Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Thanh Tinh (1911 - 1988
















Thanh Tịnh
(1911-1988)
Hưởng thọ 77 tuổi
tên thật: Trần Văn Ninh
(6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh)
bút danh khác: 
Thinh Không, Pathé, Thanh Thanh, Trinh Thuần.

Nhà thơ, nhà văn








Thân thế và sự nghiệp

Ông sinh ngày 12/12/1911 tại xóm Gia Lạc,ven sông Hương, ngoại ô Huế.

Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học (trường Đông Ba) và trung học (trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo) ở Huế.

Đỗ bằng Thành chung, năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa...Sáng tác đầu tay của ông là truyện "Cha làm trâu, con làm ngựa" đăng trên Thần kinh tạp chí (1934).

Năm 1936, Thanh Tịnh cho xuất bản tập thơ Hận chiến trường.

Năm 1941, ông và hai bài thơ của ông ("Mòn mỏi" và "Tơ trời với tơ lòng") được Hoài Thanh- Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (1942).

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Thanh Tịnh làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.

Năm 1948, ông gia nhập bộ đội. Sau đó, ông tham gia phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1945, ông tham gia phụ trách rồi làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Về sau, ông thôi làm lãnh đạo, để chuyên sáng tác.

Năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), và trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội khóa I, II.

Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và mang cấp bậc Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam trước khi nghỉ hưu.

Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội. Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế.






Tác phẩm






Trước 1945




Hận chiến trường
(thơ, 1937)



Quê mẹ
(truyện ngắn, 1941)



Chị và em
(truyện ngắn, 1942)



Con so về nhà mẹ 

(truyện ngắn, 1943). 

Viết tặng hương hồn Thạch Lam. In trong tập Giai phẩm của Đời Nay năm 1943.







Ngậm ngải tìm trầm 
(truyện ngắn, 1943)










Sau 1945





Sức mồ hôi
(thơ và ca dao, 1954)



Những giọt nước biển
(tập truyện ngắn, 1956)



Đi từ giữa mùa sen
(truyện thơ, 1973)



Thơ ca
(thơ, 1980)



Thanh Tịnh đời và văn
(1996)














Tặng thưởng



Nhà thơ Thanh Tịnh đã được tặng thưởng:

Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952) cho những bài độc tấu xuất sắc.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2007.

Ngoài ra, ông còn là người chiếm giải nhất (bài Lời cuối cùng) đồng hạng với nhà thơ Phạm Đình Bách trong cuộc thi thơ tháng Hai do báo Hà Nội báo tổ chức năm 1936.




Nhận xét

Khi đi học, Thanh Tịnh ham thích văn chương. Hai nhà văn Pháp là Alphonse Daudet và Guy de Maupassant có ảnh hưởng không nhỏ đến văn phong của Thanh Tịnh sau này. Tuy nhiên, ông không thành công trong lĩnh vực viết truyện dài (Xuân và sinh, 1944), nhưng được người đọc yêu mến qua thơ và truyện ngắn. Trước 1945, thơ ông mang phong cách lãng mạn đậm nét. Trong những bài tiêu biểu như Tơ trời với tơ lòng, Vì đàn câm tiếng, Muôn bến, Rồi một hôm...đều mượt mà, tinh tế, hàm súc nhưng hơi buồn và in rõ dấu ấn bâng khuâng, thơ mộng của truyền thống văn hóa, tinh thần xứ Huế. Trong các tập truyện ngắn Quê mẹ (1941), Chị và em (1942), Ngậm ngải tìm trầm (1943) đều có nhiều truyện đẹp, trong sáng và gợi cảm.

Sau 1945, trong kháng chiến, Thanh Tịnh đã khai sinh ra hình thức độc tấu. Nó thường là một bài văn ngắn, có tính chất tự sự, hoặc là đề cập đến những vấn đề thời sự và xã hội. Ngôn ngữ của tấu thường giản dị pha chút dí dỏm. Cách diễn đạt thường là nói, ngâm hay hát hò chỉ là phụ... Thơ trữ tình của Thanh Tinh từ 1945 trở về sau, nhìn chung không nổi bật. Ông viết thiếu lắng đọng, thiếu tinh tế, trừ một số bài viết theo phong cách lãng mạn mà ông đã thành công trước đây...










Thơ Thanh Tịnh











Cô láng giềng tôi

Cô láng giềng tôi đẹp mặn mà, 
Môi hồng luôn điểm nụ cười hoa 
Gặp tôi qua ngõ thì cô đã 
thỏ thẻ: "Mời anh ghé lại nhà." 

Bên đường tôi ngắt cánh hoa lê 
Bỗng gặp cô em gánh gạo về. 
Trên gạo cô mời tôi đến để: 
Thúng này sách vở, thúng này... lê. 

Tôi si giọng hát của cô em 
Trong trẻo, thơ ngây giọng rĩ rền. 
Gấp sách tôi ngồi vơ vẩn mộng 
Giật mình canh vạc đã kêu đêm. 

Một hôm tôi viết bức thư tình 
Tạm biệt cô em đến Đế kinh. 
Đôi má ửng hồng cô đến nói, 
Nói hoài chỉ được: "Em yêu anh". 

...Về nhà độ ấy nhãn còn non 
Cách mặt cô em mấy hạ tròn. 
Thổn thức bên nhà hơi hát nhẹ 
Nhẹ nhàng mới biết hát ... ru con.

Nguồn: Hà Nội báo, số 17 ngày 29–4–1936





Chiều về

Chiều về trên cỏ non thu, 
Trăng ve nắng nhạt sầu ru lá vàng. 
Hồ sâu chan chứa lệ ngàn, 
Nai con lạ núi muôn vàn bơ vơ. 
Chân mây mở rộng đợi chờ, 
Chim nương cánh gió làm thơ lạc vần. 
Một hai sao nở dần dần, 
Ngày đi lặng lẽ đêm gần gần đây. 
Bàng hoàng gió gạt hương cây, 
Đêm mông lung rộng trăng mây kín trời.

Nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu, 2000





Gặp gỡ

Người cũ đây rồi bạn cũ đây 
Cầm tay lại nói chuyện chia tay 
Ba mươi năm chẵn xa lâu nhỉ? 
Mà tưởng cách nhau mới mấy ngày 

Giòng giòng kỷ niệm tuôn xuôi ngược 
Lẫn lộn vui buồn dệt ngổn ngang 
Cũng quên khóc trước hay cười trước 
Chỉ nhớ bên song nắng trải vàng 

Chuyện dài chưa dứt bỗng ngồi yên 
Biết nói làm sao hết nỗi niềm 
Tóc bạc ngỡ ngàng hai mái tựa 
Thẹn thùng như buổi gặp đầu tiên

Tháng 5.1975 
Nguồn: Chuyện tình & thơ tình xứ Huế, NXB Thuận Hoá, 1998.




Giọt mồ hôi

Mồ hôi mà đổ xuống đồng 
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương 
Mồ hôi mà đổ xuống vườn 
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm 
Mồ hôi mà đổ xuống đầm 
Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên 
Mồ hôi xuống, cây mọc lên 
Ăn no đánh thắng, dân yên nước giàu. 

(Mồ hôi đổ xuống hoa màu 
Chặn tay thằng Mỹ, dúi đầu thằng Tây 
Ai ơi ra sức cấy cày 
Thêm giờ lao động, bớt ngày lao đao.)

Phần đầu của bài thơ này được in trong sách giáo khoa tập đọc lớp 2 (bộ cũ).




Hoa giấy và hoa đồng quê

Ngượng như thôn nữ mới lên Kinh 
Như quả tim non đượm máu tình, 
Ngơ ngác cô nhìn xem lặng lẽ 
Muôn nghìn vẻ lạ sắc tươi xinh. 

Cô đem so sánh vẻ cao sâu, 
Của chốn phồn hoa với ruộng bầu 
Như cảnh muôn màu cô ví với 
Sắc đồng lúa chín nước ao thâu. 

Bên hồ trong biếc nước phun rơi 
Những gái thần kinh ghé lại ngồi, 
Vui vẽ cùng nhau thi rẽ tóc 
Đếm màn hoa giấy quyến hoa khôi. 

Bất giác cô em cũng chạnh lòng 
Đưa tay nhẹ rẽ mớ tơ xuân 
Mớ tơ ngày tháng sương trời điểm 
Buồn để cô em lụy nhỏ dòng.

Nguồn: Hà Nội báo số 13, 1-4-36




Lời cuối cùng

Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi: 
Mẹ ở đâu? con biết nói sao? 
Con hãy bảo: trông cha mòn mỏi 
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau. 

II 
Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ? 
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao? 
Con lặng chỉ bình hương khói rẽ. 
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao! 

III 
Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ 
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng? 
Con sẽ chỉ một cây đào nhỏ 
Bên cây tùng, rồi đứng lặng yên. 

IV 
Còn mồ mẹ, nếu cha muốn biết, 
Phải hướng nào, con nói cùng cha? 
Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc 
Và bên trời chỉ nội cỏ xa!

Tiêu đề bài thơ này trước đây một số sách báo ghi là Rồi một hôm. Bài thơ được phóng tác từ bài Et s'il revenait un jour của Maurice Maeterlinck (Bỉ), và đã từng chiếm giải nhất đồng hạng với bài Từ đấy của Phạm Đình Bách trong cuộc thi thơ tháng 2-1936 do Hà Nội báo tổ chức. 

Nguồn: Hà Nội báo, số 5 ngày 5-2-1936






Mòn mỏi

- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ 
Tìm thử chân mây khói toả mờ 
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi 
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ 

- Xa nhìn bên cõi trời mây 
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn. 

- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo, 
Có phải chăng em ngựa xuống đèo? 
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi 
Trên mình ngựa hí lạc vang reo. 

- Bên rừng ngọn gió rung cây, 
Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương. 

- Tên chị ai gieo giữa gió chiều, 
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu? 
Trên dòng sông lặng em nhìn thư? 
Có phải chăng người của chị yêu? 

- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan, 
Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông... 
Ô kìa! Bên cõi trời đông 
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa 

- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn 
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in? 
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống, 
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm. 

- Ngựa hồng đã đến bên yên, 
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên... vắng người.
Đăng trên báo Tinh hoa. 

Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007






Muôn bến

Sóng lụa đưa thuyền đỗ bến mơ, 
Trời dồn nẻo khuất khách bơ vơ. 
Thuyền trôi muôn bến tình quay lái, 
Khách vọng chờ xa một bến bờ. 

Miệt mài thuyền chảy nối mênh mông 
Rủ nắng thu tơ dính cạnh lòng. 
Khách lặng quay nhìn muôn bến khuất 
Tiếc thầm như gió quyện trời không? 

Thuyền trôi không bến tiếng không vang, 
Đời chảy quen sông đỡ lạ ngàn. 
Nhưng một chiều thu thuyền bỗng đỗ 
Bên bờ sông trắng gió lan man. 

Khách ghé nhưng lòng chẳng ghé theo 
Buồn vương trong bước nước sông reo. 
Chiều đưa tiếng gọi giang hồ vẳng 
Khách trở về sông lặng thả chèo.

Nguồn: Ngày nay, số 22 ngày 17-8-1940





Nhớ Huế quê tôi

Sông núi vươn dài tiếp núi sông 
Cò bay thẳng cánh nối đồng không 
Có người bảo Huế xa, xa lắm 
Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng. 

Mười một năm trời mang Huế theo 
Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo 
Giọng hò mái đẩy vờn mây núi 
Man mát sông Hương lướt đỉnh đèo 

Tôi gặp bao người xứ Huế xa 
Đèn khuya thức mãi chí xông pha 
Mở đường giải phóng về quê mẹ 
Dựng khắp non sông bóng xóm nhà 

Có bao người Huế không về nữa. 
Gửi đá ven rừng chép chiến công 
Có mồ liệt sỹ nâng lòng đất. 
Buồm phá Tam Giang gió thổi lồng. 

Nặng trĩu trăm năm bóng cổ thành 
Bao lần máu đỏ nhuộm đồng xanh 
Cờ sao ngày ấy buồn cung cấm 
Sông nước xôn xao núi chuyển mình 

Bao độ thu về, thu lại qua 
Huế tôi thăm thẳm nhớ con xa 
Mỗi lần phượng nở rung màu đỏ 
Càng giục canh sương rộn tiếng gà.





(Gởi, MC. Hà Nội) 

Nương tử ơi!Ta tìm gì được 
Bóng vô tình trên nét tiên nga. 
Hay lời thừa trong giọng trầm ca 
Để quên nỗi nhớ thương ngày trước 

Nương tử ơi! Ta mong tìm mãi 
Vẻ bơ phờ trên dáng diệu tiên. 
Để lừa ta sắc đẹp u huyền 
Mà buổi ấy lòng ta tê tái 

Nương tử ơi! Sắc trang kiều mỹ, 
Tìm đâu ra vẻ úa minh hoa; 
Nét thô sơ của sắc đậm đà 
Mà ta muốn tầm thường vô vị. 

Ác thật! nàng ơi! ta ác thật! 
Vì quá ưa nàng kém vẻ xuân 
Và luôn phai những nét sắc thần 
Mà lắm phút ta quên trời đất. 

Là vì, nàng ơi ta muốn dối 
Mảnh u tình tha thiết của ta. 
Nhưng vết trần đâu bợn huyền nga 
Nét thường tụ, mà mong an ủi.

Nguồn: Hà Nội báo, số 20 ngày 20-5-1936





Tiếng gọi của đồng quê

Đạm đạm trường giang thuỷ, 
Du du viễn khách tình. 
Lạc hoa tương dữ hận, 
Đáo địa nhất vô thanh. 
(Thơ xưa) 

Còn khổ gì hơn lúc xế chiều, 
Em không trông thấy bóng người yêu. 
Mơ màng em đợi tình quân gọi, 
Khắc khoải bên đồng tiếng dế kêu. 

Dế kêu ran tận chân trời, 
Thương anh, em gọi nhưng lời không đi. 
Phương em đứng ngóng phương gì? 
Mà chiều tháng trước anh đi không về. 

Mưa phùn tháng trước khắp vùng quê, 
Quảy gánh em không quản nặng nề. 
Đưa tận bến thuyền em trở bước, 
Đau lòng em ngắm cánh buồm lê. 

Buồm lê trắng xóa phương ngàn, 
Chập chờn khi hiện khi tàng trong sương. 
Thuyền anh theo nước dòng Hương, 
Bơ vơ nội cỏ rừng dương, em về. 

Em về nhằm buổi tối mù đen, 
Leo lét hai bên ánh sáng đèn. 
Cuối xóm em nghe chồng cợt vợ, 
Nhà em thui thủi một mình em. 

Một mình em chuyển xe tơ, 
Gió lòn khe cửa anh mơ anh về. 
Ngoài hiên mưa gió dầm dề, 
Buồn ôm gối lạnh em kê má hồng. 

Rồi đêm ấy qua, đêm khác qua, 
Bao nhiêu đêm lặng bấy đêm mà. 
Bên thềm trăng giãi sương rơi lạnh, 
Mãi nhắc em hay anh vắng nhà...

Nguồn: 
1. Hà Nội báo, số 15 ngày 15-4-1936 
2. Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu, 2000





Tơ trời với tơ lòng

Còn nhớ hôm xưa độ tháng này 
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây. 
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm 
Một đoạn tơ trời lững thững bay. 

Tơ trời theo gió vướng mình ta, 
Mỗi khắc bên nàng nhẹ bỏ qua. 
Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm, 
Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa. 

Tìm dấu hoa xưa giữa cánh đồng. 
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông. 
Tơ trời lơ lững vươn mình uốn 
Đến nối duyên mình với... cõi không.
Đăng trên báo Phong hoá. 

Nguồn: 
1. Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968, tr. 416 
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007





Vàng, máu

Nào những buổi bình minh nắng gội 
Tắm gốc rừng run rẩy dưới sương mai. 
Thì giữa ngàn cây thác đổ rền tai 
Vài cô gái trần truồng bì bõm lội. 

Mấy cô đãi vàng trên dòng thác 
Giữa voi gầm, gió hú, hổ rình xa 
Và giữa ngàn linh, rừng thẳm bao la 
Đàn trăn lục lươm mồi trên nước bạc. 

Nước lay đá, hâm hùng như say phản 
Chần các cô bên mỏm đá nhám xanh, 
Đoạn cúi lôi theo theo gậm núi loanh quanh 
Vung máu nhuộm hang sâu màu đỏ loãng! 

Trong lúc ấy các ngai vàng chói lọi 
Bốn phương trời rạng rỡ ánh kim thoa 
Buổi tiệc đêm trong điện các hương pha 
Nghìn thanh nữ đầy thân vàng loáng ngợi … 

Hay thiếu phụ cõng con trên lưng nặng 
Đãi cát vàng bên hốc núi cheo leo 
Thấy vàng trôi, nàng hớn hở với theo 
Vô ý ngã, con rơi, dòng lôi thẳng. 

Nàng hốt hoảng đuổi vàng theo con dại 
Thì bên chân vàng đứng, xoáy không trôi 
Cúi lượm lên, nàng bỗng ngã: con ôi! 
Nước lùa mẹ theo con, dòng thác chảy. 

Trong lúc ấy các ngai vàng chói lọi. 
Bốn phương trời rạng rỡ ánh kim thoa. 
Buổi tiệc đêm trong điện các hương pha 
Nghìn thanh nữ đầy thân vàng loáng ngợi...

Nguồn: Hà Nội báo, số 27 ngày 8-7-1936 























TÔI ĐI HỌC
Truyện Ngắn, Thanh Tịnh

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

– Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:

Bài tập viết: Tôi đi học!

Thanh Tịnh





















Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.