đến người bạn cũ là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, và xem Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu là một thành viên chủ chốt trong cái văn đoàn của mình. ở đây Nhất Linh có sự nhạy cảm đặc biệt: ông hiểu rằng trong đời sống, không thể thiếu tiếng cười; rằng có nhiều chuyện nghiêm túc, không thể có cách nói nào khác, ngoài cách thông qua tiếng cười. Mà để khiến cho đông đảo công chúng cùng cười, rất cần có những con người có được nét căn bản văn hóa dân tộc chắc chắn, bao gồm cả vốn liếng Hán học lẫn văn hóa dân gian. Chính Tú Mỡ đã đáp ứng được nhu cầu đó, ngòi bút của ông mang tới cho các trang báo Phong hóa, Ngày nay những tiếng cười hồn nhiên không gì thay thế nổi.

Một phương diện thường bị quên lãng

Một điều đáng tiếc với Tú Mỡ cũng như với đa số bạn đọc chúng ta, là từ sau khi in ra lần đầu cuốn Dòng nước ngược (toàn bộ ba tập) của ông ở cả Hà Nội cũng như Sài Gòn gần như không được in lại. Kế đó, trong những tài liệu nghiên cứu phê bình văn học xuất bản vài chục năm nay, Tú Mỡ thường chỉ được giới thiệu như một nhà thơ đả kích kẻ thù (hoặc về sau, thơ trữ tình hài hước viết cho thiếu nhi), còn cái phần cười vui, cười chế nhạo những lố lăng rởm đời lại ít được nói đến. Đã đành thơ "phản phong phản đế", thơ đả kích Việt gian bán nước là phần công lao to lớn của Tú Mỡ, và những phần thưởng cao quý ông được nhận sau những bài thơ này là rất xứng đáng. Song đã đến lúc nên nhìn nhận tài năng trào phúng của Tú Mỡ một cách toàn diện và khôi phục lại cả những bài thơ chế giễu sự đời của ông - trong số này, có một ít bài được tác giả viết với cả tâm hồn nghệ sĩ dung dị và dễ mến. Cũng như những tác phẩm hài hước chân chính, những bài thơ hay nhất của Tú Mỡ thầm bảo với chúng ta rằng hãy biết sống một cách lành mạnh, vừa chấp nhận, vừa vượt lên những ngang trái còn đầy rẫy chung quanh, và một trong những công cụ chủ yếu, để chống lại sự đông cứng của đời sống, chính là hài hước.

Sự thanh thản của người nghệ sĩ
Những sự lựa chọn đích đáng

Bạn bè nước ngoài đến Việt Nam thường bảo dân Việt là những người thích cười và chính chúng ta cũng vui lòng với những nhận xét như vậy. ấy thế nhưng trong đáy sâu tâm thức nhiều người, tiếng cười thật ra vẫn bị coi thường. Người ta gọi đó là những trò bông lơn chọc ghẹo nhau, một thứ cười cợt bày ra cho vui, chứ chẳng có gì là nghiêm chỉnh cả. Riêng với những người có địa vị cao trong đời sống tinh thần đời xưa, tức các kẻ sĩ, thì tiếng cười lại càng không được xem trọng. Các thi sĩ xưa thường hiện ra với khuôn mặt đăm chiêu, vẻ lo đạo, lo đời, chứ không nhếch mép cười mấy khi. Cực chẳng đã, phải lấy việc gợi ra tiếng cười của mọi người làm sự nghiệp, như một Hồ Xuân Hương, một Tú Xương, thì trong thâm tâm, họ đã chấp nhận sự rẻ rúng của dư luận chính thống. Sách vở không còn ghi chép, song dựa vào cách suy nghĩ của người xưa, có thể tin chắc rằng sinh thời, cả Hồ Xuân Hương lẫn Tú Xương đều chưa được đánh giá thích đáng và chỉ đến lớp hậu thế chúng ta, các nhà thơ lớn ấy mới phần nào được đặt đúng vị trí. Trong hoàn cảnh ấy, việc một nhà thơ như Tú Mỡ, vào những năm ba mươi của thế kỷ này, dám mạnh dạn đứng ra nhận lấy việc làm thơ trào phúng, xem đó như mặt hàng "chuyên doanh", là một hành động vượt lên thành kiến thông thường. Sự cởi mở của hoàn cảnh đã giúp cho tác giả một phần. Nhưng có lẽ cái chính ở đây có một sự khôn ngoan biết điều mà không phải ai cũng có ngay được. Trong khi chấp nhận lời khuyên của Nhất Linh là bỏ hẳn thơ trữ tình để làm thơ trào phúng (tức là tiếp tục làm thơ cũ, thơ bình dân, ngay trong khi thi đàn đang sôi sục khí thế đi tìm cái mới), Tú Mỡ thực đã chứng tỏ là một con người có bản lĩnh. Ông tự tin. Ông không hùa theo phong trào, chạy theo thời thượng, mà ngược lại, tìm cách đóng góp cho cái Văn đoàn đầy tham vọng mà ông là một thành viên, bằng chính sở trường vốn có. Cái bản lĩnh này ở Tú Mỡ sẽ còn có dịp bộc lộ, khi gần như suốt thời kháng chiến chống Pháp ông nhận công tác ở một ty văn hóa địa phương và chuyên làm thơ đánh địch, lấy tên là Bút chiến đấu. Hình như với Tú Mỡ, đây là một việc làm tự nhiên, không phải phân vân toan tính gì nhiều. Đã đi kháng chiến là phải tìm cách đóng góp cho kháng chiến. Mà cách đóng góp tốt nhất, là dựa ngay vào sở trường vốn có của mình, tức là làm thơ trào phúng. Ông không có những băn khoăn nhận đường, hoặc khao khát lột xác như ở một số đồng nghiệp. Ông sớm bắt tay vào việc sáng tác đều đặn, lại theo đuổi công việc một cách hào hứng, nó khiến cho sự nghiệp của ông có thêm một mảng chắc chắn, rồi hợp với bộ phận sáng tác trước 1945, làm nên lý do để ông ở lại với lịch sử văn học.

Tiếng cười nhẹ nhàng

Mặc dù cùng sử dụng tiếng cười làm công cụ tác động vào đời sống song giữa Hồ Xuân Hương, Tú Xương và Tú Mỡ vẫn có những chỗ khác nhau. Người kỳ nữ của đất Hà thành có tiếng cười của bậc đàn chị, đùa trêu, bỉ bác cái tẻ nhạt, cái vớ vẩn của cuộc đời và không thôi xót xa cho thân phận của mình. Trong khi ấy, tiếng cười của người thi sĩ thành Nam có cái hằn học của kẻ bất đắc chí, muốn tung phá cả xã hội thủa giao thời nhốn nháo, nham nhở. Về phần mình Tú Mỡ không tới được độ sâu sắc của hai bậc tiền bối. Trong khi chế giễu sự đời, tiếng cười của tác giả Dòng nước ngược thường không chát chúa cay độc, mà thiên về hóm hỉnh nhẹ nhàng. Trước Cách mạng, ông cười bọn quan lại tham và dốt, những "ông đồng, bà cốt" gieo rắc mê tín dị đoan cùng là kẻ dửng mỡ khoe của hoặc sống lố lăng khác đời. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giễu bọn tướng tá thực dân cùng các hạng tay sai. Đại khái thấy gì bất hợp lý, thấy gì ngang ngược trái khoáy, là ông cười, cười một cách hồn nhiên mà không cài vào đấy một ít tâm sự riêng tư hoặc thâm trầm suy nghĩ để nâng câu chuyện lên tầm vóc một vấn đề có ý nghĩa xã hội thế này thế nọ. Sống giữa những nhà thơ người nào cũng đầy mơ mộng, cùng nhiều hoài bão lớn lao, Tú Mỡ có vẻ gì quá thiết thực. Nhưng cái tạng của ông là thế, chỉ cần chung quanh cùng cười là ông mát ruột, ngoài ra ông không muốn khác và không thể nào khác. Cũng nên lưu ý thêm là trong toàn bộ thơ Tú Mỡ có một bộ phận tuy ít nhưng đọc khá thú vị là thơ tự trào. Thủa trẻ ông cười mình bất tài lơ mơ, không được tích sự gì cho đời. Về già, ông cười mình còn ngây thơ khi đùa với các cháu. Trong cái việc lấy mình ra đùa bỡn, Tú Mỡ như muốn đặt mình lẫn giữa mọi người, biết mình cũng chưa hoàn thiện và sẵn sàng chấp nhận sự đời dang dở. Và như vậy, tiếng cười nhẹ nhàng càng có cớ để cất lên thường trực, lúc này nó đã biến thành lời tâm sự chuyện trò của ông với người thân, với đồng nghiệp, và nói chung với bạn đọc.

Con người thanh thản

Sống trong một thế kỷ đầy biến động, song cuộc đời Tú Mỡ lại chỉ hiện ra với những đường nét đơn giản. Theo bạn bè và những người thân trong gia đình kể lại, thì cách sống của ông phải gọi là thanh bạch. Lúc nhỏ, đi học, lớn lên, đi làm nuôi gia đình. Là một công chức mẫn cán, ngay cả khi tham gia Tự Lực văn đoàn ông vẫn không rời cái "sở phi năng" (Sở tài chính) mà ông đã tòng sự liên tục từ 1918 đến 1945, tức là 27 năm trời. Đến khi được chuyển hẳn sang sáng tác, thì ông lại cặm cụi lo đọc lo viết. Mặc dù quen biết nhiều, nhưng theo Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ là người "thuốc lá không hút, chè tàu không nghiện, tổ tôm không biết đánh". Giữa đám người cầm bút đông đảo "đa ngôn đa sự", ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu không mơ tưởng hão huyền, tin rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã có nụ cười hóa giải giúp!

Ông đến với cách sống ấy một cách tự nguyện. Ông thấy bằng lòng với nó, tự ông cho rằng đời ông chỉ nên tồn tại theo kiểu như thế. Có lần ông tả con mèo "Thờ nhà chủ cơm ăn chuột bắt - Tôi chẳng chui luồn khuất tất một ai". Một lần khác, ông nói kỹ hơn về mình, thông qua lời tự thuật của một cậu bé bán báo "Tôi thênh thênh như cá nước như chim trời - Được vùng vẫy thảnh thơi là thỏa thích - Tôi chẳng ngại cơm khi không no áo khi mặc rách - Chỉ miễn sao cho đói sạch rách thơm - Sung sướng nhất là tôi giữ được thiện lương - Khỏi nhơ bẩn vì bát cơm tấm áo - Tôi chỉ là một trẻ con bán báo - Khắp phố phường chân sáo nhảy tung tăng". Đằng sau tiếng cười nhẹ nhàng hóa ra có ẩn giấu một lẽ sống riêng. Lẽ sống này tuy đơn sơ, nhưng nhà thơ đã sống với nó một cách tự nhiên thuần thục, nhờ thế đời ông có được những khía cạnh lão thực mà chỉ những người từng trải mới có. 










Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Madeleine Riffaud, Nguyễn Đình Thi
(1967)







Tham khảo thêm về nhà thơ Tú Mỡ







DUYÊN THƠ TÚ MỠ - TẢN ĐÀ 
Minh Ngọc

Kể từ khi mới thành lập năm 1932, nhóm Phong Hóa – Ngày Nay theo tôn chỉ “bài cựu”, công kích các lề thói phong tục cũ và các tờ báo do các nhóm nho học chủ trương như Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh và An Nam tạp chí của Tản Đà. Năm 1933 là năm Phong Hóa châm chích Tản Đà mạnh nhất, gần như mỗi số, người hăng hái đi đầu là Tú Mỡ với bài “Tu tiên” trên Phong Hóa số 51 ngày 16-6-1933:

TU TIÊN
(Thi ca liên hành)
Làng văn có một bác nho điên,
Nhai được răm pho sách thánh-hiền
Lên mặt khinh đời là tục cả.
Cho mình kiếp trước vốn là tiên

Bởi chưng hầu rượu Hoàng-thiên
Lỡ tay vỡ chén cho nên bị đày.
Trời cao Iăn xuống đất dầy.
Chịu ba vạn sáu ngàn ngày khổ-sai,

Vắt óc văn thơ được mấy bài,
Bán rao phường-phố để sinh-nhai
Bán văn mà lại khinh người đọc,
Rằng hiểu văn mình chẳng một ai !

Văn thơ bác cũng lạ đờị.
Toàn là câu truyện nhà Trời, cung Trăng . .
Cô Tiên, chú Cuội, chị Hằng,
Những mơ cùng mộng, không chằng không giây

Ra công viết chán lại khen hay.
Văn chẳng ai mua, ấy mới rầy !
Tiên đã xuống Trần thời phải chén,
Lấy gì rượu thịt bữa no say ?

Trần-gian tri-kỷ ai đây
Nghĩ đời luống những ngán thay cho đời
Đem văn lên bán chợ Trời,
Họa là Thượng giới có lời khen chăng!

Chích-tiên trí đã quyết khăng-khăng
Thoát tục, Thiên-đường nhất định thăng
Từ-giã gia đình cùng xã - hội
Thẳng miền non Tản một mình băng

Nồi cơm, hũ rượu thôi quăng!
Định uống nước suối với ăn hoa rừng
Bụi trần rũ sạch lâng lâng,
Một phen tịch -cốc quyết rằng tu tiên.

Mặc ai can-gián, mặc ai phiền.
Tiên tử tìm đường tới cõi tiên.
Khốn nỗi trời đầy chưa mãn hạn
Khó lòng vượt tục để thăng thiên

Mệnh trời, khôn nỗi đảo-điên,
Vả chàng nhập tục đã quen mùi trần
Rượu ty chừa cũng khó-khăn
Thịt thơm cơm trắng, không ăn cũng rầy !

Lên núi tu tiên được mấy ngày.
Tu chưa đắc đạo, đói nhăn thây!
Thôi đành lóp-ngóp quay về tục
Tu hũ, tu vò, chuếnh-choáng say.
TÚ-MỠ
(Phong Hóa số 51 ngày 16-6-1933)

Ngoài những bài thơ giễu cợt Tản Đà từ việc làm báo, làm thơ đến lối sống say sưa lãng tử quên đời của ông, nhiều khi chua cay độc địa đến mức hỗn xược, Tú Mỡ còn họa lại các bài thơ của Tản Đà để châm biếm, gần như mỗi số Phong Hóa suốt năm 1933, 1934. Khi tờ An Nam tạp chí đình bản, Tú Mỡ làm một bài văn tế trên Phong Hóa số 56 ngày 21 tháng 7 năm 1933, mở đầu bằng câu “Đỉnh non Tản mây đen mù mịt, quấn băng tang lặng lẽ âu sầu. Giải sông Đà nước xám lờ đờ, cuộn giòng lệ rền rì buồn bã” với những lời lẽ chế nhạo suốt cả bài.
Sau khi An Nam tạp chí đình bản, Tản Đà xuôi ngược khắp nơi từ Nam ra Bắc, có phần vắng tiếng trên thi đàn. Năm 1935, Tản Đà có bài “Thơ rượu” trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 47:

THƠ RƯỢU
Đời người như giấc chiêm bao,
Nghĩ xưa đã mấy ai nào trăm năm.
Một đoàn lao lực, lao tâm,
Quí chi chữ “thọ” ? mà lâm sống nhiều ?
Có tiền chưa dễ mà tiêu ;
Ham danh lắm kẻ như diều đứt giây.
Thương ai cho bận lòng đây,
Cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ,
Cảnh đời gió gió, mưa mưa,
Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn.
Rượu say, thơ lại khơi nguồn,
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.
Rượu, thơ, mình lại với mình,
Khi vui quên cả cái hình phù-du.
Trăm năm thơ túi, rượu vò,
Nghìn năm thi-sĩ, tửu-đồ là ai ?
TẢN-ĐÀ
(T.T. T. B. số 47)

Tú Mỡ không bỏ lỡ cơ hội, có ngay bài “Còn say” trên Phong Hóa số 147 ngày 3-5-1935:

CÒN SAY
“Nhắn bác Tản-Đà"
Đã lâu, bác mới ra đời,
Tưởng rằng gột óc theo thời duy tân.
Nào ngờ bác vẫn say lăn,
Lè nhè vẫn giọng thơ văn trái mùa.
Vẫn còn mộng mị, mơ hồ,
Người đời vui sống, bác ngờ chiêm bao,
Người đời hoạt động xôn xao,
Bác vờ triết lý thanh cao : bác lười !
Ngồi dưng nổi bệnh chán đời.
Bác buồn trời gió, rồi trời lại mưa !
Giải buồn chén tít say sưa,
Chai con chai bố vẫn chưa hết buồn !
Rượu vào, rồng rổng thơ tuôn,
Miệng ngâm sặc sụa hơi cồn, mùi men,
Bác rằng : khách tục bon chen,
Lao tâm, lao lực, thấp hèn bác thương.
Đời rằng : bác dở, bác ương,
Giả danh ẩn dật là phường bỏ đi.
Bác rằng : chữ thọ quí chi.
Lợi, danh, hão cả ! Ham gì sống dai ?
Đời rằng : thuận với lẽ trời,
Sống mà gánh vác việc đời mới hay.
Còn như sống để mà... say.
Hỏi ai vất vưởng bấy nay làm gì ?
Rung đùi, rượu nốc tì tì,
Người ta tỉnh, bác li bì vẫn mê !
Τú Μỡ
(Phong Hóa số 147 ngày 3-5-1935)

Phải nói, từ đầu chiến dịch đả kích nhằm vào cá nhân ông của Tú Mỡ và nhóm Phong Hóa, dù sâu cay độc địa thế nào, ngay cả sau bài thơ này, Tản Đà vẫn dửng dưng như mặt nước hồ phẳng lặng, rất chi là triết gia nho giáo. Không biết có phải tư cách cao nhân của ông đã cảm hóa nhóm Phong Hóa hay vì họa đi họa lại quá nhiều thơ của ông mà Tú Mỡ dần dần thấm hiểu tư tưởng thâm trầm ngạo đời, chỉ bốn tháng sau, Tú Mỡ và nhóm Phong Hóa mang rượu thân hành đến làng Khê Thượng tìm gặp Tản Đà với nhiều thiện ý. Chẳng may tiên sinh vắng nhà (thời ấy rất tiếc chưa có cell phone!), Tú Mỡ viết một bài thơ thật cung kính gửi cho Tản Đà:

LẠI THĂM BÁC TẢN ĐÀ
Hôm kia, chơi phiếm Trung Hà,
Rẽ qua bác Hiếu Tản-Đà vào chơi.
Tiểu đồng nói : bác vừa xuôi.
Đi chơi Hà-nội chừng đôi, ba ngày.
Ra đường gặp gái, không may,
Haỵ là Hiếu ấy, Hiếu này vô duyên ?
Tiếc rằng chẳng gặp Trích-tiên,
Cùng nhau ta dạo chơi miền núi non.
Sẵn gà quay, bánh tây ròn,
Sẵn ba chai bố rượu ngon bồ-đào.
Ví chăng, có bạn thi hào,
Chén thù, chén tạc, chừng nào là vui !
Nhưng mà chẳng gặp thời thôi,
Rượu ngon, nhắm tốt, bỏ ôi sao đành !
Rầu lòng gửi lại thiếp danh.
Anh em tìm chốn cây xanh rườm rà,
Ngồi trông núi Tản, sông Đà,
Tưởng chừng bác Ấm như là có đây.
Rót đầy cốc rượu nâng tay,
Vắng ai mời vọng đưa cay cũng tình...
Tú Mỡ
(Phong Hóa số 155 ngày 27-9-1935)

Lần đầu tiên sau những bài thơ của Tú Mỡ tới tấp chỉ mặt chỉ tên mình suốt hai năm, Tản Đà hồi âm ngay lập tức, lời lẽ thanh cao nhã nhặn:

Nhắn cho con nhạn về Hà :
Những ai chơi bến sông Đà hôm xưa,
Mây xuôi, rồng ngược hững hờ,
Đá ngơ ngẩn núi, nước lờ đờ sông.
Khó thay ! hai chữ “tương phùng”,
Nản lòng ai đến, thiệt lòng ai đi.
Mong sao hội-ngộ có kỳ,
Rượu ngon cất chén, ta thì cùng vui.
Bây giờ mây ngược, rồng xuôi,
Sông vơ vẩn khúc, non bùi ngùi cây.
Tưởng còn “anh Tú” đâu đây !.....
TẢN-ĐÀ

Nhóm Phong Hóa vô cùng cảm kích trước thái độ quân tử của Tản Đà, đăng bài thơ này trên Phong Hóa số 157 ngày 11-10-1935 với lời giới thiệu nồng nàn “Mới đây, chúng tôi đến thăm ông Tản Đà là đến thăm một nhà thi sĩ. Tuy ông về phái cũ, chúng tôi về phái mới, song hiện nay chúng tôi chỉ coi ông như một nhà thi-hào và quên ông là một nhà làm báo mà chúng tôi đã công kích vì không cùng một ý hướng. Ngay từ lúc mới ra báo, chúng tôi cũng đã có bài tỏ cho ông biết rằng: ông ra làm báo là đi lầm đường, báo giới không thêm được một người tài nào, mà văn giới sẽ mất một nhà làm thơ có giá trị. Từ xưa tới nay, chúng tôi không hề không công nhận cái tài làm thơ của ông. Nay đến thăm ông là vì lẽ đó. Ông Tản Đà không dùng trạm giây thép để gửi thư, ông dùng nhạn, đỡ tốn tiền tem (và đợi đến khi có tầu bay đưa thư). Mây xuôi rồng ngược... muốn chừng ông ví mình là mây, mà chúng tôi là rồng vậy. Mong sao hội-ngộ có kỳ... rượu ngon cất chén... là ý ông muốn uống rượu. Nhưng rồng (nghĩa là chúng tôi) đã xuôi và đem rượu đi mất rồi, cho nên ông mới hạ xuống câu : Sông vơ vẩn khúc, non bùi ngùi cây. Thật là tuyệt vậy !”
Từ đó, Phong Hóa và Ngày Nay đăng thơ của Tản Đà đều đặn một cách trân trọng, nhất là những bài dịch Đường thi của ông. Khi ông mất năm 1939, Phong Hóa đã đình bản, nhóm Ngày Nay, điển hình là Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ đã viết những bài tưởng niệm nhà thơ với lòng quý mến và ngưỡng mộ.
Riêng với Tú Mỡ và Tản Đà, hai nhà thơ cùng tên vong niên (Tản Đà lớn hơn Tú Mỡ 11 tuổi) bắt đầu mối thâm tình như tri âm tri kỷ. Từ chỗ khích bác tư tưởng nho học của Tản Đà mà ông coi là hủ lậu, đả kích lối sống quên đời mà ông cho là lạc lõng gàn dở, Tú Mỡ dần dần cảm phục nhà thơ. Chuyến đi về vùng non nước hữu tình thoát tục thăm Tản Đà khiến Tú Mỡ lâng lâng cảm hứng viết một bài thơ lãng mạn hiếm có đề tặng Tản Đà. Bài thơ viết qua lời một người con gái cũng dịu dàng tha thiết chẳng kém nữ sĩ Ngân Giang:

TIẾNG GỌI CỦA NÀNG THƠ
Tặng bác Tản Đà

Ngồi buồn, em nhớ lại năm xưa,
Một buổi, đồi thông em thẩn-thơ,
Nhìn đám mây bay, nghe gió thoảng
Trên cành, vi vút tiếng xa đưa.

Tình cờ, em gặp khách làng thơ
Lững thững bên đồi, dáng vẩn vơ.
Mải ngắm non xanh, nhìn nước biếc
Hình như mơ mộng, như say sưa...

Khách lại gần em đon đả chào,
Em rằng: “Sông, núỉ, cảnh thanh cao,
Thi nhân chừng đến tìm thi liệu,
Cảm hứng, nguồn thơ hẳn rạt rào.”

Tươi cười, khách trỏ rẫy non xanh
Ba ngọn cao vời mây phủ quanh,
Và bảo em rằng: “Non Tản đó,
Oai hùng, nghi ngút khí anh linh.”

Nhủ em nhìn giải nước quanh co,
Ôm ấp chân non chảy lững lờ,
Khách bảo: “Đà-giang, tiểu Xích-bích,
Sơn thanh, thủy tú, ấy nguồn thơ.

Lân la trò truyện, lạ thành quen,
Dan díu, sau nên cặp bạn hiền.
Khách, kẻ thiên tài, em quốc sắc
Trời nuông đưa lại mối lương duyên.

Tấm tình trong trẻo như trăng thâu,
Thi sĩ cùng em quyến luyến nhau,
''Cửu phú, vần thơ thường xướng họa,
Đôi bên ý hợp lại tâm đầu.

Khi đêm thanh vắng, ngắm trăng trong,
Khi sớm an nhàn dạo núi, sông,
Khi rượu lưng bầu, thơ nặng túi,
Ngày vui em vẫn nhớ ghi lòng.

Bỗng một ngày kia, em chẳng ngờ,
Tình nhân em nẩy trí bôn ba,
Kinh doanh theo bước đường gai góc
Tình cũ, duyên xưa để hững hờ.

Trơ trọi, em buồn, em đợi mong,
Một mình ngơ ngần với non sông,
Non sông nay nhuộm màu u-ám,
Em cũng phôi pha cặp má hồng.

Hỡi bạn lòng ơi, có thấu tình,
Mặc ai bôn tẩu, ai kinh doanh,
Mau về vui thú giang sơn cũ,
Chỉ để hồn thơ vướng lợi danh.
Tú Mỡ
(Phong Hóa số 166 ngày 13-12-1935)

Thật là khác xa với những câu trong bài “Còn say” ông công kích Tản Đà trước đó mấy tháng:

Bác rằng : khách tục bon chen,
Lao tâm, lao lực, thấp hèn bác thương.
Đời rằng : bác dở, bác ương,
Giả danh ẩn dật là phường bỏ đi.

Tản Đà cũng rất quý mến Tú Mỡ, ông chẳng vướng bận gì những câu miệt thị trước đó Tú Mỡ dành cho ông, coi như “nước chảy qua cầu”! Tháng 6-1935 ông lại gửi một bài cho Tú Mỡ:

GỬI ĐÙA BÁC TÚ MỠ
Tôi, Bác, sao mà, bác Tú ơi,
Cùng tên ta lại cách đôi nơi ?
Gió sương non Tản tôi gầy lắm,
Bơ sữa thành Long bác béo hoài !
Cốt có rượu thơ người sống nổi,
Quản chi mây chó cuộc đời trôi.
Thơ này Hiếu gửi đăng Phong-Hóa,
Hiếu có thanh nhàn thử họa chơi.
Tản-Đà
(Nếu là “quản chi mây gió cuộc đời trôi” thì hợp giọng Tản Đà hơn, bản này đánh máy lại theo nguyên văn Phong Hóa, có lẽ lỗi typo của nhà báo chăng?)

Tú Mỡ họa lại ngay:

HỌA... CHƠI
Kể chi xa cách, bạn thơ ơi,
Lời gửi thăm nhau miễn tới nơi.
Đủ mỡ, tôi không phì nộn lắm,
Tăng sương! Bác chớ quở quang hoài!
Rượu chè, tiên vẫn say sưa khướt ?
Thơ phú người thuê, viết lách trôi ?
Nghe nói Hiếu gầy hay Hiếu ốm ?
Hôm nào thư thả Hiếu lên chơi.
Tú Mỡ

Hai bài thơ này đăng trên Phong Hóa số 181 ngày 3-6-1936. Duyên tri âm của hai nhà thơ khiến độc giả cảm hứng, gửi thơ họa lại liên tiếp mấy số báo sau đó, như là một hiện tượng.
Duyên tri âm kỳ lạ của hai nhà thơ là câu chuyện hiếm có của một con người vượt qua cái tôi của mình để ngả mũ nhún nhường trước vị đàn anh mình đã từng công kích không tiếc lời và một con người cao cả vượt lên mọi sự tầm thường với thái độ bao dung quân tử. Đức Phật đã dạy “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng. Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”, mấy ai làm được? Những câu chuyện hay và đẹp như thế này đáng được ghi chép lại đưa vào sách giáo khoa cho trẻ em học tập thay vì giáo huấn lòng căm thù, tranh đấu. Mỗi con người nhún nhường một chút, vị tha một chút, thế giới sẽ đẹp hơn.
Lẽ ra chỉ đăng một số bài thơ của Tú Mỡ cho tuần lễ này, nhưng tôi nhận thấy các tài liệu hiện nay đều ghi chép sai lạc, có lẽ vì thiếu tư liệu gốc, nên viết luôn cả một bài dài. Đa số tài liệu viết về Tú Mỡ và Tản Đà đều ghi rằng Tản Đà là người cầu hòa trước trong cuộc bút chiến bằng bài thơ “Gửi đùa bác Tú Mỡ” năm 1934, hoàn toàn sai cả về sự kiện lẫn tính cách của Tản Đà. Độc giả theo dõi bài này có thể thấy theo trình tự thời gian, chính nhóm Phong Hóa tìm đến Tản Đà trước, và bài “Gửi đùa bác Tú Mỡ” viết năm 1936 lúc hai nhà thơ đã có một mối giao hảo đậm đà. Mong rằng chút tư liệu này sẽ giúp sự hiểu biết về hai nhà thơ được hoàn chỉnh hơn.
Tháng 1/2018
* Một câu chuyện đẹp khác xảy ra cùng thời là giữa Vũ Bằng và Thạch Lam, khi Vũ Bằng công kích nhóm Tự Lực rất dữ dội mà ông nhận là “ngựa non háu đá”. Tuy nhiên khi Vũ Bằng ra cuốn tiểu thuyết “Một mình trong đêm tối”, Thạch Lam viết bài điểm sách trên Ngày Nay rất lịch sự và công bằng. Vũ Bằng rất cảm phục, đi tìm Thạch Lam để xin lỗi và bắt đầu một tình bạn. Sau này vào Nam, Vũ Bằng viết rất nhiều bài ca ngợi nhân cách và tài năng của Thạch Lam với lòng ngưỡng mộ. Thật là một thời đại rất khác!








KHÓC NGƯỜI VỢ HIỀN
Tú Mỡ

Bà Tú ơi! bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai.
Đâu bóng dáng con người thùy mị,
Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
Vẫn còn khỏe mạnh, vui tươi
Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh
Nhìn sau lưng, vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!
Kể từ thuở đôi ta kết tóc,
Thắm thoắt gần năm chục năm qua
Thủy chung chồng thuận vợ hòa
Gia đình hạnh phúc, thật là ấm êm
Tôi được bà vợ hiền thuần thục
Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
Đôi ta cùng một cảnh nghèo
Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
Bàn tay trắng dựng nên cơ nghiệp,
Cũng nhờ bà khéo biết thu va.
Dù không phú quý vinh hoa,
Cuộc đời đầy đủ cửa nhà xênh xang.
Bà đức tính đảm đang trung hậu,
Gái Việt Nam nếp cũ cổ truyền.
Có công nên được bù đền,
Nhà ta cảnh tiểu thần tiên trên đời:
Con khôn lớn năm trai ba gái,
Nội ngoại vừa hăm bảy cháu ngoan.
Đang vui như hội liên hoan,
Thì bà vội mất muôn vàn tiếc thương!
Hồi kháng chiến, trên đường gian khổ,
Bà tản cư cùng lũ con thơ,
Đạn bom, đau ốm, trải qua,
Chín năm chịu đựng vậy mà an khang.
Mà nay chỉ cảm văng, ốm vặt,
Tưởng như khi váng mặt nhức đầu,
Lần này nào có ngờ đâu,
Ốm vờ, chết thật, mới đau đớn lòng!
Các bác sĩ ra công cứu bệnh,
Cứu làm sao được mệnh than ôi!
Bà nay sáu tám tuổi đời,
Kể thì cũng thượng thọ rồi, còn chi.
Bà chỉ ước rằng khi đến cõi,
Hai vợ chồng sẽ đợi chờ nhau,
Quy tiên cùng một chuyến tầu,
Chứ về kẻ trước, người sau sao đành!
Khốn con tạo đành hanh tàn tệ,
Vì ai đâu mà nể ta đây
Phũ phàng guồng máy cứ quay,
Hơn ngày chẳng ở, kém ngày không đi.
Ai là chẳng chung qui về đất
Cưỡng làm sao quy luật thiên nhiên!
Sinh thời, bà rất dịu hiền
Thác đi thanh thản êm đềm như ru.
Thiu thiu nhẹ tựa hồ thiếp giấc,
Đúng như lời ao ước bấy nay.
Bà lên xe hạc chơi mây,
Để tôi thổn thức đêm ngày nhớ thương.
Nhớ tài đức đảm đương nội tướng,
Nhớ công lao cấp dưỡng chí tình.
Cơm dẻo canh ngọt đã đành
Miếng ngon, món lạ, bà dành phần cho.
Nhớ tôi ốm, bà lo nâng đỡ
Khác nào cô y tá tận tâm.
Nhớ khi giường bệnh đã nằm
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
"Tôi mà chết thì ông sẽ khổ
Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông"
Bà ơi! hãy dầu lòng yên dạ
Giấc nghìn thu cho thỏa vong hồn
Bà đi, đã có dâu con
Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.
Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình nằm trơ
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi...
Khổ những lúc ra sân, mê tỉnh
Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang
Mà bà khuất núi cho đang
Quả cau tươi, lá trầu vàng ai xơi?
Khổ trông thấy cái cơi còn đó
Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng
Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
Không ngờ con tạo cơ cầu
Bà đi, để tủi để sầu cho tôi
Ôi! duyên nợ thế thôi là hết
Năm mươi năm thắm thiết yêu nhau!
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở
Công việc đời còn dở tí thôi
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...
19-11-1968









Một vài ký ức về cụ nhạc phụ Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu

Doãn Quốc Sỹ


Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ- Hồ Trọng Hiếu là thân phụ của bà nhà tôi-Hồ Thị Thảo. Cụ Tú Mỡ có 8 người con, mà cụ đã kể ra trong hai câu thơ:

Năm trai ba gái tám tên
Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vĩ, Cường

Bà nhà tôi là con gái thứ ba trong thứ tự này.

Nhà cụ Tú Mỡ ở ngoại thành Hà Nội, thuộc làng Láng, nằm trên con đường Láng, chạy dọc theo con sông Tô Lịch, rất gần địa danh lịch sử Cầu Giấy. Làng Láng có đặc sản được nhiều người biết đến là rau húng Láng thơm đặc biệt. Về danh lam thắng cảnh thì có Chùa Láng, một trong những ngôi chùa cổ rất nổi tiếng của Hà Nội. Còn nhà của tôi thì thuộc làng Cót, cách nhà cụ Tú Mỡ chừng hơn một cây số, dọc theo con sông Tô Lịch.

Tôi và bà nhà tôi quen nhau qua sự mai mối của cô em ruột của tôi là Doãn thị Chừng. Trong ngày cưới, tôi còn nhớ khi mình đứng trước bàn thờ chuẩn bị làm lễ gia tiên, cụ Tú Mỡ tiến đến gần tôi hỏi khẽ: “Có biết lễ không?...”. Thì ra, cụ vẫn nghi ngờ là những thanh niên theo Tây học như tôi thời bấy giờ chắc là không biết lễ bái theo đúng truyền thống. Tôi trả lời là: “ Dạ thưa có ạ!”. Thế là cụ đứng sang một góc, kín đáo nhìn tôi lễ trước bàn thờ, thấy tôi lễ bộ, lên gối xuống gối đàng hoàng, cụ mới yên tâm sau đó.

Cụ Tú Mỡ là nhà thơ trào phúng nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam trong Tự Lực Văn Đoàn. Một trong những bài thơ của cụ mang tính chất ngụ ngôn mà tôi rất thích, đó là bàiTú Mỡ Đi Xe Bình Bịch như sau:

Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch
Máy nổ vang xình xịch chạy như bay
Bóp còi toe như quát tháo dương vây
Khách đường cái vội giãn ngay tăm tắp
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp
Một thứ xe chậm chạp hiền lành
Trên đường đông dù chuông bấm liên thanh
Khách đủng đỉnh làm thinh không chịu tránh
Ồ ngán nhỉ ở trên cõi tục
Con người ta bất độc bất anh hùng

Một trong những bài thơ không có tính chất trào phúng nhưng nổi tiếng vào bậc nhất của cụ Tú Mỡ là bài Khóc Người Vợ Hiền, viết để tiễn đưa bà Tú Mỡ về nơi cõi vĩnh hằng. Có đoạn cuối mà tôi rất thích, và tôi cũng đã đọc lên trong ngày tiễn linh cửu bà nhà tôi về cõi Phật cách đây hai năm:

Bà đi rồi nhưng tôi phải ở, 
Công việc đời còn dở chút thôi, 
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi, 
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...

Có một chi tiết mọi người ít biết đến, đó là cụ Tú Mỡ không hề vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Nghe nói là vì cụ cho rằng vào đảng thì không còn làm thơ châm biếm được nữa. Cụ có làm một bài thơ nói về việc này như sau:

Đồng chí chết cũng ra ma,
Quần chúng chết cũng đưa ra ngoài đồng.
Miễn là làm việc gắng công,
Vì dân, vì nước một lòng trung kiên.
Cứ gì có thẻ Đảng viên,
Kè kè giắt túi mới nên con người

Không biết có phải vì thế mà mãi cho đến ngày hôm nay, Hà Nội vẫn chưa có con đường nào mang tên Tú Mỡ. Con cháu của cụ ở Hà Nội thì cho rằng cũng có thể tại gia đình không có ai “chạy chọt, lo lót” chính quyền về chuyện này. May sao, ở trong Sài Gòn, cách đây chừng 10 năm có một con đường nhỏ được mang tên Hồ Trọng Hiếu, nằm ở Ngã Ba Cây Thị, Quận Gò Vấp. Ngay tại ngã ba này có căn nhà của người em ruột của cụ Tú Mỡ là cụ Hồ Trọng Phú, mà tôi và bà nhà vẫn gọi là chú Tư Phú, người cũng di cư vào Nam đợt 1954 giống như gia đình tôi. Hy vọng sự sắp đặt cho dù là tình cờ này cũng an ủi phần nào cho con cháu của cụ Tú Mỡ, một nhà thơ trào phúng độc đáo của nền văn học Việt Nam.

2013









Trở về 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.