Nguyễn Hữu Hồng Minh
(1972 - .....) Đà Nẵng
Nhà văn, Nhà thơ, Nhạc sĩ
Thi sĩ, níu những sợi linh hồn bay ...
Sài gòn, chiều cuối năm
Sài gòn, chiều cuối năm
10.12.2020
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng, nguyên quán Quảng Bình. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm văn học đã xuất bản
1
(thơ 1999)
2
(tập truyện 2000).
3
Chất trụ
(thơ 2002)
4
(thơ 2003)
5
(tập truyện 2011)
6
Người Ăn Bóng
Một số ca khúc sáng tác:
(thơ Văn Cao)
(thơ Võ Kim Ngân)
(thơ Nguyễn Văn Hải)
.....
Giải thưởng: Đã từng được nhiều giải thưởng văn học về thơ và truyện ngắn của các các báo, tạp chí: Tiền Phong (1990), Tuổi Trẻ (1996), Sông Hương (2003) ....
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Mê đắm từng giai điệu
Nguyễn Ngọc Hạnh
Sau văn học là âm nhạc. Và chưa biết rồi đây con đường phía trước của Nguyễn Hữu Hồng Minh sẽ là gì? Bởi với con người này, trong địa hạt nghệ thuật, luôn là sự mê đắm và khai phá.
Nguyễn Hữu Hồng Minh
1. Có không ít nhà thơ nổi tiếng đã để lại cho đời nhiều ca khúc hay. Nhà thơ viết ca khúc thường mang nặng nỗi niềm, họ ký thác, gửi gắm trong tác phẩm của mình trước hết là một tứ thơ, một thứ ngôn ngữ đặc biệt giàu hình ảnh, tính khái quát đa tầng trong ca từ luôn mang đến cho người nghe một triết lý đa mang của người nghệ sĩ đầy hệ lụy giữa cuộc đời này.
Trước đêm nhạc Chiều rỗng hồn em diễn ra tại Đà Nẵng, Minh tâm sự với tôi: “Nói về ngôn từ với một nhà thơ là điều không dễ dàng dù ngôn từ là thứ mà người làm thơ, viết nhạc phải đối diện với nó ngày ngày. Sinh mệnh của chữ cũng tựa sinh mệnh con người khai triển nhiều phía như bề mặt, chiều sâu, nghĩa bóng, nghĩa đen, phơi mặt, lộn trái; khám phá chữ là niềm cô đơn vô tận. Sự bay bổng có hay không, nhiều hay ít không nhất thiết phụ thuộc vào nội dung đề tài, mà tùy thuộc vào khả năng truyền tải cảm xúc của người nói đến người nghe”. Cứ mỗi lần gặp nhau chuyện trò về thơ, Minh lại say sưa bàn về âm nhạc như đang đắm chìm trong thế giới âm thanh bồng bềnh thi ca của mình.
Nhiều người biết Minh với tư cách một nhà thơ trẻ, có nhiều tác phẩm gây được chú ý trong giới bạn đọc và phê bình, không chỉ là “Giọng nói mơ hồ” mà “Chất trụ” đã trở thành một thế giới riêng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Minh đã tìm thấy địa hạt mới để khai khẩn, gieo vãi, tiếp cận tư tưởng lý luận của thơ hiện đại. Nổi danh với thơ nhưng sau đó vài năm Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết văn xuôi khá nhiều. Sau tập truyện Ổ thiên đuờng là Người ăn bóng và Ruồi nhiệt đới… đã để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc. Minh cứ khám phá, không chỉ khát khao đi tìm một lối đi riêng trong nghệ thuật mà còn muốn “chọn mặt gửi vàng”, mở tung ngõ ngách để phơi bày tâm can và gửi gắm nợ nần đời mình cho nghệ thuật.
2. Tôi không bất ngờ khi Nguyễn Hữu Hồng Minh viết nhạc. Có không ít những nhà thơ lại nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ bằng chính tác phẩm âm nhạc nhiều hơn là thơ của họ. Tôi chỉ thấy lạ là không ít ca khúc Minh lại phổ thơ của các nhà thơ, như Chiều rỗng hồn em, Khuôn mặt em (thơ Văn Cao), Đây thôn Vỹ Dạ (thơ Hàn Mặc Tử), Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Bi vọng ca, Chờ mùa đã mất, Những buổi chiều (thơ Võ Kim Ngân)… mà lẽ ra lợi thế của nhà thơ khi viết ca khúc sẽ “nhạc và lời” của chính mình.
Điều này, trong một lần ngồi uống rượu với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại nhà chị Mai Nhung ở Đà Nẵng, anh có nhắc đến việc phổ thơ của nhiều nhạc sĩ hiện nay, đặc biệt anh nhắc đến Khúc hát sông quê của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, vì sao ca khúc này được nhiều người ưa thích? Anh cho rằng, nhiều nhạc sĩ phổ thơ như là hát thơ, bởi vì trong mỗi bài thơ đã tràn ngập giai điệu, nhạc sĩ đã bị nhạc trong thơ cuốn hút, nhiều người không đủ sức hay nói chính xác là không đủ năng lực để thẩm thấu, cảm nhận tác phẩm ấy theo cảm xúc và cách sáng tạo giai điệu riêng của mình. Khúc hát sông quê thơ của Lê Huy Mậu mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành công, trước hết là ở sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ với tác phẩm thơ, sau đó mới là âm nhạc. Một thứ giai điệu được chiết ra từ tâm hồn của người nghệ sĩ mà chính nhà thơ Lê Huy Mậu khi làm bài thơ này cũng không hề nghĩ đến. Đó là sự sáng tạo, là phổ thơ thành ca khúc, không hát theo thơ.
Khi nghe những ca khúc Nguyễn Hữu Hùng Minh phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng của Văn Cao, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Khoa Điềm… trong đêm nhạc diễn ra ở Cội nguồn, Đà Nẵng, tôi cũng nghĩ lan man đến điều này. Minh vốn là nhà thơ trẻ đầy cá tính sáng tạo không dễ dàng đi hát thơ của các nhà thơ, mà chắc rằng Minh khát khao muốn thổi vào đó bằng chính cảm xúc, giai điệu, phong cách của mình, còn hay - dở thì công chúng và thời gian sẽ quyết định về tài năng đó mà thôi. Có lẽ còn quá sớm để đánh giá về sự khởi đầu này trên con đường âm nhạc của Minh.
3. Cũng từ suy nghĩ này mà tôi không thích gọi Minh là nhạc sĩ, cho dù Minh đã sáng tác hơn 50 ca khúc và thực hiện hai đêm nhạc “Cỏ níu mặt trời” và “Sài gòn Paris mưa đến ngàn sau” ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích Nguyễn Hữu Hồng Minh là nhà thơ làm âm nhạc. Đêm nhạc Chiều rỗng hồn em với 12 ca khúc được các ca sĩ hát lên trong một không gian âm nhạc vừa đủ để người nghe cùng tác giả sẻ chia nỗi niềm của một người con xa quê trở về bằng chính tác phẩm của mình.
Với tôi, Chiều rỗng hồn em là một đêm nhạc lạ, không giống đêm nhạc nào, vì ngoài những ca khúc phổ thơ, còn lại là những tình ca của một nhà thơ đầy hệ lụy, đau buồn chan chứa nỗi niềm trong từng giai điệu. Lạ là vì không gian đậm đà âm nhạc mà cứ tràn ngập thơ ca. Em đến/ Đời cho ánh nến/ Thắp soi đời nhau/ Để nỗi đau, để khát khao/ Chỉ còn ngọn khói/ Mê mỏi địa đàng/ Mắt môi tìm nhau/ Vút bay ngàn khơi… Đêm nhạc của Minh ngập tràn thơ ca từ ca sĩ, nhạc sĩ và cả thính phòng đều chìm đắm trong một không gian nghệ thuật đặc thù.
Ngoài các ca khúc phổ thơ, còn lại là những sáng tác đầy nỗi niềm của nhà thơ trong đêm nhạc, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã mang lại nhiều ấn tượng về mặt xúc cảm cho người xem. Với tôi, đêm nhạc ấy còn phảng phất một nỗi buồn của thơ, nói đúng hơn là ca từ trong các ca khúc của Minh là “câu kinh nhân gian khô hạn”, những “phiêu lạc thú thương đau” của kiếp người mà nhà thơ đã từng trải nghiệm. Một lần, ngồi uống rượu tại nhà tôi cùng với bạn bè văn nghệ ở quê nhà, Minh ôm cây đàn guitar, nhưng lại chuyện trò say đắm về thơ. Minh cho rằng: “Với một thi sĩ, ám ảnh thời gian cũng là ám ảnh của chữ, của hình tượng. Họ vượt đuổi những câu thơ trên bóng thời gian như vượt đuổi những cánh bướm. Để rồi thời đại định lượng lại giá trị của họ trên những câu thơ ngỡ phù dung mà đầy sức nặng ấy… Và tôi nghĩ ca từ đối với âm nhạc cũng vậy”.
Điều này cũng không mới mẻ gì, nếu chúng ta đã từng nghe những ca khúc của các nhà thơ - nhạc sĩ sáng tác. Thơ và nhạc cứ quấn quít, ôm ấp, đầy ắp nỗi buồn. Ca từ và giai điệu cứ lịm dần, lắng sâu cuốn hút tâm can người nghe. Ca từ của bài hát cũng vô cùng quan trọng chứ không chỉ dừng lại ở thanh âm như nhiều người nghĩ. Mấy người bạn văn nghệ nói với tôi rằng, âm thanh đang là nhu cầu thiết yếu trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ không hẳn thế. Thơ có một thứ giá trị âm thanh khác. Có lẽ với người nghệ sĩ đa tài bao giờ cũng đầy khát vọng, họ mãi đi tìm cho ra trong thế giới nghệ thuật, chính mình. Mình chứ không ai khác! Điều đó luôn thôi thúc họ khát vọng sáng tạo, mải miết đi tìm con đường riêng trong sáng tạo nghệ thuật.
NGUYỄN NGỌC HẠNH
Báo Quảng Nam
Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa công bố thi phẩm mới nhất Paris tên em trong gió cuốn (Nxb.Hội Nhà văn 6.2016).
Anh cũng đã thực hiện 4 đêm nhạc cá nhân, giới thiệu tác giả - tác phẩm gồm: Cỏ níu mặt trời (Bình Dương 11.2015), Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau (TP.HCM 1.2016), Chiều rỗng hồn em - 17 Tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh (Đà Nẵng 6.2016). Và mới đây nhất là live show “Quên đi cuộc tình” đêm 20.7 thành công, tạo dư âm đặc biệt ở Sài Gòn trong giới ca nhạc khi anh kết hợp cùng nhạc sĩ, guitarist Cao Minh Đức.
Hồng Minh cho biết đang cùng ê kíp nghệ sĩ chuẩn bị kế hoạch thực hiện live show “Nguyễn Hữu Hồng Minh & Những người bạn” lớn nhất từ trước đến nay, chủ đề “Sài Gòn như anh yêu em” - tên một ca khúc của anh, để giao lưu với khoảng 1.000 sinh viên do trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức vào tối 20.10 tới.
Ca khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh
Vẻ đẹp của những hạt muối
Bảo Trang
11 Tháng Mười Một 2019
(VOV5) - "Tôi nghĩ rằng những tác phẩm của tôi cũng như những hạt muối, để người nghe tìm được vẻ đẹp hân hoan, vẻ đẹp bất hạnh..."
Nguyễn Hữu Hồng Minh là một nghệ sĩ đa tài. Anh nghiên cứu về nghệ thuật, làm báo, viết văn, làm thơ, phổ nhạc cho thơ, và sáng tác ca khúc. Những ca khúc của anh phản ánh tâm hồn đa cảm, với câu từ sâu lắng, chất chứa những tâm sự của một hồn thơ đầy duyên nợ với cuộc đời. Và bởi vậy, cho đến giờ, những ca khúc của nhạc sĩ Hồng Minh luôn mang một nỗi buồn cố hữu, đi vào lòng người nghe và ở lại đó như một niềm an ủi, sự sẻ chia…
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh
BTV: Chào nhạc sỹ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Xin được hỏi, những giai điệu đầu tiên đã đến với anh – nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh như thế nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tôi có may mắn được sinh ra trong một gia đình mà bố tôi là một giáo sư rất quý trọng những tác phẩm âm nhạc, thi ca và văn học. Vì vậy tôi được nghe từ rất sớm những ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Bài Khuôn mặt em, tôi viết vì rất thích một bài thơ của Văn Cao, nói về mối tình “duy nhất” dành cho vợ mình. Trong bài thơ, Văn Cao nói lên nỗi lòng của mình trong sự nhớ nhung, trong khoảng cách… Ông so sánh người ông yêu như một vầng trăng, một sườn núi, một ánh cỏ dại. Những hình ảnh đó cho tôi có tình yêu đối với bài thơ này. Tôi phổ bài thơ đó thành ca khúc Khuôn mặt em.
BTV: Kể từ sau tác phẩm đầu tiên, anh đã có những đêm nhạc để đem những ca khúc của mình đến với người nghe. Và mới đây thôi, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có đêm nhạc thứ 6 “Mặt trời soi vết thương yêu”. Anh có thể chia sẻ đôi chút về hành trình chinh phục con tim của khán thính giả bằng âm nhạc?
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tôi rất may khi được bạn bè ủng hộ, có cơ duyên làm được một số đêm nhạc, trong đó có những buổi làm ở các trường Đại học. Có đêm nhạc tôi làm ở Đà Nẵng “Chiều rỗng hồn em” – tên một bài thơ của nhà thơ Đà Nẵng Võ Kim Ngân. Sau đó tôi có một số đêm nhạc ở TPHCM như “Sài gòn Paris mơ đến ngàn sau”. “Mặt trời soi vết thương yêu”… Tôi nghĩ một bài hát khi ra đời có số phận của nó, cũng như một nghệ sĩ khi viết ca khúc thì ôm ấp những suy tư và có những cơn cớ để dành cho bài hát. Và khi viết ra và đến được với khán giả là một sự may mắn mà không phải người viết nào cũng có được.
Poster đêm nhạc Chiều rỗng hồn em của NS Nguyễn Hữu Hồng Minh
BTV: Như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa chia sẻ, qua những sáng tác đầu tiên, anh đã có những ca khúc viết về những triết lý, suy tưởng rút ra từ cuộc sống. Chất liệu âm nhạc này, dường như chúng ta đã bắt gặp ở Phạm Duy, ở Trịnh Công Sơn…?!
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Trước khi viết nhạc, tôi đã có thời gian dài viết văn và làm thơ. Người làm âm nhạc, bên cạnh những khám phá, những tổ chức về giai điệu thì ca từ là rất quan trọng. Ví dụ như ca từ của Trịnh Công Sơn hay Văn Cao – các ông thể nghiệm được nhiều về riết lý của đời sống. Tôi cho rằng bài hát hay, ngoài sự tìm kiếm những thể nghiệm về giai điệu thì ca từ là không thể thiếu được. Nếu một nhạc sĩ, bên cạnh thế mạnh khai phá được hòa âm và những giai điệu mới, và có ca từ tuyệt hảo thì bài hát đó sẽ gắn bó với thời gian, đi xa và sống rất lâu trong ký ức người nghe.
BTV: Tôi nhớ có lần anh đã nói, “nếu những ai muốn biết những đổ vỡ, mong manh bất toàn của cuộc đời mà vẫn luôn khát vọng, tìm kiếm xây dựng thì nghe âm nhạc của tôi”? Và quả thực, đọc thơ và nghe nhạc của anh, tôi thấy ẩn chứa trong đó những triết lý rất sâu sắc?
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tất cả những triết lý đó, cũng giống như một câu nói trong tập thơ “Vỉa từ” của tôi đã viết, là qua một hạt muối chúng ta có thể nếm được vị mặn của đại dương. Nghĩa là trong nỗi đau cũng có vẻ đẹp, có sự lấp lánh. Trong một hạt muối không chỉ có nỗi đau mà còn có vị ngọt – điều này càng thôi thúc ý chí của người sáng tạo nghệ thuật. Nếu anh không có trải nghiệm thì anh không thể viết được, nếu không rơi xuống vực thẳm thì sẽ không thấy được đỉnh cao. Đây là một triết lý sống mà tôi nghĩ chúng ta có thể thấy rõ khi quan sát.
Như Chế Lan Viên có viết một câu là “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. Thung lũng chính là nỗi đau, từ nỗi đau đó ta như bị rơi xuống, còn trước những niềm vui, những hân hoan của cuộc đời thì ta như bay lên. Cảm xúc rơi xuống vực thẳm và bay lên đó chính là sự biện chứng, là hai mặt của một vấn đề. Vì vậy tôi nghĩ khi chúng ta có những nỗi buồn, có những bất hạnh, đứng ở góc độ nào đó chính là tài sản, hay là phần thưởng của Thượng đế dành cho bạn. Cái khổ đau đó sẽ đem đến mật ngọt – điều này rất quan trọng đối với một nghệ sĩ sáng tạo. Tôi nghĩ rằng những tác phẩm của tôi cũng như những hạt muối, để người nghe tìm được vẻ đẹp hân hoan, vẻ đẹp bất hạnh, hay những tài sản lớn nhất là những năm tháng chúng ta sống, chúng ta được thử thách và chúng ta đi tới bằng tình yêu và khát vọng mới.
NS Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc của anh
BTV: Trong số những ca khúc của anh mà tôi đã được nghe, có một bài tôi rất ấn tượng. Là bởi anh sinh ra ở Đà Nẵng, hiện tại sống ở TPHCM, và lại có một ca khúc về Hà Nội rất tình, rất sâu lắng?
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu mà tôi nghĩ rằng mọi người Việt Nam đều yêu Hà Nội như thế. Hà Nội như trái tim của mỗi người vậy. Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội khi học lớp 11, trong một buổi sớm mưa. Ngay lập tức tôi có cảm xúc sâu lắng đặc biệt, từ thời tiết, tiếng nói, con người... Những âm thổ đó vang mãi trong tôi. Vẫn biết trên mỗi vùng đất đều có những trầm tích văn hóa riêng, nhưng với Hà Nội dường như sự tích tụ văn hóa đó thành vỉa, thành tầng, thành ký ức, thành điểm nhấn mà mỗi khi nghĩ đến đất nước thì mỗi người lại nghĩ đến tình yêu dành cho Hà Nội. Cái tình cảm đó cứ miên man, cứ đi dài theo tôi, tôi muốn viết một cái gì đó cho chính tình yêu của mình nhưng không thể làm được.
Hà Nội trong mưa
Cho đến khi tôi đọc được bài thơ của chị Phạm Thị Phương Thảo, trong đó có một cái tứ thế này: “Hà Nội giọt đêm tan chảy”. Khi ấy tôi vỡ ra một điều rằng, tôi đã rất nung nấu nhưng không thể nào viết được bởi tôi quá nhiều kỉ niệm, quá nhiều điều muốn viết ra. Nhưng thực ra, những kỉ niệm đó, cũng như cái tứ của bài thơ, sẽ là những hạt mưa đêm tan chảy, và vấn đề của người viết là phải rã băng nó ra. Ví như trong câu nói “Tôi yêu em” đã nói lên tất cả, mà không cần phải nói thêm “yêu như thế nào”. Với bài “Hà Nội giọt đêm tan chảy”, tôi được tháo gỡ từ một bài thơ, và ngay trong đêm đó tôi đã hoàn thành ca khúc mình ấp ủ quá lâu.
BTV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúc anh sẽ có những đêm nhạc đầm ấm đến với khán thính giả yêu nhạc.
Bảo Trang
Paris, tên em trong gió cuốn
Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em
Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím
Những phím êm lướt nhẹ say rượu
Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm
Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em
Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím
Những phím êm lướt nhẹ say rượu
Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm
Câu thơ vẽ ra chân dung em
Dáng thon, cười giòn, môi son, vú nõn, đùi non, eo tròn, mông ngon, gót son
Ôi cái vần on lần đầu anh phát hiện ra
Từ chìa khóa trong em ngoài anh (on - in)
Anh dướng nhõn, trớn ngon, run xón, vó bon, nhịp thón, ngập gọn
Vào ra ton ton
chắc cơ nhịp nhàng
Ôi sướng!
Em, không thể hình dung thành phố nào anh viết lên hai chữ yêu em
Paris trong đêm, Berlin ban ngày, Munich chuyến bay không đụng hàng
Yêu em sung sướng và lo sợ như áp tải phi vụ lậu
Những cô điếm ngả ngớn trên cầu đêm nay
Sông Xen một dòng trôi
Mang hồn thơ Apollinaire đã chết
Sắc vóc gấm hoa của kinh thành Paris
Không em, anh nhớ ra vắng em Sàigòn nhỏ
Tâm hồn trống trơ không một mẩu tự
Những ý nghĩa phơ lậu tồn tại nghìn năm như xác chết
Một đêm nay nữa mai phủi bụi tro tàn
Những mẩu tự không nở hoa xé thơ anh như gai kim tước
Cuộc tồn tại không tình yêu, không em
Trơ vắng hoang địa những tay đồ tể khai quật hoa văn xác ướp
Em, không thể hình dung anh đã tìm ra em khó nhọc
như chuyến bay đổi giờ tìm hành lí
Phi trường Charles de Gaulle mù người, mắt anh nhòa lệ
Paris ôi Paris chuyến đi mướt trong sương
Khí lạnh hoàn cầu đang đổ về từng giờ áp thấp
Có thể máy bay rơi vì mù sương
Ngày mai tên em trong gió, cuốn mưa về Luân đôn
Anh vẫn sang sảng đọc thơ ở Literaturwerkstatt
Những câu thơ của cuộc đời ngoài tưởng tượng
Như bây giờ anh gắng đọc tên em, trên một bản chỉ đường Terminal
Ốc mượn hồn chui lạc xuống đường hầm Aéroport Gares
Ôi, em!
Anh không thể hình dung…
Câu thơ mới nảy lá từ nghĩa địa mộng mơ khô héo
Lạc Paris anh tìm thấy một cung đường
“-Nào! Ngài Apollinaire mời ngài rượu cùng tôi đêm nay!
Uống đi! Cho cạn sông Xen!
Cho câu thơ cháy thành Paris
Cho thế giới lồng bóng hình em trong nghĩa mới!...”
Paris, Sân bay Charles de Gaulle 11.2005.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thơ là lý do tồn tại
Vương Huy
17-01-2020
Tập thơ “Paris - tên em trong gió cuốn” là một trong 5 thi phẩm của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Trước đó, anh từng xuất bản các tập thơ: “Giọng nói mơ hồ”, “Chất trụ”, “Vỉa từ” và “Lỗ thủng lịch sử”. Nhà thơ Vương Huy có bài nhận định về tập này. Có thể đây là một góc nhìn riêng của anh. DDVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tin, bài liên quan:
‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nhà văn và độc giả lý tưởng
Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ
Viết, với Nguyễn Hữu Hồng Minh là một cứu cánh. Tất cả cuộc đời của anh là viết, chỉ để viết. Anh thật sự đắm chìm trong ngôn ngữ không lối thoát, và cũng không muốn thoát. Ngôn ngữ với anh là thực tại, là giấc mơ, là tình yêu, là khát vọng và là cứu rỗi. Tâm hồn anh đắm say với sự viết, trong khi cuộc đời anh là hoang vu, là đổ vỡ chất ngất. Chữ như ma ám, như một nỗi buồn tuyệt tận. Anh tìm giải thoát trong hành động viết.
Tình yêu đối với anh là gì? - Cũng chính là thi ca. Anh mang một tâm hồn trống vắng, không bóng hình người thục nữ. Tình yêu trong anh cũng đã khô cằn như những con chữ. Việc tối quan trọng là phải tìm lại nguồn sinh lực của Thi ca và cũng chính là nguồn tình trong muôn một. Thời hiện đại, tình yêu đã vỗ cánh bay mất, chỉ còn lại dục tình. Thi sĩ chìm ngập trong nó nhưng lại luôn muốn khước từ nó; cảm giác chập đôi lưỡng phân. Anh viết:
“Không em, anh nhớ ra vắng em Sài Gòn nhỏ
Tâm hồn trống trơ không một mẩu tự
Những ý nghĩa phơ lậu tồn tại nghìn năm như xác chết
Một đêm nay nữa mai phủi bụi tro tàn
Những mẩu tự không nở hoa
xé thơ anh như gai kim tước
Cuộc tồn tại không tình yêu, không em
Trơ vắng hoang địa
những tay đồ tể khai quật hoa văn xác ướp”
(Paris - tên em trong gió cuốn)
Bìa thi phẩm "Paris, tên em trong gió cuốn" của Nguyễn Hữu Hồng Minh -
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam
“Anh cánh buồm xiêu gió
Từ nay lưu lạc trắng đại dương
Đến em
Cũng chẳng biết tâm hồn anh ở đâu”
(Không còn tiếng nói)
Mỗi bài thơ như một mảng màu tăm tối, u ám ghép lại với nhau hình thành nên một bức tranh của sự tiêu hủy, của buồn nản và vô vọng từ trong bản thể. Những câu thơ lắng đọng như thế này có rất nhiều trong tập thơ như một sự kết tủa trong cái phản ứng tâm thức và ngôn ngữ. Thí dụ như:
“Những câu thơ như bụi thời gian
Lắng dưới đáy cốc
Uống cạn những cay đắng muộn phiền”
(Đâu có gì!)
Tập thơ đề cập đến rất nhiều vấn đề nhưng nổi bật là một tâm cảm bị ám ảnh bởi thơ, tồn tại cho thơ và tiêu vong cùng thơ. Những câu thơ đã vận vào đời anh như một căn nghiệp, một thứ bùa mê, và sau cùng nó quay lại quăng quật đời sống anh vào đá tảng, vào vực sâu, vào cái chết mục rữa:
“Anh biết cuộc đời mình sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào
Nên anh đeo bám những câu thơ một cách dai dẳng
Nhiều cú đảo chao chí mạng
Câu thơ quăng anh vào vực
Ném anh xuống biển sâu
Gông cùm anh trong cảng vắng
Đeo anh vào đá”
(Tung tiêng! Tung tiêng!)
Một cảm thức hẫng hụt, rơi vào hư vô, khi gieo xuống những con chữ và mang về sự trống không. Hay là thơ đã chết trong tâm hồn người? Ai là người đồng điệu trong bóng đêm vàng võ một ánh đèn hắt sáng? Anh đã chạm tới cái ý nghĩa sự tồn tại của Thơ ca trong một xã hội hiện đại cuồng quay vật chất hóa tất cả. Anh ghi xuống giấy:
“Không còn nơi để trở về
Câu thơ mất hướng
Uể oải những ngọn sóng tưởng tượng
Giật lên cái - rỗng - lạnh - giữa hư vô”
(Cá ẩn dụ)
Mất niềm tin, lạc loài, vỗ bàn tay trắng, nhưng anh chỉ còn tin tưởng vào sự cứu chuộc của thơ. Với anh, Thơ như một nhân cách sống, một sự thanh sạch còn sót lại giữa dòng đời nhiễm ô:
“Những câu thơ tinh khiết ban mai
Như điều thanh sạch cần phải giữ
Như cuộc đời hung bạo vẫn cần phải sống”
(Ruồi, nước và nhà thơ)
Kiếp thi sĩ - kiếp con tằm nhả những đường tơ cho đến cạn kiệt xác thân. Anh xem Thơ như một tôn giáo, như một chất dẫn truyền gây nghiện với những ảo ảnh phù thế chập chờn:
“Khi con tằm phải nhả tơ anh phải sống vất vưởng
giữa cuộc đời như bóng ma dật dờ phiêu dạt
Một Tôn giáo - Ma túy
Lang thang, lang thang và lang thang tuyệt đối”
Và nỗi tuyệt vọng khốn cùng khi đã lỡ xem thơ như một cứu cánh:
“Chữ nghĩa, thánh địa cuối cùng
Dựng lên và sụp đổ …”
(Tình ca Ác quỷ)
Đây cũng là nỗi tuyệt vọng chung của toàn bộ các thi sĩ trong bối cảnh thơ ca hiện đại khi họ xem Thơ như một phương thức tồn tại, một mục đích. Nhưng chỉ một mình anh nói lên được cảm thức sụp đổ u uất nầy. Âu cũng là duyên nghiệp, chỉ còn lại một sự quạnh vắng trơ trọi giữa một thành phố chết: “Bơ vơ trước cách làm người”.
Viết! Viết! Như một hành động tử vì đạo. Anh chấm vào máu mà viết như một lối thoát duy nhất và chấp nhận đọa đày trong cõi chữ nghĩa. Viết, với anh, như một định mệnh, như một sự khước từ. Ảo ảnh danh vọng lùi xa, chỉ còn một sự vô vọng và một niềm tin cũng hư ảo như chính bản chất của Thơ vậy:
“Viết gì?
Cắt gân máu bàn tay trái
Mi không phải là thi sĩ !
Trò chơi rối rắm chữ nghĩa !
Một con chiên tử vì đạo
giữa bọn bồi bút múa máy khùng điên
Một niềm tin hoang hồ
……
Giã từ thôi, giã từ
Trên bàn tay bại liệt của mi
ngòi bút trơ cạn dòng suối máu...”
(Giã từ)
Như đã nói, chữ nghĩa với anh như một độc đạo vượt thoát khỏi cái tù túng của cuộc đời chật hẹp nhưng cũng chính chữ nghĩa đã xô anh vào một tuyệt lộ của mê cung đổ vỡ:
“Ai có thể giải thoát anh ngoài chữ nghĩa
Và cũng chính chữ nghĩa bịt mắt anh
Dẫn đến tuyệt lộ rạn nứt tận cùng”
(Trở lại)
Một bi kịch sấp ngửa của nghề viết. Dường như tất cả những người cầm bút đều có một cảm trạng thất bại trước sự xô xát cuồng điên của cuộc đời hỗn loạn.
Trong cô đơn vây bủa, anh lắng nghe từng nhịp thời gian ra đi không đợi chờ ai. Sau tất cả mộng văn chương thời tuổi trẻ giờ chỉ còn lại một sự xót xa lạnh lẽo (khi anh đạt đến đỉnh cao chạm trời thì cũng đồng nghĩa với việc anh nhận ra chỉ có một mình anh cô độc trên ngọn núi mà không có cả tiếng cười vang rợn của Không Lộ thiền sư). Tất cả đã đổ vỡ cho một lần thơ thành tựu. Anh viết:
“Mười lăm năm Huy ơi !
Cô độc lòng ta như trái phá
Không bục được với đời mà lở loét sâu thêm
Sài Gòn ngục tù bụi chết nhiễm chân
Lả mộng văn chương, lả mộng
……
Những ngọn đồi chảy máu u mê
Mười lăm năm,
mỗi câu thơ là một huyền ngôn thất chí...”
(Gửi Vương Huy, nơi tận cùng thế giới)
Nguyễn Hữu Hồng Minh bên sông Seine - Pháp
Viết là sám hối, viết như một định mệnh toàn triệt bởi không thể khác được. Viết là máu thịt, là xương tủy, là hồn vía. Trong bài thơ “Phản đề Kafka hay giấc ngủ nhà văn”, anh viết:
“Gốc Do Thái như ông mặc lãnh trong máu
Viết, mẩu thịt thừa, cô đơn
Viết, bởi không thể là gì khác
Những trang ngạt thở ném vào toa thực tại
Hôm nay và kiếp ngày qua
Cuộc sám hối không bờ bến
Cõi tha nhân …”
Tóm lại, tập Paris - tên em trong gió cuốn là tập hợp những mảng tâm trạng ám tối đan quyện nhau trong một trường chữ nghĩa cuốn hút và phơi bày. Mỗi chữ như đọng cả máu tủy, óc não của tác giả. Tập thơ nhất quán ở giọng điệu, với lối viết tự do bung ra tất cả một cách thoải mái làm hiển lộ toàn bộ nội tâm chất chứa. Vì trang báo có giới hạn nên không thể viết hết tất cả những gì tập thơ đề cập. Hy vọng các bạn sẽ tìm đọc nó và phát hiện nhiều điều lý thú hơn.
V.H
thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
Paris, tên em trong gió cuốn
Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em
Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím
Những phím êm lướt nhẹ say rượu
Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm
Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em
Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím
Những phím êm lướt nhẹ say rượu
Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm
Câu thơ vẽ ra chân dung em
Dáng thon, cười giòn, môi son, vú nõn, đùi non, eo tròn, mông ngon, gót son
Ôi cái vần on lần đầu anh phát hiện ra
Từ chìa khóa trong em ngoài anh (on - in)
Anh dướng nhõn, trớn ngon, run xón, vó bon, nhịp thón, ngập gọn
Vào ra ton ton
chắc cơ nhịp nhàng
Ôi sướng!
Em, không thể hình dung thành phố nào anh viết lên hai chữ yêu em
Paris trong đêm, Berlin ban ngày, Munich chuyến bay không đụng hàng
Yêu em sung sướng và lo sợ như áp tải phi vụ lậu
Những cô điếm ngả ngớn trên cầu đêm nay
Sông Xen một dòng trôi
Mang hồn thơ Apollinaire đã chết
Sắc vóc gấm hoa của kinh thành Paris
Không em, anh nhớ ra vắng em Sàigòn nhỏ
Tâm hồn trống trơ không một mẩu tự
Những ý nghĩa phơ lậu tồn tại nghìn năm như xác chết
Một đêm nay nữa mai phủi bụi tro tàn
Những mẩu tự không nở hoa xé thơ anh như gai kim tước
Cuộc tồn tại không tình yêu, không em
Trơ vắng hoang địa những tay đồ tể khai quật hoa văn xác ướp
Em, không thể hình dung anh đã tìm ra em khó nhọc
như chuyến bay đổi giờ tìm hành lí
Phi trường Charles de Gaulle mù người, mắt anh nhòa lệ
Paris ôi Paris chuyến đi mướt trong sương
Khí lạnh hoàn cầu đang đổ về từng giờ áp thấp
Có thể máy bay rơi vì mù sương
Ngày mai tên em trong gió, cuốn mưa về Luân đôn
Anh vẫn sang sảng đọc thơ ở Literaturwerkstatt
Những câu thơ của cuộc đời ngoài tưởng tượng
Như bây giờ anh gắng đọc tên em, trên một bản chỉ đường Terminal
Ốc mượn hồn chui lạc xuống đường hầm Aéroport Gares
Ôi, em!
Anh không thể hình dung…
Câu thơ mới nảy lá từ nghĩa địa mộng mơ khô héo
Lạc Paris anh tìm thấy một cung đường
“-Nào! Ngài Apollinaire mời ngài rượu cùng tôi đêm nay!
Uống đi! Cho cạn sông Xen!
Cho câu thơ cháy thành Paris
Cho thế giới lồng bóng hình em trong nghĩa mới!...”
Paris, Sân bay Charles de Gaulle 11.2005.
Em Potsdamer làm phiền anh quá!
Tặng Astrid Beilke
Em Potsdamer làm phiền anh quá
Bấu linh hồn anh như vuốt quạ
Berlin anh đâu sống những ngày qua…
Phố phố phố phố
Sony Center, Cine Star I max,
Film Haus, Billy Wilder’s
Internationle Filmfest piele Berlin…
Đại lộ Potsdamer Strafze
Mắt giấy chọc trời
Đẹp như thuốc độc
Em làm phiền anh quá thôi !
Đẹp hơn thuốc độc
Đẹp muốn chết
Đẹp cháy khát cổ
Đẹp nuốt nước bọt như ngậm than
Đẹp loại trừ, đẹp muốn dẹp bỏ
Đẹp ngay lập tức muốn giết người
Muốn nổ con ngươi
Dây leo xanh, cài cái chết vào sự sống
Bứng rễ sự sống ngâm giấm
Linh hồn rỗng réo loạn trong con Ma-nơ-canh
Mắt em xanh gườm anh ghẻ lạnh
Môi mọng mỡ màng,
Mông mơi mơi, nịt vú lơi khơi
Đăng-ten ngực giấu thuốc phiện sau áo
Phố xá xe điện ầm ào
Anh nháo nhào
Đuổi theo em soãi những bước dài
sướt mặt tường đá
Sẵn sàng uống thuốc độc cao liều
Sẵn sàng yêu
Sẵn sàng phiêu
Phơi điếu
Đùi dài hơ hớ
Rong ren quấn cổ
Linh hồn rắn
Thơm ngon như điếu xì gà
Anh bỏ đời
Ôi Potsdamer
anh chưa sống những ngày qua…
Berlin đâu có những ngày qua…
Đại lộ Potsdamer, Berlin 11.2005
Thơ
Tôi đã mang theo em trong trái tim ngạt thở
Tôi phải thở cho em
Còn phải thở cho tôi
Tôi đập cánh, tôi nhóm lửa
Ánh sáng ngược về em tro bụi phía tôi ngồi
Tôi che chắn đỉnh u trầm bão gió
Giữ nuôi em ngọn nến mướt mềm
Tôi đà đắm lạc hồn trùng lau lách
Rũ hoang tàn em dựng ánh ngày lên
Ngọn nến tự ăn mình khi thắp cháy
Soi tìm gì trước vực đáy hư vô
Tôi đã mang em quá lâu
Em đã ăn tôi quá sâu
Ngục tim rỉ máu
Rụng ngàn sao xuống tiếng nấc mơ hồ
(Áp thấp, 10.1997)
Vùng sâu ký ức
Trên dây đàn anh hát tự do
Tự do bắt qua thơ
Thơ bước lên đỉnh sọ thế giới
Trên trang viết là đêm, trên đêm ngôi sao biếc
Thơ là ánh trăng, biển xa, những thân tàu
Thơ mở ra thời đại, thơ bay qua cái chết
Là dây đàn ngàn giai điệu xanh sâu
Thơ là trăng hay ánh lóe của trăng?
Sóng lửng đuổi cánh buồm?
Thân tàu chìm vào biển biếc?
Thơ là thăng hoa, trôi dạt, hủy diệt
Là vảy những con cá sáng trong mơ anh
Vì chiếc vảy ánh vàng trăng trắng ấy
Cuộc đời cuốn anh trên bão chòng chành
Không định nghĩa thơ -
Quên những định nghĩa thơ
Bởi không lời thơ mới nói hết sự thật
Sự trống rỗng làm đầy thơ,
Thơ làm đầy sự trống rỗng
Thơ tiếng kêu thét tang thương
Thế kỷ anh đang sống
Thơ cài vào anh những ngày góa bụa
Những ngày ngôn từ bất lực
chuyển máu thành thơ
Mình anh một âm vang,
mình anh với lưỡi hái cắt cổ
Mình anh tự rã tan với một kiếp sao mờ
(6.1998)
Tay chơi Hy Lạp
Tặng Trần Tiễn Cao Đăng
Lại đến, đi những chân trời không định trước
Đêm nay Sài Gòn, trưa mai Hà Nội
Lên đường!
Nhói lòng ta những ga khắc khoải
Đổ bóng xuống trang văn tiếng còi xé nửa chừng
Còn tuổi nào cho ta vui trở lại?
Phải chăng héo một đời dở dang tìm kiếm?
Bao giờ cho ta về miền Tây chiều mưa tháng Tám
Ta đã xế-nổ xuyên lòng Sàigòn đêm,
Qua Mỹ Tho, Cai Lậy, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng
Chỉ tình yêu văn chương giúp ta tới đây
Xứ sở những cô gái Miên, Dơi và chùa Tháp
Cơn mưa chiều heo hút những cánh đồng chưa gặt
Mặt trời đỏ vai Bạc Liêu, chín trên số phận người
Sống bí ẩn, lầm lỳ như đất đai, chết thanh thoát như gió
Những trưa nhà cổ Mỹ Xuyên, những chiều thị trấn Kế Sách
Hồn đêm còn đâu đó bụi đường đẫm vai Vị Thanh
Bao giờ cho ta nói cười thật to giữa ngày hội Oóc-om-boóc
Chiến thuyền đua nhau lao vút trên sông Cổ Cò
Ngầy ngật hơi người vắng văn minh nhưng ngát đầy văn hoá cổ
Gương mặt chàng Miên Mã Tộc buồn và đen,
héo quăn như mẩu tự chết vừa khai quật
Làn mi cong, bộ ngực mẩy của em gái Căm-pốt làm ta ứa nhựa sự sống
Oải, sống chỉ ươm mầm khổ đau, nhưng vì quả chín kia, ta chết
Cho ta về trên bến Tắc Vân nửa khuya 2 giờ sáng
Ai xuôi Đầm Dơi, Tân Tiến, ai về Đầu Trâu, Năm Căn, Thới Bình
Những hẻo rạch sông nước mênh mang, ngỡ góc bể chân trời nào cũng sẽ phải đến
Ngươi từ đâu đến đây bão bùng cơn gió lạ?
Tình yêu thốc tháo bình minh cháy rực buổi sớm loang dài mặt sông
Tím tái tâm hồn ta, ngọn đuốc lá dừa cháy trên dòng Dinh Hạng
Bao giờ câu thơ bốc lửa như đùi em xoăn cỏ cháy
Ta bốc trần từng múi Miên giữa thị xã Vàng bỏ quên
Văn chương – xã hội đen,
Ngôn ngữ và du đãng,
Thi sĩ – tướng cướp
Má mì và Nàng thơ
Ai chân thiện mỹ hơn ai?
Viết mãi bao điều vô nghĩa
Dĩ vãng nỗi đau nào thăm thẳm trong lồng ngực
Chữ nghĩa và Máu,
Linh hồn khô cạn theo từng câu chữ hút tủy xé tràn
Viết, viết đi để một ngày mãi mãi không còn được viết nữa
Bao giờ Nam Ô chết lịm trong nhà thổ váy đùi
Cười đi em, tháng ngày đời ta trong boong-ke tuyệt vọng
Máu chảy trong châu thân và hồn chênh vênh trên những đỉnh Từ
Ngoài đường biên của những vòng kiểm soát
Ta đã chết những ngày xanh tuổi trẻ
Mơ Miên mang mùi mửa máu
Bao giờ cho ta bên biển Đà Nẵng
Những cánh hải âu chớm trắng, vọng hải đài đổ vọng khuya
Tháng ngày ném trong va-ly, chân trời, tình dục và khói thuốc
Ta dự báo những trang viết như một điềm không lành vào văn học xứ sở
Ổ điếm của những con chữ đĩ rạc, hết hương nhuỵ, thiếu sức sống
Nhà văn làm một cai thầu, một chủ chứa, hương nách của sự ngợi ca
Những ý tưởng cùn mòn đá mài, bố cục mọt mối cổ lỗ như nhà rường
Chuyên chở những câu văn diêm dúa không gợi nổi niềm căm hận
Vẩy nước hoa lên bản chất dã man của cuộc sống
Cuộc sống rỉ máu bên trong
Văn chương như nước rửa trên mặt đá
Nhà thơ thành những thằng rồ lang thang dưới đại lộ đọc những câu lộn óc
Kết thành bầy buôn bán phấn son văn chương
Thời oanh liệt của Thơ là mấy cuốn sách bụi bám trong viện bảo tàng
Ngày tháng đổi thay, cái chết nảy ổ sự sống
Bên cảng Tiên Sa ta đã viết
Dự báo cái chết của ta thành vấn đề của thế kỉ…
Bao giờ cho ta cùng em lang thang phố phường Hà Nội
Băm sáu phố phường nghìn năm văn hiến chuyển dạ trong một đêm lúc ta về
Tiếng còi tàu xé ga Hàng Cỏ
Thao thức sự đổi thay nổ tiếng sấm trên đền miếu thiêng
Những câu thơ không còn niềm vui mà ám ảnh
Vụt bắt và tái hiện trong giấc mơ
Như tiếng còi tàu đời ta
Đã ném vào tuổi ba nhăm
Vẫn lạc hồn khi bừng thức giữa trưa, giữa một ga xa lạ
Khi chết vẫn là một trái xa lạ không giải mã…
(Sài Gòn, 20.7.2005)
Vùng sâu kí ức
Trên dây đàn anh hát tự do
Tự do bắt qua thơ
Thơ - Bước lên đỉnh sọ thế giới
Trên trang viết là đêm, trên đêm ngôi sao biếc
Thơ là ánh trăng, biển xa, là những thân tàu
Thơ mở ra thời đại, thơ bay qua cái chết
Là dây đàn ngàn giai điệu xanh sâu
Thơ là trăng hay ánh lóe của trăng?
Sóng lửng đuổi cánh buồm?
Thân tàu chìm vào biển biếc
Thơ là thăng hoa, trôi dạt, hủy diệt
Là vảy của những con cá sáng trong mơ anh
Vì chiếc vảy ánh vàng trăng trắng ấy
Cuộc đời cuốn anh trên bão chòng chành
Không định nghĩa thơ -
Quên những định nghĩa thơ
Bởi không lời thơ mới nói hết sự thật
Sự trống rỗng làm đầy thơ,
thơ làm đầy sự trống rỗng
Thơ tiếng kêu thét tang thương -
Thế kỉ anh đang sống
Thơ cài vào anh những ngày góa bụa
Những ngày ngôn từ bất lực chuyển máu thành thơ
Mình anh một âm vang,
mình anh với lưỡi hái cắt cổ
Mình anh tự rã tan với một kiếp sao mờ...
Mưa mù, 6.1998
Nguyễn Hữu Hồng Minh & Nguyễn Huy Thiệp
Chân dung Nguyễn Hữu Hồng Minh
Sơn dầu - Họa sĩ Lê Sa Long
Sơn dầu - Họa sĩ Lê Sa Long
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.