Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhật Chiêu















Nhật Chiêu

(1951 ..........) Sài Gòn
Tên Thật:  Phan Nhựt Chiêu
Nhà văn, Nhà giáo, Dịch giả













Chúa đánh vần: Tôi nặng tội
26/11/2012








Hiện là giảng viên của nhiều chuyên đề văn học và văn hóa tại Đại học KHXH & NV TP HCM và nhiều Đại học khác
Là tác giả của hàng trăm bài viết, biên khảo và dịch thuật, xuất hiện trên nhiều tạp chí chuyên ngành từ 1987 đến nay.
Nhật Chiêu bắt đầu viết truyện ngắn khi đã ngoài ... năm mươi tuổi.





Tâm hồn tạo ra cả thiên đàng và địa ngục. Vì vậy ta có thể lấy cái tâm của mình để sáng tạo những gì mà ta cho là tốt đẹp nhất. Và nếu ai cũng có cái tự do của một tâm hồn như thế thì mọi sự hư dối sẽ tan đi.

(NC trả lời phỏng vấn báo Giáo dục TP/HCM)
















Tác phẩm đã xuất bản




Tập Truyện 




1
Ân ái với hư không
Nxb Văn Hóa Văn Nghệ 2016










2
Tôi là một kẻ khác
Nxb Văn Hóa Văn Nghệ 2016











3
Đi Dưới Mưa Hồng
nxb Văn Nghệ, 190 trang, 2007


Trần Xuân An: Đọc "Đi Dưới Mưa Hồng" của Nhật Chiêu













4
Người Ăn Gió và Quả Chuông Bay Đi
nxb Hội Nhà Văn, 218 trang, 2007
















5
Mưa Mặt Nạ
nxb Văn Nghệ, 180 trang, 2008

Trần Thị Minh Thu: Chút tản mạn về Mưa Mặt Nạ













6
Viết Tên Trên Nước
nxb Thanh Niên, 120 trang, 2010

Văn Bảy: Ám ảnh "Viết Tên Trên Nước"












7
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương
truyện tuyệt ngắn & truyện một câu
nxb Hội Nhà Văn, 264 trang, 2011


Lời tiên tri của giọt sương – Từ văn bản đến văn bản 
Inrasara

Đọc Lời tiên tri của giọt sương, tập truyện của Nhật Chiêu, NXB Hội Nhà văn, 2011







 Cùng Nhật Chiêu tại Đà Lạt, 2008.





Sáng tạo không là cái gì độc sáng, như chủ nghĩa hiện đại quan niệm. Văn học cũng không gánh chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống, như chủ nghĩa hiện thực đủ loại cho là như thế và ước mơ làm được như thế. Ít ra là với Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu.

Không khó nhận ra Nhật Chiêu ít sống đời sống “hiện thực”, nên – ở tập truyện này – khó tìm thấy vốn sống như ta thường đòi hỏi nhà văn phải thế để kiến tạo tác phẩm nghệ thuật ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Nhật Chiêu chìm ngập trong đống sánh vở và giữa ngổn ngang ngôn từ với bộn bề ý tưởng. Sách vở giải thích sự giải thích về thế giới còn nhiều gấp ngàn lần chính sách vở giải thích thế giới, – ai nói thế?

Câu chuyện Lời tiên tri của giọt sương khởi đầu từ văn bản, từ vô số văn bản có mặt trước đó từng trôi qua con mắt và bàn tay Nhật Chiêu để hình thành một văn bản mới, khác. Nó là một thứ liên văn bản intertext đúng nghĩa hậu hiện đại.

Xuất phát điểm của mọi câu chuyện, người đọc đều có thể tìm ra địa chỉ hay chứng từ. Có khi từ một chữ (như Đạo, Nhại, Tề Vật luận, Được…), một cuốn tiểu thuyết (Người lạ hay Kẻ xa lạ của Camus, Buồn nôncủa Sartre, Cửa hẹp hay Khung cửa hẹp của Gide,…), một tập thơ hay một bài thơ (như Leaves of Grasscủa Whitman, bài thơ của thiền sư Ryôkan hay bài thơ “Con cóc” trong văn học dân gian Việt Nam) hoặc đơn thuần chỉ là một cái tên (Godot, Vua Lear, Tây Thi,…), để làm nên các truyện rất ngắn của Lời tiên tri của giọt sương. Ngắn như một bài thơ haicu, một truyện chớp, một ngụ ngôn hậu hiện đại, một câu đố, thậm chí có cái gì từa tựa một công án Thiền! Chúng mang ý nghĩa khác ý nghĩa của bản gốc, phản lại ý nghĩa có trước đó, trại hay sái ý nghĩa, hoặc mở ra một ý nghĩa mới lạ hơn. Không cần đến chú giải hay diễn giải dài dòng, để tùy kiến văn, phông văn hóa, sự trải nghiệm hay óc tưởng tượng, người đọc có thể thả sức liên tưởng, từ đó – diễn ngôn chúng.

Tất cả truyện trong Lời tiên tri của giọt sương đều thoát thai từ chữ và qua chữ.

Như vậy, sáng tạo không gì hơn là ăn theo, cưỡng bức hay tái tạo ngôn ngữ có sẵn để tạo ra thế giới ngôn ngữ khác. Không chút ảo tưởng về “độc sáng”, Nhật Chiêu ý thức sâu thẳm tình trạng đó, và đã làm đượcLời tiên tri của giọt sương độc đáo.

“[N]gôn ngữ tạo ra thế giới, các giới hạn ngôn ngữ của tôi là các giới hạn của thế giới tôi” – L. Wittgenstein nói thế. Nghĩa là, con người khi còn là con người thì bất khả thoát khỏi ngôn ngữ. Nhật Chiêu không thể thoát khỏi ngôn ngữ, hàng đống ngôn ngữ đi qua đời anh, ám ảnh và thao túng anh, làm nên con người anh – một văn bản.

Nhìn trăng hay đang đi dưới trăng, trăng kia hết còn là trăng đơn thuần tôi đang ngắm hay soi lối tôi đi. Sau “trăng”, cạnh “trăng” và qua “trăng”, tôi thấy thấp thoáng bóng Hàn Mặc Tử say trăng, ôm trăng ngủ. Xa hơn, tôi không thể không nhớ đến giai thoại Lý Bạch nhảy xuống sông ôm bóng trăng, tôi biết là Vũ Hoàng Chương đã viết câu thơ bi thiết “trăng của nhà ai trăng một phương“. Đi gữa mùa trăng hiện tại, tôi bị ám bởi mấy màu trăng tôi từng nhìn thấy qua bao nhiêu bức tranh của các họa sĩ trường Ấn tượng ở trời Tây, để rồi tôi cũng có thể than vãn theo kiểu Nguyễn Trọng Tạo: “Không còn ánh trẳng ngà cho thi sĩ làm thơ“.

Mênh mông tri kiến cùng bạt ngàn kỉ niệm về trăng khiến trăng hết còn là trăng “thực”, mà đã thành trăng của kí ức, trí tưởng và tri kiến của tôi về trăng. Tôi đánh mất khả năng nhìn trăng như là trăng.

Nhà văn ít vốn sống “thực”, cứ tạm cho là vậy. Nhưng không phải vì lí do đó mà hắn không thể lấy kinh nghiệm từ vốn sống dù hạn hẹp hay ít ỏi tới đâu, để sáng tác. Nhật Chiêu không làm thế, bởi anh hiểu, mỗi kinh nghiệm, mỗi tri kiến sở đắc dù từ chính “đời sống thực” hay từ lí giải về đời sống cũng chỉ là một thứ diễn ngôn. Diễn ngôn từ diễn ngôn qua diễn ngôn bằng diễn ngôn. Trùng trùng điệp điệp. Diễn ngôn đến mất hết hệ quy chiếu với hiện thực, với bản gốc của văn bản, cắt đứt mọi liên hệ giữa văn bản và hiện thực. Tác giả của Lời tiên tri của giọt sương sẵn sàng nhặt “hiện thực diễn ngôn” ấy bất kì đâu, để sáng tác. Và kêu đòi người đọc nhập cuộc đồng sáng tạo với tác giả. Sáng tạo mở rộng ý hướng của tác giả, hay chống lại ý nghĩa tác giả ý đồ gán cho mỗi truyện.

Thế giới hiện tại tràn ngập thông tin. Hiện thực hôm nay là thứ hiện thực ngụy tạo, vật thế vì giả tạosimulation. Mọi hình ảnh đều là thứ hình ảnh phi căn nguyên image-without-an-original. Phi căn nguyên đếnTòa Tháp Đôi chưa… sụp đổ, cuộc chiến Iraq không hề… xảy ra – theo cách nhìn của Baudrillard. Nhưng hiện thực đau khổ của con người là có thực.

Làm sao thoát khỏi sự triền phược của chằng chịt ngôn từ, để tiếp cận với cái “thực” kia? Nhưng nhà văn thì không thể không dùng đến ngôn từ. Nhật Chiêu đã từ ngôn từ và qua ngôn từ để làm nên văn bản nghệ thuật Lời tiên tri của giọt sương. Ngay cả ý hướng sử dụng thuần ẩn dụ hay kí hiệu, tác phẩm của nhà văn cũng phải thông qua xác ngôn từ. Khi ngôn từ được dùng với sự tinh tế đặc biệt, nó có thể đạt được hiệu quả nghệ thuật.

“Bức tranh”

Giữa sa mạc. Để làm dịu cơn khát của mình họa sĩ đã vẽ trên cát một con suối.

Khi chàng bỏ đi, một mạch nước ngầm đã tràn lên bức tranh khe suối ấy.

Đoàn lữ hành đã tìm thấy xác chàng họa sĩ cách đó không xa. Dẫu sao đi nữa, họ đã uống nước thỏa thuê.

Dẫu sao đi nữa, hiệu quả kia vẫn là hiệu quả nghệ thuật, đến từ ngôn từ và qua ngôn từ. Và người đọc thưởng ngoạn tác phẩm Lời tiên tri của giọt sương cũng không thể không thông qua sự có mặt của ngôn từ. Điều chắc chắn là những ngôn từ này đã dẫn người đọc tiếp cận được với hiện thực, một hiện thực khác với hiện thực ta từng quan niệm. Bởi dẫu sao đi nữa, hiện thực này cũng đã góp phần mình làm đa dạng nghệ thuật và làm phong phú đời sống tinh thần của con người.



Sài Gòn, 28-11-2011
















 Biên Khảo







8
Basho và thơ Haiku
nxb Văn Học, 1994











9
Nhật Bản Trong Chiếc Gương Soi
nxb Giáo Dục, 172 trang, 1995










10
Câu Chuyện Văn Chương Phương Đông
nxb Giáo Dục,1997









11
Thơ Ca Nhật Bản

nxb Giáo Dục, 1998





12
Văn Học Nhật Bản

nxb Giáo Dục, 2000













13
3000 thế giới thơm

nxb Văn Nghệ, 2007
















Dịch Phẩm











14
Tình Trong Bóng Tối

Tanizaki Junichiro
nxb Văn Nghệ, 1989










15
Tiếu Lâm Nhật Bản

nxb Văn Hóa, 1993








16
Tuyển Tập Truyện Ngắn Hiện Đại Nhật Bản
nxb Trẻ, 2 tập, 1996









17
Con Lừa Vàng
Lucius Apuleius
nxb Phụ Nữ, 2004







Cuộc phiêu lưu của một chú lừa vàng



Cách thời đại của chúng ta hơn 18 thế kỷ, người La Mã đã mang đến cho nền văn chương nhân loại một tác phẩm trào lộng xuất sắc:

Con lừa vàng của Lucius Apuleius

Con lừa vàng ra đời từ thế kỷ thứ II và được dịch sang tiếng Việt vào thế kỷ thứ XX, hàng triệu người đọc của 18 thế kỷ qua đã cùng Con lừa vàng phiêu lưu vào một thế giới đầy lôi cuốn và kỳ ảo.

Apuleius sinh ở Maudara – một thuộc đại La Mã ở Bắc Phi vào đầu thế kỷ thứ hai, Apuleius đã du lịch nhiều nơi, cuộc đời trải qua nhiều chìm nổi. Vì thế mà cuộc phiêu lưu của Lucius(nhân vật chính trong truyện Con lừa vàng) phảng phất bóng dáng những biến cố trong cuộc đời chìm nổi của Apuleius.

Vào thời đó, nhiều người vẫn lầm tưởng Con lừa vànglà tiểu sử thật sự của Apuleius. Thật ra Apuleius chỉ đưa một vài biến cố trong cuộc đời mình vào tác phẩm và dựa theo câu truyện ngắn hơn ở Hi Lạp (kể về cuộc phiêu lưu của chàng Lucius) để viết thành Con lừa vàng.

Bản dịch tiếng Việt Con lừa vàng gồm 19 chương, mỗi chương là một sự kiện xẩy đến với Lucius từ khi chàng là một thanh niên bình thường đến khi chàng bị hóa thành lừa, bị mang đi khắp nơi và cuối cùng được trở về với hình dạng con người sau khi đã trải qua nhiều gian khó hiểm nguy, thậm chí có nhiều lần suýt chết.

Vì là một chàng trai có tham vọng bí ẩn là nghiên cứu pháp thuật nên Lucius đã không ngần ngại tán tỉnh Fotis - cô hầu gái của ngôi nhà chàng tá túc khi đến Thessaly để tìm cách học được phép thuật của bà chủ. Rốt cuộc khi mưu đồ học phép thuật của Lucius thành công cũng là lúc chàng bị hóa thành một chú lừa vàng thay vì thành chim, do dùng lộn thuốc.

Ngay trong đêm Lucius bị hóa thành lừa, ngôi nhà chàng đang ở bị cướp tấn công, con lừa Lucius bị bọn cướp dùng để vận chuyển của cải mà chúng cướp được. Tình ngay lý gian, Lucius bị kết tội là kẻ chủ mưu gây nên vụ cướp.

Lucius bị nhốt trong sào huyệt của bọn cướp cùng với cô tiểu thư Charite xinh đẹp bị bắt để tống tiền. Nhân lúc bọn chúng kéo nhau đi cướp bóc, Lucius cõng Charite chạy trốn. Cuộc đào tẩu không thành công, bọn cướp bàn nhau đưa ra nhiều biện pháp độc ác nhất để xử tử Charite cùng chú lừa vàng.

Kế hoạch của chúng chưa kịp thực hiện thì băng cướp nhận thêm một thành viên mới tự xưng là thủ lĩnh của một đảng cướp hùng mạnh từng làm mưa làm gió khắp miền Macedonia. Thực ra đó chính là Tlepolemus - hôn phu của Charite. Với 2000 đồng vàng, Tlepolemus đã khiến bọn cướp tin tưởng và bầu chàng làm thủ lĩnh. Ngay đêm đó, bằng các thùng rượu có pha thuốc mê, Tlepolemus dọn sách ổ bọn cướp và đưa hôn thê trở về trên lưng chú lừa vàng Lucius

Chưa kịp hưởng thụ những chuỗi ngày sung sướng do lòng biết ơn của Charite mang lại, Lucius bị rơi vào tay mụ vợ bần tiện của gã quản lý ngựa cho gia đình Charite. Mụ bắt Lucius quần quật xay ngũ cốc suốt ngày đêm. Đến khi được thả ra đồng cỏ để hít thở khí trời, Lucius lại bị cả một bầy ngựa đực quần cho một trận tơi bời. Chưa hết, chàng còn bị rơi vào tay một thằng bé chăn lừa hung ác bày đủ trò để hành hạ chú lừa tội nghiệp. Khi thoát khỏi tay thằng bé cũng là lúc Lucius nghe được hung tin về cái chết của hai vợ chồng cô tiểu thư Charite. Họ chết do âm mưu thâm độc của một kẻ si mê Charite từ lâu nhưng không được nàng đáp lại.

Sau đó, Lucius bị mang ra bán đấu giá. Chàng lần lượt rơi vào tay bọn tu sĩ hoạn, người trồng rau, viên hội đồng, người nuôi thú. Sau bao nhiêu hiểm nguy, Lucius cũng trốn thoát được đến vùng Cenchreaa – một thị trấn trứ danh xứ Corith. Tại đây chàng được gặp nữ thần Trăng Isis – bà chúa vô song của nhân loại. Lucius của nữ thần ban phép thoát khỏi kiếp lừa sau khi chàng đã tuyên thệ sẽ tận tụy phục vụ thần nữ suốt đời.

Trong tiểu sự thật của Apuleius, ông cũng là một tín đồ trung thành của giáo phái thờ nữ thần Isis.

Trong những chuỗi nghày phiêu bạt, Apuleius đã chứng kiến biết bao những cảnh đời. Từ tầng lớp quý phái đến những người bình dân hay bọn trộm cắp. Mỗi giai tầng có một cuộc sống riêng nhưng rồi cũng khổ đau, hạnh phúc như nhau. Tất cả đều được Apuleius ghi nhớ và đưa vào tác phẩm của mình, làm nên một cuốn tự truyện vừa hư vừa thực, lôi cuốn sự say mê của người đọc bao thế hệ qua.

Tuy ra đời từ thế kỷ thứ II nhưng ý nghĩa xã hội của Con lừa vàng không kém phần hiện đại. Giọng văn dí dỏm, trào lộng của tác phẩm chưa hề trở nên quê mùa dẫu đã sống qua 18 thế kỷ. Mỗi thế hệ người đọc tìm thấy ở đó những tư tưởng hiện đại, mới mẽ phù hợp với thời đại mà mình đang sống

Vì mượn cốt truyện có sẵn từ trước (truyện Con lừa của Lucius xứ Patra hay truyện Con lừa của Lucian xứ Samosata) nên Apuleius có đưa vào tác phẩm cả huyền thoại Cupic và Psyche. Huyền thoại này khá dài, chiếm đến ba chương sách lại không liên quan gì đến sự diễn tiến của cốt truyện nên người dịch đã lượt bỏ đi phần này nhằm giúp người đọc tập trung hơn vào các sự kiện chính diễn ra trong tác phẩm. Tuy nhiên trong Con lừa vàngvẫn đầy ắp những câu chuyện truyền kỳ và truyện cười dân gian của nền văn học Hi – La xa xưa.

Bản dịch tiếng Việt Con lừa vàng dựa theo bản tiếng Anh của Roert Graves, đồng thời tham khảo thêm bản dịch Anh của W. Adlington. Người dịch đã nổ lực rất nhiều trong việc chuyển từ một tác phẩm văn học cổ La Mã, lời văn còn nhiều rối rắm phức tạp thành một bản dịch gọn gàng, trong sáng. Giúp người đọc đễ dàng tiếp nhận và tìm đến với ý nghĩa sau cùng của tác phẩm.

Bản dịch Con lừa vàng của dịch giả Nhật Chiêu do nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành vào tháng 9/2004, khổ sách gọn đẹp, bìa in bắt mắt. Với những giá trị kể trên, thiết nghĩ đây là một cuộc sách đáng tìm đọc.










Tham khảo thêm về tác giả Nhật Chiêu






Anh Vân: Phan Nhật Chiêu thích "Tứ K" nhưng vẫn là mình




Được biết đến như nhà nghiên cứu, dịch giả và giảng viên văn học, gần đây, Phan Nhật Chiêu ra mắt tập truyện đầu tay ' Người ăn gió và Quả chuông bay đi'. eVăn có cuộc trao đổi với ông về phong cách trong sáng tác văn học và về tập truyện ngắn hứa hẹn gây nhiều tranh cãi.


Anh Vân - 

- Điều gì khiến ông từ công việc của một nhà nghiên cứu, giảng viên văn học chuyển sang tự sáng tác? 
- Đầu năm 2006, tình cờ nhà văn Mai Sơn gợi ý tôi viết truyện cho một tạp chí điện tử. Tôi viết truyện Mây, được nhiều độc giả ủng hộ nên thấy hứng thú và tiếp tục viết. Tôi cũng thấy bản chất của mình hướng về tính nghệ sĩ hơn là học thuật đấy chứ! (cười).

Trước đây, do bận rộn việc giảng dạy, xây dựng giáo trình cho sinh viên ĐH KHXH&NV các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông..., tôi phải dành hết tâm trí cho những việc này. Bây giờ nhiều giáo trình đã xây dựng xong, có chút thời gian rảnh rỗi, tôi được đi nhiều nơi hơn là ngồi nhà đọc sách. Vì thế, cảm hứng sáng tác đến một cách tự nhiên. 



- Ông nghĩ sao khi bên cạnh những ý kiến khen ngợi, cũng không ít người cho rằng lối viết của ông trong "Người ăn gió & Quả chuông bay đi" thật khó đọc, khó hiểu?
- Khi truyện chưa in thành sách mà đăng rải rác trên mạng, trên báo chí hoặc trích tuyển vào các tuyển tập, tôi đã biết có nhiều khen chê trái ngược nhau. Có bạn đọc mau chóng tiếp nhận. Có người, kể cả bạn bè và sinh viên thẳng thắn bày tỏ là khó đọc, khó cảm nhận những gì tôi viết.

Những gì tôi thể hiện ở tập truyện này hoàn toàn không có gì là "một bước đột phá chưa từng có", vì trước tôi, nhiều nhà văn ở nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới đã viết với thủ pháp tương tự. Điều tôi tin ở chính mình là: tôi viết bằng cảm xúc thật sự.

Truyện nào tôi viết cũng mang yếu tố huyền ảo. Và trong mạch ngầm của mỗi truyện tích hợp nhiều văn bản khác nhau từ cổ đến kim. Đó là một thể nghiệm của chính tôi trên chính những lý thuyết văn chương chung mà văn đàn thế giới đã thừa nhận. Tôi tin ở độc giả, nhưng tôi cũng muốn bày tỏ rằng, nếu người đọc quá vội vã sẽ khó nhận biết cái gì đang diễn ra sau những hàng chữ.


- Ông có thể nói thêm về phong cách truyện ngắn mà ông thể hiện trong "Người ăn gió & Quả chuông bay đi"?
- Ở VN, trong một thời gian khá dài, quan niệm thường thấy của phần đông người viết lẫn độc giả về truyện ngắn là: thể loại văn tự sự, khá đơn giản, một loại văn xuôi kể chuyện. Nhiều tác giả vô tình khu biệt truyện ngắn với thơ, kịch, triết học, ngụ ngôn, cổ tích, huyền thoại.
Thế nhưng, theo tôi, không nên tiếp tục giữ sự khu biệt đó. Hay ít ra từ cách nghĩ của riêng tôi, tôi tự cảm thấy mình không muốn đi theo lối mòn đó, hoặc tuân thủ sự khu biệt đó. Vì thế, truyện ngắn của tôi tự do mở rộng biên độ về thể loại, về không gian, thời gian và hiện thực.
Nghệ thuật giống như thức ăn uống. Có rất nhiều hình thức thể hiện (cũng như có nhiều cách chế biến món ăn với cùng những nguyên liệu). Chúng ta không nên chỉ đọc (hay là chỉ ăn uống) theo một vài thức cố định. Nếu có thể, tại sao không làm cho những thức mà ta hưởng phong phú lên, bởi vì đời sống là không nhiên bất tận, không nên tự làm mình "nghèo nàn" đi.
Trong vấn đề thưởng thức nghệ thuật, tại sao người viết không thể đòi hỏi người đọc cũng phải giàu tưởng tượng? Những gì chúng ta nhìn - nghe - sờ được, đó chỉ mới là một tầng của hiện thực.
Mà đời sống vốn có nhiều tầng hiện thực khác đấy chứ. Có như thế thì nhà văn Khái Hưng mới nói rằng: "Tưởng tượng cũng là sự thực!". Cho dù là những điều tưởng tượng không bao giờ xảy ra trong đời sống xã hội, thì chúng cũng đã xảy ra trong những giấc mơ. Mà giấc mơ cũng thuộc về đời sống con người thì không lý gì lại cho những giấc mơ, hay tưởng tượng là viển vông chẳng dính dáng gì đến chúng ta.
Tôi viết với quan niệm như thế. 

- Ông là "fan" của những nhà văn nào trên thế giới?
- Tôi thích đọc và nghiên cứu "Tứ K": Kafka, Kundera, Kawabata và Cao Hành Kiện.
Văn Kafka mang yếu tố dự cảm rất phi thường. Những gì ông cảm thấy, nghĩ đến, hoặc tưởng tượng ra trên trang viết, thì sau đó, trong đời thực dường như diễn ra đúng y hệt như vậy. Với Kafka, "cuộc đời đi sau văn chương". Cũng tương tự trường hợp dự cảm khoa học của Jules Verne, dự cảm xã hội của Kafka khiến cho tôi kinh ngạc. Buồn là, hiện nay, hình như nghệ thuật, văn chương chỉ còn lẹt đẹt đi sau cuộc sống. Hiếm khi đọc được cái gì khiến cho chúng ta phải bàng hoàng.
Kundera là một trường hợp thú vị khác, nếu ta trao cho tiểu thuyết một phương hướng mới, để nó tự mở rộng bản thân mình, thì chính tiểu thuyết sẽ sáng tạo ra một hiện thực mới. Với ông, nếu như người viết biết vận dụng những trò chơi của tưởng tượng, của giấc mơ, của triết lý thì tiểu thuyết sẽ giữ vai trò tư tưởng tiên phong của dân tộc. 
Bút pháp của Kawabata thì hết sức cô đọng. Đó là một thủ pháp "bỏ trống" khiến cho các tác phẩm của ông đều thâm trầm và độc đáo. Ông dung hợp được khoảng trống trong nghệ thuật của phương Đông (thi ca, hội họa) với những thủ pháp hiện đại của phương Tây.
Còn Cao Hành Kiện, đặc biệt với kiệt tác Linh Sơn và những vở kịch, đã tạo nên một giọng điệu "thì thầm đầy dư vang", đầy tính ẩn dụ về vẻ đẹp của thế giới xung quanh.

- Tứ K này quá nổi tiếng, vậy ông chịu ảnh hưởng từ họ như thế nào?
- Khi tôi viết, tôi chẳng theo một khuôn mẫu nào. Với tôi, nghệ thuật hay văn chương không có khuôn mẫu. "Khuôn" đó chính là cái chết của nghệ thuật.
Nhưng nói như thế, không có nghĩa là một tác phẩm văn chương phải hoàn toàn độc lập. Ngược lại, văn chương xét về khía cạnh nghệ thuật còn là một tác phẩm liên văn bản. Bạn nhìn đời sống đi, cũng vậy đấy, một nhân cách thật ra cũng là liên nhân cách, không tồn tại riêng biệt. Do đó, tôi viết như trước hết tôi là. Còn nếu có ảnh hưởng nào đó là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Đó là chuyện tất nhiên trong sáng tác văn chương.

- Sự nghiệp sáng tác của ông sẽ thế nào sau "Người ăn gió và Quả chuông bay đi"?
- Tập truyện này là một cuộc phiêu lưu thú vị và tôi mong mình sẽ tiếp tục tham gia.

- Theo ông, thế nào là một đời sống văn học được gọi là sôi động và phát triển?
- Đó là một đời sống văn học mà ai thích viết gì thì viết. Và bản thân mỗi người viết đến với văn học trong tâm thế như đang tham gia một trò chơi, vô tư, hồn nhiên, không có những toan tính vượt ngoài vòng trò chơi.

Và khi "chơi" thì nên nhớ hết mình, với ý chí sáng tạo nội tại mạnh mẽ để không bị tác động bởi áp lực bên ngoài.


Anh Vân thực hiện















Phan Nhật Chiêu: Dạy Văn phải truyền cảm hứng văn chương


Theo nhà văn Nhật Chiêu: “Dạy Văn giống như thuật gọi hồn, gọi linh hồn của tác phẩm sống dậy. Chỉ khi gọi được hồn của tác phẩm sống dậy thì ta mới truyền được cảm hứng.

Có nhiều học sinh nói rằng em vốn rất ghét học Văn, ghét Truyện Kiều. Em ghét Nguyễn Du, ghét Hồ Xuân Hương. Nhà văn, nhà thơ gì em ghét hết... Thế nhưng bây giờ em hết ghét rồi vì em nghe thầy nói chuyện.






“Suốt cuộc đời hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác, tôi đã quen với việc ‘bếp núc’ của văn chương. Lâu lâu có một vài đồng nghiệp mời tôi đi uống cà phê và nói rằng: "Ngày mai tôi có tiết dạy nhưng tự nhiên tôi thấy vô cảm quá nên tìm ông để nói chuyện, nhờ ông đem lại nguồn cảm hứng văn chương".

Và khi tôi còn dạy văn ở Trung học, có nhiều học sinh đến nói với tôi rằng: "Em vốn rất ghét học văn, ghét Truyện Kiều. Em ghét Nguyễn Du, ghét Hồ Xuân Hương. Nhà văn, nhà thơ gì em ghét hết... Thế nhưng bây giờ em hết ghét rồi vì em nghe thầy nói chuyện".

Do đó, tôi tin mình có đủ can đảm để chia sẻ về cảm hứng văn chương”, Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình lí luận Phan Nhật Chiêu, nguyên Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đã bắt đầu buổi chia sẻ về những kinh nghiệm dạy Văn với hơn 120 thầy cô đến từ 19 Trường THCS của huyện Bình Chánh bằng những lời giản dị như thế.

Dạy Văn – “thuật gọi hồn”

Theo nhà văn Nhật Chiêu: “Dạy Văn giống như thuật gọi hồn, gọi linh hồn của tác phẩm sống dậy. Chỉ khi gọi được hồn của tác phẩm sống dậy thì ta mới truyền được cảm hứng. Bởi nếu tác phẩm chỉ trên trang giấy thì nó còn khô hơn cả xác lá khô”.

Vậy làm thế nào để có thể đưa cái hay cái đẹp đến với người nghe, đến với tâm hồn của học sinh? Nhà văn Nhật Chiêu cho biết: “Để tìm thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm có thể dựa vào một số mẹo sau đây: Thứ nhất là tính hình tượng mà tác giả cấu tứ nên. Thứ hai là tính liên tưởng của tác phẩm. Và thứ 3 là tính khơi gợi mà bất kỳ tác phẩm văn chương thực sự nào cũng có”.



Nhà văn Nhật Chiêu tại buổi trò chuyện văn chương ngày 8/2


Văn chương nói bằng hình tượng

“Một bài thơ, truyện ngắn, tùy bút… đã là văn chương đều sử dụng chung một phương pháp: nói bằng hình tượng. Ngôn ngữ chỉ là lối cổng dẫn vào nhà. Để có ngôn ngữ hình tượng phải có tư duy và cảm thức hình tượng. Hình tượng làm cho tác phẩm văn chương dậy hồn, sống và thở phập phồng”. Nhà văn diễn giải bằng ví dụ từ mấy câu thơ của Hàn Mạc Tử nói về ánh trăng và hồ nước:

“Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô”.

Đây là những câu thơ rất là tuyệt diệu về trăng. Nhưng nếu xét về mặt ngôn từ thì khổ thơ không có gì đặc biệt: trăng, không che nổi, xanh xao, buồn buồn… Vậy điều gì làm cho ánh trăng này có sức ám ảnh như vậy? Đó chính là hình tượng từ cái tứ mà khổ thơ gợi ra.

Nếu diễn ý chỉ có thể nói như thế này: ánh trăng không đủ dày để che một cái gì hết. Do đó nó để lộ ra, để hở ra những vẻ xanh xao của hồ nước, của rừng dương liễu, của đất trời. Cái tội của nó là để lộ ra những cái nó cần phải che mà nó không che được. Nhưng hình ảnh đó còn cái tứ ẩn dụ: ánh sáng của trăng như là một tấm màn huyền bí buông rủ xuống thiên nhiên. Nhưng vì nó quá mỏng, quá trong nên thay vì che giấu nó lại làm nổi lên những nét bi thương của những nhành thùy liễu và cả những lời năn nỉ, van lơn, những tiếng than, những sự thổn thức của… hư vô. Hư vô thì nhẹ lắm, tinh lắm, trong lắm. Nó vô hình, vô ảnh, vô thanh… mà ngay cả cái đó trăng còn không che được thì trăng còn che được cái gì? Chính hình tượng ánh trăng không thể che được những nỗi bi thương của cuộc sống, của vũ trụ đã làm nên sự tuyệt diệu cho những vần thơ.

Đến đây bạn sẽ hỏi tôi: Bởi vì anh đưa một ví dụ là thơ thì đương nhiên là hình tượng rồi còn ví dụ là văn thì sao? Văn thuyết minh chẳng hạn? Nghị luận chẳng hạn?... thì nó phải trừu tượng chứ? Không. Đã là văn chương thì không được quyền trừu tượng.

Còn cái gì khô khan hơn đề tài “Chống vũ khí hạt nhân”? Đây chắc chắn sẽ là một bài đầy tính giảng giải, đầy tính thuyết minh và những kêu gọi đầy tính chính trị. Nhưng thật bất ngờ, chúng ta thử đọc một vài câu thôi về đề tài này trong một văn bản ở sách Ngữ văn 9, tham luận của Marquez: “Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên trái đất đã phải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở chỉ để làm đẹp mà thôi, cũng đã phải trải qua 4 kỷ địa chất con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu”. Đó là một câu trong văn bản đọc giữa hội nghị chống chiến tranh. Mà chống bằng cái gì? Chống bằng con bướm, bằng tiếng chim, chống bằng tình yêu trai gái. Nó đầy hình tượng.

Và cái tứ rất hay là thế này: Tạo hóa phải lao lực, phải đem hết tài năng ra thì cũng mất hàng trăm triệu năm mới làm thành con bướm. Tạo hóa phải mất thêm gần 200 triệu năm nữa rồi mới làm ra được bông hồng. Và mất thêm cả trăm triệu năm nữa mới làm ra được tiếng hát, mới làm ra được tình yêu của con người. Thế nhưng con người chỉ cần một cái bấm nút là xóa sạch 14 lần trái đất. Hiện nay nếu tất cả bom hạt nhân nổ thì gần như toàn bộ thái dương hệ bị nổ tung. Tạo hóa mất hàng trăm triệu năm còn con người chỉ mất một cái bấm nút trong tích tắc là đã xóa sạch. Điều này đi ngược lại với tự nhiên, với lí trí của con người nhưng những kẻ hiếu chiến vẫn làm để sẵn sàng đưa nhân loại không chỉ về thời kỳ đồ đá mà về số không, về hư vô.

Giữa những câu thơ rất siêu hình của Hàn Mạc Tử và những lời diễn văn của Marquez đều có một điểm chung, đó là tình yêu sâu thẳm với cuộc sống. Hàn Mạc Tử thì diễn tả bằng ánh trăng, hồ nước, nhành liễu còn Marquez thì nói bằng cánh bướm, bông hồng, tình yêu.

Muốn làm nổi bật được một tác phẩm văn chương thì phải xuyên thấm vào được linh hồn của tác phẩm, xoáy vào hình tượng đó để cho nó thấm xuyên vào ta và thấm xuyên vào tâm hồn của những em học sinh kém văn nhất. Cái hồn của bài thuyết minh của Marquez bắt đầu sống lại và một học sinh vô cảm nhất cũng bắt đầu rung động. Đó là phép lạ.

Vậy thì muốn cho tác phẩm sống dậy, truyền cảm hứng đến người đọc thì chúng ta phải truyền được linh hồn của nó. Chúng ta tìm xem trong tác phẩm đưa ra hình tượng gì và bám vào đó, từ từ làm cho nó sống dậy và để cho nó phải cất lên tiếng nói, tiếng hát và đi vào tâm hồn người nghe.

Liên tưởng tới những tác phẩm khác

Khi đọc một tác phẩm văn chương nào đó thì nó sẽ giúp chúng ta liên tưởng hay còn gọi là liên văn bản với những tác phẩm trước nó, sau nó và quanh nó. Khi đọc một tác phẩm ta không xem nó như một cái gì hoàn toàn độc lập. Vì ngôn ngữ cũng như đời sống là chúng ta phải viết với, sống với, yêu với…

Ví dụ bài về “Con Cò” của Chế Lan Viên (sách Ngữ văn 9 tập 2). Chỉ cần đọc tiêu đề con cò thôi là ta biết đây không phải là một đề tài chỉ mình ông nói mà ta lập tức liên tưởng đến những tác phẩm mà ta từng biết tới, giống như ánh trăng của Hàn Mạc Tử liên quan tới những ánh trăng khác của Lý Bạch, của Vương Duy, của Đỗ Phủ, của Lý Thánh Chiếu…

Khi chúng ta đọc

Con cò bay lả
Con cò bay la
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Văn

Thì ta biết ngay ông liên tưởng đến những bài ca dao về con cò. Đặc biệt ở đoạn 2 khi Chế Lan Viên viết giống như lời ru:

“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò trắng đứng quanh tổ
Rồi cò vào trong nôi
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”

Nếu ta đọc một cách lơ đãng, dửng dưng thì chúng ta thấy bài thơ hình như cũng bình thường thôi. Nhưng nếu chúng ta đọc trong ánh sáng của liên văn bản (tức là đọc mà liên tưởng đến những tác phẩm văn chương khác) thì ta sẽ thấy rằng có những chữ cực kỳ bình thường nhưng mà sao nó lay động đến như vậy. Chẳng hạn như: “Cho cò trắng đến làm quen”. Toàn bộ câu thơ hầu như không có một từ cổ kính nào, không có một từ hàn lâm nào, không có một từ Hán Việt nào… đó là những từ mà bất cứ một người dân quê chất phác nào cũng có thể nói được.

Đứa bé buông mình vào giấc ngủ, buông mình vào lời ru của mẹ mà tác giả thể hiện bằng chữ “cho”. Có nghĩa là ta có cho thì những cái khác mới đến được. Thì quả nhiên con cò chẳng những đến mà còn “làm quen”. Thế nào là làm quen? Là đứa bé bắt đầu tri giác về sự vật khác nó. Điều này làm gợi ta nhớ đến “Hoàng Tử Bé”.

Chương 21 của Hoàng Tử Bé có đoạn kỳ diệu như thế này: Khi Hoàng tử Bé lang thang một mình ngoài sa mạc thì có tiếng kẻ lạ vang lên: Xin chào. Thì ra là một con cáo. Nói chuyện một hồi con cáo mới tặng Hoàng tử Bé một chữ tuyệt hay, đó là “thuần hóa”, thân thuộc hóa, làm quen. Con cáo nói với Hoàng tử Bé thế này: Tôi với anh chỉ là kẻ lạ nhưng mà một khi chúng ta làm quen với nhau rồi, thân thuộc với nhau rồi thì lại khác. Trước kia bước chân của anh là vô nghĩa nhưng bây giờ bước chân của anh như là một điệu nhạc vang lên trong tai người đã quen biết với anh. Kể từ đây, nhìn cánh đồng lúa mì tôi lại nhớ thương anh, vì anh có mái tóc vàng như cánh đồng lúa, vì chúng ta đã làm quen.

Trở lại bài thơ “Con Cò”, Chế Lan Viên dùng chữ “làm quen” ở đây nói về một đứa bé thì tuyệt diệu lắm. Vì bà mẹ không chỉ ru cho con ngủ mà bà mẹ đang đặt những gì gần gũi với cuộc sống gần đứa bé, làm quen với đứa bé, thân thuộc với đứa bé và đứa bé cũng sẵn sàng cho con cò đến làm quen.

Đời sống bắt đầu thân thuộc với đứa bé. Con cò mà bé chưa nhìn thấy bao giờ trở thành thân thuộc. Từ cho làm quen nên con cò chỉ đứng quanh nôi, đứng quanh bờ rào rồi cò mới vào trong nôi. Đứa bé bắt đầu xác lập mối quan hệ với con cò. Sau đó là cả sắc trời, cái mênh mông hơn hát quanh nôi của bé. Bởi tình yêu của bà mẹ đã đem chúng đặt lên nôi của đứa con mình. Đó còn là cuộc sống, là vũ trụ mà đứa bé phải làm quen.

Tôi cũng từng ngồi ở bán đảo Thanh Đa nhìn con cò đậu trên cánh bèo, co một chân lên và đứng im để mặc dòng nước trôi, thanh thản như một thiền sư đang thiền định. Và tôi đã làm thành một bài Haiku (thể thơ ngắn của Nhật) như thế này:

“Trên cánh bèo trôi
Đậu con cò trắng
Một mình rong chơi”


Hay một ví dụ khác như trong truyện “Người thiếu phụ Nam Xương” có một cái tứ giúp ta liên tưởng rất độc đáo: Cái bóng. Mẹ bé Đản chỉ cái bóng trên vách nói là cha con đó. Đứa bé dần quen với cái bóng đó. Quen tới mức chấp nhận đó là cha ruột của mình. Ngoài cái bóng không chấp nhận bất kỳ ai là cha của mình hết nên khi cha ruột trở về mới xảy ra bi kịch: Người thiếu phụ phải trầm mình. Cái bóng là một cái gì đó rất kỳ lạ, nó song hành với con người cho đến suốt cuộc đời, thậm chí ngay cả khi con người chết rồi thì cái bóng vẫn còn lưu lại một thời gian.

Ca dao có câu: “Canh khuya bế bóng lên giường”. Bế, bồng, ẵm. Thiếu phụ Nam Xương vắng chồng chỉ cái bóng của mình nói đó là cha Đản. Còn chàng trai cô độc trong ca dao chỉ có một mình trong canh khuya giá lạnh thì phải

bế bóng mà ôm. Còn gì cô đơn hơn thế?
Văn chương là một tác phẩm mở


Có một tiểu thuyết gia lớn là Lawrence có nói, đại ý: Tiểu thuyết là một phát minh vĩ đại của con người vì không ở đâu mà người ta thấy tính tương đối rõ rệt như trong một tác phẩm tiểu thuyết. Vì nó không bao giờ quyết đoán một cái gì cả. Bất cứ một tác phẩm nào cũng khơi gợi cho ta tính đa nghĩa của nó. Để đo lường phần nào phẩm chất của một tác phẩm ta dựa vào tính đa nghĩa. Một câu thơ hay là cái gì đó đọc xong rồi ta vẫn còn bỡ ngỡ, còn dư tình. Tác giả có thể không cài đặt một ý nào trong tác phẩm của mình mà ý nghĩa do người đọc hồi đáp.

Tôi viết một tác phẩm có tên là “Động Từ Thức”. Chỉ có ý là viết lại một truyện cũ cho người đọc hiện đại. Một độc giả nói với tôi rằng: Nhân vật của anh bỗng dưng tỉnh thức. Vậy truyện của anh có thể hiểu “thức” ở đây là “động từ”, nó khác với trạng thái “ngủ”. Và người khác thì hiểu theo nghĩa khác. Tính mở của văn bản là như vậy. Cho nên nếu ai đó nói với bạn là làm sao biết tác giả nghĩ thế nào, thì bạn có thể nói rằng: “Cái mà người đọc nghĩ có khi quan trọng hơn tác giả”. Người đọc có quyền thấy những gì mà tác giả không hề thấy. Đấy là tính khơi gợi đặc biệt của văn chương.

Hay như một bài nói về “Cốm” của Thạch Lam mà tôi mê từ ngày nhỏ. Trong bài không chỉ nói về thức ăn mà nói về triết lý sống: Trong gié lúa có những hạt sữa nhờ nắng mà đông lại. Thạch Lam tả thức ăn mà như tả cả mùa hạ thu mình nhỏ lại chui vào trong hạt cốm. “Cốm không phải là thức quà của người vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”.

Hiện nay trên thế giới có một trào lưu rất hay, kêu gọi mọi người sống chậm lại. Người ta chạy đua với hạt nhân, chạy đua với tiền tài, chạy đua với danh vọng… chạy rồi mới biết chạy bở hơi tai mà cũng chẳng được gì. “Thong thả và ngẫm nghĩ”, có lẽ đó là châm ngôn mới của cuộc sống chúng ta bây giờ. Cả thế giới chúng ta bây giờ là vậy. Có thừa mọi thứ mà thiếu mỗi cái thong thả và ngẫm nghĩ mà thôi.

Đâu chỉ là một bài viết về món ăn ngon, về văn hóa dân tộc. Chỉ một món ăn thôi mà liên quan đến văn hóa, đến tình yêu, đến ý nghĩa sống. Nếu ta đọc trong tâm thế mới, trong cái tình mới thì tác phẩm sẽ có những ý nghĩa mới...


Kinh Khê ghi

(Theo Vietpress.vn)
Nguồn từ yume








Nguyễn Vĩnh Nguyên: Nhật Chiêu: Đi tìm những "tác phẩm mở"



Nhật Chiêu trên tienve.org




Chùm truyện ngắn của Nhật Chiêu





1. Của bướm và người

Trong vườn hoa, một chàng mộng du mơ thấy mình hóa bướm.

Những bông hoa nhìn thấy giấc mơ đó, hân hoan đón chào cánh bướm mới.


Một con bướm đêm kêu lên:
“Lầm rồi các bạn hoa ơi, đó là giấc mơ của người mà!”

Nhiều bông hoa đáp lại:
“Bạn đang mơ đó chăng, đó chính là giấc mơ của bướm!”

Người đọc:
“Toàn bộ chỉ là giấc mơ của người viết đó thôi!”

Người viết:
“Biết đâu đó mới là giấc mơ của người đọc!”




2. Sự thật khách quan
Một sớm mai thức giấc, nàng hóa thành một… con chim trong lồng, vì chồng
nàng cũng vừa thức giấc đã hóa thành một cái lồng kịp thời.




3. Sự thật chủ quan
Một sớm mai thức giấc, K. hóa thành một con chim, bay ra khỏi nhà, khỏi
thành phố, khỏi vương quốc, khỏi thế gian
và rồi
bay ra khỏi
cả bản thân mình.




4. Mặt nạ
Đứng trước gương, bắt đầu gỡ mặt nạ ra
Nhưng không hiểu sao
Vẫn còn mặt nạ khác
Đành lấy nốt đi.
Thế mà vẫn còn cái nữa
Và rồi cứ thế, nguyên y
Hễ cái này gỡ bỏ
Thì cái khác hiện ra, lạ kỳ.
Trong khi ngoài cửa sổ
Trời đã tà huy
Thế này thì
Cho dẫu đến khi đầy bóng tối
Vẫn còn mặt na thôi
Có ai mua mặt nạ không, xin mời!




5. Thế tôn niêm hoa
Và Ca Diếp mỉm cười. Sau đó, như thường lệ, Ca Diếp đi vào làng khất thực.
Người con gái vẫn thường tiếp đón ngài đã có mặt bên đường, nhưng hôm
nay cô không có gì cung hiến ngoài nụ cười mê đắm.
Lập tức Ca Diếp nâng cành hoa lên.




6. Vân
Khi Kiều trở về sau mười lăm năm lưu lạc thì VÂN BIẾN MẤT.
“Vân đi đâu?” Tố Như hỏi.
Và ai biết?




7. Thuyền không
Con thuyền tự trở về bến, không có ngư ông.




8. Người đẹp
Khi quái vật trở lại làm người, người đẹp tức giận bỏ đi, dường như không
còn yêu nữa.




9. Lưu đày
Người đàn bà ngoại tình bị trừng phạt: lưu đày trở lại EDEN, nơi không còn
trái cấm nữa.




Tờ giấy trắng

1. Được tin từ quảng trường, rằng có một tờ giấy trắng bay qua đấy, giữa bầu trời hoàng hôn, làm rợp bóng đường phố và gây xôn xao...
Tổng biên tập cử tôi đi điều tra lập tức.

2. Tôi gọi điện thoại cho cô bạn gái:
- Tố ơi, không đến chỗ hẹn với em được rồi, lại có việc đây!
- Biết ngay mà! Người hành tinh xuất hiện phải không?
- Gần như vậy! Một tờ giấy trắng từ đâu xuất hiện giữa bầu trời và cứ lửng lơ phơ phất.
- Và anh phải viết về một tờ giấy trắng?
- Nhưng... anh thì thích viết lên giấy hơn! Biết làm sao được?
- Thì anh cứ lấy nó xuống mà viết, nếu thực trời cho!
- Ừ, hẹn với em sau nhé!

3. Tôi đến quảng trường thành phố. Nó nằm bên bờ sông. Người dân ở đây tin rằng khắp xứ không có quảng trường nào khác đẹp bằng. Nhất là đang mùa hoa hoàng yến.

Cả quảng trường như đang treo hàng vạn lồng đèn vàng óng trong những nách lá cây xanh biếc.
Từng chùm hoa mịn màng vàng chanh cuống dài buông thả phủ che cả tán lá, làm lộng lẫy một góc trời hoàng hôn.

Trên dòng sông lặng lờ xanh lam, bóng hoa vàng lung linh hiện lên như một ảo cảnh diễm tuyệt.
Dưới bóng những tán lá phủ hoa nghiêng mình ra bờ nước, thỉnh thoảng những cánh vàng rắc rơi như muốn chơi cùng tia nắng trong nước và chơi với chính cái bóng của mình.

Mặc xôn xao quảng trường, mặc hoa hoàng yến khoe sắc, có một chiếc thuyền nhỏ đi lại trên sông vớt rác. Thành phố đang ra sức làm sạch mình.

Khi tôi đến, bầu trời tà huy trên hàng cây hoàng yến đang tỏa ra một làn khí xanh. Con đường Hoàng Yến như đang tắm trong một thứ hơi nước xanh biếc.

Ở nơi này, đôi khi khí xanh xuất hiện. Và mỗi lần như thế, thường có chuyện lạ xảy ra. Như có lần, người ta nói, dưới sông nổi lên một con rùa vàng lớn. Lần khác, một cơn mưa trái mùa bay xuống bỗng dưng thơm ngát. Lại có lần, một bọn người điên xa lạ kéo qua thành phố và hò hét cuồng ca...

Còn bây giờ, chỉ là một tờ giấy trắng. Nhưng biết đâu, giấy trắng lại là thứ lạ nhất trên đời?
Có điều, khi tôi đến thì chẳng thấy gì cả ngoài quảng trường như mọi khi với những cây hoàng yến đẹp mê hồn và một làn khí xanh lãng đãng quanh tôi.

4. Theo như nhiều người kể lại, cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, bỗng dưng từ đâu bay đến một tờ giấy trắng, lơ lửng giữa trời.

Đó là một tờ giấy rất lớn. Nhưng không ai đồng ý là nó lớn bao nhiêu.

Dài khoảng mười thước, rộng khoảng bảy thước... Không đâu, dài cả trăm thước ấy chứ và rộng đến tám mươi thước cơ... Tôi thấy lớn hơn nhiều, có thể che cả thành phố... Nói thế thì quá đáng, lớn thì có lớn nhưng không quá trăm thước đâu, tôi cam đoan đấy...

Tôi hỏi một cậu bé năm tuổi đang thả diều:
- Còn em, em thấy thế nào? Anh hy vọng là em nói đúng hơn cả. Em thấy tờ giấy ấy lớn thế nào?

Đứa bé hớn hở đáp ngay:
- Nó nhỏ thôi! Như cái diều của em ấy.
- Con diều em đang thả ấy à, cơ mà nó nhỏ xíu!
- Thì tờ giấy ấy cũng nhỏ xíu mà. Nó nhỏ như mặt trăng.
- Em có biết mặt trăng bao lớn không?
- Không. Tại sao người lớn thấy cái gì cũng lớn?

5. Tôi dò hỏi thêm về màu giấy. Có thật là nó màu trắng?
Lại nhiều lời đáp khác nhau:

Nó trắng cứ như là lụa trắng... Không, nó có màu ngà... Màu vàng chanh thì đúng hơn, hệt như màu hoa hoàng yến... Tôi đứng trên lầu năm và thấy rất rõ, nó có màu xanh lơ... Trời, các người nói gì vậy? Tôi dùng ống nhòm mà quan sát, chính xác nó là màu khói...

Một người đeo kính râm thì bảo với tôi rằng tờ giấy ấy làm gì có màu, không hề có một màu sắc nào.
- Tức là nó trắng?
- Cũng không phải!
Và người đeo kính râm từ chối giải thích thêm.

6. Nhưng cái mà tôi thật sự muốn biết là tờ giấy ấy có chữ hay có ký hiệu gì không?

Chữ ư? Có chữ gì đâu!... Lầm rồi! Có chữ đấy, khi nó bay qua tôi, tôi đọc thấy ngay chữ GOD... Tôi cũng thấy là có chữ, nhưng là chữ khác, chữ DOG cơ... Không đúng, chính là chữ DO... Không không, rõ ràng là chữ có ý nghĩa hơn, chữ GO... Làm gì phiền phức thế, chỉ có một chữ O duy nhất mà thôi, tôi thề với các người... Thôi thôi, nó có chữ nhưng tôi cá là không ai đọc được, văn tự gì có trời mới biết!

Có một người đội mũ nỉ kéo tôi qua một bên, thì thầm:
- Ông là nhà báo à? Tôi có thể nói cho ông biết đó là chữ gì, với một điều kiện...
Tôi lắc đầu bỏ đi.

7. Nhưng tờ giấy bay đi đâu? Đó là câu hỏi mà tôi băn khoăn nhất. Nó xuất hiện trên bầu trời để làm gì chứ? Không thể chỉ để xuất hiện...

Và lời đáp của thiên hạ cũng vẫn thế, không giúp gì được cho tôi.
Đại loại như thế này:

À, tờ giấy bay theo chiều gió và ra khỏi thành phố mất tăm... Tôi thấy nó đi xuống sông và chắc là nằm dưới đáy sông rồi... Không hề, nó cháy, tự bốc cháy thế thôi... Đừng lóa mắt, thực ra là nó bị gió xé thành trăm ngàn mảnh vụn và bay đi khắp nơi như một đàn bướm trắng...

Theo tôi, nó biến mất, chỉ đơn giản biến mất mà thôi!

Một ông già nói với tôi:
- Nó chỉ là ảo ảnh, như là một bóng nước giữa sa mạc!

8. Tôi đi dọc bờ sông và nhìn thấy chiếc thuyền đang đi vớt rác.
Ngồi trên thuyền là một phụ nữ đứng tuổi, đội nón lá, đang dùng một cây sào có móc vớt rác. Cả những xác hoa hoàng yến xinh xắn cũng bị vớt sạch.

Tôi trò chuyện với chị:
- Có người nói tờ giấy trắng đã bay xuống sông, chị có thấy không?
- Không hề!

- Nếu nó bay xuống sông, chị sẽ vớt nó như rác, phải không?
- Tất nhiên rồi, tôi không để cho dòng sông này bẩn đâu.
- Chị ơi, cứ để xác hoa hoàng yến trôi theo dòng, đẹp mà chị!
- Hoa cũng là rác. Trên cành là hoa, lìa cành là rác, thế thôi!

- Giấy trắng xuất hiện giữa trời cũng là rác sao?
- Cái gì không giữ được mình đều là rác cả, như nhau!
- Giữ được mình ư? Trắng như tờ giấy trắng ư? Tôi không nhìn thấy tờ giấy trắng mà người ta nói vừa bay qua quảng trường. Nếu nó bay hoài như vậy là giữ được mình sao? Hay đó là cái rác thanh khiết?

- Tôi không hiểu anh nói gì!
- Ờ... Cái gì không là rác nhỉ?

9. Cuối cùng, tôi cũng viết được một bài báo linh tinh về tờ giấy trắng bay mông lung qua quảng trường ấy.

Tôi tường thuật lại hầu hết mọi ý kiến khác nhau của mọi người và kết luận:
“Tuy tờ giấy trắng ấy đã ra đi, nhưng chúng tôi đã lần theo được vết tích, đang theo dõi và sẽ cống hiến cho bạn đọc những tin tức mới nhất về hiện tượng kỳ bí này”.

10. Chiều hôm sau, vì không liên hệ điện thoại được, tôi đến nhà Tố mà không có hẹn trước. Tố đi vắng. Ở nhà chỉ có bé Nguyên, em gái Tố, mới lên chín.

- Chị em đâu?
- Chị Tố đi theo một tờ giấy trắng.

- Tờ giấy bay qua quảng trường hôm qua ấy à?
- Chiều hôm qua nó bay ngang vườn nhà em. Chị Tố nhìn thấy nó. Em cũng thế. Và chị chạy theo nó.
- Từ chiều hôm qua và không về nhà?
- Đúng rồi.

- Tố không gọi điện thoại cho em à?
- Không gọi gì hết.
- Em không lo lắng gì sao?

- Chị Tố vẫn thường đi vắng đôi ba hôm, anh không biết sao?
- Anh mới quen với chị em hai tuần thôi mà.
- Chị Tố của em lạ lắm, lạ như những bức tranh mà chị ấy vẽ.
- Đúng thế, tranh của Tố không giống ai hết.

Ngay trước mắt tôi, trên vách là bức tranh truyền thần về hai chị em do nàng vẽ, bằng màu nước. Hồn nhiên, trong veo.

Dù chị lớn hơn em đến mười sáu tuổi, nhưng hai chị em trông rất giống nhau.
Đó là một bức tranh lớn, toát lên một độ trắng thanh thoát của nền giấy, với sắc độ đậm nhạt chuyển đổi tinh tế. Màu, giấy, nước như hòa quyện với ánh sáng.

Hai chị em được hình dung như hai cọng sen mọc lên từ nước, trần trụi trong sắc hồng tươi tắn thanh xuân, đầy tràn cái đẹp của “xuất thủy phù dung”.

Đó là hai tấm thân non trẻ vươn lên trên làn nước rập rờn ngang hông, đứng trong bùn nhưng tóc lẫn vào mây.

Người chị được vẽ như một cọng sen vươn cao, rực hồng, đầy khát vọng, có nụ cười mê hoặc. Người em thì trắng muốt, dùng một bàn tay thanh mảnh che ngực, có đôi mắt nhung ngạc nhiên nhìn nắng.

Trên nền giấy trắng, màu xanh của nước và màu lam của trời như đang chảy loang cái tinh khiết, cái xuân xanh bất tận.

Bức tranh có tên là TỐ NGUYÊN.

11.- Nguyên này, cái trong veo và hồn nhiên của bức tranh gợi anh nhớ đến hai câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Đôi lứa như in tờ giấy trắng, Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh”.
- Vì anh nhớ chị Tố mà thôi!
- Nguyên này, nhỡ như chị Tố của em không về thì sao? Nếu như Tố biến mất cùng với tờ giấy trắng?

Giọng Nguyên buồn buồn:
- Nếu là thế thì liệu anh có còn đến đây nữa không?

Nhưng lúc này, tôi không để tâm đến lời của Nguyên. Tôi nhớ Tố. Nàng chạy theo tờ giấy trắng để làm gì? Nàng mơ vẽ gì trên đó? Một kiệt tác nàng đang ấp ủ ư?
Liệu có đáng không, tờ giấy trắng ấy?









Cư sĩ Nhật Chiêu: Đạo Phật ngày nay







Phỏng vấn


Nhân Tiến:  Nhật Chiêu - Người săn bắt mộng



Nhật Chiêu không chỉ là một dịch giả mà còn là tác giả Việt gần gũi và “hiểu văn học Nhật kỳ lạ”. Dịch giả Nhật Kato (người dịch Thời xa vắng sang tiếng Nhật) xuýt xoa như thế sau bài phát biểu của nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Nhật Chiêu tại hội thảo Thế giới của Haruki Murakami và Banana Yoshimoto diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

Dịch giả Kato đã không ngờ một người Việt lại tri âm, tri kỷ văn học Nhật đến vậy. Quả thật, với Nhật Chiêu, văn học Nhật đã ngấm vào máu. Những truyện ngắn ký tên Nhật Chiêu xuất hiện trên báo chí gần đây cũng thấy phảng phất phong vị văn chương Nhật.



+ Trong hội thảo về văn học Nhật vừa qua, ông rút ra được những vấn đề gì, nhìn nhận gì, thưa ông?

- Một hội thảo ngắn, nhiệt tình, sôi nổi, cùng nhìn ra vấn đề hiện nay của văn học Nhật qua chính những tác phẩm (đến với độc giả Việt gần đây như Rừng Na Uy, Ông la hán ngồi...). Họ nói được người Nhật bây giờ sống trong một thế giới phẳng như thế nào. Chứ không còn là người Nhật mặc kimono, uống trà đạo.



+ Nhìn vào văn học đương đại Việt Nam gần đây, với sự du nhập khá ấn tượng từ văn học Trung Quốc với trào lưu linglei, rồi văn học Nhật Bản, chúng ta học tập được điều gì?

- Văn học VN hiện nay vẫn còn lạc hậu so với hiện tại. Con người Việt trong tác phẩm ở thời nào đó chứ không phải thời này. Người ngoại quốc đến VN vẫn gặp người Việt công sở, vẫn gặp thanh niên Việt ôm hôn nhau ngoài đường, điều đó đã rất bình thường. Nhưng trong văn học, điện ảnh họ chỉ được giới thiệu những tác phẩm hướng tới thiểu số với những hình ảnh thôn quê, dân dã ngày xa xưa theo mô típ hương xa.



Có thể với người nước ngoài, một bộ phận sẽ có cảm tình, nhưng chúng ta cần sống thật, sống trong hiện tại, và giới thiệu, quảng bá đúng hình ảnh sống mới nhất. Không ai phản đối những đề tài thiểu số đó nhưng lấy những cái đó lấn với hiện nay thì thực sự không bình thường. Từ chìa khóa của văn học đương đại đơn giản lắm: “bây giờ”. Ta cứ chăm chăm thể hiện cái thời nào đó, chăm chăm thể hiện những cái gì đó đặc sắc mà... phải kiếm tìm thì thất bại.



+ Vậy theo ông, do đâu có sự lạc hậu này?

- Văn chương bây giờ nên hướng đến những đề tài muôn thuở như tình yêu, cái chết... Cứ viết tự nhiên, bản sắc của nền văn hóa dân tộc sẽ tự nhiên lộ ra, không nên săm soi đặc biệt. Do chúng ta cứ cố ý kiếm tìm, cố ý bôi vẽ, nhầm tưởng đó là thành công, nhưng lại thất bại. Không phải cứ là con trâu, nước mắm, xe xích lô mới là VN. Thực ra đó là lạc hậu, chứ không phải là dân tộc. Thậm chí, mình còn cho Nho giáo là dân tộc. Mình quên mất rằng, thời Hùng Vương, trước khi Nho giáo vào VN, trước khi có chữ “tòng” áp vào người phụ nữ, tình yêu Tiên Dung - Chử Đồng Tử quá hiện đại và rất đẹp!



+ Một số nhà văn trẻ hiện nay đã có những hướng đi theo tiêu chí ấy. Nhưng sex và đời sống hiện đại, phá cách trong thơ văn trẻ của chúng ta tại sao khó được chấp nhận như những nước Á Đông khác?

- Các bạn trẻ đã nhập cuộc. Nhiều người cho rằng giới trẻ “quậy” quá. Nhưng tôi chỉ mong họ mạnh dạn hơn để thể hiện hiện đại hơn. Nếu có những thử nghiệm thất bại thì cũng không nên bài xích mà coi đó là sự bình thường. Tuy nhiên, nhà văn trẻ cần xác định, so với đại chúng, nhà văn phải đứng trên một tầm văn hóa cao để viết.



Murakami viết những cuộc làm tình có thể dễ dị ứng với người Á Đông, nhưng tác giả có cái tầm, không nhìn tự nhiên dung tục, mà nhìn với tầm cao nên những chuyện đồng tính, tình dục vẫn đẹp vì ông viết bằng cái Đẹp, hướng về cái Đẹp chứ không hề cố tình phá phách, cố tình dung tục. Viết chân thật có văn hóa thì bất cứ chuyện gì cũng có thể viết đẹp. Tiếc là một số những cây bút trẻ Việt Nam lại lạc hướng vào sự dung tục nhiều hơn cái nhìn văn hóa về đời sống.



+ Ông sáng tác truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi phải chăng để hướng tới cái Đẹp, hay ông muốn chứng tỏ nhà nghiên cứu vẫn có thể có sáng tác hay?

- Bè bạn văn nghệ có những lời khen dành cho tác phẩm mới này của tôi. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ chắc vì mọi người... quý mến mà khen quá. Điều này khiến tôi lo ngại. Nhưng là dịch giả, nhà nghiên cứu mà viết truyện đọc... cũng được là thêm một phần hạnh phúc. Bạn bè vẫn gọi tôi là “nhà văn trẻ” vì bây giờ mới xuất hiện với tư cách người sáng tác. Và hướng tới cái Đẹp, vẫn là tiêu chí mà tôi tin dù viết gì cũng không hề nhảm!



Theo THU HƯƠNG - Người Lao Động











Inrasara  &  Nhật Chiêu








Dịch giả Quế Sơn  &  Nhật Chiêu








Nhật Chiêu  &  Phan Nguyên

















Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.