Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Hoàng Anh Tuấn (1932 - 2006)

 








Hoàng Anh Tuấn

(7 tháng 5 năm 1932 - 1 tháng 9 năm 2006)
hưởng thọ 75 tuổi
đạo diễn điện ảnh, nhà văn, nhà thơ








Tiểu sử

Hoàng Anh Tuấn sinh tại Hà Nội. Năm 17 tuổi du học sang Pháp đến năm 1958 về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh IDHEC (L'Institut des hautes études cinématographiques) Paris.

Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát thanh Đà Lạt.
Tên tuổi của ông gắn liền với ngành điện ảnh trong vai trò đạo diễn.





Phim

Ngàn năm mây bay
(1963)
dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn


(1961)
dựa trên tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được


Nước mắt đêm xuân
diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly


(1972)
với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu


Sau năm 1975 ông bị bắt đi tù cải tạo đến năm 1979 thì được phép xuất cảnh sang Pháp.
Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất ở San Jose, California.















Tác phẩm







Ly nước lọc
kịch nói




Hà Nội 48
kịch nói






Về Provins
(tập thơ)


Em lại về Provins
Qua sân ga ngái ngủ,
Qua chiếc cổng gỗ nhỏ sơn xanh
Qua nhịp cầu sắt gỉ,
Qua dãy phố già nua,
Và bâng quơ
Em lại cười – như thuở trước mỗi lần qua đây –
Có gì đâu! vẫn là nắng rất tầm thường, rất giản dị.
Nắng nhỏ như cây kim
Nắng nhạt mầu như nước suối,
Em vẫn cười!
Nhưng chẳng còn đắm đuối
Khi đượm ngọt tình hoa.
Vâng! em vẫn về đây.
Tuy năm tháng đã hao gầy đi ít tuổi:
Những khẩu hiệu vôi trên tường đã đổi
Mái tóc đậm mầu hơn, thơm hơn,
Nhưng lơ đãng với bàn tay gió thổi,
Và nội cỏ những ngày hè.
Irène! đừng cười nữa em.
Tiếng chuông nhà thờ Sainte Croix
Đã bớt là tiếng chuông hôm qua!
Và Provins, và em, và anh đã đổi
Như những giọt mưa,
Như những ngón tay trên phím đàn piano,
Như những lá thư viết vội,
Như những tấm ảnh mừng tuổi đầu năm,
Như những gì sẽ đi qua một lượt
Khoác trên vai một tấm áo tơi,
Như khói thuốc lá,
Như khói trong hơi thở mùa đông,
Như những bàn tay tàn trong mùa khói lửa,
Như những gót chân không còn nữa
Trên lối hẹn trở về,
Và nội cỏ hoang trong những buổi đầu hè.

Irène! Anh chỉ muốn một mình anh cười,
Như khi nhìn dâu cười xanh biếc,
Như khi xem Tuyến, Lữ, Sa đóng kịch
Bên sân đình làng Sêu,
Như thấy lửa thêu hồng mái tóc người Hà Nội,
Trong một đêm bật máu những làn môi.
Xác người rơi bên xác lá rơi.

Nhưng anh chỉ cười một nửa
Riêng phần dư anh khóc như trẻ thơ.
Khóc như mẹ lạc con,
Khóc như ngày trở về Hà Nội cũ
Vắng mặt Liêm và những bạn cùng đi

Anh khóc sẽ chẳng bao giờ còn những buổi biệt ly
Nguội mấy tách cà-phê,
Tàn điếu thuốc lá
Anh khóc Paris chiều Noël bên gã lính say mềm,
Gã khoe giọt nước mắt đầu tiên,
Và câu chuyện tình đã úa.
Anh khóc trên tầu biển, người do-thái mơ quê hương
Bên lề đường tội lỗi
Anh khóc gã lái xe thuê mượn nhờ quê hương kẻ khác,
Để thoát nợ đấu tranh,
Để giữ vẹn toàn một niềm riêng ích kỷ.

Anh khóc chẳng biết sao anh khóc
Anh chỉ nhớ nhiều lần em cũng khóc như anh:
Vì mái tóc em vàng,
Vì mái tóc anh đen,
Vì anh trai em đã bỏ mình “bên ấy”
Vì Ba em và thôn làng đã cúi đầu oán hận
“Một giống người” đã cướp đứa con hư
Vì em buồn,
Và bao nhiêu kẻ khác cũng buồn như em:
Những mái tóc đen,
Những mái tóc vàng,
Vì Ba em say rượu,
Vì Măng em thiếu tiền mua sữa,
Vì em thiếu áo mặc đến trường,
Vì Paris vẫn có người chơi cá ngựa!
Vẫn có người cười hát tới thâu đêm
Điệu nhạc Jazz nô-lệ lũ người đen
Vẫn điên dại những luồng chân trác táng
Champagne! Whisky! vũ nữ khoả thân! ánh sáng!
Vẫn có người chết lạnh giữa đống giẻ hôi
Và những đứa trẻ con mơ một chút đồ chơi
Khi cha mẹ đã mất việc làm từ mấy tháng,
Khi Père Noël thăm những đứa trẻ con giàu!

Em quay đi khi thấy những bàn tay nâu,
Đồng tiền nhỏ không đủ che vết sẹo.
Em cúi đầu kể lể
Và em khóc,
Nước mắt em như rửa trắng cánh bồ câu,
Của những ngày nắng hè thơm cỏ nội!

Em khóc mùa Muguet
Vì bó hoa thơm nhẹ,
Vì chuông hoa trắng nguyên,
Vì lá Muguet xanh,
Vì bàn tay của kẻ bán hoa – lũ trẻ nghèo –
Nẻ, rạn mầu da
Vì bước chân của những kẻ đi qua,
Tránh gặp gỡ bước chân nghèo quanh quẩn
Vì ở Champs-Elysées sang trọng
Cũng bó hoa Muguet trắng tinh, thơm nhẹ.
Hương thiên nhiên chết yểu giữa mùi nước hoa
Của những chiếc mùi-xoa,
Của những mầu chăn đệm,
Của những chiếc lọ hoa xinh xinh, nho nhỏ
Để trên bàn đêm cho đẹp giấc chiêm bao!
Irène! anh đã biết vì sao lòng anh đã khóc,
Cũng như anh đã biết vì sao em quý mảnh khăn xanh.
Chiếc khăn thuở nào là mảnh vải,
Như miếng vải lau xe của những kẻ nhà giầu:
Một miếng vải xanh đã cũ, đã bạc mầu.
Nhưng cũng đủ chít mái đầu thiếu thốn
Nhưng cũng đủ cho mái tóc vàng của cô gái thêm xinh.
Vài đường thêu, sao mà giống lá thư tình,
Của những kẻ đã lâu rồi thông cảm!
Anh nhớ em
Anh nhớ mảnh khăn xanh
Anh nhớ lòng người bạn
Khi say sưa ôm tấm áo mùa đông,
Người bạn anh say tình yêu dân tộc,
Say bàn tay cô gái vô danh,
Say ý đời ngát mở,
Ghì bóng sáng mà say!
Trên nẻo đường kháng chiến,
Cũng như trên những nẻo đường gai
Có những bông hoa cảm thông nở đẹp
Và lòng bạn anh hình như có nắng một mùa hè!

Nắng hè Provins thơm hương mùi cỏ nội,
Đẹp như con đường giải ốc làng Sêu!
Có cô thôn nữ cười bên bờ giếng,
Irène cười bâng quơ
Cười như Tuyến theo du kích vào Trầm-Lộng
Cười như Sa, Lữ về đóng kịch Chua-Me
Cười như anh bạn phòng thông tin
Cười khi viết xong bản truyền đơn trên phiến-đá
Irène cười có khác gì không nhỉ?
Em cười khi thấy kẻ khác cười:
Thằng Jeannot, thằng Phil và con Marthe
Mỗi đứa một củ khoai to!
Những khuôn mặt gầy tươi như lá mới.
Sao em cười mà nước mắt long lanh?
Sao em cười mà lòng anh nức nở?
Bên quách thành đổ-vỡ,
Có một tiếng cười vừa đủ dấu đau thương.

Có ai về ngang cầu sắt nhỏ để nghe giọng cười vương
Của Irène, của tôi và của mầu nắng mới.
Cười bâng quơ bên mấy nẻo cuộc đời,
Chắc có kẻ cũng cười
Trong giấc mơ sáng sủa,
Trong xưởng thợ tối tăm,
Dưới bóng cây xanh,
Trong màu khói than hôi
Mơ thằng Jeannot, thằng Phil và con Marthe của mình
Có những củ khoai to nóng hổi!
Cũng như Irène và tôi,
Có những người thổn thức,
Nắm chặt lấy bàn tay!
Hay cúi đầu máu cặn thừa trên cặp má đỏ gay!

Irène đừng hỏi nữa!
Anh biết em muốn hỏi những gì,
Anh biết em khát khao than thở,
Anh biết em muốn khóc ướt vai anh!
Ngừng đi em những gì đang tan nát,
Và những gì đang ngạt thở rưng-rưng!
Cười đi em!
Cười cho rõ tiếng,
Như dấu chân người trên cát trắng ban mai,
Như nét gạch ngang xoá bỏ,
Như một dạo em cười khi chúng mình mơ ước lấy nhau!

Nhưng chỉ cười một nửa,
Còn phần kia để làm giầu cho tình cảm Provins!
Có phải bữa nay chiều thứ bảy?
Phiên chợ Provins?
Irène! mua cho anh một con chỉ ấm vàng,
Em đừng hỏi “để làm gì?” như em vẫn hỏi.
Anh sẽ trả lời – dĩ nhiên anh nói dối – :
“Để so với mầu tóc em!”
Mà đôi khi,
Khi tóc em vàng mát rượi,
Anh cũng so mầu sao với mớ tóc của em!
Cũng như anh so mầu khói đục với lớp sương khuya,
So mầu trăng chiến chinh với vành khăn tang tóc,
Anh so quân-y-viện với buổi chiều Provins,
Anh so anh với anh giữa thời gian môi giới!
Anh so chiều đại hội với những vị hành tinh!
Anh so những chiến binh xưa kia là thợ mỏ
Với những anh thợ mỏ đang sắp thành chiến binh!
Anh so mùa thanh bình
Với cánh chim hay với cành lộc biếc!
Irène cười
Như em vẫn cười khi nghe anh kể lể,
Anh cũng cười
Vì có lẽ cũng như em!

Tiếng chuông nhà thờ sao có chút gì vui!
Như một niềm tin cậy,
Như hứa hẹn nắng hè,
Như có chim, có hoa
Như ngày 14 tháng 7 thật thà
Qua dãy phố già nua làm đỏm
Irène cười bâng quơ,
Nụ cười đẹp như bài thơ,
Nụ cười xinh như đời tỉnh nhỏ,
– Khi cuộc đời nguyên vẹn là cuộc đời! –
Có những bông hoa nở trên tay hân hoan
Có những bàn tay vuốt nhẹ thỏi thép, hòn gang!
Mơ rèn sắt thành những guồng máy đẹp!
Và Lữ sẽ còn yêu đóng kịch,
Và Sa vẫn còn muốn thêu thùa,
Tuyến ngày xưa cặp mắt vẫn nghịch đùa
Pha thi vị vào những nguồn tin tưởng!
Liêm và các bạn cười
Vì mộng các anh thực hiện
Dù vắng các anh nhưng lũ bạn còn đây!
Còn sống đây để hát,
Còn sống đây để sống những bài thơ!

Irène! Chúng mình đã hết bơ vơ!
Tuy chúng mình chưa bao giờ riêng lẻ
Nắng Provins sao giống nắng làng Sêu!
Chiều nay em về
Qua chiếc cầu sắt gỉ,
Qua chiếc cổng gỗ nhỏ sơn xanh,
Và nhà ga,
Và con tầu lúc lắc!
... Hay bụi ruối, ruộng dâu,
Hay con đường nâu,
Hay bến bò sang Đặng,
Hay con đò chở nặng
Những em nhi đồng Mai-Hắc-Đế về thủ đô
Irène! cười đi em
Khi tất cả cùng cười lên một lượt:
Thằng Jeannot, thằng Phil, con Marthe và tất cả loài người!

Vui nhau cười
Như trong đêm đại hội
Có những bó Muguet
Có những chiếc khăn xanh sột soạt
Và rất nhiều đồ chơi

Cho tất cả trẻ con từ Paris đến Hà Nội
Vì Père Noël của tất cả mọi người.








Yêu em, Hà Nội
(tập thơ)


Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em - mười bảy tuổi - một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Năm ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

Hà Nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ

Hà Nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp

Hà Nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại

Hà Nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở

Hà Nội yêu, xin cầm tay lần nữa
- Một lần thôi cho vừa đủ hai lần -
Thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
Anh chết lặng trong tình yêu thác đổ.

Hà Nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ

Hà Nội yêu, xin về từ thống khổ
Dây kẽm gai dù xé rách bờ vai
Bóng ngục tù dù ngầu đục mắt nai
Anh xin đón vào đôi tay khô héo.










Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác (2004)


Tập thơ Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác được ra mắt tại Hoa Kỳ năm 2004. Đây là công trình do con gái tác giả là Hoàng Thu Thuyền sưu tập.


Mở

Khi nhà thơ Nga Maldelstam trở lại vùng Petersburg, ông không tìm thấy những người quen và khung cảnh cũ nữa, dù những ngọn đèn đường vẫn vàng ệch như “lòng trứng đỏ”. Ông đã thức trắng đêm bên khung cửa, với quyển sổ điện thoại vô ích trên tay, chờ đợi. Những người thân yêu của ông không bao giờ còn trở lại cái thành phố thảm đạm đó nữa.

Hoàng Anh Tuấn làm một nhà thơ may mắn hơn. Những kỷ niệm của ông tươi sáng và hạnh phúc hơn nhiều, tựa như khối ngọc lấp lánh mãi trong giấc mơ muôn sắc màu huyền ảo của riêng ông. Những ấn tượng của ông về Hà Nội, ngay vào lúc vừa bắt đầu đời sống, như hơi thở, như máu huyết ông. Đẩy cánh cửa sổ của San Jose ra, lập tức nhà thơ của chúng ta đã ở ngay giữa lòng Hà Nội lãng đãng Thu vàng. Ông chỉ cần khẽ đưa tay ra là có thể chạm vào “tà áo vân nền nã” của Hà Nội thanh lịch. Chỉ cần nghiêng đầu lắng tai một chút, nhà thơ có thể nghe ra tiếng xôn xang của vòng bảy chiếc trên cườm tay ngà Hà Nội, hay tiếng rao quà nơi cuối Sinh Từ, hoặc nao nao mà nhận ra tiếng con chim vành khuyên vẫn hót bên cửa sổ ngôi nhà cũ. Chỉ cần nhắm mắt tưởng tượng là nhà thơ có thể nếm trải đủ mùi vị chua ngọt của quả nhót hay quả sấu năm nào... Mà tất cả những cảm giác sống động này đều được bao bọc trong một không gian thấm đẫm mùi hoàng lan hay mùi hương cốm mới…

Với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội không chỉ còn là một địa danh, một thành phố, mọât thủ đô hay chỉ đơn thuần là nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông đã nhân hình hoá Hà Nội thành một con người bằng xương bằng thịt… Nói đúng hơn, đó còn là tên gọi khác của người thiếu nữ xa xưa đã phả vào tâm hồn ông khói sương lãng mạn của mối tình đầu. Đồng thời một cách vô thức, ông đã đồng nhất hoá tình yêu của ông với người con gái năm xưa, với tình yêu Hà Nội. Hà Nội chính là Em. Tình yêu Em chính là tình yêu Hà Nội. Không thể tách rời hay phân biệt. Cái cách ông gọi thành phố tuổi trẻ của mình mới trân trọng và âu yếm làm sao, qua tựa đề bài thơ: Yêu Em, Hà Nội.

Những bài thơ của Hoàng Anh Tuấn là cuộc hành trình trở về quê hương, với tuổi thơ, với mối tình đầu thơ dại, bằng sự hoài vọng của một tâm thức trong sáng, thiết tha, đôn hậu. Dù ở chân trời góc bể nào, ông vẫn mang theo những hình ảnh, những âm thanh, những mùi hương mà đời sống và tình yêu đã dâng tặng cho ông thuở nào. Và trong chuyến đi rời xa Hà Nội trong một quãng thời gian lâu dài đến vậy, băng qua những kinh thành rực rỡ ánh đèn hay qua những thủ đô náo nhiệt ngựa xe, qua những nơi chốn từng dung dưỡng ông dọc đời sống... ông vẫn không hề lãng quên góc cổ thành ngàn năm văn vật của riêng ông. Những đỉnh nhà chọc trời cao vút kia không che nổi một góc trời quê cũ. Năm tháng và sự cách xa quyện vào nhau thành một thứ phù sa kỳ lạ, bồi đắp thêm mãi vào tâm hồn ông những lớp dưỡng chất tình yêu màu mỡ. Những ấn tượng thời mới lớn đã khắc ghi vào tâm hồn ông hình ảnh một đất thánh huyền hoặc, tạo thành bối cảnh chính cho những thi ca ông, suốt đời.
Mãi mãi Hoàng Anh Tuấn đứng trên ngọn tháp thanh xuân cao ngất, với những giấc mơ đẹp đẽ đó mà ngắm nhìn thế giới. Xuyên thấu qua lớp khói sương phôi pha của thời gian, ông nhìn thấy thật rõ bầu trời Hà Nội năm xưa, nhìn thấy trọn vẹn mối tình thơ ngây và nhìn thấy chính dáng điệu của mình, vẫn hệt như mấy mươi năm xưa, không hề thay đổi. Chưa bao giờ nhà thơ đánh mất Hà Nội, tình yêu và tuổi trẻ! Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Tất cả như một bài ca đan dệt vào thời gian, cứ dạt dào mãi, không bao giờ tắt nghỉ.

Hoàng Anh Tuấn khác với nhà thơ Nga yểu tử Maldelstam, vì sức mạnh của mối tình Hà Nội đã thu ngắn khoảng cách không gian và thời gian, như thể đối với ông, cuộc chia tay chỉ mới xảy ra chiều hôm trước. Nếu ông có dịp một lần nữa, trở lại đứng lóng ngóng chờ ai, bên lề đường cỏ xanh năm cũ, trong một sớm mai nào đó… thì xin ông hãy yên lòng, vì tôi tin chắc rằng nàng công chúa của ông lại sẽ đi ngay. Giống hệt như cũ. Như lần ông mười bảy chia tay Hà Nội. Như thể bốn mươi mấy năm chưa hề trôi qua kể từ buổi tinh sương mộng mị đó. Và ông tin đi, lần này có lẽ nàng sẽ dừng lại, sẽ nhìn ông lần đầu tiên và đưa bàn tay ngà cho ông cầm lấy, hệt như điều ông mơ ước: Hà Nội yêu, xin cầm tay lần nữa.

Phạm Việt Cường



Ánh mắt
Bài ca M.L.
Bài công chúa tháng chín
Bài Mỵ Khương tháng sáu
Bài thơ còn lại
Bài thơ Hà Nội
1
Bến xuân tiễn biệt
Đợi thư
Hà Nội, mùa thu và em
Khi em nói
Một khoảnh khắc buổi sáng
Một nửa
Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội
Thơ xuân cho cô gái làng Lim
Viết lên tà áo em
Ý xuân rời
Yên lặng ban mai
Yêu em, Hà Nội

Ngoại tập

Anh đi
Bài ca dao sau này
Bài ca hy vọng
Bài của mây
Bài cuối năm
Bài cuối năm cho Tuyết Minh
Bài Khương Muội tháng mười
Bài sinh nhật em
Buổi sáng em
Chiều đợi mưa
Chiều thơm gỗ cũ
Cho diễm phúc
Cho mây bay qua
Cho mây nhỏ
Cho một giấc mơ
Cho ngày gặp lại
Cho tuổi em
Con sóc
Cô gái gi-tan và tiếng đàn ghi-ta
Cuồng ca
Đêm tạnh mưa
Điệu nhạc tắt đèn
Độc vận
Đơn sơ
Gió lạc
Hàm tiếu
Hoa
Khúc lan ca
Màu tím qua xanh
Một chút mùa thu
Mùa hạ huyền
Mùa xuân riêng tư
Nhớ Khương Muội, chim và bướm
Nhớ xuống
Như
Những mắt trong đêm
Nín lặng
Quà Noel 88 tặng Như Hồng
Riêng
San Jose, mười lăm tháng mười một
Tạ lỗi
Tìm một tạm ngưng
Trở lại Paris
Từ ngôi nhà trắng
Từ tháng chín San Jose
Ước hẹn mùa xuân
Về một màu đen nào







"Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội"
nhạc Phạm Đình Chương


Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương mầu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà thành trước kia thường thường
Về cùng lối đường
Khi mưa buốt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước
Thơm phố phường

Mưa ngày nay
Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắc heo may
Sầu rơi ướt vai
Hồn quê tê tái
Mưa mùa thu
Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhoà trên dòng sông Hồng Hà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Đau lòng Tháp Rùa
Thê Húc bơ vơ
Thành đô xác xơ
Cô liêu trong nỗi u hoài
Lòng người sống lạc loài
Thê lương mềm vai gầy
Bao oan trái
Dâng tê tái
Cho kiếp người héo mòn tháng ngày

Mưa còn rơi
Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời
Vang trời tiếng cười
Ấm niềm tin hồn người
Mây trắng vui tươi
Tình quê ngút khơi
Tự do phơi phới







Bài thơ còn lại


Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót
E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu
Em tìm anh nước uốn nhịp ven cầu
Năm tháng cũ rợn tình xưa tỉnh thức
Em vẫn bé, anh vẫn còn ngây ngất
Màu áo hường còn gợn sóng âm thanh
Mắt thuyền qua nên nón vẫn nghiêng vành
Chân cuống quýt nên guốc giòn gõ cửa
Anh mở vội cả nghìn lần hớn hở
Cho hồn nhiên, mắc cỡ với hoài nghi
Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ
Bước rất nhẹ như hường qua sắc đỏ
Như màu trời len lén bước vào xanh
Như thời gian vò nát lá thư tình
Bước rất nhẹ như vẫn còn đứng lại
Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
Như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
Như chưa lần nào em nói: yêu anh
Như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
Bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
Như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
Em có về ăn cưới những vì sao
Để chân bước trên giòng sông loáng bạc
Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc
Yêu một người mà cảm thấy mênh mông
Em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng
Mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ?
Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ
Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the
Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che
Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi
Tay vụng quá nên thư không viết nổi
Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ
Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ
Tầu bay giấy ngượng ngùng bay ra cửa!
Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
Anh còn nguyên là một kẻ yêu em

Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
Đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn
Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
Mắt vương tơ của những phút học bài
Tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn
Em giấu đi những nỗi lòng vỡ rạn
Anh cũng thề giấu hết gió mưa đi
Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê
Những ngõ vắng, tối tăm anh giấu hết.













HOÀNG ANH TUẤN
NHÀ THƠ HAY ĐẠO DIỄN ?
“Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội”
bài thơ của người xa xứ

Nguyễn Việt

Nhà thơ kiêm đạo diễn điện ảnh Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7/5/1932 tại Hà Nội. Ông làm thơ từ rất sớm, năm 14 tuổi đã có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội. Năm 16 tuổi, được gia đình cho đi du học tại Pháp. Học được một năm tại Nice, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn gặp được nhà thơ Nguyên Sa tức Trần Bích Lan, rủ ông cùng đi Paris. Và tại đây ông học ở IDHEC, một trường điện ảnh khá nổi tiếng của “kinh đô ánh sáng” thời đó.

Ông học về điện ảnh ở Pháp và trở về Việt Nam, tham gia vào giới làm phim ở miền Nam Việt Nam trước 1975 với các bộ phim “Hai chuyến xe hoa”, “Xa Lộ Không Đèn” và “Ngàn Năm Mây Bay”. Hoàng Anh Tuấn cũng là một nhà thơ và tác giả của nhiều vở kịch được trình diễn tại sân khấu miền Nam, trong đó hai vở kịch nổi tiếng nhất của ông là “Hà Nội 48” và “Ly Nước Lọc”.

Vào năm 1958, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã về Sài Gòn sinh sống, làm đạo diễn cho hãng Alphafilm của Thái Thúc Nha nằm trên đường Hiền Vương. Nhưng chỉ ít lâu, ông chuyển sang nghề làm báo. Cộng tác với báo Hiện Đại, Đồng Nai và Tiền Tuyến. Chính chủ báo Đồng Nai Huỳnh Thành Vị và ký giả Huy Vân tổng thư ký báo Tiền Tuyến (một báo của quân đội) đã truyền cho nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có tay nghề làm và viết báo chuyên nghiệp.

Khi vào quân đội, từ năm 1965 đến năm 1974, nhà thơ kiêm đạo diễn Hoàng Anh Tuấn được phân bổ về làm quản đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Cũng trong thời gian này ông còn làm đạo diễn các phim như “Xa Lộ Không Đèn”, “Nghìn Năm Mây Bay”.

Sau ngày 30/4/1975, vào năm 1979 nhà thơ đạo diễn Hoàng Anh Tuấn được chính phủ Pháp bảo lãnh trong diện gia đình có hai quốc tịch, để ông và gia đình tái ngộ thủ đô Paris sau hai mươi năm. Ở tại Pháp trong một thời gian, rồi qua sự bảo lãnh của con là Hoàng Hôn Thắm, ông và gia đình sang Mỹ vào năm 1981, định cư tại tiểu bang Ohio, sau đó về Tiểu Sài Gòn thuộc quận Cam tham gia sinh hoạt báo chí rồi lại đến Washington DC làm thư ký tòa soạn cho tờ “Văn Nghệ Tiền Phong” với Nguyễn Thanh Hoàng. Cuối cùng, Hoàng Anh Tuấn “tự hưu trí” tại San Jose.

Tập thơ “Yêu Em, Hà Nội và Những Bài Thơ Khác” được xuất bản phát hành vào năm 2004, là công trình sưu tập của Thu Thuyền, thứ nữ (sau Hoàng Hôn Thắm) của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Cùng bạn bè bè bỏ nhiều công sưu tập lại những bài thơ của ông đã thất lạc. Trước khi chết trong nhà dưỡng lão tại San Jose, ngoài nguyện vọng sẽ sưu tập lại đầy đủ những bài thơ thất lạc, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn còn mong các con ông sẽ in được một tập kịch với tài liệu hiện nằm rải rác trong các thư viện tại Mỹ qua những chồng báo Việt cũ. Ngày 1/9/2006, nhà thơ đạo diễn Hoàng Anh Tuấn qua đời lúc 7 giờ 35, hưởng thọ 75 tuổi.

Trong các bài thơ tình lãng mạn của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, đa số bài ông làm về Hà Nội và nổi bật nhất là bài “Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, được giới SVHS và người thưởng ngoạn âm nhạc hâm mộ từ đó đến nay vẫn chưa hề phai nhạt.
Một nghệ sĩ đích thực từ tác phẩm đến cuộc đời

Văn Quang một nhà văn nổi tiếng, một thời từng là Quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội trước năm 1975, một người rất thân quen với nhà thơ kiêm đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Sau khi nghe ông qua đời tại San Jose đã viết một bài “Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Anh Tuấn” như sau :


Đã có một thời Hoàng Anh Tuấn là hàng xóm của tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh, bên ngã tư Phú Nhuận của Sài Gòn. Khu cư xá từng có khá nhiều văn nghệ sĩ thời đó “xây tổ ấm”. Gia đình anh chị Dương Thiệu Tước – Minh Trang- Quỳnh Giao, gia đình ông chú Nguyễn Mạnh Côn của tôi, gia đình chị Thái Hằng – Phạm Duy, danh ca Anh Ngọc, nhà văn Duyên Anh, nhà báo Linh Lan, ông chủ báo Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong Hồ Anh… Lâu quá rồi, tôi không thể nhớ hết. Nhưng điểm lại số người đó, nay không còn được một nửa. Lại thêm một người nữa vừa ra đi: Hoàng Anh Tuấn ở San Jose.


Không ngạc nhiên nhưng…

Cái tin anh mất, thật sự không làm tôi ngạc nhiên. Bởi đã từ lâu, khi Phạm Huấn còn nằm tại “viện dưỡng lão”, bên cạnh đó có Hoàng Anh Tuấn. Tôi vẫn thường được bạn bè ở San Jose cho biết tin tức về hai ông bạn này. Có ông tường thuật từng chi tiết.

Nào là hồi này Tuấn khỏe lắm, bụng to như cái thùng, vẫn cười như trẻ thơ. Tôi cũng nhận được vài tấm ảnh của Tuấn, khuôn mặt thì vẫn vậy, nhưng thân hình thì đẫy đà, khác nhiều so với ngày nào. Khi Phạm Huấn mất, tôi chắc Tuấn buồn lắm, không còn bạn bên mình. Trong thâm tâm tôi, vẫn cứ nghĩ, một ngày nào đó Tuấn cũng sẽ bỏ anh em, chưa biết là một ngày nào gần đây thôi.

Vì thế tôi không ngạc nhiên khi nhận được cùng một lúc gần 10 cái e mail của các bạn ở Mỹ báo tin Tuấn đã ra đi vào 7:30 sáng (giờ Cali) ngày thứ Sáu, 01 tháng 9 năm 2006. Không ngạc nhiên, nhưng nỗi ngẩn ngơ thì vẫn cứ tràn đầy. Hình ảnh Hoàng Anh Tuấn hiện lên quanh đây, hơn 30 năm qua rồi, xa nhau biền biệt, mà Tuấn cứ như ở trước mặt. Cái dáng vẻ hồn nhiên, vô tư của anh rõ mồn một. Con người lúc nào cũng như “cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ, chẳng có gì phải tính toán”. Anh phơi phới trong bất kỳ trường hợp nào. Suốt những năm tháng ở gần anh, dường như chẳng bao giờ thấy anh buồn. Thế mà thơ của anh lại hay, lại thấm, chữ nghĩa mới và sâu sắc mới lạ. Đó là một người bạn đối với tôi rất đặc biệt.
Toàn những nghề tay trái

Hoàng Anh Tuấn có rất nhiều “nghề”. Làm đạo diễn, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, là quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Nhưng trong con người anh không có một tí công chức nào. Thông thường, bạn bè nhìn anh như một nhà đạo diễn. Không có tính “chuyên nghiệp” như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa… Anh là một đạo diễn rất “tài tử”, tuy đã từng tốt nghiệp tại một trường Điện Ảnh ở Pháp ngay trong thời kỳ còn là sinh viên ở Paris. Nhưng ai mời mà thấy “hợp gu” thì đạo diễn… chơi cho vui. Tôi thấy hình như cái gì anh cũng làm chơi cho vui. Thích thì làm, không thích thì bỏ đi, giản dị có thế.

Cả cuộc sống cũng vậy. Ở anh, con người nghệ sĩ chân thật, hồn nhiên bao trùm lên mọi thứ. Anh chơi tất với mọi người, ngồi quán cóc, uống ly cà phê hay ăn bữa cơm Bà Cả Đọi cũng giống y chang như ngồi ở Caravel phỏng vấn những danh ca nổi danh thế giới như Dalida hoặc ngồi dancing ăn cánh gà chiên bơ, đấu láo với mấy em “ca-nhe”, bất kể hạng nhất hay về già. Ngay cả trong cách ăn mặc, Tuấn cũng chẳng cần chú ý, cứ “đại khái chủ nghĩa”, không “lên khuôn đóng thùng” ngay cả ở những nơi cần long trọng. Tiếng cười của anh nhiều hơn lời nói. Vẻ “tỉnh tỉnh” của anh làm nên một phong cách riêng. Nhìn thấy anh là nhìn thấy ngay “cuộc đời có cái quái gì quan trọng đâu”. Tôi chắc bạn bè rất thích Hoàng Anh Tuấn vì lẽ đó.
Nhà đạo diễn hiền lành nhất thế giới

Tôi nhớ khi anh đạo diễn cuốn phim “Ngàn Năm Mây Bay” phóng tác theo tiểu thuyết của tôi, do hãng phim Thái Lai mời. Anh gặp tôi ở đầu ngõ, hỏi :

– Lê Quỳnh đóng với Bích Sơn, được không mày ?

Hai tài tử này vào khoảng thời gian đó là nổi nhất rồi. Tôi nói tùy mày và anh Thái (nhà sản xuất phim, cũng là một nhà sản xuất tài tử nốt, khác với Mỹ Vân, Alpha). Hai ông “nghề nghiệp tài tử” này thích thì làm, chưa biết cuốn phim đi đến đâu. Nhưng quả thật là tôi cũng thấy khoái cái kiểu “vui chơi theo mùa” của mấy ông bạn. Ông Thái trả bản quyền bao nhiêu tôi không còn nhớ, nhưng chắc chắn không phải là “có một món tiến kha khá” như ông Quốc Phong khi làm phim “Chân Trời Tím” cũng phóng tác từ tiểu thuyết của tôi.

Một lần Tuấn kéo tôi lên xem đóng phim. Phim trường là căn nhà của ông giám đốc sản xuất Thái Lai phim, nằm cuối đường Hồng Thập Tự. Căn nhà mặt tiền đường, không rộng hơn những căn nhà buôn bán tạp hóa ở dẫy phố này. Kê cái comptoir ở phía trong, đèn đuốc, máy quay lỉnh kỉnh xung quanh, cứ như cửa hàng bán phụ tùng máy móc. Bữa đó không có Lê Quỳnh, chỉ có hai chị em Bích Sơn và Bích Thủy. Nhà đạo diễn Hoàng Anh Tuấn râu ria xồm xoàm, nhưng dáng điệu lại rất nhàn nhã, chứ không quát tháo, chỉ chỏ tơi bời hoa lá như những đạo diễn mà tôi đã từng nhìn thấy. Lâu lâu lại thấy nhà đạo diễn cho máy travelling bằng cách kéo cái camera di chuyển trên mặt sành gạch, chẳng cần đường ray. Lúc nào cũng thấy Tuấn nhỏ nhẹ :

– Ấy ấy, làm thế này em ơi. Em làm ơn đứng sát vào một tí. Đừng cười nhiều, cái miệng rộng quá, mím chi thôi. Làm xem nào. Máy ! Cắt !…

Họ làm việc với nhau như “anh em trong nhà”. Ấy thế mà cuốn phim cũng hoàn thành, tôi chẳng biết nó được hoàn thành trong bao lâu. Nhưng chắc chắn không quá 2 tháng vì nhà sản xuất tài tử này làm quá 2 tháng thì không còn tiền trả nhân công. Rồi cũng đem ra rạp chiếu đàng hoàng, lời lỗ bao nhiêu chẳng biết. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông Thái Lai chỉ sản xuất có một cuốn phim rồi thôi luôn. Sau này ông tái bản lại cuốn tiểu thuyết “Chân Trời Tím” mà tôi cũng chẳng hề hay biết. Đến khi sách in xong ông mới mang đến cho tôi một cuốn, bản quyền được trả bằng một chầu ăn uống là xong.

Còn một kỷ niệm đáng nhớ là Bà cụ Hoài Bắc (chúng tôi vẫn thường gọi bà mẹ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nữ ca sĩ Thái Thanh bằng cái tên thân mật ấy) thỉnh thoảng lại nhắc về cuốn phim, nhưng cụ gọi là phim “Ngàn năm máy bay” vì trong phim có cảnh máy bay trực thăng đổ quân xuống một vùng quê.

Sau đó, có một lần khác, tôi được xem Hoàng Anh Tuấn đạo diễn phim “Hai chuyến xe hoa”. Lần này phim trường ngay tại nhà đạo diễn ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Tôi chỉ xem được một đoạn có nghệ sĩ cải lương Thành Được (cùng với nữ nghệ sĩ Thanh Nga) mở cánh cửa buồng nhà ông bà Hoàng Anh Tuấn, đi ra đi vô đến năm bảy lần. Nhưng cuốn phim được nhiều người nhắc đến nhất có lẽ là “Xa Lộ Không Đèn”. Tuấn không long trọng mời bạn bè mà chỉ hỏi giản dị :

– Mày có đi xem không, tao đưa vé. – Tính cách anh là như thế.
Bài thơ bất hủ

Lâu lâu lại thấy xuất hiện một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn đăng trên báo khiến anh em sững sờ. Vì thơ Tuấn hay quá. Có thể nói bài nào cũng hay. Đã có người so sánh anh với Nguyên Sa, Đinh Hùng, nhưng với tôi, thơ Tuấn có cả tính chất Nguyên Sa, Đinh Hùng và rất Hoàng Anh Tuấn. Chữ nghĩa mới, không trau chuốt cầu kỳ, nhưng lại rất rung động, đi thẳng vào cội nguồn trái tim người thưởng ngoạn. Cái cung bậc sâu thẳm trong tình yêu được đánh thức dậy đến bàng hoàng.

Đã lâu lắm tôi không được đọc thơ Hoàng Anh Tuấn, mới đây, tôi nhận được tập thơ của anh gồm :18 bài thơ Hà Nội và 47 bài Ngoại tập (Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác). Đọc thích thú, say sưa. Vẫn như những ngày nào khi bất ngờ thơ anh xuất hiện trên báo hoặc trong số bạn bè. Lần nào cũng là một cú “chơi ngang” của Hoàng Anh Tuấn. Tôi không yêu bài nào hơn bài nào. Nhưng trong những cái thư điện tử của các bạn tôi khi báo tin anh đã ra đi, có nhiều người đã nhắc lại những bài thơ mình yêu thích. …

Đến đây tôi đã có phần đồng ý với nhận định của anh Nguyễn Xuân Thiệp :
“lục bát của Hoàng Anh Tuấn mới thể hiện hết những vẻ đẹp cấu trúc ngôn từ và cảm xúc”. Nhưng xem lại những bài khác của Tuấn, tôi lại phân vân, vì ở thể loại nào nhà thơ cũng mang đến cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ vì chính trong tâm hồn tác giả cũng đã dông bão…
Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội”


thơ Hoàng Anh Tuấn

Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về
nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà thành trước kia thường thường
Về cùng lối đường
Khi mưa buốt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước
Thơm phố phường
Mưa ngày nay
Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắc heo may
Sầu rơi ướt vai
Hồn quê tê tái
Mưa mùa Thu
Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông Hồng hà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Đau lòng Tháp Rùa
Thê Húc bơ vơ
Thành đô xác xơ
Cô liêu trong nỗi u hoài
Lòng người sống lạc loài
Thê lương mềm vai gầy
Bao oan trái
Dâng tê tái
Cho kiếp người héo mòn tháng ngày
Mưa còn rơi,
Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời
Vang trời tiếng cười
ấm niềm tin hồn người
Mây trắng vui tươi
Tình quê ngút khơi
Tự do phơi phới






























Trở về













MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.