Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Ngô Thụy Miên



















Ngô Thụy Miên

Tên thật: Ngô Quang Bình
(1948 - ........) Hải Phòng
Nhạc sĩ









Tên thật là Ngô Quang Bình.
Là tác giả những ca khúc lãng mạn nổi tiếng: Áo Lụa Hà Đông , Riêng Một Góc Trời, Niệm Khúc Cuối  v.v...  Ngô Thụy Miên được xem là một nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc miền Nam trước 1975, và cả sau này ở hải ngoại. 
Thuở nhỏ học trường Nguyễn Trãi, sau học Đại học Khoa học .
Những năm 60 ông theo học vĩ cầm với giáo sư Đỗ Thế Phiệt và Nhạc pháp với giáo sư Hùng Lân tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.
Ngô Thụy Miên bắt đầu sáng tác từ 1963, bắt đầu nổi tiếng từ 1965 với ca khúc Chiều Nay Không Có Em, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba v.v ...
Năm 1974 cuộn băng đầu tay Tình ca Ngô Thụy Miên được ra mắt tại Sài Gòn với 17 sáng tác mới nhất, đã khẳng định tên tuổi và tài năng của Ngô Thụy Miên, một nhạc sĩ lớn.
Năm 1978, ông vượt biên sang Mã Lai, sống ở Canada vài năm rồi định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục học và tốt nghiệp bằng Khoa học điện toán năm 1981.
Hiện sống, sáng tác và làm việc tại Washington (Hoa Kỳ).









Tác phẩm tiêu biểu







Paris Có Gì Lạ Không Em?

Ngọc Hạ









Tình Khúc Tháng Sáu
Vũ Khanh








Bản Tình Ca Cho Em








Dấu Tình Sầu
Khánh Ly
















Bản Tình Cuối
Quang Dũng








Mắt Biếc 
Tuấn Ngọc








Mùa Thu Cho Em









Niệm Khúc Cuối
Sĩ Phú & Quốc Khanh


















Riêng Một Góc Trời








Áo Lụa Hà Đông







Tuổi 13







Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng
Khánh Hà

















Tình Cuối Chân Mây
Đôn Hồ









Giọt Nước Mắt Ngà
Ngọc Lan









Từ Giọng Hát Em
Khánh Hà









Biển Và Em
Khánh Hà





















Tình Khúc Ngô Thụy Miên
http://www.nhaccuatui.com/playlist/tinh-khuc-ngo-thuy-mien-va.Zyk5ttI53BDE.html


Tham khảo thêm về tác giả Ngô Thụy Miên









Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: 
Người viết tình ca với màu xanh hy vọng


Với giai điệu nồng nàn cùng nét buồn đằm thắm nhưng không ủy mị, nhạc Ngô Thụy Miên cuốn người nghe vào vẻ đẹp đài các, kiêu sa mà cũng rất thanh thoát.

Một đời chỉ viết tình ca

Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình có 7 người con mà ông là người con thứ hai. Cha của ông, trước là chủ nhà sách Thanh Bình ở Hải Phòng, sau vào Sài Gòn vẫn tiếp tục đứng ra trông coi tiệm sách cùng tên trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Ngô Thụy Miên lớn lên trong sự gần gũi với sách vở, thơ văn. Do đó tâm hồn lãng mạn của ông sớm có cơ hội phát triển.

Ông bắt đầu học nhạc dưới sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt. Thập niên 60, song song với việc theo bậc trung học ở trường Nguyễn Trãi và Đại học Khoa học, ông học trường Quốc Gia Âm Nhạc, tốt nghiệp về violin và phương pháp sáng tác. Ông tập tễnh sáng tác từ năm 1963. Hai năm sau đó, nhạc phẩm đầu tay của ông là Chiều nay không có em ra đời. Ca khúc này cho đến nay vẫn được ông yêu thích nhất vì đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình sáng tác của ông, cũng như ghi lại một quãng đời thơ mộng, một cuộc tình nhẹ nhàng với hình ảnh đường phố, quán nước đầy ắp kỷ niệm của Sài Gòn.

Đến năm 67, tên tuổi Ngô Thụy Miên trở nên nổi bật trong địa hạt tình ca với Mùa thu này cho em (sau đổi là Mùa thu cho em). Tiếp đó là Gọi nắng (tức Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (Dấu tình sầu), Cho những mùa thu (Thu trong mắt em), Tình khúc tháng 6, Mùa thu về trong mắt em (Mắt thu), Ngày mai em đi,… Năm 1969, ông cho xuất bản tập nhạc đầu tay Tình Khúc Đông Quân, tập hợp những ca khúc đã viết từ năm 1965. Đông Quân chính là bút hiệu đầu tiên của Ngô Thụy Miên. Tuyển tập này gồm 11 bài tình ca đã trở nên quen thuộc với thính giả thời bấy giờ và một ca khúc mới của ông là Một lần là mãi mãi.

Bất cứ sáng tác nào của Ngô Thụy Miên sau đó cũng đều được đón nhận nồng nhiệt – nhất là những ca khúc phổ từ thơ Nguyên Sa. Sau 1975, Ngô Thụy Miên sang Mỹ định cư và vẫn đều đặn sáng tác tình ca, bởi ông quan niệm âm nhạc của ông là tiếng nói tâm tình của ông, ông viết để sẻ chia những cảm xúc thật của mình. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chân tình bày tỏ: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Vì thế, những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó, o ép của việc dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ khác. Sáng tác của Ngô Thụy Miên, vì thế cũng không nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” như một Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung, một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế,… nó cứ tự nhiên như nhiên chảy như tiếng lòng của người viết. Ca sĩ nào hát thành công các ca khúc của ông, âu cũng là bắt được cái tiếng lòng ấy!




Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trong một lần đi chơi



Trong suốt cuộc đời mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết tình khúc mà không mảy may động chạm gì đến những vấn đề chính trị, xã hội. Ông cho rằng “tôi viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác”. Tới thời điểm hiện tại, tổng cộng, Ngô Thụy Miên có khoảng 70 bản tình ca. Càng về sau tình yêu trong tình khúc của ông càng đẹp và càng buồn – những nỗi buồn tưởng như không thể nào khỏa lấp được nhưng thấp thoáng đâu đó, vẫn thấy màu xanh của hy vọng chứ không ảo nảo, rã rời như những bản tình ca của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Mối lương duyên với nhà thơ Nguyên Sa

Nhắc đến Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến Nguyên Sa và mối lương duyên kỳ lạ đã gắn kết thơ và nhạc của họ. Chính Ngô Thụy Miên từng không ngớt lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhà thơ Nguyên Sa: “Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình”.

Có thể nói, sự gặp gỡ giữa nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa là một cái duyên lớn cho âm nhạc. Trước khi Ngô Thụy Miên phổ nhạc thơ Nguyên Sa thì Nguyên Sa đã là một cái tên lớn trong nền văn học Miền Nam Việt Nam. Giới học sinh sinh viên thời ấy không ai không thuộc làu trên môi một đôi câu của thi sĩ trẻ, người đã mang từ Paris, hè phố Saint Michel với sông Seine, tháp Effel, những mùa đông mù sương, những tuyết trắng và những cặp tình nhân về cho thi ca Sài Gòn thêm đài các. Nguyên Sa cũng chính là người mang Áo lụa Hà Đông, nắng Sài Gòn và đâu đó những bóng Kiều, nàng thơ Hà Nội vào thơ rất nhẹ nhàng, gần gũi mà không gượng ép.

Người đẹp trong bài thơ Áo lụa Hà Đông là Lý Lệ Hằng, hoa hậu Bắc Kỳ năm 1930. Cô xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh nên cô lên Hà Nội kiếm sống, làm nghề hát “cô đầu” tại các quán rượu. Sau này, Lý Lệ Hằng trở thành người yêu của Bảo Đại. Hơn 20 năm sau, giữa Sài Gòn hoa lệ, Nguyên Sa vẫn không quên được “màu áo lụa” ngày ấy nên đã viết nên vần thơ lung linh, chảy dài trong nỗi nhớ những tháng ngày xưa cũ. Năm 1969, khi nghe chuyện về nàng, Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ này.

Nhạc phẩm Áo lụa Hà Đông có thể chưa là nhạc phẩm hay nhất của Ngô Thụy Miên cũng như bài thơ Áo lụa Hà Đông chưa hẳn là bài thơ Nguyên Sa tâm đắc nhất nhưng sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu trong Áo lụa Hà Đông thì ai cũng cảm nhận được. Nguyên Sa đã giúp nhạc Ngô Thụy Miên thăng hoa và ngược lại Ngô Thụy Miên đã đem những tiếng thơ ấy bay cao và làm thổn thức muôn triệu tâm hồn.

Nếu để ý một chút sẽ thấy hình ảnh em ngoan, lá hoa buồn vương, ngõ vắng đường mịt mù, áo mỏng chiều sương… trong thơ Nguyên Sa luôn phảng phất đâu đó trong suốt các tình khúc Ngô Thụy Miên, tạo nên nét thơ mộng và dịu dàng riêng cho những tình khúc của ông. Nét đài các và hoài cổ đặc trưng, nét miên man rủ buồn trong nhạc cảm của những tình khúc Ngô Thụy Miên. Những dịu dàng ấy cũng chính là cảm hứng cho Ngô Thụy Miên phổ nhạc một bài thơ khác của Nguyên Sa: Paris có gì lạ không em, Tuổi 13.

Một điều ít người biết là dù số tác phẩm Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa cộng tác chung khá nhiều nhưng hai ông chỉ gặp nhau đúng hai lần. Khi hay tin nhà thơ Nguyên Sa mất, Ngô Thụy Miên đã viết những dòng khắc cốt ghi tâm gửi tới người tri kỷ của mình: “Cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sài Gòn, không còn nữa Paris và những người tình dòng sông Seine với những vòng tay ôm, môi hôn vội vã. Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời”.

Ngô Thụy Miên đã sống, đã yêu và đã viết tình khúc như thế, chân thành như kể những câu chuyện tình mình với một kẻ tri âm. Kẻ tri âm ấy là âm nhạc, nhưng thật may, âm nhạc là kẻ rộng lòng, nên chúng ta biết có một Ngô Thụy Miên và hơn 70 tình khúc Ngô Thụy Miên vẫn đang thổn thức cùng năm tháng.

Những tình khúc ngọt ngào như: Mùa thu cho em, Áo lụa Hà Đông, Dấu tình sầu, Mắt lệ cho người, Riêng một góc trời,… của Ngô Thụy Miên đã trở thành những bản tình ca nằm lòng của biết bao tình nhân.








Ngô Thụy Miên – Một góc trời riêng



Hoàng Nguyễn Hải Lam


Tôi định viết ghi chép này bằng việc giới thiệu Ngô Thụy Miên tên thật là gì, sinh năm nào, mất năm nào, giống như một khuôn phép hành văn theo chuẩn mực đã từng được học trong trường những năm trước nhưng tôi lại muốn định hướng ngay từ đầu, rằng tôi chỉ muốn nói chuyện về âm nhạc. Vậy nên chỗ này không phải để viết về tiểu sử Ngô Thụy Miên, nếu những chi tiết ấy không mảy may liên quan đến những nhạc phẩm của ông.


Ngô Thụy Miên vốn là người gốc Hải Phòng, theo gia đình vào Sài Gòn từ những năm còn rất nhỏ tuổi, tuổi thơ của Ngô Thụy Miên gắn liền với thơ văn và sách vở do gia đình ông có một tiệm sách trên đường Phan Đình Phùng. Ngô Thụy Miên cũng là nhạc sĩ được rèn giũa và lớn lên trong những ngôi trường nhạc Pháp một thời rất thịnh hành trong giới trung-thượng lưu ở Việt Nam. Ngô Thụy Miên trưởng thành trong giai đoạn được coi là rực rỡ nhất của văn học, nghệ thuật Miền Nam Việt Nam trước 1975, giai đoạn dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là Tân nhạc Miền Nam Việt Nam đạt đến đỉnh cao với hàng loạt những tên tuổi đã ghi dấu cho đến tận ngày nay như Phạm Duy, Lam Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9…

Về căn bản, tình khúc của Ngô Thụy Miên mang âm hưởng chung của tình ca thời đại ông đang sống, nhạc phẩm của ông lúc nào cũng miên mang những nỗi buồn đẹp đẽ, phong tình, lãng mạn, da diết, đài các. Tình khúc đầu tiên ông viết là “Chiều nay không có em” (1965 – khi ông mới 17 tuổi) với bút hiệu Đông Quân. Bài hát sớm được giới học sinh sinh viên Sài Gòn truyền tai nhau và hưởng ứng nồng nhiệt bởi giai điệu trữ tình gần gũi, lời ca đẹp với những ý thơ ngọt ngào giàu hình ảnh và cảm xúc:



Rồi mai mình em thôi trên phố người

Sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ

Không có em còn ai thương lá thu bay

Còn ai vương vấn cơn say

Đời gian dối cô đơn mình ta


4 năm sau (1969), Ngô Thụy Miên có tập tình khúc đầu tiên được lấy tên là Tình Khúc Đông Quân in ronéo gồm 12 bài hát, trong đó có nhiều bài vẫn nổi danh cho đến tận ngày nay như: Mùa thu cho em, Tình khúc tháng Sáu, Mắt thu (Thu trong mắt em), Ngày mai em đi, Bài tình ca cho em…

Trong suốt 12 tình khúc ấy, Ngô Thụy Miên như chép lại những kỷ niệm, những tình cảm của ông bằng những nốt nhạc dịu dàng, giai điệu chậm đều và vẫn là những ý thơ đẹp phảng phất nỗi buồn. Hình như tất cả các bản tình ca thiết tha đều buồn da diết, tình khúc của Ngô Thụy Miên cũng vậy. Tuy nhiên, cuộc tình buồn của một người trẻ thì lãng mạn, và ngọt ngào, và đắm say hơn:



Anh muốn cùng mây giăng kín đường về

Gọi tên em, gọi tên em cho mát bờ môi ấy

Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng

Mình yêu nhau, mình yêu nhau

Dù trời mưa bay, mưa bay …

(Tình khúc tháng Sáu)



Rồi một mùa Thu nữa theo mắt em về trong nắng
Chuyện mình xin quên lãng cho bước chân dìu cay đắng
Chuyện mùa Thu năm ấy
Hãy xin ghi vào giấc mơ
Thu đi cho lá thôi về
Đếm bước Đông nghe buồn hơn
(Thu trong mắt em)

Nhắc đến Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến Nguyên Sa và những bài thơ của Nguyên Sa. Chính Ngô Thụy Miên trong một bài viết của mình đã từng không ngớt lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình với nhà thơ Nguyên Sa. Có thể nói, sự gặp gỡ giữa Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa là một cái duyên lớn trong âm nhạc. Trước lúc Ngô Thụy Miên phổ nhạc những bài thơ của Nguyên Sa, Nguyên Sa đã là một cái tên lớn trong nền văn học Miền Nam Việt Nam bấy giờ. Giới học sinh sinh viên thời ấy không ai không thuộc làu trên môi một đôi câu của thi sĩ trẻ, người đã mang từ Paris, hè phố Saint Michel với sông Seine, tháp Effel, những mùa đông mù sương, những tuyết trắng và những cặp tình nhân về cho thi ca Sài Gòn thêm đài các. Nguyên Sa cũng chính là người mang Áo lụa Hà Đông, nắng Sài Gòn và đâu đó những bóng Kiều, nàng thơ Hà Nội vào thơ rất nhẹ nhàng, rất gần gũi mà không gượng ép.

Nhạc phẩm “Áo lụa Hà Đông” chưa chắc là nhạc phẩm hay nhất, nhiều người biết đến nhất và yêu thích nhất của Ngô Thụy Miên cũng như bài thơ Áo lụa Hà Đông chưa chắc là bài thơ Nguyên Sa tâm đắc nhất nhưng sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu trong Áo lụa Hà Đông thì ai cũng thấy được:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng.

Đoạn cao trào với những câu hát thảng thốt hơn mà vẫn ngọt ngào đến mềm môi, trách cứ đấy mà thương yêu quá đấy:
Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.
Không nổi bật như Áo lụa Hà Đông nhưng “Paris có gì lạ không em” cũng là một tác phẩm đánh dấu sự gắn kết giữa hồn thơ nhạc của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên:

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim?

Nếu để ý một chút sẽ thấy, những hình ảnh em ngoan, lá hoa buồn vương, ngõ vắng đường mịt mù, áo mỏng chiều sương… trong thơ Nguyên Sa luôn phảng phất đâu đó trong suốt những bài tình khúc của Ngô Thụy Miên, tạo nên một nét thơ mộng và dịu dàng riêng cho những tình khúc của ông trong suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, tạo thành nét đài các và hoài cổ đặc trưng, nét miên man rủ buồn trong nhạc cảm của những tình khúc Ngô Thụy Miên.

Những tha thiết, những dịu dàng ấy cũng chính là cảm hứng cho Ngô Thụy Miên phổ nhạc một bài thơ khác của Nguyên Sa: Tuổi 13
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay
trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
như một buổi hiên nhà nàng dịu mát.
Trời hôm ấy 15 hay 18
tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13
tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ.

Suốt cuộc đời mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết tình khúc mà không mảy may có động chạm gì đến những vấn đề chính trị, xã hội nhức nhối khác như các nhạc sĩ cùng thời ông, trong nhạc của ông lúc nào cũng là những tình yêu. Càng về sau những tình yêu trong tình khúc của Ngô Thụy Miên càng đẹp và càng buồn. Qua lần hồi những nỗi buồn man mác, những xúc cảm tinh khôi của thuở đầu đời, tình khúc của Ngô Thụy Miên có hồi ướt đẫm những nỗi buồn tưởng như không thể nào khỏa lấp được:
Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em
(Niệm khúc cuối)

Từ lúc :
Mây có bay và em có hay?
Ta ngại ngùng yêu em lần đầu.
Cho đến khi:
Mưa đã rơi và nắng đã phai
Trên cuộc tình yêu em ngày nào

Rồi buồn da diết đến tưởng chừng không lối thoát:

Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu.
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người?

(Bản tình cuối)

Những thay đổi ấy có lẽ do gắn liền cùng với những biến cố trong đời của Ngô Thụy Miên. Đất nước những năm chiến tranh, những nỗi buồn lớn hơn nỗi buồn của tình yêu trai gái, những định mệnh chua chát, những cuộc ly tan không kịp trao một tờ thư, một lời hẹn cho tương lai, những ranh giới mong manh giữa sống chết, ra đi – ở lại, những xót xa buồn của những ngày phiêu bạt rời bỏ quê hương, những hoang mang của phận người bé nhỏ trước những guồng quay quá mạnh của bánh xe số phận. Ngô Thụy Miên cuối cùng cũng rời khỏi Sài Gòn, mất dấu với người yêu và sau vài năm lưu lạc mới được bảo lãnh sang Montréal, và mãi năm 1979 ông mới được đoàn tụ với người yêu của mình. Những tình khúc ông viết khi này thường là nỗi buồn đến hoang mang, hoặc là nỗi nhớ đến quay quắt những gì đã gắn bó với mình khi trước: người yêu và Sài Gòn.
Mắt biếc năm xưa nay đâu cánh sao còn đây tóc mây nào bay
Phố vắng mênh mang mưa rơi ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi

Tình yêu như mây khói thoảng theo gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu
Nhớ dáng xưa yêu kiều trong chiều nhạt nắng, cung đàn gợi ý
Chờ nhau trong tê tái…

(Mắt Biếc)

Thập kỷ 90 đánh dấu sự trở lại của Ngô Thụy Miên với những tình khúc mới như Cần thiết, em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… Được đón chào nồng nhiệt nhất là tình khúc Riêng một góc trời được ông viết vào năm 1997.
Mang âm hưởng xa xăm đầy hoài niệm, Riêng một góc trời khiến tôi say mê như thể trân trọng một món quà quý vừa được mang về từ quãng nào đó trong quá khứ của mình.
Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi

Tôi không thể nào quên lần đầu nghe Tuấn Ngọc hát tình khúc này vào một chiều mùa thu năm 2002 khi tôi 17 tuổi. Từng nốt nhạc như thấm đẫm một nỗi miêng mang, một nỗi chơi vơi đến lạc loài, đến vô định. Em trong tình khúc sao mà quá xa vời, quá diệu vợi mà thật gần gụi như chính một “em” nào đó của riêng chúng ta, đã để lạc mất, đã đánh rơi trong một miền nhớ thương thăm thẳm nào đó từ quá khứ. Tôi nhớ, có lần Ngô Thụy Miên đã nói, ông vốn không bao giờ chủ ý viết nhạc cho ai, ông viết là để cho mình, viết cho những xúc cảm của mình trước nhất, nhưng rất nhiều người, những người lớn và cả những người trẻ như tôi, tìm thấy trong tình khúc Ngô Thụy Miên những điều về chính mình. Phải chăng, với tất cả những người đã từng yêu, đã từng đắm say trong hạnh phúc, vui sướng và cả mất mát, đau khổ trong tình yêu thì dù có khác nhau đến đâu cũng sẽ luôn tồn tại những ý niệm, những cảm xúc giống nhau đến kỳ lạ, trong cả hạnh phúc và nỗi đau:

Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
Khi mùa đông về theo cánh chim bay
Là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi

Ngô Thụy Miên đã sống, đã yêu và đã viết tình khúc như thế, chân thành như kể những câu chuyện tình mình với một kẻ tri âm. Kẻ tri âm ấy là âm nhạc, nhưng thật may, âm nhạc là kẻ rộng lòng, nên chúng ta biết có một Ngô Thụy Miên và có hơn 70 tình khúc Ngô Thụy Miên vẫn đang thổn thức cùng năm tháng.








Nói chuyện với Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên

Nghiêm Xuân Cường thực hiện


Ai trong chúng ta đã không nhiều lần chìm đắm trong thế giới âm thanh ngọt ngào và lời nhạc đẹp như thơ của Ngô Thụy Miên. Trong mỗi tuổi trẻ của chúng ta, ở một vùng ký ức xa xôi nào đó là giòng nhạc êm ái với nét buồn nhẹ nhàng quyến rũ của anh ru êm trái tim sau một cuộc tình buồn. Những năm còn sống ở Seattle, Washington, một nơi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và cũng thật nhiều văn nghệ sĩ chúng tôi có duyên may đuợc gặp và sinh hoạt văn nghệ vài lần với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Con người ngoài đời của anh có lẽ cũng giống như nhừng hình chụp hoặc trong các video ca nhạc Ngô Thụy Miên, bình dị và trầm mặc, cởi mở và khiêm nhường. Để cho bạn đọc của Hồn Quê được biết thêm về người nhạc sĩ dễ mến mà giòng nhạc đã làm ngây ngất hằng triệu con tim từ mấy thập niên qua, chúng tôi đã nói chuyên với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cách đây một ít ngày sau khi có cuộc động đất ngay tại thành phố anh cư ngụ, Olympia, thủ phủ của tiểu bang Washington.




Nghiêm Xuân Cường (NXC): Trước nhất xin cảm ơn anh đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn, nhất là trong khi anh đang bận rộn việc chỉnh tu nhà cửa sau trận động đất vừa qua. Xin anh cho độc giả của Hồn Quê biết một chút riêng tư về anh được không? Chẳng hạn về tuổi tác, nơi sinh quán v.v. Ngô Thụy Miên có phải là tên thật của anh?

Ngô Thụy Miên (NTM): Vâng, trước hết Ngô Thụy Miên xin kính chào quí vị độc giả của Hồn Quê. Thật là một niềm vui lớn cho cá nhân tôi đã được Hồn Quê và anh Nghiêm Xuân Cường dành cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Tôi sinh năm 1948 tại Hải Phòng, lớn lên tại Sàigon. Yêu thơ Nguyên Sa và mơ về thành phố Paris từ những ngày còn rất trẻ. Tên thật là Ngô Quang Bình, Ngô Thụy Miên là bút hiệu thứ hai của tôi. Bút hiệu đầu tiên khi tôi bắt đầu viết nhạc là Đông Quân. Tôi đến định cư ở Mỹ từ 1980 và hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Washington, miền Tây Bắc Hoa Kỳ.

NXC: Anh theo học nhạc từ năm nào và bắt đầu viết nhạc từ lúc nào ? Nhiều người yêu nhạc biết đến anh qua nhạc phẩm Mùa Thu Cho Em. Đây có phải là sáng tác đầu tay của anh không?

NTM: Tôi may mắn được bố mẹ cho đi học nhạc từ lúc còn bé. Tôi đã theo học vĩ cầm với thầy Đỗ Thế Phiệt, nhạc pháp với thầy Hùng Lân tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn. Bắt đầu sáng tác từ năm 1963 với bút hiệu là Đông Quân. Năm 1965 hoàn tất nhạc phẩm đầu tay Chiều Nay Không Có Em với bút hiệu Ngô Thụy Miên. Bản tình ca thứ hai đã được các đài phát thanh Sàigòn và Quân Đội phổ biến rất nhiều trong hai thập niên 60 và 70 là ca khúc Mùa Thu Cho Em. Kế tiếp là những nhạc phẩm được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em... Từ lòng yêu nhạc cùng với tình yêu người, tôi đã sáng tác và cùng với một số bạn bè, thân hữu đi trình diễn tại khắp các giảng đường đại học, các trung tâm văn hóa và hội quán văn nghệ Sàigòn để giới thiệu những sáng tác mới của mình.

Xin mời nghe
Mùa Thu Cho Em
Trần Thu Hà trình bày
Real Player
mp3 (high quality)


NXC: Một trong những nét rất đặc biệt của nhạc Ngô Thụy Miên là lời nhạc rất riêng tư (personal), nhưng rất thật và diễn tả được hết những cảm xúc của người đang yêu. Xin anh cho biết anh có một kỷ niệm gì đặc biệt về một bản nhạc nào không? Chẳng hạn, anh có nhớ đến hoàn cảnh nào đã khiến anh viết Mắt Biếc, Giáng Ngọc, hoặc Niệm Khúc Cuối ?

NTM: Nói đến những kỷ niệm sáng tác thì nhiều lắm, kể từ " Mùa Thu Cho Em" cho đến " Riêng Một Góc Trời . Riêng nhắc đến Giáng Ngọc là nhắc đến những kỷ niệm của một thời bọn sinh viên trẻ chúng tôi thường đến học tại các thư viện của Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Đức. Giáng Ngọc là một cô nữ sinh Trưng Vương ngày đó với mái tóc dài đặc biệt xõa trên tà áo trắng học trò. Ba mươi năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đó đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu " Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa. Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm... " . Một sáng tác nữa mà tôi cũng rất yêu quí, có mang một chút hình ảnh thời sự, đó là bài "Em Còn Nhớ Mùa Xuân ". Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sàigòn sau tháng 4 năm 1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã ra đi, và giữa những đổi thay, mất mát xẩy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bản nhạc nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của Sàigòn/Đàlat một thời thơ mộng. Cuối năm 1978 tôi hoàn tất bản nhạc, và hát lần đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo tị nạn Bidong trước khi lên đường đi Canada. Cuối năm 1979, tôi đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm đó.


Xin mời nghe
Giáng Ngọc
Kiều Nga trình bày
Real Player


NXC: Mỗi người viết nhạc một cách khác nhau. Có người viết lời trước rồi đặt nhạc sau, chẳng hạn như Rogers và Hammerstein khi viết "The Sound of Music". Riêng với anh, anh có thể cho độc giả biết nhạc hay lời đến trước trong quá trình hoàn thành một bản nhạc, hay là mỗi bài mỗi khác. Khi sáng tác, anh thường dùng nhạc cụ nào, piano, violin, guitar...?

NTM: Tôi thường dùng piano và guitar để ghi lại cũng như hoàn tất những sáng tác của mình. Rất nhiều những ca khúc của tôi đã được bắt đầu với ý nhạc. Khi một ý nhạc đến (thường chỉ là một câu nhạc nào đó) tôi ghi lại, đặt lời nếu có cảm hứng, rồi sau đó tiếp tục phát triển thành bài hát. Một số bài thì lời ca đến trước. Nói chung thì tùy thôi, không gò bó trong bất cứ một quy luật hay kỹ thuật nào cả. Tuy nhiên trong những sáng tác của tôi, có thể chia ra làm ba khuynh hướng khác nhau:

1. Những bài phổ từ thơ: Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tình Khúc Buồn, Cần Thiết.

2. Những bài được hoàn tất nhạc trước rồi mới đặt lời sau: Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, Miên Khúc.

3. Và những bài còn lại là kết hợp của cả ý nhạc và lời ca.

Xin mời xem video
Áo Lụa Hà Đông
Lam Trường trình bày
Real Player



NXC: Nhiều người nghe nhạc của anh nhận thấy có một nét riêng, một nét rất "Ngô Thụy Miên", một chút buồn nhè nhẹ, lời thật chải chuốt và nhiều thơ tính. Có thể coi đây là một thứ " chữ ký âm nhạc" (musical signature) mà chỉ có ở vài nhạc sĩ khác như Phạm Duy hoặc Hoàng Trọng, mà khi nghe nhạc người ta nhận ngay ra tác giả là ai. Khi viết nhạc anh có chủ ý trau chuốt về một khía cạnh nào đó chăng để giòng nhạc có nét riêng biệt như vậy?

NTM: Nói về kỹ thuật sáng tác thì thực ra cũng không có gì đặc biệt. Như hầu hết các anh chị em viết nhạc khác, những tình khúc của tôi đều được viết từ tim óc. Ý nhạc đến từ trí tưởng và lời ca từ con tim. Riêng tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề chọn lựa. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc. Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây Phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc. Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý! Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến.




Xin mời nghe
Niệm Khúc Cuối
Thanh Lam trình bày
Real Player
mp3 (high quality)





(Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trên đàn piano và nhạc sĩ Đăng Khánh)


NXC: Anh có thể cho độc giả biết tên của những bản nhạc anh đã sáng tác cũng như năm ra đời của từng bài không ? Anh đã thực hiện được bao nhiêu cuốn băng hay CD? Nếu nhìn lại từng thập niên một chẳng hạn, nhạc của anh có chia ra thời kỳ nào không? Nói cách khác, nét nhạc của anh có thay đổi vì anh muốn viết cách khác đi không?

NTM: Như đã nói, trong bốn thập niên vừa qua tôi đã viết khoảng 50 tình khúc. Thú thực là tôi không giữ được nguyên bản, cũng như không nhớ chính xác là đã viết bài nào vào năm nào. Tuy nhiên, nhìn lại thì có thể chia quá trình sáng tác của tôi thành 3 thời kỳ:

1. Trước năm 1975. Đây là những ngày tháng tôi còn sinh hoạt ở Sàigòn. Trong khoảng thời gian đó tôi đã viết 17 tình khúc. Những bài tình ca này đã đánh dấu một quãng đời mà tôi nghĩ là đẹp nhất cho tuổi trẻ của tôi: Chiều Nay Không Có Em, Mùa Thu Cho Em, Tình Khúc Tháng Sáu, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Dấu Tình Sầu, Từ Giọng Hát Em, Mắt Thu, Tuổi 13, Mắt Biếc, Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Giọt Nước Mắt Ngà, Tình Khúc Mùa Xuân Giọt Nắng Hồng, Tình Khúc Buồn.

2. Từ năm 1975-1978. Trong thời gian này tôi chỉ viết một nhạc phẩm duy nhất, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, mà lời ca có mang một chút hình ảnh của những đổi thay mất mát đang xẩy ra quanh mình ngày tháng đó.

3. Từ 1979 tới nay. Thập niên 80 tôi đã viết 14 tình khúc đánh dấu những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ, ghi lại tâm trạng chung của ngườI Việt xa quê hương, nỗi nhớ thương Sàigòn, nhớ thương ngày tháng cũ: Nắng Paris, Nắng Sàigòn, Dốc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Bản Tình Ca Cho Em, Thu Khóc Trên Ngàn, Tháng Giêng Và Anh, Paris, Tháng Sáu Trời Mưa, Thu Sài Gòn, Sàigòn Còn Đó Nỗi Buồn, Lời Tình Cuối, Giã Từ Em Cali, Hát Cho Người Ra Đi, Mùa Đông Công Viên. Thập niên 90 tôi đã viết 17 tình khúc đánh dấu những đổi thay, những muộn phiền của đời sống. Lời ca ý nhạc chậm buồn hơn, không nhẹ nhàng trong sáng như những sáng tác của hai thập niên 60, 70: Em Về Mùa Thu, Tình Cuối Chân Mây, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Dấu Vết Tình Yêu, Riêng Một Góc Trời, Cần Thiết, Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ, Miên Khúc, Một Đời Quên Lãng, Gọi Tên Anh, Mây Bốn Phương Trời, Tuổi Mây Hồng, Thu Trong Mắt Em, Giọt Buồn Mùa Đông, Nỗi Đau Từ Đấy, Bốn Mùa Quạnh Hiu, Thu Tưởng Nhớ. Sáng tác mới nhất năm 2000 là bài Mưa Trên Cuộc Tình Tôi đã được ca sĩ Hoàng Nam trình bầy lần đầu tiên trong Đêm Nhạc Ngô Thụy Miên đuợc tổ chứ tại Quận Cam, California tháng 9 năm ngoái.

Về băng nhạc và CD thì trong thập niên 70, cùng với một số bạn bè thân hữu, chúng tôi đã thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên mà trung tâm Thúy Nga đã phát hành ở Sàigòn vào cuối năm 1974; một số các tình khúc tiêu biểu của tôi được gói trọn trong băng này như Mùa Thu Cho Em, Áo Lụa Hà Đông, Niệm Khúc Cuối, Từ Giọng Hát Em... Thập niên 80, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên 2 ở hải ngoại gồm có một số sáng tác như Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Dốc Mơ, Nắng Paris, Nắng Sàigòn, Bản Tình Ca Cho Em... Qua đến thập niên 90 thì Trung Tâm Thúy Nga thực hiên cuốn video Tình Ca Ngô Thụy Miên, và phát hành 2 cuốn CD gồm một số bài như Em Về Mùa Thu, Cần Thiết, Riêng Một Góc Trời, Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ...

Xin mời nghe
Riêng Một Góc Trời
Khánh Hà trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

NXC: Người nhạc sĩ khi nghe nhạc của mình được trình diễn tất nhiên như nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được nâng niu yêu mến, chắc chắn đó là niềm cảm hứng mới cho ngươì viết nhạc. Là người sáng tác tại hải ngoại, anh cũng như những nhạc sĩ khác, không giống như ngày còn ở trong nước, đi đâu cũng nghe tiếng nhạc của mình. Nó có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của anh? Anh có những kỷ niệm, cảm tưỏng gì khi đi tham dự những Đêm Nhạc Ngô Thụy Miên, như một lần mới tổ chức vào tháng 9/2000?

NTM: Người ca sĩ phải được hát, được trình bày tiếng ca của mình trước khán thính giả mới có ý muốn trau dồi nghệ thuật, học hỏi để tiến đến một trình độ cao hơn. Cũng vậy, người viết nhạc nếu không được nghe những tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi thì cảm hứng sáng tác tiếp tục sẽ bị mất đi rất nhiều. Đây cũng là một trong nhiều lý do tại sao ở hải ngoại chúng ta ít được nghe những sáng tác có giá trị mới. Tôi vẫn nhớ 30 năm về trước, chúng tôi, những người viết nhạc ngày đó có cả một hậu thuẫn lớn lao của các anh chị em sinh viên, học sinh. Chính từ những đêm nhạc tổ chức tại các trường đại học đã tạo cho tôi có cơ hội thực hiện một chương trình trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Và từ đó những sáng tác của tôi đã được phổ biến thường xuyên qua đài phát thanh, tạo cho tôi những cảm hứng để tiếp tục sáng tác mạnh mẽ.

Trong những năm vừa qua, tôi vẫn thỉnh thoảng tham dự các đêm ra mắt CD của một vài ca, nhạc sĩ, tham dự giải Kim Khánh, cũng như các đêm hát nhạc Ngô Thụy Miên. Gần đây nhất là chương trình nhạc với chủ đề "Tình Ca Ngô Thụy Miên Qua Bốn Thập Niên" đuợc tổ chức vào đầu tháng 9 năm 2000 tại hí viện La Mirada ở Quận Cam. Trong đêm nhạc này một số anh chị em đã trình bày 23 ca khúc của tôi. Nói về cảm nghĩ khi tham dự những đêm nhạc như vậy thì quả thực có gì hạnh phúc hơn cho một người nhạc sĩ được mời đến để cùng vơì quý vị khán thính giả nghe lại những đứa con tinh thần của mình được trình bày qua những tiếng hát mà cá nhân tôi đã yêu thích từ bao năm nay. Và có lẽ một kỷ niệm vui hôm đó là khi ca sĩ Tuấn Ngọc trước khi trình bày bài Riêng Một Góc Trời đã ngỏ lời cảm ơn đến tác giả bài hát. Khi anh hát xong, giữa những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, tôi đã rời ghế ngồi, tiến đến sân khấu bắt tay Tuấn Ngọc. Một cái bắt tay đã chia sẻ tất cả những cảm thông của hai chúng tôi, của hai con người cùng yêu quí nghệ thuật.




(Từ trái sang phải: Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và phu nhân - Thanh Vân, nhạc sĩ Đăng Khánh, nhạc sĩ Nghiêm Xuân Cường và phu nhân - Tuyết Hạnh)




NXC: Tất nhiên là với người Việt ở hải ngoại, việc cản trở nhất cho sự phát triển của nhạc Việt là không có phương tiện quảng bá. Anh có nhận xét gì về tương lai nhạc Việt ở hải ngoại, về chiều hướng sáng tác cũng như việc phổ biến các sáng tác mới?

NTM: Anh đã có một nhận xét rất đúng. Phương tiện quảng bá là một trong những cản trở lớn lao nhất trong việc phổ biến những sáng tác mới ở hải ngoại. Hệ thống truyền thanh, truyền hình và các trung tâm băng nhạc đã không thể đáp ứng được hết nhu cầu phổ biến những bài hát mới. Người nhạc sĩ sau khi bỏ ra bao nhiêu tâm huyết để sáng tác, bỏ tiền để thực hiện những cuốn CD, nhưng cũng không thể phổ biến rộng rãi hơn ngoài giới bạn bè, thân hữu nếu không được một trung tâm băng nhạc nào đứng ra lo việc phổ biến và phát hành!!

Tuy nói như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm đặc biệt mà nền tân nhạc của chúng ta đã có nhiều nhạc sĩ trẻ, được gần gũi cũng như hấp thụ nền âm nhạc tây phương. Họ đã sáng tác, tự trình diễn lấy và nhiều người đã viết hoà âm, cũng như xử dụng các nhạc khí một cách thuần thục. Giòng nhạc của họ trẻ trung hơn, cùng với phần hòa âm sống động đã đáp ứng được với nhu cầu của thế hệ trẻ bây giờ. Tôi nghĩ là các nhạc sĩ trẻ sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc duy trì cũng như phát triển nền sinh hoạt âm nhạc của chúng ta ở hải ngoại. Chỉ có điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa có dịp thưởng thức giòng nhạc mới của rất nhiều những người viết nhạc khác ngày hôm nay.

Xin mời nghe
Dốc Mơ
Khánh Hà trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

NXC: Anh thấy có những khác biệt như thế nào về sáng tác nhạc ở Việt Nam và ở hải ngoại?

NTM: Thưa anh, với tôi Âm Nhạc cũng như Đời Sống, đều thay đổi theo Thời Gian và Không Gian. Sống ở quê hương với những thân yêu quanh mình, với những lụa là, mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân từng buổi sáng, buổi chiều... Những tháng năm đó đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng dịu dàng. Ở đây người ta thật vội vã, thật xa lạ! Yêu đương, hẹn hò cũng phải có giờ giấc. Những thành phố, nhà cửa thật to lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo! Ngày tháng bên này đã để lại trong nhạc tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình.

NXC: Anh có những dự tính gì trong tương lai?

NTM: Một lần nào đó tôi đã có nói "Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc". Từ những ngày tháng đầu tiên, âm nhạc với tôi là những phương tiện để chia sẻ những tâm tư, tình cảm riêng của mình đến với những người tôi yêu quí, nói rõ hơn là những người đã đi qua đời tôi, hay đang chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống với tôi. Đôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi. Đời đã nghe, người đã hiểu. Nhưng khi ý nhạc hay lời ca đến thì lại ngồi xuống phím đàn. Chỉ mong là khi nào trái tim còn rung động, thì vẫn còn tiếp tục viết, dù có thể chỉ là riêng cho mình thôi.

NXC: Xin cảm ơn anh đã cho độc giả của Hồn Quê nói riêng, và những người yêu nhạc nói chung một cái nhìn rõ hơn về người nghệ sĩ mà mọi người đã ngưỡng mộ và yêu mến từ nhiều năm qua. Xin chúc anh chị thật nhiều hạnh phúc, vui tươi trong những tháng năm sắp tới, và tất nhiên là mong sẽ còn tiếp tục được nghe thêm nhiều sáng tác của anh.

NTM: Một lần nữa, cảm ơn Hồn Quê và anh Nghiêm Xuân Cường đã dành cho tôi ít phút để tâm tình với quí độc giả của Hồn Quê. Xin chào anh và kính chào quí vị.

Nghiêm Xuân Cường thực hiện













Ngô Thụy Miên: Hành trình ba bản Phật ca



Huyền Lam













Đời sống nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vốn thầm lặng, ít xuất hiện trước ống kính, chưa có dịp về thăm lại quê hương kể từ khi ra đi vào năm 1978. Tuy nhiên đối với người Việt trong nước, tình ca Ngô Thụy Miên được nghe, được hát say mê. Mỗi đêm trên đất nước này, thật khó có thể biết hết số người hát nghe các ca khúc trữ tình lãng mạn của anh. Cũng như bao người, tôi yêu thích tình ca Ngô Thụy Miên. Nghĩ đến tên anh, mọi người đều nghĩ đến một thiên tài âm nhạc viết tình ca. Hầu như rất ít người, nhất là ở trong nước biết rằng anh có sáng tác 3 bản Phật ca. 


Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ tên tuổi, một cây đại thụ, thế nhưng tôi quen anh không bắt đầu từ môi trường âm nhạc. Vào năm 1987, sau khi ra trường đi làm được vài năm trong ngành công nghệ tin học (IT), công ty chuyển tôi về làm việc tại thành phố gần nơi anh sinh sống. Tại đây tôi biết anh qua tên thật...làm cùng nghề dù anh lớn hơn gần một thế hệ. Thỉnh thoảng đi tham dự hội nghị chuyên ngành, tôi gặp anh, bắt tay, chào anh bằng tên thật, trò chuyện đôi câu như người em thăm hỏi người anh.


Trong các cây đại thụ Việt Nam, có lẽ anh là người tạo cho mình một nghề nghiệp vững chắc không phải là âm nhạc. Nói theo dân gian, anh là người “có thực mới vực được nhạc”. Trước 1975, bên cạnh việc sáng tác, anh theo học tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn, làm kiểm soát không lưu (air traffic controller) tại phi trường Tân Sơn Nhất. Năm 1978 sau khi ra nước ngoài, bắt đầu lại từ đầu, anh tốt nghiệp kỹ sư khoa học điện toán (BS Computer Science). Đây là một ngành tương đối khô khan khó học thời bấy giờ. Ngay cả tôi, trẻ trung, tuổi đời chưa tới 20 nhưng phải vật vã, thức nhiều đêm dài nặn logic viết mệnh lệnh cho máy điện toán xử lý tư liệu. Thời tôi theo học ngành này, gần một nửa sinh viên Mỹ phải bỏ cuộc giữa đường. Thế nhưng một người có tâm hồn viết những giòng nhạc đài các lãng mạn ở tuổi trên 30 như anh, vừa ra nước ngoài với bao trở ngại ngôn ngữ lại vượt qua được khó khăn này.


Nhạc của anh so với nghề nghiệp vô cùng khác biệt như đường với muối, nước với lửa. Có lần gặp anh tại hội nghị, tôi hỏi đùa: - gỏ bàn phím máy tinh cho ra program mới (software-nhu liệu) và gỏ dương cầm cho ra nhạc phẩm mới, anh gỏ cái nào nhanh hơn?


Anh mỉm cười nửa đùa, nửa bí ẩn: - Cái này thì máy tính nó mới biết được, mà máy tính nó lại không nói cho người biết. 


Tôi thật sự biết anh nhiều hơn, thân hơn vào khoảng năm 1989-1994. Dạo ấy anh thường tham dự khoá lễ hằng tuần tại ngôi chùa vừa được thành lập gần nơi cư ngụ. Anh thích ngồi phía sau, lặng lẽ thiền, tụng kinh niệm Phật theo sự hướng dẫn của qúy sư. Những lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, anh ở lại quay quần dùng cơm chung với Phật tử. Dẫu biết là nhạc sĩ tên tuổi nhưng mọi người luôn đối xử anh như một Phật tử bình thường vì biết anh mong được như thế. Anh rất thân thiện, tự nhiên, có bề ngoài vừa trí thức dễ mến vừa nghệ sĩ khiêm nhường từ tốn. Phong cách anh có thể nói rằng không khác mấy với giòng nhạc Ngô Thụy Miên: cổ kính, lãng mạn, uyên thâm, thi vị.


Thưở ấy tôi được sư trụ trì giao phụ trách sinh hoạt tuổi trẻ, trong đó có phần văn nghệ trình diễn trong dịp lễ. Sư trụ trì thường tâm sự trong các buổi tu học hằng tuần: - Thầy ước ao cải thiện buổi lễ Phật, trẻ trung hoá Phật Giáo để lớp trẻ có thể tham dự dễ dàng hơn, hiểu đạo hơn. 


Vài tuần sau, một trưa chủ nhật mùa xuân năm 1991, anh cầm cuộn giấy tròn gặp tôi tại chùa, giọng bắc, trầm, chậm: - Mấy hôm rồi anh có phổ ba bài nhạc như lời thầy tâm sự. Em áp dụng được gì thì cứ tự nhiên.


Tôi nhận cuốn giấy nhỏ trên tay, từ tốn mở ra. Ba bài nhạc được ghi nốt, lời nhạc bằng nét chữ viết tay của anh. Tôi ngạc nhiên: - Đây là bản chính mà anh? Để em photo rồi trả lại. Em không dám giữ bản gốc đâu.


Anh cười hiền từ: - có sao đâu, em cứ giữ đi. 

Ba bài nhạc đó, tôi photo ra nhiều bản, trả lại anh bản gốc. Vài tháng sau, anh đưa bản in có nốt nhạc lời nhạc rõ ràng hơn, kèm theo băng cassette:

- Anh có nhờ người thân hát tạm cho tụi em dễ hát theo. 

Tôi cảm động, bối rối: - anh tốn công quá. Em sẽ ráng hết sức nhưng sợ khả năng hạn hẹp của em không xứng với tấm lòng của anh. 

Anh chân tình: - Có sao đâu, đừng ngại gì hết. Anh đóng góp chút ít. Tập được thì tập, không cũng chẳng sao.

Từ năm 1991 đến 1994, tôi gởi ba bản Phật ca đến nhiều chùa, có in trên một số báo Phật Giáo hải ngoại. Bài Sám Hối Phát Nguyện và bài Cúng Hương Tán Phật được chúng tôi hát trong các buổi lễ dành riêng cho giới trẻ. Đây là hai bài kinh nhật tụng mà người đi chùa luôn tụng bằng chuông mõ khi dự các khoá lễ. Âm điệu hai bài được phổ rất trang nghiêm thánh thiện. Khi hát chúng tôi dễ dàng diễn đạt trọn vẹn lòng thành, cảm nhận thân tâm như kết nối cùng chư Phật. Riêng bài Em Đi Lễ Chùa được chúng tôi trình bày trong các chương trình văn nghệ Phật Đản, Vu Lan. Dạo ấy một số Phật tử trẻ tại các thành phố lớn cũng hát những bài này. Tuy nhiên trong môi trường hải ngoại, kẻ đi người đến, nhất là nhạc Phật giáo hầu như không được ca sĩ tên tuổI làm dĩa, nên ba bài Phật ca của anh dần dần đi vào quên lãng...

Những năm sau này tôi có ý định giới thiệu 3 bản Phật Ca đến người trong nước, tuy nhiên mãi gần đây mới đủ duyên lành tiếp cận qúy tu sĩ và Phật tử trẻ làm việc trong lãnh vưc văn hoá Phật Giáo. Tôi trình bày anh ý định của mình và được anh nhắc đến kỷ niệm xưa trong đó có đoạn: 

“Đây là những đóng góp nhỏ nhoi của anh vào vườn hoa Phật ca của chúng ta, và dĩ nhiên quý vị Phật tử có thể tự do phổ biến. Anh phải cám ơn những công đức này.”
Đêm nay ngồi chuyển MP3 từ băng cassette ngày nào và in 3 bài nhạc để anh ký như một lưu niệm trước khi tôi gởi về bên nhà. Cuốn băng nằm im đã quá lâu, nhão, dính chặt, máy không kéo được. Vừa niệm Phật vừa dùng bút chì xoay băng cho lỏng, tôi nguyện cầu cuốn băng đừng đứt, đừng hư. Cuối cùng lời nhạc từ máy cassette vang vọng giữa đêm khuya. Diệu kỳ thay! qúy báu thay! âm thanh chuyển tải diễn đạt được cả dấu ấn thời gian xa xưa. Tôi thấy mình hoà nhập cùng lời kinh trong tiếng dương cầm anh đệm nhẹ nhàng thanh tao. 

Sau 20 năm chìm vào quên lãng, ba bản Phật ca của người nhạc sĩ tài hoa bắt đầu hành trình mới mà tôi tin rằng sẽ vươn mầm tươi tốt nơi đất Việt mến yêu.


Nghe Sám Hối Phát Nguyện bằng MP3
hoặc xem trên Youtube: 

Nghe Cúng Hương Tán Phật bằng MP3
hoặc xem trên Youtube: 

Nghe Em Đi Lễ Chùa bằng MP3
hơặc xem trên Youtube: 




Huyền Lam

1 tháng 2 năm 2013











Góc Trời Ngô Thụy Miên

Nguyễn Đình Toàn



Có lẽ trong số các nhạc sĩ sáng tác của chúng ta, kể từ khoảng 73, 74 tới nay, Ngô Thụy Miên là một trong những người có sức sáng tác đều đặn nhất. 

Tặng hoa để tạ ơn Ngô Thụy Miên, hiển nhiên, số bạn trẻ là đông nhất. Bởi vì, ngay từ những tác phẩm đầu tay, cho đến những sáng tác gần đây nhất, Ngô Thụy Miên không viết gì khác ngoài tình ca. Mấy bài hát trình làng của Ngô Thụy Miên đều phổ từ thơ Nguyên Sa: Áo Lụa Hà Ðông và Tuổi 13. Thơ Nguyên Sa đã như một làn gió thổi vào thi ca của chúng ta một thời. Từ ý tứ đến ngôn ngữ ông đã làm cho thơ tình Việt Nam trẻ trung ra và nồng nàn thêm. Trong thơ Nguyên Sa, tuổi trẻ Việt Nam như vừa có thêm một bộ mặt mới, một cách thế yêu đương mới. Nói rõ hơn, có lẽ phải bảo rằng, qua thơ Nguyên Sa, và thêm Hoàng Anh Tuấn nữa, người ta thấy, dường như tuổi trẻ Việt Nam có thêm một cách bầy tỏ tình yêu mới, khác với Xuân Diệu, khác với Huy Cận. Tiếc một điều, các nhạc sĩ mới chỉ phổ nhạc những bài thơ vần điệu của Nguyên Sa mà thôi. Chưa ai phổ nhạc những bài thơ tự do, thơ xuôi của ông. Nếu Ngô Thụy Miên thử làm công việc này, có thể ông sẽ có thêm một số ca khúc được tuổi trẻ hoan nghênh nữa không chừng.

Nhạc sĩ Phạm Duy với một số lượng tác phẩm đồ sộ như thế, mà đã có lần tỏ ý tiếc là ông đã không viết nhiều về tình ca hơn. Riêng Ngô Thụy Miên hẳn không có gì phải luyến tiếc về điều này. Có thể có người sẽ trách cứ ông về điều khác, chẳng hạn ông đã quá thờ ơ với cuộc sống chăng? Nhưng giả thử ông không viết được, hay không muốn viết gì khác ngoài tình ca thì sao? Một cây bông hồng không thể trổ ra một bông cẩm chướng, lẽ tự nhiên là như vậy.

Chúng ta hãy cứ nghe tình ca của Ngô Thụy Miên. Ðiều đáng nói là liệu Ngô Thụy Miên, bằng nhạc của mình, có nói đúng tiếng lòng của những người lứa tuổi với ông chăng? Quan trọng hơn, những lớp trẻ đến sau ông và hiện nay, có vẫn còn tìm thấy sự đồng điệu với nhạc của Ngô Thụy Miên chăng? Ðức Huy chẳng hạn, viết nhạc tình, có gần với tuổi trẻ hơn Ngô Thụy Miên không?

Những câu hỏi được đặt ra ấy, liên quan tới giá trị và sự bền vững của nhạc Ngô Thụy Miên với thời gian. Hơn 30 năm qua, nhạc của ông vẫn được hát. Có thể nói tất cả các ca sĩ danh tiếng nhất của chúng ta ở hải ngoại hiện thời, đều có hát nhạc của Ngô Thụy Miên.

Và ngay ở trong nước, hiện nay, đêm đêm, tại các tụ điểm ca nhạc, các quán cà phê có chương trình nhạc sống, nhạc của Ngô Thụy Miên cũng đang được hát rất nhiều. Hiển nhiên, sự kiện phải được coi như là Ngô Thụy Miên vẫn tiếp tục gặt hái những thành công.

Có những bài hát được hát nhiều quá cũng khiến người ta sợ. Bởi nó giống như sự cạn kiệt. Nhất là khi người ta lại không còn gì khác để nghe. Cả cái hay lẫn cái dở hình như đều chất chứa nỗi bi thương.

Chúng ta có đang ở trong một thời kỳ như thế chăng? Mong rằng không.

Bởi nếu đúng như thế thì đây là một thời kỳ buồn nhất trong lịch sử âm nhạc của chúng ta.
Ai muốn nói gì thì nói.
Ai muốn làm gì thì làm.
Và điều ấy, cùng một lúc, lại cũng có nghĩa là, có những người không thể nói, không thể làm gì cả.

Phê bình thơ Xuân Diệu xưa, có người bảo rằng, cho dù ai nói gì chăng nữa. Xuân Diệu vẫn có thể tự hào: "Ðã có tuổi trẻ yêu tôi".
Ðúng quá đi chứ!
Chỉ có điều tuổi trẻ qua rất mau thôi.

Thơ phổ nhạc thường có hiện tượng: được một ca khúc hay lại mất đi một bài thơ. Bởi vì, những bài thơ đã được phổ nhạc khó còn được đọc như một bài thơ nguyên vẹn. Nó không hẳn đã biến thành lời ca của bài hát đâu, nhưng cũng không dễ gì tách nó ra được, lấy lại vị thế độc lập cũ.

Thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên có ở trong trường hợp ấy không?
Hay chính thơ Nguyên Sa đã giới hạn thế giới nhạc của Ngô Thụy Miên? Có lẽ không phải như vậy.
Bởi vì, trong những ca khúc mà Ngô Thụy Miên viết cả lời ca, ông đã cho người ta thấy, ông đã mở những cánh cửa thế giới riêng của mình.
Ngô Thụy Miên đang ở độ chín để sáng tác. Hy vọng ông sẽ còn mang đến cho người nghe nhiều ca khúc mới, lạ khác nữa.
Phổ thơ Nguyên Sa là một giai đoạn.
Ngô Thụy Miên vẫn còn có thể tiếp tục làm công việc này, nếu ông còn tìm thấy sự đồng điệu trong những bài thơ khác của Nguyên Sa. Kosma phổ rất nhiều thơ của Prévert. Nhưng Kosma vẫn cứ là Kosma và Prévert vẫn cứ là Prévert, nếu không muốn nói đó là một cuộc hôn phối tuyệt đẹp giữa thơ và nhạc.
Khi chìm đắm vào thế giới riêng của mình như trong bài Từ Giọng Hát Em, nhạc Ngô Thụy Miên bay lượn thoải mái.
Ông được tuổi trẻ yêu mến cũng phải thôi.
Bảo rằng tuổi trẻ qua mau ư?
Tuổi già nào có khác gì?

Nguyễn Ðình Toàn




















"Xin được một lần gửi lòng biết ơn đến bố mẹ, gửi lời cám ơn đến tất cả anh em, bạn bè thân hữu, cùng các anh chị em ca nhạc sĩ, các trung tâm băng nhạc đặc biệt là trung tâm Thúy Nga, và quý vị thính giả khắp nơi đã yêu mến và ủng hộ tình ca Ngô Thụy Miên từ nhiều năm nay... 


...Tôi lớn lên giữa sách vở, thơ văn và âm nhạc. Mặc dù trưởng thành trong chiến tranh nhưng kể từ khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã tự chọn cho mình con đường Tình Ca... 


...Tôi chỉ là một người viết Tình Ca. Trong những tháng năm sắp tới, chỉ mong được sống, thở bằng trái tim và âm nhạc, để có thể tiếp tục gửi đến cho người, cho đời những rung động, những tình cảm riêng tư của mình... 


...Với tôi âm nhạc cũng như đời sống đều thay đổi theo thời gian và không gian. Sống ở quê nhà với những thân yêu quanh mình, với những lụa là mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều… tất cả đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng, dịu dàng. Ở đây người ta thật vội vã, thật xa lạ… Những thành phố, nhà cửa thật to lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo. Ngày tháng bên này đã để lại trong âm nhạc của tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình... 


...Tôi không viết nhạc để sống mà sống để viết nhạc. Từ những ngày tháng đầu tiên, âm nhạc với tôi là một phương tiện để chia xẻ những tâm tư, tình cảm riêng của mình đến với những người tôi yêu quý, nói rõ hơn là những người đã đi qua đời tôi, hay đang chia xẻ với tôi những thăng trầm của cuộc sống. Ðôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi. Ðời đã nghe , người đã hiểu. Nhưng khi ý nhạc hay lời ca đến thì lại ngồi xuống phím đàn. Chỉ mong là khi nào trái tim còn rung động thì vẫn còn tiếp tục viết, dù có thể chỉ để riêng cho mình thôi..." 


Ngô Thụy Miên 











Trở về











MDTG là một webblog Mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.