Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Nguyễn Xuân Khánh (1932 - 2021)

















Nguyễn Xuân Khánh
(1932 - 2021)
Nhà văn. Dịch giả
Hưởng thọ 89 tuổi









"Sexothérapie là một liệu pháp diệu kỳ"







Đỗ Tú Tài toán. Ngày còn trẻ Nguyễn Xuân Khánh mê âm nhạc, là cây văn nghệ đàn hát tưng bừng, từng là sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội. Ông tham gia bộ đội năm 52. Sau về làm việc tại Tạp Chí Văn Nghệ Quân Đội. 
Từ 1966, làm phóng viên báo Thiếu Niên Tiền Phong. 
Một "tai nạn nghề nghiệp" đã khiến ông phải nghỉ hưu sớm, chuyển sang nghề may áo bông chần bán ở chợ trời, nuôi lợn và dịch sách "chui"với những bút danh khác.
 70 tuổi, Nguyễn Xuân Khánh mới trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam sau những giải thưởng với tiểu thuyết lịch sử "Hồ Quý Ly"






*





"Năm 1962, tôi in tập truyện ngắn đầu tay có tên là Rừng sâu. 
Tập truyện này phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa và tôi bị kỷ luật. Từ đó tôi quyết định không đi theo chủ nghĩa hiện thực XHCN nữa mà theo cách của mình. 
Năm 1971, tôi viết Miền hoang tưởng, đến tận năm 1990 mới in mà vẫn phải đổi tên. 
Cuốn Trư cuồng, tôi viết theo kiểu cắt dán những truyện ngắn thành tiểu thuyết. 
Đến Hồ Quý Ly, tôi dùng những điểm nhìn khác nhau để chiếu vào Hồ Quý Ly, tránh có những đánh giá chủ quan. 
Còn Mẫu thượng ngàn thì nói về Mẫu, cũng có nghĩa là nói đến đàn bà, nói đến nhục cảm. Mỗi cuốn là một cách viết, một cách nhìn không giống nhau."

(Nguyễn Xuân Khánh trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động)














Tác Phẩm:






Rừng Sâu
(tập truyện ngắn) 1962










Hoang Tưởng Trắng
(tiểu thuyết) 1990












Hồ Quý Ly

(tiểu thuyết lịch sử) 2000,2001,2002
Tái bản 15 lần.
Giải thưởng Hội Nhà Văn 2003














Bài học canh tân trong tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh


Thái Sơn




Trong số các nhà văn dã sử của nền văn học hiện đại Việt Nam không thể không nhắc tới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết lừng danh “Hồ Qúy Ly”. Có thể nói Nguyễn Xuân Khánh là một cây đại thụ! Người ta chỉ nhận ra một cây đại thụ khi nó đã đủ lớn. Người đọc cũng chỉ biết đến ông từ sau khi “Hồ Qúy Ly” được xuất bản. Giữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh.



“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly-thời đại của những cách tân qua góc nhìn của chính những con người sống trong thời đại ấy…



***

Canh tân qua góc nhìn của những nhân vật cùng thời đại

“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly. Chúng ta ai cũng biết Hồ Qúy Ly là một nhà cách tân thời kỳ phong kiến. Khi nắm quyền lớn trong tay, dưới một người mà trên muôn người, Hồ Qúy Ly đã đưa ra các cách tân quan trọng trong xã hội đương thời. Ông đề xuất giảm bớt những chính sách ưu đãi về phân chia điền địa với quý tộc nhà Trần. Trong hai thời đại Lý- Trần, Phật giáo được tôn vinh, nhiều thanh niên quy y cửa Phật, Hồ Qúy Ly bắt họ hoàn tục, cắt giảm quyền lợi của nhà chùa, và bắt đầu có những biểu hiện đầu tiên của “độc tôn Nho giáo” mà sau này nhà Lê đã thực thi một cách thành công. Ông thực hiện rất nhiều cách tân, nhưng cách tân quan trọng nhất chính là sử dụng tiền giấy. Với một loạt những cách tân đầy tiến bộ nhưng lại dồn dập trong thời gian ngắn ngủi và thời điểm không thích hợp có lẽ đã trở thành nguyên nhân thất bại của triều đại nhà Hồ. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không những khắc họa chân thực không khí thời đại mà còn đưa ra rất nhiều điểm nhìn đối với cuộc cách tân.

“Hồ Qúy Ly” có một cấu trúc đặc biệt. Mỗi chương viết về một nhân vật lịch sử trong thời đại ấy: Trần Nghệ Tông, Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân, công chúa Huy Ninh… và đương nhiên là có Hồ Qúy Ly. Cùng một cuộc cách tân ấy, mỗi người có một cách nhìn nhận, một thái độ và một phản ứng.

Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất – “tôi”, chính là Hồ Nguyên Trừng. Đây thật sự là một phương pháp đặc sắc trong dòng văn học dã sử. Trong các tiểu thuyết dã sử của cả phương Tây (“Ai-van-hô”, “Robinhood”, “Chiến tranh và hòa bình”…) hay phương Đông (“Thủy Hử”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Nho lâm ngoại sử”…), các nhân vật thường ở ngôi thứ ba nhằm mục đích thể hiện tính khách quan trong các sự kiện. Nhưng ở tác phẩm này, mọi sự kiện, xung đột đều được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của Hồ Nguyên Trừng, tác giả “Nam ông mộng lục”. Bằng phương pháp này, tác phẩm tạo được một hiệu ứng khác so với những tác phẩm văn học dã sử trước đó. Người đọc cảm nhận thấy mình như người trong cuộc, cũng được chứng kiến tận mắt cuộc cách tân thời ấy. Cũng qua nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nhà văn gửi gắm được suy tư, nỗi đau thân phận của người trí thức trước bao biến thiên của lịch sử.

Hồ Nguyên Trừng là một nhân vật tài hoa ở thời kỳ ấy. Theo sử sách ghi chép lại, ông là người toàn đức toàn tài, văn võ song toàn. Bản thiết kế thành Tây Đô (Thanh Hóa) chính là của ông. Ông còn sáng chế ra “Thần Cơ hỏa sang”, một loại súng trường đầu tiên ở đất Việt. Khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, cha con Hồ Qúy Ly bị áp giải về Trung Quốc chịu phạt, Hồ Nguyên Trừng nhờ tài năng xuất chúng mà vẫn được cất nhắc làm quan, đến chức Công bộ thượng thư. Những năm tháng ở đất Bắc, ông đã viết tác phẩm “Nam ông mộng lục” nổi tiếng. Trong lời tựa của “Nam ông mộng lục”, tác giả có viết: “Những nhân vật trong sách, một thời phồn hoa, rồi thời cuộc biến đổi không còn để lại vết tích, chỉ còn một mình tôi biết được và kể ra, như vậy chẳng phải mộng là gì”. Hồ Nguyên Trừng trong “Hồ Qúy Ly” không những có đầy đủ tài năng ấy mà còn chấp chứa biết bao tâm sự ưu thời mẫn thế, thân phận của tài năng bị chèn ép giữa các thế lực chính trị.


"Thế đấy! Thời nay sao đẻ ra lắm kẻ cuồng. Nguyễn Cẩn là một kẻ cuồng tín. Đến cả Khát Trân cũng chẳng ra ngoài một chữ cuồng. Họ đinh ninh với một ý tưởng rồ dại vì suy nghĩ của mình, không từ một thủ đoạn nào, không dung tha cho một ai trái ý họ... Có đúng không? Ai cũng rồ dại vì những câu nói khoa trương. Họ có biết đâu được hồn nước mới là điều chính yếu. Chẳng ai thông minh hơn được hồn của núi sông mình. Ai đúng, ai sai? Khát Chân hay Quý Ly? Vả lại đường đi của hồn núi sông thật là ngoắt ngoéo. Đánh giá thành ư? Bại ư? Có khi bại mà mấy trăm năm sau lại là thành. Có khi người đời chỉ vì mê muội mà kéo ánh sáng trở về bóng tối. Sự mơ màng lòe loẹt làm chậm bước chân của hồn núi hồn sông?"

Ấn tượng sâu đậm nhất mà người đọc cảm nhận được ở Hồ Nguyên Trừng đó chính là một sự chán nản triền miên trước thời cuộc. Trong khi Hồ Qúy Ly, Hồ Hán Thương, Nguyễn Cẩn… thậm chí là cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi lao theo cuộc cách tân viển vông; phía bên kia là Trần Khát Chân và quý tộc nhà Trần ráng hết sức chống đối, thủ cựu và tìm mọi cách để kéo dài triều đại… thì Hồ Nguyên Trừng đắm mình trong nghệ thuật, trong những mối tình say đắm. Cả hai mối tình, thứ nhất với quận chúa Quỳnh Hoa, thứ hai với cô kỹ nữ Thanh Mai, đều bị bao vây bởi những âm mưu, thủ đoạn chính trị. Thế lực thủ cựu của quý tộc nhà Trần những mong có thể dùng “mỹ nhân kế” để gây ảnh hưởng và ràng buộc ông. Nhưng bằng trái tim đa cảm của nghệ sĩ và tấm chân tình tha thiết, ông đã lôi kéo hai người đẹp về phía mình, để họ thoát khỏi những âm mưu thâm độc và cũng đáp lại ông bằng một tình yêu cao cả, thiêng liêng. Hồ Nguyên Trừng đã phải đau đớn mà thốt lên rằng: “triều đình cũng bị chia rẽ thành hai phe: phe Tôn thất nhà Trần và phe của cha tôi. Và hậu quả tất nhiên là những sự lôi kéo. Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá lớn đớp lấy tôi, và cha tôi cầm chiếc cần câu. Tôi là kẻ đứng giữa, và hai bên cùng co kéo.” Suy cho cùng, thân phận chung bậc trí giả cũng chỉ là như vậy. Kẻ đọc sách thời nào cũng mong được mang tài kinh luân của mình ra để giúp thiên hạ, nhưng thực ra họ trở thành những con cờ cho các thế lực chính trị lớn nắm quyền bính trong tay điều khiển. Khi cần chúng trọng dụng, khi phật ý chúng bạc đãi. Trong lịch sử có biết bao ví dụ như thế: Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Chu Nguyên Chương diệt Minh giáo, Nguyễn Trãi bị oan ở Lệ Chi Viên… chẳng phải là những chứng nhân quá rõ ràng sao? Là kẻ đọc sách, thiết nghĩ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng thấu hiểu điều ấy. Ở thời của ông, không ít nghệ sĩ, trí thức tài năng những mong dùng tài năng của mình dành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng một đất nước dân chủ, văn mình… Để rồi, khi thành công, họ nhận được những gì? Chẳng gì cả ngoài hai bàn tay trắng. Thế lực chính trị đã từng giương cao lá cờ chính nghĩa lúc này mới bộc lộ sự vị kỷ và bảo thủ mà vụ án Cải cách ruộng đấtvà Nhân văn – Giai phẩmchẳng phải là minh chứng rõ ràng đó sao. Vừa là người trong cuộc, lại vừa là người đứng ngoài mọi tranh chấp xấu xa, Hồ Nguyên Trừng chỉ còn biết giữ một tâm trạng là “buồn” – cái buồn của lũ người “lạc loài”, bị “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Không chỉ có Hồ Nguyên Trừng mà biết bao tài năng trong thời ấy cũng có chung tâm trạng như Trần Khát Chân, Phạm Sinh, hay thậm chí là ông vua già Trần Nghệ Tông, ông vua trẻ Trần Thuận Tông… Tâm trạng của Hồ Nguyên Trừng cũng chính là tâm trạng của ông Nguyễn Xuân Khánh và nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thời đại đứng trước những xung đột của các thế lực chính trị và một xã hội bất công, nghèo nàn, lạc hậu mà chỉ biết buông tiếng thở dài bất lực.

Bài học cải cách từ cuộc Canh tân của Hồ Quý Ly

Giá trị lớn nhất của tác phẩm “Hồ Qúy Ly” nằm ở bài học lịch sử : “Canh tân”. Có thể xem cuộc “Canh tân” của Hồ Qúy Ly là cuộc canh tân táo bạo nhất cho đến thời điểm đó. Những cải cách của ông được ghi lại trong cuốn “Minh đạo” (dịch Nôm là “Con đường sáng”).

Đối với “Minh đạo” cũng như cả cuộc canh tân, trí giả thời đó, kẻ chê, người khen, cũng có kẻ bằng mặt mà chẳng bằng lòng… Nhưng rõ ràng, tại thời điểm đó, một cuộc cải cách là cần thiết. Trong câu chuyện, tác giả để Hồ Qúy Ly nhấn mạnh về một “phương thuốc lớn”. Việc làm chính trị chẳng khác gì y đạo, cũng có bắt bệnh, cũng có kê đơn. Nhưng người làm nghề y mỗi lần chỉ có thể bắt bệnh kê đơn cho một người, còn kẻ làm chính trị thì phải bắt bệnh, kê đơn cho cả một dân tộc. Để bắt được bệnh đã khó, không khéo không có bệnh lại chẩn đoán thành có bệnh, có bệnh lại cứ tưởng rằng vô sự; nhưng bắt được đúng bệnh rồi thì kê đơn ra sao đây, âu cũng là việc khó. Cái căn bệnh ấy, chính ông vua già Trần Nghệ Tông là người nhận thức được hơn ai hết. “Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng. Vậy ông đang tự chống lại bản thân. Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng.” Đó chẳng phải cũng chính là căn bệnh thời đại của chúng ta hay sao? Miếng thịt thối ấy ai là người dám cắt bỏ để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh? Hay cứ để nó đấy vì tiếc xương thương thịt rồi hoại tử mà chết? Đứng trước vận mệnh của dân tộc: hoặc là đổi mới hoặc là bại vong, việc từ bỏ những quyền lợi của một tổ chức cầm quyền để thực hiện một cuộc Cách mạng toàn diện là điều cần thiết. Nhà Trần đã không dám dũng cảm thực hiện sứ mạng ấy và chuốc lấy bại vong, là điều đương nhiên.

Bài học Canh tân trong “Hồ Qúy Ly” còn là bài học về lòng dân. Đối lập với phe Canh tân là phe thủ cựu, đáng tiếc rằng phe thủ cựu lại nắm phần đông. Nhưng tại sao những biện pháp của Hồ Qúy Ly là cần thiết mà triều nhà Hồ vẫn thất bại thảm hại? Trước hết phải nói rằng vì Hồ Qúy Ly quá nôn nóng. “Minh đạo” là hướng đi tiến bộ, nhưng không thể một sớm một chiều có thể thực thi. Điển hình nhất là việc sử dụng tiền giấy. Người dân ta thời ấy chưa ý thức được giá trị của tiền tệ và chưa có một nền tài chính hoàn thiện, việc sử dụng tiền giấy thực là chuyện viển vông. Nhưng sai lầm nghiêm trọng hơn là việc xây thành Tây Đô. Giữa lúc ngân sách quốc gia thiếu hụt trầm trọng, người dân còn sống lầm than, chiến tranh với Chế Bồng Nga vừa mới kết thúc và sắp sửa đương đầu với quân Trung Hoa, thành Tây Đô chẳng khác nào được xây lên bằng xương bằng máu của dân khiến người dân oán than. Quan trọng hơn cả, chính tầng lớp trí giả thời ấy cũng không đồng tình với các biến pháp của Hồ Qúy Ly. Thái độ của Trần Khát Chân, Phạm Sinh, Sử Văn Hoa và thậm chí cả Hồ Nguyên Trừng thể hiện rõ điều ấy. Tại sao vậy khi nhà Hồ luôn thực hiện các chính sách chiêu hiền đãi sĩ? Ấy là bởi Hồ Qúy Ly quá cố chấp, không muốn nghe lời can gián, luôn đàn áp phe bất đồng quan điểm mà không hề tiếp thu hay thuyết phục họ. Bởi vậy mà người đời quay lưng với biến pháp hay nói đúng hơn là quay lưng với nhà Hồ, khởi nghĩa của nông dân nổi lên khắp nơi, bên ngoài thì giặc phương Bắc dòm ngó, cha con Hồ Qúy Ly cuối cùng vẫn chung một kết quả với nhà Trần.

Qủa thực, phương thuốc lớn cho một dân tộc không dễ kê đơn. Hồ Qúy Ly bắt mạch được căn bệnh của thời đại mình, kê được đơn thuốc rồi nhưng vì không biết dùng đúng thời điểm và liều lượng mà dẫn đến thất bại. Không chỉ thế, việc dùng thuốc sai cách ấy ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Nếu như thời ấy hai gia tộc Trần – Hồ cùng bắt tay nhau để thực hiện Duy tân thì triều đình nhà Minh đã chẳng giương lá cờ “Phù Trần diệt Hồ” ngụy tạo, đưa hàng vạn quân lính vào xâm lược nước ta được. Đó là bài học xương máu cho chúng ta trong công cuộc cải cách và thực hiện tiến trình dân chủ ở hiện tại và tương lai.





(*)Ông Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu sự nghiệp viết lách từ năm 1955, cùng thời với Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… Khi tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh mới chớm xuất hiện nhờ vài truyện ngắn thì sự kiện “Nhân văn giai phẩm” khiến ông “chìm xuồng” cùng biết bao cây bút khác. Sau khi bị treo bút, ông phải bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống, nào thì làm thợ may 7 năm, bán máu 3-4 năm, thợ khoá, dịch sách, hợp tác xã mua bán và lao động cải tạo cùng với lưu manh đĩ điếm 1 năm. Khi bắt đầu xuất bản “Hồ Qúy Ly”, ông Xuân Khánh vẫn chỉ là ông thợ cạo ở vỉa hè Hà Nội. Cho đến bây giờ, ông có tất cả 3 tác phẩm là “Hồ Qúy Ly”, “Trư cuồng” và “Mẫu Thượng Ngàn”. Riêng “Trư cuồng” được viết bằng một hình thức đặc biệt của văn học Nam Mỹ – văn học hiện thực huyền ảo. 

“Trư cuồng” bị cấm xuất bản ở Việt Nam vì tác phẩm phản ánh xã hội Việt Nam trong thời kỳ bao cấp. Mặc dù sau này ông viết “Mẫu Thượng Ngàn” cũng thu hút được nhiều độc giả, nhưng tác phẩm tâm huyết của cả cuộc đời ông chính là “Hồ Qúy Ly”, thực sự ám ảnh người đọc.











Hai Đứa Trẻ Và Con Chó Mèo Xóm Núi 
(nxb Kim Đồng) 2002






Mưa Quê 
(nxb Kim Đồng) 2003











Trư Cuồng 


(tiểu thuyết) 2006





Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái “húy” gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi. Ông là người tỉ mỉ, lại vì mắc bệnh nghề nghiệp nên thích ghi chép. Ông đã ghi lại khá tường tận, thú vị công việc chăn nuôi của mình. Xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đoc



(trích)











Mẫu Thượng Ngàn



(tiểu thuyết, nxb phụ nữ ) 2009
(Đọc tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn)









Mẫu Thượng Ngàn

tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh



TT - Văn hóa Việt, bản sắc văn hóa Việt là vấn đề, là câu hỏi đã được nêu ra và được hàng trăm, nếu không nói hàng nghìn nhà nghiên cứu tìm cách lý giải từ rất lâu.

Nguyễn Xuân Khánh là nhà tiểu thuyết, anh cũng có câu trả lời của mình không phải bằng lý lẽ uyên bác mà bằng một cuốn tiểu thuyết sinh động, Mẫu Thượng Ngàn,còn dày dặn, bề thế, phong phú hơn cả cuốn Hồ Quý Ly từng gây xôn xao của anh mấy năm trước. Và có vẻ đây có thể là câu trả lời hấp dẫn hơn cả, nếu không nói là thuyết phục hơn cả.

Quả vậy, nếu đi tìm một nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết này, thì hẳn có thể nói nhân vật chính đó là nền văn hóa Việt, cái thực tại vừa vô cùng hiện thực, vừa rất hư ảo, bền chặt, xuyên suốt mà cũng lại biến hóa khôn lường, rất riêng và rất chung, rất bản địa mà cũng lại rất nhân loại. 
Để nắm bắt được “nhân vật” vô cùng gần gũi mà vô cùng kỳ ảo đó, 
Nguyễn Xuân Khánh cũng như tất cả các nhà tiểu thuyết thật sự đẩy nó vào những hoàn cảnh cực đoan nhất: nông thôn Bắc bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi dân tộc phải đối mặt mất còn với thực dân phương Tây, cái phương Tây mang đến vừa vũ khí xâm lược hiện đại, vừa nền văn minh tân tiến mà xa lạ với Thiên Chúa giáo đi cùng; khi cả đạo Phật từng bám rễ suốt nghìn năm nay đã suy tàn, khi Nho giáo chỉ còn thoi thóp... 
Bỗng bừng sống dậy một tôn giáo nảy sinh và thấm sâu âm thầm có lẽ từ thuở mới hình thành của dân tộc, đạo Mẫu rất Việt, rất phương Nam, rất dồi dào, bất tận, bất tử, như Đất, như Mẹ, như người Đàn bà.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, và cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ, có cảm giác như vô số vậy, từ bà Tổ Cô bí ẩn, bà Ba Váy đa tình... cho đến cô đồng Mùi, cô mõ Hoa khốn khổ, cô trinh nữ Nhụ tinh khiết. Hàng chục, hàng chục nhân vật nữ hết sức gần gũi, hiện thực, mơn mởn, sần sùi, dào dạt, trễ tràng, trữ tình, thừa mứa, khát khao cho và nhận, nhận và cho... và đến cả bà Đà của ông Đùng huyền thoại nữa..., tất cả tràn trề sinh lực, đầm đìa phồn thực...

Và ta bỗng hiểu ra: một nhân dân tiềm chứa trong mình sức sống ẩn sâu trong một thứ tín ngưỡng tuyệt diệu như vậy thì không bao giờ có thể chết, có thể cạn. Vĩnh cữu như Đất, như Rừng, như Mẹ, như người Đàn bà.

Bằng cuốn tiểu thuyết này, bằng khám phá này - tôi muốn nói vậy - Nguyễn Xuân Khánh một lần nữa khiến ta kinh ngạc vì bút lực còn dồi dào đến tràn trề và say đắm của anh. Tác giả đã ngót 75 tuổi. Gừng già thật cay!















Đội Gạo Lên Chùa 


(Tiểu thuyết, nxb Phụ Nữ) 2011
















Biên Khảo:




George Sand- Nhà Văn Của Tình Yêu. 1994






*





Dịch Phẩm:





Những Quả Vàng 
(tiểu thuyết . Nathalie Sarraute) 1996




Chuông Nguyện Cầu Cho Kẻ Đã Khuất 
(tiểu thuyết . Tahar Ben Jalloun) 1998




Bảy Ngày Trên Khinh Khí Cầu 
(Jules Verne) 1998




Hoàng Hậu Sicile 
(Pamela Schoenewaldt) 1999




Tâm Lý Học Đám Đông 
(tiểu luận. Gustave Le Bon) 2006











Tham khảo thêm về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh:








Nguyễn Xuân Khánh: Chỉ là chuyện ngõ nghèo thôi ư?
Trịnh Y Thư


Công ti Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn liên kết xuất bản, 2016]




không phải chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Kì thực, tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng, những cuộc chém giết bạo tàn, những hận thù chồng chất, và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn nằm ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó là một phần con người.
Tác giả gọi cái bản ngã ấy là Trư cuồng. Và nếu định nghĩa tiểu thuyết là cuộc truy tìm bản ngã thì cái tố chất lợn cuồng điên ấy đã được Nguyễn Xuân Khánh lật phải lật trái lật ngang lật dọc, đã được đặt dưới ống kính hiển vi cho chúng ta ngắm nhìn, quan sát kĩ càng, tường tận. Không nhìn ra nó, phần lỗi ấy chẳng những bởi thị lực và tâm trí chúng ta yếu kém mà còn vì chúng ta đã tự đóng chốt xây dựng một hàng rào thành kiến che kín lương tri.
Cấu trúc hình thức của cuốn tiểu thuyết là những trang nhật kí mà tác giả gọi là Nhật kí lợn. Phần giữa mang hình thức những truyện ngắn – tác giả gọi là Hành trình vào Hỗn mang – đúng ra, là những giấc mơ trong cơn mê sảng vật vã suốt thời gian đau ốm của nhân vật ghi chép cuốn nhật kí. Đoạn kết Nhật kí lợn là phần ba cuốn sách.


Ở trang sách đầu tiên tác giả giới thiệu nhân vật chính diện của ông như sau:
“Nhật kí này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái ‘húy’ gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi . . .”
Qua những trang sách sau đó chúng ta biết ông Hoàng sống với mẹ già, vợ và bốn con trong một căn nhà tồi tàn ở ven đô Hà Nội. Nhà ông Hoàng nghèo, nghèo lắm. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, vật giá leo thang vùn vụt, với số lương hưu èo uột, vợ làm công nhân viên, gia cảnh ông lâm vào tình trạng thiếu hụt cùng quẫn, và như rất nhiều người dân Hà Nội thời bấy giờ, ông xoay ra nghề nuôi lợn. Để tìm kế mưu sinh ông không còn cách nào khác hơn. Sau ba mươi năm đi bộ đội và làm cán bộ nhà nước, tay chân ông chẳng còn sự khéo léo để học một cái nghề nào ra hồn, viết văn thì không được phép xuất bản, dịch cũng chẳng ai thuê (không ai dám dính líu đến người có “vấn đề”), đi buôn hay chạy áp phe cũng không xong vì ông không có cái điêu ngoa, thớ lợ của cuộc sống giành giật từng đồng. Phương án duy nhất còn lại là nuôi lợn. Hơn nữa, ai cũng nuôi lợn kể cả các ông bà quan chức thì có gì xấu hổ đâu. Cũng may nhà ông thuộc vùng nửa quê nửa tỉnh, đằng sau có cái ao bèo nên ông quây được cái chuồng lợn riêng, vợ chồng con cái không phải sống chung với lũ lợn như nhiều gia đình khác trong nội ô, người ngủ bên trên đàn lợn hôi thối suốt ngày đêm ủn ỉn vục vặc đòi ăn.
“Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn.” Ông Hoàng có hai người bạn thân, Lân và Tám. Lân, một thương binh, nuôi lợn gần như chuyên nghiệp, chính ông là người chua chát buông câu nói ấy. Ông đi nhặt nhạnh tất cả mọi đồ phế thải ngoài đường sá đem về chế biến cho công việc nuôi lợn của ông. Mỗi ngày ông ra bờ sông Kim Ngưu – một con sông tù đọng nước đen xì hôi thối không thể tưởng vì chứa toàn những đồ cặn bã bẩn thỉu nhất kể cả cứt đái của dân cư lao động xung quanh thải xuống – để vớt những miếng lòng lợn thải ra từ lò mổ lợn gần đó. Ông đem những miếng lòng thối rữa về đun lên trộn với cám cho bầy lợn ông ăn. Làm gì có củi đun, ông dùng toàn vỏ xe đạp cũ, và mỗi lần thấy luồng khói đen uốn éo như con rắn từ mái lều gianh ven sông bốc lên, ông Hoàng biết ngay bạn mình đang luyện đan bồi dưỡng bầy lợn. Còn Tám là một giáo viên dạy Sinh vật cấp ba, nhưng tính tình ông gàn bướng, thậm chí hơi bất thường. Có người bảo trí óc ông lệch lạc từ khi suýt chết vì bom Mĩ, nhưng cũng có thể ông bất mãn (cuộc sống ấy kẻ lương thiện không bất mãn mới là chuyện lạ). Đang dạy học, ông xin nghỉ ngang nằm nhà viết sách về lợn mà ông gọi là Bách khoa lợn. Ông Hoàng thi thoảng nhận được một trích đoạn Bách khoa lợn mà càng đọc ông càng khiếp hãi.


Sách vở sử học sau này chắc chẳng có dòng chữ nào viết về chuyện nuôi lợn cực kì bi hài của thị dân Hà Nội thuở đó. Mà chẳng riêng gì Hà Nội, hình như khắp mọi nơi trên đất nước, đó là hình thức thoát đói duy nhất cho người dân lương thiện mà sau này nhớ lại ai nấy vẫn thấy rùng mình khiếp hãi.
“Lịch sử thế giới là lịch sử của vài kẻ được ưu đãi.” Nhà văn Mĩ Henry Miller viết như thế trong cuốn Chủ nhật sau chiến tranh xuất bản năm 1944. Câu văn của Miller lí giải tại sao chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy giá trị lịch sử nhân chủng trong hàng nghìn hàng vạn trang sử do xã hội viết ra từ trước đến nay mà chỉ thấy trong các tác phẩm văn học, điển hình là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chú tâm đến phần mô tả và phê phán chính lịch sử. Sự biến lịch sử được tiểu thuyết gia ghi giữ và kết cấu thành tình huống hiện hữu cho các nhân vật của mình. Chúng là những sự biến do vô tình hay cố ý bị các sử gia và các nhà chính trị bỏ quên. Chúng không làm lịch sử dân tộc trở nên hiển hách, chói lọi hơn (ngược lại đa phần chỉ khiến lịch sử thêm u buồn, tăm tối), kinh nghiệm nhân chủng cơ bản của chúng được tiểu thuyết gia sử dụng như một căn nguyên lịch sử để từ đó có thể phóng chiếu lên tầng suy nghiệm nhân bản cao hơn cho những thử thách tương lai, mà thông thường là sự tái diễn. Lev Tolstoy viết trong phần ba của bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình là lịch sử sẽ được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn hơn từ góc độ tiểu thuyết. Như chúng ta thấy, Tolstoy không hề mô phỏng lịch sử trong tác phẩm của mình. Bởi tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia như ông nhà văn Milan Kundera nói luôn mồm. Nói như thế, lịch sử trong tiểu thuyết có đời sống riêng của nó, nó không minh họa lịch sử và chính nó đã thổi hồn phách vào lịch sử, cho lịch sử một khuôn mặt người.


Chuyện nuôi lợn của cư dân Hà Nội (một hồi đoạn hoàn toàn bị các sử gia lãng quên, nhưng cực kì trọng đại ở bình diện nhân chủng) là cái căn nguyên lịch sử được nhà viết tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh xây dựng thành một kinh nghiệm nhân chủng, mà chính ông là một chứng nhân, trong tác phẩm Chuyện ngõ nghèo.
Tuy thế, tác giả đã không cho phép chúng ta lười lĩnh tự ru ngủ với một câu chuyện tuy thương cảm, bi thiết nhưng nói cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc thế gian xoàng xĩnh. (Ối dào! Chuyện đời ấy mà, có gì lạ đâu, nghèo khổ thì nơi đâu, thời nào mà chẳng có!) Tác giả không dừng ở đấy, ông bắt chúng ta phải trực diện một vấn nạn gai góc, khó nhằn hơn nhiều: cái bản ngã lợn hay Trư cuồng, nói theo ngôn từ của ông.
Câu chuyện nuôi lợn của ông Hoàng bắt đầu đi vào giai đoạn có nhiều biến cố từ khi ông mua thêm một con lợn con có đôi mắt như mắt bò và lớp lông màu hung vàng như “cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc” mà ông đặt tên là Lợn Bò. Ông đã có sẵn trong chuồng ba con lợn ỉn. Lúc mới về Lợn Bò chịu lép vế ba con lợn ỉn, không dám tranh ăn, khi nằm ngủ phải tìm góc chuồng dơ bẩn đầy cứt đái, thậm chí còn bị ba con kia cắn tai, húc mõm vào bụng. Nhưng con Lợn Bò ăn hăng lắm, nó tận tình vét máng mỗi lần ăn và nhờ thế tăng trọng nhanh chóng hơn ba con kia. Một hôm khi đã to khỏe đủ, nó đánh lại ba con lợn ỉn và cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ.
Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền “cắt tiết” những kẻ yếu hơn mà không chịu suy tôn thần phục chịu làm nô lệ cho mình. Ông Hoàng suy ngẫm. Thoạt tiên là ý nghĩ về từ “đồ tể.” Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn không bao giờ xuất bản của ông Tám, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay:
“Tìm từ nguyên của từ ‘đồ tể’ thấy gồm hai thành tố: tiền tố ‘đồ’ và hậu tố ‘tể’.
Riêng hậu tố ‘tể’ chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác: chúa tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc. Họ gần gũi nhau ở điểm gì? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.”
Tôi không rõ ông Trần Bình thời nhà Hán bên Trung Quốc khi ra làm tể tướng có lây nhiễm tính “cắt tiết” của một anh “đồ tể” dưới làng quê thời hàn vi hay không (ông ta có lẽ là nhân vật lịch sử duy nhất mang cả hai danh hiệu có chữ “tể”), nhưng các cuộc cách mạng trên thế giới (không phải của đồ tể chuyên nghiệp) cuối cùng đều đi đến chỗ phản bội, và cách mạng sẵn sàng “cắt tiết” bất cứ kẻ nào cản bước tiến của mình. Có bao nhiêu chiếc đầu lâu bị máy chém cắt lìa trong cuộc cách mạng Pháp 1789? “Cách mạng đã cắt tiết chế độ cũ. Máu tiết ở tim, gan, phổi, óc của chế độ cũ phải kiệt đi, phải chảy đến giọt cuối cùng để cách mạng có thể thay thế vào đó một dòng máu mới.” Đau đớn thay, đó chính là cái gì xảy ra suốt thời trung đại lịch sử Việt Nam và lan sang cả thời hiện đại cho đến tận bây giờ. Cái bản ngã lợn không đâu rõ hơn lịch sử nội chiến Việt Nam với không biết bao nhiêu con người bị “cắt tiết” trong đớn đau, tủi hận. Cắt tiết là rút con dao lá lúa đâm một nhát vào cổ, xọc vào tim, cho dòng máu đỏ vỡ ùa ra ồng ộc nhưng cũng có thể là cho chết lần mòn bằng những hình thức tù đày, khủng bố dã man.
Nhưng quan hệ hơn, qua con Lợn Bò, ông Hoàng bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của Trư cuồng. Hình như bất cứ ai cũng có thể là một anh đồ tể, trong tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể sẵn sàng chém giết không gớm tay. Cái xấu, cái ác tràn ngập thế gian. Tuy vẫn còn u minh mờ mịt, ông mơ hồ cảm nhận được trong con người ông “thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà ông không sao xác định nổi.” Ông run rẩy vì “chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…” Ông vẫn yêu thương cuộc đời, vẫn yêu hình ảnh con sông Đuống mộng mơ của bạn ông, hay những dãy phố cổ nghiêng nghiêng trong tranh người bạn khác, nhưng ông muốn “vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo.” Mơ hồ nhưng day dứt, ông bị điều ấy hành hạ ngày đêm.
Việc nuôi lợn của ông Hoàng không làm gia đình ông hạnh phúc, sung túc hơn. Ngược lại là đằng khác. Tiền nuôi lợn thâm lạm tiền chi tiêu ăn uống khiến nhà ông phải húp cám lợn thay cháo. Vợ chồng ông hục hặc nhau, nay chiến tranh nóng, mai chiến tranh lạnh. Ông ví vợ ông là cây lộc vừng ông đem từ thôn quê ra, dĩ nhiên chị không hiểu ông và thường xuyên trách móc ông không thực tế, toàn ôm chuyện viển vông, viết lách vớ vẩn để mang họa vào thân. Lẽ đương nhiên, có ai hiểu được ông đâu, ngay cả thằng con trai lớn tên Linh học đại học ban Triết suốt ngày ôm cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử cũng bỉ báng, chế nhạo ông đủ điều. Ông tìm quên ở Hồ Ly, một con cáo chín đuôi tu luyện hơn nghìn năm ở Hồ Tây biến thành cô gái đẹp bầu bạn với ông, nắm tay ông đi dạo quanh hồ vào những đêm lấm tấm trăng sao. Ông sống giao thoa giữa thực và mộng, không phân biệt được đâu là cuộc sống thật đau xót và đâu là giấc mộng ảo mơ hoa.
Chưa hết, đang vật vã với cuộc sống cùng cực cộng thêm những ý nghĩ đớn đau như thế, ông Hoàng còn bị gọi lên “làm việc” với an ninh. Người ta vẫn không để yên cho ông. Chỉ vì một câu nói “Que faire?” cách đấy mươi năm người ta quy kết lên đầu ông tội “chống tổ chức”, một cái tội mơ hồ không bằng cớ, không nhân chứng, không luật sư biện hộ, không thẩm phán, không bồi thẩm đoàn. Một tòa án cũng không mà chỉ là gian phòng thẩm vấn hỏi cung lạnh lẽo trơ trịa một chiếc bàn xấu xí. Nhưng lần này ông Hoàng bị mời đến làm việc trong một ngôi chùa. Hình ảnh ông Hoàng đi tìm ngôi chùa để “được” thẩm vấn khiến tôi nhớ lại K. hôm anh đi tìm cái tòa án cực kì lạ lùng trong cuốn Vụ xử án của Franz Kafka. Cuốn tiểu thuyết của Kafka cho chúng ta thấy bi kịch của con người hiện đại: con người va chạm không phải với con người khác mà với thế giới biến dạng thành guồng máy thư lại kềm kẹp khổng lồ. Con người như con vật nằm trong rọ. Ông Hoàng và K. có chung một số phận, số phận của những kẻ “đầu thai lầm thế kỉ”, những kẻ lầm lẫn bước vào cõi đời này.
Người thẩm vấn ông Hoàng lần này là một cán bộ đứng tuổi, giọng nói ấm áp, gương mặt đôn hậu có thiện cảm chứ không khó ưa như cái gã hỏi cung những kì trước. Ông ta bảo đây là một cuộc trao đổi chứ không phải thẩm vấn. Dù gì ông Hoàng cũng đã rắp tâm từ đêm trước nói hết điều mình muốn nói. Ông bảo người cán bộ già ngồi đối diện:
“… Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa bỏ tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay thế vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm khát một tấm áo giản dị nhưng vừa vặn. Chúng tôi chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.”
Thấy người cán bộ già chưa có phản ứng rõ rệt, ông Hoàng nói thêm, lần này ông quyết liệt không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề cốt lõi:
“Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích cỡ ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn. Nhưng cho dù, về mặt vật chất, dù có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng: Cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lí tưởng khác.”
Đến đây tôi chợt nhớ một đoạn văn của nhà văn Czech Milan Kundera viết trong phần 5 của danh tác Đời nhẹ khôn kham như sau:
“Người nhận định các chế độ Cộng sản ở Trung Âu đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người ấy không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp, chúng là những kẻ cuồng nhiệt bám chắc vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bảo vệ con đường đó, đến nỗi không ngần ngại giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người cuồng nhiệt kia trở thành lũ sát nhân.”


Ông viết thế bởi ông là người trong cuộc đi ra và hiểu rõ bản chất thật của Thiên đàng. Qua cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo, tôi tin nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng có một tư duy tương tự Kundera khi ông bảo, “. . . Bây giờ thì chúng tôi chán ngấy sự trở thành khổng lồ rồi, chán ngấy sự cuồng tín bi thảm ấy rồi, chán ngấy những cái gì siêu kích cỡ. Chúng tôi đã đẩy chúng tôi vào ngõ cụt.”
Thiên đàng của Kundera chính là “cái gì siêu kích cỡ” của Nguyễn Xuân Khánh. Cả hai nhà văn đều thất vọng cực kì về cõi hoang tưởng, cả hai đều có cái nhìn hết sức bi quan về bản ngã và bản thể cuộc sống con người.


Dĩ nhiên, cuộc “trao đổi” giữa ông Hoàng và người cán bộ già chẳng đi đến đâu. Tôi có cảm tưởng hai người tuy nói cùng ngôn ngữ nhưng không ai hiểu ai, mỗi người như có một hệ cơ số riêng, và không hề có sự đả thông tư tưởng. Lỗi ở ông Hoàng ngây thơ, hay ông còn chút hi vọng vào lẽ phải và sự hợp lí? Cũng như K. đứng giữa cái tòa án dị kì trên tầng sát mái khu chung cư tồi tàn mà hùng hồn nói về hoàn cảnh của mình (anh không tự biện hộ vì anh đâu biết mình bị kết tội gì). Lời lẽ của anh trước tòa án chẳng có chút trọng lượng nào, nó nhẹ hơn không khí, và chẳng có tí phản ứng gì từ phía ông quan tòa. Tất cả cái cảnh huống quái đản, thậm chí ma mị ấy, là sự phi lí khủng khiếp. Cả ông Hoàng lẫn K. đều tin vào sự hợp lí, tin hợp lí sẽ chiến thắng phi lí, nhưng vô cùng khốn nạn cho hai người, ở đây cái phi lí mới được tôn sùng, nó là chân lí tuyệt đối, là lẽ sống, là lí tưởng cho mọi người noi theo. Trong cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn Anh George Orwell viết năm 1948, ba khẩu hiệu của Đảng được phổ biến khắp nơi, bắt cư dân ghi nhớ: Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh. Nghe phi lí quá, phải không, thưa bạn? Khẩu hiệu gì mà nghe trái với đạo lí, luân lí thông thường thế! Điều nguy hiểm chết người nằm ở đấy. Một hôm cái phi lí biến thành hợp lí, cái phi lí nghe thuận tai, cái phi lí trở nên chân lí. Sự thật được hiểu bằng doublethink (từ do Orwell sáng chế ra), tư duy hai chiều, chiều nào cũng đúng, bởi Sự thật không nằm trong tủ chè hay kệ sách nhà bạn mà nằm dưới tầng ý thức, dưới cả tầng tiềm thức, thậm chí có thể là tầng vô thức trong não bộ của bạn. Lúc điều phi lí nghe thuận tai là lúc Đảng chiến thắng toàn diện, Đảng trên hết, Đảng là chúa “tể”, và con người vĩnh viễn nằm trong quỹ đạo của Đảng. Đó là số phận của K., của anh chàng Winston Smith và của ông Hoàng.


Ông Hoàng sa sút thê thảm, tinh thần ông cũng kiệt quệ đến mức cùng cực. Hồ Ly bỏ ông ra đi. Ông không biết tại sao Hồ Ly bỏ đi, nhưng ông vẫn phải sống và đành đem những cuốn sách quý của mình đi bán rẻ kiếm tiền nuôi lũ lợn. Ôi chao! Nào là Chekhov (Sêkhốp) nào là Sếchxpia (Shakespeare), nào là Đốt (Dostoyevsky), nào là Camuy (Camus), tất cả theo nhau chui vào cái bụng ỏng của con Lợn Bò.
Con Lợn Bò đặc biệt thích ăn bằng tiền bán bộ truyện kiệt tác Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky. Đây là một ẩn dụ tuy buồn cười nhưng hết sức chua xót. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chứa đựng nhiều ẩn dụ và biểu tượng, và đây chính là ẩn dụ chìa khóa để hiểu tác phẩm của ông.
Dostoyevsky – người nói câu “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” – có lẽ là nhà văn được ông Hoàng kính trọng nhất. Đối với ông, Dostoyevsky là biểu tượng của Chủ nghĩa nhân đạo đích thực và ông tận mắt nhìn thấy cái chủ nghĩa ấy đang bị con Lợn Bò nuốt chửng. Ông không đau đớn đến bủn rủn sao được? Dostoyevsky nói câu nói ấy thường dễ trên trăm năm rồi, nhưng thế giới đã được cái đẹp cứu rỗi chưa, con người đã được giải phóng chưa hay vẫn đắm chìm trong cái xấu xa, con Lợn Bò vẫn ngự trị, sự bẩn thỉu tràn lan, để đi đến hậu quả con người dần dà đánh mất hết phẩm giá và đức hạnh. Cuối cùng Dostoyevsky hiện về bảo ông Hoàng cứ để con Lợn Bò ăn hết sách của ông, ông chẳng còn gì để nuối tiếc. Aha, cái lão Chekhov ẩm ương ấy còn tí ti lí tưởng muốn giữ lại trái tim chứ “. . . Còn tôi, dù con quỷ của anh có ăn hết toàn bộ hình hài, tôi cũng chẳng lo. . .” Dostoyevsky bảo ông Hoàng như thế. Hình như cả Dostoyevsky lẫn ông Hoàng đều đi đến chỗ tuyệt vọng, cả hai đều không còn chút niềm tin nào vào cuộc đời. “Chúa đã chết! Thời vô trị đã đến!”
Sách càng chui nhiều vào họng con Lợn Bò, ông Hoàng càng đau đớn. Ăn cho béo chưa đủ, nó còn mỉa mai, châm chọc ông, “. . . Chao ôi! Tư tưởng! Ta đến ngột ngạt vì sách, vì tư tưởng của các người. Nhưng thử hỏi, sách mọc lên như nấm thế, mà sao con người hiện nay có tốt đẹp gì thêm đâu? Vả lại, sách còn đem vạ cho người. Ở thời buổi này, sách có thể dẫn ta vào cuộc đời tan nát.”
Con Lợn Bò có lí của nó. Vợ ông Hoàng cũng không nghĩ khác, chị còn dọa mai này ông chết, chị sẽ chôn theo ông tất cả đống sách vở của ông.
Con Lợn Bò bây giờ phè phỡn không thể tưởng. Với sức mạnh và mưu chước quỷ thần, nó nắm trọn giang san chuồng lợn, ba con lợn ỉn hoàn toàn thần phục nó. Bây giờ nó là chúa tể chuồng lợn, nắm mọi quyền hành sinh sát trong tay, muốn làm gì thì làm, ăn những máng cám ngon nhất có trộn tóp mỡ do cậu Linh đem về, được ngủ chỗ ấm nhất trong chuồng. Lúc ăn no, nó còn nằm ễnh người ra cho con lợn ỉn út liếm dương vật. Gớm ghiếc đến thế là cùng! Mỗi lần trông thấy cái cảnh tởm lợm muốn mửa đó, ông Hoàng điên tiết cầm chổi tre quất túi bụi lũ lợn. Với cái chổi, ông tạm thời giải quyết chuồng lợn trong nhà ông, nhưng còn cái chuồng lợn kinh khiếp gấp trăm gấp nghìn lần ngoài kia thì sao? Ông lao đao, lên cơn mê sảng. Ông ốm nặng và ông thấy mình đứng mấp mé ở bến bờ tử sinh. Và trong lúc như thế ông thấy ông đi vào cuộc Hành trình vào Hỗn mang.
Đấy là phần hai của cuốn tiểu thuyết.


Hành trình vào Hỗn mang là những giấc mơ của ông Hoàng trong cơn ốm đau mê sảng, nhưng đan xen vào những giấc mơ lại là những hồi đoạn rất thật. Có thể xem đấy là những truyện ngắn đứng riêng lẻ, nhưng lồng vào tổng thể cuốn tiểu thuyết, chúng tạo thành thế hỗ tương chặt chẽ bởi chủ đề của những truyện ngắn tưởng như độc lập ấy không đi trệch ra khỏi chính truyện bao nhiêu: Cái tính thèm nhìn máu đổ, dù là máu lợn, của người dân làng trong Hội làng; cái chất “đồ tể” nguyên thủy nơi con người ông Tí Giò trong Bãi chết; phẩm chất cách mạng chân chính của người bạn tên Vinh trong Người khổng lồ vác nặng, người trước khi nhắm mắt lìa đời, dù bị cách mạng phản bội đến tả tơi mà vẫn chờ đợi, vẫn buông được câu nói “. . . Cái gì rất đẹp ấy . . . rồi nó sẽ đến.” Giữa ông Tí Giò và ông Vinh là một đại dương khác biệt, hai con người tượng trưng cho hai thái cực nhân cách, như trắng và đen, như ngày và đêm. Nhưng thực tại cuộc sống cho thấy đa phần con người chúng ta không trắng đen rành rọt mà xám, và phải chăng chính cái màu xám bi đát đó đã khiến chúng ta vĩnh viễn thất lạc trong cõi Hỗn mang? Bởi trắng đen thì dễ nhìn chứ xam xám thì chỉ có cái kính “Chiếu Trư” của Chekhov mới nhìn ra. Ông Tám quả tinh mắt. Ông gọi bạn mình là “đồ ngốc” cũng đáng. Ông nhìn ra cái giống lợn-người mà ít ai trong chúng ta có khả năng nhận thấy. Vâng, ông Tí Giò có đứng xa cả trăm thước thì đứa trẻ con lên ba cũng biết và khóc ré lên vì khiếp sợ (thật ra ông Tí Giò là kẻ đáng thương hơn đáng ghét), còn những con lợn-người thì mặc những bộ áo xống đẹp đẽ lịch sự nhất, khoác những cái mặt nạ hiền hòa nhân hậu nhất, nói to vào máy vi âm những lời lẽ nhân đạo nhất cho mọi người cùng nghe, và chúng ta đứng dưới vỗ tay thật to tán thưởng. Cái thâm độc nhất của lợn-người là biết khai thác một cách đầy hiệu quả chất lợn của lợn thật (ông Tí Giò chẳng hạn), và bởi Lịch sử được viết theo góc nhìn của lợn-người nên sự quang vinh của lợn-người sẽ được muôn đời ca tụng. Sự thật không hề hiện hữu trong thế giới lợn-người.


Nhân thuật chuyện ông Tí Giò, tác giả có tạt qua việc Cải cách ruộng đất hồi đầu thập niên 50 ở miền Bắc. Sách vở về chuyện này đã có nhiều, hư cấu cũng như phi hư cấu, nhưng không mấy ai nêu lên luận điểm chìa khóa mà Nguyễn Xuân Khánh nói đến ở phần này của cuốn tiểu thuyết, dù chỉ thoáng qua. Qua suy nghĩ của Thái lúc trước khi bị đem ra xử bắn “Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân . . .” hiển lộ một trong những thuộc tính cơ bản nhưng thường được khéo léo che giấu của con người. Những người nông dân ngày thường thật thà chất phác ấy, ai ngờ lúc lâm sự có thể đẩy kẻ vô tội vào chỗ chết, và họ khoái trá, thậm chí cuồng điên sôi máu khi chứng kiến kẻ xấu số lãnh nhận cái chết đau đớn oan khiên. Họ chen nhau vào pháp trường, kể cả những đứa trẻ, để mục kích cảnh tượng khiếp hãi ấy. Trong cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Kundera cũng có một nhận định tương tự: “Ludvik nhìn thấy tất cả bạn bè, đồng nghiệp anh thật dễ dàng đồng loạt giơ tay biểu quyết đuổi anh khỏi trường đại học và cuộc đời anh từ đó đảo lộn. Anh đoan chắc nếu cần họ cũng sẽ biểu quyết một cách dễ dàng như thế ra lệnh treo cổ anh. Từ đó định nghĩa của anh về con người: một hiện thể có khả năng xô đẩy người láng giềng đến cái chết trong bất cứ cảnh huống nào.”


Cái chất lợn-người có lẽ nằm trong DNA của chúng ta.
Cuộc Hành trình vào Hỗn mang đưa ông Hoàng vào một xứ lạ có tên gọi là Cực Thiên Thai. Đọc đoạn văn này của Nguyễn Xuân Khánh, tôi có cảm tưởng nó là tổng hợp của ba cuốn tiểu thuyết kinh điển của phương Tây về thể loại này: cuốn Chúng ta của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin, cuốn Thế giới mới dũng cảm của Aldous Huxley, và cuốn 1984 của George Orwell. Cả ba đều được viết từ nửa đầu thế kỉ XX, cuốn Chúng ta ra đời sau Cách mạng Tháng Mười bên Nga vài năm, bị Hội Nhà Văn Nga gán cho cái nhãn “cực kì phản động” và tác giả bị trục xuất khỏi quê hương khi cuốn sách được tung ra ở nước ngoài. Cả ba tác phẩm tiểu thuyết đều gay gắt phê phán một thế giới thuần nhất, trong đó con người là những cỗ máy, tên tuổi chỉ là những mã số được chỉ định từ lúc lọt lòng mẹ, không có tình yêu hay gia đình mà chỉ biết ăn, thở và lao động. Nguyễn Xuân Khánh cũng không chấp nhận một thế giới như vậy, một thế giới con người đóng vai Thượng đế, cho dù chỉ có tiếng cười và niềm vui. Một thế giới không nước mắt là một thế giới phi nhân, nơi đó con người là phi-chân-diện-mục. Một thế giới trong đó xã hội là một hệ thống quan liêu với mục tiêu tối thượng là bắt con người trở nên vô cảm, không có tâm hồn, mất hết mọi ý niệm cá nhân chủ nghĩa. Một thế giới trong đó giới lãnh đạo là những kẻ chỉ biết quyền lực, đối với họ quyền lực không phải phương tiện mà là cứu cánh, hoặc giả, theo định nghĩa của Simone Weil, “quyền lực là khả năng biến một con người sống thành cái xác chết, có nghĩa là, từ vật sống thành món đồ.”
Khác với anh chàng Winston Smith của Orwell chết dở sống dở từ phòng 101 bước ra về, chấp nhận cuộc sống nô lệ như cũ, ông Hoàng của Nguyễn Xuân Khánh trở về cõi dương gian sau khi nhờ chiếc kính chiếu trư của ông Tám trông thấy lãnh tụ tối cao A1 của xứ Cực Thiên Thai chính là con Lợn Bò. Trở về nhưng không vui vì ông biết cái độc chất Trư cuồng ấy vẫn tràn lan trong cõi nhân gian. Làm sao tẩy xóa nó được?


Trư cuồng – Poóxinômani – Bái trư giáo – Trư luận – Trư học – những từ ngộ nghĩnh không tìm thấy trong bất cứ cuốn từ điển nào. (Nếu tỉ mẩn, bạn có thể truy nguồn từ nguyên của từ ‘Poóxinômani’ từ hai từ tiếng Anh porcine và mania, hay tiếng Pháp porcin và manie. Song, theo tôi, từ ‘Trư cuồng’ trong tiếng Việt vẫn là ấn tượng và độc đáo nhất.)


Đoạn kết cuốn sách, cũng là phần kết Nhật kí lợn, chúng ta thấy chuyện nuôi lợn của gia đình ông Hoàng phải chấm dứt, một kinh nghiệm kinh doanh thảm hại, và cậu Linh quyết định giết con Lợn Bò bán thịt để lấy tiền thuốc thang cho bố. Tôi rất thèm được nghĩ chuyện cậu Linh giết con Lợn Bò là một ẩn dụ Nguyễn Xuân Khánh muốn gửi gắm vào thế hệ tương lai, cái độc tố Trư cuồng ấy phải chấm dứt, chỉ có cách giết chết nó mới làm đẹp xã hội loài người được, và chỉ có thế hệ tương lai mới làm được chuyện đó.
Cũng như các tác phẩm văn học quan trọng khác, cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều chiều kích. Ngoài chiều kích lịch sử, xã hội, chính trị, nó còn hàm ẩn chiều kích tiên tri. Từ 35 năm trước lúc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất cuốn sách hay bây giờ cũng thế, Trư cuồng là một lời cảnh báo của tác giả đến chúng ta, một lời cảnh báo cực kì cấp bách. Nếu lịch sử không thay đổi đường đi của nó thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ mất hết những phẩm chất con người, biến thành những cỗ máy vô hồn mà chính chúng ta hoàn toàn không nhận biết. Trong trường hợp ấy, nếu cái ẩn dụ bên trên đúng như tôi suy diễn thì nó chỉ là một wishful thinking.
Nguyễn Xuân Khánh đã can đảm lột trần cái xấu xa nhất của con người: cái bản ngã lợn. Trong mắt nhìn của ông thì đấy là căn nguyên của những vấn nạn gai góc chúng ta đang trực diện trong cuộc sống con người. Phải chăng ông là người theo lí tưởng chủ nghĩa bởi, với tất cả những bằng chứng lịch sử từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, con người vốn ác. (Tuân Tử có lẽ đúng chứ không phải Mạnh Tử khi phán “Nhân chi sơ tính bản ác.” Plato bên trời Tây trong trứ tác Cộng hòa cũng có nhận định tương tự và thánh Moses trước đó cả nghìn năm đã biết rõ bản chất ác của con người khi Ngài đặt ra Mười Điều Răn cho dân Do Thái.) Nhưng lí tưởng của Nguyễn Xuân Khánh còn là một lí tưởng nhân đạo đích thực và chính cái lí tưởng ấy đã giúp ông tiếp tục chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, ngặt nghèo nhất. Vì lí tưởng có lúc ông như lên đồng không phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì lí tưởng ông đã bị quẳng vào đáy sâu của ngục tù. Song, thể xác ông có thể bầm giập vì bạo lực, cường quyền, nhưng lí tưởng đã giúp ông bền bỉ vác thập tự giá bước đều trên con đường thánh ông tự định hướng cho mình. Ông không thể bỏ cuộc khi chính cái lí tưởng của ông bị đe dọa và vi phạm. Có thể con đường thánh đó không bao giờ đưa ông đến điểm cuối, điểm hẹn của những linh hồn thánh hóa, nhưng điều đó không quan hệ, nó chẳng khiến ông chùng bước. Ở chân trời vẫn có người bay, thưa bạn. Và chúng ta chịu ơn những người như thế nhiều biết dường nào.


Một chi tiết nhỏ, rất nhỏ, tôi ghi ra đây như phần cước chú vui vui cho bài viết. Tôi không đồng ý với ông Tám Bách khoa lợn khi ông lí giải tiền tố “đồ” trong từ “đồ tể”. Theo ông thì chữ “đồ” ở đây hàm ẩn một ý nghĩa khinh miệt như trong những cụm từ “đồ ăn cướp” hay “đồ lưu manh”. Tôi không nghĩ thế. Tiền tố “đồ” trong từ “đồ tể” 屠宰 cũng có nghĩa là giết súc vật như hậu tố “tể” mà thôi. Và trong mắt nhà văn Kim Dung nó còn mang một ý nghĩa cao cả là giết rồng (hay giết vua). Đồ long đao của Kim Dung là thanh đao dùng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đưa người anh hùng áo vải lên làm vua nhưng nếu người anh hùng một hôm trở thành một hôn quân tàn ngược thì chính thanh đao đó sẽ quay lại biến thành vật “đồ long.” Tuy thế, cho đến ngày nay Đồ long đao vẫn là một huyền thoại.











"Mẫu Thượng Ngàn" đoạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội






Nguyễn Xuân Khánh gác bút sau 'Mẫu Thượng Ngàn'












Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: 
 Phải lao động bằng chết thì thôi



Tháng 5 này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tiểu thuyết ấn tượng vào loại hàng đầu trên văn đàn Việt Nam những năm qua như “Hồ Quý Ly” và “Mẫu Thượng Ngàn” lại chuẩn bị cho ra một tác phẩm mới, cuốn “Đội gạo lên chùa”, dày gần 800 trang.


Cuộc đời của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không đơn giản, đã có lúc ông tạm phải gác nghiệp văn chương và đi làm nhiều nghề khác để mưu sinh trong những năm tuổi đời sung sức. Nhưng khi đã ngoại thất thập, ông lại “tái xuất giang hồ” và ngay lập tức tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong cả giới chuyên môn lẫn độc giả. Với những ai đã từng say đắm với các tiểu thuyết trước của ông, hy vọng rằng “Đội gạo lên chùa” sẽ lại đem đến những câu văn mê đắm cùng với những tình tiết lý thú và giàu sức truyền cảm…


Phóng viên (PV): Văn chương với “những người được chọn” đúng là như duyên nợ trọn kiếp. Ông cũng là một “người được chọn”. Bây giờ, nhìn lại những chặng đường văn đã qua, ông có cảm nhận thế nào?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Từ thủa bé tôi đã là cậu học trò rất mê thích văn chương. Năm tôi lên 10 tuổi, tôi đã đọc "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, mọi người trong gia đình bảo: "Mới bé tí nứt mắt thế mà đọc quyển này thì lớn lên nhất định sẽ lãng mạn lắm đây"... Nhà tôi có một hòm sách, ngày ngày tôi lấy sách ở trong hòm ra rồi mỗi lần đọc xong quyển nào lại cho vào hòm khóa lại, nâng niu và trân trọng sách như là báu vật của đời. Đến khi đọc hết sách trong hòm thì sang nhà bạn chơi, thấy nhà bạn có một thùng sách thì lại nì nèo mượn bạn để đọc. Ngày đó, tôi thích thú vô cùng "Đông Chu liệt quốc", nghiền ngẫm "Thuyết Đường", say mê "Thủy Hử", "Tây Du Ký", ám ảnh bởi "Anh hùng Náo"… Toàn truyện Trung Hoa… Tôi cũng kịp "nghiến" hết thùng sách của nhà bạn…

Sau này lớn lên tôi vào Đại học Y, học được 1, 2 năm thì tôi đi bộ đội, năm 1957 khi trong quân ngũ tôi viết một truyện ngắn đầu tay gửi về và được giải của tạp chí Văn nghệ quân đội.


PV: Tôi cũng được biết sau này ông làm phóng viên, biên tập ở Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Đúng rồi. Nhưng vào nghề văn mà hồi trẻ mình vẫn tính tự do, nói năng văng mạng, nghĩ gì nói nấy, thì dễ xảy ra tai nạn văn chương. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi vẫn không bỏ bút, vẫn âm thầm viết dù hoàn cảnh lúc bấy giờ thật khó khăn. Hàng ngày tôi phải bươn bả kiếm sống, làm đủ các thứ nghề để nuôi gia đình 7 miệng ăn. Nhưng tối đến thì thắp đèn dầu ngồi hì hụi viết trên những trang giấy đi xin và góp nhặt được. Đó là những trang giấy đen một mặt. Nhưng, được viết là một sự giải thoát, là một đam mê lớn. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự đều trút lên trang giấy. Ham mê tạo ra sự hứng thú.

PV: Sau này, ông đã viết những câu chuyện khác nhau, từ truyện dã sử thời “Hồ Quý Ly” đến thời kỳ chống thực dân Pháp “Mẫu Thượng Ngàn”. Những tác phẩm của ông cho dù viết về thời kỳ nào cũng có sức hấp dẫn và lôi cuốn độc giả. Ông đi từ lịch sử đến hiện thực, hẳn ông phải có sự trải nghiệm nào chứ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Viết văn, anh phải quan tâm đến bình diện của cuộc sống. Tôi nghĩ việc đọc quan trọng lắm, đọc để mình tích trữ, từ triết học cho đến các môn khoa học khác, nhiều cuốn sách lịch sử và cố gắng cảm nhận. Càng hiểu biết thì càng tốt. Đọc và tích lũy là nguồn rất lớn và mình trải nghiệm bất cứ việc gì. "Mẫu Thượng Ngàn" là câu chuyện của làng quê tôi. Tuy rằng, tôi ở quê có 6 tháng nhưng năm nào cứ đến 3 tháng hè thì tôi lại về quê. Mỗi một nhà văn đều có vùng quê gắn bó nào đấy.

Mỗi con người có thể có một vài vùng gắn bó với mình, điều đó rất quan trọng. Có những cuốn tiểu thuyết mà muốn viết thì mình phải trải nghiệm. Và đó hoàn toàn là mảng sống thật. Nhưng cũng có những cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, nhưng cũng lại rất thật, y như đời sống. Như "Mẫu Thượng Ngàn" chẳng hạn, tôi viết theo trí tưởng tượng của tôi, nhưng bạn đọc vẫn cảm thấy không khí và con người rất gắn bó với họ. Thật ra, những nhân vật trong trang sách là những hình mẫu thấp thoáng có thật ở ngoài đời. Có những nhân vật hình thành nhờ những kiến thức do mình đọc trong sách. Thủa bé, tôi đọc rất nhiều sách Pháp…

PV: Văn hóa làng xã và tập tục cổ truyền của con người Việt Nam được bộc lộ rõ trong tác phẩm của ông. Tôi xin hỏi điều này, ông có đau đáu không khi ngày nay, trong xã hội hiện thời có vẻ như các yếu tố truyền thống đấy đang dần mất đi, mai một đi?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Giữa truyền thống và hiện đại, ta phải giữ những truyền thống nào phù hợp với đời sống hiện đại chứ. Chứ truyền thống nào mà không phù hợp thì phải bỏ thôi. Ta phải xây dựng cả cái mới nữa chứ..

PV: Tiếp biến văn hóa…

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Đúng vậy, tiếp biến văn hóa. Văn hóa không có nghĩa là đứng dậm chân tại chỗ. Văn hóa có tiếp thu và phát triển. Văn hóa động, rất động. Mình bảo tồn văn hóa dân tộc, có những cái muốn hay không thì cũng phải mất đi thôi. Cái sự mất đi khi không phù hợp nữa thì nó phải mất đi chứ không phải là cái gì nó cũng là bất biến cả.

PV: Văn hào Nga Maxim Gorky đã từng nói: "Văn học là nhân học", văn là khoa học về con người. Và nhiều nhà văn khác cũng đã nói rồi, nghề văn là nghề khổ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Phải làm bằng chết thì thôi! Phải công phu lớn chứ không phải dễ dàng. Có những nhà văn gặp hoàn cảnh thực tiễn vốn đã hay quá rồi chỉ viết lại trung thực với hoàn cảnh thì đã thành tác phẩm ấn tượng rồi, nhưng sau đó không viết được nữa. Có nhà văn chỉ viết một hoặc hai truyện ngắn dựa trên những câu chuyện có thật và họ không có ý thức mê say cao độ, công phu để tự đào luyện mình. Và rồi không thể viết lâu dài được. Chỉ viết một, hai truyện là hết vốn sống, nhà văn phải rất có ý thức về nghề của mình.

Làm một nghề để cho tinh đã khó rồi, nữa là nghề tạo ra văn hóa - nghề viết văn. Viết văn có nghĩa là tổng hợp, nhìn từ đời sống mà rút những cái tinh túy từ đời sống ra thì mình phải có đào luyện và cẩn thận.

PV: Trong các tác phẩm tiểu thuyết của ông thấy nổi rõ tinh thần Phật pháp. Và hình bóng người phụ nữ hiện lên trong tác phẩm của ông hết sức gợi cảm, ấn tượng và có đời sống đặc biệt. Theo ông, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn như thế nào trong gia đình và ngoài xã hội?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Người phụ nữ Việt Nam so với các nước láng giềng ở trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đã khác rồi, và so với phương Tây thì càng khác nữa.

Người Việt mình trồng lúa nước nên vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Một đất nước nông nghiệp thì người phụ nữ lao động đóng góp tạo ra của cải trong gia đình. Và xuất phát từ mẫu hệ điều đấy thể hiện ở tôn giáo. Nước ta, khi chưa hình thành đạo Mẫu là đã có tục thờ những người phụ nữ có công với dân với nước như Ngọc Hoa công chúa, bà chúa Mía, Bà chúa Dâu (trồng dâu nuôi tằm), Bà Trưng, Bà Triệu... Hoặc thờ những người phụ nữ làm sinh sôi nảy nở ra, đạo Mẫu có lẽ là tàn dư của chế độ mẫu hệå. Sau một nghìn năm Bắc thuộc thì mới thành chế độ phụ hệ.

Tiếp đến, khi đạo Phật vào Việt Nam, dân ta thấm nhuần tinh thần đạo Phật cũng tương đối sâu sắc. Người dân đa phần đều là Phật tử nhưng chất của Phật giáo vẫn nằm trong con người mình. Khi đạo Khổng du nhập vào Việt Nam thì đạo Khổng ở đình. Ngôi đình trong làng quê Việt có thể được coi như "tiểu triều đình", là nơi những người đàn ông vai vế ngồi với nhau. Còn những người đàn bà thì lại đi chùa. Đạo Khổng nằm ở ngoài đình, thì đạo Phật mất ngôi thống trị về mặt hệ tư tưởng.

Trước kia nhà chùa là nơi dạy học, mọi sinh hoạt ở ngoài chùa cả, đàn ông cũng có mặt ở chùa. Khi đạo Khổng phát triển mạnh mẽ thì ngôi đình trở nên quan trọng, đàn ông sinh hoạt văn hóa ở đấy. Chùa chỉ còn là nơi đa phần dành cho người phụ nữ sinh hoạt văn hóa. Như hai phần âm, dương. Các tập tục đi chùa ngày lễ hội, hội bà vãi, đầu xuân đi lễ chùa thấm nhuần vào người mẹ; đứa trẻ bé tí đã lẽo đẽo theo mẹ và thích đi chùa rồi. Giáo lý của đạo Phật của người mẹ thấm nhuần và bất cứ người nào cũng có người mẹ của mình. Người mẹ dần dà truyền văn hóa đạo Phật cho con, mặc dù người con lớn lên có thể theo lý thuyết nào nữa chăng nữa, những yếu tố văn hóa Phật giáo đã vào mình từ thủa ấu thơ và cứ còn mãi mãi.

PV: Kể cả khi chúng ta đã sống trong thời đa văn hóa thì văn hóa Phật giáo vẫn chi phối rất nhiều…

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Dân tộc Việt Nam là dân tộc Phật giáo, nghĩa là yếu tố Phật giáo vẫn tồn tại trong mình. Mặc dầu đạo Phật đã không còn là quốc đạo nữa, nhưng vai trò của người mẹ, người đàn bà ở xã hội Việt Nam giữ phần tâm linh, phần âm, phần kiên trì nhẫn nhục, dồn nén để đến một lúc nào đó bùng phát ra.

PV: Cuộc sống hiện nay của ông ra sao?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tôi vẫn thường xuyên đọc, mỗi ngày tôi dành ra mấy tiếng để đọc sách. Mấy hôm nay tôi đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Thế mà cũng đã ngốn hết 4 cuốn, toàn truyện về tình yêu cả, cũng lý thú.

Bây giờ già rồi cũng ngại đi, thỉnh thoảng mua sách thì ra phố thôi, chứ hạn chế đi lắm. Dăm ba tháng một lần mấy ông bạn già, toàn là bạn văn cả, lại rủ nhau đi chơi các tỉnh vài hôm…

PV: Đến giờ ông có mong muốn gì không?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Sống đến giờ thì tôi cũng chả còn ham hố gì, chỉ có ao ước tâm niệm một điều rằng, nếu mà ông trời thương cho mình còn sức khỏe, còn minh mẫn thì cố mà viết một, hai cuốn. Không thì viết một cuốn nữa cũng được, đấy là sự cố gắng nhất của tôi.

PV: Con người ta hiếm khi bằng lòng với chính mình. Nhưng vượt được cái bóng của mình cũng là điều cực khó. Nhất là “văn chương viết được là do nhờ giời” - câu của nhà văn Nguyễn Khải.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Vâng, ai chả biết là thế. Nhưng cũng phải cố thôi chứ biết làm thế nào. Cuộc đời này là sự vận động không ngừng nghỉ cơ mà. Nhà văn cũng vận động mà độc giả cũng vận động. Độc giả cũng mong muốn mình viết hơn lên nữa, tác phẩm sau hơn tác phẩm trước, nhưng sự thực là thay đổi mình cũng khó. Những sự bứt phá, vượt mình lên cũng cực khó. Mỗi một cuốn tiểu thuyết thường thường tôi viết trong khoảng 4, 5 năm. Tôi viết tay. Nghĩ là phần quan trọng nhất. Khi đã nghĩ xong thì viết nhanh thôi.

Chia tay ông ra về, ông tiễn tôi ra ngoài cửa, mưa vẫn rơi lộp độp xuống con ngõ nhỏ heo hút và lầy lội. Ông bảo, ông sống ở làng Thanh Nhàn này đã 70 năm. Năm ông lên 6 tuổi thì cha ông mất, ông theo mẹ về quê ngoại ở phố Huế, Tây làm cháy phố Huế, cả nhà ông kéo lên làng này khoang đất dựng nhà.

Ông nhớ lại ngày đấy, đây còn là mảnh đất hoang vu, hồ ao, cỏ mọc lút, ếch nhái râm ran. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân chạy Tây ở các nơi khác đã đến trú ngụ tại làng này. Người ta gọi là xóm lao động. Xóm này sống chủ yếu bằng nghề trồng ổi, thả sen, nuôi cá.

Ngày đó, chỉ có một vài nhà gạch còn thì toàn nhà tre, nứa lá, mỗi khi có gia đình nào đến thì hàng xóm lại giúp cho ít lá gồi, để lợp mái, giúp ít tre để dựng nhà. Nhưng bây giờ đất đây cũng đã thành đất vàng. Thời thế thay đổi, người thì cứ sinh sôi thêm mà đất thì không nở ra được. Và, chỉ vì một mét đất người trong cùng một gia đình cũng có thể mang nhau lên tòa để kiện cáo…













Trở về 



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.