Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Phùng Nguyễn (1950 - 2015)
















Phùng Nguyễn

Tên Thật:  Nguyễn Đức Phùng
 (1950 - 2015)
Hưởng thọ 65 tuổi
Nhà văn 
Chủ biên tạp chí Hợp lưu (USA)
(2002 - 2003)













Dấu tích: Ước mơ của điều đã đi qua
01. 17. 2012




*



Thành viên nhóm Ô Thước và tạp chí mạng Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng
(saomai.org, vanhocnghethuat.org)
Chủ biên tạp chí Hợp Lưu (08/2002 - 03/2003)
Sáng lập tạp chí mạng Da Màu (damau.org) từ tháng 07/2006 cùng với Đặng Thơ Thơ và Đỗ Lê Anh Đào.
Sáng tác, tiểu luận và dịch thuật đăng trên các tạp chí định kỳ Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế kỷ 21 và các tạp chí mạng Da Màu, Talawas, Hội Luận, Tiền Vệ, Văn Chương Việt ...









Văn học miền nam 1954-1975: 
đường về gian nan

24.12.2014


LTG: Dưới đây là toàn văn bài tham luận dành cho cuộc Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975 tổ chức tại quận Cam, California – USA. Chỉ một phần của bài tham luận này được trình bày trong buổi hội thảo vì giới hạn thì giờ dành cho mỗi diễn giả. PN

Tiệm cho thuê sách của gia đình

Vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975, một cậu bé 6 tuổi chứng kiến một điều khó quên. 30 năm sau, năm 2005, cậu ghi lại hình ảnh này trong một bài thơ có tựa đề “Tiệm cho thuê sách của gia đình.” (1) Bài thơ được chọn đăng trên mạng Da Màu vào tháng 5 năm 2007 nhân kỷ niệm 32 năm ngày miền Nam đổi chủ.

Khi người ta đem xe ba gác đến dẹp, 
bố tôi mở cửa mời mấy người hàng xóm 
vào xem và lấy tùy thích. 
Những quyển sách chính tay ông chọn 
mua về, đóng bìa cho thêm chắc chắn, 
đóng dấu của tiệm vào vài chỗ, và 
đánh số mục trước khi xếp lên kệ.

Hồi bố tôi đi cải tạo, một số sách muốn trở về. 
Vài người hàng xóm tốt bụng đem trả. 
Nhưng mẹ tôi từ chối: có những quyển 
họ mua lại ngoài chợ trời nhờ nhận ra 
cái bìa, những quyển kia, họ đã lấy — 
từ hôm ấy — và đọc thoải mái.

Lẩn vào trong bài thơ, nên không 
dễ thấy như một cái bìa sách, 
Lại thường xa cách hơn một người hàng xóm, 
Nhưng tôi, cũng muốn người đọc 
giữ luôn một cái gì.

Cậu bé 6 tuổi ngày xưa chính là nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, và người chọn sách để mua, đóng thêm bìa cho chắc chắn là nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội nay đã quá cố Lê Đình Điểu, một tên tuổi rất quen thuộc trong giới cầm bút ở Hải ngoại. Trong bài thơ này, “Tiệm cho thuê sách của gia đình,” “một cái gì” mà tác giả Lê Đình Nhất Lang muốn chúng ta giữ luôn chứ không chỉ giữ lại, đối với tôi chính là một mảnh, dù rất nhỏ, của một nền văn học đầy hứa hẹn được xây dựng và phát triển trong hơn hai mươi năm ở miền Nam. Nền văn hoc này thường được biết dưới cái tên Văn Học Miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Bằng cách “phân tán mỏng” những cuốn sách mà trước sau gì cũng bị tịch thu và thiêu hủy, thân phụ của nhà thơ Lê Đình Nhất Lang đã trên thực tế gởi gấm những mảnh nhỏ của nền văn học này cho những người hàng xóm, những khách quen với hy vọng chúng sẽ được giữ gìn cho một tương lai tươi sáng hơn. Tôi tin rằng không chỉ có chủ các tiệm sách mà còn rất nhiều người khác, những độc giả bình thường ở miền Nam đã bằng cách này hay cách khác giúp giữ gìn những cuốn sách, những tập thơ mà họ trân trọng không cho rơi vào lò thiêu của chế độ. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch nhằm xóa sổ nền Văn Học Miền Nam 54-75 của phe chiến thắng, chính quyền Cộng sản đã gặp phải sự chống đối ngấm ngầm của người miền Nam dưới nhiều hình thức để bảo vệ được chừng nào hay chừng đó tài sản văn học này.

Những bạn đọc hiếm hoi ở phía Bắc

Nỗ lực nhằm bảo tồn Văn Học Miền Nam 54-75 không chỉ giới hạn trong lãnh thổ phía Nam. Vào năm 1977, chỉ hai năm sau ngày chiến dịch “bức tử” Văn Học Miền Nam được phát động, nhà xuất bản Văn Hóa ở Hà nội cho ra đời cuốn Văn hóa Văn nghệ miền Nam dưới Chế độ Mỹ ngụy (2) tập I gồm nhiều tác giả để tiếp tục đánh phá nền văn học bất hạnh này. Trong tập sách, người ta tìm thấy đoạn văn dưới đây trong “Lời nói đầu”:

“Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều chiến dịch đã được phát động nhằm quét sạch ảnh hưởng của thứ ‘văn hóa’ phản động, đồi trụy của chủ nghĩa thực dân mới tại các thành thị và các vùng Mỹ ngụy chiếm đóng trước đây…”

“Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể thỏa mãn với những công việc chúng ta đã làm được. Những đoạn nhạc vàng vẫn truyền đi trên các băng ghi âm một cách bất hợp pháp, những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ mang nội dung phản động hoặc đồi trụy vẫn đươc chuyền tay nhau, không những ở các tỉnh miền Nam mà ngay cả ở một số thành phố miền Bắc.”

Đoạn trích dẫn trên đây giúp khẳng định là nhà cầm quyền Cộng sản đã không hoàn toàn thành công trong ý đồ ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa miền Nam, đặc biệt là âm nhạc và văn chương. Việc “những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ mang nội dung phản động hoặc đồi trụy vẫn được chuyền tay nhau, không những ở các tỉnh miền Nam mà ngay cả ở một số thành phố miền Bắc” cho thấy trong số chiến lợi phẩm mang về từ miền Nam trong những ngày tháng đầu tiên sau chiến tranh không chỉ có đài, đồng hồ không người lái, và xe đạp mà còn có một món hàng quý hiếm khác, đó là những tác phẩm của nền văn chương đa dạng và dựa trên nền tảng tự do sáng tạo của miền Nam. Tôi tin chắc các độc giả hiếm hoi và may mắn ở phía Bắc đã nhanh chóng làm một cuộc so sánh văn chương giữa hai miền dựa trên những trải nghiệm mới mẻ họ có được sau khi đọc một số tác phẩm của các ngòi bút miền Nam. Điều đáng tiếc là họ phải đọc trong lén lút, và nhận định của họ có nhiều phần đã được giữ lại cho chính mình!

Ở miền Nam, sau khi các khu chợ trời mọc ra trên vỉa hè các con đường nằm gần trung tâm Sài gòn như Tôn thất Thuyết, Huỳnh Thúc Kháng,v.v.. một thời gian, các sách báo bị cấm đoán của miền Nam bắt đầu xuất hiện trở lại một cách rải rác dưới dạng ngụy trang. Nằm khép nép bên dưới các tạp chí tiếng Anh tiếng Pháp vô hại có khi là một tập truyện xuất bản trước tháng 4/75, quăn queo, bìa trước bìa sau bị lột sạch. Nhưng bất kể hình dạng thảm hại của nó, một tác phẩm được tìm đọc là một tác phẩm còn sống.

Theo gót lưu vong

Sách báo miền Nam cũng theo chân cộng đồng người Việt lưu vong lang thang khắp bốn phương trời. Có thể trong nhúm hành lý ít ỏi được phép mang theo của những người di tản đầu tiên bằng cầu không vận của Mỹ, có cả vài cuốn sách gối đầu giường của họ. Sách cũng theo chân người ra đi ở những đợt tị nạn khác theo các chương trình ODP, HO và có thể ngay cả cùng các thuyền nhân cho dù rất hiếm hoi vì điều kiện hiểm nghèo của cuộc hành trình. Và chính là ở bên ngoài tổ quốc, những công trình nhằm bảo tồn Văn Học Miền Nam 54-75 có cơ hội được thực hiện thường xuyên và đôi khi với một qui mô tầm cỡ.

Một khi an toàn ở các xứ sở tự do, những cuốn sách sống sót qua cơn hồng thủy được san sẻ một cách công khai. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu đọc tác phẩm Việt ngữ của cộng đồng tị nạn, việc in lại các tác phẩm thuộc Văn học miền Nam ở nước ngoài của một vài nhà xuất bản đầu tiên ở Hải ngoại, cho dù động cơ chính có thể là lợi nhuận, cần được xem là một hình thức bảo tồn nền văn học này một cách hữu hiệu. Khi chủ nhân của các nhà xuất bản danh tiếng của Sài Gòn xưa đến được bến bờ tự do, họ bắt đầu xây dựng trở lại các cơ sở xuất bản để hỗ trợ không chỉ việc in ấn và phát hành các tác phẩm trước 75 mà còn các tác phẩm mới ra lò của các cây bút thuộc dòng văn học non trẻ ở Hải ngoại. Một trong những tên tuổi quan trọng bậc nhất trong ngành xuất bản Hải ngoại phải kể đến ông Lá Bối Võ Thắng Tiết, người đã thành lập và điều hành nhà xuất bản Văn Nghệ trong nhiều năm.

Khơi dòng

Những người cầm bút thuộc Văn Học Miền Nam thời kỳ 54-75, khi đến được nước ngoài luôn mong mỏi có được cơ hội cầm bút trở lại. Các tạp chí văn học đầu tiên ở xứ người đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp khơi ra một nhánh mới từ giòng sông VHMN đã bị chặn đứng một cách đột ngột mấy năm trước đó, đáp ứng nhu cầu thể hiện tâm tư của cộng đồng người Việt lưu vong qua ngả văn chương.

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật số đầu tiên do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương, ra mắt tháng 4/78, đúng 3 năm sau ngày mất nước, trang trọng in hàng chữ “tạp chí văn nghệ đầu tiên của người Việt hải ngoại” ở trang bìa. Trong thư tòa soạn của số đầu tiên, những người chủ trương cho thấy sự cần thiết của một diễn đàn văn chương cho cộng đồng người Việt lưu vong ở Hải ngoại. Họ khẳng định:

“Khó quan niệm một cộng đồng sống đầy đủ mà lại ngưng cảm nghĩ, mà bị cưỡng bức vào sự câm nín, không có được những thể hiện nghệ thuật tư tưởng.”

Sự ra đời của Văn Học Nghệ Thuật, tiền thân của tạp chí Văn Học, và các tạp chí văn chương khác như Văn, Hợp Lưu, Khởi Hành v.v… đáp ứng được nhu cầu văn chương ngày càng lớn này. Cùng với thời gian, có thêm nhiều những cây bút của Văn Học Miền Nam 54-75 gia nhập cộng đồng tị nạn, ảnh hưởng của nền văn học này lên nội dung Văn học Hải ngoại là điều không thể chối cãi.

Trên cyberspace

Sự phổ cập hóa của Internet bắt đầu từ những năm 90 đóng một vai trò không nhỏ trong việc lưu trữ tư liệu văn học Việt Nam, trong đó Văn Học Miền Nam chiếm một số lượng quan trọng. Trong một bài viết (3) về những hoạt động văn học của giới trẻ Hải ngoại trên liên mạng vào năm 1996, tôi có đề cập đến những hoạt động này như sau:

“Trong một vài năm gần đây, cùng với sự phát triển với tốc độ chóng mặt của Internet, một số trang mạng đã dành một phần đất hậu hĩ cho việc chưng bày và lưu trữ thơ, văn, nhạc phẩm, và phó bản họa phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều triều đại.“

Công cuộc số hóa các tác phẩm thuộc Văn Học Miền Nam và Văn học Hải ngoại ngày càng phổ biến trên liên mạng. Ở những năm sau này, bạn đọc có thể tìm thấy một số tác phẩm của nhiều tên tuổi quen thuộc của Văn Học Miền Nam trên các trang mạng Đặc Trưng, Viet Mesenger v.v…

Trong số các công trình lưu trữ và phổ biến các tác phẩm của Văn Học Miền Nam trên liên mạng phải kể đến chương trình “Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975” (4) do nhà văn Phạm Thị Hoài, người chủ trương Tủ sách talawas thực hiện. Đây là một công trình khá dài hơi, kéo dài 4 năm trời từ 2004 – 2008 với 95 đầu sách của một số các tác giả quan trọng của nền văn học này.

Ngoài ra cũng có thể kể thêm các chuyên đề về Văn Học Miền Nam 54-75 của tạp chí Da Màu, Gió-O, chuyên đề Võ Phiến và toàn bộ “Văn Học Miền Nam: tổng quan” của Võ Phiến trên tạp chí Tiền Vệ, và vô số các tác phẩm đủ thể loại thuộc thời kỳ 54-75 trên các trang mạng, blog cá nhân trong và ngoài nước. Nằm rải rác trên cõi bao la của liên mạng, các tác phẩm văn học này là một phần di sản quan trọng của Văn Học Miền Nam chưa được khai thác đúng mức.

Một trường hợp đặc biệt

Nhà văn Trần Hoài Thư là một trường hợp đặc biệt bởi vì các tác phẩm do ông, cùng với sự đóng góp của một nhóm bạn thân, sưu tập và ấn hành xuất hiện trong cả hai dạng, số hóa và bản in do chính tay ông in ra và gởi đến bạn đọc qua đường bưu điện. Có thể nói Trần Hoài Thư là người đầu tiên trong cộng đồng người Việt hải ngoại áp dụng thành công phương pháp “In theo yêu cầu,” tương tự như “Print On Demand” mà Người Việt Books áp dụng cho các sách xuất bản gần đây. Bài phỏng vấn “Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo” (5) của nhà văn Trần Doãn Nho trong chuyên đề Văn Học Miền Nam trên tạp chí Da màu mô tả khá rõ quan niệm, mục tiêu, và các hoạt động của nhà văn Trần Hoài Thư liên quan đến công cuộc bảo quản và phục hồi di sản văn chương miền Nam.

Tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Tủ sách Di sản Văn chương miền Nam là 2 công trình quan trọng nhất của nhà văn Trần Hoài Thư. Thư Quán Bản Thảo chính thức phát hành đầu năm 2001, cho đến nay gần tròn 14 năm. Số 62 là số mới nhất, phát hành tháng 12 năm 2014 với chủ đề “Khởi Hành và Tôi.” Theo nhà văn Trần Hoài Thư, mỗi số Thư Quán Bản Thảo thường dành khoảng 100 trang cho một tác giả chọn lọc của Văn Học Miền Nam. Ví dụ chủ đề Nguyễn Bắc Sơn (số 20), Nguyễn Nho Sa Mạc (số 26), Hoài Khanh (24), Phan Nhự Thức (số 27), v.v… Điều này cho thấy mục đích giới thiệu [lại] các tên tuổi thuộc Văn Học Miền Nam là một phần quan trọng của Thư Quán Bản Thảo. Về Tủ sách Di sản Văn chương miền Nam, nhà văn Trần Hoài Thư đã hoàn tất hai bộ sách đồ sộ, mỗi bộ gồm hàng ngàn trang. Bộ Thơ miền Nam gồm 5 tập và bộ Văn Miền Nam gồm 4 tập. Trong cả hai bộ sưu tập thơ văn này, các sáng tác với chủ đề chiến tranh chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Trong thời gian gần đây, bên cạnh một ngân khoản eo hẹp, nhà văn Trần Hoài Thư vừa phải chăm sóc vợ hiền bị bạo bệnh, vừa chăm sóc sức khỏe của chính mình nhưng không thấy ông chậm lại chút nào trong kế hoạch in ấn và phát tán tác phẩm miền Nam thời 54-75… Xin cầu chúc ông sức khỏe và nghị lực để tiếp tục gởi đến chúng ta những tác phẩm giá trị và quí hiếm của một thời.

Xa mặt cách lòng

Hồi tháng 8 năm ngoái (2013), trong khi thu thập tài liệu cho chuyên đề “Nguyễn Xuân Hoàng, Trong và Ngoài Văn Chương” (6) của tạp chí Da Màu, tôi nhận ra, với một tên tuổi vô cùng quen thuộc như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, số lượng bài biên khảo dành cho tác phẩm của ông quả thật khiêm nhường. Chợt nghĩ ra ông thuộc về thế hệ của những người làm văn nghệ kém may mắn. Nhóm người này bắt đầu văn nghiệp của họ trong giai đoạn 54-75 ở miền Nam Việt Nam. Nền văn học non trẻ nhưng đa dạng và cởi mở này chưa kịp có thì giờ nhìn lại để đánh giá một cách đầy đủ những thành tựu của tập thể và của mỗi cá nhân tác giả thì đã chết tức tưởi vào một ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Chỉ ít hôm sau cái ngày định mệnh này, những người viết, phần đông ở vào độ tuổi sung mãn nhất của họ, bỗng dưng nhận ra ngòi bút trong tay mình bị cướp giật đi và thay vào đó là gông cùm xiềng xích. Trong số họ, có nhiều ngưới sẽ không bao giờ có cơ hội cầm bút trở lại. Những người khác, sau nhiều năm tù tội, cố gắng về lại với chữ nghĩa trong những điều kiện vô cùng khó khăn…

Khi một số người viết thoát ra được nước ngoài thì nguyên khí đã tiêu hao rất nhiều, đặc biệt giới phê bình nghiên cứu hầu như không còn mấy. Về sau, có thêm những tên tuổi mới tham gia lãnh vực này, nhưng lực lượng vẫn còn quá mỏng so với khối lượng tác phẩm dồi dào của miền Nam. Trong một tình thế như vậy, việc đánh giá tác giả tác phẩm thuộc nền văn học miền Nam 54-75 nói chung trở nên vô cùng khó khăn. Đó là ở Hải ngoại.

Ở trong nước thì gần như tuyệt vọng. Không có độc giả, không có điểm sách, phê bình, một nền văn học dễ dàng rơi vào quên lãng. Sau 40 năm, nếu lớp trẻ trong nước hoàn toàn không biết đến tên các tác giả tiêu biểu của nền Văn Học Miền Nam 54-75, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên.

Trong một bài viết (7) nhằm giới thiệu chính cuộc hội thảo văn học này trên blog VOA Tiếng Việt, nhà lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng chia sẻ nỗi bi quan này:

Nói một cách tóm tắt, nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-75, cho đến nay, ít nhất với độc giả trong nước, vẫn là một nền văn học bất hạnh: sau khi bị tịch thu và bôi nhọ, nó tiếp tục bị chôn vùi vào quên lãng.

*

Những người quan tâm đến vận mạng của nền Văn Học Miền Nam, tuy vậy, đã không chịu đầu hàng, Những công trình lớn nhỏ nhằm cứu vãn và phục hồi Văn Học Miền Nam và những sinh hoạt như chính cuộc hội thảo này giúp nền văn học này không bị rơi vào quên lãng. Hơn thế nữa, họ còn mong muốn Văn học miền Nam được công khai trở về với tổ quốc, được đặt vào một vị trí xứng đáng với tầm vóc của mình trong dòng lịch sử của văn học dân tộc. Tuy nhiên, đường về của Văn Học Miền Nam 54-75 nói chung và của mỗi tác giả/tác phẩm thuộc giai đoạn này nói riêng là con đường gian nan, đầy những chông gai. Những chướng ngại trên con đường về, theo tôi, trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ chính sách bôi nhọ, trù dập, khủng bố của chính quyền Cộng sản trong nhiều thập kỷ qua. Trong bài nói chuyện hôm nay, tôi xin phép điểm qua một số các chướng ngại này cùng với các sự kiện văn học có liên quan đến chúng.

Dĩ Bắc vi trung tâm?

Trong bài phỏng vấn “Ðặt lại giá trị văn học miền Nam 1954-1975 trong lịch sử văn học Việt Nam” (8) do báo Người Việt thực hiện, nhà văn Phạm Phú Minh đã có một phát biểu quan trọng. Ông phát biểu như thế này:

Nói chung đảng Cộng Sản có một đường lối văn nghệ [khác] được chỉ thị từ Liên Xô và Trung Cộng, và tất cả những gì không phù hợp với đường lối này thì đều bị phê phán là lạc hậu, phản động, bị cấm đoán và tiêu hủy; các nhân vật văn hóa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam đều bị miệt thị nặng nề. Ngay bài “Bình Ngô Ðại Cáo” của Nguyễn Trãi khi in lại trong cuốn Lịch Sử Việt Nam cũng bị Trường Chinh và Tố Hữu gạch bỏ một câu vì không phù hợp thế giới quan của đảng Cộng Sản. Họ không cần những gì dân tộc Việt Nam hãnh diện là những “thành tựu” của mình về văn hóa, họ chỉ cần những gì phù hợp với đảng Cộng Sản để xây dựng một thế giới khác theo trí tưởng tượng (bệnh hoạn) của họ. Và đó là thảm họa cho văn hóa nước Việt Nam của chúng ta.

Nói cách khác, các nền văn học “không cộng sản” không được phép có mặt trong một đất nước bị thống trị bởi đảng Cộng sản. Sau tháng 4 năm 75, Văn Học Miền Nam giai đoạn 54-75 hoàn toàn bị loại ra khỏi sinh hoạt văn học của cả nước. Với sự vắng mặt của Văn Học Miền Nam từ sau 1975, văn học miền Bắc trong cùng giai đoạn, còn được gọi là văn học “Cách mạng,” đương nhiên lên ngôi chính thống, trở thành dòng văn học trung tâm của cả nước.

Không có đối tượng để so sánh, cái tư thế múa gậy vườn hoang dễ đưa đến tâm lý vô địch, và cái mặc cảm tự tôn này lâu ngày trở thành một thứ tâm lý chung, được chấp nhận một cách tự nhiên bởi phần đông những người làm văn học “chính thống” trong nước. Với họ, Văn học Việt Nam đồng nghĩa với hoặc có xuất xứ từ nền văn học “Cách mạng” của miền Bắc. Trên thực tế, sự nhập nhằng trong cách sử dụng các cụm từ “Văn học Cách mạng” (tức là Văn học miền Bắc) và “Văn học Việt nam” của đa số tác giả thuộc giới phê bình văn học chính thống trong nước là một dấu hiệu của tâm lý kể trên.

Những điều như thế không thoát khỏi sự lưu ý của các người cầm bút gốc gác miền Nam hiện đang sinh sống trong nước hoặc Hải ngoại. Trong thời gian gần đây, tôi nghe được hai cụm từ thú vị từ hai người bạn văn để diễn tả cái “hội chứng” này, “Dĩ Bắc vi trung (tâm)” và từ thứ hai, một cách rắc rối hơn, “Bắc kỳ Chủ nghĩa.”

Xung đột của những thế giới bịa đặt

Chính sách nhằm hủy diệt các thành tựu văn hóa, văn học “không Cộng sản” ở miền Nam không phải chỉ bắt đầu sau tháng 4/75. Ngay từ những năm 50, nhà cầm quyền Hà nội đã phát động nhiều chiến dịch nhằm bôi nhọ văn học miền Nam, trong đó có việc phân vùng văn học với những tên gọi đầy ác ý. Về lâu về dài, những tên gọi này trở nên quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong cả nước, gây ảnh hưởng tiêu cực lên cách nhìn của giới cầm bút nội địa, ngay cả những người có cảm tình và thiện chí với nền văn học miền Nam.

Trao đổi giữa nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Hoàng Hưng của văn đoàn Độc Lập gần đây là một thí dụ điển hình. Vào khoảng tháng 7 năm 2014, nhà thơ Hoàng Hưng đại diện văn đoàn Độc lập trong nước gởi điện thư mời nhà văn Nhật Tiến (và một số các ngòi bút của Văn Học Miền Nam ở hải ngoại) tham gia một tiết mục mới có tên “Văn học Đô thị Miền Nam 1954-1975.” Hoàn toàn dị ứng với cụm từ “Văn học Đô thị Miền Nam,” nhà văn Nhật Tiến đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Trích điện thư của nhà văn Nhật Tiến:

Cái từ ngữ “Văn Học Đô Thị Miền Nam” khiến tôi không khỏi nhớ đến guồng máy tuyên truyền của miền Bắc ở vào thời kỳ cuộc chiến VN chưa chấm dứt. Họ đã gọi các sinh hoạt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là “ trên các tỉnh và Đô thị Miền Nam”, với ý nghĩa là “bọn Mỹ Ngụy chỉ co cụm trong các thành phố và không thể lui tới các các Nông thôn ở miền Nam, vì tất cả đã đồng loạt nổi dậy và đã đứng dưới ngọn cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”.

Qua cái từ ngữ được quý anh sử dụng “Văn Học Đô thị Miền Nam”, chúng tôi như đã bị đánh thức dậy bởi cái mùi vị khinh bỉ, miệt thị, kể cả những hận thù do chính rất nhiều thành phần có tính cách văn hóa đến từ miền Bắc mang lại… (9)

Không muốn đổ dầu vào lửa, nhưng thật tình mà nói, cụm từ “Văn học Đô thị Miền Nam” không có một hậu ý tử tế nào hết. Cho đến gần đây, trường Đại học Đà lạt vẫn còn tuyển sinh cho một khóa học mang tên “Văn học đô thị miền Nam” với phần tài liệu học tập gồm đến 9 cuốn trong danh sách “Đả ngụy thập lục thư,” 16 cuốn sách đấu đá Văn Học Miền Nam dữ dội nhất. Một vài cuốn tiêu biểu:
Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy – nhiều tác giả, NXB Văn hóa Hà Nội
Nọc độc văn học thực dân mới Mỹ – Trần Trọng Đăng Đàn, NXB TP. HCM
Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam – Lữ Phương, NXB Văn hóa, Hà Nội
Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng – Nhiều tác giả, NXB Văn hóa, Hà Nội

Cách phân vùng văn học mang tính thù nghịch, đầy ác ý của nhà cầm quyền Cộng sản không chỉ phổ cập trong nước mà còn được xuất khẩu qua trung gian một số trí thức thiên tả ở các trường Đại học trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ. Xin giới thiệu cùng quý vị bài viết bằng tiếng Anh “The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction” của nhà thơ, học giả Nguyễn Bá Chung trên đặc san Manoa Journal số 14 của trường Đại học Hawaii, ấn hành năm 2002. Học giả Nguyễn Bá Chung là một trong những người điều hành trung tâm William Joiner thuộc viện Đại Học Massachusetts ở Boston, một tổ chức có ảnh hưởng lớn trong giới hàn lâm Mỹ, đặc biệt về các khía cạnh văn học liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Bài viết nói trên của ông đã được Ban biên tập Da Màu dịch và phổ biến dưới cái tựa “Đường Về Diệu Vợi: Tha Hương, Tự Kiểm và Tái Thiết” (10) để bạn đọc tiện đường tham khảo.

Dưới đây là một vài trích đoạn trong tiểu mục “Xung đột của các thế giới và thế giới quan” của tác giả Nguyễn Bá Chung mà tôi cho rằng có khả năng giải thích phản ứng của nhà văn Nhật Tiến như ở trên:

Tại làm sao văn chương của miền Nam Việt Nam chỉ phản ánh suy tư và quan tâm của chỉ 20% dân số — những người sống an toàn trong đô thị, cách ly những bom những pháo và những đe dọa thường xuyên của lằn đạn réo? Sài gòn và nhiều thành thị khác của miền Nam vào thời điểm đó [trước 1975] giống như những hòn đảo thanh bình và tiện nghi trong một biển lửa mà chúng [những hòn đảo] ngoảnh mặt làm ngơ.

Được bảo vệ bởi lực lượng quân sự Hoa Kỳ và nuôi sống bởi viện trợ hào phóng của Mỹ, những thành phố này mang dáng dấp của những tô giới thượng lưu trong vùng đất nghèo khổ của những đất nước kém mở mang. Phần lớn văn giới thành phố chỉ quan tâm đến những vấn đề thích hợp với một xứ sở không chiến tranh, hoặc ít nhất, không phải chiến đấu cho sự sống còn của mình. Không giống như đồng bào của họ ở thôn quê, sinh mạng của những nhà văn nghệ sĩ này chưa bao giờ bị đe dọa. …

Trong nhiều phương diện, tác giả thành thị bị sập bẫy bởi một lịch sử không do chính họ lựa chọn: họ không thể toàn tâm ủng hộ những người tuyên bố đang chiến đấu nhân danh họ [chính quyền Sài Gòn] hoặc họ hoàn toàn cách ly với [chính quyền Sài Gòn]. Họ cũng không thể rời bỏ sự an toàn của đô thị để tham gia lực lượng du kích trong rừng, mà cũng không thể thẳng thừng chối bỏ và lên án những người vào bưng chiến đấu bởi vì không một ai có thể phủ nhận được nhiệt tình, cống hiến, và hy sinh của phía bên kia hay sự đồi trụy của phe họ! …

Xin lưu ý cách tác giả gán ghép những giá trị thấp kém cho “văn giới thành phố,” cách dàn dựng các thế giới nông thôn và thành thị với những phẩm chất đối nhau chan chát giữa các thế giới bịa đặt này: nhiệt tình, cống hiến, hy sinh của một bên so với đồi trụy, thậm chí hèn nhát của phía bên kia! Chỉ còn thiếu mỗi từ “phản động!”

Không chỉ có hậu ý chính trị, tôi tin rằng cụm từ Đô thị trong “Văn Học Đô Thị Miền Nam” còn được dùng để đặt nền văn học này vào một vị trí thứ yếu so với nền văn học Cách mạng của miền Bắc. Bằng cách đóng khung địa bàn hoạt động của Văn Học Miền Nam vào bên trong ranh giới các thành phố, họ muốn biến nó trở thành dị dạng, teo tóp như mảnh da lừa của Balzac! Trong khi đó, văn học miền Bắc cùng thời kỳ được mô tả như là một khối văn học Cách mạng nguyên vẹn cộng thêm các mảng văn học vệ tinh ở phía Nam, văn học Giải phóng và văn học yêu nước ở Đô thị miền Nam. Một bản đồ văn học sử vẽ theo cách sắp đặt không mấy lương thiện này nhất định sẽ cho thấy vị trí áp đảo của VH cách mạng, tức Văn Học miền Bắc so với Văn Học Miền Nam.

Xin nói thêm là văn đoàn Độc Lập sau đó đã phản ứng một cách tích cực, hai chữ “Đô thị” trong mục “Văn học Đô thị miền Nam” được gỡ bỏ để chính thức trở thành “Văn học miền Nam 1954-1975” trên trang mạng của văn đoàn này. Đây là một điều đáng khích lệ, nhưng một con én khó làm thành mùa Xuân. Ảnh hưởng tiêu cực của chính sách bôi nhọ Văn Học Miền Nam của nhà nước CS, cho đến nay, vẫn xuất hiện nhan nhản trong các sinh hoạt văn hóa và giáo dục trong nước.

Không có chỗ cho Tự do học thuật

Trong vòng mươi năm trở lại đây, có một số thay đổi nhỏ trong cái nhìn của giới làm văn học trong nước, đặc biệt về những thành tựu trong lãnh vực dịch thuật và phê bình nghiên cứu của văn học miền Nam. Trích dẫn dưới đây từ bài viết “Dấu ấn phê bình văn học phương Tây trong văn học sử miền Nam giai đoạn 1954 – 1975” (11) của Lý Hoài Thu và Hoàng Cẩm Giang thuộc viện Văn học Việt Nam cho thấy một cái nhìn tuy khái quát nhưng khá chính xác về nền văn học nhân bản của miền Nam:

… văn học miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hoà… lại đào sâu vào hình ảnh con người tự do cá nhân… đồng thời đã tiếp xúc với những trường phái mới mẻ nhất của văn học Tây Âu như trường phái Tiểu thuyết mới, Phê bình mới, Hiện sinh chủ nghĩa…

Mặt tiêu cực, tuy vậy, vẫn còn hiện diện hầu như ở khắp mọi nơi. Cho đến nay, đa số sinh viên đại học/cao học vẫn tiếp tục áp dụng cụm từ “Văn học Đô thị” và cách phân vùng văn học bất lợi cho miền Nam trong các luận văn tốt nghiệp của mình. Gần đây, một bộ sách gồm hàng ngàn trang có tựa “Văn học Việt nam nơi miền đất mới” đã cố tình nêu sai tên/bút hiệu của một số tác giả tiêu biểu của miền Nam bên cạnh các sai lầm đáng nghi ngờ khác mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh đã chỉ ra trong bài viết “Văn học miền Nam qua một bộ ‘văn học sử’ trong nước” (12). Nói chung, tiếng nói của những người có thiện cảm với Văn Học Miền Nam vẫn chưa đủ mạnh để khiến cán cân dư luận nghiêng về phía họ.

Về phía chính quyền Cộng sản, trong khi không còn công khai “đuổi tận giết tuyệt” tác giả và tác phẩm của miền Nam như trước, vẫn có những động thái cho phép chúng ta hoài nghi động cơ của những thay đổi trong cung cách đối xử của họ với Văn Học Miền Nam. Có nhiều phần là chúng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu chính trị theo từng giai đoạn của nhà cầm quyền. Một trong những sự kiện văn học gần đây, được biết đến dưới cái tên “luận văn Nhã Thuyên” cho thấy họ vẫn chưa thật sự thay đổi chính sách văn hóa hà khắc của mình. Xin trích và rút gọn vài đoạn từ bài viết “Nhân ‘Trường hợp Võ Phiến’ nhìn lại sự kiện ‘Luận văn Nhã Thuyên’” (13) của tác giả đã đăng trên tạp chí Da Màu:

Một cách ngắn gọn, câu chuyện bắt đầu với loạt bài của Chu Giang Nguyễn văn Lưu trên báo Văn Nghệ TP HCM cuối tháng 5/2013 nhằm lên án luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" (14) của Đỗ thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên và chuỗi tiểu luận “Những tiếng nói ngầm” (15)đăng trên tạp chí Da Màu của cô. Luận điệu truy chụp của Chu Giang nhắm vào Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng (gồm Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán), bắt đầu với cái tựa "Một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối," được nhanh chóng phụ họa bởi các bài viết khác trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, và hàng loạt những cái loa tuyên truyền khác của nhà cầm quyền. Vào đầu tháng 11 năm 2013, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ khoa học ngữ văn của Nhã Thuyên và buộc Phó Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn thị Bình, người đỡ đầu cho bản luận văn phải về hưu non.

Theo tôi, ban tuyên giáo và các quan chức văn hóa giáo dục của nhà nước đứng trong hậu trường đã thắng lớn trong vụ này. Bằng cách trừng phạt thầy trò Nhã Thuyên, họ đã gởi ra một tín hiệu không thể lầm lẫn về những hậu quả nghiêm trọng mà những kẻ toan tính “xé rào” sẽ phải gánh chịu. Hành động mang tính răn đe, dọa dẫm này xem ra vô cùng hiệu quả, và nạn nhân, bên cạnh Nhã Thuyên và phó giáo sư Nguyễn Thị Bình còn có các cây bút của văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Văn chương miền Nam giai đoạn 54-75, qua những tên tuổi như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… trong vài năm sau này đã được xuất hiện trong một số những luận văn hậu đại học của sinh viên khoa văn trong nước. Sau vụ “luận văn Nhã Thuyên” việc lựa chọn tác phẩm của các cây bút từng “có vấn đề” của Văn Học Miền Nam thời kỳ 54-75 làm đề tài trở thành một hành động mạo hiểm và dính líu đến quá nhiều người để có cơ may trót lọt. Trong một tình thế như vậy, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, hoặc một nhà văn cung đình nào đó là một lựa chọn thông minh và an toàn.

Để loại bỏ các tác giả, tác phẩm, và trào lưu văn học đại diện cho những giá trị ngược lại với văn học “cách mạng,” nhà cầm quyền đã không ngần ngại chà đạp lên các quyền căn bản nhất của ngành giáo dục, trong đó có “tự do học thuật.”

Nội dung chính trị sai lầm

Đã có một số các sáng tác văn học của miền Nam giai đoạn 1954-1975 được phép đến với độc giả trong nước qua hệ thống xuất bản dưới sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Những tác phẩm này đều phải trả một cái giá nhất định, đó là chấp nhận đánh mất sự toàn vẹn của tác phẩm khi cho phép đứa con tinh thần của mình trải qua quá trình “kiểm duyệt.”

Nói đến kiểm duyệt thì không thể không nhắc đến một vài sự cố náo nhiệt gần đây có liên quan trực tiếp đến việc xuất bản sách ở VN. Nổi bật là vụ Thomas Bass, tác giả của The Spy who Loved Us, một cuốn sách về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người hùng của chế độ Cộng sản. Phải mất đến gần 5 năm trời, cuốn sách nhằm đánh bóng Phạm Xuân Ẩn mới qua lọt được cửa ải “biên tập” để ra mắt độc giả Việt Nam với đầy dẫy thương tích, ngay cả cái tựa cũng bị đổi thành Điệp viên Z21. Kẻ thù Tuyệt vời của Nước Mỹ trong khi đúng ra phải dịch là Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn. Cũng chính trong quá trình biên tập dài dằng dặc này, Thomas Bass đã thu thập khá đầy đủ tài liệu để lột trần bộ mặt thật của hệ thống kiểm duyệt/tự kiểm duyệt trong nước qua loạt bài phóng sự điều tra “Swamp of the assassins” (16) với giọng văn tinh quái nhưng đầy thuyết phục của ông. Bài viết được chuyển ngữ và đăng trên mạng Pro&Contra của nhà văn Phạm Thị Hoài gần đây.

Ngoài ra, mạng Pro&Contra còn đi xa hơn, thiết lập một bảng đối chiếu (17) giữa bản dịch không cắt xén và bản được “biên tập” bởi các biên tập viên trong nước. Từ bảng đối chiếu, chúng ta có thể phân biêt giữa biên tập mang tính học thuật/chuyên môn và kiểm duyệt chính trị. Phần biên tập thật ra không có gì đáng than phiền. Những tranh cãi về sự chính xác giữa các từ ngữ “khí tài/quân cụ,” “chiến tranh qui ước/chiến tranh thông thường,” v.v… là điều bình thường trong quá trình làm tốt hơn một dịch phẩm. Vấn đề nằm ở chỗ “nội dung chính trị sai lầm” của những phần bị sửa đổi hoặc cắt bỏ, vốn chiếm hơn 80% tổng số. Nếu định nghĩa của “nội dung chính trị sai lầm” là tất cả những gì không có lợi cho Cộng sản, chế độ kiểm duyệt của Cộng sản được dựng lên là để bảo đảm “nội dung chính trị sai lầm” không bao giờ được lọt vào mắt người đọc. Và trong khi guồng máy kiểm duyệt nằm sờ sờ ra đó, nhà cầm quyền, một cách khôi hài, luôn tìm cách phủ nhận sự hiện diện của hệ thống này.

Trong bài viết của Thomas Bass nhắc đến ở trên, ông có nói đến luật xuất bản trong nước như sau:

Ông Long gửi kèm cho tôi Luật Xuất bản của Việt Nam dày khoảng 22 trang, trong đó có Điều 5.2 quả thật qui định rất rõ ràng và bình dị thế này: “Nhà nước không kiểm duyệt các tác phẩm trước khi xuất bản.” Phần còn lại của luật thì lại dành để qui định ngược với Điều 5.2 vừa nói, ví dụ như liệt kê những thứ bị cấm trong hoạt động xuất bản.


“Về mặt luật pháp, ở Việt Nam không có kiểm duyệt,” ông Long tiếp tục, “nhưng các giám đốc, các tổng biên tập các nhà xuất bản đôi khi được yêu cầu phải loại những chỗ nhạy cảm hoặc thậm chí họ rụt rè đến mức không dám xuất bản (như trường hợp của chúng ta đây). Hành động kiểu đó chúng tôi gọi là tự-kiểm-duyệt, và đây chính là nút thắt rắc rối nhất của ngành xuất bản tại Việt Nam.”

Như vậy, quyền sinh sát nằm trong tay công an văn hóa nhưng công việc “tùng xẻo” tác phẩm thì chính tác giả hoặc các biên tập viên chuyên nghiệp của nhà xuất bản phải đảm nhiệm. Tuy vậy, ngay cả một dàn biên tập viên kinh nghiệm, mẫn cán nhất cũng không thể bảo đảm một cuốn sách được biên tập cẩn thận, được cấp giấy phép, được in ra và bày bán ở các hiệu sách KHÔNG bị tịch thu vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng sau đó vì bỗng nhiên công an văn hóa cảm thấy cuốn sách trở nên “có vấn đề.”

Một cuốn sách ngoại ngữ nhằm ca tụng một người hùng của chế độ mà còn phải trải qua những truân chuyên như thế, việc những tác phẩm của Văn Học Miền Nam và cả Văn Học Hải ngoại được lọt lưới kiểm duyệt mà không bị trầy trụa gì hết là chuyện khó thể xảy ra.

Có thể nói, hệ thống kiểm duyệt/tự diểm duyệt hiện hành ở Việt Nam là một trong những chướng ngại lớn nhất trên đường về lại quê hương của Văn Học Miền Nam theo ngả “chính thống.”

Văn Học Miền Nam là một di sản, tất cả những gì chứa đựng trong đó đến từ quá khứ và cần được giữ nguyên trạng bởi vì chúng thể hiện tri thức, tư duy, tình cảm, phong cách diễn đạt của người viết trong một khung không gian và một khung thời gian nhất định. Bên cạnh giá trị văn chương, chúng còn mang giá trị lịch sử. Bằng cách thay đổi nguyên bản, ngay cả chỉ là những tiểu tiết, có thể gây nên những thiệt hại không nhỏ cho việc tiếp nhận và đánh giá tác phẩm bởi độc giả và các nhà nghiên cứu văn học. Càng có nhiều tác phẩm xuất bản trong nước qua hệ thống kiểm duyệt nêu trên, khả năng các tác phẩm mà “nội dung chính trị sai lầm” đã được lọc bỏ này được sử dụng như là tài liệu chính thức cho mục tiêu phê bình/nghiên cứu càng lớn thêm. Lý do khá đơn giản: các tác phẩm đã bị kiểm duyệt này được phát tán rộng rãi trong nước, được lưu trữ tại các thư viện trung ương và địa phương, và do đó, có thể được xem là bản chính thức, tin cậy được. Nguy cơ Văn Học Miền Nam được đánh giá dựa trên các tác phẩm bị đẽo gọt theo tiêu chí của nhà cầm quyền Cộng sản trở nên thật hơn bao giờ hết.

“Về hay không về” theo ngả “chính thống,” trong trường hợp này, có thể là một câu hỏi không dễ trả lời!

Về một bản đồ văn học

Xin nói thêm một điều trước khi chấm dứt bài nói chuyện.

Trong cuộc trao đổi giữa nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Hoàng Hưng về danh xưng “Văn học Đô thị miền Nam” mà tôi nhắc đến trước đây, nhà thơ Hoàng Hưng có băn khoăn về vị trí của giòng “văn nghệ ở rừng” (tức là “mảnh văn học Giải phóng miền Nam” theo cách gọi của nhà cầm quyền Cộng sản) trong toàn cảnh văn học ở miền Nam. Ở phần phản hồi, nhà văn Nhật Tiến lý luận rằng ngay cả Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng chỉ là công cụ của Cộng sản Bắc Việt, và “sự kiện này đã chứng tỏ rằng trên mọi phương diện dù là văn hóa hay giáo dục, quân sự hay chính trị, và có xuất xứ từ những con bài do chính họ đẻ ra, khi cần, tất cả cũng vẫn bị sổ toẹt. Như thế, làm gì có một thứ văn học trung thực ở vùng MTGPMN, cần phải được gìn giữ.” (9)

Sự phủ nhận rất dứt khoát, rất mãnh liệt cái mảnh văn học “ở rừng” và “không trung thực” này của nhà văn Nhật Tiến khiến tôi khâm phục nhưng đồng thời… băn khoăn. Bởi vì tôi không cảm thấy yên tâm phán xét công trình văn học của bất cứ cá nhân hay tập thể nào dựa trên những tiêu chí chính trị đối nghịch. Đây chính là điều mà người Cộng sản đã áp dụng để xua đuổi Văn Học Miền Nam ra khỏi biên giới đất nước trong quá khứ và tiếp tục cho đến bây giờ.

Không biết quý vị nghĩ sao, riêng tôi thường nghĩ về Văn Học Miền Nam 54-75 như là một thực thể văn học bao gồm tất cả những gì bị nhà cầm quyền Cộng sản chối bỏ, xua đuổi, thậm chí tìm mọi cách để hủy diệt. Nghĩ cho cùng, những điều bị chối bỏ này chính là những giá trị đáng ganh tị của Văn Học Miền Nam, không phải hay sao?

Tuy nhiên, tôi không chắc lắm là Văn Học Miền Nam 1954-1975 KHÔNG bao gồm những gì được người Cộng sản tiếp nhận. Nền văn học này sinh ra và lớn lên dựa trên những giá trị tự do, nhân bản mà chúng ta trân trọng. Ở vào thời vàng son của nó, Văn Học Miền Nam đã có đủ tự tin và bao dung để chứa chấp không chỉ Võ Phiến mà còn cả Vũ Hạnh!

Vâng, Võ Phiến và Vũ Hạnh.

Xin cám ơn tất cả.




Phùng Nguyễn 
12.07.2014

Ghi Chú:

(1) Lê Đình Nhất Lang: Tiệm cho thuê sách của gia đình - Tạp chí mạng Da Màu 
(2) Nhiều Tác giả: Văn Hóa Văn Nghệ Miền Nam dưới Chế Độ Mỹ Ngụy - Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội Việt Nam 1977
(3) Phùng Nguyễn: Đôi Điều Về Những Hoạt Động Văn Học Của Tuổi Trẻ Hải Ngoại Trên "Liên Mạng” – Tạp chí Văn Học số 120 tháng tư 1996 
(4) Tủ sách talawas: Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975 – Diễn đàn mạng talawas 
(5) Trần Doãn Nho: Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo – tạp chí mạng Da Màu 
(6) Ban Biên Tập tạp chí Da Màu: Chuyên đề “Nguyễn Xuân Hoàng, Trong và Ngoài Văn chương” – tạp chí mạng Da Màu 
(7) Nguyễn Hưng Quốc: Về Văn Học Miền Nam 1954-1975 – Blog Nguyễn Hưng Quốc – VOA 
(8) Phạm Phú Minh: Ðặt lại giá trị văn học miền Nam 1954-1975 trong lịch sử văn học Việt Nam – tạp chí mạng Tiền Vệ 
(9) Nhật Tiến: Có hay không một nền văn học đô thị miền Nam – mạng Quê Nội 
(10) Nguyễn Bá Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction. Manoa Journal – Volume 14, Number 1, 2002 - 
Bản dich Việt ngữ của Ban biên tập Da Màu (2007) 
Đọc giả có thể đọc thêm bài phản biện ‘Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung”’ của tác giả trên mạng Da Màu: http://damau.org/archives/2168
(11) Lý Hoài Thu và Hoàng Cẩm Giang: Dấu ấn phê bình văn học phương Tây trong văn học sử miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 – mạng Viện Văn Học Việt Nam. 
(12) Nguyễn Vy Khanh: Văn học miền Nam qua một bộ ‘văn học sử’ trong nước – mạng Văn Chương Việt 
(13) Phùng Nguyễn: Nhân ‘Trường hợp Võ Phiến’ nhìn lại sự kiện ‘Luận văn Nhã Thuyên’ – tạp chí mạng Da Màu 
(14) Nhã Thuyên: Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa – Thư viện online Kệ Sách eBook 
(15) Nhã Thuyên: Những tiếng nói ngầm – tạp chí mạng Da Màu 
(16) Thomas Bass: Swamp of the assassins – Diễn đàn mạng Pro & Contra 
(17) Pro&Contra: Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn ‘Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ’ của Thomas A. Bass – Diễn đàn mạng Pro & Contra 




Cách mạng ebook

Phùng Nguyễn
18.04.2011




Bắt đầu với một bài phỏng vấn đăng trên talawas vào cuối năm 2009, sự cố Thơ Đến Từ Đâu (TĐTĐ), như một trái bóng tuyết, lăn xuống sườn dốc nền văn học phân hóa của Việt Nam, sưu tập tiếng ồn trên đường lăn, đường kính và trọng lượng của trái bóng tăng trưởng theo cấp số nhân và gây thương tích cho không ít các tác giả hải ngoại có tác phẩm in và phát hành tại Việt Nam. Có người cho rằng toàn bộ sự kiện chỉ là một cơn bão trong chén trà, nhưng người viết bài này thì tin rằng câu chuyện không nhất thiết chỉ đơn giản như thế. Thơ Đến Từ Đâu, theo tôi, là giọt nước làm tràn ly, làm tràn cái “chén đắng” của người làm văn học hải ngoại.



Ngay từ những bước đầu gian nan, nền văn học này đã bị/được dán cho nhãn hiệu “Cánh tay nối dài” của văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 bất kể những chuyển động, khai phá, làm mới hoàn toàn độc lập với nền văn học trong giai đoạn chiến tranh trước đó ở miền Nam. Đánh giá này đặc biệt được ưa thích trong giới cầm chịch nền văn học nội địa bởi vì họ có thể, một cách thiếu lương thiện, gán cho nó những thuộc tính tiêu cực (được là vua, thua là giặc) khi cần thiết phải so sánh với nền văn học “chính thống” trong nước. Ngay cả khi được ai đó giao phó trách nhiệm nghiên cứu nền văn học này, kết quả cũng vô cùng phiến dện bởi vì “công trình” nghiên cứu được thực hiện “chỉ với mớ kiến thức đến từ một thu lượm bắt đầu và chấm dứt ở một thời điểm nào đó giữa một lục cá nguyệt” như tôi đã đề cập trong bài tiểu luận “Khi kẻ đồng lõa là nhà văn” trên mạng Hội Luận.



Cách nhìn này cũng được một số trí thức Âu Mỹ, với mục tiêu nghiên cứu chính yếu là “chiến tranh Việt Nam” thay vì “văn chương Việt Nam,” chia sẻ và áp dụng trong việc chọn lọc tác phẩm cho các chương trình giới thiệu văn học chiến tranh, điển hình là nhóm William Joiner Center (WJC) do Kevin Bowen lãnh đạo. Trong “Danh mục sách dịch sang tiếng Anh” ở vietnamlit.org, toàn bộ tác phẩm gồm văn xuôi và thơ do nhóm này thực hiện là của các tác giả sống trong nước và hầu hết là quan chức lớn nhỏ của hội nhà văn Việt Nam, một hội đoàn nằm dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của nhà nước cộng sản Việt Nam. Xin lưu ý là nhóm WJC có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi học đường gồm các hệ thống đại học Mỹ mà còn với một số cơ quan truyền thông như National Public Radio (NPR) và Public Broadcast Service (PBS) của Hoa Kỳ trong lãnh vực giới thiệu lịch sử chiến tranh và văn chương chiến tranh Việt Nam với khán thính giả Anh ngữ. Chỉ riêng điều này cũng đủ để đưa tác giả Việt Nam hải ngoại vào một vị trí vô cùng bất lợi so với đồng nghiệp “lề phải” của họ tại Việt Nam. Bên cạnh những gian truân, những cay đắng đã trải qua trong công cuộc xây dựng một nền văn học lưu vong từ con số không, những ứng xử vừa kể chỉ có thể làm đầy thêm cái chén đắng mà người viết hải ngoại sẽ phải uống cạn vào một lúc nào đó trong đời mình.



Bị cấm đoán hoặc làm ngơ, văn học Việt Nam hải ngoại chỉ có thể được đón nhận công khai bởi chính cái tập thể từ đó nó mọc ra: độc giả Việt Nam hải ngoại, và số độc giả này thì rất giới hạn về số lượng so với trong nước và có nguy cơ suy giảm cùng với thời gian, nhất là khi tiếng Việt trở thành thứ yếu đối với các thế hệ di dân tương lai. Ngay từ giữa những năm 90, giới làm văn học hải ngoại đã lên tiếng báo nguy về sự “lão hóa” của văn học Hải ngoại. Trong tạp chí Văn học số 153-154, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã phân tích về khả năng này trong tiểu luận “Tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn học.” Sáng tác và biên khảo từ những cây bút năng nổ nhất của hải ngoại cũng bắt đầu thưa đi từ thời điểm này. Có vẻ như số phận nền văn học của người Việt lưu vong đã được phong kín: tàn lụi cùng với thế hệ di dân đầu tiên!



*



Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm này, một số diễn biến mới đã lần hồi giúp làm giảm đi nỗi lo ngại về sự lão hóa hay ngay cả cái chết của văn học Việt Nam Hải ngoại: “Đổi mới” ở Việt Nam và thương mại hóa Internet ở bình diện thế giới. Tuy vậy, không phải tất cả những cống hiến cho niềm hy vọng về sự trường tồn của văn học Hải ngoại từ hai sự kiện trên đều có cùng giá trị. Sự thật cho thấy Đổi mới, đặc biệt trong lãnh vực văn chương văn hóa, ở Việt nam chỉ đưa đến những cái bánh vẽ về một nền văn học Việt nam “không biên giới” hơn là những tiến bộ thật sự. Sự kiện “Thơ đến từ đâu,” nằm chông chênh giữa ước muốn chia sẻ tâm tư của tác giả ngoài nước và việc thực hiện nghị quyết 36 của nhà cầm quyền trong nước, giúp cho thấy biên giới “trong ngoài” trong đời sống và trong văn chương sẽ tiếp tục tồn tại cùng với sự vắng mặt của quyền tự do phát biểu tư tưởng của người viết, ở bên này và bên kia biên giới lãnh thổ của đất nước.



Trong khi đó, Internet, đặc biệt khi được chính thức phổ cập hóa/thương mại hóa vào năm 1997, giúp xóa bỏ dần những biên giới địa lý, nới rộng lãnh thổ văn chương của người Việt hải ngoại, gia tăng lượng người đọc, làm giảm đi nỗi lo bị tàn lụi và quên lãng mà chỉ mấy năm trước đó đã là một ám ảnh không nguôi của các tác giả lưu vong. Bắt đầu dưới dạng mail list khiêm nhường, tạp chí văn học điện tử “Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng” (VHNTLM) ấn hành số đầu tiên vào tháng bảy năm 1995 từ sáng kiến của nhà văn Phạm Chi Lan đánh dấu điểm xuất phát của nền văn học điện tử Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước. Áp dụng định nghĩa mà nhà lý luận Nguyễn Hưng Quốc sử dụng trong Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa (1), VHNTLM là tạp chí văn chương “số” đầu tiên của Việt nam bởi vì nội dung gồm những sáng tác mới ra lò và xuất hiện trước hết trên Internet. Sau đó không lâu, ấn bản điện tử của các tạp chí định kỳ “cổ điển” (bản in giấy) lần lượt xuất hiện trên Internet, bắt đầu với Thế Kỷ 21 (Lê Đình Điểu), Văn Học (Nguyễn Mộng Giác), Văn (Nguyễn Xuân Hoàng), Hợp Lưu (Khánh Trường), và Việt (Nguyễn Hưng Quốc). Đây là thời kỳ đầu của văn chương “số hóa,” cũng theo định nghĩa của Nguyễn Hưng Quốc trong sách đã dẫn, trong đó tác phẩm in được chuyển sang dạng số (digitalized) để có thể đọc được trên Internet. Hiện tượng này xảy ra đúng như mong mỏi của người viết trong tiểu luận “Đôi điều về những sinh hoạt văn học của tuổi trẻ Hải ngoại trên liên mạng” đăng trên tạp chí Văn Học và VHNTLM vào năm 1997.



Đã có những tiến bộ nhảy vọt trong phát triển của văn học mạng Việt Nam trong những năm về sau, trước hết ở Hải ngoại và sau đó tại nội địa. Hiện nay, những địa chỉ quen thuộc nhất của bạn đọc văn chương trên liên mạng đang là tienve, damau, talawas (đã đình bản), vanchuongviet, gio-o, Diễn đàn Thế kỷ và một số diễn đàn văn chương khác. Ở hải ngoại, Diễn Đàn Thế Kỷ (hậu thân của tạp chí Thế Kỷ 21) do nhà văn Phạm Xuân Đài phụ trách là một quay lưng dứt khoát với hình thức cổ điển để bước vào không gian văn chương số. Trong khi đó, ở nội địa, trang mạng Văn chương Việt của Nguyễn Hòa và thân hữu đã có những bước phát triển nhảy vọt về lượng và phẩm, đặc biệt đóng góp của tác giả hải ngoại ngày càng xuất hiện khá nhiều và đều đặn trong thời gian gần đây. Không giống như việc ấn hành lại một số tác phẩm chọn lọc từ bản in của một tạp chí định kỳ, ở các tụ điểm văn học online này, người đọc có cơ hội thưởng thức những sáng tác, biên khảo mới nhất của các tác giả đã thành danh hoặc mới xuất hiện, cả trong lẫn ngoài nước. Đó là chưa kể đến việc các tác phẩm của ngoại quốc cũng được thường xuyên giới thiệu, chủ yếu trên tienve và damau.

*

Song song với những phát triển trong lãnh vực phổ biến/cập nhật nội dung văn học online là những hoạt động nhằm chuyển sách in qua dạng điện tử và phổ biến chúng trên hệ thống Internet. Trong số các nỗ lực giới thiệu tác phẩm của các ngòi bút thuộc dòng văn học miền Nam Việt Nam (VHMNVN) trước 1975 và văn học hải ngoại sau 1975, phải kể đến Tủ sách TalawasThư viện Trên Kệ Sách. Tủ sách điện tử talawas, gồm nhiều tác phẩm tiêu biểu/quan trọng của các tác giả thuộc nền VHMNVN 54-75, cho phép bạn đọc đọc trực tiếp khi nối mạng, hoặc có thể in ra để xem dần. Trên Kệ Sách là một thư viện điện tử khá tân tiến, bên cạnh việc đọc trực tiếp tác phẩm trong dạng iPaper với hình thức trình bày giống như sách in, có thể tải xuống máy trong dạng PDF để in ra hoặc xem trên máy vi tính. Cho đến gần đây, đã có khoảng 120 tác phẩm được phổ biến trên mạng này, bao gồm nhiều thể loại và có sự góp mặt của nhiều tác giả tăm tiếng ở hải ngoại.

Trong “sự kiện” TĐTĐ, “Nên hay không nên xuất bản sách trong nước” của Nguyễn Hưng Quốc là một trong số những bài viết hiếm hoi tôi đã đọc một cách thích thú, đặc biệt ở những phân tích chính xác tâm lý của tác giả hải ngoại về về ước mơ/nguyện vọng chính đáng được chia sẻ tư duy/cảm xúc của mình cùng đồng bào trong nước. Tuy vậy, trong khi hoàn toàn đồng ý trên nguyên tắc với phát biểu “Internet là con đường giao lưu hữu hiệu nhất giữa trong và ngoài nước,” tôi nghĩ rằng còn có nhiều việc phải làm để đưa nhận định này vào hiện thực, đặc biệt để giải quyết những vấn đề gai góc cộm lên từ sự kiện TĐTĐ và những sự kiện tương tự.

Trong bài viết đã dẫn, Nguyễn Hưng Quốc trích đặc phái viên BBC Chính Vỹ về việc “Rất nhiều tiểu luận, bản dịch xuất hiện trên Thơ, Hợp Lưu, Việt… [đặc biệt bài viết, sách của Nguyễn Hưng Quốc] đã được photocopy nhiều lần, và một ít trong số đó đã trở thành tài liệu giảng dạy trong các trường đại học” để kết luận rằng tác giả hải ngoại không cần phải in sách trong nước mà vẫn có thể đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc ở Việt Nam. Theo tôi, điều này không nhất thiết áp dụng được cho tất cả tác giả hải ngoại bởi vì không phải ai cũng được bạn đọc trong nước hăng hái tìm đọc và chuyền nhau bản photocopy! Những số liệu về tình hình truy cập của thư viện Trên Kệ Sách cho thấy ngoại trừ các tiểu thuyết dữ kiện như Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch của nhà văn Ngô Thế Vinh hay các bộ sử của sử gia Tạ Chí Đại Trường, số lượng sách thuộc các thể loại khác được tìm đọc và tải xuống không nhiều lắm. Điều này không có nghĩa là các thể loại này, chủ yếu là sáng tác, kém giá trị mà có thể chỉ vì chúng không phải là mục tiêu của những công trình nghiên cứu học thuật của sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. Cùng với tủ sách talawas, Trên Kệ Sách thường chỉ được “tìm đến” khi cần thiết cho nhu cầu biên khảo nhiều hơn là thưởng thức văn chương. Không có gì sai với điều này, bởi vì các thư khố online này và các cơ sở tương tự trong nhiều năm qua đã phục vụ tốt bạn đọc ở vị trí của một trung tâm qui chiếu và bảo quản văn học ở qui mô nhỏ. Nhưng để đi xa hơn nữa trong việc đưa tác phẩm đến “tận tay” bạn đọc thì các cơ sở này chưa hội đủ điều kiện.

Cái “chưa đủ” trong lập luận của Nguyễn Hưng Quốc chính là quan niệm “người đọc phải tìm đến tác phẩm” mà tác giả đã mang vào bài viết của mình. Trên thực tế, đặc biệt thực tế của văn học hải ngoại, chính là tác phẩm phải tìm đến người đọc, cách này hay cách khác. Cho nên Nguyễn Thị Hoàng Bắc phải hứng chịu búa rìu dư luận chỉ vì muốn thổi (thoảng) một cơn gió trên quê hương [thôi mà!]. Lẽ ra người ta không nên nặng nhẹ Nguyễn Thị Hoàng Bắc và những Nguyễn Thị Hoàng Bắc, bởi vì không có ai cho họ một chọn lựa nào khác hơn cái quyền KHÔNG [nên/được] xuất bản tác phẩm của mình trong nước. Vì sao?

Internet trong thời gian qua không nhất thiết đã thực hiện được điều mà đa số tác giả hải ngoại kỳ vọng: mang sách của họ đến với độc giả trong nước, vốn trên nguyên tắc phải nhiều gấp bội số độc giả hải ngoại nếu dựa trên tỷ lệ dân số. Quý tác giả có tác phẩm tham gia chương trình Trên Kệ Sách chẳng hạn, thường không biết có bao nhiêu độc giả trong và ngoài nước thật sự đọc một cách trọn vẹn công trình của mình. Họ rất hiếm khi nhận được hồi đáp từ bạn đọc. Ngoài ra, việc sách được phổ biến miễn phí có thể đưa đến cách đánh giá hời hợt, sai lầm về giá trị của tác phẩm, đến từ chính việc không phải tốn tiền mua sách. Cái cảm giác về chuyện “tặng không” đứa con tinh thần của mình cho đời mà vẫn không được “đời” đón nhận một cách nồng hậu nhất định không ngọt ngào tí nào đối với bất cứ ai!

Ở vị trí của độc giả trong nước, đọc một tác phẩm dài hơi trên máy vi tính không phải là điều có thể thực hiện bất cứ lúc nào cũng được. Hệ thống nối mạng thường là không ổn định lắm, việc truy cập không nhất thiết là dễ dàng. Đó là chưa kể đến nạn tường lửa, nạn tin tặc! Nếu được phép tải sách xuống máy thì cũng không tiện lợi lắm vì hoặc là vẫn phải đọc trên máy vi tính, hoặc phải in ra để đọc dần. Nhưng quan trọng hơn hết, một độc giả bình thường trong nước có thể không có đủ thông tin về văn học hải ngoại và các tác giả thuộc nền văn học bị cấm đoán này. Không biết thì không tìm đọc, ngay cả khi tác phẩm đang ở trong dạng… tình cho không, biếu không trên Internet! Đó là chưa nói đến tâm lý hoài nghi giá trị văn học của những tác phẩm “miễn phí” trên mạng mà người viết đề cập ở trên.

Một trong những phó sản không đáng hoan nghênh của các thể chế tự do dân chủ mà tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại thừa hưởng là nạn lạm phát. Ở lãnh vực văn chương, đó là nạn lạm phát tác giả và tác phẩm bởi vì ở đây người ta có quyền tự do in ấn, xuất bản sách của mình mà không phải qua một hệ thống sàng lọc nào hết. Ngoài ra, bởi vì đội ngũ phê bình văn học hải ngoại không được dồi dào nếu không muốn nói là thiếu thốn, sinh hoạt đọc/điểm/phê bình sách tuy có nhưng phần lớn tập trung vào tác phẩm của một số các tác giả quen thuộc với độc giả hoặc quen biết với người điểm sách. Như là một hệ quả, không ai biết đã có bao nhiêu sách kém/thiếu chất lượng trong tổng lượng sách phát hành tại hải ngoại! Niềm hoài nghi của bạn đọc đối với sách miễn phí trên Internet, do đó, không phải là không có cơ sở.

Cơ chế xuất bản và phát hành trong nước thì hoàn toàn ngược lại, tác giả không thể đưa tác phẩm của mình đến với công chúng thưởng ngoạn một cách trực tiếp. Phải có ít nhất một cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm biên tập, in ấn, và phát hành. Trong khi ai cũng biết những qui định nghiêm ngặt này chủ yếu nhắm vào mục tiêu kiểm soát/kiểm duyệt nội dung của tác phẩm, và do đó ảnh hưởng trầm trọng và thường là một cách tiêu cực lên cách đánh giá nội dung văn chương, điều này đã, ít nhất ở bề mặt, tạo cho người đọc cái cảm giác là tác phẩm đã trải qua một quy trình sàng lọc nhất định, và vì vậy, giá trị của tác phẩm có thể tin cậy được. Đó là chưa kể đến việc người đọc phải bỏ tiền túi để mua sách, chi tiết này chỉ có thể đóng góp thêm giá trị cho cuốn sách được chọn mua. Cũng có thể chính điều này, không nhiều thì ít, ảnh hưởng lên tâm lý tác giả hải ngoại bởi vì thù lao từ tác quyền, tuy không nhiều và không hề là lý do chính cho việc in sách trong nước, giúp tạo cảm giác là công sức của họ được ghi nhận qua việc người đọc phải trả giá để thưởng thức tác phẩm của họ.

Từ những điều trên, có thể hiểu được tại sao đối với một số các tác giả hải ngoại hệ thống in ấn và phát hành trong nước là con đường duy nhất hoặc chí ít, công hiệu nhất, để đưa tác phẩm của họ đến với đa số độc giả nội địa. Tất nhiên đây không phải là một chọn lựa tối ưu bởi vì nhiều khi họ phải chấp nhận một số thỏa hiệp ngụy trang dưới cái tên hiền lành “biên tập” để đứa con tinh thần của họ có cơ hội xuất hiện trên văn đàn quốc nội. Và hậu quả là những tranh luận huyên náo kiểu TĐTĐ, trong đó, một cách vô cùng lạc đề, trọng tâm của thảo luận không phải là giá trị tự thân của tác phẩm mà là… phẩm cách của [các] tác giả! Những “tranh luận” kiểu này, mà tôi cho là vô bổ, đã xảy ra hơn một lần và chắc chắn sẽ tiếp tục trừ phi xuất hiện một giải pháp có thể đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tác giả và trong cùng một lúc không để những đứa con tinh thần của họ bị khống chế/làm què quặt bởi hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền trong nước. Không dễ dàng gì để thỏa mãn cùng một lúc cả hai yêu cầu chính đáng và khẩn thiết này!

Cũng may mà chúng ta sống trong thời điểm của mạng hóa (webinization), của văn chương số và văn chương số hóa. Không những thế, chúng ta đang ở vào giai đoạn bước-qua-dậy-thì của một cuộc cách mạng ngoạn mục nhất nhì trong lịch sử nhân loại, cuộc cách mạng có khả năng đẩy lùi cuộc cách mạng in ấn đầu tiên vào vị trí thứ yếu chỉ trong một vài thập niên trước mắt: cách mạng ebook (the ebook revolution).

*

Ebook là một từ được sử dụng rộng rãi để chỉ sách báo văn kiện trong dạng số (digitized). Toàn bộ tác phẩm ấn hành trong chương trình Trên Kệ Sách có thể được xem là ebook bởi vì chúng nằm trong định nghĩa này. Tuy nhiên, ebook mà bài viết này nhắm tới thuộc về một thể loại mới, sở hữu ít nhất hai thuộc tính quan trọng: khả năng thay thế sách in một cách toàn diện trong việc đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả và hơn thế nữa, khả năng đáp ứng những yêu cầu mới của nền văn chương số và số hóa (digital & digitalized).

Cùng với sự phát triển đến chóng mặt của Internet là những chương trình ứng dụng, đặc biệt trong lãnh vực thông tin. Điện thoại di động chẳng hạn, bắt đầu như là một thiết bị tiện lợi thay thế hệ thống điện thoại cổ điển với đám dây nhợ lôi thôi, cùng với những phát kiến và ứng dụng mới, ngày càng thông minh hơn và có khả năng thay thế máy vi tính ở nhiều lãnh vực. Song song với diễn biến này là sự xuất hiện của những máy đọc ebook từ những cơ sở thương mại nổi tiếng như Amazon (Kindle), Barnes & Noble (Nook), Sony (Reader)… và nhanh chóng lan qua lãnh vực phần mềm ứng dụng (app/application) dành cho điện thoại thông minh/smartphone và tablets (iPhone, iPad, Google Android Xoom & Galaxy Tab, Blackberry Playbook, và còn nhiều nữa…). Ebook reader hoặc “máy đọc,” cụm từ được người viết sử dụng từ điểm này trong bài để chỉ các thiết bị điện tử hoặc chương trình điện toán ứng dụng đề cập ở trên, có những lợi thế rõ rệt so với cung cách đọc “cổ điển” hoặc “truyền thống” dành cho sách in, nhờ vào tiến bộ kỹ thuật ở nhiều lãnh vực cùng với việc kiện toàn hệ thống phân phối sản phẩm. Có thể kể ra một số những lợi điểm vượt hẳn sách in như dưới đây:

· Thư viện bỏ túi: Mỗi máy đọc là một thư viện bỏ túi và do đó di động, có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuốn sách được sắp xếp/lưu trữ một cách thứ tự, vô cùng tiện lợi cho việc truy cập.

· Ngay lập tức: Sách được phân phối ngay đến tài khoản của bạn đọc sau khi hoàn tất dịch vụ mua trên hệ thống/kênh phân phối online.

· Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu: Sau khi sách được gởi đến hoặc được tải xuống máy đọc, người đọc có thể đọc sách bất cứ lúc nào bất kể máy đọc có đang nối mạng (online) hay không (offline). Nếu người đọc sở hữu nhiều máy đọc khác nhau, sách trong cùng tài khoản có thể đọc được từ tất cả các máy đọc này.

· Tiện nghi hơn đọc sách in: Hầu hết các máy đọc đều kèm theo những tiện ích mà sách in không thể nào so sánh được, thí dụ như nhớ giúp người đọc trang cuối cùng (ngay cả khi dùng các máy đọc khác nhau nhưng nhập vào cùng một tài khoản), đổi font chữ lớn nhỏ tùy thích, “nhảy” ngay đến chương hoặc trang chọn lựa, tìm (search) bất cứ cụm từ nào trong sách đang đọc, đọc vào ban đêm mà không cần đến đèn đuốc, v.v…

Cùng với những tiện nghi kể trên, máy đọc ebook đưa khái niệm liên văn bản (hypertext) vào thực tế “đọc” một cách trực tiếp và ngay tức khắc, điều mà sách in hoàn toàn bất lực. Hypertext là “loại văn bản phi tuyến tính, liên văn bản, đa tâm, bất định và bất liên tục, nặng tính chất tương tác cũng như tính chất trình diễn” (Nguyễn Hưng Quốc, sđd). Ebook, khi được nối mạng (online), cho phép nhảy đến các điểm nối kết (link) trong bài. Tính trình diễn được thể hiện với không chỉ ngôn ngữ mà còn với âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, và với ebook, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng. Một cách ngắn gọn, ebook, xuyên qua máy đọc, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đọc và phổ cập hóa các tác phẩm thuộc nền văn chương số.

Những tiện nghi kể trên giúp gia tăng số lượng độc giả và sách xuất bản/ấn hành trong dạng ebook một cách vô cùng nhanh chóng. Trong Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa, dựa trên số liệu về ebook cho năm 2004 của tạp chí Business Week, Nguyễn Hưng Quốc đã tiên đoán tương lai của ebook ở đoạn văn dưới đây:

Ngày trước, nói đến sách, người ta liên tưởng ngay đến giấy. Bây giờ có sách điện tử (ebook). Đã đành trên phạm vi thế giới, sách điện tử chưa thực phổ biến và chưa phải là một đe doạ đối với sách in theo kiểu truyền thống. Nhưng nên nhớ là tuổi tác của sách điện tử còn quá nhỏ. Để trở thành phổ biến, sách in cần đến mấy trăm năm. Sách điện tử, ngược lại, chỉ mới manh nha. Mới manh nha nhưng nó lại đầy tiềm lực, và do đó, đầy tương lai: Nó được nuôi dưỡng, trước hết, trong lãnh vực giáo dục, nơi đào luyện các thế hệ người đọc sắp tới. Cứ thử vào thư mục trên mạng của các thư viện đại học mà xem: số lượng sách điện tử càng ngày càng nhiều. Tại Úc, người ta đang chuẩn bị phát hành các loại sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học đến trung học, dưới hình thức sách điện tử để trẻ em khỏi phải mang những túi xách nặng trĩu sách vào lớp học. Cuộc cách mạng giáo dục mà chính phủ Lao Động tại Úc hiện đang hô hào có một nội dung rất cụ thể: mỗi học sinh một chiếc máy vi tính cầm tay (laptop). Cả ngày các em tìm và đọc tài liệu, viết bài, trao đổi thư từ với bạn bè và thầy cô giáo, thậm chí, chơi game trên máy vi tính. Việc các em ấy, sau này, thích đọc sách điện tử hơn sách in là điều có thể đoán được. Nhìn các em bây giờ, do đó, có thể mường tượng hình ảnh sinh hoạt văn học trong vài thập niên tới.

Điều Nguyễn Hưng Quốc tiên đoán chắc chắn sẽ xảy ra. Có điều, có lẽ không cần đến vài thập niên! Và điều “Chưa phải là mối đe dọa…” vào năm 2004 đã là “Đã là…” vào đầu năm 2011. Gần đây Amazon công bố số liệu(07/2010) về sự kiện ebook vượt qua sách in (02/2011) về tổng số sách do công ty này bán được (2). Một tin khác, cũng rất đáng được quan tâm, công ty phát hành sách Borders vừa khai phá sản (02/2011), và một trong những lý do chính được nhật báo Wall Street Journal chỉ ra một cách chính xác như dưới đây:

[Borders đã] thất bại trong việc vun xới một hiện hữu đầy ý nghĩa trên liên mạng hoặc trong lãnh vực ngày càng phổ cập của ebook, đặc biệt vào thời điểm mà những tiệm sách đồ sộ không còn thu hút được sự lưu tâm của xu hướng văn hóa đại chúng nữa! (3)

Những thay đổi lớn trong xu hướng văn hóa đại chúng (broad cultural trend) có dính líu đến kỹ thuật thường phát khởi từ và tiếp nhận trước hết bởi giới trẻ. Tuy vậy, những số liệu thống kê về độ tuổi của những người sở hữu máy đọc Kindle của Amazon làm đảo lộn dự đoán thông thường của đa số về khả năng tiếp thu nền văn hóa đọc mới của giới trung niên và lão thành. Theo biểu đồ dưới đây, thành phần đông đảo nhất (75.7%) gồm những người trên 34 tuổi. Có nhiều cách giải thích hiên tượng này, nhưng theo người viết, lý do quan trọng nhất vẫn là những dễ dàng và tiện lợi trong việc khiển dụng máy đọc, bất kể là thiết bị điện tử (Kindle, Nook…) hoặc phần mềm ứng dụng cài đặt trên tablet hoặc điện thoại thông minh các loại. Điều này đã giúp tháo gỡ cái rào cản gồm những yêu cầu tối thiểu về kiến thức và thao tác kỹ thuật mà không ít những người lớn tuổi khó vượt qua. Có thể nói, bên cạnh hệ thống phân phối ebook đầy hiệu năng, “dễ dàng và tiện lợi” trong việc sử dụng máy đọc là yếu tố quan trọng nhất trong việc ”mang ebook đến tận tay bạn đọc” mà người viết nhắc đến nhiều lần ở trên. Cái đám đông mù chữ số mà Nguyễn Hưng Quốc nói đến trong sách đã dẫn có lẽ sẽ không nhiều lắm chính vì cái yếu tố dễ dàng và tiện lợi này. Nếu phải mù chữ số, nguyên nhân nhiều phần sẽ là do chọn lựa hơn là do thiếu khả năng hội nhập.



Thanh niên (18-34) – 22% 
Trung niên (35-54) – 38.4% 
Cao niên (over 54) – 37.3%


Nguồn: Kindle Demographics 



Những diễn biến và số liệu nêu trên cho thấy cuộc cách mạng non trẻ ebook mang tính khẩn trương, toàn diện, và toàn cầu. Độc giả và tác giả khắp nơi đều nằm trong tầm ảnh hưởng của nó, cách này hay cách khác. Tất nhiên là người ta có thể chọn đứng ngoài hoặc ngay cả chống đối nhưng không thể từ chối sự hiện hữu của cuộc cách mạng này, đơn giản bởi vì không thể chống lại một điều không hề xảy ra! Lý do phổ biến nhất để không phải tham gia cách mạng ebook sẽ/vẫn là “cái cảm giác không thể thay thế/tước bỏ được của việc nâng niu, ôm ấp cuốn sách in ngát hương giấy mới…” Đó là chưa kể đến xác hoa ti gôn héo khô nằm e ấp giữa hai trang sách, dấu son môi nhạt nhòa của khung trời ngày cũ, giọt nước mắt một lần nhỏ xuống trang giấy (và sẽ không bao giờ bốc hơi) từ cuộc tình ngang trái, vân vân và vân vân… Người viết không hề có ý định tranh cãi về những điều như thế cũng như sẽ không tranh cãi về một điều tương tự: lửa. Một cách thận trọng, có thể cho rằng lửa được loài người khám phá và học cách chế ngự hơn nửa triệu năm về trước, nhưng điều này không hề ngăn cấm món cá sống (sushi) của Nhật tiếp tục là một trong những thực đơn ưa thích của nền ẩm thực thế giới!

Thay vào đó, thử bàn về cuộc cách mạng ebook và nền văn học tiếng Việt, trong đó có phần đóng góp quan trọng của tác giả/tác phẩm ở bên ngoài đất nước.

*

Tôi cho rằng thay vì tránh né hay trì hoãn, giới làm văn học hải ngoại cần thiết phải rút ra những nội hàm quan trọng từ cuộc cách mạng này, và áp dụng những lợi thế của ebook để phá bỏ những rào cản cuối cùng trong việc mang tác phẩm của mình đến với bạn đọc tiếng Việt trên toàn thế giới, đặc biệt đến người đọc trong nước. Công cuộc này, nếu thực hiện tốt, sẽ không chỉ chấm dứt những tranh luận vô bổ nhắm vào cá nhân người viết thay vì giá trị tự thân của tác phẩm mà còn giúp khai quang con đường đưa đến nền văn hóa đọc mới cho giới thưởng ngoạn văn học Việt ngữ nói chung.

Một nền văn hóa đọc, cổ điển hay hiện đại, có những yêu cầu đặc thù của nó. Văn hóa đọc mới cần có tác phẩm trong dạng/hình thức mới, tức dạng số hoặc số hóa, cần một hay nhiều hệ thống/kênh phân phối đến người đọc, và sau hết, cần có người đọc. Những điều kiện này được thỏa mãn bởi cuộc cách mạng ebook, dù đang ở giai đoạn phát triển, như đã trình bày ở trên. Có thể nói các sách in ấn hành bởi các nhà xuất bản tăm tiếng trên thế giới trong thời gian gần đây thường đi kèm với ít nhất một ấn bản trong dạng ebook. Những cơ sở phát hành ebook mọc ra ngày càng nhiều hơn, trong đó các trung tâm hàng đầu gồm có Amazon, Google Books, Barnes and Noble, Apple iTune (iBooks), và một số các trung tâm “tự phát hành” như Smashwords.com… Ở yêu cầu thứ ba, độc giả, số lượng người đọc ebook gia tăng hàng ngày, và nhất định sẽ nhanh chóng thay thế phần hao hụt ở số lượng độc giả “cổ điển” trong những năm tháng sắp tới. Một trong những yếu tố thúc đẩy việc gia tăng số lượng độc giả ebook một cách vô cùng nhanh chóng (và chưa được người viết đề cập đến) là ebook làm giàu thêm kinh nghiệm đọc của độc giả thay vì buộc họ phải chọn lựa giữa nó và sách in. Sự thật là tất cả độc giả ebook cũng là độc giả sách in, và trong số họ, tôi không tin là đã có nhiều người liệng bỏ tủ sách chọn lọc của mình. Nếu một ngày nào đó vai trò sách in trở nên thứ yếu, chính là vì nó không có khả năng đáp ứng những yêu cầu của một nền văn chương mới, văn chương số và số hóa.

Những sự kiện nêu trên, tuy vậy, dựa trên những phát triển mới nhất trong lãnh vực sách báo Âu Mỹ, chủ yếu là sách báo Anh ngữ, thứ ngôn ngữ mạnh hàng đầu thế giới. Liệu cuộc cách mạng ebook sẽ có những ảnh hưởng đáng kể nào lên một ngôn ngữ yếu kém như tiếng Việt, đặc biệt văn chương Việt ngữ, trong đó có văn chương hải ngoại?

Để đọc tác phẩm số/số hóa với sự dễ dàng và tiện lợi vượt xa sách in, chúng ta cần đến máy đọc. Các thiết bị điện tử này không phải rẻ tiền, nghĩa là không phải độc giả nào, đặc biệt độc giả trong nước, cũng có khả năng mua sắm được. Tuy vậy, theo một báo cáo tìm thấy trên trang mạng Vietnam Financial Review của bộ tài chánh Việt Nam trong tháng 8, 2010, số lượng khách hàng điện thoại thông minh tăng 15% hàng năm. Các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng sản xuất điện thoại di động quốc tế cũng ghi nhận khuynh hướng này ở Việt Nam và các nước láng giềng. Như vậy chỉ còn là vấn đề thời gian để khả năng hòa nhập nền văn hóa đọc mới trở nên phổ cập hơn ở Việt Nam (4).

Thứ đến, để mang ebook đến “tận tay” người đọc, cần đến khả năng in ấn và phát hành. Khâu in ấn không phải là điều khó thực hiện, và không những thế, rất ít tốn kém. Đây là một lợi thế của ebook mà sách in không thể nào so sánh được. Không cần đến những nhà máy in hiện đại và hàng tấn giấy đắt tiền, một ấn bản điện tử duy nhất của tác phẩm đủ để phân phối đến độc giả của nó ở khắp địa cầu. Tất nhiên là cần có một hay nhiều kênh phát hành ebook để thực hiện công việc phân phối tác phẩm một cách hữu hiệu như thế. Ở phần trên, người viết có nhắc đến Amazon, Google Books, Barnes and Noble, Apple iTune (iBooks), những cơ sở phát hành ebook lớn nhất nhì thế giới. Hiện tại (tháng 3, 2011), những trung tâm này, một cách đáng tiếc, không chính thức hỗ trợ tác phẩm viết bằng tiếng Việt chính vì vị trí nhược tiểu của Việt ngữ trên thị trường sách báo thế giới. Hiện nay các trung tâm này thường chỉ chấp nhận Anh ngữ và một nhúm các ngôn ngữ ở Âu châu như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… mà thôi. Bản thân người viết đã bỏ nhiều thì giờ, công sức, và ngay cả sử dụng chính tác phẩm của mình như là vật tế thần với hy vọng mang tác phẩm Việt ngữ đến với chương trình Kindle Direct Publishing (KDP) của Amazon nhưng tiếc đã không gặt hái được kết quả nào đáng kể. Cũng không thể trách Jeff Bezos, vị chủ tịch “lắm mồm và ồn ào nhất” của công ty Amazon, bởi vì ngay cả thứ ngôn ngữ sử dụng bởi 1.5 tỷ người Hoa cũng chưa được ông ta ngó ngàng đến.

Trở ngại đến từ vị trí yếu kém của Việt ngữ tuy có thể gây khó khăn cho công việc phát hành ebook nếu chỉ dựa vào các hệ thống phân phối lớn và gần như tuyệt hảo nói trên, không nhất thiết phải làm cho việc này trở nên bất khả. Vẫn còn có nhiều lựa chọn trong việc đưa ebook tiếng Việt đến tận tay bạn đọc. Chúng ta có thể sử dụng các trung tâm “tự phát hành” (Ebook self-publishing center) hoặc tự đảm nhiệm công việc này ở vị trí của một trung tâm xuất bản và phát hành ebook, hoặc kết hợp thực hiện cả hai điều trên cùng một lúc, điều mà người viết tin rằng nên và cần.

Bằng cách sử dụng các trung tâm “tự phát hành” uy tín trên Internet, chúng ta có thể lợi dụng hệ thống phân phối của họ để đưa sách đến tay bạn đọc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trung tâm tự phát hànhSmashwords.com chẳng hạn, bên cạnh khả năng quản lý hệ thống phát hành riêng của mình, còn giúp phân phối sách nằm trong “Premium Distribution List” (PDL) đến các “kênh” phân phối ebook quan trọng khác như Apple, Amazon, B&N, Diesel, Kobo, và Sony. Một điều người viết chưa rõ là các ebook Việt ngữ (bị từ chối nếu phát hành trực tiếp trên một số kênh phân phối nói trên) có được chấp nhận xuyên qua “Premium Distribution List” của Smashwords hay không. Trong mọi trường hợp, sử dụng các hệ thống tự phát hành cho phép ebook có nhiều cơ hội đến với một khối lượng độc giả đông đảo hơn và đồng thời tạo điều kiện cho việc xâm nhập các hệ thống ấn/phát hành ebook lớn nhất hành tinh.

Tự xuất bản và phát hành ebook tất nhiên sẽ đòi hỏi nhiều hơn tài nguyên và công sức của nhóm thực hiện. Tuy nhiên, một cơ sở xuất bản và phát hành ebook của người Việt hải ngoại sẽ vô cùng cần thiết trong giai đoạn này để không chỉ đáp ứng những yêu cầu của văn chương số/số hóa (văn hóa đọc mới) mà còn để giải quyết một số vấn nạn cơ bản vốn là nguyên nhân đưa đến những tranh cãi vô bổ, thừa sôi bỏng nhưng thiếu hòa nhã trong vụ TĐTĐ và các sự kiện tương tự …

Trước hết, một cơ sở in ấn và phát hành ebook ở hải ngoại sẽ giúp các tác giả giải quyết khâu kỹ thuật trong việc tạo/định dạng (format) và ấn hành tác phẩm theo yêu cầu dành cho ebook cũng như việc đưa tác phẩm vào các kênh phân phối đề cập ở trên. Cơ sở này đồng thời giúp giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà người đọc có thể gặp phải trong việc sử dụng máy đọc các loại. Ngoài ra, việc quản lý số lượng sách bán được và tiền thu nhập từ việc bán sách trên nhiều kênh phân phối cũng được đảm nhiệm bởi trung tâm này. Nói chung, ở nhiều khía cạnh, một cơ sở tự xuất bản khiêm nhường như vậy thật ra có thể đảm nhiệm các chức năng tương tự một hệ thống xuất bản và phát hành “cổ điển” có tầm cỡ.

Tuy vậy, tiến bộ kỹ thuật không thể giải quyết một số vấn nạn căn bản mà văn học hải ngoại phải đối diện, trong đó có việc thẩm định giá trị của tác phẩm sẽ được xuất bản và phát hành. Cuộc cách mạng ebook, với tất cả những ưu điểm của nó, thật ra không giúp gì được cho việc nâng cao chất lượng tác phẩm. Không những thế, với giá thành rẻ mạt cùng với những yêu cầu tối thiểu về kiến thức kỹ thuật liên quan đến việc ấn/phát hành ebook, nạn lạm phát “tác phẩm” và từ đó nạn lạm phát “nhà văn,” “nhà thơ” sẽ chỉ có thể tăng chứ không giảm. Trên thực tế, điều này đã xảy ra trên các hệ thống tự xuất bản mà người viết đề cập ở trên. Thử nhìn qua đại tác phẩm Bông Cỏ May của Le Hoang Truc với những lời [tự] giới thiệu người viết tạm dịch dưới đây:

Một tập hợp gần 200 bài thơ tiếng Việt của Le Hoang Truc, một trong các nhà thơ sáng tạo và có hiệu năng nhất trong nhiều thế kỷ vừa qua… Thơ hài hước của cô/bà [Le Hoang Truc] từng được so sánh với thơ của thi sĩ bất tử Hồ Xuân Hương.

Một tệ nạn khác, nạn xâm phạm tác quyền (copyright infringement), cũng có vẻ như đang trên đà phát triển. Tuyển tập 32 Truyện Ngắn Hay do Pham Lam Khai thực hiện gồm nhiều truyện ngắn “hay và đặc sắc” của các tác giả trong nước như Bảo Ninh, Chu Lai, v.v… và đề giá bán gần 10 đô la trên hệ thống tự phát hành Smashwords. Trừ phi sách được xuất bản với sự đồng ý của quý tác giả có tên trong tuyển tập, và trong trường hợp này người viết xin chân thành tạ lỗi cùng biên tập viên kiêm nhà xuất bản Pham Lam Khai, sự hiện diện của một tập hợp như vậy mang nhiều vết tích của một vụ ăn cắp hầu như công khai tài sản trí tuệ mà các tác giả liên hệ cần lưu tâm (và chấp nhận nợ người viết một chầu café!).

Ở vị trí một cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại, những hiện tượng tiêu cực như thế có thể tránh được với việc thành lập một ban tuyển đọc tin cậy bao gồm các nhà phê bình, lý luận, và các tác giả uy tín để thẩm định, chọn lọc, và giới thiệu các tác phẩm sẽ được ấn/phát hành trong dạng ebook. Bằng cách thực hiện tốt phần tuyển đọc, người viết tin rằng cơ sở xuất bản ebook hải ngoại sẽ nhanh chóng xác lập vị trí quan yếu và vô cùng hữu ích của nó không những cho người viết ở hải ngoại mà cả trong nước nữa, đặc biệt cho các tác giả không muốn dựa dẫm vào hệ thống xuất bản “lề phải.” Thêm vào đó, nhờ ở vị trí độc lập độc đáo của ban tuyển đọc, điều mà tất cả các biên tập viên của tất cả các nhà xuất bản nội địa chỉ có thể mơ ước, tác phẩm gởi đến của cơ sở xuất bản này chắc chắn sẽ không bị phân biệt đối xử bởi những tiêu chí ngoài văn chương, đặc biệt là chính kiến! Để tránh những xâm phạm tác quyền công khai hay lén lút, cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại có thể giúp tác giả trong việc xác lập và bảo vệ tác quyền của mình trong các ấn bản khác nhau (ebook hoặc sách in) bằng cách áp dụng một ISBN (International Standard Book Number) riêng biệt cho mỗi ấn bản. Sau hết, cho các thực khách trung thành của món shushi văn chương, sách in theo yêu cầu (Print On Demand hoặc POD) có thể được thực hiện bằng cách hợp tác với các cơ sở in ấn có thiện chí. Thư Ấn Quán, do nhà văn Trần Hoài Thư trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ in theo yêu cầu này và trong nhiều năm qua đã có những đóng góp lớn lao và đầy ý nghĩa trong việc phục hồi và bảo tồn một số tác phẩm thuộc nền VHMNVN 54-75.

*

Trở lại với vấn nạn TĐTĐ. Thơ NÊN đến từ… ebook! Ebook, như đã trình bày, là một giải pháp không chỉ khả thi mà còn vượt trội những lựa chọn hạn hẹp mà tác giả hải ngoại đang có: nên hay không nên in sách trong nước (với nhiều phiền toái và khả năng phải thỏa hiệp)! Với ebook, tác giả có thể mang sách của mình đến tận tay bạn đọc trong nước mà không phải thỏa hiệp với hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền. Ebook đưa nhận định “Internet là con đường giao lưu hữu hiệu nhất giữa trong và ngoài nước” của Nguyễn Hưng Quốc từ lý thuyết vào thực tế, và giúp chấm dứt những tranh luận vô bổ nhắm vào phẩm cách tác giả như đã xảy ra trong vụ TĐTĐ. Không những thế, ebook còn có khả năng sửa sai các tác phẩm đã bị làm thành dị dạng bởi lưỡi kéo kiểm duyệt trước đây bằng cách cho ấn hành nguyên bản trong dạng ebook, cho phép bạn đọc có cơ hội so sánh và tự rút ra những kết luận về tác hại của kiểm duyệt lên đời sống văn hóa của chính họ và của đất nước. Và khả năng này không chỉ áp dụng riêng cho tác giả ở hải ngoại mà cả tác giả trong nước nữa. Một điều quan trọng mà tác giả trong nước cần lưu ý là vấn đề tác quyền. Trong mọi trường hợp, chỉ nên hợp đồng bản quyền sách in khi xuất bản và giữ lại cho mình tác quyền trọn vẹn ở các định dạng khác, kể cả và nhất là ebook. Như vậy, tác giả có thể chọn xuất bản cùng một cuốn sách trong dạng ebook không cắt xén, không “biên tập” chừng nào tác giả chấp nhận chịu trách nhiệm về những điều mình viết xuống (kể cả việc bị công an văn hóa sách nhiễu).

*

Với tất cả những dễ dàng và thuận tiện trong việc ấn/phát hành ebook, một số thức giả nghĩ xa trông rộng có thể đưa ra mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của các cơ sở xuất bản trong nước, đặc biệt những cơ sở quốc doanh với số ngân khoản không giới hạn có thể làm giảm hay ngay cả triệt tiêu sự quan yếu của một cơ sở ấn/phát hành ebook hải ngoại và biến những nỗ lực xây dựng một cơ sở như thế trở nên vô nghĩa. Đây là một quan ngại hợp lý, và một hay nhiều cơ sở ấn/phát hành ebook quốc nội nhất định sẽ xuất hiện, sớm hay muộn (4). Câu trả lời của người viết là không những không nên lo ngại mà còn nên cầu mong cho các cơ sở này xuất hiện càng sớm và càng nhiều!

Đã có ít nhất một cơ sở xuất bản trong nước cất những bước “e ấp” vào lãnh thổ ebook (5), và điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Vào khoảng tháng 10 năm 2010, Nhã Nam ấn hành 4 ebook trên hệ thống Smashwords, và tất cả đều là sách dịch được số hóa từ dạng cổ điển (sách in) ấn hành bởi chính nhà xuất bản này trước đó. Tại sao toàn sách dịch? Có thể bởi vì sách dịch được ưa thích hơn các thể loại khác. Có thể bởi vì các tác giả là người ngoại quốc và qua đời đã lâu (không nên làm phiền người chết!). Cũng có thể đây là một phương án tốt để thăm dò khả năng của thị trường ebook phôi thai ở Việt Nam, nhưng người viết e rằng mục tiêu thăm dò không chỉ dừng lại ở đó. Bất kể vùng vẫy ở môi trường nào, dưới “đất” hay trên” siêu không gian,” các cơ sở xuất bản nội địa không thể nào thoát khỏi mạng lưới kiểm duyệt tinh vi và hiệu quả của nhà cầm quyền. Để kiểm soát những gì được phát hành, bất kể là sách in hoặc ebook, nhà cầm quyền chỉ cần khống chế những người chịu trách nhiệm các cơ sở in ấn và phát hành, một việc vô cùng đơn giản và vô cùng dễ dàng đối với các thể chế toàn trị. Cho nên, Nhã Nam hay bất cứ cơ sở xuất bản nào khác sẽ không bao giờ có được toàn quyền quyết định trong việc giới thiệu đến công chúng thưởng ngoạn các tác phẩm toàn vẹn, phản ánh trung thực tư tưởng và chữ nghĩa của tác giả. Điều an toàn nhất cho Nhã Nam và các cơ sở xuất bản tương tự là in lại trong dạng ebook các sách đã được cấp phép (nghĩa là đã được “biên tập” bởi công an văn hóa)và phát hành trong dạng sách in trước đó. Chính là điều này chứng minh sự cần thiết không thể thay thế được của một cơ sở ấn/phát hành hải ngoại, nơi mưu đồ áp đặt các hàng rào phi văn chương, đặc biệt là chính kiến, của bất cứ thế lực nào sẽ không có cơ hội được thực hiện! Trong cùng một lúc, việc xuất hiện các cơ sở ấn/phát hành ebook trong nước sẽ có những đóng góp tích cực của nó, đặc biệt ở mặt phát triển số lượng độc giả ebook ở nội địa, một yêu cầu thiết yếu cho việc hòa nhập vào nền văn hóa đọc mới của thế giới nói chung và khả năng thưởng thức một cách thuận tiện các tác phẩm nằm ngoài hệ thống kiểm duyệt của nhà nước nói riêng. Cho nên, hãy cùng cầu mong điều này sớm xảy ra ở Việt Nam (5).

*

Như đã nhấn mạnh nhiều nơi trong bài viết, việc xây dựng một cơ sở ấn/phát hành ebook của giới làm văn học hải ngoại không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, và cần đến sự đóng góp của nhiều bàn tay. Vươn dậy từ hoang tàn đổ nát của cuộc chiến nồi da xáo thịt, những người viết ngoài nước, trong hơn ba thập kỷ lưu vong, xuyên qua kinh nghiệm ở tầm vóc thế giới mà họ thu thập được bằng cách học hỏi, thử nghiệm, sáng tạo, phê phán, và sàng lọc, đã cách này hay cách khác cống hiến cho một số những chuyển hướng quan trọng của văn học Việt Nam nói chung và văn học trong nước nói riêng.

Sống và làm việc trên các đất nước phát triển Âu Mỹ, người viết hải ngoại không chỉ chứng kiến mà còn cọ sát với những chuyển động mới nhất của cuộc cách mạng ebook hầu như mỗi ngày. Đây là những trải nghiệm mà đồng nghiệp của họ ở trong nước không dễ dàng gì có được. Ở vào giai đoạn non trẻ của cuộc cách mạng ebook, chính vào thời điểm này, giới làm văn học hải ngoại một lần nữa cần thiết phải nhận lấy vai trò tiên phong trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc mới cho nền văn học Việt ngữ, bắt đầu với việc xây dựng một cơ sở ấn/phát hành ebook cho chính mình.

Sẽ luôn luôn có những thử thách lớn chờ đợi người ở tuyến đầu, nhưng điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến. 


PN 04/2011



Ghi chú:
Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa, Nguyễn Hưng Quốc – Văn Mới, California, USA, 2010.
Tin mới nhất từ tạp chí kỹ thuật online Engadget cho thấy số lượng ebook bán ra tăng gấp ba lần hàng năm, và trong cùng một lúc, số lượng sách in sút giảm ở tất cả các thể loại chính:http://www.engadget.com/2011/04/15/e-book-sales-triple-year-over-year-paper-books-decline-in-every/
Borders’s finances crumbled amid declining interest in bricks-and-mortar booksellers, a broad cultural trend for which it offered no answers. The bookseller suffered a series of management gaffes, piled up unsustainable debts and failed to cultivate a meaningful presence on the Internet or in increasingly popular digital e-readers. Its online struggles proved critical as consumers became accustomed to getting books mailed to their doorsteps or downloaded to handheld electronic devices.
Trong lần về Việt Nam gần đây, người viết nhận thấy các loại “máy đọc” đề cập trong bài được bày bán trong các cửa hàng vi tính/điện tử ở các thành phố lớn. Tuy giá thành còn cao, điều này là một khích lệ cho việc du nhập và phát triển cách mạng ebook tại Việt Nam.
Khi bài này đang còn trong dạng chưa hoàn chỉnh, người viết nhận được tin là nhánh ebook của nhà sách Phương Nam trong nước đã bắt đầu hoạt động. Đây là một tin đáng khích lệ cho việc phổ cập hóa ebook ở nội địa.











Sách đã xuất bản






Tháp ký ức 


tập truyện
tạp chí Văn (USA) xuất bản -1998

















Đêm Oakland và những truyện khác



tập truyện
tạp chí Văn (USA) xuất bản - 2001





















Sáng tác tiêu biểu:









Truyện ngắn




















Chim gáy sau vườn



Phùng Nguyễn







Vào lúc chạng vạng tối, cô nghe tiếng con chim gáy cất lên sau vườn. Cô không lạ gì tiếng chim gáy. Ở làng cô, lũ chim làm tổ trên những cành mít cao nghệu, trong bụi tre gai um tùm, hay trên những tàng cây dúi rậm rạp. Cô có thể phân biệt được tiếng gáy là của một chàng cu ngói hay một chàng cu đất. Cu ngói với mớ lông ức màu gạch non, trông đẹp nhưng tiếng gáy thì kém phần quyến rũ so với đám cu đất mập mạp với bộ lông xám xịt. Thường thì lũ chim gáy lên tiếng vào buổi sáng hoặc buổi trưa, cô hiếm khi nghe chúng cất tiếng cúc cu vào giờ này. Hình như cũng chính con cu đất này đã lên tiếng vào đêm qua, lúc cô nằm trên chiếc chõng tre dỗ giấc ngủ.


Cô dụi bớt mớ củi khô đang cháy bừng bừng trong chiếc bếp lò. Những bọt nước sôi trào ra từ chiếc nồi cơm bằng đồng dính dầy muội than đen nhẻm, rơi vào lửa kêu xèo xèo. Một chút nữa nồi cơm gạo lức độn những hạt bắp xay nhỏ màu cam sẽ chín tới, và bữa ăn thanh đạm sẽ được dọn ra dưới ánh đèn dầu. Và cô sẽ ngồi ăn một mình, suy nghĩ vẩn vơ về những việc xảy ra trong ngày, về đám học trò lớp Nhì của cô, và có thể về ngày giỗ mẹ vào tháng tới. Cô dọn cơm ra vừa xong thì tiếng chim gáy lại cất lên từ bụi tre gai góc vườn. Tiếng chim vang lên trong buổi tối êm ả của làng quê như réo gọi làm cô thấy nao lòng. Tiếng chim gáy chợt im bặt, rồi có tiếng lạo xạo trên những chiếc lá tre khô ngoài sau vườn. Rồi tiếng chim gáy lại nổi lên, trầm buồn, dai dẵng. Bỗng dưng, một điều gì đó rất mơ hồ dậy lên trong lòng, cô cố nhớ ra mà không được. Một điều gì đã lâu lắm rồi, như một mơ ước đã phai tàn... Tiếng lạo xạo của đám lá tre khô lại vang lên. Một con heo nhà ai đi lạc chui vào vườn nhà cô phá phách? Hay tiếng chân người? Đúng là tiếng chân người rồi! Cô có thể nghe thấy tiếng chân nhẹ nhàng rón rén trên những chiếc lá khô, băng qua cái giàn nước có chiếc chum sành cô mới đổ đầy nước hôm qua, và hướng về phía cánh cửa nhà bếp làm bằng nẹp tre đan trét phân bò. Cô cảm thấy lo sợ. Thường thì bà con trong làng có việc đến tìm cô sẽ kêu ơi ới ngay từ ngoài cổng để cô yên tâm. Nhà của cô ở cuối làng, nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng bao bọc bởi hàng rào keo dầy bịt, và góc sau vườn tiếp giáp với khu vườn còn lớn hơn nữa của ông Cửu Nhường là bụi tre gai um tùm, phần gốc tua tủa rễ tre và hang hốc.
Tiếng chân dừng lại phía sau cánh cửa mỏng mảnh, rồi có tiếng gõ nhẹ vào cái nẹp tre và tiếng ai đó gọi tên cô. “Xuyến ơi!” “Ai đó?” Cô hỏi vọng ra, cố giữ giọng mình bình thản. “Xuyến ơi, anh Thuận đây mà. Mở cửa cho anh vào đi.” Anh Thuận? Cô bước đi gần như chạy đến phía cánh cửa, hai tay lúng túng tháo thanh tre gài, và cánh cửa cuối cùng mở ra một cách vất vả. Ngọn đèn dầu từ phía nhà bếp hắt ra một ánh sáng ảm đạm, yếu ớt lên thân hình người đàn ông cao ốm đang đứng trước mặt cô. Và cho dù anh có già đi, có hốc hác và tiều tụy vô cùng, cô vẫn nhận ra anh Thuận của cô! “Mới đó mà đã mười năm rồi Xuyến nhỉ!” anh Thuận lên tiếng.

Đúng vậy, đã mười năm trôi qua kể từ lúc anh Tấn và cô tiễn anh Thuận đi tập kết. Hôm đó cô nhất định đòi di theo mặc kệ anh Tấn cằn nhằn, chỗ đàn ông con trai bàn chuyện mà đi theo làm gì cho vướng! Cô còn nhớ khu tập trung của mấy anh là một khu vườn mít mênh mông bên kia sông. Mấy anh hoặc đang đu đưa trên mấy chiếc võng giăng ngang dọc trong khu vườn, hoặc đang tụm năm tụm ba trò chuyện. Vào lúc sập tối, họ sẽ bước xuống chiếc ghe bầu to lớn đang chờ dưới bến sông và sẽ được đưa đến một nơi gọi là Sa Huỳnh. Từ đó, họ sẽ xuống tàu thủy ra Bắc. Cô đi theo hai anh của mình, cố giữ một khoảng cách vừa đủ để không làm gián đoạn câu chuyện của họ. Cả hai đang nói chuyện hăng lắm, cô nghe loáng thoáng những từ nghe đã quen tai nhưng không hiểu rõ cho lắm. Tổng tuyển cử, hòa bình, thực dân, đế quốc, chủ nghĩa, phản bội, trung thành, vân vân

... Khi những người khác lục tục xuống thuyền, cô đến gần anh Thuận để nói mấy lời chia tay. Cô bé mười lăm tuổi chẳng nói năng gì được. Cô đứng chết trân nhìn ông anh nuôi thương mến. Anh Thuận đến trước mặt cô đưa tay vuốt mái tóc “bôm bê” của cô và nói nhỏ, “Hai năm nữa gặp lại nghe cô bé!” Cô thấy anh Thuận cười dịu dàng với cô rồi quay đi. Cô nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng không khóc thành tiếng. Hai năm thì cũng đâu có lâu la gì, lúc đó cô đã nghĩ như vậy.

Tối hôm nay cô không ngồi ăn một mình như mọi hôm. Có thêm một đôi đũa, một cái chén trên bàn. Và trước mặt cô là anh Thuận, người mà cô đã rơi nước mắt tiễn đưa ở một bến sông mười năm về trước. Anh Thuận với cây đàn ghi ta loang lổ nước sơn trong những đêm trăng kháng chiến. Anh Thuận với tiếng cười khoái trá chiếu bí anh Tấn trong những ván cờ gay go. Anh Thuận và con cu đất mới ra ràng cho bé Xuyến, “ráng nuôi cho nó lớn nó gáy cho mà nghe!” Bây giờ thì cô đã nhớ ra, anh Thuận có lần giả giọng chim gáy thật giống khi cô than phiền con chim anh cho cô nuôi hoài mà chẳng chịu gáy giếc gì hết! Cô còn nhớ rõ cái cảm giác sung sướng khi được anh Thuận dịu dàng sai bảo, Xuyến xuống bếp lấy cho anh tô nước chè, Xuyến lấy cho anh cái hộp diêm, Xuyến đi ngủ đi, khuya rồi đó...

Hai người vừa ăn cơm vừa kể nhau nghe về những biển dâu của mười năm qua. Cô ứa nước mắt nhắc lại cái chết của mẹ cô vì bệnh thương hàn vài tháng sau cái Tết thứ ba kể từ lúc anh Thuận ra đi. Cô nói qua về những năm tháng ở trọ nhà người cô họ dưới tỉnh để học Trung Học. “Em học xong xin về làng dạy học. Nhà có hai anh em mà anh Tấn thì đi làm xa, không ai chăm sóc mồ mả ông bà cha mẹ. Anh Tấn kêu em về dưới quận ở với anh ấy, em không chịu, ảnh la một hồi rồi cũng thôi đó.” “Tấn bây giờ ra sao?” Anh Thuận hỏi, vẻ đăm chiêu. “Em nghĩ anh biết hết rồi mà! Hồi anh còn ở đây, hai người đã không đồng ý với nhau về nguyên nhân cái chết của ba em. Lúc anh đi rồi, những người trong nhóm của ba em liên lạc với anh Tấn thường xuyên.” Cô ngưng lại một chút rồi hỏi, “Mà sao anh lại chọn về đây? Anh biết là anh Tấn chịu trách nhiệm an ninh cho vùng này mà!” “Ở trên đưa về, biết làm thế nào được?” Anh Thuận trả lời thật khẽ, vẻ mặt bối rối.

Anh Thuận chính là người đã báo tin buồn cho gia đình về cái chết của cha cô. Người liên lạc viên trẻ tuổi từ mặt trận Quế Sơn ghé vào nhà cô một buổi tối đầu mùa Xuân, mang cái tin tang tóc, và đã ở lại với gia đình cô từ đó. Anh Tấn gia nhập Việt Minh ngay sau đó, và cùng với anh Thuận, tham dự những trận công đồn và phục kích táo bạo trong những năm về sau của cuộc kháng chiến. Hai người thân thiết như hai anh em ruột, đi đâu cũng có nhau, và được dân trong vùng tặng cho danh hiệu “cặp gà nòi Điện Hồng” nhờ vào mưu trí và đảm lược của họ. Vào những đêm trăng không phải đi trận mạc, tiếng đàn ghi ta của anh Thuận và giọng hát ngọt ngào của anh Tấn biến khoảng sân cỏ trước nhà cô thành hội liên hoan. Những con gà mái tơ trong làng và từ những thôn xóm lân cận kéo đến với hy vọng lôi kéo được sự chú ý của cặp gà nòi. Nhưng cô luôn luôn tìm cách chen vào giữa anh Thuận và một cô gái nào đó, một cô gái quê hay một tiểu thư khuê các theo gia đình tản cư về vùng quê tránh bom Đồng Minh. Và anh Thuận không tỏ vẻ khó chịu chút nào khi bị cô phá đám. Thực ra, anh cưng chiều cô còn hơn anh Tấn, ông anh ruột của cô.
Vào năm cuối của cuộc kháng chiến, anh Tấn nhận được một vài tin tức về những điều mờ ám chung quanh cái chết của cha cô do những người bạn thân thiết của ông cho biết. Anh nửa tin nửa ngờ, nhưng chỉ riêng nỗi hoài nghi cũng đủ làm anh băn khoăn vô cùng. Khi hiệp định Genevađược ký kết, anh đã quyết định ở lại viện cớ phải chăm sóc mẹ già và cô em gái. Anh Thuận buồn lắm nhưng cũng không lay chuyển được anh Tấn. Anh Thuận thì không có gì phải băn khoăn, anh chứng kiến cha mẹ mình bị giặc Pháp tàn sát trong một trận càn ở vùng cao, và anh gia nhập Kháng Chiến rất sớm sau biến cố bi thảm đó.

Vào một buổi chiều mười năm trước, hai con gà nòi đã chia tay nhau ở một bến sông, và mặc dù họ đã hẹn gặp lại nhau hai năm sau đó, cả hai có lẽ đã không nhìn thấy một viễn ảnh tươi đẹp cho ngày tái ngộ. Sau cái chết của mẹ, anh Tấn tham gia chính quyền địa phương, và không bao lâu, anh trở thành một nhân vật trọng yếu, phụ trách an ninh cho quận nhà. Và bây giờ anh Thuận trở về hoạt động trong cùng một địa bàn, cái viễn tượng hai người mà cô thương yêu trở thành hai kẻ đối đầu khiến cô rầu rĩ vô cùng.
Anh Thuận trở lại ba hôm sau đó, vào giữa khuya. Cánh cửa bếp lần này được mở ra nhẹ nhàng, và ngọn đèn dầu được vặn thấp xuống để tránh sự chú ý của hàng xóm. Nồi cơm độn bắp vẫn còn giữ hơi ấm —cô đã vùi nó trong mớ than hồng còn lại sau lần nấu cơm chiều. Cô ngồi đối diện anh Thuận, yên lặng ngắm anh ăn uống ngon lành, cố giữ không hỏi anh đã đi đâu, làm gì trong mấy ngày hôm nay. Có nhiều điều cô không nên biết và anh không thể nói. Lúc cô bới cho anh chén cơm thứ ba, anh Thuận đột nhiên lên cơn sốt rét. Bàn tay anh run rẩy đánh rơi chén cơm lên bàn ăn tung tóe, mồ hôi rịn ra trên trán, và cả thân người anh run lên bần bật. Anh nghiến răng chịu đựng, khoát tay ra hiệu cho cô là anh không sao. Nhưng anh không chịu đựng được lâu, thân hình ốm yếu ngã lăn ra trên nền đất, co quắp, hai hàm răng va vào nhau lách cách! Phải khó khăn lắm cô mới dìu được anh vào buồng trong của cô và đặt anh lên chiếc giường tre trải chiếu hoa hình chữ Thọ. Cô lấy chiếc mền nhà binh màu cứt ngựa anh Tấn cho đắp lên người anh Thuận. Anh tiếp tục run rẩy, thở dốc dưới lớp chăn. Những ngày tháng gian khổ dọc con đường mòn thăm thẳm trên dãy Trường Sơn và những lần ăn bờ ngủ bụi sau đó đã quật ngã anh không thương tiếc. Cô ngần ngừ một chút rồi tốc mền chui vào, nằm đè trên người anh ôm chặt, mong hơi ấm từ cơ thể mình sẽ làm anh bớt run. Vào lúc gần sáng, cô thiu thiu ngủ trên người anh, lúc bấy giờ đã thôi run rẩy, và nhận ra hai cánh tay anh đã làm thành một vòng ôm rất chặt chung quanh cơ thể mình. Cô dụi đầu thực sâu vào cổ anh, hôn lên lớp da nhớp nháp mồ hôi, và lòng cảm thấy rạo rực vô cùng.

Anh Thuận ở trong căn buồng ngủ của cô ba hôm. Cô cố gắng giữ sinh hoạt của mình diễn ra một cách bình thường để mọi người trong làng không biết nhà cô đang có khách! Anh Thuận hình như đã quen với cách sống lẩn lút nên rất ít khi gây nên tiếng động. Vào giữa khuya đêm thứ ba, anh hôn cô từ biệt rồi lẻn ra sàn nước tắm táp, cô nằm trên chiếc giường tre cố lắng nghe cũng chỉ bắt được những âm thanh sẽ sàng của chiếc gáo dừa khuấy động mặt nước im trong chiếc lu sành. Anh không trở vào với cô đêm hôm đó, nhưng cô biết anh sẽ trở lại, và anh sẽ qua đêm trên chiếc giường tre cô đang nằm. Cô sẽ rất vui lòng có anh bên cạnh, dù chỉ rất họa hoằn và lén lút. Cô đã chờ đợi suốt mười năm qua chỉ để được ngã vào lòng anh trong những dịp như vậy, hối hả và tuyệt vọng. Lần nào cũng có thể sẽ là lần cuối cùng!

Ba hôm trước ngày giỗ mẹ, Xuyến đi chợ quận mua nhang đèn vàng mã và những món cần thiết. Cô cũng ghé thăm anh Tấn, như mọi khi. Khi Thuận trở về vào lúc giữa khuya, anh bắt gặp cô đang ngồi khóc thút thít dưới ánh đèn dầu tù mù trong căn buồng ngủ nhỏ xíu. Thuận lờ mờ đoán ra chuyện gì, và anh biết mình đoán đúng khi Xuyến bảo anh phải rời khỏi nơi đây trước ngày giỗ mẹ cô. “Tấn biết anh về đây rồi phải không?” Anh hỏi. Xuyến lặng lẽ gật đầu thay câu trả lời. Cô cúi xuống lục lọi trong chiếc giỏ ny lông lấy ra một gói thuốc lá đưa cho anh. “Của anh Tấn gởi anh đó. Ba hôm nữa anh ấy sẽ về giỗ mẹ. Anh ấy nói hai người gặp nhau sẽ có nhiều bất tiện.” Thuận cúi nhìn hàng chữ “Ruby Queen” viền kim nhũ lóng lánh trên màu hồng nhạt của bao thuốc lá, thở dài. Anh bỏ đi rạng sáng hôm sau. Hai người chia tay ở góc vướn, nơi có bụi tre già đầy hang hốc mà anh đã có lần chui vào đó giả tiếng chim gáy. Anh áp má cô vào mặt mình thực lâu, cố ghi nhận làn da mịn màng và mát rượi trên da mặt anh chai sạn. Lúc anh quay lưng bỏ đi, cả hai đều không biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại!
Trong mười năm tiếp theo, Thuận như hòn đá lăn, di động không ngưng nghỉ. Anh có mặt trên những chiến trường xa lắc, có khi bên ngoài biên giới đất nước. Anh hoạt động ở nhiều địa điểm, trải qua nhiều nỗi hiểm nghèo, chứng kiến và tham dự vào việc tạo ra nhiều điều hùng tráng, nhiều điều bi thảm, nhiều điều tàn bạo. Và trong suốt mười năm dài, anh vẫn nghĩ đến Xuyến, như anh đã từng thương nhớ cô mười năm xa vắng trước đó. Cho dù không có tin tức nào chính xác về hành tung của cô, anh vẫn cho rằng cô luôn bình an và luôn mong chờ ngày anh trở về.

Rồi anh cũng trở về, với tư cách một thành viên của phe thắng trận. Nhưng Xuyến không còn ở đó. Không còn ai ở đó. Ngôi làng đã trở thành bình địa từ lâu trong cơn binh lửa, và những cư dân cuối cùng nếu không chết vì tên bay đạn lạc thì cũng đã dắt díu nhau đi mất. Thuận còn đang lúng túng thì có người đến tìm. Người đàn ông nằng nặc đòi gặp riêng anh. Thuận ra hiệu cho người cần vụ lui ra khi cái tên Xuyến được nhắc đến. Và người đàn ông nói ra cái tin chẳng lành mà Thuận đã cảm thấy được ngay trước khi anh ta lên tiếng. “Cô ấy chết thảm lắm, ngay buổi sáng ngày giỗ mẹ, hai hôm sau khi ông đi...”

Lúc này Thuận đã nhận ra người đàn ông là ai. Chú du kích trẻ măng năm nào! Người có trách nhiệm canh chừng cái “bẫy” không cho ai đến gần ngoài “đối tượng” chọn lựa. Hắn nói gì vậy? Sao lại ngay hôm giỗ mẹ của Xuyến? Anh chồm lên, nắm ngực người khách lắc tới lui, nói như mê sảng, ”Chú nói gì vậy? Sao lại vào ngày giỗ mẹ?” Lòng anh quặn lại trong nỗi kinh hoàng cùng cực. Người đàn ông từ tốn gỡ tay Thuận ra khỏi người mình. Nét mặt hắn trầm tĩnh, có chút lạnh lùng. “Tôi có món đồ này cho ông!” Anh ta lôi trong túi ra một gói giấy ny lông nhỏ đưa cho Thuận. Đó là một vỏ bao thuốc lá cũ mèm nhăn nhúm gấp làm đôi, màu hồng nguyên thủy đã bay mất, chỉ còn lờ mờ nhận được hàng chữ “Ruby Queen” ở mặt trước. Ở mặt sau chỉ có vỏn vẹn một hàng chữ viết tay nhòe nhoẹt, không còn đọc được nữa. Nhưng điều đó thực không còn cần thiết đối với Thuận. Anh biết hàng chữ đó nói gì. Chính anh đã viết xuống cái vỏ bao thuốc lá mà Tấn đã gởi cho anh cùng với lời “đuổi khéo” hơn mười năm về trước. Tờ giấy chứa vỏn vẹn có mỗi ngày đám giỗ sắp tới của mẹ Xuyến. Thuận còn nhớ mình trao mảnh giấy này cho người đồng chí chỉ huy du kích địa phương trước khi lên đường. Lúc đó anh đã dặn dò kỹ càng về việc cái bẫy phải được canh chừng cẩn thận để tránh tổn thất cho nhân dân. Chính là người đàn ông trước mặt anh chịu trách nhiệm về khâu này. “Tôi đau bụng, đi ngoài có một chút thôi. Ai dè! Cô ấy chết tay còn nắm cứng tờ giấy này!” Người đàn ông thở hắt ra sau câu nói. Thuận muốn nhảy lên bóp cổ hắn, nhưng anh đứng im. Chính anh ra lệnh thực hiện cái bẫy để tiêu diệt Tấn, kẻ thù của nhân dân, như anh đã tuyên bố trong buổi họp cuối cùng với nhóm thuộc hạ ở địa phương. Anh cảm thấy đau nhói như thể có một ngọn chông nhọn hoắc đang xuyên vào hạ thể lên đến bụng dưới. Chông ba cạnh sắc lẻm, được chuốt từ cật tre đặc ruột, lún sâu vào cơ thể nạn nhân ngọt xớt. Mỗi cử động dù nhỏ đến đâu cũng làm ngọn chông đâm vào sâu hơn, những dăm tre sẽ gây ra cái cảm giác nhói buốt rợn người bên cạnh cơn đau xé ruột xé gan đến từ cây chông tre. Và Xuyến của anh đã chết như vậy đó, tay nắm chặt cái vỏ bao thuốc có thủ bút của anh! Nếu mà anh có thể biết được Xuyến đã nghĩ gì vào lúc đó!

“Ông Tấn không về hôm giỗ mẹ...” Người đàn ông kể tiếp. Tất nhiên là Tấn không về. Con gà nòi Điện Hồng mưu lược không dễ dàng gì mắc phải cái bẫy do chính mình giương ra. Thuận không hề có ý định sát hại Tấn, người em kết nghĩa và là anh ruột của người yêu. Cái hầm chông bên cạnh ngôi mộ của mẹ Tấn chỉ là cái cớ. Không khó khăn gì để Tấn hiểu ra tại sao Thuận có mặt ở vùng kiểm soát của anh. Mục tiêu chính là Tấn, và Thuận phải là người triệt hạ mục tiêu, không còn cách nào khác. Việc Thuận bại lộ tung tích buộc anh phải rời vùng kiểm soát của Tấn tức khắc, và những ngọn chông tre ba khía chứng minh quyết tâm của anh. Một lối thoát tuyệt hảo, và chính là Tấn đã cho anh cái cơ hội đó. Chỉ có một việc cả hai đều không nghĩ tới, Xuyến! Thuận có thể hiểu được nỗi đau đớn và phẫn nộ của Tấn, trong đó nhất định có niềm ân hận mênh mông về cái ý nghĩ chính anh cùng Thuận là thủ phạm của cái chết đau thương của người con gái mà cả hai yêu quí vô cùng. “Ông ấy lồng lên như con hùm xám...” Tấn trở nên hung dữ như hùm xám, độc ác như rắn cạp nia, và quỷ quyệt như chồn đèn. Những ngày tháng sau đó là cơn ác mộng của hạ tầng cơ sở địa phương. Tấn đã gây nhiều tổn thất trầm trọng cho đối phương. Vào năm kế tiếp, đến phiên Tấn chết dữ dằn trong một cuộc đột kích táo bạo của phe Thuận, cũng dữ dằn như những cái chết anh gây ra cho họ.“Ông ấy không giết tôi vì tôi có công mang cô Xuyến về quận. Hơn nữa, ông Tấn muốn tôi giao lại cho ông cái món đồ khi nãy.” Thuận không còn muốn nghe thấy gì nữa!

Ít lâu sau đó, Thuận bắt đầu thấy lại Xuyến trong chiêm bao mỗi đêm. Thuận không chắc những giấc mơ có thực giống nhau không, nhưng anh luôn luôn có cái cảm giác là mình đã sống qua những điều đang xảy ra trong giấc mơ ở một nơi nào khác trước đó. Trong những giấc mơ mà anh thấy hằng đêm, anh không thể nào đến gần Xuyến. Luôn luôn có một điều gì đó ngăn cản hai người đến gần nhau. Có khi là những mũi chông tre ba cạnh bén ngót cứ mọc dài ra mãi từ mắt, từ mũi, từ tóc, từ tai Xuyến, và tiếng thét đau đớn của cô làm Thuận giật mình thức giấc. Có khi là ngọn lửa từ đâu kéo đến, vẽ nên hàng chữ Ruby Queen chập chờn quấn lấy Xuyến, cô bốc lửa và cháy bùng lên như cây đuốc. Có khi là Tấn hai tay vung vẫy hai khẩu súng ngắn bóp cò nổ đoàng đoàng. Và Thuận cứ phải thức giấc trước khi được phân giải với Xuyến một lời! Không phải là Thuận chưa hề trải qua những cơn mộng dữ trước đó. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, anh đã nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp, những cái chết quái đản của đồng đội và của đối phương. Anh cũng đã nhiều lần chịu trách nhiệm về cái chết của những người khác, những người mà anh trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc lên án, xét xử, và hành quyết. Nhưng anh chưa hề biết đến niềm ân hận lớn lao đeo đuổi anh từng giờ từng phút như hiện giờ. Cái chết của Xuyến chỉ là một tai nạn, anh biết thế. Tai nạn vẫn xảy ra hàng ngày, kể cả trong thời bình, cả điều này anh cũng hiểu. Ngoài nỗi buồn vì mất mát người mình thương yêu, anh không nên để mình bị cắn rứt vì cái chết của cô. Anh muốn lắm, nhưng làm sao được?

Những cơn mộng dữ cứ đến mỗi đêm, và Thuận vẫn không có được cơ hội nói cùng Xuyến một lời. Anh đâm ra sợ hãi. Anh không muốn ngủ, nhưng lại không thể không ngủ. Mà anh cũng không thể chia sẻ với ai về những giấc mơ dữ dội của mình. Người ta sẽ cho đó là triệu chứng của suy sụp về mặt tinh thần! Dần dần anh nhận ra một điều kỳ lạ: những gì anh nhìn thấy trong giấc mơ trở nên quen thuộc đến độ anh không còn cảm thấy khó chịu nữa. Chính cái việc anh phải nằm mơ làm anh khó chịu. Anh đâm ra thù ghét những giấc mơ, tất cả những giấc mơ. Anh không muốn có một giấc mơ nào hết. Nhưng anh cứ phải nằm mơ, những giấc mơ với nội dung tương tự, hàng đêm, hàng tháng, hàng năm.

Một buổi sáng anh thức dậy, lòng vô cùng hoang mang. Giấc mơ đã không đến đêm qua. Không có gì đến với anh trong giấc ngủ đêm qua. Anh cũng không chắc mình đã thực sự có một giấc ngủ! Nhưng tất cả những điều chung quanh anh cho biết anh đã trải qua một đêm yên lành. Anh lên giường lúc mười giờ đêm, và bây giờ những tia nắng đầu tiên ngoài kia có thể được nhìn thấy sau khe hở của màn cửa. Chiếc đồng hồ báo thức ở chiếc bàn đêm chỉ sáu giờ bốn mươi, và bản tin buổi sáng đang vọng ra từ chiếc máy thu thanh của nhà hàng xóm. Nhưng anh đã không có một ý niệm nào về khoảng thời gian dành cho giấc ngủ. Cứ như bị thuốc mê! Chợp mắt, mở mắt, và không có gì ở giữa hai động tác đó! Điều anh thù ghét —những giấc mơ— đã không còn ám ảnh anh nữa, nhưng điều này chẳng làm anh vui hơn chút nào. Mà anh cũng chẳng than phiền gì được, chẳng phải chính anh đã mong muốn không còn bao giờ phải nằm mơ nữa hay sao? Từ đó về sau, đời sống của Thuận là một chuỗi dài của những ngày nối kết nhau, bởi vì những giấc ngủ chỉ còn là một hoạt động thuần túy sinh học, không để laị trong anh một khái niệm nào về sư hiện hữu của chúng. Trên một nghĩa nào đó, đời sống của anh bị rút ngắn lại, bị dồn nén, bị cắt đi. Nhưng đồng thời điều này cho anh sự liên tục trong những suy nghiệm về những vấn nạn của đời sống. Anh có thể nghĩ ngợi về cùng một điều trong nhiều ngày liên tiếp, bởi vì không có gì chen vào giữa những mốc thời gian đó. Trong những năm tháng kỳ lạ này, anh thăng tiến rất nhanh và tạo được sự kính nể của những người chung quanh. Nhưng anh không cảm thấy hào hứng bao nhiêu. Thực ra, trong thâm tâm, anh lạnh nhạt với tất cả những thành tựu của mình. Anh vẫn nhớ về Xuyến với niềm tiếc hận lớn lao, và những cơn đau buốt lòng bây giờ đã trở nên một phần không rời của đời anh.

Vào một buổi chiều anh chợt nghe tiếng chim gáy. Anh mới vừa về đến cổng nhà sau một ngày quần quật ngoài cánh đồng trồng dâu cạnh bờ sông. Tiếng gáy rụt rè, thiếu tự tin phát ra từ nhà bếp, nơi có chiếc lồng tre nhỏ tự tay anh đan cho Xuyến. Con chim non nay đã trổ lông cườm, những đốm đen tròn đỏm dáng viền quanh cái ức màu xám lợt. Xuyến đứng bên cạnh, ngắm say mê, mái tóc “bôm bê” ngày nào nay đã dài chấm vai, che hết một bên chiếc má có lúm đồng tiền xinh xắn. Cô quay lại nhìn anh mỉm cười, và ngay lúc đó, Thuận biết mình đang nằm mơ. Thực là một cảm giác kỳ lạ, ý thức được rằng mình đang nằm chiêm bao ngay giữa cơn mơ. Giấc mơ thầm kín nhất, bí mật nhất, không dám thổ lộ cùng ai, không dám cả thừa nhận bởi chính mình. Cái ước mơ trong đó lần chia tay cùng Xuyến ở khu vườn mít cạnh bờ sông Cái đã không hề xảy ra, những năm tháng gian truân, những cái chết của người bên này hay bên kia, những cây chông tre ba khía bén ngót, tất cả đều không hề xảy ra. Tất cả đều không cần thiết phải xảy ra. Chỉ có cánh đồng dâu xanh um và con chim non với tiếng gáy đầu đời bỡ ngỡ. Và Xuyến tóc chấm vai nhìn anh cười dịu dàng. Thuận quyết định không ra khỏi giấc mơ của mình, giấc mơ mà sau cùng anh đã tìm thấy, cái giấc mơ như một phủ định mọi ý nghĩa gán ghép cho những biến cố đã xảy ra cho đời anh trong mấy chục năm qua. Và bằng một cách nào đó không thể giải thích được, anh đã toại nguyện.

Tin Thuận qua đời được loan báo rộng rãi trên hệ thống truyền thông cả nước ngày hôm sau. “Sự ra đi của ông là một tổn thất không nhỏ cho công cuộc đổi mới của đất nước.” Bản tin đã chấm dứt như vậy. Không có lời nào đề cập đến giấc mơ sau cùng của Thuận. Có thể đã không có ai biết đến một giấc mơ như vậy. Có thể những giấc mơ như vậy không nên được biết đến./.


























bắt hến ở hồ isabella















Chừng hai tuần sau khi gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ và nhập cư ở thành phố này, Chung đến thăm. Trước anh một tuần thì có ông mục sư Tuế. Ông này mang cho một số thịt đông lạnh gói trong lớp giấy bọc màu vàng xỉn. Mẹ tôi đem bỏ hết vào tủ lạnh, và phải đến hơn một tuần sau chúng tôi mới khám phá ra mớ thực phẩm cao cấp này đã hết hạn cả năm về trước. Mẹ tôi mang vất thùng rác một cách tiếc nuối, nhất định bà còn chưa quên những rổ cá ươn thối cả khu phố giành giật nhau ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh đầu con hẽm nhà chúng tôi ở Sài Gòn. “Mô Phật, đừng có nói hành người ta tội nghiệp. Người ta có lòng đem cho mình mà các con.” Tất nhiên là tôi không nói gì. Mấy chuyện đó đã có vợ tôi và mấy cô em gái lo liệu.



Chung đến không mang theo gói thịt cá đông lạnh nào hết. Nhưng anh có một thùng đồ nghề để trong chiếc pickup1 màu xám của mình. Chung đi một vòng căn apartment hai phòng đầy nghẹt người và trống hoang tất cả những thứ khác, săm soi từng lỗ cắm điện, mấy vòi nước trong nhà tắm, cái bếp ga, và cái tủ lạnh mới toanh cô em gái sang Mỹ đã lâu mua cho gia đình. Cả nhà xúm lại quan sát từng cử chỉ của Chung và luôn luôn có một ai đó sẵn sàng trả lời một cách mau mắn những câu hỏi của anh. Lần viếng thăm đầu tiên của Chung đủ làm cho mẹ tôi mê anh tít thò lò. “Ôi cái thằng sao mà tử tế!” Vợ tôi nhìn cô em chồng độc thân cười cười, “Người ta có vợ hai con rồi đó mẹ à.” Cô em phát cáu, “Cái đồ thằng cha đen thui đen thủi ai mà thèm!” Mẹ tôi chấm dứt cuộc thảo luận bằng một câu tục ngữ rất chi là bóng bẫy, “Đúng là bồ hóng chê lọ nghẹ!”



Chung và tôi làm thân với nhau rất nhanh. Ở tuần thứ ba của quãng đời tị nạn, tôi tìm được một việc làm khiêm tốn ở một tiệm ăn do người bản xứ làm chủ. Tôi sẽ tiếp tục có những công việc khiêm tốn như thế trong những năm về sau. Vào những ngày nghỉ, Chung gọi điện thoại mời tôi đến chơi, thường là vào buổi tối. Ở đó chúng tôi ngồi ở chiếc bàn ăn trong căn bếp uống bia và nói chuyện người chuyện mình. Vợ anh chẳng khi nào tham dự vào những buổi nói chuyện như vậy. Chị không biết tiếng Việt. Chị trả lời chồng với cái giọng mềm và hơi kéo dài của người miền Nam Hoa Kỳ. Đó là một người đàn bà Mỹ tầm thước, chị cao hơn Chung nửa cái đầu, và ít lời. Khuôn mặt tròn lốm đốm tàn nhang mang vẻ bình yên một cách buồn bã, hoặc buồn bã một cách bình yên, như thể hai điều này cần thiết phải đi chung với nhau. Về sau tôi biết được rằng Chung đã làm việc cực nhọc mấy năm ròng để chị có cơ hội hoàn tất chươngtrình y tá ở ngôi trường Đại Học nằm ở phía Tây của thành phố chúng tôi đang cư ngụ. Chung tiếp tục làm việc cực nhọc như thế sau khi người vợ Mỹ ra trường và tìm được việc làm. Chung làm thợ tiện, và xem ra anh hài lòng với công việc của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hề biết gì về đoạn mở đầu của cuộc hôn nhân giữa cô gái người Mỹ và anh cựu binh thiết giáp Việt Nam. Chung chưa bao giờ kể và tôi chưa bao giờ hỏi.



Thành phố tôi ở nằm lọt thỏm trong một thung lũng bằng phẳng kéo dài hàng trăm dặm. Từ thành phố, đi về hướng nào cũng gặp phải những cánh đồng ngút mắt, và xa hơn nữa là trùng trùng lớp lớp những núi và núi. Thỉnh thoảng Chung đưa tôi đến những cánh đồng vừa mới thu hoạch xong. Ở đó chúng tôi đi lom khom dọc những luống đất thẳng băng tìm mót tỏi, hoặc hành củ, hoặc khoai tây còn sót lại. Những chiếc bao nhựa lấy từ siêu thị Safeway hay Von’s sẽ nhanh chóng đầy lên với mớ nông phẩm và được buộc lại kỹ càng trước khi vất vào thùng chiếcpickup màu xám. Chúng tôi cười nói vui vẻ trên đường về, mặc kệ tay chân mặt mũi lấm lem bụi đất. Vào những dịp này, Chung thường nhắc lại những lần đi mót khoai mót đậu ngày còn nhỏ. Những mầm khoai lang màu đỏ tím không lớn hơn ngón tay út được phủi sơ đất cát và bỏ vào miệng nhai rau ráu. “Ngọt lịm, ông ơi!” Trong một số năm tháng sau đó, chúng tôi vẫn thường đi chung với nhau trong những chuyến “gặt hái” như vậy, có khi chỉ có hai người, có khi với một số bạn bè người Việt trong cùng thành phố. Vợ con của Chung không bao giờ hiện diện trong những chuyến đi như vậy. “Chúng nó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ, vừa đỡ mất thì giờ.” Chung thường bảo vậy mỗi khi có ai đề cập đến việc này.



Một hôm Chung gọi điện thoại, giọng hào hứng. “Ông qua đây, tôi có cái này hay lắm.” Khi tôi đến nơi, chỉ có mỗi một mình Chung đang loay hoay ở nhà bếp. Chắc là vợ con anh đã đi chơi hay mua sắm gì đó rồi. Chung đang nướng mấy cái bánh tráng trên bếp điện. “Cái hay lắm” thơm nức mùi hành mùi sả đang bốc hơi nghi ngút trong chiếc đĩa sứ lớn đặt trên bàn ăn. Thì ra là nghêu xào. “Nghêu ở đâu mà nhỏ xíu vậy?” Tôi hỏi. “Không phải nghêu, hến đó.” Chung trả lời, giọng chắc nịch. Tôi không biết là quanh đây có hến. Những con hến nhỏ bằng móng tay cái, vỏ màu xanh rêu mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn mua về nấu canh mồng tơi. Đã lâu lắm rồi tôi không còn được ăn canh hến nấu với mồng tơi. Không có mồng tơi, và nhất là không có hến ở quanh đây. Tôi cúi nhìn mấy cái vỏ hến đen xỉn cỡ ngón tay cái của mình và đâm ra nghi ngờ. Đây là những con baby clam!2 “Anh tìm chúng ở đâu vậy?” “Ở một cái hồ trên núi. Hôm nào mình đi nhé.” Chung trả lời, vẫn với cái giọng chắc nịch.



Bỏ lại phía sau lưng những cánh đồng trồng cây ăn trái, xa lộ 178 sẽ ôm sát thượng nguồn sông Kern, the killer river,3 như người bản xứ vẫn gọi. Bắt đầu từ nơi đây, xa lộ 178 biến thành một đường đèo hiểm trở. Con đường hẹp lại, hai lối đi ngược chiều nhau chạy vòng vèo giữa một bên là vách núi dựng đứng và phía bên kia là bờ vực chênh vênh nhìn xuống giòng nước sôi sục của sông Kern ba trăm bộ phía dưới. Dọc hai bên đường, chừng vài dặm lại có một khoảng trống nhỏ đục sâu vào vách núi hoặc nằm chơi vơi bên gành đá để xe hỏng máy hoặc chạy chậm ghé vào nhường chỗ cho những xe phía sau. Những nơi này được gọi làturnout. Ở mãi trên đỉnh đèo, nơi con đường chấm dứt, là một chiếc hồ thực lớn. Hồ Isabella nguyên là một cái lũng thiên nhiên nằm giữa những hòn núi cao, nước từ những cơn mưa và từ những khối tuyết tan vào mùa Xuân đổ xuống đây trước khi hòa nhập vào thượng nguồn sông Kern và biến nó thành một giòng thác khổng lồ. Mặt phía Nam được chặn lại bởi một con đê bằng bê tông cốt sắt cao sừng sững như một dãy đồi bị phạt ngang. Ngoại trừ cửa đập, hai bên bờ dốc thoai thoải của con đê được phủ đầy bởi những tảng đá lớn từ đó mọc lên những bụi cây nhỏ cằn cỗi. Hồ rộng mênh mông, một con đường trải đá chạy vòng vèo ôm lấy bờ hồ. Vào cuối tuần, thiên hạ từ những thành phố xa gần kéo đến cắm trại, câu cá, trượt nước làm khu hồ náo nhiệt hẳn lên. Chính là ở hồ Isabella này Chung và tôi đã đến nhiều lần để bắt hến.


Nơi chúng tôi dừng lại khá vắng vẻ. Mang theo một chiếc cào sắt nhỏ và một bao cát, chúng tôi lội ra chỗ nước ngang thắt lưng, cào xới sục sạo dưới lớp bùn đen lẫn cát của đáy hồ tìm bắt những con nghêu nhỏ. Lũ nghêu sinh sôi nẩy nở khá nhiều nên công việc không mấy khó khăn. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bốn bao cát mang theo đã đầy cứng những con nghêu nhỏ đen thui thủi. Chung vất chúng vào thùng xe, và chúng tôi ra về hân hoan. Xe xuống đèo, bờ vực phía tôi ngồi thỉnh thoảng biến mất trong tầm mắt ở những khúc quanh hiểm nghèo làm tôi thót ruột. Thực sâu phía dưới, dòng sông Kern quằn quại gào thét giữa hai bờ vực dốc đứng. Chung hoàn toàn không để ý đến vẻ bứt rứt của tôi. Thỉnh thoảng anh rời mắt khỏi con đường vòng vèo trước mặt, nhìn vào kính chiếu hậu. Tôi đoán Chung đang bận tâm đến những con baby clam mà anh nhất định gọi là “hến” trong những cái bao cát trong thùng chiếc pickup.

Chung thường kể đi kể lại không mệt mỏi những lần đi bắt hến ở sông Cái. Con sông đào bên tả ngạn cướp đi dòng thủy lưu, sông Cái ngày mỗi cạn dần, có nơi lòng sông trơ ra toàn cát. Những con hến nhỏ bằng móng tay có lớp vỏ màu xanh rêu sống ở những quãng vắng, nơi nước chỉ đến thắt lưng. Chung sinh ra ở miền Trung. Con nhà nghèo. Cha mất sớm, mẹ vất vả một đời. Những mầm rễ khoai lang màu đỏ tím bám đầy đất cát, những gié lúa hiếm hoi rơi rớt trên cánh đồng mới gặt, những con hến nhỏ màu xanh rêu ở quãng sông cạn theo đuổi Chung suốt những tháng năm tuổi nhỏ. “Có khi bắt được cả chem chép. Tôi luôn luôn cạy vỏ chúng ra để tìm ngọc trai!” Tôi phá lên cười, làm gì có ngọc trai trong chem chép, hoặc ngay cả trong những con sò huyết đắt tiền. “Hồi đó mình còn nhỏ, ngu lắm. Cứ nghĩ đến truyện Trọng Thủy Mỵ Châu.”

Cái đất nước nghèo xác của chúng tôi có nhiều huyền thoại. Gần như ai cũng biết chuyện Trọng Thủy được cha, vua nước Triệu, gởi đến triều đình vua Thục để ăn cắp chiếc nỏ thần đã nhiều lần chặn đứng những đợt tấn công của ông ta trước đây. Ông hoàng Trọng Thủy thành hôn cùng công chúa Mỵ Châu và cả hai nhất định đã có hạnh phúc với nhau, ít nhất cho đến khi Trọng Thủy đánh tráo được chiếc nỏ thần và kiếm cớ về nước. “Nếu có chuyện gì xảy ra và em phải rời bỏ kinh thành, hãy để lại dấu tích cho anh tìm em.” Ôm chiếc gối nhồi lông chim vào lòng, Mỵ Châu trả lời, “Anh đi theo con đường lông ngỗng thì sẽ tìm thấy em.” Cuộc tấn công sau đó của quân nhà Triệu xảy đến bất ngờ như cơn lốc. Vứt chiếc nỏ vô dụng, vua Thục kéo con gái lên lưng ngựa phóng ra khỏi kinh thành Cổ Loa đang bốc cháy ngùn ngụt. Trong lúc hối hả, công chúa Mỵ Châu chỉ mang theo được có mỗi chiếc gối nhồi lông ngỗng trên đó mỗi đêm nàng vẫn tựa đầu và nghĩ về những ngày tháng hạnh phúc với chồng. Những chiếc lông ngỗng trắng mềm mại từ chiếc gối được tung ra dọc con đường đào vong. Vua Thục dừng ngựa ở chiếc hồ đổ vào biển. Hồ lớn quá, không thể vượt qua, và tiếng vó ngựa của lính nhà Triệu vọng đến từ phía sau. Nhà vua quay đầu lại chính vào lúc chiếc lông chim cuối cùng từ tay công chúa Mỵ Châu rơi xuống đất. Con đường lông ngỗng đã hoàn tất nhiệm vụ đưa đường cho kẻ thù tìm đến. Vua Thục tuốt gươm ra. Mỵ Châu ngã xuống cạnh bờ nước, máu từ cơ thể nàng chảy vào chiếc hồ lớn. Những con trai trong hồ sẽ ấp ủ những giọt máu của Mỵ Châu trong lớp ngọc trắng óng ánh tiết ra từ cơ thể của chúng. Đó là chuyện về sau, rất lâu sau khi Trọng Thủy tìm đến nơi. Mọi sự đã quá trễ. Người ta nói rằng ngọc trai ở chiếc hồ lớn sẽ lóng lánh hơn, đẹp đẽ hơn nếu được chùi rửa bởi nước lấy từ cái giếng ở thành Cổ Loa nơi Trọng Thủy đã nhảy xuống trầm mình. Có khi quyết định của ông ­hoàng-điệp-viên đến từ niềm ân hận không thể chịu đựng nổi hoặc từ nỗi nhớ thương người vợ quá cố hoặc từ cả hai. Những viên ngọc trai được mang qua bên Tàu, ở đó những ông hoàng bà chúa sẽ gắn chúng lên bộ xiêm y lộng lẫy của mình trước khi đến tham dự buổi dạ tiệc của triều đình. Không có viên ngọc trai nào dành cho đứa bé bắt hến ở con sông chảy qua ngôi làng nhỏ thuộc miền Trung nước Việt.

Tôi tiếp tục đi bắt hến và lượm nông sản cùng với Chung một thời gian. Đến một lúc nào đó, đời sống bỗng trở nên bận rộn. Có nhiều điều bức thiết hơn những con baby clam ở chiếc hồ nhân tạo trên núi. Công ăn việc làm, những nhu cầu và những vấn đề mới trong đời sống hôn nhân đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức để giải quyết. Khi tôi từ chối lời rủ rê đi lượm tỏi của Chung, anh không giấu được vẻ thất vọng. “Không có ai khác đi cùng anh sao?” Tôi hỏi. “Mấy người đó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ, vừa đỡ tốn thì giờ hơn.” Những lần đi cùng Chung bắt hến ở hồ Isabella ngày càng thưa ra, và sau đó tôi ngưng hẳn. Những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng chúng tôi xem ra không còn có thể hóa giải được nữa. Chúng tôi sau cùng quyết định sẽ tự mình thử giải quyết vấn đề theo cách riêng của mỗi người. Và chúng tôi chia tay, mang theo với mình nguyên vẹn những nan đề chưa có lời giải cộng thêm nỗi phiền muộn đến từ sự thất bại của chính mình. Về sau Chung thỉnh thoảng ghé thăm căn apartment nhỏ xíu của tôi, mang theo những nhánh tỏi còn bám đầy đất cát hoặc những con hến có lớp vỏ đen xỉn mà anh tìm bắt được trong những chuyến đi lẻ loi. Có vẻ như vợ con anh và những người bạn Việt Nam trong vùng chỉ thích dùng tỏi mua ở siêu thị. Ngay cả đĩa hến xào hành sả thơm phức và những cái bánh tráng dòn rụm sẽ trở nên nhạt nhẽo khi phải ngồi ăn một mình.

Chính là nhờ vào bản tin buổi tối phát vào lúc mười một giờ đêm của một đài truyền hình địa phương mà tôi biết được cái tai nạn trên đèo 178. Chiếc pickup màu xám rơi xuống bờ vực lởm chởm đá và chìm nghỉm trong giòng nước xoáy của sông Kern, mang theo những bao cát chứa đầy những con nghêu nhỏ màu xám đen. “Mọi sự đã quá trễ khi người tài xế của chiếc xe tải hạng nặng nhìn thấy người đàn ông đang lúi húi phía sau chiếc xe của mình. Nạn nhân và chiếc pickup màu xám được gởi qua bờ vực, rơi xuống dòng sông Kern ba trăm bộ phía dưới, và tức khắc bị dòng nước hung hãn cuốn đi hàng dặm về phía hạ lưu. Tất cả những gì còn lại là một vệt dài những con nghêu nhỏ vỡ nát nhầy nhụa dưới bánh xe của chiếc xe tải hạng nặng.” Ống kính máy thu hình bây giờ chuyển xuống mặt đường nhựa, và tôi có thể thấy chiếc vỏ nát nhừ của những con nghêu nhỏ. Không có một lời nào về những chiếc bao cát đã rơi xuống lòng sông cùng lúc với chiếc pickup màu xám và người đàn ông xấu số. “Người ta sẽ không bao giờ biết được điều gì đã khiến người đàn ông dừng xe một cách bất cẩn ở đàng sau khúc quanh nguy hiểm bên cạnh bờ vực cheo leo ở thượng nguồn con sông Kern hung hãn.” Người phóng viên của đài truyền hình đã chấm dứt buổi tường thuật như vậy. Tôi có chỗ không đồng ý với nhận định này của ông ta. Tôi cho rằng mình có thể hiểu được phần nào những gì đã xảy ra. Tấm chắn phía sau chiếc pickup màu xám đã bung ra vì một lý do nào đó và những con nghêu nhỏ từ một trong những chiếc bao cát đã tuôn xuống dọc con đèo 178 quanh co lồi lõm. Tôi có thể hình dung ngay tức khắc Chung đang hấp tấp dừng xe bên cạnh bờ vực dốc đứng và lui cui đóng lại tấm chắn. Có khi anh còn mò mẫm trong cái chập choạng của hoàng hôn để thu lượm những con nghêu nhỏ rơi vãi trong lòng xe và có lẽ ngay cả trên mặt đường. Người phóng viên bản xứ sẽ không bao giờ hiểu được vì sao người ta có thể trở nên bất cẩn cùng cực chỉ vì những con nghêu nhỏ vô giá trị như thế. Dù sao thì ông ta cũng đã nhắc đến “con đường xác hến,” a trail of smashed baby clams.

Quê hương tôi không có huyền thoại nào về hến. Những viên ngọc trai màu trắng bóng ngời đến từ những hạt máu của nàng Mỵ Châu vẫn được các ông hoàng bà chúa mang lên người trong những dạ tiệc sang trọng không có chút liên quan nào đến loài hến hèn mọn, ở quê hương tôi hay trên đất Mỹ. Những con hến đen đủi trong mấy chiếc bao cát hoặc sẽ va vào vách đá lởm chởm của sông Kern và vỡ nát hoặc sẽ rơi tỏm vào giòng nước hung hãn và nhanh chóng bị cuốn về mạn dưới. Một hành trình gian khổ cho những con hến tội nghiệp. Một số sẽ kẹt lại dưới lớp đá ngầm, một số khác sẽ bị bắn tung khỏi mặt nước, nằm phơi mình trên đá sỏi làm mồi cho lũ chim và những con rái cá háu ăn. Những con nghêu nhỏ may mắn còn lại sẽ trôi mãi về miệt hạ lưu, ở đó dòng nước chậm lại và đổ vào một chiếc hồ khác ở vùng ngoại vi của thành phố.

Chung quanh hồ là những cây thông, cây bồ đề, cây khuynh diệp tỏa bóng mát lên dãy bàn ghế bằng hợp kim nhôm sơn màu xám nhạt. Vào những ngày cuối tuần, người ta kéo đến và bày thức ăn lên những chiếc bàn dài, tụm lại ăn uống nói cười vui vẻ, mắt thỉnh thoảng nhìn xuống hồ trông chừng đám trẻ nhỏ đang bơi lội, đùa giỡn ở thềm nước cạn. Tôi cũng sẽ đến đó, ngồi một mình ở chiếc ghế đá cạnh bờ hồ, nhấm nháp miếng khoai tây chiên mỏng dính, mắt không rời những đứa con gái nhỏ xinh đẹp trong bộ đồ tắm sặc sỡ đang rượt đuổi những con ngỗng ngờ nghệch trên bờ cát. Rượt đuổi chán, chúng sẽ chạy ùa xuống hồ, đắm mình trong làn nước mát. Thỉnh thoảng chúng chúi xuống sâu trong nước, mò mẫm tìm kiếm. Có khi là một viên sỏi chẳng ra hình dạng gì hết, có khi chỉ là một cọng rong xanh thẩm. Cuối cùng rồi chúng cũng tìm được vật tôi muốn chúng tìm thấy. Cả bọn sẽ chạy ùa lên bao vây lấy tôi, miệng liến thoắng giành nhau nói. “Ba có biết tụi con đã tìm thấy cái gì không?” Tất nhiên là tôi biết chứ, daddy knows best!4 “Một con cá vàng,” tôi trả lời. Cả bọn phá ra cười, “Không có cá vàng trong hồ này, cá vàng chỉ ở trong những cái chậu bằng kiếng ở nhà hàng Tàu mà thôi, ba không biết hay sao?” Một đứa trong bọn sẽ nhắc nhở tôi như vậy. Và đứa kia sẽ xòe bàn tay nhỏ xíu của nó ra một cách thận trọng. “A baby clam!” Chúng đồng loạt hét lên. Tôi sẽ cầm lấy con nghêu nhỏ trong tay ngắm nghía một lúc rồi cải chính. “Không phải, đây là con hến.” Những cặp môi nhỏ hồng hào sẽ mở ra, cong lên, uốn éo, và từ đó phát ra những tiếng “hến” tròn trịa, trong vắt như tiếng sáo. Rồi chúng lại phá lên cười.

Kéo chúng vào lòng, tôi sẽ xoay mình về hướng Đông Nam, nơi có rặng núi cao màu xanh nằm phơi mình dưới nắng chiều. Và xuống giọng thật thấp như thể đang nói về một điều gì vô cùng bí mật, tôi sẽ kể chúng nghe cuộc hành trình của con hến nhỏ trong lòng bàn tay mình, bắt đầu không phải từ đỉnh núi cao ngất trên kia, nơi có chiếc hồ nhân tạo mang tên Isabella, không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi dòng sông chảy qua sẽ cạn dần theo ngày tháng./.


tháng tư 2000

1. Một loại xe vận tải nhẹ có thùng trống phía sau để chứa hàng, rất thông dụng ở Hoa Kỳ
2. Một loại nghêu nhỏ, tìm thấy ở vùng nước mặn lẫn nước ngọt, tương tự hến ở Việt Nam
3. Sông Kern chảy qua lãnh thổ Kern County, ở thung lũng San Joaquin, miền Trung tiểu bang California, Hoa Kỳ. Còn được biết đến như là “giòng sông giết người” vì đã có nhiều người chết đuối ở đây.
4. Cha thì cái gì cũng biết!



























Cua 


Phùng Nguyễn

13.01.2007



1.



Tôi tên Phiên. Tôi đang ở trong một siêu thị khá nổi tiếng nằm trên con đường sầm uất nhất của thành phố đông người Việt nhất ở nước Mỹ.



Bây giờ là chín giờ sáng ngày mồng một tháng Giêng. Buổi sáng của ngày đầu năm không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Bầu trời thì xám xịt, và tôi thì không được khỏe lắm. Nhất định là mấy chai bia tối hôm qua ở chiếc bàn ngoài hiên một quán ăn ở khu Westminster có liên quan đến điều này. Hoặc chính cái cảm giác tôi có vào lúc chia tay với người bạn đêm qua vẫn còn đeo đẳng cho đến bây giờ. Chúng tôi đã la cà khá lâu ở quán ăn đó, hai tiếng đồng hồ thuộc về năm cũ và phần còn lại thuộc về năm mới. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn nhỏ ngoài hiên quán, nhìn ra con đường nhựa mỗi lúc mỗi thưa dần xe cộ, nói chuyện lung tung, và đã có một lúc tôi cười thực to. Nhưng cái cảm giác khó chịu vẫn ở đó, lẩn lút một cách kiên nhẫn dưới những nụ cười, trong những ngụm bia uống vội, đàng sau cái tranh tối tranh sáng của hiên quán, rồi bất ngờ xồ ra như tiếng vo ve của một con nhặng quái ác. Tiếng vo ve lớn dần trên đường ra bãi đậu xe. Khi tôi về đến căn nhà nhỏ của mình ở phía Đông Bắc của thành phố thì đã gần một giờ sáng. Bây giờ thì tôi hoàn toàn một mình. Con nhặng biết điều đó. Tiếng vo ve của nó vang đến từ mọi ngóc ngách của căn phòng, bám vào phía trong sọ não của tôi, và tôi biết chỉ có một điều duy nhất tôi có thể làm để xua đuổi nó đi. Tôi bước đến chỗ đặt máy điện thoại và bắt đầu bấm vào những nút số. Cuối cùng tôi đã thực hiện được điều tôi muốn làm, không phải chỉ mới ngày hôm nay, không phải chỉ mới ngày hôm qua, mà đã từ lâu lắm và đã chọn không làm. Con nhặng quái ác vô hình vô tướng kia bỗng im bặt khi tiếng chuông điện thoại vang lên từ đầu giây phía bên kia. Tôi đếm từng tiếng chuông reo, bàn tay cầm ống nói run lên. Một, hai, ba, …, sáu, bảy, tám. Có tiếng lích kích ở đầu dây bên kia rồi tiếng người trả lời. “Rất tiếc tôi không có ở nhà. Xin bạn hãy vui lòng…” Bây giờ là một giờ sáng ngày đầu tiên của một năm. Ở một nơi nào đó, những đôi tình nhân và bạn bè của họ đang tụ họp trong một căn phòng ồn ào, tràn ngập bia rượu và tiếng nhạc. Đời sống có nhiều niềm vui để người ta tìm đến, tại sao tôi lại cứ muốn kéo họ quay về? Tôi đặt ống nói xuống trước khi lời nhắn tin chấm dứt.



Khu chợ vắng hoe. Vắng đến độ tôi có thể nghe được tiếng rần rật của máu từ trái tim mệt mỏi của mình đang dồn lên hai thái dương. Tôi nghĩ mình sẽ tốn rất ít thì giờ để mua một vài món cần thiết trong khu chợ này. Tôi không có ý định la cà ở đây. Tôi không có ý định la cà ở bất cứ đâu. Tôi không có ý định gặp ai. Tôi không có ý định bắt chuyện với ai. Đi chợ xong tôi sẽ về lại căn nhà nhỏ của mình. Tôi sẽ lăn ra giường và ngủ một giấc cho hết một ngày, cho dù đó là ngày đầu năm, để bù lại một đêm thức trắng. Đã có những ngày như thế trong đời sống của tôi. Sẽ có những ngày như thế trong đời sống của tôi, những ngày mà tôi và những điều xảy ra chung quanh tôi không có chút liên hệ gì với nhau. Hoặc ít nhất tôi nghĩ vậy. Và muốn như vậy. Hôm nay là một ngày như thế.



Người đàn ông chận tôi lại trên lối đi nhỏ gần khu bán nước chấm. “Ông mua giùm tôi bốn con cua đi.” Bốn con cua? Con nhặng quái ác từ một xó xỉnh nào đó trong khu chợ bỗng xồ ra, vo ve, vo ve.



2.



Tôi là Hoa, còn ảnh là chồng của tôi. Tính ảnh lúc nào cũng vậy, hễ không vừa ý thì chửi, mà toàn là chửi bậy! Tôi cằn nhằn ảnh về chuyện này hoài, tôi sợ thằng con bảy tuổi nghe quen rồi bắt chước. Vậy mà cứ chứng nào tật nấy không chừa.



Sáng nay ảnh hối tôi đi chợ sớm mua đồ ăn về làm tiệc. Ảnh mời bạn bè khách khứa đến nhà ba giờ chiều nay. Hai vợ chồng ông Long chủ hãng tiện chỗ ảnh làm, còn lại là mấy người bạn nhậu của ảnh, cả thảy là bảy người. Ảnh khoe với họ là tôi làm cua rang muối ngon lắm. Lúc còn ở nhà nghe quảng cáo trên đài chợ này có bán cua tươi với giá rẻ, ảnh chở tôi đến đây. Ai dè họ chỉ bán mỗi gia đình có bốn con mà thôi. Ảnh nói như vậy thì không đủ, phải ít nhứt tám con mới đủ. Tôi chắc ảnh tính bảy người khách cọng với ảnh là tám, còn tôi lúc đó lẩn quẩn trong bếp chắc cũng không ăn uống gì. Thằng Toản, con chúng tôi thì ăn những món khác cũng được, đỡ phải ngồi đó lột vỏ cua hay đập càng đập ngoe cho nó. Ảnh định nhờ mấy người khách đi chợ mua giùm bốn con nữa. Tôi cản, nói người ta bán như vậy là muốn để dành cho người khác. Mình mua hết rồi mấy người tới sau lấy gì mua. Thiếu thì mình đi chợ khác mua thêm hay là làm món gì đó thế vào cũng được. Ảnh gạt đi, nói thây kệ người ta, ai biểu đến trễ làm chi. Với lại mình mua trả tiền đàng hoàng chớ có cướp giựt của ai đâu! Vậy là ảnh chận người ta lại nhờ mua cua. Ai dè gặp cái ông khách khó tính, không chịu mua giùm. Vậy là ảnh chửi người ta là đồ chó đẻ. Bị người ta cự lại ảnh xốc tới làm um sùm, xô đẩy người ta làm bể đồ bể đạc để quản lý chợ kêu cảnh sát vào thu hết giấy tờ, bắt khai báo đủ thứ. Lỡ mà bị bắt nhốt thì khỏi có tiệc tùng gì hết chiều nay. Thiệt là hết chỗ nói!



3.

Tôi là Thuận, làm việc ở sở Bưu Điện gần đây. Vợ chồng tôi có ba đứa con, thằng lớn nhất mười tuổi. Hai đứa kia tám tuổi, sinh đôi mà! Hôm nay là Tết tây, tôi được nghỉ ở nhà. Mấy đứa nhỏ thì được nghỉ hai tuần, bắt đầu từ hôm trước lễ Giáng sinh lận. Tụi nhỏ đòi đi chơi biển, nhưng trời đất âm u như thế này, ra đó lỡ chúng nó bị cảm lạnh thì khổ. Tôi cũng muốn đưa chúng đi biển chơi lắm, đã lâu rồi vì bận rộn công ăn việc làm tôi không có thì giờ đưa chúng đi đây đi đó. Tôi còn nhớ năm ngoái đưa cả nhà ra bãi biển Redondo. Tụi nhỏ đòi ăn cua luộc, tôi mua cho hết cả nhà, mỗi người một con bự. Nhà hàng phát cho mấy cái búa gỗ và một mớ giấy báo cũ. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn gỗ dài gần mé biển, chỗ người ta đến câu cá, vừa ăn vừa cười giỡn với nhau thật là vui. Vui lắm.

Sẵn nghe đài quảng cáo cua tươi đại hạ giá, tôi lái xe đưa vợ tôi ra chợ này mua cua về luộc ăn với muối tiêu chanh. Tôi gởi tụi nhỏ cho bà chị dâu bên cạnh, dặn tụi nhỏ ở nhà ngoan ngoãn, ba má đi mua cua về làm đồ ăn cho cả nhà xong buổi chiều sẽ đưa đi xem phim. Chợ bán cua tươi và rẻ, đúng như họ đã quảng cáo. Ngặt một nỗi họ giới hạn mỗi nhà chỉ mua được có bốn con thôi. Tôi hơi thất vọng. Tôi tính mỗi đứa nhỏ hai con, phần vợ chồng tôi mỗi người một con cũng vừa. Bây giờ chạy đi chỗ khác mua thêm thì chưa chắc đã có, mà có thì cũng chưa chắc ngon và rẻ như ở đây. Tôi nghĩ chỉ có cách nhờ ai đó mua giùm thêm bốn con nữa là tiện nhất. Chắc không có ai nỡ từ chối. Lúc nãy tôi chỉ mất có hai phút để mua bốn con cua thôi mà. Tôi nhìn thấy một người khách đang nhẩn nha ở khu bán xì dầu nước tương. Tôi nghĩ mình có thể nhờ ông ta giúp được. Tôi đến gần và hỏi ông ta có thể mua giùm tôi bốn con cua hay không. Ông ta khinh khỉnh trả lời là không có thì giờ. Cách trả lời và khuôn mặt khó đăm đăm của ông ta làm tôi có cảm tưởng bị khinh thường. Tôi chưa thấy ai ích kỷ và đáng ghét như ông ta. Ông ta làm hư hết những dự định của tôi. Ông ta làm hư hết niềm vui của mấy đứa con tôi. Tôi giận quá, chỉ muốn đấm vào mặt ông ta!

4.

Tôi tên Quỳnh. Tôi sẽ còn ngủ mê mệt nếu không phải dậy sớm đưa Caroline ra phi trường. Trên đường về, tôi ghé vào khu chợ này để mua một bó rau muống. Tôi thích ăn rau muống xào tỏi. Đêm qua chúng tôi đi ăn tối với nhau ở một quán ăn vùng Tustin gần khu tôi ở và làm việc. Ở đó, tôi đã thổi ngọn nến nhỏ trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn mà Caroline đã mua cho tôi khi ghé lại một tiệm bánh ở khu chợ gần đó. Chúng tôi tiêu phí phần còn lại của đêm cuối cùng của năm cũ trong một quán rượu nhỏ của thành phố bên cạnh. Trên đường về, tôi cám ơn Caroline đã đến. Tôi sẽ cảm thấy trơ trọi ghê lắm nếu nó đã không vội vã bay đến với tôi chiều tối ngày hôm kia. Caroline nghiêng người qua từ phía bên phải, hôn lên má tôi và nói không có gì đâu cưng, mày biết tao yêu mày mà. Tất nhiên là tôi biết Caroline yêu tôi, theo cách của nó. Tôi còn biết nó sẽ hôn môi tôi nếu được phép, nhưng điều này đã không hề và sẽ không bao giờ xảy ra.

Caroline lăn ra ngủ ngay trên chiếc sô pha khi về đến căn apartment một phòng nhỏ xíu của tôi. Nó cần phải giữ sức khỏe cho chuyến bay tám giờ sáng ngày mai ở phi trường Los Angeles. “Gấp quá, không tìm được vé về phi trường John Wayne,” nó nói như xin lỗi. Tất nhiên điều đó là thừa, tôi không cảm thấy phiền hà gì hết khi phải đi thêm bốn mươi dặm nữa để đưa đón nó, tôi bảo nó như vậy. Tôi vào phòng mình và lập tức nhào đến chiếc bàn đêm nơi đặt chiếc máy điện thoại. Chỉ có một lời nhắn tin trong máy. Tôi đoán là của Frank. Tôi đã đoán đúng. Lời chúc sinh nhật lịch sự và dễ thương, như con người của Frank. Tôi xóa ngay ra khỏi máy lời nhắn của Frank sau khi nghe xong và thả mình xuống giường, vói tay tắt ngọn đèn ngủ. Bóng tối tràn ngập căn phòng, và cùng với nó, niềm chua xót. Cú điện thoại tôi chờ đợi suốt ngày hôm nay đã không đến. Lần sinh nhật năm ngoái nó cũng không đến. Lúc bấy giờ tôi và Frank còn sống chung với nhau. Frank đã cố gắng mang đến cho tôi một ngày sinh nhật thực vui vẻ. Đêm hôm đó, căn phòng của chúng tôi tràn ngập tiếng nhạc và tiếng cười cho đến khuya. Nhưng Frank hiểu ra là anh đã thất bại khi căn phòng chỉ còn lại hai đứa chúng tôi. Tất cả chỉ vì cú điện thoại tôi chờ đợi đã không hề đến. “Tôi không hiểu được bố em. Ông ấy luôn làm hỏng mọi việc.” Frank ném hai tay lên trời, than thở.

Frank không bao giờ hiểu được bố. Frank chưa hề là một đứa bé sáu tuổi mười mấy năm về trước đã lênh đênh cùng bố trên chuyến tàu vượt biển hôi thối và đầy nghẹt những người, chỉ ba tuần sau khi người mẹ bệnh hoạn được chôn cất ở một nghĩa địa tồi tàn vùng ngoại ô Sài Gòn. Frank chưa hề có lần hồi tỉnh vào lúc ba giờ sáng sau một cơn sốt cao độ trên chiếc giường ở khu cấp cứu của bệnh viện để nhận được chiếc hôn của bố trên vầng trán vẫn còn nóng hâm hấp của mình. Frank chưa hề cùng với bố thổi tắt những ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn vào mỗi đêm cuối năm. Frank chưa hề biết được cái cảm giác tôi đã có khi bố cúi xuống hôn lên tóc, hơi thở bố len qua những kẻ tóc phả lên da đầu ấm áp, và tiếng bố, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng và sắp được ăn, “Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố.” Tôi luôn luôn là “Quỳnh của bố,” và Frank không bao giờ hiểu được phải cần có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu gian nan, bao nhiêu nụ cười và nước mắt để ba tiếng giản dị này có được cái ý nghĩa của nó. Vậy mà chính là Frank, cùng với tôi, đã khiến tôi không còn là Quỳnh của bố. Ít nhất là bố đã nghĩ và tin như vậy.

Một tuần trước ngày nhập học của năm cuối cùng của chương trình Đại học, tôi bảo với bố là tôi sẽ dọn ra ở với Frank. Chúng tôi sẽ đi về một tiểu bang miền Đông và sẽ tiếp tục công việc học hành ở đó. Đây là một tin vô cùng bất ngờ cho bố. Bố ngồi lặng đi, một bên khóe môi giần giật. Nhất định tôi đã làm bố đau lòng ghê lắm. Nhất định bố đã không hề chuẩn bị cho việc Quỳnh của bố sẽ ra đi. Nhưng tôi đã quyết định. Tôi có trước mắt cả một thế giới rộng lớn, và tôi có Frank luôn luôn bên cạnh. Sẽ không có gì ngăn cản được tôi. Cánh cửa của căn nhà nhỏ đóng lại thực nhanh sau lưng tôi khi Frank đến đón tôi cùng ra phi trường. Bố đã không hề mở miệng khi tôi bảo là tôi sẽ gọi về cho bố khi đến nơi.

Tôi quen Caroline và những người bạn khác ở ngôi trường mới. Tôi luôn có Frank bên cạnh, lúc nào cũng lịch sự, cũng dễ thương, cũng chiều chuộng. Tôi sẽ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc nếu bố thỉnh thoảng liên lạc với tôi. Nhưng điều này đã không hề xảy ra. Khi tôi gọi về cho bố để báo tin mình đến nơi bình yên, bố đã lạnh lùng cắt ngang cuộc điện đàm. Tôi ngơ ngác nhìn chiếc ống nghe đang phát ra một tràng u u vô duyên, và để cơn giận tràn ngập lấy mình. Tôi thề sẽ không bao giờ gọi về cho bố nữa. Về sau, tôi vẫn thỉnh thoảng gởi cho bố những tấm bưu thiếp mỗi khi có dịp đi chơi xa với Frank hoặc trong những dịp lễ. Tôi luôn cẩn thận kèm theo địa chỉ và số điện thoại của mình, hy vọng sẽ nhận được hồi âm của bố. Điều này đã không hề xảy ra. Không một bức thư, không cả một lần điện thoại cho Quỳnh của bố!

Frank và tôi chia tay không lâu sau đêm sinh nhật đầu tiên không có bố bên cạnh. Tôi nhìn khuôn mặt ngơ ngác của Frank khi tôi bảo anh điều này và tin rằng mình đã quyết định đúng. Tôi cho rằng mình có thể hiểu Frank rất nhiều trong khi anh giỏi lắm chỉ có thể chạm vào lớp vỏ ngoài của tôi. Bên dưới cái vẻ ngoài rất “Mỹ” của tôi là một mớ bòng bong những suy nghĩ phức tạp về những giằng co, những phản ứng tâm lý mâu thuẫn của mình, những điều tôi có thể cảm nhận được nhưng luôn luôn thất bại khi tìm cách lý giải. Tôi cũng sẽ thất bại như thế khi tìm cách giải thích điều này cho Frank. Bởi vì Frank sẽ không hiểu gì hết. Đó không phải là lỗi của Frank. Chúng tôi khác nhau, như là một định mệnh. Chúng tôi không thể thay đổi định mệnh của nhau.

Tôi ra trường ít tháng sau đó và tìm được việc làm ở vùng Irvine, ba mươi dặm về phía Nam của thành phố Westminster. Tôi biết tại sao tôi đã cố tình chọn công việc này trong số những đề nghị khác. Đêm qua tôi đã thèm muốn quá đỗi, trước khi rơi vào giấc ngủ ngắn ngủi, hơi thở ấm áp của bố phả trên da đầu và lời chúc sinh nhật ngọt ngào của bố bên tai.

Khu chợ rất vắng, rau cỏ ê hề, nhưng không có rau muống. Bố thích rau muống xào tỏi, và tôi thích theo bố. Khi tôi đủ lớn để quấy rầy bố trong căn bếp nhỏ xíu, bố dạy tôi nấu ăn. Món đầu tiên tất nhiên phải là rau muống xào tỏi. Tôi đã cười đến vỡ bụng nhìn bố vừa bỏ vào mồm những cọng rau muống cong queo và đen xỉn vừa khen “Quỳnh của bố” nấu ăn giỏi quá. Vậy mà hôm nay lại không có rau muống! Tôi thất vọng, rời khu hàng rau, nhìn quanh quất tìm một món gì đó để mua. Tôi thường không quen ra về tay không. Vào lúc tôi đang phân vân giữa hai bình sữa đậu nành nóng hoặc lạnh, tiếng chai lọ đổ loảng xoảng lẫn với tiếng người ồn ào làm tôi giật mình. Tôi quay lại và nhìn thấy ông ta.

Ông đang ngồi bệt dưới sàn, hai chân bẹt ra trông rất thảm hại. Những chai xì dầu, nước mắm nằm vương vãi chung quanh, có ít nhất một chai bị vỡ, giòng nước nâu sẫm từ đó chảy ra, loang dần trên nền gạch men nhớp nháp. Ông ta cầm chai xì dầu vỡ lên, ngắm nghía. Có vẻ như ông ta không gấp gáp để đứng dậy. Có vẻ như ông ta chỉ muốn ngồi mãi ở đó, suy ngẫm về một điều gì đó, một điều rất quan trọng.

Khi ông ta ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy đôi mắt buồn thảm của ông. Tôi giật bắn người, quay mặt đi thực nhanh, nhưng đã trễ. Ông ta nhất định đã bắt gặp tôi đang quan sát ông tự nãy giờ. Nhất định là ông không muốn tôi hay bất cứ ai bắt gặp mình trong một hoàn cảnh như thế. Tôi cảm thấy bứt rứt quá đỗi như thể đã làm một điều gì vô cùng tàn nhẫn. Tôi cầm đại một bình sữa đậu nành nguội lạnh, quay người đi như chạy về phía quầy tính tiền. Tôi chần chờ ở đó vài phút, lòng dạ rối tung. Tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này ngay lập tức, và trong cùng một lúc, tôi biết mình không thể bỏ đi. Tôi hít vào một hơi thực sâu, vòng trở lại khu bán nước chấm, bước những bước ngắn, khẽ khàng đến nơi ông ta đang ngồi dạng chân dưới đất. Nhẹ nhàng quỳ xuống bên cạnh ông, tôi đặt bình sữa đậu nành qua một bên, nhặt những chai nước chấm đủ loại đang lăn lóc trên sàn chợ đặt lên kệ, cố gắng giữ vẻ bình thản như thể không có ai đang ở bên cạnh. Cố gắng của tôi chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng. Tôi len lén quan sát từng cử chỉ của ông. Từ một góc mắt, tôi có thể nhìn thấy ông ta né người qua một bên, chống hai tay lên sàn, xoay mình lại và cuối cùng thẳng người lên trong tư thế quỳ tương tự như tôi. Ông ta nhặt một chai nước mắm còn nguyên vẹn đặt lên kệ và quay lại nhìn tôi. Tôi để cho ông tha hồ ngắm nghía một nửa khuôn mặt bên phải của mình, trái tim chùng xuống trong nỗi chờ đợi. Ông sẽ nói với tôi điều gì? Ông sẽ cám ơn tôi đã giúp ông thu nhặt những chai nước chấm vương vãi dưới sàn chăng? Hơn mười giây trôi qua, ông vẫn không mở miệng. Tôi không còn chịu đựng được nữa, thu hết can đảm quay lại nhìn thẳng vào ông. Đôi mắt ông âm u như màu trời ngoài kia. Một bên khóe môi ông rung rung, nhưng vẫn không có âm thanh nào phát ra từ đó.

Có tiếng nói phát ra từ phía sau, “Tôi có thể làm phiền ông một chút hay không?” Chúng tôi cùng giật mình quay lại. Đó là một viên cảnh sát trẻ, cao lớn. Cùng với anh ta là một người đàn ông trung niên, có lẽ là nhân viên quản lý của khu chợ. Bây giờ thì ông ta chịu lên tiếng, nhưng không phải với tôi. “Tôi có thể làm được gì cho ông, thưa ông cảnh sát?” Giọng ông cứng cỏi, mang nặng âm sắc của người học nói tiếng Anh khi đã lớn tuổi. “Chúng ta có thể lại đàng kia một chút hay không? Tôi cần hỏi ông vài câu.” Viên cảnh sát lễ độ trả lời, tay chỉ về phía một góc vắng của khu chợ. Viên quản lý cúi xuống nhặt những mảnh chai vỡ trên sàn, cám ơn tôi đã giúp thu dọn chỗ này. “Cô ngưng tay đi nhé, nhân viên của tôi sẽ lo việc này.” Tôi đứng lên, hấp tấp bước theo hai người kia. Tôi đã không hề tự hỏi mình đi theo ông ta để làm gì. Tôi chỉ muốn đi theo ông ta.

Người vợ, đang cúi xuống nói gì đó với người chồng, đột ngột đứng thẳng lên, hai tay thỏng xuống nghiêm chỉnh khi viên cảnh sát đến gần. Người chồng, ngồi bó gối trên sàn chợ dơ bẩn, ngoảnh mặt nhìn ra phía quầy tính tiền, vẻ bướng bỉnh. Lúc này một vài người khách đi chợ sớm kéo đến và dừng lại ở một khoảng cách vừa phải, nhìn. Viên cảnh sát chỉ tay về phía người chồng và hỏi ông khách. “Có phải người này đã hành hung ông khi nãy không?” “Không!” Ông ta trả lời một cách dứt khoát, và gần như quyết liệt. Nhất định ông đã suy nghĩ về câu trả lời trên đường đến góc chợ này. Viên cảnh sát, và tôi nữa, nhìn ông, chờ một lời giải thích. “Người này và tôi có một cuộc thảo luận ngắn về … cua. Chúng tôi không đồng ý với nhau về việc cua thực sự có bao nhiêu càng và ngoe. Vậy thôi.” Tôi chưa thấy ai nói dối dở như ông ta. Có lẽ viên cảnh sát cũng có cùng nhận xét. Anh ta nhăn mặt như thể bị xúc phạm, đưa tay chỉ vào những vệt bẩn loang lỗ trên quần áo ông ta, hỏi, “Thế thì những vệt bẩn này từ đâu ra?” ” Tôi sơ ý ngã vào ngăn kệ đựng mấy thứ nước chấm, một vài chai bị vỡ.” Ông ta thoáng có vẻ lúng túng, tôi nghĩ vậy. Thực không dễ dàng khi phải nói dối hai lần trong vòng một phút. Viên cảnh sát lên tiếng một cách chán ngán, “Vậy sao?” Anh ta tiếp, cố tình không che dấu vẻ tinh quái trong giọng nói, “Cám ơn ông, ông thật là hữu ích cho bản báo cáo của tôi.” Tự dưng tôi cảm thấy bực bội. Tên cảnh sát non choẹt này làm chỉ giỏi làm bộ làm tịch! Riêng ông ta thì chẳng có phản ứng gì đặc biệt. Có vẻ như ông biết mình muốn gì. “Này ông cảnh sát, ông định làm gì với chàng trẻ tuổi này vậy?” Ông ta vừa hỏi vừa nghiêng đầu về phía người chồng. “Chỉ giữ ông ấy lại làm biên bản thôi. Nếu ban quản lý khu chợ này khiếu nại, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa.” “Khiếu nại về chuyện gì?” ” Về tội hành hung khách hàng và gây tổn thất hàng hóa của cơ sở thương mại này.” ” Hành hung? Tôi đã xác nhận với ông là không có chuyện đó mà! Tôi nghĩ ông không nên làm khó dễ người ta chỉ vì một chuyện hiểu lầm. Anh này phải là một người tốt. Người xấu không hối hả đi chợ vào buổi sáng sớm ngày đầu năm để mua thức ăn cho con cái mình.” Lý luận của ông thực buồn cười. Làm sao ông ta biết được người ta có con. Tôi tự hỏi không biết ông ta đã làm điều gì tệ hại với người ta rồi bây giờ phải cất công bênh người ta chầm chập để chuộc lỗi như thế. Viên cảnh sát trẻ, tuy vậy, có vẻ hơi bất ngờ bởi câu nói của ông ta. “Thế còn những món hàng bị hư hỏng thì sao?” “Đó là trách nhiệm của tôi mà. Tôi sẽ giải quyết ổn thỏa với nhân viên ở đây.” Ông ta nói tiếp, giọng thấp hẳn xuống như thể xấu hổ vì đang xin xỏ cho chính mình một điều gì đó, ” Cho anh ấy đi về đi, làm ơn…” Viên cảnh sát trẻ tuổi hơi ngần ngừ, có thể bởi vì anh ta không muốn bị thuyết phục dễ dàng bởi một di dân nói tiếng Anh cứng như gỗ. Tôi bước tới một bước, lập lại câu nói của ông ta với viên cảnh sát, “Let the man go, please…” Tất nhiên là tiếng Anh của tôi gần như hoàn hảo, và đầy tính thuyết phục. Có ít nhất vài người đàn ông đã bảo tôi như vậy.

Trên đường trở lại quầy tính tiền, ông ta xoay người nhìn vào mắt tôi. Ông ta vẫn không chịu mở miệng, nhưng đôi mắt ông rõ ràng đang nói với tôi một hay nhiều điều gì đó. Có lẽ ông ta đang cám ơn tôi đã đứng về phe ông. Có lẽ ông ta đang hỏi tôi tại sao lại ở đây, một mình. Nhất định là ông không tin rằng tôi sống một mình, đã từ lâu. Nhưng tôi không thể đứng mãi ở đây với bình sữa đậu nành vô duyên trên tay và suy đoán mãi về một hay nhiều ý nghĩa có thể được hay không được gởi theo cùng ánh mắt của ông. Tôi cần phải đến khu bán hải sản ngay lập tức, may ra… Và tôi ù té chạy vào phía trong.

Tôi bắt kịp ông ta ở bãi đậu xe. Ông nghiêng đầu qua nhìn tôi, vẻ dọ hỏi. Tôi đoán ông muốn hỏi bao giờ thì tôi mới chịu buông tha cho ông. Nếu quả thực ông nghĩ vậy thì đừng hòng, tôi nói thầm. Tôi nâng túi giấy trong tay lên, liến thoắng khoe với ông là tôi mua được hai con cua. “Chỉ còn có hai con cuối cùng thôi đấy nhé. Thực là may mắn!” Ông vẫn không chịu mở miệng, chỉ gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Tôi ấm ức trong lòng, nhưng cố gắng không để lộ ra ngoài. Tôi làm ra vẻ tươi tỉnh, nói tiếp là ông ta cũng may lắm bởi vì tôi sẽ chia cho ông một con. Nhịp đi của ông ta bỗng chậm lại, mặt lộ vẻ hoài nghi. Tất nhiên ông ta có quyền nghi ngờ. Mấy con cua mắc dịch từ sáng đến giờ đã làm phiền ông không ít. “Thực đấy.” Tôi ngưng đúng hai giây rồi tiếp “Chúng ta sẽ ăn cua luộc chấm muối tiêu chanh. Luộc xong là ăn ngay, nóng hôi hổi!” Tôi tin rằng lúc này thì ông đã hoàn toàn bị thuyết phục. Bởi vì ông đột ngột dừng lại, và trời đất ơi, ông đang nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười làm không những khuôn mặt ông mà cả bầu trời Westminster âm u bỗng như sáng lên rực rỡ. Cùng với nụ cười là đôi cánh tay ông, dang rộng, mênh mông. Trong không đầy một sát na, tôi thấy mình đang ở trong lòng ông, mặt dúi vào ngực ông, khóc rấm rứt. Rồi tôi bỗng nhận ra ông đang cúi xuống hôn lên tóc mình, hơi thở của ông len qua những kẻ tóc phả lên da đầu tôi ấm áp. Và cuối cùng điều tôi mong đợi, không phải chỉ từ lúc gặp ông sáng nay, không phải chỉ suốt ngày và đêm hôm qua, mà từ đã lâu lắm rồi, đang xảy đến. Tiếng ông vang lên, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng nếm qua, ấm áp hơn ngọn lửa của tất cả những ngọn nến sinh nhật tôi đã từng thổi tắt, ” Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố!”

Phùng Nguyễn
01.2002














Bài đã đăng của phùng nguyễn trên Da màu


24.12.2014
03.11.2014
17.10.2014
27.09.2014
24.09.2014
09.05.2014
31.08.2013
31.03.2013
05.10.2012
22.05.2012
30.04.2012
15.03.2012
03.03.2012
26.12.2011
đi chợ
17.11.2011
24.07.2011
18.04.2011
chuyến đi
15.04.2011
14.12.2010
30.09.2010
20.09.2010
16.07.2010
08.03.2010
bia ôm
16.12.2009
23.09.2009
21.09.2009
02.09.2009
07.08.2009
31.07.2009
31.07.2009
06.07.2009
24.04.2009
22.04.2009
11.04.2009
16.03.2009
23.02.2009
16.02.2009
09.02.2009
22.01.2009
03.12.2008
28.11.2008
21.09.2008
30.04.2008
17.04.2008
06.04.2008
02.04.2008
12.03.2008
28.02.2008
25.12.2007
27.11.2007
26.10.2007
11.10.2007
10.10.2007
04.10.2007
22.09.2007
ca bin
16.09.2007
09.09.2007
05.09.2007
17.08.2007
09.08.2007
15.07.2007
14.07.2007
30.06.2007
30.06.2007
30.06.2007
31.05.2007
31.05.2007
15.05.2007
15.05.2007
30.04.2007
30.04.2007
30.04.2007
30.04.2007
30.04.2007
30.04.2007
13.04.2007
06.04.2007
cua
13.03.2007
05.03.2007
27.01.2007
cua
13.01.2007
23.12.2006
09.12.2006
11.11.2006
11.11.2006
04.11.2006
11.04.1996













*






Tiểu Luận









Khi kẻ đồng lõa là nhà văn 



Phùng Nguyễn





LTS: Trong cùng chiều hướng với việc giới thiệu “Hội nhập và Nơi chốn” của nhà văn Đặng Thơ Thơ trên tạp chí Da Màu gần đây, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu tham luận “Khi Kẻ Đồng Lõa là Nhà Văn” của nhà văn Phùng Nguyễn (đăng lần đầu tiên trên diễn đàn Hội Luận Văn Học nay tạm ngưng hoạt động vì lý do kỹ thuật).

“Hội nhập” hay “Hòa hợp hòa giải,” bất kể như là một ý niệm hoặc một tiến trình, luôn là một con đường chông gai cho những ai muốn khai triển hoặc thực hiện, bởi vì cuộc hành trình bắt đầu với sự tranh đấu với chính mình.


Thực ra tôi thích nghĩ về chủ đề “Hội nhập” trên mạng Hội Luận Văn Học Việt Nam (HLVHVN) như là một nỗ lực tạo điều kiện cho những thảo luận nghiêm chỉnh về một khả năng hoà giải giữa những người làm văn học của những mảng văn học Việt Nam khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa lý hoặc/và chính kiến. “Hoà giải”, đối với tôi, nếu cần phải giải thích, chỉ đơn giản là tiến trình xóa bỏ những ngộ nhận để đạt đến một cảm nhận trung thực về mình và người. Ở đây, Mình đến trước Người.


Bằng cách lướt qua một số những bài tham luận, trả lời phỏng vấn, và những phản hồi tương tác của các tác giả/độc giả tham dự trên HLVHVN và trên diễn đàn talawas.org, chúng ta có thể nhận ra vài phản ứng tiêu biểu về sự cần thiết của “hội nhập,” hiểu theo nghĩa tôi trình bày ở trên. Một số người kết luận “hội nhập” hoàn toàn không cần thiết, và trong cùng một lúc không nhất thiết đồng ý với nhau về lý do của sự không cần thiết này. Một số khác, trong khi không tuyên bố là không cần thiết, có vẻ như đặt mình vào vị trí của người đã nắm vững tinh túy của khái niệm hoà giải hoặc đã hoàn tất công trình này nên “hoà hợp – hoà giải” với chính mình hay với tha nhân không còn là một vấn đề đáng quan tâm. Số còn lại, ghi nhận sự cần thiết của hội nhập, nhưng, một cách đáng tiếc, dừng lại ở phía bên này của lằn ranh phân cách trừu tượng và cụ thể.



Nếu có điều gì tôi thích ở “Im lặng của biển cả” của Trần Văn Tích (TVT), và có thể kể thêm một số trao đổi của ông trong phần “Ý kiến ngắn” của talawas, chính là sự thẳng thắn. Chưa sạch bóng quân thù thì ta không thèm chơi. Rất quân tử Tàu. Rất Hứa Do, Sào Phủ… tân thời. Chỉ tội cho đám nhà văn nhà thơ trần tục (trong đó có tôi) phải uống nước đục ở cuối giòng! Câu hỏi ở đây là liệu phản ứng thẳng thừng này, bên cạnh việc tránh né đưa ra giải pháp cho vấn nạn được sử dụng như là lý do của sự tẩy chay hội nhập, có thực sự giúp thay đổi mảy may nào hiện thực của bất cứ ai, kể cả của TVT, ngoại trừ việc làm dầy thêm lớp vỏ phòng thủ của chính mình? Trong một ý kiến ngắn trên talawas, TVT sử dụng cụm từ “tiếng hát nhân ngư” khi nhắc đến “các lời kêu gọi hoà hợp hoà giải, giao lưu hội nhập do người trong nước đưa ra khi mà đảng cộng sản còn độc quyền cai trị, dù nhân danh bất cứ điều cao cả nào…” Tôi không biết chắc “người trong nước” gồm những ai bên cạnh nhà nước cộng sản, nhưng tôi có thể đọc thấy niềm hoài nghi trộn lẫn với sợ hãi tương tự như phản ứng của giới cầm quyền trong nước khi nghe đến “diễn tiến hoà bình.” Một cách đơn giản, tôi không nhìn thấy sự dọa nạt của các từ hoà hợp hoà giải, giao lưu hội nhập, diễn tiến hoà bình. Nếu có ai đó, kể cả chính quyền cộng sản, cung cấp cho tôi một nơi chốn để tôi có thể vào đó phản đối những điều cần phản đối, thậm chí chửi rủa những đối tượng xứng đáng được đối xử như thế, mà không lo phải tù tội thì tôi sẽ không bỏ qua cơ hội. Những hoài nghi kiểu “diễn tiến hoà bình” này chỉ có thể hiểu được nếu đến từ người trong nước, kể cả “người trong nước” theo cách dùng của TVT, bởi vì tù tội là điều hoàn toàn có thể xảy ra!



Một số độc giả rõ ràng không đồng ý với một vài phát biểu của nhà văn Ngô Tự Lập (NTL), nhưng những trao đổi qua lại thực ra không liên quan gì nhiều đến đề tài “Hội Nhập.” Tôi thì cho rằng NTL hoàn toàn có quyền phát biểu nhận định của mình về nền tự do ngôn luận của Mỹ, cũng như Gareth Porter có quyền khẳng định không hề có cái gọi là Thảm Sát tết Mậu Thân ở Huế và Noam Chomski phủ nhận tội diệt chủng của Khmer Đỏ. Đây là những nhận định độc lập của cá thể dựa trên quan điểm, kiến thức, và khả năng tư duy của mỗi cá nhân. Tôi chỉ cảm thấy lo ngại về sự lạc quan của NTL khi ông tuyên bố, “Thú thật, không rõ từ lúc nào, tôi thấy vấn đề hội nhập trong ngoài không còn quan trọng. Thậm chí, ít nhất với tôi, nó có vẻ không còn là ‘vấn đề’ nữa. Nó đang dần dần chuyển thành vấn đề của các nhóm khác nhau về quan điểm chứ không hạn chế về địa lý“. Đây là một kết luận sâu sắc, cũng sâu sắc không kém cái kết luận về tự do ngôn luận kiểu “Bin Ladin” của Hoa Kỳ. Có điều, NTL đã không chịu bỏ công giải thích cho độc giả cái giới hạn của “hội nhập” mà ông đã khoanh vùng và bơi lượn thoải mải trong đó. Tôi e rằng “hội nhập” của NTL không lớn hơn cái bồn tắm ông nhúng mình vào lần cuối cùng trong dịp viếng thăm xứ Mỹ mới nhất của mình.



TVT, NTL là những người rất tự mãn, nhưng xem ra chưa thể so sánh được với Đỗ Kh. (ĐK). Có một số bạn đọc bày tỏ sự ngưỡng mộ bài tham luận “Cái khó của hoà giải là làm hoà với kẻ khác” của nhà thơ/nhà lý luận này, nhưng tôi rất tiếc không thể chia sẻ với họ điều này. Trước hết, tôi không hiểu tại sao ĐK lại ngượng chín cả mặt khi có ai đó chứng kiến anh đang “hoà giải” với chính mình, trừ phi ĐK đánh vần sai be bét hoặc tôi trông gà hóa cuốc, đọc sai be bét một cụm từ nào khác thành “hoà giải.” Thêm nữa, tại sao lại có mặt những ví dụ/dẫn chứng về “sự đọc” của Stalin mà lại vắng mặt những dữ kiện về số Bạch vệ đã thoát khỏi cảnh lưu đày ở Siberia nhờ vào khả năng đọc và yêu thích Bulgakov của nhà độc tài tiếng tăm này? Nhưng vượt lên trên những điều lặt vặt đó là cung cách đọc “vượt lý lịch” rất đáng khâm phục của ĐK. “… tôi không dùng chính sách lý lịch để thanh lọc cái đọc của tôi, trong hay ngoài, đồ đen hay đồ bông, cờ vàng hay là cờ đỏ“. ĐK đã nói như thế. Và tôi ghen tị đến xanh rờn cả người. Tôi nghĩ nếu nó (hoà giải trong giới làm văn học) là việc đọc, thì trước hết cần phải có “cái để mà đọc”. Trong khi điều này xem ra không hề là vấn đề cho ĐK, “nó” luôn luôn là một vấn đề to tát cho rất nhiều độc giả khác, ngay cả những độc giả nặng kí, những nhân vật quan trọng và có thẩm quyền trong lãnh vực văn hóa văn nghệ của nước nhà.



Cách đây ít năm tôi có hân hạnh đọc bài tham luận mà học giả Hoàng Ngọc Hiến (HNH) giao nộp cho William Joiner Center (WJC) trong đó tác giả trình bày những nhận định của mình về văn học hải ngoại. Tôi rất lấy làm khâm phục HNH vì thực ra không dễ dàng gì để sản xuất một bài viết nghiêm túc, đồ sộ 35000 chữ về một nền văn học đã có mặt khoảng 20 năm, gồm hàng trăm tác giả, hàng ngàn đầu sách, và hàng đống dây mơ rễ má với một nền văn học khác (cũng có bề dầy 20 năm) chỉ với mớ kiến thức đến từ một thu lượm bắt đầu và chấm dứt ở một thời điểm nào đó giữa một lục cá nguyệt! Nhà học giả này đã, trong một khoảng thời gian kỷ lục, tranh thủ tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm mà ông chưa hề có cơ hội làm quen trước đó, đơn giản chỉ vì đã không hề có được trong tầm tay để chỉ làm quen! Chuyện “đọc” với một giáo sư hàng đầu trong việc chuyên trị văn chương nước nhà mà còn khó khăn như thế, làng nhàng như tôi thì lấy gì mà đọc đây. Mà không đọc của kẻ khác (địa ngục là kẻ khác) thì lấy gì để quyết định có nên “vượt lý lịch” hay không! Thêm nữa, không những là của “tha nhân” mà của “người nhà” với nhau cũng chưa chắc đã có thể đọc nhau đâu đấy nhà thơ ĐK thân mến ạ. Có nghe vụ “Trần Dần – Thơ” mới đây?



Trừ phi ĐK bỏ công chia sẻ kinh nghiệm thu thập “cái để đọc” và quá trình xây đắp cái khả năng “đọc vượt lý lịch” để đám dân dã chúng tôi học hỏi, đành phải kết luận là bài tham luận của ĐK chỉ nên dành/áp dụng cho giới bourgeois văn học đầy đặc quyền trong và ngoài nước, đại diện bởi, theo thứ tự, thiếu tướng công an Khổng Minh Dụ (KMD) và nhà thơ ĐK.



“Hoà giải phẫu” của nhà thơ/nhà lý luận Phan Nhiên Hạo (PNH) đọc thú vị hơn nhiều. Tôi vốn thường tìm thấy mình không đồng ý với PNH hoặc với ĐK hoặc với cả hai (khi họ cãi nhau) về một hay nhiều tuyên bố trong bài của họ, nhưng “Hoà giải phẫu”, ít nhất ở phần kết luận, gần như là một ngoại lệ. Một vài chỗ tôi tâm đắc, thí dụ như “Trong đời sống, nhà văn không phải đối thủ ngang sức với giới chính trị. Chỉ một cái bắt tay của nhân vật lãnh đạo, một bữa tiệc mời, nhiều người viết đã nhanh chóng rưng rưng thoả hiệp, đấm ngực bỏ qua tất cả“. Nhưng khi PNH đặt điều kiện như trong đoạn dưới đây “… sự hoà giải, ít nhất trong văn giới, sẽ không thực chất và ích lợi gì nếu không đặt trên đồng thuận chính trị căn bản. Sự đồng thuận, trong thời điểm hiện nay, là tiến đến một thể chế dân chủ…” thì tôi lại thấy PNH hao hao giống nhà nghiên cứu Trần Văn Tích… bị nhúng nước (cho mềm ra một tí ấy mà)! Con gà và cái trứng, nên bắt đầu điều nào trước, tiến hành thể chế dân chủ hoặc tạo điều kiện ngồi cùng với nhau để có thể thỏa thuận về, cùng với những điều quan trọng khác, việc tiến hành một thể chế dân chủ? Trong mọi trường hợp, tôi đồng ý với PNH ở phần trích dẫn dưới đây, ngoại trừ câu tôi cố tình loại bỏ, “việc tảng lờ chính trị không phải giải pháp tốt“. Bởi vì tảng lờ bất cứ điều gì, không chỉ riêng lãnh vực chính trị, cũng không phải là giải pháp tốt: “Sự hoà giải cần được thúc đẩy, nhưng phải trong tinh thần đối thoại thẳng thắn, không tránh né… Một cuộc đối thoại thẳng thắn dĩ nhiên không dễ dàng, có khả năng gây đau đớn. Nhưng đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn“.



Như đã đề cập ở trên, PNH là một trong những người đến gần nhất với ranh giới giữa trừu tượng và cụ thể, chỉ tiếc là vị bác sĩ giải phẫu này đã không giới thiệu một vài bệnh nhân điển hình cần đưa lên bàn mổ.

Nhà thơ Thận Nhiên (TN), với hoàn cảnh đặc biệt “một cảnh hai quê” của mình, có cái nhìn khá phóng khoáng về người và việc, nhưng khi chạm đến chuyện “hội nhập,” anh không ngần ngại đứng vào hàng ngũ những kẻ hoài nghi tính thực dụng của hội nhập như là một công trình tập thể: “Tôi nghĩ ngày nay sự cách biệt về giao lưu là một vấn đề/vấn nạn ảo, không có thật, hoặc bị cường điệu hóa. Nếu có thì nằm ở cách nghĩ của từng cá nhân và chỉ từng cá nhân ý thức và giải quyết nó theo phương cách của mình. Biện pháp tốt nhất cho mọi vấn đề của một nghệ sĩ là hãy sống đàng hoàng trung thực và làm việc có hiệu quả trong lãnh vực của mình“. Tất nhiên có nhiều người đồng ý với TN, đặc biệt ở phần “hãy sống đàng hoàng trung thực và làm việc có hiệu quả trong lãnh vực của mình”. Tôi, rất tiếc, xin được không đồng ý. Không có gì sai về phần phát biểu này của TN ở cương vị cá nhân, nơi bất cứ điều gì, việc gì chúng ta làm hoặc không làm chỉ ảnh hưởng lên chính mỗi cá nhân của chúng ta mà thôi. Và đây, tiếc thay, là điều không tưởng, đặc biệt cho những người cầm bút.



Sự cố “Trần Dần – Thơ” song song với sự xuất hiện của mạng HLVNVN là một ngẫu nhiên thú vị. Trong khi một số người có thể không hài lòng với những thay đổi đột ngột trong nội dung cũng như quyết định công bố/không công bố “Thư ngỏ” của quý vị đồng tác giả, tôi cho rằng đây là một cột mốc đáng kể trong tiến trình tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận của giới làm văn học trong nước. Chỉ riêng việc các giới chức liên hệ phải giải thích quanh co và đưa ra những biện pháp hành chánh ngây ngô ở phút cuối để đối phó với khả năng “Thư ngỏ” được phổ biến rộng rãi hơn cũng đã là một dấu hiệu khích lệ. Đây là một trong những vùng đất mới lạ mà giới làm văn học chính thống, hoặc “trong luồng”, đang dọ dẫm khám phá. Ở cương vị người quan sát, cần phải nhận thức được rằng thời gian và sự khích lệ là những yếu tố cần thiết cho bước đầu.


Ở một khía cạnh khác, và không kém phần quan trọng, “Thư ngỏ” bộc lộ một thực tế mà người ta vẫn tránh né, không muốn đề cập ở nơi công cộng: cuộc nội chiến về ý chí vẫn tiếp diễn giữa một bên là giới thống trị và bên kia là giới bị trị. Vũ khí của kẻ yếu thế nhất trong đám bị trị: im lặng khinh bỉ! Điều này được nhắc đến trong bình luận của Phan Bi Thiệt [Thòi?] và trong một số thơ văn “dấn thân” đăng rải rác trên Tiền Vệ, talawas, và Da Màu nhân vụ “Bản tuyên cáo của người Việt yêu nước” về sự kiện Hoàng/Trường Sa do một nhóm văn nghệ sĩ “ngoài luồng” khởi xướng trước đây.

Trong mười năm dưới chế độ Cộng sản sau tháng tư 1975, tôi ít nhất có cái may mắn đã không phải trải qua “cơn ác mộng” này với tư cách một nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tôi đã không biết gì về những điều văn nghệ sĩ miền Nam phải hứng chịu trong mười năm kế tiếp, thêm mười năm sau đó, và có vẻ đang tiếp tục… Nhưng tôi đã có cơ hội gặp gỡ một vài người trong số họ. Một trong những người đó là nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh (NPT). Tôi gặp anh, lần đầu và cuối, ở Sài Gòn, vào dịp Tết Đinh Hợi 2007. Anh nhỏ nhẹ nhưng không nhân nhượng. Tạp chí Hợp Lưu, cùng với những điều tốt và xấu, thực và giả được gán ghép cho nó, đối với anh, là một biểu tượng của đầu hàng. Trong khi tranh luận với anh về nhận định này ở góc nhìn của một người viết hải ngoại, tôi luôn nghĩ đến những nỗ lực tinh thần lớn lao anh phải thực hiện để “giữ mình” trong bao nhiêu năm tháng để được quyền tiếp tục đưa ra một phán xét như thế. Đó là sĩ khí, tôi nghĩ, và đây là điều, trong ba thập kỷ, cho đến thời kỳ cởi trói lần đầu tiên, đã không hề thấy giới sĩ phu Bắc Hà bộc lộ từ sau vụ đấu tố Nhân Văn – Giai Phẩm. Anh ngã xuống không lâu sau lần gặp gỡ vì bệnh nan y, nhưng “những điều anh đã viết xuống, trước và sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới một hay nhiều cái tên, sẽ còn đó, lấp lánh trên cao, gởi cái nhìn phán xét xuống những thế lực của trù dập, của bất công, của trá ngụy…” ( Nguyễn Phan Thịnh và những đôi mắt nhân chứng). Trong khi tất cả những trù dập, bất công giáng lên đầu văn nghệ sĩ miền Nam, giới văn nghệ chính thống (nghĩa là có thẻ Hội nhà văn Việt Nam) làm gì, ở đâu? Nói như Nguyễn Đình Chính (NĐC), ốc còn không mang nổi mình ốc. Nhưng tôi e rằng đó không phải là tất cả lý do. Còn có một điều gọi là sự lãnh đạm. Và lắm khi sự lãnh đạm còn tệ hơn những điều làm thành định nghĩa của nó: nỗi thống khổ của kẻ khác!

Trong khi không nhất thiết đồng ý với thái độ im lặng trong khinh bỉ (hoặc khinh bỉ trong im lặng) diễn tả trong bài bình luận của PBT, tôi tin rằng mình có thể hiểu được phần nào lý do sự hiện hữu của thái độ xem ra tiêu cực này. Liệu đã có bất cứ tác giả của bất cứ bài tham luận nào trên HLVHVN đề cập đến sự lãnh đạm như là một vấn đề cần mổ xẻ trong quá trình hội nhập? Liệu đã có bài viết nào nói lên được một cách thuyết phục sự cần thiết, và cần thiết ở mức độ không còn là một lựa chọn, của công cuộc hoà giải giữa những người cầm bút với nhau, và trên hết, với chính bản thân họ? Tôi e rằng chưa, cho đến khi “Hội nhập và nơi chốn?” của nhà văn Đặng Thơ Thơ (ĐTT) được đưa lên mạng.

Bên cạnh việc phân tích một cách chính xác những “điểm mù” trong bài viết của nhà văn Tô Nhuận Vỹ(TNV), và không chỉ riêng TNV, phần còn lại của “Hội nhập và nơi chốn?” là một lý giải tuyệt vời về một điều vô cùng quan yếu cho nỗ lực “hội nhập” theo cách hiểu của tôi. Trong tiểu đoạn “Tại khoảng không của những nỗi đau”, ĐTT trích dẫn Elie Wiesel (EW), “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau”. Cũng chính trong tiểu đoạn này, ĐTT đã viết, “Hội nhập không phải chỉ đòi hỏi người khác chấp nhận mình và trong cùng lúc bôi xóa những yếu tố đã làm nên người khác, những ký ức cá nhân, những kinh nghiệm, lịch sử của họ mà mình không từng trải“. Không thể nào nói hay và đúng hơn ĐTT và EW! Hoà giải chính là vì một điều như vậy (EW), và để hoà giải cần có một suy nghĩ như vậy (ĐTT).

Wiesel giải thích sự cần thiết của hoà giải/hội nhập. “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cung khai điều gì? Sự Thực. Để làm gì? Để quá khứ của chúng ta KHÔNG trở thành tương lai của những thế hệ sau”. Đây là câu trả lời dành cho TVT, NĐC, NTL, TN, và nhiều người khác ở bên này hoặc bên kia các bờ đại dương/biên giới chính kiến. Người viết không thể phủ nhận vai trò nhân chứng của mình, “nó” là cái bóng của mỗi người viết, sinh ra, lớn lên cùng họ và đeo đuổi họ không rời, là số phận của người viết, đặc biệt trong những giai đoạn đầy biến thiên của đất nước. Điều duy nhất người viết có thể làm là nhận lãnh trách nhiệm của một chứng nhân lịch sử và xem đây là một đặc quyền. Bởi vì không phải ai cũng xứng đáng là người chứng!
Bằng cách chọn đứng ngoài hoặc trên những nỗ lực hoà giải/hội nhập, bất kể là vì hoài nghi, kênh kiệu, hoặc…cận thị, người viết phủ nhận không chỉ tư cách mà cả trách nhiệm nhân chứng của mình. Họ, vô tình hay cố ý, làm ngơ hoặc cho phép sự tồn tại và phát triển của điều trá ngụy, như là đối nghịch của Sự Thực mà EW đã đề cập, và tiếp tục làm ngơ hoặc cho phép những nọc độc văn hóa mọc ra từ trá ngụy gây tác hại lên không chỉ một người, một nhóm người, mà nhiều thế hệ của một dân tộc.

Tôi có nói về sự lãnh đạm ở một phần trước. Ở đây là sự đồng lõa, của nhà văn, với những thế lực đen tối. Và có khi không chỉ là đồng lõa!









































Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng loã



Phùng Nguyễn











Trong bài tham luận “Khi kẻ đồng loã là nhà văn[1] đăng trên diễn đàn Hội luận Văn học Việt Nam gần đây, tôi có đề cập đến vai trò và trách nhiệm của nhà văn (ở đây được sử dụng như là một từ chung cho nhà văn, nhà thơ, và các nghệ sĩ sáng tạo thuộc các bộ môn nghệ thuật khác) như là một nhân chứng quan trọng của lịch sử. Cần phải nói thêm là vai trò này đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm bảo vệ và xiển dương Sự Thật mà còn cần thiết phải lật mặt nạ, đưa ra ánh sáng những trá nguỵ, như là đối nghịch của Sự Thật, mà từ đó nọc độc văn hoá mọc ra như những chiếc vòi bạch tuộc âm độc. Tại sao điều này lại vô cùng cần thiết sẽ được trình bày dưới đây.



Tôi có niềm tin rất lớn vào lòng tự hào của nhà văn. Họ luôn muốn được xem như là một ngòi bút công chính, đầy lòng nhân ái. Chỉ có điều là không có mấy ai đạt được "cảnh giới" cao quý của lòng công chính thực sự. Có quá nhiều điều luôn rắp tâm kéo nhà văn xuống thấp, có khi thấp hơn cái mức độ cho phép. Đó là khi họ, vì một hay nhiều lý do, phải nín thở qua sông, phải viết điều không muốn viết, phải ca tụng điều không xứng đáng, phải báng bổ điều họ thực sự quý trọng. Họ buộc phải đứng về phía của kẻ mạnh. Nhưng cũng có khi, không phải luôn luôn là vô tình, họ chọn đứng cùng phía với những thế lực đen tối một cách tự nguyện, gieo rắc mầm độc hại xuyên qua việc xiển dương điều trá nguỵ. Chính là ở đây, nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng loã.



Vào tháng 11 năm 2002, tôi có cơ hội đọc Đi tìm nhân vật[2] của Tạ Duy Anh trên mạng talawas. Tác giả của "Bước qua lời nguyền" nằm trong danh sách những ngòi bút ưa thích của tôi đã từ lâu. Tôi "khám phá" Tạ Duy Anh qua tập Truyện ngắn chọn lọc 1975-1990[3] của Nhà xuất bản Văn Học in năm 1993 cùng lúc với Phạm Thị Hoài ("Chín bỏ làm mười") và Nguyễn Huy Thiệp ("Tướng về hưu"). Tôi theo dõi Đi tìm nhân vật một cách thích thú, cho đến gần hết chương 6. Cũng trong năm 2002, tôi có dịp đọc Cõi người rung chuông tận thế[4] của Hồ Anh Thái. Vào lúc bấy giờ, hình như ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ở một trang nào đó cũng nằm trong chương 6, tôi ngừng đọc. Nơi tôi đã dừng lại ở hai tác phẩm, có một điểm rất chung.



Phần trích dẫn dưới đây từ Đi tìm nhân vật đề cập đến sự tàn bạo của chiến tranh. Tôi không biết Tạ Duy Anh đã gặp những khó khăn nào trong việc cho ra đời cuốn sách này với phần diễn tả sự thống khoái bệnh hoạn của người lính bộ đội trong khi tàn sát lũ "lính nguỵ" và đám "nguỵ cái" dưới đây, nhưng tôi phải thú thực đã cảm thấy có sự khiên cưỡng trong tâm lý nhân vật:



"… Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng nguỵ bị mình xọc lê vào bụng, nghe ‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ."



Đoạn kế tiếp là một xung đột đầy kịch tính, phục vụ cùng một mục đích: diễn tả sự tàn bạo của chiến tranh, trong đó người lính là con thú mắc bẫy. Người lính chọn ném đứa bé hai tuổi xuống ao nước cho chết đuối thay vì để nó, một cách chắc chắn, bị sát hại bởi "Mỹ nguỵ" sau đó. Bất kể có đồng ý với cách hành xử của người lính hay không, tôi ghi nhận nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc chuyên chở khá thành công điều xem chừng như một nghịch lý: những tư duy nhân bản có khi được thể hiện dưới những dạng tàn bạo nhất. Đoạn này chấm dứt như sau:

"Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn nguỵ ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận."

Dưới đây là đoạn trong chương 6 của Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc:

"Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được, Hùng phải chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối, rồi quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước, không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá túi bụi để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại, chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.

Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn."

*

Tạ Duy Anh là nhà văn có tay nghề cao. Chỉ cần một câu ngắn, "… chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội", ông đã làm được nhiều việc. Trước hết ông xác lập "thực tế" dựa vào cung cách diễn đạt ngắn, gọn như một mệnh lệnh của cấu trúc câu. Người đọc không có thì giờ, và do đó, cơ hội để hoài nghi khẳng định của ông. Thứ đến, ông "tầm thường hoá", không phải bản chất và mức độ tàn độc mà là sự hiện hữu và khả năng tái diễn của, một tội ác khủng khiếp bằng cách nói về nó một cách thản nhiên như đang nói về một sự kiện vô cùng bình thường, cho dù có trông đợi hay không, sẽ chắc chắn xảy ra một cách đều đặn và tự nhiên như người Hà Nội sẽ tiếp tục đi ăn chả cá Lã Vọng. Sau hết, ông xác định "ranh giới" của những tội ác được phép xảy ra: tất cả những gì khác hơn việc ăn thịt đồng loại, và trong Đi tìm nhân vật, đó là những tội ác xảy ra trước và sau câu văn ngắn gọn nói trên! Không giống như những đoạn trích dẫn ở trên, Tạ Duy Anh xây dựng đoạn này một cách thoải mái và tự tin, tôi có thể hình dung. Ông không hề ngay cả trong một sát na hoài nghi điều mình viết xuống. Bởi vì "lính nguỵ ăn thịt người" là điều có thực, cũng thực như mặt trời sẽ mọc ở hướng Đông vào mỗi buổi sáng. Ông không phải hư cấu, và ông yên tâm vô cùng.

So với câu văn nói trên của Tạ Duy Anh, có người sẽ bảo ít nhất Hồ Anh Thái đã bỏ công "hư cấu" đoạn tôi trích dẫn từ Cõi người rung chuông tận thế. Tôi e rằng mình không thể đồng ý với nhận định này. Nhân nhượng lắm thì tôi sẽ chấp nhận câu "Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn" là một công trình hư cấu bởi vì nó có thể đã được chuyển hoá từ kinh nghiệm ứng xử trong đời thường của chính tác giả. Phần còn lại là một sao chép vụng về và mâu thuẫn từ một điều đã nghe/đọc/nhặt từ một hay nhiều nơi nào khác. Sao chép? "Thám báo nguỵ" và "ăn thịt người" luôn luôn là cặp bài trùng trong “cổ tích dân gian” kể từ hậu bán thế kỷ 20! Mâu thuẫn? Trong đoạn văn trích dẫn ở trên, có hai chi tiết không ăn khớp:
Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.
Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ.

Tất nhiên Hồ Anh Thái chưa từng ở hay đưa trí tưởng tượng của mình vào cái khung cảnh ông đang diễn tả như là một người lính, thám báo “nguỵ” hay trinh sát “Việt cộng.” Cho nên ông không chỉ rón rén mồi lửa mà "nổi lửa" nướng thịt người và trong cùng một lúc lại rất cẩn thận không dùng đến súng vì sợ gây tiếng động! Ông không hề biết gì về khoảng cách và tốc độ mà khói và mùi thịt [người?] cháy khét có thể đạt đến! Tôi ngạc nhiên là những tên “thám báo nguỵ” này đã không ăn… sống nhân vật Hùng, vốn có thể làm cho câu chuyện trôi chảy hơn! Khi Jorge Amado, trong "Phép lạ của bầy chim"[5], tả Ubaldo Capadócio cu dái lòng thòng bay lên trời cùng với bầy chim đủ loại [một cách rất đáng tin], đó là hư cấu. Cần phải dùng đến một từ khác để diễn tả chính xác hơn công trình "sáng tạo" của nhà văn Hồ Anh Thái.

Không thể nói là tôi đã không cảm thấy xúc phạm ở cương vị một người lính của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, một tập thể nay đã thuộc về lịch sử, và trên hết, như là một người Việt Nam khi đọc những đoạn trích dẫn nói trên. Cái huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người," đối với tôi, là chuyện láo khoét, bắt đầu với những tuyên truyền dối trá vào những thời điểm rất sớm trong chiến tranh, và trong khi vô cùng bẩn thỉu khi xét trên các phương diện văn hoá và đạo đức, đã được áp dụng triệt để với mưu đồ gán ghép cái đầu ác thú lên thân thể của kẻ thù. Những tuyên truyền láo khoét và vô đạo đức này, bất kể xuất phát từ bất cứ từ phe nào, nếu có ai đó cho rằng cần thiết trong giai đoạn chiến tranh, lẽ ra phải được chấm dứt và mầm độc của nó phải được hoá giải ngay lập tức vào ngày hôm sau của ngày tàn cuộc chiến. Điều này đã không hề xảy ra, và càng tệ hơn nữa, điều trá nguỵ được tiếp tục củng cố, nuôi dưỡng không chỉ bởi những đầu óc ngu muội mà còn bởi những người mà dựa vào chức năng của họ, trí tuệ và khả năng tư duy phải vượt trội hơn những tầng lớp khác trong xã hội. Tôi muốn nói đến nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ sáng tác, và trong một giới hạn nhất định, trí thức.

Những người vẫn đang tin tưởng vào huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người" (hoặc những huyền thoại ghê rợn nhắm vào phe này hay phe kia trong cuộc chiến) sẽ nhảy lên đòi tôi trưng ra bằng chứng về sự "vô tội" của họ. Bằng chứng? Trách nhiệm đưa ra bằng chứng thuộc về kẻ buộc tội, phe công tố, những người đã dựng lên câu chuyện hoang đường này trước tiên, những người nay hoặc đã qua đời hoặc quá hèn nhát để đứng ra thú nhận tội ác làm ô nhiễm văn hoá dân tộc của mình. Về phần mình, tôi không có bằng chứng nào hết! Nói cách khác, bằng chứng của tôi về sự láo khoét và vô đạo đức của cái gọi là "lính nguỵ ăn thịt người" chính là sự thiếu vắng bằng chứng về cái tội ác vượt quá ranh giới giữa người và thú được đổ lên đầu cái tập thể bất hạnh này. Những người đã, đang, và sẽ tiếp tục tin tưởng, viết xuống, hoặc nói về cái tội ác tưởng tượng này, có trong tay mình những gì? Có bao nhiêu chứng cớ cụ thể hoặc có thể kiểm chứng được về "lính nguỵ ăn thịt người" trong những phòng trưng bày "tội ác Mỹ nguỵ" trên cả nước? Hình ảnh? Tên tuổi nạn nhân? Ngày tháng, nơi chốn? Nhân chứng? Đã có những kết quả nào đến từ nỗ lực của nhà nước sau chiến tranh trong việc tầm nã hung thủ để thực thi công lý? Bao nhiêu phiên toà đã được dựng lên để xét xử những con "ác thú kinh tởm" này? Bọn chúng gồm những ai, tên tuổi, ngày tháng tội ác xảy ra, bản cung khai? Tôi e rằng không có bằng chứng nào hết ngoài những lời kể lể ỉ ôi đi kèm với những thề thốt long trọng về sự chân thực của những câu chuyện bịa đặt! Vạn nhất nếu có, và điều này vô cùng quan trọng, sẽ là vô cùng hiếm hoi và vô cùng cá biệt, không bao giờ đủ để bất cứ một ai có thể gán ghép những tội ác phi nhân tính này như là một thuộc tính lên bất cứ một tập thể, một nhóm người nào hết.

Trong một bài viết cách đây không lâu nhằm phân tích tiểu luận "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction[6] của “nhà thơ có tác phẩm nằm trong danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20” Nguyễn Bá Chung, tôi có đề cập đến vấn đề tương tự và áp dụng cho giới trường ốc Âu Mỹ, xin được trích dẫn ở đây:"

"Làm thế nào để chúng ta có thể dễ dãi đến độ cẩu thả với chính mình như thế và trong cùng một lúc lại có cái nhìn vô cùng nghiệt ngã đối với người khác? Tôi cho rằng sự lười biếng có phần đóng góp không nhỏ trong đó. Chúng ta tránh, càng nhiều càng tốt, kiểm tra những ‘thực tế’ đã được công nhận bởi đa số. Tệ hơn nữa, sự lười biếng cho phép chúng ta không chỉ chấp nhận mà còn áp dụng những ‘thực tế’ này cho những điều tương tự hoặc có vẻ tương tự. Chúng ta lười biếng đến độ không thèm tự hỏi mình nếu bánh xe có hình tròn, liệu mọi hình tròn có phải là bánh xe hay không? Liệu trung uý William Calley, người chịu trách nhiệm tối hậu cho cuộc tàn sát Mỹ Lai năm 1968, có biến tất cả quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở thành những kẻ giết người hàng loạt? Liệu những kẻ chủ sử trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế có biến tất cả đảng viên cộng sản Việt Nam thành tội phạm chiến tranh? Liệu Jeffrey Dahmer[7] có biến dân tộc Mỹ thành bọn mọi ăn thịt người? Hoặc giả chỉ có người Mỹ tư bản và người Việt cộng sản mới được hưởng quyền đặc miễn tài phán?"

Có người sẽ bực bội nếu tôi bỏ qua/không bỏ qua những thước phim ghi lại giây phút tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn bỏ một tù binh cộng sản giữa thanh thiên bạch nhật. Hành động này, bất kể động cơ thúc đẩy, là một tội ác khó thể biện bạch và đã biến Nguyễn Ngọc Loan thành một nhân vật vô cùng nổi tiếng và đồng thời một mục tiêu của chỉ trích và lên án trong và sau chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh việc chà đạp lên công ước quốc tế về tù binh, coi rẻ mạng sống con người, hành động thiếu suy xét ở cương vị một tướng lãnh, Nguyễn Ngọc Loan còn bắt cả một tập thể vô cùng đông đảo phải trả giá cho hành động không thể bào chữa của một cá nhân riêng lẻ. Quân lực Việt Nam Cộng hoà, trong mắt của công luận thế giới từ sau biến cố đáng tiếc này, là một tập thể tàn bạo, giết người như ngóe! Đây là hiệu ứng độc hại nhất và khắc nghiệt nhất của “guilty by association”, tạm dịch một cách vô cùng lỏng lẻo là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trên thực tế, trong suốt cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, có bao nhiêu người lính miền Nam đã thực sự cầm súng hạ sát một người không có tấc sắt trong tay? Chắc là có, nhưng nhất định không ở cái mức độ để được gọi là "tàn sát” (massacre). Bởi vì không phải họ ở Mỹ Lai, Thanh Phong. Không phải họ ở Huế, vào dịp Tết!

Cũng không phải Hoàng Phủ Ngọc Tường, nếu chúng ta có thể tin vào lời tuyên bố của ông. Bất kể oan ưng, Hoàng Phủ Ngọc Tường là người may mắn. Ông được chiếu cố, được bào chữa, hoặc ít nhất, được cho cơ hội để biện minh, để được soi rọi. Một Ngô Minh viết bài minh oan. Một Nguyễn Đức Tùng tặng thơ, ước mơ xây nhà máy lọc để biến nước thành thuỷ tinh trong vắt cho chúng ta có thể nhìn thấy Lư Sơn chân diện mục. Đã có bao nhiêu nỗ lực tương tự dành cho những oan khuất, những ngộ nhận đến từ sự trá nguỵ phủ chụp lên đầu một hay nhiều tập thể bất hạnh khác chỉ vì thế đứng của họ trong cuộc tranh chấp áp đặt lên số phận của dân tộc bởi những thế lực ngoại lai? Tôi không nghe tiếng trả lời!

Hoặc giả chỉ có văn nghệ sĩ mới có đặc quyền được lên tiếng và được lắng nghe? Tôi e rằng điều này không xa lắm với thực tế. Nhà văn nhà thơ, bất kể ở phía nào của cuộc tranh chấp, quả thực có một số đặc quyền nhất định, trong đó có quyền, cùng với thời gian và cùng với lịch sử, được xem xét, phê phán, minh oan, và phục hồi. Có bao giờ họ tự hỏi cái đặc quyền này đến từ đâu, bởi vì cái gì. Có bao giờ họ nhận ra đặc quyền này thực ra là một trách nhiệm, một nghĩa vụ đến từ kỳ vọng chính đáng của lịch sử và của xã hội về họ, dựa trên chức năng cao quý của họ, như là một nhân chứng trung thực và công chính của đời sống, và đời sống ở đây không chỉ là đời sống ngắn ngủi và riêng tư của chính họ. Rất đáng tiếc, rất mỉa mai nếu cái đặc quyền này chỉ để phục vụ cho riêng bản thân của họ! Như Wiesel, trích dẫn trong bài tham luận xuất sắc “Hội nhập và nơi chốn[8]của Đặng Thơ Thơ, đã viết: “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau.”

*

Bài viết này hoàn toàn không phải để bào chữa cho bất cứ tội ác nào của bất cứ phe phái nào trong chiến tranh hoặc trong bất cứ bối cảnh nào khác. Tôi không hề nghi ngờ cái sự thực là đã có những tội ác ghê rợn xảy ra trong chiến tranh Việt Nam xuất phát từ những động cơ cá nhân hay từ chính sách của một hay nhiều phe tham chiến nhân danh những điều cao quý nhất hoặc tệ hại nhất. Tôi là một trong số những người viết hiếm hoi ở hải ngoại đã quan tâm và lên án Bob Kerry, vào năm 2002 là thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ, về vụ thảm sát ở làng Thanh Phong[9] tháng 12 năm 1969 bởi toán người nhái hải quân Mỹ do ông cầm đầu (Có thể xem Thanh Phong như là một "mini" Mỹ Lai về số lượng nạn nhân (21) cũng như về tầm phổ biến trên các mạng truyền thông). Tôi tán thành việc truy nã và đưa ra trước công lý những tội phạm chiến tranh, bất kể thuộc về phe tham chiến nào, và buộc họ phải trả giá cho những tội ác họ đã thực hiện trong quá khứ, tương tự như thế giới vẫn đang truy tầm và kết án những hung thủ sống sót từ Đệ nhị Thế chiến. Nhưng tôi chống lại âm mưu liên kết tội ác cá nhân với tập thể liên hệ với mưu đồ bôi đen hình ảnh của tập thể đó. Tôi lên án những chính sách, những cử chỉ trá nguỵ ví dụ như "khoan hồng", "tha thứ" một người hoặc một tập thể về những tội ác tưởng tượng gán ghép cho họ và trong cùng một lúc, tiếp tục bằng cách này hay cách khác nuôi dưỡng và bơm đẩy những vi khuẩn độc hại vốn phát khởi và tăng trưởng từ trá nguỵ vào mạch máu văn hoá của dân tộc. Bởi vì, tầm tác hại của nọc độc văn hoá gây ra bởi những chính sách gian trá này vô cùng lớn lao ở cả ba chiều kích, rộng, dài, và sâu!

Chính vì bài viết này nhắm vào trước hết giới cầm bút, như đã được định nghĩa ở trên, "những người mà dựa vào chức năng của họ, trí tuệ và khả năng tư duy phải vượt trội hơn những tầng lớp khác trong xã hội", tôi hy vọng mình sẽ không phải kể lể, lý luận dông dài về những điều tôi muốn đề cập về ba chiều kích mà tầm tác hại của nọc độc văn hoá có khả năng chạm đến. Tôi tin rằng nhà văn, với khả năng phân tích tình cảm nhân vật và phản ứng tâm lý của người đọc, sẽ không khó hình dung những tác hại về phương diện tâm lý mà những huyền thoại kiểu "lính nguỵ ăn thịt người" gây ra cho tập thể "lính nguỵ" và những thành viên của gia đình họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu con cái của "lính nguỵ" tin rằng họ, trong một thời điểm nào đó của quá khứ, đã thực sự ăn thịt người? Tôi e rằng mầm tác hại đã lan rộng và xa hơn tầm kiểm soát, và sâu hơn cả những toan tính/mưu đồ ác độc của những kẻ chủ mưu.

Nếu điều tôi trình bày ở trên vẫn chưa đủ, hãy cùng nhau thử một điều khác, theo đề nghị của Đặng Thơ Thơ, cũng từ "Hội nhập và nơi chốn?", "… chúng ta nên hoán vị cho nhau, đi vào đôi giầy của nhau, để những nỗi đau không tương phản mà nhập một." Bắt đầu như thế này, cứ cho rằng người Việt Nam từ Bắc chí Nam, lúc chào đời tâm hồn trắng như tờ giấy. Người miền Nam vì kém may mắn nhiễm phải nọc độc văn hoá đồi truỵ "Mỹ nguỵ", khi lớn lên đi lính giết hại nhân dân và ăn thịt người, đặc biệt thịt bộ đội. Trong khi đó, ở miền Bắc, dưới ánh sáng quang vinh của Bác và Đảng, thanh niên lớn lên xung phong đi bộ đội chống Mỹ cứu nước, luôn trung với Đảng và hiếu với dân, chỉ ăn lương khô. Giả thiết này đối với một số người xem ra có vẻ chấp nhận được. Số còn lại thì nhất định đang nhướng một hoặc cả hai hàng chân mày, và có lẽ không chỉ có vậy! Hãy kiên nhẫn để tiếp tục với phần kế tiếp của giả thiết. Thay vì sinh ra ở miền Bắc, toàn bộ cái tập thể anh hùng đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước này "bị" sinh ra ở miền Nam. Câu hỏi cho cái tập thể trên thực tế đã sinh ra ở miền Bắc nay "bị" sinh ra ở miền Nam trong giả thiết của tôi rất đơn giản, có bao nhiêu trong số họ lớn lên đi lính giết hại nhân dân và ăn thịt bộ đội? Dĩ nhiên là cũng nhiều bằng số người thực sự sinh ra ở miền Nam cho mỗi thể loại, "đi lính”, "giết hại nhân dân", và "ăn thịt bộ đội". Nói lại cho đúng: cũng nhiều bằng số người tin vào cái huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người". Yêu cầu còn lại là những nhà văn nhà thơ, kể cả Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, một cách tình cờ "bị" nằm trong giả thiết này, xin vui lòng giúp tôi hình dung ra cảm giác của "mình" mỗi khi nghe, đọc về cái gọi là "lính nguỵ ăn thịt người." Tôi biết quý vị có thể làm được điều này, quý vị là nhà văn, chuyên trị việc chơi đùa với cảm giác của nhân vật và của người đọc!

Cái giả thiết “thú vị” ở trên dành cho việc đo lường sự tác hại về chiều sâu của những nọc độc văn hoá. Chúng ta vẫn phải tiếp tục thảo luận về những tác hại ở chiều rộng và dài. Theo cung cách cái huyền thoại/tín điều "lính nguỵ ăn thịt người" được phổ biến và tin tưởng trong các tầng lớp quần chúng bao gồm các thế hệ già trẻ và đặc biệt trong giới làm văn học/văn hoá ở Việt Nam trong mấy mươi năm qua, tôi cho rằng huyền thoại này đã hội đủ điều kiện về số đông cần thiết (“critical mass”, Wikipedia tiếng Việt dịch là “khối lượng tới hạn”) để trở thành một thuộc tính của "lính nguỵ", nghĩa là "lính nguỵ" thì đương nhiên là ăn thịt người, tương tự như lá cây có màu xanh hoặc chim thì bay và cá thì lội! Tiếp tục "tư duy" theo chiều hướng này, bởi vì tập thể "lính nguỵ" có đến hàng triệu người, "ăn thịt người" nhất định phải trở thành thuộc tính của người Việt Nam ở phía Nam, và sau đó là của cả nước. Xin được long trọng tuyên bố, Việt Nam, quê hương tôi, xứ sở của bọn ăn thịt người!

Về tác hại đường dài, có lẽ không cần phải dài dòng. Người Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam lên đồng ruộng quê hương ta ngay cả trước khi chiến tranh chấm dứt, nhưng việc xuất hiện những trẻ sơ sinh quái thai, hậu quả của hoá chất độc hại này, vẫn chưa thấy chấm dứt. Trong khi đó, người Việt tiếp tục nuôi dưỡng và phun nọc độc vào nhau sau hơn ba thập kỷ. Đường xa vô tận!

*

Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về những nọc độc văn hoá do tàn dư Mỹ nguỵ để lại. Chúng ta không hề nghe nói về điều tương tự ở phía những kẻ thắng trận. Điều này có thể hiểu được, kẻ thắng được quyền viết lịch sử, bên cạnh những đặc quyền khác, kể cả quyền nuôi dưỡng những nọc độc văn hoá do chính mình tạo ra. Tôi sẽ không ngạc nhiên nhiều lắm, cho dù vẫn tiếp tục cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nếu một ông A bà B nào đó vẫn tiếp tục bám vào huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người". Tôi hiểu được hiệu quả của "tẩy não" hoặc của tuyên truyền nhồi sọ theo kiểu Đức Quốc xã. Nhưng tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thất vọng, và vô cùng bị xúc phạm nếu người đó là một nhà văn, một ngòi bút tài năng. Tôi đánh giá cao và do đó kỳ vọng nhiều vào văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ sáng tạo. Họ làm đẹp đời sống. Họ mang chúng ta đến gần với Chân, Thiện, Mỹ. Họ, trong nhiều trường hợp, là hy vọng và ngay cả là lương tâm của xã hội, đặc biệt trong những xã hội mà lương tâm bị què quặt hoặc hoàn toàn vắng bóng. Họ không thể là đồng lõa của bóng tối, gieo rắc trá nguỵ, gieo rắc những nọc độc văn hoá vốn sẽ còn ở lại rất lâu sau khi họ ra đi vĩnh viễn. Đây là một điều ghê rợn, chỉ để nghĩ tới!

Việc lựa chọn trích dẫn Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái trong số nhiều tác giả viết về những điều dựa trên những "tín điều" mọc ra từ sự trá nguỵ không hề là chuyện ngẫu nhiên. Lại càng không phải đến từ ác ý. Vào năm 2002, tôi không tin rằng Tạ Duy Anh hoặc Hồ Anh Thái đã bị cưỡng bách hoặc khuyến dụ bởi nhà nước để viết về những điều trá nguỵ kể trên. Cả hai đều viết về "lính nguỵ ăn thịt người" một cách tự nguyện, và đã không hề đặt câu hỏi về sự chân thực của điều họ đang rao giảng. Sách của Hồ Anh Thái được tái bản vào năm 2004, phần đã khiến tôi ngưng không đọc tiếp vào năm 2002 vẫn còn nguyên trong ấn bản mới. Tôi không rõ lắm về khả năng phổ cập của Đi tìm nhân vật, nhưng tôi có thể phát biểu một cách an toàn là cách suy nghĩ của hai tác giả này về huyền thoại/tín điều "lính nguỵ ăn thịt người" đã không hề thay đổi. Cho đến thời điểm này của năm 2008, đã không có ai trong số họ lên tiếng cải chính về điều đã viết xuống. Tất cả những dấu hiệu ở trên mang một nội hàm quan trọng: Không hề có một nỗ lực nào để đánh giá lại kẻ thù cũ, hoặc nói cho đúng hơn, đánh giá lại cái nhìn của chính mình lên kẻ thù cũ. Tôi e rằng điều này không chỉ đúng cho Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, và không chỉ đúng cho "phía" Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái!

Bằng cách phủ nhận tư cách và trách nhiệm nhân chứng lịch sử của mình, nhà văn phải đồng thời chấp nhận cái nguy cơ trở thành kẻ đồng loã với những thế lực đen tối. Bằng cách nuôi dưỡng và gieo rắc mầm độc hại phát khởi từ trá nguỵ vào mạch văn hoá dân tộc, bất kể vì vô tình hay cố ý, nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng loã. Đây là một kết luận u ám, nhưng tôi không chắc là mình có được một lựa chọn nào khác.

Sẽ không công bằng với Tạ Duy Anh nếu tôi không đề cập đến nỗ lực đánh giá lại văn hoá và truyền thống trong tác phẩm của ông. Nỗ lực này được tìm thấy ở chương 5 của Đi tìm nhân vật, ở đó, thông minh và tinh quái, tác giả "biến thành thằng phi lịch sử, kẻ vong ân, đứa qua mặt các cụ" bằng cách công kích giá trị văn hoá của một số truyện cổ tích, ngụ ngôn ưa thích nhất của Việt Nam như "Rùa chạy thi với thỏ", "Trí khôn của ta đây", "Tấm Cám", và "Mỵ Châu – Trọng Thuỷ". Tôi đọc phần này lần đầu với sự cảm phục. Tạ Duy Anh có đủ các đức tính cần thiết của một nhà văn mà độc giả và xã hội kỳ vọng; ông sở hữu một khả năng tư duy nhạy bén, sáng suốt, và ngòi bút ông có đủ dũng khí để tấn công những thành trì kiên cố nhất của thiên kiến và lạc hậu: truyền thống văn hoá. Cảm giác khi đọc lại phần này sau khi đọc chương 6, là chua chát và nuối tiếc. Không lẽ chỉ có những nọc độc văn hoá cổ xưa, những điều đã từ lâu trở thành một phần máu thịt của văn hoá dân tộc mới cần được soi rọi và tái thẩm định? Không lẽ những mầm văn hoá độc hại tươi mới đang làm ô nhiễm mạch văn hoá dân tộc ngày và đêm và những oan khiên thống hận đang rỉ máu của những người còn sống và của con cháu họ không đáng được quan tâm? Tại sao người ta có thể, một cách ý thức, bước vào cái vũng lầy mà chính mình đã muốn cứu vớt kẻ khác ra khỏi chỉ vài trang giấy trước đó?

*

Những đều viết xuống ở đây, kể cả phần trích dẫn từ tác phẩm của Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái (trong số rất nhiều trường hợp tương tự) là một nỗ lực biện minh cho sự cần thiết của vai trò "nhân chứng của Sự Thật" của nhà văn với những dẫn chứng cụ thể, những điều có thực và luôn phơi bày trước mắt mọi người nhưng vì một hay nhiều lý do bí ẩn nào đó được đối xử như là vật vô hình vô tướng hoặc một thứ "cấm kỵ“ (taboo) không nên dây vào. Bằng cách nhắm mắt quay lưng, giả vờ không nhìn thấy và hy vọng vấn đề sẽ tự biến đi, người ta đang lừa dối chính mình một cách ngây ngô.

Tôi tin chắc ngộ nhận và trá nguỵ đã không chỉ đến từ một phía trong các phe tham chiến, và tác hại của chúng cũng không chỉ dành riêng cho phe phái nào. Trong hồi ký “Tố khổ Văn chương” ở Sài Gòn: Tiền đồn, Đoạn đường chiến binh,”[10] nhà văn Thế Uyên có nhắc đến việc buộc phải gọi "thằng huyện uỷ," "con du kích" trong sách của mình để Tiền đồn được xuất bản. Rõ ràng việc gọi nhau “thằng này con nọ” đã được chính quyền ở cả hai miền Nam Bắc trong thời chiến đưa lên hàng quốc sách, và xuyên qua việc này, đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong việc biến Việt Nam trở thành đất nước của một lũ mất dạy! Vào những ngày này của năm 2008, mời bạn đọc vào truy cập các khoá chữ "tội ác Mỹ nguỵ" và "tội ác Việt cộng" ở phần tiếng Việt của Google để có được một ý niệm ban đầu, cái phần nổi của tảng băng sơn, của vấn nạn đang được thảo luận ở đây.

Bắt đầu với việc "giải ảo" và tháo gỡ nọc độc văn hoá "lính nguỵ ăn thịt người" đối với tôi là một lựa chọn cần thiết bởi vì mức độ nghiêm trọng và sự thách thức của huyền thoại/tín điều này. Trong tất cả những cây trái độc nằm rải rác trên mảnh vườn văn hoá Việt Nam, đây là một trong những mũi gai độc địa nhất, nhức nhối nhất, cần phải nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Những người đã và đang là nạn nhân của những “cây gai độc” nói trên và đang chủ trương chính sách “đào sâu chôn chặt” với hy vọng rồi những điều tàn tệ như thế này sẽ lặng lẽ tan biến cùng thời gian thực ra đang vô tình trao tặng con cháu mình một di sản của ô nhục. Những vết nhơ văn hoá/lịch sử này sẽ cùng với thời gian đang trở thành một thực tế lịch sử không thể đảo ngược, và sẽ không dễ dàng bị quên lãng. Hãy thử thảo luận với hậu duệ nhà Mạc về một sự kiện lịch sử đã xảy ra ở Ải Nam quan và liên quan đến Mạc Đăng Dung hơn 400 về trước và áp dụng kinh nghiệm từ cuộc đối thoại này lên con cháu đời sau của chính mình. Mặt khác, những người, trong quá khứ, vô tình hay cố ý, đã bám vào sự trá nguỵ để gây thương tổn kẻ khác bằng ngòi bút, vốn lẽ ra phải dành cho điều ngược lại, chắc chắn đã để lại những vết trầy xước trong lịch sử và văn hoá dân tộc. Tôi hy vọng họ sẽ nhận thức được tầm độc hại của điều đã thực hiện và nhanh chóng bắt đầu công trình “giải độc”, trước hết cho chính mình. 

Phá đổ một tín điều, tháo gỡ một nọc độc văn hoá không hề là điều dễ dàng. Đây là một điều vô cùng khó khăn, thậm chí đau đớn. Đau đớn ngay cả chỉ để nói đến. Nhưng vẫn phải nói, trong đau đớn, một cách đau đớn. Bởi vì, trích từ “Hoà giải phẫu” của Phan Nhiên Hạo, "đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn."

Tôi hy vọng các nhà văn thân mến của chúng ta sẽ "sống sót" bài viết này. Họ sẽ biết mình phải làm gì với tư cách nhân chứng của Sự Thật. Hãy cầu chúc họ sức khỏe, nghị lực, và những điều tốt đẹp khác. Bởi vì họ là, nếu không phải tất cả, sự bắt đầu của hy vọng của chúng ta về một tương lai trong đó quá khứ của chúng ta KHÔNG là niềm ô nhục của thế hệ mai sau.


[1] “Khi kẻ đồng loã là nhà văn”, tham luận, Phùng Nguyễn – http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=146
[2] Đi tìm nhân vật, tiểu thuyết, Tạ Duy Anh – http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=453&rb=08(11/2002)
[3] Truyện ngắn chọn lọc 1975-1990, tuyển tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1991
[4] Cõi người rung chuông tận thế, tiểu thuyết, Hồ Anh Thái, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004 (tái bản)
[5] “The Miracle of the Birds”, Truyện ngắn, Jorge Amado, trích từ tuyển tập A Hammock Beneath the Mangoes, Dutton Book, 1991
[6] Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung, tiểu luận, Phùng Nguyễn – http://damau.org/index.php? option=com_content&task=view&id=1527&Itemid=10171
[7]Jeffrey Dahmer, người Mỹ, giết người hàng loạt và ăn thịt nạn nhân –http://en.wikipedia.org/wiki/Jeffrey_Dahmer:
[8] “Hội nhập và nơi chốn?”, tham luận, Đặng Thơ Thơ – http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=135
[9] Thanh Phong Massacre, Reference, http://en.wikipedia.org/wiki/Bob_Kerrey#Thanh_Phong_Massacre
[10] Tố khổ văn chương ở Sài Gòn, Hồi ký, Thế Uyên – http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=12447&rb=0505


























Cách mạng Ebook và vấn đề kiểm duyệt:
SBS Radio phỏng vấn nhà văn Phùng Nguyễn























PHÙNG NGUYỄN
NHƯ CHƯA HỀ GIÃ BIỆT 

The only certainty in this life is uncertainty
Thường hằng duy nhất trong đời này chính là sự vô thường


Gửi Ban Biên Tập Da Màu
Các Bạn Anh Phùng Nguyễn 



TIỂU SỬ PHÙNG NGUYỄN

     Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950 tại Quảng Nam, là anh cả trong một gia đình đông anh em. Học xong tiểu học trong một làng quê, năm 1961 cậu học sinh Nguyễn Đức Phùng thi đậu vào lớp Đệ Thất trường trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Ba năm sau đó Phùng theo gia đình vào Sài Gòn 1964. 

     Có một giai đoạn rất quan trọng mà Phùng Nguyễn đã không ghi trong phần tiểu sử của mình, đó là Phùng đi lính năm 1968, lúc ấy mới 18 tuổi và là một thương phế binh giải ngũ trước 1975. Theo người viết, những năm tháng mặc áo lính tuy ngắn nhưng đã có ảnh hưởng sâu đậm tới bước hình thành phong cách của cả văn nghiệp Phùng Nguyễn về sau này. 

*
      Phần tiểu sử chính thức mà Phùng Nguyễn tự soạn cho mình chỉ ghi khoảng thời gian từ 1984 khi anh đặt chân tới Hoa Kỳ:

· Sinh quán Quảng Nam, Việt Nam.
· Định cư ở Hoa Kỳ từ tháng 5 năm 1984.

· Tốt nghiệp Cử nhân summa cum laude ngành quản trị kinh doanh và tin học năm 1990 và Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA) năm 1992 tại California State University (Bakersfield, California).
· Làm việc trong ngành tin học từ năm 1990. Chức vụ sau cùng: Director of Information System (Jaco Oil Company, California).
· Có nhiều sáng tác văn học và tiểu luận xuất hiện trong các tạp chí Văn (USA), Văn Học (USA), Hợp Lưu (USA), Việt (AUS), Thế Kỷ 21 (USA) và các báo mạng như talawas.org, tienve.org, damau.org …
· Đề xuất, thiết kế, xây dựng, và bảo trì ấn bản mạng cho các tạp chí Văn Học, Văn, Hợp Lưu, và Việt từ năm 1997 cho đến 2002.
· Từng đảm nhiệm chức vụ Chủ bút của tạp chí văn học Hợp Lưu (California, USA) từ tháng 6 năm 2002 cho đến tháng 4 năm 2003.
· Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (tháng 7 năm 2006) cùng với nhà văn Đặng Thơ Thơ & nhà thơ Đỗ Lê Anh Đào.
· Biên tập viên và đồng thời phụ trách phần kỹ thuật cho tạp chí Da Màu từ 2006 cho đến nay.
· Sáng lập và xây dựng Thư viện Kệ Sách eBook (kesach.org). Đưa kesach.org vào sinh hoạt từ tháng 5, 2008. Cho đến nay đã xuất bản và ấn hành miễn phí hơn 150 tác phẩm văn chương tiếng Việt trong dạng ebooks trên các hệ thống ấn hành ebook Scribd.com và Smashwords.com
· Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng và Cây trên VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ).






Sách đã xuất bản:


· Tháp Ký Ức, tập truyện ngắn. Nxb Văn 1988 (California, USA)
· Đêm Oakland và Những Truyện Khác, tập truyện ngắn. Nxb Văn 2001 (California, USA)

Sách dự định xuất bản trong năm 2015:
· Tuyển tập truyện ngắn
· Tiểu luận Phùng Nguyễn
[hết trích dẫn]

*
     Blog Rừng & Cây của Phùng Nguyễn trên VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ) phân tích các sự kiện văn hóa đáng chú ý của Việt Nam và thế giới, cũng là nơi góp mặt của một số các ngòi bút thân hữu trong và ngoài nước. 

     Bài đầu tiên trên blog là của Phùng Nguyễn: Văn đoàn độc lập Việt Nam: Sự kiện hay Cước chú? posted ngày 16-07-2015, và bài viết cuối cùng Mệnh Trời cũng của Phùng Nguyễn như một di cảo posted ngày 20-11-2015, nhưng anh đã mất 3 ngày trước đó. VOA đã viết một chapeau dẫn nhập thật cảm động cho Mệnh Trời:

     "Chủ nhật 22 tháng 11 là ngày phát tang nhà văn Phùng Nguyễn. Nhân dịp này VOA Tiếng Việt xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả một di cảo của nhà văn vừa tạ thế như một lời vĩnh biệt của ông với bạn đọc, bằng hữu cùng những người ngưỡng mộ ông. Đây là blog cuối cùng của ông, nhưng chúng tôi tin rằng những lý tưởng và giá trị nhân bản mà ông và các thi văn hữu của ông bảo vệ và cổ xúy qua cột blog do ông chủ xướng sẽ không bao giờ bị mai một, cho dù Mệnh Trời có như thế nào đi nữa."



Chân dung Phùng Nguyễn trên Blog Rừng và Cây
[nguồn: VOA Tiếng Việt] 

     Trước sự ra đi đột ngột của nhà văn Phùng Nguyễn, VOA cũng đã có lời phân ưu:

     "Nhà văn Phùng Nguyễn, người phụ trách cột blog "Rừng & Cây" trên VOA Tiếng Việt, vừa đột ngột qua đời ngày 17 tháng 11, 2015 tại bang Maryland, Hoa Kỳ. Tuy thời gian hợp tác với VOA Tiếng Việt chưa lâu, những bài viết nghiêm túc, độc đáo và đặc sắc của nhà văn Phùng Nguyễn cũng như của những thi văn hữu được ông mời cộng tác về đề tài văn học-nghệ thuật cùng những vấn đề liên quan đã thu hút sự chú ý và được đánh giá cao bởi đông đảo bạn đọc tại Viêt Nam cũng như ở nước ngoài. Sự ra đi quá sớm của Ông là một thiệt thòi khó bù đắp không những cho giới văn học mà còn cho những người đọc yêu mến Ông qua cột blog "Rừng & Cây". Ban Việt ngữ xin thành thực chia buồn cùng tang quyến Nhà văn Phùng Nguyễn trước sự mất mát to lớn này. Sự đóng góp quý báu của Ông sẽ được VOA Tiếng Việt luôn trân trọng."

     Tính ra Blog Rừng & Cây chỉ hoạt động vỏn vẹn được đúng 4 tháng với tổng số 35 bài viết, riêng Phùng Nguyễn viết 16 bài nhưng trước đó anh cũng đã viết nhiều bài tiểu luận rất sắc sảo đăng trên các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21 và các báo mạng như talawas.org, tienve.org, damau.org…



CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH PHÙNG NGUYỄN  

     Trong bài Vĩnh biệt Phùng Nguyễn, nhà văn Trần Hoài Thư đã phác họa chân dung Phùng Nguyễn: "Từ Ô Thước rồi đến Talawas rồi Da Màu, những diễn đàn văn học luôn luôn thấy bóng Phùng Nguyễn. Ngày xưa Phùng Nguyễn mang súng thì bây giờ Phùng Nguyễn mang laptop đến mọi nơi mọi chốn. Tôi theo dõi người lữ hành ấy và cảm phục vô ngần”.

     Trần Hoài Thư viết tiếp: "Tôi và Phùng Nguyễn dù chỉ gặp nhau một đôi lần nhưng xem như thân thiết trên cuộc hành trình cùng văn chương chữ nghĩa, và cả cuộc sống. Thứ nhất là chúng tôi cùng là dân IT (information Technology). Thứ hai, chúng tôi cùng có mặt trong bộ đồng phục trước 1975. Thứ ba chúng tôi cùng viết chung con đường yêu mến văn chương chữ nghĩa."

     Tối Thứ Bảy, ngày 21 tháng 11, 2015 cũng là ngày phát tang Phùng Nguyễn bên Maryland, tôi eMail cho Trần Hoài Thư: 
     "Phùng Nguyễn rất ít khi nói về thời gian quân ngũ của mình, nhưng theo tôi biết, Phùng Nguyễn nhập ngũ sau Tết Mậu Thân 68, và sau đó là một thương phế binh phải nằm nhiều tháng trong Tổng Y viện Cộng Hoà cho tới khi giải ngũ, anh Trần Hoài Thư có biết thêm chi tiết gì về giai đoạn người lính sau đó là thương phế binh Phùng Nguyễn không? Tôi đang viết một bài về Phùng Nguyễn." 

     Trần Hoài Thư trả lời tôi ngay trong đêm:
     "Anh Ngô Thế Vinh thân, tôi không biết. Chỉ đọc tiểu sử. Anh gắng truy tầm thử xem. Phùng Nguyễn nhập ngũ năm 18 tuổi, lúc là học sinh Trung học..." 

     Gặp Phùng Nguyễn mới đây thôi, anh có dáng khoẻ mạnh của một tráng  niên, trẻ hơn tuổi, da sậm nắng, khuôn mặt vuông, trán cao, nói cười chừng mực. Có lần sánh vai cùng đi bộ nhanh với Phùng trên bãi biển Huntington Beach, do có phone của Đinh Cường tôi bị bỏ rơi về phía sau. Phùng Nguyễn có ý vừa đi vừa chờ; và tôi chợt nhận ra dáng đi của Phùng hơi lệch về bên phải. Suy đoán, có lẽ Phùng bị polio / sốt bại liệt nhẹ từ hồi nhỏ, một dịch bệnh rất thông thường ở Việt Nam. Chỉ nghĩ vậy thôi nhưng tôi không hỏi thêm. Ở một khi khác cũng đi bộ nhưng lần này trên bãi biển Laguna Beach, trời nắng ấm Phùng mặc quần short, thấy chân phải anh không bị teo nhưng lại có các vết sẹo mổ. Tôi hỏi Phùng, anh chỉ kể rất vắn tắt về một cuộc hành quân vùng sình lầy, tiểu đội anh đạp phải mìn, vài đồng đội chết, riêng Phùng bị thương, gẫy nát hai xương chân bên phải, vết thương khá nặng phải đưa về Tổng Y viện Cộng Hoà để được phẫu thuật chấn thương chỉnh hình [reconstructive  surgery] và bó bột, nhưng không may sau đó vết thương nhiễm trùng và kháng thuốc trụ sinh. Phùng phải chịu mổ lại nhiều lần với tháp xương ghép da. Phải nằm lâu nhiều tháng trong bệnh viện, đau đớn vật vã quá mức chịu đựng, đã có lần Phùng xin được cắt chân nhưng bác sĩ không cho. Phùng còn nhớ tên người bác sĩ điều trị "lạnh lùng hầu như vô cảm" ấy trước những cơn đau của anh, bác sĩ ấy tên Thái nhưng cũng chính ông đã cứu giữ được chân của Phùng để không bị tàn phế, và rồi những năm về sau này Phùng cho biết không bao giờ được gặp lại người bác sĩ ân nhân ấy.  

     Vẫn muốn có thêm tin về người lính Phùng Nguyễn, tôi eMail hỏi Khánh Trường, người Hoạ sĩ Vỉa hè New York [chữ của Mai Thảo], người sáng lập và điều hành tạp chí Hợp Lưu trong 12 năm, trước khi giao chức chủ bút cho Phùng Nguyễn [2002]. Khánh Trường sinh năm 1948 có thể coi là cùng trang lứa với Phùng Nguyễn sinh năm 1950, lại cùng gốc Quảng Nam; Khánh Trường có một quá khứ lính tráng trong binh chủng Dù và hơn một lần bị thương trước khi giải ngũ. Khánh Trường chắc hẳn biết về giai đoạn người lính Phùng Nguyễn. Nhưng không, Khánh Trường trả lời tôi ngay: "Không nghe Phùng Nguyễn nói gì chuyện cũ. Hình như có đi lính, bị thương ở chân, giờ đi không bình thường, để ý lắm mới thấy chàng bước không đều... Bất ngờ quá. Hôm đi viếng Võ Phiến về Phùng Nguyễn có ghé thăm tôi. Rất bình thường. Vậy mà!"

     Qua gợi ý của nhà thơ Thành Tôn, tôi liên lạc với anh Trần Trung Đạo bên Boston, tác giả bài thơ Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười, anh cũng là cựu học sinh trường Trần Quý Cáp, và được hồi âm ngay: "Anh Phùng Nguyễn rất ít nói về thời gian anh ở Sài Gòn. Thời ở Trần Quý Cáp, anh Phùng viết khá rõ và đã in trong Tháp Ký Ức. Để tôi tìm hỏi các bạn Trần Quý Cáp của ảnh thử có biết gì không, tôi sẽ thông báo cho anh biết." 

     Chưa dừng lại ở đó, qua chị Diệu Chi Nguyễn Mộng Giác, tôi liên lạc được với một người bạn khác của Phùng Nguyễn, anh Huy Văn Trương Văn Hùng, người đã cùng với Phùng Nguyễn tới thăm anh Tạ Chí Đại Trường vào ngày phát tang nhà văn Võ Phiến. Huy Văn đã chụp bức hình Tạ Chí Đại Trường và Phùng Nguyễn bằng chiếc iPhone của Phùng. Hy vọng sẽ còn tìm lại được. Trao đổi với Huy Văn, anh xác nhận một số thông tin mà tôi có về Phùng Nguyễn nhưng vẫn có một khoảng trống 20 năm 1964 - 1984, thời gian Phùng sống ở Sài Gòn. 

     Được biết anh Huy Văn, cũng là dân IT một thảo chương viên điện toán đồng trang lứa với Phùng Nguyễn, cùng viết cho tạp chí Văn Học và rất thân với gia đình Phùng Nguyễn. Tôi điện thoại hẹn với Huy Văn để cùng tới thăm Mẹ Phùng Nguyễn, hai ngày sau Thanksgiving. Không có địa chỉ, qua hướng dẫn của Hồ Như, khó khăn mới tìm ra ngôi nhà em gái Phùng Nguyễn trong một khu mà các con đường toàn mang tên cá như Bluefin, Stingray, Carp thuộc thành phố Huntington Beach, cũng là nơi bà Mẹ Phùng Nguyễn thường về chơi với con gái. Nhưng rồi cả nhà đều đi vắng.  

     Mấy ngày sau, qua số điện thoại của Đặng Thơ Thơ cho, tôi được nghe chuyện qua giọng nói nghẹn ngào của người em gái Phùng Nguyễn, và bỗng chốc khoảng trống 20 năm ấy được phần nào lấp đầy.

     1964, không sống được trong vùng xôi đậu cộng thêm trận lụt khủng khiếp ở Miền Trung năm đó, bà mẹ Phùng quyết định đưa đàn con vào Nam tìm kế sinh nhai. Phùng là con trai cả mới 14 tuổi đã phải ra đời sớm giúp mẹ nuôi đàn em, ban ngày làm phụ thợ hồ hay trong xưởng mộc, ban đêm cắp sách đi học ở một trường tư thục. 

     1968, chưa xong trung học tới tuổi 18, Phùng bị động viên vào Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, ra trường là lính truyền tin. Bị thương do mìn bẫy trong một cuộc hành quân năm 1971, phải nằm lâu dài trong Tổng Y viện Cộng hoà cho tới khi đứng lại được trên đôi nạng xuất viện về nhà và được giải ngũ sau đó.  

     1975, bị kẹt lại sau 75 thương phế binh "Nguỵ" Phùng Nguyễn đã sống vất vưởng thêm 9 năm nữa, làm đủ nghề để kiếm sống cho đến khi cả gia đình được người em gái bảo lãnh sang Mỹ 1984 theo diện di dân. Mấy năm đầu Phùng cũng phải đi làm đủ nghề để mưu sinh: ra đồng thu hoạch bóc hành, phụ bếp nhào bột rửa mâm cho tiệm pizza, buổi tối mới tới trường đi học.  


     Cây bút phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, cách đây 14 năm đã ghi nhận tính tự truyện/ autofiction trong hai tác phẩm xuất bản của Phùng Nguyễn. Qua những trang sách tự truyện ấy có thể biết thêm về người lính, người thương binh Phùng Nguyễn. 

     "Anh còn trẻ lắm. Lúc đó anh đang nằm điều trị ở Quân Y viện Cộng hoà. Người ta đang cố gắng chữa cái chân gẫy nát của anh bằng cách hành hạ nó đủ điều, và anh đau đớn đến nỗi cứ van xin họ cắt nó liệng đi cho rồi. Cũng may mà họ không thèm nghe lời anh! Anh nằm chịu trận trên chiếc giường sắt, chân mang khúc bột cứng đờ, tay cắm đầy những mũi kim to tướng nối liền với những ống nhựa lòng thòng, bất lực và tuyệt vọng chờ đợi những cơn đau khủng khiếp sẽ đến với mình ngày hai lần, sáng và chiều, khi những người y tá đến rửa và thay băng cho vết thương. Ngoài việc nằm dài ra đó để nguyền rủa những cơn đau nhức."

     Nếu Phan Nhật Nam viết phóng sự chiến trường với máu mồ hôi và nước mắt, thì có thể nói Phùng Nguyễn đã viết về những mảnh bom mảnh đạn để lại vương vãi trên các trận địa ấy. Phùng Nguyễn viết về những người lính đồng đội thương phế binh quanh anh. Trích đoạn:

     "Anh chỉ có việc để giết thì giờ, đánh cờ tướng. Anh có những đối thủ rất đáng gờm, từ hình dạng cho đến tên tuổi. Một tên có tước hiệu Độc Nhãn Hắc Thần, đen trùi trũi và chỉ có một mắt. Điều làm anh ngại nhất không phải là ngón pháo đầu dồn dập khi hắn ra quân mà chính là vì hắn cứ thỉnh thoảng móc con mắt trái bằng đá ra lau chùi ngắm nghía như của gia bảo, cái hốc mắt sâu hoắm đỏ bầm nhìn anh chế riễu trông gớm chết. Còn nhiều biệt hiệu quái đản khác nữa cho những người bạn cờ kỳ dị của anh, những thằng lính trẻ sứt tay gẫy gọng tụ họp ở đây sau khi bị đốn gục trên một chiến trường nào đó, anh không làm sao nhớ hết! Nhưng đáng gờm nhất vẫn là Độc Cô Cầu Bại, một ông Thượng sĩ đứng tuổi không có chân! Ông ngồi bình thản trên chiếc xe lăn cạnh giường bệnh của anh, chiếc mền nhà binh màu cứt ngựa phủ kín hai khúc đùi cụt, khoan thai tấn công anh bằng những nước cờ thâm trầm hiểm ác. Anh thua tối tăm mặt mũi, cho đến một lần hiếm hoi sau đó anh mới có cơ hội để thắng ông. Vậy mà anh để cơ hội ấy trôi qua một cách đáng tiếc khi nhìn thấy những giọt mồ hôi ứa ra từ chân tóc, những ngón tay sần sùi bứt rứt không yên trên chiếc mền nhà binh, và cặp mắt có những tia máu đỏ li ti trên tròng mắt vàng ệch chỉ còn phát ra những tia bồn chồn tội nghiệp. Anh nhấc quân cờ, đi một nước... hớ hênh. Độc Cô Cầu Bại lại thắng anh ván đó, và anh không bao giờ có một cơ hội nào khác." [Đêm Oakland và những chuyện khác; Cháy Lên Những Ngọn Cỏ Khô. p31-32]   

     Phùng Nguyễn ra ngoài nước rồi, anh đã nhìn lại cuộc Chiến tranh Việt Nam ấy ra sao?  Trích đoạn:

     "Hắn [tên Đức người bạn trẻ của Phùng Nguyễn, ghi chú của người viết] sống một mình, không thực sự có trách nhiệm với ai, đi nhiều và đi lúc nào cũng được. Chỉ riêng điều ấy cũng làm tôi ganh tị quá đỗi." [tôi, là Phùng Nguyễn đang nói về người bạn trẻ của mình] Phùng Nguyễn viết tiếp: "Đối lại, tôi lớn tuổi hơn Đức, đủ lớn để giết người và để bị người giết một cách hợp pháp trước khi Đức có cơ hội tham dự vào cái trò chơi lớn có tên gọi là chiến tranh. Ngoài ra, chỉ việc tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nàn và đầy rẫy những vết tích của đạn bom cũng đủ làm hắn xốn xang. Ở phía trong bước tường cao của căn biệt thự sang trọng và được tách ra khỏi những nỗi hiểm nghèo đang xảy ra bên ngoài, người ta có quyền có những nhu cầu tinh thần vô cùng xa xỉ. Chẳng hạn như những suy nghĩ phức tạp của mình về chiến tranh... Hoặc người ta thực sự sống với, hoặc người ta suy tưởng về một điều gì đó." [Đêm Oakland. Câu hỏi. p13]
...
     "Nếu phải tự mô tả mình với cuộc chiến tranh đã qua, tôi thường nghĩ đến một gã thua cạn láng ở ván cờ cuối cùng, lúng túng không biết phải làm gì. Người thắng cuộc thì không chịu xoá bàn làm lại, có ngẩn ngơ đứng đó càu nhàu cũng chẳng ích gì. Thôi thì bỏ đi, tự an ủi mình dù sao cũng đã đánh xong ván cờ, cho dù một cách dở tệ." 
...
     Cũng ít người biết rằng, khi tham dự ván cờ chiến tranh ấy, có phần xương máu của người lính trẻ truyền tin Phùng Nguyễn.



BƯỚC CHÂN VÀO DÒNG CHÍNH  

     Tới Mỹ theo diện di dân/ immigrants, không được hưởng một thứ trợ cấp nào như những người tị nạn/ refugees, Phùng và cả gia đình đã phải xả thân ngay đi làm với những đồng lương tối thiểu.

     Ở tuổi 34 trắng tay, đặt chân tới một tân lục địa, Phùng mới lại bắt đầu cắp sách tới trường. Cậu học sinh trường làng chưa xong bậc trung học, cũng là thương phế binh ấy đã chứng tỏ ngay là một sinh viên xuất sắc. Phùng đã đi những bước vững vàng vào dòng chính với đầy đủ học vị chỉ trong vòng 6 năm: tốt nghiệp cử nhân với hạng tối ưu ngành Tin học và Quản trị Kinh doanh 1990, hai năm sau, Phùng tốt nghiệp Cao học Quản Trị Kinh Doanh/ MBA. 
     Làm việc trong ngành tin học từ 1990, sau hơn 20 năm, Phùng đã bước lên vị trí Giám đốc Hệ thống Điện toán của Công ty Jaco Oil Company, California. 

     Bước qua tuổi 60 lục thập nhi nhĩ thuận / đạt đến mức độ hoàn-hảo về tri-hành, và kinh-nghiệm sống, Phùng Nguyễn đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục bước đường sự nghiệp của anh trong dòng chính, hoặc chọn hạnh phúc một gia đình mới mà anh muốn xây dựng. Con người cứng cỏi và đa cảm ấy đã chọn commitment thứ hai/ chữ của Phùng Nguyễn. 

     Anh chấm dứt hợp đồng với công ty Jaco ở Bakersfield mà anh đã gắn bó hơn 20 năm cùng với bao nhiêu những benefits mà anh đang có để về sống ở Miền Đông. Phùng Nguyễn tìm được hạnh phúc gia đình với quây quần những bạn bè thân thiết nhưng cũng với cái giá mà cá nhân anh phải trả: cái khoảng trống của một chuyên gia còn đầy sinh lực khi bước ra khỏi dòng chính, sống với cái lạnh rất khắc nghiệt không hợp với sức khoẻ của anh và cả những trải nghiệm bất ưng của anh với người bác sĩ tim mạch mới mà anh không mấy tin tưởng. Phùng Nguyễn tâm sự anh không thể cùng một lúc có cả hai chọn lựa và anh chưa bao giờ anh có một ý nghĩ khác về một chọn lựa dứt khoát ấy.



PHÙNG NGUYỄN NHÀ VĂN

     Nguyễn Xuân Hoàng trong lời tựa cho cuốn Tháp Ký Ức tác phẩm đầu tay của Phùng Nguyễn đã viết: " Tháp Ký Ức là tập hợp những câu chuyện về số phận của một con người, những khắc hoạ về một mảnh đời thường, chuyện tình yêu, chuyện tuổi thơ, chuyện quê nhà, chuyện quê người. Quá khứ và hiện tại của một lớp tuổi khi rời Sài Gòn ra đi chỉ mới vừa bước qua hai mươi. Truyện của Phùng Nguyễn nhẹ nhàng, thở cái hơi thở bình dị của một cuộc sống vốn không bình an, và được viết bằng một bút pháp đơn giản mà lôi cuốn. Cái đẹp, theo ý nghĩa của văn chương, tràn ngập trên những trang chữ của anh."

     Nguyễn Mộng Giác trong lời bạt cho cuốn Tháp Ký Ức, cũng đã nhận xét: "Truyện ngắn đầu tay của Phùng Nguyễn vượt lên trên những sáng tác của những người ra đi tị nạn cộng sản từ Miền Nam thuộc thế hệ trước anh hay cùng thế hệ của anh, những sáng tác làm nòng cốt cho văn chương hải ngoại. Phùng Nguyễn ôn chuyện cũ như một kỷ niệm đẹp, nhưng anh không dừng ở đó. Anh nâng tấm ảnh cũ lên thành một suy niệm về nhân sinh." 

     Tháp Ký Ức, truyện ngắn đầu tiên của Phùng Nguyễn được chủ bút Nguyễn Mộng Giác và tổng thư ký Thạch Hãn Lê Thọ Giáo chọn đăng trên tạp chí Văn Học số Tết Ất Hợi 1995, đã gây ngay sự chú ý với một dư luận xôn xao. Tháp Ký Ức có thể coi như tự truyện của Phùng Nguyễn, với nhân vật xưng "tôi" cũng là tác giả. Đáng chú ý nhất là câu hỏi đầu đời của cậu bé học trò mới 11 tuổi "tranh luận" với cô giáo Tố Quyên của anh, khi cô nói rằng "Hy vọng luôn luôn hướng về tương lai. Nhưng chúng tôi vẫn khăng khăng cho rằng hy vọng có tính cách hai chiều, không phải một chiều như cô đã khẳng định. Nếu quả thật hy vọng chỉ hướng về tương lai thì cuộc sống này buồn quá." Đó cũng là điều mà nhiều năm sau, Phùng Nguyễn vẫn muốn có dịp gặp lại cô giáo của anh một lần nữa để hỏi cô: "Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai? Hay cả hai?" 
     Trong buổi tiệc tất niên tại toà soạn Văn Học tại nhà riêng Nguyễn Mộng Giác năm đó, các nhà văn Võ Phiến, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng và nhiều bạn văn khác đều có câu hỏi về cô giáo Tố Quyên với tác giả Tháp Ký Ức.  

     Câu hỏi đó, có lẽ, Phùng Nguyễn vẫn mang theo suốt đời mình chỉ với ước mong làm sao "vượt qua cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới."




In dấu tay Phùng Nguyễn, với dòng chữ: 
Dấu tích:  Ước mơ của điều đã đi qua!" 
Phùng Nguyễn, 01-17-2012
[nguồn: collection Phan Nguyên]


     Viết về lớp người trẻ, thế hệ 20 - 30 sống ở hải ngoại, Phùng Nguyễn viết:  " Bất kể những khác biệt lớn về tuổi thơ và kinh nghiệm chiến tranh, tôi cho rằng Đức và tôi cùng thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên dưới. Thực ra, cái mảnh ván cứ kéo giật tôi về quá khứ có nhiều cơ hội thành công hơn. Có những điều nằm ở đó sẽ theo đuổi tôi cho đến hết đời. Trong nhiều năm, tôi cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới." [Trích dẫn Đêm Oakland. Câu hỏi.]



Tháp Ký Ức, tập truyện, nxb Văn, 1998 gồm 15 truyện, ngoài phần tựa của Nguyễn Xuân Hoàng và bạt của Nguyễn Mộng Giác.

     Chim Gáy Sau Vườn, vượt qua tính tự truyện là một truyện ngắn đặc sắc cảm động và đầy tính nhân bản của Phùng Nguyễn với hồi ức về những vết thương kinh hoàng nhất của cuộc chiến vừa qua. Một cuộc chiến tranh vô cùng nghiệt ngã nhân danh các chủ nghĩa ngoại lai, đã dìm cả dân tộc vào tấn thảm kịch nồi da xáo thịt. Trong hoang tàn đổ nát của Chim Gáy Sau Vườn cũng là nơi chớm nở tình yêu ngang trái của người con gái tên Xuyến, với những người anh em thân thiết như Thuận và Tấn bị đẩy sang hai phía đối nghịch khiến họ phải giết nhau. Một hầm chông phía sau vườn của phe Thuận nhằm bẫy giết Tấn trong ngày về giỗ mẹ nhưng thảm kịch lại là cái chết của Xuyến em gái Tấn cũng là người yêu của Thuận - cũng là thân phận những người dân vô tội kẹt giữa hai chiến tuyến. [Đêm Oakland và những chuyện khác. p51]

     Nhà văn Thảo Trường đã có lần phát biểu: "Tôi có tham vọng làm sao nhét cả một cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn, làm sao đưa được cả một thời đại mình đang sống vào trong một truyện ngắn. Tôi vẫn hằng mong muốn làm được như vậy." Đọc Chim Gáy Sau Vườn, tôi không thể không liên tưởng tới câu phát biểu ấy của nhà văn Thảo Trường cho dù biết rằng khi viết Chim Gáy Sau Vườn, Phùng Nguyễn chưa hề có một tham vọng như vậy. 


Đêm Oakland và Những Truyện Khác, tập truyện, nxb Văn, 2001 
không có lời tựa hay bạt, gồm 16 truyện.

     Tại sao viết? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi người cầm bút. 

     Phùng Nguyễn viết: "Sau này tôi nghiệm ra chính cái nhu cầu cần được chia sẻ là động cơ thúc đẩy tôi đến gần với văn chương thay vì với những điều khác. Phải chăng ở giữa một điều đã qua và một điều còn chưa tới là nỗi sợ không thể vượt qua? Trong khi chờ đợi câu trả lời cho những nghi vấn của mình, tôi hoang mang vô cùng." 

     Phùng Nguyễn rất kỳ vọng ở văn chương: "Và từ giữa tro tàn, biết đâu sẽ bước ra rực rỡ và mới tinh khôi con phượng hoàng với đôi cánh đủ dài để vượt qua cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới." (Nhà văn, 11/1999)



PHÙNG NGUYỄN NHÀ BỈNH BÚT

      Tháp Ký Ức trên báo Văn Học của Nguyễn Mộng Giác là truyện ngắn đầu tiên tôi được đọc và bắt đầu làm quen với một bút danh mới mẻ Phùng Nguyễn, nhà văn.  
     Nỗi loay hoay của Lữ Phương trên trang mạng Talawas là bài phân tích phê bình sắc sảo đầu tiên tôi được đọc với cùng bút danh Phùng Nguyễn, nhưng là cây bút chính luận. 

     Cả hai thể loại văn học và phê bình của Phùng Nguyễn đều để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. 

     Mới đây được đọc trước một bài viết sẽ post trên Blog's Rừng và Cây trên VOA, khi đề cập tới sự phục tùng của ông TT Hun Sen đối với Bắc Kinh, đối chiếu với sự trung thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam với Tàu, Phùng Nguyễn viết: "như vậy từ nay, xem ra về mặt cúc cung tận tụy với thiên triều, đảng CSVN nay đã có một đối thủ đáng gờm", tôi trích dẫn câu đó trong eMail với tiêu đề Quote of the Week, như một tán thưởng đồng thời báo cho Phùng biết tôi đã đọc bài viết mới của anh. Có lẽ đây là eMail cuối cùng trao đổi với Phùng mà không có hồi âm. Cũng sáng ngày 17 tháng 11 hôm đó, tôi phone cho Phùng Nguyễn qua Cell chỉ có lời nhắn, nghĩ rằng thời điểm đó trong thời tiết Thu của Maryland, Phùng đang đi bộ quanh bờ hồ chứ không nghĩ là Phùng đang nằm trong bệnh viện.



PHÙNG NGUYỄN MỘT NHÂN CÁCH 

     Hạnh phúc có được một người bạn như Phùng Nguyễn, khi mới gặp đã có ngay trực giác về sự tin cậy. Ở Phùng toát ra một nhân cách, anh có cách đối xử rất đôn hậu và tận tuỵ với bằng hữu.  

     Phùng Nguyễn và Tạ Chí Đại Trường quen nhau qua thời kỳ làm báo Văn Học. Sáng thứ Bảy 11/10/2015 Phùng Nguyễn đã hẹn gặp tôi trong ngày phát tang nhà văn Võ Phiến, nhưng mấy giờ trước đó Phùng được chị Diệu Chi vợ Nguyễn Mộng Giác báo tin anh Tạ Chí Đại Trường mới đến nói lời vĩnh biệt chị và tối nay anh lên máy bay về Sài Gòn. Tạ Chí Đại Trường đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan, anh chọn về chết ở Việt Nam. Nghe vậy, Phùng cho biết bằng mọi giá phải tới gặp Tạ Chí Đại Trường mà anh nghĩ là lần gặp cuối cùng. Cho dù đã biết Tạ Chí Đại Trường không ăn uống được gì, Phùng và người bạn thiết Huy Văn vẫn mua đem tới món gỏi cuốn Brodard mà Tạ Chí Đại Trường thích. 

     Tối hôm đó Tạ Chí Đại Trường lên chuyến máy bay "quy cố hương"; cũng được biết, Tạ Chí Đại Trường có giao cho Phùng Nguyễn giữ mấy bài viết với dặn dò chỉ cho phổ biến sau khi anh mất. Nay thì Phùng Nguyễn lại bất ngờ ra đi trước. Hy vọng chị Quỳnh Loan vợ anh Phùng Nguyễn sẽ tìm ra được bản thảo mấy bài viết ấy và không bị thất lạc. 

     Hồi cuối tháng Năm 2015, trong dịp bay về California thăm mẹ, gặp Phùng Nguyễn, anh cho biết sắp nhận một Blog trên VOA với tên Rừng & Cây và anh ngỏ ý mời tôi tham dự trên sân chơi của anh, với lý lẽ thuyết phục: sức quảng bá của các bài viết trên VOA rất rộng rãi đối với độc giả ở trong nước. Tôi nghĩ rằng rằng với uy tín và sự quảng giao của Phùng Nguyễn, Blog Rừng và Cây sẽ quy tụ được nhiều văn hữu cộng tác. Tôi hứa phần tôi sẽ gửi tới Blog của anh một bài mỗi tháng. 

     Phùng Nguyễn rất cởi mở và hoà nhã trong tranh luận nhưng cũng cứng cỏi trên nguyên tắc. Nếu người ta đồng ý với anh là do nơi khả năng thuyết phục chứ không vì một lý do khiên cưỡng nào khác. Trong các buổi họp mặt với những ý kiến hết sức khác biệt, kể cả đối nghịch nhưng anh có khả năng điều hợp, tạo một không khí sinh hoạt dân chủ, và thường anh là người có tiếng nói cuối cùng. Có thể gọi đó là khả năng lãnh đạo/ leadership mà Phùng Nguyễn đã thấm nhuần trong những năm sinh hoạt dòng chính/ mainstream.  
     
      Cùng sinh hoạt trong Da Màu, Trịnh Cung viết về Phùng Nguyễn: "Phùng đối với tôi là một tấm gương về tự do tư tưởng, về dân chủ và chống lại chủ nghĩa phân biệt. Tôi mới quen Phùng chỉ vài năm gần đây nhưng rất gần gũi về các vấn đề văn học và chính trị theo hướng tự do và văn minh. Đặc biệt Phùng rất tôn trọng quyền tự do chọn lựa quan điểm chính trị của người khác nhưng cũng rất sòng phẳng giữa tội ác và nhân bản vốn là mục đích của nhà văn chân chính trước khi được đánh giá về tài năng văn chương." 

     Những bài bình luận của Phùng Nguyễn về các vấn đề trong nước, đã được Diễn đàn Văn Việt nhận xét là anh có "sự hiểu biết hiếm có từ một góc nhìn hải ngoại."



MỘT CHÚT RIÊNG TƯ

     Tâm niệm khi viết về chân dung các văn nghệ sĩ, điều tối kỵ lại viết về mình. Nhưng khi phải đưa "chút riêng tư" vào bài viết này, vì tính cách một tư liệu liên quan tới người bạn văn Phùng Nguyễn.  
     Gần bốn tháng trước, Phùng Nguyễn gửi cho tôi ba câu hỏi và mới đây thôi, Phùng còn nhắc "anh Vinh còn nợ tôi ba câu hỏi". Ghi lại mấy câu hỏi đó như một di cảo của Phùng Nguyễn, và cũng buồn rầu mà nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tôi có cơ hội trả được anh món nợ chữ nghĩa ấy. 


Phùng Nguyễn, California May 2015
[photo by Ngô Thế Vinh]

     Ba câu hỏi cho Ngô Thế Vinh
    Phùng Nguyễn

Sông Mekong, mối tình lớn.

     Sẽ không xa lắm với sự thật nếu cho rằng ai cũng có một mối tình lớn. Nhà văn Ngô Thế Vinh cũng không ngoại lệ. Người tình của nhà văn đến từ một vùng hẻo lánh của Cao nguyên Tây Tạng (Tibetan plateau) với một độ cao hơn 5000 mét tính từ mặt biển. Bắt đầu bằng những bước dò dẫm từ vùng núi non thuộc tỉnh Thanh Hải, nàng lượn lờ suốt chiều dài  tỉnh Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc trước khi lần lượt băng qua biên giới các quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, và cuối cùng Việt Nam, nơi nàng kết thúc cuộc hành trình dài hơn 4800 km và hòa nhập vào Biển Đông ở hai cửa sông Tiền và sông Hậu. Nàng được gọi bằng nhiều cái tên, Dza Chu, Lan Thương, Mea Nam Khong, Tonle Thom, Cửu Long… Tuy nhiên nàng được biết đến nhiều nhất dưới cái tên Mekong. 

     Sông Mekong là nguồn cảm hứng của các tiểu thuyết dữ kiện nổi tiếng “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” và “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” cũng như  hàng chục bài biên khảo,  nghiên cứu giá trị về những biến đổi của hệ sinh thái của sông Mekong trong những thập niên vừa qua của nhà văn Ngô Thế Vinh. Nguồn cảm hứng này đã, qua năm tháng, biến nhà văn Ngô Thế Vinh thành một chuyên gia về dòng sông quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á. 

     Bởi vì giá trị kinh tế cũng như những nội hàm nghiêm trọng của những biến đổi hệ sinh thái của dòng sông Mekong dọc con đường ra biển lớn, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia liên hệ trở nên rối rắm hơn, đặc biệt khi những con đập thủy điện lớn nhỏ được dựng lên ở thượng nguồn lẫn hạ lưu sông Mekong. Việt Nam gặp nhiều khó khăn về các mặt kinh tế và ngoại giao hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng khi phải đối phó với những vấn đề nhức đầu liên quan đến những thay đổi bất lợi của hệ sinh thái sông Mekong và trong cùng lúc, âm mưu bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

     Thưa nhà văn Ngô Thế Vinh, điều gì ở dòng Mekong đã làm anh say đắm? Ở vị trí của một người am hiểu tình hình, anh có thể chia sẻ với người đọc viễn kiến của anh về những thay đổi hệ sinh thái của sông Mekong và hậu quả của chúng trong một tương lai có thể nhìn thấy được?

Ra tòa vì “Mặt trận ở Sài Gòn” năm 1971.
     Năm 1972, tạp chí Bách Khoa (Sài gòn) thực hiện buổi phỏng vấn nhà văn Ngô Thế Vinh nhân việc tác giả “Mặt trận ở Sài Gòn” phải ra hầu tòa về tội “có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội." Trong Lời Tòa Soạn, tạp chí Bách Khoa giới thiệu tác giả và sự kiện như sau:

     Nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả truyện dài Vòng đai xanh vừa nhận được giải thưởng bộ môn Văn trong Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971 trước Tết, thì sau Tết lại nhận được trát gọi ra tòa về bài "Mặt trận ở Sài Gòn" trên tạp chí Trình Bày số 34, có "luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội." Nếu giải Văn trao cho Vòng đai xanh không gây dư luận sôi nổi như giải Thơ thì trái lại vụ án Ngô Thế Vinh đã là đề tài cho rất nhiều anh em cầm bút trên các nhật báo cũng như tuần báo, tạp chí, trên báo dân sự cũng như báo quân đội và dư luận đã nhất trí bênh vực nhà văn quân đội mà ngày lĩnh giải thưởng văn chương vẫn còn lận đận hành quân ở cao nguyên. Do đó mà có cuộc đàm thoại sau đây để độc giả Bách Khoa biết rõ tác phẩm trúng giải Vòng đai xanh đã được thai nghén hình thành ra sao, và tác giả Vòng đai xanh đã quan niệm vụ án của anh thế nào. 
     Cũng xin ghi lại: Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 ở Thanh Hóa, Anh đã là chủ bút báo Tình Thương, cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên y khoa 63-66. Tốt nghiệp y khoa năm 1968, anh gia nhập quân y, phục vụ tại Lực lượng Đặc biệt và đã giữ chức vụ y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù. Tác phẩm đã xuất bản: các tiểu thuyết Mây bão (1963), Bóng đêm (1964), Gió mùa (1965) và Vòng đai xanh (1970).

        Trong bài phỏng vấn nói trên, nhà văn Ngô Thế Vinh thảo luận về một loạt các vấn đề mà xã hội Miền Nam phải đối diện trong những năm đầu tiên của thập kỷ 1970, từ phong trào đòi tự trị của đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên cho đến chế độ kiểm duyệt áp đặt lên báo chí và tác phẩm văn học.  Để có một cái nhìn rõ hơn về những khía cạnh được nhà văn Ngô Thế Vinh đề cập, mời các bạn đọc toàn bộ bài phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa ở đây.


     Thưa anh Ngô Thế Vinh, vụ án “Mặt trận ở Sài Gòn” cho thấy chế độ kiểm duyệt ở Miền Nam vào thời điểm phiên tòa diễn ra cũng khắc nghiệt không kém gì chế độ kiểm duyệt của chính quyền CS Hà nội. Cũng tịch thu, cũng đục bỏ, cũng trừng phạt, thậm chí đưa người viết ra tòa. Là người trong cuộc, anh có những nhận xét nào về chế độ kiểm duyệt ở hai miền? Có công bằng hay không khi cho rằng chế độ kiểm duyệt của Miền Nam “tốt” hơn hoặc “tử tế” hơn của Miền Bắc?



Chân dung văn nghệ sĩ 

     Tháng 11 năm 2010, tạp chí Da Màu ấn hành bài viết “Một Cao Xuân Huy Khác” của Ngô Thế Vinh để tưởng nhớ tác giả  “Tháng Ba Gãy Súng” trong một cách thế rất khác thường. Bài viết bắt đầu với phần giới thiệu và giải thích Melanoma, một căn bệnh ung thư hiếm hoi mà nhà văn Cao Xuân Huy đã bất hạnh vướng phải và đành chia tay với trần gian một cách vội vã.   
     Tháng 6 năm 2014, cũng trên tạp chí Da Màu, nhà văn Ngô Thế Vinh gửi đến bạn đọc “Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh.” Không giống như bài viết về Cao Xuân Huy, “Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh” là một cái nhìn khá cân bằng của tác giả dành cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng về các mặt con người, văn chương, và bệnh lý. Theo người viết, chính là ở thời điểm này, nhà văn Ngô Thế Vinh bắt đầu song hành với bác sĩ Ngô Thế Vinh, y sĩ Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, trên cuộc hành trình tạo dựng [lại] diện mạo của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ thân thuộc của ông. Sau Cao Xuân Huy, Nguyễn Xuân Hoàng là Nghiêu Đề, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền. Rồi Võ Phiến, Mặc Đỗ, Linh Bảo, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến. Và gần đây nhất, Đinh Cường. Người viết, đồng thời là người đọc trung thành, ước mong nhà văn Ngô Thế Vinh tiếp tục cuộc hành trình kỳ thú này.

     Một nhận xét được nhiều người chia sẻ: Tuy thành phần văn nghệ sĩ được nhà văn Ngô Thế Vinh chọn để vẽ chân dung thì đa dạng, nhưng có một đặc điểm chung, họ hoặc đã qua đời, hoặc, trong vòng quay Sinh Lão Bệnh Tử, ở vào buổi chiều tà bóng xế của đời người. Bạn đọc băn khoăn: Liệu đây có phải là một trong những yếu tố quan trọng để nhà văn Ngô Thế Vinh chọn đưa vào loạt bài chân dung văn nghệ sĩ?

Quá [sinh tử] quan này gánh chân dung
Nửa bầu y sĩ, nửa thùng văn gia!

     Có bao nhiều phần văn chương, bao nhiêu phần y học ở mỗi bức chân dung, thưa anh Ngô Thế Vinh?
[Hết trích dẫn]

     Anh Phùng Nguyễn thân, tôi chẳng bao giờ nghĩ là sẽ có một bài viết về anh sớm đến như vậy. Mới gặp anh đó, anh mới ra đi mà đi tìm những thông tin về anh đã rất khó khăn, nhất là ở suốt một giai đoạn mà anh đã không muốn nhắc tới. Anh mất đi, sinh hoạt văn học và phê bình hải ngoại vừa mất đi một kiện tướng. Sự ra đi vô cùng bất ngờ của anh khiến tôi chợt nhớ một câu trích dẫn ở đâu đó, không còn nhớ nguồn: " điều chắc chắn duy nhất trên đời, đó là sự bất trắc / the only certainty in this life is uncertainty." 



MỘT PHÙNG NGUYỄN RẤT MÊ BIỂN

     Không rõ bắt đầu từ bao giờ, Phùng Nguyễn rất mê biển. Những năm sống và làm việc ở Bakersfield tương đối xa biển nhưng những ngày cuối tuần Phùng đều lái xe 1-2 tiếng đồng hồ tới những khúc biển đẹp mà anh ưa thích. Những ngày ngắn ngủi từ Miền Đông sang California thăm mẹ, mỗi sáng rất sớm, Phùng đều ra bãi biển đi bộ từ 4 tới 5 miles khi một mình khi cùng hai cô em gái. Phùng thích đi bộ sớm vì lúc đó khí trời tinh khiết và còn vắng bóng người; phải có một trái tim khoẻ mạnh Phùng mới đi được bấy nhiêu xa với tốc độ nhanh. Riêng tôi, chỉ có được hai ngày cuối tuần là có thể đi bộ với Phùng, điểm hẹn là trên Pier Huntington Beach mà tôi vẫn gọi đùa là nơi "đầu cầu biên giới". 


Huntington Beach Pier Oct 4, 2015
[photo by Trịnh Cung] 



Huntington Beach Mural Oct 4, 2015
[photo by Ngô Thế Vinh] 



Phùng Nguyễn và Ngô Thế Vinh 
trên bãi biển Laguna Beach Oct 11, 2015

     Mới tháng Mười đây thôi, cùng ngồi ăn sáng nơi một quán Đức Cafe Heidelberg trên đường PCH Laguna Beach có thể nhìn ra một góc biển, hai anh em còn hẹn nhau lần tới sẽ trở lại đây nhưng là trên một Rooftop Lounge để từ trên cao có thể nhìn bao quát biển Pacific nổi tiếng là tuyệt đẹp lúc hoàng hôn với bờ bên kia là quê nhà. Và lần này Phùng Nguyễn đã không giữ được lời hứa ấy với tôi cho dù anh luôn luôn là người đúng hẹn.   

     Ngày thứ Bảy, một tuần lễ sau tôi và Huy Văn cũng tới thăm được bà Mẹ Phùng Nguyễn, tuổi cụ đã ngoài 90, cụ bà họ Phan cùng một nhà thờ họ với gia đình cụ Phan Khôi và cùng quê Điện Bàn Quảng Nam. Cụ kể chuyện về cả một thời kỳ thơ ấu cơ cực của Phùng với nhiều nước mắt của một người mẹ vừa mất con. Hộp tro cốt của Phùng được đặt ngay trên đầu giường cụ, mỗi tối cụ niệm Phật và con gái cụ cho biết cụ vẫn thủ thỉ một mình nói chuyện với Phùng. Cụ bật khóc khi nhắc tới câu nói của Phùng ở lần gặp mẹ cuối cùng: "Mẹ có biết là con thương mẹ lắm không."  Trong tuần lễ tới, hộp tro cốt của Phùng lại được đưa trở về Miền Đông. Cô em gái Phùng cho biết, ý nguyện của Phùng rồi ra tro cốt sẽ được rải trên biển, nhưng là biển Thái Bình với bờ bên kia là quê nhà.  


Cụ bà Mẹ Phùng Nguyễn và Ngô Thế Vinh
[photo by Huy Văn, December 5, 2015] 

     Bài viết này với nỗi xúc động, như một chia xẻ với những người bạn thân thiết của Phùng Nguyễn trong nỗi mất mát chung vô cùng lớn lao này. 


Laguna Beach, Thanksgiving Day 
November 26, 2015 - December 6, 2015













Sài Gòn 2014













Trở về 









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.