Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Đèn cù (chương 29)









Đèn Cù

Chương 29






Khoảng cuối năm, Lê Đức Thọ gọi tôi lên. Hai người ngồi ngay ở giữa sân, dưới một tấm mái dựng trên miệng hầm ngầm mới xây mà Thọ nói là sâu 10 mét. Dù đang rối bời tôi vẫn không thể không so sánh: hình như hầm của Lê Thanh Nghị cũng Bộ chính trị và còn kiêm phó thủ tướng chỉ sâu 8 mét. (Tôi đã một dạo xuống ẩn hàng ngày). Ai quyết định khác biệt về độ an toàn này?
Tôi mở sổ tay ghi lời Lê Đức Thọ. Lần đầu tiên. Nay là bút sa gà chết mà.
Thọ nói ngay tớ gọi cậu đến để nói chúng nó bị bắt là đúng. Tội chúng nó rất lớn. Chúng nó láo lắm. Liên hệ với Liên Xô thế nào, tuồn tài liệu mật cho Liên Xô như thế nào, cậu biết không, chúng nó đưa cho Liên Xô cả đến Nghị quyết 9 của đảng, chúng nó làm gì an ninh ta biết hết. Biết từ năm 1964 rồi cơ. Cậu chớ nghĩ là bắt oan, không, có tội thì đảng mới bắt chứ! Cậu phải tin như thế. Đấy, cậu trông - chỉ vào tập lịch có ba cái vòng mạ kền - trong này ghi các trung ương, bộ trưởng xin gặp tớ đầy ra nhưng tớ chưa gặp, mà lại gặp cậu. Vừa ở Paris về nghe an ninh nói cậu dính vào vụ chúng nó tớ bâng khuâng lắm, tớ tiếc lắm. Cậu biết là tớ định đưa cậu đi theo làm báo cho đoàn ta ở Paris rồi, nay cậu như thế này, tớ tiếc lắm.
Tôi nói:
- Cảm ơn anh
- Tớ đã nói là tớ mến cậu vì cậu trẻ, cậu có tài, cậu ngay thẳng cho nên từ lâu rồi tớ đã có ý nhắm cậu nhưng thế nào cậu lại… Nhưng không sao. Tớ nói cậu có ghi đây. Là cậu không làm sao cả. Nếu cậu bị làm sao thì cậu viết thư chất vấn tớ tại sao tớ là người cộng sản mà lại nói năng bất nhất. Bây giờ tớ nói với cậu để cậu nhận ra và cậu yên tâm ngòi bút của cậu vẫn là lợi khí của đảng, đảng vẫn tận dụng lợi khí của cậu nhưng cậu phải giữ cho lòng dạ trong, tư tưởng sáng. Cậu chán lắm, gặp chúng tớ thì cậu tỉnh nhưng gần chúng nó cậu lại tối, thôi, từ nay không gần chúng nó nữa. (Kể một lô tội của anh em, cả quan hệ nam nữ, lục đục…). Tớ nói cậu rõ là trước sau tớ luôn chú ý bảo vệ tình hữu nghị Việt - Xô và bảo vệ cán bộ. À, về bảo thằng Phan Kế An là nó láo lắm, nó thậm thụt với Liên Xô thế nào chúng tớ biết hết. Nhưng nó cũng cần phải tu tỉnh, đảng vẫn dùng. Từ khi bắt chúng nó, ngày nào Cherbakov đại sứ Liên Xô chả ba bốn phen đòi ta thả. Nhưng ta độc lập chứ.
Chưa biết câu này chỉ cốt nhằm khẳng định xét lại là tay sai Liên Xô, tôi nghĩ nhanh trong đầu: Bênh bọn tôi phản đối chiến tranh thì tại sao 1965 Kosygin lại sang viện trợ máy bay, tên lửa đánh Mỹ?
Chẳng hiểu sao không nói câu này thì tôi lại nói:
- Thưa anh, anh vừa nói là an ninh biết họ bậy bạ từ những 1964 và anh thì trước sau bảo vệ cán bộ và tình hữu nghị Việt - Xô thế thì sao ngay từ đầu năm 1964, anh không gọi anh em lên chìa bằng chứng ra thì có phải ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc bây giờ không?
Định nói gì, Thọ chợt nghiêm giọng:
- Thôi cậu về đi, tớ bận lắm. Nhớ là tư tưởng trong, lòng dạ sáng thì ngòi bút vẫn là lợi khí của đảng. Và nhất là không có gặp đứa nào của bọn chúng nó nữa.
Tôi thấy ngay mình hớ. May chưa nói nốt là để đến bây giờ mới bắt thì dễ bị coi là như có ý nuôi cho họ mắc tội thật nặng để rồi trị. Đồng thời thầm hỏi tại sao lại dặn không gặp nhau nữa? Tôi chưa biết đảng sẽ còn bắt thêm vài đợt.
Một thắc mắc: Nghị quyết 9 như chúng tôi học thì có gì quan trọng lắm mà “xét lại” phải gửi cho Liên Xô? Nói thế để có cớ bắt thôi. Tôi quên mất Kỳ Vân đã bảo tôi là phần 2 của Nghị quyết nói muốn giải phóng miền Nam thì phải đánh Mỹ và muốn đánh Mỹ thì phải chống Liên Xô đầu hàng cấu kết với Mỹ.
Lúc ấy chưa nhận thấy rõ bắt xét lại là một thế chấp về lòng trung thành nộp Bắc Kinh. Để đừng dắt em vào chợ rồi lại bỏ bơ vơ.
***
Vừa về đến cổng cơ quan đụng ngay phải Hoàng Tùng. Có lẽ có ý chờ để biết kết quả tôi gặp Thọ. Anh hỏi, như thở đánh phào:
- Sao?
- Anh Thọ bảo không sao cả. (Nói đúng tinh thần Sáu Thọ).
- Lại còn không sao nữa! (Buông ra cụt lủn như vậy, rồi Hoàng Tùng hầm hầm quay lưng đi thẳng).
Và từ đấy quay mặt hẳn. Phản ứng đầu tiên của tôi là nản.
Hoàng Tùng ngờ tôi bịa à? Không nghĩ trong cuộc lùng sục xét lại phản động, nay là lúc Hoàng Tùng can biết rõ thêm về tôi.
Có thể anh đa loang thoang nghe bao Nhân Dân có một chi bo chống đảng. Và không chừng từ sáng anh đang hy vọng tôi đã khóc nhận tội với Sáu Thọ - như thế tôi sẽ nhẹ tội và anh sẽ nhẹ gánh liên luỵ - nhưng thấy tôi vẫn bảo tôi “không sao” thì anh vạch rõ ranh giới với tôi từ nay là hay hơn cả.
Anh và tôi hẩu nhau ở quan điểm, ít nhất là chế Mao, nhưng nay thấy tôi nước đã ngập đến cổ mà vẫn ngoan cố nói “không sao” thì anh phải đoạn tuyệt với tôi thôi. Thật đáng tội nghiệp cho con người. Vì tôi không kể cụ thể những lần Thọ gặp tôi nên anh không biết Sáu Thọ có con mắt khác như thế nào đối với tôi.
Mới cách đây nửa tháng, tôi thăm vợ con sơ tán trở về, Nguyễn Địch Dũng nói mấy hôm nay Tùng hay xuống nhòm vào buồng cậu như có ý tìm. Tôi nghĩ chắc là lầm thì Hoàng Tùng thò đầu vào nhòm thật rồi đi.
Lát sau, tôi lên gặp Hoàng Tùng. Anh vui vẻ nói tôi vừa đi kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga với anh Duẩn về có mấy cái biếu anh. Đây, đôi kính râm và hai chục ống thuốc Campollon của anh còn con búp bê Nga thì cho con bé nhà anh.
Tôi cảm ơn và nói:
- Tôi cũng cần xin lỗi anh vì trong khi anh đi vắng, Ban tổ chức trung ương có bảo tôi viết kiểm thảo về quan điểm. Tôi cần nói là trước sau tôi không lừa anh Thọ và anh. Nghĩ thế nào tôi đều nói ra, các anh thấy cả.
Hoàng Tùng trầm giọng nói:
- Thế này người ta lại nói tôi đây. Người ta vẫn kêu tôi cưng chiều anh. Nhưng đối với anh tôi hoàn toàn dựa vào lòng thành của người cộng sản, tôi thấy anh có tài, ngay thẳng cho nên hay giao việc quan trọng cho anh.
Tôi tin điều này Hoàng Tùng tâm thành.
Tháng 8, Tường Vân nhờ tôi dẫn đến gặp Hoàng Tùng hỏi chuyện chồng chị là Trần Châu bị bắt, Tùng nói đảng thấy mấy tướng nói nhăng thì bắt cho sợ rồi tha thôi chứ cộng sản nào lại đi bắt cộng sản? Hoàng Tùng cùng như bao nhiều uỷ viên trung ương khác đều bất ngờ trước vụ án này. Đoàn tàu rẽ đột ngột khối anh loạng choạng.
Lúc ấy tôi không nghĩ nói ta cần một thế chấp nộp Trung Quốc, tỏ ý cùng Trung Quốc tung bay trong biên đội đánh phá xét lại mà bằng chứng quan trọng nhất là quyết đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Và chắc Mao vẫn chưa hài lòng: vụ án này - có mã số X77 - mang tên Hoàng Minh Chính thì còm nhom quá. Lẽ ra phải là tên cốp chính cống cơ. Phải vài năm sau, tôi mới nhận ra tính chất con tin nay của vụ án.
1956-1957, Nhân Văn - Giai Phẩm là bàng chấn của Chống hữu bên Trung Quốc nhằm đàn áp tự do ngôn luận.
Mười năm sau, 1966-1967, vụ “xét lại chống đảng, lật đổ, tay sai nước ngoài” là bàng chấn của cuộc vận động nhằm sắp xếp lại thế trận làm tan phe cộng sản mãi kìm hãm Trung Quốc ở vị trí phó tướng và thay đổi cục diện thế giới có lợi cho Trung Quốc.
Trong vụ này có thể nói Việt Cộng đã hăng hái dọn đường cho Trung Cộng.

***

Người đầu tiên chết trong tù là Phạm Viết. Bệnh tim của anh vốn rất nặng. Tôi đến thắp hương. Mẹ anh rầu rĩ kể:
- Lên nhà tù Phú Sơn chôn nó, nhìn nó nằm đấy, tôi khóc con ơi ngày hoạt động nội thành gian khổ là thế mà con vẫn yên lành thì nay con lại bị đảng của con bắt con tù tôi rồi chết. Ông coi tù bảo cụ khóc sai rồi, chúng tôi đưa anh ấy lên đây để bảo vệ cho anh ấy. Tôi lại khóc: Vâng, khóc thế nào cho vừa ý đảng thì xin viết cho tôi đọc.
Phạm Viết ở trong Ban quân sự Thành uỷ Hà Nội hoạt động bí mât ở trong thành. Anh đã có công cứu giáo sư bác sĩ Đặng Văn Chung thoát chết. Chuyện thế này: hồi 1946-47, giáo sư Đặng Văn Chung bỏ kháng chiến về Hà Nội, mang theo hai cô y tá. Thành uỷ quyết định tử hình ông vì tội đảo ngũ về đầu hàng địch. Phạm Viết đã can ngăn. Anh nói bác sĩ có về thành thì cũng là chữa bệnh cho người Việt Nam. Nhân tài chết thì thiệt cho dân cho nước. Thành uỷ đã huỷ án tử hình này. Và Phạm Viết đã chết vì tim ở trong tù, không được Đặng Văn Chung chữa chạy như ý nguyện của chính bác sĩ giáo sư.
Trong vụ án xét lại, phải nói tới các chị. Chị Tề, vợ Vũ Đình Huỳnh; chị Mỹ, vợ Đặng Kim Giang; chị Sơn, vợ Bùi Công Trừng; chị Minh Quang, vợ Minh Việt; chị Oanh, vợ Lưu Động; chị Lan, vợ Kiến Giang. v.v…
Chị Thảo, vợ Lê Trọng Nghĩa, rửa bát ở mấy nhà ăn quốc doanh suốt từ Tràng Tiền đến Cửa Nam và Ga Hàng Cỏ lấy tiền nuôi con và gửi cái gì đó cho chồng. Người ta thẩm vấn chị “chui vào đảng để nhằm cái gì?”
- A, thế sao các anh không hỏi thời Pháp thời Nhật những lần tôi chui vào Hoả lò tiếp tế cho tù cộng sản thì là để nhằm cái gì? Tôi hỏi lúc ấy các anh ở đâu?

Hồng Ngọc vợ Hoàng Minh Chính ba lần nuôi chồng tù ta. Bị khai trừ khỏi đảng, bị buộc về hưu sớm. Tội: không đấu tranh giáo dục chồng, Hoàng Minh Chính! Dạo Chính tù lần hai, một hôm tôi đã thốt lên: “Bà giỏi, nuôi chồng tù vất vả (cơm hai mẹ con toàn rau muống luộc mà cứ mời tôi cùng ăn) mà vẫn khoẻ chứ không thì khốn. Chị vạch chân tóc: “Nhuộm đây này! Dù có thế nào, đàn bà con gái cũng không được phép tiều tuỵ. Tôi kể qua nhé, gạo nước, thực phẩm, đường sữa, báo Liên Xô, đủ các thứ, rồi thuốc men gửi cho ông Chính là hết nhẵn!

Một vài lần chị muốn tôi viết giúp chị hồi ký. Không làm được, tôi rất ân hận. Tôi còn quá vất vả với việc của tôi. Có đêm sắp giao thừa, theo ý chị, tôi đã đạp xe ra để cùng chi đi quanh Hồ Gươm chen nhau với người. Sau này theo Chính sang Mỹ chữa bệnh, chị bảo tôi: “Tiếng là đi Mỹ nhưng toàn quanh quẩn trong bệnh viện”.
Hồng Ngọc quá nhiều buồn khổ. Như nhiều bệnh. Tôi cảm ơn chị đã chọn tôi làm người tâm sự. Một hôm, trong bữa ăn vợ chồng con gái út chị mời mấy giáo sư Trần Hữu Tá, Lê Minh Ngọc và tôi, Hồng Ngọc giới thiệu với mọi người: “Trần Đĩnh là người bạn thân nhất của tôi”. Phải nói rằng tôi hết sức cảm động. Một lần nữa nói như thế trong bữa ăn mời tôi có bà thông gia của tôi, em gái Chính, và ba con gái Hồng Ngọc.
Và con của các anh chị. Biết bao cay đắng, tủi hổ, thiệt thòi. Tôi khó quên chuyện lúc mấy người công an đẩy Vũ Đình Huỳnh đi, anh đề nghị:
- Các đồng chí cho tôi vào hôn mấy cháu bé.
- Thằng phản động, ai đồng chí với mày hả?
Huỳnh sau này bảo tôi:
- Mật thám Tây đến bắt không vô văn hoá như vậy.


***


Các đơn thư khiếu kiện của các chi Tề, Mỹ, Hồng Ngọc… đã được biết nhiều ở trong và ngoài nước. Tôi muốn trích ở đây đơn ngày 8-5-1981 của Nguyễn Thị Ngọc Lan, người mẹ tù của hai trẻ thơ, người cùng Phạm Viết lam nên cặp vợ chồng tù xét lại duy nhất, coi như một ưu ái cho cặp vợ chồng tù duy nhất vì “chống đảng”, cho hai người bạn một thời gian dài tôi ngày ngày thân thiết chuyện trò. Đơn này là một trong hơn 70 đơn chị gửi cho từ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp… đến Bộ chính trị, Ban bí thư, Uỷ ban thường trực Quốc hội, Toà án nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ. v.v… và đều bị lơ. Nguyễn Thị Ngọc Lan học trường Tay Albert Sarraut, hoạt động ở nội thành Hà Nội từ 1948. 1950 vào Đảng cộng sản Đông Dương và ba lần bị giam cầm tra tấn, Ngọc Lan còn hiến cho Nhà nước một ngôi nhà 250 mét vuông ở 169 Bà Triệu, Hà Nội do bố mẹ chia cho chị từ 1945, một nghĩa cử yêu nước và cùng là thể hiện tấm lòng không màng danh lợi.

Đầu 1953, chị được tổ chức đồng ý cho sang Pháp học và chữa bệnh nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Đến giữa 1954 được gọi về để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội. Chưa lấy Viết, Lan đã đi dự các hội nghị của Hội đồng hoà bình thế giới ở Helsinki (Phần Lan), Stockholm (Thuỵ Điển). Cuối cùng dạy tiếng Anh, tiếng Pháp ở Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Tôi không thể không nói nhiều về Phạm Viết. Dưới đây là những đoạn trích đơn Ngọc Lan mà tôi có vinh dự cầm giữ:
“Chồng tôi bị bắt khoảng mười ngày (lúc đó tôi đang dạy học ở nơi trường sơ tán) thì đến lượt tôi bị bắt trong khi đi ở Hàng Bài. Thế là tôi không được căn dặn hai đứa con thơ dại của tôi lời nào và cùng không được phép nhợ cạy ai giúp tôi nuôi nấng, dạy dỗ các cháu. Các cháu còn nhỏ dại bỗng bơ vơ như trẻ bồ côi, lạc lõng như chim non mất tổ. Mỗi khi nhớ lại cảnh đau thương này tôi lại không cầm được nước mắt”.
“Tôi bị giam hai năm rưỡi. Vì lý do gì? Ông Lê Thành Tài nói với chông tôi rằng tôi có nhiều hành động nguy hại cho Đảng và Nhà nước, hồi ở Pháp tôi được tình báo Pháp huấn luyện, tôi làm tay sai cho bà Frida Cook, đảng viên cộng sản Anh, chuyên gia tiếng Anh ở Đại học sư phạm và là bà giao của tôi, nhưng theo ông Tài thì bà chính là tình báo Anh. Lúc đó các Đảng cộng sản Pháp, Anh ủng hộ Liên Xô chống Trung Quốc đều bị ta coi là tay sai của đế quốc hoặc tay sai của Liên Xô”.
Người ta bắt Ngọc Lan để lấy bản “Phê phán chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” do Minh Việt viết nhờ Ngọc Lan đánh máy. Tin lời họ, Ngọc Lan lấy đưa và thế là mang tội danh cất giứ “Cương lĩnh chống Đảng”.
“Tôi bị giam ở Hoả Lò và Trại giam quân pháp Bất Bạt đằng đẵng hàng năm không được thư cho chồng con, không được gặp họ. Biết bao nỗi lo âu dày vò tôi: ai nuôi dạy con tôi, ai bảo vệ tính mạng cho các con nhỏ dại của chúng tôi giữa lúc bom đạn, chồng tôi bị bệnh tim nặng, một mình một xà lim, lúc lên cơn đau đột ngột thì kêu ai cấp cứu?… Hành hạ vật chất
không đáng sợ bằng hành hạ tinh thần. Tôi đã sống những năm tháng khủng khiếp trong nhà tù. Bốn bức tường vây kín, không bóng người, tiếng người. Gặp người hỏi cung thì toàn những lời mớm cung, truy ép, đe doạ và vu cáo.
Người ta dựng Phạm Viết thành một tên phản quốc xấu xa khiến cho Ngọc Lan đã nảy ý đoạn tuyệt và công an liền nhanh nhảu “tiết lộ” với Phạm Viết.
Có một chi tiết cầu hôn rất hay của Phạm Viết và Viết kể với tôi: Lúc ấy, Ngọc Lan đi cải cách ruộng đất ở cầu Phú Lương, Hải Dương. Một bữa mưa trắng đất trời, đang họp, Ngọc Lan được nhắn có người cần gặp gấp. Phạm Viết, cán bộ nội thành suốt chín năm kháng chiến, thương binh gãy đùi, cổ tay và vỡ mắt cá chân đã mượn xe hơi của ban phong xuống tìm. Và cầu hôn: “Em lấy anh không?”
Trở lại lời Ngọc Lan:
“Đầu 1970 ra tù rồi, tôi vẫn không được viết thư, tiếp tế cho chồng. Cảm thấy tính mạng anh bị đe doạ, tôi gửi nhiều đơn thiết tha cầu khẩn ông bộ trưởng bộ nội vụ Trần Quốc Hoàn cho ba mẹ con tôi đi thăm anh, nếu tôi không được đi thì cho em chồng tôi đưa đi. Hai cháu bé tí cũng phải viết đơn lên xin ông Trần Quốc Hoàn hãy thương các cháu mà cho các cháu ít nhất một lần vào tù ôm ấp bố của các cháu. Đã phải mầt hàng năm ròng những lời cầu xin thương tâm của các cháu bé bỏng mới được chấp nhận. Em anh Viết xin phép theo mẹ con tôi để giúp đỡ và bảo vệ trên đường nhưng không được. Ba mẹ con chúng tôi trèo đèo lội suối lên Yên Bái thăm anh Viết. Phải leo những cái dốc cao hàng cây số, các cháu mệt quá nam vật ra đường kêu không đi được nữa. Cực nhọc như vậy mà chỉ được thăm anh Viết đúng một
giờ. Các cháu xin nghỉ đêm lại với bỗ cũng không được”.
“Tôi xin phép nói rằng chúng tôi đã bị đối xử hà khắc hơn nhà tù đế quốc. Lê-nin bị tù vẫn nhận được sách báo, thư từ, vợ Lê-nin được cùng sống với chồng ở nơi tù tội. Đảng viên Đảng cộng sản Nhật Bản đang tù vẫn được gửi thư ra chào mừng đoàn đại biểu nước ta sang thăm Nhật. Còn chúng tôi? “Giải quyết nội bộ” là như thế đấy?”
“Lần cuối cùng tôi thăm anh là ở nhà tù Thái Nguyên, cùng chỉ trong chốc lát và rồi chồng tôi chết ngày 31-12-1971. Anh không được vĩnh biệt mẹ già, vợ yếu, con dại. Ôi đau thương biết chừng nào! Lúc ấy Đảng chưa khai trừ anh. Vậy là Đảng đã nỡ để một đảng viên chết trong tù tội”.
Lần hai cháu bé theo mẹ đẩy xe đap thồ nặng quà đi tham bố, các cháu tặng bố hình thủ lĩnh Da đỏ Toketo chống Da trắng xâm lược. Mẹ thì tặng nạm tóc rụng trong hai năm rưỡi tù mà mẹ nhặt rồi vuốt chải, tết lại. Sau một thời gian, Bộ công an gọi Ngọc Lan đến thẩm vấn tại sao dám tặng chồng hình ảnh một người cầm vũ khí?
- Dạ, truyền hình ta đang chiếu phim Toketo của Đông Đức, các con tôi chúng lấy thứ chúng thích nhất ra tặng bố.
Sau này khi thu dọn đồ đạc của người chết, Ngọc Lan không thấy nạm tóc và món đồ chơi này. Cho rằng hơi hướng vợ con đã giúp Phạm Viết thêm sức mạnh chống chọi, họ bèn tịch thu luôn. “Chồng tôi chết rồi vẫn không được yên. Đầu năm 1979, khi tôi và hai con lên Thái Nguyên bốc mộ, đưa hài cốt anh về quê ngoại thì đã bị giữ lại ở đồn công an gần thị xã Thái Nguyên cả một buổi rồi phải nộp may chục đồng phạt vi cảnh.
“Trên đường đưa xương cốt Phạm Viết về Mọc Chính Kinh, tôi và hai con con bị chặn lại mấy lần hoạnh sao quần loe? Sao áo hoa?
- Dạ, đây là thứ bạn bè và họ hàng bên Pháp gửi về cứu tế.
- Không biết, nộp phạt.
Tai hoạ đeo mãi lấy chồng tôi”.
“Chúng tôi tin yêu đảng, tin yêu chủ nghĩa cộng sản, tin yêu Liên Xô chủ trương chung sống hoà bình nhưng ôi phi lý đến cùng cực! Công bằng ở đâu? Người ta lên án vợ chồng tôi là ‘gián điệp của Liên Xô’ thì nay người ta lại xưng xưng lên nói: Đoàn kết, hợp tác với Liên Xô là vấn đề nguyên tắc và là một điều kiện quyết định thắng lợi cách mạng nước ta”.
Câu này là của phản động xỏ xiên ư? Không! Ngọc Lan dẫn xã luận báo Nhân Dân 4-7-1980. Có xã luận này vì 1978 ta đá Bắc Kinh, ký hiệp định tương trợ Việt-Xô và tháng 2-1979, Trung Quốc “xâm lược” ta. (Dân đã tổng kết đảng là tổ sư “sáng nắng chiều mưa”, dân mà theo thì dân bỏ mẹ!)
Ngọc Lan không biết Nghị quyết Lê Đức Thọ ký khai trừ Lê Trọng Nghĩa viết: Lợi dụng chức vụ cục trưởng tình báo, Lê Trọng Nghĩa đã cung cấp tin tức sai lệch hòng lái đảng ta bỏ đường lối cách mạng của Trung Quốc để theo đường lối xét lại phản động của Liên Xô.
Có lẽ vĩ đã dẫn xã luận để móc máy đảng từng quay sang hung hãn chống Liên Xô rồi lại quay lại coi Liên Xô là hòn đá thử vàng của đảng cách mạng mà một thời gian dài Ngọc Lan không được qua một đồng lương, hàng bao năm chị và hai con sống với 35 đồng trợ cấp. Một sáng giữa 1982, Ngọc Lan đến nhà tôi. Tình cờ Thiết Vũ ở đây. Nghe chuyện chị, Thiết Vũ nói lại với Việt Phương. Việt Phương đã “chạy” cho chị lương hưu. Cao hơn 35 đồng. Và còn dặn: “Trường hợp Trần Đĩnh thì chịu, quá tầm can thiệp của mình”.

Trần Châu ra tù làm thợ ở xưởng gỗ Quốc Oai, mỗi tháng chỉ 13 đồng. Bao năm sau, được tin sẽ có lương hưu, anh chắc sẽ được tính theo lương nhà báo. Lầm! Lương công nhân bậc 1, đến 2009 mới lên triệu rưởi sau nhiều lần nâng chung. Tôi thì hai triệu. Như phần lớn anh em “xét lại”. Nói chuyện lương ra nghe nó tồi tàn. Nhưng có nói chỗ tồi tàn này ra mới thấy tầm thù dai hận sâu của bộ máy.
Trước khi “xét lại” bị bắt nửa tháng, vợ chồng Phạm Viết và tôi đã khao Kỳ Vân, Minh Việt, Trần Châu, Lưu Động, Hoàng Thế Dũng một bữa. Buổi tôi rất vui ở nha bố mẹ Ngọc Lan tại Phố Huế đó đã hoá thành đại hội bàn đào phản động. Hỏi cung tôi, người ta truy tối ấy bàn những âm mưu gì? Còn ngôi nhà ấy, sau trúng bom Mỹ sập.
Vợ con sơ tán, Phạm Viết bệnh tim không thể xa bệnh viện nên ở lại. những tối anh khó thở, tôi thường đến ngủ cùng để có thể gọi xích lô đi cấp cứu. Hai đứa chung màn nhưng Viết ngả lưng ở chiếc ghế gấp kê trên giường, tôi nằm bên. Người ta đã tra hỏi âm mưu “bàn bạc lật đổ” các đêm đó.
Nay Ngọc Lan ngoài hai tiếng Anh, Pháp còn dạy cả Esperanto. Chị tiếc mãi cuốn từ điển Việt-Anh soạn ở trong tù, viết trên giấy bóc kẹo đã bị người ta lấy khi ra tù. Trong tù chị hay hát bài Ru con “em nhớ tới chàng” và bị cấm vì nó lả lướt, lãng mạn. Nói thế chứ chả lẽ bảo cấm phản động nhớ phản động.


***

2007, Ngọc Lan đến ở nhà mới ở Tây Kết, ven sông Hồng, tôi phôn mừng, nói:
- Không biết sợ sao mà dọn đến ở chỗ Tây nó Kết?
- Ô, thì đảng kết với Tây rồi chứ nhỉ? - Ngọc Lan cười hỏi lại. - Nay Nhật và Hàn Quốc bằng lòng cho hàng chục nghìn lính Mỹ vẫn đóng lại ở hai nước này mà ta không chửi nó xâm lược.
- Nhờ ta diễn biến hoà bình được họ, tôi nói.
Đến nay đã hơn bốn chục năm, khi chuyện với tôi về Phạm Viết, Ngọc Lan đều khóc.




hết: Chương 29 , xem tiếp: Chương 30