Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Hoài Khanh (1934 - 2016)










Hoài Khanh
Tên thật: Võ Văn Quế
(13/06/1934 Bình Thuận - 23/03/2016 Biên Hòa)
Hưởng thọ 82 tuổi

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả









Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, sinh ngày 13/6/1934 tại Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Từ năm 1957, ông đã hiện diện trên bầu trời thi ca Việt Nam với thi phẩm "Dâng rừng". 
Trước năm 1975, ông viết báo, làm thơ, là người chủ trương và điều hành nhà xuất bản Ca Dao, một trong những nhà xuất bản đầy uy tín, có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc. 
Hoài Khanh qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2016 tại Biên Hòa.
Hưởng thọ 82 tuổi







Sẽ Là Gì Trong Một Kiếp Xa Xôi

ta là gió của nghìn năm xưa cũ 
tiếc huy hoàng một thuở trở về đây 
ta là nhạc của luân hồi chín kiếp 
hồn trầm luân thấm máu những bàn tay 

thanh âm nào một chiều xưa run rẩy 
môi hôn nào rợn ngợp giữa trời mây 
và em ơi vì sao ta sẽ chết 
giữa vô tình ngày tháng rụng trên thây 

niềm thương đó bao nhiêu lần đã mỏi 
con đường kia mấy bận đã đi rồi 
và ta nữa, em ơi lòng phẫn nộ 
giữa lưu đày năm tháng lạnh lùng trôi 

còn gì chăng ở trong đôi mắt ấy 
còn gì chăng ở trong trái tim này 
nhưng vùng vẫy chỉ đau niềm tuyệt vọng 
suốt một đời ta không thể là mây 

tầm hạnh phúc đớn đau từng giấc ngủ 
đôi nụ cười vô lý xác xơ lòng 
nhưng buồn ư, thì kìa nhân thế đấy 
đã lâu rồi ngụp lặn giữa gai chông 

ta từng mơ một con đường dẫn độ 
kết tình thương giữa tất cả người người 
và hạnh phúc tuôn tràn như thác nước 
trên cuộc đời không ai thét : Cho tôi ! 

và như thế tấm lòng ta em hiểu 
dòng tháng năm mãi mãi cứ lạnh lùng 
nhìn với ngắm mây trời đi bốn phía 
mang cuộc đời đi mãi lối gian truân 

ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ... 
đành bỏ đi những luyến nhớ một thời 
sẽ buồn giận cùng tấm lòng ước vọng 
sẽ là gì trong một kiếp xa xôi?










Tác phẩm đã in







Thơ




1
Dâng Rừng
(thơ-1957)




2
Thân Phận
(thơ- 1962)




3
Lục Bát
(thơ-1968)





4
Gió Bấc -Trẻ Nhỏ - Đóa Hồng và Dế
(thơ-1970)




5
Hương Sắc Mong Manh
(2006)





Truyện ngắn


6
Trí Nhớ Hoang Vu Và Khói
(1970)






Dịch thuật


7
Hành trình sang Đông Phương
(Herman Hesse) (1967)




8
Tuổi trẻ băn khoăn
(Herman Hesse) (1968)




9
Mozart : Cuộc đời và Sự nghiệp
(Percy M.Young) (1972)




10
Beethoven: Một phiến tài tình thiên cổ lụy
(J.W.N. Sullivan) (1972)




11
Tchaikovsky: Cuộc đời và nghệ thuật
(Percy M.Young) (1972)




12
Buông Xả Thanh Thản, Đối Thoại Triết học
(Martin Heidegger) (2007)




13
Thế Giới Tính Dục
(Henry Miller)




14
Đâu Mái Nhà Xưa
(Hermann Hesse ) (1973)




15
Quê Hương Tan Rã
(Chinua Achebe )




16
Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống
(Krishnamurti ) (1969)




17
Nghệ Thuật Truyền Thống và Chân Lý
(Walter Kaufmann....) (1967)






















~~oOo~~







Thơ Hoài Khanh




Trông Theo
bến sông này, bến sông này 
trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu 
người xưa chừ biết là đâu 
này trăng gió cũ này câu giã từ 
lối đi vàng nhạt mùa thu 
nghe lau lách động niềm u uất buồn 
mắt người mang cả quê hương 
lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm 
trăng chia niềm nhớ thì thầm 
lệ chia niềm nhớ ướt dầm núi sông 
lớn lên vì một tấm lòng 
để bao nhiêu hận buộc vòng sơ sinh 
bao nhiêu tuổi bấy nhiêu tình 
bao nhiêu nguyện ước giận mình bấy nhiêu 
nhưng thôi buồn đã ra nhiều 
trong ta là mấy vạn chiều rưng rưng 
trong ta là núi là rừng 
là trăm tiếng hát đã từng trên môi 
tiễn đưa thì tiễn đưa rồi 
nhớ thương thì nhớ thương rồi người ơi 
vòng tay không chặt luân hồi 
xa xưa nghe nặng bóng chiều luân lưu 
người đi mang cả mùa thu 
ta mang theo chút tạ từ héo hon 
bãi sông này gió trăng còn 
mênh mông vì cả nghe buồn lay bay 
tưởng chừng như chặt bàn tay 
ta ôm vũ trụ tròn đầy mà mơ 
nhưng khi dạ biết tình cờ 
thì hai thứ tóc đã mờ giấc xưa 
với trăng chia nhớ đôi bờ 
với sông bến nọ chia giờ ra đi 
người ơi còn lại những gì 
mai sau nếu chút tình si cũng tàn







Mầu Lưu Linh
chim bay tàn bóng xa mù
thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi
nằm đây lạnh suốt mặt trời
hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh
phố xưa hồn đẫm lệ mình
sông xưa triều đã lênh đênh mấy mùa
nghe tàn cõi mộng hoang thưa
con chim lại hót trên mùa lang thang
mắt em hồ vỡ cung đàn
thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
cõi kia cũng quạnh quẽ mầu lưu linh.








Bóng Sương

Ngày sương thành phố dâng mùa
Bóng thu chìm tịnh cánh thưa khởi vàng
Tôi hoài trên bước lang thang
Yêu em vô lượng mà mang dại buồn
Tóc huyền đó lạnh như sương
Mắt huyền đó mộng bình thường không em
Mỗi đêm gió nhớ trăng tìm
Bãi sông triều dậy đi niềm chia phôi
Lòng anh chiếc bóng bên trời
Ôi con sông đó dài trôi lặng lờ
Tình anh cũng chỉ bơ vơ
Một dòng sông nhỏ mịt mờ bóng sương.






Ðâu Mộng của Tôi
đã có một Hiroshima trong hồn trong máu trong mộng chúng ta đang yêu nhau trong ý thức của kẻ tội đồ
vậy là trong chiếc bình tương lai của tôi
nổ như một trái bom
tôi mang những mảnh vụn làm hành trình
về phía loài người không còn mê ngủ?
đã thức giấc hãi hùng trong từng đêm sương trắng
cuốn trôi dòng sông đó mặn mồng hồ lệ của tình yêu
tôi ngẩng lên thấy gì đâu nhưng chỉ nghe
trong con mắt hoang mang của bạn
hay kẻ kia đã tự dối mình
lời tiếng thất thanh trùng vây quanh cõi trùm lấp đó
những hạt nhân trong trẻo như sương
và phút giây tan biến đời mình
những đời tình thầm hẹn môi run sẽ ấm lại mùa đàn
trên đá kia rêu đã xanh
rờn xanh những gì nào ai biết
trong hồn tôi sương đã tan
tan nát những gì nào ai hiểu được
Hirosima và mộng của tôi
sương và mộng của em
cõi Á Châu này sao lại sinh ra tôi
để ngắm hoài dòng sông trôi những mái lá nghèo nàn
những mắt sâu mờ đục còn khao khát cõi nào?
những thân hình gầy guộc và đồng lúa xanh
có chăng một bình nguyên trên Trường Sơn?
đêm rụng những giọt sương bởi những tiếng chó rừng
đêm vỡ từng kỷ nguyên bởi những bước chân
nai và trăng đó mỗi đêm suối đi hờn dân tộc
Tổ Quốc ơi làm sao tôi không khóc
khi những cánh dơi không có nóc Phật đường
sẽ bay vào mặt trời
để nhận sự tự do hùng vĩ?
ôi khoảng hư vô khủng khiếp một đời
phút giây vỡ tan tành mảnh pha lê
tôi quờ quạng vào đâu để tìm lại
những mộng của tôi
và hồn của ai

(Cỏ Khô và Lửa)







Hiện
Bắt đầu từ hạt sương trong
Lạnh từ cõi nào vô chung vô thủy
Hôm nao ta gặp em trên đường
Hai bàn tay dịu dàng lá cỏ
Và con chim chợt hót trên cành
Vọng những gì phía dưới dòng xanh xanh







Ngồi Lại Bên Cầu
người em xưa trở về đây một bận
con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
mây của trời rồi gió sẽ mang đi

em - thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
đã vô tình trôi mãi bến sông xa

thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
và cô đơn đã ghi dấu trên tay
chân đã bước trên lối về hoang vắng
còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu

(Thân Phận - Ca Dao xuất bản 1972)








Tương Tư đất
tặng Tuệ Sỹ

người đi về đâu bóng đời hiu hắt
ngọn đèn xưa ai thắp sáng bên sông
nỗi niềm xưa ai canh cánh bên lòng
có phải vì ngọn gió thu đông thổi mạnh?
đêm nay cơn mưa dầm lại đến
đà một màu trăng trầm uất cũng bỏ ta rồi
kể từ ngày mây gió cũng pha phôi
em lãng đãng bên trời đông vắng quạnh
bạn bè quyến thân mỗi người mỗi mảnh
con sông dài sao chẳng nối tình nhau
ngọn đèn xưa ai thắp ở nơi nào
mà mối tình xưa sao vô cùng hiu hắt
có phải hồn ta hoang mang vì cơn gió bấc?
chợt thổi về từ biển lạnh ngàn năm
chợt thổi về từ núi đá âm thầm
chờ đợi mãi con người chưa xuất hiện
con người đi đâu đã tan đã biến
hay đã mất rồi trên mặt đất biển dâu
mặt đất biển dâu ngàn năm thỏ thẻ
xin gởi trao người ẩn ngữ: cuộc mong manh
mai kia đất có nói gì trầm trọng
chỉ cúi xin người thở lại chút dư thanh.







Xin chào Đà Lạt
tặng Bùi Giáng và Phạm Công Thiện

em ở đó với bầu trời mây núi
mùa đông sương rờn trên má hoa đào
linh hồn ta mấy mươi mùa của suối
lạnh vô cùng không biết tự phương nao

chân ta bước trên con đường trở lại
một lần xưa vi vút gió đầu cành
sâu dưới đó lối mòn khe suối vắng
bóng của mùa khẽ động tiếng lanh canh

ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng
lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo
gió heo hút dường nghe niềm u hận
em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo

màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt
bay về đâu xin còn lại linh hồn
để ta giữ những chiều sương ám phủ
của một đời luân lạc kiếp tha hương

rồi thôi hết đất sẽ là vĩnh viễn
bông hoa kia nở trên xứ điêu tàn
tay yếu đuối ta sẽ còn nắm lại
những lời gì xưa đã hết âm vang


(Thân Phận - Ca Dao xuất bản 1972)






Nước mắt
đã chết mùa thu em biết chưa
anh không khóc nữa để mong chờ
buồn không chở nỗi bao nhiêu nhớ
rưng rức đâu từ vạn cổ sơ

ngàn năm rồi chỉ một quê hương
một tấm lòng thơ ứa đoạn trường
em có bao giờ quên nhắc lại
cho lòng ta lạnh xuống phong sương

nằm đây nắng đã vạn lần lên
trong tiếng ve đau gió bập bềnh
trong mắt những người tâm sự ấy
mây ngàn năm cũ bay lênh đênh

ta biết em buồn như chính ta
cùng trong gai góc ước vòng hoa
trái tim nhỏ quá đôi dòng máu
hồn khép nghìn thu lệ vẫn nhòa

hai đứa đi hoài đã nhớ thương
đêm đêm thù ghét những canh trường
em nhìn để lạnh trăng đầu núi
ta khóc cho hồn rợn máu xương

thành phố như không có một người
ta lầm lũi tựa áng mây trôi
chơi vơi trong tháng ngày hư ảo
xiềng xích nào giam một kiếp người






Cõi nào
Trong cặp mắt xoe tròn của trẻ thơ
Có tiếng dế cất lên giữa đêm khuya
Đêm bỗng đi vào linh thánh
Và cùng một niềm nhớ tiếc khôn nguôi
Một buổi trưa nào chợt bắt gặp một đóa hồng
Nở trong vườn vô ưu của trẻ thơ
Mặt đất bỗng vô cùng lạnh lẽo
Ta nghe tháng ngày tàn tạ như không
Như chẳng có gì thực cả
Một tiếng dế hay một đóa hồng
Và một dòng sông nước ròng nước lớn
Ôi tiếng động trong ta đã rộn ràng
Và cao nguyên chốn ấy có còn chăng
Sương của cỏ non xanh và đêm thanh như lụa
Và tiếng động cũng chính là dòng sông
Và giòng sông chính là giấc mộng
Xin hãy đưa ta vào cõi nào không hề có ở trần gian






Phương Trời Lưu Viễn
biển mù mịt đó mưa đan
tôi ngàn năm nhớ nào tàn mộng xưa
vi vu mầu gió đi mùa
núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
bơ vơ chiều dựng chuông trầm
sông dài trôi quạnh hồi âm nỗi nào
cuối trời nghe rụng vì sao
đêm đi từng giọt sương vào hư vô
là thôi ý những mong chờ
sẽ còn luân lạc bên bờ suối xanh
em còn mộng suốt hồn anh
sẽ bay vào cõi cây cành héo khô
sẽ đi một bóng xa mờ
phương lưu viễn đó hẹn giờ phùng sinh.












BÙI GIÁNG:


HOÀI KHANH





Từ Dâng Rừng tới Thân Phận, Hoài Khanh đi một bước riêng biệt choáng váng trong dòng lục bát của ông. Ông không bị một ảnh hưởng nào gò bó. Ông chỉ chịu ảnh hưởng của trời, của sương, của giòng sông, bến quạnh quê hương.

Thỉnh thoảng cố nhiên, ông bị vướng lụy trong bầu khí hậu văn nghệ của hiện tình đất nước chia năm xẻ bảy, ông gượng gạo viết vài bài khổ nhọc không có cách điệu bồng bềnh bất tuyệt trầm hùng của ông. Nhưng đó là trường hợp hy hữu thôi.

Riêng biệt những bài “xuất thần” bi ca của ông, thì quả thật vô song bát ngát.

Ngày sương thành phố dâng mùa
Bóng thu chìm tịnh cành thưa khởi vàng
i hoài trên bước lang thang
Yêu em vô lượng mà mang dại buồn
Tóc huyền đó lạnh như sương
Mắt huyền đó mộng bình thường không em
Mỗi đêm nhớ gió trăng tìm
Bãi sông triều giậy đi niềm chia phôi

Khí thơ đi trầm trầm tịch nhiên mà thống thiết như một khúc tân đoạn trường kết tụ dưới thanh hiên.

Mắt em hồ vỡ cung đàn
Thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ màu lưu linh


Thường mỗi phen đọc bài thơ hay, tôi quen thói hình dung tâm hồn ông Nguyễn Du. Tôi tự bảo: nếu ông Nguyễn Du đọc những bài thơ ấy, ông sẽ nghĩ sao về bọn hậu bối.

Suốt bài thơ, dường chẳng thấy sự tình gì xảy ra hết cả. Chỉ nghe một giòng sông đi. Một triều sóng động.

Người ta chấp nhận bài thơ như chấp nhận một trận mưa rào xuống ruộng tình biển ái.

Người ta đi vào bài thơ như đi vào cõi như lai tịch mịch ngậm ngùi. Như đi vào một cung đàn diễm ảo nhớ nhung khép mở, gây một trận tịch hạp chon von, cho nảy ra một niềm đốn ngộ. Người ta không biết đâu bờ bến để phân tích. Không còn chủ nghĩa. Không còn lập trường. Chỉ còn một niềm phiêu dật hồn nhiên tự phóng nhiệm hòa vào cây cỏ, nước mây, là môi trường riêng tây của thi sĩ:

Biển mù mịt đó mưa đan
Tôi ngàn năm nhớ nào tàn mộng xưa
Vi vu màu gió đi mùa
Núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
Đà nghe đất giậy môi trường
Cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
Bơ vơ chiều dựng chuông trầm
Sông dài trôi quạnh hồi âm nẻo nào


Ta nhớ lại cung bậc ban đầu của Dâng Rừng:

Lối xưa mây xám nghẹn màu
Thuyền xuôi qua mấy nhịp cầu chênh vênh
Tóc huyền chìm mấy mông mênh
Thiên thai đâu nhỉ mà quên lối về
Cố nhân chưa vẹn câu thề
Sắt son là mảnh hồn quê ngậm ngùi
Vào thu mây trắng tim rồi
Đêm sâu bỗng lạnh tiếng cười tri âm


Nhưng tại sao lại phải ghi ra nhiều nữa? Hoài Khanh đã hồn nhiên đưa nguồn thơ mình vào lục bát, hồn nhiên dẫn lục bát về cõi uyên nguyên, bỗng nhiên lại khơi mạch gì khiến uyên nguyên trào trở giậy trong vẻ tân kỳ bình đạm thiết tha:


Người ơi năm tháng là gì?
Phải chăng mấy khóm tường vi héo mòn
Đố ai che mảnh trăng tròn
Đố ai đo được lòng son của đời


Thật không thể tưởng tượng. Ông bạn thuở ấy còn nhỏ tuổi, giọng thuần phác như nhiên, đùng một cái, đứng song song lên ngang những thi bá đời Đường mà uyển chuyển như câu hát Kinh Thi, lại pha màu cay đắng của thời đại lao lung nhược tiểu:


Biết bao giờ! đến bao giờ
Cố nhân thì chỉ hững hờ mà thôi
Khách qua tàu đã xa rồi
Là thôi còn một góc trời chênh vênh
Nắng mưa còn thắm ân tình
Dâng đời tất cả riêng mình héo hon



Con tàu nhược tiểu đi đâu như thế? Nó trao được chút gì cho tứ hải hay không? Nó lận đận điêu linh, nó nhẫn nại trong đêm dài bối rối, nó chắp nhặt ân tình, nó mang trở đi đâu, nó mang về không dứt khoát, nó làm hết nhiệm vụ mình và có thể cứ như hờ hững trước mọi tiếng tương giao:


Tàu qua tàu lại vẫn còn
Ngói trơ sương nắng dáng mòn cỏ rêu
Sáo ai buông xuống lưng chiều
Nhà ai lên khói mà nhiều đắng cay
Tàu qua tàu lại đêm ngày
Khăn xanh nào vẫy bàn tay nào mềm
Lệ ai nhỏ ướt sân thềm
Tàu qua thì cả ân tình theo qua



Theo qua là qua mất? Hay theo qua là qua về? Qua lại? Qua đi? Qua bờ bỉ ngạn? Kết tụ tử sinh ? Không biết. Không biết? không biết.

Chỉ biết rằng thy sỹ đã đặt bàn tay thân ái vào giữa cõi lang thang. Và toàn thể quê chung đã quy về cảm thương trong cô độc.


Nát từng nếp áo hoàng hoa
Tâm tư lạnh cả bài ca độc hành
Nhịp đời lẻ khúc thơ xanh
Thế nhân chẳng khóc nhưng tình đơn côi
Lòng ga còn trọn cuộc đời
Chỉ đưa chỉ đón là thôi chứ gì?

Đón đưa gì nhỉ? Tại sao vừa như Tố Như Tử, vừa như Tử Tố Như? Vừa không phải Tố Như Như Tố gì cả?


Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tự mình?
Mặc người mưa sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?

Thế ra Hoài Khanh đã chạm vào chỗ cốt yếu mà Nguyễn Du đã dành riêng cho tâm sự Thúy Kiều? Anh định làm cái gì thế?

Mùa thu chừ đã đi qua
Lá khô bớt rụng sương sa lại nhiều


Lơ đễnh một chút, ắt ta không ngờ rằng những dư vang thâm hậu Nguyễn Du đã được âm thầm khơi dẫn trở lại một cách kín đáo u nhã u nùng?

Lần lần tháng trọn ngày qua
Nỗi gần nào biết đường xa thế này
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
Lần lần thỏ bạc ác vàng
Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn.


Thì chính đó là mạch sầu riêng biệt đã đi về ám lấy núi non. Hoài Khanh ngày xưa không đọc gì nhiều Nguyễn Du, nhưng anh đã hồn nhiên nằm ngay vào giữa mạch sầu thiên cổ của thiên tài Hồng Lĩnh.

Gió lên cuồn cuộn lưng đèo
Chao ôi tâm sự biết chiều hay đêm


Ấy bởi vì quê hương Phan Thiết của anh, với sông, núi, đèo, truông hiu quạnh, những “chiều gió nồm” quả chứa chan màu sắc núi sông Hà Tịnh. Tâm hồn con người cũng được hun đúc trong bầu khí hậu long lanh ngang trái phảng phất những oan nghiệt biển dâu, thôi thúc con người đi suốt xứ tìm trong viễn vọng chiêm bao những ân tình chung thủy:

Em ơi tháng sẽ về năm
Tình ơi chung thủy về thăm mộng lành
Ngàn ngày núi biếc hương xanh
Cho nhau một tấm lòng thành mà thôi



Chúng tôi tưởng, nếu người đọc thơ không có một ý niệm gì hết về phong cảnh núi đồi Hà Tịnh, Phan Thiết, Phan Rang, Tipasa… những phong cảnh bao la ngậm ngùi, đất nước quá đẹp và quá đau thương, nếu không nhìn bằng hai con mắt những sự tình đó suốt bình sinh, ắt sẽ không rõ từ đâu mà những bản bi ca lại xuất hiện trong Dâng Rừng giữa xuân xanh như thế.


Ngàn sâu lắng xuống mịt mùng
Lãng du đêm quạnh lại chùng bước chân


Từ đó chúng ta miên man đọc lại những chiều “xa quê hương nghe gió nồm”, chúng ta trở lại với Dâng Rừng, cùng thi sỹ gọi lại những âm thanh không lời, những lời không có tiếng:


Cố nhân ơi đã đành xa
Thâm u vọng tưởng bài ca sang mùa
Khói hương còn quyện mái chùa
Sắt se chi nữa mà mua tị hiềm
Rừng thiêng mòn mỏi cánh chim
Cũng không giết chết buồng tim đợi chờ
Rồi mai lá rụng cành trơ
Cuốn bao nhiêu gió chép thơ tặng đời

(Dâng Rừng)

Ngậm ngùi một nửa quê hương
Lạnh lùng một dáng chiều buông rủ sầu
Hồn về sáng lại đêm thâu
Lửa hương cầu nguyện cho nhau thâm tình
Không gian chiều xuống thay hình
Thời gian giữ mãi tâm tình trong ta

(Sầu Chiều)



Tập Dâng Rừng cố nhiên có vài chút tạm gọi là “khuyết điểm” theo quan điểm văn nghệ thời nay. Nhưng những khuyết điểm hoặc nhược điểm kia, chính là những đặc ân, ưu điểm của tuổi trẻ. Ngày mai lớn lên, ta khắc phục được những nhược điểm kia, thì cũng chính ngày đó chúng ta đành mất cõi thanh xuân, linh hồn bắt đầu tàn tạ, khép kín. (Kín là kín bưng, kín bít, chứ không phải kín đáo u huyền).



Nhưng làm sao có thể khép kín mãi được? Hãy thư thả nghe lại cung bậc lục bát dị thường trong Thân Phận:


Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi
Nằm đây lạnh suốt mặt trời
Hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh

Phố xưa hồn đẫm lệ mình
Sông xưa chiều đã lênh đênh mấy mùa
Nghe tàn cõi mộng hoang thưa
Con chim lại hót trên mùa lang thang

Mắt em hồ vỡ cung đàn
Thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ màu lưu linh…



Màu lưu linh

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi



Màu lưu linh là màu lưu ly, linh đinh, hay lung linh sương bóng. Màu lưu linh là một tiếng lãng đãng chia phôi.



Nếu nghĩ tới Kiều, thì đó là màu sắc nhuộm suốt một đời lưu lạc của nàng. Và trong đó không chỉ có đoạn trường thôi? Ly biệt, chia phôi? Nhưng còn ý nghĩa riêng của tu hành trong cuộc Lữ.

Nếu nghĩ tới Nerval, thì màu lưu linh của Hoài Khanh chính là màu của huyễn mộng Les Chi-mères, màu của el desdichado (kẻ lang thang trần trụi, không chỗ dung thân khắp bến bờ đất trích).

Je suis le ténébreux, - le veuf, - l'inconsolé,
Le prince d'Aquitaine à la tour abolie
Ma seule étoile est morte, - et mon luth constellé
Porte le soleil noir de la Mélancolie.


(Ta là kẻ âm u, kẻ góa vợ, kẻ khôn nguôi, Hoàng tử của một cung thành vùi lấp).

Đã tử diệt là Ngôi Sao duy nhất
Mặt trời đen là cung bậc ta ca
Vừng Hắc Ô bám chặt cây đàn ngà
Ảo mộng của mối Sầu U suốt kiếp

Màu lưu linh của Hoài Khanh ngân lên cung bậc dị thường kia của ông Chúa Siêu Thực Tây Phương, mà ngân lên trong tiết điệu dịu dàng đôn hậu của lục bát. Cái mới thật là kỳ.

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi


Hai câu đơn giản như thế cũng đủ sức xô ùa những Nerval Hölderlin vào cuộc hội đàm vô thanh vô tức với Nguyễn Du. Cuộc hội đàm của bọn người cô độc. Và tuổi tôi chỉ riêng sương lạnh ở lại đền bù.

Người ta có thể hỏi: giọt sương hao mòn như thế, hột sương ở lại đền bù, thì đền bù được bao lăm?

Nhưng thy sỹ vẫn hồn nhiên tha thiết bảo:

Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi

Sương của mùa thu dằng dặc? Vì mùa xuân đã chết? Mùa xuân đã tàn phai theo cánh chim bay tàn bóng xa mù. Tôi còn biết làm sao buộc cánh nó lại? Mà buộc lại để làm gì? Tôi xin chấp thuận cuộc chuyển dịch kia và đem lời thơ trao nhau làm tặng vật.

Dâng đời tất cả riêng mình héo hon
Đó là ý nghĩa của câu thơ Dâng Rừng.

Nằm đây lạnh suốt mặt trời
Hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh
Phố xưa hồn đẫm lệ mình
Sông xưa triều đã lênh đênh mấy mùa.

Phố xưa sông xưa, là sông phố ở một tỉnh lị nhỏ miền Trung? Gió biển thổi vào từng trận, những chiều hè tha thướt hoang liêu, những buổi sáng mùa đông thảm đạm. Một giai nhân dị thường như những Sylvie, có lẽ đã cư lưu tại phố đó. Và một mối tình tuyệt vọng có lẽ đã đem lệ về làm đẫm ướt phố xưa. Sylvie, Adrienne, Diotima, Alissa… vân vân… Những con người như thế vốn từng đã khiến những thiên tài Hà Tịnh viết nên những lời:

Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi


Hoặc:

Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa
Yêu một người, ta dâng cả tình thương


Nhưng tình thương đó đã vô vọng và vì thế nó đã biến thành một thứ gì không tuổi không tên, nhân gian không có lời gì để gọi nó ra được nữa. Gọi nó là màu lưu linh. Màu lưu linh đã giết con người ta chết từ sơ ngộ, người ta sẽ bỏ phố xưa sông cũ ra đi để suốt đời nghe tiếng chim thuở ban sơ về hót…

Nghe tàn cõi mộng hoang thưa
Con chim lại hót trên mùa lang thang
Mắt em hồ vỡ cung đàn…

Trên bước lang thang người thơ gieo những cung bậc vào cung đàn mà mỗi phen mỗi thấy hiện ra trước mắt mình hai con mắt thiên tiên của công chúa, và hai con mắt u huyền đó đã làm vỡ cung đàn bất tuyệt của tài hoa. Và mỗi phen lại nghe cung đàn mình chết lịm trong cung đàn sơ khai kỳ ảo.

Il est un air pour qui je donnerais
Tout Rossini, tout Mozart et tout Weber
Un air très-vieux languissant et funèbre
Qui pour moi seul a des charmes secrets



Hoài Khanh chẳng bao giờ đọc Nerval, và có lẽ ngày xưa anh cũng chẳng đọc gì Nguyễn Du, Huy Cận.

Nhưng tâm hồn anh mang chứa tinh thể thi nhạc những tâm hồn kia. Những Mozart, những Chopin, những, những…


Tôi vốn là kẻ rủi ro thuở mười lăm mười sáu đã gặp Huy Cận Nguyễn Du Nerval. Tôi đã giã từ hết sách vở meo mốc nhà trường về quê sống với chuồn chuồn châu chấu. Thì cái ngày lạc lối vào Sàigòn, bỗng nhiên tao ngộ tiếng thơ Dâng Rừng, tôi tưởng mình được phép nói vài lời tuyệt đối, mặc dù ngày đó tôi chưa quen biết Hoài Khanh. Tôi nói với ông Tạ Ký dịp nào gặp Hoài Khanh thì dẫn anh tới nhà chơi một cuộc. Từ bấy tới nay ngót mười năm.

Hoài Khanh là hồn thơ thuần nhiên điền dã.

Vậy thì cái bản “hòa âm điền dã” của anh tất nhiên ngân lên một âm thanh gì khó lọt vào thính quan người văn nghệ phồn hoa. Mỗi người hãy xin mang trọn cái nghiệp mình trong cái vũ trụ riêng mình. Rồi mai sau, sẽ có dịp bất ngờ cái vũ trụ riêng mình sẽ chan hoà vào cái càn khôn chung thiên hạ. Chẳng nên sớm vội vã cưỡng cầu.

Chỉ thử tưởng tượng xem. Những kẻ hồn lạc loài ngay từ thuở sơ sinh bỗng một hôm gặp Nàng Thơ đẹp nguy nga như hoàng hậu trong bầu không khí ba cha bảy mẹ thế kỷ này … Thì từ đó?

Il est un air pour qui je donnerais
Tout Rossini tout Mozart et tout Weber…


(Trích “Đi vào cõi thơ” của Bùi Giáng)











Đặng Tiến


Đọc THÂN PHẬN của HOÀI KHANH






Nếu Thượng Đế hữu hình người sẽ khóc một câu thơ của Hoài Khanh nghe dường như muốn ràn rụa nước mắt.

Tôi đã đọc nhiều câu thơ thật buồn :

Chao ôi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng hoang liêu cũ vạn đời

Nhưng tưởng muốn cảm thấy nỗi buồn ghê rợn, ma quái ấy phải mang trong thân phận một căn bịnh hủi như Hàn Mặc Tử. Nỗi buồn bệnh lý kia vẫn xa xôi.

Tôi đã ngậm ngùi với nỗi xa vắng, mênh mông, đằng đằng của Huy Cận :

Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu

Nhưng lại là nỗi buồn vạn cổ của thi nhân theo lời Xuân Diệu, làm tâm sự cơn gió nức nở trên rặng phi lao hay bóng mây bay qua cảnh lưng đèo quán chật.

Đọc Hoài Khanh, tôi cảm thấy sống dậy trong lòng nỗi buồn chính mình vừa bắt gặp hôm qua.

Nếu Thượng Đế hữu hình người sẽ khóc. Tôi chạnh nhớ đến Heine qua một câu thơ dịch sang tiếng Pháp :

Ces larmes qui n’ont pas été pleurées
(Những giọt lệ chưa bao giờ được khóc)

Hoài Khanh còn là một nhà thơ trẻ, trưởng thành trong cảnh xô bồ của một xã hội chưa tìm được lối đi. Anh đã làm quen với độc giả, với tậpDâng Rừng xuất bản năm 1957.

Hoài Khanh của Dâng Rừng là một chàng trai, vui tươi, hý hửng với những buổi mai hồng hẹn hò một hoàng hôn ngập nắng :

Thế hệ hai mươi vườn hoa thơm nắng
Nghe diụ hiền thắm thiết với sao trăng
Bước chân đi đường rộng mấy mươi lần
Mơ hay tỉnh hỡi thiên đàng rực rỡ ?
Dâng Rừng tr. 28

Niềm vui dễ dãi ấy đã tìm đến những vần điệu cổ điển, cổ điển đến thành khuôn sáo. Đọc Dâng Rừng sẽ bắt gặp những lời, những ý, những cảm xúc, những vần điệu tiền chế :

Nát từng nếp áo hoàng hoa
Tâm tư lạnh cả bài ca độc hành
Dâng Rừng tr. 30

Tâm hồn dễ dãi như vậy, kỹ thuật làm thơ khuôn sáo như vậy, thi phẩm đã không tạo cho Hoài Khanh một chỗ đứng nào cả.

Sang đến Thân Phận con người thực Hoài Khanh và nhà thơ Hoài Khanh đã đổi khác. Trong khoảng năm năm, nỗi buồn của một thế kỷ đã chồng chất tâm sự Hoài Khanh.

Trong thơ chàng luôn luôn có cái ám ảnh của thời gian; bài thơ đầu là Sau lưng ngày tháng, bài thứ hai là Thời gian, tiếp theo là Ngày tháng trôi qua,Hao mòn…và cứ như thế giòng thời gian liên tục xoáy vào tâm hồn Hoài Khanh những vũng hoang liêu :

Tháng ngày qua hôm nay nữa dần trôi
Rồi như thế tôi biết làm sao được
Tr. 14

Tượng trưng cho thời gian là những giòng sông. Thi nhân vốn yêu giòng nước chảy từ một Apollinaire :

Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne.
(Dưới cầu Mirabeau xuôi chảy nước sông Seine
Và tình ta
Cần chi mà nhớ mãi)
Đến một Nguyên Sa :

Hãy đưa tôi ra bờ sông
Để tôi nhìn cho rõ
Tôi nhìn giòng nước chảy
Tôi nhìn tôi bơ vơ.

Trong Hoài Khanh, giòng nước luân lưu là khung cảng thường xuyên của thi hứng :

Thôi em đời một lần quên
Dòng sông thưở ấy lênh đênh mất rồi.
tr. 70

Nước ơi sông vẫn còn đây
Hồn ơi thơ vẫn lên đầy không trung
tr. 12

Khi Huy Cận viết :

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Thì giòng sông và thi nhân vẫn là hai thực thể xa nhau. Con sông của Hoài Khanh là một linh hồn, một tri kỷ :

Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi
tr. 24

Những hình ảnh khác trong Thân Phận cũng lại là những sự vật luân chuyển. Những áng mây bay đi sẽ không bao giờ trở lại :

Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
tr. 16

Ánh sáng trong Thân Phận cũng mong manh, ánh nắng hoàng hôn ngả sang bóng tối, với những sợi khói tan mờ trong gió thoảng.

Âm thanh trong Thân Phận là một điệu nhạc mơ hồ, đìu hiu trong lau lách, xa vắng như từ một kiếp nào thổi lại.

Hoài Khanh chỉ mến thương những chiếc lá sắp sửa không còn là lá :
Những ngày xanh những mầm xanh
Tôi nhìn chiếc lá rơi cành mà thương
tr. 68

Rồi đến tà áo của người yêu cũng chỉ xuất hiện để chợt biến trong niềm ly biệt thường xuyên của mây nước :

Màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt
Bay về đâu xin còn lại linh hồn.
tr. 29

Trong sự thay đổi của linh hồn, Hoài Khanh nhìn sang những sự vật bằng hữu chung quanh đều thấy muôn màu đều chợt biến :

Nhưng núi rừng ngày tháng đã là mây
Bay vô định, tôi một loài vô định
tr. 58

Hoài Khanh chấp nhận ngoan ngoãn số phận thoảng qua. Niềm biệt ly thường trực và chua xót trong lòng chàng đã được gói ghém trong một bài thơ thật hay. Tôi xin trích trọn vẹn vì bài thơ này tượng trưng cho hồn thơ và lời thơ của Hoài Khanh. Thiết tưởng viết một trăm trang trình bày không bằng để cho tác giả tự nói trọn vẹn tiếng nói của mình :

Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi

Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa


Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở laị bến hoang sơ

Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu,
(Ngồi lại bên cầu tr. 16)

Tôi tưởng đây là một trong những bài thơ hay của Hoài Khanh và của thi ca hậu chiến. Tình ý rất bình thản và kín đáo gây được những cảm xúc lâu dài và thắm thía. Hình ảnh trực tiếp tạo cho ngôn ngữ một gia tài riêng phong phú, và vượt hẳn những ngôn ngữ không phải là thi ca. Âm điệu nhịp nhàng và uyển chuyển, nhẹ như mây bay, buồn như nước chảy, êm đềm như một cuộc chia ly, trong tâm trạng của kẻ lẩn trốn vì thấy mình không thể…

Thỉnh thoảng người đọc Thân Phận đã bắt gặp nỗi buồn thản nhiên, ngậm ngùi, chua xót của một Verlaine.

Mỗi con người đều bị thời gian cuốn đi. Sở dĩ Hoài Khanh thường nói đến thời gian, vì chàng có một ý thức lưu đày trong thời gian : mỗi ngày mỗi tháng trôi qua, mòn mỏi một ít cô đơn, mà Hoài Khanh thì vẫn còn trơ vơ với số phận.

Sau lưng là một khoảng hư vô, trước mặt là con đường vô định :

Nước xuôi lạnh một giòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
tr. 24

Hoài Khanh tự biết mình đã luân hồi lộn kiếp, kiếp người - nhất là con người đa mang sầu hận - là một sự lưu đày mà chàng vô tình gánh chịu. Chàng tự hỏi kiếp sau sẽ làm gì.

Ta sẽ chết và rồi em cũng sẽ
Đành bỏ đi những luyến nhớ một thời
Những buồn giận cùng tấm lòng ước vọng
Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi ?
tr. 36

Có lẽ trong tiềm thức chàng cũng chỉ ước mong như người xưa làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Con người từ chối tương lai ấy luôn luôn có cái thái độ ngoái lại :




Ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng

Lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo
Gió heo hút dường nghe niềm u hận
Em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo
tr. 29

Hoài Khanh run sợ sự cô độc, phải chăng là trong sự cô độc kia, loài chim mù sẽ tiếc nuối đôi cánh trắng như sương ? Chàng sẽ vui sướng trong gặp gỡ, dù chỉ là gặp gỡ mong manh của sự sống, dù chỉ là sự sống xa lạ :

Tiếng xe đò bỗng gặp giữa rừng mưa
Vui biết mấy một tiếng còi đơn độc
Rồi chuyến xe đi đường dài nối dốc
Biết làm sao tìm lại dẫu qua rồi
Tiếng còi buồn thông cảm đã xa xôi
Thế là hết mỏng manh niềm hạnh ngộ
tr.19

Trong Hoài Khanh là tiếng còi tàu đang tắt ngấm, là chiếc khăn tay đang mờ trong sương khói, là mùi hương trong mái tóc còn vương trong hơi gió, là tiếng ân tình còn thì thầm trong lau lách. Trong Hoài Khanh là sự giã biệt muôn đời của vật đổi sao dời, của người đi kẻ ở. Cuộc sống của người thơ chỉ là một âm thanh lướt nhẹ trên phím tơ, lúc gặp tri kỷ thì đã trở thành dư âm của một thời xưa thiên cổ.

Những câu thơ hay của Hoài Khanh là những cảm giác đong đưa dịu nhẹ :

Em đi lạnh một giòng mưa
Nguồn thanh xuân đó già nua nhánh cành
Bãi tràn phơi nắng chiều hanh
Gió thương cây lá long lanh giọt đàn
tr. 27

Nhưng mối sầu của Hoài Khanh trái lại đôi khi mãnh liệt xô bồ như một tản núi u sầu vĩ đại cuốn theo giòng thời gian âm thầm thác lũ. Tấn thảm kịch bi thiết đó diễn khi Hoài Khanh, con người của một kiếp khác, muôn xưa đã sống trong rực rỡ huy hoàng nay muốn trở về trần gian tìm lại cuộc đời sang chói :

Ta là gió của nghìn năm xưa cũ
Tiếc huy hoàng một thuở trở về đây
Ta là nhạc của luân hồi chín kiếp
Hồn trầm luân thắm máu những bàn tay
tr. 34

Tâm tình của Hoài Khanh còn bi thiết gấp mấy lần của Lưu Thần Nguyễn Triệu lúc đòi trở lại trần gian. Vì loài đà điểu của sa mạc, loài hải âu của đại dương, loài đại thọ ở rừng già đã hồi sinh trong một căn phòng hẹp. Loài đà điểu kia vẫn tiếp tục nuôi trong linh hồn chân trời sa mạc, loài hải âu kia vẫn tương tư muôn trùng sóng gió cũng như loài đại thọ vẫn tìm mãi trong không gian lớp khói rừng bay lên từ những hốc đá của dĩ vãng. Cho đến một ngày kia, đôi chân đà điểu, đôi cánh hải âu, rễ cành đại thọ tàn lụi và mối sầu muôn thế kỷ chồng chất vào một giấc mơ muôn đời tuyệt vọng :

Vai mình mang một quê hương
Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh.
tr. 86

Nỗi tuyệt vọng của Hoài Khanh bắt nguồn từ một tấm lòng vị tha đọa đày trong một xã hội tăm tối. Ôi đẹp làm sao giấc mơ của tuổi trẻ như đại dương :

Ta từng mơ một con đường dẫn lộ
Kết tình thương giữa tất cả người người
Và hạnh phúc tuôn tràn như thác nước
Trên cuộc đời không ai thét : cho tôi
tr. 36

Hoài Khanh dễ yêu ở mối tình quê hương và nhân loại bàn bạc trong ý thơ. Tâm hồn chàng có lóe lên một tia nắng ấm, tia nắng ấy chàng sẽ trao về cho đồng loại. Tôi nhớ đến thuyết le pessimisme actif của Camus, tôi nhớ đến những thanh niên đi tìm lãng quên trong hạnh phúc của đồng loại.

Bao giờ đem nắng mười phương lại
Rộn rã nhân gian những tiếng cười
tr. 47

Hoài Khanh nuôi dưỡng tình vị tha cao qúy đó trong tình yêu của một người con gái

Em giúp tôi thấy lại hồn mình
Gìn giữ lại những mối tình đã mất
Tình yêu
Tổ quốc
Quê hương
tr. 53

Làm sao đọc những vần thơ tình như thế mà ngăn được ngậm ngùi, cảm động ?

Loài người vốn thường hay nuôi dưỡng những mối tình rộng lớn bằng những niềm mến thương nho nhỏ. Quê hương đâu phải chỉ là một cành hoa cải lung linh trong nắng chiều hay mùi hương hoa cau phảng phất trong hơi gió những lúc nửa đêm về sáng ? Nhưng đó lại là những hương sắc nuôi nấng tình yêu quê hương. Hoài Khanh vùng vẫy để vượt qua nỗi bi quan bằng mãnh lực của một mối tình nhỏ bé.

Rồi em đến một chiều xưa man rợ
Khói sương tan trong vũng máu thiên đường
Ta cúi đầu giữa một trời thê lương
Ôm sự sống trong bàn tay bé nhỏ
Và như thế đóa hoa tình đã nở
tr. 83

Hoài Khanh sẽ bắt chợt đôi niềm vui tình cờ nhưng thành thật, thiết tha

Em đã đến ta mừng ra nước mắt
tr. 81

Quả thật đây là một lời tâm sự giản dị thật thà đến rớm lệ. Còn giản dị hơn nữa là bài thi ca tình ái :

Buổi em về hai đứa hát yêu thương
tr. 77

Hoài Khanh không thuộc vào hạng thanh niên nổi loạn “chống hư vô” của thời đại. Ngay cái đề “Thân Phận” đã ngụ một ý chấp nhận. Hoài Khanh chỉ là một loài cỏ hiền lành ngoan ngoãn vâng theo lời gió dạy, theo một ý của Tô Thùy Yên. Hoài Khanh thú nhận điều đó :

Trước cuộc sống cúi đầu yêu định mệnh
tr. 78

Hiền lành ngoan ngoãn như thế, Hoài Khanh vẫn giữ kỹ thuật làm thơ cũ : lục bát thật thà, hay thơ tám chữ chừng mực. Từ nội dung đến hình thức Hoài Khanh không phá phách, thách đố.

Thỉnh thoảng có những ý những lời rất cũ, làm nhớ một Vũ Hoàng Chương.

Rưng rưng ý cũ
Hẹn thắm bình minh trải lối về
Người ơi chừ hẹn ước
Nằm đây ấm lạnh hồn phong vũ
Hơi buồn trong gió cứ lê thê
tr. 47

Cho đến những câu :

Ai ngàn xưa ? ai ngàn sau ?
Tháng năm vàng xuống bờ lau tội tình
tr. 62

làm nhớ đến Trần tử Ngang :

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả…

Toàn tập chỉ có một bài thất ngôn, âm điệu trầm buồn, bâng khuâng.

Trong mắt những người tâm sự ấy
Mây ngàn năm cũ bay lênh đênh
tr. 60

Đọc những câu trên chưa ai quên được âm điệu xa xăm của một Quang Dũng :

Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống
Nhà ai pha luông mưa xa khơi
Cũ không có nghĩa là sáo ; trái lại đôi khi cố ý làm ra mới lại thành sáo. Trong lúc thi ca Việt Nam chưa tìm ra được một đường lối mới, chưa khai thác được những giá trị của ngôn ngữ, những vần điệu cổ điển của Hoài Khanh còn đủ mãnh lực để quyến rũ người đọc.

Phải tóm tắt thế nào những nhận xét về Thân Phận ?

Hoài Khanh con người giàu lòng vị tha bất mãn trước xã hội, con người cô đơn đi tìm niềm vui trong mối tình nhỏ bé, con người ngoan ngoãn vâng theo lời định mệnh đã bị giòng sông thời gian ám ảnh. Hoài Khanh bám víu vào hiện tại để quay lại nhìn dĩ vãng trung thành với kỷ niệm. Một tâm hồn như thế dễ dàng chấp nhận một kỹ thuật thi ca cổ điển. Thơ Hoài Khanh thuộc loại lời cũ ý mới nếu ta tạm dựa theo cách sắp xếp cũ kỹ của Vũ Ngọc Phan lúc ông xếp Lưu Trọng Lư và Vũ Hoàng Chương vào hàng thi sĩ nửa cũ nửa mới.

Do đó Hoài Khanh có lẽ đáp đúng nhu cầu của đa số độc giả thi ca hiện nay, chưa tách rời ra được truyền thống Thơ Thơ và Lửa Thiêng và bất mãn với loại thơ Nhị thập bát tú.

Và khi tôi phân tích cái hay của Thân Phận không phải tôi đứng trên quan điểm “trẻ chưa qua già chưa tới” nhưng vì trong ngành xuất bản thơ xô bồ hiện nay, một tác phẩm trong sáng, thành thật đáng được khuyến khích.

Nếu loại ra một Đinh Hùng, một Vũ Hoàng Chương cả lời lẫn ý đều rất cũ vì họ thuộc vào một thế hệ khác, thì bây giờ còn nhóm thơ Huế với Thế Viên, Diên Nghị, Tạ Ký còn trung thành với những rung cảm xa xưa ; lâu nay nhóm này lại im hơi lặng tiếng.

E rằng Thân Phận của Hoài Khanh sẽ ghi dấu thời kỳ tàn tạ của lối thơ cổ điển chăng ?

Nhưng giá trị nghệ thuật của một tác phẩm không phải ở chỗ cực thịnh hay cực suy của một môn phái, cũng không phải ở chỗ được hay không được độc giả tán thưởng.

Trường hợp Thân Phận được nhiều người nhắc nhở đến, điều đó tỏ ra anh được lòng độc giả trung bình chứ không chứng tỏ Thân Phận là một tuyệt tác, hoặc ngược lại là một tác phẩm bình dân hạ cấp.

Trước đây có một người làm thơ khoe rằng tác phẩm mình bán chạy mỗi ngày bốn, năm trăm cuốn, thậm chí có cặp tình nhân nào đó đã rủ nhau xuống suối Lồ ồ tự vận mang theo tập thơ kia. Nếu đó là một sự kiện có thật, thì sự kiện đó không chứng minh được gì cả. Cũng không phải là một sự thật đáng buồn, vì nếu nước mình còn nhiều người thích thơ T.T.KH thì ở Pháp còn khối người ưa Lamartine, và điều đó không ngăn được khúc quành vĩ đại của thi ca Pháp.

Phong trào xuất bản thơ tại Việt Nam hiện nay thật dồi dào đến cái độ hỗn loạn nhất là trong giới tuổi trẻ. Mỗi linh hồn thanh niên là một trời thơ, rồi làm được dăm ba bài là rủ rê dăm ba người bạn cùng nhau xuất bản. Thành ra rất khó nhận định được thực chất của thi ca hôm nay. Vì không thể bỏ qua các tác giả vô danh - biết đâu họ chẳng là thiên tài - mà đọc họ thật không xuể. Hơn nữa, giải thưởng văn chương toàn quốc những năm nay lại tưởng thưởng những tác phẩm thi ca không lấy gì đặc sắc, nên không khuyến khích các tác giả rèn luyện kỹ lưỡng bút pháp, chỉ gia tăng hỗn loạn cho các bạn trẻ quá tự tin.

Trong đám rừng hoang tăm tối này, tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh xứng đáng được nhắc nhở giới thiệu.

Trong cái tinh thần gạn lọc đó chúng tôi trình bày Thân Phận và sự bình phẩm của chúng tôi cũng dựa trên tinh thần đó.

Trận bão Lucy thổi tạt qua Sàigòn những ngụm nhớ thương lạnh lẽo. Tôi đã kéo lê nỗi buồn của Hoài Khanh trên các hè phố trong khi viết dở bài này. Tôi thấy gần gũi với Hoài Khanh hơn khi đi dưới những lùm cây ướt đẫm tình yêu, hoặc qua cầu nghe dĩ vãng thổi lọt dưới chân.
Các trường hôm nay đóng cửa, lạy trời cho mưa bão quanh năm, để tuổi trẻ trở về với hè phố. Hãy đóng cửa các học đường, các phòng trà, các tòa đại sứ, hãy đóng cửa các thành phố để trả tuổi trẻ về với rừng xanh, ôi những khu rừng, những giòng sông thân yêu của vũ trụ thi ca !



Hãy trở lại hoang vu để cùng với Hoài Khanh nắm tay tự nhủ nhau rằng :


Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi.
Đặng Tiến

10-12-1962

Ghi chú : Đọc lại bài viết tại Sài Gòn cách đây đã 44 năm, không khỏi thấy những chỗ vụng về non nớt. Nhưng được cái ngay thẳng và hồn nhiên của tuổi trẻ, nên xin giữ nguyên văn, hầu lưu lại một giọng nói. Một thời. Một tuổi.

Đ.T. 30-04-2006










Tham khảo thêm về Nhà thơ Hoài Khanh























Phạm công Thiện: 

Giới thiệu thơ Hoài Khanh, Thân Phận









Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá

Và cô đơn đã ghi dấu trên tay

Chiều 30 Tết, sương mù xuống nhiều, hai người lang thang trên mấy nẻo đường ở Đà lạt…

Hoài Khanh bỏ Biên hòa và lên Đà lạt ăn Tết với tôi. Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời… Hôm đó, tôi đi vắng. Hoài Khanh bơ phờ đứng chờ tôi. Vừa bước về nhà, chợt thấy Khanh, tôi rưng rưng ôm anh mà hôn… Xa nhau bao ngày, bây giờ lại trùng phùng nơi cảnh trời thơ mộng vào ngày cuối năm. Ngày trước khi chia tay nhau chúng tôi có ngờ đâu lại gặp nhau trong mộtkhung cảnh thiên đàng, giữa mùa hoa đung đưa, dưới bầu trờ đầy mây trắng lê thê trong hơi xuân mơ hồ của Đà lạt. Chúng tôi dẫn nhau lang thang trên những đường phố tối tăm nhất, lắng nghe tiếng chó sủa và lắng nghe tiếng lòng mình rạo rực đau khổ vì quá bơ vơ, vì quá lạc lõng giữa sa mạc loài người. Người này nắm tay người kia, dắt nhau đi, lê thê như hai người mù đi xin ăn giữa phố chợ: chúng tôi đi ăn mày một chút tình thương giữa con người, một chút giao cảm, một chút rộng lòng, một ánh lửa ấm áp giữa đêm lạnh nhất và đen tối nhất của ngày cuối năm. Người ta chết và không hạnh phúc.

Cuộc đời đã quá nhiều ngộ nhận. Đêm ba mươi Tết không mưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn khác, nhắc đến Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, … Mỗi người bơ phờ ở một góc trời, ôm một nỗi lòng tha thiết, nồng nàn dâng trọn hồn mình cho đời.

Hoài Khanh ở với tôi được vài ngày, rồi không hiểu sao, tôi lại đuổi Khanh về Biên hòa… Tôi chịu anh không được. Ngày anh đến, tôi hôn anh. Ngày anh đi, tôi muốn anh đi cho phức mắt.


Mấy ngày anh ăn Tết với tôi ở Đà lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng: tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn trong những ngày này. Bởi vì đây là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rức, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma, tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…

Tôi muốn trốn thân phận con người, tôi không muốn nhìn hình bóng lẻ loi của một kẻ bị đày ở cuối trời miên viễn… Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể… không thể được. Không thể trốn. Chỉ còn cách tự tử như Hemingway trong một cơn khủng hoảng thác loạn. Nếu không làm thế thì đứng lại mà trừng mắt ngó nhìn nét mặt Khanh, lắng nghe sự im lặng của Khanh và đừng chạy trốn nữa.

Thế rồi cách đây một tuần, lúc về Sài gòn, tôi có ghé lại Biên hòa để gặp Khanh. Khanh chỉ ở một mình, trong một căn nhà tồi tàn, tôi nhìn lên vách và gặp những bức tranh của Michel Ange, của Van Gogh và Picasso, những bức ảnh của Pasternak, Evtushenko, Salinger, Hemingway và Camus, rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên, tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới đứng lặng lờ và Hoài Khanh cũng đứng lặng lờ như một bức ảnh treo tường; tôi bay ra ngoài thế giới này và có cảm tưởng như là một hồn ma trở về viếng lại thế giới loài người, ngắm lại những hình ảnh bất di bất dịch của con người giữa dòng đời trôi chảy và trong một thoáng giây, tôi lắng nghe được tiếng nói miên man của sự im lặng đưa vọng ra từ đôi môi bất động của những bức ảnh kia và bỗng nhiên tôi thấy sống lại và không còn là hồn ma nữa, tôi nhìn mấy ngón tay, nhìn lại người mình đã mang lại xác người và tôi nhìn lại Hoài Khanh, tôi thấy anh không còn là một bức ảnh nữa. Anh cũng cử động như tôi và anh mở miệng cười. Tôi cũng mở miệng cười, nụ cười của một người mà linh hồn vừa mới thoát ly ra thể xác.

Đà lạt ngày 26 tháng 4 năm 1962
Phạm Công Thiện
































Hoài Khanh 1969











Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.