Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Huy Tưởng













Huy Tưởng
Nguyễn Đức Hiệp
(1942 - .......) Kontum

Nhà thơ














Với mẹ,
Con đâu biết mẹ ơi! Rừng đêm ấy
giắt con đi vĩnh viễn với trăng ngàn
Với em,
Em đã thấy, và nghìn năm không hiểu
Vì sao anh bệnh hoạn một mầu trăng

1965










Tôi sẽ chép bài thơ kỳ tuyệt ấy
Trước khi về lót ổ mái nhà không...

Huy Tưởng

Sài gòn VI 2016










HUY TƯỞNG,


Tên thật : Nguyễn Đức Hiêp
Sinh : cuối năm 1942 đầu năm 1943 : Cầm tinh con ngựa, Nhâm Ngọ

Quê quán, Cha : Hải Lăng, Quảng trị.
Mẹ : Thừa Thiên, Huế
Nơi sinh. : Kontum




(Tiểu sử tự ghi)

Tuổi thơ và lớn lên bằng những cơn sốt rét bỏng da dọc theo núi rừng nguyên thủy thơ mộng Trung Viêt.

Trưởng thành, học tập, và làm việc tại Sai Gòn, rồi Đa Lạt, Nha Trang,...

Dạy học theo chế độ thỉnh giảng tại các Đại Học.

Cộng tác với nhiều tạp chí có uy tín về Văn chương, triết học, tư tưởng, nghiên cứu,..., đặc biệt một sắc thái Thơ riêng biệt. Nổi tiếng từ trước tháng Tư, 1975.

Sau đó, ông rút vào im lặng, 

Sự im lặng ấy tạo dựng nên một quán cafe' vỉa hè nhỏ bé nhưng thu hút hàng vạn lưu khách,

Và cùng vợ mở tại nhà riêng ở Quận 3, một quán ăn đặc sản Quảng Nam tên FAIFO PHỐ HOÀI. 

Ông bị bệnh tim khá nặng, nhiều lần đột quỵ tưởng...không qua khỏi nên phải đóng cửa quán ( lúc đang cực thịnh ) để sang định cư chữa bệnh tại Úc Đại Lợi. 

Hiện sức khoẻ ông tạm phục hồi theo nghĩa " phồn vinh giả tạo" (chữ của Huy Tưởng), ông sống ẩn dật, an hưởng hạnh phúc bên gia đình và các con cháu. 

Thỉnh thoảng ông tự photocopy một số bài Thơ nhỏ khoảng 40 tập để kỷ niệm hoặc để tặng các người thân, 







Thủa trăng kêu xanh trong đá,



Khi  tôi  nép  mình  dưới  chân  tượng

Beethoven. Cha tôi khóc vì một lần
sinh khó của mẹ. Những bông hoa
vẫn lặng lẽ tím bên đồi chiều. Phơi
ngực trần sương muối...khi tôi nép
mình dưới chân tượng Beethoven,
cả nhân thế ngập chìm trong mầu
trăng thơ dại. Cha tôi khẽ rùng mình
lay động một vì sao khi Mẹ tôi nhoài
người ra khỏi cái chết!... Khi tôi nép
mình dưới chân tượng Beethoven. thảo 
mộc trên đồi réo khản lời nhựa trắng và
mưa trâm anh lơi lả hồn cầm thủa rêu mờ
những nấc thang phố núi ngậm bóng tình
nhân... Khi tôi nép mình dưới chân tượng
Beethoven. Tiếng mèo khuya gào rú làm
trầy xước cõi lòng hiu quạnh. Và cha tôi
phóng một mũi dao ngập xâu vào
vách đêm thăm thẳm...Khai ngộ
con đường bát ngát trên
cánh đồng

không
khí
Tôi nép mình
dưới chân tượng Beethoven
  Trăng đã kêu xanh nghìn đời trong đá!...

NÚI RỪNG TRUNG VIỆT NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI


















Thơ hôm nay






CUỘC GIẢI NGỘ GIỮA ĐÊM KHUYA,

*  Gửi Đinh Cường, Như Hạnh & V.N.Minh.




Đang khuya,

Cơn sốt bỏng da.ngọn lửa tím
Hung hãn gào thét tiếng còi tàu đay nghiến ngoài bến cảng
Tắt liễu
Tắt cơn mộng đang rỡ ràng trên tóc trên môi
Tôi bừng thức trong mơ hồ cảm biết một điềm triệu
Tôi lắng nghe lời bạn thông thiết từ phía bên kia trái đất
facebook.facebook
 và một dòng thơ không lẫn vào đâu được (...)

Đang khuya,

tôi trườn lên.giục giã
và không sao cản mình trôi xuôi trên bàn phím
tiếng chữ rơi từng hạt li ti xa vắng
lúc lạ
lúc quen
lúc khốn đốn...
một cơn mưa sầm sậm nhóa mầu lơ lửng...

Đang khuya,

Tôi bỗng co rụt lại (?)!
Như người bệnh động kinh lòng đầy cam khó. Tôi không thể!
Tôi không thể và tôi rụt lại vì bạn gợi lên trong tôi hình ảnh bi tráng của nàng thị lộ và nguyễn trãi. đầu tôi cô xiết khi nghe họ kêu gào đến xước máu cả bầu trời trước những oan khiên kinh người phải gánh chịu cùng mối tình trầm thiết thơ mộng như một huyền truyện.tội rụt lại và tôi cúi xuống nhìn đời mình bé mọn biết bao nhiêu ! tôi thấy tôi lầm lụi và lam lũ trơ vơ dưới cơn mưa chữ ốm đau và bất lực.tôi thấy tôi chẳng hơn gì hòn đất thó ngờ nghệch và chểnh mãng ngày đêm rì rào chuyện vãn vu vơ  với cây cỏ chim muông nông nổi....

Đang khuya,

Tôi ném tôi vào vốc tối
Những cườm sao lạnh lẽo lẻ loi
Tôi đất thó trở mình cuối sân vườn cỏ dại
Và bạn ơi 
xin hãy tín thành lòng tôi
Rằng đây là đêm đầu tiên tôi thực sự nếm trải được vị đắng của niềm hiu quạnh.Cũng là lần duy nhất hoát nhiên tôi được giải ngộ câu thơ của thiên tài Bertolt Brecht.câu thơ đã không hề nương tay đã lạnh lùng chém sả vào linh hồn mỏng manh tôi không hề thương xót.câu thơ bao ngày đêm ám nghẹt và nhấn chìm tôi hơn nửa thế kỷ sống đời ngơ ngác trong ưu uất phiền đau.người thy sỹ ấy thẳng tay phán quyết (dù trong hờ hững) nhưng tối thượng và tàn nhẫn khốc liệt:"trò chuyện với cỏ cây là một điều tội lỗi" Ôi ! nhẹ nhàng mà sắc lẹm làm sao ! một linh hồn bỏng rộp trong tôi sao có thể khứng chịu hết được nhát chém êm đềm hung bạo ấy ?!
Và đang khuya,
Tôi chỉ còn biết quỳ xuống bái niệm trước hình ảnh đôi tình nhân vạn xuân ấy và cúi lạy  tạ ơn lời giải ngộ với sương rơi...

Đang khuya,

Tôi đọc thơ bạn không lẫn vào đâu được
Tôi khắc tâm hình ảnh nồng nàn mà uy dũng của tiền nhân đang tráng xanh cả bầu trời
Tôi hít thở tràn hai lồng ngực cùng người thy sỹ phương xa 
Tôi dấy động mình, và đánh thức những tế bào đang mê ngủ
Tôi từng bước thắp lại ngọn đèn tưởng đã lụn tắt từ lâu trong những giấc mơ rách rưới... 

Đang khuya,

Tôi viết tiếp trang nhật ký ố vàng
Một vài chữ thơ le lói tội nghiệp cuối chân trời
Cùng câu chuyện những thiên tài tôi biết được
Chuyện của nhà thơ lỗi lạc miền băng giá  Boris Pasternak khi chàng viết gửi một dòng thơ ngọt ngào đến cho người tri âm vĩ đại Rainer Maria Rilke xong, chàng liền bước ra ngoài sân vườn và ngước nhìn lên bao la vũ trụ.chàng thầm hỏi : khi một nhà thơ nhắn gửi đến một nhà thơ khác thì đất trời sẽ chuyển hóa ra sao ?
Tôi nhỏ bé và chẳng sao nghe hiểu được
Lời hồi đáp chỉ truyền đi những tia chớp lòe rực sáng của sấm động man thiêng...



Đang khuya,

Tôi lặng lẽ quay về
Giam nhốt mình trong nhà tù không tường vách
thắp riêng mình ngọn nến hắt hiu
Và tôi cũng thầm gạn hỏi với cao xanh:
Khi một nhà thơ vừa được giải ngộ phút giây
Là  y  đang sống
                        hay là
                               y  đang chết ?


HUY TƯỞNG


Bundoora, Mel. khuya 23/09/15.






LÃNG MẠN CHO MỘT NGÀY CỔ TÍCH,


Không như một sớm mai nào thức dậy

Những tiếng động dữ dội khác thường
Những tiếng nổ đì đùng chết chóc
Những bước chân tất tả ngược xuôi…
Và Em.không nguôi nghe ngóng
Em chờ mãi.sao chưa thấy mặt trời thường lệ phương đông (?)
Nhưng Em đâu ngờ
Nhưng Em đâu biết
Hôm ấy mặt trời bị bắn hạ trước giấc bình minh !
Rồi ngày lại tiếp ngày
Em được nuôi nấng bằng bóng tối
Em lớn lên oặt oẹo ốm đau
Em hiện hữu của đói nghèo xơ xác…
Ôi ! đã gần nửa thế kỷ rồi sao Em vẫn còn ngơ ngác tìm Em ?
Nửa thế kỷ đằng đẵng rồi sao Em mãi lưu vong cùng bóng tối ?!

“hôm nay”

Một sớm mai chưa kịp ghi thêm trên tờ lịch
Em thức tỉnh và Em có nghe thấy gì không
Những tiếng nổ như pháo hoa
Và mặt trời trườn lên náo nức phía hừng đông
Những đọt chồi.cây lá.và Em nữa
Vỡ  tràn giấc mơ giấu kín đã nhiều năm
Những tiếng vang ánh sáng tinh tươm
Những gió mát chườm xanh trí não
Những nhịp sóng dồn.ấm áp trái tim
Những cảm thức như suối nguồn ngân nhũ…

Ồ ! sao Em vẫn chưa tin 

Em ươn ái không dám trở mình vì sợ giấc mơ tan
Không.hôm nay cổ tích đang về réo gọi
Em không nghe thấy sao
Tiếng hụ còi loài sâu kèn nhẫn nại
Tiếng giục giã khắp biển rừng sông núi
Tiếng hoan ca đọng hạt lá lên cành
Tiếng rầm rập thời gian hòa âm sắc vỡ…

Này Em.hãy nhanh lên 

Nhanh lên chào ngày mới
Khoác thêm cho mình chiếc áo kim hương
Bằng hoa hồng chớm nụ
Bằng vú đồi tơ nõn
Bằng sóng gợn bờ đê
Bằng tê mê chim hót
Bằng rào rạt mây bay
Bằng hết cả ánh ngày lên ngất ngất…
Chúng ta chào đón như hài nhi cất tiếng
Nghe đất trở mình
Nghe biển hớp từng lời én liệng
Ôi ! tinh mơ khấp khởi đến không ngờ
Kìa ! tuế nguyệt giăng lóa cành trắc bá
Kìa ! thiên hà rần rộ những tình ca…

“hôm nay”

Sẽ một ngày như cổ tích
Một ngày chưa kịp ghi thêm trên tờ lịch
Em cùng tôi chăm sóc lại căn nhà
( còn vọng tiếng cha ông đây đó )
Chăm sóc lại khu vườn bao năm hoang phế
Có ao hồ.có chim muông.và cá
Cùng dỗ dành giấc mơ sổng bay theo những năm những tháng
Cùng lãng mạn tiếp nối vạn đời sau…

Hôm nay

Một ngày vang.vang hương cổ tích !

                                                       Bundoora, những chiều cuối thu, gió về như sấm dội…








TRƯỚC KHI VỀ LÓT Ổ,

*để tặng cho chính tôi,tặng các Bạn thiết trong một phần đời : Joseph HuỳnhVăn, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, Khế Iêm, và  các Bạn tôi, khác - những người đã từng tình nguyện bị hút mất trong cơn cám dỗ miên man như cuồng lưu của hư vô bạo liệt !...


Khi những câu Thơ tự cân mình trên đọt nắng

Chợt thấy có sức nặng trước thời gian
Khi những câu Thơ trườn lướt qua ngọn sóng
Lại thấy mình lồng lộng hơn biển khơi…
Và khi…
Đêm xuống.trĩu lòng lắng lặng
Đã bàng hoàng niềm trống hẫng đến bơ vơ
Đã hốt hoảng nỗi trầm luân.tro bụi quá
Rỗng không & tối ám !
Về chen chúc cùng bọn chữ lơ láo sắc màu
Mất trí.náo động vì hoang tưởng
Lạc lõng.và không sao tìm thấy lại căn nhà quê xứ
Chúng nhấp nhô hàng nghìn câu thơ sôi sục lên cơn
Khi dồn dập.khi tắt thở.không hay (!)
Những đôi mắt chong chong niềm bi phẫn
Những tiếng gầm lọt thỏm bao la
Những tù chữ vừa bốc hơi vừa tìm đường đào thoát
Những dòng Thơ tự trầm.hóa kiếp !...

Khi những câu Thơ tự cân mình trên đọt nắng

Khởi đầu rộn rã
Những giọt linh hồn túa thắm trang trang
Đẹp ngu ngơ.đẹp thanh khiết.hàng hàng
Bọn chữ hoan ca như hạt mầm hớp nắng
Bọn chữ già nua theo cỏ dại tháng năm…
Tôi nằm nghe  xao động niềm riêng
Các nguyên âm no đầy dưỡng khí
Các phụ âm quấn quýt chong hương…

Khi những câu Thơ tự cân mình trên đọt nắng

Xao xao hồi vọng
Mê mê biến hình
Bao trầm tư nghi ngút đóa chiều
Rừng rực cháy.ngày đêm…
Tôi vẫn nằm nghe lượng máu thay màu chảy ngược qua tim
Nghe trang giấy rỡ ràng xanh trắc bá
Nghe biển chồm.hạt muối mặn mà.reo
Nghe khuya khuắt kêu mòn giấc ngọ
 Nghe thánh thần rần rộ cõi tăm tăm…

Khi nhũng câu Thơ tự cân mình trên đọt nắng

Thì chiều cũng tấp toan về lấp lá
Thì đêm cũng nhấp nhánh cuốn ngày đi
Thì gió cũng râm ran  kết tủa tầng khí lạ
Và mây nữa
Cũng ngất trắng câu biền biệt đoạn trường…
Tôi thầm kín.và tôi cúi xuống
Cúi xuống.đắm vàng theo liếp chữ
Cúi xuống.soi tìm cơn hoát ngộ bừng hoa
Cúi xuống. tôi gom hết tiếng miệt mài trùng dương đăm  đuối. tiếng rừng thiêng
                    hú gọi  u nùng. tiếng giun  dế  lưu đày cam khó .tiếng muôn  loài  cầm 
                    thú khát  tình ngời  ngời  đốm  lửa. tiếng thống  thiết xé  lòng của con
                    người của đồng bào đồng loại. tiếng gió mục đời đời bơ  vơ trên khắp
                    núi  đồi  sông  hồ  không  tìm ra  chỗ  trú. tiếng  thâm u  bí  nhiệm  đất 
                    trời ……………………………………………………………………………………………………
Cúi xuống. xin gom hết muôn trùng khổ lụy
                    Xin dồn vào tinh lực suốt âm dương
                   Tôi sẽ chép bài Thơ kỳ vĩ ấy
                   Trước khi về lót ổ dưới nhà không !...

*Bundoora, 15/04/16.một hôm không như mọi hôm trong cõi xương rồng nhuốm bệnh.









VỀ LẠI ELTHAM THĂM BẠN,

                                                 *Thân tặng Châu Vũ, Quỳnh Du & Thường Quán.


Chiều gấp gẫy

Chiều úa nâu vô cớ
Những thung làng vần vụ giọt sương
Trên mi mắt
Cườm xanh chim biệt xứ
Cả bầu trời vằng vặc quá đường hương…

Chiều như vói mun

Nung lam lên từng đợt
Khắp núi đồi chợt đứng chợt đi
Xin ghé lại nhà cây liếp bong
Có tiếng gì lẫm liệt rất vân vi…

Chiều khép mun

Đủ tàn ly vang nắng
Đêm cũng vừa khua chạm đáy hoàng hôn
Câu tiễn biệt 
Nốc xanh hồn mải miết
Một tay chào
Vẫy mãi với xa xăm…

*Eltham, nắng ươm vàng vang đỏ 09/04/16.








VẪN NGUYÊN HÌNH CHIẾC LÁ KHÔ,


Nằm.im thiếp hình chiếc lá

Ôm giấc mộng phai màu
Lắng nghe đêm sọc xanh đọt chuối tràn qua
Cơn cuồng hứng tốc chiều.ghé lại
Và mắt ấy và môi ấy
Lẩm chẩm vết chì than vội vã
Can cớ chi
Can cớ chi tiếp liễu
Về riêng minh
Gió rạch bóng.máu loang không ngớt cơn phiền muộn !...

Ngước lên

Vẫn im.nguyên hình chiếc lá
Mà sao vẫn mộng riêng mình đêm cát
Những cánh diều khuất dạng mãi ngày mai
Cũng tiếng cũng lời ấy
Đã vắng dấu đã lem hương đã nhọ sắc
Đã trôi về cố vọng nát lòng khuya !

Réo mãi.trong nguyên hình chiếc lá

Hát đặc với bè trầm
Chúi nhũi.tự tắt tên mình trên từng cung bậc
Trên từng trang giấy.liếm bóng chữ nhấp nhô vô nghĩa
Ồ! Không !
Sá gì một ngày mai biệt dạng
Một ánh chiều chết lịm bờ vai
Ngồi xuống & nằm xuống
Hát câm & hát âm
Trong nguyên hình             chiếc lá.khô !

*4h sáng, 13/04/16, nhận tin nhắn với nhiều âu lo từ một đầu dây xa xôi…







LỤC BÁT NGẪU HỨNG SÁNG CHÚA NHẬT,


Nhai đầy mồm.một ngụm đêm
Nghe rần rộ nghìn cơn điên.mắt tím
Nghe gió reo vui.ngất lịm
Và mùa lên thầm kín.đất thở nâu...

Nhai ngồm ngoàm.một đôi câu
Thơ.như cơn đói (đã) quá lâu.không về
Nhai đầy mồm.ngậm mà nghe
Khóc vang cơn mộng.máu me đầy mình...
Ruột rà
nghẹn nỗi lặng thinh!



22/5/2016














Thủ bút Huy Tưởng

Chép & gửi Phan Nguyên,

Nơi kỳ diệu nhất
trên mặt đất này
Sao không là chỗ em nằm?
Đã tái sinh tôi bằng cơn
nồng ấm
Đã hồi lại tôi
thoảng một làn hương
Và hóa kiếp tôi
chập chờn con bướm lượn ....
Nơi kỳ tuyệt nhất
trên mặt đất này
Sao không là chỗ em nằm?!









Tác phẩm đã xuất bản












1
Mưa trong vườn chiêm bao
(thơ) 1969








2

Một mùa tóc mộ

(thơ) 1970







3
Áo nguyệt ca
(thơ) 1975






4
Trăng kêu xanh trong đá
(thơ)







5

Hỏi đường cùng mây trắng

(thơ) 1996












6

Người nuôi lửa tịch mịch
(thơ) 1998








7
Những bài thơ chưa kịp viết tựa đề
(Thơ) 2011

( Cùng Như Hạnh, Đinh Cường, Thành Tôn góp nhặt, và Thành Tôn tự khâu, đóng, dán,..bằng thủ công khoảng 10 cuốn để .. tặng lại tác giả & bạn bè ! Trên đời này có tình Bạn nào hơn ?!)

HT












8
Chàng trẻ tuổi gan dạ trên chiếc đu bay
(sách dịch)









9
Tuyết trên ngọn Kilimanjaro
(sách dịch)










10
Thơ Ca
(biên dịch)


















Bùi Giáng vẽ Huy Tưởng








Thơ Huy Tưởng













Chùm thơ Huy Tưởng





1.


“Giã từ cõi mộng điêu linh
“tôi về buôn bán với mình phôi pha”
Tưởng như cơn cớ đã là
Thõng tay giữa chợ người ra kẻ vào…
Tiếp nhau vồn vã câu chào
Trả nhau âm hiểm lắng vào thịt xương
Đêm nằm nghĩ quá đoạn trường
Chi li so đọ vô thường… nữa sao ?!
…giã từ hàng quán xôn xao 
Vội đi quên gửi câu chào cuối đông. 
Tôi giờ 
tĩnh tịch 
quán không ! 



2


Mấy mươi năm. sống. ai ngờ
tựa câu thơ chép lên tờ chiêm bao
thả bay biền biệt trăng sao
chữ đi tầm tã. rạt rào dưới hoa…
Mấy mươi năm. sống. hóa ra
là cái chớp mắt nối ta với trời !
Mấy mươi năm
giữa
ngôi Lời. 



3

Con chim bay vút lên trời 
Đánh rơi tiếng hót bao lời nỉ non 
Tôi về nhặt ý cỏn con 
Viết bài thơ gói nỗi buồn mang theo… 
Hành trang ấy 
ít hay nhiều? 


4

Thật. không muốn chép lại. bài 
thơ hôm qua rớt sõng soài ngoài hiên 
những lần chín đỏ cơn điên 
chép tờ phỉ lạc xô nghiêng đất trời. 
Không muốn viết. dẫu một lời 
mặc cho nọc độc con người thấm qua… 
Thinh lặng 
từ đó 
bước ra… 










Đêm nằm mộng thấy Bùi Giáng,



Đêm qua. Bùi Giáng hiện về
Mang bao giỏ xách bộn bề thị phi
Lùa chân theo gió mà đi
Áo xanh tóc trắng. phương phi khác thường!…


Nhớ thời dãi nắng dầm sương
Nửa khuya hú gọi loáng đường Lê Chân
Bái xin hoàng hậu mẫu thân
Hồng nhan xô Trẫm xuống phần mộ xanh…


Ô hay! Bàng Giúi sao đành
Tan trong tráng lệ vô thanh ra về ?!
Tôi nằm thiếp giữa cơn mê
Câu thơ thánh nhập mãi đè nặng tôi


“Xác thân Bồ Tát tan rồi
Tụng kinh dưới đất. trên trời mây bay…”
Trên trời. mây mãi còn bay
Dưới đất tôi cố níu ngày xuống đêm
sao cho giấc mộng dài thêm…








Tặng em,


Tặng Em. này cỏ và hoa
Chúng mình thanh thản bước qua… tuổi già
Như trong huyền truyện… bước ra!









Con Đường


Này em ta dắt nhau về
Vang vang dưới núi
Chiều tê lạnh rồi
Con ong cái kiến
Qua đồi
Và trăng xanh nữa im lời nước mây
Bước chầm chậm dưới hàng cây
Đừng rung em nhé
Sợ ngày rụng theo
Bóng ta rớt dưới chân đèo
Em ơi có thấy ít nhiều hoang vu
Thôi nằm ngủ dưới rừng thu
Mai ta thức dậy thân mù mịt sương...
Mai ta bỏ phố quên phường
Dìu nhau đi suốt con đường hư không










Đêm trăng nằm nghe sung rụng ngoài sân,

Chợt quên xuôi ngược là gì 
Nửa đêm mùa dậy, xuân đi lên đồi 
Cỏ sương biêng biếc bên người 
Ầm vang trái rụng xuống đời ta xưa 
Trăng tàn ngập đỏ cơn mơ 
Lại qua khe cửa như mưa xô hồng 
Ta nằm nghìn nhánh chia sông 
Trôi mù mịt cõi hư không mất rồi… 










Đốt cỏ trên đồi,

Bỏ thêm cọng cỏ khô này 
Hơ cho đỡ lạnh bàn tay sương mờ 
Ngồi bên ngọn lửa hoang sơ 
Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng











Bài 221,


Cao xanh
Ồ cao và xanh
Cớ sao mãi đứng trên cành lắt lay?
Xuống đây
Cùng với heo may
Chiều thôi hắt bóng sẽ quay về trời…

Cao xanh
Và cao xanh ơi
Gặp nhau ta sẽ trao lời. Cố nhiên
Mây vàng hoặc chốn thần tiên
Cũng không giữ được ai trên đời này.

Sao ta lại phải về ngay
Khi chưa thả hết thơ đầy thế gian?
Nơi đây
Khổ luỵ nồng nàn!









Chim mùa xuân bay về lối thu không,


Gió thổi xanh màu trăng đang rơi
Đêm xuân ai giũ mộng bên trời
Tôi nằm tơi tả cơn mưa nhỏ
Đắp một tờ hoa đã lỗi lời

Đâu hỡi bàn chân mù vĩnh biệt
Trên rừng còn động dấu thu sang
Ai còn mở lá soi mắt biếc
Chưa khép giùm tôi chút lệ vàng

Tôi đứng chênh vênh đời sương đổ
Dặm hồng thất thểu ý tan hoang
Bỗng đâu em đến. Ôi từ độ
Trăng gió thoắt nhiên quá cũ càng

Em nhỏ nhắn như cành lộc mới
Ngập ngừng không dám huống chi tôi
Hồn mưa lất phất đời du tử
Gửi bóng phiêu linh mãi núi đồi

Tôi nhặt từng chiều qua rất vội
Bỏ vào trong áo vá cô đơn
Ấp vào đêm tối hương ngan ngát
Cho mộng thơm lừng những nụ hôn

Nụ hôn, màu áo tôi còn nhớ
Em mặc ấm nồng cả gió đông
Tay lẩy bẩy ôm tràn diệu vợi
Tôi vói theo cho kịp tầm xuân

Mái tóc ấy, trời ơi, làm sao nói
Cả chân tay hiền hậu như Phật Bà
Tôi ham muốn đến no nê đau đớn
Như loài chim hoài vọng cõi bao la…

Lúc ngu dại nằm nghe hiu quạnh
Vỗ đều theo nhịp bước mê chơi
Chợt em đến bằng vầng trăng sáng
Tôi cuống cuồng thèm được lẻ loi…

Em giận dỗi bỏ mùa xuân lại
Giữa nhân gian điên đảo sương mù
Tôi từ đó thẫn thờ không muốn hái
Tặng cho mình dù một giấc mơ…

Và đi mãi giữa màu nguyệt lạc
Xô đời xiêu dạt xuống mông mênh
Đêm nằm thơ nhỏ đau từng tiếng
Chép thả đầy trời xanh quá xanh…

Cũng hết phải không người yêu dấu
Chim mùa xuân bay về lối thu không
Em đâu đó xin đừng bật khóc
Giọt lệ vàng đủ nhức nhối trăm năm…









Giấc ngủ mây vàng,


Nằm nghe giấc ngủ mây vàng
Trôi qua ngày xế, vượt ngàn tử sinh
Thăm nhau trong cuộc vong tình
Ngậm ngùi chim hót như kinh triệu hồn
Trăng cầm lệ xuống càn khôn
Ngàn đêm máu chảy vỡ hồn hoa xưa









Hoài cảm trên Hải Vân quan,


Còi tàu thét sáng loáng
Giấc đá lửa ngủ vùi vách núi
trở mình
gió trườn đêm khe lạnh. Lòng se.
Khắc khoải tím những bông hoa. Mờ yếm lệ…

Buổi tầm dương
Thuở sông xa một dải như cuồng. Vành vạnh biếc.
Ngựa lao nhanh vó quạnh.
Bờm sóng dựng
Ồ! Bờm sóng lả!
Trắng xoá hồn chim kêu lạc giọng
Mà lòng vừa nhuốm màu lữ thứ
Chốn quan san…
đẹp xót xa đưa!…

Còi tàu thét rực rỡ
Giấc đá lửa ngủ vùi vách núi
thở nồng hoa nhiệt đới
Lệ không nguôi thăm thẳm đáy chiều
Choàng thức dậy đã xô hồng đẫm đẫm…

Còi tàu
Còi tàu!
Rúc từng hồi rực rỡ
Giấc đá lửa ngủ vùi vách núi
chốn trăng xưa…
mơ giấc rằm xanh

Huế 12/1970











Múc nước tưới rau,


Múc hai gàu nước chưa đầy
Tự nhiên trăng sáng mái Tây dội vào
Quay nhìn lại mấy hàng rau
Ô hay ngọn lá ướt màu hư linh









Một hồn tang hải chon von,


Gió lên
thì
gió cứ lên
đợi
tôi
xuống núi
hái
liềm trăng non










Người yêu,


1.
Đá rựng tà dương
Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ
Trườn cánh chim
Ôi còn mải miết chiều phai

Mải miết chiều phai em có hai bàn tay đầm đìa hối tiếc
Tôi hôn em môi cực cùng ly biệt
Không đậy kín hồn dĩ vãng quỵ dưới trăng ngàn
Lòng đẹp dã man.

2.
Tử hình tôi trong ngực tối
Chờ đợi gì ngoài nguyệt lạnh
Nhân loại còn ai
Kẻ lãng mạn cuối cùng cô xiết đá xanh
Rũ trăng
Rũ máu
Rũ cánh rừng vùng vẫy tà dương
Hỡi em
Còn đợi chờ gì bóng người ngực tối
Loáng ngời khuya
Đẫm suốt hư không
Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ
Ôi đời đời nhức nhối yêu nhau…



Bài thơ này đã được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc thành bài hát Máu biếc xanh và ngực tối.





http://nhacso.net/nghe-nhac/mau-biec-xanh-va-nguc-toi.XVxYUEpf.html












Nhậu ở quán 81,


Cụng ly 
danh tánh rình rang!
Ra về
phù phiếm ngổn ngang
theo về...








Tôi vẫn đứng lên cùng nỗi buồn,


Tôi đứng lên cùng nỗi buồn
Gió réo điên sau bờ đá
Những hàng cây mải mê lời tuyệt vọng...

Tôi vẫn đứng lên cùng nỗi buồn
Những vì sao chùi đầu chùm trắc bá
Của chiều ùa xám ô cửa trống
Ngơ ngác vĩ cầm nâu...

...Tôi sẽ còn
Đứng lên
Cùng nỗi buồn,
Nỗi buồn hung bạo quá!










Trên chuyến tàu niên thiếu,


Ném viên sỏi cuối cùng vào thạch động

Đập nát cơn điên xanh
Lao đao nghìn lệ bỏng
Rơi lặng lẽ chuyến tàu thơ dại ấy …

1.

…Nơi đàn sáo bay qua giữa vừng đông sắp chìm
Nơi ngàn năm vinh diệu của cô đơn
Nơi âm vang hoài những tên người yêu dấu
Nơi có cha mẹ anh em bạn bè họ mạc
Có ấu thơ trôi xanh dòng suối
Có tuổi trẻ trên toa xe lửa hạng ba thúc còi thét rực rỡ năm giờ sáng
Có ngôi mộ nhỏ chôn giấc mộng đầu đời
Có nhiều lắm những điều không nhớ hết
Có hư không treo trên cành trắc bá
Có lũ sâu kèn nhẫn nại
Mỗi chiều nhả bóng tối và hụ còi inh ỏi …
Vâng,
Chính nơi đó, và chỉ là nơi đó
Nơi bắt đầu cho những ngày niên thiếu cuồng mê
Nơi có lần tôi khóc qua lệ em một thời lãng mạn
Ôi một thời lãng mạn xa xăm …

2.

Như hàng cây nâu chạy miết về cánh rừng
Tôi thảng thốt đuổi bắt hồn tôi tê buốt trên tà áo em bay
Như cành thông ứa nhựa vàng
Tôi buồn phiền viết tặng các em lời thơ nhỏ
Như ngày xưa chụm kín hai bàn tay
Tôi thầm nguyện gom đầy sắc đẹp em để sống
Ôi thời trẻ dại
Cây mồng tơi
Bông nhỏ,

3.

Tôi chắc những lần đó chẳng thể nào em hiểu được
Vì sao tôi khóc khi cầm tay em
Vì sao tôi thèm chết mỗi đêm lang thang trên hè phố tối câm
Tôi chắc có lần em tự hỏi
(Ôi các em đều tự hỏi !)

4.

Vẫn vang động mãi
Tiếng cười em đọng giữa mặt hồ
Căng tràn lời hẹn ước
Rạng ngời niềm hư linh
Đau tê từng sợi cỏ
Vâng,
Chính nơi đó tôi chọn làm quê hương để nhớ
Ôi quê hương hào hùng thơ mộng quá
Những ao hồ như dấu chân thần linh vừa bước xuống
Những cầu tre bắc ngang như định mệnh chúng ta
(dù nơi đó có lần tôi toan tự tử)
Những vệt sáng buổi chiều nhen nhúm hy vọng
Những rừng thẳm nghẹn ngào như tiếng khóc các em
Những con gió như mộng đời chẳng bao giờ đuổi kịp …
… Ôi ! không còn tưởng tượng được nữa
Như người mù phải chiêm niệm thời gian
Tôi gào thét trong lời câm lặng
Hạnh phúc và khổ đau chôn vùi tôi ngộp thở !
Vâng,
Xin trở lại để tạ ơn đời
Tạ ơn các em ngực no đầy con gái
Tạ ơn tiếng còi tàu tắt ngấm
Tạ ơn lối mòn khu rừng vắng không đưa về đâu cả
Xin tạ ơn,
Tạ ơn lòng mình dịu vợi sớm mai nào tinh khiết …

5.

Có hầm bóng tối và cuộc thánh chiến
Còi vẫn thét rực rỡ
Đàn sáo đen giật mình bay lượn lao xao
Cây ngô đồng ngại gió,
Tôi chẳng còn tặng em chùm mận nhỏ
Bãi cỏ nát dấu hoang vu
Mái hồn tôi chạm giàn mây xám
Cười sặc sụa không thôi …
Vâng,
Nơi đó có nhiều đêm say rất đặc
Tôi ôm em hôn tàn bạo
Máu phồng cơn điên xanh …
Ôi cuộc thánh chiến,
Và em như giọt sương rơi trong đầu tôi chẳng ngớt
Em đắc thắng như thác ghềnh xưa gào thét
Em phủ phê như có lần tôi chứng kiến (…)

Hỡi em yêu dấu,

Cho tôi được tắm trong hồn em lần trở về
Soi bóng mình trên dòng dĩ vãng
Trên vịnh đêm mỏi cánh chim rừng
Trên nhánh khô vói chẳng thấu trời
Trên tất cả,
Trên những điều không tưởng nữa
Trên suối đời chảy xiết như băng …

6.

Chúng ta hãy cầm lấy tay nhau nhảy múa
Kết thành vòng cát bụi nghìn năm
Xây chiếc cầu đi về vạn cổ
Trồng khu rừng hư ảo giữa thiên thu
Hỡi các em,
Chúng ta hát vang lời cô biệt bằng im vắng
Im vắng đến tang thương hùng tráng
Như hình ảnh cha tôi còng lưng cỡi chiếc xe đạp ngược dốc đồn điền trà
Những chân nai quàng xiên
Giẫm bừa cơn mơ chim nhỏ
Những mắt thỏ rừng lén nhìn trộm tôi trốn học đi câu cá
Và cành đơm xôi
Và giọng chim đánh lạc tiếng kêu
Tôi té nhào xuống dấu chân thiên nhiên hùng vĩ …
Nhưng cũng có lần
Nơi đó,
Cha tôi đã khóc chẳng vì hân hoan hay tủi cực
Ôi giọt lệ đọng cứng như đá cuội nghìn năm !
Vâng,
Cả mẹ tôi nữa,
Làm sao quên được khuôn mặt người đàn bà đầm đìa khổ lụy !
Trên lam lũ võ vàng
Trên ngày dài khắp sườn núi Trường Sơn
Trên khiếp đảm né tránh từng viên đạn …
Ôi những ngày như chưa bao giờ 
Máu trườn lên tóc nhỏ
Tôi co ro trong ngôi nhà xây bằng nước mắt bằng tang thương bằng trái tim lạnh giá !...

Ôi biết nói làm sao cho xiết

Đêm tiêu sơ trên bờ biển An Hòa
Nơi tôi bắt đầu lo sợ chính đời mình
Nơi vun trồng những hoài bão đơn sơ
Đơn sơ như bờ cát như sóng xô mù hốc đá
Như bọn em tôi mải mê đuổi bắt lũ còng con
Như tôi ngồi trong đêm hoan lạc với bóng tối
Hò hét với tủi thân
Chỉ có nơi đó, nơi đó và nơi đó,
Tôi mới thực sự thống khổ triền miên mới muộn phiền sảng khoái…


7.

Ôi quá khứ,
Khuôn mặt các em lờ mờ khát vọng
Trận bão cuồng nộ khắp lòng tôi vô hướng
Và nhạc vàng reo lá nhỏ
Ôi khu vườn và cơn mưa rộng
Chẳng còn ai nửa khuya thức dậy đợi những vì sao
Nghe lá nằm trong cây vô nghĩa
Nhìn gió ngất từng hồi trên ngọn dương
Vọng tiếng ngày chôn dưới gậm cầu
Ngóng vầng trăng non chùi đầu sau thung lũng ngậm vành cỏ tím …
Ôi đã xa rồi như quá khứ,
Như em
Như tôi
Như tuổi trẻ,
Như tim óc như não tủy có lần tôi truy tặng …
Thực đã không còn gì
Hỡi đàn sáo vừng đông chìm năm xưa
Hỡi ngày nhiều mây chim bay nặng cánh
Xin hãy ru tôi bằng cơn mơ thần thoại
Bằng cực lạc đến đau thương
Bằng chia ly trên dấu chân viễn mộng
Bằng kỷ niệm trôi dưới chân cầu
Bằng tiếng kêu xót xa của hạnh phúc …
Vâng,
Xin hãy ru tôi như dòng suối nằm dài cơn mơ nhỏ …
Xin hãy cầm lấy,
Cầm lấy và lau cho nhau dòng lệ, lau quá khứ, lau kỷ niệm, lau tử sinh, lau thống khổ …
Ôi hãy lau cả những điều không thể được,
Lau chiêm bao trên đôi mắt đã mờ
Lau tiếng còi tàu tắt ngấm
Lau bông nhỏ nở khắp trời thơ dại
Lau những chiều sương mù trong trí tưởng
Lau sạch đêm tuổi trẻ trên toa xe lửa hạng ba
Hãy lau đi,
Hỡi các em yêu dấu
Hãy lau luôn những điều các em hằng tự hỏi về tôi
Lau dục vọng gã thiếu niên cuồng dại ấy …

8.

Bấy giờ có thể là cuối đông
Tôi đọc chưa xong trang sách cuối
Giữa lòng người thánh mộ đứng căm căm
Chiếc hoa đòi nở như lời thú tội của cô đơn …
Khi gặp lại các em tôi khác nào con thú lạ
Tìm rừng hỏi dấu chân xưa
Nhảy chồm qua ký ức
Gào xé áo trăng xanh …
Và,
Các em gọi tên tôi thất thanh
Như nhắm mắt đưa tay đỡ lấy cành cây gãy
(Ôi cành cây đã gãy !)
Bấy giờ trời đã sang xuân
Trên thung lũng thời gian nằm gặm cỏ
Mặt trời và những mũi tên
Ngày sụp đổ
Tôi cô đơn như có lần hoa nở
Tôi long đong như giọt nước bên trời
Các em vẫn đẻ con và hát
Ôi lời hát kim châm
Cành gai đen đúa niềm bi thảm.
Hồn rưng rưng,
Tôi uống cạn ly rượu đỏ và tặng các em khăn tay cùng ánh sáng
Như hoài vọng một đời người

9.

…………
Và chuyến tàu đã băng nhanh thời thơ dại
Các em vẫy tay từ biệt vội vàng
Ôi khăn hồng làm đỏ máu đỏ hồn
Đỏ chiếc bóng tôi lầm lũi trở về 
Đỏ tiếng âm thầm trên nghĩa địa chim
Trên bóng ma đen giữa vườn huyễn ảo
Trên trái tim khô phơi sương khung chiều vắng
Ôi các em thực đã xa rồi
Lần trở về mình tôi ngồi chết lặng
Thẫn thờ câu cá dưới chân cầu đợi chờ vô ích
Những dòng nước quá già nua
Những bờ cỏ lấm bụi nhục nhằn
Ôi tôi chỉ còn cánh rừng và đàn sáo bay xao xuyến
Chúng làm chật trí não tôi hình ảnh các em chạy băng trên đồi mưa lay bay …
Hỡi những lễ rước huy hoàng trong đời sống
Các em vô tình rót đầy ký ức tôi ly rượu đỏ
Hồn sóng sánh
Loài quỷ dữ liên hoan huyệt lạnh
Tôi dựng căn lều nhỏ trong giấc mê chơi
Các em hiện về mang từng chùm ảo vọng
Treo khắp trí tưởng tôi chấp chới
Các em nối những giấc mơ trên cầu vạn cổ
Tôi đau nhức cười lên điên loạn
Mái hồn tôi trườn qua các em chết đuối mấy tầng mây …
Ôi các em kỳ tuyệt quá !
Hỡi gấu áo sực nức mùi con gái
Hỡi bãi cỏ và dấu tịch liêu
Hỡi trái mận hồng tươi ngập dấu răng ngà
Hỡi rừng cao huyền nhiệm như mắt các em
Hỡi biển ngàn quằn quại và bao dung như đời người Mẹ
Hỡi đồi cát mùa đông giá buốt như hồn Tôi
(In ngàn dấu chân các em hối hả)
Hỡi những gì sâu thẳm và tuyệt vời nhất trên toa xe lửa
Xin cho tôi được quỳ xuống trước quá khứ
(Trước khu rừng hư ảo giữa thiên thu)
Để hát thật nhỏ lời phụng hiến
Vâng,
Tôi muốn hát để truy tặng các em lần cuối
Chút tuổi trẻ mê cuồng nở vội vàng trên bờ hoa dâm bụt
Chút vọng động phiêu mù trên tiếng hụ còi lũ sâu kèn nhẫn nại
Vâng,
Cả chút khổ lụy cùng hạnh phúc man rợ còn rớt lại trong tim tôi băng giá …

Hỡi các em yêu dấu,

Trên trận bão ngàn đời vô hướng
Những hạt lệ cuối cùng đớn đau mà rực rỡ
Tôi xin thề đập nát cơn điên xanh
Trước khi nửa đêm
Trước khi loài bướm đen ngậm ba giờ khuya bay tìm mặt trời tố cáo vết thương tôi với mùa thu ngợp gió …
Vĩnh biệt cùng các em,
Kìa lũ sâu kèn đã hụ còi
Chuyến tàu thơ dại đã băng qua
Chuyến tàu mang theo chiếc bóng xanh của một thời lãng mạn
Thật đã không còn gì
Vĩnh biệt cùng các em
Tôi ở lại mười ngón tay cháy bùng dĩ vãng …,
Trung Việt, 8/1967 
H.T.













Bốn bài thơ
Huy Tưởng từ Úc gởi cho Đinh Cường. 










1.



“Giã từ cõi mộng điêu linh
“tôi về buôn bán với mình phôi pha”
Tưởng như cơn cớ đã là
Thõng tay giữa chợ người ra kẻ vào…
Tiếp nhau vồn vã câu chào
Trả nhau âm hiểm lắng vào thịt xương
Đêm nằm nghĩ quá đoạn trường
Chi li so đọ vô thường… nữa sao?!
…giã từ hàng quán xôn xao
Vội đi quên gửi câu chào cuối đông.

Tôi giờ
tĩnh tịch
quán không !



2.

Mấy mươi năm. sống. ai ngờ
tựa câu thơ chép lên tờ chiêm bao
thả bay biền biệt trăng sao
chữ đi tầm tã. rạt rào dưới hoa…
Mấy mươi năm. sống. hóa ra
là cái chớp mắt nối ta với trời !
Mấy mươi năm
giữa
ngôi Lời.



3.

Con chim bay vút lên trời
Đánh rơi tiếng hót bao lời nỉ non
Tôi về nhặt ý cỏn con
Viết bài thơ gói nỗi buồn mang theo…
Hành trang ấy
ít hay nhiều?



4.

Thật. không muốn chép lại. bài
thơ hôm qua rớt sõng soài ngoài hiên
những lần chín đỏ cơn điên
chép tờ phỉ lạc xô nghiêng đất trời.
Không muốn viết. dẫu một lời
mặc cho nọc độc con người thấm qua…
Thinh lặng
từ đó
bước ra…


















Thái Tuấn vẽ Huy Tưởng












Cỏ Khô,


Bỏ thêm cọng cỏ khô này
Hơ cho bớt lạnh bàn tay sương mờ
Ngồi bên ngọn lửa hoang sơ
Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng.










KHI VỀ PHỐ CŨ,

Không cất nỗi tà dương về trên mái
Chiều nao nao.úng nụ.thuở chưa rằm
Nhìn và ngắm.vết mây trời sót lại
Tôi cầm tay phố cũ.hương biệt tăm !

Tôi cầm tay.phố cũ.đã quá rằm
Đêm chếch xám.gió tràn.khe núi lạnh
Con bướm vờn.bóng duỗi tới xa xăm
Tôi vẫn gọi.vẫn mơ.và ngóng đợi...

Tôi ngóng đợi.cả đời tôi.ngóng đợi
Dẫu tàn phai.rêu phủ lối tôi về
Tôi ngóng đợi.sao tôi không ngóng đợi
Biết đâu chừng...lửa ấm giữa hồn mê ?!









NHỚ ANH MAI THẢO,

Một ngụm chiều,một ngụm chiều rơi
Nhớ Anh se sắt.đêm lùa bóng
phủ xuống tràn ly.rót vạn lời
Có nghe đắng ngát.ai dấy mộng
Gió réo từng hồi.trăng vỡ đôi !...









BẤT NGỜ GẶP LẠI (THƠ) TUỆ SỸ,

Cúi gầm xuống.tôi hóa nâu cùng đất
Trên đồi cao.chiều đọng giọt trầm hương
Đi.đi mãi.dặm trường.tôi ngoái lại
Lắng bên trời.lóng lánh bước cầm dương...









NIỀM CÔ QUẠNH (ĐÔI KHI) CÓ VỊ ĐẮNG,

Chiều.không dưng
mưa ủ dột
Mèo đen cuộn mình.mây úng ngợp
Lũ đồ chơi dồn đống góc phòng
nhao nhao tĩnh vật
xanh đỏ tím vàng...điếc mắt
Sặc sỡ nhạo báng
Khối mầu đồng thanh rúc thét tiếng còi tàu hiềm oán
Inh ỏi thắt lòng !...


Tôi chồm tới.bước hụt vào khoảng không.trống hoác...
Chiều.không dưng
Tắt liễu !









ĐỌNG HẠT TÀ DƯƠNG,

Một hồn cô tịch.riêng mang
Đi mơ hồ bóng.đợi sang sáng về
Đợi khuya.dỗ tạnh cơn mê
Cầm hương.thiếp lục.tay che nỗi buồn
Môi còn đọng hạt tà dương.









HỒ CẦM BUÔNG,

Ngào ngạt.hồ cầm buông
Gió lên, hương thoảng.tầm dương nghẹn lời
Góc nhìn.lạ lẫm.hổ ngươi
Trăng đăm đuối gọi.môi cười xế hoa
Tìm nhau tầm tã.hóa ra
Tóc người rêu cạn.lòng ta nhóa mầu
Hồ cầm.ngào ngạt.vì đâu ?


HUY TƯỞNG
Bundoora, Mel., khuya 24/09/15.











Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay 


Có thể nói, đây chính là truyện khiến tôi lấy làm kinh ngạc nhất: theo một nghĩa nào đó, đây là truyện đầu tiên của tôi, mặc dù vào lúc này, tháng hai năm 1934, truyện của tôi đã được viết và đăng hàng tá trên tờ Story Magazine, và cũng khá nhiều trên tờ Hairenik, ấy là chưa kể những tạp chí khác như tờ Overland Monthly ở San Francisco, hoặc tờ The San Franciscan, The Boulevardier… tôi thử gửi đến tất cả các tòa soạn, và va phải nhiều việc đắng họng: hoặc là bị lờ đi không trả lấy một cắc nhuận bút, cao lắm là mười đô một truyện, như tờ The Boulevardier chẳng hạn. Truyện này được viết một mạch vào một ngày đầu tháng mười một, năm 1933, sau khi tôi đã viết toàn thể một loạt truyện thử nghiệm từ ngày đầu đến ngày cuối, tháng mười năm đó. Chắc một điều là, việc thử nghiệm đó đã thúc đẩy tôi viết nên truyện ngắn này. Trong và sau khi viết xong tác phẩm, tôi chắc mẫm thế nào nó cũng được tờ Story đón nhận, vì tôi cảm biết tràn trề rằng nó là một truyện hay, được viết theo một văn thể hoàn toàn riêng biệt. Và quả nhiên đúng như vậy. - W. Saroyan



Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay, Saroyan William

I. Ngủ Tỉnh giấc, nằm ngang ngửa giữa bao la nhân thế, tập cười và đùa vui, châm biếm tận cùng của tất cả, của Rome và, vâng, của cả Babylon nữa, nghiến răng, kỷ niệm, nóng hực như núi lửa, những đường phố Paris, những cánh đồng ở Jericho, lắm cái trườn đi như loài bò sát lẩn mình, một phòng triển lãm tranh mầu nước, biển cả và cá có mắt, hòa khúc, một cái bàn trong góc tháp Eiffel, điệu jazz ở ca kịch viện, đồng hồ báo thức và điệu nhảy claquette đượm mùi tận thế, nói chuyện với một cái cây, với sông Nile, tiếng hổ gầm gừ của Dostoyevsky, và mặt trời tối sầm lại.

Trái đất này khuôn mặt của kẻ sống, cái hình thể không sức nặng, khóc than trên tuyết, âm nhạc trắng, cái bông hoa phóng đại to gấp đôi vũ trụ, mây đen, con báo trong chuồng trố mắt, không gian bất tử, ông Eliot sắn tay áo nướng bánh, Flaubert và Guy de Maupassant, một điệu hát không lời cổ sơ, Finlandia, toán học được dùi đẽo triệt để và nhẵn thín như đá mài, Jerusalem, con đường dẫn đến những nghịch thuyết.

Bài hát âm trầm của người, tiếng thầm thì của một kẻ không nhìn thấy nhưng được biết một cách mơ hồ, giông tố ngoài cánh đồng lúa mì, một cuộc cờ, trấn tỉnh hoàng hậu, vua, Karl Franz, giống khổng lồ đen, ngài Charlot khóc, rồi Stalin rồi Hitler, và cả một đám dân Do Thái, ngày mai là thứ hai, cấm nhảy múa ngoài đường phố.

Ôi, cái phút giây chóng vánh và mong manh của cuộc đời ấy: Nó đã chấm dứt, giờ đây lại trở về với đất. 

II. Thức

Hắn (kẻ sống) mặc quần áo và cạo râu, nhếch mép cười đểu cáng, cười biếm nhẽ với mình trong gương. Rất chi là không bảnh trai chút nào, hắn nói, Cà vạt của mình đâu rồi cà? (hắn chỉ có một chiếc). Cà phê và một bầu trời ảm đạm, sương mù Thái Bình Dương, tiếng gầm gào của một chiếc xe điện chạy qua, thiên hạ xuống phố, lại thời gian, ngày, văn xuôi và thơ ca. Hắn nhanh nhẹn xuống cầu thang ra đường và bắt đầu tản bộ, không dưng nghĩ ngợi, May ra, chỉ trong giấc ngủ, chúng ta mới biết chúng ta đang sống. Chỉ lúc đó, trong cái chết sống dộng, chúng ta mới gặp gỡ mình và nhân thế xa xăm, Thượng Đế và cả những thiên thần, tên tuổi các tổ tiên chúng ta, cái thực thể của những giây phút xa xôi; chính nhờ giấc ngủ mà hàng thế kỷ hợp nhất trong khoảnh khắc, cái bao la vô bờ trở thành một nguyên tử bé tí, hữu hình của vĩnh hằng miên viễn.

Hắn đi vào ánh sáng ban ngày hết sức nhanh nhẹn, gót chân gây nên tiếng động rõ rệt, cảm nhận bằng đôi mắt về cái sự thô lậu của các đường phố và các công trình kiến trúc, cái sự tầm thường của những thực tại. Bất lực, hắn thầm hát, chàng bay qua không gian như đùa bỡn; chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay; đoạn cười rũ rượi. Thật là một buổi sáng tuyệt đẹp: ảm đạm, lạnh lẽo, và ủ rũ, một buổi sáng của sức mạnh nội cảm; Chà chà, hắn nói, Edgar Guest, ta khát khao âm nhạc biết là chừng nào!

Trong một đường mương, hắn thấy một đồng tiền rơi rớt, đúng là một đồng xu cái thời 1923, và đặt nó trong lòng bàn tay, hắn quan sát đồng xu cặn kẽ, nhớ lại năm đó và nghĩ đến Lincoln, hình mặt nghiêng của ông được chạm trổ tỉ mỉ. Hầu như người ta không thể làm gì với một xu. Hắn nghĩ, mình sẽ mua một chiếc xe hơi. Mình sẽ ăn mặc theo lối công tử bột, chơi điếm ở khách sạn, ăn và uống rồi trở về với yên lặng. Hoặc mình sẽ bỏ đồng tiền vào máy tự động và tự cân thử coi nó nặng bao nhiêu.

Nghèo thì cũng quí lắm, nhưng đói thì khủng khiếp quá. Họ mới thèm ăn biết mấy, thèm các thứ đến rỏ giãi! Ôi những cái bao tử rỗng. Hắn nhớ lại, hắn cần thức ăn biết bao. Bữa nào cũng bánh mì, cà phê và thuốc lá, và bây giờ thì cũng chẳng có gì ráo. Cà phê mà thiếu bánh mì thì thực sự không bao giờ có thể thành bữa cơm chiều được, và chẳng có loài cỏ dại nào trong công viên mà nấu lên có thể bằng rau dền luộc cho được.

Sự thật thì, hắn sắp chết đói, và trước khi chết hắn còn phải đọc biết mấy sách cho hết. Hắn nhớ lại cái gã trẻ tuổi người Ý trong một bệnh viện ở Brooklyn, một thư ký nhỏ bé đau yếu tên là Mollica, đã nói một cách tuyệt vọng, tôi muốn thấy California một lần trước khi chết. Và hắn nghĩ một cách tha thiết, ít ra mình phải đọc Hamlet lại lần nữa; hoặc có lẽ là Huckleberry Finn.

Chính lúc đó hắn mới tỉnh táo hoàn toàn: khi nghĩ đến cái chết. Giờ đây, thức là một trạng thái có tính chất khích động không dứt. Hắn nghĩ, một người trẻ tuổi có thể chết thầm lặng; và hắn đã thực sự gần như chết đói. Nước lã và tản văn thì tuyệt lắm, chúng choán nhiều không gian vô cơ, nhưng chưa đủ. Phải chi có chút việc nào đó để hắn có thể làm kiếm tiền, một việc tay chân vụn vặt gì đó nhân danh thương mãi. Phải chi họ chỉ cần cho hắn ngồi trước một cái bàn, suốt ngày cặm cụi cộng những con số của thương hiệu, trừ và nhân và chia, có lẽ hắn sẽ không đến nỗi chết đói. Hắn sẽ mua thức ăn đủ loại: các cao lương mỹ vị lạt lẽo từ Na Uy, Ý và cả Pháp nữa; tất cả các loại thịt bò, thịt cừu, cá, phó mát; nho, vả, lê, táo, dưa hấu, mà hắn sẽ phượng thờ sau khi thanh toán cơn đói. Hắn sẽ đặt một chùm nho đỏ trên một cái đĩa cạnh hai trái vả đen, một trái lê vàng óng, và một trái táo xanh. Hắn sẽ nhứ nhứ trước mũi mình một miếng dưa hấu, hàng giờ. Hắn sẽ mua những ổ bánh Pháp nâu lớn, rau đủ loại, thịt và sự sống.

Từ ngọn đồi, hắn thấy thành phố nằm uy nghi ở phương Đông, những mái lầu cao chót vót, đầy đặc chủng loại hắn, rồi bỗng nhiên hắn thấy hắn đứng ra bên ngoài tất cả, hầu như rõ rệt mười mươi là hắn sẽ không bao giờ vào được, hầu như với cách nào đó hắn đã mạo hiểm vào lầm trái đất, hoặc có lẽ vào lầm thời đại, và giờ đây một chàng trai hai mươi tuổi phải vĩnh viễn bị trục xuất khỏi đấy. Ý nghĩ này không làm hắn buồn chút nào. Hắn tự nhủ, rồi đây chả mấy lúc e mình cũng phải viết Đơn xin phép sống. Hắn chấp nhận cái ý nghĩ chết đi mà không thương hại chính mình hoặc cho loài người, cả tin rằng ít ra hắn cũng sẽ ngủ thêm một đêm nữa. Tiền phòng ngày mai hắn đã trả rồi; nhưng vẫn còn một ngày mốt nữa. Và sau đó hắn có thể đến các nơi mà những kẻ vô gia cư khác đến. Hắn cũng nên đến viếng Đoàn Quân Cứu Rỗi để cầu nguyện lên Chúa và Jésus (chả thương gì linh hồn con), được cứu rỗi, ăn và ngủ. Nhưng hắn biết hắn sẽ không làm vậy. Đời hắn là một đời riêng. Hắn không muốn hủy hoại sự thực đó. Chọn bất cứ một cách nào khác còn dễ coi hơn.

Bồng bềnh trên chiếc đu bay…hắn hát thầm trong đầu. Thật ngộ nghĩnh, thật khôi hài hết biết. Một chiếc đu bay, bay đến Thượng Đế, hoặc đến hư vô, một chiếc đu bay đến cõi vĩnh hằng; hắn cầu xin một cách vô tư có sức mầu nhiệm để bay trong duyên dáng.

Hắn nói, mình có một xu. Đó là một đồng tiền Mỹ hẳn hoi, chiều nay mình sẽ mài cho đến khi nó sáng bóng lên tựa mặt trời và mình sẽ nghiên cứu các con chữ đắp nổi đó.

Bây giờ thì hắn đang đi bộ ngay trong thành phố, giữa những con người đang sống nhởn nhơ. Có một vài nơi để đến. Hắn thấy bóng mình phản ánh trên những ô cửa kính nhà hàng và tự chán ngán cho cái dáng mạo của chính mình. Hắn chẳng có vẻ mạnh khỏe tí nào như hắn thường cảm thấy; thật ra, mọi bộ phận trong cơ thể hắn đều hơi hư lệch sao ấy, này cổ này vai này tay và cả thân hình lẫn đầu gối. Hắn nói, thế này thì coi sao cho đặng chớ. Và với một nỗ lực, hắn ráp tất cả các bộ phận rời ấy lại và trở nên căng thẳng, tạo ra cái vẻ sững sờ mà vững chắc.

Hết sức nghiêm trang, hắn rảo qua nhiều tiệm ăn, chẳng thèm liếc nhìn vào, để cuối cùng hắn bước vào một cao ốc. Hắn đi thang máy lên tầng bảy, lạng qua một sảnh đường, và, mở cửa bước vào văn phòng sở tìm việc. Ở đó, đã có khoảng hơn hai mươi thanh niên đang ngồi chờ; hắn tìm một xó và đứng đợi đến phiên mình được hạch hỏi các thứ. Mãi rồi hắn cũng được cái đặc ân vĩ đại này và một cô gái già gầy guộc, khoảng năm mươi gì đó, lơ đãng chất vấn này nọ.

Cô nói, Bây giờ cho tôi biết, cậu làm được những gì nào?

Hắn lúng túng. Tôi biết viết, hắn xúc động nói.

Ý cậu muốn nói là cậu viết chữ đẹp? Phải vậy không? Cô gái sồn sồn nói.

Hắn đáp, Ờ, ờ vâng. Nhưng tôi muốn nói là tôi biết …viết.

Cô kia hỏi gần như cáu kỉnh, Viết gì mới được chứ?

Hắn đáp giản dị: Văn.

Im lặng. Sau cùng cô kia nói:

Cậu biết đánh máy không?

Người trẻ tuổi nói, Dĩ nhiên.

Được rồi, cô kia nói tiếp, chúng tôi có địa chỉ của cậu, chúng tôi sẽ liên lạc sau. Sáng nay chả có gì ráo trọi.

Tại các sở khác cũng hệt như vậy, trừ phi là hắn được chất vấn bởi những gã trẻ tuổi hợm mình giống như con heo. Rời những sở làm, hắn lại lò dò đến các thương xá lớn: ối chà! cả đống kiểu cách, phần hắn thì chịu nhục đôi chút, và rồi cuối cùng thì người ta cho biết là không có việc làm. Hắn không cảm thấy phật lòng chút nào, và lạ thay hắn cũng chẳng hề cảm thấy là chính hắn có dính líu vào tất cả những chuyện phi lý đó. Hắn là một người trẻ, còn sống, đang cần tiền để có thể tiếp tục tồn tại, và chẳng có cách nào để có thể có tiền ngoại trừ phải làm việc để mà có; nhưng đâu có dễ gì, ôi chao! đó hoàn toàn là một vấn đề khó hiểu mà hắn muốn thử giải quyết lần cuối cùng. Giờ thì hắn thoải mái, thậm chí vui sướng vì mọi sự đã đến hồi kết thúc.

Hắn bắt đầu nhận thấy cần phải vạch ra một nếp sống rõ rệt. Ngoại trừ một đôi phút, phần lớn đời hắn không màu mè gì lắm, nhưng giờ đây vào phút cuối hắn quyết định không còn được lờ mờ dấm dớ nữa.

Hắn đi qua vô số cửa hàng và tiệm ăn trên con đường đến Y.M.C.A.[1] nơi hắn tự tiện dùng giấy và mực. Hắn bắt đầu viết Đơn. Hắn tiếp tục soạn văn thư này hàng giờ, rồi bỗng nhiên, vì cái không khí khó chịu ở nơi này và, vì đói, hắn ngất đi. Hắn cảm thấy như đang bơi ra khỏi chính thân xác mình bằng những sải lớn. Hắn vội vã rời tòa nhà. Tại Công viên Trung ương, bên kia thư viện công cộng, hắn uống đến gần một lít nước và cảm thấy tỉnh táo. Một cụ già đứng giữa con đường lát gạch, bao quanh là chim hải âu, bồ câu và cả họa mi. Ông đang lấy từng nắm vụn bánh mì từ một bao giấy và ném cho chim với một bộ điệu hết sức hào hiệp.

Hắn lơ mơ cảm thấy muốn xin ông già một phần vụn bánh, nhưng vội gạt cái ý nghĩ tự hạ mình đó ngay; hắn bước vào Thư viện Công cộng và đọc Proust suốt cả giờ, và rồi lại cảm thấy muốn ngất xỉu nữa, hắn bèn chuồn phóng ra ngoài. Hắn tộng nước máy ngoài công viên đầy bụng và bắt đầu cuốc bộ phất phơ về phòng.

Hắn nói láp dáp, mình sẽ đi ngủ thêm chút xíu nữa; chả có việc gì khác để làm. Bây giờ hắn biết rằng hắn đã quá mệt và yếu lả để tự dối mình là mạnh khỏe, thế nhưng dù sao đầu óc hắn vẫn có vẻ mềm dẻo và lanh lợi. Như là một thực thể cách biệt, nó vẫn khăng khăng bỡn cợt một cách xấc xược ngay trên chính cái đau thể chất của mình. Sớm chiều hắn về phòng và lập tức nấu cà phê trên cái bếp ga nhỏ. Trong hộp chẳng còn sữa, và nửa cân đường mới mua tuần trước cũng biến mất; hắn tợp một tách đen nóng, ngồi lên giường và, cười.

Hắn đã lấy cắp ở Y.M.C.A. một tá giấy viết thư, hắn định thảo một số văn thư trên đó, nhưng bây giờ thì ngay cái ý nghĩ viết cũng đủ làm cho hắn bải hoải khó chịu, chả có gì để nói. Hắn bắt đầu mài đồng xu lượm được hồi sáng, ấy thế mà cái hành động vô nghĩa này lại làm cho hắn thú vị quá trời. Không có đồng tiền Mỹ nào có thể làm cho chói sáng như đồng một xu này. Hắn phải cần bao nhiêu xu để tiếp tục sống còn? Không còn gì để bán nữa sao? Hắn nhìn quanh căn phòng trống. Không. Đồng hồ đã biến mất, sách vở cũng lầm lụi ra đi. Tất cả những cuốn sách xinh đẹp và ngạo nghễ đó. Hắn cảm thấy khốn khổ và hổ thẹn vì đã phải xa lìa sách vở thân yêu.

Bộ đồ vía cũng đã mại với giá bèo hai đô, nhưng như thế cũng tạm được. Hắn chẳng hề quan tâm đến quần áo. Nhưng mấy cuốn sách thì khác. Nghĩ rằng mình đã không có sự kính trọng đối với những người viết lách khiến hắn bất bình phẫn nộ.

Hắn để đồng xu bóng loáng lên bàn, nhìn cặn kẽ vào với sự khoan khoái của một tên cay cú. Hắn nói, nó cười duyên dáng làm sao. Hắn nhìn vào những chữ mà không thèm đọc. E Pluribus Unum Một Xu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và lật đồng xu qua, hắn thấy Lincoln và giòng chữ, Chúng Ta Tín Thác Tự Do Nơi Chúa. 1923. Ôi đẹp làm sao, hắn reo nhỏ trong cổ họng.

Hắn trở nên mơ mơ màng màng và cảm thấy một cơn bệnh khủng khiếp đang nhiễm tràn qua dòng máu, một cảm giác buồn mửa và rã rời. Hoang mang, hắn đứng cạnh giường, chả có gì để làm ngoài việc ngủ. Rồi hắn cảm thấy như vừa bước sải qua một chất lỏng của trái đất, bơi về buổi sơ nguyên. Hắn vừa ngã úp mặt xuống giường vừa nói, Trước hết, ít ra mình cũng phải cho một đứa nhỏ nào đó đồng tiền này. Một đứa nhỏ có thể mua vô số đồ chơi các thứ với đồng một xu.

Rồi nhanh nhẹn và gọn gàng với cái duyên dáng của chàng tuổi trẻ trên một chiếc đu bay, hắn thoát khỏi xác phàm. Trong phút giây vĩnh cửu ấy, hắn là tất cả vạn vật cùng một lúc: chim, cá, loài gặm nhấm, loài bò sát, và cả người nữa. Một đại dương hình ảnh cồn sóng bất tận và tối đen ôm chầm lấy hắn. Trái đất vẫn quay, hắn nhoài bộ mặt ngỡ ngàng ra bầu trời trống vắng và không còn biết gì nữa cả, không sống động, viên mãn, và hắn biết vậy.

Huy Tưởng dịch từ nguyên tác tiếng Anh
Rút từ Người có trái tim trên miền cao nguyên và những truyện khác,
tập truyện ngắn W. Saroyan, Huy Tưởng dịch, Nxb Kinh Thi, 1973. 
Chú thích của dịch giả:
[1] Young Men’s Christian Association (Hội Tín đồ Cơ đốc giáo Thanh niên 






Bút tích họa sĩ Thái Tuấn & thơ Huy Tưởng





















NHỮNG BÀI VIẾT VỀ HUY TƯỞNG




Lại một tâm hồn thy sỹ thượng đẵng.
Ông còn trẻ lắm chắc ?
Tập Thơ Ông (MƯA TRONG VƯỜN CHIÊM BAO) còn vài vần vương vướng cái gì.
Nhưng nhiều bài thâm thiết khôn tả. 
Tôi kính yêu ông này như một hóa thân Thôi Hộ về hội diện ni cô hiện đại Việt Nam.
Tôi chưa dám bàn nhiều về ông, E sỗ sàng chăng ?
Chỉ xin ghi ra đây một bài Thơ xuất thần nhập Thánh, đáo thiên tiên :

NGHE KINH, (NẰM SAU VƯỜN CHÙA LẶNG NGHE SƯ NỮ TỤNG KINH,)

Ướt hai tà áo nâu rồi
Bên  chùa mục giọng kinh hồi lệnh sang
Giọt chuông rơi thấm cỏ vàng
Nghe kia ! sư nữ vừa choàng aó  tu !...

Tôi nằm ấp lá đêm thu
Mai sau nở trái sa mù pháp không .

( Trích ĐI VÀO CÕI THƠ, NXB CA DAO, SAIGON-VIETNAM, 10/1969)





Huy Tưởng & Bùi Giáng













TRẦN TUẤN KIỆT :
HUY TƯỞNG “ HỎI ĐƯỜNG CÙNG MÂY TRẮNG “
Hay MỘT HỒN CỔ THI TRONG NGÔN NGỮ MỚI CỦA LỤC BÁT.

Huy Tưởng với những tiếng Thơ hết sức tinh tế và chọn lọc. Anh không đùa chữ một cách vô trách nhiệm với Thơ, với nghệ thuật và với cuộc đời. Anh khác một số bạn làm Thơ ở đó.
Giọng Thơ trong “ Hỏi Đường Cùng Mây Trắng “ là một thủ pháp lạ của Thơ, mà không thể cho đó là lục bát biến thể. Vì từng chữ, đôi khi nó chứa đựng tất cả riêng tư, cả nhạc, cả Thơ, cả sắc màu hội họa và cả tiết nhịp thi ngôn được buông ra, như từng giọt âm giai cổ điển sang trọng, của cổ phong Việt Nam mà ta thấy nó lướt qua cái khuôn sáo nhàm chán của những lục bát lê thê tầm thường đây đó (…).
Về phần kỹ thuật, anh còn muốn minh chứng rằng, Việt Nam cũng có một giòng “Haiku với mười bốn âm tiết” cũng đầy súc tích và giàu có chẳng kém gì “Haiku mười bảy âm tiết của Nhật Bản “, và thay vì câu lục thứ ba (sáu chữ) anh chuyển lên làm tựa đề, gói ý cho mười bốn âm tiết còn lại ( sáu +  tám), và nhờ thế, chữ của anh không thừa, không có chữ ký sinh như ta vẫn thường thấy.
Chúng ta, những người làm Thơ, làm nghệ thuật, gặp nhau trong vui buồn, chuyện vãn cuộc đời, nhưng tâm tình mỗi kẻ một nơi, một đường đi một bước khác biệt nặng nhẹ trong cõi bờ trần lụy. Riêng Huy Tưởng thì vẫn “ ôm cõi vô biên ngủ vùi “ hoặc “ ôm sông núi mịt mù bay theo …“những ẩn ngôn gửi cùng mây trắng trên đường thinh không đơn độc, nhẹ tênh của riêng mình…
Trong thế giới này, trong trang lứa này, mà sao Việt Nam có nhiều người làm Thơ, làm Thơ lạ lùng đến như thế ! Huy Tưởng cũng không mảy may bận tâm gì với cái hư danh Thi sĩ, cũng không bận lòng gì với cái con người nghệ thuật hiện đại.
Một nhà ẩn sĩ, một Tăng Điểm, hay một Nhan Hồi, tuy thoát trầm sâu trong vũ trụ vô biên, vô tận, tôi vẫn cảm thấy nỗi niềm trắc ẩn vì cuộc đời ở đó, trong khi Thơ hầu như rất lạnh với những cảnh tình lịch sử, của thế giới hôm nay.
Chân tình một dạ, đó là nẻo đường chân chính nhất của thi nhân. Cho dù bao lần Huy Tưởng,

đã : 

Say sưa
hí lộng quỷ thần
vẫn nghe
máu chảy 
rần rần quạnh hiu !...

Hoặc 

MỘT GIÂY THẤY ĐƯỢC NGÀN NĂM, 

Ác tà
vách dựng u u
Soi
thân tan nhạt
hình thù lạnh căm !

Ô ! Có phải đó là sự cô đơn của một thiên tài ? Có phải đó là mối sầu thiên thu bất tận của lão trích tiên  Lý Bạch, của Bạch Cư Dị trên bến đời…trần thế Tầm Dương chung quanh ca nữ  với Khúc Tỳ Bà, còn lại là hoang vu, là rừng rú rậm, là sa mạc lan dần…là ý thức dự phóng, bay vèo trong  vô  định  kiếp  người.  Thế mới lắng nghe được lời của thiên cổ, của vạn hữu, và hòa nhập với cái khí hạo nhiên của đất trời.
Tiếng Thơ như thế, như có một ấn tượng nào rất sâu từ nghìn năm còn ẩn khuất trong lòng thi sĩ, như một chiếc bình cổ còn in mờ những nét chạm khắc của hình họa thời gian ẩn hiện.


Rêu loang
ngậm kiếm đá mờ
Bóng xưa 
ai đạp
ngựa hồ hí xanh ?

Hay u huyền hơn :

Chày kinh
rỗ nát
mặt chiều!
Gió lên
xước bóng
đêm rêu hình người…



Huy Tưởng xuất bản Thơ, nhưng sống đẹp và kín đáo như một nhà ẩn dật. Anh hòa mình với thiên thu trường mộng, nhưng cũng rất mơ màng cùng vẻ đẹp của những nàng Thơ bên người, đầy cung cách một hào hoa thi sĩ.
Xin được nhắc lại, trên tư tưởng Đông Phương huyền mặc, hôm nay có vài người như đạt tới cái đạo Sống, cái đạo Tình, cũng như cái đạo Thơ, trong đó phong cách  của Huy Tưởng hiển hiện rõ nét an nhiên tự tại, cũng như lời của nhà phê bình Tam Ích ngày nào, khi viết : Lý Thái Bạch thả cái đạo Tình trên dòng nước chảy. Riêng tôi, xin khép nép tiếp lời rằng…Huy Tưởng đã thả cái đạo Thơ trên HỎI ĐƯỜNG CÙNG MÂY TRẮNG của riêng mình, riêng cõi…
Thơ Huy Tưởng tràn ngập cái phong thi, cái linh hồn cổ thi đồng hành với vũ trụ vạn vật…rất hư rất thực và man mác cái lãnh khí huyền nhiệm…làm say cả người đọc Thơ anh – Những kỳ thú đầy ấn tượng của hội họa trong Thơ, và những tân kỳ trong nghệ thuật mới lạ của cảm quan, của thi hứng :

Nắng lên

xô trắng giàn mây
Cào cào 
búng nhảy
trên vai địa cầu…


  Khó có một thi tứ tuyệt vời nào như thế trong Thơ ca hiện đại.
Với bài  CÚI NHÌN THÂN THẾ MÀ LO, anh dấy động chất trào lộng trong cuộc đời, nó không của riêng anh mà là của bọn làm Thơ nơi chúng ta :

Vợ con 

đi vắng cả rồi
Ngồi
Vo gạo 
thấy 
cái nồi…quá to !



Với mạch nguồn Đông Phương luôn trào dâng trong Thơ, Huy Tưởng đã tạo ra phong thái một con người Huy Tưởng trầm mặc, sâu sắc và tinh anh như vẻ sáng kỳ ảo của Đất Trời, đó là sự minh diệu xuất hiện trong tâm hồn, trong sự hào phóng của anh, nhất là dạt dào tình bằng hữu thiêng liêng cùng đồng hành với sáng tạo phong phú, tự nhiên như nhiên, ấy là lối đạo đã đạt được của nhà Thơ chăng ?
Mặc dầu khí hậu Thơ luôn mơ hồ bàng bạc như sương khói quanh mình, mặc dù những tầm thường và hệ lụy vẫn có thể “một bước bỏ đi” nhưng rồi bao kỷ niệm của ngày tháng ngao du, của mộng đời phiêu dạt, của định của tuệ và của bản năng con người để lại những hành động, những âu lo, những trầm tư nhân thế, hoặc nói và tự vấn như Vũ Hoàng Chương :

                                    “Ta còn để lại gì không…
                                    “Ta van cát bụi bên đường
                                    “Dù Thơ dù sạch đừngvương gót này…”



Còn Huy Tưởng thì thanh thoát mà kiêu bạt hơn trong CÙNG EM LÊU LỔNG MÂY TRÔI :



                                     Lên non 

                                     chạm 

                                             tiếng chim gù                                

                                     Biết 

                                     mình 

                                          đã lỡ

                                                 đường tu mất rồi !



Và cả những việc giữa đàng, thì :



                                     Cũng nên 

                                     sửa soạn ít nhiều

                                     Kẽo 

                                     Mai

                                     khuất núi 

                                                   trăm điều dở dang…



Khiến ta nhớ đến bài Thơ Bán Bán ca – Bài ca một nửa mùa của Tất Nại Am thi sĩ Trung Hoa xưa…



                                     “Nửa tâm hướng đến trời cao

                                    “ Nửa tâm nghĩ chuyện tầm phào thế gian…”



Chuyện tầm phào của thế gian, ấy vậy mà cũng phải quan tâm, phải sửa soạn ít nhiều trước khi khuất núi. Bài Thơ này khiến ta nhớ đến những tâm hồn, những nhân vật của Xuân Thu Chiến Quốc, dù sang dù hèn cũng phải đề huề làm cái việc tầm phào của đời mình cho trọn vẹn, để không còn vướng bận điều gì trước khi hòa nhập vào cõi càn khôn bát ngát mịt mùng thiên thu vạn đại ấy…

Ta cảm thấy cái thời gian của Huy Tưởng cũng gấp gáp lắm chứ, nó không giống như Khổng Minh an phận chờ thời ở lều tranh…” Thảo đường xuân thụy túc / Song ngoại nhất trì trì…”

Và đây, là một trong những vần Thơ tuyệt bút :



                                         Khói sương

                                         thoi thóp trăng tà

                                         Nghe không                 
                                         mùa 
                                               đã
                                                   khóc òa dưới khe !...

Hoặc hình tượng một “kỳ nữ” thật phong nhiêu gợi cảm :

                                         Sớm 
                                         rất sương 
                                         đêm 
                                               yếm đào
                                         Tay buông, rất liễu
                                         Mắt trào, rất hương… 

Hay sự vô ngôn của thi ngữ :

                                        Nói đi 
                                        chữ nghĩa tròng trành
                                        Mai 
                                        theo mây trắng 
                                                             lặng thinh mà về.

Ngôn từ hay là Lời – đó là Logos – là ngôi hai, là vũ trụ trong lời, thế mà với Huy Tưởng thì dường như có đôi điều lệch lạc, có những lúc chuệnh choạng, chỉ chờ có phút giây bình yên là khi “ mai theo mây trắng lặng thinh mà về”.
Về đâu? Ta từ đâu đến?Ta lại về đâu?
Ôi câu hỏi vô cùng của bao nỗi trầm tư trong sinh mệnh con người!
Một Omar hay Khayyam của Ba Tư “ Không biết ở phương tiện nào đến/chẳng biết lại đi về đâu ?” Và khi hiện hữu thì “ cố giữ thăng bằng” :

                                       Ta xưa 
                                       xác núi hồn non
                                       Nay về
                                       hiện kiếp
                                                 một hòn đá lăn… 

Có phải hòn đá lăn một cách hết sức phi lý của định mệnh con người?! Phải  lăn tròn xuống chân núi,..cứ thế thiên thu vạn đại tiếp diễn không ngừng – của một nhân vật bị trừng phạt trong Thần Thoại Hy La ?
Ta thấy sự am hiểu rộng lớn, cảm thông có chiều sâu giữa tư tưởng Đông Tây cổ dại của Huy Tưởng. Thấm nhuần sâu thẳm và lạnh lẽo như vang vọng từ cõi hư vô của những linh hồn cô quạnh…
Dường như Huy Tưởng luôn bị ám ảnh và trầm tư về cái chết. Cái chết ám riết con người cô đơn và tuyệt vọng ấy. Đó là thứ hư vô sâu thẳm, là hố chôn vùi hết cả tinh khí của thiên tài, của bao thi sĩ lớn như Hàn Mặc Tử, như Baudelaire, như Bích Khê, như Quách Thoại,…họ ngã chúi về phía hư vô ngun ngút!
Và, rất nhiều thi sĩ Đông Tây đã bị hư vô hóa, đã hóa thân vào cát bụi quá sớm. Tôi nhìn Huy Tưởng và đọc Thơ anh, tôi không khỏi lo ngại điều đó, e anh khó thoát được !
Nhưng may thay là tuổi yểu mệnh ấy đã qua, và tư duy của anh rất trong sáng, rất miên viễn, chứng tỏ anh còn khá nhiều thời gian để lo sắp xếp những công nghiệp cho đời minh.
Anh có một cõi mộng nào đó của Trang Chu hơn là cõi hư vô của Hàn Mặc Tử.
                                                Bóng người 
                                                gối mộng 
                                               nấm nhà hư không… 

Nhưng không thể dứt khỏi cái ưu tư vận mệnh vẫn đeo đuổi hoài trong nhà Thơ ấy.
                              Kiếp này
                                               lỡ hẹn chiêm bao
                                              Chút
                                              xương thịt 
                                                          cũng
                                                              đã trao sa mù… 

Thế là tâm và thần của nhà Thơ đã hòa quyện với sương bóng của thời gian vĩnh cửu rồi.
Rồi bất ngờ nhà Thơ cho ta một sự hồi sinh rạng rỡ :

                                              Góc vườn 
                                              nứt
                                              một chồi non
                                              Trăng 
                                              nhu nhú.lục
                                              Sương
                                              vồn vã.xanh…

Và sau cùng, để cho thi ngữ, ngôn từ, tư duy chuyển động với

                                              Bước Kinh Dịch
                                              chữ
                                              về trời
                                              Ấy 
                                              hồn mây trắng 
                                                                  nối lời
                                                                       gọi nhau…

Đến đây, ta hãy dừng lại để xem bức chân dung của Huy Tưởng do đại gia trung niên Thi sĩ thượng thừa Bùi Giáng vẽ và đề tặng Huy Tưởng trong tập NGƯỜI NUÔI LỬA TỊCH MỊCH như sau :

                               “ Cám ơn thần thánh thiết tha
                 “ Vốn người xứ Quảng vốn là chịu chơi !..”


                                                   Bùi Giáng


Rồi,
Ta hãy xem người thơ chịu chơi thế nào với “ ngọn lửa sinh hóa vũ trụ vạn vật” này! Đó là một thi phẩm đặc biệt, từ hình thức đến tư tưởng, khác biệt hẳn với giọng thơ mà chúng ta vừa mới đọc. 
Tiếc rằng thời gian chưa cho phép tôi đọc kỹ tập Thơ NGƯỜI NUÔI LỬA TỊCH MỊCH, xin hẹn với bạn đọc, bạn Thơ trong những bài viết sau.
Vì rằng, đối với Thơ, ta sẽ nói về đặc điểm nghệ thuật thư pháp, về cả sự khác biệt phong phú và  tân kỳ trong NGƯỜI NUÔI LỬA TỊCH MỊCH một cách cẩn mật, đường hoàng hơn để được xứng đáng với một nhà Thơ có đủ mọi chiều kích của nền Thi Ca Hiện Đại.

TRẦN TUẤN KIỆT
SaiGon, 15/05/2002.
(Trích từ tạp chí VĂN HỌC, CA, 2002)




                   

TRẦN ÁNG SƠN :

HUY TƯỞNG, NGƯỜI HỎI ĐƯỜNG CÙNG MÂY TRẮNG. 


“Những buổi chiều ở Tân Định, khi đèn đường vừa lên, có một cái gì đó heo hút lạ thường, cái heo hút nơi phố thị đông người nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực sự nó hiển hiện đâu đó, nó hiện hữu bên cạnh những chiếc bóng dật dờ - những kẻ đang đi tìm chính mình – Họ tụ lại một điểm trong cái vô cùng, chúng soi nhìn mặt nhau, ở đó nỗi đau và mất mát vút lao vào hư không…”

Lần nào cũng thế, mỗi khi tìm đến đường bà Lê Chân, ngồi thu mình trong một góc quán cà phê của Huy Tưởng, tôi đều có cảm giác và cảm nghĩ như thế. Đó là vào những năm cuối thập kỷ 70’. Chúng tôi, một lũ bơ vơ, điêu linh giữa thành phố, may mà còn có một góc nho nhỏ, một đốm sáng giữa lớp bụi tàn để cho những tâm hồn phiêu phất tìm đến, dỗ dành an ủi nhau.

Tôi trở thành bạn của Huy Tưởng chính tại nơi này, dù tôi biết anh đã từ lâu. Thật ra, con đường từ chỗ quen biết chuyển sang thành bạn hữu không phải dễ dàng chút nào, Huy Tưởng không dễ trong việc kết bạn, có thể anh quen biết rất nhiều người nhưng để trở thành bạn của anh theo đúng nghĩa bằng hữu, tôi nghĩ khó hơn tìm một người yêu. Bởi, với phụ nữ ta có thể bị tiếng sét ái tình, nhưng trong tình bạn, thì không.Và cũng nhờ thế, tôi trân quý tình bạn hơn.  Bạn, như Saint Exupery định nghĩa, là cùng nhìn về một hướng. Hướng của tôi cũng có thể là hướng của Huy Tưởng, là mãi mãi hoàn thiện cho chính mình, dẫu phải đối diện với cái vô cùng trong không và thời gian ngay trong cuộc ngỗn ngang tại thế hôm nay.

Tôi vô cùng biết ơn cái không gian nhỏ bé mà chứa đựng, chứa chấp biết bao cảnh đới, bao dung biết bao tâm hồn bỏng rộp. Chúng tôi đến để được sẻ chia, để hồi tưởng sống lại, cũng như để cùng phá phách trong hoang tàn,…nhưng trên bức tường hoen lấm rong rêu ấy vẫn còn lưu dấu những vết tay cào xước rướm máu làm quặn thắt lòng nhau !...

Tôi đã chứng kiến những cuộc va đập giữa Cung tích Biền và Hồ thành Đức, để rồi Cung tích Biền gào khóc trong cơn say, hoảng loạn không tìm thấy chính mình ! Một Phạm văn Hạng loay hoay và vụng về gói rồi bán từng phần xôi, rồi ngâm nga Tống Biệt Hành. Tôi cũng chứng kiến một lão ông run rẫy Trần Dần cùng một ngã mạn Phùng Quán thao thức nói về Thơ đến như bất tận…Làm sao quên được những tụ hội bất ngờ các thế hệ tài hoa giữa Thái bá Vân, Đinh Cường, Trịnh công Sơn,… bên cạnh Hoàng ngọc Tuấn (Hình như là tình yêu,..) và Hoàng ngoc Tuấn nhạc sĩ (vừa ra trại giam sau khi bị bắt vì vượt biên) say đắm hòa âm quên năm quên tháng…trong khi nhà hiền triết Đỗ long Vân thầm lặng một góc khuất, một Nguyên Khai, một Dương nghiễm Mậu cố thu hồi ánh sáng để dọn cho mình một góc tối khả dĩ nào đó…Hoặc những hôm khuya khuắt còn lồng lộng  giọng nam trầm của Nguyễn trọng Khôi hay réo rắc cổ điển của Phùng tuấn Vũ, của Châu đăng Khoa,…

Và kìa, không sao thiếu được nhân vật kiếm hiệp chủ đạo, Đai cái Bang đang bùng xòe phía góc đường Trần Quang Khải, tay cầm ‘thác trượng” với trang phục “màu hoa trên ngàn” như một chàng chim công rách rưới hoa hòe táng đởm, thỉnh thoảng thò tay “chim chim” một nụ dã hoa phố thị, rồi lăn ra thụ hưởng một mình, chót vót. Chân dung ấy chỉ có một: Trung niên thy sỹ Bùi Giáng !

Sau màn khởi động đầy sác màu, Bùi tiên sinh đủng đỉnh “lăng ba vi bộ” đến quán và “ra mắt” quán chủ Huy Tưởng, với một thứ ngôn ngữ tỉnh táo hơn bao giờ hết, ông hỏi xin lấy một tờ giấy bạc trong bao thuốc lá, hí hoáy viết mấy câu Thơ đề tặng Huy Tưởng. Những hành vi trên chỉ là cuộc”trưng bày nội tâm”. Tôi không dùng từ phản kháng dễ bị ngộ nhận, và người thấu hiểu hơn ai hết không ai ngoài Huy Tưởng.

Hơn mười lăm năm qua, hàng ngày, hàng tháng, hàng giờ,…nơi một góc phố, anh là chứng nhân cho những khoảnh khắc chẳng dễ nói ngay, viết ngay, nó âm thầm nảy hạt trong hồn anh. Và trong bóng râm của tâm thức, những mầm xanh nứt ra thành ngôn từ, thoạt đầu bảng lảng, càng về sau càng đậm nét trong ngôn ngữ thi ca của anh.

Những hôm quán trưa, vắng khách, Huy Tưởng cố giữ tôi lại, anh say sưa nói về những dòng thơ câu chữ anh vùa mới viết, tuy chưa hẳn anh coi tôi là tri kỷ, tri bỉ, nhưng tôi là người biết lắng nghe giữa những người chỉ thích nói, lặp lại những điều mòn cũ quá nhiều. Bồ tung Linh khi viết Liêu Trai Chí Dị cũng trong tâm trạng tịch mịch như thế : “ cô vọng ngôn chi vọng thính chi” , Huy Tưởng nói Thơ có tôi ngồi “cau vò” hẳn cũng khoái, dốc hết túi Thơ ra một cách hào sảng. Nhờ thế, tôi khám phá ra Huy Tưởng là tay chơi màu sắc rất “magic”, anh rất ít dùng màu nguyên thủy, thảng hoặc trong trường hợp nổ tung, vỡ vụn sau cơn dồn nén triền miên. Với Huy Tưởng, không có tính từ, trạng từ rõ ràng, và cả danh từ cũng biến thành một ngôn ngữ khác của riêng anh. Có thể một ai đó trách anh dụng công, cầu kỳ, nhưng theo tôi, Huy Tưởng không hề có điều ấy, mà đó chính là sự thăng hoa trong ngôn ngữ rất riêng của anh. Chúng ta hãy đọc :   

                     Im hờn 

                    Nắng thú hình hoa

                    Bóng đi 

                    hoen lá 

                    vàng 

                    pha phách, người…

                         (TRỪU TƯỢNG)

Hoặc :

                    Đêm chuyền giọt

                   Đêm nhã xanh

                   Đêm lưng lững, lá

                   Đêm lanh lảnh, huyền.

                           (ĐÊM.TÔI ĐẮM.MẮT NHƯ THUYỀN)

Hãy tìm trong hội họa xem những hoen lá, vàng pha, nhã xanh, lanh lãnh huyền là màu gì ? Phải chăng  chỉ có cảm giác mới pha nỗi những  gam màu       “ phi thực” như thế. Âm nhạc trong Thơ Huy Tưởng có rất nhiều dấu thăng nửa cung, dáu giáng nửa cung, có cả dấu lặng, ngắt quãng của ký âm pháp, nhưng khi vận dụng vào Thơ, nó trở nên huyền ảo, chênh chếch vàng chanh, lam bạc giữa thế giới sắc màu :

                     Nắng lên 

                     xô trắng giàn mây

                     Cào cào

                     búng nhảy

                     trên vai địa cầu…

    (NGẬP NGỪNG CHIỀU XUỐNG, CÒN ĐÂU)

Bài này thể hiện một dáu giáng ở cách gieo vần, nó được lặp lại khá nhiều như một cách thế riêng tư của HỎI ĐƯỜNG CÙNG MÂY TRẮNG.

Ba yếu tố tạo nên chất Thơ riêng biệt rất Huy Tưởng, trước tiên và then chốt là hình ảnh, chưa bao giờ trong thi ca lại giàu có hình ảnh đến như thế, hình ảnh trùm lấp lên cảm xúc, được cả âm thanh lẫn màu sắc trợ lực, hình ảnh chiếm hữu cảm xúc người đọc, thẩm thấu từng li ti giác quan…
Điều đáng tiếc cho nhiều người trong chốn bạn hữu yêu Thơ chúng tôi là, hai tập Thơ trên chỉ là bản thảo sơ sài trên máy tính, nó hạn chế và đến với hiếm hoi bằng hữu, ai có được đã là người may mắn.
Hai mươi năm có dư, từ chỗ sơ giao đến thành bạn thiết, bao lần được nghe chính Huy Tưởng đọc những bài thơ anh mới sáng tác, được tặng những tập Thơ do chính anh miệt mài ngồi bên máy vi tính tự thực hiện, tôi cảm thấy mình đã được đền bù, đã mãn nguyện, và thấy lòng ấm áp lạ thường.
Có thể có ý kiến cho rằng Thơ nào mà chả có hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Điều này không sai. Trong rừng Thơ đang lưu hành rào rạt trên báo chí, nhộn nhịp thi phẩm, bài nào cũng đạt cả ba yếu tố kể trên, nhưng cũng chính vì thế mà nó cứ lền lền, sàn sàn nhập nhòa giống nhau, họa hoằn mới có một vài chớp lóe không đủ sáng, rồi khắc khoải lụi tàn. Sao vậy ? phải chăng chúng ta quá dễ dãi với Thơ? Cảm xúc vô cùng cần thiết nhưng chưa phải là tất cả, hãy tự tỏa sáng bằng bản sắc riêng của mình, bản sắc không phải tự nhiên mà ai cũng có. Hãy đừng tự mãn vớ những gì mình vừa viết xong, không lặp lại nó vào ngày mai, thì may ra dưới lớp cát khô mới tìm thấy hơi ấm của suối nguồn hướng tới bản sắc. Chỉ có tìm tòi, tìm tòi và tìm tòi, may ra mới thấy được ngọc trong đá tảng. 
Có chứng kiến Huy Tưởng quặn mình trong những cơn đau chữ, những cuộc tìm tòi cho riêng mình một ngôn ngữ riêng cho Thơ, ta mới không hết ngạc nhiên khi đọc NGƯỜI NUÔI LỬA TỊCH MỊCH ! rồi ta tự hỏi, ngữ ngôn ở đâu mà Huy Tưởng hình thành cả một tập Thơ hoàn toàn không trùng lắp với bất cứ ai, không trùng lắp với cả chính mình ?
Xin đừg nghĩ, vì là chỗ bạn hữu, tôi bốc thơm bạn mình. Tôi chưa có một chữ nào khen ngợi hay chê bai Thơ Huy Tưởng, tôi tuyên hô tinh thần tự tìm tòi để đổi mới trong Thơ của Huy Tưởng, vì với anh, chỉ cái mới mới đủ sức thu hút anh, mới làm cho ta hôm nay khác với hôm qua. Điều này chẳng có gì là bí hiểm, ai cũng hiểu nhưng quá ít người tự vận động và muốn thay đổi. Có thể nói, đó là bi kịch của Thơ hôm nay ?
Những năm gần đây, vì sức khỏe có phần giảm sút, quán cà phê ở bà Lê Chân không còn do chính chủ nhân chăm chút nữa, khách quen mất một địa điểm thú vị. Tuy cũng như bao quán khác nếu đơn giản chỉ đến uống một ly cà phê, nhưng sẽ vô cùng khác biệt nếu có ai đã từng ròng rã mười lăm năm ngồi nhìn thời gian làm phố xá tàn phai, ta sẽ cảm nhận được vỉa hè, góc phố cũng có cái hồn phách, tiếng nói của nó nó cảm nhận về sự hiện hữu của ta. Đó là linh hồn của vô tri thầm lặng, và trong chừng mực nào đó cũng là của hồn phách của Thi Ca.
Năm 1962, Bùi Giáng giới thiệu tập thơ NAI của Trần tuấn Kiệt, cũng đã níu theo Trần dạ Từ, ông viết : “ Trần tuấn Kiệt tương ứng tha thiết với Trần dạ Từ trong mối “sầu thơ dại” đã đầy vơi một dòng. Hai họ Trần đã giúp chúng ta tin tưởng ở tuổi trẻ và hồn Thơ Việt Nam một cách tuyệt đối “. Riêng tôi, với những gì Huy Tưởng đã và đang  mải miết thể hiện, tôi cả tin rằng, sau HỎI ĐƯỜNG CÙNG MÂY TRẮNG và NGƯỜI NUÔI LỬA TỊCH MỊCH, sẽ có một Huy Tưởng khác nữa, đầy mới mẻ đến với chúng ta, một Huy Tưởng không ngừng đem ngạc nhiên cùng với nàng Thơ của chàng, bày biện những bữa tiệc thịnh soạn chỉ riêng anh mới có.
TRẦN ÁNG SƠN
(Trích NHỮNG TRANG SÁCH KHÉP MỞ, NXB TRẺ, 2002)









 NGUYÊN TRƯỜNG TRUNG HUY:
HUY TƯỞNG 
Và, MƯA TRONG VƯỜN CHIÊM BAO…

Hai tiếng Thơ lục bát – mà từ đó, lục bát của tình tự dân tộc 20 năm văn chương miền Nam nói riêng và của một Việt Nam điêu linh nói chung, không còn là lục bát cũ kỹ nữa mà là một óng ả mới, một mượt mà cách tân…song vẫn còn thơm đẫm “ mùi hoàng lan đêm xuân “, mùi “ hương cau, thông vàng, bụi phấn…”mùi của thơm tho lời ru của Mẹ, của hương VietNam… đó là một Cung trầm Tưởng đem đến những mới mẻ từ những “ người em xóm học “, những người em “tóc vàng sợi nhỏ “…và còn lại, là lục bát của Huy Tưởng cách tân theo cách kiểu khác, đến từ những táo bạo và những huyễn mộng tạo thành, tạo riêng không-khí-lục-bát-Huy-Tưởng.
Lục bát của Huy Tưởng như những giấc mơ trong “ vườn chiêm bao “vừa cô liêu vừa day dứt…
…sự tịch mịch lặng lẽ, rồi bỗng cất tiếng thét trong câm lặng, một nét cọ dường-như-vô-tình vấy lên tấm toil trắng, vướng mắc trên đó một ảo hình khó phai.
Trên những vùng trời viễn mộng đó, chập chờn ẩn hiện tử sinh – tồn vong – thân phận – sự mắc kẹt…cuộc đuổi bắt của những thành hình hay vô hình…nhận thức với vô thức, sự tất bật của khối kính vạn hoa màu sắc, âm điệu, hình ảnh, hữu lý và phi lý như lời một con “ bướm khuya gáy đỏ mơ người / Chim bay ngút mộ ghi lời cuối sương…”
Ngôn ngữ trong Thơ Huy Tưởng mênh mang một hương vị Thiền, nhưng cũng vừa đó hiện thực một nỗi đau, một cơn mộng, một cõi “dương thế cũng sa mù”, hiện thực một nghi vấn “ Chao ôi, tóc Ngã rợp trời / sao không phủ xuống ghi lời pháp châu ?”
Giữa những lời nói, những hình ảnh thoáng hiện, giữa những niềm vui, nỗi buồn, giữa những lối về cố quận, những chuyến đi vào lòng cuộc sống…là Thơ !
Tôi muốn cám ơn Thơ của Huy Tưởng, đã nói lên trong vô ngôn, trong cùng khắp của …
“ Mít mùng cành im lặng
Khói xanh mù,
Khói điên…”
May 20, 2014.
NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY. 











HUY TƯỞNG - ĐƯỜNG MÂY TRẮNG SẼ TUYỆT VỜI LÃNG DU


Ông có một khuôn mặt rất hiền, hiền đến mức, khó mà nghĩ ra, ông là một nhà thơ.
Nói như thế, không có nghĩa là các nhà thơ thì phải dữ, hay có một tính cách nào gần gần như thế. Tôi không có ý đó. Nhưng đa phần, các nhà thơ, tất nhiên là đang nói về phái nam nhé, vẻ như họ vẫn có chút gì đó, chút gì đó, thôi tôi nói toạc luôn, chớ lựa lời hoài, cực bắt chết.
Các nhà thơ nam ấy mà, đa phần, họ rất đào hoa, rất nhiều bạn nữ hâm mộ, và, về phía họ, họ cũng sẵn sàng gởi trao đến các nữ hâm mộ ấy những tràn trề tình cảm. Tôi nói vậy là các bạn hiểu được ý của tôi rồi phải không.
Ở Huy Tưởng không hề toát ra cái cảm giác ấy cho người đối diện, mặc dù ông sở hữu một khuôn mặt, phải nói là quá sức điển trai. Ông đẹp rất nam tính mà vẫn hiền. Mắt ông hiền, miệng ông cười cũng hiền. Và, thần thái của ông ấy mà, cũng toát ra một vẻ hiền từ, bao dung, thư thái.
Tôi thích thế, thích đàn ông như thế, nghĩa là, đừng ồn ào quá, đừng náo nhiệt quá, mọi thứ nên từ từ, đừng vội vã, chụp giựt, bốc hốt.
Ông, toát ra cái vẻ, vượt lên hết thảy những thường tình ấy.
******
Ông sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi hai, nghĩa là, năm nay, ông đã tám mươi hai tuổi. Ông làm thơ từ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Thơ ông đăng trên các báo và các tạp chí nổi tiếng về văn chương như Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Tuổi Ngọc, Thời Tập.
Ngoài việc làm thơ, ông còn dịch sách. Những tác phẩm đã in, đếm kín mười đầu ngón tay.
Tôi không có một tập sách hay tập thơ nào của ông cả. Muốn đọc thơ ông, thì vào trang. Nhưng ông cũng ít đăng thơ nên tôi cứ phải tìm ở trên mạng. Nơi này, cũng không sẵn lắm cho tôi đọc.
******
Bài thơ Nhẹ Tựa Lọn Mây dưới đây, là bài thơ mới nhất ở trên trang ông:
râm ran. cây cỏ ướm xanh
chim non lạc giọng. nỗi nênh những gì
đất trời lồng lộng. huyền vi
đến thinh không cũng xuống ghi chép. rằng…
tôi nằm. duỗi thẳng trăm năm
khuya hôm nốc cạn chén rằm. ngất ngây
biết mình phận mỏng lọn mây
lênh lang. đắm đuối chưng bày tịch liêu!
nằm nghe lướt thướt gió rêu
mặt đất lầm lũi. phong nhiêu mặt trời
nắng vang. yếm thắm đọt chồi
hỏi han nhau quặn thắt đời chiêm bao…
vui vầy quanh giọt mưa rào
đợi khuya búng nhảy. ứa trào hư không
ngồi chong ý lẻ vô cùng
cớ sao lâm lụy giữa trùng ngạn. vây?
thức dậy
nhẹ tựa lọn mây
(21.12.2023)
Ông hiền, nên thơ cũng hiền. Thơ đọc lên, nghe rất hiền, rất dễ chịu, không khúc mắc, không vướng víu, không đánh đố, không khó chịu, không gây hấn với bạn đọc như thơ Thanh Tâm Tuyền.
Những ngày này, những ngày viết bài thơ này, hình như sức khỏe ông không được tốt, phải vào bệnh viện nằm.
Ngay từ đầu, các bạn để ý điều gì, nơi thơ ông?
Còn tôi, thì tôi cũng khá thích cách trình bày thơ của ông. Nói khá, là vì nó lạ. Nó lạ, nên nếu muốn thích nhiều hơn nữa, thì cần có thời gian ở bên thơ của ông, lâu hơn.
Đây là một bài lục bát với mười tám lần xuống dòng. Các bạn có biết vì sao tôi không nói là mười tám câu, mà tôi nói là, có mười tám lần xuống dòng không.
Nghĩa là vì, tôi thấy, giữa một dòng, đôi khi có xuất hiện một dấu chấm. Vậy bài này có bao nhiêu câu? Tôi đếm được cả thảy ba mươi chín câu.
Khi tôi làm thơ, tôi cũng khá giống ông, nghĩa là không thích viết hoa đầu dòng, mà thậm chí, tôi cũng không muốn viết hoa các tên riêng luôn. Nhiều bạn đọc thơ tôi, cứ hỏi, sao tên riêng mà không viết hoa, như thế là thiếu sự tôn trọng.
Chèn ơi, tôi là cô giáo dạy văn mà, há tôi còn không biết, tên riêng thì phải viết hoa hay sao mà còn dạy tôi như vậy. Là tôi thích thế, bạn ơi. Và thơ thì khác lắm về khoản chính tả và ngữ pháp thông thường trong các văn bản xuôi. Thơ tôi là vương quốc riêng của tôi, do tôi sáng lập, do tôi tạo dựng, nên tôi sử dụng nó theo các thiết lập của tôi. Tôi cho ai làm tướng thì mới được làm tướng, cho ai làm quân thì mới được làm quân.
Quay trở lại, ngay từ những ngày đầu tôi làm thơ, tôi đã rất ghét các từ viết hoa trong thơ. Nó lổn ngổn, nó tạo cảm giác chướng mắt, không liền lạc, không thơ. Nó như một văn bản lai giữa thơ và văn xuôi, nên mới có quá nhiều các quy tắc chính tả như thế. Và vì vậy, tôi thích những bài thơ không có chữ viết hoa.
******
Đọc một lượt bài thơ với hai câu cuối cùng: thức dậy / nhẹ tựa lọn mây, ta hiểu ra, toàn bộ những dòng thơ phía trên là những điều diễn ra trong giấc ngủ của ông.
Thử xem xem, ông mơ gì nhé.
Ông lạc vào một nơi có tiếng râm ran. Tiếng gì ư? Có thể là tiếng dế, Cũng có thể là tiếng gió cọ vào cỏ không chừng. Rồi tiếng chim, tiếng chim kêu đến lạc giọng. Ông cảm ra và tự hỏi, đời sống, sao mà nổi nênh vậy? Nhưng chẳng ai trả lời, chỉ thấy đất trời lồng lộng một huyền vi, một huyễn ảo. Rồi ông lắng nghe thinh không: râm ran. cây cỏ ướm xanh / chim non lạc giọng. nổi nênh những gì / đất trời lồng lộng. huyền vi / đến thinh không cũng xuống ghi chép. rằng… .
Vừa lắng nghe thinh không, ông vừa ngả người nằm xuống, duỗi thẳng cái thân trăm năm của ông. Nghe đã đời. Bởi hồi khuya rồi, ông nốc cạn hết một chén rằm, một chén đầy ánh trăng rằm, nên giờ đây, ngất ngây: tôi nằm. duỗi thẳng trăm năm / khuya hôm nốc cạn chén rằm. ngất ngây / biết mình phận mỏng lọn mây / lênh lang. đắm đuối chưng bày tịch liêu!
Uống nhiều quá, nhiều quá mức cho phép của thể trạng ông. Cái thể trạng mà ông ví nó mỏng như một “lọn mây”. Tôi khoái cái từ “lọn” của ông. Giống lọn tóc phải không các bạn. Cái lọn tóc mà thời thiếu nữ chúng mình cứ hay quấn quấn vào tay, mỗi khi, mỗi khi, mỗi khi gì thì tự mình mà nhớ lấy. Tôi không nói hộ các bạn đâu.
Giờ, nằm ra đó, người mỏng dính, ông khôi hài, thân thể lênh lang như ánh trăng, và chưng bày ra mình, cái tịch liêu. Nằm ra đó, nghe gió lướt thướt. Nằm ra đó, nghe đất nghe trời, nghe nắng, nghe chồi non. Chúng hỏi han nhau mà quặn thắt đến cả cõi chiêm bao: nằm nghe lướt thướt gió rêu / mặt đất lầm lũi. phong nhiêu mặt trời / nắng vang. yếm thắm đọt chồi / hỏi han nhau quặn thắt đời chiêm bao… .
Tôi cũng thích cái màu yếm thắm đọt chồi của ông. Rất đẹp. Rất khác người ta. Yếm, trong mắt nhìn của các nhà thơ khác, thường là đỏ. Yếm trong mắt Huy Tưởng, là màu đọt non, xanh ngăn ngắt. “Nắng vang”, tôi cũng thích, vừa hình ảnh vừa âm thanh, vang vang kêu, tiếng chói chang, rực rỡ.
Đọt chồi non, đọt chồi xanh, chúng vui bên những giọt mưa rào, rồi đợi khuya chúng nảy, chúng nở, chúng bung mình, bật mở. Thay vì dùng từ nở, từ bung, từ bật, từ mở, ông chọn từ “búng nhảy”, nghe trẻ thơ hơn, và, lạ hơn: vui vầy quanh giọt mưa rào / đợi khuya búng nhảy. ứa trào hư không / ngồi chong ý lẻ vô cùng / cớ sao lâm lụy giữa trùng ngạn. vây?
Chúng sinh nở, và ứa trào mạch sống. Cũng là ứa trào những hư không giữa một hư không vô cùng, bất tận. Như hư không đời ông, giờ đây, đang ồ ạt quay về, vây quanh. Những lâm vào ấy, những khổ lụy ấy, đã, đang, và sẽ, mãi đời ông.
Thơ Huy Tưởng duy mỹ. Chữ dùng của ông đẹp, trau chuốt, lóng lánh. Tứ thơ của ông tròn đầy. Ý thơ của ông hàm súc, khéo léo gợi mở và biết cách dừng lại đúng lúc, để trí tưởng tượng của bạn đọc được tiếp tục, tùy nghi, như bài này - Nhẹ Tựa Lọn Mây - chẳng hạn. Đột ngột, giấc mơ ngừng, thức giấc, người đọc cũng thức, rồi nghe ông mời, bạn hãy tiếp tục, nhé, những giấc mơ và thức dậy, cuộc đời mình.
******
Như tôi nói, tôi không có tập thơ nào của Huy Tưởng trên tay. Nhưng mà, tôi thích vậy. Tôi cũng không thích đọc thơ theo cách của các nhà này nhà nọ đã đọc trước rồi. Họ đọc là chuyện của họ. Tôi đọc là chuyện của tôi. Nhất là, lên mạng, mà cứ xem trúng phải các bài copy của nhau, ý trùng nhau, vừa phí thời gian vừa bực cả mình. Nên tôi chủ trương, chỉ viết lên đây, những gì của tôi, riêng tôi mà thôi.
Tôi lần xuống, trang ông, và thấy ra bài tiếp theo:
Không Đề Cho Mùa Đông
câu thơ anh viết. chiều nay
nở ra từ hạt sương bay. ven đồi
thơ anh. hái lượm từ trời
từ băng tuyết chảy xiết ngoài bến sông
thu nhiếp bởi cái rỗng không
cheo reo vách dựng. tiếng cồng khẽ tuôn…
câu thơ đắp đổi đoạn trường
vẫn chưa thấy được chân thường. âm hao!
nằm nghe cây cỏ. hư hao
hoát nhiên hoa mộc chiêm bao. gọi về
anh choàng thức giữa cơn mê
nghe con dế gáy. bờ tre cựa mình…
trầm tư.
đá lặng như kinh
em ơi. anh sợ lòng mình. tắt hương!...
(Mel. tiết đông, nhẹ như khói)
Những dấu câu nằm giữa những dòng chữ không viết hoa, không chỉ là biểu hiện cái riêng biệt, cái tôi của người viết, tôi, là như thế, thơ tôi, chính là như thế, mà nó còn là, nhắc các bạn đọc thơ, dừng ở chỗ nên dừng, cần dừng.
Dấu câu là một cách thức hỗ trợ việc bạn đọc, đọc thơ của tác giả, sao cho đúng nhứt với tinh thần người viết, đưa bạn đọc đến gần nhứt với người viết, có thể.
******
Bài thơ có tựa đề Không Đề Cho Mùa Đông, khiến tôi nghĩ, và không biết các bạn có nghĩ như tôi không. Thơ ấy mà, hay viết về buồn nhiều hơn vui, hay viết về mùa thu, mùa đông, hơn là mùa xuân, mùa hạ, hay viết về buổi chiều và khuya tối hơn là buổi sáng và buổi trưa.
Nghĩ lâu một chút, sâu một chút, sẽ hiểu, thường cái gì vui, cái gì cười, cái gì sinh sôi, nảy nở, tươi mới, chói chang của mình, vẫn thường ít được chia sẻ, cảm thông hơn, như nỗi buồn, nỗi sầu, nỗi mất mát, nỗi xế chiều, hoàng hôn, tàn lụi, nỗi đêm khuya, lạnh lẽo, quạnh hiu và trống vắng.
Tôi cũng có làm thơ các bạn ạ. Và các bạn biết không, tôi ít đọc thơ của người khác lắm. Vì tôi đã từng chứng kiến rồi, chớ không phải không. Đọc thơ của người khác riết, sẽ lậm, sẽ in vào đầu mình hồi nào không hay, những từ, những chữ, những ý, những tứ, mà mình tương đắc, tâm đắc. Cứ trìu trĩu mang trong dạ hoài, thế nào, cũng có ngày, buột ra, buột ra trong vô thức, thậm chí, chính người buột ra ấy, cũng không nhớ nó là của ai, lúc nào, vô thức mà. Khiến cho, tao đàn lại có một dịp thưa kiện lẫn nhau, thị phi ầm ĩ, người bị lấy thì uất ức, người vô tình lấy cũng khổ đau chẳng kém, vì cái xích tròng vào đời mình, hai tiếng - đạo thơ.
Như trong bốn câu thơ mở đầu này, chắc luôn, các bạn sẽ tìm ra một chữ tuyệt hay, một hình ảnh đẹp xuất sắc, ít có, ít thấy, đó là - câu thơ nở ra từ hạt sương: câu thơ anh viết. chiều nay / nở ra từ hạt sương bay. ven đồi / thơ anh. hái lượm từ trời / từ băng tuyết chảy xiết ngoài bến sông.
Thì đừng ai hỏi nữa nha. Những câu hỏi rất thường thấy trong đời, tại sao ông viết bài này, lý do nào bà viết bài kia. Các bạn ơi, tác giả họ thích thì họ sẽ nói. Bằng như, người ta im, thì các bạn cũng vui lòng, lặng thinh giùm, đừng cố đoán, đừng cố vạch tim, vạch gan người viết để tìm nguồn cơn, để tìm sự thực.
Huy Tưởng, ngay từ đầu, ổng đã nói rõ rồi đó, rằng, câu thơ chiều nay ổng viết, chính là, trước hết, nó được nở ra từ hạt sương đang bay ở ven đồi, sau nữa, thơ ấy, là do hái từ trời, lượm từ trời và nhặt từ những tuyết chảy, băng tan ở ngoài bến sông kia.
Thơ Huy Tưởng thiệt là hay. Thơ ông như cây cổ thụ giữa trời, ăn vào lòng đất, sâu vào lòng đất, chặt chịa, bám quấn, ngàn năm khó trốc, khó bứng.
Thơ ông già dặn, cả về kỹ thuật lẫn hồn thơ. Thơ ông chín lừng, cứ thế mà tỏa hương khắp khắp. Không tin tôi ư? Còn ngờ tôi ư? Thì xin đọc lại cùng tôi, đoạn mở đầu, một lần nữa, để thấy, thậm chí, tôi còn cho rằng, thơ ông, đoạn này, đẹp như, đẹp hơn, nhiều đoạn thơ xuất sắc của Nguyễn Du:
câu thơ anh viết. chiều nay
nở ra từ hạt sương bay. ven đồi
thơ anh. hái lượm từ trời
từ băng tuyết chảy xiết ngoài bến sông
Thu vào và giữ lại, thơ ấy mà, thơ ông ấy mà, được thu vào và giữ lại từ cái rỗng và cái không của đất trời, cái gọi là hư hư thực thực: thu nhiếp bởi cái rỗng không / cheo reo vách dựng. tiếng cồng khẽ tuôn… / câu thơ đắp đổi đoạn trường / vẫn chưa thấy được chân thường. âm hao!
Những từ, như, thu nhiếp, rỗng không, đoạn trường, chân thường, âm hao, nghe rất hương vị thiền, phải không các bạn.
Thiền một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không gồng gắng, không khiên cưỡng, như hơi thở, như trò chuyện, như câu thơ.
Những hình ảnh vách dựng, những âm thanh tiếng cồng, những đoạn trường, khổ ải và dằng dặc, khiến ta nghĩ tới miền rừng núi, với tiếng chiêng, với cô gái Thượng, với ánh lửa bập bùng, với điệu múa thâu đêm, với chén say suốt sáng.
Tất cả, tất cả, đều đã trải qua, thế mà, vẫn chưa thấy được sự thường trụ của thật chân, hay tin tức về nó.
Thôi thì đành nằm nghe tiếp, nghe cây cỏ trong hư hao, thì bỗng nhiên thông suốt, rộng mở, vỡ vạc từ cánh hoa quế lay động, và thức giấc. Thức giữa cơn mê, bên tai là tiếng con dế gọi, và tiếng bờ tre, gió thổi lao xao: nằm nghe cây cỏ. hư hao / hoát nhiên hoa mộc chiêm bao. gọi về / anh choàng thức giữa cơn mê / nghe con dế gáy. bờ tre cựa mình… .
Nhưng thức dậy thì sao. Vẫn là tứ bề lặng im. Vẫn là lời kinh đều đều như tảng đá bất động kia, không thay đổi gì. Và buột thốt tiếng em, cứu cánh của đời anh: trầm tư. / đá lặng như kinh / em ơi. anh sợ lòng mình. tắt hương!... .
Cũng lục bát thôi, mà rất mới. Rất mới mà quen thuộc, mà gần gũi, chớ không lạ xa. Hai bài rồi, đều có mơ, có thức, thơ đó gọi là thơ hiện thực và lãng mạn.
Trình bày mới, ngôn ngữ mới đã tạo cho thơ ông những hình ảnh, những liên tưởng vừa đẹp lại vừa lạ, vừa sự thực mà lại vừa vô vàn lấp lánh.
******
Bài cuối này, tôi không lấy trên trang ông, mà tôi lượm trên mạng, hình như, nó nằm trong tập thơ vừa mới xuất bản của ông. Bài thơ như sau:
Tiếng Lời Ít Ỏi
vốn tôi
ít chữ. vụng lời
trí tâm chưa đủ như người tài hoa
nuôi lòng
tát cạn bao la
lay thức tịch lặng. âm ba đất trời!
đành thôi.
ít ỏi tiếng lời
đường mây trắng sẽ tuyệt vời
lãng du… .
(02.2019)
Đúng là, tiếng và lời, đều ít ỏi, mười dòng cho mười hai câu để viết về mình, nói về mình, tả chính mình. Ít mà vẫn đủ, khó lắm chớ chẳng chơi.
Khiêm tốn này là khiêm tốn thiệt, chớ không giả bộ, không làm màu, kiểu như, cúi xuống một phân để chờ người ta nâng mình lên một tấc: vốn tôi / ít chữ. vụng lời / trí tâm chưa đủ như người tài hoa.
Khiêm tốn và thành thật. Ngay cả khi, thành thật ấy, khiến người ta có thể thất kinh, khi đọc được: nuôi lòng / tát cạn bao la / lay thức tịch lặng. âm ba đất trời!
Thay vì nói ước, thì nó thụ động quá. Ở đây, ông nói, ông nuôi lòng. Các bạn để ý động từ “nuôi” nha. Nuôi là một quá trình rất dài. Tôi ví dụ việc nuôi một đứa con, cho dễ hiểu.
Bạn nuôi một đứa con, ít nhất, tôi nói ít nhất nghen, chớ thực tế, luôn dài hơn, tối thiểu, là mười tám năm.
Thơ khác, thơ nuôi cả đời.
Bạn nuôi một đứa con, bạn phải bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ thời gian, không biết bao nhiêu mà kể.
Thơ cũng vậy, in hệt.
Bạn nuôi một đứa con, nó khỏe thời thôi, nó bệnh, bạn thức đêm thức hôm chăm nó, dỗ nó, lõm con mắt, nhô gò má, tóc trắng phau, người hom hem, thân đi liêu xiêu, muốn đổ.
Thơ, khi hành, y vậy. Nhiều lúc, có một chữ thôi, mà đêm bật dậy mấy lần. Bạn nào từng làm thơ, vô đây, chứng giùm bổn cô nương, là tôi, tôi lấy làm cảm kích lắm lắm.
Bạn nuôi một đứa con, nó ngoan thời thôi, nó mà quậy, bạn nghe cô giáo, nghe hàng xóm láng giềng, ôi thôi thì, khắp nơi, ta thán nó. Thiệt là đau cái lòng.
Thơ cũng thế. Vui chưa thấy đâu mà buồn này buồn kia đủ chuyện. Nào là, đụng chạm đến chính chị chính em. Nào là, bà dzợ không dzui, ông chồng không thích. Nào là, bạn bè đọc, nó chỉ cần vô tâm một câu thôi, kiểu như, sao tao thấy bài này, nghe quen quen, giống thơ của ông x, bà y quá dzậy, là cũng đủ lòng nát tan.
Nhưng chuyện “nuôi” thì phải “nuôi” thôi. Số phần rồi, trời định rồi, chạy đâu cho thoát. Nuôi lòng gì, nuôi lòng: tát cạn bao la.
Chầm chậm lại, bạn ơi, cùng tôi, lúc này, lúc đọc thơ. Tát cạn nha. Thiệt cạn nha. Không còn một giọt nha, cái bao la của đất trời.
Chèn đét quỷ thần ơi, đã gọi là bao la, nghĩa là, không có giới hạn, nghĩa là, không đếm được, nghĩa là, không đo được, không cân nặng được. Mới choáng váng xong, ông nhà thơ, ổng bồi thêm một chuyện nữa của nuôi lòng. Ngoài nuôi lòng tát cạn bao la, ổng còn nuôi cả lòng: lay thức tịch lặng. âm ba đất trời!
Đánh thức những tịch lặng ngàn năm, khiến đất trời phải bật lên âm thanh của muôn muôn niên câm nín. Kiểu như là, không nuôi, thời thôi. Mà đã nuôi, thì nuôi cho đáng.
Và tất nhiên, làm sao được, làm sao mà được, làm sao mà lay chuyển, mà đánh động được cõi hư không, cái cõi vừa phù du vừa hữu hạn, nên: đành thôi. / ít ỏi tiếng lời.
Ít ỏi tiếng lời, gởi vào đâu, gởi đi đâu, gởi đến đâu vậy: đường mây trắng sẽ tuyệt vời / lãng du… .
******
Ngôn ngữ, giai điệu, vần điệu, hình ảnh, tạo liên tưởng trong thơ của Huy Tưởng, khi nào cũng đẹp, và đẹp nhất là hình ảnh, đường mây - đường mây trắng, của ông.
Không chỉ đẹp, thơ ông cốt cách. Hay nói một cách khác đi, thơ ông đẹp, và sang trọng, và quý phái, và không lấm bùn nhơ.
Ông có nhiều bài thơ do Phương trong cặp Lê Uyên Phương phổ nhạc, và có một bài, nức tiếng, đó là bài Mắt Biếc Xanh Và Ngực Tối.
Tôi sắp dừng lại ở đây, không phải vì tôi không đủ sức viết về ông nữa. Nhưng, gì cũng vậy, khởi đầu nào cũng đến lúc kết thúc. Và, gì cũng vậy, vừa đủ, mới hay. Ít quá, thì hẫng hụt. Nhiều quá, thì bội thực. Cứ đủ là tốt nhất.
******
Huy Tưởng thì cho rằng, Bùi Giáng là “thông tuệ và tài ba ngất trời điên đảo”. Còn Bùi Giáng thì ngợi ca thơ Huy Tưởng “xuất thần, nhập thánh, đáo tiên thiên”.
Đều tài hoa hết trơn hết trọi. Ông nào cũng tạo dựng được cõi thơ lộng lẫy, uy nghi cho riêng mình. Ai nói ấy nhỉ. Viên Mai trong tập Tùy Viên Thi Thoại, có viết, làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi.
Quả đúng là như vậy:
tan theo mây trắng vạn hình
ra đi
ướt đẫm tiếng kình giữa trưa
khi về
trú dưới hiên chùa
nhặt được chiếc bóng
ai
vừa bỏ quên!
(Phẩm Vật)
Sài Gòn 05.01.24
Phạm Hiền Mây












HUY TƯỞNG -
TỪ “MƯA TRONG VƯỜN CHIÊM BAO”
ĐẾN “ĐÊM VANG HÌNH TIẾNG CHUÔNG”

*PHẠM CHU SA



Tựa những tập thơ Huy Tưởng nghe rất thơ: “ Mưa trong vườn chiêm bao”, “ Áo nguyệt ca”, “Hỏi đường cùng mây trắng”… và, rất lạ: “Một mùa tóc mộ”, “Trăng kêu xanh trong đá”, “ Đêm vang hình tiếng chuông”… Từ tập đầu đến tập mới nhất cách nhau hơn nửa thế kỷ. Đó là những bước dài trên con đường sáng tạo của Huy Tưởng. Từ ngữ và nhịp điệu trong thơ Huy Tưởng lúc nào cũng mới, luôn có sự tìm tòi cách tân. Thực mộng trộn vào nhau. Đôi khi ẩn dụ khó hiểu, như: “Đá rựng tà dương / Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ / Trườn cánh chim / Ôi còn mải miết chiều phai”. ( Người Yêu ). Ai hiểu không? Mà cần gì phải hiểu. Đọc thơ thấy cảm là sướng rồi. Nhưng cũng có những câu cực kỳ thơ - mộng - mị: “ Gió thổi xanh màu trăng đang rơi / Đêm xuân ai giũ mộng bên trời / Tôi nằm tơi tả cơn mưa nhỏ / Đắp một tờ hoa đã lỡ lời…” ( Chim mùa xuân bay về lối thu không). Hoặc những câu trong bài “Những ngày cạn gió” không cầu kỳ mới lạ nhưng được viết với một nhịp điệu đầy nhạc tính. Đây đúng là Thi Ca: “Trôi dạt mãi. Đợi hết ngày cạn gió / Chúng tôi về. Chiều đã lấm đầy tay / Những con sông. Dòng suối. Những rừng cây / Cũng thắp nốt ngọn nến vừa hụt bóng…”. Thơ Huy Tưởng nhiều khi có sự pha trộn giữa triết lý và lãng mạn. Chỉ cần đọc tựa các tập thơ “Những âm màu xô dạt”; “Đêm vang hình tiếng chuông”…đã rất gợi hình, gợi bóng, gợi âm, gợi nhớ và gợi gì gì nữa… Nhưng thôi. Không trích và nói về thơ nữa, sai tiêu chí tôi tự đặt ra là không viết về văn chương, chỉ viết về những kỷ niệm với tác giả. Chuyện bên lề văn chương.
Tôi đọc Huy Tưởng từ cuối những năm 1960 trên các tạp chí văn học nghệ thuật: Văn, Vấn Đề, Khởi Hành… và, dĩ nhiên, sau này trên tuần báo Tuổi Ngọc - nơi tôi làm việc, Huy Tưởng thường gửi thơ cộng tác. Nhất là thời kỳ Từ Kế Tường - bạn thân của Huy Tưởng, còn làm thư ký tòa soạn. Năm 1973 Tuổi Ngọc tổ chức phỏng vấn một số nhà văn nhà thơ cộng tác với Tuổi Ngọc. Tôi nhờ Từ Kế Tường, bấy giờ đã rời Tuổi Ngọc - phỏng vấn Huy Tưởng. Bài trả lời phỏng vấn của Huy Tưởng thật hay, thật chi tiết, chữ viết rất bay bướm trên giấy trắng tốt khổ lớn khá trang trọng. Khác hẳn bài tôi phỏng vấn Mường Mán với những câu hỏi đơn giản và phần trả lời của tác giả “Lá tương tư” cũng khá giản đơn trên giấy tập học trò, như tính cách giản dị của nhà văn. Bài phỏng vấn tôi ký tên thật Phạm Đình Thống. Hai bài phỏng vấn đăng trên hai số báo gần nhau, nên bạn đọc dễ nhận ra tính cách của một nhà thơ và một nhà văn cùng thời.
Tôi biết Huy Tưởng từ năm 1970 khi ngẫu nhiên nơi tôi thuê ở trọ cách nhà anh mấy trăm mét. Nhà anh ở trong con hẻm thông từ đường Cách Mạng 1 tháng 11 đến đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận có tên là đường Duy Tân. Nhà tôi thuê bên kia ngả tư Trương Tấn Bửu - Cách Mạng 1 tháng 11. Huy Tưởng bấy giờ còn độc thân, đẹp trai, lịch lãm, lái chiếc Citroen 2 CV màu trắng làm lóe mắt nhiều chị em. Huy Tưởng vừa xuất bản tập thơ thứ hai “Một mùa tóc mộ”. Sách trình bày rất đẹp, in trên giấy tốt, quá sang so với mặt bằng chung những tập thơ in rất đơn giản của các thi sĩ hầu hết đều nghèo, chắc bóp tiền túi in thơ, chủ yếu để tặng. Bởi thơ thời nào cũng khó bán. Chỉ có một vài “thi sĩ nhà giàu” như Huy Tưởng mới dám bỏ tiền in thơ sang. Tôi nghe bạn tôi, Lê Nguyên Đại, bạn học khá thân với em trai Huy Tưởng, cho biết gia đình anh ở Tam Kỳ là chủ hãng trà Mai Hạc nổi tiếng. “Công tử” Nguyễn Đức Hiệp - tức Huy Tưởng, đầu những năm 1960 đã theo học văn khoa ở Đại học Đà Lạt. Nhưng rồi tiếng gọi phồn hoa đã kéo chàng về Sài Gòn. Ngoài tài làm thơ, Huy Tưởng hát và ngâm thơ rất hay, đã làm xiêu lòng biết bao nàng thơ. Khoảng 1970 - 1971, khi tôi đang học ở Đại học Vạn Hạnh, một đôi lần thấy Huy Tưởng ngồi quán cà phê Nắng Mới bên cạnh cổng trường tôi. Quán nhỏ nhưng là nơi tụ tập của nhiều nhà văn nhà thơ, trí thức học hàm học vị đầy mình. Huy Tưởng vẫn phong thái gentleman, có chút điệu đàng. Tôi cũng thường ngồi đó, có khi cạnh bàn Huy Tưởng nhưng không có ý định làm quen. Cho đến khi tôi về Tuổi Ngọc thì thỉnh thoảng gặp nhau nhưng cũng chỉ chào hỏi thôi. Một đôi lần gặp Huy Tưởng ở chiếu bạc xì phé khi tôi theo chầu rìa một nhà văn đàn anh - không tiện nêu tên - để “ké” tí đỉnh vì túi thường xuyên xẹp. Nhưng thường là thua cháy túi, vì đại ca luôn chơi tháu cáy dẫu bài chẳng có gì. Huy Tưởng túi thường rủng rỉnh, lại chơi phé cực kỳ trầm tĩnh, khôn ngoan. Nên hầu như anh ít khi thua.
Sau 1975, Huy Tưởng không còn chạy xe hơi nữa. Lúc này anh đã lập gia đình. Thỉnh thoảng trên đường tôi bắt gặp hình ảnh vợ chồng anh chở nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang trông rất thơ mộng và hạnh phúc. Ít lâu sau, anh mở một quán cà phê rất nhỏ trên con đường nhỏ Bà Lê Chân bên hông chợ Tân Định - và lấn chiếm thêm cái vỉa hè cũng rất nhỏ. Quán có tên là Faifo, nhưng mọi người quen gọi là quán Huy Tưởng. Quán là nơi gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ cũ bấy giờ hầu hết thất nghiệp, nghèo tiền nhưng rất giàu thời gian. Trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Nổi bật nhất là thi sĩ Bùi Giáng vốn đồng hương và quen Huy Tưởng từ lâu, thỉnh thoảng tạt qua Faifo. Ông mang đủ thứ đồ lỉnh kỉnh trên người: giỏ rách, áo mưa, nón lá, chổi lông gà… ngồi uống ly cà phê, rồi đứng lên múa may chọc ghẹo mọi người. Không ai có thể khẳng định Bùi Trung niên thi sĩ điên thật hay giả điên? Nhiều anh em ghé quán Huy Tưởng chủ yếu hỏi thăm bạn bè, người còn kẻ mất; kẻ ở người đi (vượt biên). Bấy giờ là thời bao cấp với muôn vàn khó khăn đối với những thị dân nghèo - nhất là văn nghệ sĩ vốn trước kia sống nhờ ngòi bút, cây cọ. Chỉ có vài kẻ xu thời, bị mọi người gọi xách mé là loại cách-mạng-ba-mươi, bôi mặt làm bồi bút cho bên thắng cuộc kiếm miếng cơm manh áo. Còn hầu hết coi như bẻ bút, vất cọ sống lây lất qua ngày. Bao nhiêu ẩn ức chất chứa trong lòng, ghé quán Huy Tửởng để trút bầu tâm sự với bạn bè. Cũng có người nghe nói quán Huy Tưởng thường có các văn thi sĩ nổi tiếng đàn đúm, họ ghé uống ly cà phê cốt để nhìn mặt những thần tượng mà trước kia họ chỉ biết tên…Đâu ngờ các thần tượng giờ rách te tua, tụ tập tán chuyện trên trời dưới biển. Có khi cãi nhau chí chóe! Tôi thì chỉ thỉnh thoảng ghé qua chốc lát, cốt tìm gặp vài bạn cũ…Sau này khi tôi vào Chợ Lớn mở nhà thuốc, cả ngày bận rộn, ít có dịp trở lại quán Huy Tưởng. Và cũng không biết quán dẹp khi nào…Có thời gian Huy Tưởng cũng lê la ra quán 81 ngồi với vài bạn thân cũ, mới: Nguyễn Tôn Nhan, Hoàng Ngọc Tuấn, Mịch La Phong, Nguyễn Lệ Tuân, Nguyễn Đình Thuần, Phù Hư…Và chỉ hai câu thơ chàng viết về quán 81:“ Cụng ly / danh tánh rình rang / Ra về / phù phiếm ngổn ngang / theo về” đã phác họa được những cuộc nhậu nhẹt đàn đúm ở quán văn nghệ 81.
Mãi sau khi tôi nghỉ kinh doanh nhà thuốc, quay trở lại làm báo, tôi mới biết vợ chồng Huy Tưởng đã mở quán ăn Phố Hoài ở nhà mới của anh trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Quán tuy khuất trong con ngõ cụt nhưng có khoảnh sân vuông vức xinh xắn, không gian khá êm đềm, khung cảnh lãng mạn. Nhất là về đêm. Quán chuyên bán đặc sản Quảng Nam như mì quảng, cao lầu… với đầu bếp nấu khá ngon, thu hút thực khách đồng hương Quảng Nam - và cả những người không phải dân Quảng nhưng khoái món Quảng cũng tìm đến.
Bấy giờ cuối những năm 1990 - đầu 2000, ngẫu nhiên có ba cái quán của ba nhà thơ là quán Phố Hoài của Huy Tưởng, quán Đất Phương Nam của Phù Hư ( hùn với bạn ) và quán Cối Xay Gió của Trần Từ Duy ( tức nhà thơ trào phúng Đông Ki Rét) cùng nằm trên con đường nhỏ Huỳnh Tịnh Của, mỗi quán cách nhau chừng vài ba trăm mét! Nhưng tối nào các quán cũng đông khách. Bởi cái gu của thực khách mỗi quán khác nhau. Có điều thú vị nữa là hầu như ngày nào hai ông nhà thơ Huy Tưởng và Trần Từ Duy tuy có quán nhưng cũng đến “ngồi đồng” ở Đất Phương Nam. Có khi ngồi từ trưa đến tối. Có lẽ nhờ Đất Phương Nam có không gian rộng rãi thoáng đãng hơn quán nhà. Và nhất là có nhiều anh em văn nghệ thường ghé lại gặp gỡ, đàn đúm tán chuyện. Thời gian này tôi cũng thường bù khú ở Đất Phương Nam nên thường gặp và trò chuyện với Huy Tưởng. Nói đủ chuyện đông tây kim cổ. Ít nhắc chuyện văn chương.
Thời kỳ này hình như Huy Tưởng ít làm thơ, mà chuyển sang dịch. Tiểu thuyết “Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay” của William Saroyan. (khi tái bản anh đổi tựa là “ Người với trái tim trên miền cao nguyên”) được Huy Tưởng dịch rất thơ mộng. …Anh tặng tôi bản in lần thứ hai, với lời đề tặng thân tình rất cảm động. Và vẫn nét chữ rất bay bướm nhưng mạnh mẽ như mấy mươi năm trước, không có dấu hiệu gì của tuổi tác. Anh còn dịch chung với Phạm Viêm Phương tuyển tập “Tuyết trên ngọn Kalimanjaro” của Hemmingway; và Thơ Ca, Poe’sie của George’s Jean cho tạp chí Da Màu…Năm 2007, Phan Nhật Nam từ Mỹ về quê Quảng Trị làm mộ cho mẹ. Khi trở lại Sài Gòn, anh nhờ tôi chở đến thăm Huy Tưởng, lúc này đang bệnh. Hai người bằng tuổi nhau. Phan Nhật Nam dẫu từng đi tù cải tạo gần mười lăm năm, nhưng vẫn rất cứng cỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chia tay Huy Tưởng, trên đường về, Phan Nhật Nam ngậm ngùi nói với tôi, thấy bạn ốm đau đi lại khó khăn mình xót quá, nhưng biết làm sao. Mỗi thằng đều có cái số, cậu ạ. Tôi nói, Huy Tưởng trông vậy chứ có nghị lực sống mãnh liệt lắm đấy.
Rồi Huy Tưởng dẹp hay sang quán, bán nhà khi nào tôi cũng không biết. Chỉ nghe tin khi vợ chồng anh đã chuyển sang Úc sống với các con. Hơn mười năm qua ở Úc, hình như Huy Tưởng làm thơ không ngơi nghỉ. Các tập thơ mới in số lượng bài nhiều đến nỗi anh phải đề bằng con số! Xin giới thiệu nguyên bài số 221 trong tập “Đêm vang hình tiếng chuông” rất hay: “Cao Xanh / Ồ cao và xanh / Cớ sao đứng mãi trên cành lắt lay? / Xuống đây cùng với heo may / Chiều thôi hắt bóng sẽ quay về trời / Cao Xanh / Và Cao Xanh ơi / Gặp nhau ta sẽ trao lời - cố nhiên / Mây vàng hoặc chốn thần tiên / Cũng không giữ được ai trên đời này / Sao ta lại phải về ngay / Khi chưa thả hết thơ đầy thế gian? / Nơi đây khổ lụy nồng nàn!” Tôi nghĩ, đó đúng là tâm trạng Huy Tưởng trong thời gian này.
Ở một xứ sở xa lạ, mênh mông và bình yên đến hiu quạnh như thế đối với một thi sĩ thì chỉ có thể làm thơ thôi! Nhưng phải nói là Huy Tưởng có sức sáng tạo mãnh liệt - nhất là với điều kiện sức khỏe và tuổi tác của anh. Tôi thật bất ngờ khi đọc loạt thơ anh làm những ngày gần đây. Lại phải trích thơ:“Đêm vang như lụa / lướt qua / Thềm trăng đọng tiếng cỏ hoa thì thầm / Khuya. Trầm lắng dệt màu âm / Bóng ai xòe nguyệt / Đêm rần rộ. Hương”. Và xin trích bài cuối (vì đã lỡ lệch tiêu chí - nói nhiều về chuyện văn chương). Bài số 165 - “Bài tình nhân cuối đời giữ lại”: “Lên non / chạm tiếng chim gù / Biết mình đã lỡ đường tu mất rồi / Cùng em / lêu lổng hoa trôi / Mai theo mây trắng / viết lời tình nhân”.
Chúc Thi sĩ khỏe để tiếp tục làm thơ. Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.
P.C.S













Tham khảo thêm về nhà thơ Huy Tưởng

























Đinh Cường, Như Hạnh, Huy Tưởng, Đỗ Hồng Ngọc

2010













Huy Tưởng & Phan Nguyên
Sài gòn, 2016































Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.