Việt Phương
(1928 – 2017)
tên thật: Trần Quang Huy
nhà thơ
Thì thơ ngơ ngẩn là thơ
Thì người đông đảo bơ vơ là người.
VP
Việt Phương (1928 – 2017) hay Trần Việt Phương là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng. Tập thơ "Cửa mở" của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản.[2][3] Ông là một viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ và được coi là thư ký thâm niên nhất của thủ tướng chính phủ. Ông trải qua 53 năm làm Thư ký riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một số năm đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn.[4]
Cuộc đời
Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.[5]
"ông là người cộng sự thân cận của Tổng bí thư Lê Duẩn trong một thời gian dài và trong công việc ấy, ông thường xuyên nêu lên những vấn đề, những nhận xét rất sắc sảo về tình hình, những yêu cầu về sự đổi mới và có những ý kiến rất thiết thực về việc cải cách ở Việt Nam"_ Lê Đăng Doanh.[6]
Trần Quang Huy tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào năm 1944. Ông từng đậu tú tài thời Pháp thuộc.[7] Từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1947, ông Huy là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp. Kể từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong suốt 53 năm với vai trò thư ký của ông Phạm Văn Đồng, từ năm ông 19 tuổi, ông đã theo Phạm Văn Đồng từ vị trí Phó thủ tướng đến Thủ tướng và rồi sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất ở Việt Nam hiện nay.[4] Trong quá trình làm thư ký cho Thủ tướng Đồng, Việt Phương cũng tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.[5]
...Khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn Bên Thắng Cuộc, ông Trần Việt Phương đã giúp tôi thu xếp các cuộc phỏng vấn quan trọng nhất nhằm thu thập thông tin về các nhân vật như Tướng Giáp, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa... Biết ông là người gần như "ăn cùng mâm" với cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng từ 1949 cho đến khi họ lần lượt ra đi, tôi nhiều lần gặng hỏi về con người thật của họ và ông thường chỉ trả lời, "Tấm Huân chương nào cũng có hai mặt; công chúng nhìn thấy mặt trước, chúng tôi chứng kiến mặt sau. Thôi cứ để công chúng giữ hình ảnh như họ thấy"_ nhà báo Trương Huy San.[6]
Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi Ban giải thể.
Ông qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi.[4]
Gia đình
nhà thơ Việt Phương kể rằng, trong hộ khẩu của ông có hai tên Trần Quang Huy nên dạo còn bao cấp mỗi lần đi mua gạo mua dầu… người ta vặn hỏi ông, ông nói vui rằng nhà tôi có Trần Quang Huy 3 lít dầu và Trần Quang Huy 1/5 lít dầu (người lớn được mua 3 lít, trẻ con 1/5 lít).[7]
Ông Việt Phương có vợ là bà Trần Tú Lan. Ông bà có hai người con trai là Trần Trung Thực sinh năm 1956 và Trần Quang Huy sinh năm 1960. Ông lấy tên khai sinh của mình đặt luôn tên cho con.[7] Bà Tú Lan sinh năm 1934 là giáo viên, nhiều người nổi tiếng từng là học sinh của bà như Dương Trung Quốc, Chu Hảo... Ông Trần Trung Thực là Vụ trưởng của Bộ Công Thương. Trước đó ông là tham tán công sứ ở Cộng đồng châu Âu tại Bỉ nhiều năm. Nhà thơ Việt Phương có ba cháu nội, trong đó cháu lớn của ông mang tên ông là Trần Việt Phương.[3]
Sáng tác
Việt Phương thuộc thế hệ nhà thơ hiện đại của Việt Nam. Mặc dù Việt Phương làm thơ và nổi tiếng từ khá lâu, nhưng mãi đến khi ngoài 80 tuổi ông mới làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam.[5] ông chọn cho mình dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu…
"... trong "Cửa mở", Việt Phương lần đầu tiên nêu lên các nhận xét của mình như là sự ngây thơ của người Việt Nam... trong khi đánh giá, nhận xét như là 'Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ'."_BBC Tiếng Việt.[6]
Tập thơ "Cửa mở" của ông khi được xuất bản vào năm 1970 đã gây sự chú ý của dư luận do tập thơ có các bài thơ với lối tư duy nhân văn khá mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ. “Cửa mở” được đánh giá là mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt trong thập niên lúc ấy.[1] Các bài thơ trong tập thơ này được nhiều công nhân, nông dân, chiến sĩ, viên chức thời ấy thuộc và biết đến nhiều. Vì lối viết mới, tập thơ bị đánh giá nhiều về tư tưởng. Đã có một cuộc hội thảo với phạm vi hẹp để bàn về "Cửa mở" và tác giả của nó được tổ chức tại Nhà xuất bản Văn học vào ngày 12 tháng 11 năm 1970 do ông Như Phong, Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học, chủ trì. Một cuộc họp khác với sự tham dự của các cán bộ cấp cao trong đó có cả Tổng bí thư Lê Duẩn cũng được tổ chức để đánh giá về tập thơ Cửa mở của Việt Phương[8] Nhiều thành phần, nhiều người phê bình chống đối tập thơ rất nhiều ở các khía cạnh. Nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn xem qua và không phản đối thì tập thơ đã được "cho qua". Thậm chí nhà thơ Việt Phương còn được chọn trong cuộc bình xét đảng viên xuất sắc nhất của năm để khen thưởng.[8]
Tác phẩm
Khi chia sẻ về nghề văn, ông nói: "Thơ là kết tinh sáng tạo của tình yêu sự sống và con người thể hiện bằng ngôn ngữ mà hay và đẹp nhất là hồn nhiên và giản dị"[5]
Việt Phương làm thơ từ năm 1960. Một số sáng tác nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến:
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi
Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương
(1969)
Âm vang
(trước gọi là bài Quảng Bình)
Một chút hư không một chút đầy
Tập thơ Cửa mở
(NXB Văn học, 1970).
Bơ vơ đông đảo
NXB Hội nhà văn (2009)
Cỏ dọc đường trần
NXB Hội nhà văn (2010)
Nhặt nắng trong sương
NXB Hội Nhà văn (2011)
Cát dưới chân người
NXB Văn học (2011)
Sống
NXB Văn học (2012)
Nắng
NXB Văn học (2013)
Lan
NXB Văn học (2013)
Gió
NXB Văn học (2014)
Thơ Việt Phương Tuyển tập
NXB Văn học (2017)
Chú thích
^ a b Chuyện ít biết về tác giả ‘Cửa mở’ gây chấn động một thời Lưu trữ 2015-05-13 tại Wayback Machine, Hội nhà văn Tp HCM
^ a b c Nhà thơ Trần Việt Phương - Cựu thư ký của Thủ tướng đã từ trần Lưu trữ 2017-05-06 tại Wayback Machine, Báo Tiền Phong
Liên kết ngoài
Nhà thơ Việt Phương: Nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng, Báo Tuổi Trẻ.
Nhà thơ Trần Việt Phương ngừng viết thơ, UBND thành phố Hà Nội
Nhà thơ Việt Phương: Văn học Việt Nam lẹt đẹt như bây giờ cũng không có gì lạ, Báo Công an nhân dân điện tử.
Nhà thơ Việt Phương: “Thì là như vậy chứ còn sao”
Nhà thơ Việt Phương, tác giả tập thơ "Cửa Mở". Ảnh: Vietnamnet
“Thì là như vậy chứ còn sao”. Nhưng mà như vậy là như vậy thế nào? Học theo cách ông đặt tên các bài thơ chỉ nhõn, chỉ độc một chữ, tôi thử phân chất thơ ông ở tập BVĐĐ cũng trong ba chữ: Sống. Yêu. Thơ.
SỐNG
Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...
Đây là bốn câu kết của một bài thơ nổi tiếng nhất trong tập Cửa mở. Bốn mươi năm đã đi qua trên những dòng thơ này. Anh thanh niên Việt Phương bốn mươi tuổi ngày ấy đã sớm nhìn ra và nhìn thấy, đã dám nói ra và nói được, rằng: chỉ có cuộc đời là đáng sống, chỉ có sự sống là đáng quý, mọi tín điều có thể chao đảo, lung lay, đổ sụp, nhưng còn là người, còn sống đời con người thì còn những niềm vui nỗi khổ trần thế, và hạnh phúc thay được sinh ra là người và được sống làm người. Cố nhiên, bốn mươi năm trước, tác giả chỉ mới bắt đầu chiêm nghiệm điều này từ và dưới góc độ chính trị - xã hội. Năm tháng qua đi, ông trải nghiệm hơn mọi lẽ nhân sinh trên tuổi tác của mình.
Sáu mươi tuổi, ông thấy cuộc đời như vừa mở lại trước mắt mình, và dõng dạc ông ném ra câu tuyên bố: “Sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình”. Sự thật nào đây? Đó là “Cái chất người hơn tất cả thần linh / Ngạo ngược lắm khi so mình với chó”. Đó là “Cái cuộc đời như chiếc lá thật mềm” nhưng cũng là “cái cuộc đời như một gã giả điên”, “như một miền ngộ nhận”, “như một người lận đận”. Nghĩa là “cái cuộc đời đừng chỉ thấy một bề” vì cuộc đời là không hề phản trắc. Chỉ con người phản trắc với con người thôi. Ý này là của tôi nói ra, luận ra, không phải ý của nhà thơ. Nhà thơ đến tuổi này muốn “hứng một dòng mưa”, chắc là để tẩy rửa bụi trần, xóa trôi những cặn ghét đời bám vào mình, thanh sạch lại mình, đặng sống tiếp đúng mình. Nhà viết kịch vĩ đại Nauy Henrik Ibsen (1828 – 1906) từng coi viết văn như là tắm rửa để tẩy bỏ những cặn lắng của bản chất con người. “Tắm xong tôi cảm thấy sạch sẽ hơn, khỏe khoắn hơn, sảng khoái hơn”, Ibsen nói vậy. Việt Phương ở tuổi lục thập thấy mình như đã tới cõi ngộ, “đã qua rồi yêu giận ghét khinh”, người như thế là tâm đã thoát tục, là mắt đã có cái nhìn đại giác. Đây là theo ý cụ Khổng “lục thập nhi nhĩ thuận” (tuổi sáu mươi thì cái tai nghe lọt mọi điều phải trái đúng sai). Nhưng với Việt Phương, có thật thế chăng?
Bảy mươi lăm tuổi, Việt Phương đi tiếp “con đường người” của mình về bến. Đây là bến nhân sinh. Ở chính hôm nay ông thấy “Cuộc đời bao giờ cũng cuối cùng cũng đầu tiên”, và ông tha thứ cho tất cả khi soi mình vào hồi quang tháng năm vụt qua loang loáng như một cuốn phim đời, để nhẹ nhõm sung sướng “tôi là tôi đầy đủ đến dâng tràn”. Đây là bước dọn mình để con người nhập trời đất, nhập hư vô, thấy tất cả trong mình và mình trong tất cả. Vòng đời tuần hoàn trong tuần hoàn vũ trụ. Năm năm nữa trôi qua, và nhà thơ của chúng ta thanh thản đến hồn nhiên: “Tám mươi tuổi tập ú tim / Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ”. Xin hãy ngừng lại ở chỗ “ú tim” với cõi thiền của con người đã sống tám phần mười thế kỷ. Trò nghịch này là của tuổi nhỏ, tuổi đang vào đời, thế nghĩa là Việt Phương muốn mình là một ông-trẻ-tám-mươi, nghĩa là nhà thơ còn ham sống, vui sống, nghĩa là Việt Phương không muốn lánh đời. Ông vẫn còn căng buồm ra khơi (bài thơ về tuổi tám mươi tên gọi là “Buồm”), được như ông lão giữa biển của E. Hemingway thì mới đáng sống.
Bởi vì tuổi càng cao ông càng thấy:
Tranh cãi ồn ào quanh chiến lược
Bên hồ nườm nượp gái trai đi
Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước
Chảy dưới cầu kia để lại gì
(Vậy)
Bởi vì sống là để nói lời yêu, nhưng đôi khi cũng mệt mỏi vô cùng.
Người thủ trưởng mấy chục năm tuổi Đảng ấy
sao mà hèn hạ hống hách toan tính cưỡi đầu dân
Người lãnh đạo cao giọng thuyết lý công minh
chính trực ấy sao mà ngập ngụa
trong thủ đoạn gian hùng
Những chàng trai cười hề hề ca điệp khúc
cả nước đi buôn lòng vòng
Những cô gái hãnh diện khoe
bồ Úc bồ Thụy Sĩ
Ai anh hùng chuồng cọp bỗng sát phạt bon chen
Ai dày dạn hy sinh bỗng xoay tiền kiếm gái
Ta lại gặp trong ta con thú người thảm hại
Lồng lộn giành ăn và hưởng khoái
(Lời)
Cho nên, đi hết con đường, lại thấy “làm người là khó”.
Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế
Cuối con đường có lẽ gặp con người
(Đường)
Một con người sống đã hơn tám mươi năm trên đời mà còn viết một chữ “Sẽ” thì quả là hành trình nhân loại từ NƠI GỪ (một cách bẻ chữ “Người” ghép lại của chính tác giả ở tập Cửa mở) đến nơi NGƯỜI còn dằng dặc lắm. Nhưng chính vì gian lao, khổ ải ấy mà mỗi người mỗi ngày sống càng phải gắng chắt chiu chất người cho mình.
Người ta sống qua tuổi năm mươi (chặng giữa của hành trình tại thế đời người thường được đo bằng trăm năm) là bắt đầu phân thân giữa hai chiều thời gian quá khứ và hiện tại. Sống với thời gian hai chiều (tên gọi một truyện của Vũ Tú Nam) là trạng thái ngày càng trở nên thường trực của con người kể từ đó. Việt Phương cũng trong vòng nhân sinh ấy. Nhưng ông không chịu đóng khung mình ở hai chiều đó, ông còn khát tương lai nữa “Và ngày mai cửa mở đón ta vào”.
Tổng kết lại cuộc đời, ông nói “Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình”. Nhưng với ông tuổi đời thêm lên mỗi năm vẫn
Sống
nao nức bộn bề sao cuộc sống
Những đôi mắt trẻ thơ mở rộng biết bao trời
Cốm lại thơm và trái hồng lại mọng
Một rặng cúc tần ướt nắng đẫm ban mai
YÊU
Người làm thơ nào cũng có thơ tình yêu. Thơ yêu của Việt Phương lúc này vẫn vừa dào dạt đắm say, nhưng lại vừa hồi ức và chiêm nghiệm. Người đàn ông trong con người này ở tuổi thanh niên đã từng giục giã “yêu nữa người ơi, chẳng đủ đâu”, đã từng khao khát yêu đến mức “ta đi yêu người ta yêu nhau / người ta cũng là ta khác đâu”.
Nhà thơ Việt Phương và vợ. Ảnh: TL
Ở tuổi già, ông vẫn một nhiệt huyết yêu ấy “anh yêu em không thể gì ngăn được”. Hơn thế, ông còn tự nguyện tự do và tự hào tuyên bố “yêu em là Nguyên Lý”, cho dù em có im hơi bặt tiếng. Tuổi nào yêu thì cũng run rẩy, dại khờ cả. Có ở Việt Phương những cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Như em là mặt trời chiếu rọi mặt trăng anh sáng. Như anh đơn côi, còn em dễ đổi thay. Như anh là sóng, em là bãi bờ. Nhưng ở tuổi ông già mà thơ yêu bạo liệt đến thành tạo hóa ra Em, Người Yêu đến thế này thì chỉ có một Việt Phương.
Xé nát em ra thành vũ trụ
Nghe những thiên hà hú thành đêm
Nhìn chim tha rác về thành tổ
Thu gom vũ trụ lại thành em
Việt Phương có những bài thơ yêu cho người yêu dấu của đời mình, cho người vợ của ông. Tình cảm của người đàn ông làm chồng ở đây là nỗi ân hận và lòng biết ơn đối với người đàn bà làm vợ. Có lẽ đó là thứ tình cảm chung trong tình nghĩa vợ chồng. Nhưng mà Việt Phương nói lên được một cách day dứt và thấm thía.
Cô gái đầy ước mơ khoa học
từ chối ra nước ngoài nghiên cứu
Đi qua bao trận ốm của các con
Đi qua thời ngỗ nghịch của các con
Đi qua sự chì chiết bất công của các con
khi các con đã lớn
Đi qua sự nhẫn tâm của người chồng
Đi qua sự lười nhác hèn hạ của những người đàn ông
Vừa thở đứt hơi vừa đổ rác lau nhà giã vừng
nhặt rau sửa cái bếp dầu giặt chậu quần áo bẩn
Cô gái ấy bây giờ đã thành bà nội. Lời thơ như lời nói thường trĩu nặng một nỗi lòng. Đó là lòng thương xót và biết ơn như biển. Đi qua năm tháng cuộc đời, mùa xuân ở tuổi bạc tóc, cành lộc người chồng tặng vợ là “chút dại khờ” vẫn còn giữ lại được. Hạnh phúc ấy ông bà Việt Phương có được. Và chúng ta cũng có được qua thơ ông.
THƠ
Thi tập Cửa mở ra đời, tiếng thơ Việt Phương đã gây động làng thơ không chỉ vì những ý tưởng táo bạo mới mẻ được nói ra vào thời điểm đó, mà còn vì cái cách nói những điều ấy ra. Những câu thơ mang tính trí tuệ, cấu trúc duy lý, những hình ảnh bất ngờ, khác lạ, tạo sự va đập có dư chấn và vang âm đối với thi tính và thi cảm một thời. Bỗng tóe lên một bãi cười / Ở tầm cao một mét sáu mươi... Buổi sáng tháng tư sống tươi như cá quẫy...
Có thể dẫn ra nhiều câu như vậy. Tiếc là cái chất Tây trong tư duy thơ Việt Phương hồi đó đã bị ngưng lại giữa chừng, nếu không nó sẽ còn có ích hơn cho thơ Việt đang rất nhiều duy cảm, ít duy lý. (Ảnh hưởng của lối thơ Chế Lan Viên đối với nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ là mạnh và có ý nghĩa hơn nhiều so với thơ Xuân Diệu). Tôi nói điều này có vẻ như ngược với sự “tự kiểm” của chính nhà thơ: Chia tay một thời Tây quá mức / Lang thang mộng du về phương Đông. Nhưng đó là hành trình tìm kiếm thơ. Việt Phương làm thơ và loay hoay tìm đi con đường thơ của mình. Ông viết hẳn những bài thơ, đoạn thơ để như tuyên ngôn nghệ thuật, xác quyết tín điều thơ cho bản thân. Bơ vơ đông đảo hiểu về mặt này là người không muốn lẫn vào đám đông vô sắc, vô cá tính. Thì thơ ngơ ngẩn là thơ / Thì người đông đảo bơ vơ là người.
Chụp ảnh lưu niệm dịp nhà thơ Việt Phương ra mắt tập thơ “Cửa đã mở” . Trong ảnh, trái sang là các nhà thơ, nhà nghiên cứu: Đoàn Tử Huyến, Thúy Toàn, Nguyễn Trọng Tạo, Việt Phương, Hoàng Minh Châu, Chu Hảo
Cái thơ ngơ ngẩn đó của Việt Phương là thơ có được sau khi “Vứt nốt cảm giác và suy tưởng / Tay trắng một mình với thơ”, là thơ chỉ một âm thanh mà hàm mọi chuyện như đứa trẻ bập bẹ vô thức chọn đúng “cái tiếng chủ mang ý nghĩa bao trùm” trong chuỗi lời nói của người lớn. Cái thơ ngơ ngẩn đó đối lập hoàn toàn và quyết liệt với những thứ thơ tang thương mà cứ ngỡ chiều sâu, thứ thơ “đào năm tầng ý nghĩa sau mỗi câu / những ẩn dụ oái ăm những thông minh vặn vẹo / đảo không gian thời gian cho khó hiểu”. Sự chống đối và khước từ một loại thơ ở đây rất rõ ràng, dứt khoát. Nhưng một khi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, tác giả vẫn loay hoay với câu hỏi của muôn đời thi sĩ cổ kim đông tây: Thơ là gì có thật thơ là thơ?
Sự loay hoay tìm kiếm vật vã đó hiển hiện trong tập thơ thứ ba này của Việt Phương. Ông nghiêng nhiều về Đông trong các thể loại thơ luật, thơ vần, thơ lục bát, thơ bốn câu, bên cạnh vẫn có thơ tự do, thơ văn xuôi. Câu thơ của ông nhiều khi vẫn nói thẳng băng, trực tiếp, vẫn lập ý luận lý theo logic. Đôi khi những cặp câu sóng đôi, đối sánh khô khan, ít thơ, kiểu như Đi hết... Gặp..., “Đi hết say mê giận dữ dằn vặt chán chường / Gặp tình thương và ánh sáng”, chung chung và sáo. Nhưng có những bài ông tạo được một giọng nói thơ truyền ý với một hơi thơ truyền cảm, đập ngay vào giác quan thơ của người đọc. À,
Cuối cùng cái đẹp là cái đẹp
Đẹp dịu dàng nồng nàn khủng khiếp
Cuối cùng cánh cửa khép mở ra
Trong hộp đen là một chút thì là
Người ta sẽ tò mò muốn biết chút thì là trong hộp đen này là gì vì câu thơ như dửng dưng mà khêu gợi.
Việt Phương vẫn bất ngờ có những hình ảnh thơ khác lạ, chuyên chở thông điệp thơ. Ở bài “Quê” nói về một Hà Nội xô bồ hôm nay, xô bồ cả trong cảnh sắc và tâm trí lòng người, nhà thơ tạo hình ảnh “cầm thìa múc trời”. Tuổi thơ “cầm thìa múc trời tưởng lấy được kem từ những tầng mây trắng xốp”. Nay “Hà Nội và ta nhìn nhau / Ta muốn cầm thìa múc trời lấy màu xanh Hà Nội”. Hình ảnh thơ ở hai vị trí đăng đối đầu cuối bài thơ biểu hiện một nỗi chua xót ngậm ngùi cho quê hương của tác giả. Lại có câu thơ đặt chữ khác thường: Em bảo anh rằng anh rất em. Chữ “rất” trạng từ chỉ mức độ ở đây không đi cùng động từ được đặt trước từ “em”, thế nghĩa là gì “anh rất em”. Câu thơ gợi mở và để ngỏ cho người đọc thụ cảm.
Tuổi ngoài tám mươi, Việt Phương trình làng tập thơ thứ ba. Cửa mở, đấy là đẩy ra. Cửa đã mở, đấy là đẩy vào. Bơ vơ đông đảo, đấy là xoay trong. “Người thành đạt là người thực hiện được khoảng một phần ba những điều dự định”, nhà thơ nói, và theo đó có thể nghĩ ông là người thành đạt, ít nhất ở thơ. Ông ý thức được mình, “thơ thật sự bắt đầu khi bài thơ kết thúc”. Bây giờ thì ông không làm gì được nữa với những bài thơ của mình. Chúng đã được làm xong, đã được in ra, và chúng hiện lên trước mặt chúng ta. Khởi đầu thơ ông bây giờ là từ chúng ta. Thì là như vậy chứ còn sao!
Còn ông, Việt Phương, nhà thơ, ông nói với chúng ta rằng là ông vẫn còn giàu lắm. Giàu gì? Giàu tình.
Ta giàu tình như rừng ta giàu lá
Người lấy đi lấy nữa đang còn đây
Dâng hết rồi ta vẫn thừa tất cả
Cạn hồn ta hoa quả lại lên đầy
Mừng cho ông. Mừng cho thơ. Và mừng cho cả chúng ta.
Phạm Xuân Nguyên
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.