Vũ Thư Hiên
(18/10/1933 - .......) Hà Nội
Nhà văn, Nhà báo
Vũ Thư Hiên còn có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh - cận vệ, giúp việc, lễ tân trang phục, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.[1]
Ông là một trong những nhân vật của Vụ án Xét lại Chống Đảng. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày của ông được xuất bản, trong đó ông tiết lộ những bí mật của vụ án này và gây dư luận lớn trong cộng đồng người Việt.
Tiểu sử
Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội, cha là Vũ Ðình Huỳnh và mẹ là Phạm Thị Tề đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Ông thuở nhỏ đi học, hay vào Phủ chủ tịch chơi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến, hay nhờ những việc lặt vặt.
Năm 1946, đi ca hát, đóng kịch trong một đội Tuyên truyền xung phong.
Năm 1949, đi bộ đội.
Năm 1953, công tác trong lĩnh vực điện ảnh.
Từ 1954 đến 1959, đi học viết kịch bản điện ảnh tại Liên Xô.
Năm 1959, làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội.
Năm 1960, làm biên tập viên và phóng viên Báo Ảnh Việt Nam.
Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bí mật bắt và giam cầm sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin. Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử. Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam.
Năm 1977, làm công nhân cao su.
Năm 1979, làm kỹ thuật hóa.
Năm 1990, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1991, làm kinh doanh.
Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho một công ty thương mại. Ông vận động để được ở lại, làm đại diện cho công ty. Trong khi làm việc ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.
Cuối năm 1995, thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, ông tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, sau một chuyến đi Paris, trở về Ba Lan ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký. Do đó ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm giữa ban ngày.
Năm 1997, xuất bản hồi ký Đêm giữa ban ngày vào tháng 4.
Ông ở Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg (Nurnberg)." (chính lời của Vũ Thư Hiên)[2]
Chú thích
1-“Tù nhân chính trị kể chuyện đón Tết”. BBC. 14 tháng 2 năm 2010.
Tác phẩm
Những tác phẩm đã xuất bản khi còn ở Việt Nam:
Lối thoát
(kịch, 1954)
Bông hồng vàng
(dịch của tác giả Paustovsky, 1960)
Truyện ngắn Paustovsky
(dịch, 1962)
Luật rừng
(truyện, in chung, 1985)
Khúc quân hành lặng lẽ
(truyện nhiều tập, 1985-1989)
Luật rừng
(kịch bản, 1988)
Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988
Nếu không có Hà Mậu Nhai, cuốn sách này không thể ra đời. Nếu không có Tô Hoài, nó không thể được giải thưởng văn chương. Cả hai người đỡ đầu cho nó nay đã không còn. Nhưng kỷ niệm về họ không hề phai nhoà trong tôi.
Lời nói đầu cho Miền Thơ Ấu
Tôi sung sướng được viết lời tựa cho ấn bản Miền Thơ Ấu tại hải ngoại.
Đây là niềm vui bất ngờ cho tôi.
Khi tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách mà hôm nay bạn đang cầm trong tay, tôi không dám tin rằng sẽ có ngày nó được thấy ánh sáng mặt trời. Lại càng không thể hình dung được rồi đây nó sẽ tới tay những người con của nước Việt lầm than giờ đây lưu lạc bốn phương trời.
Đối với tôi, cuốn sách này có ý nghĩa đặc biệt. Một thời, nó đã là người bạn tâm tình, là cái nạng cho tôi vịn vào mà đi trên con đường vô định.
Tại Hỏa Lò Hà Nội, một viên chấp pháp đã nói với tôi một câu thế này: “Anh bảo anh không sợ chết. Thế thì tôi phải nói để anh biết rằng có những cái còn đáng sợ hơn cái chết nhiều. Ở đây lâu rồi anh khắc biết”. Câu này tôi nhớ mãi. Càng ngẫm càng thấy anh ta có lý. Cái đáng sợ hơn cái chết mà anh ta muốn nói là sự ở tù vì lý do chính trị. Anh cứ việc nằm xà lim dài dài, không bao giờ biết được ngày về.
Nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như nhà cầm quyền ở bất cứ quốc gia cộng sản nào khác, rất khoái áp dụng cái chết từ từ cho các đối thủ chính trị có thật và không có thật. V. Lênin, một trong ba ông tổ cộng sản, từng tuyên bố không một chút đắn đo rằng chuyên chính vô sản là thể chế không cần tới pháp luật. Trong thể chế này mỗi công dân đều bình đẳng trong quyền được là một người tù dự khuyết. Sinh mạng anh ta nằm gọn trong tay đảng cầm quyền, hoặc nhóm cộng sản cầm quyền. Cho tới nay, chưa có một con số thống kê nào đáng tin cậy về số người bị chết mòn mỏi trong nhà tù tại các quốc gia được gọi là xã hội chủ nghĩa.
Xà lim có nhiều loại, nhiều kiểu, như nhiều người Việt Nam được biết, gián tiếp hoặc trực tiếp. Tựu trung, chúng giống nhau ở chỗ xà lim nào cũng là một căn phòng hẹp, nếu ta có thể gọi cái chuồng người này là căn phòng, với rất ít ánh sáng và rất nhiều hôi thối. Thêm một cái cùm sắt ở cuối phản nằm – biểu tượng khắc nghiệt của quyền uy. Tôi ở qua nhiều xà lim, tính ra gần bốn năm rưỡi liên tục. Marx cho rằng ở xà lim 5 năm thì con người sẽ trở thành mất trí.
Những ngày đầu ở xà lim là những ngày tồi tệ nhất – từ khoảng không rộng rãi bên ngoài, đùng một cái, anh phải làm quen với sự sống chuồng cũi, với mấy bước cuồng cẳng trong mớ bùng nhùng những ý nghĩ lộn xộn về cuộc sống bị bỏ lại ngoài cửa nhà tù. Và bắt đầu một nỗi nhớ bâng khuâng về quá khứ, cho dù quá khứ mới là ngày hôm qua…
Mùa đông năm 1967 là một một mùa đông giá buốt, ít nhất là cho tôi, trong cái xà lim không có sưởi và không có quần áo ấm. Trong mùa đông ấy, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy nhớ quê hương nhiều hơn bất cứ lúc nào. Cái đầu tiên gợi nhớ đến quê hương là mùi khói cay nồng từ những đống lá mà công nhân quét đường đốt lên để sưởi, ở bên kia bức tường đá của nhà ngục. Ở quê tôi người ta thường đốt những đống rấm như thế để khói ngăn sương muối không hạ xuống vườn rau. Mùi khói thoang thoảng lọt vào xà lim bỗng dưng gây nên nỗi nhớ cồn cào, da diết.
Gối đầu trên đôi tay, tôi nằm dài trên phản xi măng lạnh ngắt, thả hồn về quá khứ, tự hứa với mình rằng thể nào cũng phải viết một cuốn sách về cái làng bùn lầy nước đọng quê hương. Cái làng nhỏ nhoi và nghèo khổ ấy gắn liền với thời thơ ấu của tôi, cái thời không mấy hạnh phúc nếu đứng ngoài nhìn vào, nhưng tuyệt đẹp đối với tôi, mà cũng có thể đối với bất cứ ai từng có một cái quê để mà nhớ.
Lúc ấy tôi không nghĩ rằng cuốn sách tôi định viết sẽ được thực hiện không phải ở nơi nào khác, mà trong nhà tù. Ở Hỏa Lò tù nhân bị cấm đủ thứ, nhất là viết, hoặc đọc. Người ta cần làm cho người tù ngu đi tối đa. Một mẩu giấy báo bị quản giáo phát hiện trong xà lim cũng là một cái tội, người tù giấu nó sẽ bị kỷ luật cùm chân, bị cắt “tiếp tế”. Thế thì còn nói chi tới viết sách. Trong năm tù đầu tiên tôi chưa có đủ kinh nghiệm để biết rằng khi cần thiết người tù có thể làm được những việc anh ta không ngờ tới.
Ở trại quân pháp Bất Bạt (Sơn Tây) sự sống trong xà lim còn tệ hơn ở Hỏa Lò. Tôi hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Nếu ở Hỏa Lò người tù xà lim còn có thể đoán biết được một sự kiện nào đó xảy ra bên kia những bức tường và hàng rào dây kẽm gai nhờ nghe ngóng được động thái của bạn đồng cảnh ở các xà lim cùng khu, thì ở Bất Bạt cái đó hoàn toàn không có. Những người bị giam ở đây, bên cạnh xà lim tôi, thường đã qua thời kỳ hỏi cung (thẩm vấn). Họ yên tâm nằm chờ, tháng này qua tháng khác, mà cũng có thể năm này qua năm khác, nhưng họ có cái để mà chờ: đó là ngày chắc chắn sẽ được ra tòa lĩnh án.
Chúng tôi, những người một thời là người của Đảng (viết hoa), được Đảng đưa vào đây để giáo dục (!) trong một vụ án được coi là để trong nội bộ Đảng chứ không đưa ra trước pháp luật (sic) thì cứ nằm chết đấy cho tới ngày được Đảng “giải quyết”. Không một ai có thể biết được bao giờ cái ngày ấy sẽ tới, và Đảng sẽ “giải quyết” vụ án của chúng tôi bằng cách nào.
May cho tôi, trong một lần “tiếp tế” vợ tôi mang cho tôi một cây bút bi hai màu. Có lẽ vợ tôi tặng tôi món quà này theo thói quen, tôi có một đam mê khó hiểu đối với những cây bút, chứ người trong gia đình tôi không thể không biết người ta chẳng đời nào cho tù nhận thứ đồ quốc cấm ấy. Tôi tiếc rẻ phải kín đáo phá nát cây bút tuyệt đẹp để mang lọt được vào xà lim hai cái ruột bút nhét giữa hai đường chỉ áo bông.
Cuốn sách bắt đầu từ ấy, mùa thu năm 1969.
Tôi mải mê viết những trang đầu tiên trên vỏ bao thuốc lá, trên giấy kẹo, trên những riềm báo cũ mà gia đình bọc đồ “tiếp tế” (đến lúc đó nhà cầm quyền đã rộng lượng cho phép chúng tôi được giữ lại một số tờ giấy có in chữ, nhưng phải là thứ cũ, hết sạch thời gian tính). Viết phải rất cẩn thận, không được lãng phí những mẩu giấy hiếm hoi, lại phải canh chừng lính gác năm phút mươi phút một lần lượn lờ qua phòng giam để kiểm tra.
Những mẩu “bản thảo” lắt nhắt không thể xếp thành trang, phải đánh số rõ ràng để không lẫn lộn, được gom lại, được cất giấu bằng mọi cách trong cái xà lim nhỏ hẹp. Sau đó là những ngày chờ đợi đến lần được gặp gia đình kế tiếp thì bí mật tuồn ra cho mẹ tôi, vợ tôi. Khi viết được nhiều, bản thảo tích lại cũng gây ra mối lo. Mà không phải gặp có kỳ có hạn đâu, gia đình muốn gặp thì làm đơn, khi nào người ta rộng lượng cho gặp thì được gặp, không cho thì cứ chờ. Được cái từ năm tù thứ ba trở đi đám quản giáo coi nhà tiếp tế không còn khám xét kỹ mỗi lần tôi được gặp gia đình nữa. Vả lại, chẳng cần khám làm gì – chúng tôi đâu có biết ngày nào tháng nào được gặp vợ con đâu mà chuẩn bị. Tôi bao giờ cũng sẵn sàng, cho nên lần nào gặp gia đình cũng chuyển ra ngoài được một ít bản thảo.
Về sau này, trong xà lim Tân Lập (Phú Thọ), việc viết không còn khó như trước, mặc dầu vẫn phải canh chừng để không bị phát giác. Sau nhiều lần yêu cầu kiên trì, chúng tôi thậm chí còn được người ta chiếu cố cho phép gia đình mang cho giấy bút và vài cuốn tiểu thuyết ngoại quốc để đọc.
Cuốn sách hình thành dần dần, từng ít một.
Một lần các nhân viên công an nghi ngờ tôi chuyển gì ra, họ chặn mẹ tôi và vợ tôi lại để khám, nhưng do bình tĩnh đối phó, hai người đã mang được những mẩu giấy của tôi ra ngoài trót lọt.
Khi những bản thảo đã gom được kha khá, các em tôi – Vũ Chí Dũng, Vũ Thu Hương và Vũ Thu Hòa – hì hục chép lại. Năm 1976, sau chín năm tù, tôi trở về thì đã có một bản thảo hoàn chỉnh. Các em tôi còn đánh máy ra làm mấy bản sạch sẽ để những người thân đọc.
Mẹ tôi đọc xong, bảo:
– Mẹ thích. Nhưng sách không in được đâu. Một là, tên của con bị cấm. Hai là, chuyện một nhà, một làng, liệu mấy ai quan tâm?
Bố tôi nhận xét:
– Dù sao thì nó cũng ghi lại dấu vết một thời kỳ của nông thôn Việt Nam vùng Thiên Chúa giáo. Cứ để đấy, nó sẽ có ích sau này. Cho những nhà nghiên cứu chẳng hạn.
Tôi không có ý định viết cho những nhà nghiên cứu. Họ chẳng cần đến tôi. Tôi cũng chẳng có ý định viết để in. Tôi viết vì đó là công việc duy nhất mà tôi có thể làm trong sự ăn không ngồi rồi bất đắc dĩ. Tôi viết vì tôi thèm được làm công việc mà tôi yêu thích. Tôi viết, ít nhất thì cũng để cho các con tôi, chúng không biết thời thơ ấu của tôi đã trôi qua thế nào. Mà chắc gì sẽ có ngày tôi kể được cho các con tôi nghe?
Hồi ở Bất Bạt tôi không nghĩ tới ngày trở về. Không ít người đã nằm lại trong các nghĩa trang nhà tù. Những nghĩa trang ấy, thường ở sườn đồi, nếu có đồi, hoặc ở một bãi hoang giữa rừng. Trong cái sự tù của chúng tôi nghĩ tới ngày về là ngu ngốc.
Ý nghĩ viết cuốn sách để lại cho các con đã làm cho cuốn Miền Thơ Ấu có một sắc thái riêng. Nó là hồi ký, nhưng trong lần in đầu tiên nhà xuất bản đặt nó vào loại tiểu thuyết. Trên bìa sách cũng đề rõ Miền Thơ Ấu – tiểu thuyết. Hồi ấy ở Việt Nam chỉ có loại hồi ký là hồi ký cách mạng, do các lãnh tụ kể cho các nhà văn ghi. Người thường không ai viết hồi ký, không được viết hồi ký. Để nó vào dạng tiểu thuyết thì dễ in hơn.
Còn có một lẽ nữa, là cuốn sách có hình thức giống tiểu thuyết trong cách viết, trong cách miêu tả nhân vật, dựng lại đối thoại. Tuy nhiên, tên người, tên đất trong cuốn này được giữ nguyên, không thay đổi. Người làng tôi sẽ nhận ra người quen của họ trong khi đọc. Mà người làng tôi thì không quan tâm đến chuyện cuốn sách mà họ đọc thuộc thể loại gì.
Tôi cho rằng có thể chép cuộc đời vào sách và tạo ra cho nó một dáng vẻ nghệ thuật, nếu ta nhìn đời theo cách nghệ thuật.
Cuốn sách nằm lâu trong đống giấy má vàng úa của một thời chữ nghĩa. Tôi cũng chẳng có thời giờ để ý tới nó vì còn bận đánh vật với những thí nghiệm hóa học, chạy đi chạy lại các cơ quan nhà nước kiếm hợp đồng làm hàng gia công, là việc có ích cho sự kiếm sống của tôi hơn. Từ khi ra tù tôi làm đủ mọi thứ nghề tạp nham, trong đó kỹ thuật sản xuất các vật phẩm liên quan tới hóa chất cho các tổ hợp thủ công nghiệp đem lại nhiều tiền hơn cả.
Mãi tới năm 1987, anh bạn Lê Phát, biên tập viên đài Tiếng nói Việt Nam, một người tò mò thích văn chương, đã khui nó ra trong đống giấy má bừa bộn của tôi. Lê Phát đọc một lèo, anh thích nó, bèn đưa cho nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nơi nhà văn Hà Mậu Nhai làm giám đốc. Hà Mậu Nhai cũng đọc một lèo, rồi nhắn tôi đến chơi. Anh tỏ ý muốn in cuốn sách. Tôi ngăn anh:
– Anh không biết có một chỉ thị cấm in tôi sao ?
– Tôi biết.
– Vậy mà anh vẫn quyết định in ?
Hà Mậu Nhai nói:
– Chừng nào chưa có trước mặt tôi một văn bản pháp luật trong đó ghi rõ quyết định của tòa án cấm không được in Vũ Thư Hiên thì tôi vẫn in. Tôi không ngán những lệnh miệng và những chỉ thị nội bộ. Tôi in, và còn in tên Vũ Thư Hiên to hơn bình thường nữa kia.
Tôi ngần ngừ. Tôi không muốn vì cuốn sách của mình mà bạn mình mang vạ. Hà Mậu Nhai nói chỉ cần tôi đồng ý cho in. Tôi miễn cưỡng đồng ý.
Cuốn sách được in ra. Tên tác giả được in to hơn bình thường, đúng như Hà Mậu Nhai nói. Hà Mậu Nhai là một nhà văn nhưng không có chân trong Hội Nhà Văn. Anh chỉ có chân trong Xã Hội Những Người Tử Tế.
(1920-2014)
Năm sau Miền Thơ Ấu được giải thưởng loại A của Hội nhà văn Việt Nam, tức là giải nhất, cho sách dành cho thiếu nhi, mặc dầu nhà xuất bản không đưa nó vào danh sách tác phẩm dự thi. Trong chuyện này Hà Mậu Nhai nghĩ như tôi, sách được in ra là tốt rồi, mong gì được giải. Việc trao giải thưởng năm ấy là sự kiện lớn. Đã nhiều năm chuyện xét và trao giải thưởng văn học bị xếp lại, vì chiến tranh, và vì văn chương là cái sự không ra gì, một thứ xướng ca vô loài, dưới mắt các nhà lãnh đạo. Chủ tịch Hội đồng xét giải là nhà văn Tô Hoài. Phùng Quán cũng được giải thưởng, loại B, với tiểu thuyết ba tập Tuổi Thơ Dữ Dội. Hai tên tội đồ, một Nhân văn-Giai phẩm, một Xét lại Hiện đại, chiếm hai giải thưởng trong một cuộc thi văn chương, là quá lố. Nhưng đã là năm 1988, hai năm sau khi Đảng cộng sản tuyên bố “đổi mới” và “cởi trói”. Nếu là những năm trước, việc làm ngang bướng của Hà Mậu Nhai đã bị trừng trị. Anh vẫn ngồi yên trên ghế giám đốc nhà xuất bản cho tới khi qua đời, ba năm sau.
Giải thưởng này đối với tôi là bất ngờ, không kém gì việc nó được in ra. Khi mọi người cho tôi biết các báo đều đã đăng tin, tôi mới biết. Việc cuốn sách kể chuyện tầm phào về một làng quê khỉ ho cò gáy mà được giải, lại giải cao, là điều khó tin.
Tô Hoài hiển nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc trao giải lần này. Uy tín của nhà văn già đã thắng tính bảo thủ của các cơ quan lãnh đạo tư tưởng của đảng cộng sản.
Sau đó, đài phát thanh Sài Gòn đọc Miền Thơ Ấu trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, nhà xuất bản Kim Đồng ỏ Hà Nội tái bản một lần, rồi hai lần…
So với bản thảo, cuốn Miền Thơ Ấu trong lần in đầu tiên được rút gọn còn một nửa theo yêu cầu của nhà xuất bản. Vì không có giấy. Giấy vào những năm ấy đắt khiếp đảm.
Lần xuất bản này của Nhà xuất bản Văn Nghệ ở Westminster thì không thiếu giấy, nhưng lại thiếu những trang bản thảo bị bỏ ra nọ. Chúng nằm lại ở Việt Nam, cách tôi quá xa, không phải xa theo khoảng cách địa lý, mà bởi những khó khăn. Tôi cũng không tìm cách bổ khuyết. Cuốn sách đã được tái bản tới lần này là lần thứ tư. Nó đã có cuộc sống riêng của nó, diện mạo của nó. Chưa chắc gì một sự thay đổi sẽ làm cho nó đẹp hơn. Những gì bị bỏ ra ngoài trong lần xuất bản đầu tiên rồi sẽ được đặt vào một chỗ khác.
Miền Thơ Ấu, câu chuyện về một chú bé trong cuộc gặp gỡ với quê hương của chú đã tìm được độc giả của nó. Thì ra quê hương của một người, nếu nói về nó bằng tình yêu chân thật, từ trái tim mình, thì cũng mang dáng dấp quê hương của bất kỳ ai khác, trong sự đồng điệu của tâm hồn.
Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương. Nơi miền đất tuổi thơ, mỗi đám mây bay ngang cũng gợi ta hình dung ra những xứ xở xa xôi từ đó nó bay đến, mặt trăng rằm nào cũng bắt ta phải ngắm nhìn để tìm ra bóng dáng cây đa với chú Cuội cổ tích, thậm chí một con chuồn chuồn ngô cũng có phép màu làm cho ta biết bơi.
Bạn đã bao giờ cho chuồn chuồn ngô cắn rốn chưa? Nếu bạn đã được một con chuồn chuồn ngô cắn rốn một lần để được sặc sụa một lần trong dòng sông quê hương thì bạn là người hạnh phúc đấy.
Tôi đã đọc những dòng viết ấm áp và chân thành, và lạ thay, bao giờ cũng đầy nuối tiếc, về tuổi thơ trong sáng của mình nơi Lev Tolstoi, Maxim Gorky hay Paul Vaillant Couturier.
Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô dạy: “Hãy như con trẻ!”
Tôi chưa được nghe lời nào thông thái hơn.
Nếu tất cả những con người sống trên mặt đất này biết nghe lời Chúa, biết nâng niu gìn giữ trái tim con trẻ trong mình thì chúng ta đã không phải chứng kiến những gì xấu xa mà chúng ta phải chứng kiến: chiến tranh, nhà tù, và mọi sự hành hạ mà con người hàng ngày gây ra cho đồng loại.
Bằng cuốn sách bé nhỏ này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc tình cảm trìu mến đối với những gì quý báu nhất trong cuộc đời, những gì bạn và tôi đều có nhưng chóng quên, nơi miền đất tuổi thơ của mỗi chúng ta.
Trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thư Hiên
VOA, 28.12.2012.
VOA, 28.12.2012.
Đêm Giữa Ban Ngày
Hồi ký
Tôi tặng cuốn sách này cho:
Những người con của nước Việt đã cống hiến đời mình cho một nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ.
Hương hồn cha tôi, và những người cộng sản đã chết bởi tay các đồng chí của họ.
Mẹ tôi, người dạy tôi sống không cúi đầu.
Vợ tôi, người cùng tôi chia sẻ vô vàn khốn khó trong những năm tháng đen tối của đời tôi.
Các bạn tù của tôi, cộng sản cũng như không cộng sản.
Các thế hệ sau tôi, hi vọng họ sẽ không bao giờ phải sống như tôi đã sống, dưới bất cứ gông cùm chuyên chế nào.
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi ở miền Bắc Việt Nam nổ ra một vụ án lớn, cho đến nay vẫn còn là chuyện khó hiểu đối với nhiều người.
Trong nhân dân, vụ án này có tên nôm na là vụ “xét lại chống Ðảng”. Tên chính thức của nó ít ai được biết, kể cả các đảng viên cộng sản, là “Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”1. Ðây là tấn bi kịch lớn nhất trong hàng ngũ những người cộng sản ở Việt Nam, từ nhà cách mạng lão thành suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc cho tới đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ trong nền độc lập đã giành được2.
Trong vụ án này Ðảng3 cầm quyền bất chấp luật pháp do chính mình đặt ra đã xuống tay hạ ngục, giam cầm và lưu đầy nhiều năm không xét xử những người có tư tưởng bất đồng. Nằm trong phạm vi trấn áp của vụ án do Ban tổ chức Trung ương Ðảng khởi xướng còn phải kể rất nhiều cán bộ, đảng viên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với những người bị bắt. Ngoài ra, một số dân thường cũng bị Ðảng nhân tiện chụp cho cái mũ xét lại hiện đại để xử lý. Tất tật bị nhét chung vào một rọ, bị Ðảng trừng phạt bằng nhiều cách khác nhau, với mức độ khác nhau.
Bị bắt năm 1967, những người tù không có án, còn gọi là tù “xử lý nội bộ”, tới năm 1973 mới lần lượt được thả.
Chưa hết. Sau sáu năm giam cầm họ còn phải chịu đựng những năm lưu đầy biệt xứ và quản thúc tại gia.
Tưởng chừng vụ án đến đấy là kết thúc, nhưng không phải.
Người cuối cùng trong số tù nhân được Ðảng ban cho ân sủng “xử lý nội bộ” mãi tới tận tháng Chín năm 1976 mới được ra khỏi cổng nhà tù.
Người tù ấy là kẻ viết những dòng này. Ðáng ngạc nhiên là sau nhiều năm im lặng đáng sợ, nói theo cách của nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, những ban lãnh đạo Ðảng kế tiếp nhau tính từ thời tổng bí thư Lê Duẩn trở đi, vẫn khăng khăng khẳng định đảng của họ đúng trong cách xử lý vụ án, rằng những kẻ vi phạm luật pháp (của Ðảng và chỉ của Ðảng mà thôi) xứng đáng chịu những án hình lẽ ra phải nặng hơn những án hình mà Ðảng nhân từ đã ban cho.
Trong chín năm tù tôi chỉ làm được một việc có ích, cho bản thân và cho những người mà tôi thương yêu, là giã từ được ảo ảnh về một chủ nghĩa cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế.
Sự nhìn lại đời mình cũng như sự quan sát số phận của đồng bào trong những nhà tù tôi đi qua đã mang lại cho tôi cái nhìn tỉnh táo không riêng đối với những hành động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con người dù muốn dù không đều đánh mất mình.
Cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay là một phần những quan sát của tôi, một phần những suy nghĩ của tôi, về cái xã hội khó hiểu mà số mệnh đã an bài cho tôi sống trong lòng nó.
Xã hội này là khó hiểu bởi vì, căn cứ những gì tôi biết, nó khởi sinh từ những ý muốn tốt đẹp, bắt đầu bởi những con người lương thiện. Cũng căn cứ những gì tôi biết, tôi dám đoan chắc rằng trước kia, khi mới nhập vào dòng chảy không bao giờ ngưng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, họ không hề ấp ủ những mưu đồ xấu xa.
Trong sự biến dạng của những người cộng sản, trong sự tha hóa của họ, cái gì là tác nhân – chủ thuyết mà họ theo đã nhào nặn con người họ thành ra như thế hay chính họ tự biến đổi để trở lại nguyên hình, cho đúng với bản thể do trời đất tạo ra, hay là cả hai cái đồng thời, tôi không rõ.
Cuốn sách này chỉ là một chút ánh sáng soi rọi vào một vụ án cụ thể nhưng mang tính đại diện cho một thời kỳ cai trị của Ðảng cộng sản, một mảnh gương con phản ánh một số mặt ít người biết đến của xã hội Việt Nam.
Là cái nhìn từ phía người trong cuộc, mọi hồi ức đều mang tính chủ quan. Nhưng, cũng lại với tư cách hồi ức, nó vẫn là bằng chứng đáng được chú ý, cho dù chỉ là bằng chứng từ một phía. Tôi cố gắng, trong chừng mực có thể, đưa ra bằng chứng của tôi về vụ án nói trên bằng ngòi bút công bằng.
Trong cuốn sách này chỉ có sự thật. Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có chỗ nơi đây.
Vì mục đích cuốn sách giới hạn trong một vụ án, cho nên nó không thể là cuốn sách nói về chế độ lao tù ở Việt Nam. Ðể nói về nhà tù Việt Nam cần một cuốn sách khác. Mà đó là một đề tài đáng được chú ý, chí ít cũng là một sự quan tâm không thể thiếu đối với số phận đồng loại trong một nửa thế kỷ.
Quá khứ sẽ chẳng có ích cho ai bởi sự hồi tưởng đơn thuần. Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để mà suy ngẫm, rút ra từ trong lòng những sự kiện của nó bài học cho tương lai.
Cuốn sách này không phải là lời lên án một xã hội nay mai sẽ trôi vào quá khứ.
Tôi không dám đặt cho mình mục đích buộc tội. Chỉ vì lịch sử thường có sự lặp lại, cho nên tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Tôi cũng không thể đóng vai người buộc tội được bởi trong xã hội mà tôi sống tôi không đơn thuần là nạn nhân. Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm.
Tôi viết vì tôi không thể không nói lên tiếng nói của mình. Tôi quan niệm kẻ không dám nói “không” trước tội ác là kẻ đồng lõa với tội ác.
Và sau hết, theo cách biểu đạt của nhà văn Nga Prishvine, tôi chỉ là “một cái lá trong hàng triệu cái lá của cây đời, và nói về một cái lá thì cũng là nói về những cái lá khác”. Số phận tôi được nói đến trong cuốn sách này cũng là số phận của nhiều người cùng thế hệ.
Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của Người.
Cuốn sách còn là một vòng hoa muộn, một nén hương thêm đặt lên mồ những nạn nhân xấu số của một thời kỳ đen tối, những con người bất hạnh đã không chờ được đến ngày cuộc đời lập lại lẽ công bằng cho họ.
Mãi tới năm 1995 tôi mới được biết tên gọi chính thức của vụ án nhờ bức thư của ông Nguyễn Trung Thành, nguyên vụ trưởng Vụ bảo vệ Ðảng thời kỳ đó, đề ngày 3.2.1995, gửi Bộ Chính trị Ðảng cộng sản Việt Nam, trong đó ông Thành yêu cầu giải oan cho hơn 30 đồng chí bị bắt và bị xử lý. Tính riêng số người bị bắt không thôi đã vượt quá con số do ông Thành đưa ra. Có lẽ ông chỉ nói tới những người là đảng viên. ↩
“Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956), thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Ðảng ta, xét về quy mô, tính chất. Và, có thể nói không ngoa, đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của thế kỷ XX” (trích thư của ô. Lê Hồng Hà, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ, trong thời gian xảy ra vụ án, gửi cho Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam khóa VII, đề ngày 18/7/1995, về vụ “nhóm xét lại chống Ðảng”). ↩
Trong các tài liệu chính thức ở Việt Nam từ Ðảng viết hoa được dùng để chỉ Ðảng cộng sản Việt Nam, với ý nghĩa tôn sùng. Trong cuốn sách này nó cũng được viết hoa như vậy cho tiện, cho vắn tắt, chứ không hàm nghĩa đó. ↩
MỤC LỤC
Tự bạch
Vũ Thư Hiên
Ở Đ Â Y K H Ô N G C Ó T I Ế N G V E S Ầ U
Crematorium (Nhà hoả thiêu) là một dinh thự vuông vắn nằm trong nghĩa trang Père Lachaise.
Père Lachaise ở Paris là nghĩa trang lớn nhất nước Pháp. Nó rộng 44 hec ta với 4 mặt phố bao quanh, chia làm nhiều khu. Giao lộ rải đá rải nhựa giữa các khu đều được gắn biển ở đầu đường y hệt biển tên phố xá, từ khuôn khổ, màu sắc cho tới kiểu chữ. Không có biển tên thì vào đây dễ đi lạc lắm. Vì thế, Père Lachaise được thiên hạ gọi là Thành phố Người chết.
Thân xác được hoả thiêu ở Crematorium không có nghĩa là tro cốt sẽ được ở lại Père Lachaise. Muốn được đặt bình tro vào một ngăn trong bức tường dày ở kế bên Crematorium thì phải đóng tiền, mà tiền không nhỏ. Người Pháp không có tục để tro cốt thân nhân trong nhà.
Tôi kể tỉ mỉ về nghĩa trang Père Lachaise và khu Crematorium để các bạn có dịp tới Paris thì nên đến thăm – một địa điểm du lịch không thể bỏ qua.
2
Ông Niko, già lão, nhăn nheo, ngồi lặng lẽ, mũ len đặt trên đùi, vuốt mái tóc bạc bù xù rồi ghé vào tai tôi:
- Có ba chúng ta thôi à?
- Vâng – tôi đáp khẽ.
Chúng tôi ngồi trong căn phòng hẹp. Trước mặt chúng tôi là cái quan tài giấy giả gỗ. Người nằm trong quan toà là Trần, bạn tôi.
Niko là người thường nhận tranh của Trần đi bán ở chợ tranh trên đồi Montmartre. Chợ này là chợ tranh, có nhiều hoạ sĩ vẽ chân dung cho khách tại chỗ.
Ngồi ở một góc khuất là Yvonne, đầu cúi thấp, mái tóc xoã xuống mặt.
- Ông Trần có ông đến là vui rồi – tôi thì thào với Niko - Nếu ông ấy còn biết vui, ở thế giới bên kia.
Niko thở dài:
- Ông ấy không phải người của thế gian này.
Trần sống cô độc trong căn phòng áp mái, người Pháp gọi là “phòng con sen” (chambre de bonne). Loại phòng này vào mùa hè nóng như trong lò nướng, mùa đông lạnh như ở ngoài trời.
Nhà Trần toàn tranh - tranh trên tường, tranh dựa tường, tranh la liệt trên sàn. Diện tích còn lại chỉ chừa vừa đủ cho một cái sô pha xộc xệch, vải bọc sờn bạc phếch với vài miếng vá bằng băng keo.
Đến thăm Trần tôi phải len lỏi giữa những bức tranh đủ mọi khuôn khổ, vuông có, chữ nhật có, cái to cái nhỏ, cái mới vẽ, chưa lên khung. Căn phòng có mùi sơn dầu và mùi quần áo lâu ngày không giặt.
- Cậu sống mãi thế này không được – tôi nói – Cậu cần một người đàn bà, một cái bếp, nói tóm lại - một gia đình.
Anh hấm hứ:
- Mỗi người một cách sống. Đừng xúc phạm tớ, nếu còn muốn tớ coi cậu là bạn.
Tôi còn muốn là bạn Trần. Tôi im.
Chúng tôi có chung một quá khứ từ những năm xa lắc xa lơ, khi cả hai còn đánh khăng đánh đáo. Thế rồi đất nước tách đôi, tách luôn chúng tôi, mỗi đứa một nẻo. Tôi từ Sài Gòn sang Pháp đi học, đi làm, lấy vợ, rồi ở lại. Trần từ Hà Nội đáp thuyền qua Hongkong rồi được Pháp cho tị nạn.
Tôi tình cờ gặp Trần ở Père Lachaise. Tôi có căn hộ ở đường Phillips Auguste, ngay nách nghĩa trang. Tôi hay vào đấy đi bách bộ thay cho thể dục.
Chúng tôi nhận ra nhau, chúng tôi vồ lấy nhau. Trần giữ nguyên những nét thơ ngây của thuở học trò dù tóc đã điểm sương.
Tôi nhớ như in hôm ấy. Người bạn năm xưa của tôi cuống quýt xếp giá vẽ lại, kéo tôi ngồi xuống bên nấm mồ có đứa bé bằng đá say sưa ngủ với gương mặt thiên thần. Hoá ra anh thường đến đây để ký hoạ những bức tượng đẹp.
Trần tâm sự:
- Tớ là thằng tự học, cậu ạ. Chẳng học ai. Chẳng ai dạy tớ. Cậu nhớ thằng Nhân không? Giờ nó là một hoạ sĩ số một về tranh thuốc nước đấy. Tớ đến nó, hy vọng học nghề ở nó. Nó phán: “Tô Ngọc Vân dạy: thấy thế nào vẽ thế ấy”. Tớ bỏ đi. Rồi làm theo lời khuyên ấy.
- Rồi sao?
- Tô Ngọc Vân đúng. Chỉ thấy thế nào vẽ thế ấy mới thành hoạ sĩ. Không thể vẽ bằng mắt người khác. Không có tiền thuê mẫu sống thì tớ đến đây vẽ mẫu chết. Gì thì gì cũng phải kinh qua hình họa cơ bản. Nó là cái tớ thiếu.
Tôi tò mò:
- Ngọn gió nào đưa cậu tới Paris?
Anh cười hì hì:
- Chẳng có ngọn gió nào hết. Tớ chán, tớ đi.
- Cậu chán cái gì? Chán chế độ?
Trần cười gằn:
- Tớ không quan tâm chế độ. Chế độ nào thì người sống vẫn sống. Khi tớ còn ngáp ngắn ngáp dài ở trại tị nạn Hongkong thì viên chức di trú Pháp cũng hỏi tớ đúng cái câu cậu hỏi, nhưng rõ ràng hơn: “Ông chống lại đảng cộng sản, ông bị chính quyền trấn áp ?” Tớ nói: “Tôi chống đảng cộng sản làm quái gì. Việc nó nó làm, việc tôi tôi làm. Bực mình với nó thì có. Mà nhiều. Tôi không thích cái lối nửa đêm bị dựng dậy để hỏi tôi ngủ một mình hay hai mình”?
Tôi bật cười.
- Cứ như thể có một cô gái ngủ cùng với mình là cái tội, thật đấy. Chán nhất là những cuộc họp. Liên miên. Không có mặt không được. Người ta họp cái gì, nói cái gì không cần biết, cần phải gật, không gật không xong. “Kẻ không theo ta là kẻ chống ta”, cái thằng vua nước ta nó dạy thế. Có rồ mới không sợ nó. Láng cháng là đi tù. Khổ nhất là cái sự phát biểu. Người ta giục thì tớ nói: “Tôi đồng ý với mọi phát biểu trước rồi mà”. Anh chàng Pháp làm hồ sơ cho tớ cười toác: “Có những chuyện như thế sao?” Tớ gật. Anh ta ký toẹt vào giấy, cho tớ đi Pháp.
Tôi cũng cười. Người Pháp thật dễ tính.
Định cư rồi, Trần xách giá vẽ lên đồi Montmartre. Ở đó có nhiều hoạ sĩ hành nghề vẽ chân dung. Làm nghề này không ai khấm khá. Chăm làm, đông khách thì sống được, tuy không dư dật.
Anh bán tranh qua ông Nikosian, gọi tắt là Niko, một hoạ sĩ già người Armenie. Nikosian là kẻ thất cơ lỡ vận. Hội hoạ là nghề ông chọn, nhưng ông không có duyên với nó. Tranh của ông không bán được. Thỉnh thoảng ông rẽ vào thăm Trần, nhận tranh và thanh toán tiền tranh bán được.
- Trong các nghệ thuật, hội hoạ là thứ ba lăng nhăng nhất, khó hiểu nhất – Niko tâm sự - Picasso là một thí dụ. Tranh Picasso không dễ hiểu. Nhưng người ta ca tụng Picasso chính là từ cái sự khó hiểu ấy. Ông đừng chê tranh ông Trần. Ông ấy vẽ lạ lắm, chẳng thuộc trường phái nào, chẳng dừng lại chỗ nào, mỗi lúc mỗi khác. Trần là người suốt đời đi tìm mà chẳng bao giờ thấy.
Ông dừng lại, mặt ngẩn, suy nghĩ. Rồi như chợt nhớ mình đang nói gì, ông chậm chạp nhồi vụn thuốc vào cái tẩu sứt sẹo, nói tiếp:
- Thế mà tranh của ông ấy cũng có khách mua đấy. Tôi đồ rằng chúng có sức mạnh cuốn hút những con mắt tinh đời, hay gọi là những con mắt ngớ ngẩn cũng được.
Tôi lặng nghe. Người già hay triết lý vặt.
- Có bận tôi bán được một bức tranh của ông Trần mà tôi không tài nào hiểu nổi ý nghĩa của nó: một người đàn ông với cặp mắt to, đen ngòm và trống rỗng như hai hố mắt đầu lâu, hai tay xiết chặt một người đàn bà không có mặt. Đôi tay rất lạ, dài thòng, giống hai sợi thừng xoắn lại.
- Hay nhỉ?
- Nể ông ấy, thương ông ấy thì đúng hơn, tôi xách đi, không hy vọng bán được. Thế mà cũng có người mua, mới kỳ.
- Một may mắn?
- Không phải – Niko lắc - Ông khách ngẩn người ngắm nghía bức tranh hồi lâu rồi bỏ đi. Lát sau ông ta quay lại, bỏ đi, rồi quay lại nữa, không biết là mấy lần. Rồi rụt rè hỏi mua. Tôi nói giá, ông ta giơ hai tay ôm đầu kêu trời, sao mà rẻ thế. Và móc túi trả cho tôi gấp đôi.
- Tôi cũng không hiểu tranh ông Trần.
- Người mua nằng nặc đòi gặp tác giả bức tranh – Niko trầm ngâm – Trần từ chối. Bạn ông là một người kỳ quặc. Ông ấy không thích giao du.
- Tính ông ấy thế. Từ xưa. Gàn lắm.
Niko nhìn tôi như lườm:
- Tôi không thể nói như vậy. Chẳng qua ông ấy không thích bị quấy rầy.
- Nhưng ông vẫn đến với ông ấy mà.
- Tôi là ngoại lệ. Hồi ông Trần mới tới chợ Montmartre bán tranh chúng tôi ngồi cạnh nhau. Về món chân dung, ông ấy kém. Thói đời nó thế - thiên hạ thích chân dung vừa phải giống vừa phải đẹp hơn thực. Không có khách thì đói dài.
- Tội nghiệp Trần.
- Nhưng về tranh siêu thực thì không ai theo được ông Trần. Những mảng màu, những nét cọ bay bướm, rất khó hiểu, nhưng đẹp thần kỳ. Biết ông ấy đói, tôi san sẻ bữa ăn với ông ấy. Chúng tôi trở thành bạn.
Tang lễ kết thúc. Niko đứng lên, vặn mình cho đỡ mỏi, xương kêu lục cục.
- Ai sẽ ở lại nhận bình tro? – ông nhìn tôi.
Tôi hất hàm chỉ Yvonne.
- Cô ấy sẽ đợi.
Ông ôm chặt cô gái, lấy ngón trỏ âu yếm quệt giọt nước mắt lăn trên má cô rồi nhẹ nhàng vỗ vỗ vào lưng cô, như cha với con gái.
Cử chỉ ấy làm tôi ngạc nhiên – hoá ra Niko cũng thân với Yvonne. Giữa họ có một tình bạn mà tôi không biết.
3
Tôi gặp Yvonne không ít lần ở căn phòng của Trần.
Tôi không biết gì về Yvonne. Tôi không hỏi. Trần không nói. Cô là một mặc nhiên. Cô đến, lục cục trong cái bếp tí xíu bên cạnh cái toa lét cũng tí xíu như thế, làm bữa cho Trần. Trong khi Trần lười biếng khều từng miếng thức ăn trong đĩa đặt trên cái bàn xếp, thì cô ngồi bên anh, tay chống cằm, ngắm bức tranh anh mới vẽ xong.
Tôi nhìn cái sô pha. Không hiểu hai người yêu nhau cách nào trên cái diện tích chật hẹp ấy.
Yvonne chẳng ngó đến tôi. Ngoài Trần ra, cô chẳng để ý đến cái gì khác. Tôi thừa khi họ bên nhau.
Tuy nhiên, giữa tôi và Yvonne thỉnh thoảng cũng có vài đối thoại ngắn.
- Anh thấy bức này thế nào? – Yvonne hỏi để mà hỏi, không chờ câu trả lời.
- Được đấy – tôi cũng nói để mà nói – Tôi không phải nhà phê bình hội hoạ. Trong địa hạt này tôi là kẻ ngoại đạo.
Trần cười mỉm.
- Tôi thấy nó thật tuyệt – Yvonne phản bác – Ông không thấy nó đẹp à?
Tôi bực mình:
- Tôi không đến xem tranh. Tôi đến thăm bạn.
- Đã xong đâu, em - Trần nói để xoá đi âm sắc không hiền hoà của tôi, anh nghiêng đầu ngắm bức tranh – Anh chưa hài lòng với nó, em ạ. Còn thiếu một cái gì đó mà anh không biết là cái gì.
Yvonne nguýt Trần:
- Anh bao giờ chả thế. Cái gì với anh cũng chưa xong, chưa xong. Cho tới khi Niko đến kiên quyết tha nó đi, không cho anh vẽ thêm.
4
Niko gọi điện cho tôi. Đó là sự lạ. Tôi không nhớ đã cho ông số điện thoại khi nào.
- Tôi có việc muốn hỏi ông.
- Ông cứ nói.
Đầu dây bên kia im lặng, ngập ngừng.
- Chuyện khó nói hay sao? Chúng ta có một người bạn chung. Thế là đủ.
- Thế này: tôi sẽ đi Việt Nam.
- Việt Nam là một nơi nên đến, một đất nước kỳ diệu.
Tôi không biết vì cớ gì Niko tại sao lại đùng đùng muốn đến Việt Nam
– Khi nào ông đi?
- Nếu đi thì tuần sau.
- OK. Vậy ông muốn hỏi gì? Có một chữ “nếu”. Tức là ông chưa quyết?
- Chính vì thế tôi phải gọi cho ông.
Tôi sốt ruột:
- Ông hỏi đi.
- Tôi không dư dả để hứng lên thì xách va li đi du lịch - Niko ngập ngừng một giây rồi mới tiếp - Là Yvonne rủ tôi.
Tôi ngạc nhiên thật sự. Yvonne đi Việt Nam để làm gì?
- Ra là thế - tôi nói.
Giữa bạn tôi và Yvonne hoá ra có một mối tình. Hơi kỳ quặc, nhưng có. Từ sau đám tang, tôi không gặp lại cô ấy.
- Yvonne chỉ thân với tôi thôi -Niko nói - Những lần tôi mang đi nhiều tranh thì cô ấy giúp tôi mang xách. Ở chợ Montmartre tôi và Yvonne có nhiều thời giờ trò chuyện. Về hội hoạ và những thứ khác. Nhất là về ông Trần. Cô ấy không chỉ yêu. Cô ấy si mê.
- Tôi cũng thấy thế.
- Cô ấy là người hiểu ông Trần.
- Hiểu cái gì?
- Tâm hồn ông ấy. Tâm hồn là thứ khó hiểu nhất. Không phải tôi. Không phải ông.
Tôi gật. Điện thoại không chuyển đi cái gật ấy, nhưng một giây lặng chứng tỏ Niko hiểu.
- Yvonne sẽ mua vé cho tôi.
- Hay quá!
- Tôi không muốn. Tôi không muốn ai bỏ tiền cho tôi vì bất cứ điều gì.
Tôi băn khoăn. Tôi không biết nên nói sao.
- Nếu Yvonne làm thế có nghĩa là cô ấy làm được.
- Tôi hiểu chứ. Cô ấy là một bác sĩ nha khoa. Ở nước này là một nghề kiếm bộn tiền.
- Thì ông cứ đi – tôi nói nước đôi – Nếu Yvonne cần có ông. Cô ấy tin tưởng ông.
- Cô ấy đi thì tôi hiểu được. Nhưng tôi đi để làm gì chứ?
Đến lượt tôi ngần ngừ.
- Làm sao tôi biết. Cô ấy cần người đi cùng. Có thể Yvonne muốn tìm gia đình ông Trần. Có thể cô ấy muốn chuyến đi sẽ mang lại cho cô ấy những gì chưa biết về ông ấy.
- Vậy tôi đi nhé? – tôi nghe thấy một tiếng thở ra hài lòng – Ông đồng ý thì tôi yên lòng. Chứ tôi ngại.
- Lên đường vui vẻ! Khi về kể chuyện tôi nghe.
- D’accord.
5
Dưới đây là lời Niko:
- Việt Nam là một đất nước kỳ diệu, đúng như ông nói. Chúng tôi đến vào mùa hè. Ngoài cái nóng rát cháy da, nó có đủ mọi thứ cuốn hút – những buổi bình minh rực rỡ, những hoàng hôn choáng ngợp, đầy màu sắc biến hoá không phải từng phút mà từng giây. Những ai từng ở qua nhiều biển mới được thấy cảnh đẹp phù thuỷ này. Salvador Dali, hay Jean Miro mà đến đây thì trong gia sản hội hoạ của họ còn tăng lên gấp bội. Chứ ở các thành phố thì, ố là là, thì chỉ có thể thấy bụi khói thay sương mù thôi.
Tôi lẳng lặng nghe.
- Chúng tôi gặp may. Tìm được một hoạ sĩ quen ông Trần. Chính ông này dẫn chúng tôi ra biển. Ông ta còn tình nguyện làm thông ngôn miễn phí trong suốt chuyến đi. Cái không may là ông ấy tưởng Yvonne cũng là một hoạ sĩ.
Ông ấy ngớ người khi nghe Yvonne nói là cô ấy cần thu âm tiếng ve sầu.
- Để làm gì, thưa cô?
- Tôi cần cái đó, rất cần, thưa ông.
Ông hoạ sĩ gãi đầu:
- Thế thì ta phải chọn một nơi khác, không phải Hà Nội. Một tay thị trưởng khùng đã chặt hết những cây to là nơi trú ngụ của chúng rồi. Nhưng khá xa đấy.
- Vậy ta đi, nhé?
- Nhưng khá xa đấy.
- Xa cũng được – Yvonne khăng khăng.
Ông ấy gãi đầu:
- Tôi không có nghề ghi âm. Mà không thể đến gần con ve sầu để ghi giọng nó. Ve sầu ở trên cao. Một tiếng động mạnh là nó lập tức im bặt.
Rốt cuộc, ông ta cũng giúp được Yvonne thực hiện cái yêu cầu kỳ quặc của cô.
Chúng tôi tìm được một kỹ sư âm thanh thất nghiệp của một xưởng phim đã chết. Ông kỹ sư đòi một giá trên trời. Ông hoạ sĩ ra sức thuyết phục mới được ông ta hạ xuống một phần ba. Mà như thế đã là nhiều lắm. Với tôi, đó là chuyện ném tiền qua cửa sổ.
- Yvonne cần tiếng ve sầu để làm gì?
- Khó hiểu. Tôi cũng ngạc nhiên không kém ông. Tôi tưởng cô ấy rủ tôi đi để tìm gia đình ông Trần, để tìm hiểu cuộc đời ông ấy. Hoá không phải.
Niko kể tiếp:
- Thì ra khi bệnh ông Trần trở nặng, Yvonne hỏi: “Anh muốn em làm gì cho anh bây giờ?” Ông Trần bảo: “Em không thể làm được điều anh muốn đâu”. Yvonne gặng: “Thì anh cứ nói, biết đâu em làm được”. Ông Trần bảo: “Tự nhiên anh muốn nghe thêm một lần tiếng ve sầu. Trong ngụ ngôn La Fontaine có nói tới ve sầu, mà ở đây anh chẳng thấy nó. Ngày còn nhỏ anh hay nằm dưới gốc cây để nghe chúng kêu ve ve”.
- Thì thế! Khi sắp lìa đời, người ta hay có những ước mong dị thường – Niko nói - Tôi cũng chẳng biết khi ấy tôi sẽ muốn cái gì?
- Ông còn sống lâu.
- Ai biết được ngày mình sẽ chết.
Tôi lảng tránh cái đề tài u ám.
- Rồi Yvonne mang băng ghi âm về?
- Tất nhiên – Niko nói, mặt buồn rượi – Mục đích của cô ấy là thế - ghi được tiếng ve sầu ở quê hương ông ấy. Chứ ở Pháp đâu có thiếu ve sầu. Thiếu là thiếu ở Paris thôi. Nhất là ở phố ông ấy. Không có cây thì lấy đâu ra ve sầu.
Tôi gật. Niko có lý.
- Cô ấy sẽ tới mộ ông Trần và bật cuốn băng ghi tiếng ve sầu quê hương cho ông ấy nghe. Dở hơi thế đấy. Yvonne rủ tôi đi cùng, nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn thăm bạn theo cách ấy.
- Ông nghĩ thế là phải.
- Tôi quên không nói: sau khi hoả thiêu, Yvonne mang bình tro về quê, ở mãi Normandie, lập một nấm mộ cho Trần trong gia trang của tổ tiên.
Chuyện đến đây là hết.
Nếu có thể nói thêm điều gì cho câu chuyện này thì tôi sẽ nói:
- Tôi yêu những người dở hơi. Thiếu họ, trái đất của chúng ta khô cằn lắm!
2003
Nhà thơ Du Tử Lê & Nv Vũ Thư Hiên
Trái: Nv Bùi Ngọc Tấn, Bà Hoàng Minh Chính, Nv Vũ Thư Hiên tại Paris
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.