Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Lê Xuyên (1927 - 2004)












Lê Xuyên

Bút danh khác: Lê Nguyên (chuyên bình luận chính trị)
Tên thật: Lê Bình Tăng
(1927 - 2004)
Cần Thơ
Hưởng thọ 77 tuổi

Nhà văn, Nhà báo





Tiểu Sử


Lê Xuyên tên thật là Lê Bình Tăng, sanh ngày 1 tháng 11 năm 1927, tại Ô Môn, tỉnh Cần thơ, vào đời đi làm chính trị phiêu bạt giang hồ từ đất Nam kỳ lục tỉnh ra tận ngoài Bắc chống Tây để giải phóng dân tộc; bị Tây bắt bỏ tù. Ông có bằng Trung học Pháp năm 1945, DEPSI (Diplôme d'étude primaire supérieure indochinoise). Lê Xuyên từng hoạt động cho Đại Việt Quốc Dân Đảng, chống đối và bình luận chính trị với bút danh Lê Nguyên nên bị bắt bỏ tù 5 năm tại khám Chí Hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm.

Năm 1963, bắt đầu làm báo do sự giới thiệu của Vương Hữu Đức - Tổng Thư Ký tờ Sài Gòn Mai, với trách nhiệm viết tiểu thuyết trường thiên.

Năm 1965, tác phẩm văn xuôi đầu tay với bút danh Lê Xuyên có tên "Chú Tư Cầu" được đón nhận nồng nhiệt, từ đó ông có biệt danh là "Chú Tư Cầu Lê Xuyên". 

Từ 1963 đến 1975 ông đã từng giữ chức Tổng Thư Ký cho các báo Dân Ý, Thời Thế, Thần Phong...

Lê Xuyên là một nhà báo rất tận tụy với công việc, ông có mặt tại tòa soạn từ 5 giờ sáng đến 9,10 giờ tối, và còn là một người chồng chung thủy, hết lòng lo cho gia đình.

30/4/1975, ông bị bắt vào đề lao Gia Định. Ra tù, Lê Xuyên sống an phận trong nghèo khổ, hằng ngày ngồi bán thuốc lá lẻ tại ngã tư đường Bà Hạt – Ngô Quyền, Chợ Lớn.

Nhà văn Văn Quang, một đồng nghiệp thân thiết của ông đã thông báo những dòng như sau:

“Lê Xuyên đã ra đi lúc 21 giờ ngày 2 tháng 3 năm 2004 nhằm ngày 12 tháng 2 Giáp Thân tại tư gia số 523/238/146 Nguyễn Tri Phương, Quận 10, Sàigòn”.

Ông ra đi sau 2 năm trời bệnh hoạn, cơ cực, nghèo khổ nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Thọ 77 tuổi.





***






Tác phẩm





1
Chú Tư Cầu
(truyện dài, 1965) 907 trang



Lời tựa

Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo, như chúng ta đang thấy lan rộng thành một bao trùm toàn diện, đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới. Kỹ thuật được mệnh danh là kỹ thuật viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, ở mỗi người viết, phơi bày thành một phong cách biểu hiện khác nhau, nhưng mục đích muốn tới và dụng tâm cuối cùng thì giản đơn và sáng rõ là một. 

Đó là : tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn, nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua cửa truyện, là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp. Người người viết truyện trữ tình đăng trên nhật báo bây giờ thảy đều mơ tưởng trở thành một Kim Dung kiếm hiệp. Một mở đầu đã đầy đặc những tình tiết bốc cháy từ những dòng mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang vòm trời hiện tại thoắt đã chân trời tương lai. Bằng những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về thì quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một sáo trộn đóng khung trong một cảnh trí này, ném bỗng sáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Đang thuật đang tả chuyển thành viết thư, nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại len vào. Trăm nghìn sảo thuật hâm nóng cảm giác, làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoản ấy, đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh, bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thức thực hiện phim ảnh. Nói chung, đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quan ta. 

Ở ngòi bút Lê Xuyên và tiểu thuyết Lê Xuyên, vì cũng viết ra trước hết cho báo hàng ngày, chúng ta cũng thấy thấp thoáng sự nhập nội vào văn thể những kỹ thuật ấy. Nhưng Lê Xuyên không chỉ giới hạn khả năng trước tác của mình vào xử dụng kỹ thuật tiểu sảo. Và tiểu thuyết Lê Xuyên thật đông người đọc, tất còn phải chứa đựng, một sắc thái độc đáo nào ? Câu trả lời là có. Đó là không khí, cảnh trí, những khuôn mặt điển hình, những cuộc đời đặc biệt những danh từ địa phương, cùng lối miêu tả sự việc bằng đối thoại cực kỳ linh dộng chỉ thấy ở tiểu thuyết Lê Xuyên. 

Không khí, bầu trời của văn truyện Lê Xuyên là một không khí rất nước Việt miền Nam, một bầu trời rất miền Nam thôn dã. Đang nắng lửa chói chang, chợt đã mưa rào đột ngột. Phút trước trời còn ngọc thạch, phút sau đã sầm tối mây đen. Kinh rạch chằng chịt, ngòi rạch lang thang. Trong ẩm ướt nhiệt đời, lúa mạ tốt tươi trùm lan thành nườm nượp mùa màng. Trời, đất, cỏ, hoa nồng cháy một hiện tượng giao tình thường trực. Không khí có sấm chớp trên kia và đời sống dưới này là rạo rực hình hài, là thần kinh bốc lửa. Như Cửu Long nước đầy, thiên nhiên và địa hình miền Nam đã là những phát hiện tự nhiên chan hòa sức sống. Bằng những liên hệ biện chứng với ngoại giới, người và đời sống của người, bởi vậy cũng đồng dáng với thiên nhiên và đồng tính với địa hình. Người đọc đã hiểu tại sao là nhân vật và nhưng diễn biến tiểu thuyết Lê Xuyên thật hiếm ít những dấu tích và những đặc thù của văn minh phường phố. Tư Cầu có thể một bữa kia ra tỉnh. Đi coi hát bóng, vào phònq trà. Nhưng nguồn gốc, lẽ phải, hạnh phúc và cái làm nên thế quân bình cho đời sống Tư Cầu và những người đàn bà trở thành đối tượng cho bản năng Tư Cầu bốc cháy là giữa cái lồng Iộng phơi phới đó của trời là màn, chiếu là đất, cỏ cây bằng hữu và trăng sao tình nhân. Thôn dã miền nam trong tiểu thuyết Lê Xuyên không rối rắm những phong tục lâu đời, chồng chất những tập quán cố định. Như ta thấy ở Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc hay ở những tiểu thuyết thôn quê, tiểu thuyết phong tục tiền chiến của Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài. Đó là một thôn dã mộc mạc hơn, còn đằm thắm cái đằm thắm ngu ngơ của sơ khai và tiền sử tính. Nước chảy khônq ngăn giòng. Cỏ mọc trăm bãi bờ. Đó là cái trạng thái tự do của tạo vật. Người sống như tung tăng cá lượn, rất hoang cái hoang của con ngựa hồng không yên cương. Đó lù cái trạng thái tự do của con người, mặc dầu la một tự do thấp và vô thức. Nhân vật tiểu thuyết của Lê Xuyên không chạy theo sức xô đẩy của tâm hồn, bởi vì không nâng đời sống tới những rung động tâm hồn, mà ném mình vào những vở và tự nhiên của thú tính. Tôi nhắc lại : đó là một phong cách sống tự do, tuy thấp và vô thức, nhưng không phải không lần lên thành những vết đẹp riêng. 

Nhiều người cho rằng, truyện Lê Xuyên hay nhất ở những phần đối thoại. Đối thoại có chuyên chở sự việc, có phân tích tâm lý, nghỉa là có thuật có tả ở trong. Nhận xét trên đúng, và cũng dễ hiểu. Ngôn ngữ tiểu thuyết Lê Xuyên là thứ ngôn ngữ nói chuyện không biến hình bằng những chỉnh bút pháp cho chuốt lọc hay văn hoa bay bướm hơn, cho nên cái khó nhất của nghệ thuật viết chuyện là đối thoại thì Lê Xuyên lại thành công tốt đẹp nhất ở đó. 

Đề tựa Chú Tư Cầu, tôi không bảo đây là một tác phẩm nghệ thuật. Đăng từng kỳ trên báo hằng ngày rồi mới được in thành sách, chưa một sáng tác nào của chúng ta xứng đáng với ý nghĩa và thực chất phải có của một tác phẩm nghệ thuật. Ý Nghĩa sau cùng của tôi về Lê Xuyên : Anh là một cây bút viết truyện có thật nhiều khả năng đáng quý, và rồi Lê Xuyên sẽ là người nhận thức và phát huy được rực rở những khả năng đáng quý ấy của mình trong những sáng tác được cô đọng lại, có một chủ đề nhất định, một bố cục vững vàng và châu đáo hơn. 

Thế giới tiểu thuyết chúng ta hiện nay là một căn phòng bưng bít tức thở. Người viết truyện sống tập trung trong thành phố, chỉ viết về thành phố. Hè đường, mặt nhựa, cột điện, phòng trà, vũ trường, bin-đinh, gái điếm, khách chơi, quần ống túm và đợt sống mới xếp chồng lên nhau trong những nội dung tiểu thuyết ngột ngạt đồng dáng. Phải phá vở sự giam nhốt choáng váng ấy. Phải đẩy ngòi bút vào những hành trình cần thiết tới những chân trời mới. Phải mở những cánh cửa khác vào đời, cho bắt gặp nhữnq hình thái sinh hoạt thiên hình vạn trạng đang diễn ra không chỉ ở nơi có lửa điện và nhà chọc trời, mà còn ở những vùng có ánh sáng của trăng sao chiếu soi xuống mênh mông ruộng đồng thôn xóm quê hương đất nước chúng ta. Tiểu thuyết ta hiện đang thiếu vắng, nhiều hơn bao giờ, những chủ đề phản chiến và làm sống lại những thực tế phong phú mới lạ khác biệt hẳn với thực tế cảnh trí phường phố. 

Thôn dã và đời sống, con người thôn dã cùng những vấn đề, những thực tế, những khát vọng, những vươn tới của con người thôn dã, phải được đặt thành chủ đề sáng tác chính yếu. Tôi nghĩ những người "có thôn quê trong tâm hồn" Lê Xuyên có đủ điều kiện tạo dựng những vòm trời mới bên cạnh vòm trời phường phố đang ngột ngạt phủ trùm lên thế giới tiểu thuyết chúng ta hiện nay.

MAI THẢO








2
Đêm Không Cùng
(truyện dài, 1965)
639 trang






3
Rặng Trâm Bầu
(truyện dài, 1965)
419 trang
https://www.youtube.com/watch?v=wD4fBX-VSTc







4
Vợ Thầy Hương
(truyện dài, 1965)
496 trang
https://www.youtube.com/watch?v=W5LVVifB7qA





5
Chú Ba Công
(truyện dài, 1966)






6
Ngôn Ngữ Là Gì?
(1966)






7
Xinh
(truyện dài, 1967)






8
Kinh Cầu Muống

9
Vùng Bão Lửa
(truyện dài, 1969)
543 trang
https://www.youtube.com/watch?v=c8wMwFQa5yk







10
Nguyệt Đồng Xoài
(truyện dài, 1970)
Trường thiên tiểu thuyết của nhà văn Lê Xuyên
nxb Văn nghệ HCM, Phương Nam phát hành, 2007



Mới đầu có lẽ hơi khó hiểu khi ta lần đầu thấy tựa sách. Ba chữ như lửng lơ ghép lại. Nguyệt là tên nhân vật chính, một cô sinh viên học tại Saigon. Nguyệt quê ở thị trấn Đồng Xoài, huyện Đồng Xoài tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước), cách Saigon hơn một trăm cây số.

Nguyệt rất cá tính và giàu nghị lực. Cô một mình lên Saigon trọ học. Cô và Hải - chàng sinh viên bằng tuổi con nhà giàu gốc Saigon, đã có một tình yêu đẹp, nên thơ. Và Nguyệt luôn giữ gìn tình yêu cho mình để hy vọng một ngày chính thức trở thành vợ chồng, cô có thể dâng hiến tất cả cho Hải.

Thật không may, cha mẹ Hải không đồng ý vì cho rằng Nguyệt là cô gái quê mùa ở một tỉnh lỵ xa xôi chịu nhiều thiệt hại vì bom đạn chiến tranh chỉ muốn bám lấy Hải để lợi dụng. Điều bất hạnh trút xuống đầu Nguyện khi một lần về thăm nhà, bom đạn dội xuống Đồng Xoài và cướp đi sinh mạng của cả cha mẹ cô.

Tình yêu của Nguyệt - Hải vốn đã mong manh, giờ đây không thể còn tiếp tục xây dựng được nữa khi Hải đã được cha mẹ sắp xếp cho một người con gái khác, đồng thời Nguyệt phải chăm lo cho hai đứa em nhỏ tuổi mà cô phải mang lên Saigon sống cùng.

Cuộc sống thật khó khăn khi cùng lúc cô vừa lo thi cử, lo tiền trả thuê nhà, lo cho hai đứa em nhỏ. Mặc dù phải gửi các em ở cô nhi viện nhưng cuộc sống của Nguyệt ở ngoài đời vẫn chẳng được khá hơn chút nào. Lúc bức bách nhất, cô đã phải chọn cách bán mình. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện cô đã bị trúng bom. Nguyệt chết khi vẫn còn trinh trắng.

Truyện tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc thú vị cho người đọc. Có lúc cảm thấy hài hước gây cười, có lúc lại lấy đi không ít giọt nước mắt xúc động. Bên cạnh đó truyện lôi cuốn bởi giọng văn đặc chất Nam bộ. Phương ngữ thuần túy được sử dụng từ đầu chí cuối truyện. Dưới ngòi bút của tác giả, các nhân vật hiện lên hết sức sống động. Ngoài ra , cách đối đáp nhấm nhẳng tạo nên phong cách của nhà văn Lê Xuyên không lẫn vào đâu được.

Phong cách và ngôn ngữ viết truyên đó xuyên suốt tất cả các tác phẩm của nhà văn Lê Xuyên.

Nghe và đọc Nguyệt Đồng Xoài








11
Mặt Trời Đêm
(truyện dài, 1975)
















Nhà văn Lê Xuyên








LÊ XUYÊN: KẺ SĨ ĐÁNG KÍNH
Vũ Uyên Giang



Tôi quen anh Lê Xuyên Lê Bình Tăng qua một sự rất tình cờ, dù cùng trong làng báo, nhưng vào năm 1965-1966, tôi chỉ là một anh phóng viên trẻ, mới tập tễnh nhảy vào làng báo, nên dù truyện của anh, tôi đã được đọc nhiều, hoặc đọc trên báo anh viết feuilleton hàng ngày, hoặc đọc sách anh gửi đến toà soạn báo tôi làm để tặng cho ông chủ nhiệm; nhưng tôi chưa bao giờ gặp anh, chưa bao giờ được quen với anh dù toà soạn báo của anh và tôi không cách xa nhau là mấy. Anh làm bên tờ Thời Thế của ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng số 77 đường Lê Lai; còn tôi làm bên Hoà Bình ở 235 Phạm Ngũ Lão. Cách nhau có hai bức tường của Sở Hoả Xa Sàigòn. 


Một hôm tôi sang tờ Thời Thế vào khoảng 1 giờ 30 trưa để tìm Anh Nhật, Thư ký phụ trách trang trong của Thời Thế để rủ đi uống cà phê. Lúc đó đang giờ nghỉ trưa nên toà soạn vắng. Cánh cửa sắt phía trước mở hờ đủ một người đi qua, cô nhân viên trị sự thường ngồi phía trước không có mặt; tôi liền đi thẳng vào phòng bên trong, nơi sắp chữ với các hộc khuôn chữ để thợ sắp chữ làm việc. Tôi gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi, hơi gầy, da ngăm, mặc một chiếc áo thung đã ngả màu và quần đùi đang ngồi hí hoáy viết. Nhìn anh ta, tôi nghĩ chắc đây là một ông thợ sắp chữ hoặc là người chef typo không chừng. Anh ta không nhìn lên, coi như không thấy tôi bước vào, vẫn hí hoáy chăm chú viết. Tôi hỏi:

- Anh Nhật có ở đây không anh?
Anh ta vẫn không nhìn lên, cũng không trả lời mà lấy tay phải đang cầm bút giơ lên trên, ngầm ra hiệu Anh Nhật ở phiá trên lầu. Tôi cảm ơn anh và đi lên cầu thang. Lên trên lầu, tôi cũng chẳng thấy ai; vừa lúc đó ông Hồ Anh từ trong phòng chủ nhiệm bước ra, hỏi tôi:
- Anh kiếm ai?
Tôi cho ông biết tôi làm bên Hoà Bình, muốn gặp Anh Nhật. Ông nói hôm nay Anh Nhật xin nghỉ có việc, ngày mai sẽ trở lại làm. Tôi cảm ơn ông và quay lưng đi xuống lầu. Ông hỏi với theo:
- Khi vào anh có gặp anh Lê Xuyên ở dưới đó không?
- Dạ! Tôi không biết anh Lê Xuyên, chỉ gặp ông chef typo đang ngồi viết gì đó. Tôi nói.
Ông Hồ Anh cười, nói: 
- Anh Lê Xuyên đấy. Nhờ anh nói với Lê Xuyên tôi cần bàn chút việc nhé.
- Vâng! Tôi sẽ nói.
Xuống dưới lầu, khi đến chỗ Lê Xuyên, tôi nói:
- Anh Lê Xuyên! Anh Hồ Anh nói muốn bàn với anh chút việc.
Lúc đó anh mới ngừng viết, ngước lên nhìn tôi:
- Vậy hả? Cám ơn anh nghe. Xin lỗi anh là...
- Tôi là Vũ Uyên Giang bên nhật báo Hoà Bình.
- Ồ! Giang. Anh còn ký là Anh Giang, Vũ Giang phải không?
- Vâng!
- Tôi có đọc mấy truyện ngắn của anh trong Mỗi Ngày Một Truyện. Viết được lắm, nhưng anh phải cái tội "tham lam" quá. Viết nhiều nhưng không tập trung vào một thể loại, nên dễ bị hư ngòi bút đi.

Tôi thật thán phục anh Lê Xuyên, chỉ có một câu ngắn đã nói trúng tim đen của tôi. Nói ra thật xấu hổ, vì cần tiền để cà phê thuốc lá và nhậu nhẹt với bạn bè, bồ bịch, tôi đã phóng bút viết loạn cào cào đủ loại truyện đàng hoàng có, sến có, phóng tác có... cho các tờ Thời Thế, Ngày Nay, Chọn Lọc, Tiểu Thuyết Thứ Năm v.v... Vậy mà anh cũng nhìn ra, thế mới đúng là một người Tổng Thư Ký toà soạn một nhật báo.
Tôi cảm ơn anh về nhận xét tinh tế ấy và hứa sẽ sửa; rồi từ giã ra về. 

Sau lần gặp đó, tôi trở thành bạn của anh. Mỗi lần tôi có dịp sang Thời Thế, anh đều ngồi nói chuyện với tôi và sửa đổi cho tôi những chỗ sơ hở trong truyện tôi viết. Anh có tặng cho tôi mấy quyển sách anh đã xuất bản như: Chú Tư Cầu, Vợ Thầy Hương và Rặng Trâm Bầu; nhưng tôi không dám đem về nhà vì thuở đó gia phụ rất nghiêm; ông chỉ muốn tôi chăm chỉ học hành đỗ đạt và nối nghiệp con đường công chức của ông. Nhưng lúc đó tôi là một thanh niên mới vừa tuổi trưởng thành, tâm hồn còn muốn "nổi loạn" nên đã đi ngược lại ý muốn của ông: nhảy vào con đường văn nghệ văn gừng chông gai. Sách của anh tặng, tôi phải đem gửi ở nhà một người bạn. Tuy trong các truyện anh viết rất "bạo" nhưng ngoài đời anh là một con người hiền lành; ngay cả những chỗ ăn chơi trác táng của cánh đàn ông, anh cũng không biết ở đâu. Anh rất nhút nhát mỗi khi phải đi đến những chỗ tụ tập đông đảo...

Đêm Giao Thừa Mậu Thân 1968, nhà tôi ở Đình Cầu Sơn, phía trong Ngã Ba Hàng Xanh; nửa đêm VC từ nhiều hướng xâm nhập vào thành phố Sàigòn, tấn công ở một số nơi và chiếm đóng ngay Ngã Ba Hàng Xanh. Tôi phải lội con kinh Cầu Sơn để trốn ra ngoài xa lộ. Tất cả giấy tờ tùy thân gồm có thẻ căn cước, Thẻ Báo Chí của Toà báo và 1 Thẻ Báo Chí của Phòng Báo Chí Bộ Quốc Phòng do Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Báo chí Bộ Quốc Phòng cấp, tôi gói trong nhiều lớp bao nylon và giấu trong quần. Mờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, tôi lóp ngóp bò lên Xa Lộ Biên Hoà và bị 1 đơn vị Thủy Quân Lục Chiến bắt giữ. Tôi nhìn thấy huy hiệu con Trâu trên cánh tay những người lính thì biết đó là Tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC, một đơn vị thiện chiến của QLVNCH. Tôi xin được nói chuyện với cấp chỉ huy và một viên Trung úy tên Quang, Đại đội trưởng đến gặp tôi. Tôi nói cho anh biết tôi là ký giả báo chí bị kẹt trong khu Cầu Sơn khi VC chiếm Ngã Ba Hàng Xanh, không còn lối ra nên tôi phải lội ruộng để trốn đi. Tôi có giấy tờ giấu trong quần. Anh cho tôi lấy giấy tờ xuất trình cho anh. Sau khi xem, anh gọi máy trình cho cấp trên và có lệnh thả cho tôi đi. Anh còn cho tôi 1 bộ quân phục TQLC và cho xe chở tôi về toà soạn Hoà Bình. Tôi và anh Hoàng Sơn, cùng Đạm Phong đã cấp tốc phát hành tờ báo có 2 trang tường thuật về chiến cuộc Mậu Thân ở Sàigòn. Lúc đó ở Sài gòn chỉ có 2 tờ báo phát hành kịp báo tường thuật trận Tết Mậu Thân là tờ Trắng Đen của ông Việt Định Phương, toà soạn trên đường Lê Thánh Tôn do anh Thái Châu phụ trách ra được 4 trang và Hoà Bình được 2 trang. Các báo khác vì nghỉ Tết hoặc các anh chị em ký gỉa bị kẹt trong các vùng chiến sự nên không ra báo kịp.

Mấy ngày sau, khi tình hình đã tạm ổn định, các báo đã trở lại hoạt động bình thường, anh Lê Xuyên gọi điện thoại cho tôi nói: "Anh làm khá lắm. Đúng tác phong và tiêu chuẩn con nhà báo". Phải nói vai trò của tôi lúc đó trong tờ báo chẳng ra làm sao cả. Tổng thư ký toà soạn trước năm 1967 là Mặc Giao Phạm Hữu Giáo; khi Mặc Giao đắc cử Dân biểu Hạ Nghị Viện thì Viên Linh về thay thế vào ghế Tổng Thư ký Toà soạn. Tôi từ Thư ký trang trong được đưa lên làm phụ tá cho Viên Linh. Trước Tết Nguyên Đán Mậu Thân Viên Linh đã tự nghỉ việc vì cãi nhau với Trần Hữu Quỳnh, Quản lý Toà soạn về vấn đề tiền nong. Ghế TTK toà soạn còn trống chẳng có ai. Sau Tết vài tháng, chính tôi cũng có xích mích với Trần Hữu Quỳnh khi trong báo Xuân Hoà Bình, tôi có viết một bài phóng sự về việc làm pháo lậu và chạy pháo lậu qua nhân vật Cả Quỷnh; không ngờ nhân vật này lại trùng hợp nhiều chi tiết với đời tư của Trần Hữu Quỳnh như cũng làm y tá dạo không có bằng chích đít con nít làm liệt 1 đứa trẻ trong Xóm Mới và chết 1 đưá khác nên phải xoay qua làm pháo lậu. Quỳnh nói nhân vật Cả Quỷnh chính là tôi nói ông ta (dù tôi không hề biết gì về đời tư ông ta) nên cãi nhau với tôi một trận kịch liệt. Tôi cũng nghỉ làm và gia nhập vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ đó tôi giã từ báo chí. 

Bẵng đi một thời gian dài, tôi ít khi gặp giới văn nghệ và báo chí Sàigòn vì chức năng của tôi trong ngành Quân Báo, cấp chỉ huy của tôi không cho phép tôi tiếp xúc với báo chí sợ bị lộ các tin tức bí mật. Tôi cũng không gặp anh Lê Xuyên lần nào nữa... cho đến sau 1975, khi nằm trong tù đầy của VC, tôi được nghe một anh em bạn tù mà tôi đã không còn nhớ được tên, nói là đã có lần gặp được tác gỉa Chú Tư Cầu tức nhà văn Lê Xuyên trong tù...

Thời gian trôi đi, tôi được định cư tại Hoa kỳ sau khi vượt biển trên một chiếc ghe loại chạy sông, đến Thái Lan. Năm 2000, khi ở thành phố Charlotte, North Carolina, tôi chủ trương Nguyệt san Đất Sống và chủ trương Qũy Tương Trợ Văn Nghệ Sĩ do Đất Sống thành lập bằng qũy riêng không quyên góp của bất cứ ai, một số văn nghệ sĩ viết bài cho Đất Sống khi nhận nhuận bút đã đóng góp tiền này như anh Phương Triều, Thanh Thương Hoàng, Hoàng Ngọc Liên, MH.Hoài Linh Phương, Sơn Tùng, Tạ Quang Khôi v.v... vào qũy để giúp anh em bên nhà qua anh Văn Quang. Anh Văn Quang cho tôi điạ chỉ của anh Lê Xuyên ở Sàigòn; anh cũng cho tôi biết hoàn cảnh chật vật của anh chị Lê Xuyên sau 75, sau khi bị tù đầy một thời gian, bây giờ già yếu, ngồi bán thuốc lá lẻ để kiếm từng đồng bạc lương thiện. Tôi đã liên lạc được với anh Lê Xuyên và gửi thẳng về cho anh 200 Mỹ kim coi như là chút quà để anh chi dụng trong cơn thiếu thốn. Sau đó hàng năm tôi đều gửi về cho anh 100 Mỹ kim làm chút quà xuân vào dịp gần Tết Nguyên Đán.

Có một lần anh chị Lê Xuyên Lê Bình Tăng gửi cho tôi một lá thư, trong đó anh có kèm 1 danh thiếp cũ đã vàng ố có ghi bút hiệu Lê Xuyên của anh và mấy hàng chữ nguệch ngoạc, run run thăm hỏi. Chị Lê Xuyên (nhũ danh là Đặng Thị Bạch) viết cho tôi 1 lá thư ngắn để cho biết là "...từ sau ngày 30/4/1975, anh Lê Xuyên đã hoàn toàn bỏ viết, nghĩa là anh hoàn toàn không cầm bút viết bất cứ một điều gì, lâu ngày tay đã thành cứng và viết rất khó khăn. Sau khi đi cải tạo về, dù phải sống chật vật, anh vẫn luôn nói với mọi người là "Lê Xuyên đã chết". Những hàng chữ này anh LX cố gắng viết cho anh có lẽ là những hàng chữ cuối cùng của anh ấy..."
Đọc thư của anh chị mà tôi cảm động và thương cho một kẻ sĩ giữ được tiết tháo của mình trong một xã hội gian manh, xảo quyệt của cộng sản.
Vài tháng sau, nhân khi có một anh bạn ở cùng thành phố Charlotte, North Carolina của tôi là Lê Văn Cường, cựu sĩ quan binh chủng Công Binh QLVNCH và cũng là một thành viên của Tạp chí Đất Sống của tôi có dịp về Việt Nam. Tôi đã gửi Cường cầm 100 Mỹ kim về ghé đưa cho anh ở 238/146 Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10 Sàigòn. Khi trở về Mỹ, Cường đã kể cho tôi nghe câu chuyện đi tìm gặp anh. Như sự mô tả của tôi, Cường cũng đến nơi, thấy một ông già gầy ốm như tôi nói đang ngồi bán thuốc lá lẻ thì nghĩ đúng là Lê Xuyên nên đến gần hỏi:
- Xin lỗi! Anh có phải là Lê Xuyên không?
Ông già không nhìn lên, đáp:
- Lê Xuyên chết rồi. Xong lơ đãng nhìn trời mây.
Cường liền cười nói:
- Tôi là bạn của Vũ Uyên Giang... Cường chưa dứt lời, Lê Xuyên đã hỏi:
- Sao? Vũ Uyên Giang làm sao? Giang có khoẻ không?
- Khoẻ! Vũ Uyên Giang dặn tôi đến tìm gặp anh để chuyển cho anh chút quà và gửi lời thăm anh chị.

Anh Lê Xuyên mừng rỡ hỏi han Cường về tôi. Anh cũng kể cho Cường nghe là có một số báo của VC cũng cho người đến gặp anh để xin anh viết cho họ, có nhà xuất bản của VC cũng xin anh cho tái bản những quyển sách cũ của anh; nhưng anh đều từ chối tất cả dù vẫn phải sống nghèo túng và anh cũng nói với họ rằng Lê Xuyên đã chết.

Khi nghe Cường kể về thái độ của anh, tôi vừa thương cảm, vừa qúy trọng và ngưỡng phục thái độ của một kẻ sĩ giữ được dũng khí, sự chính trực và tiết tháo của mình khi nước đã mất thà chấp nhận nghèo đói, khổ sở nhưng quyết không cộng tác với giặc. Thái độ đó chỉ thấy ở những kẻ sĩ thời xưa. Có lẽ anh là một trong những người rất hiếm hoi còn lại giữa thời buổi nhiễu nhương hỗn mang này. Anh đúng là một kẻ sĩ thời đại đáng kính. Tôi rất lấy làm tiếc là khi anh qua đời, tôi đã không về tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ sau cùng đề tỏ lòng ngưỡng mộ một người anh trong nghề báo, một kẻ sĩ mà tôi hằng kính phục. Xin mượn những giòng chữ này như những nén nhang thắp muộn để kính điếu hương hồn anh; mong hương linh anh được an bình nơi cõi vĩnh hằng.

Vũ Uyên Giang














Lê Xuyên ngồi bán thuốc lả lẻ sau 1975
Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ sau 75














Trở về


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.