Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Linh Bảo (1926 - 2024)













Linh Bảo

(14/4/1926 - 22/4/2024) Huế
Tên khai sinh: Võ Thị Diệu Viên
Biệt danh: Lại Cẩm Hoa, Vũ Trung Thư
hưởng thọ 98 tuổi
Nhà văn







Tiểu sử

Linh Bảo là chị ruột của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Cha làm quan (chức vụ cuối cùng là Tổng Đốc Quảng Nam), mỗi hai năm phải đi đến một tỉnh mới.
Xuất ngoại sau 1945.
 Thông thạo Hoa Ngữ.
Đã sống một thời gian dài tại Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông, Anh, Pháp. 
Nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Hồng Kông thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Dạy Việt ngữ trường Sinh Ngữ Quân Đội, Monterey, CA từ năm 1962 cho đến cuối năm 1976.
Hiện bà cư ngụ tại Westminster, California, Hoa Kỳ.
bà qua đời ngày 22/4/2024
Hưởng thọ 98 tuổi







... Một tên tuổi khác hay được nhắc nhở chung với Nguyễn thị Vinh; đó là Linh Bảo. Hai người xuất hiện trên diễn đàn văn học, như cùng một lúc; cả 2 đều được Nhất Linh giới thiệu (những tác phẩm đầu tay.)

Tên thật là Võ thị Diệu Viên, sinh năm 1926 tại Thừa thiên- Huế. Linh Bảo học ở lục địa Trung hoa năm 1947; rồi chuyển qua Hong Kong (1950).; sau khi Cộng sản chiếm được lục địa.

Tại Hong Kong, bà gặp Nguyễn thị Vinh; và, đưa ra cuốn nhật ký viết; khi còn là sinh viên; trong các năm xáo trộn ở Trung hoa, cho bà Vinh coi. 

Nguyễn thị Vinh bèn đem cho Nhất Linh đọc. Nhất Linh góp ý [với] Linh Bảo:[nên] viết lại cuốn hồi ký này; bằng cách sử dụng ngôi thứ 3, thay vì ngôi thứ 1 trong khi kể chuyện -- lý do, vì độc giả không quen; mà cũng ít thiện cảm với loại 'tiểu thuyết do tác giả xưng danh chính bản thân mình'.

Linh Bảo đã sửa lại theo gợi ý của Nhất Linh; và, cuốn tiểu thuyết Gió Bấc được nhà xuất bản Phượng giang (do Nhất Linh chủ trương, nhà phát hành Nam Cường in ấn và tổng phát hành) vào cuối năm 1953. 

Linh Bảo trở về Việtnam năm 1957, ở lại đến năm 1959; sau đó sang Pháp, Anh quốc; bà vẫn tiếp tục cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn hoá ngày nay (Nhất Linh chủ trương), cùng các tờ báo khác: Mới, Người Việt Tự Do, Tân Phong, Vui sống, Bách khoa. 



( Trích từ “Các nhà văn nữ tại miền Nam Việt Nam (1954-1975)”
Nguyên tác Anh ngữ: “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)”
Tác giả: Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang)












Tác phẩm đã xuất bản: 







1
Gió Bấc
(1953, nhà xuất bản Đời Nay)

Gió bấc là chuyện về một người phụ nữ trẻ lớn lên ở Huế mơ ước được đi du học ở hải ngoại; rồi nàng được toại nguyện, khi được qua Hong Kong và Thượng hải / Nam kinh. Nàng cố gắng làm lụng cật lực tại Hoa lục để có thể tự lập; cho đến khi gặp được một nam nhi muốn chia sẻ cuộc sống với mình.








2
Chiếc Áo Nhung Lam
1953








3
Tàu Ngựa Cũ

1961
Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961

Tàu ngựa cũ gồm 9 truyện ngắn, đã từng đăng ở Văn hoá ngày nay và Tân Phong; từ năm 1958 đến đầu năm 1960. Tập truyện này đem lại cho Linh Bảo giải thưởng Văn chương toàn quốc (VNCH) , năm 1962. Hai truyện ngắn Áo mớiNgười quân tử đã được dịch ra Anh ngữ, từng đem dự thi tại cuộc thi truyện ngắn do PEN CLUB quốc tế tại Luân đôn bảo trợ. (1962).
Tác phẩm của Linh Bảo, một trong số 26 tác phẩm được vào vòng tuyển lựa chung kết.



Truyện ngắn 
Tàu Ngựa Cũ

Những tiếng động ồn ào bên mình làm Kỳ bừng tỉnh. Anh không cần mở mắt nhìn cũng biết tầu đã đến một ga nào đấy, hành khách đang chen chúc lên xuống, và trong số đó chắc có người sẽ là bạn đồng hành của anh. Kỳ đã lên tầu từ ga Huế và sẽ đi suốt đến Saigon. Trải qua bao nhiêu ga, bao nhiêu người vào căn phòng hạng nhì này, cùng ngồi tầu với anh một lúc rồi lại đi. Có người ngồi lâu, nói được vài mẩu chuyện trời mưa nắng, có người, Kỳ tránh nhìn họ để khỏi phải bắt chuyện. Kỳ mong mỏi gặp một bạn đồng hành đi suốt với anh quãng đường dài này, và giá hợp chuyện nữa thì sung sướng biết bao! Anh không nhớ hết những ai đã vào cùng ngồi với anh. Đầu tiên là một bà cụ già đi với cô con gái. Anh chưa nhìn, cô em đã thẹn thò quay mặt đi nơi khác, nhưng nàng nhìn trộm anh trong tấm cửa kính. Bà cụ nhờ anh sắp đồ đạc cẩn thận, làm Kỳ tưởng bà cũng đi xa như anh, nhưng mới đến ga thứ nhất, bà đã kéo cô con, lếch thếch xuống tầu, vội vàng như bị ma đuổi.

Kỳ không thất vọng, vì đường dài lắm, anh sẽ còn cơ hội gặp người bạn đường khác. Nhưng từ lúc ấy trở đi, bao nhiêu người lên xuống, người nào cũng chào hỏi, nhưng anh chưa cảm thấy hợp chuyện, họ đã xuống ga rồi.

Mãi cho đến bây giờ, đi đã gần nửa đường, Kỳ thấy hơi chán, không còn hy vọng có một bạn đường vừa ý nữa. Anh đem báo ra đọc. Đọc hết cả tin tức, tiểu thuyết, quảng cáo, lại thuộc lòng cả một tá thơ tương tư của một nữ sĩ. Anh hơi lạ, vì thấy nữ sĩ tả hoa tương tư, lá tương tư, núi sông tương tư, mà không thấy nói đến người tương tư. Không lẽ cái tương tư của con người không đáng nói.

Kỳ che tờ báo lên mặt, giả vờ ngủ. Anh chán nản lắm rồi. Bây giờ, bên cạnh anh, ai lên xuống, ga nào, người ít nhiều, anh cũng mặc, không nhìn nữa.

Kỳ biết có người vào phòng anh. Trước hết, chắc là một thiếu nữ, vì nghe bước chân nhẹ nhàng và mùi nước hoa thoang thoảng. Theo sau, là hai thanh niên còn trẻ lắm, vì anh nghe thấy họ hành động nhanh nhẹn và nói cười có vẻ đầy nhựa sống.

Thiếu nữ ngồi bên cạnh Kỳ, có lẽ nàng thấy ngồi bên cạnh người ngủ say, trên mặt lại còn che một tờ báo, sẽ yên ổn hơn ngồi cạnh hai chàng thanh niên có vẽ "sát khí đằng đằng" kia.

Một thanh niên nói:

- Tôi đã bảo, xuất hành nhằm giờ “túc hỷ”, thế nào cũng gặp “giai nhân”.

Kỳ cười thầm. Anh thấy “mặt trận” sắp được dàn ra rồi, chắc thú vị lắm.

- Sơn cũng đồng ý với Nam, nhưng yêu cầu Nam nên nhường cho Sơn thì hơn.

- Vì lý do gì?

- Lý do thứ nhất: vé tầu của Sơn, Nam mua hộ. Lý do thứ hai: Sơn nhiều tuổi hơn Nam, “kính lão đắc thọ” mà! Ba la...

- Là gì?

- “Quả nhân hữu tật”...

Kỳ suýt bật cười lên tiếng. Trong chốc lát, cả một thời thanh niên trẻ trung của anh hiện ra trong ký ức.

Thuở ấy, cách độ hơn mười năm, Kỳ cũng còn hăng say như hai anh chàng này, và cũng đã có lần từng chế nhạo các bạn: “Quả nhân hữu tật”. Đó là câu tự thú của một ông vua ngày xưa : "Quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc”. Chỉ nói lên vế đầu, người ta sẽ hiểu vế thứ hai. Những người bạn ấy, có người đã sống cùng anh một thời gian khá lâu, có người thỉnh thoảng còn gặp, có người chỉ trông thấy vài lần rồi không bao giờ gặp lại nữa.

Thiếu nữ chừng khó chịu vì hai chàng thanh niên “ nghiên cứu dung nhan” kỹ quá, nên cũng lấy một tờ báo che mặt như đọc.

Có tiếng thở dài:

- Thôi, chúng mình đành đọc báo vậy! Sơn đọc một tờ, Nam đọc một tờ, đã có người cầm hộ.

Nam vẫn tinh nghịch:

- Hai tờ báo! Nối liền nhau không biên giới. Thực là “Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”.

Kỳ thấy bọn họ dễ thương quá. Kỳ ao ước giá bọn họ cũng đi đến Saigon, chắc anh sẽ không đến nỗi buồn lắm. Kỳ giở tờ báo ra nhìn họ với cái nhìn đầy thiện cảm.

- Chắc chúng tôi làm ông mất ngủ?

Kỳ mỉm cười:

- Không sao. Có các ông ngồi cùng phòng, nói chuyện càng vui, quên được đường dài.

Kỳ quay sang nhìn thiếu nữ. Bày tay nàng cầm tờ báo hơi rung rung. Kỳ thấy tự nhiên tim mình đứng hẳn lại. Nốt ruồi đỏ như son trên cổ tay thiếu nữ, trông quen thuộc quá. Chỉ có một người anh quen, có nốt ruồi như thế. Người ấy đã đi bên cạnh anh trong một thời gian, ngày xưa, thời loạn ly...

- Ông xuống ga nào ạ?

Kỳ trả lời như người mất hồn:

- Ga cuối cùng.

- Chúng tôi cũng thế. Ông cho phép chúng tôi tự giới thiệu: chúng tôi là sinh viên.

- Trường?

- Đại Học Văn Khoa ạ. Còn ông?

- Tôi được mời đi dạy. Cũng Đại Học Văn Khoa. Chắc chúng ta còn gặp nhau nhiều.

Sơn và Nam nhìn nhau.

Kỳ thấy mình nói dối tự nhiên quá. Câu nói bật ra trong lúc anh vẫn còn nhìn nốt ruồi trên tay thiếu nữ. Anh không hiểu mình có ý định gì, nhưng câu nói của anh có hiệu nghiệm ngay lập tức. Hai sinh viên ra dấu cho nhau và cùng sang toa khác. Chắc họ không muốn ngồi chung với người có thể là ông giáo của họ.

Tầu vẫn chạy trong đêm, và đêm cũng đã khuya lắm rồi, nhưng Kỳ không thấy buồn ngủ tí nào nữa. Anh nhớ đến bàn tay người bạn gái năm xưa, bàn tay anh đã cầm nhiều lần. Không biết có phải đúng là Thơ ngày xưa của anh không. Bàn tay gần tay anh lắm, nhưng anh không dám nắm lấy. Bàn tay ấy không đẹp, không chải chuốt, không có móng đỏ như máu, nhọn như vuốt, giống hệt như bàn tay anh đã nắm ngày xưa, nắm một cách yêu thương tin cậy, và lòng êm dịu, bình yên, thỏa mãn như người nằm đúng vào chăn đệm và giường của mình trong một đêm rét mướt mưa bão.

Kỳ vừa ao ước nàng là Thơ, vừa mong không phải. Nếu không phải, chắc anh sẽ bâng khuâng mất vài hôm rồi lại đâu vào đấy. Nhưng nếu nàng là Thơ thật tình thì sao? Trong chốc lát, Kỳ thấy trong tim mình như định ra một biên giới. Đây là tình yêu vợ, yêu con, đây là tình . . . như nước sông, nước suối, nước thác, mỗi dòng nước có một con đường riêng, không hề xâm phạm đến nhau, nhưng tất cả đều đổ về lòng bể, là anh.

Nếu đúng là Thơ, anh sẽ không để cho nàng đi thoáng qua như những người bạn đường kia nữa. Nàng sẽ ở bên anh mãi mãi và sẽ đi cùng anh đến ga cuối cùng của cuộc hành trình, cũng như đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Thiếu nữ hình như ngủ say. Nàng bỏ rơi tờ báo xuống, đầu nghiêng về một bên. Kỳ thấy lạnh hẳn cả người. Đúng là Thơ ngày xưa rồi. Hình bóng Thơ nằm yên lặng trong tâm hồn suốt bao nhiêu năm trời, bây giờ hiện ra trước mắt anh bằng xương bằng thịt. Thơ già dặn hơn, nhưng những nét vẫn là Thơ ngày xưa. Mi mắt Thơ tuy nhắm, nhưng lòng mắt bên trong rung rung. Nếu Thơ ngủ thật, chắc nàng đang mơ một giấc mơ buồn. Nét mặt Thơ cố đè nén một cảm xúc gì. Kỳ thấy muốn để đầu Thơ ghé vào vai mình, như thế, chắc Thơ sẽ dựa êm ái hơn, ngủ ngon hơn, và không thể nào mơ những giấc mơ ghê sợ nữa.

Mí mắt Thơ bỗng rung động mạnh và hai giọt nước mắt chảy ra, đem theo cả một dòng, lan tràn trên má. Thôi, Thơ không hề ngủ tí nào cả, nàng chỉ giả vờ ngủ để kéo dài thời gian trước phút nhìn được nhau. Chắc Thơ cũng đã nhận được ra anh lâu rồi. Thơ chỉ nghe giọng anh nói, cũng như anh chỉ nhìn bàn tay, cũng biết được nhau. Lần này Kỳ quả quyết lắm. Anh nhất định nắm lấy tay Thơ, rồi ra thế nào thì ra.

Thơ mở mắt nhìn anh, nói rất nhẹ:

- Em không ngờ. Có người cho em biết anh chết sau lúc xa em mấy tháng.

- Anh cũng không ngờ. Nghe kể lại, mẹ em đặt bàn thờ và tụng kinh cho em một trăm ngày. . . anh ngờ sao được!

Kỳ kéo đầu Thơ dựa vào vai anh như trước đây mấy phút anh đã ao ước được như thế.

Hai người cùng yên lặng, hình như không còn nghe thấy gì ngoài tiếng đập của trái tim.

Tầu bỗng hình như chạy mau hơn một cách kỳ lạ và dễ ghét. Kỳ vuốt tóc Thơ, thì thầm:

- Chúng mình đã đi được nửa đường rồi mới bắt được nhau.

Thơ cố nén cảm xúc:

- Nửa đường của chuyến xe suốt, và cả của cuộc đời!

- Cũng còn kịp để gặp nhau!

- Muộn chưa hở anh?

- Chưa em ạ. Đường còn dài, đời cũng còn một nửa để chúng ta nhìn thấy nhau, ngồi cạnh nhau, sống với nhau. Đừng làm sóng gió nữa em, đừng làm khổ nhau, đừng làm khổ mình, đừng tự ngược đãi mình nữa. Bây giờ, anh không để em thoát. Không có gì trên đời này có thể cản trở chúng ta được nữa !

Kỳ không hiểu tại sao anh có thể nói ra được những câu trái với sự thật như vậy. Ai cho phép anh được ngồi với Thơ, sống với Thơ? Anh rất thành thật với lòng. Anh nói những lời xuất phát từ trái tim và đồng thời cảm thấy rất chua xót, không biết làm cách nào để Thơ hiểu rõ, để cho Thơ biết sự thật, biết anh không còn tự do nữa. Anh muốn giữ Thơ trong cuộc hành trình đi đến phần mộ trong đời mình, mặc dầu biết không có một điều kiện nào.

Như muốn tránh sự thực hiện tại, anh bảo Thơ:

- Em đừng nói gì nữa. Chúng mình sẽ có rất nhiều thì giờ nói chuyện. Bây giờ, hãy để yên cho anh ngồi bên cạnh em, biết có em trong tay. Chúng ta đã lỡ nhau suốt nửa đời người rồi. Yên cho anh sung sướng gặp em . . .

- Ngày xưa . . .

- Đừng nhắc đến ngày xưa nữa em . . .

- Ngày mai . . .

- Cũng đừng nói đến ngày mai!

Hai người cùng yên lặng và hiểu nhau hơn lúc nào hết.

Thơ nhắm mắt lại, ngả đầu vào vai Kỳ! Tàu chạy đều và rung nhẹ, vai của người mình yêu quí, làm gối rất êm. Mi mắt Thơ không còn thấy rung rung nữa, nếu Thơ ngủ được, chắc giấc mơ sẽ yên lành biết bao.

Kỳ nhìn ra ngoài trời. Trời đen nhưng trong, mây sáng lơ thơ giăng mắc khắp không trung. Muôn ngàn vì sao lấp lánh rực rỡ, có những sao băng xẹt ngang rất nhanh rồi tắt hẳn. Kỳ ao ước giá còn được lòng tin tưởng thơ ngây ngày xưa, ngày anh còn bé ở làng quê. Hối ấy, mỗi khi thấy sao băng, anh cởi nhanh một cúc áo và nói một điều ước. Anh không nhớ những điều anh ao ước có bao giờ thành sự thực, linh nghiệm như lời bà anh vẫn bảo không, vì anh quên ngay hôm sau. Bây giờ, nếu còn hy vọng và tin tưởng được, anh chỉ ao ước có Thơ trong tay anh mãi mãi.

Tầu đến Nha Trang lúc trời vừa sáng. Kỳ và Thơ cùng nhìn nhau mỉm cười. Cả hai đã ngồi yên lặng không nói một điều gì quan trọng, cùng muốn phút giây quên hết quá khứ, tương lai và sự thật, càng kéo dài càng tốt.

Kỳ đứng dậy nhìn ra sân ga. Bỗng anh thấy cả người như tê lạnh một cách lạ thường. Vợ anh đang đứng nhìn lên từng toa như tìm kiếm. Trông thấy Kỳ, vợ anh reo lên:

- A, anh! Em cứ sợ anh nhỡ chuyến này.

Nàng chen lên tàu, bước vào phòng, nói ríu rít:

- Em đang nghỉ mát, được tin anh vào, nên đón tầu để đi cùng với anh cho vui. Thế nào, anh có mệt không?

Bất giác, Kỳ thấy mệt thực. Bao nhiêu nhọc nhằn chán nản, phiền muộn trong nửa đời người đã trải qua, anh đã quên không muốn nhớ, giờ phút này chúng đùng đùng kéo nhau đến bao vây lấy anh, làm anh thấy mình chỉ trong một lúc như già hẳn đi. Tất cả hy vọng tiêu tan trong chớp mắt một cách đột ngột và tự nhiên vô cùng.

Thấy Thơ đứng dậy sắp sửa hành lý, anh cũng không thể nói được một lời nào, để từ giả hay giữ lại. Anh chỉ nhìn theo với đôi mắt buồn rầu bâng khuâng.

Vợ Kỳ xem xét hành lý và nói với anh những điều gì nhiều lắm, nhưng anh không nghe rõ, và dù nghe rõ cũng không hiểu gì hết. Mắt Kỳ như mờ đi, nhìn theo Thơ vội vàng ra khỏi ga. Anh biết tình yêu của Thơ và anh vẫn còn nguyên vẹn. Anh biết Thơ cố tránh. Thơ không muốn thấy mình cùng đi với Kỳ một chuyến xe trong đời, mà không thể nói với nhau một lời nào.

Kỳ ngồi bên cạnh vợ, nghe vợ nói chuyện và thấy nàng đã nói nhiều quá, trong khi Thơ chưa kịp nói với anh gì cả.

Bây giờ, làm sao anh còn nắm được tay Thơ. Làm sao anh biết được Thơ nghĩ gì. Thơ đi đâu? Thơ làm gì? Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu lằn roi đã quất vào tâm hồn nàng? Bao nhiêu thất bại, đau khổ. Ai lau nước mắt cho Thơ?

Kỳ chưa kịp biết được gì hết, anh đã để cho bóng Thơ tan mất. Và đau đớn biết bao, anh không có dịp nói một lời giả từ. Giá biết được phải chia rẽ đột ngột và vĩnh viễn như vậy, anh sẽ cố nói với Thơ một vài lời, dù chỉ là những lời rất vô nghĩa, cũng còn có dịp nhìn được mắt nhau lâu thêm vài phút.

Tầu vẫn chạy rất bình yên, như không bao giờ biết được bao nhiêu ly hợp đã xảy ra trong một chuyến đi.

Người vợ ngồi bên cạnh đem lại cho anh thói quen thường ngày. Kỳ thấy lòng mình bình tĩnh lại. Anh lắng tai nghe vợ nói, trả lời vợ và ngoan ngoãn theo vợ về nhà. Ngoan như con ngựa nhà, ngựa thuần. Con ngựa rất siêng năng cần mẫn, ngày ngày kéo xe cho chủ. Đôi mắt ngựa bị che hai bên lại, chỉ còn nhìn thấy một phía trước mắt, một con đường thẳng, một bổn phận. Ngày ngày làm xong công việc, tối về tàu, ngựa sẽ được phát cho một nắm rơm hay cỏ khô, cho ngựa ngủ yên, đợi ngày mai lại tiếp tục công việc, lưng mang nặng yên cương, mắt che kín. Đền bù lại, ngựa được chủ cho ăn no, được khen là ngoan ngoãn, và ngựa rán hết sức lực làm việc cho chủ vui lòng.

Nhưng may mắn làm sao, Kỳ thấy dù mình như con ngựa đã bị che kín hai mắt, chỉ được phép nhìn thấy một con đường thẳng trước mặt, chỉ được trở về với tàu ngựa cũ mà thôi, tim anh vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn có thể cảm, nghĩ và yêu thương.











4
Những Đêm Mưa
1961











5
Con Chồn Tinh Quái
(1967, Ngày Mới)
















6
Những Cánh Diều
(1971, Trí Đăng)










7
Mây Tần
(Tuyển tập Đoản văn 1981, Việt Nam Hải Ngoại)












ĐẾN VỚI LINH BẢO
TỪ GIÓ BẤC TỚI MÂY TẦN






Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
                                    Nguyễn Du





Hình 1: nhà văn Linh Bảo, thời gian ở Hương Cảng [nguồn: tư liệu Linh Bảo]



Sau các nhà văn nữ tiền chiến như Thuỵ An, Mộng Sơn của thập niên 1940s, Linh Bảo và Nguyễn Thị Vinh là hai nhà văn đi trước thế hệ đông đảo các nhà văn nữ của thập niên 1960s về sau này như Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Trần Thị NgH.   
    
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.  

TIỂU SỬ     
Nhà văn Linh Bảo, tên Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: cha Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc Tôn Nữ Thị Lịch. Từ thời rất trẻ, Linh Bảo đã nuôi tham vọng được đi du học, rời xa gia đình sớm, sống lưu lạc qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Trung Hoa (Nam Kinh, Quảng Châu), Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ. Linh Bảo còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa là tên trên chiếc vé xuống tàu vượt biển sang Hương Cảng, Vũ Trung Thư / Mo Chung Shu là tên ghi danh đi học ở Nam Kinh và Quảng Châu. Các bức thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo khi còn ở Hương Cảng đều gửi với tên Lại Cẩm Hoa. [Hình 3]
    
Mới xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn [do tôn kính người Hoa không gọi tên Tôn Dật Tiên / Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, Linh Bảo một lần nữa từ Quảng Châu chạy tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây, cô đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ / dental tech tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ.
   
Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Bút hiệu Linh Bảo, có nguồn gốc rất đơn giản, đó chỉ là tên người chồng Trần Linh Bảo / Ling Po Chan và bút hiệu ấy gắn mãi với văn nghiệp của chị trong văn học sử Việt Nam.        
     
Đến 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, Linh Bảo là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại, tiếng Anh và dĩ nhiên cả tiếng Việt, cô được tuyển làm nhân viên của toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hương Cảng. Làm việc tới 1957, trở về nước và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.




Hình 2: nữ sinh viên Vũ Trung Thư (Linh Bảo) tại Đại Học Tôn Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc  [nguồn: tư liệu Linh Bảo]
         
Từ Hương Cảng, qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng Linh Bảo chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm [1962-1976] tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ / Defense Language Institute, Monterey, California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau Chiến tranh Việt Nam.      
Linh Bảo hiện sống tại Nam California.
      
Tác phẩm:
- Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953
- Tầu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961
- Những Đêm Mưa, truyện dài, Nxb Đời Nay 1961
- Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971
- Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981
    
Sách nhi đồng:
- Chiếc áo nhung lam, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953
- Con Chồn Tinh Quái, truyện Nhi đồng, Nxb Ngày Mới 1967
    
Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961. [Hình 5] Trừ truyện dài Gió Bấc và truyện nhi đồng Chiếc áo nhung lam được in từ 1953, các tác phẩm chính của Linh Bảo đều được xuất bản trong thời kỳ 1954-1975.



TỪ GIÓ BẮC TỚI GIÓ BẤC
    Tại Hương Cảng, Linh Bảo được dịp làm quen với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn. Bản thảo Gió Bắc [chưa phải là Gió Bấc] như một tự truyện viết theo ngôi thứ nhất kể lại cuộc sống lưu lạc của cô sinh viên Linh Bảo, được trao cho chị Nguyễn Thị Vinh và sau đó tới tay nhà văn Nhất Linh.
    Sau khi đọc bản thảo Gió Bắc, thấy được "cốt cách nhà văn - chữ của Nhất Linh" của tác giả, Nhất Linh đã viết thư khuyến khích Linh Bảo với hai gợi ý: viết lại cuốn tự truyện theo ngôi thứ ba và sửa nhan đề cuốn sách là Gió Bấc thay vì Gió Bắc. Linh Bảo đã làm theo lời khuyên của nhà văn Nhất Linh. [Hình 3]




Hình 3: phải, thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo, trái, bìa Gió Bấc do Phượng Giang xuất bản 1953 [nguồn: tư liệu Linh Bảo]


    Từ Sài Gòn, ngày 29 tháng 5 năm 1953 nhà văn Nhất Linh đã viết thư cho Linh Bảo lúc đó vẫn đang còn ở Hương Cảng, với tên Lại Cẩm Hoa:
    
Kính gửi chị Hoa,     
Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay hơn lần viết đầu. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn. Sách chị ra chắc sẽ được hoan nghênh, có lẽ ra đồng thời với Thương Yêu và Gió Mát [của Nguyễn Thị Vinh và Tường Hùng, ghi chú của người viết]. Ba cuốn, ba tâm sự và mỗi cuốn một vẻ.      
Tôi sẽ chữa lại văn, xoá bỏ ít đoạn (việc này cũng mất độ mươi hôm) rồi đánh máy đưa kiểm duyệt. Cái chính là hay, còn văn là phụ; song hoàn toàn thì vẫn hơn.     
Trong 3 cuốn Thương Yêu, Gió Mát, Gió Bấc cuốn của chị ít sắp đặt, ít tiểu thuyết hoá nhất; những cuốn sau cần phải bố cục... nhưng thôi để khi chị viết cuốn thứ hai. Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị.        
Chúc chị mạnh và nếu tiếng đàn vẫn còn văng vẳng (chỉ cơn hen suyễn của Linh Bảo, trong một thư khác Nhất Linh còn gọi đó là tiếng đàn violon, ghi chú của người viết) cũng không sao vì cái đó có ngăn cản gì đâu việc chị viết Gió Bấc.
Nhất Linh
    
Chẳng thể ngờ rằng chỉ 10 năm sau khi viết bức thư này, nhà văn Nhất  Linh đã tuẫn tiết ở tuổi 57 [1906-1963].  
    
Gió Bấc là tác phẩm đầu tay của Linh Bảo được Phượng Giang xuất bản năm 1953. [Hình 3] Có thể coi đây như bước khởi đầu vững vàng trên con đường văn nghiệp của Linh Bảo. Vừa mới thành danh với Gió Bấc, vì một lý do tâm cảnh, Linh Bảo muốn đổi bút hiệu, nhưng được nhà văn Nhất Linh khuyên can và cô đã nghe theo.



TỪ GIÓ BẤC TỚI NHỮNG ĐÊM MƯA
   
Gió Bấc là truyện một cô gái tên Trang sinh ra và lớn lên ở Huế, thể chất yếu đuối do từ nhỏ đã mắc phải căn bệnh suyễn kinh niên, và trở nặng theo mùa và mỗi lần gió bấc thổi về thì cơn hen suyễn lại nổi lên thê thảm; tuy vậy tinh thần cô gái thì mạnh mẽ. Do quan niệm xưa cũ, mẹ Trang không khuyến khích sự học của con gái nhưng Trang thì vẫn nuôi mơ ước được đi du học. Chiến tranh ly tán, Trang xa gia đình rất sớm, lưu lạc vào Sài Gòn, bị bắt và cả tù đầy và rồi cơ hội tới, cô kiếm được một vé xuống tàu với một tên Trung Hoa và qua được Hương Cảng, rồi Nam Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Cô gái mảnh mai ấy đã sống sót qua những biến cố lịch sử: cách mạng ở Việt Nam, cách mạng ở Trung Hoa, trải qua những ngày tháng đầy chiến tranh loạn lạc. Ở đâu thì cô cũng phải làm việc cật lực để mưu sinh. Rồi cô cũng vào được Đại học Tôn Trung Sơn Quảng Châu, chưa được bao lâu thì Hồng quân của Mao Trạch Đông toàn chiếm Hoa lục, một lần nữa lại phải tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây cô đã phải làm đủ nghề để kiếm sống cho đến khi gặp được một người đàn ông Hương Cảng gốc Hoa không tham vọng hiền lành tên Bình, tìm tới muốn chia sẻ cuộc sống với Trang.      
Trang cuối của Gió Bấc: "Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang: Trang, Trang cho phép tôi... được săn sóc Trang ... suốt đời nhé?" Nàng đã không chống cự và xiêu lòng. Gió Bấc viết xong tại Hương Cảng 1952 khi ấy Linh Bảo vừa mới 26 tuổi.
    
Những Đêm Mưa có thể coi như tiếp nối “Gió Bấc”, vẫn cô gái tên Trang. Trang và Bình hai người cưới nhau, cuộc sống lứa đôi ngay sau đó đã chẳng thơ mộng hay hạnh phúc như người con gái từng hy vọng; nhiều xung khắc trái nghịch xảy ra nhất là khi nàng sinh đứa con gái đầu tiên trong cảnh gia đình thiếu hụt đưa tới sự bế tắc. Không thể tiếp tục sống với một người đàn ông mà nàng cho là tầm thường, Trang lại thu xếp hành trang đem theo đứa con gái nhỏ và cái bụng đang mang thai trở về Huế sống với cha mẹ trong một thời gian không hạn định.          
Đã thất vọng với cuộc hôn nhân nhưng khi về tới quê nhà, Trang lại phải chứng kiến những tấn bi kịch khác của gia đình: người cha đã bỏ mẹ nàng trong nỗi đau buồn tủi vì mê say sống với mấy người vợ bé trẻ trung hơn mẹ. Chính Trang cũng bị người cha ruột ruồng rẫy. Rồi người cha ngã bệnh chết, bà mẹ quá chán chường tìm chốn nương thân nơi cửa Phật. Người phụ nữ tên Trang ấy, ở đâu cũng thấy cô đơn, chẳng còn trông cậy vào một ai khác, và Trang lần này lại ra đi, chưa biết đi đâu nhưng không có dự tính trở lại với người chồng cũ ở bên Hương Cảng.
    
Trang cuối của Những Đêm Mưa: "Trang không cần đọc cũng biết nội dung trong thư có những gì [những bức thư của Bình, người chồng cũ]. Trong những năm tháng xa nhau, Bình đã viết đều đều cho Trang mỗi tuần lễ hai bức thư như thế... văn tài của anh dù "yên sĩ" có lên độ cuối cùng cũng không bao giờ đủ hứng để viết thành một cái chuyện ngắn chuyện dài nào... Trang nhìn theo con như cố tìm can đảm để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới ngày mai..."
    
Những Đêm Mưa cũng viết xong tại Hương Cảng 1957, năm năm sau Gió Bấc khi ấy Linh Bảo 31 tuổi.
    
Cả hai cuốn tiểu thuyết đều bao gồm rất nhiều kinh nghiệm sống của Linh Bảo. Không phải là do câu chuyện mà nghệ thuật viết đã làm nên giá trị độc đáo của tác phẩm Linh Bảo. Ngòi bút của Linh Bảo thông minh sắc sảo, giễu cợt lật ra những mặt trái của cuộc sống, một cách tàn nhẫn với giọng nghịch ngợm tinh quái bất cần đời nhưng cũng thật là chua chát. Người phụ nữ trong tác phẩm Linh Bảo tuy cứng cỏi, chịu đựng nhưng vẫn luôn luôn là nạn nhân đáng thương của những hoàn cảnh.  
  
Nhìn xa hơn nữa, có thể nói qua các tác phẩm Linh Bảo rất sớm là ngòi bút đấu tranh cho nữ quyền.




LINH BẢO NHỮNG NGÀY SÀI GÒN      
Dù ở trong nước hay ở hải ngoại, Linh Bảo viết khá đều tay trong khoảng hai thập niên 1950s và 1970s. Cùng với Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo là một trong hai cây viết nữ chủ lực của tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, báo Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn, và tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu và một số báo khác.

   

Tòa soạn Văn Hóa Ngày Nay 1958
(Từ trái qua)
Hàng ngồi: Linh Bảo, Quỳ Hương, Nguyễn Thị Vinh
Hàng sau: Bình-Nguyên Lộc, Duy Lam, Đỗ Đức Thu, Nhất Linh, Tường Hùng, Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn

Hình 4: [nguồn: tư liệu Nhật Tiến]

    
Sau Gió Bấc, tên tuổi Linh Bảo một thời sáng chói với các truyện ngắn truyện dài xuất hiện sau đó. Những Đêm MưaTầu Ngựa Cũ là hai tác phẩm văn học giá trị của nhà văn Linh Bảo.  
    
Tưởng cũng nên ghi lại đây nhận xét của nhà văn Bình Nguyên Lộc, một cây viết thuần Nam Bộ viết về Linh Bảo qua một thư riêng. [Hình 5]

    Sài Gòn 21/9/1958
   Chị Linh Bảo,
    Hôm nọ tôi có đến thăm chị nhưng chị đi vắng...
    Một điều sau đây tôi được biết, nói ra sợ chị không tin nhưng không thể không nói được: là rất nhiều bạn văn, bên phe không cọng, nói với tôi rằng các tiểu thuyết đăng ở Văn Hoá Ngày Nay chỉ có tiểu thuyết của Linh Bảo là hay. Họ không nói là hay hơn hết mà chỉ nói là hay thôi. Thế nghĩa là còn hơn là hay hơn hết nữa kia.
    Riêng tôi, tôi thấy chị hay hơn Gió Bấc nhiều lắm [Bình Nguyên Lộc muốn nói tới tiểu thuyết Những Đêm Mưa, đang đăng định kỳ trên Văn Hoá Ngày Nay, ghi chú của người viết] và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được...
    Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục. Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi...
Bình Nguyên Lộc

T.B. Xin mời chị có đi đâu ngoài nầy, ghé qua nhà tôi một bận. Tôi ở phố Võ Tánh, gần chợ Thái Bình. Buổi chiều tôi luôn luôn có nhà, trừ chiều thứ bảy và chiều chúa nhựt.   

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã mất năm ông 73 tuổi [1914-1987].







Hình 5: phải, thư nhà văn Bình Nguyên Lộc gửi Linh Bảo trái, bìa tiểu thuyết Những Đêm Mưa [nguồn: tư liệu Linh Bảo]

    
Sau Nhất Linh và Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến cũng đã viết về Linh Bảo trên tạp chí Bách Khoa [số 161, năm 1962] như sau: "Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt... Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà 'lịch sự': vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả."
    
Rất tình cờ từ ba địa phương, cả ba tác giả Bắc Nam Trung đều có chung một nhận định: Linh Bảo là một cây bút có văn tài. Linh Bảo viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào cũng đặc sắc. Chỉ có tiếc là từ hơn bốn chục năm qua, Linh Bảo hầu như không còn quan tâm tới chuyện viết lách và sáng tác thêm nữa.



TÀU NGỰA CŨ GIẢI VĂN CHƯƠNG 1961     
Tầu Ngựa Cũ được trao giải văn chương 1961. Năm đó có ba giải văn học, nhà xuất bản Ngày Nay chiếm hai giải: cuốn Thềm Hoang giải nhất truyện dài của Nhật Tiến, Tầu Ngựa Cũ tuyển tập truyện ngắn của Linh Bảo, Gìn Vàng Giữ Ngọc của Doãn Quốc Sỹ do Sáng Tạo xuất bản.  
    



Hình 6: bìa tác phẩm Tầu Ngựa Cũ của Linh Bảo
Giải thưởng Văn chương 1961[nguồn: tư liệu Linh Bảo]
    
Tầu Ngựa Cũ là tuyển tập chín truyện ngắn của Linh Bảo đã đăng tải trên tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh và Tân Phong của Nguyễn Thị Vinh Trương Bảo Sơn. Tầu Ngựa Cũ được trao giải thưởng Văn chương 1961. Học giả Nghiêm Xuân Việt, Văn Bút Việt Nam "với thiện chí trao đổi văn hoá với ngoại quốc" đã chọn hai truyện Người Quân TửÁo Mới trong Tầu Ngựa Cũ dịch ra Anh ngữ với tên truyện The Noble ManOur Brand New Robes và gửi đi dự cuộc thi truyện ngắn do International PEN tổ chức 1961. Thành phần ban giám khảo gồm những tên tuổi như: Storm Jameson (Anh), André Maurois (Pháp), và Whit Burnett (Mỹ).  
    
Kết quả là cả hai truyện ngắn này được tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm đó. Cũng thời gian đó Linh Bảo đang sống ở Luân Đôn. Hình như sau đó, hai truyện ngắn này được PEN Vietnam Centre dịch sang tiếng Pháp: L' homme noble, và Robles Nouvelles để in trong tuyển tập truyện ngắn của Văn Bút Việt Nam.
    
Tầu Ngựa Cũ là một truyện ngắn được lấy tên cho toàn tập truyện. Đó là  truyện tình nhẹ nhàng cảm động. Kỳ trong một chuyến tàu đi suốt từ Huế vào Sài Gòn, anh ao ước có một người bạn đồng hành để có thể truyện trò. Rất tình cờ từ một ga xép, một thiếu nữ lên tàu ngồi bên cạnh Kỳ. Với nốt ruồi đỏ như son trên cổ tay thiếu nữ, Kỳ bỗng nhận ra Thơ người bạn gái xa cách từ lâu, thuở hai người rất yêu nhau. Họ nhận ra nhau và hạnh phúc được ngồi bên nhau trong những kỷ niệm hồi tưởng. Nhưng khi con tàu ghé Nha Trang thì người vợ của Kỳ xuất hiện. Cô gái lặng lẽ bước xuống tàu, không nói một lời chia tay. Tất cả thoáng diễn ra như một giấc mơ. Kỳ trở lại cuộc sống thực tế với một người đàn bà ngồi bên cạnh là vợ chàng. Kỳ có cảm giác mình như một con ngựa đã thuần hoá và từ nay chỉ có một con đường trở về như con ngựa trở về tầu ngựa cũ.  
    
Người Quân Tử là câu chuyện của một cô gái trẻ đẹp tên Dung, đang làm cho một hãng hàng không, sống độc lập bỗng dưng rơi vào nghịch cảnh trong vòng kiềm toả của một người đàn ông đã có vợ nhưng nhiều thủ đoạn, nham hiểm và cả bạo hành; hắn đã biến Dung thành cô "thư ký vạn năng" cùng lúc đóng nhiều vai người tình, người vợ không bao giờ cưới vẫn phải đẻ con lấy họ mẹ, Dung được người đàn ông ấy đối xử như người đầy tớ gái nhưng vẫn nhồi sọ Dung rằng chính hắn mới là kẻ gia ơn và bao bọc, hắn là người quân tử đến mức chính Dung cũng tin là như vậy và khuất phục cam chịu.




Hình 7: Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương, Tập 6 có đăng truyện ngắn Người Quân Tử của Linh Bảo, là một trong hai truyện ngắn được Văn Bút Thế Giới tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm 1961 [nguồn: tư liệu Linh Bảo]

Áo Mới với bối cảnh một gia đình của một thời vang bóng nơi kinh đô Huế cổ xưa của một triều đại phong kiến đang suy tàn. Truyện kể về sự tích một chiếc áo do mẹ vua ban mà bà mẹ đem về cho các con. Do gốc tích cao sang chiếc áo được giữ gìn chuyền qua tay những đứa con từ lớn xuống bé và chỉ được dùng trong những dịp giỗ tết nhưng khi đến phiên Hoa đứa con gái nhỏ nhất vì qua thời gian chiếc áo ấy đã bị mục nát. Hoa đã khóc trong ngày Tết năm đó vì không được mặc chiếc áo mơ ước, để rồi sau này lớn lên cô gái đi làm có tiền có thể mua sắm bao nhiêu chiếc áo mới nhưng lúc đó đã mất mẹ nên cô gái chẳng còn thấy đâu niềm vui để khoác lên những chiếc áo mới ấy.
    
Gió Bấc  (1953) là truyện dài đầu tay của Linh Bảo, nhưng Những Đêm Mưa (1961) và Tầu Ngựa Cũ (1961) là hai tác phẩm biểu lộ hết tài năng của Linh Bảo.
    
Tài năng và cơ hội, Linh Bảo đã có cả hai. Sau này Linh Bảo tâm sự là nếu không có buổi gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bản thảo Gió Bấc sẽ chẳng thể đến tay nhà văn Nhất Linh và không chắc đã có một Linh Bảo sau này. Chính Nhất Linh đã khám phá ra tài năng của tác giả Gió Bấc và đồng thời tạo cơ hội cho Linh Bảo đi những bước tiếp theo vững vàng trên con đường văn nghiệp.



NHỮNG NGÀY MONTEREY
    
Năm 1972, tôi đi tu nghiệp ở Mỹ về ngành Y khoa Phục hồi / Rehabilitation Medicine tại quân y viện Letterman General Hospital, Presidio San Francisco. Trước khi đi, anh Lê Ngộ Châu đã dặn dò: "Anh Vinh sang đó phải tới thăm cho được chị Linh Bảo" cùng với một bức thư tay như một cái cớ để tôi có nhiệm vụ trao lại cho chị.
    
Một buổi sáng thứ Bảy cuối tuần, do có hẹn trước qua phone, chị Linh Bảo lái xe đến đón tôi tại một trạm xe bus Greyhound. Đã gặp chị ở Sài Gòn, nên không có chút gì ngỡ ngàng khi gặp lại nhưng lần này là trên đất Mỹ. Chị Linh Bảo lúc đó đang ở tuổi 46 có lẽ là thời gian đẹp nhất của chị. Linh Bảo có nét cứng cỏi khoẻ mạnh của một phụ nữ Tây phương nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền dịu Đông phương. Sáng hôm đó, cùng với chị đi thăm biển Monterey một ngày nắng đẹp, trời trong xanh, bãi biển với những thảm hoa đỏ rực, thấp thoáng nóc mấy nhà thờ cổ theo lối kiến trúc Tây Ban Nha. Đến buổi trưa mới về đến nhà, nhà chị trên một lưng đồi, tại đây tôi được gặp "ông Linh Bảo", là giáo sư Đại học Berkeley về sinh thái học/ ecology, cũng là lãnh vực mà tôi quan tâm. Được biết anh chị cũng vừa đi dự một hội nghị của American Institute of Biological Sciences ở Đại học Vermont từ miền Đông về.  Ông ấy rất yêu thiên nhiên và quan tâm bảo vệ sự nguyên vẹn của các hệ sinh thái trên hành tinh này. Vẫn mơ một giấc mơ không thể được / impossible dream, ông được Linh Bảo gọi đùa là mad scientist; nhưng với tôi, ông mang tất cả vẻ đẹp trí tuệ của giới trí thức đại học Mỹ. Cao nguyên Tây Tạng luôn luôn được ông nhắc tới, là vùng ông quan tâm và chuẩn bị một fieldtrip tới đó nghiên cứu [đó là một xứ tuyết Tây Tạng của năm 1972 cách đây 43 năm, chưa bị Trung Quốc tàn phá đến tan hoang như bây giờ, ghi chú của người viết].









Hình 8a,b: Ngô Thế Vinh tới thăm nhà văn Linh Bảo
Monterey, California 1972 [photo by Adams, L.]
     
Về tới nhà, chị Linh Bảo quấn ngay tấm tablier vào bếp chăm sóc bữa ăn trưa cho ba người. Trong bận rộn nhưng không có vẻ gì tất bật, chị vẫn tươi cười ra vào hiện diện. Bữa ăn dọn ra đơn giản như một thứ fusion-cuisine nửa Việt nửa Mỹ, có món thịt nhưng không thiếu phần rau đậu, rất ngon miệng và giữa chủ và khách đã có ngay được mối thân tình.
    
Hai người đàn ông thì vẫn đằm mình trong những câu chuyện môi sinh mà chị Linh Bảo thì rất ít tham gia; sau bữa ăn bên ly cà phê, nghĩ rằng cũng đủ thân để chia xẻ chút riêng tư, với một chút hài hước "ông Linh Bảo" chuyển sang một câu chuyện khác, ông nói về kinh nghiệm khi cưới một người vợ Á Đông, khởi từ ý niệm về một phụ nữ hiền thục và tuân phục, rồi ông dí dỏm đưa ra nhận xét: "nhưng khi lấy Linh Bảo rồi, thì mới thấy họ là những người đàn bà có bàn tay sắt bọc nhung/ an iron hand in a velvet glove." Cả ba chúng tôi đều bật cười, nhưng cảm tưởng của khách viếng thăm là "ông Linh Bảo" đang sống những ngày rất hạnh phúc trong bàn tay sắt kìm kẹp ấy.
    
Buổi chiều, cả ba chúng tôi cùng đi thăm trường Defense Language Institute, Monterey, California, rất lớn nơi đây giảng dậy hơn ba chục ngôn ngữ trong đó có Việt ngữ, cho những người Mỹ trước khi tung họ đi các quốc gia trên khắp thế giới. Tới thăm một khu chăm sóc trẻ thương tật là nơi chị Linh Bảo tới làm thiện nguyện/ volunteer những ngày cuối tuần. Sau đó đi thăm một vòng bên trong thành phố Monterey, cho mãi tới sẩm chiều trước khi anh chị đưa tôi ra trạm Greyhound về lại San Francisco.
    
Trở về Việt Nam, ít lâu sau đó tôi nhận được thư chị Linh Bảo viết ngày 23-01-1973 gửi qua toà soạn Bách Khoa, chị viết: "Được thư và sách của anh, tôi mừng quá vì cứ tưởng anh đã bị ai bỏ bùa ngải quyến rũ đi Canada mất rồi. Anh có cách gì để tôi có thể mua số sách của anh cho sinh viên của tôi đọc được không? Đọc Vòng Đai Xanh tôi thích lắm vì đúng loại sách tôi đang muốn đọc để hiểu. Tại sao anh không nói chuyện về cô Như Nguyện của anh cho tôi nghe? Cô ấy chắc là tu nhiều kiếp rồi phải không? [Như Nguyện là nhân vật nữ trong Vòng Đai Xanh, ghi chú của người viết]. Tôi muốn về thăm nhà một chuyến... Monterey vừa rồi có tuyết, đó là chuyện mấy chục năm chưa từng có..." Linh Bảo.



LINH BẢO LITTLE SAIGON 1991     
Sau những năm đèn sách "cải tạo" từ New York trở về California, tôi mới có dịp gặp lại chị Linh Bảo. Lần này qua một người bạn chung là chị Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, chị Nha Trang một Ph.D. của Đại học Berkeley có thời gian ở với chị Linh Bảo, để hoàn tất tác phẩm Women's Writers of South Vietnam 1954- 1975. Chị Nha Trang và chồng William L. Pensinger là hai dịch giả cuốn Vòng Đai Xanh của tôi về sau này. [The Green Belt, Ivy House 2004].



Hình 9: nhà văn Linh Bảo đang nặn tượng Mẹ trong xưởng tranh tượng
của một đại học California [nguồn: tư liệu Linh Bảo]
    
Sau 1975, Linh Bảo hầu như hoàn toàn không viết và chị cũng chẳng mấy quan tâm tới những tác phẩm đã tạo nên văn nghiệp của mình. Linh Bảo thì lúc nào cũng vẫn như Một Cánh Diều sống lưu lạc ngoài Việt Nam, nhưng lòng thì vẫn khắc khoải hướng về quê nhà.
     
Linh Bảo đã ví thân phận những người Việt tha hương như những cánh diều, chỉ vì một cơn cuồng phong, cơn bão thời đại đã thổi bạt họ đi khắp mọi nơi trên thế giới:
    "Trời đang xanh biếc, những đám mây nhẹ như tơ, trắng như tuyết, đang theo làn gió bay lang thang, vương vấn làm quen với bọn diều thì bỗng dưng có một trận gió lạ cuồn cuộn thổi đến. Bọn diều băng băng vượt mây lên thật cao: một số lớn bị đứt dây, và một số khác bị tuột. Cánh diều ngũ sắc không còn bị kiềm chế, tự do bay vùn vụt. Chúng như những chấm nhỏ li ti in trên nền trời xanh biếc. Gió thổi chúng lên núi, ra bể, đến thành thị, về thôn quê, gió thổi bạt chúng đi khắp mọi nơi...
    Những cánh diều là những bọn người tha hương, một số đã bị đứt dây, đã thành mồ côi, đã mất liên lạc với quê hương, đã không còn một ai thân mến nữa... Một số bất đắc dĩ, hay tự nguyện làm cho mất gốc. Cảnh mất gốc này có người đau khổ mà chịu, có người tự tạo ra, cũng có người lấy làm hãnh diện về sự mất gốc của mình và cố tranh đấu để xoá tan những tàn tích còn vương lại. Có người còn liên lạc với gia đình, với quê hương, nhưng liệu tình yêu gia đình và quê hương có mạnh hơn lòng tham thụ hưởng những sung sướng vật chất và an nhàn nơi xứ người...
    Lạy trời thổi ngọn gió hiền, ngày mai đưa những cánh diều tha hương trở về đất mẹ!"  Những Cánh Diều, tr.5-7, Nxb Trí Đăng Saigon 1971
    
Nhưng chừng nào mà Đất Mẹ vẫn còn một chế độ "Nhốt Gió - tên một tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc" ngăn chặn những ngọn gió hiền Dân Chủ thổi về, thì vẫn còn hơn ba triệu cánh diều tha hương vẫn cứ khắc khoải với " Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa" như câu thơ của văn hào Nguyễn Du từ hơn 200 năm cũ.





Hình 10: Chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu thăm nhà văn Linh Bảo (1995) từ phải, Ngô Thế Vinh, Linh Bảo, Lê Ngộ Châu, Võ Phiến. [nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]

TÌM LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT 2015     
Không còn cảm hứng viết văn, Linh Bảo có thêm nhiều thú vui mới khác: theo học các lớp vẽ tranh nặn tượng, làm đồ men sứ, học in hình trên đĩa, làm vườn, tập Yoga và cả luyện võ. Điều ít ai biết, nhà văn nữ Linh Bảo giỏi võ nghệ đã có huyền đai từ một võ đường của Bảo Truyền.
    
Linh Bảo hiện sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi Thị trấn Giữa đường / Midway City, có vườn cây trái phía sau, một hồ cá Koi. Cùng sống trong ngôi nhà ấy là ba thế hệ cũng là ba thế giới: Linh Bảo, con gái và một cháu ngoại nay cũng tới cái tuổi tam thập nhi lập.

Nhà văn Linh Bảo sắp bước vào tuổi 90 [chị sinh sau nhà văn Nguyễn Thị Vinh hai năm, chỉ sau nhà văn Võ Phiến có 6 tháng - 20 tháng 10, 1925], chị còn minh mẫn, vẫn với giọng nói của Linh Bảo ngày nào, đọc sách không cần kính, lưng vẫn thẳng, dáng đi vững vàng, chị còn sinh hoạt độc lập.   





Hình 11: Mây Tần, Tuyển tập đoản văn của Linh Bảo, do Nxb Việt Nam Hải Ngoại California xuất bản 1981 [nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]




    
Hình 12: nhà văn Linh Bảo bước vào tuổi 90 [nguồn: tư liệu Linh Bảo]

Bài viết với cả chút riêng tư, như món quà sinh nhật sớm gửi tặng nhà văn Linh Bảo trước khi chị bước vào ngưỡng tuổi 90 xưa nay là hiếm.  




California, 4th of July 2015 - 2017
[Trích Tuyển Tập Chân Dung, sắp xuất bản]

















Truyện ngắn đặc sắc Linh Bảo

Áo mới


... Không bao giờ gặp lại. Nhưng bà cũng không bao giờ quên an ủi họ, khéo léo nói úp mở cho họ biết, ngày 'Hoàng đế hồi loan'; bà sẽ đền ơn trả nghĩa. Không biết mẹ tôi có bị bà mê hoặc không; mà, nếu có, thì chúng tôi, những ranh con; cũng không được quyền can thiệp.

Tôi còn nhớ; 4 chị em tôi có 4 chiếc kiềng vàng, một thứ nữ trang đa dụng, vừa đeo cổ cho đẹp, vừa để dành làm của, làm vốn; và, nếu cần tiền có thể cầm bán tạm thời qua cơn túng ngặt. Bốn chiếc kiềng lịch sử ấy có một con đường đi bất di bất dịch. 

Từ nhà tôi đến nhà bà Bộ, một bà nhà giàu chuyên cầm vàng bạc. Chúng nó đi 'lữ hành' như thế; ít nhất mỗi tháng vài lần. Mỗi khi mẹ tôi xoay được món tiền chuộc về; nằm trong tủ chưa được nóng chỗ, thì lại có lệnh 'Ngài ban vay'. Và như thế, bốn chiếc kiềng bé bỏng của chúng tôi lại đến nhà bà Bộ tạm trú. Bốn chiếc kiềng vàng đi con đường vòng độc nhất; còn số tiền cầm đồ nhận được; thì đi con đường độc đạo một chiều -- và, là một con đường cụt. Nó từ túi bà Bộ sang túi mẹ tôi, rồi nhảy sang túi 'Ngài'; để rồi bị thủ tiêu mất tích trong chiếu bạc; không còn một chút dấu vết gì để lại với đời. 

Đã thế, thỉnh thoảng 'Ngài' lại 'ngự' đến 'tệ xá'; quả thực là quá tệ. Nó chỉ là một gian nhà bé nhỏ, nằm lọt vào một vùng đất trống; xưa kia là một bãi tha ma lớn, cách xa thành phố đúng 3 cậy số.

Cha mẹ tôi sở dĩ chọn nơi xa xôi như thế để xây biệt thự; vì, theo lời bác sĩ khuyên, ba tôi yếu phổi cần phải thở không khí có gió thông trong lành, rất cần cho sức khỏe. Ấy thế mà trong 'tệ xá' có rất nhiều đồ cổ quý giá. Những món ấy toàn là của các Công nương, Mệnh phụ gửi; nhờ cầm hay bán hộ. 'Giấy rách phải giữ lấy lề', nên dù ngày mai không còn gạo để nấu cháo loãng; họ cũng vẫn giữ bí mật, không bao giờ dám ra mặt tự cầm bán đồ vật. Họ vẫn còn làm điệu bộ rất kênh kiệu, quí phái, cao sang; cả đến khi cần 2 xu để ăn quà sáng.

- Đưa đây cho mệ 2 xu, Mệ 'chém' một củ khoai chơi nà!

Tuy cảnh tùng của họ đã trầm trọng đến thế, mà bệnh 'khẩu khí' vẫn không hề thuyên giảm -- và, các Mệ thấy cuộc sống vẫn không bớt phần hấp dẫn, thú vị tí nào. 'Mệ' là tiếng xưng hô một bà cụ rất già; hay, những người trong hoàng tộc, không phân biệt già, trẻ, nam hay nữ.

Đường đến nhà tôi, 2 bên trồng toàn thông xanh; và, phải lên 2 con dốc rất cào. Thỉnh thoảng người ta lại thấy từ dưới dốc đằng xa, có một chiếc xe kéo sơn son thiếp vàng; một chú lính mặc áo đỏ, chân quấn xa-cạp vàng, đầu đội nón chóp; ì ạch kéo xe lên dốc. Sau xe, có 2 cô bé con; độ 14, 15 tuổi, mặc áo hỏa hoàng, đầu chít khăn đồng màu, tóc xoã ngang vai. Một cô cầm chiếc hộp trầu và cái ống nhỏ bằng bạc; một cô tay cầm chiếc quạt lông, lẽo đẽo chạy theo sau xe. Thỉnh thoảng, cô bé cầm quạt cố chạy lên ngang hàng với chiếc xe; giơ chiếc quạt lông lên, phẩy nhẹ một cái vào trong xe, rồi lại tụt xuống dần xuống đằng sau.

Ấy thế mà, bọn họ từ Cung Cấm trong thành nội ra tận Nam giao, ngót 4, 5 cây số; để đến 'tệ xá' đấy.

Sau khi đến nơi, 'Ngài' chễm chệ leo lên chiếc sập cẩn xà-cừ, đặt ngay chính giữa nhà; 2 thể nữ đứng hầu 2 bên, kẻ pha trà, người quạt hầu. 'Ngài' lần lượt ngắm nghía, thưởng thức các đồ vật trong' tệ xá'; và, cố nhiên khi 'Ngài ngự lên chiếc xe nhà, sơn son thếp vàng; có 2 thể nữ chạy theo hầu ấy.

Trước khi bước chân lên xe, thế nào 'Ngài' cũng 'ban truyền':

- Chị Tham tính tất cả tiền những cái ché và độc bình này đi. Cả cái Táo lung Cây vàng lá ngọc kia nữa; rồi ta sẽ trả tiền cho. Còn cái sập cẩn này, chị cho ta mượn; mai, ta sai thị vệ ra chở.

Mẹ tôi chỉ biết 'Dạ' mà nuốt lệ. Bởi vì mẹ tôi biết, đồ vật cũng như người; khi đã được 'tiến cung'; thì chỉ còn đợi chết! Mặc dầu được sủng ái, số phận đồ vật còn đen tối hơn Cung phi, Mỹ nữ không được sủng ái. Các cung nhân khi về già, còn được thải hồi nguyên quán; trái lại, những món đồ cổ, càng già càng qúi thêm; càng không mong gì được trả về với cố chủ. 

Cứ mỗi khi như thế, ba tôi lại lẩm bẩm: " Thấy Vua, rõ thật là 'thua vấy!" Cuộc đời cứ thế trôi qua. Ba tôi ngày ngày đi làm. Mẹ tôi giới thiệu việc mua bán đồ cổ; và, ghép ảnh cho quí Bà cô đơn. Tiền kiếm được, dùng để nuôi chúng tôi một số rất nhỏ; còn phần lớn để nuôi' Ngài'.

Một hôm, chắc lương tâm' Ngài' thức dậy, hay là 'Ngài' sợ nợ mẹ tôi nhiều quá; nếu kiếp này không trả bớt, đến kiếp sau sẽ thành ra 'nợ thiên khối'; vốn + thêm lời lãi chồng chất lên nhau, thì nguy to; 'Ngài' bèn long trọng
'tuyên dương công trạng' một hồi; rồi, 'thân tặng' cho mẹ tôi một chiếc áo cũ của ông Vua con.

Đó là chiếc áo the đen, bên trong lót một lớp hàng mỏng màu vàng. Chiếc áo còn thơm nức mùi xạ hương và long não ướp lâu ngày. Mẹ tôi đem chiếc áo về, vênh vang như một kẻ 'áo gấm về làng'. Sự sung sướng của mẹ tôi, được cái 'Áo Vua ban' ấy; cũng giống như tâm trạng người cung phi trinh nữ, được tấm ảnh ghép ngồi chung với đức Vua. Cả 2 cùng muốn chung với đức Vua. Cả 2 cùng muốn mang cái ảo ảnh hão huyền kia; để thỏa mãn lòng tự ái; lừa mình, lừa người, cho đỡ cơn ghiền!

Chiếc áo về phần chị cả tôi. Mỗi năm vài lần, trong những ngày kỵ giỗ, lễ Tết; cái 'Áo Vua ban' ấy được trân trọng 'trình bày' trên thân hình bé nhỏ của chị tôi một vài giờ; rồi lại được trân trọng xếp vào rương, chờ dịp khác. Năm tháng qua, mới đầu chị tôi mặc chiếc áo còn rộng thùng thình; rồi chật dần, ngắn dần, cho đến khi mặc không vừa nữa; phải cho chị Hai tôi thay thế. Từ chị Cả đến chị Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm; rồi đến chị Sáu, chiếc áo không phân biệt giới tính ấy; mỗi năm lại có dịp đem ra hóng gió một vài lần. Năm lại năm, chờ mãi rồi cũng có ngày đến lượt tôi được xỏ tay. Hôm Tết, mẹ tôi mang chiếc áo lịch sử quí giá ấy ra để mặc cho tôi; và, bảo:

" Hoa ơi, cái áo này bây giờ về phần con." 

thì nó đã mục nát; chỉ động đến là rã tan ra từng mảnh!

Thời gian chờ đợi dù lâu bao nhiêu, rồi cũng phải đến; Đông Cung Hoàng thái Tử ở Pháp học thành tài trở về nước, để được tấn phong chính thức làm Vua. Và, cũng từ lúc ấy; 'Ngài Mẫu Hậu' ra lệnh không tiếp tất cả các chủ nợ. Bây giờ,'Ngài' đã thành ra một bậc cao sang nhất, không thể có chủ nợ; và, lại càng không muốn gặp người nào từng quen biết 'Ngài' những năm tháng hàn vi. Thật là chí lý, chí tình vậy ! Còn gì khó chịu hơn [đối với] một kẻ ở địa vị cao sang; mà, ngày ngày phải trông thấy những chủ nợ ngày xưa, đám người mình từng nhờ vả, năn nỉ, kêu than túng thiếu; những kẽ đã phải cầm bán, vay mượn cho mình tiêu xài. Đó là một dĩ vãng buồn, một sỉ nhục tinh thần; có thể làm mất bớt uy nghiêm nhiều lắm.

Tết năm ấy, tôi không được mặc chiếc áo, đã bao nhiêu năm chờ đợi để đi mừng tuổi; nên, tôi khóc mùi, khóc mẫn cả buổi sáng. Tôi tưởng tôi khóc, vì khi chiếc áo quí đến phần mình; thì, hóa ra một mớ giẻ vụn, tả tơi, rách nát; nhưng, thật ra tôi đã khóc cho cái ảo ảnh 'ân trả nghĩa đền' của mẹ tôi bị tan vỡ. Tôi khóc cho cái chết của chiếc áo; đổi bằng tất cả tài sản mẹ tôi dành dụm được. Tôi khóc cho nền móng tương lai của một đám trẻ thơ, đáng lẽ được dùng của cải ấy; để bồi đắp cho thể chất, và tinh thần.

Những năm sau đó, gia đình tôi càng ngày càng khá hơn. Có lẽ vì; không phải cung phụng cho ai khác, ngoài gia đình -- nên lần lần trong mâm cơm gia đình, đã bắt đấu có nhiều món cá, thịt ngon lành. Ba tôi cũng vui vẻ giảng giài cho chúng tôi biết về những thức ăn bổ dưỡng, cần thiết cho sức khỏe; một đề tài trước kia ông cố tránh.

Một hôm, không hiểu vì sao, mẹ tội bỗng nhiên 'phát bi từ tâm'; may cho chị Sáu, em Tám, em Chín, mỗi đứa một cái áo xa-tanh màu phấn hồng. Xấp hàng này có người tặng cho mẹ tôi, trong dịp ăn lễ đầy tháng em thứ 11. Chúng tôi mừng rỡ trông đợi ngày trọng đại, ngày được mặc chiếc áo hồng lộng lẫy, sặc sỡ, bóng loáng, mát rời rời -- và, rộng thùng thình như áo tế ấy; thì bỗng dưng ông nội tôi chết. Tôi thấy cha mẹ tôi khóc, anh chị tôi khóc; tôi cũng khóc. Nhưng thực ra, tôi không nhớ được đã thấy mặt ông nội tôi hồi nào. Tôi khóc là khóc cho 4 chiếc áo xa-tanh hồng tươi rực rỡ; chưa từng được diện qua một lần, vì phải để tang; đã bị mẹ tôi ngâm vào nước thuốc nhuộm răng. Chúng nó biến thành một màu kỳ lạ; không vàng, không lục, không xanh. Màu ấy, ba tôi gọi mỉa mai một cách văn chương, là 'màu dưa cải úa mùa thu'. Nếu bây giờ bảo tôi đặt tên lại; thì, tôi sẽ gọi là 'một bức tranh tập thể' may thành áo. Từng vệt, từng đám; ngang dọc chồng chất lên nhau, níu kéo nhau chằng chịt. Cái áo nhuộm như thế đấy; mà, chúng tôi vẫn phải khen, cho mẹ tôi bằng lòng. Bởi vì đã có luật định rằng, một khi 'đấng sinh thành' đã quyết định; thì con cái phải vui vẻ 'Dạ, Vâng'; mới có hiếu. Phần các bậc trưởng thượng, thấy con vui; cũng tưởng thiệt, mà vui theo một cách dễ dàng. Chúng tôi phải chịu đựng cái xấu xí của áo; và, áo cũng phải cố chịu đựng sự tàn nhẫn vùi dập của bọn trẻ con. Chúng tôi mặc nó lúc nằm lăn đùa nghịch dưới đất; mặc suốt ngày đêm, vò nát nó; ném nó từ góc này sang góc khác. Đôi khi còn cắn nát chéo áo; để xem cái mùi chua chua, có phải thật chỉ là thuốc nhuộm chua, như mùi dưa cải úa; hay, còn lẫn mùi gì khác nữa không.,

Thật ra, số phận của những chiếc áo ấy cũng đáng thương như chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi sớm đả bị nhuộm thành một màu 'dưa cải úa lá mùa thu'; hay, cũng chỉ là một 'bức tranh lập thể' chồng chất những niềm đau khổ bé thơ, đã ai hơn ai đâu! Thế mà; chúng tôi nỡ dẳn vặt chúng nó, cho đến khi rách nát; và, cùng lúc ấy, tang ông nội tôi cũng vừa mãn.

Một bà bạn ở Saigon gửi tặng mẹ tôi một xấp hàng xa-tanh hồng khác. Mẹ tôi ngại màu sắc quá sặc sỡ, lộng lẫy; không hợp với người lớn tuổi, nên may cho 4 chúng tôi. Bốn chiếc 'áo tế' vừa dài, vừa rộng; may xong được cất kỹ, đợi 'ngày lành tháng tốt' mới đem ra diện. Thỉnh thoảng tôi lén mở rương, vuốt ve cái áo một lúc. Tôi nâng nó lên, áp chất mịn màng mát rời rợi lên cằm, lên má. Tôi ướm nó vào người, hít cái mùi thơm long não ướp trừ sâu mọt; và, mùi xạ hương từ trong áo toát ra một cách say sưa. Nhưng cái 'ngày lành tháng tốt' ấy không bao giờ đến; vì, bỗng nhiên chú tôi mất . Kế ra thì nó chỉ là một cái tang nhỏ thôi; nhưng mẹ cũng bắt
chúng tôi để tang. Và một lần nữa, chúng tôi khóc cho chiếc áo đẹp; lại phải nhuộm thành một màu lem luốc không tên!

Ba tôi lúc ấy đã bắt đầu rảo bước trên con đường trải toàn thẻ ngà. Ông chuyển đổi ngành công chức với chánh phủ Bảo hộ sang ngạch Nam triều; nôm na gọi là làm quan. Mẹ tôi không còn phải đi giới thiệu mua bán đồ cổ; và, cũng không phải chụp ảnh cho ai nữa.

Chúng tôi, mỗi người được sắm một con heo đất; để dành tiền. Nhưng, những con heo ấy; hàng năm đều phải đập ra, vì mẹ tôi mở cuộc 'lạc quyên'; để may áo quần cho bọn con trai, trước ngay tựu trường. Cảm thông những nỗi khó khăn của các anh, khi cần thiết; chúng tôi lúc nào cũng vui lòng 'quyên'. Mẹ tôi bảo, đấy cũng là làm việc nghĩa; chẳng mất đi đâu mà thiệt; vi, mai đây các anh mặc ngắn, những chiếc áo ấy cũng sẽ đến phần chúng tôi. Khi những chiếc áo xa-tanh nhuộm mực lem luốc thứ hai 'quá cố' rồi; bọn con gái đã thành những cô gái dậy thì. 

Chúng tôi đã biết thẹn; nhưng khi ra đường vẫn cứ phải mặc những chiếc áo vải dù, vải ba-ga con trai đã bạc màu; và rộng mênh mộng như cả một trời đau khổ. Chúng tôi cố nằm nì xin mẹ may cho một cái áo mới cho ra hồn. Mẹ tôi bảo,

"Áo các anh mặc ngắn; thiếu gì! Còn tốt và bền lắm; may một lần cho cả bầy, nhiều tiền lắm, chứ tưởng ít sao? Ngày xưa, suốt đời mẹ chỉ có một chiếc áo vải. Còn các con đã có bao nhiêu cái áo đẹp rồi; nhớ không? 'Áo Vua ban' này, áo xa-tanh nhuộm màu dưa cải này ..."

Tôi nhắc:
- Dưa cải úa mùa Thu chứ.
- Ừ thì úa mùa Thu chứ! 
- Ừ , thì Thu Đông gì cũng được. Lại còn cái áo xa-tanh nhuộm màu mực này.

Tôi cải chính:
- Màu lem luốc chứ.
- Con Hoa thật nhiều chuyện! Mới may rồi, còn đòi gì nữa!

Em Tám nói:
- Dạ mới may 4 năm về trước!

Mẹ tôi mắng:
- Chúng mày rắc rối lắm, không biết hà tiện hà tặn; sau hết phước đi! Phải nhớ; hồi xưa mẹ chỉ có một cái áo, nên mới có ngày nay!

Em Chín tiếp:
- Nhưng mà mẹ quên mẹ là con ông Huyện, và mồ côi; còn chúng con là con một ông Tổng đốc đương thời!

Mẹ tôi giận dữ, quát lên:
- Ai dạy cho mày ăn nói giảm phước thế?
- Mẹ không thương chúng con. Mẹ chỉ thương chị Hồng. Mẹ nhớ chị Hồng mất ăn, mất ngủ. Mỗi khi chị Hồng tới xin tiền; là mẹ đập con heo của chúng con.

Mẹ tôi vội vã:
- Thôi thôi; để tôi may, các cô không cần phải kể con cà, con kê ...

Mẹ sợ chúng rôi phân bì với chị Hồng lắm. Mỗi tháng cô chị họ ấy tới thăm mẹ tội một lần; và, mỗi lần như thế, là cả nhà náo loạn cả lên. Nội một việc hầu hạ phục dịch chị; cũng đủ mệt phờ ra. Chị ăn tiêu rộng rãi, thưởng tiền cho người nhà rất hào phóng. Đối với chúng tôi, chị cũng 'thết đãi linh đình'. Nghĩa là: gọi cả một gánh bánh bèo; hay, bún bò vài nhà, thết mỗi người một tô. Chỉ có cái 'di hận' là chị chuyên môn đập Heo của chúng tôi. Ba cho chúng tôi mỗi đứa một ống tiền đặc biệt ; tiền thưởng nhiều ít, tùy theo học giỏi, trả bài thuộc; những bài học ông soạn riêng để dạy mỗi ngày. Tiền ấy được bỏ vào con heo bắng đất nung; mục đích để dành làm của hồi môn. Nhưng từ khi chị Hồng phát giác ra cấu chuyện ấy; thì, chị rủ mẹ cho chúng tôi hùn vào tiệm may may của chị. Mỗi tháng, chị đến đập heo của chúng tôi một lần. Mãi cho đến khi chị bán cửa tiệm đi lấy chồng; chúng tôi chẳng hề thấy chị thanh toán tiền nong hùn hạp gì cả, làm tôi cứ tưởng là cửa tiệm của chị ở nhằm hướng 'tán tài'; nên suốt báo nhiêu năm trời, chỉ chuyên môn thua lỗ. Và, cái tính không bao giờ thanh toán công nợ ấy; chị ấy vẫn giữ mãi suốt đời.

Mẹ tôi quả nhiên giữ lời hứa ; lấy một xấp hàng 'xa xị' màu vàng nhạt , để tận đáy rương ra; may áo cho chúng tôi. Bà gọi người lính ở trong dinh biết may cắt, dặn:
- May cho thật dài, rộng, mát mẻ; nghe không?
Vì chúng tôi đã lớn, đã biết sợ những chiếc áo rộng mênh mông; mặc vào, như bơi đứng trong ao; nên nghe thế, phải dặn với:
- Ừ, may cho dài ...
Và đứng sau lưng mẹ; lấy tay ra hiệu cho người thợ may chật.

Đến lúc áo may xong; mặc thử, thật là dở cười, dở khóc. Nó dài phết gót; và chật như bó chả. Chật đến nỗi, tay không co lại được. Người tôi cứ cứng ra như khúc gỗ, không cử động được trong chiếc áo đó. Chỉ mấy tháng, chiếc áo mới đã phải vá cùi tay; và, tiếp thêm nách. Nhưng dù vá víu xấu xí đến đâu; tôi cũng mặc đi nhiều nơi, nó vẫn còn hơn chiếc áo vải ba-ga đen cũ, bạc màu của bọn con trai chuyển lại. Tiếp theo chiếc áo đấu tranh ; mà có [được], là một chiếc áo 'vải cạt'. Gặp thời buổi chiến tranh Pháp Đức, mọi vật đều khan hiếm; mọi vật dụng đều khan hiếm, nên phải được phối cấp; hàng vải cũng thế. Chúng tôi được may một cái áo bằng thứ 'vải cạt' phối cấp, hoa lá cành chằng chịt; màu xanh, đỏ, tím vàng loạn xà ngầu, sặc sỡ, lòe loẹt; 'nhà quê' một cách không thể tả được -- mặc vào, rông như một tấm vải màn; hay, cái ghế nằm 'sofa' biết đi. Thế; nhưng tôi vẫn phớt tỉnh; coi như trên dời này, không có ai nhìn thấy mình cả.

Nhưng cũng từ đấy về sau; mẹ tôi chẳng cần phải may áo mới cho chúng tôi nữa -- vì chị Hồng thỉnh thoảng lại gởi về một ít quần áo cũ. Trong số ấy, y phục loạn xà ngầu ấy; có cái còn coi được. Chị Sáu chọn cái áo màu đỏ; tôi mặc vừa áo màu xanh. Hai chị em mỗi khi đi phố, đi chợ; đều diện 2 cái áo đẹp nhất của mình, mặc cho thiên hạ, bạn bè 'khen ngợi'. Nào là màu sắc chửi nhau; nào là 'người trong tranh', nào là bất chấp thời tiết 
v. v. ... Chúng tôi giữ vững lập trường 'mục trung vô nhân', không cần ai; và, cũng không cần biết đến cả Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Kể từ ngày mẹ giao tiền chợ cho chị Sáu giữ; để chị tập việc quán xuyến gia đình, chị không còn thắc mắc về vấn đề ăn diện, làm dáng nữa. Chị tự sắm những áo quần đẹp; nhưng cứ nói dối là của bạn bè, bà con ở xa gởi về cho; thành ra mẹ không la rầy được -- mà ,chúng tôi cũng không thể phân bì được. Tôi cầu mong cho chị cao lớn thêm; hay, béo ra một chút, để rơi rớt cho tôi vài cái. Nhưng rủi quá; người chị bé nhỏ, lùn, thấp hơn tôi nhiều; và, lòng dạ chị lại khá sắt đá, nên tôi không hề gạ gẫm gì được cả. 

Tôi biết rõ tính mẹ tôi, khi có tiền chỉ thích giúp đỡ người khác;dù người ấy tiêu dùng một cách phí phạm; còn mình và con cái , thì phải hết sức kham khổ. Bà luôn luôn nhắc câu, 'Người ăn thì còn, con ăn thì hết'. Thành ra khi trong nhà, món gì ngon lành; là bà đem đi biếu xén tất cả các nơi, bạn bè, bà con quen biết. Có lẽ, mẹ tôi muốn cái gì cũng còn vĩnh viễn; nên gặp ai áo rách, quần vá -- là bà cho một cách sung sướng. Tôi tin là , mẹ tôi trong cuộc sống; sau khi ba tôi hưu trí; bà không cần phải dự lễ tiếp tân; hay, thết đãi quan khách với ba tôi, thì bà chẳng cần giữ lại một cái áo nào ra hồn.

Sau này, lúc bị ném ra ngoài đời tranh đấu cho cuộc sống của mình; tôi vẫn giữ tính nết không cần ăn diện, đã tập được như thuở còn sống với mẹ; mặc dầu lý do nhiều phước hay giảm phước, tôi không hề quan tâm . Thời kỳ làm việc ở Hương cảng [Hongkong]; tôi cố dành dụm tiền; để cuối năm, mua gửi cho mẹ tôi 10 cái áo gấm Thượng hải. Tôi nghĩ rằng trong 10 cá iáo ấy; bà sẽ tha hồ cho, tặng, bán; hay gì gì đi nữa; nhiều lắm là 9 cái thôi, ít nhất cũng phải để lại một cái cho mình. Và được như thế, là tôi thỏa mãn rồi.

Ngày mẹ tôi bị bệnh trầm trọng; tôi phải xin nghỉ phép về sắn sóc, cũng không quên mang theo 10 áo gấm nữa cho mẹ tôi. Thế nhưng; lúc mẹ mất, tôi lục soát tủ áo để tìm đồ liệm theo; thì không thấy một chiếc áo nào, may bằng thứ gấm Thượng hải -- tôi gởi biếu mẹ hàng chục năm. Một người bạn trẻ nói với tôi: 

- Chị Hoa, cuộc đời chị thế là tàn rồi. Không còn hy vọng! Không còn tương lai! Không còn mơ gì được nữa hết!

Hừ, láo đến thế thì thôi! Hắn biết tôi thất bại về hôn nhân; tôi về nước vì Mẹ; mà về đến nơi, chẳng bao lâu thì mẹ mất-- đúng là một thất vọng lớn lao. Nhưng đâu đã đến nỗi không còn gì để mà mơ!

Sau khi chôn mẹ bên cạnh cha xong; tôi trở về [Hongkong] làm việc. Và từ bấy giờ; dù có thừa tiền để sắm nhiều quần áo đẹp; tôi cũng không còn hứng thú gì nữa; không làm sao còn cái cảm giác say mê nồng nàn như ngày xưa -- khi lén mở rương vuốt ve chiếc áo xa-tanh hồng đầu tiên, thuở 12. Tôi còn nhớ, sau ngày ông nội mất; ba tọi thường nhắc đi nhắc lại mãi:

- Khi con cái còn nhỏ dại; húng nó chưa đủ hiểu biết, nên hay oán trách cha mẹ cấm đoán điều này, điều nọ. Lúc lớn lên có gia đình; 'sinh con rồi mới hiểu lòng cha mẹ' -- lúc ấy muốn báo ân cho kẻ sinh dưỡng mình; thì, cơ hội đã không còn nữa! 

Ba tôi mỗi lần nói thế; bao giờ cũng không nén được 2 giọt nước mắt rưng rưng. Còn tôi, sau này mỗi lúc đi phố; nhìn những hàng gấm màu sắc u nhã, dệt Long, Phụng; hay chữ Phúc, chữ Thọ rất đẹp; tôi lại như người lên cơn say, cố mua cho bằng được. Nhưng sau khi mua rồi, mới ngẩn người ra; chợt nhớ mẹ mất rồi còn đâu, mua áo gấm để gởi cho ai!

Linh Bảo













“ Điếc tai là tại hướng đình,
Cả làng điếc hết chứ mình em đâu !”
(ca dao Việt Nam)

Ngày xưa, có một làng nọ không hiểu tại phong thủy, tại hướng đình hay vì một cớ địa lý gì khác mà cả làng đều điếc hết. Điếc từ ông Lý, ông Hương cho đến anh Mõ, điếc từ ông già bà lão, cho đến cô gái ngây thơ, anh nông phu trai tráng, tất cả đều điếc câm, điếc đặc, điếc chẳng chừa một ai.

Có một điều là không ai chịu nhận mình điếc. Nghe không hiểu họ cũng chẳng bao giờ hỏi lại, mà thực ra dù có nhắc đi nhắc lại đến hàng trăm lần họ cũng không nghe rõ hơn chút nào! Ai cũng muốn tỏ ra mình thông minh và thính tai nên bất cứ chuyện gì, họ chỉ nghe qua một lần rồi tùy hoàn cảnh và thái độ của người nói mà hiểu theo ý mình.

Một hôm có một người bị lạc mất ba con dê bèn hốt hoảng đi tìm. Lúc đi đến một thửa ruộng, trông thấy bác nông phu đang cày, người ấy lại gần chào và hỏi:

- Tôi có 3 con dê đi lạc, nếu bác có trông thấy làm ơn bảo cho tôi tìm. Thế nào tôi cũng đền ơn bác không dám quên.

Bác nông phu giật mình trả lời:

- Ông định hỏi làm gì mới được chứ. Thửa ruộng này từ đây cho tới cái đập nước đằng kia là của hương hỏa ông cha tôi để lại. Có giấy tờ rõ ràng.

Bác nông phu múa tay múa chân chỉ huyên thuyên, và chỉ mãi về phía đập nước đằng xa.

Người đánh mất dê đi đến cạnh đập nước và trông thấy đàn dê của mình đang ăn cỏ ở đấy. Thấy trong bầy dê có một con bị thương ở chân, người ấy bèn nghĩ thầm:

- Mình đem con dê này biếu cho bác nông phu để đền ơn bác ta mới được.

Người ấy đuổi đàn dê đến gần bác nông phu bảo:

- Này bác, cám ơn bác nhé. Nhờ bác tôi mới tìm lại được đàn dê chóng thế này. Đây tôi biếu bác con dê nhỏ này gọi là . . .

Nông phu trông thấy người ấy chỉ vào con dê bị thương bèn hoảng hốt:

- Ông này lại còn muốn gì nữa? Dê của ông tôi chẳng hề trông thấy bao giờ. Cả con dê què này cũng thế. Sao ông lại định vu oan cho tôi đánh què dê của ông.

Người chủ dê vẫn ôn tồn:

- Không, tôi không thể nào biếu bác mấy con dê lành được. Chỉ một con này cũng đã quá lắm rồi. Đáng lẽ chẳng cần phải biếu bác tí gì cũng chẳng sao mà.

Hai người cãi nhau và ai cũng cố làm cho người kia phải bằng lòng nghe theo lời mình. Cãi nhau mãi vẫn không xong bèn xoay ra đánh nhau. Họ đánh nhau ngay giữa đường nên lúc ấy có một người cưỡi ngựa đi qua, hai chàng bèn nắm chặt cổ áo nhau, kéo đến trước mặt người cưỡi ngựa nhờ người ấy phân xử.

Người chủ dê nói trước:

- Tôi bị lạc mất 3 con dê. Nhờ bác ấy chỉ giúp nên tôi tìm lại được. Tôi muốn đem con dê què này biếu bác ấy để đền ơn, nhưng bác ấy tham lam vô độ, lại còn đòi lấy nốt cả hai con dê lành. Tôi không chịu nên bác ấy đánh tôi.

Đến lượt bác nông phu nói:

- Tôi đang cày trong ruộng của tôi, ông này bỗng nhiên ở đâu chạy đến đòi tra hỏi đất nào là đất của tôi. Tôi bèn chỉ cho ông ta xem cái đập nước đằng kia là giới hạn đất của tôi, và thửa ruộng này là của ông cha tôi để lại. Ông ấy khám đất xong dắt 3 con dê này đến, vu cáo một cách vô lý rằng tôi đánh què dê của ông ta. Đã thế ông ta lại còn đánh tôi.

Người cưỡi ngựa hết nhìn người này, lại nhìn người kia chẳng biết nói gì.

Bác nông phu nắm chặt cương kềm cho ngựa đứng vững, có ý định giúp cho người ấy xuống ngựa dễ dàng, nhưng anh ta thấy thế hoảng hốt la lớn:

- Con ngựa này là của tôi. Lúc tôi mua về nó còn là một con ngựa con. Chính tay tôi đã chăm nuôi săn sóc nó cho đến bây giờ. Các ông định ăn cướp ngựa ban ngày ban mặt thế này sao?

Ba người dằng co một lúc và lại xoay ra đánh nhau. Đánh mãi mệt quá ba người bèn kéo nhau ra đình làng, nhờ ông Lý phân xử. Mỗi người lần lượt kể rõ lý do của mình. Ông Lý nghe xong nhìn kỹ từng người rồi bảo:

- Ừ được, chuyện cũng chẳng quan hệ gì lắm. Nếu các chú đều trông thấy rõ trăng đã tròn nghĩa là sắp đến đêm rằm, vậy ngày mai chúng ta sẽ làm lễ tế Đình như thường lệ.

Ba người tưởng rằng ông Lý hòa giải và bảo rằng nếu còn đánh nhau nữa thì sẽ phạt cả ba, bèn bỏ đi ai về nhà nấy.

Ông Lý thấy ba người đi rồi bèn đi tìm bà Lý bảo:

- Vừa rồi có ba người làng đến bảo rằng họ trông thấy trăng đã tròn rồi, vậy bà hãy sửa soạn chúng ta phải lo lễ vật tế đình.

Bà Lý đáp:

- Vâng, cám ơn ông. Nếu ông cho tôi một bộ quần áo mới để mặc Tết, thì tôi muốn tự đi chợ chọn hàng và màu tôi thích. Tôi không ngờ ông cũng nhớ rằng áo tôi rách hết cả rồi.

Bà Lý sung sướng được may áo mới, vội vàng về nhà gọi cô con gái lớn bảo:

- Cha con cho phép mẹ may một chiếc áo mới. Mẹ đã xin phép cha con lên chợ Huyện tự chọn hàng mẹ thích. Con có muốn đi chọn hàng với mẹ thì sửa soạn đi.

Cô con gái mừng quá trả lời:

- Thật không mẹ? Mẹ cũng biết đấy, con có còn là bé con nữa đâu! Con lớn đã lâu rồi mà. Nếu me bằng lòng cho đi lấy chồng thì sung sướng quá! Con thương mẹ quá!

Cô bé hí hửng sắp được lấy chồng, chạy ra vườn trông thấy vú già bèn ôm chầm lấy vú:

- Mẹ bằng lòng gã chồng cho tôi rồi vú ơi. Lễ cưới sẽ cử hành ngay lập tức.

Vú em cảm động khóc òa lên:

- Hu, hu, tôi ở với ông bà đã mấy chục năm nay rồi. Nhờ ơn Trời Phật xui khiến, ông bà cho tôi về quê thăm nhà, tôi cám ơn ông bà hết sức.

Câu chuyện tạm ngừng tại đây, nhưng sự thực chuyện của bọn họ không thể nào kể hết được. Chỉ biết rằng cho đến bây giờ bọn họ vẫn hiểu lầm, cãi nhau, đánh nhau và sẽ còn hiểu lầm nhau mãi mãi, vì chẳng ai chịu nhận mình điếc bao giờ! Chỉ có một sự tiến bộ trông thấy là vì thời buổi văn minh, nên họ cãi nhau bằng . . . tiếng ngoại quốc.

Linh Bảo












Diệu Viên - Linh Bảo

Nhạc: Mai Đức Vinh
Lời: Mỹ Ngọc
Ca Sĩ: Quang Minh




















Người dịch: Ðoàn Thanh Liêm

Trích từ “Các nhà văn nữ tại miền Nam Việt Nam (1954-1975)”
Nguyên tác Anh ngữ: “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)”



Tác giả

Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang


… Một tên tuổi [khác] hay được nhắc chung với Nguyễn Thị Vinh, đó là Linh Bảo. Hai người xuất hiện trên diễn đàn văn học gần như cùng một lúc, và cả hai cũng đều được Nhất Linh giới thiệu. Tên thật là Võ Thị Diệu Viên, sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên, Linh Bảo đi học ở lục địa Trung Hoa năm 1947 và chuyển qua Hongkong vào năm 1950, sau khi cộng sản chiếm được lục địa.

Tại Hongkong, bà gặp Nguyễn Thị Vinh và đưa ra cuốn nhật ký viết khi còn là sinh viên trong các năm xáo trộn ở Trung Hoa cho bà Vinh coi. Nguyễn Thị Vinh bèn đem cho Nhất Linh đọc cuốn hồi ký này. Nhất Linh gợi ý cho Linh Bảo viết lại cuốn hồi ký này, bằng cách sử dụng ngôi thứ ba thay vì ngôi thứ nhất trong khi kể chuyện, vì lý do độc giả người Việt không quen, mà cũng ít thiện cảm với loại “tiểu thuyết do tác giả xưng danh chính bản thân mình”. Linh Bảo đã sửa lại theo gợi ý của Nhất Linh, và cuốn tiểu thuyết Gió Bấc được nhà xuất bản Phượng Giang của Nhất Linh cho phát hành vào cuối năm 1953. (21) Linh Bảo trở về Việt Nam năm 1957 và ở lại đến năm 1959, trong thời gian này và sau đó lúc ở ngoại quốc, bà tiếp tục cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh và cả các tờ báo khác như Mới, Người Việt Tự Do, Tân Phong, Vui Sống, và Bách Khoa. Tác phẩm đã xuất bản của bà gồm: Gió Bấc (tiểu thuyết, 1953), Tàu Ngựa Cũ (truyện ngắn, 1961); và Những Đêm Mưa (tiểu thuyết, 1961). Hai tác phẩm nổi tiếng nhất là Tàu Ngựa Cũ và Những Đêm Mưa. (22)

Tàu Ngựa Cũ gồm chín truyện ngắn đã từng đăng ở Văn Hóa Ngày Nay và Tân Phong từ năm 1958 đến đầu năm 1960. Tập truyện này đã đem lại cho Linh Bảo Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1962. Hai chuyện ngắn trong đó là Áo Mới và Người Quân Tử đã được dịch ra Anh ngữ và đem dự thi tại cuộc Thi Truyện Ngắn do P.E.N. Club Quốc tế tại Luân Đôn bảo trợ năm 1962. Tác phẩm của Linh Bảo là một trong 26 tác phẩm được lọt vào vòng chung kết tuyển lựa. Truyện “Áo Mới” kể sự tích nhiều tà áo dài, mà vì lý do này hay lý do bất ngờ khác, cô gái nhỏ đã không có cơ hội được khoác những áo đó, rồi tác giả còn kể thêm nỗi chán chường của cô gái khi bà mẹ đã không còn sống để mà vui thích với những chiếc áo mới mà nhờ đi làm cô đã có thể mua sắm thêm được. Truyện “Người Quân Tử” mô tả những hoàn cảnh đáng thương của một cô gái trẻ, ngây thơ bị dẫn dụ vào việc đóng nhiều vai trò của người thư ký không được trả lương, người tình, người vợ, người tớ gái, do sự sắp đặt của một người đàn ông đóng vai làm người che chở bảo bọc và cung cấp nơi ăn chỗ ở cho cô bé. Truyện “Tàu Ngựa Cũ” (là nhan đề của tập truyện) mô tả cuộc gặp gỡ tình cờ và cảm động trên một con tàu của hai người yêu cũ đã lâu không gặp nhau, rồi đến sự xuất hiện của người vợ, khiến làm cho người đàn ông trở về với thực tế, mà ông ta coi mình như con ngựa quay trở về lại đúng với căn chuồng quen thuộc của mình. Truyện “Biên Giới” trình bày những rào cản giả tạo do một người đàn ông Việt Nam tưởng tượng ra ngăn cách giữa ông ta với cô con gái Ấn Ðộ mà ông ta gặp trên con tàu và ông để ý đến cô gái. Truyện “Quà Tết” mô tả món quà Tết từ một người chị có lòng nhưng lại không có tiền, món quà gồm bốn hộp gỗ đựng trái cây đã bị người ta liệng bỏ đi, mà người chị phải vất vả nặng nhọc khuân vác về nhà cốt ý để dùng làm củi đốt làm sưởi ấm cho cô em gái đang bị đau bệnh. Truyện “Một Chuyến Lên Bờ” tập trung vào chuyến đi ngắn lên bờ của một chàng trai Việt Nam với cô gái Nhật Bản, mà vì chàng trai thiếu tháo vát, nên đã khiến cho cô gái mất hết đi sự quyến luyến lúc ban đầu đối với chàng. Trong truyện “Một Truyện Ngắn Hay Nhất”, tác giả cho người đọc coi lối suy nghĩ và tưởng tượng của một phụ nữ dự tính viết về mối tình lãng mạng tay ba bao gồm những tình cảm cao thượng của các nhân vật liên hệ, nhưng bà ta lại thấy cái tình tiết diễn ra lại vượt khỏi tầm tay của mình khi các nhân vật tưởng tượng ra lại biến thành cái chuyện tình tay ba cụ thể ngay tại nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình. Truyện “Đông Sương Ký” mô tả lối sống của bốn phụ nữ độc thân đã quá lứa, mỗi người phải đối diện với nỗi cô đơn của mình vào ngày cuối năm. Và sau cùng, trong truyện “Ngày Giỗ Mẹ”, ta thấy một người đàn ông người Đức sinh sống ở Paris thay đổi thái độ trái ngược với mẹ, khi anh ta chứng kiến nỗi đau buồn và tình yêu thương của ba anh chị em người Việt đối với bà mẹ của họ nhân ngày giỗ mẹ.

Truyện Những Đêm Mưa có thể coi như hoàn tất cái vòng tròn mà cuốn Gió Bấc đã mở ra tám năm trước. Gió Bấc là truyện về một người phụ nữ trẻ lớn lên ở Huế và mơ ước được đi du học ở hải ngoại, và rồi nàng được toại nguyện khi được đi qua Hongkong và [Thượng Hải] Nam Kinh. Nàng cố gắng làm lụng cật lực tại Hoa lục để có thể tự lập, cho đến khi gặp được một nam nhi muốn chia sẻ cuộc sống với mình. Truyện Những Đêm Mưa tiếp nối câu chuyện bỏ dở của “Gió Bấc”, với hai bạn trẻ cưới nhau. Cuộc sống lứa đôi chẳng bao lâu đã trở thành quá ít thơ mộng, chẳng an lành như người con gái từng hy vọng; nhiều mâu thuẫn trái nghịch xảy ra đem tới sự bế tắc. Người đàn bà đành phải thu xếp hành trang và đem đứa con gái trở về xứ Huế để thăm viếng cha mẹ trong thời gian không hạn định. Đã vỡ mộng với cuộc hôn nhân của mình khi về lại quê nhà, chị ta lại còn phải chứng kiến nỗi đau đớn thầm lặng của mẹ mình bởi lý do người cha quá mê say, chỉ một mực chăm lo cho người vợ lẽ. Sau khi người cha chết, bà mẹ trao cả căn nhà cho bà vợ lẽ và tìm chốn nương tựa tại một ngôi chùa. Rốt cuộc, người phụ nữ đã đi đến quyết định là chỉ còn biết trông cậy vào chính bản thân mình, chứ không phải nương tựa vào một ai khác, và nàng đi kiếm một việc làm và không còn dự tính trở lại với người chồng ở bên Hongkong nữa.

Hầu hết các tác phẩm của Linh Bảo đều được viết ra từ hải ngoại, và cốt chuyện thường xảy ra ở bên ngoài Việt Nam, mặc dầu hầu hết các nhân vật trong truyện đều là người Việt. Họ có nguồn gốc khác nhau và tình cảm, xúc động trong tâm tư họ không phải lúc nào cũng cao thượng, hạnh phúc. Thực ra, ta gặp đủ loại nhân vật, nhiều người cô đơn, mà Linh Bảo cũng chẳng ngần ngại mô tả cái mặt đen tối của họ với một sự thẳng thắn đến mức tàn bạo. Khác với Nguyễn Thị Vinh và các nhà văn nữ khác lớp trước hay cùng thời với mình vốn thường chú tâm để giữ một khoảng cách giữa nhà văn với các nhân vật của mình, Linh Bảo có thể coi như là một nhà văn nữ chủ quan đầu tiên. Điều này có thể được phán đoán qua sự thể là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà bắt nguồn từ cuốn nhật ký của bà, đó là cuốn tự truyện được che giấu đi bằng cách sử dụng ngôi thứ ba. Cũng vậy, cuốn tiểu thuyết thứ nhì bao gồm kinh nghiệm của bà về nạn lụt ở Huế vào thời gian bà từ hải ngoại trở về thăm quê nhà. Nhân vật nữ trong các tác phẩm của Linh Bảo thường cũng biểu lộ một khía cạnh trong nhân cách của tác giả. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề, cái phần liên hệ tới chủ đề. Ngay trong nghệ thuật viết, tính chủ quan của bà cũng được biểu lộ một cách độc đáo. Thường xuyên trong các tác phẩm của mình, Linh Bảo xác định cá tính của mình qua sự phê phán với giọng văn khôi hài chua cay về những tình huống liên hệ đến phụ nữ. Cái thái độ hoài nghi yếm thế đó khác hẳn với giọng điệu của các nhà văn nữ cùng thời với bà. Trong ý hướng đó, nếu tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Thị Vinh củng cố niềm tin rằng sự bao dung và hy sinh tận tụy hết mình của nữ giới sẽ giúp phục hồi lại cuộc sống bình thường, thì tác phẩm của Linh Bảo đưa ra sự cần thiết phải đánh giá lại tính cách vững bền lâu đời của cái lối chịu đựng như vậy, có tác dụng kéo dài sự thất bại của nữ giới để mong đạt được hạnh phúc chân thực. Đọc xong chuyện của bà, độc giả có cảm giác bất an, lại hơi buồn rầu ngồ ngộ với cách tác giả đặt sát cạnh nhau những yếu tố đối chọi nhau. Cái nội dung nghịch lý ăn khớp với lối viết khôn khéo, nghịch ngợm, đặc biệt trong các đoạn đối thoại. Bà sử dụng loại ngôn ngữ thường do phụ nữ khôn ngoan, tinh tế phát biểu. Những câu văn của bà trôi chảy như lối nói thường ngày, khác hẳn với bút pháp trau chuốt của những nhà văn theo trường phái của tự Lực Văn Đoàn, và rõ ràng biểu lộ ưu điểm của sự chính xác về văn phạm.

nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ










đọc TẦU NGỰA CŨ của Linh-Bảo

(bút danh khác của nhà văn Võ Phiến)


Trong văn học xưa của ta rất ít tác phẩm có giọng hài hước. Các cụ vịnh cảnh, chép sử, luận triết lý, chép truyện răn đời…, văn chương là như vậy, còn cười cợt có vẻ không xứng đáng. Mà văn như vậy kể cũng xứng với người, những người nho-sĩ hình vóc mảnh mai, cử chỉ đoan trang hòa nhã, dung mạo nghiêm chỉnh, trịnh trọng. Khách tu mi đã như thế huống hồ là phụ nữ. Ta tưởng tượng thuở ấy con gái nhà lành, phải là những cô cắn cơm không bể, tránh đàn ông như rắn trốn mồng năm, bị một tiếng tục tĩu lọt vào tai chắc là đỏ mặt như gấc, hoảng hồn ôm đầu trốn biệt vào khuê phòng như dân lành thời loạn xuống hầm trốn bom.
Thế mà giữa cái thời đại uy nghiêm đó, trong không khí đạo mạo của văn giới ngày xưa ấy, bỗng nghe nổi lên một tiếng cười nghịch ngợm. Giật mình ngoảnh lại xem là ai, té ra đó là một người đàn bà: Hồ-Xuân-Hương. Lễ giáo Khổng Mạnh khắt khe là chừng ấy mà không giết nổi cái tính nghịch ngợm bạo dạn của người đàn bà Việt-Nam, thật là điều đáng ngạc nhiên.
Riêng với kẻ thưởng văn, thì cái nghịch ngợm thông minh ở một tác giả lại còn có điểm đáng yêu.
Ngày nay, từ ngoài đời cho đến trong văn giới, người ta đã vui vẻ ồn ào, đã cười cợt tự do, không ngần ngại gì nữa, cho nên giọng châm biếm hài hước không hiếm nữa. Tuy vậy gây được cái cười kín đáo, ý nhị mà đôi khi chua chát như Linh-Bảo vẫn không phải là nhiều. Linh-Bảo đặc biệt ở cái hóm hỉnh thông minh. Ngay trong thời kỳ chiến-tranh, giữa không khí đấu-tranh hừng hực, ai nấy khắc khổ hằn học, giọng của Linh Bảo trong Gió Bấc cũng đùa cợt, cũng tinh nghịch được như thường. Mà nào phải cuộc đời của cô có gì may mắn hơn của cả lớp người đồng thời: cứ tín theo truyện thì cô cũng nếm đủ long đong của gái thời loạn. Và bây giờ, trong Tầu ngựa cũ, phần lớn cũng là nói về những cảnh đau buồn, trắc trở: cảnh đời trống trải của bốn cô gái quá thời độc thân (Đông-Sương ký), cảnh cố nhân tái ngộ trong sự lỡ làng (Tầu ngựa cũ), cảnh đất khách nhớ mẹ hiền khổ sở (Áo mới), cảnh chị em ốm đau nghèo túng ở xa quê hương (Quà Tết) v.v... Có thể nói là Linh-Bảo chuyên về những cảnh ngộ éo le, buồn thảm. Nhưng mà Linh-Bảo kể chuyện với nụ cười trên môi. Đó mới là một người có bản lĩnh. Người có bản lĩnh đó lại là đàn bà, nên càng quí.
Nụ cười thông minh, có duyên trên môi đã là một ưu điểm của người kể truyện. Nhưng Linh-Bảo không phải chỉ có một ưu điểm ấy mà thôi. Nỗi buồn Đông Sương ký thực là thấm thía ngẩn ngơ, cái xã hội của những mệ “chém củ khoai”, của bà mẹ vua chuyên môn vay rồi gạt nợ, của bà tham cùng đàn con với cái “áo vua ban” thực là linh động. Sự hiểu biết của tác giả về tình đời, về lòng người khá sâu sắc thấu đáo. Tầu Ngựa Cũ gồm chín truyện, trong đó có con nhớ mẹ, có chị thương em, có tình nhân thương nhau, có đời không tình trống trải, có trai thanh gái lịch bốn bể gặp nhau tống tình v.v... Chuyện đời quanh quẩn chừng ấy cũng đủ là nguyên liệu cho một văn tài dụng nên tác phẩm có giá trị. Nhưng chắc có người tiếc rằng Linh-Bảo thuộc vào hạng văn sĩ có cũng được mà không có cũng được, cô không phải là “phát ngôn viên chờ đợi” của một thế hệ, chuyện cô nói là chuyện muôn đời, cô không đề cập những ám ảnh lớn của thời đại... Quả có vậy, Linh-Bảo không phải là phát ngôn viên của thế hệ, cũng không phải là kỹ sư tâm hồn gì cả, có thể bảo những tác phẩm của cô không cần thiết, không có cũng được. Nhưng mà có nó thì văn học phong phú thêm lên biết bao. Có những tác phẩm không trả lời cho những khao khát của một thời nào, nhưng sự có mặt hững hờ của nó ích lợi cho bất cứ thời nào. Nên nhớ Tầu Ngựa Cũ do nhà Đời nay xuất bản, mà Đời nay gần đây đã có nghĩa là muôn đời, bất chấp thời gian và không gian.
Chưa qua một mùa xuân mà sau sách Mộng-Tuyết lại tiếp đến sách Linh-Bảo. Không kể đề tài khác nhau, văn loại khác nhau, hay dở cách nhau, chỉ đối chiếu cái cốt cách dị biệt của hai nữ sĩ cũng đủ lấy làm thú vị về cảnh đua nở ngoạn mục của hai hoa. Đó là điềm lành cho hoạt động văn học của nữ giới năm nay chăng?
TRÀNG-THIÊN
Bách Khoa số 103 ngày 15-4-1961














Truyện ngắn


Người Quân Tử
Linh Bảo



Dung băn khoăn suy nghĩ lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ nên định đâm liều một bữa xem sao.

Dung còn nhớ rõ hôm ấy nàng đang chạy dưới đám mưa đạn thì gặp hắn. Hắn đón nàng về nhà hắn trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê không trở lại nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra "chính phủ bảo hộ" của Dung. Kể ra lúc đầu hắn cũng mất một ít công phu. Nào là mua nước hoa đắt tiền tặng nào là tắm rửa cho hai đứa con riêng mồ côi chị nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng khuấy cà-phê cho nàng uống để đi làm. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa là về sau lấy lại cả vốn lẫn lời. 
Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành cho Dung đừng làm nơi khác, hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi nếu Dung làm thư ký cho hắn. Hắn nói: - Tôi đã có vợ rồi nên không thể cưới em được. Tôi chỉ là một người ân nhân, một người quân tử giúp em qua khỏi lúc khó khăn tai nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn cho em để em dựa vào đó mà làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha, người ta cần phải có mái nhà như con chim cần tổ ấm. Em không thể sống mãi cái cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn và phải phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được. Hắn tán ngọt như mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng ký thác trọn thể xác lẫn tâm hồn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ và gọi hắn bằng bác. 

Với mọi người hắn chỉ nhận Dung là thư ký của hắn. Mà cũng đúng như thế thực. Như phải viết thư đòi nợ cho hắn; giao thiệp với trạng sư, vì hắn rất thích đi kiện; đi thu tiền nhà, lo chạy các giấy tờ trong việc buôn bán của hắn, nay Sở này mai Bộ nọ toàn là phận sự của cô thư ký cả. Còn những việc "phi phận sự" thư ký như lau nhà, làm bếp, đẻ con, hắn cũng giao cho Dung nốt. Hắn rất hà tiện nhất định không mướn người làm trong nhà, hắn lấy cớ là không tin ai hết để bắt Dung làm lấy tất cả. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó cô thứ ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa. 

Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được khi từ một thư ký thường người ta đã biến thành cô thư ký "vạn năng". Và người "quân tử" lại là hạng quân tử khôn chứ không phải quân tử dại. Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn nhưng lại là khôn dại. Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con nhỡ người ta bày khôn bày khéo nên cấm nàng không được giao thiệp chơi bời với ai cả. 

Hắn không cho Dung diện và đi phố vì hắn biết Dung còn đẹp lắm, nhỡ gặp người "cao tay ấn" hơn hắn thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà "ngon một cách thuần tuý" như Dung? Trong kỹ nghệ làm vợ "chợ đen" ai cũng đòi được hưởng thụ vật chấtđầy đủ để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng trái với định luật ấy. Khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai hắn mua cho nàng một cái nhẫn hột xoàn giả. Đó là món quà đầu tiên từ khi nàng về làm "vạn năng thư ký" cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. 

Nàng sợ người ta biết nhẫn giả nên quay mặt nhẫn như vậy cố ý để mập mờ thế cho mọi người tưởng mình giầu nhưng khiêm nhượng không muốn ai biết. Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ; bắt nàng tâm niệm hắn là người ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang và cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn và Dung cũng tin như thế thật. Nàng vẫn giữ lòng tin ấy cho đến hôm "bác" của mấy đứa nhỏ chạm trán với Loan, một bạn gái từ thuở bé của nàng. "Bác" của mấy đứa nhỏ nói thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn: - Tôi là người quân tử, tôi là người ân nhân của Dung. Nếu không có tôi Dung đã chết giữa đám đạn lạc. Tôi chỉ bảo Dung cách thức làm ăn. 

Tôi không nuôi Dung có tính ỷ lại ăn sống nhờ vào đàn ông như những người đàn bà khác, nhỡ khi chồng chết thì làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung; tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống "Độc-lập"! Hắn nói xong chừng biết mình nguỵ biện, sợ chỉ có một mình Dung nghe lọt tai và tin, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn hết, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời vội chân sau đá chân trước chạy ra cửa như bị ma đuổi: 
- Tôi xin lỗi, tôi đi đây có chút việc! Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung. Nàng cười mũi: 
- Hừ quân tử! Hừ ân nhân! Đã quân tử đã ân nhân sao lại làm cho người ta có con? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu còn dám mở miệng xưng là ân nhân, quân tử! Dung làm trạng sư cho hắn: - Nếu không có hắn hôm ấy thì tôi thực chết đấy Loan ạ. Loan cười gằn: 
- Nếu là em thì chết phứt đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị thì chả có gì là lạ. Trong hoàn cảnh ấy ai chả giúp nhau! Nhưng đâu có phải giúp một tí rồi bắt người ta phải là tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử như thế sao? 
- Tôi nghĩ ra lạ quá! Thì ra hắn đòi trả ơn như thế đấy! 
- Người đàn bà cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có gia đình. Hắn quân tử gì? Ân nhân gì? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị đẻ con ra mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn mà cũng không còn mong lấy ai được nữa, không mong gì có một gia đình riêng của mình. Chị chỉ là một kẻ nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ chị! Đấy chị xem hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu? Chị phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giầu cho hắn trong khi hắn có tiền chở chuyên về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn đá chị thì chị đã thành một bà già đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là quân tử cho nó nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một cái thằng đểu, ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn! 

Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là nàng đã bị mất cắp ngay cả cuộc đời. Kẻ đánh cắp ngay giữa thanh thiên bạch nhật còn cười vào mũi người bị mất cắp nữa! Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp: - Em còn nhớ câu chuyện "áo người quân tử" của ba em kể ngày xưa: "có một chàng nọ có một cái áo rất đẹp. Một hôm anh túng tiền liền vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo: "- Cái áo này tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng nữa ông chuộc phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa thành bốn trăm đồng. 
"Anh chàng kia bằng lòng, cởi áo giao cho chủ tiệm và cầm tiền xong ra về. Anh vừa ra đến cửa thì chủ tiệm gọi giật lại: "- Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà tôi thương tôi làm phúc làm đức nói hơn thiệt cho ông nghe. Ông bây giờ trong túi không có lấy một đồng đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng nữa ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về. Nếu lúc ấy ông không trả đủ vốn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa thì sẽ phải trả gấp đôi thành tám trăm đồng. 
Tôi hỏi ông, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy? "Anh chàng kia gật đầu cho là phải: 
"- Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng. "Chủ tiệm cười híp cả mắt lại: "
- Tôi biết mà! Vì vậy tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau ông chỉ phải trả có hai trăm đồng nữa thôi chứ không phải bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng chứ không phải tám trăm đồng. Lời đến một nửa, ông nghĩ thế nào? 

"Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về. "Anh về nhà thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa. Anh ngẫm nghĩ: "- Lạ quá! Khi mình chưa bước chân vào tiệm cầm đồ thì tuy túi mình rỗng nhưng vẫn còn có áo khoác ngoài mặc và không nợ. Bây giờ ở trong tiệm bước ra, túi vẫn trống không, áo không có nữa lại có một số nợ phải lo trả lạ quá!" Dung thét lên: - Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! 
Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi tôi chưa bước chân vào nhà hắn, thì tôi không có chồng, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Bây giờ ở nhà hắn bước ra thì tôi mất tự do, mất việc. Tôi phải hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. 
Tôi vẫn phải làm việc lấy đồng lương để sống mà phải đội ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn xử dụng... Loan ngắt lời: - Chị hiểu thế là đủ! Em về nhé! Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. 
Nàng muốn liều lĩnh không nghĩ tới bữa cơm chiều nhưng chợt nhớ tới những cái tát như trời giáng của hắn, Dung vội vàng mặc áo đi chợ. Dung không có cách nào để kháng cự lại hắn được, nàng đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa nàng bẩn thỉu thực, tuy con cái nàng rách rưới thực, tuy những lời hắn đều láo thực, tuy nàng phải làm việc quần quật suốt ngày cho hắn, tuy hắn hay gây gổ mắng chửi nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước hắn khuyên nàng lấy hắn để cho con nàng được sung sướng, ngày nay con nàng giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Nàng chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. 

Lo đi đòi được tiền nhà và nợ về cho hắn vui. Mỗi ngày đến nhà hắn làm tròn phận sự và "phi phận sự" xong tối về ngủ với con. Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến khổ. Nhưng không ngờ hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng. Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm: - Đồ ranh con! Mày thì đã hơn ai! Còn mày cũng phải tự nuôi lấy lại còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dóc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như bò! Dung thấy thoả mãn như đã được trả thù, nàng nghĩ đến lúc hắn khen món ăn nàng làm ngon. Hắn cười tít lên rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt "đồng tháp mười", bộ mặt bí hiểm, thâm trầm, dữ tợn và cũng "phì nhiêu" ấy! Bỗng nàng thấy buồn nôn. Không phải nôn vì nghĩ đến hắn nhưng chắc là tại có một người "quân tử bé con" nữa sắp ra đời. 


LINH BẢO
[Trích Tầu Ngựa Cũ, tr. 43-52, 
Nxb Ngày Nay, Sài Gòn 1961]


Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961 (VNCH). Người Quân TửÁo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.













Bách Khoa số 62 ngày 1-8-1959:
TRẢ LỜI CUỘC PHỎNG VẤN: Cô LINH-BẢO

Tên thật: Võ-Thị-Diệu-Viên, sanh ngày 14-4-1926 tại Huế. Có theo học Đại-học-đường Tôn-Trung-Sơn (Quảng-châu, Trung-hoa).
Tác-phẩm đầu tay là tập phóng sự “Chồng chung” (viết với em gái Hướng-Dương, và ký chung: Hương-Thơ), nhưng bản thảo thất lạc trong cuộc Cách mạng 1945.
Từng cộng tác với tuần báo “Mới” (1953-1954).
Đã xuất-bản “Gió Bấc” (1952).
Sẽ xuất-bản: “Những đêm mưa”, hiện đang đăng ở "Văn-hóa ngày-nay”.
Hongkong ngày 5 tháng 4 năm 1959
*
Anh Ngu-Í,
Thư anh đến từ nửa tháng nay, nhưng tôi ngại trả lời quá. Nếu chỉ là một bức thư thường thôi, chắc không đến nỗi để lâu thế này.
Bài phỏng vấn của anh khó trả lời vì anh biết đấy, tôi ở Việt-Nam ít và không được đọc hết tất cả các truyện ngắn từ xưa đến nay của Việt-Nam. Còn những truyện đã đọc rồi thì tôi thích tất cả. Hay nhất, tôi không thể nói được vì mỗi nhà văn có một lối viết khác nhau, tả một đề tài khác nhau. Chỉ có thể hay, hay không hay chứ hay nhất nhì chắc khó thấy hơn kém.
Về truyện ngoại quốc cũng thế. Tôi không trả lời vừa ý anh được. Nếu cần phải giận xin cứ việc giận nhiều vào, khỏi khách khí gì cả [...] (1)

LINH-BẢO

Hương cảng 13-4-59
Vụ “chuyện nào cũng thích” là một cách nói mà thôi. Tôi cho là không thể chấm hay nhất, nhì được, vì: cũng như muôn hoa, muôn mùi hương, muôn vẻ đẹp, ai thích gì thì thích. Có thể nói hay hay không hay, chứ không thể chậm nhất, nhì như bài luận học-sinh tả chung một đầu đề được.
Tôi thích “Ba con cáo” của BìnhNguyên-Lộc. Đọc truyện ấy, tôi thấy thú vị. Tại sao? Vì tôi thấy nó chua chát, xót xa như mắt tôi nhìn đời.
Người khác họ thích bài khác vì một lý do khác. Làm sao định được hơn kém?

Hong-kong 24-4-59
Truyện ngắn tôi thích nhất của ngoại-quốc (không phải hay nhất) là truyện “The door in the wall” (Cái cửa ở trong tường) của Herbert George Wells.
Truyện anh hỏi, tôi không nhớ đã xem trong tập truyện ngắn nào vì lâu rồi. Tôi còn nhớ sơ sơ câu chuyện tả một người kể chuyện mình với bạn. Lúc còn bé độ 4, 5 tuổi, anh ta mồ côi mẹ. Một hôm, trông thấy một bức tường trắng có cái cửa. Anh ta vào trong chơi. Bên trong là một cái vườn hoa “Thiên-đường”, ai cũng có vẻ sung sướng vô tư lự. Rất nhiều trẻ con cùng tuổi đến chơi với anh ta. Anh ta về nhà kể lại, không ai tin cả. Riêng anh ta nhớ tiếc vô cùng. Về sau cứ vài năm anh ta lại có dịp tình cờ gặp lại cái cửa quen thuộc ấy, ở một nơi không nhất định. Lúc gặp, anh ta không vào, rồi sau đấy tìm lại thì không thấy nữa, anh ta thi đậu và đi làm, thành một nhân-vật của xã-hội thượng-lưu, nhưng không lúc nào không nhớ cái vườn ấy. Thỉnh thoảng anh lại có dịp thấy lại, nhưng anh đi qua và để rồi bâng khuâng tiếc nhớ. Cho đến một hôm, người ta tìm thấy xác anh trên một con đường sắt băng qua đường lộ có một cái cửa chắn ngang...
Tôi không hiểu tại sao tôi lại thích truyện này, chỉ biết xem xong, hơi bâng khuâng, có cảm-giác như mình cũng đã từng trông thấy một cái vườn như thế, nhưng mà ở trong giấc mơ, chứ không phải thật, và tôi có ý tưởng nếu tôi gặp được thì bất cứ là mơ hay thật, và bên kia cánh cửa là cái gì đi nữa, tôi cũng sẵn sàng bước vào!...
Cảng Thơm, ngày 5-5-59
LINH-BẢO

(1) Tuy được biết tác-giả “Gió Bấc” bận làm việc ở quê người (việc học và việc hành), nhưng chẳng lẽ là phỏng vấn viên của báo Bách-Khoa lại chỉ có một lần đi, nên chúng tôi dầu có giận đi nữa, cũng vui vẻ có thư đi, đi thêm ba lần nữa, và được một, hai, ba, bốn “chút của tin này”.
(Nguyễn-Ngu-Í)

Bách Khoa số 109 ngày 15-7-1961:
Phỏng vấn: Quan niệm sáng tác
Người phụ trách: NGUYỄN-NGU-Í 

Paris 15-6-1961
Kính anh,
[......]
I.- Sáng-tác để làm gì? Để cho mình hay cho thiên-hạ? Để cho bây giờ hay cho mai sau?
Xin trả lời giản dị:
Tôi viết vì tôi thích viết.
Tôi còn nhớ lúc bé hay viết nhật-ký. Có khi viết xong nhật-ký của mình rồi bịa hộ nhật-ký của người khác, ban đầu để trêu, rồi dần dần cứ cái đà ấy viết thành truyện. Như thế, có nghĩa là tôi viết cho mình trước, rồi nếu nó được may mắn chào đời, và lại nếu – đã mấy cái “nếu” rồi, anh? - lại nếu nó đáng được tồn tại thì sẽ được tồn tại, nếu nó không đáng thì đời sẽ cho nó vào... xọt rác.
II.- Sáng-tác theo một đường lối nhất định nào hay là tùy hứng?
Tùy hứng, anh ạ. Nếu bắt tôi phải theo đường lối nhất định, thì nhất định là tôi không viết được. Như thế có nghĩa là năng lực sáng-tác của mình cũng “hữu hạn” thôi!
Nhưng nếu tôi viết truyện gì mà không có hứng thú thì tôi chỉ có thể tạo những nhân-vật giả tạo mà chính tôi, tôi sẽ ghét trước nhất. Như vậy thì còn mong ai thích đọc nữa hở anh!
III.- Những gì đã xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả từ khi tác-phẩm bắt đầu thai nghén cho đến lúc nó thành hình?
Trước hết, tôi phải có một ý-niệm về truyện mình viết.
Ý-niệm ấy sống mãi trong tim trong óc cho đến khi đủ chi tiết, và chỉ khi nào có một cảm xúc gì rất mạnh thúc đẩy tôi mới viết ra. Vì thế mà có khi hàng mấy tháng mới viết một truyện, và hàng năm không viết truyện nào.
IV.- Những kinh-nghiệm sống và sáng tác thích nhất?
Sáng-tác thích nhất thì chưa có, anh ạ. Những truyện đã viết đều thích đại-khái thôi. “Thích nhất”, chắc phải đợi lúc “tính lại sổ đời” mới biết được.
Đọc lại, mới thấy chưa trả hết “nợ” cho anh, còn quên những kinh nghiệm.
Thì đây: kinh nghiệm viết của riêng tôi là: cần phải “sống” và “khổ”. Cứ khi nào sung sướng, hay tâm hồn thảnh thơi, là chả viết được gì cả. Nói thế, nhưng nếu khổ quá thì cũng không viết được vì lúc ấy là lúc đang “sống”.
Phải đợi một thời gian cho nó qua đi, lắng đọng xuống, rồi mới thành hình được và biến ra những truyện ngắn, truyện dài.
Và cuối cùng để tạ lại trong muôn một tấm thạnh tình của quí báo đã chiếu cố đến... bỉ nhân (anh đừng cười cái giọng văn đầu thế kỉ XX này nhé), tôi xin nói thêm, với riêng anh và với tất cả bạn đọc... trăm khoa, điều này: có nhiều người bảo với... Linh-Bảo, hoặc với bạn bè Linh-Bảo: “Tôi thích đọc Linh–Bảo, vì Linh–Bảo viết vui lắm, lúc nào cũng đùa được”.
Họ không bao giờ biết được Linh-Bảo phần nhiều phải trả một giá đau khổ kinh khủng trước khi hạ bút, bất cứ viết một truyện “vui” nào!
Paris 29-6-1961
Anh thật là “rắc rối” lắm. Tưởng thư trước là đã trả xong món nợ cho anh rồi, ai ngờ anh lại đòi nữa, mà lần này chẳng phải chính anh đòi, mà do cái ông bạn nhà văn nào đó... nhờ anh đòi hộ.
Vậy, tôi không trả lời cho anh, mà trả lời cho nhà văn quen với anh mà tôi không biết ấy. Thật là một việc lạ lùng: đi tìm sự thực trong tác-phẩm! Sao lại hỏi người ta câu ấy trong khi chính mình cũng viết văn, như ai?
Nếu ông bạn ấy sau khi đọc “Gió Bấc” và “Những đêm mưa” mà tò mò muốn biết cái “đức ông chồng” của cái cô trôi giạt từ nước Việt sang nước Tầu, mà mỗi lần gió bấc thổi là ôm ngực mà “thổi kèn cổ” đến muốn đứt hơi ấy, nghĩa là cứ muốn biết “ông Linh-Bảo” ra thế nào, có tốt không, thì xin trả lời: “Có một không hai trên đời! Dễ thương vô cùng! Vì nếu không tốt, không dễ thương thì làm sao mà “tiêu thụ” nổi Linh-Bảo… trót 10 năm nay!”
Còn như anh hỏi truyện, nhân-vật, “thật 100% hay 50%”, thì xin miễn trả lời anh đó. Là vì rằng: người ta viết ra, một là hay, hai là dở, cần gì tìm hiểu tác-giả tưởng tượng mấy chục phần trăm.
Tôi mời anh một cốc rượu, Anh uống rồi khen ngon hay chê dở – thành thật mà khen, chê; chớ anh cần gì tìm coi rượu mấy phần, nước mấy phần....
Tôi viết, không sửa nhiều, anh ạ. Tôi chỉ sửa bớt những chữ trùng hay đổi đi vài chữ. Nói chung, tác-phẩm khi viết xong đến khi nó chào đời, không có gì thay đổi nhiều. Lần này, thì hẳn là “hết nợ” với anh rồi chứ!

LINH-BẢO.








Đọc tác phẩm Linh Bảo





1
truyện ngắn


2
truyện ngắn


3
Truyện ngắn


4
truyện ngắn


5
truyện ngắn


6
truyện ngắn


7
truyện ngắn


8
truyện ngắn


9
truyện ngắn


10
cổ tích


11
truyện ngắn


12
truyện ngắn


13
truyện ngắn


14
truyện dài


15
truyện ngắn


16
truyện ngắn


17
truyện ngắn


18
cổ tích


19
cổ tích


20
truyện ngắn


21
truyện ngắn


22
truyện ngắn


23
truyện ngắn


24
truyện ngắn


25
truyện ngắn


26
truyện ngắn


27
truyện ngắn


28
truyện dài


29
truyện ngắn


30
truyện ngắn


31
truyện ngắn


32
truyện ngắn


33
truyện ngắn


34
truyện ngắn


35
truyện ngắn


36
truyện ngắn


37
truyện ngắn


38
truyện ngắn


























Hai chị em Minh Đức Hoài Trinh & Linh Bảo



















Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.