Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Đỗ Duy Ngọc

 








Đỗ Duy Ngọc
(1950 Quảng Bình - ........)
lớn lên tại thành phố Huế.










Chia tay không một lời chào
Ta đi trăm nẻo một mình bụi bay








Đỗ Duy Ngọc - Họa Sĩ, Sinh tại Quảng Bình - Bắc Trung phần - Việt Nam.
Di cư vào Quảng Trị năm 1954
Học Mỹ Thuật, Đại học Văn khoa Sài Gòn ban Triết
Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn ban Việt Hán
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn
Là thành viên ban chấp hành Đoàn văn nghệ sinh viên Đại học Vạn Hạnh từ 1972 - 1975, phụ trách mỹ thuật.
Trước 1975, cộng tác với nhật báo Đại Dân Tộc và Sóng Thần.,vẽ bìa sách cho nhiều nhà xuất bản và thiết kế sân khấu.
Đã triển lãm tranh tại Hội Việt Mỹ Sài gòn, Đại Học Vạn Hạnh, Đường Sơn Qúan (trước 1975) 
Du học Mỹ thuật ứng dụng tại Pháp.

Sau 1975: Dạy văn chương các trường phổ thông trung học
Năm 1995 bỏ nghề dạy học, hành nghề tự do. Từ 1980 trở lại với nghiệp vẽ bìa sách và thiết kế lịch, 
Thường sáng tác tranh sơn dầu và đã được các nhà chơi tranh các nước Ý, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Hòa Lan sưu tập.

Thành lập nhóm Nghệ thuật Breathing Eyes: quy tụ nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước. 








Đỗ Duy Ngọc lúc trẻ











Đã in:




1
KHUNG TÌNH VỠ
Thơ. 1965. Đà Nẵng





2
NHỮNG NGƯỜI BẠN CŨ
Tập truyện ngắn. 1987. Văn học







3
Cũng Đành
Thơ

 






4
ĂN MÀ KHÔNG CHƠI.
Tạp bút







5
CÕI NHỚ
Thơ








6
BƯỚC KHÔNG QUA SỐ PHẬN
Tập truyện ngắn







7
Hóa Thân
Thơ










8
Tàn Phai

Những bài thơ lục bát












Thơ







THẤY



1. NẰM

Ta nằm thấy nắng thiên di
Thấy mây trắng xóa từ bi giữa trời
Thấy trăm năm lặng lẽ trôi
Thấy con mắt khóc bồi hồi giũa đêm



2. NGỒI

Ta ngồi máu chảy dưói da
Thấy kinh rót xuống giang hà mù tăm
Thấy trăng rớt giũa chỗ nằm
Thấy chùm nguyệt quế đợi rằm nở bung



3. ĐI

Ta đi lạc chốn bụi trần
Thấy hoang vu đọng đầy tầng hư không
Thấy khói hương ngập cánh đồng
Thấy rừng ngã gục thấy sông tật nguyền



4. BAY

Ta bay loạn giữa nhân gian
Thấy ngàn năm khóc đầu hàng tương lai
Thấy rong rêu kiếp lạc loài
Thấy ta hạt bụi mệt nhoài khỏa thân



5. BƠI

Ta bơi sóng bủa chập chùng
Thấy hôm nay níu lùng nhùng hôm qua
Thấy loay hoay tuổi chớm già
Thấy nhiều mộng mị vỡ oà cơn đau



Sài Gòn, 2.10.2011

ĐDN.









THƠ

KIẾM MỘT CHỖ NẰM

Mái ngói âm dương đầy rêu phủ 
Mặt đất gập ghềnh vắng dấu chân 
Mộng dữ tràn về trong giấc ngủ 
Lạnh toát trang kinh lấm bụi trần 
Có tiếng ếch kêu từ đâu đó 
Bông sen vươn thẳng giữa trời đen 
Cờ ai rũ bóng đường thiếu gió 
Muốn đứng vươn lên vắng điệu kèn 
Ném mấy tờ thư trắng cả trời 
Cánh buồm xa tít ở trùng khơi 
Xé ngực tan hoang chờ sóng vỗ 
Có một thu tàn lá tả tơi 
Ta lê thân xác ngồi cuối sân 
Ly biệt bào mòn tuổi thanh tân 
Ngôi nhà cửa khép chờ nguyệt tận 
Chuông ở nơi đâu vọng não nùng 
Ai đem sương trắng đầy tóc rối 
Để tiếng chim buồn hót lẻ loi 
Bóng ngã nửa thềm trong bóng tối 
Đốt đốm lửa gầy cho mắt soi 
Có một người về đứng dưới trăng 
Dựa tường kể những chuyện tháng năm 
Ta nghe sông suối vừa rạn vỡ 
Quờ quạng trong đêm kiếm chỗ nằm 

29.4.2021 DODUYNGOC








CŨNG ĐÀNH


Cũng đành tóc bạc một mình
Cô đơn chăn gối bóng hình khó phai
Hai còn một, một thành hai
Nửa đêm cô quạnh nằm dài tắm trăng
Cũng đành góc cửa nhện giăng
Hoa kia héo rũ cành cằn cỗi khô
Lòng hoang vu tựa nấm mồ
Hàng cây ngã ngửa tựa hồ hỗn mang
Cũng đành cháo chợ cơm hàng
Đêm thêm đốm lửa kéo màn đọc kinh
Nâng chén lên bỗng giật mình
Đường đi vô vọng mà tình thiên thu
Cũng đành trong cõi sa mù
Chân bước khập khiễng gió ù vọng xa
Cửa đã khoá chẳng đường ra
Quẩn quanh quanh quẩn góc nhà buồn hiu
Cũng đành như bát cơm thiu
Không con mắt ngó bóng chiều lặng câm
Bó tay ngồi giữa âm thầm
Nghe mưa gió dội ầm ầm phía sau
Cũng đành chọn cách xa nhau
Để đôi mắt đó mang màu khói nhang
Bởi tình kia có dối gian
Trong hôm hội ngộ đã dàn biệt ly
Cũng đành tiễn biệt nhau đi
Đôi tay trống rỗng còn gì vấn vương
Lá vàng kia chết bên đường
Trăng khuya đã rụng giữa vườn quạnh hiu
Cũng đành một thuở chắt chiu
Xây bao ước vọng gặt nhiều rủi may
Một hôm tim đập lắt lay
Thèm bàn tay nhỏ vuốt bay muộn phiền
Cũng đành làm kẻ cuồng điên
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn về miền cỏ hoang
Đem buồn ra xếp thành hàng
Nghe trăm năm gọi bàng hoàng máu khô

24.4.2021 DODUYNGOC #THƠDODUYNGOC









LẠI QUA ĐÈO BLAO

Đi ngang qua Blao lá lao xao 
Nắng chiếu nghiêng cây gió rì rào 
Cơn mưa vừa tới chiều hơi ướt 
Đèo loanh quanh ta đi trên cao 
Ta chẳng biết em về nơi đâu 
Ngày chưa xong đã vọng kinh cầu 
Ta bủn rủn đôi tay ôm mặt 
Nghe thời gian trôi vụt ngang đầu 
Đèo lắm gió xô quanh bóng đổ 
Dáng ai ngồi ôm bao hỉ nộ 
Người đi qua chẳng để lại gì 
Mắt âm u buồn như nấm mộ 
Thành quách đó không còn dấu tích 
Hòn đá đây nếm đủ phong trần 
Con đường chạy dần dần xuống thấp 
Tiếng chim nào tuyệt vọng thanh âm 
Vết cuộc tình không chịu liền da 
Dưới đèo kia khói toả bao nhà 
Ta cô quạnh giữa chiều ươm nắng 
Hành trình này thiếu một sân ga 
Mây đùn quanh trắng cả góc trời 
Mùa đi rồi cành lá tả tơi 
Thêm điếu thuốc dập dồn hơi thở 
Khói u hoài bay đi muôn nơi 
Qua Blao nhìn lại nhà thờ 
Mắt Chúa buồn tựa một vần thơ 
Ta trượt ngã giữa sân đầy lá 
Ngó bóng mình chợt nhớ cơn mơ 
Trên thánh giá còn vương vết máu 
Dấu đinh hằn trong mỗi ngón chân 
Ta rũ rượi chốn nào nương náu 
Cuối cuộc đời mới biết thương thân Blao 

16.4.2021 DODUYNGOC








QUA ĐÈO BẢO LỘC

 Qua đèo nghe sóng ầm trong đá 
Mây trắng ngàn năm vẫn nhởn nhơ 
Gió cuốn run cây trưa thiếu nắng 
Xe đi lòng chợt lắm bơ phờ 
Qua đèo lại thấy mình leo lét 
Ngón tay gầy guộc níu thời gian 
Tháng năm như bấc đang tàn héo 
Ngó sững rừng cây đứng xếp hàng 
Ở cuối đường kia hoa nở vội 
Con chim lẻ bạn đứng trông trời 
Thương trăm năm cũ nay còn mất 
Nhìn núi sông này thấy hỡi ôi 
Ta giờ như tốt đã qua sông 
Vó ngựa già nua sợ ngược dòng 
Nhìn mặt trong gương màu tê tái 
Tóc chẳng còn xanh bóng cũng còng 
Qua đèo tình đã hư hao mất 
Môi héo hanh khô mắt chớm mờ 
Thấy trong bụi phủ bao dòng chữ 
Thành những gươm dao rợn dưới cờ 
Sông suối bây giờ không lối chảy 
Mưa buồn lạc lõng giữa trùng khơi 
Biển độc đâu còn con cá nhảy 
Thuyền rũ buồm im rách tả tơi 
Qua đèo lá gọi nhau xáo xác 
Vàng úa hơi thu lá đổi mùa 
Ta nghe tan tác màu năm cũ 
Cửa khép hờ xua ngọn gió lùa 
Qua đèo tim chợt thêm vết xước 
Sẽ nằm mãi đó vết thương sâu 
Đau thân em chỉ còn tro bụi 
Giữa chốn ta bà hồn đi đâu? 
Qua đèo bỗng thấy như ngừng thở 
Quờ quạng chân xiêu lạc lối về 
Tim kia lỗi nhịp sầu co quắp 
Đưa tay vuốt mặt vẫn còn mê 
Qua đèo chợt rớm dòng nước mắt 
Một khóc cho người một khóc ta 
Qua đèo lòng tựa như dao cắt 
Tủi phận long đong lại khóc oà 

Blao 5.6.2019 DODUYNGOC








LỤC BÁT GIỮA MƯA 

Mưa đi rơi ướt ghế ngồi 
Một bên hiu quạnh bên bồi hồi đau 
Cuối đời biết đã xa nhau 
Nhìn mây tóc trắng dấu sau tuổi già 
 Đôi khi như kẻ không nhà 
Lẻ loi đứng giữa ngã ba bụi nồng 
Xuân thì sót ngọn gió đông 
Âm ba đọng lại nát lòng nụ hôn 
 Đêm về lẻ phận héo hon 
Thịt da rờn rợn trăng non cuối trời 
Coi như sắp mãn cuộc chơi 
Ruợu lưng li uống chỗ ngồi lạnh run 
 Giả vờ cười nói lung tung 
Bàn xiêu xiêu đổ mắt cùng môi khô 
Bạn ta giờ một nấm mồ 
Cỏ cây giun dế sóng xô bãi bồi 
 Ta ngồi một đống đơn côi 
Nghe mưa tụ lại xa xôi nhục hình 
Trăm năm trước đã làm thinh 
Trăm năm sau vẫn một mình lặng câm 

Sài Gòn, tháng 03.2014 ĐDN








THÁNG CHẠP 

Tháng chạp đi qua quá vội vàng 
Bồn chồn cơn gió lạ tạt ngang 
Vườn ai hoa nở vàng trước ngõ 
Sương đọng đìu hiu đợi úa tàn 
Ta ngỡ mây về trời rất trong 
Dạ cứ nôn nao héo cả lòng 
Người ở chân trời ta cuối đất 
Sắp hết năm rồi bàn tay không 
Tháng chạp lại về với chút mưa 
Mưa như hạt bụi nắng chưa vừa 
Chân người lướt nhẹ hòn đá nhỏ 
Tưởng lời đất kể chuyện năm xưa 
Bụi rớt trên vai ngày tháng tận 
Râu tóc dài thêm đời lận đận 
Còn bao hôm nữa đến giao thừa 
Nhà trống nhện giăng Tết đã cận 
Tháng chạp loay hoay đào chớm nở 
Tìm kiếm hình người khung kính vỡ 
Ta buồn nhiều hơn từ tháng giêng 
Lúc nhìn lại mình đời lỡ dở 
Một hôm đứng ngó cây cầu cũ 
Dòng nước không trôi chiều héo rũ 
Một mình cô độc trời xô nghiêng 
Tuổi già qua mau như sóng lũ 
Tháng chạp đêm nằm nghe dế kêu 
Ngoài hiên thềm vắng đọng rong rêu 
Trăng non rệu rã trời không gió 
Bấc lụn đèn lu chẳng muốn khêu 
Tháng chạp mắt người như lá cây 
Đi ngang phố vắng bóng in gầy 
Ta gom ký ức đầy trong túi 
Đợi bén lửa tàn phía đồi tây

 8.2.2021 27 Tết DODUYNGOC








NGƯỜI VỀ 

Người về trời chẳng còn sao 
Con sông thiếu nước thú gào rừng hoang 
Trăm căn nhà cửa mở toang 
Người xe vắng bóng phố toàn quỷ ma 
Sóng ngưng vỗ giữa chiều tà 
Tiếng kinh lấp ló dưới toà hoa sen 
Người quân tử hoá kẻ hèn 
Đêm le lói mặt soi đèn bấc khô 
Người về miệng niệm nam mô 
Con chuồn chuồn đỏ trên mồ hoang vu 
Con chim đậu giữa âm u 
Buồn không tiếng hót mắt mù biếng bay 
Chiều không khói mắt lại cay 
Bình không còn rượu sao say giữa chiều 
Trăm năm bỗng nhớ cô Kiều 
Bao nhiêu hoạn nạn đời nhiều trái ngang 
Người về ngồi giữa hoang tàn 
Nghe trăm vó ngựa gõ ngàn dặm xa 
Những anh hùng đã thành ma 
Lửa leo lét cháy sơn hà nát tan 
Bao anh linh đứng xếp hàng 
Tay ôm mặt khóc cờ tàn chịu thua 
Không người bán chẳng người mua 
Thân tàn ma dại đợi mùa tái sinh 
Người về bỗng thấy thất kinh 
Triệu con mắt ngó như hình lưỡi dao 
Mặt trời hấp hối lao đao 
Úa tàn ngọn cỏ hư hao phận người 
Người về vắng tiếng nói cười 
Gió hoang mang thổi hoa rười rượi đau 
Chẳng còn trước không còn sau 
Thời gian đọng lại một màu hẩm hiu 

2.2.2021 DODUYNGOC








TÀN CUỘC 

Tôi đi thân phận bơ phờ 
Gươm cùn, ngựa mỏi, bụi mờ phía sau 
Quanh đèo trắng bãi cờ lau 
Thành xưa khép cửa, trời màu hắt hiu 
Lỡ làng thu muộn buồn thiu 
Đường phơi lá héo, vườn nhiều xác chim 
Tôi đi trong cõi im lìm 
Lặng câm mắt khép, phận chìm dưới khe 
Đất trời mây cuộn mù che 
Vết thương thuở đó nặng đè trong tâm 
Cỏ cây chết giữa âm thầm 
Tôi như hoang mạc đợi mầm cây xanh 
Biết đời sinh tử mỏng manh 
Yêu em còn chút lòng thành này thôi 
Chao ôi thế cuộc tàn rồi 
Tôi mang theo chỉ mắt môi một người 
Em đi bỏ lại nụ cười 
Kê trên gối lạnh, đêm lười gọi tên 
Thân dài bóng đổ lênh đênh 
Tiếng tôi tắt ngúm trên nền nhà hoang 
Chắt chiu nỗi nhớ xếp hàng 
Phòng xưa dọn lại ngỡ ngàng nỗi đau 
Héo hon thân thể nát nhàu 
Tôi bôi lên bố những màu biệt li 
Rót thêm li nữa rồi đi 
Thế gian giờ chẳng còn gì đợi đâu 

4.10.2016 DODUYNGOC Saigon








NGÀY CUỐI MỘT NĂM 

Chiều đã cũ rồi chiều rất cũ 
Vạt nắng cuối ngày màu phôi pha 
Ngồi trong sân lắng nghe tiếng lá 
Lá về đâu gió lạc chốn nào? 
Tuổi đã mòn trôi giạt cuối sông 
Chẳng còn ai để có chờ mong 
Chiều cuối năm già không còn mộng 
Lọ cô đơn cắm một bông hồng 
Suốt một năm giờ còn một ngày 
Ta không uống rượu nên chẳng say 
Vẫn cảm đất trời đang nghiêng ngửa 
Mấy đám mây cuồng vẫn tiếp bay 
Chiều đã cũ rồi chiều rất cũ 
Nắng băn khoăn một lát lùi đi 
Chim lười biếng dấu đầu ủ rũ 
Ta buồn tênh chẳng biết làm gì 
Đốt cối thuốc thấy mình tồn tại 
Lòng hoang mang theo khói lượn lờ 
Thôi cứ chọn làm người thất bại 
Để đêm nằm nuôi lại cơn mơ 
Nhìn thiên hạ xôn xao giữa phố 
Tết cận rồi ta vẫn dửng dưng 
Không có pháo sao đầy tiếng nổ 
Cứ râm ran trong ngực chẳng dừng 
Chiều đã cũ rồi chiều quá cũ 
Đang trôi dần về phía hoàng hôn 
Nắng cũng nhạt, phai trên vành mũ 
Tiếng chim kêu nghe bỗng hoảng hồn 

Sài Gòn.29 Tết 23.01.2020 DODUYNGOC












Có Một Người Tên V. Huy
Đỗ Duy Ngọc


Hắn tên là V. Huy, thật ra tên đầy đủ của hắn là Nguyễn Phúc Vĩnh Huy, vốn là con cháu giòng họ vua chúa triều Nguyễn.
Bố hắn là giáo sư tiến sĩ, từng chữa bệnh cho Cụ Hồ. Ông nội hắn là Thượng thư bộ Lại trong triều vua gì đó của nhà Nguyễn. Mẹ hắn cũng là giáo sư nhưng hình như bên ngành Luật, tốt nghiệp từ bên Tây, nghe lời dụ dỗ của Cụ Hồ về nước tham gia đánh giặc. Lí lịch của hắn quá ư là đẹp, vừa quí tộc vừa cộng sản, không chê vào đâu được. Hắn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành ngoại giao ở Liên Xô, cũng nghe nói là bằng đỏ đàng hoàng, và chắc chắn là bằng thật. Thế mà hắn lại xổ toẹt cái lí lịch đó, đái lên cái truyền thống đẹp như mơ đó. Hắn không bao giờ chịu thổ lộ cái tên trong khai sinh cho bất kì ai, và luôn luôn tự xưng tên tôi là V. Huy, cắt đứt mọi liên hệ với cái gia đình danh giá. Cũng chẳng biết tại sao. Và mọi người cũng không rảnh thì giờ để điều tra chuyện đó. Tôi gặp hắn lần đầu trong quán cà phê. Quen qua quen lại mà thành thân gần tám năm nay. Hắn là một thằng có cá tính. Mà lại là cá tính quái dị. Tôi cũng vốn là một người quái đản – theo mọi người chung quanh bảo thế – nên khi gặp hắn là thành thân ngay, đi đâu cũng có nhau. Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã mà. Hắn có khuôn mặt của John Lennon: ngây thơ mà tinh quái. Cũng nét mặt gầy, mũi thẳng, tóc xoăn để dài đến bờ vai, chỉ khác là tóc màu đen. Hắn cũng đeo kính cận gọng tròn, nặng độ, dày như đít chai. Lúc nào hắn cũng kè kè cái ba lô nặng trĩu chứa tùm lum nào sách, nào khăn, nào đủ thứ như một túi rác. Nhưng hắn bảo hắn chứa cả càn khôn trong đó. Hắn chỉ có độc một bộ đồ, chiếc áo jean bạc màu, áo jacket màu cứt ngựa có nhiều túi và cũng nhiều fermature. Chiếc quần jean rách ở đầu gối và sờn ở hai mông đít. Đôi giày lính Mỹ cao cổ loang lổ và ám bụi đường. Hắn không bao giờ giặt áo quần, cứ mặc cho đến tả tơi lại đi tìm bộ khác cũng y như thế. Công nhận hắn cũng giỏi săn lùng vì suốt tám năm quen hắn, tôi có cảm tưởng hình như hắn chẳng bao giờ thay kiểu quần áo. Hắn là một thằng thông minh, rất thông minh. Và cũng uyên bác, rất uyên bác. Tôi là người rất ngạo mạn, ít khen ai và cũng ít nể ai, luôn khinh khi những thằng tiến sĩ dỏm nhiều như quân Nguyên chạy đầy đường. Nhưng gặp hắn, quen hắn, biết hắn thì tôi phải khen ngợi hắn thật lòng. Hắn nói tiếng Anh như dân xuất thân từ Oxford , đúng giọng và ngữ điệu. Hắn vi vu tiếng Pháp giọng Paris và hơn thế nữa là dùng ngôn ngữ từ Sorbonne ra. Hắn nói tiếng Ý như mưa rào và tiếng Nga thì thôi rồi, nghe không khác gì Putin. Hắn cũng giỏi tiếng Hán, viết thư pháp như múa, đặc biệt là chữ thảo, đọc toàn sách cổ văn, đọc tiếng Đức ầm ầm như bão tố. Ngoài ra hắn còn giỏi tiếng Bồ Đào Nha, đọc kinh Phật bằng tiếng Pali và nói thông thuộc tiếng Khmer. Hay nhất là dù hắn có mười mấy năm ở nước ngoài, có bằng Tiến sĩ ở Nga nhưng lại nói tiếng Việt rất chuẩn, tròn vành rõ chữ và dùng từ thì không chê vào đâu được. Nói một cách khách quan, xét về mặt ngôn ngữ, hắn là thằng trùm thiên hạ. Không biết chính xác hắn ở đâu. Lúc thì bảo ở quận tư, có khi lại ở quận tám. Tóm lại hắn là thằng giang hồ. Một thằng trí thức nhất trong những thằng trí thức đúng nghĩa của Việt Nam đang là kẻ không nhà. Hắn là thằng ma – cà – bông. Cứ khoảng chín giờ sáng là có mặt hắn ở quán cà phê, kêu li đen và ngồi rít thuốc liên tục. Bất cứ vấn đề gì hắn cũng có thể nói được, và nói rất sâu. Gặp những từ ngữ cần chính danh, hắn có thể lấy giải nghia từ nguyên chữ Hán và có khi từ chữ gốc của tiếng La tinh. Hắn có thể nói từ chuyện văn chương kim cổ cho đến những phát minh từ xưa đến nay của loài người. Hắn giảng về Socrate, Platon cho đến các triết gia cận đại. Hắn nói về Mác thì ai cũng ngóng cổ lên mà nghe bởi vì toàn những vần đề mà những ngài tuyên huấn cộng sản không bao giờ biết đến và phân tích nổi. Khi hắn phân tích cách mạng Trung Hoa, cách mạng Việt Nam, rồi tương lai của toàn thế giới thì mọi người há mỏ nghe không ngậm lại được, mặt ai cũng nghệch ra như ngỗng ỉa. Trong mọi cuộc bàn luận, hắn trở thành trung tâm. Khi chưa có mặt hắn ở khu vực này, tôi được mọi người phong cho là bách khoa toàn thư, chuyện gì cũng biết. Nhưng từ khi có hắn, tôi như đèn dầu le lói mà hắn thì sáng như đèn pha. Ngay như chuyện chó mèo, chim cò, rắn rít, thú hoang hắn cũng rành như ông giáo sư Võ Qúy. Chuyện gì hắn cũng biết, mà biết rõ ngọn ngành rành mạch mới siêu chứ. Khi hắn đã nói thì chẳng còn ai có thể cãi lại hắn được. Với cái đầu của hắn, nếu được làm lãnh đạo hắn có thể là người lãnh đạo giỏi hay ít nhất đất nước sẽ nở mày nở mặt khi hắn tiếp xúc với năm châu bốn bể. Nhưng hắn lại là thằng lang thang, sống bằng những bài dịch tin nước ngoài cho mấy tờ báo lá cải. Trong khi mấy thằng ngu thì chức cao quyền trọng, ghế cao chót vót. Đời là vậy đấy! C’est la vie! Theo những tin tức vỉa hè thì hồi mới về nước thì hắn cũng đi làm ở bộ ngoại giao. Là nhân viên của một cục, một vụ gì đấy. Nhưng vì hắn quá giỏi lại quá ngông, không chịu nghe theo những chỉ thị ngu xuẩn của lãnh đạo nên cuối cùng bị đẩy xuống làm anh chạy văn thư. Vì cảm thấy nhục, hắn cũng kiện tụng tùm lum mà chẳng đi đến đâu nên bỏ sở mà làm kẻ lang thang. Tôi nghĩ tánh khí ngang tàng không khuất phục chính là nguyên nhân bi kịch chối từ gia đình của hắn. Cách đây mấy năm, tôi có người bạn Pháp, một chuyên gia sưu tầm cổ vật Đông phương sang Việt Nam mua được một chậu sứ Trung Hoa rất cổ, hình như là đời đầu Minh. Chậu sứ vẽ cảnh mục đồng chăn trâu men xanh rất đẹp. Nét vẽ uyển chuyển và tinh tế của một nghệ nhân bậc thầy. Ông bạn tôi mấy lần mang về Pháp đều bị chận lại vì hải quan không cho mang cổ vật ra khỏi nước. Chuyện đến tai hắn, hắn bảo sẽ mang đi được với điều kiện bạn tôi mua vé khứ hồi cho hắn kèm theo 1500 Euro cho hắn tiêu mấy ngày ở bên đó. Bạn tôi ok ngay. Và hắn mang đi được thật mà chẳng cần xin xỏ, khai báo gì cả. Dịp đó hắn đi hết mấy nước châu Âu; gần hai tháng sau hắn mới về. Hỏi hắn làm sao, hắn bảo có khó đéo gì đâu, vào đến phi trường tớ đến ngay quầy bán hoa lan của Đà Lạt, mua một giỏ hoa lan có cả chậu, vào ngay phòng vệ sinh, bỏ chậu ra, lấy chậu sứ thay vào. Thế là ung dung xách giò lan bước lên máy bay chẳng thằng nào, con nào hỏi một tiếng. Ai cũng bảo hắn giỏi. Hỏi hắn ở bên đó hai tháng lấy gì mà ăn, hắn bảo hắn làm hướng dẫn viên du lịch. Đến thành phố nào cứ thấy mấy thằng du khách ngơ ngác thì hắn sấn tới làm quen sau đó hướng dẫn người ta đi tham quan. Hỏi hắn chưa bao giờ đi qua đó, biết đếch gì mà hướng dẫn. Hắn gào lên xin lỗi mọi người à, trước khi đi tôi đã học thuộc mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch của hơn mười nước Châu Âu rồi. Nghe sợ chưa ? Có lần tôi với hắn đi nghe một tay giáo sư người Mỹ nói chuyện văn chương, trong giờ giải lao, hắn bước đến nói chuyện với tay giáo sư đó. Chẳng biết nó nói những gì mà khi trở lại sân khấu để tiếp tục câu chuyện, tay giáo sư người Mỹ mời hắn lên ngồi chung và giới thiệu hắn với cử tọa bằng những lời rất trân trọng. Lần đó hắn bị công an văn hóa mời lên mấy lần để nói rõ mối quan hệ giữa hắn và tay người Mỹ. Hắn chỉ bảo là hắn không đồng tình một số ý của diển giả và người giáo sư nể hắn. Thế thôi. Bắt nó làm tường trình, nó bảo chẳng có đéo gì mà phải tường với trình, không tin thì cứ đi hỏi tay giáo sư người Mỹ chứ tại sao lại hỏi hắn. Cuối cùng huề, chẳng có chuyện gì mà ầm ĩ. Hắn chưa bao giờ kể cho tôi nghe về mối quan hệ của hắn với phụ nữ. Thế mà có một lần, có một người đàn bà đẹp đến tìm hắn ở quán cà phê. Tôi ngỡ ngàng khi gặp người phụ nữ này, bởi vì cô ấy quá đẹp. Một sắc đẹp đài các, duyên dáng và rất trí thức. Một khuôn mặt mà thi ca và hội họa suốt đời ca tụng. Bữa đó không có mặt hắn ở quán và tôi tiếp chuyện với người đàn bà đẹp đó. Nàng tên là Bạch Huệ – hoa huệ trắng- cái tên nghe có vẻ hơi cải lương, nhưng cô gái đó nói chuyện rất thông minh và rất có trình độ. Nàng đi tìm hắn đã lâu rồi, và rồi không biết ai đó đã hướng dẫn nàng đến đây. Cô gái kể sơ cho tôi nghe về mối quan hệ giữa hắn và nàng. Yêu nhau từ ngày còn ở bên Nga, nàng là con gái rượu của đại sứ Việt Nam ở đó. Một mối tình đẹp và môn đăng hộ đối. Hai người về Việt Nam và dự định khi ổn định cuộc sống sẽ làm lễ cưới. Nhưng rồi hắn chửi lãnh đạo, mất việc, bị bố nàng nói nặng nhẹ đụng chạm tự ái sao đó, hắn chửi ông bố vợ tương lai một trận ra trò và bảo các ngài chỉ là một lũ ngu rồi bỏ đi không dấu vết. Nàng đau khổ đi tìm. Vô vọng. Mò kim đáy bể. Cuối cùng nghe theo lời bố lấy chồng. Chồng nàng bây giờ là thứ trưởng một bộ rất quan trọng. Tôi bảo thế thì bây giờ cô còn tìm hắn làm gì, khi đã trở thành hai tầng lớp khác nhau, vị trí xã hội cũng đã không còn như xưa nữa. Cô ấy bảo là tìm để xem hắn sống ra sao, tìm lại hình ảnh mối tình xưa đã không còn nữa và quan trọng nhất là cô ấy vẫn còn yêu hắn. Khi tôi kể lại cho hắn nghe cuộc gặp gỡ, hắn không nói gì chỉ lẩm bẩm chửi thề, chửi thề là thói quen của hắn, nên tôi không biết hắn đang chửi cái gì. Chửi số phận hay chửi mối tình của hắn. Sau đó hắn lầm lì mấy ngày rồi vắng mặt gần mười mấy hôm, cũng chẳng biết hắn đi đâu….. Hắn xuất hiện trở lại chốn giang hồ với một cọc tiền khá lớn, hắn bảo hắn vừa lãnh tiền công viết luận án tiến sĩ cho một đồng chí lãnh đạo thành phố. Hắn nói đây là đồng tiền tanh hôi, đồng tiền đã làm lụn bại đất nước, nhưng nếu hắn không nhận làm thì thằng khác cũng làm, xã hội bây giờ thiếu gì thằng trí thức sẵn sàng làm thuê. Hắn gom mấy đứa trẻ bán báo, đánh giày, bán vé số lại. Thuê một chiếc xe mười lăm chỗ ngồi, chở hết mấy đứa trẻ vào thành phố, mua sắm áo quần, đồ chơi, sách vở. Lại còn cho mỗi đứa mấy trăm ngàn. Cả đám trẻ sung sướng. Còn hắn thì hả hê. Chưa bao giờ thấy khuôn mặt của hắn sướng đến như vậy. Mấy bà bán dạo quanh quán cà phê bảo hắn điên, hắn cười sảng khoái, gật gù: điên, điên, đúng là điên. Tối hôm đó hắn đi vào bar Mưa Rừng, vừa bước vào cửa, mấy gã bảo vệ nhìn bộ dạng của hắn, định ngăn không cho vào. Hắn rút ra mấy tờ bạc giúi vào tay chúng. Hai gã bảo vệ nghiêng mình, mở cửa. Hắn vào bàn, ngoắc một em phục vụ ăn mặc nóng bỏng lại, kêu cho li sữa tươi. Em cave nhìn hắn định cười khi dễ thì hắn đã rút hai tờ năm trăm nhét vào tay cô gái và bảo, em mua giúp anh li sữa tươi. Dĩ nhiên là cô gái thực hiện ngay. Ai dại gì từ chối bán li sữa tươi giá một triệu bạc bao giờ. Hắn uống một hơi hết li sữa. Lại ngoắc em gái lần nữa và rút thêm một xấp tiền, bảo: vú em nhỏ quá, anh cho em chục triệu đi bơm vú to lên mà làm cho đời thêm tươi. Cô gái há hốc mồm không kịp nói gì thì hắn đã lẳng lặng rời ghế, đi về. Chuyện này được kể lại với nhiều tình tiết li kì hơn, kéo dài mấy tháng trong giới cave, sau này trở thành giai thoại, báo chí cũng có đăng. Mọi người kháo nhau hắn là tỉ phú đóng vai kẻ nghèo vì chán cảnh giàu sang nhung lụa. Bữa đó hắn đi bộ về, vừa đi vừa khóc, chẳng ai hiểu tại sao? Hắn lại mất hút. Cả tháng rồi tôi không gặp hắn. Cho đến một hôm trời mưa và đầy gió, tôi nhận được điện thoại của công an hỏi tôi có phải là người thân của hắn không? Tôi ừ. Đồng chí công an bảo phát hiện hắn đã chết đêm hôm qua, trong tay có mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của tôi. Tôi chạy ngay đến đồn, họ chở tôi đến một căn nhà nhiều phòng ở một chung cư tại quận tư. Hắn nằm đó, khuôn mặt thanh thản và bình yên, trên môi phảng phất nụ cười. Chung quanh giường và tràn ngập căn phòng là những cành huệ trắng. Màu trắng của huệ, màu trắng của chiếc drap giường và bộ đồ trắng lần đầu tiên tôi thấy hắn mặc làm cho căn phòng tinh khiết lạ lùng và cũng tang tóc vô cùng. Trên đầu giường có một bức tranh sơn dầu nhỏ vẽ chân dung một cô gái cũng mặc chiếc váy trắng. Khuôn mặt trong hình rất quen. Đó là chân dung của Bạch Huệ. Thì ra hắn tự tử bằng hoa huệ. Hắn đã chất đầy căn phòng hoa huệ trắng, đóng kín cửa và hắn từ từ chết trong hương thơm ngào ngạt của loài hoa huệ trắng. Trong tờ giấy hắn nắm trong tay lúc ra đi, ngoài tên và số điện thoại của tôi, hắn còn ghi thêm hai dòng nữa. Dòng đầu hắn cho biết là hắn tự kết liễu đời mình, không liên lụy đến ai. Dòng sau hắn ghi là hắn không còn cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt nên nhờ tôi hỏa táng thân xác hắn và rải tro xuống sông để cho hắn được trôi ra biển lớn. Tôi đưa tay chào như chiến sĩ, như một lời chia tay. Ba hôm sau, tôi nhận được mail của hắn. Nhìn thấy tên hắn là tên người gởi, tôi lạnh dọc sống lưng. Sao hắn chết ba hôm rồi, than xác hắn đã thành tro bụi rải xuống sông rồi. Sao lại còn có thư của hắn gởi. Hắn viết: “ Gởi anh, Đã đến lúc tôi cảm thấy mình thừa thãi trong cuộc đời này. Tôi không còn lí do để tồn tại nữa. Phải biết đúng lúc để rút lui là người khôn ngoan. Tôi đã làm tròn phận sự và tôi phải ra đi. Biết đâu ở thế giới khác sẽ vui hơn trần gian điên dại này? Xem như không có V. Huy ở cuộc đời này, quá khứ cũng như tương lai. Anh ở lại hãy sống vui. V.Huy Tái bút: Tôi nhờ anh đến địa chỉ…lấy một số vật dụng của tôi và đốt tất cả giúp tôi, Đốt hết và đừng giữ lại gì. Cảm ơn anh. Anh đừng sợ hãi khi nhận được thư này. Tôi gởi thư theo chế độ hẹn. Tôi hẹn ba ngày sau khi tôi ra đi, máy mới gởi thư đi” Tôi đến địa chỉ hắn đã ghi, người ta giao cho tôi một thùng to, vất vả lắm tôi mới chở được về nhà. Những gì trong đó làm tôi kinh ngạc đến sững sờ. – 18 cuốn nhật kí hắn ghi từ lúc bảy tuổi cho đến trước ngày hắn chết một tuần lễ với nhiều suy nghĩ gây sửng sờ. – 72 bản dịch tiếng Việt những cuốn tiểu thuyết của nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới. – 4 bản dịch sang tiếng Đức cuốn Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Thơ các thiền sư đời Lý và cuốn Đoạn trường vô thanh. – 3 tập phê bình và nhận định những sai lầm của chủ nghĩa Mác viết bằng tiếng Anh. – 2 cuốn nói về sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thế kỉ 21 viết bằng tiếng Pháp. – 43 cuốn phân tích và phê bình về các tác giả Việt Nam từ thơ ca đến tiểu thuyết. – 12 cuốn viết về các danh nhân văn hóa Trung Quốc và sự ảnh hưởng của họ. – 5 cuốn dịch thơ Đường sang tiếng Việt. – 3 cuốn chép tay kinh Phật bằng tiếng Pali – 1 cuốn dịch nhạc Trịnh Công Sơn sang tiếng Tây Ban Nha – 8 tập thơ hắn viết từ hồi 15 tuổi cho đến năm ngoái, tức là cả năm sau đó hắn không còn làm thơ nữa. – 1 cuốn luận án tiến sĩ của hắn với tiêu đề: “Tìm hiểu chính sách ngoại giao của nhà nước Việt Nam từ đời Lý đến 1945”..với nhiều lời phê khen ngợi, Và nhiều bằng cấp giấy khen của nhiều trường học, tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều bài báo của hắn viết trên nhiều tạp chí chuyên ngành của nhiều tổ chức khoa học tiếng tăm trên thế giới. Một gia tài đồ sộ chứng tỏ sự uyên thâm cùng sức làm việc khủng khiếp của hắn. Tôi mất gần cả năm nay mà vẫn chưa đọc hết những gì hắn đã viết, và tôi sẽ tiếp tục đọc để hiểu hắn hơn, để càng thêm cảm phục hắn. Một thiên tài đã sinh nhầm nơi chốn. Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ. Tôi không đốt như ý nguyện của hắn. Tôi đóng một tủ sách khá đẹp, đem tất cả tác phẩm hắn đã viết sắp xếp thứ tự. Ngoài mặt tủ, tôi đi thuê khắc dòng chữ: “CÓ MỘT NGƯỜI TÊN V. HUY “ 

Đỗ Duy Ngọc


















Do đã gửi Hôm nay lúc 02:24





CON NHỒNG
Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc


Đến tuổi sáu mươi thì anh mới qua Pháp định cư. Hồ sơ hoàn tất từ hồi tuổi năm mươi, không hiểu sao cứ kéo dài mãi. Toà lãnh sự kêu lên năm lần bảy lượt hết hỏi này nói nọ lại bổ túc hồ sơ. Anh thấy nản, chẳng muốn đi nữa, bỏ ngang. Sau khi vợ anh mất, anh lại càng không nghĩ đến chuyện đấy nữa. Nhưng cô em gái bảo lãnh cho anh, thương ông anh ruột côi cút một mình, cứ thúc anh mãi. Anh cứ lần khân vì anh không muốn làm gánh nặng cho cô em.
Hơn nữa, anh thích sống ở Việt Nam hơn. Ở đây có bạn bè, hàng xóm, bà con. Đi đến đâu cũng có người để nói chuyện. Mà anh lại là người thích chuyện trò. Ra quán cà phê đầu ngõ mỗi ngày, anh gặp bao người, đa số là quen cả, đủ thứ chuyện để nói với nhau. Hôm nào lười nói thì ngồi nghe, nghe người khác nói cũng là một cái thú. Đi sửa cái xe, bắt chuyện với anh thợ trẻ, nghe anh kể tâm trạng nhớ quê, nhớ vợ, thương cho hoàn cảnh của anh. Gặp anh thợ già lại nghe chuyện đời, chuyện lòng người, hiểu thêm nhiều cảnh ngộ. Vợ chồng anh sống giản dị, gắn bó với mọi người nên gặp ai trong phố cũng chào hỏi, nói cười rôm rả. Cho nên khi nhận được giấy tờ định cư, rồi mua vé máy bay, anh buồn lắm, tâm trạng chẳng muốn đi. Nhưng anh cứ lấn cấn chuyện ở đây thì vui nhưng lắm chuyện để nghĩ. Anh là người siêng năng nghe đài, xem báo, đọc mạng, biết nhiều chuyện quá buồn của đất nước, nhìn thấy bế tắc không có lối ra của nền kinh tế đang có dấu hiệu sụp đổ. Hàng ngày chứng kiến những tên tham ô, nhũng nhiễu, cướp của dân nghèo, anh xót xa thấy mình bất lực. Anh rùng mình sợ hãi với cách sống tàn nhẫn nhan nhản trong xã hội, con người tàn sát lẫn nhau để tồn tại, lừa gạt nhau để sống, đầu độc nhau để thủ lợi. Những điều đó làm anh trăn trở và anh nghĩ rời đất nước để không còn phải làm một kẻ chứng nhân và cũng là nạn nhân của sự tàn mạt đó. Anh biết qua đấy sẽ buồn nhiều hơn vui, vì anh đã có thời gian đi học ở đấy, nhưng ít ra anh khỏi phải là người chứng kiến một sự đứt gãy và sụp đổ những giá trị văn hoá mà anh đã một thời tôn thờ và ngưỡng vọng. Anh không muốn nhìn thấy những nền nếp lâu đời của một dân tộc đang rã nát. Và vì thế anh đi.


Khi máy bay tăng tốc để rời phi đạo, anh khóc khi nhìn qua cửa sổ và phía dưới kia là những con đường, những nóc nhà, những địa điểm quen thuộc. Và bỗng dưng anh tự nghĩ mình quyết định thế này có đúng không?

Nước Pháp đón anh với những cơn gió lạnh mùa đông tái tê. Anh thấy mình cô dộc hơn bao giờ với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Những ánh đèn màu lung linh trên phố, tiếng người xôn xao nhưng không có giọng nói của quê hương khiến anh bơ vơ. Ở chung với gia đình cô em được mấy tháng, anh thấy không được thoải mái lắm, lại thêm chẳng muốn làm phiền. Anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Saint Denis, một vùng ngoại ô và giá bình dân, nhưng khá lộn xộn. Cả ngày chẳng biết làm gì, anh lang thang ra công viên, vào quán cà phê bên đường, sáng ăn cái bánh croissant, uống ly cà phê sữa, trưa ăn khúc bánh mì mong có găp một người Việt để cùng nói chuyện năm ba câu. Cũng có khi gặp, nhưng ai cũng vội, chỉ mình anh không vội nên chỉ nói hai ba câu xã giao hờ hững. Anh thèm được nói chuyện, được nghe tiếng Việt như những ngày ở quê nhà, nhưng khó quá. Có nhiều đêm trong căn phòng nhỏ, không ngủ được, anh nhồi cho mình một cối thuốc đầy, thắp một ánh nến, rót một ly rượu rồi ngồi nói một mình như kẻ điên. Sau những lần độc thoại như thế, anh lại cảm thấy mình cô đơn hơn, chán nản hơn. Đối diện phòng anh là phòng của một tay Mỹ già. Ông ta vốn là một thuỷ thủ tàu buôn, đến lúc tuổi già thì rời vùng đất đầy gió biển Marseille về Paris chứ nhất định không về Mỹ. Lão bảo cứ xuống phi trường, đặt chân lên đất Mỹ là lão buồn ói. Ở lâu, hai lão già thành bạn, lâu lâu cũng ngồi với nhau nhấm nháp ly rượu, nhai một chút xúc xích, nói với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ lơ lớ nhưng cũng hiểu nhau. Lão già Mỹ nói tiếng Mỹ pha chút tiếng Pháp, lão già Việt nói tiếng Pháp pha chút Mỹ, lâu lâu lại chêm tiếng Việt khiến tay người Mỹ ngẩn ngơ. Mỗi lần như thế, anh lại xin lỗi và bảo tại nhớ tiếng Việt quá. Anh tìm đến cộng đồng người Việt, tham gia nhiều sinh hoạt với họ, được dịp nghe và nói tiếng Việt. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Thời gian đầu anh thấy thú vị và sung sướng lắm. Nhưng rồi lần hồi, anh nhận ra mấy tổ chức này lung tung quá, nhiều khuynh hướng chính trị quá lại cứ cãi nhau như mổ bò, tranh dành danh hão, gặp nhau là dịp để khoe đủ thứ trên đời, nói xấu thiên hạ. Anh nản nên rút lui dần, chỉ còn mỗi tuần đi nhà thờ ở cuối phố, gặp mấy bà già Việt qua đây từ thuở nào, chào nhau, nói vài chuyện. Các bà qua lâu quá rồi nên cũng chẳng có nhớ chuyện gì để nói ngoại trừ nhắc lại mấy chuyện xa lắc lơ của thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước ở vùng quê chiêm trũng Bắc bộ. Và rồi anh phát hiện có bà cụ nuôi một con nhồng biết nói tiếng Việt. Cũng tình cờ thôi, hôm đó lễ xong trên đường về thì anh cùng đường với bà cụ. Bà cụ khoe anh là vừa được cậu cháu vừa đi Việt Nam về biếu cho con nhồng nói được. Cụ bảo gian truân, ma mãnh lắm mới đem được con chim qua đây. Thế là anh ghé nhà bà xem thử, con nhồng nói được thật, nhưng chỉ nói được "Trời ơi" và nhiều tiếng ậm ừ trong họng. Nhưng thế cũng là tốt rồi. Anh chợt nghĩ, giá mà anh có con chim thế này nuôi trong phòng, anh sẽ dạy nó nói thêm nhiều tiếng nữa, suốt ngày chim và người nói qua lại với nhau, cũng là điều quá thú vị. Từ đó, anh siêng đến thăm bà, để nghe bà ngọng nghịu nói vài tiếng Việt và chủ yếu là nghe con nhồng hét lên "Trời ơi". Bà cụ già, lười biếng nên chuồng chim lúc nào cũng đầy phân chua loét, lần nào ghé anh cũng dọn sạch lồng cho chim nẻn lần hồi chim cũng quen anh, mỗi lần thấy bóng anh là nó ngước mỏ lên mà la "Trời ơi". Bỗng một hôm bà cụ bảo anh: Anh ạ! Tôi thấy anh quý chim, tôi cũng thích nó nhưng không khoẻ để chăm sóc nó cho tốt. Hay là tôi xin tặng anh, anh đem về chăm sóc nó tốt hơn tôi. Nghe thế anh mừng húm, anh bảo gởi cho cụ ít tiền, cứ xem như anh mua lại con chim của bà cụ. Từ đó, anh có con nhồng làm bạn. Anh đặt cái lồng giữa phòng, chùi rửa mỗi ngày, thức ăn, tắm rửa đầy đủ nên chim càng ngày càng phổng phao, bộ lông đen nhánh như nhung, cái mỏ với đôi tai lủng lẳng vàng choé như múi mít chín. Và cũng nhờ khoẻ nên chim siêng nói, nhưng chưa học thêm từ nào mới, vẫn cứ vểnh mỏ mà la "Trời ơi". Anh cũng trời ơi với nó, nói qua nói lại suốt ngày. Anh muốn dạy nó nói "Mẹ ơi", " Ba ơi", "Việt Nam ơi". Nhưng nó vẫn ầm ào trong miệng, phát âm chẳng rõ ràng. Anh bớt đi lang thang. Sáng pha cà phê, cắt cho chim miếng chuối, cho miếng croissant, chim kêu "Trời ơi". Anh hớn hở cười, nói lại "Trời ơi". Suốt ngày không biết chán. Chim và người cứ đối thoại với nhau như thế và anh thấm hơn cái nghĩa của chữ trời ơi của người Việt. Anh định viết một bài nghiên cứu về "Trời ơi" trong phong tục và ngôn ngữ của dân Việt, anh nghĩ chắc cũng lắm cái hay. Anh sẽ phân tích cái chữ trời ơi trong mọi hoàn cảnh mà người Việt thường dùng khi sung sướng cũng như lúc đau khổ, lúc ngạc nhiên cũng như lúc bế tắc của số phận. Anh khám phá ra triết lý của chữ trời ơi nó phong phú quá, nó sâu xa quá. Mấy người bạn cũ của anh nay đang định cư ở Mỹ rủ anh qua Mỹ chơi nhân dịp họp mặt truyền thống trường học xưa thời trung học. Chuyến đi dự định một tháng. Anh chỉ một mình, đi đâu cũng được, ở đáu cũng thế nên chuyện đi đối với anh, anh chẳng có gì phải băn khoăn. Chỉ cần mua vé, xách vali lên là đi thôi. Nhưng anh ngại không ai chăm sóc con nhồng, cũng chẳng biết gởi ở đâu trong những ngày anh vắng mặt. Thời may, khi biết nỗi âu lo của anh, anh bạn Mỹ già mở lời sẽ chăm sóc chim chu đáo như lời anh dặn dò và khẳng định sẽ chẳng có chuyện gì có thể xảy đến cho chim. Tin tưởng lời hứa của bạn già, anh đi Mỹ một tháng mà lòng cũng lo âu, vài hôm điện về Pháp hỏi thăm, biết chim vẫn khoẻ là an tâm rồi. Lão bạn già người Mỹ đón anh ở phi trường lúc anh về lại Pháp. Câu hỏi đầu tiên của anh là chim sao rồi, khoẻ chứ. Lão Mỹ nhìn anh tủm tỉm cười: Khoẻ và hay hơn trước nhiều. Trong mắt lão ánh lên một tia nhìn tinh quái đầy vẻ bí mật. Anh hỏi lão chỉ cười: Về biết liền. Mở cửa phòng, thả cái vali, anh kêu: "Trời ơi" như lời chào. Con chim ngóng mỏ chào lại:"Oh my God". Cái gì thế này? Anh lập lại:"Trời ơi". Chim cũng trả lời:"Oh my God". Anh lập lại nhiều lần, chim vẫn trả lời :"Oh my God". Anh quay nhìn lão Mỹ, lão cười ha hả với giọng đắc thắng: "Mày thấy tao giỏi không? Chỉ một tháng, tao đã dạy nó nói được tiếng Mỹ, chưa đâu, nó còn biết chào Hello nữa kia, rồi mày sẽ nghe". Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt toé lửa: "Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ". Lão Mỹ cười khùng khục: "Tiếng nào cũng thế thôi, mày phải cám ơn tao vì đã dạy được nó nói". Anh quắc mắt la lẻn: "Cám ơn cái con cặc, đụ má mày, mày làm hư con chim của tao rồi. Cút mẹ mày đi". Lão Mỹ nhìn anh ngạc nhiên, đôi mắt xanh mở to như mắt khỉ, ra dấu chẳng hiểu gì. Mà làm sao nó hiểu, làm sao giải thích cho nó biết anh chỉ cần chim nói tiếng của dân tộc anh, của quê hương xa tít của anh, để anh cảm thấy gần gũi với quê nhà. Anh chỉ cần nghe tiếng trời ơi, chỉ cần thế thôi. Lão thuỷ thủ già không hiểu điều đó, lão không có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để gỉải thích. Anh đứng giữa phòng la to:"Trời ơi". Nhồng trả lời:" Oh my God". Cuộc đối thoại nhàm chán suốt như thế cho đến khi anh khản cả cổ. Chim đã quên tiếng Việt. Suốt cả tuần, trừ lúc ngủ, lúc ăn, anh cứ đứng với lồng chim mà kêu:"Trời ơi". Và chim mãi trả lời : "Oh! My God". Không biết tay Mỹ già dạy sao hay thế. Lần hồi, anh khám phá ra lão già cho chim ăn Hamburger. Anh chỉ cho nó ăn bánh Croissant. Lão cho Hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão. Anh lại biết thêm lão cho chim uống rượu Whisky, trong khi anh chỉ cho chim uống nước lã. Hèn gì, anh châm nước cho nó, nó chấm mỏ vào rồi vung vẩy, lấy mỏ kẹp nghiêng hủ nước cho đổ lênh láng. Hoá ra nó đòi Whisky. Lão này mất dạy thật. Con chim đã hư rồi. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống, lúc anh hét trời ơi, nó trả lời Oh! My God! Việc đó làm anh phát điên. Anh bỏ mấy tuần để dạy lại tiếng trời ơi cho nó, nhưng nó làm như đã quên rồi. Nó chỉ Oh! My God. Nhiều lần, tức quá anh đập mạnh trên nóc lồng rầm ràm, nó bay loạn xạ, dáng điệu ngạc nhiên, sợ hãi nhưng vẫn kêu : Oh! My God! Tức không chứ. Giờ thì nó chỉ ăn Hamburger, uống rượu và nói tiếng Mỹ. Chịu hết nỗi, anh túm lấy chân nó, mở cửa sổ, tung nó ra ngoài trời. Anh nói: "Bay đi, tao không cần mày nữa". Nó chao một vòng. Paris đang mùa thu, lá vàng trên cây, lá đỏ dưới đất. Con chim màu đen lượn mấy vòng trong sắc thu rồi trở lại đậu trên bậu cửa sổ. Anh bảo: Trời ơi. Nó: Oh! My God. Nhiều lần như thế, bực mình anh xua nó bay đi, đóng cửa sổ lại, ngồi vào ghế nhồi cối thuốc. Nó quay lại, lại đậu trên bậu cửa, mỏ gõ cành cạch vào cửa kính. Nó kêu Hello, Hello! Anh hét: Trời ơi! Nó trả lời: Oh! My God! Anh ném mạnh tẩu thuốc đang hút vào cửa, chim hoảng hồn bay đi, vừa bay vừa kêu: Oh! My God! Không biết nó kiếm ăn ở đâu, đêm có lẽ nó ngủ trên cành cây phía bên kia đường. Nhưng suốt cả tháng, sáng nào nó cũng đậu nơi cửa sổ phòng anh, dùng cái mỏ vàng gõ cành cạch vào cửa kiếng mà Hello với Oh! My God! Thế rồi một hôm nó mất hút, mấy ngày không thấy bóng dáng nó. Anh mở cửa sổ, ngước lên cây gọi liên tục: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi!. Chẳng có tiếng vọng nào. Anh vẫn gọi, lớn hơn: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Những người đi đường nhìn lên, cứ nghĩ có một lão già cháu Á đang bị điên, có lẽ vì lão nhớ quê hương. Con chim Trời ơi của anh đã vỗ cánh bay mất, suốt cả buổi anh cứ gọi mãi trời ơi, hi vọng nó sẽ bay về. Nhưng nó đã mất biệt. Giọng anh lạc đi với hai hàng nước mắt. Nó đã nói tiếng Mỹ rồi. Nó đã quên tiếng Việt rồi. Thôi! Anh cũng đành quên nó đi. 

26.10.2018 DODUYNGOC












ẢO ẢNH
Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc.

Lần đổi tiền thứ hai năm 1978, Hân chẳng có bao nhiêu tiền để đổi. Lúc đấy Hân đang thất nghiệp, chạy đầu này đầu nọ, chẳng ra việc gì, ai kêu gì làm nấy, bữa đói bữa no. Có thằng bạn thân vượt biên, trước ngày đi có cho một ít, ăn được vài tuần cũng hết sạch. Loay hoay mãi mà chưa biết cách gì để sống. Sách vở bán đã hết. Áo quần cũng chỉ còn bộ đồ mặc trên người, cũng chỉ còn đôi giày da mòn long đế. Gia sản chỉ có bấy nhiêu. Căn phòng càng ngày càng vắng đồ đạc, càng thưa thớt người. Lần lượt từng người đi. Kẻ về quê, người đi đâu mất biệt. Đôi lúc có kẻ lướt về rồi lại đi. Tất cả tản mác để tiếp tục sống, để tiếp tục tồn tại. Đang là cuối đông. Sài Gòn bỗng lành lạnh với những cơn gió lạ. Cả xã hội nghèo, thiếu ăn. Chén cơm trắng là giấc mơ của bao người. Ai cũng gầy với đôi mắt thất thần và cái bụng lép. Chẳng ai giúp được ai. Hân co ro dưới gió trên đường Trương Minh Giảng. Con đường quen thuộc cả chục năm nay, Hân thuộc từng con hẻm, từng lối rẽ, từng cái ổ gà nho nhỏ trên nền xi măng của vỉa hè. Vẫn biết là chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được gì cho cái bụng rỗng đã ba hôm rồi, nhưng anh vẫn đi. Nằm nhà xót bụng không chịu được, ra đường với chút hi vọng gặp ai đó, gặp một dịp may nào đó, lượm được đồng bạc ai đánh rơi. Biết đâu? Cũng còn vài người quen, cũng còn vài thằng bạn. Nhưng Hân ngại. Anh tiều tuỵ quá. Đói rách quá, ngại gặp mọi người. Gia đình nào cũng nghèo nhưng đến bữa cũng có bữa cơm dù là bo bo, bột mì hay cá hẩm thịt ôi. Hân chỉ cần có gì bỏ bụng. Lấp đầy khoảng trống của bao tử đang kẻu ầm ĩ. Nhưng Hân không dám đến nhà ai. Đói nhưng cái bệnh sĩ vẫn bám vào anh. Hân đi dọc căn phố, những cửa hàng ngày xưa sầm uất thế, rộn ràng thế bây giờ đìu hiu và buồn tẻ. Đã gần chập chọang chiều mà căn phố vẫn hiu hắt vì không có điện. Những giọt mưa lác đác, hắt vào anh. Hân tay ôm ngực tay loay hoay tìm điếu thuốc. Túi rỗng. Hân thèm một hơi thuốc trong mưa. Hân cúi xuống, mắt lướt trên nền xi măng, anh lượm được hai cái tàn thuốc. Anh lượm mảnh giấy báo, xé hai tàn thuốc, gói mấy sợi thuốc vào mảnh giấy báo rồi se lại. Ánh lửa soi sáng một vùng mặt, khói vờn lên. Bụng đang đói gặp hơi khói làm đầu anh lâng lâng như say. Những bóng người loang thoáng, chập chờn. Bụng anh thắt lại. Hân có cảm giác có dòng nước mắt đang âm ỉ chảy từ đôi mắt cận. Hân băng qua ngã tư. Góc cây xăng Trần Quang Diệu với Trương Minh Giảng cũ có một bà cụ già bán bánh ít nhân đậu. Bà cụ người Bắc đã già lắm. Lưng còng, lúc nào người cũng quấn trong hai ba lớp áo, đầu quấn khăn. Hàng của bà chỉ chục cái bánh lá đặt trên cái thúng cũng cũ kỹ như bà. Một bà cụ nghèo, vốn liếng chẳng bao nhiêu. Bà bán vào buổi chiều, ít thấy khách mua nên nhiều lúc bảy tám giờ tối vẫn còn thấy bà ngồi dưới đèn đường, bóng bà đổ trên đường nhìn hiu quạnh lắm. Hân lâu lâu cũng ghé bà, mua một vài cái ăn qua cơn đói. Hôm nay Hân nghĩ giá có vài cái bánh này, chắc cũng đỡ cho cái bụng. Nhưng anh chẳng còn đồng bạc nào trong túi. Ngang qua, Hân đi luôn dù chân như muốn níu lại. Hân đi đến hẻm Trường Lê Bảo Tịnh. Anh quay lại, dùng dằng mấy bước rồi sà xuống cái thúng bánh tả tơi của bà cụ. Cụ ạ! Cụ cho con hai cái được không? Mời cậu. Cậu mua giúp. Ế quá. Nhưng cụ ơi! Hôm nay cháu không còn tiền, cụ cho cháu thiếu được không? Bà cụ ngần ngừ, chép miệng: Khổ thế cơ à? Ối giời thời thế gì mà ai cũng khổ thế này? Hân đứng lên, anh thấy chóng mặt, cái đầu hơi quay quay, anh lại đành ngồi xuống. Dạ vậy thôi cụ ạ. Vốn cụ chẳng bao nhiêu mà cháu lại ăn thiếu thì khổ cho cụ quá. Bà cụ đưa đôi mắt hấp hem nhìn Hân, móm mém: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử? Đêm đó nhờ hai cái bánh ít, Hân ngủ được một giấc ngon. Mấy hôm sau đó, có việc ở Biên Hoà, anh xuống làm phụ mộc gần chục ngày. Về lại Sài Gòn mấy bữa, ghé góc đường lại không thấy bà cụ. Rồi ngày qua tháng lại, thời gian trôi đi, lúc thì quên, khi nhớ tìm mãi chẳng thấy bà cụ đâu. ******** Cuối năm ấy, một người bạn cho một suất vượt biên, trả tiền sau. Hân liều làm một chuyến vì đang bế tắc quá. Lênh đênh gần nửa tháng ngoài biển, máy hư, tàu vô nước, cuối cùng cũng cặp được vào đảo Pulau Bidong đảo nhỏ ở phía nam biển Đông, thuộc bang Terengganu của Malaysia. Đảo này được biết đến chủ yếu vì đây mở trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991. Đến 30 tháng 10năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250.000 người tỵ nạn. Hân ở đảo gần một năm vì chẳng có thân nhân nào bảo lãnh, anh vốn lớn lên từ cô nhi viện, tứ cố vô thân nên chẳng biết cậy nhờ ai. Sau đó anh gia nhập đạo Tin Lành và rồi một hội thánh ở Mỹ bảo lãnh Hân qua Mỹ. Những năm tháng ở Mỹ, anh cật lực vừa học vừa làm, cuối cùng cũng có một việc làm ồn định, một bằng cấp kha khá, một căn nhà vừa ý. Hai lần lập gia đình đều đổ vỡ, không có đứa con nào, anh nghĩ chắc ở thế cho đến già. Số thế rồi thì chấp nhận vậy. Đi làm về, một mình trong căn nhà trống, nhiều đêm anh nhớ Việt Nam, đôi khi thấp thoáng bóng của bà cụ và hai chiếc bánh anh còn thiếu nợ hiện ra trong giấc mơ. Nhưng anh vẫn chưa về, thật ra cũng chẳng còn ai để về. Chẳng còn chi níu kéo để về. Nhưng Việt Nam vẫn về trong giấc mơ của Hân. Có một cái gì đó không giải thích được cứ gọi anh về. Năm 2002, nhân chuyến công tác ở Thái Lan, anh về lại Sài Gòn năm hôm. Thành phố chẳng còn như cũ, nhiều nhà cao tầng, phố xá đông đúc hơn, người ta có vẻ giàu hơn, hàng quán nhiều hon. Buổi chiều anh về lại con đường Trương Minh Giảng cũ, con phố này có vẻ ít đổi thay, trường đại học ngày xưa của anh giờ trông tàn tạ, những bức tường ám rêu, cái cổng trường vẫn thế. Ngôi chợ cũ khang trang hơn, phố sầm uất hơn. Hân đi dọc con đường mấy chục năm trước thường đi, vỉa hè không còn loang lổ, lát gạch đẹp hơn. Đứng ở bên này ngã tư Trần Quang Diệu nhìn qua xây xăng, anh thoáng thấy bà cụ bán bánh ít nhân đậu xanh đang ngồi ở dưới cột đèn đường. Lạ nhỉ? Hai mươi mấy năm rồi, cụ còn sống sao? Cụ vẫn ngồi bán ở đây sao? Hân nhớ hai chiếc bánh còn thiếu nợ bà cụ. Anh vội băng qua đường. Một chiếc xe bus trờ tới, che tầm mắt của anh. Khi anh bước qua bên kia đường thì không còn thấy bà cụ nữa. Mới thấy đây mà? Hay chỉ là ảo ảnh. Hân đi tìm quanh quất mà chẳng thấy gì. Anh đứng ngay chỗ bà cụ hay ngồi ngày xưa, miệng lẩm bẩm: Cụ ơi! Con về tìm cụ trả tiền hai chiếc bánh. Chắc cụ chẳng còn trên đời này nữa đâu. Nhưng con vừa thấy cụ. Hay cụ nhắc con nhớ món nợ năm xưa. Nhưng con biết làm sao trả. Cụ ơi! Mong cụ siêu thoát. Món nợ này con suốt đời nợ cụ. Mấy ngày còn lại ở Sài Gòn, Hân cứ quanh quất ở cây xăng Trần Quang Diệu, hỏi thăm về bà cụ bán bánh ít hơn hai mươi năm trước ở chỗ này. Mấy hôm rồi chẳng ai biết, chẳng biết thêm tin tức gì. Hôm cuối cùng ở Việt Nam, anh gặp được một anh chàng xe ôm, anh biết rất rõ bà cụ vì anh là con rể của bà cụ. Hân mừng quá, ngồi trên xe để anh xe ôm chở về nhà mà anh cứ ôm bụng anh chàng xe ôm mà nói: Mừng quá, mừng quá. Chắc là bà cụ khiến anh gặp tui. Mừng quá! Anh xe ôm kể đêm qua thấy cụ về bảo chiều mai ra góc cây xăng, có người muốn gặp. Hân nói với lên: Thế là cụ bảo ra gặp tui đấy. Bà cụ linh thiêng thật. Xe chạy vào mấy cái hẻm ngoằn nghèo. Con hẻm càng vào sâu càng hẹp lại. Căn nhà ở cuối con hẻm ứ nước, cạnh bãi rác. Nhà sơn tróc loang lổ, nghiêng ngiêng như muốn ngã. Nhà tù mù một cái bóng đèn vàng hiu hắt. Một người đàn bà đi ra sau tiếng kêu của anh xe ôm. Hân bước vào nhà, đập vào mắt anh là chiếc bàn thờ be bé thắp ngọn đèn đỏ quạch soi tấm ảnh nho nhỏ của bà cụ. Bà cụ đang nhìn anh, mắt nheo nheo với nụ cười hóm hỉnh. Anh nhớ câu cuối cùng của bà nói với anh hơn hai mươi năm trước: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử? Hân xin ba cây nhang, đốt lửa, ánh sáng bùng lên soi khuôn mặt của người đàn bà nhầu nhĩ, chắc tại nghèo. Hân chắp tay vào ba cây nhang: Cụ ơi,con xin lỗi cụ, con đắc tội với cụ, con mang nợ cụ hai chiếc bánh cứu con qua cơn đói mà bây giờ con mới trả được cho cụ thì cụ đã chẳng còn. Con không quên được hai chiếc bánh của cụ đâu. Và vì không quên nên con mới nhìn thấy cụ, con mới tìm được nhà cụ để trả món nợ ân tình. Hân ra ngoài cửa, ánh sáng cuối cùng của buổi chiều hắt lên ánh sáng kỳ dị vừa nhờ nhờ vừa tăm tối trên cánh cửa loang lổ. Anh rút hết số tiền trong ví, trong túi xách, anh không đếm là bao nhiêu nhưng cũng được một bó bằng cườm tay. Anh xin chiếc dĩa, đặt hết lên đấy và vái một lần nữa. Cụ ơi! Con xin gởi cụ. Đã biết trễ rồi nhưng có còn hơn không. Con đội ơn cụ và mong cụ tha lỗi cho con. Hân bước ra con hẻm, ánh đèn đường vừa bật, anh lại ra con đường cũ. Cây xăng đang tấp nập. Khoảng sáng chiếu ở dưới đèn đường, anh lại thấy nụ cười và dáng lom khom của bà cụ. Nhưng lần này cụ không có bóng đổ. 

15.7.2005 DODUYNGOC






















Tranh
Đỗ Duy Ngọc



















ẢO ẢNH Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc. Lần đổi tiền thứ hai năm 1978, Hân chẳng có bao nhiêu tiền để đổi. Lúc đấy Hân đang thất nghiệp, chạy đầu này đầu nọ, chẳng ra việc gì, ai kêu gì làm nấy, bữa đói bữa no. Có thằng bạn thân vượt biên, trước ngày đi có cho một ít, ăn được vài tuần cũng hết sạch. Loay hoay mãi mà chưa biết cách gì để sống. Sách vở bán đã hết. Áo quần cũng chỉ còn bộ đồ mặc trên người, cũng chỉ còn đôi giày da mòn long đế. Gia sản chỉ có bấy nhiêu. Căn phòng càng ngày càng vắng đồ đạc, càng thưa thớt người. Lần lượt từng người đi. Kẻ về quê, người đi đâu mất biệt. Đôi lúc có kẻ lướt về rồi lại đi. Tất cả tản mác để tiếp tục sống, để tiếp tục tồn tại. Đang là cuối đông. Sài Gòn bỗng lành lạnh với những cơn gió lạ. Cả xã hội nghèo, thiếu ăn. Chén cơm trắng là giấc mơ của bao người. Ai cũng gầy với đôi mắt thất thần và cái bụng lép. Chẳng ai giúp được ai. Hân co ro dưới gió trên đường Trương Minh Giảng. Con đường quen thuộc cả chục năm nay, Hân thuộc từng con hẻm, từng lối rẽ, từng cái ổ gà nho nhỏ trên nền xi măng của vỉa hè. Vẫn biết là chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được gì cho cái bụng rỗng đã ba hôm rồi, nhưng anh vẫn đi. Nằm nhà xót bụng không chịu được, ra đường với chút hi vọng gặp ai đó, gặp một dịp may nào đó, lượm được đồng bạc ai đánh rơi. Biết đâu? Cũng còn vài người quen, cũng còn vài thằng bạn. Nhưng Hân ngại. Anh tiều tuỵ quá. Đói rách quá, ngại gặp mọi người. Gia đình nào cũng nghèo nhưng đến bữa cũng có bữa cơm dù là bo bo, bột mì hay cá hẩm thịt ôi. Hân chỉ cần có gì bỏ bụng. Lấp đầy khoảng trống của bao tử đang kẻu ầm ĩ. Nhưng Hân không dám đến nhà ai. Đói nhưng cái bệnh sĩ vẫn bám vào anh. Hân đi dọc căn phố, những cửa hàng ngày xưa sầm uất thế, rộn ràng thế bây giờ đìu hiu và buồn tẻ. Đã gần chập chọang chiều mà căn phố vẫn hiu hắt vì không có điện. Những giọt mưa lác đác, hắt vào anh. Hân tay ôm ngực tay loay hoay tìm điếu thuốc. Túi rỗng. Hân thèm một hơi thuốc trong mưa. Hân cúi xuống, mắt lướt trên nền xi măng, anh lượm được hai cái tàn thuốc. Anh lượm mảnh giấy báo, xé hai tàn thuốc, gói mấy sợi thuốc vào mảnh giấy báo rồi se lại. Ánh lửa soi sáng một vùng mặt, khói vờn lên. Bụng đang đói gặp hơi khói làm đầu anh lâng lâng như say. Những bóng người loang thoáng, chập chờn. Bụng anh thắt lại. Hân có cảm giác có dòng nước mắt đang âm ỉ chảy từ đôi mắt cận. Hân băng qua ngã tư. Góc cây xăng Trần Quang Diệu với Trương Minh Giảng cũ có một bà cụ già bán bánh ít nhân đậu. Bà cụ người Bắc đã già lắm. Lưng còng, lúc nào người cũng quấn trong hai ba lớp áo, đầu quấn khăn. Hàng của bà chỉ chục cái bánh lá đặt trên cái thúng cũng cũ kỹ như bà. Một bà cụ nghèo, vốn liếng chẳng bao nhiêu. Bà bán vào buổi chiều, ít thấy khách mua nên nhiều lúc bảy tám giờ tối vẫn còn thấy bà ngồi dưới đèn đường, bóng bà đổ trên đường nhìn hiu quạnh lắm. Hân lâu lâu cũng ghé bà, mua một vài cái ăn qua cơn đói. Hôm nay Hân nghĩ giá có vài cái bánh này, chắc cũng đỡ cho cái bụng. Nhưng anh chẳng còn đồng bạc nào trong túi. Ngang qua, Hân đi luôn dù chân như muốn níu lại. Hân đi đến hẻm Trường Lê Bảo Tịnh. Anh quay lại, dùng dằng mấy bước rồi sà xuống cái thúng bánh tả tơi của bà cụ. Cụ ạ! Cụ cho con hai cái được không? Mời cậu. Cậu mua giúp. Ế quá. Nhưng cụ ơi! Hôm nay cháu không còn tiền, cụ cho cháu thiếu được không? Bà cụ ngần ngừ, chép miệng: Khổ thế cơ à? Ối giời thời thế gì mà ai cũng khổ thế này? Hân đứng lên, anh thấy chóng mặt, cái đầu hơi quay quay, anh lại đành ngồi xuống. Dạ vậy thôi cụ ạ. Vốn cụ chẳng bao nhiêu mà cháu lại ăn thiếu thì khổ cho cụ quá. Bà cụ đưa đôi mắt hấp hem nhìn Hân, móm mém: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử? Đêm đó nhờ hai cái bánh ít, Hân ngủ được một giấc ngon. Mấy hôm sau đó, có việc ở Biên Hoà, anh xuống làm phụ mộc gần chục ngày. Về lại Sài Gòn mấy bữa, ghé góc đường lại không thấy bà cụ. Rồi ngày qua tháng lại, thời gian trôi đi, lúc thì quên, khi nhớ tìm mãi chẳng thấy bà cụ đâu. ******** Cuối năm ấy, một người bạn cho một suất vượt biên, trả tiền sau. Hân liều làm một chuyến vì đang bế tắc quá. Lênh đênh gần nửa tháng ngoài biển, máy hư, tàu vô nước, cuối cùng cũng cặp được vào đảo Pulau Bidong đảo nhỏ ở phía nam biển Đông, thuộc bang Terengganu của Malaysia. Đảo này được biết đến chủ yếu vì đây mở trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991. Đến 30 tháng 10năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250.000 người tỵ nạn. Hân ở đảo gần một năm vì chẳng có thân nhân nào bảo lãnh, anh vốn lớn lên từ cô nhi viện, tứ cố vô thân nên chẳng biết cậy nhờ ai. Sau đó anh gia nhập đạo Tin Lành và rồi một hội thánh ở Mỹ bảo lãnh Hân qua Mỹ. Những năm tháng ở Mỹ, anh cật lực vừa học vừa làm, cuối cùng cũng có một việc làm ồn định, một bằng cấp kha khá, một căn nhà vừa ý. Hai lần lập gia đình đều đổ vỡ, không có đứa con nào, anh nghĩ chắc ở thế cho đến già. Số thế rồi thì chấp nhận vậy. Đi làm về, một mình trong căn nhà trống, nhiều đêm anh nhớ Việt Nam, đôi khi thấp thoáng bóng của bà cụ và hai chiếc bánh anh còn thiếu nợ hiện ra trong giấc mơ. Nhưng anh vẫn chưa về, thật ra cũng chẳng còn ai để về. Chẳng còn chi níu kéo để về. Nhưng Việt Nam vẫn về trong giấc mơ của Hân. Có một cái gì đó không giải thích được cứ gọi anh về. Năm 2002, nhân chuyến công tác ở Thái Lan, anh về lại Sài Gòn năm hôm. Thành phố chẳng còn như cũ, nhiều nhà cao tầng, phố xá đông đúc hơn, người ta có vẻ giàu hơn, hàng quán nhiều hon. Buổi chiều anh về lại con đường Trương Minh Giảng cũ, con phố này có vẻ ít đổi thay, trường đại học ngày xưa của anh giờ trông tàn tạ, những bức tường ám rêu, cái cổng trường vẫn thế. Ngôi chợ cũ khang trang hơn, phố sầm uất hơn. Hân đi dọc con đường mấy chục năm trước thường đi, vỉa hè không còn loang lổ, lát gạch đẹp hơn. Đứng ở bên này ngã tư Trần Quang Diệu nhìn qua xây xăng, anh thoáng thấy bà cụ bán bánh ít nhân đậu xanh đang ngồi ở dưới cột đèn đường. Lạ nhỉ? Hai mươi mấy năm rồi, cụ còn sống sao? Cụ vẫn ngồi bán ở đây sao? Hân nhớ hai chiếc bánh còn thiếu nợ bà cụ. Anh vội băng qua đường. Một chiếc xe bus trờ tới, che tầm mắt của anh. Khi anh bước qua bên kia đường thì không còn thấy bà cụ nữa. Mới thấy đây mà? Hay chỉ là ảo ảnh. Hân đi tìm quanh quất mà chẳng thấy gì. Anh đứng ngay chỗ bà cụ hay ngồi ngày xưa, miệng lẩm bẩm: Cụ ơi! Con về tìm cụ trả tiền hai chiếc bánh. Chắc cụ chẳng còn trên đời này nữa đâu. Nhưng con vừa thấy cụ. Hay cụ nhắc con nhớ món nợ năm xưa. Nhưng con biết làm sao trả. Cụ ơi! Mong cụ siêu thoát. Món nợ này con suốt đời nợ cụ. Mấy ngày còn lại ở Sài Gòn, Hân cứ quanh quất ở cây xăng Trần Quang Diệu, hỏi thăm về bà cụ bán bánh ít hơn hai mươi năm trước ở chỗ này. Mấy hôm rồi chẳng ai biết, chẳng biết thêm tin tức gì. Hôm cuối cùng ở Việt Nam, anh gặp được một anh chàng xe ôm, anh biết rất rõ bà cụ vì anh là con rể của bà cụ. Hân mừng quá, ngồi trên xe để anh xe ôm chở về nhà mà anh cứ ôm bụng anh chàng xe ôm mà nói: Mừng quá, mừng quá. Chắc là bà cụ khiến anh gặp tui. Mừng quá! Anh xe ôm kể đêm qua thấy cụ về bảo chiều mai ra góc cây xăng, có người muốn gặp. Hân nói với lên: Thế là cụ bảo ra gặp tui đấy. Bà cụ linh thiêng thật. Xe chạy vào mấy cái hẻm ngoằn nghèo. Con hẻm càng vào sâu càng hẹp lại. Căn nhà ở cuối con hẻm ứ nước, cạnh bãi rác. Nhà sơn tróc loang lổ, nghiêng ngiêng như muốn ngã. Nhà tù mù một cái bóng đèn vàng hiu hắt. Một người đàn bà đi ra sau tiếng kêu của anh xe ôm. Hân bước vào nhà, đập vào mắt anh là chiếc bàn thờ be bé thắp ngọn đèn đỏ quạch soi tấm ảnh nho nhỏ của bà cụ. Bà cụ đang nhìn anh, mắt nheo nheo với nụ cười hóm hỉnh. Anh nhớ câu cuối cùng của bà nói với anh hơn hai mươi năm trước: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử? Hân xin ba cây nhang, đốt lửa, ánh sáng bùng lên soi khuôn mặt của người đàn bà nhầu nhĩ, chắc tại nghèo. Hân chắp tay vào ba cây nhang: Cụ ơi,con xin lỗi cụ, con đắc tội với cụ, con mang nợ cụ hai chiếc bánh cứu con qua cơn đói mà bây giờ con mới trả được cho cụ thì cụ đã chẳng còn. Con không quên được hai chiếc bánh của cụ đâu. Và vì không quên nên con mới nhìn thấy cụ, con mới tìm được nhà cụ để trả món nợ ân tình. Hân ra ngoài cửa, ánh sáng cuối cùng của buổi chiều hắt lên ánh sáng kỳ dị vừa nhờ nhờ vừa tăm tối trên cánh cửa loang lổ. Anh rút hết số tiền trong ví, trong túi xách, anh không đếm là bao nhiêu nhưng cũng được một bó bằng cườm tay. Anh xin chiếc dĩa, đặt hết lên đấy và vái một lần nữa. Cụ ơi! Con xin gởi cụ. Đã biết trễ rồi nhưng có còn hơn không. Con đội ơn cụ và mong cụ tha lỗi cho con. Hân bước ra con hẻm, ánh đèn đường vừa bật, anh lại ra con đường cũ. Cây xăng đang tấp nập. Khoảng sáng chiếu ở dưới đèn đường, anh lại thấy nụ cười và dáng lom khom của bà cụ. Nhưng lần này cụ không có bóng đổ. 15.7.2005









































































PN & ĐDN
















































Trở về












MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.