Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Nguyên Cầm


















Nguyên Cầm
(1944 - .........)
Họa sĩ Pháp gốc Việt






Họa sĩ Nguyên Cầm sinh năm 1944 tại Hải Phòng. Lên mười tuổi, ông cùng gia đình rời Việt Nam. Sau thời gian sống ở Lào, ông tới Pháp theo học hội họa và tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Năm 1973, Nguyên Cầm tổ chức triển lãm đầu tiên, nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Paris. Tới nay, Nguyên Cầm đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, trưng bày tác phẩm riêng, chung cùng nhiều họa sĩ trên thế giới. 













Họa sĩ Nguyên Cầm









Tác phẩm 








Triển lãm mới nhất tại Hà Nội







Mặt Trời Đỏ,  2013









Chớm Đông . 2012









Đất Khô








Rừng 3









Rừng 4. 2014










Nhớ Quê Hương . 2012










Sông Đỏ










Mặt Trời Mùa Hè









Ngày Xửa Ngày Xưa . 2012










Phản Chiếu.  2014









Hạ Chí










Mặt Trời Ginkgo







Họa sĩ Nguyễn Cầm: 'Tôi đã tĩnh tâm hoàn toàn'


Họa sĩ người Pháp gốc Việt này đã có triển lãm và tranh trong các bộ sưu tập ở nhiều nước trên thế giới. Lần này, trong chuyến trở về sau hơn 7 năm, triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ được khai mạc tại gallery Art Việt Nam, 30 Hàng Than vào ngày 10/9.



Họa sĩ Nguyễn Cầm.


- Tại sao lâu thế ông mới trở lại Hà Nội?

- Sau chuyến thăm Việt Nam năm 1997, tôi có nhiều dự án ở Mỹ và Tây Ban Nha nên cũng bận. Vả lại, nếu về nước mà không có việc gì, chỉ về chơi tôi cũng không thích. Tôi muốn gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp qua công việc, mà còn gì hơn là một triển lãm. Từ hơn 2 năm nay, tôi quen Susan Letch, chủ gallery Art Việt Nam. Năm nay, bà có ý mời tôi sang đây, vẽ tranh và triển lãm ngay tại gallery của bà. Đây là cơ hội tốt để trở về như mong muốn của tôi.

- Trong các triển lãm trước, sáng tác của ông sử dụng chất liệu như dây thừng, bao bố, màu sắc cũng chói mắt hơn, khác hẳn chỉ có hai màu đen trắng, giấy dó và khung toan như lần này. Ông nói gì về bước chuyển này?

- Đó là sự chuyển đổi tự thân trong con người tôi. Lần trở về trước, tôi vẽ những gì bên ngoài làm tôi cảm xúc, như một thứ cảm xúc tức thời, nhưng dường như nó vẫn là cái gì đó bên ngoài mình, một kiểu phản ứng với cái bên ngoài. Thời gian và vốn sống làm cho tôi dần dần nhận ra cái gì là cốt lõi trong nghệ thuật. Và lần này, có lẽ đã đến lúc tôi làm việc trong trạng thái tĩnh tâm hoàn toàn, giống như một người đang ngồi thiền, mọi ý nghĩ, mọi điều đều lộn xộn bị đuổi ra khỏi đầu óc, chỉ còn lại những gì tinh túy nhất trong con người tôi và tôi muốn vẽ lại những gì tinh túy đó, đúng hơn là để chúng tràn trên tranh một cách tự nhiên. Đó là nghệ thuật của tôi.

- Sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng ông vẫn là người cổ điển, ông nghĩ sao về điều này?

- Không. Tôi hoàn toàn không cổ điển mà rất mới. Tất cả các nghệ sĩ nhà nghề đều quan niệm như vậy. Tôi thấy không ít họa sĩ của chúng ta hiện nay cứ cho rằng phải làm một điều gì đó khác đi để lấy cảm hứng trong khi vẽ, như uống rượu chẳng hạn. Như vậy, con người mình sẽ ở trong trạng thái không còn minh mẫn, không còn là một cách nguyên bản nữa, như vậy làm sao mà có được nghệ thuật của mình?

- Hiện nay, thế hệ họa sĩ trẻ của Việt Nam đang tìm đến với những hình thức mỹ thuật ngoài giá vẽ và họ cho rằng đó là cái mới, mỹ thuật thế giới có gì thì Việt Nam cũng có cái đó, ông đánh giá gì về sự đổi mới này?

- Nhưng họ có thực sự biết về hình thức đó không để làm. Đúng là thế giới đã làm việc về những hình thức mỹ thuật ấy từ rất lâu, nhưng xuất phát quan niệm của chúng chỉ là chất liệu, giống như sơn dầu và khung toan mà thôi. Họa sĩ dùng chúng để nói bằng được tâm hồn và tư tưởng của mình, đây mới là điều cốt lõi. Còn nếu như anh coi đó là một cái gì đó mới mẻ để "loè" thiên hạ thì không phải là làm nghệ thuật rồi. Mới trong nghệ thuật là mới trong tâm hồn nhưng vẫn không ra ngoài cái phong cách của mình. Như vậy, cái mới trong nghệ thuật của hôm nay phải được bắt rễ từ cái cũ hơn của chính mình hôm qua để mình mới mà vẫn luôn là mình vậy.

- Khi ông cầm bút, cảm hứng nghệ thuật và sự tỉnh táo của lý trí có vị trí như thế nào?

- Cảm hứng phải có chỗ trú ngụ: chỗ đó là sự lao động miệt mài hàng ngày, và lao động một cách có kỷ luật. Họa sĩ chuyên nghiệp hay nhà nghề đều không làm việc theo kiểu chờ cảm hứng đến, cảm hứng thực ra ở ngay trong con người mình. Nếu mình làm việc miệt mài hàng ngày thì cảm hứng sẽ có một căn nhà lớn và đẹp đẽ để trú ngụ.

- Như vậy, khi nghệ sĩ làm chủ được mình thì ngoại cảnh còn tác dụng gì, thưa ông?

- Rất quan trọng là đằng khác. Ví dụ như tôi đây. Để vẽ được bức tranh theo ý mình trong thời điểm hiện nay, tôi cần phải được tĩnh tâm hoàn toàn, nhưng điều đó là rất khó nếu như tôi phải đi lang thang trên phố Hà Nội hiện nay, hay phải ở trong chốn ồn ào. Hà Nội đã mất nhiều vẻ yên tĩnh so với trước đây. Thế nhưng khi bước chân vào bên trong gallery Art Việt Nam, mọi ồn ào ngoài phố không còn nữa. Ở đó chỉ còn tiếng nước chảy nhẹ nhàng trong khoảng ao nhỏ nuôi cá vàng mà thôi, thích hợp hoàn toàn với tôi. Tất nhiên, để làm việc một cách nhà nghề thì các họa sĩ cũng rất cần có một môi trường tương ứng. Cái đó chưa có ở Việt Nam. Môi trường làm việc ở đây ít có cái mới, cái thay đổi. Chính vì thế, tôi trở về lần này cũng mong muốn được gặp gỡ các anh em, các cháu từng làm việc cùng mình trong những lần trước, chia sẻ với họ, để đem lại một chút gì đó mới mẻ hơn so với thực tại mà họ đang sống.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

























Họa sĩ Nguyên Cầm, hành trình khắc họa Dấu Vết nội tâm

Tuấn Thảo


Họa sĩ Nguyên Cầm trong lần tổ chức triển lãm "Âm nhạc của Im lặng" năm 2004 ở Hà Nội tại Art Vietnam Gallery
(Ảnh do tác giả cung cấp)



Cách đây vừa đúng 40 năm, họa sĩ Nguyên Cầm bước chân vào làng hội họa sau khi anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Năm 1973, anh tổ chức triển lãm đầu tiên và nhận được giải thưởng của Hàn Lâm viện Mỹ thuật Paris. Cho tới nay, họa sĩ Nguyên Cầm đã tham gia hơn 40 cuộc triển lãm, trưng bày tác phẩm riêng hoặc cùng với các nghệ sĩ khác.

Bốn thập niên là một khoảng cách thời gian đủ dài để cho họa sĩ Nguyên Cầm nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm sáng tác. Đối với anh, hành trình nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu quanh co đường trường, thử bắt mạch nhịp đập cảm hứng, đào sâu nội tâm như một nhà thám hiểm động huyệt.

Người khác thích vẽ tranh phong cảnh, họa sĩ Nguyên Cầm thì khắc họa cảm xúc nội tâm, những khoảnh khắc ấn tượng sâu thẳm, in đậm sắc màu ký ức, những không gian trầm tĩnh, thực tại lắng đọng mà vẫn ngập tràn sinh lực âm thầm.




Tác phẩm "Les Corbières" (détail) kỹ thuật tổng hợp trên vải (2011- khổ 81 cm/200cm)



Kể từ ngày mai, thứ Bảy 13/04/2013, khoảng 35 tác phẩm của họa sĩ Nguyên Cầm được tập hợp lại nhân cuộc triển lãm với chủ đề Empreintes (Dấu Vết) tại phòng tranh Victoria’s Gallery, ở Paris (5 rue de Provence 75009). Hầu hết các họa phẩm lần này đều là sáng tác mới trong những năm gần đây. Họa sĩ Nguyên Cầm là khách mời của đài RFI hôm nay.

"Cuộc triển lãm với chủ đề Empreintes (Dấu Vết) về mặt kỹ thuật là dùng những chất liệu mà tôi thường sử dụng những năm gần đây như dây dợ, lưới cá, rong rêu, lá cây ... để tạo nên những tác phẩm mà qua đó tôi gợi lên những tình cảm, những hình ảnh đã để lại vết tích trong đời tôi.

Tôi thường hay so sánh cuộc hành trình nghệ thuật như một cuộc chạy đua “marathon”, nơi mà đích tới không quan trọng bằng con đường mình đi qua. Những cảm hứng xuất phát từ những tình cảm, hình ảnh hay phong cảnh mà mình đã gặp. Những kỷ niệm đau buồn và hạnh phúc, ở những nơi chốn mình đã sống.

Khi tôi đến một nơi nào, không những cảnh vật quanh tôi gây xúc cảm, mà còn để lại ấn tượng sâu đậm nội tâm trong thời điểm đó nữa. Vì vậy, tôi thường gọi những tấm tranh của mình là phong cảnh của nội tâm.

Tác phẩm nghệ thuật thường phản ánh người nghệ sĩ. Tranh của tôi thường phản ánh tâm hồn của một họa sĩ phương Đông, không thích động mà lại thiên về tĩnh. Những năm sau này, tôi tìm lại những triết lý phương Đông, và muốn tâm hồn mình được thanh thản sau những giông tố của cuộc đời.



Tranh Empreintes - Bleu, kỹ thuật tổng hợp trên vải
(2013 - khổ 130cm x 97cm)


Con đường nghệ thuật rất là mênh mông, đầy trở ngại chông gai. Người làm nghệ thuật phải biết tránh những nét hào nhoáng bên ngoài và lúc nào cũng tiến xa hơn với những điều mình đã biết để khai phá những nét mới lạ trong tâm hồn mình, mà không lặp đi lặp lại những khám phá của nghệ sĩ khác.

Hồi còn trẻ, tôi bị lôi cuốn bởi rất nhiều nghệ sĩ Âu-Mỹ. Nhưng qua nhiều năm làm việc, trải nghiệm và tìm hiểu, tôi đã quay về triết lý Á Đông và dần dần tìm được con đường của riêng mình.

Nhưng cũng như một cuộc thám hiểm, khi mình đã rời khỏi những con đường lớn để đi vào một con đường nhỏ của mình, càng tiến tới càng khó tìm được sự mới lạ và nội tâm càng phải có nhiều mãnh lực để tìm ra những cảm xúc mới. Vì vậy, trong những năm gần đây, tranh của tôi hướng về phần tâm linh rất nhiều.

Những dự án trong tương lai ? Dự án, tôi có rất nhiều nhưng liệu cuộc đời có cho phép mình làm được hay không ? Thôi thì cứ làm được đến đâu thì hay đến đấy. Điều quan trọng đối với tôi là sống và chết với nghệ thuật".





Tác phẩm "Mai" (Tháng Năm) kỹ thuật tổng hợp trên vải
(2009 165cm x 140cm)





























































































































































Tham khảo thêm về Họa sĩ Nguyên Cầm
http://www.artistnguyencam.fr/




















Phan Nguyên & Nguyễn Cầm 
Sài Gòn 2017











Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.