Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Xuân Tiên (1921 - 2023)

 










Xuân Tiên
Phạm Xuân Tiên
(28/1/1921 - 2/6/2023)
thọ 102 tuổi

Nhạc Sĩ









Chờ Một Kiếp Mai



Một chiều ngoài trời u ám
Mưa rơi hiu hắt lắng mơ hình bóng
Xót xa ngân trong cung đàn
Ngày vui năm xưa đâu còn ?

Rồi một ngày nào xa nhau
Hẹn cùng trăng nước nhớ câu nguyện ước
Nhớ khi chia tay đôi đường
Lòng còn vương vấn !

Lạnh lùng ngày ngày năm tháng
Dần dần phai úa nỗi thương niềm nhớ
Trách ai quên câu mong chờ
Hẹn nhau dưới ánh sao mờ !

Đàn ơi dù người xa cách
Nhạc còn tha thiết những khi chiều vắng
Nhớ chăng đêm nao
Đôi lòng hòa tiếng tơ vàng !

Chiều buồn về nhạc dâng ý thơ! [ D ]
Cung đàn nhớ nhung lời thề xưa !
Còn đâu tiếng lòng ?
Còn đâu hình bóng một mùa chờ mong ?

Hẹn ngày nào về trong giấc mơ !
Ôi buồn nhớ nhung một chiều xưa !
Hồn say đắm rồi
Chờ ta theo với người em ngoài phương trời !

Không gian u ám phai tâm hồn !
Em ơi hãy đến vui cung đàn !
Xa xôi thương nhớ giấc mơ tàn
Theo tiếng hát lắng trôi thời gian !

Chờ đợi người về một kiếp mai !
Mơ màng tới câu "tình đừng phai"
Trần gian phũ phàng, buồn theo năm tháng
Tình duyên đành lỡ làng !







Xuân Tiên (tên đầy đủ: Phạm Xuân Tiên; 28 tháng 1 năm 1921 – 2 tháng 6 năm 2023) là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Ngoài sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như "Khúc hát ân tình", "Duyên tình", "Về dưới mái nhà",... thì ông còn có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, đồng thời cải tiến và sáng tạo một số nhạc cụ mới.



Tiểu sử

Ông sinh tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu học âm nhạc Trung Hoa với cha và sau này học nhạc phương Tây với người anh cả.[1] Năm lên 10, ông còn được cha thuê người dạy tuồng và nhạc cải lương.[2] Thời gian ban đầu khi còn ở miền Bắc, ông chơi chủ yếu là các loại kèn sáo phương Tây. Cuối năm 1942, ông cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh cải lương Tố Như vào miền Nam trình diễn, ở Sài Gòn và lục tỉnh.[2] Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình âm nhạc của ba miền. Ông còn tìm hiểu về nhạc của Lào và Campuchia.[2]

Xuân Tiên có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, cả phương Đông lẫn phương Tây.[3] Ông có thể sử dụng hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.[2]

Năm 1952, cả gia đình ông di cư vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến 30 tháng 4 năm 1975.

Giai đoạn từ năm 1944 đến năm 1975, ông điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam: dàn nhạc Hà Nội (1944-1946), Nam Định (1951 – 1952) và các đài phát thanh tại Sài Gòn gồm Pháp Á, Sài Gòn, Mẹ Việt Nam (1952 – 1975).

Năm 1986, ông được bảo lãnh sang Úc. 10 năm đầu ông sống tại thủ đô Canberra, sau chuyển về khu Cabramatta ở ngoại ô Sydney.[2][3]

Những năm tháng cuối đời, ông được chăm sóc tại tại Viện dưỡng lão Australian Vietnamese Aged Care Services (AVACS) ở khu Smithfield[4] – một khu cũng ở ngoại ô Sydney, thuộc Hội đồng thành phố Fairfield. Ông qua đời ngày 2 tháng 6 năm 2023, hưởng thọ 103 tuổi.





Sự nghiệp


Cải tiến, sáng tạo nhạc cụ

Sáo tre vốn dĩ chỉ có sáu lỗ. Năm 1950, Xuân Tiên đã cùng Xuân Lôi cải tiến loại nhạc cụ này thành hai loại là 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Người chơi sáo 10 lỗ cần dùng 10 ngón tay và có thể chơi tất cả những bán cung, vì thế sáo không bị giới hạn trong bất cứ âm giai nào. Sáo 13 lỗ dùng để tạo ra những âm thanh thấp hơn khi cần. Hiện hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l'Homme, Paris, Pháp.[2]

Năm 1976, lúc còn ở Việt Nam, ông chế tác cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai. Tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn.

Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là đàn bầu Xuân Tiên.[2]





Sáng tác ca khúc

Xuân Tiên sáng tác ca khúc từ trước năm 1945, tức là thuộc lứa nhạc sĩ thời kỳ tiền chiến, với các ca khúc như "Chờ một kiếp mai" viết chung với Ngọc Bích và "Trên kiếp hoa" (1939 – 1942).[5] Ông chủ trương đào sâu vào nhạc Việt, dùng kỹ thuật và nhịp điệu phương Tây nhằm cải tiến và làm giàu nền nhạc của mình.[2] Ông cũng chú trọng giai điệu của bài hát, thường sử dụng âm hưởng lạc quan yêu đời, ca ngợi quê hương dân tộc và nếu có buồn thì cũng chỉ là chớm buồn. Ông cho rằng quan trọng nhất là sáng tác phải "hoàn toàn không giống ai".[2] Tuy vậy, điều này không có nghĩa là ông chỉ viết về nhạc vui. Ông cũng có những bài hát mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời, hay một quá khứ vàng son không trở lại như "Chờ một kiếp mai", "Hận Đồ Bàn", "Xa quê hương",... Những bài này được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng và cất cánh với những âm điệu, tiết tấu rất cân phương và hoàn chỉnh.

Xuân Tiên nhận xét rằng đa số các ca khúc của mình mang âm hưởng miền Bắc và miền Trung Việt Nam, chỉ có một số ít là miền Nam như "Cùng một mái nhà", "Khúc nhạc đồng xanh" hay "Đất Việt". Bài hát nổi tiếng nhất của ông là "Khúc hát ân tình" được sáng tác sau Hiệp định Genève 1954 trong bối cảnh nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc – Nam.[2] "Hận Đồ Bàn" (ký chung với Lữ Liên) là bài hát mà ông đặt mình vào địa vị một người dân Chăm-pa, có nội dung ai oán về sự kiện kinh đô Đồ Bàn của nước Chăm-pa bị quân Đại Việt phá hủy vào năm 1471. Đầu thập niên 1970, bài này từng bị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cấm biểu diễn công khai do ông tin rằng bài hát có "tác động siêu nhiên thâm hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hòa". Ca sĩ Chế Linh (người Chăm) hát bài này cũng nhân đó mà bị cấm biểu diễn công khai.[6]

Ông có hai tập nhạc đã xuất bản. Tập đầu tiên là Duyên tình (năm 2000) gồm toàn bộ sáng tác của ông trước năm 1975. Tập thứ hai là Dâng nắng (năm 2007) gồm 16 bài.

Năm 2006, Xuân Tiên cùng với hai nhạc sĩ Thanh Sơn và Nguyễn Ánh 9 được vinh danh trong chương trình Paris By Night 83 – Những khúc hát ân tình vì đã có những đóng góp giá trị đối với nền tân nhạc Việt Nam.





Làm thơ

Xuân Tiên còn có tập thơ Trên kiếp hoa được Nhà xuất bản Ba Vì in ở Canada năm 1997.[2]

Tranh cãi về bài hát "Duyên tình"

Bài hát "Duyên tình" tuy được ký tên chung là "Xuân Tiên & Y Vân" nhưng theo Xuân Tiên thì toàn bộ nhạc và lời đều của ông. Việc ký tên chung là do Xuân Tiên nhờ Y Vân bán hộ bài này nhưng nhà xuất bản yêu cầu phải ký tên chung để Y Vân lĩnh tiền về. Do là bạn bè với Y Vân nên Xuân Tiên đồng ý.[2] Về phía gia đình Y Vân, nhạc sĩ Y Vũ (em trai của Y Vân) khẳng định "Duyên tình" là tác phẩm do Xuân Tiên và Y Vân viết chung, và rằng hai ông không chỉ là đồng tác giả của "Duyên tình" mà còn viết chung bài hát "Về dưới mái nhà".[7] Bà Trần Thị Minh Lâm (vợ Y Vân) cho hay rằng trong nhà bà "ai cũng biết đó là nhạc phẩm của Y Vân" và sau khi nhạc sĩ Y Vân qua đời thì "nhiều hãng băng đĩa đã phát hành bản nhạc này và họ cũng chỉ ghi một tên tác giả là Y Vân". Nhà bà không có bản gốc của bài "Duyên tình" nên không rõ liệu có tác giả thứ hai hay không, nhưng sau khi tham vấn nhạc sĩ Thanh Sơn và ca sĩ Ngọc Cẩm vợ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết thì nhà bà được biết bài này là của Y Vân. Vợ Y Vân cho phóng viên báo Thanh Niên xem danh sách 92 ca khúc Y Vân do Cục Bản quyền Việt Nam cấp tại Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 1995, trong đó ghi "Duyên tình" là của Y Vân, còn "Về dưới mái nhà" và "Đường đi lối về" là sáng tác chung với Xuân Tiên.[7] Cũng theo tờ Thanh Niên, sau khi đăng tải bài báo này, có độc giả đã mang bản nhạc được cho là bản gốc tới tòa soạn, trong đó ghi rõ bài "Duyên tình" là nhạc Xuân Tiên, lời Y Vân.[8] Tờ nhạc "Duyên tình" do Nhà xuất bản Diên Hồng (địa chỉ: đại lộ Lê Lợi, quận Nhứt, đô thành Sài Gòn) giữ bản quyền niên khoá 1959 – 1960 đã ghi bài "Duyên tình" có "nhạc của Xuân Tiên, lời của Y Vân".[9]










Danh mục ca khúc


Chờ anh bên đồi


Chờ anh em nhé[10]
(Xuân Tiên & Nhật Bằng)


Chờ một kiếp mai
(Ngọc Bích & Xuân Tiên)

Cung sầu

Cùng một mái nhà
(Xuân Tiên & Nhật Bằng)

Dâng nắng




Duyên tình
(Xuân Tiên & Y Vân)




Đất Việt

Đêm trăng mơ

Đón mùa xuân mới

Đường đi lối về
(Xuân Tiên & Y Vân)

Đường lên non

Giọt lệ sông Hương




Hận Đồ Bàn




Hoài vọng

Hồn tha hương

Lòng người xa quê

Lửa ấm

Lửa rừng
(nhạc Xuân Tiên, lời Thanh Nam)

Khói mây




(nhạc Xuân Tiên, lời Song Hương)




Khúc hoan ca

Khúc nhạc đồng xanh

Mây chiều

Mong chờ[11]

Mộng vàng

Mơ bóng người xưa

Mùa lá vàng

Ngát hương thanh bình

Ngày đầu năm

Ngõ xưa

Nguồn sống bao la
(Xuân Tiên & Thy Vân)

Nhắn mây

Nhắn bạn
(Xuân Tiên & Nhật Bằng)

Nhịp sống vui

Những người tôi thương

Sầu thu

Tiếng bình minh

Tiếng hát đường xa

Tiếng hát trong sương

Tiếng trống trong rừng sâu

Tiếng vọng tâm hồn

Tìm trăng đô thị

Tình và gió

Tình viễn khơi

Trăm năm hạnh phúc

Trăng khuya
(Xuân Tiên & Y Vân)

Trên kiếp hoa

Trung Thu

Vần thương




Về dưới mái nhà
(Xuân Tiên & Y Vân)




Vương vấn




Xa quê hương
(Xuân Tiên & Đan Thọ)




Xuân muôn thuở

Xuân qua

Xuân tự do







Chú thích

^ Lời của nhạc sĩ trong chương trình Paris By Night 83, thu hình ngày 27 tháng 5 năm 2006 tại rạp Charles M. Schulz ở Knott's Berry Farm, Buena Park, California, Hoa Kỳ.
^ a b c d e f g h i j k l “Phỏng vấn nhạc Sĩ Xuân Tiên nhân dịp kỷ niệm 65 năm âm nhạc & ra mắt CD của nhạc sĩ”. Việt Báo. Westminster, California. ngày 25 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014.
^ a b Video giới thiệu Xuân Tiên ở đầu chương trình Paris By Night 83.
^ “Tiểu sử Xuân Tiên”. phammusic.free.fr. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014.
^ Eric Henry, University of North Carolina (2005). “Phạm Duy and Modern Vietnamese History”. Southeast Review of Asian Studies. XXVII. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014. Thiệu believed that the song possessed a malign supernatural influence that might lead to the loss of the republic.
^ a b Hà Đình Nguyên (ngày 20 tháng 2 năm 2006). “Nhạc của ai ? Lời của ai ? - Bài 2: "Duyên tình" đến lúc ly hôn ?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014.
^ “Phản hồi liên quan đến ca khúc Duyên tình”. Thanh Niên. ngày 28 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014.
^ Viết trong chiến dịch "Tố Cộng diệt Cộng" năm 1955.
^ Viết trong hoàn cảnh sau khi cùng đi với ban nhạc Tao Đàn ra lưu diễn tại Huế.









Tưởng nhớ nhạc sĩ Xuân Tiên





















Quá trình rèn luyện kỹ năng sử dụng nhạc cụ và kiến thức nhạc học

1927 Mandoline, nhạc lý Tây phương và Trung Hoa

1936 Clarinette, Saxophone và Sáo Tây, hoà âm tây phương

1941 Các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt


Khảo sát âm nhạc ba miền Bắc, Trung, Nam

1941-46 Trumpet, Trombone, Banjo, Guitar, Violin, Xylophone, Vibraphone, Piano, Accordeon,

Button accordeon, Bandoneon.


Trình tấu

1941-42 Trình tấu Clarinette, Saxophone và Sáo Tây từ Bắc chí Nam


Xuất bản

1949 Các sách Tự học Kỹ Thuật Ðộc Tấu Clarinette, Saxophone và Sáo Tre


Cải tiến sáo tre

1950 Cùng với bào huynh là nhạc sĩ Xuân Lôi cải tiến sáo tre thành hai loại 10 lỗ và 13 lổ có

khả năng bao gồm nhiều âm giai khác nhau, kể cả âm giai dị chuyển.

Hai loại sáo này hiện được tàng trữ tại Musée de l'Homme, Paris, France.


Ðiều khiển dàn nhạc

1944-46 Hà Nội: Victoria, Muolin Rouge, Hotel Splendide và Lucky Star

1951-52 Nam Ðịnh: Văn Hoa

1952-75 Sài gòn: Văn Cảnh, Ðại Kim Ðô, Blue Diamond, Eden Rock, Palace Hotel, 
Bách Hỷ


Làm việc với các đài phát thanh

1952-75 Pháp Á, Sàigòn, Quân Ðội, Mẹ Việt Nam


Sáng chế các loại nhạc cụ mới

1976 Sáng chế cây đàn 60 dây có khả năng bao gồm tất cả các âm giai. Kỹ thuật trình tấu

tương tự như cây đàn Tranh, nhưng tay phải để gảy giai điệu và tay trái để đệm hợp âm

1980 Sáng chế căy đàn bầu mới với trái bầu dài làm bằng hộ khuếch âm. Ðàn này đã được

đem ra trình tấu nhiều lần ở Úc Ðại Lợi.


Những ca khúc phổ thông nhất

1939-42 "Chờ một kiếp mai", "Trên kiếp hoa"

1952-62 "Khúc hát ân tình", "Hận Ðồ Bàn", "Về dưới mái nhà", "Duyên Tình"

1963-83 "Ðường đi lối về", "Xa quê hương", "Ðất Việt"

1987-95 "Lòng người xa quê", "Tiếng bình minh", "Tiếng trống trong rừng sâu"





Nhà văn Trần Đình Lương biên soạn

“Người từ là từ phương Bắc, đã qua dòng sông, sông dài ...” là cầu hát trích đoạn trong nhạc phẩm Duyên Tình do nhạc sỹ Xuân Tiên sáng tác. Ông cũng dùng tựa đề này cho tuyển tập nhạc “Duyên Tình” do chính ông xuất bản tại Úc Đại Lợi năm 1997.



 


 Thực sự dòng sông ấy không dài về mặt địa lý, nhưng lại hun hút về mặt lịch sử, về máu và nước mắt đã tuôn theo năm tháng chiến tranh khốc liệt. Thời gian từ ngày những con người “từ phương Bắc.. qua dòng sông tới nay đã khá xa, đủ cho ta sự bình tĩnh để nhìn về một biến cố lịch sử và từ đó hiểu rõ hơn về sự phát triển lớn mạnh của một trào lưu văn học nghệ thuật tại miền Nam Việt Nam vào ngày đó.

‘Mai sau còn có bao giờ’.. * Về mặt văn học, năm 1987 nhà văn Võ Phiến đã dựng ‘ một lá phướn’ cho ‘ hai mươi năm văn học Miền Nam’ trong đó có nhiều điều cần biết về văn học và hòan cảnh sáng tác của các văn nghệ sĩ.

Còn về mặt nghệ thuật, về âm nhạc, thì chưa thấy ai làm công việc đó. Có chăng là một số bài nhận xét rải rác trong các tạp chí văn nghệ hải ngoại, thường nặng về cảm tính và nhẹ phần chuyên môn.

Tôi vẫn mong vô cùng được đọc một công trình biên khảo nghiêm túc về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ này. Đấy là thời kỳ được mùa của những ca khúc nở rộ. Nhiều lạ lùng và cũng hay lạ lùng. Hình như không tuần nào là người ta không nghe thấy những sáng tác mới. Chưa ai làm công tác thống kê những con số, sáng tác ít nhất phải kể tới hàng ngàn, con số nhạc sĩ phải kể tới hàng trăm. Để cạnh nhạc 20 năm ấy với nhạc tiền chiến trước kia, ta thấy có nhiều sự khác biệt. Khác biệt vô cùng cả về nhạc và lời. Ngôn ngữ của những ca khúc thời sau đã trở nên mới mẻ hơn, hiện thực hơn, âm điệu cũng phong phú và đa dạng hơn trước. Còn hơn như thế nào về mặt âm nhạc thì đó là lãnh vực nghiên cứu của các vị chuyên môn sau này.

Cho đến nay, hơn 20 năm nữa đã trôi qua, nhạc của những ngày hội lớn ấy vẫn còn lẽo đẽo theo gót những con người Việt Nam đi tứ xứ và vẫn lai rai xuất hiện tại quê nhà. Vậy mà những con người làm nên nền âm nhạc ấy thì rất ít khi được nhắc tới, và thỉnh thoảng cái cảnh ‘vàng bay mấy lá’ vẫn diễn ra.

Tôi viết những dòng này như một lời tri ân tới một trong những nghệ sĩ tài hoa ngày đó, đã làm giàu cho tâm hồn tôi, đã cho tôi thấy cuộc đời đẹp hơn, có ý nghĩa hơn qua những lời ca, nét nhạc

Tôi được may mắn gặp nhạc sĩ Xuân Tiên, dù khá muộn màng, được nghe ông kể chuyện ngày xưa và rồi cùng một nhóm anh em yêu nhạc hát lại nhạc ông trong một niềm bồi hồi ‘tha hương ngộ cố tri’. Thực sự mà nói chúng tôi ngày ấy rất còn nhỏ chỉ hát nhạc ông chứ đâu được hân hạnh quen biết với ông mà dám nói tới hai tiếng cố tri!

Sau nhiều lần gặp nhạc sĩ Xuân Tiên, chúng tôi đều đồng ý với nhau rằng ông còn rất trẻ, trẻ hơn chúng tôi rất nhiều.

Ở ông cái ‘nguồn sống bao la’ của những 50 vẫn còn cuộn chảy, vẫn reo vui và tươi mát. Ông yêu đời lắm. Tiếng cười ông cất lên là thấy ngay sự sảng khoái, vô ưu. Tới nay ông vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn làm đàn, chơi đàn, thổi sáo mà chẳng cần ai biết ai hay. Tinh thần lạc quan bát ngát đó là tinh thần xuyên suốt toàn bộ ca khúc của ông, tính cách của ông và điều này không hề tùy thuộc vào hoàn cảnh. Lớp văn nghệ sĩ ‘di cư’ 54 sau những năm đầu ‘dựng một mùa hoa’ rồi sau đó cũng lắng xuống dần vì những khó khăn của chính trị và xã hội. Nhạc sĩ Xuân Tiên thì không như vậy. Trước sau ông vẫn rộn ràng với đất trời và con người. Có thể nói tình yêu quê hương và những con người của quê hương là hai chủ đề chính trong nhạc Xuân Tiên. Ông tỏ bày điều ấy rất hồn nhiên, thẳng thắn: ‘Ta yêu nước ta, ta yêu muôn đóa hoa.’. Những địa danh của đất nước vì thế đã trở nên thân mật, gần gũi và tràn đầy sức sống:

‘Đi về Hà Tiên tắm biển xanh, qua đường về Châu đốc, Gò công miền Tây lộng gió trăng mơ màng, lúa thơm hương nồng. Đây dòng Cửu long vẫn oai hùng, Đây dòng Đồng Nai vẫn êm ấm…’

Ông không sáng tác nhiều về tình ca đôi lứa, nhưng lại chủ ý viết cho nhiều đôi lứa, cho nhiều con. Những con người trong nhạc của ông thường là những con người trẻ mà ‘tình yêu nước nung nấu’, đi bên nhau, thương yêu nhau, ngồn cạnh nhau trong ánh lửa hồng bếp cũ: Đi lớp lớp đi lớp lớp người đi, theo tiếng gió đưa tiếng hát gần xa.. ‘Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay..’

Những nhạc phẩm như thế thật rất quí hóa vì không có nhiều trong nhạc Việt Nam. Người ta có thể cùng nhau hát những ca khúc như vậy trong những buổi họp mặt chung với tâm hồn thật thoải mái. Những bản tình ca đôi lứa thì chúng ta không thiếu, nhiều vô cùng, nhưng lại không có chỗ đứng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng!

Thành công đặc biệt với những ca khúc đi tới hết sức tươi sáng như vậy, nhạc sĩ Xuân Tiên quả đã có vị trí của riêng ông trong nền âm nhạc miền Nam thời kỳ 54-75.

Nói như thế không có nghĩa là ông chỉ ‘chuyên trị’ về nhạc vui. Ông không đơn giản như vậy đâu. Những bài hát mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời, hay một quá khứ vàng son không trở lại như Xa Quê Hương, Chờ Một Kiếp Mai, Hận Đồ Bàn… đã được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng và cất cánh với những âm điệu, tiết tấu rất cân phương và hoàn chỉnh.

Tôi rất ngạc nhiên là sau bao nhiêu năm biến đổi tôi và các bạn tôi vẫn có thể nhớ lại dễ dàng các bản nhạc tình cảm loại này. Những tác phẩm đã để lại dấu ấn sắc nét trong tâm hồn chúng ta như thế thì phải là những nghệ phẩm rất đáng kể.
Ngày ấy, người đã từ phương Bắc ra đi vượt qua con sông dài, tìm ra ‘một nhà thân ái’ và từ đấy say mãi trong mối ‘duyên tình’ này.

Ở vào thời điểm giao thừa của thiên niên kỷ, chúng ta dù ở nơi đâu, có lẽ cũng vẫn hướng về mái nhà thân ái ấy, vẫn khát khao thấy lại ánh lửa hồng bếp cũ với những ‘nụ cười chan chứa, vai kề vai’ mà quên đi những sông dài, biển rộng sau lưng.


Trần Đình Lương
Sydney, 11 - 99


























































Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của quý văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.