Nguyễn Hồng Hưng
Bút danh: Hồng Hoang
(07/07/1952 - .......) Hà nội
Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc
Nguyên quán: Gia Lộc- Tứ Kỳ - Hải Dương
Năm 1982: tốt nghiệp Điêu khắc - khoa Nội Ngoại thất tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp 360 La Thành, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Nhân viên sáng tác tại xưởng sáng tác Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt nam.
Năm 1998 di cư vào nam sinh sống.
Năm 1999 viết giáo trình môn học “ nguyên lý thị giác” thuộc ngành design
(nay gọi là “nghệ thuật thị giác” chung cho cả hai ngành nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật design).
Đã được trường Đại học Kiến trúc TP HCM mời dạy môn “nguyên lý thị giác” tại các trường:
Đại học Kiến Trúc
Đại học QuốcTế Hồng Bàng
Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Công nghệ Saigon
Đại học quốc tế Hoa sen
Chính thức ngưng dạy học từ năm 2017.
Giải nhì triển lãm Tổng kết Điêu khắc toàn quốc lần thứ hai. Trưng bầy những tác phẩm làm trong khoảng thời gian từ 1970 đến 1990.
Có ba tác phẩm điêu khắc được Bảo tàng Mỹ thuật Viêt nam sưu tập.
Năm 2012, sau mười năm dạy ở Đại học Kiến Trúc TP HCM đã viết cuốn “nguyên lý design thị giác” và cuốn “nguyên lý bố cục”.
Xuất bản tại nhà xuất bản Đại học Quốc gia và nhà xuất bản Mỹ Thuật.
TRIỂN LÃM CÁ NHÂN
1992: Triền lãm cá nhân tại nhà triển lãm HNSTHVN tại 16 Ngô quyền Hanoi.
Với 80 tác phẩm nhiều chất liệu
Sách đã xuất bàn
Công trình “Nguyên lý Design thị giác” của Nguyễn Hồng Hưng (612 trang, NXB Đại học quốc gia TPHCM, tái bản 11/2016) là công trình đầu tiên của Việt Nam viết khá dày dặn với 18 chương và 1023 hình minh họa in màu công phu, một công trình về học thuật của bộ môn nghệ thuật mới mẻ - nghệ thuật design.
Tác giả công trình là hoạ sỹ điêu khắc, người đầu tiên đề xuất chương trình giảng dạy môn Nguyên lý thị giác tại trường Đại học kiến trúc TP HCM từ năm 1998. Sau đó hai năm môn học Nguyên lý thị giác được “Bộ giáo dục và Đào tạo” xét duyệt, chính thức công nhận là môn học chính trong chương trình đào tạo của hệ đạo tạo Đại Học thuộc các ngành Mĩ thuật Công nghiệp Việt Nam hiện nay.
Đặt tên công trình là “ Nguyên lý design thị giác”, Nguyễn Hồng Hưng dường như chỉ định viết một giáo trình sư phạm dạy cho sinh viên một cách hệ thống những kỹ năng sáng tạo design dựa trên những tập tính và những năng lực của thị giác. Nhưng phương pháp tiếp cận và trình bày vấn đề uyên bác, sắc sảo, thông tuệ của tác giả đã nâng tầm vóc công trình này vượt quá những nhiệm vụ sư phạm kỹ năng, để trở thành một công trình nghiên cứu tích hợp và thuyết trình những vấn đề nền tảng trong giảng dạy “Nguyên lí Thị giác”, và tiềm năng phát triển của nghệ thuật Design. Người đọc là sinh viên hay là những người làm nghệ thuật design, sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức nền tảng, sâu sắc của nguyên lí thị giác, một môn học nghiên cứu những tập tính thị giác con người biểu hiện qua cái nhìn (hay thói quen nhìn). Nếu người đọc là người yêu nghệ thuật nói chung cũng sẽ nhận được nhiều món quà quý làm giàu tâm hồn duy mĩ lãng mạn, và được sẽ lôi cuốn vào một tua du lịch trong thế giới design, một thế giới nghệ thuật về mặt kiến thức lí thuyết còn mới mẻ ở Việt Nam. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu những cội nguồn thị giác của ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, được tác giả viết bằng ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc, sinh động và hấp dẫn, bạn đọc sẽ ngắm nghía những công cụ sáng tạo đa dạng được tác giả sắp xếp một cách hệ thống trên giá đỡ của các tri thức khoa học liên ngành, và xem xét những tiềm năng phát triển đồng thời cùng sự phát triển con người, của bộ môn nghệ thuật thứ Tám hay Nghệ thuật Design.
Nếu mục đích của tác giả chỉ là xây dựng một giáo trình giảng dạy về các nguyên lý design thị giác để sáng tạo ra những vật phẩm vừa có công năng sử dụng trong đời sống, vừa có giá trị thẩm mỹ cao như một tác phẩm tạo hình độc lập thì công trình “Nguyên lí design thị giác” cũng đã rất thành công. Cách trình bày mười tám chương sách với tính hệ thống chặt chẽ, mạch lạc và hàm súc, vừa sinh động, sắc sảo và hấp dẫn, cuốn sách đã đưa đến cho người đọc một khối lượng kiến thức đồ sộ với những vấn đề và những khái niệm hết sức mới lạ như “Cội nguồn design”, “Quỹ nhớ thị giác”, “Cảm thụ không gian”, “Tâm lý thị giác và không gian ước lệ”, “Design mô phỏng”, “Trường nhìn thị giác”, “Hiệu quả rung và cảm thụ ảo thị giác””, Cái nhìn và lực hút thị giác”, “Những đặc tính thị giác”, và viễn tưởng về một nền“ hội họa siêu thực với con mắt thứ ba…thứ năm…hay nhiều mắt hơn.v.v…”
Mỗi vấn đề, mỗi nguyên lý, mỗi kỹ năng lại được tác giả mô tả bằng văn phong hóm hỉnh nhẹ nhàng ngắn gọn nhưng hấp dẫn, khối lượng thông tin lớn, hàm lượng nghệ thuật cao. Chỉ riêng kênh hình trong sách với số lượng 1023 hình ảnh minh họa in màu khá chuẩn, có nhiều phiên bản những kiệt tác của nhân loại từ thời hồng hoang tới tận thời “ nghệ thuật hậu hiện đại”ngày nay, kèm với lời bình khoa học cho từng phiên bản, đã cung cấp mảng lớn kiến thức cho bạn đọc. Bởi tác giả đã diễn giải song song lịch sử phát triển nghệ thuật design bằng hình ảnh cùng với bằng chữ viết. Bắt đầu từ hình ảnh cái rìu tay của thời đồ đá sớm, đến kiệt tác của nhưng thiên tài của muôn đời, và những kiến trúc hiện đại nhất ngay trong thập kỉ này.
Cuốn sách là một công trình kép,vừa trình bày lý thuyết, vừa diễn giải lịch sử mĩ học, lịch sử phát triển design vừa có những nghiên cứu học thuật độc lập của tác giả, cuốn sách đã giúp ta hình dung rõ những bước phát triển kỳ thú của môn nghệ thuật thị giác này từ khi nó chỉ là một bộ môn tạo hình bị bó hẹp trong khuôn khổ công nghệ có tên gọi là Mỹ thuật công nghiệp và thủ công mĩ nghệ đến khi nó được coi là Nghệ thuật thứ 8, đứng sau nghệ thuật điện ảnh và đứng trước nghệ thuật truyện tranh. Đây chính là vấn đề những loại hình nghệ thuật của mĩ học. Ngay những trang đầu tiên tác giả đã dẫn sử liệu cho biết thủa ban đầu kể từ cội nguồn mĩ học Aristotle (384-322TCN) đã không xếp hội họa vào danh mục loại hình nghệ thuật ở thượng tầng kiến trúc, đỉnh cao trí tuệ nhân loại. Còn design chỉ là thứ thủ công khéo tay. Nhân loại được các tiền bôi thời cổ đại minh định về mĩ học chỉ có sáu loại hình nghệ thuật…Theo sự phát triển, theo thời gian nghệ thuật điện ảnh xuất hiện kì diệu , thần kì tới mức các trí giả đương thời phải công nhân ngay là “Nghệ thuật thư Bảy”, đó là con số bảy nối tiếp sáu loại hình nghệ thuật tưởng như bất di bất dịch dã có trước. Design được công nhận sau điện ảnh và là “Nghệ thuật thứ Tám”
Cuốn sách đã giúp nắm được một cách hệ thống những trường phái sáng tạo design trên thế giới, từ khi hình thành ý niệm về chế tác công cụ thời đại đồ đá xa xưa, đến khi xuất hiện những trường phái sáng tạo design độc đáo như hệ thống đối xứng, cấu trúc mô đun ngoài không gian, các trường phái tạo bóng và tạo ảo giác quang học thời gian gần đây. Trong quá trình phát triển, con người đã design từ que tăm đến tầu không gian. Ngay trên trái đất hiện nay đã có những dự án design tạo môi trường sống cho quần xã sinh vật, nhằm phát triển sự sống trên các xa mạc của trái đất. Ở trang 535 có ảnh minh họa về công trình Eden Anh quốc, là dự án xanh hóa xa mạc hiện đang hoạt động.
Tác giả đã đưa ra quan điểm “Lịch sử design là lịch sử con người”. Một quan điểm mở rộng vượt xa phạm vi giảng dạy trong nhà trường của cuốn sách. Cũng có thể viết sách về design, là viết về thiên nhiên thứ hai do con người tạo dựng nên, vì thế mà người viết khó tránh vượt khỏi chừng mực khuôn khổ học thuật dùng trong phạm vi học đường. Cũng bởi design là văn minh xã hội.
Nhưng sự hấp dẫn và sự thành công của của cuốn sách lại nằm ở cái đích học thuật cao hơn hệ thống tri thức, kỹ năng về nghệ thuật Design mà cuốn sách đã trình bày một cách xuất sắc. Trong cách giải thích, trình bày và suy tư , người viết sách đã kết nối bộ môn nghệ thuật này với cả những thị giác tiềm năng, những thị giác bên trong của người khiếm thị, những thị giác siêu việt giàu yếu tố viễn tưởng liên đới tới cả thị giác thấu thị soi thấu được cả mọi cõi giới của Chúa Trời và Phật tổ Như lai. Đó là điều mà các nhà nghệ thuật học trước đây hầu như chưa bàn tới. Đó cũng chính sức mạnh và cả sức hấp dẫn của cuốn sách về khía cạnh nhằm khai phóng khả năng tưởng tượng của các nhà thiết kế tương lai. Một phương pháp kích não của nền sư phạm hiện đại.
Tác giả còn dẫn dắt cho ta thấy nghệ thuật Design là chung cội nguồn, là song sinh và cùng chung cảm hứng sáng tạo với nghệ thuật tạo hình, một nguồn cảm hứng dù gắn liền với Đại ngã theo cách hiểu của phương Đông hay gắn liền với Thượng đế theo cách hiểu của phương Tây cũng đều đem đến cho tác phẩm design một sinh khí nghệ thuật, một thông điệp sáng tạo của cái tuyệt đối và cái vĩnh hằng. Và với sự phát triển của nghệ thuật design, những gì trước đây chỉ là các công cụ vô hồn được sản xuất hàng loạt trong dây chuyền công nghiệp, giờ đây đã trở nên phập phồng hơi thở của cái đẹp, cái tâm linh, và nghệ thuật design tiến hóa liên tục với thời gian đã trở thành thiên nhiên thứ hai sau thiên nhiên của tự nhiên ban tặng con người.
Những sách nghiên cứu và giảng dạy về mỹ thật công nghiệp trước đây chưa có những cách tiếp cận thông tuệ như Nguyễn Hồng Hưng. Để mô tả về nghệ thuật design, Tác giả không chỉ đặt nghệ thuật này trong tương quan với năng lực thị giác và văn hoá thị giác của con người đương đại mà còn mong ước cả nghệ thuật design cho thế giới người khiếm thị, mà còn đặt nghệ thuật design vào tương quan tiềm năng với thị giác siêu việt của con người tương lai bởi những tiến hóa tất yếu. Nguyễn Hồng Hưng đã đưa ra quan niệm về tính dân tộc trong nghệ thuật chính là địa lý, và khẳng định “ thế giới không phẳng với nghệ thuật”. vì nếu thế giới phẳng với nghệ thuật, thì sự nghèo nàn về các trường phái nghệ thuât sẽ xuất hiện ở tầm mức toàn cầu, nghệ thuật sẽ teo tóp tới mức có thể biến mất.
Tác giả còn minh chứng, giải mã rất thuyết phục rằng giao lưu của các trường phái nghệ thuật luôn luôn là những giao lưu hòa nhập ở những vùng biên. Không bao giờ là trung tâm. Bởi giao lưu của hai nền văn hóa văn hóa phủ trùm trùng khít từ trung tâm đến ngoại biên thi tất nhiên sẽ có một nền văn hóa bị hòa tan. Hoặc có thể cả hai nền văn hóa đều biến mất mà ra đời một nền văn hóa khác. Chính vì thế tác giả đã giải mã được bản sắc văn hóa của một dân tộc mà bền vững trường tồn sẽ không bị hòa tan bởi các nền văn hóa lớn hơn. Một dân tộc bị hòa tan về văn hóa cộng đồng, dân tộc đó có nguy cơ biết mất hoặc trở thành dân tộc thiểu số của nên văn hoá hòa tan nó. Đây cũng là đại vấn đề về văn hóa và dân tộc vượt phạm vi học thuật. Quả thật thế giới không thể phẳng với nghệ thuật và nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Phương Đông là phương đông, nghệ sĩ Phương Tây là phương tây. Vì quan điểm này mà tác giả đã dẫn chứng cụ thể trong cuốn “Câu chuyện nghệ thuật”, tác gia E.H.Gombrich đã viết rằng chỉ có nghệ sĩ mà không có nghệ thuật.
Nhưng tác giả Nguyễn Hồng Hưng cho rằng nếu nhìn với quan điểm mĩ học sẽ không thể bỏ qua tác phẩm. Tác phẩm chỉ dẫn ra nghệ sĩ.
Trong cuốn sách “Câu chuyện nghệ thuật” của tác giả E. H. Gombrich ngay câu đầu tiên của phần dẫn nhập (trang 3) viết: “Thật ra không hề có cái gọi là nghệ thuật, chỉ có nghệ sĩ”. Vậy mà nghịch lí thay E.H.Gombrich đã không viết gì (hoặc viết rất ít) về tiểu sử nghệ sĩ. Trong sách “Câu chuyện nghệ thuật”, ông chỉ viết về sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật cụ thể và những trào lưu. Ông cũng đã viết “…Nguyên tắc đầu tiên là tôi sẽ không viết về những tác phẩm mà không chứng minh được bằng hình ảnh.” Cụ thể là hơn 500 trang sách chật ních những ảnh chụp tác phẩm để viết nên “Câu chuyện nghệ thuật”. Trong đó có nhiều tác phẩm lừng danh mà khuyết tên tác giả (nghệ sĩ).
Nếu nghệ sĩ nào đó có hoạt động văn hóa văn nghệ năng động khoái thú câu nói này thì cũng tương tự như khoái thú xu hướng lấy sự kiện sinh hoạt cuộc sống làm giá trị nghệ sĩ của họ. Sẽ tệ hơn khi tiếng tăm nghệ sĩ được làm nổi lên bằng sinh hoạt đời tư qua phương tiện thông tin đại chúng để thế chỗ cho tác phẩm nghệ thuật vốn phải rất đam mê mà còn khó làm ra được.
Cũng bởi có nhiều thể loại mĩ thuật mới thời thượng không cần phải biết vẽ. Và như thế, chắc chắn chỉ có tiểu sử sự kiện nghệ sĩ theo hướng “văn hóa văn nghệ xã hội”, hàm lượng mĩ thuật không thể phát triển cao được. Lại cũng bởi mĩ thuật không thể biểu hiện hết được các dạng cái đẹp của nhận thức sự thật. Mĩ thuật chỉ có thể biểu hiện cách nhận thức sự thật về cái đẹp theo phương pháp mĩ thuật. Thế nên đã có nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau đã và đang rất mới ra đời.
Cuốn “Câu truyện nghệ thuật” hiện nay đã được tái bản tới lần thứ 16. Trong lời tựa cho lần tái bản thứ 15 năm 1989, cách thời điểm xuất bản lần đầu 1950 là 39 năm, tác giả đã phải nhấn mạnh lại rằng: “Tôi cảm thấy cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng bạn hãy thưởng thức quyển sách này như một câu truyện giải trí, chứ đừng dùng nó làm sách giáo khoa, thậm chí một tác phẩm để tham khảo”.
Liệu có phải sau 39 năm ra đời lừng lẫy, phát hành tới bảy triệu bản, với 30 thứ tiếng khác nhau, dễ đã có vô vàn ý kiến của bạn đọc tâm huyết làm cho E. H. Gombrich phải nhấn mạnh hơn một lần những lời trên.
Có vô số tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, design, nhân loại phát hiện và lưu giữ cẩn trọng từ thời nguyên thủy tới ngày nay mà không biết gì về những nghệ sĩ tác giả của những tác phẩm đó, vì chỉ còn tác phẩm.
Người Việt Nam có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ và kiến trúc chùa cổ, đồ gốm cổ có giá trị mĩ thuật cao và cả dòng trang Đông Hồ, dòng tranh Hàng Trống đều chỉ còn tác phẩm mà các tác giả của những tác phẩm đó đã không lưu danh.
Qua chút dẫn chứng trên, tôi chỉ muốn cho rõ thêm rằng làm “Mĩ thuật” có khác nhiều so với làm “Văn hóa văn nghệ”. Có thể với “văn hóa văn nghệ” thì chỉ có nghệ sĩ, mà có ít thôi cái gọi là nghệ thuật, nhất là trong hoàn cảnh như ở ta đương đại, giá trị nghệ thuật phụ thuộc không ít vào khả năng quan hệ sinh hoạt xã hội của cá nhân nghệ sĩ.
Với mĩ thuật và design thì không phải vậy. Bởi chỉ riêng ở Việt Nam thôi đã có quá nhiều trường hợp chỉ còn tác phẩm mà tác giả đã không lưu danh.
Tương lai hẳn cần phải có “Hội Văn hóa văn nghệ” riêng ra, để không lẫn với “Hội Design”, hay như “Hội mĩ thuật”, vốn giản dị, không rộng lớn như văn hóa văn nghệ, và rất riêng tư.
Tác giả trình bầy rõ quan điểm giao lưu văn hóa nghệ thuật đương đại của Viêt Nam với thế giới: “nghệ thuật trình diễn”- “Nghệ thuật sắp đặt”- “nghệ thuật ý niệm”.v.v… là những giao lưu giao thoa vùng biên với các nền văn hóa ngoài Viêt Nam, là giao lưu vành ngoài của văn hóa nghệ thuật cội nguồn của mọi cộng đồng. Tác giả không ngần ngại ví những loại hình nghệ thuật đó như mắm tôm tây, và không phải người phương tây nào cũng biết ăn “mắm tôm tây” *, tương tự như không phải cứ là người Việt Nam thì đều biết ăn mắm tôm ta. Tuy nhiên tác giả công nhận và cảm phục những họa sĩ trẻ hội nhập mau chóng thành công và vững vàng với các phong cách và loại hình nghệ thuật mới du phập vào Việt Nam.
Bởi tư duy về nghệ thuật design thấm đẫm tinh than Á Đông như vậy, nên trong khi trình bày các nguyên lý thị giác design, tác giả đã nhấn vào những năng lực thị giác có khả năng phát giác sự bí ẩn của không gian ba chiều và sáng tạo những tác phẩm ngày càng có xu hướng ma thuật. Những kiến giải tri thức thị giác của cuốn sách còn cho thấy những điểm nhìn giả tưởng như điểm nhìn từ những con mắt hư cấu trong tranh siêu thực để soi chiếu và nghệ thuật design giúp người đọc hình dung ra tính đa dạng, biến ảo và không cùng của quỹ nhớ thị giác mà các nghệ sỹ tạo hình và các nghệ sỹ design có thể khai thác từ nội giới trong quá trình sáng tạo.
Có thể nói cuốn sách này không chỉ là một “giáo khoa thư” mà còn là công trình đã nghiên cứu, soi chiếu, nghệ thuật design từ tầm cao triết học, từ chiều rộng tâm linh và chiều sâu của tiềm năng nhân loại. Những vấn đề của cảm thụ thị giác được đặt ra từ cái nhìn tác phẩm disign bằng mắt người, mắt Phật và mắt nghệ sỹ để tìm kiếm những nguồn sáng vô tận cho nghệ sỹ design tạo hào quang nghệ thuật bền vững cho những công cụ thuần tuý được sản xuất thủ công ngày xưa, hay sản xuất hàng loạt ngày nay. Hơn thế nữa, cuốn sách đã chỉ ra cho người đọc thấy những bíthuật của nghệ thuật design, những hiệu ứng có tính ma thuật (những thủ thuật bí mật của sáng tạo ảo thị giác) mà nghệ sỹ disign có thể tạo ra khiến ta hình dung về một chiều kích không gian viễn tưởng tồn tại đồng thời ngay trong không gian thực tại. Cái lớn của công trình “Nguyên lý design thị giác” chính là ở chỗ nó đã vượt lên trên nhiệm vụ hệ thống hoá những kỹ năng sáng tạo design trên cơ sở hiểu biết các nguyên lý thị giác để trở thành một công trình nghệ thuật học, nghiên cứu về ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật design và nghiên cứu các thủ pháp sáng tạo những hiệu ứng nghệ thuật đặc thù từ chính những đặc trưng thẩm mỹ tiềm tàng trong nghệ thuật design. Cuốn sách thực sự đã kiến giải thông tuệ những vấn đề cao hơn nhiệm vụ của một giáo khoa thư về thị giác
Vì sự tiếp cận và trình bày của cuốn sách thật giản dị với ý tứ thông tuệ sáng rõ , dễ hiểu, nên hệ thống những nguyên lý, những thủ pháp, những kỹ năng trình bày trong cuốn sách này được người đọc tiếp thu trên tầm cao hoàn toàn mới lạ mà không hề khó tiếp thu. Giống như các nghệ sỹ của trường phái “ảo giác quang học”, đã đặt những hòn đá, những cục sắt hay những giẻ lau trước gương để tạo thành những chân dung sống động hay những bông hoa rực rỡ trong gương, tác giả đã đặt trước mắt người đọc những hệ thống nguyên lý thị giác và thủ pháp design để tạo nên trong tâm trí người đọc những cách nhìn chân thực, kỳ thú và biến ảo của bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.Tư duy của người đọc luôn được kích thích phiêu lưu, được thúc đẩy mở rộng bằng chính tiềm năng văn hóa ẩn tàng trong nội giới người đọc .
Có thể nói, những suy nghiệm liên tưởng ở tầm mĩ học và triết học của Nguyễn Hồng Hưng đã cho thấy rõ nét tầm ảnh hưởng của nghệ thuật design từ thế giới của các công cụ đời thường thực dụng, vào thế giới của tâm linh nghệ thuật đầy ẩn mật, thần bí, thiêng liêng. Ở đây không phải chuyện xâm lấn công năng của nghệ thuật design vào các vương quốc phi công năng trần thế, hay chuyện bày vẽ những cuộc thi thiết kế ngai vàng cho Thượng đế, mà là sự thấu cảm cao về ngôn ngữ “nghệ thuật thị giác” của tác giả đã tới mức tạo nên những đường dẫn về sự cộng thông giữa nghệ thuật này với các cõi Trời huyền ảo, cõi đẹp, cõi tâm linh để những tác phẩm design dường như có khả năng mời gọi Chúa Trời hay Đức Phật sử dụng các tác phẩm design ấy cùng với con người. Với cách tiếp cận vấn đề đã bộc lộ những khát khao mở rộng bến bờ cho nghệ thuật design như vậy, Nguyễn Hồng Hưng đã gây ấn tượng rằng anh còn muốn các nghệ sỹ design sáng tạo ra những chiếc ghế mà trước khi ta ngồi thì Chúa đã ngồi, những chiếc xe mà trước khi ta sử dụng thì Phật đã dùng như một Luân xa. Ẩn chứa tâm tư thiêng liêng của các nghệ sĩ thị giác : “Design là phụng sự”.
Các tác phẩm design lý tưởng là sự tồn tại song song của cả trăm phần trăm công năng trùng khít với trăm phần trăm cái đẹp khi phụng sự cuộc đời. Nghĩa là một giá trị sử dụng tuyệt vời trên hinh thức thẩm mĩ đỉnh cao. Ước mơ desgn với vương quốc của cái đẹp tự thân là vĩnh cửu, không cần đợi đến khi tính công năng của design không hợp với văn minh thời đại nữa, để vĩnh cửu dưới hình thức thẩm mĩ tột đỉnh của một đồ cổ, một hình thức bảo tồn văn hóa nhân loại. Không, design phải là cái đẹp đỉnh ngay từ khi còn mới.
Nói cách khác, công trình “Nguyên lí design thị giác” của Nguyễn Hồng Hưng đã đã thúc đẩy nỗi khát khao sáng tạo những tác phẩm design có CÔNG NĂNG KÉP-vừa đáp ứng những nghiệm vụ của một công cụ trần thế, vừa trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập có hồn, mang cảm hứng vĩnh cửu như các tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, thi ca...
Tựa như mơ ước mọi vật dụng thông thường đều là kiệt tác nghệ thuật. Hay nói cho lí tưởng design là chỉ có những kiệt tác nghệ thuật mới được mang làm đồ dùng thường hằng cho con người./.
Tin tức cụ thể dưới đây cho thấy không phải người phương tây nào cũng chấp nhận “nghệ thuật đương đại”
Avignon ( Pháp). Trưa ngày chủ nhật 17.04 .2011, hai tác phẩm của nhiếp ảnh gia “hậu hiên đại” người Mỹ Andres SERRANO, trong đó có " Piss Christ" đã bị một nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo đập nát trong một khách sạn tại Avignon, nơi chứa các tác phẩm mỹ thuật của thương gia Yvon Lambert. Theo đài radio Europe 1, bốn người giả dạng là khách viếng thăm. Hai người trong bọn làm bộ gây lộn to tiếng để đánh lạc hướng, để 2 người kia dùng" búa và cuốc" đập nát 2 tác phẩm. Sau đó cả bọn đồng tẩu thoát.
Giám đốc viện bảo tàng tư nhân đã đâm đơn kiện lúc chiều cùng ngày, và viện bảo tàng đóng cửa tạm thời. Theo ông giám đốc Yvon Lambert : " Tôi rất đau lòng. 2 tác phẩm bị phá hoại. Chẳng những họ phá tan tành "Piss Christ" mà còn phá luôn tấm ảnh tuyệt vời " Đôi bàn tay của một nữ tu". Sự ngu ngốc của họ thật là thác loạn! "
Bức ảnh " Piss Christ " đã bị phản đối ngay từ lúc đầu cuộc triển lãm.Từ đầu tháng 04, Viện Civitas đã mở chiến dịch phản đối trên site Web defendonslecrucifix.org ( bảo vệ cây thánh giá) thu thập hơn 70.000 chữ ký. Ngày 8.04, Giám mục Avigon , Jean Pierre Cattenoz, tuyên bố :" Sự khả ố của bức ảnh đã xúc phạm sâu xa đến niềm tin của mọi tín hữu "
Tác phảm
Tranh
Tranh Ngựa
(Bị trận nhồi máu cơ tim, tưởng "đứt", may mà Trời còn thương nên thả cho về. Về nhà, có 2 tin mừng đã chờ sẵn: tranh "Đón Bão", Nguyễn Hồng Hưng gửi tặng và Hoàng Đăng Khoa chuyển cho tạp chí "Văn nghệ quân đội" (số 988, tháng 5.2022) có đăng bài "Đọc tranh ngựa của Nguyễn Hồng Hưng" của lão hủ. Thú nhất là trong số này còn có bài của lão huynh Trần Đình Sử "Sự hình thành người đọc văn học". Khi gửi cho "Văn nghệ quân đội, tự tay lão hủ cắt bỏ một đoạn được cho là "nhạy cảm". Đây là bản gốc hoàn chỉnh, đây đủ nhất)
Tôi đang có trong tay phiên bản bộ tranh “Ngựa” cực kì độc đáo của điêu khắc gia – họa sỹ Nguyễn Hồng Hưng. Còn nhớ khi xưa tôi có duyên làm quen với ông tại một chiếu rượu do Hoàng Ngọc Hiến mở tiệc thết đãi Nguyễn Huy Thiệp. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngoài ba mươi năm, Nguyễn Huy Thiệp và thầy Hiến của tôi đều đã thành người thiên cổ, tôi và Hưng thành “cổ lai hy”, đầu bạc trắng cả rồi. Nhờ bữa rượu ấy, tôi biết Hồng Hưng là người Hà Nội gốc. Sau khi tốt nghiệp ngành điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam, ông tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật (triển lãm cá nhân lần thứ nhất năm 1992, triển lãm toàn quốc năm 1991; 1994, 1995) và giành nhiều giải thưởng (Huy chương đồng Triển lãm trẻ toàn quốc năm 1990, Giải Nhì triển lãm “Tổng kết 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ II”, 1992). Ông sớm nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc mang tư tưởng và phong cách riêng, ví như “Bố bạc con vàng” (20cm x 60cm x 70cm), “Lá thư nhà” (đất nung+gỗ, 50cm x 47cm x 20cm), “Đinh Bộ Lĩnh” (đất nung, 45cm x 80cm x 40cm). Đó là những tác phẩm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, trưng bày. Năm 1998, Hồng Hưng chuyển vào Nam sinh sống, trở thành giảng viên môn “Nguyên lý thị giác” của nhiều trường đại học (Đại học Kiến trúc, Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học quốc tế Hồng Bàng). Ông viết hai cuốn sách dày dặn, đã trở thành tài liệu gối đầu giường của sinh viên, giảng viên và những ai làm ngành design: “Nguyên lý design thị giác” và “Bố cục thị giác”.
Triển lãm cá nhân vừa tổ chức gần đây nhất của Nguyễn Hồng Hưng khai mạc vào hồi 17 giờ, ngày 8.5.2021, bế mạc ngày 17.5.2021 tại Nhà triển lãm Ngô quyền Hà Nội. Nhìn vào những tác phẩm trưng bày lần này, công chúng bắt gặp ở Hồng Hưng không chỉ một nhà điêu khắc tài hoa, mà còn cả họa sĩ độc đáo, có chỗ đứng riêng trong hội họa đương đại Việt Nam. Tôi đặc biệt chú ý tới những bức vẽ “Ngựa” của ông. Thực ra, vài năm nay, thỉnh thoảng thấy ông “thả” ngựa lên fb, khi một con, lúc vài chú. Gặp tranh lạ, tôi liền lưu lại để “đọc”. Xin nói rõ, tôi “đọc” tranh, chứ không xem, vì quen tìm nghĩa của tranh như tìm nghĩa của tác phẩm văn học. Muốn tìm nghĩa của tác phẩm, người ta phải phát hiện ngôn ngữ của nó. Đây là công đoạn khó nhất, dễ nhầm lẫn nhất khi đọc văn bản nghệ thuật, nên mọi sự phát hiện ngôn ngữ đều chỉ là giả định. Khó thế, dễ nhầm thế, vì tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, ta đứng trước một văn bản, nhưng không phải cứ hễ có văn bản là ta đã có được ngôn ngữ của nó. Đây là chỗ khác biệt cơ bản giữa văn bản nghệ thuật và văn bản phi nghệ thuật.
Văn bản phi nghệ thuật là phát ngôn trực tiếp của tác giả, chủ thể lời nói. Nó chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ đại chúng. Thành thử, với người tiếp nhận, ngôn ngữ là cái có trước, văn bản là cái có sau. Cho nên chỉ cần biết tiếng Việt và chữ quốc ngữ, thì ai cũng có thể hiểu nội dung các văn kiện, nghị định, chỉ thị của các đảng phái và cơ quan công quyền, bất luận chúng ngắn dài thế nào. Tôi tin, viết “Hòn đá to” bằng lời thơ nôm na, đối tượng kêu gọi đoàn kết mà Hồ Chí Minh nhắm tới trước hết là quần chúng công nông, chứ không phải những người chữ nghĩa bề bề. Nên chi, đọc lên, chẳng ai cần phải giảng giải gì:
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Chỉ một người
Nhấc không đặng
Hòn đá nặng
Hòn đá to
Nhiều người nhấc
Nhấc lên đặng
Cũng như vậy, chẳng cần học hội họa, miễn là không khiếm thị, chỉ cần nhìn qua, ai cũng cảm nhận được ngay nội dung những bức tranh tuyên truyền cổ động treo khắp làng mạc, thành phố, cả những bức cực kì nổi tiếng ví như Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ và Huy Oánh trước kia.
Với ngôn ngữ nghệ thuật, tình hình không phải như vậy. Nghệ sĩ không thể xông vào tác phẩm để trực tiếp nói với công chúng như trong các văn bản chính luận, hành chính. Thượng đế sáng tạo ra vạn vật muôn loài để rồi can dự vào cuộc sống ấy từ vị thế của người đứng ngoài. Nghệ sĩ cũng thế! Như một “tiểu hóa công”, anh ta sáng tạo ra thế giới nghệ thuật và cái thế giới ấy sẽ nói lời thay anh ta. Văn học, hội họa, điêu khắc, vũ đạo, âm nhạc, hay điện ảnh đều thuộc loại hình nghệ thuật của lời nói gián tiếp. Nó nói bằng ngôn ngữ của nhân vật, sự vật, bằng không gian và thời gian trong tác phẩm. Đó là loại ngôn ngữ thứ sinh, được nghệ sĩ tạo ra từ chất liệu ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ đại chúng. Loại ngôn ngữ này độc đáo, mang tính đơn nhất, chỉ dùng một lần. Tác phẩm nghệ thuật hoàn tất, ngôn ngữ mà nghệ sĩ sử dụng để làm ra tác phẩm lập tức trở thành “tử ngữ”. Thành thử, trước tác phẩm, với người tiếp nhận, kể cả tác giả của nó, văn bản là cái có trước, ngôn ngữ là cái có sau, cái cần khám phá, phát hiện. Cho nên, chẳng phải cứ hễ không mù chữ, không khiếm thị là xem được tranh, đọc được văn học.
Tôi có nhận xét thế này. Nhìn vào cấu trúc bề sâu của văn bản, tôi thấy nghệ thuật càng hiện đại, càng có xu hướng tái cấu trúc, tái sử dụng các loại ngôn ngữ cổ xưa, bắt nguồn từ thời tiền nghệ thuật. Cứ xem lại những con “TÔM” của Tề Bạch Thạch (1864 – 1957), hay “NGỰA” và tranh về các loài vật của Từ Bi Hồng (1895 – 1953) thì sẽ thấy! Cả Từ Bi Hồng, lẫn Tề Bạch Thạch đều thường nói với công chúng bằng ngôn ngữ thần thoại, truyền thuyết. Gà trong “Kê minh vũ” của Từ Bi Hồng chính là gà truyền thuyết, gà thần thoại. Mục đích của phát ngôn truyền thuyết, hay thần thoại là chuyển tới người tiếp nhận một tri thức khả tín (bất kiểm chứng). Nó đặt tác giả vào vị thế của kẻ sở đắc chân lí, đặt người tiếp nhận vào vị trí của kẻ đồng thuận. Để xây dựng được chiến lược diễn ngôn như thế, cả Tề Bạch Thạch, lẫn Từ Bi Hồng đều tạo ra trong tranh một con VẬT THỦY TỔ: TÔM THỦY TỔ, NGỰA THỦY TỔ. Nó là con tôm, con ngựa thứ nhất, mà cũng là con tôm, con ngựa tuyệt đỉnh, tuyệt vời, ưu tú nhất. Cho nên người đời thường khen tôm trong tranh Tề Bạch Thạch “thật hơn những con tôm thật”, ngựa trong tranh Từ Bi Hồng “thật hơn những con ngựa thật”. Sức hấp dẫn trong tranh của họ nằm ở đối tượng mô tả được nghi lễ hóa, thiêng hóa. Tôi thấy Từ Bi Hồng còn có cả bức vẽ đôi ngựa đang tung vó. Nhìn vó ngựa tung lên dũng mãnh trong bức tranh, mà tôi tự dặn lòng, hễ ông Trời còn để cho sống, thì đừng bao giờ dại dột “sờ dái ngựa”! Ý tôi muốn nói, Từ Bi Hồng đôi khi còn sử dụng cả ngôn ngữ dụ ngôn. Dụ ngôn đặt người nói vào vị trí của bậc trưởng thượng, đặt người nghe vào chỗ ngồi của môn đệ để chuyển tải một bài học nhân sinh. Toàn bộ nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ văn học, mĩ thuật, vũ đạo, cho tới âm nhạc về cơ bản cũng “nói” bằng ngôn ngữ truyện thánh, ngôn ngữ truyền thuyết và dụ ngôn tương tự như vậy.
Tôi không thấy Hồng Hưng vẽ ngựa để dạy ai một bài học. Ông cũng không biến ngựa thành con vật truyền thuyết, hay thần thoại. Tức là tranh của ông không “nói” bằng ngôn ngữ dụ ngôn, hay ngôn ngữ truyền thuyết. Những bức vẽ của ông “nói” với người xem chủ yếu bằng ngôn ngữ giai thoại. Tôi dùng thuật “giai thoại” theo nghĩa từ nguyên trong tiếng Hy Lạp: “anekdotos”, là “chuyện rỉ tai”, là “điều chưa công bố”, là “sách chưa xuất bản”. Mục đích của diễn ngôn giai thoại là phát biểu một ý kiến cá nhân, thể hiện một cái nhìn riêng về sự vật, về con người và cuộc đời. Nó cũng truyền đạt tri thức, nhưng đó không phải là tri thức khả tín, mà là một tri thức khả thể. Chủ thể phát ngôn ở đây không phải là kẻ sở đắc chân lí, mà là một cá nhân khả thể trong quan hệ đối thoại với các cá nhân khả thể khác như một người khác của mình. Cho nên NGỰA của Hồng Hưng không giống với ngựa của ai. Tranh của ông không có những “tuấn mã”, “bạch mã”, hay “xích thố” trong các thế dáng chuyển động mạnh mẽ với những nét vẽ tài hoa nhưng quen thuộc mà ta thường bắt gặp. Ngựa của Hồng Hưng cũng chẳng giống bất kì con ngựa có thật nào ở ngoài đời. Về phương diện này, tôi cho rằng sáng tác của ông là nỗ lực bền bỉ khắc phục xu hướng “nệ thực” như nguyên tắc tạo hình từng thống trị một thời gian khá dài trong nghệ thuật Việt Nam. Trong tranh của ông, “ngựa” thường chỉ hiện lên như một ý niệm. Ông vẽ ngựa là để thể hiện một ý niệm nào đó của riêng mình về sự sống. Chả thế mà ông có những bức tranh dùng ngay chữ “mã”giản thể trong tiếng Tàu (马) kèm theo mấy nét cách điệu vẽ bờm ngựa, đuôi ngựa như những kí hiệu để biểu đạt về ngựa. Những bức vẽ này chỉ tạo ra mô hình của sự vật, gợi lên ý niệm về một giống loài được gọi là “ngựa” nói chung, chứ không biểu đạt một con ngựa cụ thể nào, hay nói như Hegel, “con ngựa này”, như trong tranh Từ Bi Hồng, hoặc tranh của nhiều họa sĩ khác mà tôi có may mắn được chiêm ngưỡng.
Dùng ngôn ngữ cấu trúc thay cho các phương tiện tạo hình, mỹ thuật ý niệm đứng vào đội ngũ của nghệ thuật trừu tượng. Cứ xem mấy bức “Một và ba chiếc ghế” (“One and Three Chairs”, 1965), “Một và ba tấm gương” (“One and Three Mirrors”, 1965) của Joseph Kosuth, ta sẽ thấy xu hướng nghệ thuật này trừu tượng đến mức nào. Sáng tạo của Hồng Hưng không phải là ngoại lệ. Những bức “Mưa gió không sờn”, “Mái che”, “Đường dẫn”, “Giấc mơ”, “Cỏ xanh trời quang mây đen”, hay loạt tranh “Kí ức” như “Kí ức đỏ”, “Kí ức màu đỏ”, “Kí ức đen” của Hồng Hưng là những tác phẩm trừu tượng không kém bất kì một sáng tác trừu tượng nào khác. Nhưng ngay ở đây vẫn có sự khác biệt. Ngôn ngữ ý niệm của Hồng Hưng đánh thức khả năng lĩnh hội tác phẩm bằng tri giác, lý trí, nhưng không lấn át sự tiếp nhận hình tượng bằng cảm xúc. Có được như thế là vì ông không biến tác phẩm thành xưởng thí nghiệm của ngôn ngữ cấu trúc và khả năng biểu nghĩa của nghệ thuật thuần túy. Trong nhiều trường hợp, tôi thấy Hồng Hưng vẽ ngựa tựa như để thể hiện một ý niệm vụt hiện nào đó. Hàng loạt bức vẽ của ông giống như những bản tốc kí dùng đường nét để ghi lại những ý niệm vụt hiện như vậy. Có điều, những ý niệm vụt hiện trong các bản tốc kí riêng lẻ ấy bao giờ cũng chỉ là những giải tần tỏa ra từ một ý niệm bao trùm. Đó là ý niệm về cách thế hiện hữu của con người và vạn vật trong trời đất. Ý niệm này làm thành tư tưởng trung tâm, nhất quán, chi phối dường như hầu hết sáng tạo của Hồng Hưng. Cứ nhìn vào nhan đề hàng loạt tác phẩm được trưng bày trong triển lãm gần đây của ông mà tôi vừa nhắc tới ở trên cũng đủ để ta nhận ra điều đó: “Tất Đạt Đa Cổ Đà”, “Tâm không”, “Mưa gió không sờn”… Trong tranh vẽ ngựa của ông, cách thế hiện hữu của “ngựa” được diễn tả vừa như cách thế của một khái niệm, của chữ “马”, vừa như cách thế của một sinh linh. Ta hiểu vì sao, xem tranh của ông lắm khi rất khó biết tác giả muốn nói chuyện ngựa, hay chuyện người. Là một sinh linh trong trời đất, ngựa, cũng như người, có muôn vàn cách thế hiện hữu. Những cách thế ấy vừa là của nó, do nó tạo ra, lại vừa do hoàn cảnh xô đẩy, rồi nhờ sự chiêm nghiệm từ góc nhìn cá nhân với cảm hứng riêng của nghệ sĩ mà trở thành hiện thực nghệ thuật. Chính việc diễn tả cách thế hiện hữu của ngựa như một sinh linh như thế đã giúp tranh ý niệm của Hồng Hưng mở rộng cánh cửa để công chúng tiếp nhận hình tượng nghệ thuật bằng cảm xúc.
“Đọc” tranh ngựa của Hồng Hưng, cảm xúc thẩm mĩ trong tôi được khơi dậy từ hai xu hướng cảm hứng: bi hài và siêu việt. Hai xu hướng cảm hứng này vừa đối lập, tương phản, vừa thống nhất hữu cơ với nhau. Đúng là Hồng Hưng có không ít bức vẽ hài hước, ẩn giấu nụ cười hóm hỉnh, ví như bức vẽ ngựa mà nhìn vào lông bờm mọc lên tua tủa như giáo mác từ đầu tới tận đuôi, tôi cứ băn khoăn, không biết đó là con ngựa, hay con nhím đang gồng mình tự vệ. Lại có bức ông vẽ con ngựa, không hiểu sao tôi cứ đinh ninh đó là “ả ngựa” đang tung bờm quẫy đuôi, dạng háng, chổng mông về phía cử tọa. Nhưng bi hài nhất vẫn là cách thế hiện hữu của những chú “Ngựa thời bình”. Thời chiến, ngựa là “chiến mã”! Thời bình, ngựa hóa thành “Ngựa xe”, vó ngựa thành “chân gỗ”. Tôi nghĩ, nghệ sĩ biết cười là nghệ sĩ hiểu rõ giới hạn của kiếp người, nhưng cũng là nghệ sĩ biết kì vọng và giàu mơ mộng. Cho nên, xu hướng chủ đạo trong tranh ngựa của Hồng Hưng là cảm hứng về cái siêu việt. Cái siêu việt thể hiện ở cách thế của ngựa ở “chí” và “khí”. Trong tranh của ông, có con ngựa như phẫn chí. Nó vươn mình, tung bờm, rướn vó, vươn cổ lên trời mà hí. Ngắm tranh ta không còn có cảm giác về ngựa, mà chỉ thấy cái “chí” bị dồn nén trong lòng, khi “chí” thoát ra thành “khí” thì cuồn cuộn thanh động cả vũ trụ. Cái siêu việt còn biểu hiện ở cách thế của hành động. Hàng loạt bức tranh của Hồng Hưng diễn tả tuyệt vời hành động kiêu hùng đầy khí phách của ngựa, ví như “Ngựa tuần đêm”, “Đón bão”. Cuối cùng, cái siêu việt thể hiện ở sự hòa hợp, hòa điệu, hòa thanh của tạo vật. Nhiều bức tranh ngựa của Hồng Hưng ví như “Nhong nhong ngựa ông đã về”, “Chấm chấm”, “Vó nhạc”, “Đón nắng”, “Trăng kịp về” , “Yêu”… thực sự trở thành nơi gặp gỡ của thơ, nhạc và họa. Những bức tranh như thế tự chúng cất lên lời thơ, tấu lên âm nhạc về sự hòa thanh, hòa điệu như một cách thế hiện hữu của tự nhiên và vũ trụ.
Hai mạch cảm hứng tương phản - ở cực này là cảm hứng hài hước pha chút giễu nhại, cực kia hướng tới cái siêu việt - tạo thành vẻ đẹp trẻ trung, trong sáng trong loạt tranh vẽ ngựa của Hồng Hưng. Đó là nghệ thuật giải thiêng, giải nghi lễ của ngôn ngữ truyền thuyết, ngôn ngữ thần thoại trong hội họa. Giai thoại thú vị không hẳn ở câu chuyện, mà chủ yếu ở tài năng của người kể chuyện. Cúng như vậy, điểm thú vị trong tranh Hồng Hưng không nằm ở con ngựa được mô tả, mà ở cách mô tả để tạo ra một con ngựa riêng của nghệ sĩ.
Hà Nội, tháng 4.2022
Lã Nguyên
Hs Phan Nguyên
Tôi xem tranh của hoạ sĩ Phannguyên Psg trên trang facebook của ông.
Ông vẽ trừu tượng. Tranh của ông dẫn người xem vào các không gian khác nhau, những không gian hỗn mang đang được lý trí phân chia sáng tối, phân chia trật tự và hỗn độn.
Cách biểu hiện trừu tượng như thế làm người xem thấy ngay tranh của ông không chỉ vẽ trừu tượng bằng cách nhắm mắt múa bút tuỳ rung động của trái tim truyền ra đôi tay, mà có biểu hiện dứt khoát của mảng nét, của tư duy trừu tượng từ trí tuệ, cho dù diện tích mặt tranh của ông đầy kín cảm xúc như buông thả hết cho ngẫu hứng.
Tranh của Phan Nguyên không dành cho những hưởng thụ hoà sắc vui nhộn tươi sáng như tiệc tùng của thị giác, không gợi sự hoan lạc của hoà sắc.
Ông không tuỳ tiện tung tẩy màu và hình. Ông suy tính kỹ lưỡng bố cục, đường nét, màu, hình thể, những quan hệ tương phản. Đặc biệt kỹ với tương phản sáng tối. Tuy suy tính kỹ lưỡng thế tranh của ông vẫn tràn ngập cảm nhận hỗn mang, đưa người xem tranh vào trạng thái cùng tác giả đi tìm cái rốt ráo quan trọng nào đó tuỳ tâm tưởng.
Tôi đã xem đi xem lại những tác phẩm của ông, lần nào cũng gặp gỡ cảm nhận như ông đang “đi tìm/ đang tìm” điều cốt lõi nào đó của cuộc sống. Tôi cảm thụ thấy sự “ đi tìm” trong tác phẩm của của ông toả ra rất mạnh từ nội tâm sung mãn.
Sung mãn tới mức cái đẹp ở tranh của ông như không còn quan tâm tới sự ngọt ngào như kiểu tranh lụa. Những bố cục tương phản sáng tối cực mạnh có ranh giới là đường thẳng cực đoan, đã gây cảm giác về vẻ đẹp như “phê thuốc” của riêng ông.
Tác giả đã ngừng vẽ, tranh đã đóng khung để đó trong tĩnh lặng, nhưng cảm xúc “đang tìm” của Phan Nguyên luôn toát ra từ hội hoạ của ông như muốn nói : “Tôi không mời bạn tham dự bữa tiệc thị giác, tôi mời bạn cùng tôi đi tìm cuộc sống cần cái gì ở nghệ thuật hội hoạ.“
Phan Nguyên không phải hoạ sĩ duy sắc và cũng không duy hình. Tranh của ông thuần tuý vì cảm xúc của ông. Như tôi đã từng viết : “Không có tranh , không có tượng. Mà chỉ có cảm xúc của nghệ sĩ toát ra tương tác với người xem”. Hầu hết tác phẩm của ông đều thể hiện nội lực mạnh mà trầm bởi cách sử dụng hiệu quả tương phản của ánh sáng.
Phan Nguyên vẽ như thế và ông sống cũng tình cảm nội lực như thế. Khi ông còn định cư ở Pháp, khá đông văn nghệ sĩ hai miền khi qua Paris đều được ông mời về tư gia tiếp đãi vui ân cần thân ái.
Trên đã nói Phan Nguyên không duy sắc. Tranh ông nhiều mảng lớn đơn sắc vần vũ với ánh sáng tạo cảm thụ mông lung sâu rộng.
Và như thế ông là một hoạ sĩ “trừu tượng duy cảm với không gian vũ trụ”
Trong cái đẹp hỗn mang rất xa xôi đó có nhiều bức như khoảnh khắc khởi thuỷ của tối và sáng đang tách ra khỏi nhau. Như phút giây đầu tiên của ngày và đêm.
Những mép biên mảng sáng tối thẳng tắp trên tranh phân chia gần xa, nóng lạnh. Trong những mảng tranh như mây khói vẫn cho thấy ngay ở đó những nét kỷ hà không thuộc về tự nhiên, mà là trí tuệ bố cục phân vùng rạch ròi thể hiện ý chí chủ quan.
Đó là những hình tròn quay com pa, hình vuông, đường kỷ hà, góc 90 độ của hình học, là tư duy trừu tượng của não bộ con người.
Có thể ví tranh trừu tượng có chỗ giống âm nhạc không lời. Đó là tinh cảm và lý trí luôn quan tâm đồng thời khi sáng tác . Nhưng khác ở chỗ âm nhạc được cảm thụ theo thời gian, nên tưởng tượng của người nghe có phần phụ thuộc vào giai điệu.
Hội hoạ được cảm thụ bằng cái nhìn chụp tổng thể. Tức khắc trong một cái nhìn thấy tất cả. Nên cái nhìn không lệ thuộc thời gian và giai điệu như thế có sức tưởng tượng chủ động khôn lường ngay từ đầu.
Vì thế mà mỗi cá nhân thưởng ngoạn hoạ phẩm trừu tượng có thể tưởng tưởng theo cảm thụ riêng, không ai giống ai.
Khối lượng tác phẩm đã sáng tác của ông cộng dồn từ khi tóc còn xanh tới bây giờ cũng khá nhiều. Khoảng 400 bức với nhiều thể loại, có cả đắp nổi và khắc sâu. Ông cũng vẽ theo những tệp những nhóm cảm hứng khác nhau. Ví dụ như bộ tranh “Bốn mùa” hay bộ tranh “Espace 2000”
Ông nói với tôi, mỗi bộ tranh có thể vẽ tới hàng chục bức…
Tôi cũng mới quen biết ông từ sau đợt thành phố HCM ngưng phong toả covid . Tôi ngạc nhiên khi thấy ông giao lưu với rất đông văn nghệ sĩ từ trẻ tuổi đến cao tuổi khắp hai miền Nam Bắc ở cả hai chế độ trước và sau 1975.
Tôi đã gặp ông đúng vào thời điểm ông “buông kiếm”, không còn vẽ gì nữa. Và ông đã nói: “Tôi đã ngừng bán tranh từ hai mươi năm nay.
Hong Hoang
Vung Tầu 22/4/2024
Con người ta trong lịch sử, kể cả các chính thể, đã dùng rất nhiều mặt nạ, và cách dùng mặt nạ quá ư linh hoạt, hợp thời thượng, hợp hoàn cảnh, hợp mục đích và mưu cầu, duy nhất một mặt thật chỉ có chủ thể nó biết. Con người ta hôm nay còn biến hóa siêu đẳng hơn nữa, đang da đen mai kia có thể thành da trắng, Thị Nở qua một cuộc phẫu thuật có thể trở thành Phạm Hương hoặc Ngọc Trinh, có vài người chỉ qua một đêm ngủ ở Hoa Lư sáng mai trở thành “thần thơ”, một thế giới hộn độn ngày càng biến dịch bằng bạo lực và xảo ngôn, đẩy con người (tha hóa) đi xa nguồn gốc (bản thể). Qua một chặng đường mưu danh cầu lợi dằng dặc như vậy, đi tìm lại cái Tôi của mình, quả là một vấn đề đau đớn không chỉ là của lương tâm mà cả của nhân cách. Xác minh cái Tôi, tôi là ai, tôi là tôi hay tôi là người khác, là bạn hay là một người nào đó không xác định? Đã có ai đặt ra vấn đề đó chưa? Không nhiều và trong văn học còn ít hơn (Trường hợp Nguyễn Khải – Đi tìm cái tôi đã mất)…
Nghĩ đén vấn đề này tôi chợt nhớ đến truyện ngắn Chữ kí của Hồng Hoang (họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng) in trên Văn nghệ cách đây hơn 20 năm. Một họa sĩ và một nhà thơ là bạn của nhau đã lâu, cũng thường xuyên gặp nhau nhưng cái lần họa sĩ tìm đến nhà của nhà thơ chỉ mới không gặp nhau độ hơn một tháng, tức là thời gian không dài để có thể không nhận ra nhau theo lẽ thông thường. Nhưng ở đây hai người bạn đã không nhận ra nhau, dù đã tra vấn nhau đủ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở…vẫn chưa chắc chắn xác minh được bạn là bạn thật không. Hai bên luôn phải kêu lên “ sao trùng hợp quá nhỉ”, tức là đã có một khuôn mẫu chung nào đó trong xã hội, một con người chung chung cho mọi người, và sắc thái riêng, cá tính đã tự / phải xóa đi. Cuối cùng để xác minh bạn là ai, đúng là họa sĩ Thủy và nhà thơ Cương không, hai bên phải dùng đến chữ kí.
Với “Chữ kí”, truyện ngắn chỉ trên ngàn chữ giống như một thông điệp khoa học, Nguyễn Hồng Hưng đã nói rất sớm rằng những thay đổi sẽ rất ghê gớm, màu da, màu mắt, khuôn mặt, thậm chí vân tay…có thể thay đổi, những chỉ dấu cá nhân hóa trở nên mong manh, con người có thể dễ dàng lạc mất nhau, lúc ấy người ta nhận biết nhau bằng mã gien, mã vạch, số căn cước, số hộ chiếu chẳng hạn.
Một số truyện ngắn của Hồng Hoang đều là cách anh mã hóa những vấn đề trong tương lai hoặc hiện tại. Sợi dây trong truyện “Sợi dây” là cách Hưng mã hóa cái trò chơi này, sợi dây cũng là hiến pháp, pháp luật, những nghị định, chỉ thị và rộng hơn có thể thêm khế ước, nói chung là những qui tắc cấm để xã hội trật tự. Tuy nhiên pháp luật áp đặt cho toàn xã hội nhưng không phải giai từng nào cũng như nhau, giai tầng cai trị lợi thì giai tầng bị trị thiệt, vì giai cấp cai trị bao giờ làm luật cũng có lợi cho nó, chính là Marx nói vậy. Để giảm sự chống đối của giai cấp bị trị, nhà nước nói chung, có rất nhiều thủ pháp mà một trong những thủ pháp đó là, kích thích sự lên đồng vô thức của đám đông, cuối cùng trở thành “ hội chứng của đám đông” ( Freud). Có gần 30 bệnh nhân tâm thần xuất viện, nhưng trước khi về với xã hội, hãy chui qua sợi dây được vẽ bằng phần trắng trên nền đất. Mọi người háo hức bắt đầu chui. Thực tế là ai cũng bị trầy da chảy máu không trán thì mũi nhưng không ai qua nổi và cũng không ai phủ nhận cái sợi dây nghiệt ngã và vô lí đó. Tất cả đều lên đồng, hò nhau chui, chui.
Dường như truyện ngắn của Hưng không mô tả hiện thực mà muốn lĩnh hội hiện thực hay nắm bắt tinh thần của nó, ngưới ta phải giải mã những cái mà Hưng đã mã hóa. Có những truyện Hưng đưa ra chi tiết, học trò phải đọc cuốn sách mà giở mãi mới thấy ba chữ “Thật chí lí” giở tiếp nữa thì thấy: Hết quyển thượng. Không biết quyển hạ thế nào đây? Ngơ ngác, người đọc chỉ có ngơ ngác khi chúng ta quen đọc theo lối xã hội học. Truyện ngắn khác “Vâng, cuốn theo chiều gió” là con người bất lực trước thực tại và trước bạo lực, nhưng tác giả lại hài hước hóa sự bất lực ấy. Tư tưởng này có lẽ Hưng bị ảnh hưởng từ AQ của Lỗ Tấn, Lỗ tấn đã hài hước hóa sự bạc nhược của con người.
Tiếc rằng Hưng không theo đuổi lối viết này nhiều hơn. Trong 30 truyện anh công bố rải rác trên các báo, chỉ có độ dăm truyện theo hướng này, vì một lí do rất đơn giản, rất khó in. “Truyện mơ màng” là một truyện ngắn bình thường nhưng đọc như thơ, văn chương đầy màu sắc của một họa sĩ, lại được tuyển vào các tập truyện ngắn hay, in đi In lại mấy lần. Còn những truyện hay của Hồng Hoang như tôi thấy, đều bị bỏ qua. Năm 1990, tôi và Hưng đi chơi ở Ninh Bình, rồi vào thăm trại điều dưỡng bệnh nhận tâm thần, có một vạch phấn vạch dài trên trần nhà, rất lạ, chỉ có người bệnh mới hiểu được. Hưng về bận vẽ và nặn tượng, 2 năm sau mới thấy đưa cho tôi đọc “Sợi dây”, đưa cho báo nào cũng đều chê khó hiểu, Hưng đổi tên thành “Truyện dễ hiểu”. Đã là truyện dễ hiểu, không lẽ chê là khó hiểu, thế là được in.
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Nguyễn Hồng Hưng bộ ba chơi với nhau từ ngày còn rất trẻ, thuở hàn vi, khi túng tiền rủ nhau đi buôn, đi thu tiền điện, vẽ áp phích, làm biển quảng cáo, vẽ thuê ở triển lãm Giảng Võ và Bảo tàng Quân Đội… Hưng đặt tên tập truyện ngắn đầu tay của Hoài là Mê lộ (NXB Phú Khánh 1989), trong một số truyện có hình bóng Hưng, Hoài ghi “Tặng Nguyễn Hồng Hưng” ở trang đầu trong bản in. Hưng cho tôi mượn Mê lộ, tôi lờ đi không trả, 20 năm sau, Hưng bắt tôi gửi bưu điện trả sách. Trong tập truyện ngắn đâu tiên của Nguyễn Huy Thiệp cũng có dòng đề tặng Nguyễn Hồng Hưng “mười truyện ngắn ở bản Hu Tát”. Sau này không thấy Nguyễn Huy Thiệp và Pham thị Hoài đề tặng truyện ngắn cho ai nữa.
Hưng hiện là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường Đại học ở Sài Gòn, người đặt nền móng cho môn học “Nguyên lý thị giác” khởi đầu từ trường Đại học Kiến Trúc TP HCM. Hưng tâm huyết viết sách công cụ, viết truyện là khi nghỉ ngơi nổi hứng, nhưng với những gì Hưng có, Hưng đã đi một con đường nghệ thuật riêng, không giống ai và cũng không ai giống được. Những truyện ấy là chữ kí văn học của anh, mã vạch của anh, phải nhiều năm sau người ta mới nhận ra thông điệp của anh khi đã lạc mất nhiều thứ. .Dưới đây là môt chuyện ngắn viết về tâm lý những người điên của Hông Hoang, tôi giới thiệu lối viết độc đáo của Hồng Hoang và cũng để minh họa cho bài viết này
Bữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã ở đoạn kết, mọi người dự cuộc vẫn chưa hết lưu luyến.
Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.
Chỉ vì, sức khỏe của họ đã không chịu nổi lòng tốt của họ, nên đâu đấy trong sự thái quá của ý chí họ đã bị bệnh tâm thần. Nhưng thôi đó là chuyện cũ kĩ, chuyện của trước kia, còn bây giờ thì ổn cả rồi.
Ngày hôm nay họ tập trung ở căn phòng này, với chứng chỉ sức khỏe tốt, tâm thần họ đã trở lại bình thường. Trong bầu không khí vui chung, hồ hởi, phấn khởi tất cả những cái mắt vui vẻ nhìn nhau tin tưởng.
Bỗng có một người nói:
- Tôi có tiền đây.
Một số người nói: " thế à", một số khác nói "hay lắm", cũng có người lặng thinh.
Thấy vậy người vừa nói đó nói lại to hơn, như hô một khẩu lệnh:
- Tôi... có tiền đấy.
Cả nhóm người có vẻ như cùng ngơ ngác một chút. Trong nhóm có tiếng trả lời cũng to như thế:
- Hay lắm, gọi bia tiger gọi thêm đồ nhắm, chúng ta sửa đổi bữa ăn sáng thành buổi liên hoan. Thưa các bạn, chúng ta kéo dài ra cái vui vẻ này.
Thật đúng là cho dù ở đâu thì hễ có tiền là niềm vui có thể được kéo dài thêm ra, và kéo dài cho tới khi người nói câu "tôi có tiền đây" lại tự nhiên đứng lên giữa cuộc tiệc hét to:
- Thôi chết rồi!
Thấy mọi người mải vui vẻ không để ý mấy, ông ta hét to hơn:
- Thôi... chết... tôi rồi!
Bây giờ thì cả nhóm người mới lại ngơ ngác một chút, giống như lúc trước. Người đã từng bình tĩnh hô to "Hay lắm, gọi bia tiger..." thì bây giờ vẫn hô to: bình tĩnh.
- Này bạn kia! chết rồi cái gì đấy?
Người có tiền trả lời toáng lên:
- Hết tiền của tôi rồi!
Cả nhóm người vẫn im lặng.
Trong sự im lặng chung ấy, có tiếng nói nghe rất rõ: Đề nghị mọi người trật tự, và tất cả đã trật tự ngay, ước chừng trật tự kéo dài được độ ba mươi giây. Kế liền đó là một người khác đứng lên. Ông này là bạn đồng hương và đồng bệnh của ông vừa yêu cầu mọi người trật tự. Hai người này làm cùng cơ quan, cùng vào viện tâm thần một ngày nhưng ở khác buồng. Hôm nay họ lại cùng xuất viện để tái hòa nhập vào xã hội.
Ông ta đứng giữa đám đông, để một tay lên ngực nói:
- Thưa các bạn đồng bệnh... Có cuộc vui nào không kết thúc, hỏi?
Thấy không ai trả lời được, ông hạ giọng xuống và nói âu yếm:
- Chúng ta sẽ sống có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết mở ra liên tục những cuộc vui, không chỉ cho riêng ta mà cho cả mọi người. Thưa các bạn một khi ta biết tổ chức tốt, ta sẽ có tất cả. Phải không các bạn?
Trong đám đông nổi lên tiếng xì xầm: Tay này khá đấy. Tay này cũng văn chương lắm đấy.
Kệ cho mọi người xì xầm, ông ta dùng cái tay đang đặt sẵn lên ngực từ trước, tự đập liên hồi vào chỗ trái tim rồi nói tiếp:
- Thưa các bạn, như tôi đã nói với các bạn, và như các bạn đã biết, cuộc vui nào cũng có lúc kết. Chúng ta nên kết bữa liên hoan sáng ở đây và theo tôi mở ra cuộc vui mới không cần tiền, chỉ cần một viên phấn. Điều quan trọng là phải có quyết tâm, nhất trí cao. Thế nào các bạn đồng bệnh đồng ý không?
Tất cả đều đã trật tự và nhất trí cao. Ông đang nói lại tiếp tục nói:
- Nào nữ đồng chí đứng gần cửa, ra ngay phòng trực ban điều (xin) một viên phấn vào đây.
- Chỉ một loáng sau ông ta có phấn trong tay. Ông yêu cầu tất cả cùng bắt tay thu dọn mặt bằng cho thoáng. Ông lấy phấn vạch một đường thật rõ xuống sàn xi măng rồi nói:
- Tất cả chúng ta sẽ chui qua sợi dây này. Ai chui qua được, người đó sẽ có danh dự cao quý nhất.
*****
Hôm nay có vị khách trên bộ đến thăm Viện. Bà Viện trưởng đã mời vị khách quý tham quan những hơn mười người đã lành bệnh đang ở phòng chờ xuất viện.
Tới nơi, mọi người và vị khách đều ngạc nhiên khi thấy tất cả nhóm lành bệnh ấy đang ngồi trên sàn với đủ dáng vẻ: ôm đầu, tựa gối, trán nhăn mắt nheo, trông rất suy tư, mà chóp mũi của ai ai cũng máu chảy toe toét dính lẫn với bụi phấn trắng.
Cái ông bầy ra trò chơi chui qua dây vẽ, đã đàng hoàng tự đứng ra thay mặt mọi người tiếp đón và trình bầy hoàn cảnh. Vị khách cũng thấy có buồn cười, nhưng vẫn vỗ vai ông ta khen: "KHÁ". Còn bà giám đốc lo lắng nhìn vị khách quý trên Bộ. Bà biết không thể cho bệnh nhân ra viện với cái mũi bê bết máu như thế. Vị khách cũng biết. Nhưng ông hiểu khác, ông an ủi bà: Đồng chí đừng lo, không sao cả. Bây giờ chúng ta chỉ cần chữa mũi thôi. Họ giờ đây đã biết nghĩ cả rồi, đồng chí cứ tập trung họ ở đây điều trị cho lành mũi rồi xuất viện luôn.
Thuốc mỡ loại tốt làm lành da rất mau. Những cái mũi đã mài xuống sàn xi măng sẽ được liền da ngay sau lúc bôi thuốc chỉ độ mươi giờ đồng hồ. Điều quan trọng là những vị đó phải ngừng ngay việc chui qua sợi dây vẽ kể từ khi mũi đã được bôi thuốc.
Một tuần qua rồi, hơn mười cái mũi ở phòng chờ xuất viện vẫn tóe máu, bà Viện trưởng nghĩ ngợi lung lắm về sợi dây. Một chiều ráng mỡ gà kia bỗng bà cười to một mình và nói: "hay lắm" chồng bà không hiểu, ông hỏi bà: Gì thế mình? Bà trả lời: họ phải chui qua cái dây mình ạ! Ông nhướng cao cặp lông mày đợi bà giải thích. Bà chỉ cười nói "hay lắm" Nhưng bà cũng nhìn ông và cũng hiểu ông chưa hiểu bà. Bà nói: Mình ở chuyên môn khác không hiểu đâu, phải có cùng tầm tư duy với họ mình ạ. Vấn đề vẫn là "quan niệm" thôi, thật vậy đấy mình ạ. Mình yêu ơi! Mình làm gì cũng nhớ hộ em câu này: "Quan niệm là điểm tựa của hành động" đấy mình.
Mai mình đưa em đi làm và đón em về nhé, dần dà rồi mình sẽ hiểu nghề của em.
Còn chồng của bà lại rụt rè nghĩ rằng "xin đừng cho tôi một điểm tựa... tôi mệt lắm rồi".
*****
Ông chồng của bà Viện trưởng viện tâm thần vẫn đều đặn đưa đón vợ trên đường đi làm của ông. Ông thường kể chuyện với mọi người ở cơ quan ông về phương pháp điều trị xuất sắc của vợ, về sợi dây vẽ, về những cái mũi...
Ai cũng biết vợ ông đã vẽ sợi dây khác lên trần nhà và những vị sứt mũi kia đã sung sướng, đã thoải mái vì vấn đề được giải quyết thỏa đáng. Những người được xuất viện đã tái hòa nhập vào xã hội.
Ông còn kể rằng: Các cậu biết không? Có một bệnh nhân đã được điều trị lành bệnh, vợ tớ cho làm người giúp việc riêng. Có lần ở phòng cô ấy mất điện, tay giúp việc đó trèo lên treo người vào móc đèn, vợ tớ bảo hắn xuống mau, hắn nói: Ồ không được em còn đang tỏa sáng để chị làm việc mà?
Vợ tớ nhăn trán, nhưng không lâu đâu, ước chừng khoảng ba mươi giây, rồi tiếp tục làm việc vì cô ấy hiểu ra ngay là anh ta lấy thân mình thay thế bóng đèn.
Tớ hỏi vợ tớ: Sao mình không cho hắn xuống? Vợ tớ trợn tròn to mắt lườm tớ gắt giật cục: Mình thật vớ vẩn cho hắn xuống để mất điện à? nghĩ ngợi một lát (cũng không lâu đâu chừng khoảng ba mươi giây) vợ tớ dịu mắt xuống thành đột ngột mơ màng đổi sang giọng dịu dàng âu yếm nói với tớ:
Chẳng nhẽ mình không thấy được tinh thần tuyệt vời của anh ta sao?
Các cậu thấy không vấn đề là quan niệm thế nào thôi.
Khi ta đã có một quan niệm tốt thì... ờ Vợ tớ nói đúng một khi hiểu đúng tầm cỡ tư duy của họ và cùng tư duy ngang tầm với họ thì có gì là không ổn nào...?
Hanoi Noel 2016
Bầu trời cao xanh bát ngát khí trời lạnh lạnh mưa thưa lất phất, trên đồng cạn dưới đồng sâu, cây lúa lớn mạnh nhẹ nhàng mơn mởn trong cái rét se se, làng quê hòa vào tứ thơ bất hủ.
Khi việc chăm lúa trên đồng đã vãn, nhà nông mỗi nhà nhiều việc riêng tư. Người siêng thì làm nghề phụ kiếm tiền, người chơi nhóm họp bạn bè. Đất quê trồng lúa đâu đâu cũng nhiều nghề phụ. Mộc, nề, đan vá, thêu may, nấu rượu, làm dấm làm tương, làm đậu phụ, làm bún miến, làm ngựa xe vàng mã, làm kẹo quê, bánh quê... chờ phiên chợ. Còn những người chơi tụ họp đây đó uống rượu chơi cờ, thả diều, chơi chim, chơi cây... Ấy là chưa kể tới đám người đam mê luyện võ, côn quyền huỳnh huỵch sân vườn.
Sáng chiều cữ giờ đến trường và tan trường, học trò quê khăn đỏ, áo trắng, quần xanh chân mang dép nhựa từng nhóm đi về xôn xao ngõ xóm.
Trời giấc này rét đậm, giấc ngủ về đêm thật ngon, khi ngủ thật ngon không ai muốn dậy. Trời càng lạnh người người ngủ càng say. Khi nhân gian đang ngon giấc nồng là khi hai bố con nhà ông hành nghiệp gia truyền, mưu "hốt của thiên hạ". Nghiệp này khởi từ đời ông nội, vì ông nội là tổ nghiệp nên trong họ ông gọi là "Tổ Nội" cũng có khi gọi là "Nội Tổ". Nghiệp của "Tổ Nội" truyền tới anh con trai độc của ông là bốn đời.
Đời khởi nghiệp: Tổ Nội (Nội Tổ).
Đời kế nghiệp I: Cụ thân sinh ra ông.
Đời kế nghiệp II: Ông.
Đời kế nghiệp III: Anh con trai độc của ông.
Một nghiệp gia truyền bí mật chỉ đắc lợi khi trổ ra vào những đêm lạnh đẹp trời.
"Tổ Nội" thủa thiếu thời được nuôi ăn học tới độ đọc thông được cả tiếng tây tiếng tàu. Tổ Nội hay trốn học và thích đọc những sách mà phần đông người đời cho là nhảm, hoặc những sách kín truyền tay. Ông có nghe cụ thân sinh ông kể, Tổ Nội từng nói thích đọc sách của những hạng tác giả quái đản hoặc có cuộc đời tê buốt từ thủa bào thai. Tổ Nội có những sở thích chẳng giống ai, hay sưu tầm những câu ca trong nhân gian nói về việc trộm cắp. Tổ Nội đã tuyển chọn ở đâu hoặc bịa ra một câu gọi là mật ngôn gia truyền bí truyền tới đời anh con trai của ông bây giờ.
mật ngôn được viết bằng son tàu thắm đỏ trên giấy xuyến chỉ có bôi mủ sung viền mép được để cùng với vật bùa trong một hòm gỗ nhỏ bịt đồng thau bốn góc. Hòm có kích thước 15cm x 15cm x 40cm, có hai đai đồng thau ôm ngang vòng quanh đúc liền với bản lề và hai ổ khóa chìm có hai chìa riêng chắc chắn. Hòm gỗ đó được giấu kín trong khoang trống của bàn thờ có hai tấm hậu, khi nhìn từ bên ngoài không thể nhận ra có khoang kín phía sau.
Mỗi năm một lần vào nửa đêm chính giữa giờ tý hai bố con ông cùng khấn Tổ nghiệp - Khấn vật bùa - cùng đọc mật ngôn xin vật bùa chỉ hướng đi hành nghiệp gia truyền.
Đêm nay ông và anh con trai đang chờ giờ thiêng là thời khắc "chính tý" để khấn xin hướng đi. Ông nằm chờ trong buồng kín nơi đặt chiếc bàn thờ hai ngăn, trong đầu nghĩ toàn chuyện cũ. Anh con trai chờ ở gian nhà ngoài để cửa đóng một cánh mở một cánh nằm ngắm sao trời. Trong đầu anh toàn nghĩ về những khoái cảm ân ái với người tình, còn miệng hát du dương vài câu dở òm "Trời mùa thu... Việt Nam buồn lắm em ơi... mây trắng bay ngang lưng trời...."
Ông nhớ mùa này năm ngoái cũng đúng là lúc chờ giờ thiêng hai cha con đã bất đồng quan điểm dẫn tới mâu thuẫn gay gắt. Nguyên nhân là tại ông (thực ra chỉ tại thời tiết) ông đã can thiệp thô bạo vào tự do yêu đương của anh con trai. Ông đã nói như thế này với anh con trai:
- Sau chuyến đi đêm nay anh hãy chấm dứt tình yêu với "người đẹp cao tuổi" của anh đi. Người đẹp của anh hơn em gái tôi hai tuổi cơ đấy, anh có định lấy vợ về làm mẹ không thì bảo? Hỏi! Tiếng hỏi lên giọng cuối câu này là dư âm của Tổ Nội. Xưa Tổ Nội cũng có những tháng năm dạy học tại nhà. Chuyện kể lại rằng cụ thường đập mạnh cây thước kẻ lớn xuống bàn, miệng hô "Hỏi" rõ to vào lũ học trò ở tuổi thối tai chốc đầu. Đó là những ngày tháng êm đềm. Còn bây giờ sau tiếng "Hỏi" dư âm, anh con trai kiêm đồng nghiệp của ông đã thẳng thắn vô tư nói:
- Bố thích rồi hả? Bố thích không? Nếu bố thích cứ nói thật một câu, con sẽ nhường cô ta cho bố.
Ông chợt nhận ra mình chưa đểu bằng anh con trai. Đâu đó trong thẳm sâu nơi ông vẫn còn sót lại chút ít cái gì đó thôi thúc ông phải chửi thẳng vào mặt anh con trai:
- Anh là đồ khốn nạn, tôi thật ân hận... (ông dừng một chút không nói rõ vì sao ân hận rồi lại chửi tiếp)... Trời ơi... sao anh đểu được tới mức ấy! anh còn đểu hơn tôi nhiều.
- Bình thân đi bố, con không nói chơi đâu, bố nên học lại "chiêu" luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu. Con nghĩ chắc bố lại nôn nao nhớ cô bồ "non" đã giã từ bố mà đi hồi hai năm về trước. Cô ấy thật đẹp và trẻ quá, chỉ đáng tuổi em gái con vậy mà bố chiều cô ta tới mức "Thuốc" con gọi là "mẹ trẻ". Tởm bố thật. Con thấu hiểu bố, thông cảm với bố vì mẹ con qua đời sớm (xin được chú thích rằng các nàng dâu trong dòng họ nhà ông đều nhan sắc hơn người nhưng không một ai thọ quá tuổi ba mươi. Và cũng không một ai hay biết gì về nghiệp kín nhà ông. Họ làm dâu trong gia tộc nhà ông chỉ để đẻ). Con đã từng bảo bố chướng lắm, thôi béng cô ta đi vì "con đĩ non ấy chẳng ra gì". Bố đã gầm lên như rồ, cầm dao phay rượt đuổi con. Khi con không chạy nữa, đứng lại đối mặt thì hình như bố sợ, đúng không? Sau bố đã đổi "chiêu", bố "Thuốc" con bằng một bài học sâu sắc về tương quan giữa loài cá với tuổi tác của phụ nữ. Thế bây giờ Bố còn nhớ... hay bố đã quên? Anh còn ngân nga hát : “ Bố còn nhớ…ơơ ớ ơ ..hay bố đã.ã..ã…quyên….
- Anh câm mồm, anh cút đi khuất mắt tôi.
- Kìa bố! Bố đừng nóng, thế bố có nhớ... bố nói gì không?
- Anh thật chó đểu, số tôi giời đày phải có người con như anh.... Như anh... Như...... a..a.. anh!
- Hạ hỏa đi bố, nếu bố quên rằng đã từng "Thuốc" con bằng thuật hùng biện hết tầm mức, hết sở trường của bố như thế nào, con sẽ nhắc để bố nhớ là đã nói rất thú vị và rất thuyết phục về đàn bà và loài cá. Bố còn nhớ... hay bố đã quên? Mà nếu Bố không muốn nghe những ý đẹp lời hay của chính bố thì thôi vậy. Thời tiết này đang rất thuận lợi cho nghiệp nhà, bố con ta cần tránh mất đoàn kết. Đi nốt lần này nhà mình sẽ chuyển ra định cư ở thành phố bố nhé.
- Anh nói cái gì? Cơ nghiệp đang to lớn vững chắc thế này ở quê không sướng ư! Tại sao phải ra thành phố bụi bặm ồn ào?
- Bố không quan tâm tới tương lai hạnh phúc của con rồi. Ở thành phố ai ai cũng xa lạ, ai ai cũng là người khác, con sẽ thoát được những lời xì xầm về tình yêu với "người đẹp cao tuổi". Bố mà không đi con vẫn cứ đi. Bố phải hiểu là thời nay con cái đặt đâu thì bố mẹ phải ngồi đấy.
- Anh đểu quá rồi đấy, miệng lưỡi anh ráo hoảnh, sắc lẻm chắc anh sẽ giết tôi không cần dao... Trời ơi con tôi đã thành giặc trong nhà. Con tôi đã thành giặc trong nhà tôi rồi... Trời ơi...
Ông thốt lời thất vọng mà lòng không còn trách ai được. Ông đau buồn ngồi cúi gập mái đầu chưa bạc mấy xuống hai lòng bàn tay để ngửa trên đầu gối.
Ấy là chuyện cha và con mâu thuẫn từ năm ngoái, bây giờ đây bất giác ông thấy mình cũng ngồi y như vậy. Ông nhớ ông đã từng nói với anh con trai "anh đểu hơn tôi nhiều". Anh con trai đã giả nhời giản dị.
- Bố chỉ được cái nói đúng, con là con của bố mà lỵ. Uống miếng nước cho hạ hỏa đi bố - Anh con trai đưa cho ông cốc nước lọc và nói tiếp - "bố cũng đểu hơn ông nội đấy thôi". Bố đừng trách mắng con nữa được không.
Ông cầm cốc nước lọc, ông uống, ông sợ gì nước lọc. Ông uống nước mà lòng ân hận dâng đầy, tự nhủ lòng chỉ hành nghiệp gia truyền nốt vụ này, rồi từ bỏ cái gia nghiệp quỷ quái ghê sợ đó. Ông tính phải đốt mật ngôn, chôn vật bùa, phá hủy bàn thờ có ngăn hậu bí mật đi. Những của cải, "vàng bạc châu chấu", tài sản tích lũy được từ bốn đời chôm chỉa nay sẽ dần dần hiến hết vào tất cả các dạng tổ chức từ thiện, xây cất các Đình Phủ Đền Chùa, và cả Nhà Thờ nữa. Chỉ có như thế ông mới thấy bình an trong lòng, mới an tâm được với công việc của nông dân và với vườn ao chuồng thanh thản êm đềm tuổi cao niên.
Nhưng còn anh con trai duy nhất của ông thì sao? liệu anh có hối hận để đổi nghiệp? Ông cho rằng cứ hủy hết những bí mật sau bàn thờ và cả cái bàn thờ ác nghiệt ấy đi, thì tự khắc anh con trai độc của ông sẽ phải thay đổi. Sau đó thì cha và con hằng đêm sẽ ngủ ngon giấc an lành, thoát khỏi trằn trọc suy tính những mưu mô rất không tử tế. Ông biết anh con ông đã vượt xa ông về sự nham nhở đểu giả, không thể đoán được liệu anh còn được mấy đường tơ ân hận trong lòng. Thôi thì còn bao nhiêu hối hận bấy nhiêu vì dù sao thì "hối hận không bao giờ muộn".
Nhớ lại khi đó ông đã nguôi cơn giận vì mải suy tư, ông đã nghiệm ra chân lý "hối hận không bao giờ muộn", và mọi hối hận đều được tha thứ. Anh con trai lại tới gần chọc ngoáy kiểu thân thiện:
- Bố! Bố có nhớ... bố nói gì không?
- Không, không nhớ gì cả. Anh muốn tôi nhớ tôi nói gì?
- Bố đã ví von loài cá với đàn như thế nào nhỉ?
- Thế nào là thế nào? Anh lại định giở trò nhảm nhí gì với bố anh đây?
- Bố đã nói đàn bà như cá ,không có tuổi.
- Tôi không nói gì hết. Anh hay bịa đểu lắm.
- Bố quên thật rồi sao? Chắc khi xưa cô người tình trẻ non tơ đã làm bố phấn khởi hưng phấn phát tiết ra chân lý riêng của bố: "Đàn bà như cá , không có tuổi , chỉ có con to con nhỏ" bố còn nhớ... hay bố đã quên? Hồi đó bố bảo bố đang thích cá bé.
- Sao anh bịa ra nhiều thế?
- Thế bố có nói đàn bà như cá không?
- Cũng có thể, nhưng quên hết rồi, chỉ công nhận tôi có biết nhiều loại cá đồng vì đời tôi đánh dậm cũng nhiều...
- Bố còn bảo con cứ sống đi khắc biết rằng đàn ông khi còn trẻ thường thích "cá to" đến khi cao tuổi thường hay thích "cá nhỏ". Bố còn bắt con phải im lặng suy ngẫm lắng nghe để thấu hiểu. Bố bảo máu trẻ nhiều nhiệt huyết chỉ hay nẩy cãi lắm không chịu học nẩy Kiều, bố đã sợ con phủ nhận bố đúng không? (Mà rõ khổ có thuộc cóc gì truyện Kiều đâu mà nảy). Bố quên thật rồi sao?
- Thôi, thôi, thôi tôi hiểu rồi, đủ rồi anh im mồm đi. Anh đã lấy gậy của tôi để đập lưng tôi. Anh muốn nói với tôi rằng anh đang độ tuổi thích "cá to" phải không. Thôi thì tùy anh tương lai thuộc về anh.
Anh con trai đã làm điệu bộ phấn khởi như diễn viên đoàn kịch nói trên tỉnh:
- Ôi bố! bố thật tuyệt vời, bố chính là người hùng của con, bố hiểu ra vấn đề rồi đấy. Tiện con xin báo để bố biết, "người đẹp cao tuổi" của con khi nghe con trình bày lý thuyết của bố đưa đến quan niệm đàn bà như cá... Nàng khen bố tuy đã già mà vẫn thật cừ khôi, rồi cười duyên nói: "Đàn ông cũng không có tuổi, chỉ có khỏe hay yếu mà thôi". Tuyệt vời không bố? Con nghĩ bố nên cảm ơn "Người đẹp cao tuổi" của con đã hoàn thiện quan niệm của bố. Vậy thôi nhé từ nay bố đừng bận tâm tới "người yêu" cá to của con nữa nhá. Bố con mình cần đoàn kết trong sự nghiệp kiến thiết khinh tế gia đình dòng họ, để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, kinh tế cần phát triển không ngừng.
- Nhưng tôi lo cho tôi chưa có cháu nội. Nếu anh lấy vợ cao tuổi thế thì chửa đẻ, con cái ra răng?
- Trời ơi bố vẫn còn "sử " chiêu ngây thơ nữa, việc có chửa hay không đã có "Bao... thanh thiên " quản rồi, bố không biết câu âm dương cách trở một màng cao su! Chửa sao được mà đẻ. Con phải rút kinh nghiệm từ dòng họ nhà ta chứ. Chả dại gì mà đẻ ra một thằng đểu hơn con nữa, con đểu hơn bố là đủ rồi. Dòng giống nhà ta nên chấm hết ở đây bố ạ, đó mới là việc lớn cần suy nghĩ, còn chuyện tình của con thì nhằm nhò gì đâu mà phải chấm hết hả bố.
Trong một thoáng chớp rất nhanh như tia lửa bu gi xe máy, ông nhìn ra sự hối hận (chắc là vô tình) của anh con trai còn lớn hơn, đúng hơn, bao trùm lên cả hối hận vừa chớm nở của ông trong lúc chờ thời khắc "chính tý". Đêm đó lẽ ra là đêm xuất hành của một chuyến trộm to đã được lên kế hoạch từ lâu vậy mà phải hoãn lại vì chuyện đàn bà.
Các cụ xưa mà đã kiêng kỵ điều gì thì cấm có sai vào đâu được. Trong làm ăn, kể cả ăn trộm ăn cắp, hễ có hơi phụ nữ dính vào là rối loạn ngay. Khoảng cách từ rối loạn đến xui xẻo cực kỳ ngắn.
Nhưng liệu ông có ngộ ra được rằng mâu thuẫn gay gắt từ nguyên cớ "Người đẹp cao tuổi" đã làm cho cha con ông hoãn được một việc làm chẳng hay ho tử tế gì, và còn dẫn tới những hối hận riêng tư của cha và con. Phần ông muốn chỉ "đi ăn trộm" nốt bận này. Từ sau bận đó sẽ lương thiện. Mọi của cải "vàng bạc châu chấu" tích lũy của gia nghiệp bốn đời đạo chích, sẽ dần dần trả lại đời hết, còn anh con trai thì nhận ra đời mình trót "tồi tệ hại" hơn cha rồi nay không thể để cho cháu "tồi tệ hại" (lại quên mất là chữ của ai rồi) hơn ông được. Như thế có thể hiểu rằng vẫn còn quỷ thần hai vai và nhiều vị thần thiện khác đang giáo hóa bền bỉ cho hai cha con ông có cơ hội hối hận hướng thiện trở lại thủa ban đầu (kể cả thủa ban đầu của Tổ Nội) vì "nhân chi sơ..." không thể biết chôm chỉa ngay được.
Trời đêm ngoài kia đang rất đẹp, một đêm sáng sao se lạnh đến gà chó cũng im ắng ấm cúng trong chuồng trong ổ. Ông vẫn chỉ nghĩ về anh con trai. Thực ra anh rất giống ông. Xưa kia ở tuổi đó ông đã có vợ và có một người tình hơn hẳn ông mười sáu tuổi. Bà thật quyến rũ mặc dù có số tuổi có thể đẻ được ra ông. Bà có tấm thân cao thon tròn khỏe khoắn, mông vú rung rinh vừa phải, da trắng ngà mịn như mỡ đông. Nét mặt của bà không đẹp nhưng miệng cười tươi và đôi mắt sâu có ánh nhìn dễ đồng lõa (bây giờ gọi thế là thân thiện dễ thỏa hiệp). Bà là con gái một võ sư trưởng môn của một phái võ ngoại nhập từ rất xa xưa. Môn võ ngoại nhập đó đã được tổ tiên bà phối hợp với võ thuật bản xứ cải biến thành thứ võ ác hiểm, đơn giản, hiệu quả khủng khiếp. Nếu các anh chàng mê gái xem bà luyện võ cùng cha và các môn sinh thì chắc tới chín mươi tám phần trăm không dám mơ đến yêu đương và lên giường với bà, chao ôi nguy hiểm bất ngờ hồi hộp lắm, sợ lắm, cho dù có biết bà là bậc nữ lưu quân tử không bao giờ dụng võ trong ái tình như một số nam nhi vũ phu. Bà đã yêu ông, một thanh niên tuy đẹp trai ít thôi trói gà thì không chặt mấy nhưng ăn trộm rất tài (nghiệp nhà mà). Có thể nói bà đã nhử cho ông yêu bà kiểu như gà mái tính nhẩm tốc độ chạy sao cho gà trống đuổi kịp hăng hái mà vẫn còn dư sức. Ông đã yêu bà trong tâm cảnh vừa sợ vừa sướng. Lâu dần ông đã nghiện tình yêu đó, nghiện kiểu rung rinh ngây ngất đặc biệt rất riêng mỗi khi nằm trên người bà. Ông thấy nhớ và nghiền những khoái cảm đó không chịu được.
Truyện viết thế này vì toàn là chuyện có thật cả. Người tình già thủa thanh niên của ông bây giờ vẫn còn sống. Bà cụ vẫn khỏe mạnh, cụ ở xóm dưới cách xóm ông ở chừng ba bốn cây số. Cụ khi xưa đẹp người là thế, mà nay là bà cụ già lưng còng da nâu xạm chi chít những nốt đồi mồi. Tóc xơ xác lơ thơ, da mặt chằng chịt nếp nhăn và vết chân chim bóng láng còn mắt cụ thì đã đục mờ kèm nhem.
Chiều chiều cụ vẫn đội chiếc nón mê tuột vành mặc chiếc áo ba lỗ tự khâu bằng vải "diềm bâu" với đường kim mũi chỉ nguệch ngoạc to như khâu giầy. Dấu vết ngang tàng thời xuân sắc chỉ còn lại ở hàng chữ xanh chàm đậm xăm trổ trên cánh tay da khô xạm nắng nhăn nheo: " Đời không đối thủ".
Bà cụ sống cô đơn không chồng không con cái, muối dưa cà trong ba chiếc "cóng" thủy tinh bầy bán ngay trước cửa ngôi nhà bé nhỏ đơn sơ. Thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm biếu bà đôi chai mắm ngon, ít tôm cá khô hoặc có khi dăm ký gạo nếp.
Người tình già xưa, nay càng già hơn. Có lần mang biếu bà cân đường trắng, ông đứng ngay trước mặt, bà vẫn tưởng là khách mua cà. Khi biết mình nhầm, bà đấm khẽ vào cánh tay ông cười duyên móm mém nói: "khỉ gió".
Niềm an ủi của cụ bà cô độc này là hàng xóm quanh cụ thật tốt, có nhiều người ngầm để ý lo cho sự đơn độc lúc cụ trái gió trở trời. Nhiều người vẫn sang chơi bên ngôi nhà bé nhỏ của cụ, nhiều thanh niên, đàn ông vẫn giúp cụ chằng buộc mái nhà khi trời giông bão.
Chuyện xưa qua rồi nhưng ông không quên, ông cũng không quên khi xưa cụ thân sinh ra ông phản đối mối tình mê đắm này còn dữ dội hơn cả ông phản đối "người đẹp cao tuổi" của anh con trai ông bây giờ. "Tình phả" của dòng họ nhà ông có nhiều chuyện lạ, cứ theo nhời kể của những người biết về "Tổ Nội" truyền lại thì "Tổ Nội" có tình yêu chung thủy với Tổ Nội bà và sự gặp gỡ giữa hai người cũng độc đáo lắm. "Tổ Nội" tính khí tự do ngang ngạnh đã tự tìm bạn đời, quyết không nhờ ai mối mai và không chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Chuyện kể rằng ngay lần đầu tiên khi gặp "Tổ Nội bà" ông đã bị một cú tát bất thình lình nẩy tám vạn con đom đóm trong mắt. Nhưng vì là người có chữ nên "Tổ Nội" đã ứng xử rất hào hoa và chinh phục được trái tim cụ "Tổ Nội bà".
Nguyên lần đó trong rạp chớp bóng trên huyện, ngồi cạnh "Tổ Nội" là cô gái quê răng đen hạt na, tóc vấn đuôi gà, vẻ mặt thanh tú tươi trẻ hồn nhiên. Nàng mặc quần thâm bận áo cánh vải nâu sồng cổ áo khoét hình trái tim đủ để le lói khoe làn da trắng như trứng gà bóc và màu cánh sen già của chiếc yếm ngực. "Tổ Nội" hứng tình quên hết ngôn từ, âm thầm thò tay mò đùi cô gái... lần sờ lên chỗ đùi cao... Chẳng biết Nội Tổ mò tới đâu mà cô gái quê đứng phắt dậy thình lình tát thẳng cánh vào mặt Tổ Nội và nói như đứt hơi "Đồ mất nết". Tuy có choáng nhưng Tổ Nội đã từ tốn đứng lên chắp tay nói "Rất hân hạnh". Chuyện kể vậy chẳng biết thực hay hư, chỉ biết duyên khởi thủy từ bàn tay sờ đùi mà nên nghĩa vợ chồng bền lâu.
Bàn tay khởi duyên của "Tổ Nội" không rõ có liên quan gì tới vật bùa không vì vật bùa cũng là một bàn tay. Nhưng là bàn tay của một người bị sét đánh chết cháy đen. Chính xác hơn thì phải gọi là cả một cẳng tay sét đánh. Vật bùa Tổ Nội mang về được cắt ngang từ khuỷu tay của người bị sét đánh chết. Bọn đạo chích có gia nghiệp đều thờ "bàn tay sét đánh" kiểu như gái lầu xanh trong “Truyện Kiều” của cụ Tiên Điền thờ vị thần lông mày trắng (Thần Bạch Mi). Tổ Nội khi xưa quảng giao nhưng không để lại tung tích gì. Liệu có phải người đã gặp một chóp đỉnh cao nhân Đại đạo râu rậm hay không râu nào đó đã nhiếp hồn, đã thôi miên đưa người vào con đường của vị thần chôm chỉa?
Liệu có phải tay Đại đạo chóp đỉnh đó đã truyền cho người những bí mật của việc thờ bàn tay sét đánh?
Tổ Nội đã từng lưu lại lâu và nhiều lần ở vùng miền trung, huyện Đại Lộc, thị xã Tam Kỳ khu vực hàng năm có nhiều người chết vì sét đánh. Rồi bằng cách nào đó Người có được một cẳng tay phải bị sét đánh đen thui khô quắt không thể thối rữa được nữa. Để cẳng tay đó trở thành linh thiêng, người đã nghiêm mật thực hành nhiều nghi thức kỳ bí. Con cháu nối nghiệp đời sau chỉ cần khấn đúng thời khắc "chính tý" là cẳng tay tự dựng đứng lên xoay ba vòng chọn hướng, cuối cùng ngừng xoay và ngón trỏ định vị chỉ về một hướng. Đầu ngón trỏ phát sáng nhẹ khoảng hai mươi giây sau đó cẳng tay tự động nằm xuống tự xếp gọn trong hộp bùa. Nghiệp đạo chích cứ hướng đó mà hành là trúng to trúng đậm, là thắng lợi và an toàn tuyệt đối. Mọi vật thiêng như bàn thờ, hòm gỗ, vật bùa, mật ngôn đều do một tay Tổ Nội gây dựng. Sau khi hành lễ đã xin được hướng đi tất cả phải cùng đọc mật ngôn. Lời trong mật ngôn không ai biết là viết bằng thứ ngôn ngữ gì nhưng ý nghĩa truyền khẩu của nó rất dễ nhớ: “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm “, chỉ cần chắp tay đọc lầm rầm ba lần là xuất phát được.
Mật ngôn của Tổ Nội tự chế ra nhằm răn dạy con cháu tự tin mà nối nghiệp nhà.Tổ Nội truyền lại rằng ở đời ai ai cũng muốn làm giàu, làm giàu tựu trung chỉ có hai cách. Cách thứ nhất là dùng trí tuệ và sức lực mà sản xuất- buôn bán - học hành - phát minh - truyền bá - quản lý v.v...để có nhiều tiền.Cách thứ hai là tìm cách có lại tiền của những người đã có nhiều tiền.Tổ Nội ưa cách thứ hai, cách đó triệt để nhanh chóng và ít phiêu lưu ít hao tổn trí lực hơn cả, mặc dù nếu bị lộ ra chân tướng sẽ được gọi là ăn cắp ăn cướp. Nội Tổ cũng dặn dò chu đáo rồi bảo đó chỉ là những động từ. Không có gì quan trọng.
Cũng có một điều tối kỵ với "bàn tay sét đánh" là tuyệt đối không được để cho con mắt người "ngoại huyết" nhìn thấy. Nếu xảy ra chuyện đó bàn tay sẽ chỉ hướng đi vào chỗ chết. Chết mất mạng luôn vì thế mà buồng đặt bàn thờ gia nghiệp kín mít như chiếc hòm lớn, các nàng dâu không bao giờ được phép bước chân vào hay hỏi han gì tới bên trong căn buồng.
Nằm ở gian nhà ngoài, anh con trai chờ bố căn giờ thiêng gọi vào buồng kín, miệng vẫn nỉ non những câu hát huê tình. Anh đang trong tâm tư ngây ngất yêu đương.
Trời đêm trên cao có ngôi sao băng vút qua, anh nhích người gần về phía cánh cửa mở để nhìn bầu trời được nhiều hơn, để xem sao băng rõ hơn. Quả nhiên có hai ngôi sao băng cùng lúc bay cong cong, lao xuống phía chân trời chưa tắt hẳn đã có ngôi sao khác vụt theo hơi lệch xéo một quãng. Đêm nay là đêm gì mà có nhiều sao đổi ngôi sáng đẹp vậy. Anh ngồi hẳn dậy đi ra ngoài trời lạnh. Anh không thấy lạnh, ngước mặt nhìn trời trong vắt đen đen cao xa thăm thẳm vô số ánh sao lấp lánh. Anh thoáng nghĩ một mai anh chết, trên bầu trời sẽ có một ngôi sao băng bé tí mờ mờ và không ai để ý thấy nó vụt bay ngang rồi chìm trong khoảng không vô tận, vì anh là một tên trộm trẻ tuổi núp bóng nông dân. Anh hít một hơi thật sâu vào lồng ngực thấy rõ có sự khoan khoái khác thường đang tràn lan khắp cơ thể bắt đầu tỏa vào từ hai lỗ mũi. Anh ngờ ngợ thấy như đang hít thở không khí của một thời tiết mới. Bầu trời xoay vần vào giờ tý đã lâu chắc lúc này phải là "chính tý" rồi sao chưa thấy bố gọi anh?.
Cả hai cha con đều không biết rằng đêm nay là đêm cuối cùng của chu kỳ sáu mươi năm một lần hoán đổi những chòm sao cai quản thời tiết. thời bĩ cực chỉ còn chút xíu ảnh hưởng tới đúng khắc "chính tý" là dứt hẳn để nhường lại cho thời thái lai. Những chòm sao cũ cuối cùng đang chuyển giao thời tiết cho những phúc thiện tinh.
Nằm trong buồng kín trước bàn thờ gia nghiệp, ông mải miết nghĩ ngợi bao chuyện xưa cũ đã để lỡ giờ thiêng khấn vật bùa . Thời khắc "chính tý" đã trôi qua vài phút rồi. Không kịp. Ông thừ người ra không rõ trong lòng thấy thế nào, tiếc nuối cơ hội hay may quá lỡ rồi. Ngồi thừ người như thế vài phút ông đứng dậy đi ra chỗ anh con trai, nhìn thấy cánh cửa mở ra ngoài sân. Không thấy anh đâu, ông nhìn ra sân. Anh con trai đang đứng im lặng ngắm sao trời. Dáng con trai ông cao đẹp trẻ khỏe, tuổi hai mươi phơi phới xuân tươi. Tuổi hai mươi tim rào rạt yêu đương, nung nấu nhiều ước mơ, sao ông lại đưa người con trai duy nhất của mình vào nghiệp ăn trộm ?
Ông thấy hối hận rõ ràng và thấy rõ ràng tuy ông không cố tình để lỡ giờ thiêng nhưng lỡ thế lại là may mắn. Ông nhẹ bước chân ra ngoài trời đêm sao sáng. Ông cũng không thấy lạnh, cũng thấy khoan khái dễ chịu, nhưng ông không để ý thấy sự dễ chịu bắt đầu từ không khí mà ông hít thở. Nhẹ bước chân đến cạnh anh con trai ông nói:
- Bố để lỡ giờ thiêng rồi, thôi để năm sau vậy.
- Ôi bố! năm ngoái nhỡ tới năm nay, năm nay nhỡ tới sang năm nào hả bố? Chắc giời không cho bố con mình hành nghiệp của "Tổ Nội" nữa rồi. Chắc con phải học tiếp, và lấy vợ sau tốt nghiệp bố ạ.
- Bố hiểu, hai năm nay bố con mình chưa bao giờ nói chuyện được như đêm nay. Ngay bây giờ đây bố sợ nói chệch một câu thôi thì hai bố con lại bất hòa. Bố sẽ không nói gì nữa, bố để lỡ giờ thiêng là có lỗi với "Tổ Nội", bây giờ đi ngủ ngày mai sẽ bàn.
- Bố cứ đi nghỉ trước đi, con muốn nhìn trời sao đêm nay.
Ông ừ một tiếng nhẹ và chậm rãi đi vào nhà. Ông vẫn nhớ suy nghĩ của ông trước giờ "chính tý" và điều ông nhận ra "Hối hận không bao giờ muộn". Ông tin rằng tuổi trẻ nghĩ về điều này còn thông minh khoáng đạt hơn ông nhiều.
Ông tin ở linh hồn của "Tổ Nội" rất linh thiêng sẽ hài lòng mỉm cười nơi chín suối khi cha con ông quyết tâm đổi nghiệp. "Tổ Nội" nhất định sẽ phù hộ độ trì cho cha con ông làm giàu bằng cách thứ nhất. Có thể nơi suối vàng kia "Tổ Nội" cũng hối hận .
Trời đất đang quay giờ khởi đầu của vòng sao Thái Tuế.
7-7-2006
HgHg
Tuần báo Văn nghệ số 31 thứ bảy 1-8-2009
Ghi chú bản này sửa lần cuối cùng ngày 1-10-2009.