Nguyễn Khắc Phục
(1947 Sài Gòn - 2016 Hà Nội)
Quê gốc: Nam Định
Nhà văn, Kịch tác gia
Tiểu sử
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Năm 1952 ông theo gia đình trở về quê Bắc.
Năm 20 tuổi, Nguyễn Khắc Phục nổi danh với kịch bản sân khấu Người từ giã cuối cùng, được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển.
Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận.
Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng với nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và đặc biệt là phim Bọn trẻ được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994.
Năm 1977, 1978 Nguyễn Khắc Phục có kịch bản văn học Thành phố không bị chiếm, đạo diễn Phạm Kỳ Nam dựng thành một bộ phim truyện dài 9 cuốn với tên "Tự thú trước bình minh”. Sau khi học ở Nga về, Nguyễn Khắc Phục lần lượt cho ra đời bộ ba tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, Đầu sóng, Thành phố đứng trước biển và hàng chục vở kịch sân khấu… từng thu hút công chúng rất sôi nổi lúc bấy giờ.
Cho đến cuối đời, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát dàn dựng, công diễn, hàng trăm truyện ngắn đã xuất hiện trên tuần báo, tạp chí nhưng chưa được gom thành sách; cùng hàng trăm bài thơ; một số trường ca chưa in thành tập.
Ông còn cả trăm bức tranh bột màu, sơn dầu; trong số đó mới có một số bức ra mắt công chúng trong cuộc triển lãm chung với nhà thơ-họa sỹ Trần Nhương.
Ông qua đời ngày 20-5 tại Hà Nội, sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Thọ 69 tuổi
Tác phẩm tiêu biểu:
Bay qua cõi chết
Bộ tiểu thuyết "Bay qua cõi chết" lúc đầu dự định có 4 tập: Học phí trả bằng máu - Thành phố đứng đầu gió - Đêm trước mùa Mậu Thân - Màu da trên xác chết, nhưng vì một lý do nào đó, tác giả chỉ đi được một nửa chặng đường của mình.
Trong bộ tiểu thuyết này, ta sẽ bắt gặp số phận của bao con người trên mảnh đất miền Trung bị lôi cuốn vào cơn bão tố của cuộc chiến tàn khốc, dai dẳng vào bậc nhất trong lịch sử đất nước VN. Ai trong số họ cũng phải trả "Học Phí Bằng Máu" cho mỗi quyết định, lựa chọn của mình...
1
Học phí trả bằng máu
2
Thành Phố Đứng Đầu Gió
3
Yến Huyệt
4
Giọt Nước Mắt Cuối Cùng
5
Khát Vọng
6
Vườn Thầy Năm
7
Thành Phố Không Bị Chiếm
13
Hỗn Độn
2015
Thông qua những nhân vật đau khổ, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những dự cảm bất an về sự tha hóa của nhân phẩm con người.
Truyện Ngắn
Sáu giọt máu của Chúa
Tôi không hiểu sao hắn lại mặc hai chiếc áo lính, cài kín hàng cúc ngực và làm thinh như thế từ lúc đổi gác cho người khác. Thằng rồ này lại giở quẻ rồi. Không phải vô ý, tôi rời chỗ đối diện với hắn. Quả thật là tôi sợ hắn. Bữa trước cũng cung cách như đêm nay, hắn bắn chết tươi thằng em họ hắn cũng trong đại đội này. Thằng kia đang đứng đái. Có thể vì nỗi ám ảnh sự đột nhập bất thình lình của những người du kích vào vị trí đại đội đang đóng, đã làm hắn nhìn lầm thằng em họ hắn với những người du kích. Cũng có thể hắn điên, hắn hoảng loạn trong khi hắn cô độc và rồi trong nỗi sợ hãi, hắn cần một cái đích nào đó để nổ súng. Ngay trong cái đêm kinh hoàng đó, hắn ôm lấy cái đầu vỡ nát của thằng em họ trong cánh tay run rẩy, mếu máo: “Đừng oán tao nghen, Chín à, tội tao quá. Tao ngu quá, tao đâu có biết…”. Cái giọng Nam Bộ nghẹn ngào của hắn làm tôi vừa cay đắng vừa thương hại. Hắn bỏ cơm ra ngồi thẫn thờ trên một mô đất cao. Tuồng như hắn muốn một viên chì nóng bỏng của những người bắn tỉa đang núp trong một bụi cây nhỏ nào đó gần vị trí, trừng phạt cái tội ác vừa phạm phải của hắn.
Đại úy Do, đại đội trưởng của chúng tôi càu nhàu ra lệnh cho tôi. Cậu bảo hắn có chán sống nữa thì cũng không nên ngồi tô hô ở đấy mãi thế. Lính chết như rạ, xin bổ sung không có được đâu. Hắn ngơ ngẩn nghe tôi gọi hắn. Mãi lúc sau hắn mới tụt xuống khỏi mô đất mồm vẫn lảm nhảm: “Cũng tại mày nghe Chín, tao hô dũng cảm, còn mày cứ ú ớ trong họng… Hương hoả nhà ta chỉ còn tao và mày, bây giờ thì mày khỏi lo chi nữa rồi…”.
Đại úy Do để yên cho hắn, ông ta báo lên tiểu đoàn là thằng Chín bị Việt cộng bắn tỉa. Còn trung uý Hiệt, đại đội phó lạnh lùng hứ hứ trong cổ họng: “Đến cha tao mà quên khẩu lệnh tao cũng thịt!”. Cái thằng Hiệt này, quả là chó má…
Xin lỗi, câu chuyện của tôi gớm guốc quá, có lẽ làm cho ông khó chịu, nhất là trong một đêm sau Giáng sinh thế này. Mà hình như đò đã sang kìa. Sắp đến Nu-van-lăng rồi nhỉ?
Anh ta ngừng nói và chỉ tay xuống dòng sông. Tôi vội vã kêu lên:
- Chưa đâu.
Đúng vậy, đó chỉ là một cụm lục bình đen xám đang trôi lềnh phềng trên mặt nước. Một chiếc đèn cù vật vờ lạc đến chỗ chúng tôi. Tôi thoáng thấy anh ta mỉm cười.
Đến bây giờ tôi mới nhận ta con sông trước mặt tôi thật mênh mông, một doi cát nhoi lên, hình như trên đó có những cây lác ngập trong nước. Người thanh niên vừa kể cho tôi nghe, tôi không hề biết tên, cũng không hề biết anh ở đâu đến và sau khi qua đò, sẽ về đâu?. Tôi chỉ được cô gái đi cùng với anh ta giới thiệu riêng: anh ta là một sĩ quan trong quân đội Sài Gòn vừa phản chiến buổi chiều. Và bây giờ họ đang đi với nhau. Thế nghĩa là tất cả những gì dằn vặt thúc đẩy anh ta đi tới quyết định này còn nóng hổi trong đầu óc. Thảo nào, anh ta kể chuyện với một giọng đầy xúc cảm như vậy. Tôi thầm cảm ơn cô gái dẫn đường tôi im lặng, không nói gì về tôi. Cô ta làm mọi người mặc nhiên coi tôi như bất cứ một chiến sĩ, một cán bộ nào đấy đang ngồi chờ đò để sang bên kia công tác. Tôi còn đỏ mặt khi nhớ lại, bữa tôi mới ở trong thành phố và một người đã giới thiệu với các đồng chí của anh ta: Đây là một giáo sư có ba bằng cử nhân… Tôi bối rối thật sự, ba bằng cử nhân liệu có làm cho tôi hiểu thật rõ con đường tôi đi không. Quả thật cho đến lúc ngồi ở bến đò này, tôi vẫn cứ nghĩ là tôi đang đi theo một thứ đạo đức mà tôi cho là đúng, hơn bất kỳ …
Thơ
Đến trước biển
Có thể nào cùng em, anh sẽ nói
Lời yêu thương gió thổi bay qua
Đến trước biển, mắt ai đành gian dối
Ngó tương lai trong thuyền cũ mưa nhòa
Anh yêu em nên anh phải có quyền
Nói thù ghét và tim anh phẫn nộ
Hạnh phúc như xà phòng bóng vỡ
Chiếu một thời giông gió đời em
Đã đến lúc không ai yên được nữa
Em sẽ đốt bằng lửa tình anh trang đời cũ
Số phận đắng cay và kẻ khác dối lừa
Sẽ qua đi mọi giấc mộng xa xưa
Nơi anh ở và tình em ngự trị
Chỉ có trời và biển biếc kia thôi
Ngày sẽ xanh xao và lạ lùng chưa quá khứ
Chết trong ngày mặt trời mới tinh khôi.
Nguyễn Khắc Phục
người hiền ở chốn phù du
Nguyễn Việt Chiến
Năm nay, ông 63 tuổi, đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các "lễ hội", trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
"NGÀY CHỈ CẦN HAI CỐC BIA HƠI VÀ BÁT BÚN BUNG…"
Cho đến giờ nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn đi ở trọ thuê, sống một mình lặng lẽ, cặm cụi viết kịch bản và tiểu thuyết ở một xó xỉnh nào đó trong cái nội đô đầy bụi bặm và huyên náo của Hà Nội phố. Hôm mới rồi, tôi giật mình khi nghe nhà văn Văn Chinh kể lại chuyện, có lần ốm quá, nằm bê bết một thân, một giường không ai chăm sóc, cả tuần liền không dậy được, Nguyễn Khắc Phục mới thều thào gọi điện thoại cho Văn Chinh xuống "cõng" ông đi bệnh viện. Hôm ngồi uống bia với hai nhà văn này ở quán "Hiếu béo" gần Ô Chợ Dừa, tôi thấy họ "chiều chuộng" nhau lắm mặc dù cá tính hai người văn có vẻ khác biệt nhau. Văn Chinh bảo:"Cái lão này gàn lắm, già lão, ốm đau, đã ba lần phải vào bệnh viện phẫu thuật mà vẫn chỉ thích sống một mình, suốt đêm hì hụi viết lách rồi lại vẽ vời, lấy hơi sức đâu mà sống nữa…". Nguyễn Khắc Phục cười mỉm nhẹ nhàng, nghiêng mái tóc bạc xuống bảo: "Ngày chỉ cần hai cốc bia hơi và bát bún bung là tớ có thể viết suốt đêm mà chẳng cần có ai ở bên cạnh, sống một mình thì mới viết được, các cậu phải hiểu rằng, chẳng ai được sướng như tớ đâu nhé…". Tôi và Văn Chinh đành nhìn ông đang trong "cơn" sung sướng với mấy ly bia cỏ.
Hôm đến thăm căn nhà ông trọ thuê ở phố Xã Đàn, Hà Nội Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết "Hỗn độn" đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết vàHỗn độn. Nhìn gương mặt nhà văn lúc ấy, phảng phất nét gì đấy cương trực, gân guốc của một người viết văn yêu nước. Tóc bạc phơ, mắt khẽ nhắm lại, ông chậm rãi lý giải: "Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triệu đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thủa…".
Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: "Mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!". Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn "Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh rỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ dong chơi vậy thôi…". Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u ẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.
Có thể nói, trước tiên Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hết lòng với nghề, với cuộc sống và quê hương mình với những đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy "vang bóng" trên văn đàn như vậy, ông lại là một người có nếp sống rất giản dị và dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: "Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung rọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối". Trong mấy thập niên qua, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng "khủng". Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hàng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi, đàn đúm với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông "tút" đi liền, không do dự gì cả. Đi là để tích lũy vốn đời, đi và viết và lang thang sống, ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.
Nguyễn Khắc Phục quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Ông sinh năm 1947 ở Sài Gòn, năm 1952 theo gia đình trở về quê Bắc. Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu "Người từ giã cuối cùng" sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay "Những ngôi sao biển". Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: "Chiến trường chia nửa vầng trăng", "Sơn ca trong thành phố", "Tự thú trước bình minh", "Nhiệm vụ hoa hồng","Học trò thủy thần", "Lạc cầm thứ mười ba" và đặc biệt là phim "Bọn trẻ" đã được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994.
VUA KỊCH BẢN CÁC LỄ HỘI VĂN HÓA
Đến thăm nơi nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở trọ thuê, tôi kinh ngạc khi thấy mấy chục bức tranh sơn dầu khổ lớn 2-3 mét xếp chất đống trong nhà. Hóa ra, Nguyễn Khắc Phục còn một thú đam mê lớn khác là hội họa: vẽ để chơi chứ không để bán, vẽ để giải thoát nội tâm chứ không phải để trưng bày ở các phòng tranh. Thú đam mê này cũng tiêu tốn của ông khá nhiều tiền, màu dầu ngoại để vẽ tranh khổ lớn cũng tốn tới cả vài triệu đồng một bức vẽ. Tôi nhẩm tính, số tiền nguyên liệu dùng để vẽ số tranh sơn dầu trong nhà ông cũng lên tới trăm triệu đồng chứ chả ít.
Tôi định bụng, lần sau trở lại chơi, sẽ liều xin ông một bức tranh cỡ nhỏ làm kỷ niệm. Nhưng ít tháng sau, trở lại ngôi nhà ấy, tôi được tin ông đã chuyển về thuê trọ ở một căn nhà có vườn tược ở khu Kim Giang. Tại Hà Nội, Nguyễn Khắc Phục vẫn phải thường xuyên phải thay đổi chỗ thuê trọ như vậy. Với tấm thân héo hon, gầy guộc của nhà văn, ông đã phải mang vác biết bao thứ trên đời trong mỗi cuộc chuyển nhà mà vẫn còn "vã mồ hôi sôi máu mắt" với cả đống tranh sơn dầu bề bộn như vậy. Thế rồi hôm nay, khi vừa liên lạc với nhau, ông đã nói như reo trong điện thoại "Em xuống Kim Giang chơi với anh đi, dưới này tuyệt lắm, có cả một gian nhà rộng để bày tranh".
Nguyễn Khắc Phục hồ hởi cho tôi biết, ông vừa hoàn thành 2 kịch bản chi tiết (trong số 30 kịch bản chi tiết TP Hà Nội giao cho các nhà văn hóa, các đạo diễn, nghệ sĩ đảm nhiệm) trong 10 ngày của Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội diễn ra vào tháng 10-2010: kịch bản "Thăng Long- Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh" và kịch bản "Chương trình Đêm hội văn hóa-nghệ thuật mừng Đại lễ 1000 năm ở SVĐ Mỹ Đình". "Tôi muốn thông qua đêm diễn này để kể một câu chuyện về Thăng Long ngàn năm, và điều quan trọng nhất là truyền cảm hứng văn hóa, cảm hứng anh hùng của dân tộc Việt Nam cho thanh, thiếu niên hôm nay. Điều thôi thúc lớn nhất đối với tôi là ý tưởng đề cao văn hóa Diên Hồng là văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước. Hiện nay, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích tinh thần Diên Hồng là Đại Đoàn kết dân tộc. Hồng là hồng phúc, Diên là dài lâu, vậy Diên Hồng nghĩa là hồng phúc lâu dài của đất nước chính là sức mạnh Đại đoàn kết của dân tộc chúng ta", nhà văn Nguyễn Khắc Phục dẫn giải.
Những năm qua, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã làm việc "chóng mặt ù tai" với tốc độ viết kịch bản thật đáng nể. Chỉ tính riêng năm 2009, ngày 5 tết âm lịch tại Gò Đống Đa, ông làm lễ hội "Cánh đào báo tiệp" kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vĩ đại của vua Quang Trung. Ngày 17.2, Nhà hát lớn Thành phố công diễn vở cải lương "Lễ mở xiêm áo" của ông với 2 câu đối dài 12m, rộng 3m phủ từ nóc xuống thềm nhà hát "Đại Việt hiếu hòa thượng võ nghìn năm không chịu khuất- Thăng Long hùng khí tôn văn vạn kiếp chẳng hề lui". Ngày 19.4, ông dựng kịch bản "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam" ở Đồng Mô, Sơn Tây. Tháng 8, ông chủ biên cùng một nhóm tác giả hoàn thành đề cương kịch bản Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ngày 10.10, ông triển khai kịch bản "Lễ công bố năm Du lịch Quốc gia và kỷ niệm 999 năm Thăng Long". Ngày 14.10, ông dựng kịch bản cho Lễ hội "Văn hóa sông Hồng" tại Thái Bình. Ngày 24.10, ông triển khai kịch bản Đại lễ cầu siêu cho "Bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào" tại Anh Sơn, Nghệ An. Và ngày 30.10 mới đây, ông dựng kịch bản khai mạc Đại hội thể thao Châu Á trong nhà AIG 3 tại sân vận động Mỹ Đình và viết luôn kịch bản lễ bế mạc đại hội này. Cũng trong năm này, Nguyễn Khắc Phục còn dựng vở "Hùng ca Bạch Đằng Giang" cho Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần…
"Các bạn đừng nghĩ tôi khổ, tôi sung sướng lắm chứ ! Vì tôi được làm tất cả những gì tôi muốn và tôi được nhiều người tin cậy. Tôi rất hạnh phúc khi viết kịch bản văn học cho Đêm Đại lễ 1000 năm. So với các bạn bè tôi đã nằm lại ở chiến trường phía Nam thì may mắn là cái chết chưa chặn tôi lại, và hiện nay bệnh tật cũng không chặn nổi tôi, mặc dù tôi đã phải 3 lần đại phẫu mổ dạ dày, mổ mật, cắt ruột non. Lần nào bạn bè cũng tưởng tôi sẽ ra đi, nhưng tôi vẫn sống, viết truyện, viết kịch bản và vẽ tranh chơi…", nhà văn hào hứng nói.
Với sức làm việc đáng sợ nêu trên, người ta có thể gọi Nguyễn Khắc Phục là "vua kịch bản" của những lễ hội văn hóa năm 2009. Khi tôi đề cập vấn đề này, nhà văn tâm sự: " Mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ". Nguyễn Khắc Phục thường xuất hiện trước mọi người với mái tóc xõa dài rất nghệ sĩ. Mới đây, ông lại cắt trụi đi. Khi tôi hỏi, ông cho biết: "Sở dĩ tôi quyết định xuống tóc là do mới đây trong lễ cầu siêu cho bộ đội tình nghuyện Việt Nam hy sinh tại Lào, khi đứng trước mười hai ngàn nấm mộ (có bảy ngàn liệt sĩ vô danh), tôi cảm thấy trên người mình thừa nhiều thứ quá, cụ thể nhất là thừa tóc nên đã cắt bớt đi".
Tôi còn nhớ, tại lễ khai mạc "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam" tại Đồng Mô, Sơn Tây khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: "Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kom Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác". Mới đây, Nguyễn Khắc Phục lại quyết định dành toàn bộ nhuận bút kịch bản Đêm hội Đại lễ 1000 năm Thăng Long và kịch bản Lễ kỷ niệm Thi hào Nguyễn Du cho trẻ em vùng bị thiên tai lũ lụt ở tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Khắc Phục là thế đó, tạm ngừng viết tiểu thuyết thì chuyển sang viết kịch bản liên miên, hết làm từ thiện lại đi vẽ tranh, ông viết và sống và dong chơi, đàn đúm, và trong cuộc đời này, ông như một người hiền còn sót lại của chốn phù du trong những năm tháng qua.
Nguồn: hoinhavanvietnam.vn
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua