Diễm Châu
Tên khai sinh Phạm Văn Rao
Bút danh khác: Võ Hồng Ngự
(1937 Hải Phòng - 2006 Strasbourg)
Hưởng thọ 69 tuổi
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn (ban Anh văn) trước khi sang tu nghiệp ở Hoa Kì về truyền thông.
Trước 1975, làm tổng thư kí tạp chí Trình Bầy
(do Thế Nguyên làm chủ bút).
Sang Pháp năm 1983 và định cư ở Strasbourg.
Từ trần ngày 28.12.2006 tại Strasbourg (Pháp), thọ 69 tuổi.
Tiểu Sử
Diễm Châu (1937-2006) tên thật là Phạm Văn Rao, sinh tại Hải Phòng. Vào Nam năm 1953, ông theo học và tốt nghiệp ĐH Sư phạm Sài Gòn, ra trường dạy Anh văn, từng đi tu nghiệp tại ĐH Indiana, Hoa Kỳ, và có thời gian làm giám đốc một trung tâm sinh ngữ thuộc Viện đại học Sài Gòn.
Sự nghiệp văn học, báo chí và xuất bản của Diễm Châu thời trẻ gắn liền với hoạt động của nhóm trí thức khuynh tả ở miền Nam. Từ năm 1966, cùng với Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Long Vân…, ông ở trong ban chủ trương NXB Trình bầy. Tháng 11-1967, tạp chí Đất nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm ra số đầu tiên, Diễm Châu là một cây bút chủ lực của báo. Năm 1970, khi Đất nước phải đình bản, ê-kíp làm báo này tập hợp quanh tạp chí Trình bầy, với một ban biên tập được mở rộng đa dạng hơn, dưới sự điều hành của chủ nhiệm kiêm chủ bút Thế Nguyên và tổng thư ký Diễm Châu. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã buộc Trình bầy phải tự đóng cửa vào tháng 9-1972. Trong thời gian ấy, Thế Nguyên, Diễm Châu và đồng sự còn xuất bản nhật báo Làm dân, nhưng tờ báo này cũng không tồn tại nổi với lệnh tịch thu liên tục của nhà cầm quyền. Sau đó ông tiếp tục làm báo Đối diện, Đồng dao, Đứng dậy, với bút danh Võ Hồng Ngự, cho đến hết chiến tranh, và từ tháng 8-1975, khi tờ báo Đứng dậy được phép chính thức tục bản, thì Võ Hồng Ngự là thư ký toà soạn cho đến năm 1978.
Là người am hiểu sâu sắc những trào lưu mới của văn học thế giới, Diễm Châu đã chọn dịch sang Việt ngữ những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật: Nhà chung của Ferreira de Castro, Vâng ý cha của Fritz Hochwalder (cùng dịch với Thế Nguyên), Thân phận con người (ấn bản khác: Truyện của một người lãng trí hay Xã hội Kappa) của Akutagawa Ryunosuke, Câu chuyện năm mới của Vladimir Dudintsev, Natasha (Câu chuyện mùa đông) của Abram Tertz, Một cái chết ngoạn mục của Friedrich Duerrenmatt, Con voi của Slawomir Mrozek, Nuôi thù của Oe Kenzaburo… Ông còn là thành viên của Nhóm nghiên cứu Văn hoá quốc tế thuộc NXB Trình bầy, nhóm đã chuyển ngữ Miền đất hung bạo của Jorge Amado, Một vòng hoa cho người cách mạng và Trên đường sấm dậy của Peter Abrahams. Năm 1972, ông khởi xướng thành lập NXB Từ chương với ý định quảng bá những tác phẩm văn học thế giới hiện đại, nhưng do những biến đổi của thời cuộc, dự án đó đã phải dừng lại sau khi ấn hành vài ba dịch phẩm.
Cùng gia đình định cư ở Strasbourg, Pháp, từ năm 1983 cho đến ngày từ trần (28-12-2006), Diễm Châu dành nhiều thời gian và tâm sức để dịch và giới thiệu thơ nước ngoài ra tiếng Việt. Nhờ ông, bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với thơ và tiểu luận văn học của những tên tuổi như Jorge Louis Borges, Antonin Bartusek, Umberto Saba, Ana Blandiana, Rolf Jacobsen, Ted Hughes, Fernando Pessoa, Johannes Bobrowski, Mahmoud Darwich… Đặc biệt, là người nhạy cảm với cái mới, Diễm Châu đã sớm nhận biết những tài năng lớn của văn học thế giới. Ông đã dịch và giới thiệu Oe Kenzaburo 24 năm trước khi nhà văn Nhật này được Giải thưởng Nobel về văn học năm 1994. Gần đây nhất, vào dịp nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Transtroemer được Giải thưởng Nobel về văn học năm 2011, chúng ta mới hay rằng trong khi tên tuổi tác giả này còn xa lạ với nhiều độc giả, thì thơ ông đã được Diễm Châu dịch ra tiếng Việt từ những năm 1980. Đến đầu thế kỷ XXI, Diễm Châu lại hoàn thiện bản dịch 17 bài thơ của Tomas Transtroemer.
Tuy nhiên, sáng tác thơ mới chính là lãnh vực thể hiện rõ nhất con người Diễm Châu. Bạn đọc ngày nay, nếu không sử dụng Internet, thì ít biết về thơ ông vì hầu hết chỉ đăng rải rác trên báo chí ở miền Nam trước 1975 và trong các tập thơ đã tuyệt bản hoặc phổ biến hạn chế: Hạnh hoa, Sáng muôn thu, Việt Nam, Tổ quốc và em, Thơ Diễm Châu, Mười bài ở Paris và những mảnh rời. Thơ Diễm Châu là cảm xúc nồng ấm pha nỗi ngậm ngùi của một lương tâm trí thức đau đáu trước thân phận quê hương và tình yêu qua một bút pháp hài hoà giữa truyền thống và cách tân.
Theo nhà giáo Huỳnh Như Phương
Thơ Diễm Châu
Thơ dịch tác giả khác
thơ
dịch giả Diễm Châu.
Những cánh cửa
Một chiếc xắc tay báu vật,
đôi chút hãi hùng trong mắt,
những sợi tóc uốn lọn hai bên thái dương
thành những chấm hỏi.
Và này đây
buồn bã
và nặng nề
a! đây là nhà nàng.
Không bao giờ
tôi được biết
khu mộ địa chung quanh
và, tạ ơn Trời, tôi đoán thế,
sẽ chẳng bao giờ rành rẽ.
Trước cửa nhà nàng, nơi tôi đưa nàng về,
chúng tôi rời nhau mau lẹ:
một nụ hôn, một cái vuốt ve
nhưng ánh mắt nàng làm tôi khổ sở
ánh mắt ấy vấy một nỗi buồn
tựa như sự sợ hãi.
Tôi không lạ gì cái trò chơi ấy của phụ nữ:
Ta ôm nhau
và ta mơn trớn,
bước qua cánh cửa
là ta quên.
Phải,
những cánh cửa đã làm tôi khôn ra.
Quá thường khi,
ở nơi này nơi kia,
tôi đã bị xúc phạm nặng nề.
Chính bởi thế
mặc dù tôi hoàn toàn không muốn,
bởi không còn tin tưởng vào ai,
trên ngưỡng cửa nhà em
tôi đã bỏ em lại
và nguyền rủa,
nguyền rủa cánh cửa nhà em.
Ký ức tôi trung thực với tôi.
“Anh đừng ngủ quên”, nó bảo.
Trong đôi cánh tay em
em nâng niu chiều chuộng tôi
nhưng em sẽ trở thành người đàn bà nào khác
ngay khi cánh cửa nhà em khép lại?
Những giọt nước mắt
Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
“mi rồi sẽ nuối tiếc
những của cải mất đi mà mi yêu dấu”.
Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
“mi rồi sẽ khóc
khi những người khác rỏ nước mắt”.
Tôi đã thấy chúng những giọt nước mắt này.
Tôi đã thấy mẹ tôi khóc:
bà đứng,
tay buông thõng,
đôi vai mỏng manh
lay động,
và đó là vì lỗi tại tôi.
Cũng như em đã khóc,
em, người yêu dấu của tôi,
khi tôi phóng tới, với đợt khói,
những lời ác nghiệt ngay giữa mặt em,
những lời chua chát và xúc phạm!
Ôi ! lúc ấy em đã ganh với các bạn em biết mấy
và chỉ nhìn tôi cũng đủ làm em đau đớn xiết bao!
Kiêu hãnh,
em đã ngẩng đầu lên
để cầm nước mắt.
Hôm nay tâm hồn tôi kiêu căng mới thật buồn,
tâm hồn tôi đã bị chính sức nặng của mình nghiền nát,
Ấy đó
cái giá thật khủng khiếp
của những giọt nước mắt
mà tôi đã gây nên.
Trò chuyện
Người ta bảo tôi:
-“Anh thật là can đảm.”
Tôi can đảm ?
Nhưng can đảm ở đâu vậy?
Thật đơn giản, tôi cho là bất xứng
chuyện luồn cúi với bọn khiếp nhược.
Tôi chả “san bằng” một điều gì hết.
Thật dơn giản tôi đã chọn làm bia
dối trá và khoa trương.
Tôi chỉ có những bài mình viết làm vũ khí
nhưng không một bài nào là của tên chỉ điểm.
Nếu tôi bênh vực người có thực tài,
bêu diếu bọn văn nhân giả mạo,
ấy chẳng phải một nghĩa vụ tầm thường sao?
A! hãy chấm dứt cái chuyện tôi can đảm!
Tôi nghĩ tới sự hổ thẹn
của con cháu chúng ta,
khi, thanh toán điều xấu xa, ô nhục,
chúng sẽ nhớ tới
cái thời buổi lạ lùng này
khi sự ngay thẳng bình thường nhất
được gọi là can đảm.
(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)
Diễm Châu - Những bài thơ ngày cũ
Huỳnh Như Phương
Nhà thơ, dịch giả Diễm Châu (1937 - 2006) là một trong những nghệ sĩ tài hoa lặng lẽ nhất ở miền Nam những năm chiến tranh.
Diễm Châu tên thật là Phạm Văn Rao, sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Vào Nam năm 1953, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ra trường dạy Anh văn, từng đi tu nghiệp tại Đại học Indiana, Hoa Kỳ, và có thời gian làm giám đốc một trung tâm sinh ngữ thuộc Viện đại học Sài Gòn.
Sự nghiệp văn học, báo chí và xuất bản của Diễm Châu thời trẻ gắn liền với hoạt động của nhóm trí thức khuynh tả ở miền Nam. Từ năm 1966, cùng với Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Long Vân…, ông ở trong ban chủ trương Nhà xuất bản Trình Bầy. Tháng 11-1967, tạp chí Đất Nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm ra số đầu tiên, Diễm Châu là một cây bút chủ lực của báo. Năm 1970, khi Đất Nước phải đình bản, ê-kíp làm báo này tập hợp quanh tạp chí Trình Bầy, với một ban biên tập được mở rộng đa dạng hơn. Dưới sự điều hành của chủ nhiệm kiêm chủ bút Thế Nguyên và tổng thư ký Diễm Châu, có thể nói Trình Bầy là một trong những tờ tạp chí giàu chất trí thức và có khuynh hướng xã hội rõ rệt nhất ở Sài Gòn thời kỳ đó. Nhưng tuổi đời của Trình Bầy không dài hơn tuổi đời của Đất Nước: sau 42 số báo, sắc luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, với những biện pháp khắc nghiệt đối với báo chí, đã buộc Trình Bầy phải tự đóng cửa vào tháng 9-1972. Trong thời gian ấy, Thế Nguyên, Diễm Châu và đồng sự còn xuất bản nhật báo Làm Dân, nhưng tờ báo này cũng không tồn tại nổi với lệnh tịch thu liên tục của nhà cầm quyền.
Cùng số phận với Trình Bầy, nhưng tạp chí Đối Diện tìm cách kháng cự lại bằng cách đổi tên là Đồng Dao rồi Đứng Dậy, in ronéotypé và phát hành bất hợp pháp. Diễm Châu – với bút danh Võ Hồng Ngự – cùng Thế Nguyên cộng tác với Đứng Dậy cho đến hết chiến tranh, và từ tháng 8-1975, khi tờ báo này được phép chính thức tục bản, thì Võ Hồng Ngự là thư ký toà soạn cho đến năm 1978, khi Đứng Dậy “hoàn thành nhiệm vụ”.
Là một nhà bình luận thời sự sắc sảo, đầu những năm 1970, Diễm Châu - Võ Hồng Ngự đã viết một loạt bài vạch trần tội ác và những tàn phá về sinh thái của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, tố cáo những nanh vuốt của các chế độ độc tài lúc đó ở Braxin, Hy Lạp, Cộng hoà Dominique… Ông đã cộng tác với Thế Nguyên và Đoàn Tường để biên soạn một tập tài liệu công phu về những sự kiện lịch sử liên quan đến chiến tranh Đông Dương 1945-1973 (Đối Diệnấn hành, tháng 5-1973).
Là người am hiểu sâu sắc những trào lưu mới của văn học thế giới, Diễm Châu đã chọn dịch sang Việt ngữ những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật: Nhà chung của Ferreira de Castro, Vâng ý cha của Fritz Hochwalder (cùng dịch với Thế Nguyên), Thân phận con người (ấn bản khác:Truyện của một người lãng trí hayXã hội Kappa) của Akutagawa Ryunosuke,Câu chuyện năm mới của Vladimir Dudintsev, Natasha (Câu chuyện mùa đông) của Abram Tertz, Một cái chết ngoạn mục của Friedrich Duerrenmatt,Con voi của Slawomir Mrozek, Nuôi thù của Oe Kenzaburo… Ông còn là thành viên của Nhóm nghiên cứu văn hoá quốc tế thuộc Nhà xuất bản Trình Bầy, nhóm đã chuyển ngữ Miền đất hung bạo của Jorge Amado, Một vòng hoa cho người cách mạng và Trên đường sấm dậy của Peter Abrahams. Sau thất bại của ê-kíp Trình Bầy, năm 1972 ông khởi xướng thành lập nhà xuất bản Từ Chương với ý định quảng bá những tác phẩm văn học thế giới hiện đại, nhưng do những biến đổi của thời cuộc, dự án đó đã phải dừng lại sau khi ấn hành vài ba dịch phẩm.
Cùng gia đình định cư ở Strasbourg, Pháp quốc, từ năm 1983 cho đến ngày từ trần (28-12-2006), Diễm Châu dành nhiều thời gian và tâm sức để dịch và giới thiệu thơ nước ngoài ra tiếng Việt. Nhờ ông, bạn đọc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với thơ và tiểu luận văn học của những tên tuổi như Jorge Louis Borges, Antonin Bartusek, Umberto Saba, Ana Blandiana, Rolf Jacobsen, Ted Hughes, Fernando Pessoa, Johannes Bobrowski, Mahmoud Darwich… Đặc biệt, là người nhạy cảm với cái mới, Diễm Châu đã sớm nhận biết những tài năng lớn của văn học thế giới: ông đã dịch và giới thiệu Oe Kenzaburo 24 năm trước khi nhà văn Nhật này được Giải thưởng Nobel về văn học năm 1994. Gần đây nhất, vào dịp nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Transtroemer được Giải thưởng Nobel về văn học năm 2011, chúng ta mới hay rằng trong khi tên tuổi tác giả này còn xa lạ với nhiều độc giả, thì thơ ông đã được Diễm Châu dịch ra tiếng Việt từ những năm 1980. Đến đầu thế kỷ XXI, Diễm Châu lại hoàn thiện bản dịch 17 bài thơ của Tomas Transtroemer.
Tuy nhiên, sáng tác thơ mới chính là lãnh vực thể hiện rõ nhất con người Diễm Châu. Bạn đọc ngày nay, nếu không sử dụng internet, thì ít biết về thơ ông vì hầu hết chỉ đăng rải rác trên báo chí ở miền Nam trước 1975 và trong các tập thơ đã tuyệt bảnhoặc phổ biến hạn chế:Hạnh hoa; Sáng muôn thu;Việt Nam, Tổ quốc và em; Thơ Diễm Châu; Mười bài ở Paris và những mảnh rời. Thơ Diễm Châu là cảm xúc nồng ấm pha nỗi ngậm ngùi của một lương tâm trí thức đau đáu trước thân phận quê hương và tình yêu qua một bút pháp hài hoà giữa truyền thống và cách tân. Nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà thơ, dịch giả Diễm Châu, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai bài thơ của ông.
NHƯ MỘT ĐƯỜNG DÂY HÚT GIÓ
tặng Ngô Kha
Từ biển cả mênh mang với những cánh đồng cát trắng
tôi trở về thành phố ngủ yên
buổi chiều thức dậy trong khe núi
đá khô chờ giọt mưa rưng rưng
ôi quê hương của một dòng sông
với những triền ngô tỏa mềm ánh sáng
những con đò đan những vết thương
lên mình nước dàn đi
những mảnh đời rách nát
tôi trở về để nhìn tôi thiêu thân
và nhìn em đội vòng gai hận thù rướm máu
những ngọn đuốc năm xưa thắp màu hỏa hoàng lên áo ấy
và chiều buồn ru mình vào tiếng ve
những cánh dơi bay về cổ thành
và em làm giọt mưa lăn xuống má
ấy thương yêu gầy trong vành nón
và khổ đau lay từng gót chân nai.
một buổi mai tôi tung tăng ngoài lộ
như bóng mây hồng còn đợi nắng phất phơ
tôi ngửa mặt đón làn sương mai
từ mẩu tre ngà khum vòng tay gió biếc
em lặng lờ như tiếng hát
trong vườn cây vả đã đơm bông
tôi níu chùm hoa dâng một ngày đã mất
và hương hoa làm ngây ngất hồn tôi
tôi đưa tinh tú về bên dẫy núi
đón tay em từng ngón vuốt ve
và thảm cỏ thở mùi tóc trầm
và viền môi quyện áng mây đưa
tôi ngửa mặt nhìn tôi trong ánh mắt
thấy em về trong cánh bướm hư vô.
vào trong ngõ lá thuôn xác xơ màu tưởng niệm
tôi lạc mất tôi trong thành phố và em
khi những bước đi của loài rắn quanh co
còn vần vi bên trái táo
những vết chân của loài rất độc
còn cày sâu trên vừng trán dòng sông
những bụi cỏ lấp dần tiếng hót
của loài chim mang định mệnh trong hồn
tôi ngỡ ngàng đuổi theo em như một đường dây hút gió...
Huế, 1969
DIỄM CHÂU
(Tạp chí Đất Nước số 14, tháng 10-1969)
PHÚN THẠCH CỦA MÙA XUÂN KHẢI HUYỀN
Trên cánh tay mỏi mệt
trên nét mặt buồn thiu
trên chiếc áo sơ-mi nhàu nát
trên đôi giày gót vẹt
trên đôi vai xiêu xiêu chĩu đổ
trên trái tim mười bốn chặng đường khổ nạn
trên vừng trán tầm tã mồ hôi của cơn sốt xuất huyết
trên đôi môi héo khô của mật đắng giấm chua
mùa xuân trở về như lưỡi đòng đâm suốt bên người
những bông hoa đỏ thắm một ngọn đồi trọc.
mùa xuân trở về với tiếng gà eo óc ở thôn xưa
với người lính già bần thần chối bỏ bình yên
với tình yêu run rẩy
trong ánh sáng xanh xao của đức tin hèn mọn
mùa xuân trở về với ba mươi chín lằn roi
với mão gai làm triều thiên cho người khốn khổ
với áo đỏ bết máu với cây sậy quyền uy
mùa xuân trở về với bảy mươi bảy lần sấp ngã
với những tảng đá loang máu người vô tội
với con đường bụi bặm dốc cao
với cánh đồng trống trơn lỗ chỗ những hố bom
rừng lớp lớp bày ra cảnh đìu hiu cách lạ:
những thân cây làm thập tự giữa trời.
mùa xuân trở về với bầy thú săn đuổi con người
với tiếng reo hò của loài kên kên đói khát
năm mươi vì sao giữa một nền trời gạch mặt quay cuồng
năm mươi cánh tay bạch tuộc
chụp bắt
giằng xé
hỏa thiêu
phún thạch đã khô trong ống điếu của nhà trí thức
ở phòng bột đen của hãng Pin lớn người công nhân không tìm thấy ánh sáng
những con chuột chũi mãi đi trong bóng tối sự chết
trên lề đường nhân ái Chúa bị quăng ra
mùa xuân xối nước rửa tay
tiếng hò reo của bầy kên kên
bầy kên kên
bầy kên kên.
DIỄM CHÂU
(Tạp chí Trình Bầy số 36 & 37, Xuân Nhâm Tý, tháng 02-1972)
Nguồn: Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
............................
(*) Huỳnh Như Phương: GS-TS. Trường Đại học Khoa học XH&NV TP. Hồ Chí Minh.
Chiều xuân lạnh đọc thơ Diễm Châu
dịch giả
Xuân nhất định không chịu nghe tháng Ba dỗ dành quay trở lại: gió vẫn buốt, chân trời xanh nhợt nhạt, những hạt băng nhỏ xíu chui vào da thịt rét căm căm…
Làm gì với cảm giác tê dại này?
Thơ thẩn giở thơ văn Ăn Mày Văn Chương tìm hơi thở ấm…
Tìm ra Chân Phương thân thuộc - lãng tử giới thiệu một bài thơ của Diễm Châu tặng chàng giữa thập niên 80 xáo trộn dải đất S.
Tôi đọc. Buốt giá. Bởi cảm giác cay đắng và đau đớn.
Chết rồi- Lãng tử ơi! sao xúc cảm này quen thuộc quá?
Tôi lặng lẽ mở dần từng bài thơ của Diễm Châu. Đọc chậm rãi.
Cảm giác tức ngực, nghẹn thở, không nghe thấy tiếng động gì bên tai, không chú ý đến bất kỳ cái gì xung quanh nữa.
Chỉ trở lại với chính mình- cảm giác chính mình duy nhất. Và những cảnh tượng hiện thực hiển hiện trong liên tưởng suy tư…
Thi sĩ ơi! Diễm Châu! anh đã làm gì với những chữ cái tiếng Việt? Sao chữ lại có trọng lượng nặng đến thế, miêu tả sửng sốt ngày hôm qua của đất Việt, một giai đoạn sống hãi hùng chưa thể xếp vào ngôi quá khứ đã được nhận thức đầy đủ.
Đây là giấc ác mộng chiến tranh,
nơi, con người là những vành khăn tang trắng đẫm nước mắt, rớt bên huyệt và thì thào cùng gió:
VN, ta thù ghét mi nhưng vẫn không quên những con đường của mi
trong buổi chiều nắng tàn lúc hàng dừa xõa tóc
VN, trong bước lưu đày ta nhớ hàng phượng rợp bóng
ta nhớ sân trường tiếng ve kêu ran và cơn mưa ngã phiêu phiêu
cơn mưa bay à à trên đường đẩy xuống lòng cống rãnh
những mảnh đời dang dở những mối tình vô vọng những ước mơ mọn hèn
VN, ta thù ghét mi khi mi thả lũ con rừng rú xuống đồng bằng
ta thù ghét mi khi mi xua đuổi những nạn nhân hiền hòa ra biển
VN, sao mi đẩy ra xa những xác người giạt về quanh quẩn bên mi?
VN, mi có nghe tiếng thét kinh hoàng đêm đêm?
VN, ta đã gặp lại người ta yêu trong một đêm giông bão
trên con thuyền không người, người ta yêu tóc rũ
người ta yêu quỳ xuống ôm lấy ta, vuốt tóc
người ta yêu giọt nước mắt long lanh
người ta yêu đôi cánh tay gầy guộc
người ta yêu trần truồng như một loài thú
VN, chính người ta yêu đã khép mắt cho ta chứ không phải mi
Trong phút chốc những cuốn phim thế giới cứ thuyết minh đi thuyết minh lại về chiến tranh Vietnam bỗng hiện về trong óc: những con đường quốc lộ hoảng loạn dòng người rách rưới , những súng, đạn, xe nhớn nhác tháo chạy…
quê hương, quê hương - những chiều, những sáng, những đêm đã từng có thật.
những sự thật không được báo trước trong giấc mộng chuyển dời của đất nước con rồng cháu tiên:
VN, những ngày ở thành phố HCM ta là một con chó
ta chạy trên những đường rày cong queo bên những toa tàu đổ
ta làm kế hoạch lớn cho mi bằng cách lượm nước mắt khô và gói ghém những nỗi niềm thương nhớ
VN, bạn bè ta thất tán tứ phương
đứa bị thủ tiêu trên đường Cửa Thuận
đứa bặt tin từ Vĩnh Phú, Sơn La
đứa ngồi giảng đạo ở Hỏa Lò Hà Nội
đứa tuốt tranh ngoài Phú Giáo – Đồng Xoài
đứa ngược Buôn Hồ đứa xuôi Thái Mỹ
đứa tiếp tục đạp xe vào thành phố buổi sáng
đứa chơi vơi một cõi mù sương..
VN, ta đã cõng một đảng viên già bị phản bội sau khi đánh ngã y bằng đế Gò Đen
Ta tiếc thương cho một kẻ khùng điên suốt ngày mơ ước một anh Đặng Tiểu Bình
VN, ta còn ở Rạch Giá xác một người bạn khác
VN, mẹ cha ta không còn mồ mả
lũ anh em ta bây giờ xất bất xang bang
lũ cháu ta lúc này đạp xích-lô ghiền ma túy và chết cho Heng Xomrin
VN, hơn 100 tên đồ tể của mi ngồi cãi lộn với nhau về chế độ bao cấp
Trong lúc người ta yêu bỏ xác ngoài biển khơi
VN, mi thật là khốn nạn khi sinh ra ta đồng thời với bọn người ngựa
những tên bán Chúa phản thầy hạng cú diều độc địa
VN, ta không còn ai để thở than những buổi tối buồn
VN, những ngày cúp điện những đêm xét hộ khẩu mi ở đâu?
mi còn nhớ dòng sông với những con đò buôn người chi chit như lá tre?
mi còn nhớ khu vườn khoảng khoát sau vương cung thánh đường Sài-gòn nơi những thằng hề phương bắc công khai làm tình với gái đĩ miền nam?
VN, mi còn chiếu phim con heo cho thủy thủ Liên Sô ở kho 5?
bọn lính tàu bay nước ngoài ở khách sạn Độc Lập Tự Do của mi mỗi ngày dội nước dơ mấy lần xuống đám học trò trẻ nít?
VN, mỗi ngày mi nướng bao nhiêu mạng người?
VN, mi làm cách mạng sao dám nói dối?
VN, mồ cha những thằng công an khu vực của mi
VN, mỗi ngày mi tra tấn bao nhiêu người vô tội ở Phan Đăng Lưu, Đại Lợi?
VN, chừng nào mi mở khách sạn Hilton để bỏ tù thế giới?
sao mi đào thêm mãi những con kinh nước mắt làm cạn nguồn sống của nông dân?
VN, mi đã cướp của ta 8 năm trời đẹp nhất
mi đã cắm vào sọ ta cái chùa Một Cột của mi với bọn lãnh đạo ngồi trên
VN, ta xuất huyết từng giờ và mi vẫn thản nhiên ngồi vỗ béo lũ rệp
mi phủ báo Nhân Dân lên những mưu mô thâm hiểm của mi
mi phất cờ Giải Phóng trên mỗi đồng tiền công trái
những đồng tiền thắt họng những đồng tiền siết máu
mi giết những cụ già ám hại trẻ thơ và chia rẽ những người tình trong trắng
(Việt nam, Tổ quốc và Em)
Tôi trân trân nhớ tới những trang sách viết về châu Âu sau chiến tranh thế giới: có ký ức nào dám bịa đặt và bịa đặt nổi những nỗi đau?
không phải nỗi đau tàn phá của bom đạn mà là nỗi kinh hoàng trước những khoảnh khắc nhân tính bị hủy diệt. Bằng những hiện thực trơ trụi và điên đảo không thể nào tin nổi, chỉ để người đời sau rút ra những bài học tiêu hủy chất người đẫm máu của lịch sử mà thôi, bởi trong thực tế, con người bất lực trước cái ác.
Ôi con người! từ bao giờ những khát máu bản năng thuần chuyển thành phút buông tay bất lực trước nhân tính suy đồi?
Thêm bao nhiêu giọt nước mắt và những vành tang cho loạn lạc chiến tranh? Để những âm thầm thế hệ gạt nước mắt đau xót mai ngày, khi đọc lại trang sử ấu thơ của mình…
Tôi nhớ đến những trang sách châu Âu viết về những xã hội người thời hậu chiến : khuôn mặt giãy giụa ác độc cuối cùng của chiến tranh ở quốc gia nào cũng thế, hậu quả sau cùng của chiến tranh người dân ở đất nước nào cũng lãnh đủ như thế. Đấy là lòng hận, sự trả thù, nỗi cuồng tín mê muội và hân hoan của bạo lực khi không đồng hóa nổi thế giới con người với những lực lượng đen tối nhất luôn lẩn quất trong chính tâm linh con người.
Ai hiểu ra điều này, người đó buồn và đau đớn.
Đấy là khi thi sĩ đào huyệt chôn nỗi đau riêng tư bằng ngọn bút.
Đọc thơ Diễm Châu, ta muốn khóc:
Em yêu dấu
mỗi ngày anh viết một tờ thư
những lá thư chồng chất
không người nhận
mỗi ngày anh vẽ một con tem
mang hình một người bạn
những người bạn không còn nữa
mỗi ngày anh trút hơi thở lên trang giấy
hơi thở đóng băng
mỗi ngày anh nắn nót từng dòng chữ
dòng chữ hóa đá
anh đằm mình trong bụm cỏ
gặm nhấm ngày qua như một cọng rác
anh lau mặt bằng tình thương mòn mỏi
gạt những sợi tóc bạc dần..
mỗi ngày
tia nắng đầu tiên nhỏ một giọt lệ
anh lại viết một tờ thư.
9. 1984( Mỗi ngày)
muốn khóc không vì nỗi bất lực hay sự tủi thân nào mà bởi lý do cực kỳ đơn giản: ta quá buồn! đời quá buồn!
Chân Phương đã vượt lên nỗi buồn này bằng giọng cười ngạo nghễ. Tôi tưởng nhìn thấy lãng tử mến yêu của tôi đốt thuốc lập lòe bên Diễm Châu trầm ngâm lặng lẽ. Thời gian đau đã biến những thi sĩ của thời đại thành chứng nhân lịch sử bắt buộc:
hãy cám ơn người họa sĩ thiên tài đã bôi đen giấc mơ anh
hãy cám ơn người đàn bà có đuôi mắt hình mũi tên đã biến anh thành thi sĩ
từng ngày từng ngày những giọt cường toan
khắc lên mình chúng ta những hình thù quái dị
khi cuộc tình bùng cháy giữa bình minh
(GỬI PHƯƠNG SINH- Diễm Châu)
Nếu Chân Phương đã biến thành khói thuốc len lỏi qua các vách ngục tù của bóng tối bay lên trời xanh, thì Diễm Châu không thể rời bỏ được trần gian ngạt ngột, bởi Diễm Châu đã biến thành những giọt mồ hôi chua chát rỏ thấm xuống đất đen.
Thơ Diễm Châu là sự quánh đọng của những khoảnh khắc trầm ngâm nhìn thấu suốt sự vật. Bởi vậy ngôn từ thơ Diễm Châu nặng trĩu- như chất liệu đã tinh ròng thành vàng của thời gian sống được thử thách trong một đời người- bởi vậy hồn vía ta bị thu hút mặc nhiên, khi đọc những bài thơ rứt gan ruột của Diễm Châu.
Diễm Châu rỏ máu tim khi rung chuyển cơn khóc đau câm nín:
TỰ DO
nhớ Thế Nguyên
Khi người nghệ sĩ bản địa múa ballet trên chiếc xe cọc cạch
kẻ thiên tài từ paris về giương ống kính
thâu hình một bóng ma
ôi tự do
mi đã cho anh trương chi đỏ những đồng francs yêu nước
mi đoàn kết những chuyến bay việt kiều đầy ắp
những món hàng thâu lợi gấp trăm
mi đã cho bạn bè ta mùi vị mật ong
ảo tưởng thiên đường hé mở
buổi chiều carnaval mi đeo mặt nạ
cột vào lưng ta chiếc pháo thăng thiên
từ chin tầng trời cao ngất
ta ngó nghiêng như cánh diều ác độc
nhìn quê hương quay theo vòng bánh xe
người nghệ sĩ múa ballet đầu cúi
xuống trái tim – nấm mộ
ôi tự do
mi cười như một con rối.
Tiếng Việt của Diễm Châu như kẻ vật lộn với nỗi đau và vẻ đẹp của những điệp khúc thời gian bị thử thách - thứ tiếng Việt lộn nhào trong từng tế bào tinh tế thưởng thức những niềm vui đang mất đi:
NGƯỜI LÀM VƯỜN VÀ BÔNG HOA
Tôi, người làm vườn và bông hoa
Không đơn chiếc trong nhà tù thế giới...
O. E. MANDELSTAM
Khi chuyến xe buýt uể oải cuốn đi sợi cuối cùng của gió
ta chỉ còn một không gian thủy tinh
ở đấy nắng chảy xuống thành luồng như đổ lửa
và lá cỏ vươn dài như những lưỡi gươm xanh
buổi sáng đàn quạ kêu vang như lệnh vỡ
ta bước ra vườn em còn mặc áo già lam
trưa về ta ngồi sau song cửa
ai đã thay màu rực rỡ cho em?
ở chốn địa đàng ta không phải người tù duy nhất
trót đưa chân nên quanh quẩn với người
ta lục tìm trái tim với nỗi sầu chất ngất
kết cho đời một tràng chuỗi tinh khôi..
những lá cỏ cao dần theo con nắng
những lá cỏ phủ kín mình hoa
ta chỉ còn một vạt màu của biển
và kỷ niệm một khoảnh khắc tình ta.
11. 7. 1984
Sao lại có một bài thơ đẹp đến đớn đau như thế:
buổi sáng đàn quạ kêu vang như lệnh vỡ
ta bước ra vườn em còn mặc áo già lam
trưa về ta ngồi sau song cửa
ai đã thay màu rực rỡ cho em?
Chỉ một kẻ tuyệt vọng yêu cuộc đời này mới có thể hiểu vực thẳm của chia ly:
những lá cỏ cao dần theo con nắng
những lá cỏ phủ kín mình hoa
ta chỉ còn một vạt màu của biển
và kỷ niệm một khoảnh khắc tình ta.
Buồn quá, Diễm Châu ơi, kẻ xa quê day dứt!
Nhiều khi tôi trầm ngâm suy nghĩ, đọc rất nhiều thơ văn, cảm nhận rất nhiều cung bậc cảm xúc mà vẫn không thể nào tự đặt mình vào tâm sự của những người Việt xứ Nam. Bởi tôi là dân Bắc- và cuộc chiến của tôi là cuộc chiến của dân Bắc.
Đấy cũng là một thao thức đau không chia xẻ nổi với nhau của quê hương tôi trong thời đại này. Con người chỉ còn đọng lại sự tỉnh táo, niềm xúc cảm sâu thẳm cùng sự bất lực chấp nhận- những gì đã diễn ra trong biển nước mắt chịu đựng giữa những kẻ cùng giống nòi.
Dường như tiếng thở dài của các thi sĩ phương Nam trên đất Việt đậm đặc màu sắc và phong phú tâm trạng hơn các thi sĩ Bắc? hay chỉ là cảm tính đánh giá của tôi khi đọc thơ Diễm Châu và Chân Phương?
nhưng rõ ràng tôi yêu mến những vần thơ đầy màu sắc – như thể chân trời chỉ đẹp khác lạ khi cầu vồng bảy sắc hiện ra như thế:
CHO TÔI UỐNG
Hãy cho tôi uống, tôi không khát
ÁLVARO DE CAMPOS
Dưới đáy chiếc ly có một vòng tròn
vòng đáy của chiếc ly
vòng vàng
óng ánh
bên trên là những mùa giông bão
những bắp thịt của sóng
dòng cuồng lưu
bên trên nữa là những cành rong
môi san hô
nắng mới pha màu hổ phách
chiếc giường lông chim ảo ảnh
khát vọng sủi tăm
bên trên nữa là mặt hồ thầm lặng
những vườn nho soi bóng êm đềm
mắt biếc nằm trên tay
ôi vòng mắt chim khuyên
chiếc nhẫn của con gi sừng..
hãy cho tôi uống...
Có một nét gì đó mênh mang trong những màu sắc suy tư kiểu phương Nam này- có lẽ đấy là dấu ấn pha tạp các nền văn hóa của những con người quen tự do?
Tôi cho rằng mình đọc thơ Diễm Châu quá ít, chưa đủ để khám phá sắc màu thi sĩ toàn diện của anh. Thậm chí tôi còn chưa có điều kiện đọc mảng thơ dịch đồ sộ của Diễm Châu, trong đó chắc chắn chứa những mảnh thiên tài lấp lánh của một người dịch biết sáng tác.
Nhưng từ những gì đã đọc được của Diễm Châu trên trang web Ăn Mày Văn Chương đủ để ta tự nhủ:
Diễm Châu là một trong những nhà thơ Việt đặc biệt, rất cần đọc ngày hôm nay.
Nguyễn Hồng Nhung
(2010.03.09)
Diễm Châu
(1937-2006)
Của chuột và người
Đêm qua tôi viết một lá thư
bày tỏ nỗi lo ngại
rằng một ngày kia
những lá thư của một nhà thơ
sẽ không còn tới nữa...
Trong đêm chỉ có hơi lạnh lùa vào
qua khe cửa hé mở
ánh đèn khuya soi không tỏ hạt mưa rơi
có lẽ ở một lòng cống
nước vẫn trôi
có lẽ những con chuột khoác áo tơi màu xám
đã ngơ ngác
ngừng lại một giây:
đêm nay trên hàng lan-can quen thuộc
không cón ánh mắt rầu buồn
không còn người thi sĩ
lặng nhìn đàn chuột
đêm nay người ở đâu có biết
đàn chuột chỉ có đó
vì người!
Đêm nay những hàng chữ lắt nhắt
lại tiếp tục leo dây
lại tiếp tục mò mẫm rình chờ ánh mắt
của ai đó người có biết
đêm nay đêm nay chuột và chữ
lại lang thang
tìm người -
ánh mắt người thi sĩ
gọi
những con chuột lắt nhắt trong đêm!
Strasbourg (Lộ Trấn), Pháp - 10/2004
D.C
Dịch giả Diễm Châu: "Thơ không có quyền bán"
Hơn 40 năm qua, Diễm Châu bền bỉ dịch hàng nghìn tác phẩm của nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới ra tiếng Việt: Jacques Prevert, Jaroslav Seifert, Vladimir Holan, Blaise Cendrars, Ernesto Cardenal, Rolf Jacobsen, Dan Pagis...
Dịch giả Diễm Châu.
- Vì đâu ông có tình yêu thơ bền bỉ đến vậy?
- Đơn giản thôi, tôi cũng làm thơ, nên phải biết người khác làm thơ ra sao và về vấn đề gì. Những lúc buồn, tôi đọc, có hứng thì dịch. Tác phẩm nào mình thích thì dịch thử, rồi in lại bằng tiếng Việt, khi đọc lại thú vị, dễ nhớ hơn. Chứ còn nguyên bản thì nhiều thứ tiếng làm sao mình nhớ hết được.
- Đến giờ ông đã dịch được bao nhiêu bài thơ?
- Có người hỏi tôi đã dịch bao nhiêu bài thơ, tôi không dám nói lếu láo trước những câu hỏi nghiêm trang như vậy. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng số thơ tôi dịch đã đăng trên Internet có lẽ tới hơn 2.000 bài.
- Như vậy ông có thể sống thoải mái bằng nghề dịch?
- Không, tôi là người dịch không chuyên. Ở nước ngoài nếu dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh, Pháp, tìm được mối thì có thể kiếm ăn được. Còn tôi chỉ dịch thơ ngoại ra tiếng Việt thì không bán được cho ai, kể cả cho những người Việt ở nước ngoài. Hơn nữa mình chọn thơ dịch không hợp gu các vị đó. Tôi nghĩ cái gì bạn bè tôi ở trong nước cần mà mình dịch được thì tôi dịch. Tôi tự làm từ A đến Z, mỗi lần in 50-70 cuốn, người ta quan tâm gửi thư mua nhưng tôi chỉ biếu thôi. Tôi chủ trương thơ không có quyền bán.
- Ông gặp những khó khăn gì về vấn đề bản quyền?
- Tôi biết VN mới gia nhập công ước Berne, nên vấn đề bản quyền đặt ra khá nặng. Nó khiến dịch giả của ta chùn tay, phải nghĩ vài lần trước khi dịch tác phẩm mình yêu thích. Rất nhiều nhà thơ trên thế giới là bạn của tôi, biết tôi không bán thơ, nên họ không quan tâm đến vấn đề bản quyền. Nhưng cũng có nhiều cú đau đớn lắm.
Có lần tôi dịch thơ của một nhà thơ lớn người Nauy. Biết chuyện, một nhà thơ trẻ ở NXB Na Uy - nơi nắm giữ bản quyền của nhà thơ kia - đe dọa tôi ngay lập tức bằng cách: "Nếu ông dịch cho tôi mấy tập thơ, thì tôi xí xóa tội dịch nhà thơ lớn kia”. Tôi từ chối và nói: "Tôi chỉ dịch những người tôi thích, còn anh muốn làm gì thì cứ làm". Nhưng sau bạn bè của tôi tìm cách xuất bản cho anh ta một tập thơ bằng tiếng Pháp. Anh ta cũng nguôi ngoai. Những nhà thơ trẻ thường ham tiền bạc, ham danh tiếng và cứ đòi người khác phải đọc thơ mình. Còn Paul Celan lại nói: "Thơ là sự giãi bày chứ không phải là áp đặt".
- Ông có kỷ niệm vui nào đáng nhớ khi tiếp xúc với nhiều nhà thơ lớn của thế giới?
- Đôi khi chỉ thư từ qua lại đã là vinh hạnh. Khi dịch Wislawa Szymborska (nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel văn học 1996), tôi có nói với các dịch giả Ba Lan: "Bà Szymborska này cũng lạ thật, có mỗi một bài thơ của bà mà các ông có tới 50 bản dịch". Sau đó thông qua Lãnh sự quán Ba Lan ở Pháp, Szymborska gửi tặng tôi một bông hồng tươi, rất to, rất đẹp.
Thế nhưng có khi được bạn bè lăng xê thì mình lại buồn. Khi tôi dịch tập Người chăn giữ đàn thú của Fernando Pessoa, một anh bạn nhà báo viết bài lớn để quảng bá. Thành thực tôi hơi buồn, vì báo chí vẫn tìm cách biến việc làm đơn giản, kiên trì của mình thành chuyện hồi hộp, thời sự. Tôi dịch thơ Bồ Đào Nha là cách tri ân công lao các cha cố của họ trước đây đã lập nên hệ thống chữ ABC cho mình.
- Ông nghĩ sao về thơ Việt Nam?
- Ở đâu cũng có nhà thơ, nhà văn viết hay. Nhưng hình như tự chúng ta rẻ rúng, rồi gièm pha lẫn nhau, rút cuộc ra nước ngoài chẳng còn gì nữa. Ngay cả ở Pháp tuyển thơ VN dịch ra cũng dừng lại ở thời tiền chiến, ví dụ như Hàn Mạc Tử. Còn thơ đương đại, có một vài bản dịch lẻ tẻ, đôi khi vì quen biết nhau mà dịch, nên không phản ánh chính xác bộ mặt văn chương của ta.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Diễm Châu, Chân Phương, Phan Nguyên, Trần Vũ
Savigny Le Temple Paris
chữ N lớn nằm trên những bức tranh nhỏ
những đường gờ trồi lên rối rắm tháo tung và đọng lại thành những vết máu
màu trắng màu hoàng thổ chế ngự một nền ngôn ngữ thẫm, vạm vỡ
nói cùng những chậu cây lùn đang quằn quại –
sự sống là muôn thuở
tặng họa sĩ Phan Nguyên
1995
SUEÑO
Nếu tôi không phải ăn
tôi sẽ mất mùi vị
nếu tôi không phải ngủ tôi sẽ mất những giấc mơ
nếu tôi không phải đi đứng
tôi sẽ mau chóng trở thành cổ thụ
(rồi chim chóc rồi gió
rồi mùa thu mùa đông)
nếu tôi không phải nói năng
tôi sẽ không còn được ngỏ những lời âu yếm
nếu tôi không phải viết lách
ai sẽ trông chờ những lá thư cho tôi
nếu tôi không phải yêu
nếu tôi không phải yêu
có lẽ tôi sẽ chẳng cần tới viết lách nói năng
cũng chẳng cần tới đi đứng ăn ngủ
và như thế tôi sẽ chẳng còn mùi vị của những giấc mơ
sẽ trở thành sóng bạc đầu của biển trầm lặng
nhưng tại sao yêu hay không yêu
tôi vẫn mất ngủ
hay là giấc ngủ
không hẳn là giấc mơ *
(1993)
Ngày mai
những con ốc sên mi nuốt trong vườn
sẽ trở lại đất
và mi
kẻ âm thầm đãi bụi
từ ngọn núi ngai vua
mi sẽ rời xa những lâu đài nhã tập
đem theo một thìa bóng
và bông mộc lan duy nhất còn lại ở một khu vườn của paris
gửi PKK., PN., và anh chị ĐMT.
1995
Dịu dàng & hối hả những người đàn bà nai nịt những nụ cười dọn bữa ăn trên cỏ
những bàn tay gọn gàng nâng ly rượu mừng ánh sáng ngoại ô một ngày tháng tám
hối hả & dịu dàng
những nụ cười tiễn biệt
lát phẳng những con đường đã bắt đầu phân cách
(DC)
1995
Gửi PKK, PN và anh chị DMT
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.