Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Rừng, Kinh Dương Vương, Dung Nham (1941 - 2022)













Rừng

Nguyễn Tuấn Khanh
(1941 - 08/06/2022)
Họa sĩ

Bút danh khác:
Kinh Dương Vương (văn)
 Dung Nham (thơ)









Tiểu sử


Họa sĩ Rừng tên thật Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1941 tại Campuchia. Tốt nghiệp  Đại học Mỹ Thuật Huế năm 1964.

Là thành viên hội Họa sĩ Trẻ thành lập năm 1966 ở Sài Gòn cùng với các hoạ sĩ Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung vv...

Ông là một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đã thành danh tại miền Nam Việt Nam trước 1975.

Khi đang học mỹ thuật ở Huế năm 1960, Rừng đã tham gia “Triển lãm mùa xuân” ở Sài Gòn. Từ đó đến nay, ông đã miệt mài sáng tác, thực hiện trên 2.000 tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, acrylic, gốm, màu nước, tổng hợp...

Năm 1994 ông và gia đình đã sang định cư tại Hoa Kỳ và đã ra đi rời cõi tạm sáng 8/6/2022.
Huong tho 82 tuoi.











Tim còn đập anh còn yêu em mãi
Tim ngừng rồi anh còn muốn yêu thêm
23/09/2013























Tác phẩm tiêu biểu
với bút hiệu 

Kinh Dương Vương








Tranh Rừng







Bài Thơ Cho Bạn Tôi
tưởng niệm Nguyễn Phương Loan



Dáng anh cao lớn và oai nghiêm, thoạt trông trẻ con hoảng sợ. Nhưng rồi chúng đến vây quanh anh thân ái, khi chúng nhìn thấy đôi mắt hiền, buồn như mắt của một nghé tơ và giọng nói nhẹ dịu lòng. "Các cháu lại đây với chú. Nào, lại đây với chú"

Anh hãy còn độc thân. Anh yêu một người con gái, nhưng nàng không yêu anh, đã từ lâu, và anh còn yêu nàng mãi... Anh vẫn viết thư thường xuyên cho nàng, những bức thư là những bài thơ tình tuyệt vời không bao giờ có hồi âm.

Bạn tôi, anh là lính trận, nhưng cũng là một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng anh chỉ là một thi sĩ. Anh viết những bài thơ trong bụi rậm, trên quyển sổ tay nhỏ, giấy bao thuốc lá hay những mảnh giấy vụn. Những bài lục bát không bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Nhưng cây lá, những cỏ mọn hoa hèn và côn trùng - những chú dế nhỏ, cào cào, sâu bọ - biết qua giọng ngâm gợi cảm của anh. Và vài người bạn thiết nhận được những bài thơ của anh từ những vùng hành quân xa xôi.

Anh liên miên đi từ chiến trường này đến chiến trường khác.

Đầu Thu: Anh đang ở mặt trận Tây nguyên, Kontum. Nơi đó có gia đình vợ con tôi. Anh thường ra thăm lũ trẻ, đem theo những viên kẹo và những chiếc bánh ngọt - anh đã mua với số tiền nhín ra từ đồng lương ít ỏi của anh.

Khi tôi về phép thăm nhà thì anh đã theo đơn vị đến một chiến trường khác vùng duyên hải. Tôi không được gặp anh.

Anh gởi người bạn mang về cho tôi tập thơ “Kẻ tiên tri” của Kalil Gibran, anh đã cẩn thận, sửa những lỗi in sai. Anh viết cho tôi trong một bức thư ngắn với nét chữ run rẩy, rằng anh đang bị sốt rét rừng. Anh gởi lời thăm tôi và gia đình an mạnh, mong giữa mùa thu sẽ gặp lại. Tôi viết thư trả lời anh. Cầu chúc anh luôn gặp những điều may mắn và cũng mong sẽ còn gặp lại nhau.

Nhưng anh đã nhận được thư của tôi chưa?

Giữa mùa thu:

Tôi được tin anh đã trở lại chiến trường Pleime, nơi đó anh bị thương. Một mảnh thép đã len vào thân thể anh, nằm trong phổi khiến máu anh chảy ra nhiều cùng với những chiếc bong bóng màu hồng. Việc tản thương chậm chạp và anh đã bất tỉnh. Anh vào nằm bệnh viện và qua một cuộc giải phẫu.

Người bạn anh nhờ mang sách về cho tôi kể chuyện:

Buổi sáng, anh tỉnh dậy sau cơn mê man suốt đêm. Anh đã ngồi lên được và anh hút thuốc - thú vui duy nhất của anh đó mà. Buổi trưa anh cảm thấy mệt nhiều. Anh đã nói với người bạn nhờ nhắn lại cho gia đình tôi biết, nếu anh mệnh hệ nào. Đúng nửa đêm hôm đó...

... Bạn tôi, người bạn thi sĩ mà tâm hồn cao thượng và hiền hòa như lá cây đã vĩnh viễn từ biệt cuộc đời.

Có linh hồn không? Và linh hồn anh đã bay về đâu? Hẳn là linh hồn anh đã nhập vào những nụ xanh của một mùa xuân vĩnh cửu. Hay đến cư ngụ nơi một vì sao, trong ánh trăng vô thủy vô chung, hay đang bay lượn trên những tầng thanh khí? Ở đó, anh không còn là thi sĩ nữa, anh chính là thơ. Một bài thơ vô thanh vô sắc mà con người chỉ có thể nhận ra bằng linh cảm, với xúc động bàng hoàng. Một bài thơ đẫm lệ âm u.

Từ nay, trên thế gian, không nơi đâu tôi có thể tìm thấy bạn tôi, với nụ cười hiền hòa và đôi mắt như mắt một con nghé tơ nữa. Cuộc đời chúng tôi đã bị chia cách bởi một vực thẳm huyền bí mang tên Tử biệt. Chúng tôi có bị chia cách thật không? - Không - Tôi muốn tin như thế cho đến ngày tôi bước vào thế giới của anh và cuộc đời chúng tôi được nối kết lại - anh vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống của tôi.

Tôi lần dở những trang sách anh tặng tôi vào đầu mùa thu. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài nét chữ của anh. Hẳn những dấu tay anh mà tôi không trông thấy còn in lại trên những trang sách? Những trang sách giữ lại một cách vô tình hơi hướm của anh? Tôi đọc lại bức thư cuối cùng. Những nét chữ run rẩy vì cơn sốt rét rừng giờ đây run rẩy trong tâm hồn tôi.

Sáng nay, một buổi sáng xanh có nắng trong nhuộm rực rỡ khu rừng nơi dừng quân, tôi nhớ đến bạn tôi. Tôi muốn nghĩ rằng ở một nơi nào đó anh vẫn còn đang sống. Trong ánh nắng vàng trong vắt của bình minh kia anh đang cười và trên những chiếc lá xanh kia anh đang viết những câu thơ lục bát bằng ngòi viết tâm hồn anh và mực nắng ban mai. Anh đang nhớ đến người con gái anh yêu, gia đình anh, bè bạn và đời sống.

Nhưng không, mặc cho sự phỉnh phờ của cơn mơ mộng, trong tận cùng tâm trí tôi có một nơi bóng tối không chịu rời xa - dù chỉ một chút bóng tối nhỏ nhoi - từ đó một tín hiệu âm u liên tục đánh đi và tâm hồn tôi luôn tiếp nhận, rằng: “Bạn anh đã chết! Bạn anh đã chết! Đã. . . chết!"

Kinh Dương Vương










Tranh Rừng

































ĐỂ XEM

Lần đầu tiên gặp, Lệ còn là một nữ sinh mười tám tuổi. Rời trường trung học, từ Hậu Giang Lệ lên Sàigòn học khoa văn đại học tổng hợp, vừa đi học vừa làm phóng viên tập sự cho một tuần báo văn nghệ. Sắc đẹp vừa phải, nhưng là gái quê mới lên , Lệ còn giữ vẻ chất phác trong sáng, khiến nàng có một vẻ quyến rũ, khác các cô gái thành phố. Đặc biệt là đôi môi mỏng, hồng như hai muối bưởi và hàm răng trắng bóng.
Chở nàng bằng xe đạp cà tàng đi tìm nhà thuê khắp hang cùng ngõ hẻm giữa trưa nắng Sài Gòn cháy da, không thấy mệt. Khi nghe Lệ cặp với tay chủ nhiệm báo, tôi choáng váng, dù là chưa có tình ý gì. Ông ta lớn tuổi, ly dị vợ, ở một căn hộ riêng. Lệ hay tới đó để đưa bài. Hư thực không rõ. Muốn hỏi mà không dám.

. . . . . .

Gặp lại Lệ đã hai con, có hộ khẩu Thành phố nhờ theo chồng. Bây giờ nàng là thiếu phụ, nhưng đẹp sắc sảo, quyến rũ đầy tự tin. Mời nàng ăn trưa. Quán ăn trang trí kiểu Nhật, trung tâm thành phố, cạnh nhà hát lớn.
Lệ ngồi trước mặt. Tóc nhuộm màu hạt dẻ mịn, phất phơ trễ nải. Áo cổ hở, khoét sâu. Vồng ngực vung phập phồng. Eo thắt lưng ong. Hai cánh tay lông măng trắng ngó sen. Môi vẫn hồng múi bưởi như xưa, ướt hơn nhờ son bóng. Nàng nhìn, mắt sáng lẳng lơ, lấp láy như đang cười.
Nhìn xoáy Lệ:
“Ai nói gái hai con trông không mòn con mắt!”
Nghiêng đầu, hất tóc rũ, liếc nhanh.
“Chồng em chắc thường xuyên đau lưng. Làm ăn khá không ” Tôi cố tình nhấn mạnh hai tiếng “làm ăn.”
Háy, liếm môi.
“Biết ngay mà. Nhìn em anh cũng chịu không nổi.”
“Thiệt há!” Lúc lắc đầu, tóc đung đưa.
“Còn thằng bồ nhí sơ cua nữa đó”.
“Vừa chưa ”
Lệ gắp món ốc bầm hấp sả, nghiêng đầu nhai hờ hững.
“Cũng tạm”
“Cho anh sắp hàng sau thằng bồ”
“Để xem. . . Mà anh đâu ở đây.” Nàng nhìn xa xôi.
“Thì anh đang có mặt”
“Lỡ ghiền, mai kia không có anh, em biết tìm đâu!”
“Ăn xong mình ra ngoại ô, khách sạn vườn, không khí thoáng mát yên tĩnh.”
“Để xem”
“Phòng đầy đủ tiện nghi. Có nước nóng, TV, tủ lạnh, điện thoại.”
“Để xem”
Chia tay ở bãi giữ xe. Lệ cho xe nổ máy. Ngồi trên xe, Lệ đưa tay ra:
“Tạm biệt. Ngày mai em đi Sing một tuần với chồng”
Giữ bàn tay mát mịn của Lệ hơi lâu. Lệ hỏi:
“Sao tay anh nóng thế ”
Mắt dán vào Lệ:
“Mình còn gặp lại ”
“Để xem”

KINH DƯƠNG VƯƠNG

5/2002




















ĐƯỜNG KIẾN



1.



Khu rừng không giấu nổi bộ mặt tàn nhẫn và thô lỗ. Nó không mang vẻ huyền hoặc quyến rũ của một thế giới chưa tỏ lộ. Màn bí mật bao trùm, che dấu những âm mưu thâm độc.

Nhưng mãnh thú và mãnh cầm không can dự đến việc gây cho chàng cái cảm giác sợ hãi và kinh tởm, mà chính do con người.

Sau một thân cây, trên chòm lá rậm, dưới lớp cỏ mục khô.

Mọi nơi

Một nhát mã tấu

Một mũi tên độc

Một hầm chông

Một viên đạn bắn sẻ

Cùng tự che giấu và xuất hiện bất thần để làm thành vô tri những thân thể đang chứa chan sinh lực, đưa những linh hồn xanh tươi, chưa hết ngỡ ngàng, trao cho lão già cầm liềm hái, ốm đau nhưng không bao giờ biết mỏi mệt trong công việc.

“Nhưng thật bất công và ngu xuẩn khi cố tình gán cho khu rừng, hay nhìn thấy ở nó lòng giả trá bạo tàn. Như thế đã tỏ ra vô ơn biết bao đối với những giòng suối nước lành, những trái cây ngọt giọng, muôn hoa ngát hương, lời chim muôn thánh thót. Phải công bình với thiên nhiên, chàng tự nhủ. Thiên nhiên luôn vô tư, chỉ có con người , con người đã lợi dụng thiên nhiên, gây nên những tội ác và làm hoen ố nó mà thôi”.

Nhưng bóng tối thì cứ phủ vây chàng, ám ảnh chàng không ngớt cùng với nỗi chết đang rình rập. Thứ bóng tối kỳ quặc, cay sắc thăm thẳm, cắn vào da thịt như nanh vuốt tanh hôi lạnh giá của ác thú. Thứ bóng tối bám vào thân thể làm cho da thịt thối rữa, như nọc độc rắn đen. Chính vì ghê tởm sự im vắng, âm thanh man rợ, chính vì lòng khao khát ánh sáng, sự vững chãi bình an, thân tín và trung hậu, chàng đã có những ý nghĩ bất công đối với khu rừng.

Bên cạnh chàng, xác Hoàng chết đứng, gập đôi người lại, trong thế quì mà đầu gối không chạm đất, treo lưng chừng. Đầu chúi về trước, nghiêng trút xuống tựa đang cúi khom mình để bước tới. Hai cánh tay khuỳnh, gập góc vuông. Các ngón bấu víu tuyệt vọng vào những lá cành.

Hoàng chết, mặt úp xuống giấu trong gai cỏ.

Giấu gương mặt xanh xao tiều tụy đói cơm.

Hoàng chết đúng lúc để khỏi phải hứng chịu một cái chết dần mòn với cổ bỏng và bao tử cào xé. Cảm ơn, xin cảm ơn. Ôi! Dẫu vậy điều đó không giúp chàng làm lắng dịu cho nổi, lòng xót xa thương bạn đến hóa thành thù hận.

Thù hận và uất xót điều-vô-cớ.

Một hình bóng không rõ, mơ hồ ẩn hiện mà nanh vuốt luôn nhe ra như một loài quỷ dữ đầy quyền lực. Nó đè lên trái tim làm chàng đớn đau vô hạn. Nỗi uất hận cùng với lòng buồn nản. Phải chăng đó là hậu quả căn bệnh bất lực trầm trọng. Nó không làm rũ liệt tinh thần thể xác chàng và bao thanh niên cùng thế hệ, một định mệnh chung cay nghiệt cho cả một dân tộc?

2.

Chàng không còn lường được độ cảm xúc ở nơi chàng. Chàng không còn giữ nổi ý niệm về sự phân cách tuyệt vọng giữa cõi sống và cõi chết. Giữa hai cõi đó không còn một giới hạn rõ ràng nữa. Chàng lầm lẫn. Chàng tự hỏi: “Ta đang sống hay đã chết?” Và điều đó đối với chàng chẳng có gì quan trọng. Nếu biết rằng chàng đang sống, chàng cũng không vui gì hơn khi biết mình đang sống trong cõi chết. Chàng sờ vào cái xác Hoàng cứng đơ, lạnh ngắt. “Xác Hoàng hay xác ta? Hoàng đã chết thật hay Hoàng đang yên ngủ?”. Nhưng ngọn lao tẩm thuốc độc xuyên qua hông Hoàng kéo chàng ra khỏi cơn mộng. “Hoàng thực đã chết rồi”. Thuốc độc đã thấm vào thân thể Hoàng, cướp lấy sự sống của Hoàng một cách nhanh chóng. Chỉ bằng một chớp mắt. Cõi sống và cõi chết được phân định sau một cái chớp mắt. Người ta không lường được. Người ta không ngờ được và tưởng chừng như chàng đang nằm mơ. Nhưng giấc mơ khi tỉnh dậy không thay đổi. Đó là sự thật.

Hoàng đi trước chàng vài bước. Đưa hai tay rẽ một bụi rậm, lách mình qua một khe hở giữa hai thân cây. Một tiếng tách nhỏ nghe thật vô nghĩa. Hoàng gập người lại làm đôi như bị gẫy, hai tay ôm lấy bụng. Chàng lao mình tới gọi khẽ: “Hoàng, Hoàng! Cái gì … Kìa! Hoàng, Hoàng!” Hoàng không trả lời. Và Hoàng không bao giờ còn tiếng nói. Một vài cái uốn mình, cố gắng cất đầu lên, nhưng đầu Hoàng như bị một bàn tay vô hình rị xuống, gục hẳn, rũ rượi. “Hoàng đã bị bẫy”, chàng thảng thốt nghĩ. Một ngọn lao xuyên qua hông Hoàng như mũi chĩa xuyên qua bụng một con ếch. Chàng vuốt theo cán lao lần vào đến vết thương. Máu sắp đông vây ra tay chàng, nhờn và lạnh.

Hoàng chết không trối trăn.

Hoàng chết sau một tiếng kêu trời ơi thất thanh.

Những ngón tay còng queo quờ quạng vô vọng trong bóng tối. Và hết.

Đêm lễ mãn khóa ở quân trường Thủ Đức, Hoàng có chân trong số những Sinh Viên Sĩ Quan giữ lửa thiêng ở Trung Nghĩa đài. Một người bạn vui miệng đã bảo: “Này Hoàng, có ai giành chỗ đó đâu mà mày phải canh với gác? Cho mày về trước, tha hồ viết tên thật lớn”. Hoàng đáp: “Ừ! Thì càng tốt chớ sao. Về trước còn chỗ ghi tên, được ngửi mùi nhang trầm. Đến sau không ai nhận thành hồn ma vất vưởng”.

Bây giờ, thật đã như lời Hoàng ngày nào. Hoàng đã về trước để giữ chỗ và ghi tên mình trên mặt đá nhám. Ở đó Hoàng gặp lại những người bạn đồng khóa, đã nôn nóng về sớm hơn Hoàng. Và những bậc đàn anh lạ hay quen.

“Hoàng ơi! Mày đã chết không kịp nói lời cuối cùng cho ta, cho những bè bạn mày còn sống lại ở đời. Những người đã cùng mày bước một quãng trên con đường không rõ hướng. Con đường đã nhiều lần chúng ta tìm cách đặt lại đúng vị trí nhưng… công việc đó không có ích hơn một giấc ngủ và chúng ta đã nhiều lần bỏ đi ngủ”.

“Ta còn nhớ những đêm cùng bè bạn – sau một ngày nhọc mệt ở thao trường – đêm còn chong mắt ngắm những trái hỏa châu bật sáng, treo lơ lửng giữa cõi trời đen bao la, cố đoán phương hướng và những gì xảy ra nơi những trái hỏa châu soi sáng. Cố gợi lại một trận chiến hãi hùng nào đó chúng ta đã thấy trên màn bạc”.

“Ta còn nhớ những buổi trưa im, nắng lửa, năm mươi đứa nằm trong một căn trại nực nồng với mồ hôi, mỗi lúc giật nẫy mình lên sau những tiếng nổ vỡ tim của những khẩu trọng pháo 105 ly của quân đội Hoa Kỳ đặt sát bờ rào vọng gác số 5.”

“Những ngày những đêm rồi những đêm những ngày, từng đoàn trực thăng và phản lực cơ ném hàng ngàn trái bom xuống khu rừng dừa nước, cách xa trường không hơn bốn cây số – chúng ta đã tính ra bằng khoảng cách thời gian khoảng cách thời gian từ lúc ánh sáng lóe lên đến lúc nghe tiếng nổ. Chúng ta thấy rõ từng cột khói bốc cao. Đêm đêm trực thăng bay chung quanh trường dọi đèn pha tìm địch, bắn những tràng liên thanh dài. Gần đến nỗi, tưởng như ánh sáng đèn rọi sát hàng rào kẽm gai”.

“Ngày đó… Chúng ta chỉ nghe nói đến chiến tranh và thực tập làm chiến tranh, mọi sự hãy còn là lý thuyết mà thôi. Những thảm cảnh chỉ vang đến tai chúng ta như tiếng vọng. Chúng ta chưa mục kích và chưa thật sự tham dự. Giờ đây… “

3.

Chàng rút mạnh mũi lao ra khỏi người Hoàng, đỡ xác bạn, để nằm trên lớp lá khô vàng rồi ngồi xuống bên cạnh. Sự ráng sức trong tình trạng suy yếu khiến chàng mệt đứt hơi. Chàng vội nằm dài, duỗi xuôi hai tay chân. Một màn đêm thăm thẳm bao phủ chàng. Màn đêm mà trong đó lảng vảng biến đổi những sắc màu lộng lẫy. Chúng di động không ngừng theo chiều ngang dọc bằng những chiếc cánh vô hình, thoắt biến, thoắt hiện. Có lúc chúng tụ lại thành những khóm hoa bảy sắc cầu vòng, rực rỡ trên nền đen mịn nhung. Một cảm giác lạ chạy khắp người chàng. Chàng cảm thấy cảm giác đó tăng dần và thân xác chàng mỗi lúc trở nên nhẹ hẩng. Ý thức về thân xác chàng thật mỏng manh, chàng tưởng chừng như thân xác chàng đang chầm chậm bốc hơi tan biến mất. Chàng cố gắng một cách tuyệt vọng để xác định lại vị trí của tứ chi nhưng vô ích. Thân xác chàng như đã rã tan và ý thức về thân xác bồng bềnh trên một đại dương tăm tối. Thân xác chàng bấy giờ chỉ là thứ ý niệm mịt mờ vẳng đến tự hư không. Trong trạng thái đê mê rũ liệt đó chàng cố sức chống trả lại, nhưng cùng lúc dường như chàng lại có ý mong mỏi cảm giác đó sẽ tăng lên tột độ. Chàng muốn làm một cử động chống trả lại, nhưng động tác mà chàng tưởng như là một cố gắng tuyệt vời để thoát ra trạng thái đó đã đẩy chàng đến chốn. Như một chiếc bọt tan ra trong nước, như đám mây mất dạng giữa trời xanh, cơn mê thiếp đến tựa con sóng dịu dàng cuốn lấy chàng không phương chống chỏi. Trong mơ chàng thấy mình hóa kiếp thành một con sùng nằm khoanh trong đất lạnh, hai tay ôm lấy đầu như một bào thai non, chung quanh chàng đặc sệt bóng tối sâu thẳm cõi hỗn mang. Gió thổi bốn bề. Nàng hiện đến trên cánh lá non long não – nở ra giữa buổi sáng mùa Xuân. Chiếc lá bay lượn và tà áo mầu thiên thanh của nàng tung phất phới. Mái tóc đen mướt tung bay lộ vừng trán rộng. Mắt nheo tinh nghịch và hai nụ môi nàng mọng như hai múi bưởi hồng. Chiếc lá đáp nhẹ nhàng trên trán chàng. Nàng cúi xuống áp hai bàn tay ngón thon mềm lên má chàng. Môi nàng mấp máy “Em đến với anh”. “Cám ơn em”, chàng khẽ đáp, mắt vẫn nhắm “Em mang thức ăn và nước đến cho anh”. Nàng lấy bánh và chai nước lọc trong một túi nhỏ. Nàng quì, đút cho chàng từng muỗng nước. “Tội nghiệp anh của em. Tội nghiệp người yêu của em”. Mái tóc vòng lấy chiếc cổ nõn của nàng hóa thành con rắn đen da óng mướt như một tấm khăn nhung. “Mẹ vẫn mạnh đó anh”. Nàng lấy ra tấm gương soi giấu trong ngực trao cho chàng. “Mẹ đó anh”. Trong mặt gương mẹ chàng hiện ra cười môi trầu đỏ thắm. “Chào mẹ”, chàng thốt nhỏ. Mẹ chàng vẫn im lặng nhìn chàng âu yếm mỉm cười. “Con trai chúng ta đây”. Trong mặt gương hiện ra một chú thỏ lông trắng, chiếc mũi hồng nhạt rung rung, đôi mắt trong như ngọc. “Người yêu của em”. Nàng gọi. “Ôi! Tình yêu của chúng ta”. Một hỏa châu sáng lên trong mắt nàng. Chàng đưa hai tay bưng lấy mặt. Thân thể chàng nặng như một khối đá đen, to dần lên, sình thối. Hai con mắt bị đục thủng. Sâu hoắm như hai lỗ đêm. Những chiếc răng rơi rụng. “Anh, em yêu anh”. Nàng cúi xuống hôn đôi môi sưng húp nứt nẻ của thây ma chàng, lên lớp da căng cổ chàng. Nàng hóa thành một con kiến càng đen, hai chiếc nanh nhọn như hai gọng kềm kẹp lấy cổ chàng. Chàng hốt hoảng xô nàng ra. Chàng cố sức dùng hai tay liệt mở hai chiếc nanh nhọn. Chàng hét lên: “Hãy buông tha tôi! Hãy buông tha tôi! Ôi tình yêu! Tình nhân… Ôi! Tôi là một thây ma… Ôi… Tôi…”

Chàng tỉnh dậy chưa hết cơn khủng khiếp. Khu rừng sáng tỏ dần. Chàng cảm thấy dễ chịu. Thật ra đó chính là cảm giác tột độ của sự rã rời chàng chưa kịp nhận biết. Hai cánh tay, hai đùi chân chàng vẫn duỗi xuôi như người ốm liệt. Một ít mồ hôi vã ra trên trán. Chàng cảm thấy yếu lả tưởng chừng toàn thân chàng bẹp mỏng dán xuống mặt đất như một tấm bánh tráng nhúng nước. Chàng mở mắt, định thần nhìn lên những chòm lá, nhưng mắt chàng bị phủ che một màn sương đục. Chàng thấy mình như đang nằm trên mặt một dĩa hát đang quay. Và khó lòng chàng xác định vị trí thân thể mình. Lớp da bụng đè xuống bao tử như đá dằn làm bụng chàng đau nhói. Chàng phải thở khó nhọc để có đủ hơi nâng lớp da bụng nhô lên. Bỗng ở cổ chàng đau buốt. Cơn đau hẳn đã đến từ trước nhưng chàng chỉ nhận ra cảm giác đớn đau khi con kiến càng đen to bằng đốt tay cong cái đuôi mọng tiết chất độc làm cho vết thương nhức nhối. Cơn đau nhức nhanh chóng lan ra khắp cơ thể chàng. Máu chạy mạnh trong huyết quản và bất thần chàng nhấc được cánh tay sờ vào chỗ đau, bóp bẹp con kiến đang cố sức cắm sâu hai mấu nanh nhọn vào da thịt chàng. Chàng xoa chỗ đau đã sưng to lên, và cử động nhẹ cánh tay còn lại. Vẫn nằm yên chàng sờ soạng trong các bọc moi được viên sinh tố còn sót, kẹt tận góc đáy bọc, cho vào miệng ngậm. Và dầu sự tê buốt của vết thương đã đánh thức ở chàng các giác quan, trạng thái rũ liệt chưa thuyên giảm. Lúc sau, trong một cố gắng tuyệt vời, chàng nghiêng mình lại với hy vọng có thể ngồi dậy được. Và chàng đã bật dậy như một người bình thuờng nhờ ở sự hoảng hốt. Thân thể chàng được nâng lên tựa có sức đẩy của một chiếc lò so, khi chàng nhận ra, từ lúc nào chàng đã gối đầu lên xác bạn. Cơn ớn lạnh chạy dọc theo xương sống khiến chàng rùng mình. Bấy giờ chàng mới cảm thấy cái lạnh của suốt một đêm sương đã thấm vào da thịt. Chàng co hai đầu gối sát vào ngực để giữ chút hơi ấm. Máu khô dính bó cứng các đốt tay. Chàng xòe ra, co giãn các ngón. Lớp máu khô rạn nứt theo các đường chỉ chằng chịt, rơi xuống như những vụn cánh kiến màu đỏ sẫm. Trời đã sáng. Trong khu rừng lá rậm, ánh sáng bị che khuất, chàng không ước lượng được thời gian. Bỗng từ đâu đến một vệt nắng. Chàng ngẩng đầu nhìn lên. Qua một khe lá hở tít trên cao, tia sáng đâm thẳng xuống dọi đúng ngay gương mặt Hoàng như một tia nhìn cay cú. Phản quang lá cây sắc lục non nhuộm gương mặt vô tri của Hoàng thêm tái mét. Khoảng sáng nhỏ nhoi bao phủ chung quanh chàng thật êm mát dịu dàng như sắc lục phơn phớt của những chiếc lá long não trong tiết đầu Xuân.

Chàng nhìn xác bạn. Lưng Hoàng kê trên một chiếc rễ cây, phần bụng hơi nhô cao lên. Tay chân Hoàng đặt trong một tư thế khó nhìn. Trên quần áo Hoàng in thẫm những dấu tay bết máu đã bấu víu giằng co trong khi xô xát. Chàng ngồi dưới chân bạn nhìn lên. Hai lỗ mũi Hoàng trống hốc, những sợi lông dài quá khổ ló ra ngoài. Trái mũi to tròn nổi lên như một cái mô dốc nhỏ. Mắt Hoàng còn mở, đục lờ, miệng há. Toàn thể gương mặt còn in rõ nét hãi hùng. Chiếc răng khểnh đóng vàng nhựa thuốc của Hoàng trước đây một hôm, còn là điểm làm tăng thêm vẻ duyên dáng cho nụ cười hết miệng, giờ đây nhô ra làm vểu làn môi trên, gồ một bên mép, trông như một cái nanh mọc chưa đủ dài. Với bộ điệu đó y như Hoàng đang ngủ trong một dáng dấp có vẻ dị thường, nếu đôi mắt mở của Hoàng không bị một lũ kiến đen bu quanh mà Hoàng đã không buồn xua đuổi.

Chàng nhớm người lên, chồm tới đưa tay vuốt mắt bạn. Lũ kiến bị động hoảng hốt bò tứ tung. Chàng rùng mình. Hơi lạnh từ tử thi Hoàng truyền qua như còn dính lại ở bàn tay làm khắp người chàng nổi gai ốc. Cảm giác đó khiến chàng thốt nhiên sợ hãi, như có một kẻ thù rình mò đâu đó, xuất hiện bất ngờ, nhảy xổ đến giết chàng giữa lúc chàng không còn hơi sức để kháng cự. Chàng nhìn dáo dác. Những bụi rậm như có tai có mắt, trừng lại chàng, như sắp sửa giương ra nanh vuốt. Nhưng cảnh vật vẫn im lìm, ngoại trừ những cơn gió nhẹ thoảng đến làm xào xạc các lá cây.

Đám kiến bu trên mặt Hoàng đã tìm đường tẩu thoát, chỉ còn lại một vài con bò quanh quẩn ở vành tai. Trên chóp mũi Hoàng, một con kiến nhỏ loay hoay kiếm cách bò xuống dốc. Nó bối rối, tiến tới, thối lui, xoay dọc xoay ngang để tìm lấy một lối đi thích hợp, Cuối cùng với những bước chân cẩn trọng, nó men theo bờ dốc mũi bò xuống, nhưng những chiếc chân nhỏ bò không vững, nó bị trợt lăn cù, ngã vào chiếc cằm Hoàng râu lún phún.

Viên sinh tố đã giúp chàng lấy lại phần nào sức lực. Chàng muốn lợi dụng tình trạng khả quan – chàng biết là sẽ rất chóng qua đó – để làm vài công việc có ích. Chàng chôn Hoàng, hái ít lá cây có thể nhai được đỡ lòng rồi tìm đường thoát nạn. Nhưng cái sức lực vừa hồi phục ở chàng không đủ để chàng có thể đào cho Hoàng một cái hố dù chỉ sâu ba tấc đất. Cổ họng chàng khô dính lại, chút nước miếng còn trong miệng đặc quánh. Chàng lấy bi-đông cố chắt lấy những giọt nước cuối cùng. Chàng ngửa cổ lên, cẩn thận để miệng bi-đông lên môi dưới rồi ngậm lấy cả miệng bình. Như vậy chàng yên tâm không giọt nước nào có thể rớt ra ngoài. Bình nước cạn khô không còn một giọt nào. Nhưng chàng cứ ngửa cổ như vậy, miệng há to thêm chờ đợi những giọt nước vô hình. Chàng đập khẽ miệng bi-đông lên hàm răng, hy vọng một giọt nước sẽ lăn xuống, nhưng chỉ có những tiếng va chạm của chất nhựa vào hàm răng vang lên khô khan. Mệt nhọc, chàng tựa mình vào gốc cây. Một chiếc lá vàng úa từ trên cành cây cao cắm phập xuống mặt đất như một con diều giấy lạc lèo. Chiếc lá rơi ngay vào một đường kiến làm chúng rối loạn. Một đường kiến lúc nhúc hàng ức triệu con đang nối đuôi nhau di chuyển theo hướng nhất định. Những con kiến eo thắt mang những chiếc bầu mọng bóng no tròn, đầu cúi gầm sát đất như dáng điệu những người gò lưng, lầm lũi. Thực ra trong im lặng chúng thăm dò, đánh hơi và nhắm hướng. Cách quãng không đều, những con kiến đầu đàn như những vị chỉ huy oai vệ nổi bật lên giữa đám quân sĩ. Không vội vàng, kiến đầu đàn bò chậm rãi, trầm tĩnh như những gã đàn ông đứng tuổi, dày dạn những kinh nghiệm sống đau đớn trong đời, cẩn trọng đặt những bước chân vững chắc. Thỉnh thoảng chúng dừng lại, đầu hơi nghếch lên cao, ngo ngoe hai sợi râu ngắn.

Đám kiến rã đàn một lúc rồi tụ tập lại ngay và tiếp tục cuộc hành trình. Chiếc lá nằm ngửa, chắn lấp ngang đường đi, chúng băng qua chiếc lá giống như một bè người trôi chậm qua một mặt sông vàng. Trong đám kiến hỗn loạn, lạc lõng những con không theo đàn. Chúng lơ ngơ như kẻ bị mất hướng, bối rối tìm đường đi ngược lại và bận tâm bảo toàn miếng mồi cắp nơi miệng. Màu trắng nhờ nhờ của những miếng mồi được phóng to lên trong trí tưởng tượng của chàng làm cho tất cả các giác quan trở nên linh hoạt. Tim đập dồn dập, tai ù, nhưng mắt sáng. Nước miếng ứa ra. Chàng chận bắt một con, nhặt lấy miếng mồi bóp dẹp. Mắt chàng hoa lên. Trên lớp da hai đầu ngón tay nát nhòe, rít chất tinh bột chín dẻo. Cơm! Chữ cơm vang lên trong đầu chàng mạnh như một nhát búa đập. Chàng phải nhắm mắt lại để trấn tĩnh sự xúc động quá đà. Chàng nuốt số nước miếng ứa ra cho thông cuống thực quản bị nghẹn. Nhưng cổ họng chàng đau buốt như bị xé ra, tưởng chừng lớp da trong thực quản dán dính lại bằng keo. Chàng tìm hái mấy chiếc lá chua cho vào miệng nhai lấy thêm chút nước bọt đoạn bươi vội lớp lá khô phủ lên xác Hoàng. “Sống trước hết, chàng tự nhủ. Lòng thương xót phải biết đặt đúng lúc. Hoàng chết rồi, ta yếu đuối không thể chôn cất Hoàng tử tế được. "Những chiếc lá khô nầy, che dấu mày. Hoàng ơi! Ta cầu mong rằng sẽ không có một con cọp đói đi qua đây. Thịt xương mày rồi sẽ rã mục ra trong đất. Từ đó một đám cỏ xanh hay một giống hoa nào sẽ mọc. Những con ong đến hút nhụy làm mật. Mật sẽ nuôi sống một con gấu. Đó là sự lợi ích cuối cùng mày để lại trên mặt đất nầy…”

Chàng níu lấy một nhành cây, gượng đứng dậy. Chậm chạp, chàng đi theo dấu đàn kiến. Đi chỉ là một lối nói, thật ra hầu như Hoàng phải bò trên suốt quãng đường đầy gai góc. Những cọng gai của đủ các thứ cây rừng xước hai cánh tay chàng, mặt mũi chàng, máu tuôn ra như bị móng vuốt cào xé. Những cọng gai mắc cứng trong lớp vải áo quần. Chàng phải nhiều lần dừng lại gỡ khó nhọc. Những cử động nhỏ nhặt đó làm chàng kiệt lực. Chàng nằm ra ôm ngực thở, tưởng chừng chàng không bao giờ còn ngồi dậy, chàng sẽ vùi thân trong đám gai cỏ đó. Nhưng rồi hình ảnh những hạt cơm trắng nuốt nhảy múa trước mắt chàng và chàng lại thấy được khích lệ. Chàng gượng dậy bò theo dấu đường kiến. Đường kiến thì cứ nối dài, nối dài xuyên qua những bụi rậm không dứt và chúng đi mải miết…

Đột nhiên khu rừng trở nên sáng tỏ. Trên những bước chân nghiêng ngả của chàng lạc lõng những hoa nắng nhỏ. Đường đi trở nên quang đãng như ngõ mở ra một cánh rừng thưa. Lũ kiến đưa chàng đến một bãi cỏ phủ đầy hoa nắng. Từng khóm hoa lung linh, lay động theo bóng lá. Đường kiến mất dấu. Chúng phân tán vòng qua một bụi rậm, đổ xô về một phía. Chàng đưa mắt nhìn, kinh ngạc thấy đàn kiến dồn cục, dồn đống đến bu quanh xác chết một du kích quân. Một quang cảnh rộn rịp, náo động. Chúng giẫm nên nhau chen lấn chóng đến nơi mà chúng đã đánh hơi cách xa hàng cây số.

Chàng bước đến gần. Anh du kích bị sụp hầm chông của đồng bọn. Một chân giữ sâu dưới mặt đất, chân kia dạng ra. Người rướn lên ngã ngửa trên bụi rậm. Mặt tím bầm, nhăn nhó như một tên hề đang biểu diễn trên sân khấu pha đau đớn và kinh hãi bỗng ngã ra chết thình lình. Ngay dưới chân, chiếc nón tre đan hãy còn mới, bọc lớp vải dầu mầu xanh lá cây sậm.

Lũ kiến bu đen một bên hông anh ta, chúi đầu vào cái gói bọc lá chuối đã bị cắn vỡ. Chàng bẻ một nhánh cây xua lũ kiến, gỡ lấy. Chàng run ray bóc lớp lá chuối bọc thật cẩn thận. Đến lớp cuối cùng, màu trắng của vắt cơm hiện ra dưới mắt chàng, sáng ngời lên như chất ngọc. Cơm đã có mùi thiu, nhưng không vì thế mà hạch nước miếng chàng không làm việc dữ dội. Nước miếng ứa trào ra không kịp nuốt làm chàng bị sặc. Hai tay bưng lấy gói cơm, chàng cúi đầu xuống há miệng cắn vào chất ngọc trời mềm quí báu. Một giòng nước miếng không ngăn kịp chảy tràn ra khóe mép chàng. Chàng cắn từng miếng cơm lớn, nhai trệu trạo, nuốt vội. Gói cơm khá to, chàng chỉ ăn hết một nửa, uống nước anh du kích chứa trong một ống tre khô. Phần cơm, chàng gói lại buộc chặt bên hông, rót số nước dư vào bi-đông cất để dành.

Chàng tựa lưng vào một gốc cây nằm nghỉ. Một nỗi mệt mỏi thật dễ chịu lan dần khắp cơ thể. Và thật huyền diệu, chàng cảm thấy mọi sự đã đổi khác, sự đổi khác lớn lao, từ cõi chết chàng bước qua ngưỡng cửa đến cõi sống. Chung quanh chàng bóng nắng đổ sáng rực rỡ. Tít trên cao, giới hạn chòm lá rậm, hiện ra một khoảng trời xanh ngắt. Màu thiên thanh trong vắt chứa chan bao hy vọng. "Ta đã thoát chết", chàng nghĩ. Theo suy luận, tất phải có dân cư ở gần đây, ít ra là một buôn Thượng. Cái sợi dây liên lạc nối liền chàng với xã hội con người khiến chàng xúc động. Thật vô tư nước mắt chàng chảy ra ấm cả hai tròng mắt. Dẫu chàng cố chế ngự không để lòng hy vọng đẩy xa trí tưởng tượng, chàng không ngăn nổi khỏi nghĩ đến nỗi vui mừng được trở về gặp lại mặt vợ con, mẹ già và bè bạn. Chàng thấy trước mắt chàng gương mặt Loan - vợ chàng - sầu não đầm đìa nước mắt khi nghe tin chàng mất tích trong rừng sâu và Loan vui mừng bao nhiêu khi chàng lừng lững hiện ra trên bực cửa. Nàng đứng chết lặng trong niềm xúc động ngập tràn, xô đến ôm lấy chàng khóc nức nở. "Mình! Mình!, nàng thổn thức gọi chàng, "mình đã về". Phải, chồng nàng đã trở về, một mình, như một người anh hùng sau trận chiến còn đứng vững, thân thể mang đầy chiến tích. Thằng Dũng, con trai chàng lên ba, quen thói chạy nhào tới ôm cứng hai chân chàng, làm cho bước đi chàng nặng trịch. Và thật khó khăn chàng mới gỡ nó ra được, bế xốc nó lên cọ cằm râu lổm xổm lên má nó. Nó bị nhột, cười lên sằng sặc, tát yêu vào má chàng bàn tay hồng mập mạp của nó. Loan qua cơn xúc động, lăng xăng múc nước giục chàng tắm rửa. Chàng bước qua ngưỡng cửa vào nhà. Mẹ chàng ngồi trên trên chiếc chõng tre nhìn đứa con, mắt đỏ ngỡ ngàng như nằm mơ thấy bà vừa sinh lại. Chàng gọi: "Mẹ!" Mẹ chàng nói: "Mẹ mày, còn sống đó hả con!", rồi bà cụ quay mặt đi, thấm nước mắt vào chiếc khăn trầu. Trong bữa cơm, chàng kể lại cho cả nhà nghe cơn thoát hiểm của chàng với bao nỗi nguy nan. Chắc chắn mẹ chàng sẽ buông đũa khóc, cũng như những lần trước chàng đi hành quân trở về, lập đi lập lại câu "khổ thân con tôi, khổ thân con mẹ. Phật trời phù hộ…".

Nhịp tim đập điều hòa, hơi thở chàng thông suốt nhẹ nhàng, thể xác chàng đã được hồi sinh. Luồng sinh khí theo máu lan tràn khắp cơ thể. Chàng lắng nghe tiếng một con chim hót ở xa. Tiếng hót và giọng láy trong suốt vang vọng cả một khoảng rừng tĩnh mịch. Bỗng ngay trên ngọn cây chàng ngồi vang lên tiếng chim đó. Nó vừa hót ở xa thoắt bay lại. Nó hót thánh thót ba tiếng một liền nhau rồi im hẳn hồi lâu, tựa một ca sĩ trổi giọng rồi ngừng lại lắng nghe những âm điệu trầm bổng của giọng mình.

Chàng vươn vai hít thật nhiều hơi vào phổi, dằn lại một chốc cho ngực căng rồi thở ra thật mạnh: sự chết một con người là kẻ thù, đã mang lại cho chàng sự sống!

Công việc đầu tiên của chàng là chôn xác anh du kích, chàng nghĩ. Sau đó chàng sẽ ngược theo đường kiến trở lại chôn Hoàng cho tử tế hơn và tìm đường thoát ra một làng gần nhất.

Với sức lực hồi phục chàng bắt đầu công việc một cách hăng hái. Mồ hôi chàng đổ ra chảy từng dòng nhỏ giọt xuống lớp đất mới đào. Chàng dừng tay mỗi lúc, cúi xuống đem vạt áo trước lên lau mặt. Con chim trên ngọn cây vẫn hót. Những tiếng hót cao vút với giọng láy không thay đổi đó đối với chàng chan chứa tình khuyến dụ. Một người bạn đã đến đúng lúc để ca ngợi niềm vui đang rộn rã ở lòng chàng. Chàng ngẩng mặt lên tìm người bạn xa lạ nhưng thân ái. Một chú chim lông xanh biếc đậu mãi trên một nhánh cây cao đang lấy hơi hót say sưa. Mỗi lúc tiếng hót trở nên dồn dập hơn, nôn nao và khẩn thiết. Chiếc ức tròn ưỡn ra vàng ánh, phập phồng. Đôi cánh mầu thiên thanh óng ánh như hàng tơ. Trên đầu rung rung chóp lông đen nhỏ. Đuôi xòe nang quạt, phất phơ theo gió nhẹ nhúm lông tua dài, đỏ thắm. Bỗng chàng hiểu ra và mỉm cười. Một chú chim trống cô đơn đang thiết tha gởi nỗi lòng qua tiếng hót réo gọi bạn tình.

Mặt trời đã lên cao. Chẳng mấy chốc chàng đã đào xong huyệt, ngồi nghỉ tay trên mô đất mới vun. Chàng lại lau mặt bằng vạt áo, vói tay lấy bi-đông nước uống vài ngụm.

Không khí tĩnh mịch và yên lặng ở góc rừng nầy khiến chàng mơ đến một công viên. Lẽ ra trên lớp cỏ xanh mịn màng kia phải được trải lên những tấm thảm hoa và người ta đến quây quần cùng với trẻ con đùa nghịch, sống những phút giây thoải mái giữa thiên nhiên. Lẽ ra có những con nai dạn dĩ đến đây ăn cỏ và những con thỏ chạy đùa quanh những cặp nhân tình. Bây giờ thì giữa bãi cỏ non rực nắng kia nằm chơ vơ chiếc nón tre đan cạnh lỗ huyệt chưa lấp và một xác chết còn giữ nguyên dáng điệu và nét mặt tuyệt vọng kinh hoàng.

Chàng đến bên xác anh du kích định nhấc anh ta lên, nhưng chàng tò mò còn muốn biết tên họ người xấu số trước khi vùi sâu thân xác anh dưới lòng đất. Ít ra cũng nên cho anh ta một tấm bia trên một thân cây, gọi là chút tình tri ngộ và cũng để trả ơn anh ta đã cứu sống mình. Chàng nghĩ trong khi lục soát. Ở một cái túi nhỏ may dính vào bên trong lớp vải ngực áo, chàng tìm thấy gói giấy nhỏ. Đọc qua cả các giấy tờ trong đó, chàng có vừa đủ những chi tiết để chép lại vắn tắt ghi trên mộ bia: "Nguyễn Xuân Vui, sinh năm 1951 tại Quảng Nam…". Anh ta chết ngày hôm qua hay đêm hôm vừa rồi, chàng thầm nghĩ. Như vậy tính ra chưa quá tuổi mười bảy, bằng tuổi thằng Hùng, em chàng. Hoàng thì sinh ở Ninh Bình, Bắc Việt, năm nay đúng tuổi hai mươi lăm. Chàng gói tất cả giấy tờ lại, kể cả mấy chục bạc lẻ và tấm ảnh một cô gái, khổ căn cước, nét mặt còn ngây thơ. Phía sau ảnh viết dòng chữ còn non, nguệch ngoạc bằng bút chì: "tặng anh làm kỷ niệm". Chàng để gói giấy lại vào trong túi áo nạn nhân, và cúi xuống…

Mấy hôm sau, người ta đọc thấy trên một nhật báo xuất bản tại Sài gòn mẩu tin ngắn sau đây: "Quảng Nam, ngày tháng… Trong một cuộc hành quân địa phương, tìm một đơn vị bạn bị thất lạc ở khu rừng phía Đông Bắc tỉnh Quảng Nam, quân ta đã phát giác một vụ nổ làm thiệt mạng ít ra hai Cộng quân. Theo giới chuyên môn cho biết thì hình như trong đêm tối bọn chúng đã bị sụp hầm chông của đồng bọn. Trong khi tìm cách gỡ bàn chông đã làm nổ những quả lựu đạn gài bên dưới".

Nhưng có điều người viết tin vô tâm nào đó đã không ghi nhận một chi tiết đáng chú ý, đó là cái lỗ huyệt đất còn mới nguyên chưa lấp. Lỗ huyệt to dường ấy mà không gợi được sự chú ý của anh thì trách sao anh không thấy trên một cành cây gần đó có mắc một bàn tay đeo tấm lắc bạc. Trên đó ghi: Lê Văn Lâm - Số quân…. Loại máu…. Đó là bàn tay và tấm lắc của chàng, sau vụ nổ đã văng lên mắc lại.

Kinh Dương Vương































KINH ĐEN



Đứa cháu bà Hai chạy hớt hãi từ ngoài vào, ôm ngực thở hổn hển:

“Bà ơi! Có người tự tử ngoài kinh !”

“Thiệt hả? Nam mô A Di Đà Phật, ai vậy cháu ? Đàn ông, đàn bà, trẻ con vậy ?”

“Con hổng biết, nghe người ta nói. Chắc người lớn”

“Chạy coi báo tin bà hay”. Con cháu chạy đi .

“Tội nghiệp!” Bà Hai lầm bầm.

Con kinh Nhiêu Lộc nước đen, nơi hứng tất cả những chất cặn bã của thành phố dồn xuống. Chế độ trước 75 là nơi ở của dân lao động trên nhà sàn ổ chuột và những dề rau muống, nước đen hôi thối quanh năm . Chế độ kế tiếp giải tỏa làm đường, trồng cây, bắt đèn, nhưng nước thì vẫn đen, mùi hôi thúi vẫn nồng nặc. Dân sống hai bên bờ kinh bị viêm mũi. Nước lên, màu đen pha loãng thành xám, nước xuống lòng kinh phơi bùn, nước đặc quánh, đen ngòm. Dân nhậu bất chấp mùi hôi thúi, vẫn đến ăn uống ì sèo mấy quán nhậu hai bên bờ kinh . Hình như khi con người sống lâu trong môi trường ô uế, người ta quen không biết là ô uế nữa. Nghe đâu nhà nước thuê thầu Trung Quốc làm máy lọc nước, công việc làm hai năm mà sáu năm chưa xong .


Cách nhà bà Hai vài trăm thước, có cây cầu gỗ nối hai bờ kinh quận Tân Định và Phú Nhuận. Đó là nơi xảy ra sự cố .
Một lát đứa bé trở về.
“Bà ơi! Một ông già . Ông đứng trên cầu từ hồi chiều lận” Đưá bé kể. “Ổng mặc quần cụt, ở trần giơ xương sườn, người ta tưởng ổng đứng hứng gió. Rồi ông nhảy ùm xuống kinh. Họ tưởng ổng biểu diễn, bu coi quá trời, nghẹt cầu làm cản trở giao thông, chen không lọt. Đợi hoài không thấy ổng nổi lên, bơi lội gì hết, mấy tiếng đồng hồ rồi đó”
“Nam mô A Di Đà Phật”, bà Hai lại niệm .
“Ổng chìm luôn rồi đó bà há ?”
“Sao không ai xuống cứu ổng?” Một chị hàng xóm đặt câu hỏi.
“Nước dơ ai dám xuống !” Ai đó trả lời. “Thời buổi này người ta sống chẳng để ý đến ai đâu. Ai sống ai chết mặc kệ. Họ cũng khổ quá rồi, chẳng hơi sức đâu lo bò trắng răng ”
“Công an đâu?”
“Ở đó mà công với an”
!!!
Có tiếng thở dài.
Hồi lâu đứa trẻ về báo tin mới:
“Bà ơi! Ông Tư xì ke đó, nhà trong xóm chùa. Con dâu đánh ổng, bỏ đói. Ổng kêu công an, công an cũng đánh ổng luôn. Ổng buồn nên tự tử. Sao người ta ác quá vậy bà?”
“Không phải người ta ác, do hoàn cảnh khiến họ vậy thôi. Ngày trước, thời của bà đâu đến nỗi”


KINH DƯƠNG VƯƠNG
Tân Định 5/2002
















Lão Hạ











MÉN ƠI!



Cơn chuyển bụng đẻ của Mén trùng với cơn chuyển mưa, nhưng cơn chuyển mưa vần vũ, sấm chớp ầm ì một lúc rồi trút nước xuống như cầm tĩn đổ, chẳng mấy chốc đã tạnh mà con Mén thì cứ nằm ôm bụng lăn qua trở lại, bẻ gãy hết mấy song cửa sổ bằng tre, xé nát tấm chiếu, khóc la đã hai ngày, hai đêm vẫn chưa đẻ được. Cái bụng căng cứng trì xuống, nước ối vỡ ướt. Mồ hôi Mén toát ra dầm dề đẫm cái áo bà ba hở nút màu cháo lòng và cái quần đen dày cứng vá chằng vá đụp. Đực, chồng Mén thì tỉnh queo, cứ làm việc nhà bình thường, thỉnh thoảng chạy vô rờ bụng vợ hỏi:

- Sao mầy hổng chịu đẻ? Đẻ đi! Kỳ trước mầy đẻ thằng Chó mau lắm mà.

Rồi Đực lại đi ra. Thằng con trai tên Chó, ba tuổi, cũng chạy ra chạy vô rờ bụng mẹ. Nó mặc một cái áo sơ mi ngắn tay không nút, phanh rốn, nhìn không ra màu gì. Nó hỏi Mén:

- Em trong này hả? Nó con gì? Mén hay Đực?

Nó níu Đực:

- Ông ơi! Sao ông hổng nấu cơm tui ăn? Tui đói bụng rồi. Ông nói bà rặn em mau đi. Sao nằm khóc hoài vậy?

- Thì mầy nói bả đi. Tao không nói được. Nó không chịu ra. Để tao luộc mì cho mà ăn.



Đực ra góc rẫy nhổ hai bụi mì. Trời nhá nhem tối. Khu rừng phía sau rẫy mì đen sẫm. Đực ngồi coi lửa, nhìn ra khu rừng mà sợ. Đêm nay voi về phá rẫy phá nhà như năm ngoái thì làm sao đây. Nó đâu có cõng vợ và thằng Chó mà chạy được. Từ đây ra tới đường cái phải băng qua mấy đồi tranh cao quá đầu người, không khéo bị voi dày chết hết. Đực chạy vô hối vợ:

- Mầy ơi! Đẻ mau đi! Tao sợ voi về phá rẫy phá nhà.

- Trời ơi! Mén rên rĩ. Thì mầy đẻ cho tao đi. Tao sắp chết rồi.

- Mầy đừng nói bậy. Đẻ đi! Đẻ đi! Tao lấy mì mầy ăn nghen.

Đực vớt mì ra rổ, lấy hai khúc đưa cho vợ:

- Nè ăn đi! Chắc mầy đói nên đẻ không ra. Ăn vô no cho mau đẻ.

Hai cha con ngồi ăn trong bóng tối. Lửa bếp sắp tàn, thỉnh thoảng phựt lên soi hai gương mặt như đá tạc. Ăn xong Đực kéo manh đệm trải dưới cái sạp Mén nằm, hai cha con lăn ra ngủ. Muỗi rừng bu đen kín mặt, nhưng họ ngủ say như chết.

Sáng hôm sau, thằng Chó con ngủ, Đực dậy sớm thăm vợ xem đã đẻ chưa. Nó nói:
- Để tao đè bụng mầy cho nó lòi ra nghen.
Mén rền rĩ:
- Trời ơi! Đè cho tao bể bụng chết sao? Mầy mổ lấy nó ra đi! Tao sắp chết rồi.
- Mổ sao? Tao đâu biết mổ.
- Thì giống như mầy làm gà, làm thỏ đó. Mổ bụng vạch ra, lấy nó ra.
- Lấy gì mổ đây mậy? Đâu có gì mổ đâu.
- Mầy lấy… Trời ơi! Đau chết đi! Lần sau mầy đừng có đè tao mà đụ nữa nghe Đực… Con dao… Mầy lấy con dao phay dưới bếp đó. Mau lên. Mổ… Mổ… Lấy nó ra giùm tao mau lên.

Đực chạy ra sau chái lấy con dao phay. Nó cầm con dao đứng nhìn cái bụng vợ tần ngần.
- Mổ gà, thỏ thì để làm thịt ăn. Còn mổ vợ thi…
- Mầy mổ đi! Con Mén kêu lên. Còn đứng dòm cái gì vậy?
- Tao sợ!
- Sợ cái thằng cha mầy.

Đực vén áo vợ lên, bắt đầu mổ. Nó vạch một lằn. Cái dao lụt quá, bụng Mén chỉ trầy một đường rơm rớm máu.
- Trời ơi! Đực ơi! Mén rên lên - Mầy đi mài dao đi.

Nó chạy ra cục đá ở góc nhà mài lia lịa, xong chùi vô ống quần xà lỏn đang mặc rồi vào tiếp tục mổ.
- Da người ta dai quá," nó nghĩ. Nó mổ cả chục lần mới banh được bụng vợ ra. Máu con Mén chảy dầm dề. Đực thấy hài nhi ngo ngoe trong bụng vợ, mừng rỡ vất con dao, thọc hai tay vô bụng móc đứa nhỏ ra. Nó đỏ lòm, nhuộm máu, cuốn rốn dính lòng thòng.
- Được rồi mầy ơi! Con mén.
Đực thấy cái hẽ của đứa bé, la lên.
- Con mén giống mầy.

Đực lấy dao cắt cuống rốn, mặt hớn hở, bưng hai tay đem đứa nhỏ ra sau, múc nước trong lu rửa mặt sạch. Nó kỳ cọ hồi lâu, đứa nhỏ đang đỏ trở nên tím ngắt.
- Nè, con mén nè.
Đực nói với vợ, đặt đứa bé bên cạnh. Mén nằm nhắm mắt, thở dốc lên. Máu chảy đọng vũng dưới nền đất.
- May… bụng… tao lại. Mén phều phào.
- Lấy gì may giờ?.
- Kim… chỉ… trong…. Mén thở nấc lên.
Đực lục tìm hồi lâu mới thấy cây kim và cuộn chỉ đen. Nó xỏ mãi mà chỉ không vô lỗ kim. Nó thấm nước miếng đầu chỉ, se lại cho nhọn, nhưng lỗ kim nhỏ quá, chỉ không lọt. Cuối cùng nó xỏ được và bắt đầu may. Hai bàn tay dính đầy máu, nó không còn thấy kim chỉ đâu nữa. Nó loay hoay may, nhưng kim không đâm lủng da được. Mồ hôi trên trán nhỏ giọt xuống đống thịt bầy nhầy bụng Mén. Nó đưa tay gạt, mặt quằn quện máu me.
- Mầy ơi! Tao đang may bụng mầy nè. Đừng có la đau nghen. Da mầy dai như da heo rừng vậy.
Mén không còn thấy đau nữa, không la nữa, dẫu cho Đực có may bụng nó bằng lẹm chằm nóp. Đực nhìn vợ, thấy mặt Mén xanh lè, miệng hả ra, mắt trợn nguợc, hết thở.
- Trời ơi! Mầy ơi! Đực gào lên. Mầy chết hả? Mầy thành ma rồi hả? Mầy bỏ tao hả?
Nó ôm thây vợ khóc mếu máo. Thằng Chó nghe tiếng khóc, chạy vô:
- Gì vậy ông? Sao ông khóc?
- Má mầy thành ma rồi. Chết rồi.
- Ma hả? Bả chết hả?
Nó chạy ra, theo dấu một con bướm đang bay chập chờn quanh căn chòi.
Khóc một hồi, Đực chợt nhớ ra, nó chạy băng băng qua mấy vạt đồi tranh ra đến đường cái đứng la làng:
- Bớ làng xóm ơi! Bà con ơi! Vợ tui nó thành ma rồi! Vợ tui… Vợ… tui…
Đực mệt gần đứt hơi. Nó la khản cổ cả tiếng đồng hồ mới có người nghe. Họ theo Đực vào chỗ ở của hai vợ chồng, đào lỗ, chôn Mén nơi bìa rừng.

*********

Phóng viên một tờ báo Thành phố đến phỏng vấn Đực.
- Xin anh vui lòng cho biết quí danh.
- Danh gì. Hổng biết.
Anh phóng viên ngơ ngác, chợt hiểu ra.
- Anh tên là gì?
- Hổng có. À… Đực.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Hổng biết tuổi. Thấy lớn vậy thôi.
- Cha mẹ anh ở đâu?
- Hổng biết. Hổng có cha mẹ.
- Chị Mén bao nhiêu tuổi?
- Hỏng phải chị. Con Mén.
- Vâng, chị… à con Mén mấy tuổi?
- Hổng biết luôn. Nó cũng lớn như tui.
- Mén có cha mẹ không?
- Hông. Hổng biết.
- Anh chị gặp nhau trong trường hợp nào?
- Hổng có trường hợp.
- À… Anh gặp chị ở đâu?
- Tui gặp nó làm rẫy, tui cũng làm rẫy.
- Anh biết chữ không?
- Chữ gì? Hổng có chữ.
- À… Nghĩa là anh có biết đọc, biết viết không?
- Đọc gì? Hổng biết gì hết.
- Anh có biết rằng anh đã làm một hành động đối với vợ anh như là một kẻ giết người không?
- …
- À… Anh… đã giết chị Mén.
- Hông! Đực chợt hét lên. Tui hổng giết nó. Nó hổng chịu đẻ. Nó đau quá, biểu tui lấy dao mổ cho nó đẻ. Rồi nó chết thành ma. Hu hu… Tui thương nó. Hu… hu…
Đực khóc sụt sùi:
- Nó chết… tui ở với ai giờ đây?
Anh phóng viên nhìn Đực:
- Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn. Xin chia buồn với anh.
Đực còn ngồi tiếp tục khóc:
- Mầy ơi! tao thương mầy. Mầy thành ma rồi! Mầy bỏ tao! Hu hu…
- Ông ơi! Thằng Chó chạy chơi về. Sao ông khóc vậy? Về nấu mì cho tui ăn đi ông. Tui đói bụng rồi. Nó kéo tay Đực, nhưng Đực dằng tay nó ra, khóc:
- Hu… Tao biết ở với ai! Mén ơi!


Kinh Dương Vương
1969

















Những Chiếc Mặt Nạ Cười







Quà Sinh Nhật







Thầy Thích






Thơ Viết Gửi Các Con






Xác "kẻ thù"




















Xét Hộ Khẩu


Tính tôi thích công bằng. Nói thế chắc quí vị cho rằng tôi nói huề vốn. Ai lại không thích công bằng. Không hẳn như vậy. Vì cái thích của tôi nó cực đoan. Hễ tôi thấy cái gì không công bằng là chịu không nổi, nhất là điều đó do chính tôi làm nữa thì tôi cho như là tội ác, lương tâm cắn rứt mãi không thôi, chừng nào tôi sửa chữa được thì mới yên. Cho nên câu chuyện tôi sắp viết ra hầu quí vị đây, dù rằng tôi có quyền hư cấu chút ít – quyền của người sáng tạo mà, như Thượng đế vậy! Thì tôi cũng muốn hỏi qua ý kiến của quí vị cho có sự công bằng. “Nếu quí vị đang ăn mà có người đến hất đồ ăn của quí vị đi, hơn nữa món ăn đó rất ngon, quí, lâu lắm, khó khăn lắm quí vị mới được thưởng thức, mà lại trong trường hợp quí vị không làm gì được người đó cả, còn sợ hãi hắn nữa, thì quí vị nghĩ sao, và làm gì. Quí vị nào nóng tính chắc sẽ trả lời “quyết ăn thua đủ”. Vị nào trầm tĩnh thì sẽ dùng lời hơn lẽ thiệt để thuyết giảng một bài học "luân lý đạo đức Giáo khoa thư", cho kẻ mất dạy kia ăn năn hối cải. Xin thưa, cả hai vị đều . . . thua hết. Quí vị trả lời đều sai hết. Như vậy là quí vị không trả lời được, đúng không. Có lẽ quí vị nghĩ rằng tôi muốn làm khó quí vị chăng ? Tôi xin thề trên đầu các con tôi là tôi không hề có ý đó. Tôi chỉ muốn có sự công bằng trong chuyện này thôi. Để sau đây, khi tôi kể hầu quí vị câu chuyện, như tôi đã nói, có hư cấu chút đỉnh thì quí vị mới thấy chỗ khó đoán của nó, quí vị có suy nghĩ nát óc cũng không tìm ra lời đáp. Quí vị thấy rằng, không đoán nỗi là hợp lý, không cho rằng tôi đã làm khó quí vị, tôi không . . . công bằng!

Những năm 80 . . . Rượu làm bằng cồn y tế pha nước lã hay nấu bằng mì lát, rĩ đường, mùi vị rất lợm, nhưng tôi và bạn bè vẫn uống. Uống như một hành vi tự sát. Sáng uống xong ly cà phê bắp rang, khoảng mười giờ là bắt đầu cử rượu, thường là kéo dài tới tận khuya.

Một lần, sau khi đã uống thứ rượu lợm giọng, về nhà trong cơn hưng phấn tôi ngỏ ý muốn gần vợ. Vợ tôi cả ngày ngồi chợ bán rau, ăn uống thiếu thốn, lại cho con bú, sức khỏe suy giảm không ham muốn gì, nhưng thương chồng nên cũng chìu.

“Có tiếng chó sủa trong xóm”. Đang cởi áo, nàng nhìn tôi lo lắng thì thầm.

“Anh có nghe, nhưng chắc không phải phường đội đâu”. Tôi trấn an vợ. “Họ mới xét hộ khẩu đêm hôm kia đây mà”.

. . .


Cộc! Cộc! Cộc! Giọng đàn ông hét to:

“Mở cửa! Mở cửa! Xét hộ khẩu!”

Đang ôm riết tôi, vòng tay vợ tôi lỏng ra, dợm ngồi dậy. Giọng nàng như khóc.

“Em nghi là họ mà . . . Thấy chưa. Đã bảo có tiếng chó sủa . . . không nghe”

Cơn hưng phấn đang lúc cao độ, tôi vẫn ghì lấy vợ.

“Thôi! Thôi! Anh ơi!” Giọng vợ tôi van xin.Tôi vẫn không buông. Nàng lật người sang bên, cố đẩy tôi ra.

“Cộc! Cộc! Cộc! Mở cửa! Xét hộ khẩu!

Tôi tức tối xô vợ ra. Những giọt sống bắn tung tóe lên người nàng.

Mặt vợ tôi xanh xám, lẫy bẫy mặc áo quần.

“ Có người đây! Xin chờ chút xíu” . Tôi vội lên tiếng.

Mặc chiếc quần đùi, mình trần tôi chạy chân không ra mở cửa.

Gả đội trưởng phường đội thảng thốt nhìn vẻ mặt thất thần và đầu tóc bù rối của tôi.

“ Cho xét sổ hộ khẩu”

Tôi run tay trình giấy tạm trú.

“Giấy này đã hết hạn lâu rồi. Anh đừng ngoan cố. Mai lên phường làm việc”.Vừa nói anh ta vừa xếp tờ tạm trú bỏ vào túi áo, quay lưng đi.

“Xin anh làm ơn”. Tôi chạy theo năn nỉ, nhưng cả đám đã ra khỏi nhà.

Vợ tôi ôm mặt khóc.

“Lần này họ quyết tâm đuổi mình đi kinh tế mới rồi đó anh. Không có giấy tạm trú thì làm sao ở thành phố được đây!”

Căn phòng chúng tôi thuê nhỏ chút xíu, ở hai vợ chồng , ba đứa con. Nhưng căn nhà của người vượt biên, nhà nước quản lý, tôi thuê ở tạm mà thôi. Có cô giáo thuộc diện công nhân viên được cấp nhà mà phường không tìm ra. Cô giáo tỏ ra biết điều với ông Phường trưởng, nay quà mai cáp. Ông nhắm tới lui chỉ có gia đình tôi là ngụy quân cải tạo về, thuộc diện đi kinh tế mới có thể xúc được, nên gây áp lực, xét hộ khẩu liên tục.

Tôi nhìn dáng ủ rũ của vợ mà thương. Nhưng trí lại vẩn vơ nghĩ đến lần ân ái dang dở.“Ăn uống thiếu thốn, phải mất nhiều thời gian mới gom được chút giọt sống, vậy mà cũng không đến được nơi cần đến, vun vảy, phí quá!”

Tôi đến bên vợ, ôm ghì đầu nàng sát vào ngực. Nàng khóc nấc lên.

“Thôi em à. Còn nước còn tát. Mai anh lên phường lựa lời năn nỉ họ. Nhờ anh Thành - bạn học làm chánh quyền thành phố - nói giùm một tiếng”.

Vợ tôi choàng tay ôm riết ngang lưng chồng.

“Tội nghiệp mình. Lâu lắm em mới chìu mình. Vậy mà . . . lại bị xét hộ khẩu!”

Câu chuyện nhạt nhẽo! Đúng vậy. Nhưng đến đây thì quí vị có thấy , việc quí vị “ăn thua đủ” hay “giảng Quốc văn giáo khoa thư” cho người phá đám đều vô ích, hay không thể làm được. Nói trắng ra là quí vị không dám làm gì sất. Có phải vậy không. Và quí vị bị thua vì không đoán được là công bằng đấy chứ. Có vị nào còn chịu không nỗi không, muốn làm Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” hay tức ói máu không. Nếu không thì chỉ còn nước vượt biên hay tự tử mà thôi.


Kinh Dương Vương – 3/2004















































thơ dung nham







MÀU ÁO CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT NAM


1.
Một buổi sáng
Dốc cầu Trương minh Giảng
Một thanh niên
Việt Nam
Mắt sáng
Tóc xanh
Mặc một chiếc áo bà ba
Trước cờ đỏ sao vàng
Sau lưng cờ búa liềm
Ở truồng
Người thanh niên chạy xuống dốc cầu
Như ngựa chạy nước đại
Vung tay lên
“Hoan hô” – “Đả đảo”
“Hoan hô” – “Đả đảo”
Người thanh niên chạy lên dốc cầu
Thẳng đến giữa cầu
Cởi chiếc áo sao vàng búa liềm
Vo tròn
Vất xuống dòng kênh đen.

2.
Một buổi trưa
Dốc cầu Kiệu
Một người đàn ông
Việt Nam
Mắt mờ
Tóc hoa râm
Mặc một chiếc áo sơ mi
Trước cờ ba sọc đỏ
Sau cờ Mỹ
Ở truồng
Người đàn ông chạy xuống dốc cầu
Như ngựa chạy nước kiệu
Vung tay lên
“Hoan hô” – “Đả đảo”
“Hoan hô” – “Đả đảo”
Người đàn ông chạy lên dốc cầu
Thẳng đến giữa cầu
Cởi chiếc áo sơ mi ba sọc đỏ – cờ Mỹ
Vo tròn
Vất xuống dòng kênh đen.

3.
Một buổi chiều
Dốc cầu Sài gòn
Một ông lão
Việt Nam
Tóc bạc trắng
Mặc một chiếc áo vét-tông
Trước cờ đỏ sao vàng
Sau cờ Mỹ
Ở truồng
Ông lão chạy xuống dốc cầu
Như ngựa đau đi bộ
Tay giơ lên
“Hoan . . . hô” – “Ho . . .an . . . hô”
“Ho. . .an . . . hô” – “H o a n . . . h . . . ô”
Ông lão còng lưng lê lên dốc cầu
Thẳng ra giữa cầu
Thở dốc
Người mướt mồ hôi
Leo lên thành cầu
Cởi chiếc áo cờ đỏ sao vàng -cờ Mỹ
Vo tròn
Ném xuống dòng nước chảy xiết
Trần trồng đứng trên thành cầu
Ôm mặt khóc
Rồi tung mình
Nhảy vọt lên – Điệu nghệ
Xoay ba vòng trong không
Như lực sĩ nhảy cầu ván Olympic
Lao thẳng xuống dòng phù sa
Như một mũi tên
Không để lại một sủi tăm
Mặt nước khép lại
Lịch sử đứng nhìn
Im lặng
IM
LẶNG

1/2007

ĐÊM MƠ SAN JOSE – SÁNG TRỞ VỀ LOS ANGELES

Tặng Mía Lau

Tôi bay trên cánh đồng lúa ngậm sữa con gái
Từng cơn gió tiếp nhau thổi dạt tạo thành những đợt sóng lúa lả ngọn
Những đợt sóng lúa đuổi nhau . . . đuổi nhau
Trên đầu mang một dòng thơ
Những con chữ dính liền như những cánh tay dang ra nắm lấy nhau
“BÀI THƠ HÒA BÌNH . . .BÀI THƠ HÒA BÌNH . . .”
Những dòng thơ màu xanh lúa trổ đồng đuổi nhau đến chân trời . . không ngớt
TAN
VÀO
TRỜI
Phương Đông hửng nắng
Dải mây lụa bạch
Ôm quanh đầu núi mờ sương
Phương Đông
HỬNG

Dung Nham
9/2006
bài đã đăng của dung nham












16.10.2015


25.02.2011


08.02.2011



10.08.2010



05.02.2010




21.08.2009



15.05.2007




30.12.2006




12.10.2006


22.09.2006
















Tham khảo thêm về tác giả Rừng
















Tác phẩm phản chiến của họa sĩ Rừng

Lý Đợi







Họa sĩ Rừng sinh 1941 tại Campuchia


Rừng (tên đầy đủ: Nguyễn Tuấn Khanh) là một trong số ít, không muốn nói là hiếm hoi, các họa sĩ Việt Nam theo đuổi chủ đề phản chiến.
Trong hơn 30 năm (từ khoảng 1960 đến 1990), tranh của ông có “sức chiến đấu và phản kháng cao”, nhằm phê phán sự vô nghĩa của chiến tranh, sự tàn bạo của đời sống - nhưng trên hết, là tiếng nói bênh vực cho kiếp người vốn mong manh.
Triển lãm 50 năm hội họa Rừng khai mạc ngày 23/9 tại phòng tranh Tự Do ở TP. HCM đã giới thiệu lại một số tác phẩm chủ đề này như Đàn bà và rắn, Cây giọt lệ, Người tù, Cầu nguyện hòa bình, Mỹ Lai.

Hiếm hoi chủ đề phản chiến

Mọi so sánh đều khập khiễng, dù kích cỡ có thể nhỏ bé hơn rất nhiều, nhưng xem lại tác phẩm Mỹ Lai (còn có tên là Hồi ức chiến tranh, sơn dầu trên bố, 140x230cm, 1991) của Rừng khiến chúng ta phải nghĩ đến Guernica (sơn dầu trên bố, 349x776cm, 1937) mà Picasso đã vẽ về cuộc ném bom của phát xít Đức vào Guernica trong nội chiến Tây Ban Nha, ngày 26/4/1937. Guernica vẽ theo bút pháp kết hợp trường phái tân cổ điển (neoclassicism) với lập thể - siêu thực; còn Mỹ Lai vẽ kết hợp tân cổ điển với siêu thực - biểu hiện. Mỹ Lai là sự hồi tưởng về cuộc thảm sát ngày 16/3/1968 của lục quân Hoa Kỳ tại thôn Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), sát hại thường dân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Tranh của Rừng giai đoạn trước 1993 thật là mạnh mẽ, chỉ từ các triển lãm Phiêu du mộng tưởng, ánh sáng và bóng tối (1993) và Trên tầng thanh khí (1999), Rừng mới “rời bỏ” con đường đấu tranh và phản kháng của mình.
Trong triển lãm 50 năm hội họa Rừng lần này, có 3 tác phẩm không được cấp phép trưng bày là Cầu nguyện hòa bình, Hamlet, Khỏa thân đỏ. Lý do: “chúng quá mạnh mẽ”, dù đã được triển lãm tại phòng tranh Tự Do và Hội Mỹ thuật TP. HCM từ những năm 1990.
Cũng xin nói thêm, triển lãm này giới thiệu 16 tranh (sơn dầu, sơn mài, tổng hợp), 1 phiên bản (tranh in) tác phẩm sáng tác 1965, 1 tượng gốm mới sáng tác, và 17 hình chụp các bức tranh tiêu biểu, sáng tác từ 1986-1991. Một số hình chụp cũng được yêu cầu lấy xuống vì “chúng quá mạnh mẽ”.




Tác phẩm Mỹ Lai, sơn dầu trên bố, 140x230cm, 1991



Hội họa phản chiến (khác với hội họa kháng chiến, tuyên truyền, cổ động…) ở Việt Nam thật hiếm hoi và ít thành tựu, vì nhiều lý do, trong đó có xuất phát từ quan niệm phổ biến rằng hội họa “phải vô can” hoặc độc lập với thời cuộc.


Trước 1975 tại Sài Gòn, quán cà phê Văn và nhóm nhạc của Trịnh Công Sơn nổi lên bởi những ca khúc phản chiến; bên cạnh đó, Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam với các tên tuổi như Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức, Rừng, Lê Tài Điển, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng… cũng theo đuổi chủ đề này một thời gian, vì phần lớn họ trốn lính, chống chính quyền hoặc thiên tả.

Tết năm 1968, lúc nửa đêm, chính quyền Sài Gòn âm thầm cho xe ủi san bằng trụ sở Hội Hoạ sĩ trẻ Việt Nam (!?), đã cho thấy sức tác động của việc vẽ tranh phản kháng và phản chiến. Ngay sau đó, các tác giả này cũng dần dần “nghỉ phản chiến”, các tác phẩm phản chiến cũng thì tản mác đây đó, hoặc bị đánh giá thấp, hoặc bị “làm lơ”.

HỌA SĨ RỪNG
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1964.
Viết văn ký Kinh Dương Vương, viết thơ ký Dung Nham.
Đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật, với nhiều chất liệu
22 triển lãm cá nhân và hơn 30 triển lãm chung.
Hiện định cư tại Mỹ.


Dường như khái niệm nghệ thuật phản chiến – dù triển lãm này không có một dòng nào đề cập trực tiếp ­- thì đến nay, vẫn còn là chủ đề nhạy cảm, cấm kỵ ở Việt Nam.

Tại triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Phòng tranh mùa Xuân (năm 1960), Rừng đã giới thiệu cho người xem những tác phẩm phản chiến của mình. Trong các triển lãm cá nhân khác như Bình minh mới(1987), Phòng triển lãm tắt đèn (1989), Tranh sơn dầu (1991)… Rừng cũng có những tác phẩm cho chủ đề này. Và tác phẩm Mỹ Lai ra đời năm 1991, với bút pháp bạo liệt và trực diện, đã cho thấy Rừng là một trong số ít họa sĩ Việt Nam theo đuổi chủ đề phản chiến một cách lâu dài hơn.

Nói về giai đoạn trước này, Rừng cho biết: “Suốt một thời gian dài, tôi quan niệm hội họa và văn chương phải đậm tính chiến đấu, hoặc phản kháng - tôi thích viết và vẽ về cái gì cụ thể, không vu vơ hay lan man."

"Từ đầu thập niên 1990, khi văn chương vẫn tiếp tục con đường cũ cho đến nay, thì tôi không muốn hội họa phải trực tiếp nói lên điều gì nữa, mà chỉ là câu chuyện của cái đẹp đơn thuần, nên đã làm khác đi. Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn rất hạnh phúc khi thấy mình đã vẽ được nhiều tác phẩm theo chủ đề phản chiến, góp một tiếng nói nhỏ nhoi để nhìn khác về chiến tranh.”

50 năm thì không ngắn với cuộc đời một họa sĩ, nhưng không dài so với hành trình sáng tạo. Rừng vẫn tiếp tục sáng tạo, với quan niệm rằng: “Con đường nghệ thuật không có điểm dừng, chỉ có nghệ sĩ đứng lại mà thôi.” 



































Eva - Mùa Xuân Vĩnh Cửu






































Tranh khác





































































Rừng, Nguyễn Đình Thuần, Ann Phong, Phan Nguyên, Phạm Quốc Bảo











Trở về














MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.