Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Bùi Vĩnh Phúc











Bùi Vĩnh Phúc
(1953 - ) Hà Nội
Nhà phê bình văn học, Nhà văn, Dịch giả












Trăng thắp lên một dòng sông cũ
Mưa thắp lên những ngọn cây mù
Đêm thắp lên từng căn nhà nhỏ
Ta thắp lên một nỗi buồn lu

BVP 

IX 2017










Tiểu sử 


Sinh tại Hà Nội. Lớn ở Sàigòn. Dạy Việt văn và Pháp văn tại trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn và Gia Định) từ 1972 đến 1977. 

Vượt biển cuối năm 1977. Sống tại Mỹ từ tháng 4, 1978. Học và tốt nghiệp tại University of California và Cal State University. 

Dạy Anh văn và Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam tại Cal State University, Fullerton và Golden West College từ năm 1989. 

Làm thơ từ 1968. Viết tiểu luận và phê bình văn học từ 1982. Trong ban chủ biên cũng như đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học và nghiên cứu (trên giấy & trên mạng) ngoài nước. 

Hoạt động trong ngành phiên & biên dịch từ 1986. Đã chuyển dịch nhiều tài liệu trong các lĩnh vực y, luật và tâm lý-xã hội cho tiểu bang California và các trung tâm nghiên cứu khác tại Hoa Kỳ. Cũng dịch văn chương như một thú tiêu khiển. 























Tác phẩm đã xuất bản: 









Những Cơn Mưa Trở Về 
(1981, Hội SVVN tại University of California, Irvine, 138 trang) 
Tùy bút 








Quê Hương, Cầm-Tấu Khúc Kỷ Niệm 
(1982, Nhân Chủ, 160 trang) 
Khốc bút 








Những Cơn Mưa Trở Về 
(1986, Nhân Chủ, tái bản có bổ sung, 158 trang) 









Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam 
(1993, Nhân Chủ, 448 trang) 
Giáo trình đại học 








Ở Một Nơi Nào
(1995, Giao Điểm, 528 trang) 
(tuyển tập văn / tuyển chọn, biên tập, và giới thiệu) 










Lý Luận và Phê Bình
Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995 
(1996, Văn Nghệ, 768 trang) 









Trịnh Công Sơn
Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật 
(2005, Văn Mới, 288 trang) 
(2012, Trẻ, tái bản có bổ sung, 324 trang) 








Cũng cùng viết chung: 


20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 
(1995) 

Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 
(1995)... 





Trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, đã viết nhiều tiểu luận và phê bình văn học, nhưng chưa cho xuất bản. 
















Bài đã đăng trên Da Màu (bộ cũ) của Bùi Vĩnh Phúc 


























bài đã đăng của bùi vĩnh phúc 




11.07.2017 



30.06.2017 



29.06.2017 



27.01.2017 



29.12.2016 



08.07.2016 



02.05.2016 



08.02.2016 



05.01.2016 



25.12.2015 



05.10.2015 



02.10.2015 



15.06.2015 



06.03.2015 



29.12.2014 



12.12.2014 



16.09.2014 



02.05.2014 



01.04.2014 



26.08.2013 



16.08.2012 



26.01.2012 



28.07.2011 



14.03.2011 



30.12.2010 



24.11.2010 



17.11.2010 



20.10.2010 



20.04.2010 



02.11.2009 



22.08.2009 



18.08.2009 



12.08.2009 



21.04.2009 



27.03.2009 






25.03.2009 











Links










Dịch Thuật (Văn Học) trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa / Một Số Chiến Lược Diễn Dịch & Những Hệ Hình Mới (*) -1.02.2014 http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=6A2DD789561336B354CEECB69B85995C?action=viewArtwork&artworkId=16798 , hoặc tại http://www.diendantheky.net/2014/02/bui-vinh-phuc-dich-thuat-van-hoc-trong.html










Chữ & Nghĩa: Quo Vadis? (phần 1 & 2)
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3760&rb=06





Bùi Giáng, Bước Chân Đi Tìm Hồn Nguyên Tiêu và Một Màu Hoa Trên Ngàn
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=355&rb=0102





Thanh Tâm Tuyền, Người Thi sĩ Ấy (phần 1 & 2
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5335&rb=0101










Tô Thùy Yên: Thơ, Như Một Vinh Dự Lầm Than Của Kiếp Người (4 phần, nguồn: talawas)
http://huyvespa.blogspot.com/2010/01/to-thuy-yen-tho-nhu-mot-vinh-du-lam.html










Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Nghệ Thuật, Như Một Cái Cớ
http://www.hocxa.com/VanHoc/VuKhacKhoan/VuKhacKhoan&SamuelBeckett-NgheThuatNhuMotCaiCo_BuiVinhPhuc.php





Nhận Xét về “Việt Ngữ Nghiên Cứu” của Phan Khôi (Hợp Lưu, số 33, tháng 2 & 3, 1997/ Tân niên Đinh Sửu 1997)










Một Vài Suy Nghĩ và Nhận Xét về Chữ và Nghĩa
http://issuu.com/nvthuvien/docs/theky21_-_so_75?mode=window&viewMode=doublePage
(trang 79 – 83, Thế Kỷ 21, số 75, tháng 7, 1995)





Chữ và Nghĩa: Mấy Suy Nghĩ và Một Tấm Lòng
http://issuu.com/nvthuvien/docs/_81?mode=window&viewMode=doublePage
(trang 46 – 55, Thế Kỷ 21, số 81, tháng 1, 1996)





Nhật Ký Lửa của Một Nhà Thơ: Đọc Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong





Người Nữ và Trái Tim Đông Phương trong Thế Giới của Trần Mộng Tú http://www.hocxa.com/VanHoc/TacGia/NguoiNuvaTraiTimDongPhuongTrongTheGioiCuaTranMongTu_BuiVinhPhuc.php





Về Mỹ Học Tiếp Nhận và Thuyết Hồi Ứng Của Người Đọc
(về quyển “Thơ, v.v. & v.v. của Nguyễn Hưng Quốc)
http://tapchivanhoc.org/?p=195
(trang 22 – 45, Văn Học số 138, tháng 10, 1997)





Lại…Tịch Mịch Hồng (thảo luận với Trần Văn Tích)
http://tapchivanhoc.org/?p=180
(trang 11 – 32, Văn Học số 162, tháng 10, 1999)





Nghĩ về huyền thoại “ghetto” và vài vấn đề liên hệ trong nền văn học Việt ngoài nước (Hợp Lưu, số 3, tháng 1, 1992)





Thăm Camp Pendleton trước ngày trại đóng cửa vĩnh viễn (4/05/1985)
Từ trái: Nguyễn Hải Hà, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mộng Giác











Dịch





Người thiếu nữ bay qua / Dino Buzzati
(giới thiệu và dịch)






Ước gì tôi có thể sở hữu khuôn mặt của vĩnh hằng / Carsten Jensen





Minh Triết của Rilke
(giới thiệu và dịch)















Ký họa Võ Đình 










Thơ






Trăng vỡ anh ra

trăng đập anh ra một đêm nguyệt bạch
anh vỡ anh rồi những mảnh sáng long lanh
anh cầm anh lên một mảnh sắc nhọn
thử cứa lên người máu chảy thành dòng

trăng chiếu lên anh một dòng nguyệt lộng
anh cầm anh lên một mảnh lệ tròn
lệ chiếu long lanh trăm ngàn ngày anh sống
anh mất đi rồi những ước hẹn trần gian

anh mất anh rồi quê nhà còn đó
lửa còn hun trong từng nỗi kinh hoàng
lửa còn ủ trong ánh sao ngọn cỏ
anh mất anh rồi anh mất Việt Nam

anh đã đi xa những ngày quê cũ
trăng dãi trên đầu trăng mở trái tim anh
trăng vẫy anh đi về những miền ánh sáng
anh chạy theo trăng vấp ngã bao lần

anh đã mất tăm lòng anh tuổi trẻ
trăng sáng lân tinh những lá cỏ ướt mềm
anh mút giọt sương thơm như giọt sữa
em ơi em ơi trăng và gió đương lên

em đừng khóc một ngày trăng đã cũ
một ngày trăng đã vơi một ngày đời sống đã phân ly
một ngày giọt sương rơi trên cỏ biếc
vỡ giọt nước mắt em một đêm mộng xuân thì

giờ trăng lại chiếu trên anh một bầy ánh sáng
nhảy múa lung linh như cuộc sống lưu đầy
cuộc lưu đầy đây mở những vòng tay bạch tuộc
trống lên trống lên đập cuồng nhịp trùng vây

anh cầm anh lên một mảnh sắc nhọn
anh cầm anh lên một mảnh lệ tròn
anh đã tự cắt anh thành trăm dòng máu chảy
có giọt mềm nào rửa sạch
và vỗ lại cho anh những nhịp đập sắt son


bùi vĩnh phúc
10/ 1986





khúc chiều xanh

Em ngồi đó, hiền lành và ngoan ngoãn.

Mắt mở to, lưng thẳng, và hai bàn tay nhu mì, xinh xắn đặt trên đùi.

Jupe em xanh, gợn sóng, và áo em đen bằng thung mềm.

Mầu jupe em làm nhớ những dòng sông, những vòm cây trong chiều thở nồng mùi lá mát, những vườn cỏ đẫm sương.

Mầu áo em làm nhớ những dáng chim trong đêm, đập cánh, bay về những hải đảo xa xôi, có hoa thơm trái ngọt.

Nắng ngoài khung cửa đã rất mềm. La lả mầu chiều.

Gió nhẹ nhàng thổi ngoài kia, làm gợi nhớ đến những tà áo rất thơ ngây và dễ thương của bướm. Những cánh bướm non.

Một chút không khí của mùa thu bay vào phòng, len giữa em và tôi.

Căn phòng ngô-nghê-buồn-cười đầy những sách trên bàn.

Cái bàn thật to và rộng đã đóng từ mấy chục năm bằng gỗ trắc; ở đó, có những chồng sách xếp dựa bên nhau và cũng có những quyển bơ vơ một mình. Có quyển dày, quyển mỏng, có quyển to, quyển nhỏ, và cũng có những quyển đóng bìa da. Một chút bụi trên bàn.

Những quyển sách ở đây không được nâng niu như những-nàng-công-chúa-dễ-vỡ, nhưng được gần gũi và yêu thương tha thiết như những người yêu. Những người yêu của trùng trùng suy tưởng và của ánh sáng chữ nghĩa mỗi ngày.

Bên cạnh những quyển sách, có một bình hoa.

Những đóa hoa ngây thơ nở nụ cười hồn nhiên trong buổi chiều đang xuống.

Trên tường, thiếu nữ trong tranh và những sợi tóc bay.

Lênh đênh khoảng nhớ.

Cửa sổ mở như lòng tôi, với chiếc màn mỏng trắng có ren và được cột nơ ở giữa.

Tôi vẫn ngồi đối diện với em.

Trên bàn nhỏ, chẳng có một thứ chi ngoài cốc nước trắng tinh mà em chưa uống.

Em ngồi đó và hiền như một con hươu nhỏ.

Khi tôi nói, em lắng nghe. Lưỡi em hơi-cong-một-chút-nghịch-ngợm-và-thông-minh giữa hai hàm răng bé xinh, nhưng vẫn ngoan. Những cánh bướm non bây giờ là hai hàng mi mướt thơ, đậu trên dòng mắt sâu, xanh thẳm. Tôi rót mãi yêu thương mình vào hai bầu trời tha thiết ấy.

Bờ môi em bây giờ mở hé. Dịu dàng. Những cánh chim phớt hồng.

Hai bàn tay với những ngón mềm vẫn xinh xắn trên đùi.

Mười con thiên nga đang ngủ ngoan, âu yếm dụi đầu bên nhau. Tôi muốn đánh thức chúng dậy và hôn từng con một.

Đùi em mát-và-thơm-một-chút-mùa-thu-pha-với-mùa-xuân. Chúng khép nép, ngây thơ và hơi có vẻ tội nghiệp. Tựa vào nhau, chúng tìm sự che chở mỏng manh. Những sợi lông tơ rất nhỏ run se sẽ trong nắng chiều khi mắt tôi hồn nhiên chạm tới.

Em ngoan và xinh xắn biết bao.

Căn phòng của tôi có em cũng ngoan và xinh xắn biết bao.

Khúc chiều xanh, cũng ngoan và xinh xắn biết bao, đang lướt thướt bay lên, ngoài kia.

bùi vĩnh phúc
11 / 1975





Hợp âm
Con chim gió đã bay qua hồ lửa
Rừng cháy xanh. Ngun ngún. Thời gian
Chuyển cảnh.
Khung cửa mùa Đông. Những chùm hoa sứ
Tiếng đàn. Tiếng gió hoang mang

Mưa trắng. Những cành cây đen xám
Oằn mình trong mưa. Nỗi hạnh phúc dịu dàng
Con chim nào tiếng hót để rơi trong giông bão:
Một vệt xanh mềm trên khung vải thời gian

Gió ẩm thấp. Gió đi vào mộng mị
Chiếc bàn. Chiếc ghế. Và một bình hoa
Bông hoa nhỏ lãng du về cánh rừng xa thẳm
Người lãng du về những nỗi nhớ xót xa

Tiếng sóng biển. Tiếng rì rào lá gọi
Vỗ hoang mang một hợp âm mềm
Trắng. Xanh. Vàng.
Những hợp âm vươn mình trên khung vải
Trong góc tranh buồn chiếc lá chết. Nâu

Tảng đá xanh. Âm u tia lửa
Những thế kỷ dài im lặng nghe mưa
Tấm chăn mầu xám. Nỗi buồn mầu đỏ
Ly nước trong. Trong như mắt ai xưa

Đêm bùng lên một mầu đen hoang
Cành hoa thức. Mùa xanh vẫy gọi
Mưa trắng. Những cành cây đen xám
Tiếng nhạc loang mềm như rượu ngọt
Hợp âm gió. Tiếng biển và lá
Hợp âm trầm không một âm vang.


bùi vĩnh phúc
10/ 1996

https://litviet.wordpress.com/2009/09/12/bui-vinh-phuc-h%e1%bb%a3p-am-mua-x%c6%b0a/



Ấn Tượng
Chiều bay gió. Thênh thang lũ biển sẫm
Hạ chớm mùa. Lá phơ phất triền cao
Bầy hải âu, cánh đập ngang trời rộng
Vút mái hồn dăm ngọn phi lao.

Nắng và biển và mùi tóc em trộn lẫn
Cỏ miệt mài một lớp xanh non
Mặt trời lóa gươm. Cánh buồm thở gió
Anh thở em thơm trái hạ vàng.

Mái ngói đỏ, những ngôi nhà ngất ngây mùi biển
Ngực căng phồng những vạt nắng nồng say
Con đồi soải, em duỗi chân trên cỏ
Áo mùa Xuân, hơi thở mùa Xuân.

Những con chim bay vùi trong kỷ niệm
Tiếng hát em thơ dại một mùi hương
Mùi thơm của tóc ấm, của cỏ mềm
Và mùi thơm một đường môi ướt nắng
Mùa Hạ lẫn mùa Xuân ủ say trong cánh tay anh.

Biển và sóng và mùi hạnh phúc
Tràn lấp đầy trong cảm giác anh
Trong trái tim anh một lũ ong vo ve làm mật
Để rụng trên môi ai những giọt hạ vàng.

Đêm long lanh sáng. Những tàng cây giấu cất hạnh phúc
Căn nhà gỗ như một chiếc kén
Và ngoài trời kia một bầy gió lang thang
Em mang nắng, lũ gió sớm, mặt trời, và mùi biển mặn
Trên thân thể ngát hương như một trái chín vàng.

Hạnh phúc nở thơm như một đóa hoa kỳ bí
Đêm sáng long lanh. Những trái cây. Những búi cỏ mềm
Những lượn sóng bập bềnh
Rượt đuổi vào cảm giác, rượt đuổi vào những giấc mơ
Tiếng hát em ngọt ngào thiết tha trong tối
Mùi hương thơ dại như một bài thơ.


bùi vĩnh phúc
6 / 1995







Quá khứ

Buổi chiều. Buổi chiều không mầu
Một dòng sông lạnh nát nhầu tiếng mưa
Hôn em một nụ hôn xưa
Nghe trong mùi tóc những mùa gió bay
Môi ta ngậm cuộc tình này
Mà nghe nằng nặng trên tay bóng sầu
Hôn em một nụ hôn đau
Mà nghe tơi tả trên cầu tiếng mưa
Mưa dầm chan, mưa đò đưa
Mưa đâm thấu, mưa thổi lùa xót xa
Hôn em một nụ hôn nhoà
Trên da thịt ngỏ bao la giọt cuồng
Mưa quấn quít, mưa dầm tuôn
Mưa nghe mằn mặn, mưa buồn buồn tan
Hỏi em giữa cuộc chan chan
Có nghe vẳng một tiếng đàn bên sông.


bùi vĩnh phúc
09/ 1978


https://litviet.wordpress.com/2009/09/12/bui-vinh-phuc-h%e1%bb%a3p-am-mua-x%c6%b0a/








24.11.2010



16.09.2014












Bùi Vĩnh Phúc, ký họa của Nguyễn Huy Thiệp (2000)


































Viết và Đọc:
những nẻo đi về

bùi vĩnh phúc


.1.

Viết là mã hóa. Viết là đưa vào mã qua dạng chữ tất cả những ước mơ, những tra vấn, những thiết tha, những gạn hỏi, những băn khoăn ray rứt dịu dàng của ta. Viết là đưa vào những dòng chữ cái đời sống văn hóa của kẻ viết chữ; từ đó, người đọc có thể đi vào và, trong những mức độ khác nhau, khám phá ra vũ trụ riêng tư của người viết. Một cách nào đó, viết có nghĩa là một nỗ lực nén tất cả đời sống tinh thần và vật chất, những hoa lá nắng mưa cây trái, những mùa màng thời tiết của đời sống mình, những trăng sao tinh tú của mộng ước mình... vào cái li ti của những mặt chữ. Giống như một Đấng Thượng Đế (nếu có) của thuyết “Nổ Lớn” (Big Bang) đã nén tất cả vũ trụ kỳ bí và nhiều màu sắc này vào trong một chất điểm không lớn hơn đầu một que tăm, ở những giây phút khởi đầu của vũ trụ, để rồi cho nó bùng nổ như những hình ảnh của một chiếc kính vạn hoa vào trong cái cảm và nhận thức của con người. (1) 

Vũ trụ mà chúng ta đang sống, với tất cả những kỳ bí ảo huyền sôi sục và linh động của nó, là một vũ trụ được con người cảm nhận và thức nhận—trong những giới hạn riêng của chính con người. Chữ viết cũng thế. Chúng mở ra những mã văn hóa. Mỗi người đọc văn mang theo với mình những chìa khóa riêng trong hành trình thám mã của chính mình. Văn bản, như thế, trở nên một trường ám ảnh, một trường thu hút, mà mỗi người đọc, trong thế giới kinh nghiệm và mộng mơ của chính hắn, cùng góp phần sáng tạo với nhà văn, nhà thơ. 

Viết là tôn trọng sự tự do của kẻ khác, nói như J.P.Sartre. Viết cũng là mời gọi sự tự do đó. Sartre không muốn bàn về thơ. Cái viết, trong suy tư và nhận thức của ông, chỉ nhắm vào văn. Ông có cái lý của ông trong những biện luận để trình bày thái độ và cung cách “dấn thân” của mình. Nhưng thật ra, việc viết như một sự tôn trọng tự do của kẻ khác, nếu áp dụng vào việc viết và đọc thơ, cũng không có gì khác. Nhất là vì chúng ta bây giờ không như Sartre ngày đó, bị giam hãm trong vai trò của mình như một người phải lên tiếng trả lời cho những tấn công và nghi ngờ của những trí thức cùng thời, cũng như không bị giam hãm trong những luận lý của một khung “dấn thân” mà nhà triết gia muốn bảo vệ. Thơ, thật ra, cũng đòi hỏi tự do và cũng mời gọi tự do nơi người đọc nó. 

Đọc một bài thơ không hẳn chỉ là chuyện tìm vào tâm hồn của người làm thơ. Đọc một bài thơ, rất nhiều khi, là tìm vào tâm hồn của chính mình. Đọc một bài thơ là đi ngược trở về những “đường xưa lối cũ” trong ta, là sờ mó trở lại những vết thương cũ, cảm nhận lại tiếng máy đập của chính trái tim mình trong những bình minh mưa hay nắng ngày nào, là nhìn ngắm trở lại những phong cảnh, đất đai, vườn tược, đồng bằng, núi non mà một lần nào đó, trong đời, ta đã bắt tay từ giã. Đọc một bài thơ là nghe ngóng lại đời sống mình, bằng cách dò tìm vào trong những mặt chữ của tổ chức bài thơ, của cấu trúc thơ, những hang động thâm u dẫn ta giáp mặt với những ám ảnh thiết tha xa vắng. Cũng có khi, trên những mặt chữ, ta tìm thấy được những con hẻm nhỏ dẫn ta đi ngược trở về những ngõ thu phong, những trời xanh mây trắng và những lá đỏ hoa vàng đâu đó trong đời đã làm xao động lòng ta. Lúc ấy, ta sẽ cảm nhận lại được tiếng những bước chân khắc khoải của mình trong tiếng gió nhẹ của thời gian. 

Đọc thơ là sáng tạo lại đời sống. Trước hết, đời sống của chính mình. Người làm thơ, qua cái mã của những hình ảnh và tư tưởng trong chữ viết của mình, tạo nên được những hồi quang từ những kinh nghiệm và những rung động của hắn trong đời. Người ấy, qua công việc đó, đã mã hóa những cảm xúc, những suy tư rung động, những tiếng khóc nụ cười của mình vào một tổ chức của chữ và nghĩa mà ta gọi là thơ. Nói tóm, người ấy đã mã hóa một mảnh sống của họ, của cá nhân họ như một con người văn hóa, vào trong bài thơ. Người đọc, khi bước vào bài thơ, không nhất thiết phải tìm ra được tất cả những mã mà người viết, trong lúc sáng tạo, đã để lại đâu đó trong bài thơ của mình, để có thể thật sự thưởng thức bài thơ ấy. Hành động viết và đọc đều đòi hỏi sự tự do. Nếu không có tự do, con người sẽ đọc trong bóng tối. Và trong bóng tối, người ta không thể thấy được những hồi quang của đời sống hay của chính lòng mình. Đọc là đọc với tự do. Công việc phê bình hệ tại cũng chính ở sự tự do đó. Chính tự do đã tạo ra diện mạo của tác phẩm, của tác giả, và của cả chính người đọc. Nó cũng tạo nên màu sắc cho đời sống. 

Người đọc thơ, để thưởng thức một bài thơ—hay đúng hơn, để hạnh phúc với một bài thơ—không nhất thiết phải tìm được hoặc có những mã văn hóa, trong vốn sống của mình, trùng khít với những mã đã được nhà thơ đặt để đâu đó trong bài thơ của hắn. Người đọc, thật ra, chỉ cần bắt được một vài mã căn bản, chính yếu của bài thơ, một vài tín hiệu chấp chới trong cái không gian bao la bát ngát của thơ, là có thể từ đó, với tự do của mình, bước vào để cảm nghiệm và thức nghiệm bài thơ. Một tác phẩm văn học được sáng tạo không hẳn chỉ trong ý thức của kẻ sáng tạo, mà, nhiều phần, còn là trong vô thức của hắn. Cũng thế, nó không chỉ được tiếp nhận với ý thức của người thưởng ngoạn, mà, chính yếu là, bằng và qua vô thức của người ấy—cái vô thức đã trở nên xương thịt của đời sống tinh thần hắn, đã trở nên dòng máu và hơi thở hắn, làm cho kẻ tiếp nhận trở nên một con người văn hóa trong những nghĩa mà nó có thể có. Người thưởng ngoạn, như thế, tiếp cận tác phẩm với toàn thể con người thịt xương cũng như con người mộng mơ, suy tư, ước muốn của mình. 

Sự tiếp nhận vì thế, bây giờ, sẽ là một hiện tượng giao thoa. Ấy là lúc các trường ám ảnh, trường liên hệ, trường thu hút trong không gian tâm hồn của người đọc thơ giăng những sóng ngang sóng dọc vào cái không gian của người làm thơ (hay đúng hơn, vào cái không gian tâm hồn của người làm thơ khi hắn sáng tạo ra bài thơ ấy). Tùy vào độ rung của sóng, tùy vào số lượng sóng, cũng như tùy vào tính chất của sóng, mà người đọc thơ sẽ có một bài thơ riêng cho hắn ta. Hắn đọc thơ, cùng lúc, sáng tạo chung với người làm thơ một bài thơ mới. Và một bài thơ, như thế, không hẳn là một bài thơ. Nó sẽ là bao nhiêu bài thơ chưa được viết ra. Bởi lẽ, có bao nhiêu người đọc thơ là có thể có bấy nhiêu bài thơ mới. Những bài thơ ấy không hề giống nhau. Chúng không đứt cuống trong nguyên mẫu, nhưng trong tiến trình thẩm thức và sáng tạo của mỗi người đọc thơ, chúng có những khuôn mặt khác hẳn nhau. 

Số lượng những bài thơ phái sinh—những bài thơ được sinh nở như những sinh thể được tạo ra trong một môi trường có điều kiện tạo nên sự sống, là cái bài thơ tiên khởi của một người làm thơ nào đó—có thể tăng lên gấp nhiều lần. Bởi lẽ, không những là ta có những bài thơ khác nhau của mỗi người đọc thơ khi cùng đọc một bài thơ, mà ta còn có thể có cả những bài thơ khác nhau của mỗi người đọc thơ trong những lần đọc khác nhau trong cả cuộc sống hắn. Những kinh nghiệm mà hắn thu nhận được mỗi ngày trong cuộc sống sẽ làm cho cái đọc của hắn trở nên khác đi. Và, như thế, hắn không đọc lại một bài thơ cũ. Hoặc có thể, cứ cho là hắn đọc lại một bài thơ cũ đi, nhưng cái bài thơ hắn đọc và cảm và sống với, bây giờ, không còn là cái bài thơ cũ mà ngày xưa, trong một lúc nào đó của cuộc sống, hắn đã từng đụng chạm vào. Bây giờ là một bài thơ khác, nhú lên như một búp hoa thẹn thò thơ ngây từ những kinh nghiệm xác thân cũng như tinh thần của hắn trong cuộc sống, từ những khát khao mộng mị, những trăn trở dày vò, những rã rời hân hoan hay những hưng phấn chìm đắm của riêng hắn trong ngững ngày tháng sau lần tiếp xúc trước của hắn với bài thơ. Kẻ đọc thơ kia, hắn không còn là hắn của lần đọc thơ trước. Hắn đã thay đổi. Và một bài thơ mới ra đời. 



.2. 

Lý luận tiếp nhận văn học là một nửa của lý luận văn học. Một nửa rất quan trọng. Nếu lý luận văn học đã được nhìn nhận như một hệ thống, vào khoảng giao thời giữa thế kỷ XVIII và XIX, để nhận thức đời sống văn học cũng như đời sống con người, thì lý luận về tiếp nhận văn học chỉ mới ra đời trong khoảng gần năm mươi năm trở lại đây. Bàn về lý luận văn học, người ta thường chỉ nói đến khía cạnh sáng tác chứ ít hoặc không để ý gì đến một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng của văn học là khía cạnh tiếp nhận. Trong lý luận tiếp nhận, vai trò của người đọc được coi trọng. Tùy vào quan niệm cũng như sự nhấn mạnh đến những khía cạnh đặc thù của việc tiếp nhận nơi những nhà lý luận văn học khác nhau (đa số là Nga và Mỹ) mà sự tự do của người đọc có thể được đề cao một cách tuyệt đối hay được trình bày, ít nhất, ở một giới hạn như là một yếu tố không thể bỏ qua của đời sống và giá trị của tác phẩm văn học. 

Tác phẩm văn học, bây giờ, đối với nhiều nhà lý luận, được coi như một quá trình. Nó được sáng tạo bởi nhà văn , nhà thơ, nhưng sự sáng tạo ấy không hẳn là đã chấm dứt sau khi kẻ sáng tạo viết xong hàng chữ cuối của tác phẩm mình. Tác phẩm là một quá trình. Sự tồn tại của nó có thể được nhìn ngắm ở những dạng, những khía cạnh, hay những giai đoạn khác nhau: chủ ý của tác giả, sự tưởng tượng và những sức mạnh vô thức dẫn dắt kẻ sáng tạo trong khi thực hiện tác phẩm của mình, văn bản (một dạng mà trước đây người ta thường cho là thể hiện của sự hoàn tất tác phẩm), sự khách thể hóa ý định của tác giả trong một cấu trúc mang đầy mã, đầy tính ký hiệu, và sự cảm thụ của người thưởng ngoạn—như một con người văn hóa. Và con người văn hóa này cũng không tránh khỏi những chi phối giằng giật của vô thức tập thể mà trong đó hắn sống cùng, cũng như vô thức của chính hắn qua những kinh nghiệm xương thịt trong đời. Và vì tác phẩm là một quá trình, như thế, ta có thể nói: khi nào còn người thưởng ngoạn thì bấy giờ tác phẩm cũng chưa hẳn là đã hoàn tất theo nghĩa mở rộng của nó. Nó còn tiếp tục được sáng tạo. Mỗi một cá nhân người đọc có thể làm mới tác phẩm, và, trong một nghĩa nào đó, tạo ra một tác phẩm khác so với nguyên bản. Cũng thế, mỗi một thế hệ, mỗi một thời đại có thể có cách thẩm định, đánh giá, tiếp nhận tác phẩm một cách khác nhau, theo cách cảm, cách nghĩ và theo xu thế của thời đại ấy. 

Norman Holland, nhà lý luận và nghiên cứu văn học Mỹ, đã có một nhận xét sâu sắc khi cho rằng tiếp nhận là quá trình cái tôi đem nội dung vô thức chuyển thành nội dung ý thức, và, chính bởi thế, tác phẩm được nhìn nhận như sự biểu hiện và ghi dấu của sự sống cũng như cá tính của người đọc. Một câu nói đã trở thành nổi tiếng của ông là “Việc giải thích [tác phẩm] là một hàm số của cá tính” (“Interpretation is a function of identity”). (2) Tác phẩm văn học, bây giờ, trở nên một cái cớ để mỗi kẻ thưởng ngoạn, với cá tính riêng của mình, giải thích nó, soi chiếu nó, và trong sự soi chiếu cũng như giải thích ấy, hắn tìm lại được chính bản thân mình. 

Đọc thơ, cũng như đọc văn, như thế, không còn là đọc về người khác. Nó không phải là cái đọc về sự cảm nhận, suy nghĩ, rung động, tưởng tượng, ước mơ, ham muốn, thiết tha... của kẻ sáng tạo nữa. Có đấy, nhưng điều đó, bây giờ, chỉ là một hiện tượng nhiều phần có tính biểu kiến. Cái đọc bây giờ là để tìm lại chính mình, để phục chế con người mình, con người bị tan tác và mất hút, nhiều khi, trong những manh mún rối ren của đời sống hằng ngày, trong trò lắp ráp của đời sống này đã chia cắt tâm ý của chúng ta thành những linh kiện khác biệt trong những vai trò đầy những ngộ nhận của đời sống. 

Đọc, bây giờ, là để đi tìm lại cái hồn của chúng ta sau những cơn thất tán, những nỗi thất tung, và sau những cuộc co kéo giằng giật với đời. 

Chúng ta, mỗi người, trong sâu thẳm của lòng, hãy thử tìm đọc lại cho riêng mình một bài thơ cũ. 




bùi vĩnh phúc 
XII – 1996 

Xem lại và bổ sung: IX - 2017 




________________________________________ 



Chú thích: 



(1) Bài viết này là một dạng tiểu luận văn học mang nhiều chất thơ; bởi thế, nếu đưa một chú thích khoa học vào đây có lẽ sẽ không hoàn toàn đúng chỗ, mặc dù có thể cần thiết. Dù sao, có độc giả đã tỏ ý muốn được biết thêm về nguồn gốc khái niệm có tính cách lý thuyết về vũ trụ (“tất cả vũ trụ kỳ bí và nhiều màu sắc này [đã được nén] vào trong một chất điểm không lớn hơn đầu một que tăm, ở những giây phút khởi đầu của vũ trụ”) mà tôi đã diễn tả trong bài. Họ nghĩ rằng điều này vô lý, và khái niệm “không lớn hơn đầu một que tăm” là một khái niệm giả. Về điều này, xin độc giả tìm đọc một bài báo khá dài mang tựa đề “Big-Bang Discovery Makes A Star Out of An Astrophysicist” (Los Angeles Times, Sunday, May 10, 1992, phần The Nation). Xin phép được trích một đoạn ngắn có liên hệ mật thiết đến khái niệm được diễn tả: “Theorists have come to the remarkable conclusion that all of the matter of the universe—and all of the space as well—was initially contained in an infinitely dense ball smaller than the period at the end of a sentence...” (“Các nhà [vật lý] lý thuyết đã đi đến một kết luận đáng lưu ý [và có tính khác thường] này là, tất cả vật chất trong vũ trụ này—và tất cả không gian nữa—đã được dung chứa, ở lúc khởi đầu, trong một điểm tròn [một trái banh] được nén thật chặt không lớn hơn dấu chấm ở cuối một câu viết.”) Dĩ nhiên, người Âu Mỹ không thường dùng ý niệm “đầu que tăm” trong những dẫn giải khoa học của họ, vì hình ảnh “que tăm” không nằm trong khung văn hóa của đời sống họ. Nhưng những cách diễn ý về [độ lớn của] “đầu que tăm” và [độ lớn của] “dấu chấm cuối câu” chỉ là những cách nói khác nhau để chỉ cùng một khái niệm có tính cách lý thuyết về nguồn gốc của vũ trụ đang được nhiều nhà vật lý lý thuyết tin tưởng. Khám phá này, được thực hiện bởi nhà vật lý lý thuyết George Smoot, thuộc Lawrence Berkeley Laboratory, qua những dụng cụ được đặt để trên vệ tinh Cosmic Background Explorer (COBE), đã được rất nhiều người hoan nghênh. Bài báo nói tiếp, “Nhà vũ trụ học Stephen Hawking của Cambridge University, người được thế giới xếp loại cùng với nhà bác học Albert Einstein như là một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu của thế kỷ, đã nói trong bài phát biểu của mình về sự khám phá của George Smoot: “Đây là sự khám phá [vĩ đại] của thế kỷ này, nếu không muốn nói đó là sự khám phá [vĩ đại] của mọi thời” ”. 

(2) Normand Holland, UNITY IDENTITY TEXT SELF. PMLA 90, số 5 (tháng Mười, 1975): 813-22. Được trích lại trong “Reader Response Criticism: from Formalism to Post-Structuralism”, do Jane P. Tompkins chủ biên (Baltimore and London: The Johns Hopkins University Press, 1980.) 













Bùi Bảo Trúc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo & Ngọc Hoài Phương



Tiểu Luận Văn học





Về Tính Vũ Đoán trong Viết, Đọc, và Thẩm Thức Văn Chương



bùi vĩnh phúc



Literary fiction commits a double arbitrariness: that of invention itself and the arbitrariness with which it imitates what is essentially arbitrary: reality.
 (Văn chương phạm vào hai lần vũ đoán: một là cái vũ đoán của tự thân sự sáng tạo, và hai là cái vũ đoán của sự mô phỏng một thứ mà chính nó, tự bản chất, cũng là một sự vũ đoán: hiện thực)
Tilson_so_far
‘So Far’ (tranh Joe Tilson)


Thế giới là một văn bản. Chúng ta đang sống trong một thế giới của những ký hiệu, và ký hiệu với trùng trùng lớp lớp nghĩa của chúng đang vây quanh con người mỗi ngày, hay đúng hơn, từng giây từng phút, đòi hỏi được giải mã, khám phá.
Thế giới ngập chìm trong đại dương của những ký hiệu. Con người, trong mỗi xã hội, mỗi quốc gia, được điều kiện hoá để bơi lội hoặc trôi nổi trên đại dương của những lớp sóng ký hiệu đó. Có những con người, để tìm một ốc đảo cho riêng mình sau những giờ phút trôi nổi bập bềnh trên những làn sóng của ký hiệu mỗi ngày, đã tìm cách trú thân trong những cuốn sách. Nhiều người tưởng, như thế, họ tìm được những phút giây an toàn cho mình, sau cuộc vật lộn, trôi nổi trên những con sóng của ký hiệu cuộc đời kia. Nhưng thật ra, hy vọng đó nhiều khi chỉ là một ảo tưởng. Mở một trang sách, bước vào thế giới của chữ nghĩa, con người đã đẩy cửa để bước vào một thế giới khác, cũng đầy ắp những ký hiệu. Những ký hiệu trong sách cũng đòi hỏi phải được giải mã, lột vỏ. Có thế, chúng mới có thể dâng hiến cho người đọc cái tinh chất của chúng, cái chất ngọt, cay, đắng, chát, mặn mà, thơm tho, nồng đượm, hay cái cảm giác thô ráp, mềm mại, sắc lẻm, xù xì… của cuộc đời. Tìm đến những ốc đảo ấy, mỗi người sẽ chỉ còn có chính mình. Họ mang theo cùng với mình tất cả những gì làm nên con người họ, tất cả những gì cấu thành cái thế giới tinh thần của họ: kinh nghiệm sống, những điều trải qua trong đời, giáo dục, sở thích, những ham muốn từ thấp nhất đến cao nhất, thậm chí những dục vọng, những mộng tưởng, lý tưởng của cả một đời. Tất cả những hành trang vô hình đó họ đặt bên cạnh mình khi ngồi trước trang sách. Cuốn sách, bấy giờ, là một văn bản tràn ứ những ký hiệu. Chúng tràn lênh ra, bập bềnh như trên một mặt sóng. Chúng như những làn nước, những lớp nước, chỉ chực tràn ra khỏi trang sách trước mặt người đọc. Có khi chúng lại là những tiếng chim, tiếng gió rượt đuổi nhau trong một cánh rừng đầy nắng lá, hay chúng là những âm thanh, những bóng dáng chập chờn của cuộc đời lúc xa lúc gần, lúc rõ nét khi nhoà nhạt, thức ngủ trong chính chúng ta, trong những thời gian và không gian mà chúng ta không thể luôn luôn gọi tên hay định tính.
Tất cả hiện ra từ trang sách, tất cả bùng lên từ văn bản.
Đó là văn chương. Và, có lẽ, để nói về văn chương, những lời lẽ có thể mang ít nhiều dấu vết văn chương như một, hai đoạn văn trên cũng là tạm đủ.  Chúng ta phải đi vào hiện thực “xám” của lý thuyết (“tất cả mọi lý thuyết thì đều màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”) để có thể cảm nhận, nắm bắt được rõ hơn những điều mà chúng ta muốn nói.
Julia Kristéva, người đã giới thiệu những ý tưởng về liên văn bản (intertextuality) của Bakhtin đến với thế giới Tây phương, đã cho thấy văn bản là một thế giới được cấu trúc hoá. Nó là một hiện trường, nơi xảy ra những sự gặp gỡ, đối thoại, hoặc va đập của những hình ảnh, tư tưởng, văn hoá, hay, nói tóm lại, của những thế giới khác nhau. Trong một văn bản, có nhiều dấu ấn của các văn bản khác. Những văn bản này có thể xa rời nhau trong cả không gian lẫn thời gian. Chúng đan xen chồng chéo và tạo nên những hàm nghĩa, liên nghĩa trên văn bản gốc. Những văn bản này nằm chìm, lẩn và khuất sâu dưới lớp chữ của văn bản gốc mà mỗi người đọc, với kinh nghiệm, sự giáo dục và những phẩm chất riêng làm thành con người tinh thần của mình, tự phát hiện ra. Có thể nói văn bản là một nguồn nghĩa vô tận. (1) Nghĩa của một từ luôn mời gọi, liên kết với những nghĩa khác, và luôn chờ để được đánh thức dậy trong cái đọc của mỗi con người khác nhau. Nghĩa của chữ, như thế, luôn biến hoá, mở rộng. Nó luôn ở trong thế tiềm năng và có thế triển khai vô giới hạn. Những hàm nghĩa, liên nghĩa luôn nằm trong thể tiềm tại để chờ được khai mở. Như thế, một văn bản có thể đem lại nhiều ý nghĩa khác nhau cho những con người khác nhau. Mỗi văn bản là một liên văn bản. Từ một văn bản văn học, người ta có thể nhìn ra nhiều tác phẩm khác nhau. Và chính là vì tính chất này mà một tác phẩm văn học trở nên có chiều sâu, có sức hút của nó. Những cách nhìn khác nhau, những cái thấy khác nhau, những cách giải mã khác nhau, tất cả làm nên độ lấp lánh của một tác phẩm.
Ở một góc cạnh khác, theo Serge Dubrowski, cấu trúc của một tác phẩm không phải là một cái gì có tính ổn định, nhất thành bất biến. Mà nó là một thế giới mở. Một tác phẩm văn học có thể mang trong mình nhiều lớp nghĩa, và nghĩa của nó không bao giờ có tính chung kết, dứt khoát. Nó thay đổi tuỳ theo cái nhìn, góc nhìn của ngưởi đọc, sự quan sát và thái độ quan sát nó của người ấy. (2) Cấu trúc là cấu trúc đối với một con người đặc thù nào đó. Cái cấu trúc ấy sẽ thay đổi không chỉ từ cá nhân này sang cá nhân khác, mà còn từ những lần đọc này sang lần đọc khác của cùng một con người qua thời gian. Bởi vậy, ý nghĩa của tác phẩm cũng có thể thay đổi theo những tâm cảnh, tâm thế khác nhau, những sự “rót vào” khác nhau của mỗi người đọc hay mỗi lần đọc. Ý nghĩa của tác phẩm, bấy giờ, được dựa trên một phương trình mà tất cả những gì người đọc mang vào trang sách cùng với mình khi đọc trở nên những biến số không thể không được tính đến.  “Ý nghĩa của tác phẩm”, như thế, trở nên một hàm số, thay đổi với những biến số mà người đọc mang vào cùng với cá tính riêng và tất cả những gì làm nên con người hắn. Tình hình này làm ta liên tưởng đến cái nhìn của cơ học lượng tử đối với các vật thể, đúng hơn là các chất thể (particles), được khảo sát.  Người ta không thể bỏ qua cái thái độ của người làm công việc khảo sát, thí nghiệm đó, cũng như không thể bỏ qua những thiết bị mà ông ta dùng để đo lường.  Những điều ấy có thể làm thay đổi kết quả của thí nghiệm. Nói rộng ra, tất cả mọi sự xảy ra trong thế giới hiện tượng này đều như thế. Cái nhìn tạo ra thế giới. Hay, đúng hơn, chính cái tâm ý của ta đã tạo ra thế giới này.  Đây không còn phải là vấn đề tâm lý hay triết lý nữa, cho dù Duy Thức luận của Phật giáo, nhìn một cách chung, cũng đưa ra một kết luận như thế.  Đọc những quyển sách như The Tao of Physics của Fritjof Capra, hay The Holographic Universe của Michael Talbot, trình bày cái nhìn của nhiều nhà vật lý lý thuyết, vật lý lượng tử cũng như của một vài nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh, về não bộ nổi tiếng, như David Bohm (London U.) và Karl Pribam (Stanford U.), khiến ta phải giật mình khi thấy rằng cả thế giới, và, rộng hơn, cả vũ trụ này, trong quan sát và nghiên cứu của họ, cũng giống như một quyển sách, chỉ là những văn bản mở, để con người “rót” cái nội dung riêng tư của nó vào, làm nên cái lấp lánh của những “văn bản” khác nhau. (3)
Nói như L. Wittgenstein (với mệnh đề nổi tiếng, xuất hiện trong câu đầu tiên của tiểu luận triết học Tractatus Logico-Philosophicus của ông), “The world is all that is the case”. Tất cả mọi sự đều diễn ra trong thế gian. Phải, thế gian, như thế, là nơi dung chứa mọi hoàn cảnh, nơi diễn ra đủ sự. (4) Và “sự” đây là “sự kiện/dữ kiện” (facts) chứ không phải là “sự vật” (things). (5) Nhìn ở một góc độ nào đó, và chỉ giới hạn trong việc xét văn bản, phán đoán này có những chỗ gần gũi với xác quyết của những nhà nghiên cứu văn bản theo tinh thần của chủ nghĩa hình thức Nga, hay của cấu trúc luận, nhìn văn bản như một cấu trúc mang tính tự trị. Và cả J. Derrida nữa, mà tên tuổi được gắn liền với Giải cấu trúc luận về sau, cũng thế, khi nói rằng không có gì ở ngoài văn bản. Tất cả mọi sự là ở bên trong.
Văn bản là một thế giới, và trong thế giới đó, chữ nghĩa (là những yếu tố cấu thành nó) cứ trượt đi. Nó được xây dựng bởi một lớp ngôn từ động. Chữ và nghĩa, các nghĩa tố, trượt vào nhau cũng như trượt qua nhau (glissement), để lại những dấu mờ, những ký hiệu của ký hiệu, như những tinh vân, khi sáng khi tối trước mắt con người. Nghĩa vẫy gọi nghĩa, nghĩa liên kết và rủ rê nhau. Ký hiệu tạo ra ký hiệu, và những ký hiệu mới được tạo ra đó lại sinh sản ra những ký hiệu khác. Đọc là đi vào trung tâm của những vòng tròn tạo nghĩa. Đọc là một “thực hành tạo nghĩa” (pratique signifiante), nói như J. Kristéva. Tất cả những ký hiệu, và những dấu mờ của chúng, dệt nên một tấm thảm bay với những hàm nghĩa, liên nghĩa, nghĩa sáng nghĩa tối, nghĩa mờ nghĩa đục, nghĩa nhoè nghĩa nét, đan kết, xoắn bện vào nhau.  Một tấm thảm kỳ diệu. Tấm thảm này có thể nâng con người lên và chở nó đi khắp mọi nơi.
Cũng có thể nhìn văn bản như một ống kính vạn hoa (kaleidoscope). Tất cả những ký hiệu, như đã nói, trượt vào nhau, trượt qua nhau, và làm thành sự khác biệt. Những kết hợp khác nhau đó làm nên thế giới. Mỗi lần ống kính xoay, lại một thế giới khác hiện ra. Và mỗi người chúng ta đều có những cách xoay ống kính riêng của mình.
Một điều cũng nên nhắc lai ở đây là tính vũ đoán của ký hiệu (ngôn ngữ).  Như F. de Saussure đã phân tích, giữa sự vật được phản ánh (như con ngựa, cái cây, v.v.) với cái-biểu-đạt (là mặt chữ, vỏ tiếng hay vỏ ngữ âm) và cái-được-biểu-đạt (tức khái niệm được phản ánh bên trong những chữ “con ngựa” hay “cái cây”, v.v.) không hề có một quan hệ hữu cơ nào. Đó chỉ là một sự vũ đoán, chấp định. Một quy ước của một tập thể người. (6) Và chính là từ sự chấp định này, ký hiệu (ngôn ngữ) nói chung và văn bản văn học nói riêng, mang tính đa nghĩa, mơ hồ và nhập nhằng trong cái nghĩa tích cực của nó.  Sở dĩ thế là vì, như đã nói, với sự khám phá và phân tích của Saussure và nhiều nhà ký hiệu học sau này, trong cùng một vỏ tiếng, vỏ âm thanh (envelope sonore), con người có thể lồng ghép, đắp đổi nhiều nội dung có liên hệ xa gần với nhau. Những nghĩa xuất phát từ những chi, những nhánh chính, và những nghĩa từ những chi, những nhánh phụ. Trường nghĩa cứ thế mà sinh sôi nẩy nở. Các nghĩa trượt lên nhau, trượt vào nhau và trượt qua nhau đã làm thành một trường nghĩa rộng lớn. Nghĩa tạo ra nghĩa, từ những liên nghĩa, hàm nghĩa, nghĩa ẩn, nghĩa chìm, và dấu vết của chúng, sau khi bị vượt qua, vẫn còn tiếp tục nằm ở đấy, làm đầy cái không gian ngữ nghĩa. Và cái chu trình ấy có thể tiếp diễn một cách vô tận.
Sử dụng những con chữ như một thứ khế ước xã hội, các nhà văn nhà thơ phải tuân thủ những luật tắc của chữ viết, của văn phạm. Nhưng, dựa trên chính những quy tắc ấy, kẻ sáng tạo lại có thể tự do hư cấu trong thế giới của mình bằng cách mở rộng phạm vi ngữ nghĩa của các ký hiệu hắn dùng, nhất là trong thơ. Bằng cách sử dụng và lồng ghép hai trục chọn lựa và kết hợp khi hành từ và bố trí câu như một chiếc đũa thần (7), con người có thể sáng tạo ra nhiều thế giới kỳ diệu, với cá tính và qua hư cấu chủ quan, vũ đoán riêng của mình.
Giống như trong sáng tác, phê bình cũng là một hoạt động hoàn toàn mang tính chủ quan, vũ đoán, thậm chí hư cấu. Đúng, hiểu theo một nghĩa nào đó, phê bình cũng là một dạng sáng tạo dựa trên hư cấu. Và nó rất chủ quan, vũ đoán. (8) Nhưng cũng chính tính chất chủ quan, vũ đoán và hư cấu này đã làm nên điều kỳ diệu mà chữ viết của con người đã làm được. Là vất đẩy người đọc vào một (hay những) thế giới mới, không hề mòn. Nó mở ra những thế giới. Với cá tính, kiến thức, bản lĩnh, và, thậm chí, sự mơ mộng riêng của mình, và, dĩ nhiên, cũng với việc phải tuân thủ một số quy luật nội tại của việc đọc văn bản, mỗi người đọc, người phê bình, có thể mở ra những thế giới khác lạ khi tiếp cận với văn bản.  Phê bình và đọc văn đúng nghĩa không bao giờ mở ra những thế giới phẳng, như cái thế giới hiện tại mà con người đang sống, trong quan niệm của Thomas Friedman. Mà, với những hàm nghĩa và liên nghĩa, nó mở ra những thế giới “cong”, đầy sức sống. Những thế giới này, nói một cách hình tượng, lồng vào nhau, chập vào nhau, và trao đổi chất cho nhau. Đọc một văn bản văn học, để biến nó thành một tác phẩm, có lẽ điều người đọc cần làm không phải chỉ là dùng lý trí, mà là dùng, nhiều hơn, sự liên tưởng và trí tưởng tượng của mình.
Hãy thử đọc một vài câu thơ của Trần Dạ Từ:
Thuở làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng bên thềm
Gió may lưng bờ dậu
Chiều sương dầy bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha 
Thuở làm thơ yêu em
Cả dòng sông thương nhớ
Cả vai cầu tay nghiêng
Tương tư trời thành phố (…)
(Thuở làm thơ yêu em, 1962)
Những câu thơ thật đẹp. Và Cung Tiến đã đưa những câu thơ như lụa phất ấy vào nhạc của mình. Thuở làm thơ yêu em. Một thuở. Chắc chắn cái thuở ấy đã qua. Ta không cần tìm biết hệ quả của những hành động chàng tuổi trẻ đã làm trong thuở ấy. Điều đó không cần thiết. Chỉ biết rằng đã có một thuở trong đời. Tình yêu. Trời mưa. Hoa cúc. Mầu vàng hoa. Gió may. Bờ dậu. Những ký hiệu và những hình ảnh lồng vào nhau. Những con âm vang lên trong đầu. Chúng nhân nhau lên trong trí và trong tâm hồn của mỗi người đọc thơ, vì những hình ảnh, những ám gợi về tình yêu, về những cơn mưa, v.v., trong mỗi con người là khác nhau và gắn bó với nhiều ấn tượng.  Chúng tạo ra hàng loạt các trường nghĩa. Từ những kinh nghiệm, xúc cảm, và những liên tưởng rất vũ đoán của mỗi ngưởi đọc, một con âm hoặc một con chữ có thể lôi cuốn nhau và tạo thành một cơn lũ. Nếu có thể cộng hết lại những hình ảnh, ấn tượng, rung động của tất cả mọi người trong thế gian này khi đọc một câu thơ hay một bài thơ của một thi sĩ bất kỳ nào đó, ta sẽ có cả một thế giới. Vậy thì, với bao nhiêu bài thơ, câu thơ mà con người có trong cuộc đời này (chưa nói đến những câu văn hoặc những tác phẩm dài hơi khác), chúng ta có bao nhiêu thế giới?
Trong bốn câu thơ đầu, dù sao đi nữa, có lẽ trong trí óc của một người Việt như tôi, những ấn tượng mang lại có nhiều âm hao, ám ảnh Việt Nam. Vì những hoa cúc, gió maybờ dậu chăng? Có lẽ. Những hình ảnh ấy rung lên, lấp loá, chập vào những hình ảnh khác trong tôi. Hãy chỉ thử đưa ra một vài trong bao nhiêu ấn tượng nở bùng lên trong đầu. Hoa cúc, làm tôi nhớ đến một câu thơ của Nguyên Sa, Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc. Chỉ là nhớ đến, không cần biết hoa cúc trong câu thơ của ai nở trước. Gió may, tôi nhớ quá đôi mắt của người con gái trong thơ Quang Dũng, Mắt kia em có sầu cô quạnh / Khi chớm may về một sớm mai. Và gần hơn nữa là cái gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè của Trịnh Công Sơn. Còn bờ dậu? Nó làm tôi nhớ đến Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn của Nguyễn Bính. Bờ dậu, thậm chí còn làm tôi nhớ đến những câu thơ Đứng im ngoài hàng dậu / Em mỉm nụ nhiệm mầu / Lặng nhìn em kinh ngạc / Vừa thoáng nghe em hát / Lời ca em thiên thâu / Ta sụp lạy cúi đầu (Thược Dược, Quách Thoại). Một đoá hoa nở bên bờ dậu đấy. Bao nhiêu là hình ảnh thật Việt Nam!
Sang bốn câu thơ kế, hình ảnh Việt Nam chắc vẫn còn đấy. Nhưng chúng không còn đậm đặc như trong bốn câu thơ đầu nữa, với những hình ảnh có chút chênh chao ngả nhẹ theo nhịp ngữ pháp tây phương, cộng với những thủ pháp nhân hoá và ẩn dụ được dựng lên trong từng câu thơ. Đến đoạn ba, tự nhiên ta thấy như được dẫn vào một khung trời “lạ hoá” với những đường nét không gian không còn hoàn toàn mang tính điển hình của một khung cảnh Việt Nam. A, thế nào là Việt Nam?  Rất khó nói, có lẽ là do cách đọc, cách cảm cùng với kinh nghiệm đọc và rung động của từng người.  Riêng tôi, cả đoạn thơ này tự nhiên nhắc tôi nhiều đến những khung trời Paris của Jaques Prévert. Riêng câu Cả vai cầu tay nghiêng thì lại làm tôi đặc biệt nhớ đến Apollinaire trong bài Le Pont Mirabeau. Trong bài này, thi sĩ đã tả hai người nam và nữ, hai kẻ yêu nhau, trong một tư thế thật đẹp, giống như trong một số bức tranh vẽ tình nhân của Chagall:
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse…
(Tay nắm lấy tay và mặt nhìn mặt
Trong lúc đó dưới
Cầu của những cánh tay đôi ta lướt chảy
Dòng nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu…)
Những liên tưởng đã dẫn tôi đi xa như thế, để tôi nhìn thấy trong Cả vai cầu tay nghiêng những hình ảnh còn in đậm trong lòng tôi của Le pont de nos bras, và cả một khung trời thương yêu của Apollinaire có dòng sông Seine chảy qua. Tất cả các liên tưởng đều là vũ đoán. Và sự vũ đoán đó đã làm cho bài thơ, đối với tôi, có thêm chiều dày và lấp lánh hơn.
Đọc là liên tưởng và thực hiện những hành động vũ đoán như thế. Nhưng viết thì cũng không khác.  Khi chúng ta viết, dù thơ hay văn (nhưng đặc biệt là thơ), sự chọn lựa, kết hợp các từ ngữ cũng chính là một hành động rất vũ đoán. Nhất là khi ta, một cách vô tình hay hữu ý, sử dụng những biện pháp chuyển nghĩa (trope) như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hoá, v.v.  Khi một người Việt Nam nào đó, trong xa xưa, đã sáng tạo ra câu Lòng em như quán bán hàng / Còn anh là khách qua đàng trú chân, hay câu  Em như cái giếng giữa đàng / Người khôn rửa mặt, kẻ phàm rửa chân, thì quả là người đó đã rất vũ đoán để đem so sánh tâm hồn hay thân phận của một con người (đặc biệt lại là một người con gái) với một túp hàng quán, hay như một cái giếng. Thế nhưng, chính cái vũ đoán đó đã để lại cho chúng ta những câu ca dao tuyệt vời như thế cho đến bây giờ.  Nó làm cho những hình ảnh ấy sống mãi. Cũng thế, trong vở chèo Thị Kính, tác giả đã cho Thị Mầu “chào hàng”/”nhá hàng” với anh Nô bằng một câu chòng ghẹo táo bạo, Gió xuân đánh tốc dải yếm đào / Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương. Tác giả của câu chèo tinh quái và kinh khủng này đã đặt vào miệng Thị Mầu một ẩn dụ thật … trẻ không tha, già không thương (hay Phật không tha, Chúa không thương ?-vì “oản” là để cúng Phật, và câu hát bóng gió đầy tính… trêu hoa ghẹo nguyệt kia, “gọi mời thắp hương” kia, lại được thốt ra trong khung cảnh nghiêm trang nơi cửa thiền. Mà chính là vì ả Thị Mầu đang ve vẩy ở nơi đấy nên mới có cớ giục mời người ta vào thắp hương như thế!).  Một sự nhìn ngắm, liên kết để rồi so sánh đến vậy, không gì khác, chính là một sự vũ đoán, ập vào nhau những hình ảnh, những khái niệm đáng lẽ là rất xa nhau. Nó làm bật ra những tia lửa của sự sáng tạo. Đúng là có những cái vũ đoán chết người, nhưng chúng đã khắc nét vào văn chương như thế.
Trở lại với chuyện đọc văn. Khi đọc À l’ombre des jeunes filles en fleurs (Dưới bóng những cô gái đương hoa) của Marcel Proust, trong bộ À la Recherche du Temps Perdu (Đi Tìm Thời Gian Đã Mất), Bernard Raffalli (9) đã nghĩ đến những bông hồng nở vội của Ronsard (Mignonne / Allons voir si la rose / Qui se matin avait déclose / … Vivez, si m’en croyez, n’attendez à demain / Ceuillez dès aujourd’hui les roses de la vie–Em ơi, ta hãy ra xem / Đoá hồng đã nở bên thềm hay chưa / … Hái đi, đừng để quá mùa / Hoa hồng cuộc sống chẳng chờ đến mai). Cùng lúc, ông cũng nghĩ đến những bông hoa ác, những bông hoa tội lỗi (Les Fleurs du Mal) của Baudelaire, cùng với cái mùi của dục tính và sự tàn rữa; đồng thời, ông cũng nhớ đến cả những cô gái lửa (Les Filles du Feu) của Nerval.  Một sự liên tưởng nhìn thoáng qua tưởng là vũ đoán, nhưng hẳn nhiên là nó có nguồn gốc từ kinh nghiệm đọc, mơ mộng, và phân tích của Raffalli. Trong tác phẩm của Proust, hình ảnh những cô gái đẹp tươi, đương trong lứa tuổi hoa niên ấy, được liên kết với nhiều hình ảnh của những khóm hoa, những bụi hoa, tươi sáng có, mà tàn rữa cũng có. Và những người con gái đương hoa kia, với những mối tình, những ham muốn bị kìm nén của họ, như những đoá hồng toả ra một mùi hương thương nhớ, phả khắp những trang sách. Kinh nghiệm đọc và những liên tưởng của nhà phê bình đã đem lại hạnh phúc cho người đọc ông. Chúng cũng làm dày thêm sự hiểu biết và làm phong phú tâm hồn người đọc.
Cũng thế, trong Poésie et Profondeur (Thi ca và Độ sâu), Jean Pierre Richard đã phát hiện ra rằng cả Baudelaire, Gérard de Nerval, Arthur Rimbaud và Paul Verlaine đều bị ám ảnh bởi độ sâu.  Rimbaud thì muốn lấp bằng độ sâu, và nếu không thực hiện được, ông tìm cách thoát ra khỏi nó. Nerval thì muốn giảm bớt độ sâu bằng nỗ lực mô tả những gì nổi lên, những sự vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Verlaine, yếu đuối hơn, luôn bị sự ám ảnh kinh hoàng của những độ sâu vô tận, những lỗ hổng không đáy. Còn Baudelaire thì, cho dù có hãi sợ, có hoang mang choáng váng trước cái hút xoáy của những độ sâu, vẫn muốn đâm đầu lao mình xuống tận đáy vực. (10) Phải có một liên tưởng bén nhậy, cộng với một sự vũ đoán nhất định, cùng với một năng khiếu phân tích tâm lý đến một độ nào đó thì người ta mới có thể đưa ra những so sánh và nối kết như thế. Và thao tác của Pierre Richard có thể đã là, đầu tiên, ông nhìn thấy hình ảnh độ sâu nơi một nhà thơ nào đó trong bốn nhà thơ vừa kể, cùng với phản ứng và cơ chế tâm lý của nhà thơ ấy. Từ đó, ông đã liên tưởng đến những nhà thơ còn lại mà, qua thơ ca của họ, ông cũng đã bắt gặp những độ sâu, với những phẩm chất khác. Rồi, có thể bằng một phương pháp gần gũi với phương pháp xếp chồng những văn bản của bốn nhà thơ này lên nhau, ông đi sâu vào tìm hiểu kỹ hơn tính cách và phong cách của từng nhà thơ. Tất cả đều bắt nguồn từ liên tưởng, từ sự nối kết các (liên) văn bản của nhà phê bình.
Khi nghe những câu hát này trong bài Đêm của Trịnh Công Sơn:
Đêm xanh hay đêm đỏ
Đêm hồng đêm mong manh
Đêm đêm rừng nuôi gió
Đêm hồng má thị thành 
Đêm ôm vai em nhỏ
Giấc ngủ như chiêm bao
Đêm thơm từng chiếc lá
Cho tình bay lên cao 
Đêm sâu không xa lạ
Kéo gần đêm thiên thu
Đêm xin thành nỗi nhớ
Đêm đợi đoá hẹn hò 
Đêm yên như phố cổ
Chút tình riêng xôn xao
Đêm xa gần môi má
Có dài không đêm thâu (…)
tự nhiên tôi nhớ đến bài Đêm Trăng của Đoàn Thị Lam Luyến:
Đêm dài như châu chấu
Của tuổi thơ chín mười
Đồng trưa mưa rào tạnh
Theo đàn châu chấu bơi 
Đêm dài như xác pháo
Xé tan tuổi đôi mươi
Chưa tiêu gì ra món
Đã hết veo cuộc đời 
Đêm dài… đêm cành đa
Như kiến leo cành cộc
Leo vào rồi leo ra
Đâu biết mình trùng lặp
Hai bài thơ, nếu có thể nói như thế, có nhiều nét khác nhau, cho dù chúng đều lấy đêm làm xuất phát điểm. Ta sẽ không phân tích dài dòng vào chi tiết để thấy rõ những sự khác biệt đó. Có lẽ chỉ nên nói là, dù có dùng các con âm Việt, chữ nghĩa Việt, các tác giả đã sử dụng những chất liệu ngôn ngữ khác nhau để làm ra những sản phẩm khác xa nhau. Cho dù chúng đều gắn bó với những thủ pháp chuyển nghĩa giống nhau như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hoá, v.v., hai bài thơ đã tạo nên hai khí quyển khác biệt. Chúng như hai khối tinh vân tự xoay vần theo quỹ đạo của riêng mình.  Bài thơ của TCS có mật độ dày hơn của những biện pháp tu từ ập vào nhau, như trong những hình ảnh đêm đêm rừng nuôi gió, đêm đợi đoá hẹn hò. Bài thơ đưa ra cái nhìn từ xa đến gần, rồi lại từ gần ra xa, và từ ngoài vào trong, rồi từ trong ra ngoài, về mặt không gian; và từ điểm quy chiếu của hiện tại, kéo dài cho nó chạm vào cõi xa thẳm của thiên thu, rồi lại thu kéo về cõi người bé nhỏ, xét về mặt thời gian. Còn bài thơ của ĐTLL thì lại bắt vào những hình ảnh liên văn bản trong những câu như Đêm dài… đêm cành đa, như kiến leo cành cộc. Câu thơ làm ta nhớ đến câu ca dao tuổi nhỏ Con kiến mày leo cành đa. Leo phải cành cộc leo ra leo vào. Con kiến mày leo cành đào. Leo phải cành cộc leo vào leo ra… Nó tạo nên một cảm thức quẩn quanh, bít bùng, không lối thoát. Những câu thơ soi chiếu vào hạnh phúc tuổi thơ và thân phận mình hiện tại. Hình ảnh châu chấu, được lặp đi lặp lại hai lần, gắn với một cái gì sinh động, hớn hở. Một mầu xanh như ngọc của thân mình những con châu chấu được đưa vào cận ảnh dưới ánh mắt tuổi thơ. Chân chúng búng tanh tách, và chúng bơi trên mặt nước. Điều đó gắn với cái hồn nhiên, sinh động của tuổi nhỏ. Rồi những mảnh pháo hồng nổ tan tác. Rộn rã đấy, nhưng rồi vụt biến nhanh. Cuộc đời trôi qua vội vã, rồi vỡ vụn như những xác pháo. Để, cuối cùng, cái còn lại chỉ là sự nhỏ nhoi, quanh đi quẩn lại của những lối mòn… Ngoải ra, thủ pháp so sánh trong Đêm Trăng lại là một cái gì mang tính rất biểu kiến. Dạng thức thì là so sánh, Đêm dài như châu chấu, Đêm dài như xác pháo, nhưng bản chất thì lại là ẩn dụ lồng vào hoán dụ (bởi lẽ, đêm không thể nào dài như… châu chấu hay xác pháo được). Hai bài thơ đưa ra những khắc khoải riêng, những tâm sự đặc thù, theo những hướng khác nhau, và tạo ra những không gian, thời gian khác biệt. Vậy mà nó lại thu hút nhau, ập vào nhau trong cảm thức của một người đọc. Đọc hay nghe riêng biệt bài hát của TCS và bài thơ của ĐTLL, chắc chắn là mỗi người đọc khác lại thấy nẩy nở ra trong lòng mình những liên tưởng khác biệt, những ám gợi, những hình ảnh không trùng hợp với cách liên tưởng, cách đọc của tác giả bài viết này. Đó chính là do kinh nghiệm sống và đọc, do cơ chế tâm lý riêng của mỗi người khi tiếp cận với tác phẩm.
Liên tưởng có khi được giải thích, có khi không, nhưng chắc chắn là chúng có những gốc rễ của mình. Bởi vậy, khi nói phê bình là một hành động chủ quan và vũ đoán, thì chủ quan là đúng, còn vũ đoán chỉ là một cách nói có phần cường điệu. Bởi đó không hề là một thái độ tuỳ tiện. Nó có gốc rễ, và gốc rễ ấy nằm trong “vùng giao”, vùng chồng lấp lên nhau của liên tưởng và sáng tạo. Và thái độ đó thích hợp với một định nghĩa của “vũ đoán”, là “dựa trên, hoặc tuỳ thuộc vào, sự thẩm định hay chọn lựa mang tính cá nhân” (based on or subject to individual judgment or preference—www.thefreedictionary.com). Và, đúng thế, người tiếp cận văn bản, tuỳ vào độ mở của văn bản mà hắn đang khảo sát, phải có những nỗ lực riêng của mình để bóc, tách những lớp nghĩa, cũng như nối kết những ấn tượng, những hình ảnh mà tác giả đã đưa vào tác phẩm một cách hữu thức hoặc vô thức. Có thế, hắn mới cảm nhận được những hạnh phúc của sự đọc.
Đọc là một hành trình thám mã. Là một quá trình tìm nghĩa và tạo nghĩa. Qua liên tưởng, qua chọn lựa, qua kết hợp. Cũng giống như khi chúng ta viết. Chỉ có điều là khi viết, hai thao tác chọn lựa và kết hợp được thực hiện một cách có vẻ có ý thức hơn. Và có thời gian hơn. Còn trong khi đọc, tất cả những điều này xảy ra rất nhanh. Người đọc không kịp trở tay. Những hình ảnh và ấn tượng tóm lấy ta và vứt đẩy ta vào một cơn cuồng lũ của nghĩa, liên nghĩa và hàm nghĩa. Hai loạt nghĩa sau là những cái không hề có mặt trên văn bản. Theo Pierre Macherey, cái đặc thù của văn học là nó luôn hàm chứa trong nó một cái vắng mặt. Văn bản là cái được nói ra, nhưng trong cái được nói ra đó có hàm chứa những cái không được nói ra. Cái nói ra dựa vào cái không được nói ra. Có một sự chồng lên nhau giữa cái được nói ra và cái ẩn kín bên trong, cái lùi khuất khỏi tiền trường sân khấu. Đó là cái không được phát ngôn, tức sự im lặng. (11) Văn bản là một không gian, một hiện trường được tổ chức theo các quy luật ngôn ngữ. Nó che đậy ở bên dưới nó những cái vắng mặt, những kho tàng được chôn giấu, ẩn kín. Bởi vậy, đọc hay phê bình văn học là đi tìm cái bị che giấu kia, đi tìm cái vắng mặt, cái không hề hiện diện tại hiện trường.
Như đã nói, ký hiệu ngôn ngữ, nói chung, mang tính vũ đoán. Đọc, phê bình, tìm cách mở một văn bản, cũng hàm chứa tính chất đó, nhưng ở một cấp độ khác.  Những cái được nói, được viết ra và những cái ở đằng sau, ở bên trong, ở hậu trường, giằng co, đòi được khám phá, bộc lộ. Chính điều đó khiến cho tác phẩm trở nên mơ hồ, “nhập nhằng”, đa nghĩa. Chúng tạo nên một độ căng, do sự giằng kéo của các ý nghĩa, liên nghĩa, và hàm nghĩa, mà người đọc phải tìm cách giải quyết. Tạo được một tác phẩm đầy tính “khiêu gợi” như thế, trong chừng mực nào đó, với ý thức của mình, kẻ sáng tạo làm nổi rõ dấu ấn sáng tạo của hắn. Tôi nói “trong chừng mực nào đó, với ý thức của mình”, vì không phải lúc nào tác giả cũng kiểm soát được những điều mình viết ra. Rất nhiều khi, chữ, nghĩa, và các hình ảnh, ý tưởng trong một văn bản vượt ra khỏi ý thức của người viết. Đọc được, hay, đúng hơn, đọc thấy, những điều ẩn kín, những điều không nói ra trong văn bản, những vết tích của vô thức, những liên tưởng bất ngờ làm bật sáng văn bản, những ngã rẽ lối quành của nghĩa, cũng khẳng định bản lĩnh của người đọc, người phê bình. Đó là sự xâm nhập văn bản và bóc nó ra, coi nó như một dạng scriptible (khả tác). Là không nhìn nó một cách hời hợt như một dạng lisible (khả độc). (12) Một tác phẩm thật sự luôn ở trạng thái tiềm thế. Nó luôn có thể được soi rọi, nhìn ngắm và phân tích lại, để cung hiến cho người đọc những cách nhìn mới, những ý nghĩa mới.
Như thế, theo tôi, đọc là sự phân vân (của chủ thể đọc) giữa những hình ảnh, những ấn tượng, là sự phân vân (của hắn) giữa ý tưởng này và ý tưởng nọ, giữa liên tưởng này và liên tưởng kia. Là sự gặp gỡ của chủ thể đọc với các nghĩa trong văn bản, để rồi phải quyết định trước sự giằng kéo của các nghĩa tố khác nhau. Từ đó, người đọc có thể nhìn thấy một thế giới đa nghĩa, nhiều chiều cạnh, một thế giới lấp lánh nhiều mầu sắc. Đó không còn là một thế giới bị mòn đi trong cái nhìn trượt theo quán tính của cuộc sống thường ngày. Đọc là đồng sáng tạo chính là ở trong tinh thần đó.
Khi đọc, có nghĩa là khi làm những “thực hành tạo nghĩa”, có lẽ cũng không nên quá hăng hái để vội quyết đoán là tác giả đã thiếu sót vì đã không trình bày được điều này hay điều kia (nhất là khi chúng khá hiển nhiên), như chúng đáng lý phải được trình bày như vậy. Dù là đọc một bài thơ, một truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, hay một tác phẩm phê bình. Tất cả đều là những văn bản văn học. Có thể có một lý do nào đó đã khiến tác giả không viết chúng ra, hoặc là đã giữ chúng lại để trình bày trong một dịp khác thích hợp hơn. Trường hợp Tolstoi có thể là một thí dụ đáng nghĩ. Sau khi Chiến Tranh và Hoà Bình được xuất bản, “báo chí cấp tiến đương thời đã trách cứ Tolstoi là trong tác phẩm đồ sộ ấy thiếu hẳn dấu vết của hiện thực thảm khốc của chế độ nông nô, một đặc trưng nổi bật của thời đại…”. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu thêm qua việc nghiên cứu các bản nháp của tác phẩm, người ta thấy rằng, trong những dị bản đầu tiên, Tolstoi đã mô tả chi tiết các khía cạnh tiêu cực, đen tối, phản ánh những khổ đau của tầng lớp nông nô. Đó là những mô tả hết sức hiện thực cuộc sống khổ đau của những lớp người nghèo khó, của những con người thấp cổ bé miệng, cho dù họ là nông nô hay binh lính. Những mô tả này cho thấy mâu thuẫn khe khắt giữa những tầng lớp trên, như địa chủ và sĩ quan, với những tầng lớp dưới, như nông nô và binh lính đói rét. Dù sao, những mô tả này không thấy xuất hiện trong văn bản cuối cùng được phát hành. Những nhà nghiên cứu Tolstoi đã cho rằng, “cảm hứng chủ đạo của Chiến Tranh và Hoà Bình (…) là niềm tin say đắm của tác giả vào tư tưởng mà ông cho rằng thời đại mà ông miêu tả là thời đại nảy nở cao nhất của đạo đức nhân dân, là thời kỳ phục hưng của toàn dân Nga, đã đưa họ tới chiến công cứu nước.” Chính cái cảm hứng chủ đạo này, cuối cùng, đã khiến Tolstoi phải hy sinh những mô tả về những phương diện khổ đau của nông nô, để tập trung nhấn mạnh vào lòng dũng cảm, ý chí và sức mạnh của nhân dân trong chiến tranh vệ quốc. (13) Để đạt hiệu ứng tối đa nhất trong việc trình bày đề tài của mình, Tolstoi đã phải chọn lựa. Và hy sinh.
Một người đọc có ý thức và có sự cẩn trọng có lẽ cũng nên chú ý đến những cái vắng mặt khá hiển nhiên trong một văn bản văn học, để thử lý giải những sự vắng mặt đó, trước khi lên tiếng phản đối hay đưa ra phán quyết của mình. Đúng như Macherey đã nói: một tác phẩm không bao giờ thổ lộ được hết tất cả những gì tác giả muốn nói, bởi vì “để nói ra một điều gì đó thì có những điều khác đã không được nói ra, hoặc không nên nói ra.” (11)
Trong kinh nghiệm cá nhân, về phương diện này, tôi cũng đã rất ngạc nhiên và khá bất ngờ khi thấy trong tập Những Bài Ca Không Năm Tháng, tuyển hơn 120 ca khúc của mình, được xuất bản mấy năm trước khi anh mất, Trịnh Công Sơn đã không đưa vào những ca khúc phản chiến một thời đã làm nên tên tuổi anh. Có lẽ đã có một suy nghĩ đắn đo nào đó, có một ý nghĩa quyết định, đã khiến anh không đưa chúng vào tuyển tập đánh dấu một đời sáng tác này của mình. Tôi bỡ ngỡ, nhưng thấy không nhất thiết phải lý giải điều đó. Cho dù, hình như, con người dễ dàng đưa ra một phán đoán về một hành vi của người khác, hơn là về hành vi của chính mình. Bất cứ phán đoán nào trong vấn đề này cũng đều có thể là một phán đoán mang tính đơn giản và dễ dãi. Và quyết định đó, có tính cách hết sức cá nhân của người nhạc sĩ, cũng không làm mất đi giá trị và những dấu ấn lửa mà loạt tác phẩm này đã tạo ra trên lương tâm, trên tâm thức con người, Việt Nam cũng như toàn thế giới.  Khi viết chuyên luận về Trịnh Công Sơn (14), lúc đầu, tôi cũng đã đi vào phân tích sâu khía cạnh phản chiến của những loạt ca khúc như Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, v.v.  Nhưng sau đó, tôi đã bỏ đi tất cả, chỉ còn giữ lại một phần ngắn trong chương hai, Dẫn Vào Những Ám Ảnh Nghệ Thuật, phần Ám Ảnh Chiến Tranh.  Tôi muốn tập trung vào những chủ tố về Thân Phận Con Người (nói chung–không phải chỉ về thân phận con người Việt Nam, đóng khung trong một cuộc chiến), Tình Yêu và Nỗi Cô Đơn trong sáng tác của TCS. Và tôi đã làm điều ấy với một chủ ý văn chương và tránh đi sâu vào những phân tích lý thuyết. Những chủ tố ấy được nhấn mạnh, trình bầy chỗ đậm, chỗ lợt trong suốt chuyên luận. Tôi đã giải quyết sự giằng co và độ căng giữa những chủ tố quan trọng, xét về mặt đối tượng nghiên cứu của mình, bằng cách nhấn kỹ một vài nhịp khúc này và buông lơi một vài nhịp khúc khác. Âu đó cũng là một chọn lựa vũ đoán trong quá trình xây dựng văn bản.
*


Viết, Đọc, Thẩm Thức văn bản văn học để biến nó thành tác phẩm, ít nhất cho chính mình, có những quy luật chung mà người viết, người đọc phải tuân thủ.  Nhưng từ những cái chung đó, mỗi người lại có những bước đi riêng trong hành trình lập mã và thám mã của mình. Tất cả những cái riêng đó đều có thể đem lại một độ dày thêm cho văn bản, một ánh sáng mới cho tác phẩm mà mình xây dựng hoặc tiếp cận. Địa lý của văn học nói riêng, và nghệ thuật nói chung, từ đó, được mở rộng thêm. Và con đường đi vào tác phẩm, như thế, không phải là một con đường mòn, một con đường một chiều. Nó có thể, qua cách viết, cách đọc, cách thẩm thức, lý giải rất chủ quan, mang tính vũ đoán của mỗi cá nhân người viết hay người đọc, biến thành một thế giới.
Viết và đọc đều là những nỗ lực rất riêng tư, chủ quan, vũ đoán và mang đầy tính hư cấu. Phê bình, một bước nhảy (hay một bước múa) của cái đọc thông thường, cũng vậy. Nó mang đầy nét hư cấu, chủ quan. Nó cho thấy bản lĩnh hay tài hoa của mỗi người.
Hãy biến những con đường mòn thành một thế giới. Hãy cứ, bằng những nỗ lực rất riêng tư và chủ quan của mình, nới giãn cái biên độ của thế giới ấy ra. Để nó làm thành vũ trụ.
Kẻ viết hay người đọc nào lại không thiết tha muốn hướng về cái vũ trụ ấy.


Bùi Vĩnh Phúc
Tustin Ranch, Calif.
12. VIII. 2009

_________________________________
(1)   Xem Julia Kristéva, Recherches pour une sémanalyse, Paris: Seuil, 1969
(2)   Xem Serge Doubrowsky, Pourquoi la nouvelle critique?, Paris: Mercure de France, 1966
(3)  Đây chỉ là một so sánh hết sức đơn giản, vắn gọn của tác giả bài này về những lý thuyết khá phức tạp được một số nhà vật lý lượng tử và nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh đưa ra. Thật sự, qua nghiên cứu, họ nhìn thế giới, đúng hơn cả vũ trụ này, như một hình ảnh hologram, do chính tâm và ý của con người phóng chiếu ra.
(4)   “World”, ở đây, có thể dịch là thế giới, hay thế gian.  Tôi thích từ “thế gian”, cho dù “thế gian” hay “thế giới” thì đều chỉ thẳng vào cái cõi thế này. Sự chọn lựa có lẽ là do liên tưởng. Khi chọn “gian”, có lẽ vô thức đã nhắc tôi nhớ đến những câu như “Thi thị khả giải bất khả giải chi gian (Thơ nằm trong khoảng có thể giải thích và không thể giải thích được), và “Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt” (Chỉ có gió mát ở trên sông cùng với trăng sáng ở sườn núi–Tô Thức, Tiền Xích Bích Phú). “Gian”, so với “giới”, gợi ra ấn tượng về một không gian có tính giới hạn rõ rệt, cụ thể. Nó lại mang tính “thơ mộng” vì một, hai liên tưởng như trên. Đó là một chọn lựa mang tính vũ đoán trong vấn đề đọc, hay dịch.
(5)   Facts, sự kiện (có những chỗ được hiểu như “dữ kiện”), là những phát biểu đúng về sự vật (things). “Ghế” là một sự vật; còn mệnh đề “Cái ghế này mầu đỏ” thì đó là (hay không là) một sự kiện. “Thế gian” như chúng ta biết, theo Wittgenstein, chẳng qua chỉ là hoàn cảnh, chỉ giản dị là một tập hợp của những sự kiện được biết–đó chính là “what is the case”–, hơn là những sự vật tách biệt khỏi những gì mà chúng ta có thể nói về chúng. Chính ngôn ngữ đã xây dựng nên cảm thức của chúng ta về thế giới, về mọi thứ bao quanh chúng ta, cũng như về kinh nghiệm của chúng ta đối với chúng.
(6)   Roman Jakobson và những người trong nhóm Chủ nghĩa Tượng trưng về Âm (Sound Symbolism), ngược lại, đã cho rằng quan hệ giữa cái-biểu-đạt (CBĐ) và cái-được-biểu-đạt (CĐBĐ) là thiết yếu, không hề có tính vũ đoán. Luận điểm của nhóm này, đặc biệt của R. Jakobson, có những nét độc đáo. Một khía cạnh của chủ nghĩa tượng trưng về âm, đã khiến Jakobson quan tâm đặc biệt, liên hệ đến các nguyên âm mang mầu sắc (“coloured vowels”). Hiện tượng này chưa được tất cả các nhà ngôn ngữ công nhận, và vẫn còn đang được tiếp tục tranh luận, nghiên cứu (inconclusive and under investigation), cho dù Jakobson đã thử áp dụng nó vào việc bình thơ Mallarmé và đưa ra được một số phát hiện độc đáo. (6 bis) Việc ông cùng với Claude Lévi-Strauss cùng đọc chung bài thơ Les Chats (Mèo) của Baudelaire cũng vậy. (Dù sao, nên xem thêm luận văn Describing Poetic Structures: Two approaches to Baudelaire’s “Les Chats” của Michael Riffaterre, nhà phê bình nổi tiếng Mỹ, giáo sư đại học Columbia, tác giả của Semiotics of Poetry (Ký hiệu học về Thơ), phản bác Jakobson và Lévi-Strauss). Tuy nhiên, trong việc đọc thơ, nếu biết sử dụng một cách hợp lý những hệ luận của cả hai quan điểm này, về sự liên hệ giữa CBĐ và CĐBĐ, người ta dễ bắt được ý nghĩa và những nhịp đập quan trọng của trái tim thơ. Trong vai trò một nhà ngôn ngữ và một nhà thi pháp, Jakobson đã có nhiều đóng góp đáng kể; nhưng có lẽ một trong những đóng góp nổi bật của ông là, từ sự mở rộng về quan hệ liên tưởng và quan hệ ngữ đoạn của Saussure, phát hiện về hai trục lựa chọn và kết hợp trong thao tác hoạt động của ngôn ngữ, đặc biệt trong việc sáng tạo và đọc thơ.
(6 bis)   Xem Arby Ted Siraki, Problems of a Linguistic Problem: On Roman Jakobson’s Coloured Vowels, Berlin: Springer Netherland (Neophilologus, tập 93, số 1, Jan. 2009)
(7)   Thường, đối với thơ, người ta áp dụng trục chọn lựa (gắn liền với ẩn dụ) nhiều; với văn, trục kết hợp (gắn liền với hoán dụ).  Nhưng, cả trong văn lẫn trong thơ, khả năng lồng ghép nhuần nhuyễn hai trục và hai thủ pháp này vào nhau để đưa đến những kết quả thẩm mỹ thích đáng là một nghệ thuật. Nó là một dấu chỉ rõ nét của sự sáng tạo.
(8)   Ở đây, chúng ta chỉ tạm nói gọn về vấn đề đọc và phê bình như một quá trình tạo nghĩa, trong đó tính chất vũ đoán của ký hiệu đưa đến những liên nghĩa, hàm nghĩa, đã làm đổ xô lên văn bản một trường nghĩa, có thể nói là vô tận, với những liên văn bản mà người đọc, người phê bình có thể tìm ra trên bản gốc. Chúng ta không đi vào những khía cạnh đặc thù của những lý thuyết về đọc văn bản, như thuyết Hồi ứng của người đọc (Reader Response), hay thuyết Giải cấu trúc (Deconstruction) chẳng hạn. Những vấn đề đó cần được trình bày trong những bài khác.
(9)   Xem Bernard Raffalli, Le Manuscrit de “À l’Ombre des Jeunes Filles en Fleurs”, Paris: Laffont, 1998.
(10)  Xem Jean Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Paris: Seuil, 1955.
(11)  Xem Pierre Macherey, Pour une théorie de production littéraire, Paris: Maspéro, 1966
(12)   Đây là những từ do Roland Barthes sáng tạo ra. Văn học theo dạng lisible, khả độc, là loại văn học dễ dãi, không đòi hỏi sự đóng góp của người đọc trong việc tạo nghĩa cho văn bản. Nó là loại văn học biến người đọc thành một con người thụ động và lười lĩnh. Nó tách người đọc ra khỏi người viết. Văn học theo dạng scriptible, khả tác, trái lại, là loại văn học đòi hỏi người đọc phải góp sức tạo nghĩa cho văn bản. Nó bắt người đọc phải động não để làm việc và tạo thói quen cho hắn tìm kiếm cái không nói ra trong văn bản. Đọc, với loại văn bản này, là một quá trình tạo nghĩa.
(13)   Xem Trần Đình Sử, Văn Học và Thời Gian, Hà Nội: Nxb Văn Học, 2000.
(14)   Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn / Ngôn Ngữ và Những Ám Ảnh Nghệ Thuật, California: Văn Mới, 2005. Tái bản lần thứ nhất tại Việt Nam, bản có bổ sung: Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, 2008.



















Về Ánh Sáng của Tưởng Tượng và Những Bông Hoa của Thực Tại trong Văn Chương




bùi vĩnh phúc






.1.


Trong quyển Mùi Thơm Của Ổi (The Fragrance of Guava) (1) nói chuyện với Plinio Apuleyo Mendoza về kinh nghiệm viết lách của mình cũng như về những đề tài khác, Gabriel García Marquez đã phân biệt giữa huyễn tưởng (fantasy) và sự tưởng tượng, hư cấu dựa trên sự thật của đời sống.  Đại khái, ông cho rằng khi một nhà văn tự để cho mình đi lạc quá xa vào vùng huyễn địa của hư cấu mà không bám vào sợi dây thực tại của đời, ông ta sẽ chạm mặt với sự hiểm nguy trong việc trở thành một kẻ nói dối. Và sự nói dối, trong văn chương, có một hậu quả còn quan trọng hơn là trong đời sống thật sự nữa. Marquez cho rằng ngay trong những sáng tạo có vẻ như đầy nét hư cấu nhất thì chính sự hư cấu ấy cũng có những luật tắc của nó. Ông cho rằng sự tưởng tượng chỉ là một phương cách giúp cho nhà văn trình bày cái thực tại mà mình cảm nhận. Và, nói cho rốt ráo, nguồn gốc của sáng tạo luôn luôn là thực tại của đời sống.


Marquez cho rằng bất cứ quyển tiểu thuyết hay nào cũng là một sự hoán chuyển thơ mộng của thực tại vào văn chương. Tiểu thuyết, theo ông, là thực tại được trình bày qua những ẩn ngữ, với một cái mã bí mật, một thứ công án hay một thứ thai đố về đời sống. Thực tại trong tiểu thuyết khác với thực tại của đời thường, mặc dù nó được bắt rễ từ đấy. Điều này cũng giống như là những giấc mơ của con người. Chúng có gốc rễ từ trong đời sống, nhưng không phải là đời sống.  Bị vặn hỏi là cách ông trình bày hiện thực, thực tại của mình trong những tác phẩm của ông—chẳng hạn như trong Trăm Năm Cô Đơn (Cien Años de Soledad)) và trong Mùa Thu của Vị Trưởng Lão (El Otoño del Patriarca), đã đưa đến một dòng văn chương được gọi tên là “hiện thực huyền ảo” (magical realism)—có thể khiến cho người đọc dễ dàng nhìn thấy được cái “huyền ảo” mà khó hoặc không thấy được cái “hiện thực”, Marquez trả lời rằng sở dĩ điều đó xảy ra là vì chủ nghĩa duy lý của Tây phương đã ngăn cản người ta nhìn ra những thực tại trong các tác phẩm của ông. Theo ông, thực tại không phải chỉ giới hạn trong giá cả của cà chua và trứng gà. Đời sống mỗi ngày tại Châu Mỹ La-tinh đã chứng tỏ rằng thực tại chứa đựng đầy những điều kỳ ảo, lạ lùng và bí nhiệm nhất. Ở đây, tôi sẽ để cho chính Marquez trình bày cách nắm bắt và trình bày thực tại của mình qua một vài lời đối thoại giữa ông với P.A. Mendoza:


Marquez:  (...) Để làm rõ điều này [rằng thực tại chứa đựng đầy những điều huyền bí, kỳ ảo], tôi thường kể câu chuyện của một nhà thám hiểm Hoa Kỳ tên là F.W. Up de Graff. Nhà thám hiểm này đã thực hiện một cuộc hành trình không thể nào tin được xuyên qua núi rừng Amazon vào cuối thế kỷ trước. Trong những cảnh và người mà ông nhìn thấy, người ta có thể kể đến hình ảnh một dòng sông sôi nước nóng bỏng và một địa điểm mà âm thanh của tiếng nói con người có thể làm cho mưa đổ xuống như thác. Tại Comodoro Rivadavia, nơi miền cực nam của Argentina, những ngọn gió từ Bắc cực đã thổi bay nguyên cả một đoàn xiệc, và ngày hôm sau, những người ngư phủ trong khi kéo lưới của họ lên đã vớt được xác chết của những con sư tử và hưu cao cổ của đoàn xiệc này. Trong truyện Đám Tang của Mẹ Cả (Big Mama’s Funeral), tôi đã kể về một chuyến đi không thể xảy ra và không thể tưởng tượng nổi của Đức Giáo Hoàng khi cho Ngài thăm viếng một ngôi làng của xứ Columbia. Tôi nhớ tôi đã mô tả vị Tổng thống ra chào đón Ngài là một người hói đầu và cục mịch, để tránh làm cho ông ta trông giống vị tổng thống đương thời lúc bấy giờ là một người cao và gầy. Mười một năm sau khi truyện ấy được viết ra, Đức Giáo Hoàng đã thật sự đến thăm Columbia và vị Tổng thống đón tiếp Ngài thật sự  là hói đầu và cục mịch, trông y hệt như  nhân vật đã được mô tả trong truyện. Sau khi tôi viết Trăm Năm Cô Đơn, người ta nói rằng một em bé trai ở Barranquilla thật sự có đuôi heo. Bạn chỉ cần mở báo hằng ngày ra để thấy rằng là những chuyện huyền bí, kỳ ảo xảy ra với chúng tôi mỗi ngày. Tôi biết có những người dân bình thường nhất ở đây đã đọc Trăm Năm Đơn một cách cẩn thận và với nhiều thích thú, nhưng không ngạc nhiên chút nào cả, bởi lẽ, tất cả những chuyện được tôi nói tới, thật sự, đều đã xảy ra. Tôi không nói điều gì mà họ đã không từng cảm nghiệm trong chính cuộc sống của họ.


Mendoza:  Vậy thì mọi chuyện ở trong sách của ông đều là dựa trên đời thực hay sao?


Marquez:  Không có một dòng nào trong những tác phẩm của tôi mà không dựa trên thực tại.


Mendoza:  Ông có chắc không? Có nhiều chuyện rất là kỳ quái đã xảy ra trong Trăm Năm Cô Đơn. Chẳng hạn như chuyện cô Remedios Người Đẹp bay lên trời. Chuyện những con bướm vàng cứ chấp chới bay quanh anh chàng Mauricio Babilonia...


Marquez:  Tất cả những chuyện ấy đều dựa trên sự thật...


Mendoza:  Chẳng hạn...


Marquez:  Chẳng hạn, hãy nói về anh chàng Mauricio Babilonia. Khi tôi được khoảng năm tuổi, một ngày nọ có một người thợ điện đến nhà tôi ở Aracataca để đọc đồng hồ điện mà gia đình tôi đã dùng. Tôi nhớ như in chuyện ấy,  giống như là nó mới xảy ra ngày hôm qua,  bởi vì tôi rất thích thú chú ý đến cái dây lưng da mà anh thợ điện dùng để giữ cho mình treo lơ lửng trên những cột điện. Anh ta đến nhà tôi nhiều lần. Có một lần kia tôi thấy bà của tôi tìm cách đuổi một con bướm với cái phất trần. Vừa xua con bướm đi, bà vừa nói, “Cứ mỗi lần cái anh chàng này đến nhà là cái con bướm vàng này lại theo đuổi anh ta.” Đây chính là cái nguồn gốc về câu chuyện Mauricio Babilonia và đàn bướm vàng.


Mendoza:  Thế còn chuyện Remedios Người Đẹp? Điều gì đã làm cho ông nảy sinh cái ý tưởng cho cô ta bay lên trời như thế?


Marquez:  Thật ra thì đầu tiên tôi định cho cô ta biến mất trong khi đang ngồi ở trong nhà thêu áo với Rebecca và Amaranta. Nhưng cái cách này có vẻ cinéma quá, không được. Tôi lại phải tiếp tục cho cô ta lẩn quẩn ở trong truyện. Thế rồi tôi nghĩ là sẽ cho cô ta bay lên trời, cả hồn lẫn xác. Thực tại ở đằng sau chuyện này à? Có một người đàn bà trong xóm tôi có đứa cháu gái bỏ nhà trốn đi vào lúc tinh mơ, bà ta tìm cách giấu sự thực đáng buồn này nên tung tin ra là cô ta đã bay lên trời.
Mendoza:  Ông đã giải thích trong một bài viết là ông đã gặp khó khăn trong việc làm cho Remedios Người Đẹp bay lên, phải không?


Marquez:  Phải, tôi không thể để cho cô ta tự bay lên được. Tôi bối rối, lo sợ vì không có cách nào làm cho cô ta bay lên. Một ngày kia, trong khi tôi đang nát óc vì vấn đề này, tôi đi ra ngoài vườn. Lúc ấy gió mạnh lắm. Một phụ nữ người da đen đẹp đẽ và cao lớn vừa giặt quần áo xong và đang cố gắng căng phơi chúng trên dây thép. Nhưng bà ta không thể làm được điều ấy; gió cứ tiếp tục thổi mạnh, làm cho những cái áo cái chăn cứ bay giạt đi. Tự nhiên óc tôi lóe sáng. “Đúng rồi,” tôi nghĩ. Remedios Người Đẹp cần phải bám vào những chăn màn để bay lên trời. Trong trường hợp này, chăn màn là những yếu tố của thực tại. Khi tôi trở lại ngồi trước máy đánh chữ, Remedios Người Đẹp cứ thế mà bay lên, bay lên mãi mà chẳng gặp khó khăn gì nữa. Ngay cả Thượng Đế cũng không thể giữ cô ta lại được.


.2.


Câu chuyện về García Marquez cũng như những ý kiến trên của ông, về vai trò và nguồn gốc của tưởng tượng trong sáng tạo của nhà văn, làm cho chúng ta nhớ lại những lần ta có dịp đọc những ý kiến của nhiều người khác nhau, trên các trang báo văn học, về vấn đề tưởng tượng và vai trò của nó trong sáng tạo văn chương. Có những người đã đòi hỏi rằng văn chương phải dựa trên sự thật. Rằng văn chương không thể mô tả những gì sai lạc so với sự thật, cho dù người viết được quyền hư cấu câu chuyện của mình. Những đòi hỏi ấy, thoạt nghe, rất chính đáng, vì chúng có gì khác với những điều mà Marquez đã trình bày đâu. Nhưng điều mà chúng ta muốn nói cho rõ ở đây là, khi đặt vấn đề như thế, chúng ta nên nhớ rằng sự thật cũng như thực tại của văn chương không nhất thiết phải là thực tại của đời thường. Hay, đúng hơn, thực tại của văn chương là một thực tại có một đặc chất riêng. Xét về mặt bản thể học, chúng có một đời sống riêng. Thế giới của tiểu thuyết chỉ bắt đầu có một thực tại khi nhà văn hòa nhập cuộc sống tinh thần của mình với nó. Và chính nhà văn là người sáng tạo ra những thực tại trong tiểu thuyết của ông ta. Thực tại văn chương không phải là cái sự thật được bày ra dưới mắt quần chúng, dưới mắt người đời (the whatness), nhưng là sự cảm nhận của nhà văn về cái xảy ra trong ông, cái sống và hiện diện trong ông (the is-ness). F. R. Leavis, một nhà phê bình nổi tiếng của Anh, cho rằng văn chương có đời sống riêng của nó, và cái đời sống ấy “chỉ hiện diện trong phút giây hiện tại nóng hổi và sống động, trong sự đáp trả đầy tính sáng tạo của những con người cầm bút” (2). Chính là trong sự đáp ứng đầy tính sáng tạo và mang nhiều màu sắc của tưởng tượng này mà con người cảm nhận được cái “là” của sự vật, cái thực tại của cuộc đời. Điểm cốt thiết mà Leavis muốn nhấn mạnh ở đây là khoa học, khởi đầu với một thế giới mà chúng ta đang sống trong đó và quan sát nó, khác biệt với nghệ thuật, khởi đầu với một thế giới mà chúng ta xây dựng, chúng ta tưởng tượng ra. Và để lập lại lần nữa, cái thế giới này chỉ bắt đầu nở hoa thực tại khi chúng ta hòa nhập vào làm một với nó, khi chúng ta sáng tạo ra nó.


Chính là với René Descartes, người đã đưa lý trí lên địa vị độc tôn qua câu “Cogito, ergo sum” (Tôi suy nghĩ, bởi vậy tôi hiện hữu) mà con người đã bị đẩy vào một thế giới bị “giải thiêng”. Thế giới, qua đó, bị đối vật hóa, và con người, nó bị tách rời ra khỏi cái thế giới khách quan bao quanh mình. Khi thế giới đã bị đối vật hóa, sự liên kết đầy tính huyền thoại giữa con người và thế giới bao quanh nó, cũng như sức mạnh của tưởng tượng trong việc tạo nên huyền thoại, không còn đất sống. Vì ngôn ngữ của huyền thoại, giống như ngôn ngữ của biểu tượng, biến khuôn mặt của trừu tượng thành một khuôn mặt cụ thể, mang đầy tính con người, mà vẫn không làm mất tính trừu tượng của nó đi, và bởi lẽ sự biến đổi này được thành hình qua sức mạnh của tưởng tượng, sự phân cắt của Descartes đã tách rời tinh thần con người ra khỏi vật chất, hay đúng hơn là đã định nghĩa lại, cho rằng tinh thần chỉ là vật chất, chịu sự chi phối của những quy luật đầy tính luận lý của khoa học. Trong dòng suy nghĩ  ấy, và nhấn mạnh sự quan trọng của lý trí trên tưởng tượng, Samuel Johnson, qua nhân vật Imlac trong tác phẩm Rasselas, đã có những lời hết sức tiêu cực về sự nguy hiểm của tưởng tượng. Nói về “những biến thái của tri thức”, Imlac cho rằng “khi sức mạnh của tưởng tượng được để trên bệ cao hơn sức mạnh của lý trí, con người ta bắt đầu bước vào một mức độ nào đó của sự điên loạn.” Samuel Johnson cảnh giác con người là không nên để cho sức mạnh của tưởng tượng lôi cuốn và không nên để cho tưởng tượng như những con chim “chắp cánh bay xa”.  Đối với Johnson, lý trí phải chế ngự tưởng tượng.


Những suy nghĩ thuần lý của con người phản ánh một thế giới thuần lý của thiên nhiên. Khác với thế giới kỳ bí và đầy nét huyền ảo của tưởng tượng, lý luận mang lại cho con người trật tự và một hệ thống để quan sát, cho con người những giải đáp cho những câu hỏi “cái gì” và “tại sao”.  Tuy nhiên, thế giới của khoa học, của những sự kiện, của luận lý chỉ là một mặt của nhị nguyên tính trong bản chất muôn đời của vũ trụ, của con người. Mặt bên kia là thế giới của tưởng tượng. Thế giới này không đưa ra những giải đáp cho những câu hỏi “cái gì” và “tại sao”, nhưng nó diễn tả “cái là”, cái “chân như” của thực tại. Thực tại như nó thị hiện trong cảm nhận của con người sáng tạo. Thực tại này không gắn bó với những sự kiện mà lại quấn quít với những hình ảnh hư cấu. Và những hình ảnh hư cấu này mô tả hay, đúng hơn, tái hiện lại, sáng tạo trở lại những gì mà nhà văn đã cảm nhận. Đối với một nhà văn, hư cấu chính là ngôn ngữ của ông ta. Nó là tấm gương soi để nhà văn nhìn thấy trở lại cái nhìn, cái sống, cái thấy, cái cảm của mình. Như thế, ngôn ngữ trở thành hóa thân của tưởng tượng. Tất cả những hình tượng ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, biểu tượng, huyền thoại... là những ngôn ngữ của sự tưởng tượng mang đầy nét thơ mộng, và tất cả bi kịch, hài kịch, thi ca... của con người chỉ là những dạng khác nhau của cái ngôn ngữ đó. Tưởng tượng, như thế, mở ra cái cánh cửa của một thế giới khác, trong đó sự thực hay thực tại không thể được kiểm chứng bằng luận lý, nhưng là qua sự cảm nhận. Cũng trong cái nhìn này, ngay từ những ngày xưa, Aristotle đã cho rằng tưởng tượng chính là phương cách giúp cho con người khám phá ra sự thật phổ quát, sự thật chung nhất. Aristotle cho rằng chính thi sĩ, chứ không phải là sử gia, đã thấu đạt được sự thật này vì anh ta là một người làm nên huyền thoại. Sự thật phổ quát và chung nhất, theo Aristotle, là loại sự thật không thể bị cầm nhốt trong những mạch lý luận hay trong những hệ thống mang màu sắc duy lý, và con người cũng không thể trao truyền nó cho nhau bằng sự lý luận. Nó là loại sự thật mà chỉ có tưởng tượng mới khám phá ra được và chỉ có ngôn ngữ của thi ca (một thứ ngôn ngữ thơ mộng) mới có thể diễn tả. Và, trong dòng suy tưởng ấy, tôi muốn nói rằng, chỉ bằng tưởng tượng như một chất ánh sáng, và với một thứ ngôn ngữ thơ như một chất nước mát để vun tưới, bông hoa sự thật ấy mới có thể bừng nở trong tim và trước mắt người.


.3.


Bàn về vai trò của tưởng tượng làm tôi nhớ đến bài nói chuyện về quyển sách “Ngàn Lẻ Một Đêm” trong tập Bảy Đêm (Seven Nights) của Jorge Luis Borges (3). Tập sách này gồm bảy bài thuyết trình của Borges, được trình bày tại Teatro Coliseo ở Á-căn-đình từ tháng Sáu đến tháng Tám,  1977.  Trong bài nói chuyện về quyển Ngàn Lẻ Một Đêm, Borges nói về tính chất đông phương và về định nghĩa của từ này. Ông cũng nói về lý do tại sao lại “lẻ một” mà không chẵn “một ngàn” (Ông cho độc giả biết thêm rằng trong tiếng Anh có một thành ngữ đặc biệt: thay vì nói forever (mãi mãi), người ta thỉnh thoảng nói “forever and a day”. Ông cũng nhắc lại một câu thơ của Heine, viết cho một người nữ: “I will love you eternally and even after.”)


Theo sự tìm hiểu của Borges, những truyện Ngàn Lẻ Một Đêm này đầu tiên được kể tại Ấn Độ; sau đo, chúng bay sang Ba-Tư, rồi sang Tiểu Á; cuối cùng, chúng được viết lại bằng tiếng Ả Rập, để rồi được thu thập vào thế kỷ thứ XV, tại Cairo, Ai Cập, và được hình thành dần để trở thành văn bản mà chúng ta hiện có ngày nay. Tài liệu cho biết rằng có những người chuyên môn đi kể chuyện dạo vào ban đêm tại Ba-Tư ngày xưa, được gọi là các confabulatores nocturni. Và chính các người kể chuyện dạo ấy đã là những tác giả đầu tiên của bộ sách Ngàn Lẻ Một Đêm sau này. Borges cho rằng việc bộ Ngàn Lẻ Một Đêm được dịch sang các ngôn ngữ Âu châu đã là một biến cố lớn của văn học Âu châu, văn học Tây phương. Bộ sách được dịch lần đầu tiên vào năm 1704, ở Pháp. Đó là nước Pháp của giai đoạn Đại Thế Kỷ (Grand Siècle). Đó là thời mà văn học Pháp được định giá bởi Boileau, người mất vào năm 1711 và không bao giờ tưởng tượng được rằng tất cả những lý thuyết và luận giải về văn học của mình lại sẽ bị nguy ngập bởi sự tấn công của một Đông phương huyền hoặc.


Boileau, với những lý thuyết và luận giải cũng như với những cảnh báo và ngăn cấm của mình, như một quan thái sư về văn học, đã cổ vũ sự tôn sùng luận lý. Ông muốn đặt một nền tảng luận lý cho thi ca. Khi bộ sách Ngàn Lẻ Một Đêm lần đầu tiên được dịch ra một ngôn ngữ Tây phương, là tiếng Pháp, bởi nhà Đông phương học Antoine Galland, vào năm 1704, nó đã gây nên một chấn động lớn, như một thứ “xcăng-đan”; nhưng nó cũng làm say mê một nước Pháp đầy duy lý của vua Louis XIV. Borges cho rằng khi chúng ta nghĩ đến trào lưu Lãng Mạn, chúng ta thường nghĩ đến những niên lịch muộn hơn sau này. Nhưng, theo ông, người ta có thể nói rằng trào lưu Lãng Mạn được bắt đầu vào một lúc nào đó khi một người nào đó, ở Normandy hay là ở Paris, đọc bộ Ngàn Lẻ Một Đêm. Ngay lúc ấy anh ta rời bỏ một thế giới được Boileau cai trị và bước vào một thế giới của tự do theo lối Lãng Mạn. Với trào lưu Lãng Mạn, Đông phương đã bước vào ý thức của Âu châu một cách huy hoàng và đường bệ. Byron và Hugo đã là những tên tuổi đi vào ký ức của văn học lãng mạn Âu châu. Và vào khoảng năm 1890, Kipling đã có thể nói rằng: “Một khi bạn đã nghe thấy tiếng gọi của Đông phương, bạn sẽ chẳng còn nghe thấy bất cứ một tiếng gọi nào khác nữa.”


Ngàn Lẻ Một Đêm là những chuyện như thế nào thì chắc chúng ta ai cũng biết. Chúng là những chuyện được tưởng tượng ra để mua vui. Nhưng tưởng tượng như thế nào? Những người kể chuyện dạo trong đêm kia đã tìm ra chúng ở đâu? Chuyện bắt đầu với một ông vua cay đắng vì sự phản bội của hoàng hậu, ông chém đầu vợ, và trong ý muốn không để cho mình bị lừa dối một lần nữa, nhà vua quyết định mỗi đêm lấy một người vợ và chém đầu người vợ ấy ngay sáng tinh mơ hôm sau. Cho đến khi nàng Scheherazade, tự hứa là phải cứu lấy những người đàn bà vô tội, xin được tiến vào cung để làm hoàng hậu một đêm. Và nàng đã sống sót bằng cách mỗi đêm lại kể cho nhà vua nghe một câu chuyện mà kết thúc của chúng không bao giờ chấm dứt vào đêm hôm được kể. Chuyện này nối tiếp chuyện kia, chuyện kia lồng vào chuyện khác, và những câu chuyện cứ theo nhau mà kéo dài mãi. Kết quả là nhà vua say đắm, lấy nàng và từ bỏ lệnh truyền độc ác của mình đi.


Một người đàn ông, hay một người đàn bà, đau khổ vì sự không chung thủy của người mình yêu. Đó là một thực tại hết sức bình thường trong cuộc sống. Nhưng từ cội rễ đó, bao nhiêu chuyện huyền hoặc và kỳ bí đã được kể ra. Những câu chuyện này, có lẽ trước hết cũng đã là những chuyện ngụ ngôn cũng như những câu chuyện của Aesop. Nhưng cái làm cho say mê bao nhiêu con người khi nghe hay đọc những câu chuyện ấy—dù là của Aesop hay của những người kể chuyện dạo ban đêm ở kinh đô xứ Ba Tư—không nằm nơi tính chất luân lý của những câu chuyện ngụ ngôn đó. Cái làm cho Aesop hay những confabulatores nocturni ấy trở nên những người có sức lôi cuốn đặc biệt là, trong những câu chuyện mà họ tưởng tượng ra, các con vật cũng để lộ ra cái đời sống đầy những bi và hài kịch như những con người bé nhỏ và tầm thường trong cuộc đời này. Chúng cũng nói chuyện, con sói nói chuyện với con cừu, con trâu với con lừa, con sư tử với con chim sơn ca..., và trong những câu chuyện ấy, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng của những con người. Chúng ta thấy đi lại, nói cười, khóc lóc, đau khổ, hạnh phúc trong những câu chuyện trong Ngàn Lẻ Một Đêm ấy, trước hết, là những con người mang tính cách nguyên mẫu, tính cách bản gốc, nhưng chúng ta cũng thấy được những con người mang đầy nét cá nhân, đặc thù và sáng tạo. Hẳn là những người kể chuyện ấy đã lần mò, chắp nối được những sợi chỉ muôn màu của thực tại vào trong cái guồng quay tơ của tưởng tượng mình để đêm đêm nó cứ quay đều quay đều mãi. Và thực tại hiện ra trong những câu chuyện mà họ kể đã trở nên một thứ thực tại mới mà con người chỉ có thể nắm bắt và trao gửi cho nhau bằng một thứ ngôn ngữ thơ mộng của sự tưởng tượng. Thật sự, những câu chuyện ấy cũng bắt nguồn từ thực tại của đời sống. Nhưng bây giờ, cái thực tại ấy có một bản chất khác. Nó không còn là một thực tại khách quan, nhưng đã trở thành một thực tại hòa chung với những cảm nhận, những ước mơ của con người. Để nói lại một lần nữa, thực tại trong văn chương cũng giống như một giấc mơ. Nó bắt nguồn từ đời sống, nhưng người ta không thể lắp ráp nó cho trùng khít với cuộc đời. Và cũng chính là ở đặc điểm này mà nó cuốn hút chúng ta. Nó là một thực tại mà con người vừa có thể mơ ước tới, lại vừa có thể cảm nhận trong cuộc sống giữa đời khi chúng ta giáp mặt và tiếp cận nó với tấm khăn voan mỏng của tưởng tượng.


Chúng ta đã nói rằng thực tại trong văn chương cũng giống như một giấc mơ. Và những giấc mơ  cũng là một đề tài lý thú và hay được sử dụng trong những câu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm. Chẳng hạn, câu chuyện về hai người nằm mơ. Một người ở Cairo mơ thấy được một vị thần chỉ cho ông ta đi về Isfahan ở Ba-Tư, nơi đó một kho tàng đang nằm chờ đợi ông. Ông bèn lên đường; và sau một cuộc hành trình dài đầy khó khăn gian khổ, ông đến được Isfahan. Lả người ra, ông nằm vật người dưới mái hiên của một ngôi đền để nghỉ ngơi. Ông không ngờ rằng ông đã nằm giữa đám trộm cướp. Và rồi cả nhóm đều bị bắt. Sau khi biết rõ là ông không thuộc vào tập thể những kẻ cướp kia, quan đầu tỉnh hỏi ông đến thành phố Isfahan để làm gì. Người đàn ông bèn kể lại giấc mơ của mình. Quan đầu tỉnh phá lên cười và nói với ông ta rằng: “Anh thật là một con người khờ dại và cả tin. Đã ba lần ta nằm mơ thấy một ngôi nhà ở Cairo, trong đó có một ngôi vườn, và trong ngôi vườn có một cái đồng hồ mặt trời, kế đó là một giếng nước và một cây vả, và dưới cái giếng nước ấy có một kho tàng. Thế nhưng chẳng bao giờ ta để ý một chút đến giấc mơ lếu láo ấy. Thôi, anh đừng bao giờ trở lại đây nữa. Hãy trở về quê quán của anh và làm ăn chăm chỉ.” Người đàn ông nghe lời, trở về Cairo. Đến nhà, ông nhận ra là ngôi nhà của mình đúng là ngôi nhà mà vị quan đầu tỉnh ở Isfahan đã mô tả. Ông đào, tìm ở dưới lòng giếng. Và thấy được kho tàng.


Câu chuyện này làm cho tôi nhớ lại truyện “Tiêu Lộc” trong Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử. Nguyễn Du, trong Nam Trung Tạp Ngâm, bài “Tặng Nhân”, cũng có nhắc đến giấc mơ “lấy lá chuối bọc hươu này”. Chuyện kể một người nước Trịnh ra đồng kiếm củi, thấy một con hươu lạc, đón đánh chết được. Sau đó, anh sợ người ngoài trông thấy nên giấu xác hươu vào một cái hào cạn, lấy lá chuối phủ lên. Thế rồi, bất chợt, anh ta quên bẵng ngay chỗ giấu con hươu, bèn cho là mình nằm mơ. Gánh củi về, trên đường đi, anh ta thở than một mình và cứ lẩm bẩm mãi về câu chuyện ấy. Có người đi cạnh nghe được, cứ thế mà truy tìm ra chỗ giấu hươu. Anh ta mang hươu về khoe vợ, và nói: “Lúc nãy có anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không nhớ giấu ở chỗ nào. Giờ ta tìm được thì anh kia đúng là mộng thực.” Người vợ nói: “Hay là chính anh đã mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu, chứ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh bắt được hươu thì có lẽ là anh mộng gặp người kiếm củi thật chăng.” Người chồng nói: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu. Cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa.”


Anh kiếm củi về nhà cứ vẫn tấm tức. Đêm ấy nằm mộng thấy chỗ giấu hươu và cả người đến lấy hươu. Sáng ra, anh cứ theo mộng mà tìm lại được người lấy hươu, và đem kiện lên quan sĩ sư. Quan xử: “Anh bắt được hươu, lại hoảng lên cho là mộng; sau, mộng tìm thấy hươu, lại hoảng lên cho là thực. Còn anh kia thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người chứ không có ai bắt được hươu thật. Bây giờ có con hươu đây, thì mỗi bên lấy một nửa.”


Cái án ấy được tâu lên vua nước Trịnh. Vua nói: “Ta ngờ rằng quan sĩ sư cũng thấy mình nằm mê mà cắt con hươu ra làm hai.” Rồi cho đòi quan tướng quốc đến. Quan tướng quốc nói: “Mộng với lại chẳng mộng, tôi không làm sao mà phân biện được. Muốn phân biện mộng hay thực thì chỉ có ông Hoàng Đế hay ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ hai vị ấy đã mất cả rồi thì còn ai mà phân biện được. Thôi, ta cứ làm theo lời ông sĩ sư là xong.”


Hai câu chuyện vừa kể, đều phát xuất từ Đông phương huyền hoặc, chưa cần xét đến tính cách ngụ ngôn hay triết lý sâu xa của chúng, ta cũng thấy ngay được những sợi dây nối kết chúng với thực tại. Trên một khía cạnh nào đó, chúng được nối kết với thực tại theo kiểu câu chuyện “Tái ông thất mã”. Một cách đơn sơ nhất, những kinh nghiệm trong đời thường có thể được đan quyện và biến hóa với một chút tưởng tượng để trở thành những thực tại mới. Những thực tại mới này, ở những dạng thô sơ nhất, có thể còn gần gũi với những thực tại trong đời. Ta còn dễ dàng lần ra sợi dây nối kết chúng với hiện thực. Nhưng văn chương, như một ống kính vạn hoa, luôn luôn biến hóa để cống hiến cho con người những thực tại kỳ diệu, những hiện thực huyền ảo nhất. Chúng được hình thành từ những giấc mơ sâu thẳm nhất của con người, và, như là những đóa hoa, chúng có thể mọc lên từ những nơi chốn tối khuất nhất của tâm hồn mỗi một chúng ta. Miễn là ở những nơi chốn đó, ánh sáng của tưởng tượng—chứ không phải của luận lý—vẫn có thể chiếu rọi tới. Và, nói như Fénelon, “Về những sự vận hành, hoạt động của tâm hồn, lý trí là yếu tố ít có mặt nhất.”



.4.


Ở một mức độ nào đó, tất cả những mảnh vải, mảnh lụa mà con người đan dệt nên bằng những chữ viết của mình, ít nhiều tùy theo bản chất của chúng, đều có pha trộn ngay trong bản thân chúng những sợi tơ của tưởng tượng. Viết, trên và trước, là một hoạt động cần đến trí tưởng tượng. Viết là rút ra từ trong ký ức của mình những hình ảnh, những câu chuyện, những biểu tượng... và sắp xếp chúng lại với nhau theo một trật tự nào đó. Công việc này không chỉ giản dị như việc các em bé cầm lấy những món đồ chơi trong hộp hay trong bị và bày biện chúng ra trước mặt. Cho dù, trong một cách nói nào đó đầy nét biểu tượng và so sánh, người ta có thể ví von công việc sáng tạo đầy tính thiên tài của một vài nhà văn nổi tiếng như thế. Thật sự, hành động viết đòi hỏi con người nỗ lực hơn thế nhiều lần.


Chúng ta đã từng nghe nhiều nhà văn nổi tiếng phát biểu về nỗi sợ hãi của mình trước trang giấy trắng như thế nào. Làm sao để có thể bắt đầu được dòng chữ đầu tiên. Làm sao để bắt được đầu mối của một câu chuyện. Nhiều người trong chúng ta đã từng có kinh nghiệm phải xé biết bao nhiêu trang giấy trước khi có thể viết được một câu đầu tiên mà chúng ta cảm thấy đúng cho một bài viết của mình. Chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc chúng ta bắt đầu ngồi xuống trước trang giấy trắng—hay là còn trước thời điểm đó nhiều nữa—và lúc chúng ta bắt đầu viết được một câu vừa ý để khởi đầu cho một bài viết? Chúng ta phải suy nghĩ, nhiều khi phải đi vào trong những ngõ ngách cũ kỹ và tối tăm của tâm hồn mình để tìm kiếm lại những hình ảnh, những cảm xúc xa xưa; chúng ta phải sống trở lại những ngày nắng và những chiều mưa trong quá khứ, phải sống lại những mộng tưởng và những thiết tha, những hạnh phúc và những đau đớn cũ... Tất cả những điều ấy nhiều khi đã được vùi lấp trong những vùng đặc kín sương mù của biết bao tháng năm chồng chất.


Công việc đi ngược thời gian và đi vào trong chính mình như thế cũng có thể là đối tượng tìm hiểu của tâm lý miền sâu (depth psychology), của những hoạt động tiềm thức, vô thức. Biên giới của nó với sự tưởng tượng, có những lúc, không thể phân biệt được. Ngày xưa, đã có thời người ta cho nhà thơ, nhà văn, kẻ sáng tạo, là những người điên, hay những con người bị quỷ ám. Vì những điều họ nói hay viết ra, phần lớn, là những điều mà con người sống trong đời thường không thể kiểm chứng được. Chúng không thể chồng khít với thực tại. Vì chúng, như Aristotle đã nói, là “những lời nói dối”. “Những lời nói dối” tuyệt diệu, phải nói như thế cho đúng tinh thần câu nói của Aristotle. Vì chính Aristotle đã đánh giá rất cao vai trò của nhà thơ, người sáng tạo, kẻ, theo ông, “có một nghệ thuật nói dối tuyệt diệu và tài tình” (Thi Học/Poetics, XXIV). Ông đặt vị trí của nhà thơ cao hơn vị trí của sử gia vì, theo Aristotle,  sử gia chỉ là những người đi tìm sự thật qua những biến cố cá biệt và ngẫu nhiên; trong khi nhà thơ là những con người phát hiện ra được những sự thật phổ quát và có giá trị sâu sắc. Sự thật này nằm trong cái khả thể chứ không nằm trong cái hiện diện trước mặt hoặc đã xảy ra. Không như Plato đòi đuổi nhà thơ, con người sáng tạo, ra khỏi vương quốc của mình sau khi đã lịch sự “choàng vào cổ họ một vòng hoa”, vì ông cho rằng nhà thơ chỉ là kẻ phản ánh sai chân lý, vỗ về dục vọng và làm cho con người trở nên yếu đuối, Aristotle ca ngợi họ và cho rằng thơ ca, sáng vật của nhà thơ, kẻ sáng tạo, có thể thanh tẩy cảm xúc của con người và làm cho con người trở nên tốt hơn.


Trở lại với hành động viết. Nó hầu như luôn đòi hỏi sự tưởng tượng, cho dù chúng ta viết bất cứ điều gì. Nguyễn Hiến Lê trong phần “Lời Nói Đầu” cho bộ Hồi Ký của mình, cũng, trong một cung cách nào đó, ngầm công nhận điều ấy. Ông xin lỗi độc giả vì biết rằng trong bộ hồi ký của mình, có những chỗ, vì lý do này hay lý do kia, ông không thể hoàn toàn chính xác được. Ông cho rằng những tập hồi ký nổi tiếng nhất và được coi là gần với sự thật nhất, như tập Confessions của J.J. Rousseau hay tập Autobiography của Bertrand Russel thì cũng như vậy mà thôi... Ông viết, “Tôi đã ghi tình cảm, suy tư của tôi lúc này về một số sự việc xảy ra trong đời tôi mà tôi đã được nghe hoặc thấy. Có nhiều chỗ tôi đã vô tình chép sai sự thật, hoặc bỏ sót, điều đó không sao tránh được. Lỗi ở kí tính con người: nó bị tình cảm sai khiến; lại thêm ở tuổi bảy mươi như tôi, nó suy giảm nhiều rồi.” Thể loại hồi ký mà cũng phải chịu sự chi phối của tình cảm như vậy thì chúng ta nghĩ sao về những thể loại khác? Nói thế không có nghĩa là cho rằng Nguyễn Hiến Lê, và những người như J. J. Rousseau hay Bertrand Russel, đã không viết thật trong hồi ký của mình. Tôi trình bày điều đó ở đây chỉ để muốn nói rằng, Nguyễn Hiến Lê, trong cảm nghiệm về cuộc sống của chính mình, đã rất chân thật và đã cho chúng ta thấy ông đã hiểu rất rõ vai trò của ký tính là như thế nào. Nó chỉ là một bộ nhớ, và khi ký ức dẫn chúng ta đi quá sâu vào những vùng mà các dữ kiện đã bị mất dấu hoặc bị xóa bỏ, con người ta sẽ bắt gặp những lỗ hổng trên con đường trở về của mình. Nhưng tình cảm của chính con người sẽ làm công việc lấp bằng những lỗ hổng đó. Cái tình cảm ấy có thể được pha trộn với một số tưởng tượng có điều kiện, có nghĩa là những tưởng tượng này có gốc rễ từ những hoàn cảnh, biến cố nào đó trong cuộc sống của mỗi một con người, mà nếu không phải là một nhà phân tâm học, hay ngay cả khi chính mình là một nhà phân tâm, con người cũng chưa chắc biết được những điều kiện tạo nên những-hình-ảnh-không-thật kia đã xuất phát từ đâu. Tưởng tượng, như thế, có thể là một cơ chế tự nhiên giúp cho con người nối kết những mảnh rời, những khoảng cách thiếu cầu nối trong ký ức họ. Nó là một cơ chế đã được “gài” sẵn trong sự sống của con người.


Trong quyển Bay Đêm (Vol de Nuit) và, nhất là, sau đó với quyển Cõi Người Ta (Terre des Hommes ), Saint-Exupéry đã viết về kinh nghiệm sống trong vai trò là một phi công đưa thư thời thập niên 20, lúc phi cơ vẫn còn là một “khí cụ” khá xa lạ với con người.


Giữa lòng một vài đêm thâu lục nhạt, tôi đã nhìn những tia lửa băng trời thành một đường rẽ vút như một làn gió dài dàn rộng giữa muôn sao (...)


Trước nhãn quan mình, tôi luôn luôn nhìn thấy lại chuyến bay đêm lần đầu tại Argentine, một đêm tăm tối, nhìn xuống bình nguyên, chỉ thấy một vài ánh sáng cô đơn lấp lánh thưa thớt như những vì sao.
Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo biểu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này, người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dọ dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số, tính toán mãi về tinh vân Andromede. Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất, của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc... Nhưng giữa đám sao rào rạt sống động kia, còn biết bao cánh cửa kín bưng, biết bao tinh cầu tắt lịm, biết bao con người ngủ say.


Phải gắng làm sao tiếp ứng nhau.


Phải gắng thử tương giao với một vài đốm lửa đang thưa thớt cháy trong cánh đồng bình lặng dưới kia. (...) (4)


Quyển Vol de Nuit của Saint-Ex. được giải Prix Fémina năm 1931. Quyển Terre des Hommes, sau đó, càng nổi tiếng hơn nữa. Nó được khắp thế giới biết tiếng và được yêu mến bởi bao nhiêu triệu độc giả. Saint-Exupéry trong cuốn sách này, cũng như trước đó trong Vol de Nuit, đã tả về kinh nghiệm thực trong nghề nghiệp của mình. Những chuyến bay đưa thư trong những cơn dông bão trên biển cả. Những lần lạc mất trong không gian tối thẳm của đêm, chỉ nhìn thấy xa xăm vời vợi trong vũng tối bao la của không gian trước mặt một ánh tinh cầu le lói. Những lần rớt máy bay trong sa mạc hoang vu... Tất cả đã là những kinh nghiệm thật. Nhưng cách viết của Saint-Ex., cách kể lại những kinh nghiệm thật chen lẫn với những mẩu chuyện đời, những suy tư đầy tính triết học về cõi con người, đã làm cho tác phẩm của ông trở nên đặc biệt. Theo lời giới thiệu của Ban chủ biên tủ sách Time-Life Books, trong bản dịch tác phẩm này sang tiếng Anh của Lewis Galantière dưới nhan đề Gió, Cát và Sao Đêm (Wind, Sand and Stars, theo tựa đề cũ tiếng Pháp cho tác phẩm này của chính Saint-Ex. là Du Vent, Des Sables, et Des Étoiles), tác phẩm này đã làm bối rối cho ngay cả những nhà chuyên môn. Họ yêu thích nó, nhưng không biết phải xếp nó vào thể loại nào. Ba tháng sau khi được xuất bản, nó được Hàn Lâm Viện Pháp trao giải Grand Prix du Roman (Giải Thưởng Lớn cho Tiểu Thuyết). Họ cho đó là tiểu thuyết hay nhất của năm 1939. Những nhà xuất bản Mỹ, về phần họ, đã chọn Wind, Sand and Stars là “the best non-fiction book of the year” (tác phẩm phi-hư-cấu hay nhất trong năm).


Fiction, theo tự điển Oxford, và cũng là theo cách chúng ta vẫn thường hiểu, là “những gì được sáng tạo ra hay được tưởng tượng ra, trái với sự thật. Xét về mặt văn chương, nó liên hệ đến những thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, những tác phẩm tình cảm lãng mạn...” Kinh nghiệm thật sau khi viết ra được coi là tưởng tượng, sáng tạo! Đó là kinh nghiệm của một nhà văn nổi tiếng của nước Pháp và là một nhà văn được cả thế giới yêu mến. Như thế, Hàn Lâm Viện Pháp, một cách mặc nhiên, đã xác nhận vai trò của tưởng tượng trong một tác phẩm văn chương, cho dù là nó đã được viết ra gần như trong dạng tự thuật, hồi ký.


Susan Sontag, trong quyển Tôi, v.v... và v.v... (I, etcetera) (5), đã trình bày con người mình trong những góc cạnh khác nhau, bằng những chất giọng khác nhau, khi thì nghịch ngợm, lúc lại trầm ngâm, khi thì thương cảm, lúc lại khôi hài, có lúc lại đầy chất trữ tình tha thiết. Qua tất cả những góc độ nhìn ngắm và bằng tất cả những chất giọng pha trộn ấy, qua tám truyện ngắn của tập truyện ngắn đầu tay này, bà đã cho chúng ta thấy được một con người tác giả đầy màu sắc trong nhiều chiều kích khác nhau. Con người tác giả này với Susan Sontag ở ngoài đời có thể chập vào nhau được không, có thể lắp ráp trùng khít vào nhau hay không, chuyện đó là thuộc về nhiệm vụ của người đọc—nếu họ muốn trả lời những câu hỏi trên. Trong nhận xét của tôi, Tôi,  v.v... và v.v... của Susan Sontag chứa đầy sự thật mà cũng đựng đầy hư cấu. Thì tôi vẫn là tôi đấy , nhưng tôi cũng lại còn là một người khác nữa. Chính vì thế mà Borges đã viết Borges và Tôi (Borges and I), một tiểu luận thật ngắn và thật độc đáo mà tôi sẽ thử dịch ở đây. Tiểu luận này lại càng làm cho Borges nổi tiếng, và biến ông trở thành một huyền thoại:


Tất cả mọi chuyện là đã xảy đến cho một kẻ khác kia, cho Borges, chứ không phải là xảy đến cho tôi. Về phần tôi, tôi bước đi thong dong trên đường phố Buenos Aires, và, có những lúc, tôi ngừng lại, gần như một cách máy móc, để ngắm nhìn cái mái vòm cong khum khum của lối vào một ngôi nhà thờ kiểu cổ. Tin tức về Borges đến với tôi qua các thư từ mà tôi nhận được, và tôi có thấy tên hắn ta trong một danh sách ngắn của ban giáo sư đại học hay trong một quyển tự điển các tác giả. Tôi thì tôi mê các đồng hồ cát, những tấm bản đồ đủ loại, những kiểu in ấn thuở xưa thời thế kỷ thứ mười tám, tìm hiểu từ nguyên của các từ, thưởng thức mùi vị cà-phê, và văn xuôi của Stevenson; kẻ kia hắn cũng chia sẻ những sở thích của tôi, nhưng với một cung cách khá phô trương và có vẻ đầy kịch tính. Dù sao, cũng là một sự quá đáng nếu gọi liên hệ của chúng tôi mang tính thù nghịch. Tôi sống, tôi chấp nhận tiếp tục sống để Borges có thể chải chuốt, thêu dệt văn chương của hắn ta; và cái văn chương này lại xác định, biện minh cho chính con người tôi, cho chính sự hiện hữu tôi. Tôi cũng không thấy phiền hà hay ngại ngùng gì để thú nhận rằng kẻ kia, Borges, hắn cũng có cố gắng để viết được dăm ba trang xứng đáng, ra hồn, nhưng những trang sách này cũng chẳng cứu vớt được tôi, có lẽ vì những áng văn hay thì chẳng thuộc về một ai cả, ngay cả thuộc về kẻ kia, có lẽ chúng thuộc về chính ngôn ngữ, thuộc về truyền thống. Ngoài việc đó ra, định mệnh tôi đã được ghi dấu; tôi đã được định trước là sẽ phải đi vào lãng quên, lụi tàn dần, và, cuối cùng,  cái tôi còn lại có chăng chẳng có gì hơn là một vài tia lửa hiện sinh nơi tôi bật cháy lấp lóe trong tác phẩm của kẻ kia. Từng chút, từng chút một, tôi trao gửi, giao nạp tất cả cho hắn, cho dù là tôi thừa biết cái thói xấu hay xuyên tạc lấm lem và hay cường điệu quá quắt của hắn. Spinoza đã hiểu rằng tất cả mọi sự đều muốn được tiếp tục mãi mãi trong chính bản thể của nó: Một hòn đá muốn là một hòn đá, muôn đời như thế, và một con hổ muốn là một con hổ, mãi mãi. Và tôi, tôi phải tiếp tục sống trong Borges, chứ chẳng phải trong tôi (nếu tôi có là một người nào đó đi chăng nữa). Nhưng tôi rất ít khi nhận ra mặt mày chân tướng mình, bản lai diện mục mình, trong những quyển sách hắn viết hơn là trong những quyển sách của những tác giả khác, hoặc là không bằng trong cái cách khảy đàn rất vụng của tôi. Nhiều năm trước đây tôi đã thử tìm cách cắt rời tôi ra khỏi hắn trong việc đào bới những huyền thoại về đời sống trong các khu nhà nghèo khó ở vùng ngoại ô, cũng như là trong việc đâm đầu vào những trò chơi với thời gian và vĩnh cửu; nhưng những trò chơi này bây giờ là của Borges, hắn cũng khoái chúng, và tôi sẽ phải tìm ra một trò khác. Và thế là đời tôi cứ chảy mòn, cạn kiệt dần, và tôi mất tất cả mọi sự, và tất cả đi vào quên lãng, hay tất cả là để phó mặc cho kẻ khác kia.


Tôi không thể nói được rằng ai trong chúng tôi đã viết ra những dòng chữ này. (6)


.5.


Nhưng tất cả những điều được xem là tưởng tượng, hư cấu kia, có những khi, lại dẫn người ta trở về tìm lại những thực tại được phơi bày hoặc chôn giấu trong đời thường. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của văn chương thế giới làm tôi vô cùng yêu thích là quyển Cầu Trên Sông Drina (Na Drini Cuprija), giải Nobel văn chương năm 1961. Nguyễn Hiến Lê đã dịch quyển sách này rất hay (7). Tác giả Ivo Andric gọi tác phẩm này là một biên niên sử. Thật vậy, cuốn sách kể lại lịch sử trên dưới ba trăm năm chục năm của Nam Tư (Yugoslavia). Bao nhiêu là thế hệ đã trôi qua. Chiến tranh, lửa khói, lụt lội, tai ương, tang tóc cũng như bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và nước mắt của biết bao con người trong cuộc sống giữa đời đã trôi xuôi theo dòng nước dưới gầm cầu. Màu thời gian lững lờ in bóng trên mấy trăm trang sách. Đây là một cuốn biên niên sử, nhưng đây cũng là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời. Sân khấu của nó quá rộng, những diễn viên, nhân vật quá nhiều, và thời gian của cuốn sách cứ cuồn cuộn trôi qua như những cuộc đời cứ nối tiếp nhau không bao giờ cùng tận. Từ những ngày đọc xong quyển sách này ở Sàigòn vào năm đầu đại học, tôi đã bồi hồi sống với cuộc đời của những con người tưởng là xa lạ nhưng lại hết sức gần gũi ấy. Những con người bằng xương bằng thịt, sống và thở và khổ đau và hạnh phúc và cười khóc giữa đời. Tôi nhìn ra cái dòng thời gian lững lờ trôi chảy trên mấy trăm trang sách, và tôi đã thật buồn khi đọc đến những dòng cuối. Tôi không muốn câu chuyện của hơn ba trăm năm lịch sử đó chấm dứt vì, đối với tôi, nó không chỉ kể lại câu chuyện của lịch sử Nam Tư. Nó kể lại câu chuyện của đất nước và con người. Ở mọi thời và mọi nơi.


Ivo Andric là một nhà văn có tài. Ông cũng là một sử gia sâu sắc. Trước khi là một nhà ngoại giao, ông đã trình ở đại học Gratz một luận án tiến sĩ về đời sống tinh thần của người dân ở Bosnia-Herzégovina dưới thời bị Thổ-nhĩ-kỳ thống trị. Là một nhà văn, đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn, một nhà tâm lý với một cái nhìn thật sắc cạnh, trong tác phẩm này, Ivo Andric đã trình bày chi li những khuất khúc của tâm hồn những người dân ở đây, ở Visegrad: những người Thổ và Slave theo Hồi giáo, người Serbian theo Chính thống giáo, người Croatian theo Công giáo, những thày dòng thuộc tu hội thánh François d’Assise , những người Do thái, những sĩ quan Áo, những bọn hảo hán lục lâm... cùng những tục lệ cổ và những huyền thoại, những truyền thuyết gắn bó lấy cuộc đời họ, những trận chiến, những nguyện ước,  và những mối căm thù tàn bạo, những đam mê kinh khủng của họ. Tất cả đều quấn quyện lấy nhau và có những liên hệ mật thiết với chiếc cầu đá mười một nhịp, với chiếc vòm khum khum mở rộng. Từ chiếc cầu đó, cả một thung lũng gợn sóng tỏa ra thành hình quạt với những xóm làng cheo leo trên sườn đồi, những thung lũng mơn mởn ruộng nương, đồng cỏ, vườn mận, và lác đác đó đây là những khu rừng nhỏ cùng những bụi cây bách... Đời sống người dân và lịch sử thu gọn của dân tộc Nam Tư nổi trôi theo dòng nước mà tháng năm cuốn đi dưới lòng cầu. Tờ The Daily Telegraph đã cho rằng “Cầu Trên Sông Drina là một tác phẩm lịch sử tiểu thuyết đứng đầu trong thể loại này, là một kết hợp tuyệt vời và lôi cuốn giữa thực tại và truyền thuyết... phóng chiếu và phản ánh cả một giai đoạn lịch sử với một kỹ thuật kể chuyện tuyệt luân.” J. B. Priestley thì lại cho rằng đây là “một tác phẩm đầy sức sống và sự tưởng tượng chi li, đòi hỏi một sự theo dõi cẩn trọng và một cung cách đọc thảnh thơi, thư giãn, hạnh phúc... Điều mà chúng ta có được ở đây khó có thể nói cho chắc là một tiểu thuyết, nhưng nó thuộc về một thể loại kịch-trường ca dân tộc đầy nét bi tráng, được thể hiện bằng văn xuôi”.


Ivo Andric đã kết hợp nhuần nhuyễn khả năng nắm bắt hiện thực lịch sử của ông, như một sử gia, với trí tưởng tượng phong phú, linh động và sắc nét của một nhà văn, để vẽ lại bức tranh lịch sử hoành tráng này. Cuốn sách là một tiểu thuyết lịch sử, có nghĩa là lịch sử đã được tiểu thuyết hóa. Và nó đã làm cho tôi cứ bị băn khoăn, ám ảnh mãi. Tôi cứ muốn tìm biết thêm về khung cảnh làng mạc, đất nước Nam Tư nói chung và Bosnia-Herzégovina nói riêng. Tôi muốn tìm biết thêm về cuộc sống tinh thần cũng như vật lý của những người dân ở đấy. Bởi thế, chính vì không muốn chấm dứt quyển Cầu Trên Sông Drina, khi sang đến Mỹ, có dịp tìm tòi trong các tiệm sách cũ và các thư viện, tôi đã tìm được quyển Chuyện Cũ Bosnia (8) cũng của Ivo Andric. Nằm trong bộ trilogy (ba quyển, trong đó có cả quyển Cầu Trên Sông Drina) viết về quê hương Bosnia của Ivo Andric, về lịch sử, đất nước và con người Nam Tư, tác phẩm này còn dài hơn là quyển Cầu Trên Sông Drina nữa. Nó là tác phẩm dài hơi và vĩ đại nhất của nhà văn nổi tiếng người Nam Tư này. Cũng được đặt trong khung cảnh của xứ Bosnia, cuốn sách trình bày cuộc sống của cư dân ở một làng quê tỉnh Travnik, nơi Ivo Andric được sinh ra, trong khoảng thời gian từ năm 1807 đến năm 1814, khi Napoleon đã bị thảm bại và sự tái lập nền Dân Chủ Pháp đã khiến cho tòa lãnh sự Pháp ở Bosnia phải đóng cửa. Ivo Andric, trong quyển sách này, đã vực dậy đời sống của bao nhiêu tầng lớp người trong cái cộng đồng dân quê của một xứ sở còn rất nghèo nàn và lạc hậu gần như man rợ ấy, kể cả đời sống của một vị lãnh sự Pháp, hai vị lãnh sự Áo, và ba vị tể tướng Thổ. Ông đưa ra trước mắt người đọc một tài liệu thật sống thực và lôi cuốn về những sinh hoạt hằng ngày cũng như đời sống tinh thần của bao nhiêu con người, trong những vị trí và hoàn cảnh cá nhân của họ, mà vẫn không bị lạc mất cái bối cảnh lớn là những âm mưu chính trị và những sức mạnh vô hình vẫn đang âm thầm họat động và chi phối cuộc sống của tất cả những con người đang nằm trong cơn lốc của chúng. Tác giả cũng cho ta thấy rõ cuộc sống cô đơn trong cảnh bị cô lập của những người ngoại quốc khi sống giữa một nền văn hóa xa lạ, trong một bầu không khí nặng nề u uất, qua đó, cho người đọc nhận chân được những phẩm chất cao quý của con người nói chung. Những phẩm chất này được thể hiện rõ khi con người bị đẩy vào thế phải đối mặt với nỗi buồn sầu tưởng là không thể nào chịu đựng nổi của cuộc sống và sự kiên trì đầy tính cao cả của nó trong việc chấp nhận để tiếp tục giữ mình trong cuộc.


Cuốn sách làm sống dậy trong tôi cái khung cảnh xa lạ mà lại rất quen thuộc thân thương của con người và lịch sử Nam Tư. Nó làm tôi có cảm tưởng là mình đang sống với những con người nghèo nàn cùng khổ của chính quê hương mình. Nó làm tôi chia sẻ những bồi hồi lo lắng hoang mang sợ sệt nhưng cũng có những lúc hạnh phúc sung sướng của những người dân Bosnia kia, những con người cũng đã chịu những nỗi dày vò đau đớn của bao thảm cảnh loạn lạc ly tán giống như những người dân nghèo khổ của đất nước tôi. Rồi tôi thấy mình càng ngày càng tìm sâu vào đời sống vật lý cũng như tinh thần của người dân Nam Tư qua đủ loại sách báo. Có lần tôi mua được một quyển sách xuất bản năm 1934 của Louis Adamic, mang tựa đề Cuộc Trở Về Của Đứa Con Hoang (The Native’s Return / An American Immigrant Visits Yugoslavia and Discovers His Own Country) (9). Cuốn sách với bản khắc gỗ ngoài bìa và những phụ bản là nhiều bức hình chụp đen trắng cũ kỹ của sáu, bảy chục năm về trước, cho thấy khung cảnh đất nước, làng mạc, thành phố, chợ búa, và con người Nam Tư trong quần áo hằng ngày cũng như trong những trang phục mà họ mặc trong các dịp lễ hội, làm cho tôi thật thích. Tác giả là một người gốc Nam Tư,  được cha mẹ đưa sang Mỹ di cư từ nhỏ nên đã sống và suy nghĩ như một người Mỹ. Lớn lên, trở thành một ký giả danh tiếng, tình cờ trở về quê hương, ông đã được người quê hương nhận biết và chào đón hằng ngày—trong ba bốn hôm liên tiếp trước khi ông đặt chân trở lại đất quê nhà—trên báo chí địa phương khi chiếc thuyền chở ông về nơi chôn nhau cắt rốn còn đang lênh đênh trên biển cả. Ông đã trở về và, với cặp mắt của một người ngoại quốc nhưng với một trái tim của một con người quê hương, ông đã học hỏi lại những phong tục tập quán của đồng bào mình cũng như đã tìm hiểu để thích thú khi thấy được ý nghĩa của các truyền thuyết cùng những huyền thoại đã nuôi lớn con người và đất nước ông. Cuốn sách được viết như một tự sự hồi ký nhưng lại có giá trị của một nghiên cứu nhân chủng, xã hội, tâm lý sâu sắc đầy sức lôi cuốn. Nó làm tôi say mê.


Tám năm trước, vào một mùa hè, từ một cuốn sách của Ivo Andric mà tôi đã được xem thời bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa đại học—một cuốn sách như một bông hoa kỳ bí nở ra trong một khung cảnh loạn lạc, máu lửa chen lẫn hạnh phúc thiết tha của những người dân thuộc thành phố Visegrad, Nam Tư; một cuốn sách như một bông hoa kỳ bí, lạ lùng nở ra trong sự nghiên cứu về lịch sử quê hương mình quấn quyện với trí tưởng tượng độc đáo của một nhà văn—tôi đã lên đường sang thăm Nam Tư. Tôi đã đi thăm chiếc cầu trên sông Drina. Được xây đi xây lại mấy lần vì chiến tranh bom đạn tàn phá, giữa cảnh núi non hùng vĩ, chiếc cầu vẫn còn đứng đấy nhìn dòng thời gian lờ lững trôi xuôi. Màu thời gian tím ngát. Nó làm tôi bùi ngùi, cảm động. Tôi cũng đi thăm Dubrovnik, mà lịch sử hình thành được tính ngược trở lại từ thế kỷ thứ năm. Đây là một thành phố cổ với bức tường thành có số tuổi hơn một ngàn năm bao quanh. Rồi tôi đi Sarajevo thăm những con đường với những vọng tháp còn vương vất hơi thở của thời kỳ lịch sử Ottoman. Tôi cũng đi Mostar thăm ngôi làng cổ cùng chiếc cầu đá một nhịp nổi tiếng khắp thế giới—được xây vào thế kỷ XVI—ở đây. Khung cảnh đầy chất Thổ-nhĩ-kỳ với những con đường làng nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà cổ với ống khói thở những hơi thở nặng nề, mệt nhọc lên trời xanh, những tiệm chạp phô bày cả ra ngoài lề đường với những ông già mặc áo kiểu Thổ, râu rậm dài xuống ngực và những cô gái mười tám hai mươi mắt đầy trời xanh ngồi bán những món đặc sản địa phương và những tấm thảm dệt đầy những đường nét kỷ hà vân vi nhiều màu sắc. Mostar là một làng nhỏ nhưng cũng mang trong nó cái hơi thở lịch sử như Visegrad và Sarajevo. Khoảng hơn một năm sau khi tôi đến thăm Nam Tư, vào tháng Chín 1991, Croatia đã đòi độc lập để tách khỏi liên bang chung mang tên gọi cũ là Yugoslavia (Nam Tư). Chiến tranh lại bắt đầu, và cuộc chiến ấy lại đẩy người dân Nam Tư vào một cơn ly loạn mới, chưa biết bao giờ mới thoát ra được. Sarajevo, Dubrovnik, và cả Mostar đã bị tàn phá nặng nề. Chiếc cầu đá một nhịp nổi tiếng của Mostar—ngày nào được đưa lên trang bìa của tờ báo TIME—giờ đã bị bắn sụp. Nghe những tin này, tôi thấy lòng quặn đau như khi nghe tin Huế bị tàn phá đổ nát trong cuộc chiến. Huế cũng như những thành phố ấy không phải chỉ là sự kết hợp của những cột đá, những đền đài, nhà cửa, đường phố, cây cối...   Chúng có một linh hồn, và chúng có một quá khứ. Cây cầu ở Mostar đang được xây cất lại. Nhưng vết thương của chiến tranh ly loạn đã hằn sâu trong nó. Tôi thấy thương tiếc và đau lòng vì những cái đẹp đã bị tàn phá, bị bóp chết một cách hung bạo.


Sự tưởng tượng của một nhà văn có tài là Ivo Andric đã dẫn nhiều người, trong đó có tôi, tìm biết về lịch sử và con người Nam Tư. Cũng như chính là vì Kawabata, giải Nobel văn chương năm 1968, với những cuốn sách nổi tiếng của ông—đặc biệt là hai cuốn Xứ Tuyết (Yukiguni / Snow Country) và Tiếng Rền Của Núi (Yama no Oto / The Sound of the Mountain)—mà tôi đã để ý tìm hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Nhật (10). Để thấy rằng dân tộc và con người ở đâu cũng mang trong mình những phẩm tính cao quý chung của loài người. Lịch sử của dân tộc nào cũng chia sẻ những khốn cùng, đau thương và những vết rạn nứt chung của trái tim nhân loại. Sự tưởng tượng, như thế, lại thúc đẩy con người tìm về với thực tại và những giá trị đích thực của chúng.


Về vấn đề này, ở đây, tôi muốn nói chút ít về một câu chuyện mà, bây giờ, đọc lại tôi vẫn còn cảm thấy lôi cuốn. Câu chuyện này cũng chứng minh cho điều mà tôi vừa nói: sự tưởng tượng có thể lại thúc đẩy con người tìm về với thực tại và những giá trị đích thực của chúng. Ngay từ khi lên bảy tuổi, Heinrich Schliemann đã được đọc và nghe kể lại về câu chuyện thành Troy, một câu chuyện mà ai cũng tin là chỉ mang tính chất huyền thoại, được viết vào khoảng thế kỷ thứ tám trước Tây lịch. Nhưng Schliemann, từ tác phẩm thơ Iliad (và Odyssey) mang đầy nét huyền hoặc kia của Homer—về nàng Helena, về Ulysses, và về những nhân vật mang đầy nét thần thoại khác—, lại muốn tìm bắt thực tại. Ông tin rằng Troy là một thành phố có thật, và ông nhất quyết tìm ra nó. Vào thời ông, những năm bảy mươi và tám mươi của thế kỷ XIX, ngành khảo cổ học còn trong giai đoạn sơ sinh. Thiếu hẳn những kiến thức và kỹ thuật của ngành khảo cổ hiện đại, và, chỉ được trang bị với một cuốn Iliad quăn queo luôn luôn có trong túi áo, Schliemann, người kém khoa học nhất trong tất cả các nhà khảo cổ mà nhân loại được biết, đã tìm lại được thành Troy cùng với những chứng tích lịch sử đầy huy hoàng và lôi cuốn của nó. Schliemann trở nên cha đẻ của khoa học về khảo cổ thời hiện đại. Tưởng tượng đã cho thấy rằng nó có sức lôi cuốn và dẫn dắt con người tìm về thực tại để khám phá trở lại những giá trị đã được mã hóa trong tác phẩm. Tưởng tượng, như thế, không cắt rời con người ra khỏi thực tại; trái lại, nó hoạt động như một chiếc cầu bắc ngang qua những biên giới vô hình để nối kết những bờ thực và bờ mộng của đời sống. James Joyce đã nói về kinh nghiệm có tính thiêng liêng này của mình như sau: “Ô! Trong cung lòng trinh trắng của tưởng tượng, lời [chữ nghĩa] đã trở thành xương thịt.” Joyce cho rằng nghệ sĩ là một “linh mục” đã biến tấm bánh mì hằng ngày của kinh nghiệm thành ra mình máu đẹp tươi, sáng láng của sự sống vĩnh hằng (11). Northrop Frye, trong The Educated Imagination, cho rằng thế giới của chúng ta có thể có bất cứ một chiều kích lớn lao nào mà sự tưởng tượng của chúng ta cho phép. Ông cho rằng không có gì ở ngoài sự tưởng tượng, vì trong lãnh thổ của sự hiện hữu con người, tưởng tượng đã tiếp máu cho tất cả những gì thuộc về sự sống. Frye còn cho rằng tưởng tượng sẽ không chịu ngừng nghỉ cho đến khi nào nó “nuốt trọn” tất cả mọi sự, kể cả thời gian và không gian, vào trong nó (12).


Và, chính là tôi, hay một kẻ nào khác, hay sự tưởng tượng của mình đã viết ra những dòng này trong một bài thơ năm xưa:
(...)
Rồi tôi thấy tôi lang thang ở vùng biển Địa Trung Hải
Saint-Paul-de-Vence, gần Nice, Côte d'Azur
Những con đường nhỏ lát gạch cũ kỹ ngoằn ngoèo dẫn mãi lên cao
Những kiến trúc để lại từ thời Trung Cổ
Những bức tranh của Picasso, Klee, Dufy, Utrillo, Derain
treo đầy những bức tường ở Colombe d'Or
trả giá cho những bữa ăn thời các họa sĩ còn đang lang thang đói rét
Và mộ Marc Chagall nằm trên đồi cao gió thổi
Giữa những um tùm cây cối và những tiếng đùa vọng của chim
Ánh sáng ở đây như được lọc qua những tấm kính màu
Ở Chapelle du Rosaire do Matisse làm ra
Ánh sáng thơm và mát
Chagall đã ra đi từ 1985
Tôi gõ tay vào ngôi mộ xi-măng giản dị của ông,
một ngôi mộ với nét vẽ nguệch ngoạc
hình thiên thần hai cánh tung bay tay cầm một chân nến Hanukkah
(Ngôi mộ giản dị hơn bất cứ một ngôi mộ nào ở cái nghĩa địa gió này)
Ông cụ mở cửa hỏi tôi cần gì
Tôi bảo tại sao con người lại bay đi như chim
Tại sao con người là một nốt nhạc
Ông cụ bảo rồi anh cũng sẽ bay đi
Anh cũng là một nốt nhạc
Con người ai cũng có khả năng bay
Còn khi rung động thì họ là một nốt nhạc
Con người sẽ bay lên và họ sẽ trở thành những nốt nhạc
Nhất là khi họ yêu thương và muốn với lên những vì sao
Tôi cám ơn ông cụ và đi lang thang về những con đường,
những thành phố khác
Ở Czechoslovakia,
mùa Xuân vẫn còn đang rộ nở tại Praha
Kafka và những giấc mơ
Những con đường ngoằn ngoèo nguệch ngoạc
vẫn chạy mãi vào những trang lịch sử
Cầu Charles trên dòng Vltava
và nhà thờ Saint George ở Xóm Cũ
Tại Budapest, lịch sử Hung Gia Lợi vẫn trôi
trên dòng Danube
Con người vẫn sống vẫn thở vẫn yêu thương trên hai bờ Buda và Pest
Ở Yugoslavia,
tôi nằm nghe gió thổi miên man trên cái kapia
Cầu trên sông Drina
Ivo Andric
Những cuộc đời lại quày quả trở về
xôn xao trong tim trong mộng
Và chiếc cầu đá cổ ở Mostar
trên dòng Neretva
Bao thế kỷ rồi vẫn nhìn đời sống lướt trôi lướt trôi về vô tận
Tôi đứng trên cầu nhìn những xóm nhà heo hút
dần dần khuất bóng vào sương núi lam chiều
Ở Sarajevo, ở Dubrovnik, và ở biển Adriatic cô liêu
Những con người vẫn bay đi bay về trên dòng thời gian quạnh quẽ
Đó là một dòng chảy xanh lơ
Bây giờ máu đang chảy ra ở những nơi chốn đó
Màu máu đỏ loang thấm vào màu xanh lơ của thời gian
Những mộng mơ tôi nơi ấy chắc cũng hoảng hốt đập cánh tung bay
Tôi lại nhớ đến quê nhà
Những con đường và những bóng cây
Những làn khói xanh lơ và những dòng sông thuở nhỏ...


Tôi vẫn đi trên những con đường của cuộc đời
Gió mưa nắng quái và những sáng bạch chiều rơi
Những ánh sáng và những hương hoa tôi thầm ôm ấp
Có khi là những con chim dịu dàng mềm mại
Chúng thổi tiếng vi vu của cuộc đời vào lòng tôi sâu thẳm
Có khi, ừ có khi, chúng biến thành những vệt gai đâm
Hay có khi chúng thành những mảnh kính sắc
Đâm cắt vào lòng rạch nát vào tim
Tại sao những mảnh kính tại sao những mẩu gai?
Tại sao tiếng cười tại sao dòng lệ?
Thế nhưng tôi vẫn yêu mãi cuộc đời
Tôi vẫn chẳng thôi yêu thương những con chim, những dấu gai, và những mảnh kính sắc kia
Chúng dạy cho tôi biết thế nào là cuộc sống
Thế nào là dòng máu thế nào là trái tim
Thế nào là khổ đau thế nào là hạnh phúc
Và bảo rằng tôi vẫn ở giữa muôn thuở con người
Và thế nào là một niềm tin.


*
Cậu bé nhỏ vẫn còn nghe mãi những tiếng mưa rơi
Những tiếng mưa rơi mịt mù trong khu xóm vắng
Tiếng mưa chạy đuổi nhau với những vì sao
rớt về từ triệu năm ánh sáng
Tôi vẫn đứng trong khu rừng kia
Người con gái mắt mềm như lá múc tay xuống dòng sông ấy
(Dòng sông lổ đổ tiếng cười của những vì sao)
Cầm lên đưa tôi một con suối nhỏ
Con suối giờ vẫn còn xao động trong tim
và những vì sao trong đó vẫn còn thức giấc
Tôi vẫn ngồi trên một mái nhà
Những con chim con mèo con chó vẫn còn lang thang dạo chơi trên ấy
Và người con gái kia
với đôi mắt vương màu tím than của một ngôi sao chấp chới
Đêm vút lên thành một nốt nhạc
Rồi lặng yên bao phủ cuộc đời...
Tôi vẫn đi trên những con đường
Ánh sáng và bóng tối
những sớm nắng và những chiều sương
Có khi tôi hát ca có khi tôi ngồi quạnh quẽ
Một nửa ánh trăng che mái hiên đời
Những mảnh sắc, những gai đâm, những con chim, những đóa hoa, những cây lá...
Xếp lại dần thành vóc hình tôi


*
Rồi một buổi nào thì tôi cũng sẽ bay đi
Một ông cụ già đã bảo cho tôi biết trước
Tôi sẽ bước ra ngoài thời gian
Như trèo ra ngoài cửa sổ trổ ra song sóng những mái nhà
Trổ ra một bầu trời xanh xa sâu thẳm
Có những ngôi sao thơm mùi ngọc lan
Và tôi sẽ bước đi
ở một chiều biên giới khác.


(Saint-Paul-de-Vence, VII, 1993) (13)


.6.


Tưởng tượng, ánh sáng và bà mẹ của những bông hoa thực tại, ta muốn hỏi nhỏ: Trong dòng chảy lững lờ và miên man của cái-ta mỗi ngày kia, đâu là ánh sáng của người và đâu là thực tại đời ta?


bùi vĩnh phúc
Irvine, Calif.

XII-1998

(Xem lại và sửa:  30 - IX - 2014)



___________________________________


Chú Thích:


  1. Plinio Apuleyo Mendoza & Gabriel García Marquez, The Fragrance of  Guava. London: Verso, 1983.
  2. F. R. Leavis, “The Significance of C. P. Snow”, Spectator (tháng Chín,   
1962).
  1. Jorge Luis Borges, Seven Nights. Eliot Weinberger dịch, Alastair Reid giới thiệu. New York: New Directions Books, 1984.
  2. Antoine de Saint-Exupéry, Terre des Hommes. Bản dịch Việt ngữ Cõi Người Ta của Bùi Giáng. Sàigòn: Quế Sơn Võ Tánh, 1960.
  3. Susan Sontag, I, etcetera. New York: Farrar, Strauss and Giroux, 1978.
  4. Xem Who’s Writing This?/ Notations on the Authorial I with Self-Portraits, New Jersey: The Ecco Press (1995) do Daniel Halpern chủ biên. Đây là một cuốn sách tập hợp 57 tiểu luận ngắn của 57 tác giả. Dựa trên tiểu luận nổi tiếng “Borges and I” của Borges, những  tác giả này—trong đó có những người nổi tiếng như John Fowles, John Updike, Margaret Atwood, James A. Michener, Susan Sontag, Darryl Pinckney, Alice Hoffman, Roy Blount Jr., Joyce Carol Oates, Czeslaw Milosz, Arthur Miller, Robert Olen Butler, Paul Theroux, Cynthia Ozick, Scott Turow, Peter Mayle...—đã trình bày trước mắt người đọc con người văn chương của mình. Một phần dựa trên cung cách của Borges, phần khác được diễn tả trong cung cách đặc thù của mỗi người, tất cả các tác giả này đều để lộ cho người đọc thấy cái chân diện mục của cái “kẻ khác” kia—tên bạn thiết, kẻ bắt chước, kẻ giả mạo, gã thế thân, nhà ẩn sĩ, kẻ tự yêu mình—trong chính con người mình ra sao. Mỗi tiểu luận đều được bắt đầu bằng một thứ  “chân dung tự họa” do chính tác giả vẽ.
  5. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê dựa theo bản Pháp ngữ , Il est un pont sur la Drina, của Georges Luciani (không rõ năm và nhà xuất bản). Bản Việt ngữ của NHL do Trí Đăng xuất bản tại Sàigòn năm 1971. Văn Nghệ tái bản tại California, Hoa Kỳ, 1989. Cũng có thể so sánh thêm với bản dịch Anh ngữ của Lovett F. Edwards, The Bridge on the Drina, Chicago: The U. of Chicago P., 1977, hay một ấn bản khác của cùng dịch giả, New York: A Signet Book, 1960.  Ngoài ra, để công bằng, cũng nên so sánh bản dịch (với một số đoạn bị dịch giả lược bỏ) của Nguyễn Hiến Lê với bản dịch đầy đủ của Vương Đăng (Nhịp Cầu Trên Sông Drina, Saigon: Nguồn Sáng, 1972)
  6. Ivo Andric, Bosnian Chronicle. Bản dịch của Joseph Hitrec. New York: Alfred A. Knopf, 1963. Hoặc bản dịch Bosnian Story của Kenneth Johnstone. London: Lincolns-Prager Publishers Ltd., 1961.
  7. Louis Adamic, The Native’s Return / An American Immigrant Visits Yugoslavia and Discovers His Own Country. New York & London: Harper & Brothers, 1934.
  8. Thật ra, quyển sách mà tôi thích nhất của Kawabata là quyển Cố Đô (bản tiếng Anh lấy theo tên trong nguyên tác là Kyoto).  Cuốn sách này, cùng với hai quyển Xứ TuyếtTiếng Rền Của Núi, đã cho thấy rõ những ẩn dụ đầy nét duy cảm chủ nghĩa pha với những ấn tượng trực giác thật đẹp của nhà văn để nói về những nỗi đau đời và nét cao cả trong tâm hồn con người. Đặc biệt, nó cũng cho thấy rõ cái khuynh hướng quay về với những di sản cổ điển của dân tộc Nhật Bản nơi ông.
  9. James Joyce, The Portrait of the Artist as a Young Man. New York: Viking, 1956.
  10. Northrop Frye, The Educated Imagination. Bloomington, Ind.: Indiana University Press, 1964.
  11. Bùi Vĩnh Phúc, trích đoạn trong Rồi Một Buổi Nào Thì Tôi Cũng Sẽ Bay Đi (Hợp Lưu số 13, tháng 10 & 11, 1993).












Tham khảo thêm về Bùi Vĩnh Phúc






Trịnh Công Sơn: Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật (phỏng vấn BVP do nhà nhạc học Phạm Văn Kỳ Thanh thực hiện) http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6008&rb=0206 )






Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan phỏng vấn: Tản mạn văn học với nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc





Phỏng vấn Xuân Đinh Dậu của nhà văn Trần Vũ: “Bùi Vĩnh Phúc: con đường từ những dòng chữ khắc nên” http://damau.org/archives/45523





Tản mạn văn học với Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan (Video / Little Saigon TV): Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc https://www.youtube.com/watch?v=XFPtdjuTUWw&t=977s










Ký họa Nguyễn Bá Trạc 













Chateaux de Versailles (France) 






Venise (Italy) 





















Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Thơ Thơ, Trần Vũ, Đỗ Lê Anh Đào, Phùng Nguyễn (2004) 









Ngồi: Phan Tấn Hải, Minh Ngọc Vương, Hoàng Hưng, vợ chồng Bùi Vĩnh Phúc 

(2017)











Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.