Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Nguyễn Hưng Trinh





Nguyễn Hưng Trinh
(1954 - .......) Quảng Nam

Họa sĩ











Có mười ngón tay
nhưng có một ngón trỏ
đã đồng hành với tôi
trên con đường sáng tạo nghệ thuật .

SG 2/7/2020









Họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh
Sinh tại Quảng Nam. Hiện đang sống tại quận 7, TP HCM


Các cuộc triển lãm chính từ năm 2000 đến nay:

Tháng 1, 2000: Triển lãm “Time of Human Being 1” tại khách sạn Hoàng Hậu, Dalat, Việt Nam.

Tháng 6, 2001: Triển lãm “Time of Human Being 2” tại phòng tranh Bích Câu, TP HCM, Việt Nam.

Tháng 1, 2002: Triển lãm “Timeless Refrain” tại Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney, Australia.

Tháng 2 và 3, 2002: Triển lãm “At the Corner” tại phòng tranh Gabriel, Melbourne, Australia.

Tháng 6, 2002: Triển lãm “Time of Human Being 3” tại phòng tranh Tự Do, TP HCM, Việt Nam.

Tháng 11, 2004: Triển lãm “Modern Art Talks Vietnamese” tại Stuttgart, Germany.

Tháng 7, 2006: Triển lãm “Recent Works” tại phòng tranh Tự Do, TP HCM, Việt Nam.

Tháng 1, 2007: Triển lãm “Myth Day” tại Saigon-USA, California, USA.

Tháng 3, 2010: Triển lãm “Thời gian của người 4” tại Hội Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh.

Tháng 4, 2013: Triển lãm “Điệp khúc phi thời 2” tại Saigon Open City (S.O.C), TP HCM.






“Tác phẩm của tôi trước hết là một hành trình đi vào nội tâm.


Tôi không thích vẽ hiện thực, bất kể là hiên thực gì. Những gì tôi thích làm hơn, bằng tác phẩm nghệ thuật của tôi, là tìm kiếm cái gì đó tôi thoáng gặp trong một giấc mơ hay những gì tôi thoáng thấy trong một góc khuất của trái tim tôi. Tôi cố gắng vẽ, theo sự thúc đẩy của trực giác, một cảm giác trữ tình hoặc một ý nghĩ siêu hình. Với tôi, vẽ là đuổi bát một cái gì không những mong manh, mà còn chưa từng được biết. Tôi chỉ ý thức về những gì tôi làm khi tôi đã kết thúc nó. Điều đó có nghĩa là tôi khám phá và sáng tạo tâm hồn tôi cùng một lúc. Dường như tôi sẽ không có tâm hồn nếu không có hội họa. Tôi nhận ra hữu thể sâu kín nhất của tôi qua những màu sắc và hình ảnh trên vải bố. Bắt chước câu nói nổi tiếng của Descartes, tôi muốn nói: “Tôi vẽ, vậy tôi hiện hữu”.



Cuộc hành trình đi vào nội tâm, do đó, cũng là một cuộc hành trình đi ra ngoại giới.”
















Nguyễn Hưng Trinh
1976







Tác phẩm

















































































































































































































































































Lý trí là một sự lừa dối



Trao đổi với họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh về Thời gian, con người và góc khuất, trước solo triển lãm ba tháng vòng quanh Úc, theo lời mời chính thức của chính phủ nước này và quỹ Châu Á, diễn ra sau tết âm lịch 2003.

Tại sao lại chọn “Thời gian”?
-Thời gian vừa là một thực tại vừa là một khái niệm – nó diễn tả sự trường cửu và vô thường. Bởi thế, cuộc sống nói chung là một sự tuần tự diễn ra trong thời gian, tranh đấu và lệ thuộc vào thời gian. Với tôi, thời gian vừa là sự chứng nghiệm vừa là sự quan tâm từ bên ngoài, như trên tranh chẳng hạn. Nếu bạn chỉ có một bức thì việc đặt tên cho nó sẽ không quá khó, nhưng khi bạn có một chuỗi dài làm việc với hàng loạt những tác phẩm và hàng loạt các triển lãm, đặt tên sẽ là một khó khăn. Nhưng không phải vì khó khăn mà ta đặt tên dễ dãi, huề vốn như A1, A2, A3, A4,… bởi mỗi bức mang một kinh nghiệm, một tình trạng và đời sống riêng. Tranh của tôi, đó là những mâu thuẫn trong thân phận người như: bình an và bất an, tự do và lệ thuộc, đức tin và hoài nghi, chân lý và giả dối, đám đông và thân phận,… Tìm một cái tên phù hợp sẽ tìm ra thuộc tính của thời gian định mệnh.

Tóm lại, Thời gian là cách gọi trung tính và phổ quát cho các cuộc triển lãm, nó hướng con người nghĩ đến cái đẹp trong hoàn cảnh cụ thể, đào sâu vào trong góc khuất nội tâm, tìm kiếm sự hoàn thiện.

Hướng con người đến cái đẹp, khát khao hoàn thiện và quan trọng hơn, tìm kiếm những sâu kín nội tâm, phải chăng là cách nói “tự nâng mình lên”?
-Có hỏi thì có trả lời, nếu câu hỏi muốn hoạnh họe hoặc nâng người khác lên thì câu trả lời (theo quy luật) cũng phải tương đương như thế.
Trước một câu hỏi tôi nghĩ người được hỏi phải có trách nhiệm trả lời một cách trình tự và rõ ràng. Bởi người sáng tác, dù muốn hay không, cũng bị chi phối từ một lý thuyết nào đó; sự trả lời rành mạch thể hiện ý thức chuyên môn và ý thức làm việc. Sáng tạo là một khả năng, nhưng tác phẩm là kết quả của một quá trình ý thức triệt để.

Ý thức triệt để trong công việc, có khi nào anh thấy tranh mình đã nhạt dần tính bí ẩn, cụ thể so với lần triển lãm đầu tiên?
-Đó là một tất yếu. Triển lãm đầu tiên của tôi là kết quả của một quá trình dài đằng đẵng, cụ thể là 10 năm cầm cọ và gần 40 năm theo đuổi những ám ảnh màu sắc. Trong thời gian đó, tôi đã đốt rất nhiều tranh, bẻ rất nhiều cọ và luôn thấy mình bất lực, bối rối, không biết phải làm gì. Đó là một tâm trạng gần như bị giam hãm, u uất và mất phương hướng; không thoát ra được. Lúc nào tôi cũng quan tâm đến thân phận tha nhân và tự hỏi họ làm gì trong góc khuất của thời gian. Sau triển lãm đầu tiên, thời gian như bị co rút lại, tôi như bị hút vào sáng tác và triển lãm, vì thế tác phẩm đã mất đi sự linh cảm dai dẳng về thời gian và lệ thuộc vào thời gian. Tôi như được chia sẻ, giải tỏa về tâm lý – vì thế, không gian, ý tưởng và hình tướng thoáng, sinh động hơn. Tôi không hiểu tại sao tranh tôi lại êm dịu và ít khốc liệt hơn.

Liệu như thế, tranh có mất đi sức hấp dẫn về phong cách?
-Khi tác phẩm được hoàn tất, sức sống và sinh mệnh của nó lập tức bị tách ra khỏi sự chi phối của tác giả. Cho nên mọi phán quyết của tác giả về tác phẩm của mình đều là một sự sai lầm. Nhiều người nói tranh của tôi đang bị suy giảm tính triết lý (vốn là thế mạnh), không gian thay đổi và phai nhạt những hình tướng ma quái, thần thánh. Có nhiều người khác lại nói nó đang bị sự nhuần nhuyễn, quen tay trong không gian kỹ thuật chi phối, rất dễ bị sa vào sự trang trí cho ý tưởng. Riêng với bản thân, tôi vẫn thấy mình đang vẽ trong cảm xúc, dìu dắt cái trào ra. Còn mọi sự suy giảm hay tăng tiến, dường như nó lại phụ thuộc vào tâm trạng khi cần quan sát.

Phong cách ấy dù muốn hay không, nó vẫn lộ ra và lệ thuộc vào cái nhìn mang mặc cảm Catholic, có khi nào anh muốn chạy trốn điều đó?
-Mỹ cảm của tôi được thiết lập trên nền tảng đức tin, mà cụ thể là một sự khổ nạn của Đức Jesus, có một vài bức thể hiện điều này. Qua mỗi hình tướng, có lúc tôi muốn thể hiện sự bình an, có lúc lại muốn phác họa đời sống tâm linh cao cả và nhục dục trần thế. Còn hỏi, tôi có chạy trốn nó hay không? Tôi trả lời là không. Vì tác phẩm tự thân nó đã mang kinh nghiệm của tư tưởng và văn hóa; chạy trốn văn hóa bản thân là một ảo tưởng. Có một lý do quan trọng hơn, là thời gian sẽ làm thay đổi tất cả. Mọi thứ cứ nên để cho nó diễn ra trong thời gian; vì sáng tạo nói chung và hội họa nói riêng có khi chỉ là một sự tìm kiếm và thay đổi, nó là tương lai mà hiện tại không lường trước được. Chính thế, không thể chạy trốn thực tại và àng không thể dự định cho tương lai một viễn cảnh.

Trước đây chuyên tâm vào màu tối, gần đây có bổ sung thêm những màu sáng (như đỏ) để tạo thêm sự hài hòa… Anh nghĩ gì về sở trường màu sắc?
-Như đã nói, có một quãng thời gian dài tôi cô đơn, tuyệt vọng vì không tìm được đường để đi – rất lâu sau đó và cũng rất tình cờ tôi nhìn thấy một người ăn mày gầy còm đi dưới mưa, một buổi chiều – chính lúc đó tôi mới nghĩ đến sự kéo dài thân thể con người ra, phơi bày nó trong đời sống ngày một vô cảm.
Về ý thức tìm kiếm thì ai mà chẳng có, nhưng nếu không có được cái duyên để khai đúng cái mỏ riêng tư, kích thích sự bùng vỡ và trung thành với chúng… thì không bao giờ tìm được cái gì. Vì vô thức, tiềm thức (phần tối tạo, bên trong của sáng tạo) biến tấu ra hình tướng; nên sáng tạo đơn thuần là những tưởng tượng định mệnh, định mệnh an bài ra tưởng tượng. Nói một cách khác, người nào chịu khai phá và chăm bón nội tâm thì sẽ tạo ra được sở trường. Sở trường là cái không bao giờ bịp bợm được (dù bây giờ lắm kẻ bịp bợm), nó vô hình trong công việc người sáng tác – nó chính là cảm thức.

Ở trên anh có nói, đặt tên cho một bức tranh là một công việc không đơn giản – đã vẽ vài trăm bức, anh đã làm gì với chúng? Có thông tin, anh có nhờ người khác đặt tên, ngay cả bức “Điệp khúc phi thời” treo ở khán phòng tòa thị chính thành phố Liverpool?
-Tôi luôn chú ý là phải mặc một cái áo như thế nào cho phù hợp với nhân cách của tác phẩm; mặc đi mặc lại đến khi nào cảm thấy được mới thôi. Tôi không bao giờ cố gắng tạo ra một cái tên, 
c phẩm mách bảo tôi bằng cảm xúc và trực giác; trực giác cắt đứt mọi thắc mắc khi tác phẩm hoàn thành. Tôi không thích dung lý trí, gần như trong nhiều trường hợp, nhất là đặt tên tranh – vì lý trí là một sự lừa dối, nó chỉ đúng hôm nay chứ chưa chắc đúng ở ngày mai. Lý trí là giả tạo và thức thời.

Tôi cũng có vài bức, hoặc do không kiểm soát nổi, hoặc do tình thâm giao – chia sẻ, tôi đã nhờ những người mình tin tưởng đặt tên.

Một câu hỏi ngoài lề, anh thử nói đôi chút về môi trường mỹ thuật tại Úc – trong 03 tháng thực hiện solo triển lãm lần thứ nhất?
-Tôi chỉ biết Úc qua 02 thành phố là Sydney và Melbourne, vì thế mọi sự nhận xét đều là phiến diện. Đến đó, tôi chỉ đặc biệt chú ý đến hội họa và nghệ thuật thổ dân, nó vô cùng mạnh mẽ và kỳ bí. Những họa sĩ nói chung, họ có chuyên môn và lòng tự trọng – chính họ tạo ra một môi trường chuyên nghiệp. Còn nhà cầm quyền thì hoặc ưu ái hoặc vị kỷ với nghệ thuật, không bao giờ (hoặc rất ít) ưu ái hoặc vị kỷ với lý lịch nhân thân.

Sau 05 triển lãm và ngần ấy năm theo đuổi, anh nghĩ gì về con đường mình đi?
-Sau 20 năm đam mê và tưởng tượng, một ngày nhận ra được ánh sáng trên con đường bao nhiêu năm mờ tối – thật tình, ánh sáng đó mới là sự bắt đầu; nhưng nó như một giấc mơ, sung sướng như một phép lạ.


Lý Đợi thực hiện







Hoàng ngọc Tuấn , Võ quốc Linh , Nguyễn xuân Hoàng , Nguyễn hưng Quốc , Luật sư Tam Nguyen .









MỘT “GÓC KHUẤT” ĐẦY MÊ HOẶC



Đến Australia, triển lãm ở hai thành phố lớn – Sydney và Melbourne – từ 1/1 đến 30/3/2002, theo lời mời của Viện Đại học Victoria, hội họa Nguyễn Hưng Trinh đã thu hút được sự quan tâm của người thưởng ngoạn. Dưới đây chúng tôi trích giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Mark Stevenson, thuộc phân khoa Á châu và quốc tế học, Viện Đại học Victoria (Australia), “cảm nhận” hội họa Nguyễn Hưng Trinh.

Nhiều bức tranh của Trinh đã chọn một điểm nhìn khác hẳn với điểm nhìn dễ dãi thông thường của chúng ta. Di chuyển từ bức này đến bức khác có cảm giác giống như đang cưỡi trên vòng đu quay lắc lư đong đưa trên sân chơi hội chợ. Độ cao và định hướng, chiều sâu và ánh sáng, mọi phương diện đều kéo giãn và xô lệch, thổi căng và chắt lọc. Họa sĩ thực sự cố gắng tìm kiếm những lời giải đáp, và anh làm cho những tấm bố vẽ phải vận động cật lực.

Những câu hỏi. Những câu hỏi vừa to tát vừa gần gũi. Các truyền thống nghệ thuật ở Đông Á có một khuynh hướng lớn là đem những đối cực vào nhau. Đôi khi cuộc truy tầm nhắm đến sự hòa điệu, đôi khi nó lại nhắm đến việc trình bày trung thực những nghịch lý. Trinh đứng ở đầu mút của phía nghịch lý, và những hình tượng của anh diễn tả một cuộc đi dây thăng bằng như trong ác mộng. Qua đó, anh xoay thế giới trên một điểm đứng chênh vênh, đôi khi trên nhiều điểm chênh vênh cùng một lúc. Bởi thế, chúng ta cần phải lưu ý đến cách thức các bức tranh kết hợp nhiều định hướng khác nhau và nhào trộn chúng vào một cái nhìn thuần nhất.

Nếu những bức tranh nhào trộn các định hướng, hoặc kết hợp những không gian và những góc độ, chúng cũng đồng thời đem những biểu tượng đối lập vào nhau. Có nhu tính và cương tính trong những bức tranh này, và đôi khi chúng chia sẻ cùng những mặt phẳng, cùng những hình thái. Theo đó, chất sơn được trét bằng ngón tay và lưỡi dao một cách thích ứng. Cũng có sự hiện diện của nam tính và nữ tính, một cái là bóng tối, cái kia là ánh sáng. Và như ý niệm âm-dương, quý vị sẽ tìm thấy những biểu tượng hình đường cung và hình vuông ở vị trí đối điểm… Một số tác phẩm của Trinh cho thấy một hành trình truy tầm ánh sáng. Đôi khi anh nhìn quanh quất để tìm một khung cửa, những lúc khác anh ôm ấp một ngọn đèn đã tắt - hy vọng một đốm lửa rực lên…

Tôi bị mê hoặc bởi kết cấu bề mặt của những thân xác trong tranh vẽ của Trinh. Thoạt tiên, chúng có vẻ cằn cỗi và cứng ngắc. Hoặc ngay cả trông chúng giống như chất bê tông. Nhưng, cũng thế, khi quan sát kỹ hơn, chúng thể hiện bề mặt bên ngoài lẫn không gian bên trong, hay cảm giác bên trong.

Những hình dạng ấy trông nặng nề và mang tính công nghiệp, nhưng những đường vạch trên bề mặt của chúng thật ra lại phơi mở, như một mạng nhện, làm toát ra cái ấn tượng về một cảnh giới bên trong bằng cách nào đó đã được phóng ngoại.

Đây chỉ là một vài đề nghị về cách khai mở những tấm bố vẽ căng thẳng của Trinh để thực hiện việc diễn dịch. Tôi không dám nói chúng mang ý nghĩa gì. Tuy vậy, tôi tin khi tất cả chúng ta tiếp xúc với tác phẩm của Trinh bằng thái độ đắn đo lưỡng lự bất cứ lúc nào cảm thấy những bức tranh là khó hiểu, chúng ta sẽ bắt gặp những ấn tượng chẳng phải quá nặng nề như chắc đã thoạt cảm nhận từ đầu.

Hoàng Ngọc Tuấn dịch










Tú Trần , Mỹ Hạnh , Nguyễn hưng Trinh , Trịnh thanh Tùng , Nguyễn Viện , Đỗ trung Quân , Bùi quang Ngọc , Mai Gallery . 









Nguyễn Hưng Trinh:

Vẽ hay lột trần tâm cảnh



Chủ đề tranh Nguyễn Hưng Trinh, có thể nói, là những cảm nhận khác nhau về thân phận con người, về đời sống thực tại. Anh tỏ ra nhạy cảm với nỗi đau, những khát vọng của con người đi tìm sự hòa hợp trong cô đơn, tìm vĩnh cửu trong phù du, tìm tự do trong ràng buộc, tìm sự hoàn thiện trong thân phận bất toàn v.v… Hình ảnh con người ở trong tranh Nguyễn Hưng Trinh, từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, đều được trừu tượng hóa cho nội dung biểu hiện, hoặc như những cành cây khô xao xác, xù xì, hoặc như được nặn ra một cách dở dang từ những nắm đất bùn nhễu nhão. Anh dường như luôn luôn vẽ tranh trong tình trạng tinh thần phấn khích cao độ. Anh không vờn màu mà đập màu. Nét bút của anh đầy vẻ xung động, gấp gáp, căng thẳng. Cái tính chất căng thẳng trong tranh anh còn thể hiện rất rõ qua kết cấu bề mặt tác phẩm, lớp màu này chồng lên lớp màu kia, chỗ dày, thô, rắn; chỗ mỏng, mịn, sâu… Anh có một bảng màu đẹp, kết cấu trong từng tác phẩm, tạo thành những không gian luôn luôn gợi ra những cảm xúc khi lạnh lẽo, khi âm u, khi xa xôi, khi rờn rợn ma quái. Tranh anh hoàn toàn không có những yếu tố mang tính chất trang trí thuần túy – những sự thêm vào có ý nghĩa cân bằng thị giác. Tất cả đều nhắm đến sự biểu đạt cảm xúc, tự tưởng. Bố cục tranh anh, do đó, có khi nặng nề, có khi chông chênh, có khi rậm rịt ứ đầy, có khi gợi cảm xúc về sự lạc loài, bơ vơ…

Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Hưng Trinh thực sự đạt đến sự thống nhất ngay từ trong tư duy. Bảng màu, bút pháp của anh rõ ràng là sự lột trần tâm cảnh, thể hiện những cơn co giật của cảm xúc. Ở đây không thể có sự phân chia tách bạch tác phẩm thành cái biểu đạt với cái được biểu đạt, hay tính chất văn học với ngôn ngữ hội họa, v.v… Ý tưởng với hình tượng là một. Hội họa biểu hiện với ngôn ngữ biến hình, cường điệu hóa (đối tượng), thường rất dễ sa vào lối khoa trương hay mang tính hoạt kê… trượt ra ngoài cái “ngưỡng” gọi là đẹp… Hội họa biểu hiện của Nguyễn Hưng Trinh đã tránh xa được sự quá đà đó. Tranh anh mặc dù phát ra những tín hiệu “cảm xúc mạnh, gây ấn tượng tức thời” nhưng vẫn chuyển tải một tinh thần sáng tạo nghiêm trang, sâu lắng. Chỉ cần xem qua một vài tác phẩm của anh, người ta dễ dàng nhận ra điều này – giữa cảm xúc, tư tưởng, đôi mắt với bàn tay có sự liên lạc, cân bằng…

Tôi nghĩ, với tài năng và thái độ lao động nghệ thuật say mê và nghiêm túc như hiện nay, Nguyễn Hưng Trinh sẽ còn đi xa hơn trong nghệ thuật. Đó cũng là lý do khiến tôi mạnh dạn và hào hứng viết bài này.


Nguyên Hưng(In trong cuốn Họa Sĩ – Kẻ Sáng Tạo Nên Mình, nxb Mỹ Thuật, 2002, tr. 191 – 193. Khi in lại, tác giả có thay đổi vài chữ.)





Nguyễn tấn Cương , lý Đợi , Trịnh thanh Tùng , Nguyễn Lâm , Nguyễn hưng Trinh , Mã Lam , Hồ hữu Thủ . 









Thời gian của Người II
Ám ảnh + triết lý


“Thời gian của Người II” của Nguyễn Hưng Trinh, vừa là triết lý vừa là ám ảnh. Điều này biểu hiện rất rõ qua phong cách hội họa của anh. Phong cách dao động (có khi hòa trộn) giữa ngôn ngữ biểu hiện (chủ nghĩa) và tượng trưng (chủ nghĩa). Là biểu hiện khi phơi bày ám ảnh. Là tượng trưng khi triết lý. Sự dao động này dường như mang tính nội tại. Đó là sự dao động (tự nhiên) của tâm lý – đi từ tri giác, trực giác đến ý thức hóa… Tranh biểu hiện, Nguyễn Hưng Trinh như phún thạch tuôn trào – nóng bỏng, dữ dội. Sự thực đã có không ít họa sĩ sáng tác với nỗi ám ảnh về thời gian như thế, nhiều khi với nội tâm biến động bạo liệt hơn, nhưng để có sự ào ạt tự nhiên và liền lạc như ở Nguyễn Hưng Trinh thì ở Việt Nam, xưa nay, hoàn toàn không quá khi nói là chẳng có mấy người. Chỉ có thể khẳng định điều này khi xem trực tiếp tranh Nguyễn Hưng Trinh. Nét vẽ của anh dường như không di chuyển theo tương quan của hình với màu mà theo những xung động của tâm hồn – lúc thảnh thơi, nhẹ nhàng, lúc căng thẳng gấp gáp.

Người xem dễ có cảm tưởng anh vẽ một cách dễ dàng nhưng chẳng có ai đánh giá anh là dễ dãi. Dễ dàng, bởi đến thời bùng nổ - kết quả của quá trình dài tích tụ, dồn nén. Theo mạch suy lý này, có người chắc hẳn sẽ cho rằng trữ lượng cảm xúc qua trải nghiệm nơi tác giả cho dù có giàu có đến đâu và có thể vỡ òa trên mặt vải vẽ, ào ạt, nhưng điều đó chưa phải là yếu tố đủ để nói đến như một tài năng nghệ thuật. Điều này hoàn toàn đúng. Trữ lượng cảm xúc nơi tác giả phải được chuyển hóa kết tụ thành trữ lượng cảm xúc nơi bản thân tác phẩm. Phải nói về Nguyễn Hưng Trinh vì anh đã làm được điều này. bố cục tranh anh giàu tính hình tượng với cảm quan không gian, hình thể và bảng màu biểu cảm. “Anh không vẽ, anh biểu hiện”.

Nếu như mảng tranh biểu hiện khởi phát từ cảm xúc, phơi bày trực tiếp tâm cảnh, thì mảng tranh tượng trưng của anh lại là sự cô đúc của lý trí. Hình ảnh ở đây có nội dung chỉ định (tượng trưng) và tương quan giữa các hình trong những kết cấu không gian khác nhau hướng đến những nội dung biểu đạt khác nhau mang tính khái quát. Nhìn ở góc độ này, tranh tượng trưng Nguyễn Hưng Trinh có thể diễn giải dễ dàng bằng ngôn ngữ logic. Những thân thể xao xác, những mặt trăng, mặt trời, những gương măt người v.v… tất cả đều tham gia tạo nghĩa, và ý nghĩa của chính nó cũng biến đổi tùy theo tương quan. Xưa nay, người ta vẫn có thói quen phân chia tách bạch “nghệ thuật của lý trí” và “nghệ thuật của cảm xúc”, làm như đó là hai cõi khác nhau, xung khắc. Đó là sai lầm. Nghệ thuât nào cũng đòi hỏi sự thống nhất của cảm xúc với tư tưởng trong hình tượng nghệ thuật. Khác, chỉ là ở điểm khởi đầu. Có tác phẩm được khởi đầu từ cảm xúc, có tác phẩm được khởi đầu từ lý trí, nhưng nếu không có sự chuyển hóa hòa tan trong hình tượng nghệ thuật thì sẽ không bao giờ thành tác phẩm. Tranh tượng trưng Nguyễn Hưng Trinh được bắt đầu từ sự đặt để của lý trí, của tư tưởng. Nhưng bởi tư tưởng này là sự khái quát của lý trí trên cơ sở những cảm xúc đã được hình thành và quá trình sáng tác của anh như sự tái tạo các cảm xúc đầy xung động nên tác phẩm của anh vẫn sống động và mạnh mẽ như một sinh thể. Cái đẹp của lý trí và cái đẹp của cảm xúc hòa quyện…

Tranh Nguyễn Hưng Trinh không dễ xem. Mỗi tác phẩm đều đòi hỏi sự chiêm nghiệm. Trong bối cảnh đa số sáng tác đều ngả theo hướng trang trí hoặc các vấn đề thời sự giản đơn, loại sáng tác nhiều ưu tư như ở Nguyễn Hưng Trinh là vô cùng quý giá.


Nguyên Hưng




Bài này đã được đăng trên SAIGON CITY LIFE số tháng 4/2007 và được ký dưới một bút hiệu khác của Nguyễn Viện


Thật nhiều tính triết lý nhưng gợi cảm, hội họa của Nguyễn Hưng Trinh là cuộc phiêu lưu vào những cõi miền ẩn ức sâu thẳm và những phóng thể hoang đường của ác mộng, qua đó, chắp nối những vụn vỡ của cuộc sống và tái tạo nó trên bình diện nghệ thuật tạo hình những tấm gương phản chiếu lẫn nhau.

Được xem tranh của Nguyễn Hưng Trinh từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Sài Gòn, năm 2001 (trước đó anh đã có một triển lãm cá nhân tại Đà Lạt, năm 2000), tôi đã tin rằng Trinh đang có những bước đi đúng khi chọn cho tác phẩm của mình cách thế hiện hữu giữa biểu hiện và siêu thực. Tuy rằng lúc đó tranh của anh còn nặng yếu tố kỹ thuật hơn là sự vượt thoát của các ý tưởng.
Có nhiều người hỏi tôi: Sao không viết về Nguyễn Hưng Trinh? Giờ đây, thêm 5 năm nữa kể từ ngày tôi gặp Nguyễn Hưng Trinh, tôi đã có thể viết về tranh của anh mà không phải lấn cấn điều gì, như tôi đã viết về Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Lâm Triết, Lê Thánh Thư, Nguyễn Tấn Cương, Đào Minh Tri…Có những tài năng phải do khổ luyện, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là độ chín của bút pháp và sự tìm tòi. Cũng như Đào Minh Tri, Lê Thánh Thư… Nguyễn Hưng Trinh đã tìm được cho nghệ thuật của mình một cửa ra rất riêng biệt. Nó tạo nên một không gian hội họa mang tất cả hình hài và linh hồn của Nguyễn Hưng Trinh. Không lầm lẫn với bất cứ ai.
Tiến sĩ Mark Stevenson, thuộc Đại học Victoria, Australia, đã nói về tranh của Nguyễn Hưng Trinh nhân ngày khai mạc phòng tranh của anh tại Footscray Community Arts Center, Melbourne, như sau:
Thoạt tiên chúng có vẻ cằn cỗi và cứng ngắc. Hoặc ngay cả trông chúng giống như chất bê tông. Nhưng, cũng thế, khi quan sát kỹ hơn, chúng thể hiện cả bề mặt bên ngoài lẫn không gian bên trong, hay cảm giác bên trong.
Những hình dạng ấy trông nặng nề và mang tính công nghiệp, nhưng những đường vạch trên bề mặt của chúng thật ra lại phơi mở, như một mạng nhện, làm toát ra cái ấn tượng về một cảnh giới bên trong bằng cách nào đó đã được phóng ngoại.[1] Với một tâm thế bị tù hãm, tư duy nghệ thuật của Nguyễn Hưng Trinh đi từ những thái cực của đau khổ đến hoan lạc, của trói buộc đến tự do, ở giữa là sự gào thét bất lực. Càng điên cuồng bao nhiêu, sự sáng tạo càng phát tiết bấy nhiêu. Nhưng đâu là sự định hình các tác phẩm của Nguyễn Hưng Trinh? Không khó để tìm ra câu trả lời này. Cứ xem tranh của anh đi. Chỉ có một mô típ thôi, nhưng nó mở ra những con đường, những định hướng khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Đó chính là những thái cực mà tôi đã nói ở trên. Những thái cực cho chúng ta nhìn thấy một thế giới đa dạng nhưng thuần nhất của một hiện sinh khắc khoải. Đối kháng ánh sáng và bóng tối, cứng ngắc và mềm mại, chết chóc và sinh nở, dâm tính và khổ hạnh… Cuối cùng, nó bừng lên giữa khe hở tồn sinh cái lạnh buốt khải ngộ thân phận. Là vòng tròn giam cầm và vượt thoát.

Nguyễn Viện



Translated by Tôn Thất Huy


Nguyễn Hưng Trinh: Confinement and breakthrough

Full of philosophical temperament yet with subtitle nuances, Nguyễn Hưng Trinh’s art is a journey into both cavernous hidden territories and the illusory immensity of nightmares. His paintings somehow mend the broken pieces of life, recreating them into graphic artistic surfaces that compliment each other.

Having the opportunity to experience Nguyễn Hưng Trinh’s first exhibition in Saigon in 2001, (although he already had hosted a solo exhibition in Dalat in 2000), I believed that Trinh was finally on the right path, as he chose to express his art combining expressionism and abstract form, even though at the time his paintings were still more heavily focused on techniques rather than the breakthrough of his ideas.
Some people asked me why I hadn’t written about Nguyễn Hưng Trinh before. Well, five years from the day I first met the artist, I am now able to write about his paintings without too much hesitation; just as I’ve written about other Vietnamese artists, such as Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Lâm Triết, Lê Thánh Thư, Nguyễn Tấn Cương and Đào Minh Tri. To reach maturity - especially in the artistic arena - one must endure an arduous pursuit in the search of his own expression. Just as Đào Minh Tri and Lê Thánh Thư have done, Nguyễn Hưng Trinh has found in his art a unique appeal. This has culminated in an artistic genre exuding all of Trinh’s very soul and essence, impossible to mistake for any other artist.
On the opening day of Trinh’s exhibition in Australia, at the Footscray Community Arts Center in Melbourne, Dr. Mark Stevenson, of Victoria University, had this to say about Trinh’s art:
At first, they seem withered and rigid, or even resembling concrete. Yet, at closer inspection, that’s what they display; from both their surface as well as the internal core, even the feeling from within.
Those shapes look heavy and industrialized, but the lines on the surface really open up, like a spider’s web, somehow expressing intense internal feelings. Within a confined disposition, Nguyễn Hưng Trinh’s artistic mentality has journeyed from the extremities of misery to exultation, from bondage to liberty, where in the midst of all this exists the cries of helplessness. The crazier life gets, the more creative his art becomes. But what’s the basis of Nguyễn Hưng Trinh’s work? It is not difficult to find the answer to this question - just look at his paintings. There is only one motif, but it opens up other paths to a variety of directions, sometimes with conflicting matter. And that is what I have mentioned above as extremities: the extremities which allow us to see a diverse world, yet homogeneously belonging to an obsessed existence. In the conflict between light and darkness, rigidity and softness, birth and death, lust and austerity, in the end, the paintings offer up - between the cracks of survival - a wintry epiphany of self. It is both a vicious cycle of confinement and breakthrough.

_______________________
[1]Xem bài nói chuyện của Mark Stevenson, “Hội hoạ của Nguyễn Hưng Trinh”, bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.












Vo Chong Hoa si Do Quang Em & Nguyen Hung Trinh






 Nguyen Hung Trinh, Ha Nguyen Du, Nguyen Xuan Hoang, Nguyen Hung Quoc






Nguyễn Hưng Trinh, Ts Marc Stevenson va giao su truong khoa Dai hoc Victoria (Australia)












Hình gia đình họa sĩ Nguyễn hưng Trinh chụp năm 2020 





Ảnh ngày cưới 1984 . 






Phan Nguyen & Nguyễn Hưng Trinh







Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.