Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 14




Chương 14


Tôi quen biết Đặng Kim Giang ở nhà Kỳ Vân. (Tuy lúc vây Nà Sản, trời rét quá, anh đã ký giấy cấp cho tôi một giắc-két, tấm vải bạt và một khăn quàng len chiến lợi phẩm). Lúc đó ngồi ở đâu người ta cũng đều hỏi tin và bàn về tình hình Cách mạng Văn hoá Trung Quốc, cuộc biến loạn phi nhân nhất của cộng sản mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải giấu biến. Cùng môn phái võ, xấu thày hổ trò! Thế là Giang bèn hất hàm lên nói, mặt rất khoái trá như thọc được tay vào chính cái tổ con chuồn chuồn, may có chạy đằng trời, ừ phải, nhận mình tử tế thì sao lại chí thân chí nghĩa với thằng vô nhân, khát máu như thế? Giang muốn bắt “họ phải nhè quả bồ hòn hiện đang ngậm ở trong mồm ra” như anh bảo tôi. Quả bồ hòn này phải to bằng bốn cái Nhà hát lớn.

Mấy lần gặp tôi trong bệnh viện Việt-Xô, anh vẫy gọi rất to từ trên com-măng-ca đậu xa xa:

– Ê, Hồng vệ binh!

Lúc đó nghe réo cái chữ làm giật mình tên này tôi thấy như anh ném ra phấp phới cả một bồ truyền đơn. Lúc đó, Giang rất thích nói đến cách mạng văn hoá vô… học, chữ bọn tôi đặt ra. Chúng tôi biết cú này Đảng hết sức ngượng: ông anh đầu não giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa và phong trào cách mạng mà lại đánh nhau loạn xà ngầu thế này a? Chúng tôi chịu là Mao giỏi ở chỗ nuôi phong trào: đầu tiên lấy cớ chống tinh thần cách mạng sút giảm của đảng để xuỳ quần chúng ra rồi tiến đến “nã pháo vào bộ tư lệnh của bọn đi theo duờng tư bản, xét lại trong lãnh đạo”. Nắm được tâm lý bất mãn cùng cực của quần chúng, nhất là thanh thiếu niên đối với thảm trạng xã hội do chính Mao gây ra, Mao đã khéo tạo cho thanh thiếu niên cơ hội xả hận để mượn họ tiêu diệt các kẻ thù vốn là chiến hữu thân thiết của ông như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình… từng cho hệ tư tưởng của ông ra khỏi điều lệ đảng. Mao có một câu lý thú: Con gà quay mang lên ngon lắm nhưng phải dùng dao cắt nó ra từng miếng ăn dần chứ không thể một nhát ăn hết ngay. Nói hoa mỹ cũng như mách Việt Cộng đánh lùi từng bước tiến lên đánh đổ toàn bộ đế quốc Mỹ cho thoáng cái Biển Đông để Mao tiến vào thay thế. Tóm lại rất tài mẹ mìn.

Tôi gặp Đặng Kim Giang một tối đến Kỳ Vân rồi kể cho hai anh một câu chuyện mới toanh trong đó Lưu Động là diễn viên chính và diễn viên chính vừa kể cho tôi sáng ấy xong. Đầu 1967, bị treo bút, Lưu Động đi Bắc Giang chơi, Gặp Tuấn, bí thư tỉnh. Chưa hay Lưu Động đã vào sổ đen, Tuấn cho biết Cụ Hồ đến Tam Môn và cho Lưu Động giấy để đến đó cùng đón Cụ. Cụ Hồ đến, chủ tịch Phương Minh Nam tiếp đón Cụ thấy Lưu Động lớ xớ cạnh đó liền kéo đi cùng. Báo Hà Bắc chụp ngay một ảnh có bộ ba Hồ Chủ tịch, chủ tịch Hà Bắc và Lưu Động đi giữa đám nhân dân reo vẫy. Bức ảnh bộ ba đồng hành được in ra hai chục nghìn tấm lớn để bán cho dân treo nhà. Lập tức “báo động” và người ta lệnh huỷ tấm ảnh phạm quy. Lưu Động bảo tôi “nếu không thì tớ lù lù bước vào nhà dân cùng với Cụ mà trong bộ Tam Đa này thì tớ và Cụ là xét lại phản chiến”. Tôi hỏi tại sao phát hiện nhanh thế. Anh nói: “À, cùng đi với Cụ lên Bắc Giang có Trần Quốc Hoàn. Chắc Hoàn rỉ tai. Nhưng sau đó Hoàn lại hẹn Lưu Động mồng bốn Tết đến chơi. Còn dặn bảo cả đám thằng Hoàng Minh Chính, thằng Minh Việt nữa cùng đến. Chỉ mình Lưu Động đến. Muổn tận mục sử thị các ông Mao ít Mao nhiều đến đâu, anh bảo tôi.

Đến nhà Hoàn, Hoàn nạt phủ đầu luôn: Các cậu chửi Đảng gớm lắm đấy nhá.

– Chúng tôi chửi Mao chứ đâu chửi Đảng.

– Thủ đoạn ranh ma của các cậu là ở đấy. Các cậu thừa biết đường lối Đảng ta và đường lối Đảng cộng sản Trung Quốc là một cho nên chửi Mao chính là các cậu chửi Đảng! Mà Mao Chủ tịch là cách mạng dám dùng bạo lực chống đế quốc sao các cậu lại chửi?

– Trần Đĩnh đọc Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc nói trang nhất đăng ảnh Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, La Thuỵ Khanh bị trói giật cánh khỉ quì xuống, cổ đeo bảng Đặng Cẩu, Bành Cẩu với La Cẩu, đấu và làm nhục cả Tổng bí thư lẫn uỷ viên Bộ chính trị bí thư Bắc Kinh và bộ trưởng công an. Như thế sao lại nói là một với ta được?

– Bạn đấu tranh nội bộ thế này là phản ánh cuộc đấu tranh địch ta trên quy mô thế giới và vì thế tất phải dùng bạo lực. Bạo lực triệt để mà trói phản động thì đã làm sao? Bên ấy không bạo lực mạnh thì làm sao thống nhất được đảng, tớ hỏi cậu? Ở ta tình hình phát triển tới lúc khéo rồi cũng phải làm như bạn.

Lưu Động thú nhận rằng nghe nói thế cũng thấy ớn xương sống.

Tôi kể đến đây, Đặng Kim Giang lè lưỡi:

– Kinh nhỉ!

Sau này anh nói lại chuyện này với Chính, Chính bảo tôi: ừ rồi xem ông nào dám Cách mạng Văn hoá đeo biển câu cẩu ở ta nào? Có mà nói phét. Hắn bắn tin qua Lưu Động doạ bọn mình đấy. Lúc ấy chưa ai nghĩ là Đảng sẽ bắt tù đảng viên.

Tôi bảo Đặng Kim Giang:

– Tôi ở Bắc Kinh, biết mấy ông Đặng, Bành và La này. La Thuỵ Khanh tiếp đoàn báo có tôi ở Thượng Hải nên xem ảnh, tôi không cầm được xúc động. Đây là ba con vật người ta vừa săn được ở rừng về, đều như thất tinh lạc hết, ba bộ mặt vô hồn cố ngửng lên chắc là theo lệnh Hồng vệ binh, chỉ còn sáu cánh tay bị trói treo lên là như còn sinh khí…

Đặng Kim Giang cứ lắc đầu, lắc đầu…

Tháng 10-1967, Đặng Kim Giang bị bắt ở Lim. Một trung đội lính súng ống tua tủa nhảy cả từ sau nhà vào trói nghiến rồi lôi đi ông tướng hậu cần từng lo cơm nước, súng đạn, thuốc men… cho mấy chục vạn quân lính và dân cồng ở Điện Biên Phủ. Tù ra, về lại Lim. Rồi chuyển tất cả nhà ra sống trong một túp nhà con ở góc sau chùa Liên Phái. Rồi nhồi máu cơ tim. Vào điều trị ở khoa lão bệnh viện Bạch Mai bằng cổng hậu nên nằm ở một gian dùng làm phòng kho.

Tôi đến. Gian phòng quá rộng, đầy những chồng giường sắt lêu nghêu toàn khung với cọc và lò xo sắt, không đệm và mình anh nằm lọt vào đó, mặt võ vàng, ngơ ngác, vẻ mặt thì nom là một nhân vật của Samuel Beckett (nhà văn Ái Nhĩ Lan – BT) – rách nát, cùng đáy, tồi tàn – nhưng cái thế nằm, cái không khí đại hí trường lại biến anh thành một nhân vật kịch cổ Hy Lạp đang nằm chờ dàn đại hợp xướng đến diễn màn hiển sinh kết thúc.

Năm 1981, anh bị bắt lần thứ hai. Chẳng khai cung được nữa. Ì ra, mệt, ốm. Giam vài tháng thì thả. Và bệnh. Đau thắt ngực. Kiến Giang và tôi đến bệnh viện hỏi xin cho anh nằm lại. Người ta nói trên lệnh là không cho anh vào điều trị. Dứt khoát như thế. Thế chữa ở đâu? Chúng tôi khẽ hỏi. À, bệnh viện chúng tôi không có phận sự trả lời. Nghe câu này, tôi lạnh toát người. Nghĩ ngay có lẽ Đảng đã đặt lời thề mới cho y bác sĩ đất nước này khi tốt nghiệp mà tôi không biết: Ngành y không phận sự cứu chữa bọn “phản động!” Có thể lắm! Một chủ nghĩa ra đời đã xác định ngay kẻ thù phải tiêu diệt và chôn vùi thì không thể nhân đạo chung chung.

Một trận mưa quá to. Nhà đột như ở ngoài trời. Giang ngồi thu lu giữa giường chịu trận, mảnh ni lông căng trên đầu che sao cho đủ. Anh ướt hết và thế là đùng đùng lên cơn sốt. Ngày nào Giang lo cho lính Điện Biên từng hạt gạo, manh áo, đôi giầy, mảnh vải che mưa… Cảm cái ơn Giang đã chuẩn bị xe bò – “sợ nó liệt không đi được” – đánh tháo cho mình vượt ngục thoát án tử hình ở Bắc Ninh, Văn Tiến Dũng nhân dịp “chống Mao” đã cử hai trung tá đến đo đạc xây nhà cho Giang. Nhung rồi Sáu Thọ không nghe nên Dũng đành mang tiếng nói mép.

Giang bảo tôi: Đám Mao nội địa này chống Mao bằng mép nhưng đánh chúng ta thì tới tận cái mạng.

Lê Quang Đạo rất mến Giang. Trên rừng, làm Trưởng ban tuyên truyền trung ương, Đạo hay kể chuyện hai người thời bí mật cùng đi công tác thì Đạo chuyên bị Giang cho mắc xiếc. Đến hàng quán vừa ngồi, Giang đã nhanh nhảu gọi cho “bố con tôi” hai bát nước. “Dạ, tôi dắt thằng cháu đi thi, mặt mũi nom sáng láng thế này nhưng dốt lắm chả biết có đỗ được không?” Trong khi đó, Đạo ngầm nhè mu bàn chân Giang mà giáng cho một gót đau rung đến tận óc. Bé người hơn, trẻ hơn, Đạo không thể tranh gì với Giang được ở chỗ đông.

Thì nay đều lờ đi số phận tối mù của nguời đồng chí thân thiết cũ. Thảo nào người ta nổ ra được Cách mạng Văn hoá. Không có tình nghĩa gì hết.

Tối hôm ấy tôi đến. Mất điện sau cơn mưa dữ. Cả khu chùa mù mịt, thê lương. Oàm oạp tiếng ễnh ương đòi trả lại chúng cái gì không rõ. Một ngọn đèn dầu với chị Mỹ lo lắng ngồi canh bên màn phủ kín. Oi nồng, ngột ngạt. Căn nhà rộng độ mười mét vuông tối tăm, ấm ướt. “Li bì suốt thôi chú ạ… Thỉnh thoảng mới tỉnh một tí. Chả đâu nhận chữa. Vào đâu được bây giờ? Người ta lắc hết…“ Chị Mỹ chợt ngừng: Kìa, hình như động đậy. Để tôi vào xem…

Lại chui ra ngay: vẫy gọi anh đấy, tôi bảo là anh đến.

Tôi lách vào cái hầm lò hầm hập. Anh vẫn đang yếu ớt vẫy. Nói khe khẽ “tớ mong quá”…

Thay đổi quá nhanh. Vàng vọt. Gầy guộc. Râu ria lởm chởm. Anh nằm bẹt dính xuống chiếu. “Tại cái nhà dột, nhà dột ghê quá mà mưa thì quá to… cứ ngồi che áo mưa lên đầu”, anh thanh minh cho sự đổ ngã của mình. Tôi nắm tay anh. Anh khẽ hỏi luôn, có tin gì không?

Ở mỗi câu hỏi bao giờ cũng thoáng chút hy vọng. Và tôi sẵn sàng tranh cãi với bất cứ ai chê cái hy vọng đó là viễn vông, ngây thơ, dớ dẩn. Vâng, chúng tôi lúc đó đều như thế. Chúng tôi đã nghe thấy sự rạn nứt báo trước phải có một thay đổi, dù năm chục năm nữa. Vô luân vô lý thế này thọ sao được? Đến Đại hội 6 (1986) nó đã ra mắt ở câu “Đổi mới là sống còn của cách mạng”. Vả chăng hãy sống cái cảnh Đặng Kim Giang? Cho nên tôi như có lỗi khi bảo anh: “Không có tin gì cả”. Nhưng lập tức, tôi lại nói: “Có, có tin. Từ nay nước ta hai bộ trưởng ngoại giao song hành, hai văn phòng, hai ghế, một chức năng, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Đông Giang”.

Anh bóp tay tôi, hàng râu lởm chởm rung mạnh. Anh cười, mồm lặng lẽ ngoác ra rất to. “Chúng họ cấu xé nhau thế rồi cơ à?” Có lẽ đây là câu bình luận cuối cùng và ngắn gọn nhất trong đời Đặng Kim Giang.

Tôi về, chị Mỹ nói: “Những người theo anh đến đây đang lởn vởn ở sân chùa đấy. Khéo họ húc đổ xe”. Hai hôm sau đưa ma Đặng Kim Giang. “Xét lại” bảy tám người ngồi trên sân chùa. Minh Việt bảo tôi: Đấy, tay đeo kính đen ngồi ở quán nước trên đường vào kia, đấy, là Huy theo dõi bọn mình đấy… Kìa, còn bốn năm tay nữa, đấy…

Nghĩa trang Văn Điển. Lèo tèo hai chục người. Đào Phan điếu văn. Rất xúc động. Tôi mới hiểu vì sao anh đã mở lớp tuyên truyền xung phong đầu tiên ở Huế và lấy chị Phan Bội Hoàn, hoa khôi trong nữ sinh Huế thời ấy. Mấy tiếng thút thít. Như khóc trộm Đặng Kim Giang.

Đào Phan giậm chân kêu to: Sao mà khóc? Chết như Đặng Kim Giang là chết vẻ vang, chết vinh dự.

Hạ huyệt rồi, chị Mỹ đứng đầu huyệt khẽ nói:

– Thôi, chào vĩnh biệt người chồng tội nghiệp của tôi…

Năm 1995, tôi giúp chị đôi phần nhỏ mọn vào cái đơn chị gửi Trung ương đảng kể “nỗi chồng” “nỗi con” và “nỗi mình”. Đánh máy sao chụp cho chị. Thư này loan đi hầu như trên toàn thế giới ngay sau đó.

Ở “nỗi con”, có một chuyện vừa hay vừa lạ. Một sáng chị sang tôi. Hai người ra đứng chếch tam quan Chùa Hà. Con đường gồ ghề, lởm chởm đá. Khu đô thị Nghĩa Tân xám bấn và bãi đất rộng trước Chùa Hà là một bãi hoang tôi thường tắt qua để đến chị ở D1 (nay hai cao ốc lừng lững cả chục tầng ở đó).

Chị bảo tôi: Chú nghe và biết thế. Chờ sau ngày 28 tháng 8 xem thể nào đã… Chuyện thế này. Tự nhiên một bà người Mỹ gặp cháu Sơn. Nhận là người của đại học Harvard muốn tìm hiểu trình độ Sơn để có thể cấp học bổng sang đó học. Đánh giá tiếng Anh của Sơn là được, sang đó đằng nào cũng học thêm, hẹn sẽ trả lời. Ba tháng sau, đến lượt một ông nói là ở ban giám hiệu gặp và nói sẽ cho Sơn sang học. Gợi ý hẳn là cháu Sơn hiện đang làm việc ở Bộ nông nghiệp nhưng sang Mỹ thì nên học quản lý kinh tế tốt hơn. Người ta lao đến xin học ở chúng tôi nhưng anh thì chúng tôi lại đi tìm. Sơn hỏi chưa biết gì về tôi, sao các ông lại đối với tôi như thế. Đáp: Chúng tôi biết hết về anh… Biết cả thí dụ anh không giỏi toán nhưng thôi sang đó củng cố sau.

Sơn đi. Tốt nghiệp về nước, làm vụ trưởng. Một bữa liên hoan cơ quan, Sơn mời mẹ đến dự. Nghe có bà Mỹ, một người đến chúc mừng: Tôi xin phép được gọi bác là bà đại tướng. Bác trai xứng đáng được nhân dân tấn phong như thế. Sau đó cả đám tiệc tíu tít đến chào mừng, chúc tụng. Nói: Thư bác gửi Trung ương là tiếng nói tiêu biểu của người vợ, người mẹ và người phụ nữ thời đại mới. Chị Mỹ bảo tôi: Hôm ấy chính nghĩa ló mặt ra chú ạ.

Một lần tôi hỏi Sơn:

– Bên Mỹ biết chuyện bố cháu không, theo Sơn?

– Có vẻ biết.

Có một chuyện tôi ân hận Giang không được biết. Khi tôi nói hai bộ trưởng ngoại giao song trùng, Giang cười thú vị – hàng ria bạc lỏm chởm cứ rung lên: “Chúng họ cấu xé nhau đến thế rồi cơ à?”

Anh biết cấu xé trước hết vì vấn đề Trung Quốc nhưng chưa ngờ nổi rằng với ông anh chí cốt này, Đảng đã có những đối sách kỳ cục: Gọi nó là thù rồi lại ôm lấy nó. Càng không thế biết chuyện Trần Quang Cơ từ chối bộ trưởng ngoại giao mà còn viết hồi ký tố giác Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Hồng Hà đã làm nhục quốc thể. Vậy là cái hy vọng của Đặng Kim Giang cũng không đến nỗi vớ vấn.

***

Mãi sau này tôi mới biết Chu Đình Xương. Lúc đầu thú thật tôi hơi ngại anh – anh quá thoải mái, nói “cứ văng-xi-lô” – bạt mạng, như anh tự nhận. Những ngày mới quen, gặp tôi ở đâu anh cũng vờ nghiêm mặt, chỉ vào tôi lớn giọng: Bắt, thằng này phải bắt, xét lại tầm cỡ đây. Rồi cười đánh khị một cái, ôm lấy tôi.

Sau Cách mạng tháng Tám, anh bảo tôi, Sáu Thọ phân công tớ làm công an. Tớ bảo không thích làm. Không thì thằng nào? Thọ vặn lại rồi giải thích: Cậu có ba cái hợp với công an. Một là cậu biết võ, hai là cậu hay ục, ba là cậu biết tiếng Pháp, công an cần ba cái ấy lúc này. Tớ kể cho cậu chuyện này là cốt để cho cậu thấy nay họ toàn bịp, nói phét nói lác, làm như từ cái hồi ú ớ đó, mọi sự đều có bài bản, có kế hoạch, văn minh, khoa học đâu ra đấy cả rồi. Không đâu.

Nói phét lắm. Tớ kể chuyện tớ đây: Một hôm anh em nó báo trong trại giam có một đứa nó chửi Cụ Hồ ghê lắm. Thế là tớ hét chúng nó đưa tớ đi. Vào một xà lim giam ba đứa. Một đứa thấy tớ lại ngước mắt nhìn. Tớ lập tức xô đến tống cho hai cái vào mặt. Nó khóc ấm lên rằng: “Tôi làm gì mà ông đánh tôi?” Cậu công an lúc ấy mới chỉ vào một tay khoảng năm chục tuổi từ lúc tớ vào vẫn cứ yên lặng, nhu mì ngồi một chỗ: Báo cáo anh, thằng này chửi ạ. Còn hứng gì mà đánh phục thù cho danh dự Cụ nữa. Đấy, những chuyện như thế thì rất nhiều. Chưa kể thủ tiêu phản động. Tớ còn đưa ông Cụ đi gặp Ngô Đình Diệm và Phan Kế Toại lúc ấy bị giam trên gian áp mái của tờ l’Action, nay là báo Hà Nội Mới, rồi ông Cụ thả hai người.

Còn chuyện này cậu biết không? Đinh Đức Thiện (em ruột Lê Đức thọ – BT) hồi đầu kháng chiến đã lập trên Việt Bắc một trại con gái để cho cán bộ đến cấp bậc nào đó đến giải quyết sinh lý, kiểu nhà thổ của lính Nhật “xùng xục giô tô” ấy. Nhật nó không biết tiếng ta gọi món kia là gì thì nó tượng thanh bằng xùng xục, còn giô tô tiếng Nhật là tốt, cậu biết chứ? Phát tem phiếu hàng tháng, mỗi tháng mấy tem, mỗi tem một lần đại khái thế. Nghe đâu Trường Chinh nghe thấy liền bắt giải tán. Cậu bảo biên chế sở ấy vào ngạch gì được nhỉ? Văn công, thể công rồi thì món này thân công à?

Chuyện của Xương nói chung rất khác người. Rất bông phèng.

Có lần anh bảo tôi năm 1946 cậu còn thiếu niên tiền phong thì chắc có ra ga Hàng cỏ đón Bác đi tàu thuỷ ở Pháp về Hải Phòng rồi lên Hà Nội bằng xe lửa. À, có đón hả? Xương cười nói tiếp: Thế thì cậu hoan hô với vẫy hão rồi. Hôm ấy ở xe lửa xuống, cụ lên dự cuộc đón tiếp công khai xong là có người dắt Cụ bịt râu đi tắt trong sân ga đến chỗ thằng Qua, thằng này sau là cục trưởng cục trại giam, chờ sẵn lái đưa Cụ đi. Sự phản động nó xơi mà. Còn Bác trên xe chính thức diễu phố là một cậu lâu ngày tớ quên tên nó mất rồi, thằng này giống ông Cụ kinh khủng, nó đeo râu giả làm ông Cụ nhòm ra vẫy đồng bào. Phản động phơ thì thằng này hứng. Đến Cải cách ruộng đất, tay hình nhân này bị đấu là địa chủ phản động gian ác, suýt ngỏm. Nó khóc: “Tôi từng đóng thay Bác Hồ để phản động có bắn thì tôi chết thay Bác thế nhưng phản động không bắn mà nay Đảng lại bắn tôi, ôi Bác Hồ ơi…” Nó được hạ xuống làm phú nông, thoát tử hình.

Một hôm anh kéo tôi vào quán cà phê quốc doanh ở cạnh rạp Tháng Tám. Mũ phớt, kính đen, áo gió, giầy da, cà-vạt là những lệ bộ quen thuộc trên người, nom anh thật sự rất “phong độ”, chữ để chỉ người nào đã có tuổi nhưng đẹp và sang.

Vừa ngôi xuống, anh đã đưa cho tôi một lá thư lấy từ trong túi trong của áo vét ra. “Xem đi,… tớ gửi cho phó toàn quyền đấy… “

“Kính gửi anh Sáu Thọ,

Thưa anh, tôi Chu Đình Xương vừa nghe thông báo là những ai hoạt động thời bí mật muốn hưởng trợ cấp lão thành thì phải lấy được chứng nhận có chữ ký của hai người đã từng cùng hoạt động với mình. Tôi nhớ Tổng khởi nghĩa vừa xong, anh giao cho tôi phụ trách công an mà anh không hề bắt tôi tìm hai thằng nào chứng nhận. Thưa anh, tôi xin phép anh là được không phải đến đấm cửa, bấm chuông nhà thằng nào để lo cái việc lĩnh tiền…“

– Giỏi, tôi nói, trả lại thư. Ông ấy cáu thì sao?

– Không thiết. Lấy tiền là tớ đã trọc đầu thì còn sợi tóc nào để túm mà đánh nữa chứ? Những ngày mới cách mạng, tớ bảo vệ Cụ Hồ, có bắt phải có người chứng nhận đâu? Phú quý sinh lễ nghĩa giật lùi.

Để cho thấy anh từng “chơi ngang” với Sáu Thọ, hôm ấy anh kể thêm chuyện hồi anh ở Khu 5, Sáu Thọ có việc qua, gặp anh. Sáu Thọ bảo: “Tớ vẫn định giao việc khác cho cậu thế nhưng cậu cứ bị tai tiếng về quan hệ nam nữ”. Xương nghiêm mặt nói lại: “Thưa anh, đúng là khuyết điểm nhưng khổ nỗi, tôi phải cái tội giống anh là bảnh giai cho nên đàn bà con gái họ hay lăn vào, anh chả lạ gì. Tôi không đẹp giống anh thì tôi nghiêm lắm…” Thọ đấm tớ một cái: Thằng này xỏ lá.

Có lẽ do tính “chất chưởng”, cả với phó toàn quyền, cho nên trước khi về hưu anh chỉ làm Chánh văn phòng Bộ văn hoá. Nhưng hay rủ tôi và Bửu Tiến đến “phát huy tệ nạn văn hoá” là đánh tổ tôm với vợ chồng anh và Đức, cô con gái lai xinh đẹp của anh chị.

Một hôm tổ tôm ở nhà Xương, Bửu Tiến hỏi tôi:

– Giấy khai sinh mua ở đâu hả Trần Đĩnh?

– Đến dẫy mắm muối dưa cà chợ Hàng Bè – tôi trả lời.

– Cái cha này, sao lại thế? – Bửu Tiến vặn!

– Ở ta, giá trị bị đảo lộn hết cả rồi, tôi nói, cho nên mới cần phải redresser les valeurs, – dựng lại các giá trị chứ.

Xương nghiến răng bóp đùi tôi:

– Hay!… Hay!… Thằng Trần Đĩnh này… Toutes les valeurs, – mọi giá trị.

Một thời gian dài anh vào sống trong Sài Gòn.

Một chiều, đi bộ vòng quanh Hồ Gươm, Minh Việt đưa cho tôi tấm danh thiếp to bằng quân bài xì. Chu Đình Xương gửi tôi qua Việt: “Đĩnh, nhớ cậu lắm, cố đến tớ càng sớm càng tốt. Tớ vừa mới ra Hà Nội”.

Xẩm tối tôi đến cháu Đức hỏi địa chỉ anh. Đức kêu ngoắt ngoéo lắm chú ơi, lại hơi mưa, chú để mai.

Tôi cứ đi. Nghĩa Đô, chân dốc Bưởi, nay là đầu đường Hoàng Quốc Việt, rẽ trái rẽ phải, trái phải, ngoắt ngoéo ghê thật… Thấy tôi, Xương mừng quá… “Tớ biết, cậu thì bạn gọi là đến”, anh nói. Một nhà đầy trẻ con và đàn bà con gái. Tôi thấy anh như một tiểu vương Ả-rập giữa cung cấm láo nháo cung phi, thị nữ.

– A… bị tiền liệt tuyến… Bình thường thôi nhung Giáo sư, Bác sĩ Phạm Biểu Tâm bảo ra Hà Nội chữa tốt hơn.

– Hơi gầy đấy.

– Allons, un petit test, quoi, – thử qua xem nào. Nhờ ông đứng thế (kéo tôi ra chính giữa nhà), cấm động đậy, động đậy mà làm sao tớ không bồi thường.

Tôi đúng thẳng im lặng. Xương xuống trung bình tấn ở trước mặt tôi, nhắc lại: im là im, không nhúc nhích.

Nói đoạn anh vung hai tay đấm tới tấp vào hai bên mặt tôi. Dồn dập chừng mười quả khá mạnh, anh ngừng tay, thở hoi gấp, hỏi tôi:

Thấy gì không?

– Thấy hai bên mang tai gió vù vù.

– Alors, je m’ en fous, – thế thì tớ đếch cần. Toét miệng cười hị một cái.

Thế rồi vài ngày sau, Minh Việt lại đưa tôi quân bài xì danh thiếp Xương gọi đến Việt – Đức, hậu phẫu khoa niệu. Minh Việt và tôi đi ngay sau buổi ngồi hồ. Xương vui lắm. Khoe mổ cái u rồi, mười hai gam… Sau đó đã hấp háy mắt nói: Chúng nó vào thăm bảo đại hội này Ba Duẩn về chăn vịt quàng quạc thật rồi, cấm chạy thoát được rồi.

Thế nhưng chỉ tuần sau lại đã gọi tôi. Tối rét, Minh Việt và tôi lại đi dọc Tràng Thi đầy lá bàng đỏ tía trong đêm như những mảng kính mô-da-ích (mosaiqué) mầu tiết bầm, như những đĩa tiết đọng. Mổ lần hai. Cái u nặng lên gấp đôi. Và thần sắc anh hao đi thật. Tôi nhìn những giọt nước hồng hồng lăn chầm chậm trong ống nhựa vào một cái bình thuỷ tinh dưới giường. Không thể tưởng được cuộc sống đang bỏ Xương đi xoàng xĩnh, dễ ợt, rẻ như thế kia.

Xương lại gọi. Lần này ở bệnh viện Việt-Xô. Nhợt nhạt, má hóp, râu ria. Thấy tôi, anh khẽ reo: Tớ mong quá. Tớ đã nói là nhờ cậu sửa cho tớ cái hồi ký, báy giờ đã xong, tớ đưa cho Chu Hảo con cả tớ để rồi sẽ đưa cậu khi cần đến. Còn dặn nó là chú Trần Đĩnh nghèo.

Anh đã nhăn mặt lại rên: Ối, đau quá… Tìm Hoàng Kim Tịnh nhờ tiêm Dolagan cho mình.

Sáng hôm đưa ma Chu Đình Xương, Đào Phan bảo tôi: Trước khi chết, nó nhờ hoặc tớ hoặc cậu thay mặt nó lên nói với bà con tiễn nó vài lời. Tớ bảo có trời sập thì mới đến thằng Đĩnh nhá.

Đào Phan đà có bài tiễn bạn rất hay.

Sau đám ma, tôi vào Sài Gòn. Ung Văn Khiêm gọi.

Hai chục năm sau, trong bữa ăn Quy Viện thông tin mời ở nhà hàng Sam Biển tại Linh Đàm với cả Lê Trọng Nghĩa; Hoàng Hưng nhà thơ; Can, con trai Xương; Viện, thông tin. Can nâng cốc: Cháu chúc chú sẽ đọc điếu văn cho cháu.

Tôi trố mắt.

– Chúng cháu nghe bố nói là đã nhờ chú Trần Đĩnh đọc điếu văn cho bố cháu mà. Vậy chúc chú sống lâu để trả cái nợ điếu văn ấy với bố cháu qua cháu.

2010, giỗ hết Lê Đạt, tôi đang ngồi trong nhà Đạt thì thấy mấy người đi ngang qua cửa, gọi: Anh Chu Hảo.

Một người tóc bạc quay lại. Giống Xương.

Tôi ra cửa, đến vỗ vai Chu Hảo:

– Chào anh Chu Hảo, tôi Trần Đĩnh, bạn của Chu Đình Xương.

Chu Hảo quay ngoắt lại, ôm lấy tôi: Chú Trần Đĩnh.

Rồi bỏ tất cả ngồi với tôi.

Các con Lê Đạt sau đó hỏi tôi “Chúng cháu lạ quá, thấy chú ra vỗ vai rồi nói gi mà ông Chu Hảo ôm chầm lấy chú thế?”

– Xướng cái danh còm.

Tôi không hỏi Chu Hảo hồi ký của bố Xương ở đâu.