Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Nguyễn Tiến Văn

 









Nguyễn Tiến Văn
(1939 ......)
Dịch giả, Nhà nghiên cứu Văn hóa








Zấu tay
Chỉ tay
Xương xảu
Về đâu?
ngã 4 Fú nhuận - ngày jỗ tổ Hùng vương canh zần
(23-4-2010)






“Tôi đi học đi dịch là đi phá cái ngu của mình. Tôi tự đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời, đó là cái học của tôi. Tôi học như vậy, dịch như vậy 60 năm không biết chán”.

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn
1/2019












Nguyễn Tiến Văn dịch hàng loạt sách tư tưởng, văn hóa có giá trị như: 





1
Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời?
Tác giả Kentetsu Takamori




2
Hợp nhất với thần linh
Swami Muktananda





3




4
Tâm vô lượng
Andrew Olendzki



5
Dẫn Nhập Vào Tính Không




6
Đạo Phật và Đạo Bằng Hữu




7
Đời Tổng Giám Mục Puginỉer




8
Nơi Thiền Tông và Mật Tông Hội Ngộ




9
Những Quy Luật Tâm Lý về Sự Tiến Hoá Của Các Dân Tộc




10
Minh Triết Của Sự Bền Vững




11
Lũ Người Quỷ Ám




12
Về Lịch Sử Nghệ Thuật




13
Dẫn Luận về Kitô Giáo




14
Nguồn gốc của ngoại tộc





15
Quyền Năng Linh Thánh




16
Tâm Lý Người An Nam




17
Thiền Chỉ Thiền Quán và Tính Không




18
Trở Về Từ Cửa Tử




19
Từ Bi và Tính Không




20
Dẫn Luận Về Tư Duy




21
Dẫn Luận về Tôn Giáo




22
Dẫn Luận về Tâm Thức





Vân Vân ...
Danh sách chưa đầy đủ










Dịch giả Nguyễn Tiến Văn:
Càng giàu có sau mỗi lần "khánh kiệt"


Giàu là giàu tri thức, khánh kiệt là khi hàng ngàn cuốn sách trên giá cùng lúc biến mất. Cuối tháng 3, dịch giả Nguyễn Tiến Văn vừa gửi tặng thư viện Huệ Quang hàng ngàn cuốn sách. Đây là số lượng lớn sách ông tích góp trong hơn chục năm kể từ khi ông rời Canada, quay về sống ở Việt Nam. Khi cho đi ông rất vui vẻ, dù phải chia tay với những cuốn sách ông xem như là cuộc sống của mình. Trong hàng chục năm qua, dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã hàng chục lần tặng sách cho các thư viện hay các cá nhân, bạn hữu, mỗi lần không dưới 3000 quyển...!


Đọc sách chứ không chơi sách
Bạn bè hay lui tới căn phòng của Nguyễn Tiến Văn ở trong một con hẻm trên đường vào khám Chí Hoà hôm nay sẽ không thể không ngạc nhiên vì sự rộng rãi, thoáng đãng lạ thường của nó. Thi thoảng mới xuất hiện người lạ, một bác thợ đến đóng chỉnh mấy cái giá sách lâu năm để nó chắc hơn, chuẩn bị cho những đợt sách tiếp theo. So với cách đây mươi ngày, mọi thứ thật quá khác. Bạn bè, khách khứa trước đây nếu đến thăm ông thì không thể đi đông, cùng lắm là hai đến ba người, ngồi ngoài hiên, khép nép và ý tứ. Nếu không sách sẽ rơi xuống từ phía nào bất chợt, va trúng người ngay. Ai cũng đùa, sách bác Văn không phải mọc lên mà đang như dòng nước, chảy từ ngách nhà ra tận ngõ.

Mà sách “chảy” thật chứ không phải đùa. Mỗi ngày, ông lên mạng downoad năm đến mười cuốn sách, in ra, tự đóng gáy, dán bìa, đọc, chú thích rồi gác lên kệ. Đó là công việc đều đặn đối với sách mà kể từ khi về lại Việt Nam ông vẫn luôn làm. Trừ khi có việc đột xuất phải ra ngoài hay đi đâu đó vài ngày.

Sách ông mua, tự in ra để đọc thì có đủ loại: sách công cụ từ điển, sách nghiên cứu, các sáng tác văn chương, cho đến những chuyên ngành khác như triết học, lịch sử, địa lí, âm nhạc, nghệ thuật, sinh học… Thấy trong sách có kiến thức gì hay, dẫu đôi chút là ông in ra. Ông bảo: “Vì tôi không có thói quen đọc trên máy tính”. Thật lạ, hơn 80 tuổi nhưng ông không hề mang kính, chỉ quyển nào chữ quá nhỏ thì ông mới dùng đến kính lúp.


Dịch giả Nguyễn Tiến Văn trong thư phòng của ông.


Mỗi ngày thời gian ông dành cho việc đọc còn nhiều hơn thời gian ông dành cho việc dịch sách và viết các bài nghiên cứu. Hỏi ông sao không dồn tâm trí vào việc dịch những bộ sách mà ông tâm huyết, thời gian đâu đợi một ai. Ông chỉ cười: “Đọc bao nhiêu là đủ? Ngừng đọc thì kiến thức đâu để nghiên cứu, để dịch? Đọc cả chục cuốn sách để dịch được đúng, chính xác một từ còn hơn là dịch cả cuốn sách mà cứ thấy lợ ngợ, nghi ngờ chính mình”.

Đọc nhiều, Nguyễn Tiến Văn mê chữ, mê nghĩa chứ không mê chơi sách. Với ông sách là để đọc, đọc được rồi thì chia sẻ lại cho người khác để tri thức được lan toả. Ông không giữ lại làm của riêng cho mình. Ông luôn tâm niệm sách đầy kệ mà không ai đọc, để bụi phủ thì chỉ là cuốn sách chết.

Lần tặng sách này cho thư viện Huệ Quang, người bạn văn nghệ trẻ tuổi của Nguyễn Tiến Văn là nhà báo, nhà nghiên cứu Lý Đợi hài hước gọi là “lần khánh kiệt thứ tư” về sách trong đời ông.

Lần thứ nhất là trước năm 1975. Vì trốn lính, chống chiến tranh, ông bị bắt giam. Hơn 10.000 cuốn sách ông đem tặng cho bạn bè.

Lần thứ hai là khi ông chuẩn bị ra nước ngoài năm 1985, gần 15.000 cuốn sách cũng được ông lần lượt tặng lại bạn bè trong nước.

Lần thứ 3 khi ông từ Canada, quyết định về lại Việt Nam sống vào năm 2006, ông đã tự bỏ tiền túi vận chuyển 15.000 cuốn sách quý hiếm, nặng 7,5 tấn về tặng cho Viện Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Và lần này, thư phòng của ông chỉ còn lại khoảng ngàn cuốn sách mà ông vẫn cần để tham khảo, tra cứu. 5 nhân công lực lưỡng, am hiểu về sách vở đến phòng ông, làm việc liên tục trong hai ngày để đóng gói và thuê nguyên một chiếc xe tải vận chuyển mới hết ngần ấy cuốn sách đến “nơi ở” mới.

Ông cho biết mình có ý định tặng số sách này hơn 3 năm nay rồi, nhưng ngặt nỗi chưa tìm được thư viện nào đủ chỗ và thật sự cần để tặng. Nay vì nhân duyên được sư thầy Không Hạnh và nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, ông mới kết nối được với thư viện chùa Huệ Quang và cho đi số sách đó.

Hỏi ông, ông tặng số sách đó cho thư viện, ông biết họ sẽ sử dụng như thế nào không, thì ông chỉ thản nhiên mà đáp: “Thấy họ cần có sách mà mình thì cần cho đi thì mình cho, còn việc khi nhận họ làm gì thì đấy là việc của họ, mình không bận tâm”. Như lần gần đây nhất, khi ông tặng số sách khổng lồ cho Viện Khoa học xã hội, họ nhận rồi niêm phong. Có lần ông muốn đến mượn lại một cuốn để tra cứu, họ không cho ông vào, ông vẫn vui vẻ, không lấy gì làm phiền lòng.

Khi cho sách ông không hề mưu cầu hay bắt người nhận đánh đổi gì từ việc ấy. Có lần, khi còn trẻ ông đi chu du miền Tây Nam Bộ và gặp một nhà Nho. Vị ấy mê sách nhưng trong nhà lại thiếu cuốn từ điển Khang Hy. Thời đó, cuốn sách này rất hiếm. Thấy được sự mê thích ấy của nhà Nho này, ông liền đem tặng cuốn từ điển mà ông có. Vị này nhận cuốn sách mà cảm động quá đỗi, liền gọi tất cả các người con gái của ông ra đứng trước mặt chàng trai hào phóng kia, nói ông ưng cô nào sẽ gả không cô đó cho ông cưới làm vợ. Nguyễn Tiến Văn chỉ cười nhận thiện chí của ông và tiếp tục cuộc hành tẩu giang hồ văn nghệ của mình.

Sống bình thường như một… dị nhân
Câu chuyện trên chỉ là một trong số những câu chuyện lạ đời mà bạn bè hay kể cho nhau nghe về một dịch giả đã vươn tầm đến ngưỡng của một học giả uyên thâm, bác học như ông.

Gần ông, sẽ tự thân mỗi người chứng kiến hàng tá chuyện mà nếu gặp ai khác, họ sẽ mãi mãi cho rằng điều ấy không thể nào xảy ra.

Đó là chuyện, khi ông đang ngồi trong khám Chí Hoà, để có việc mà làm, ông bèn lấy một cuốn truyện khó đọc, khó nuốt của Dostoevsky ra dịch cho đỡ chán. Từ đó, một trong năm cuốn tiểu thuyết kinh điển nhất của Đại văn hào Nga, bản tiếng Việt ra đời: “Lũ người quỷ ám”. Cái tên “Lũ người quỷ ám” nếu không phải ông chắc cũng không ai dịch ra nổi. Bằng chứng là kể từ bản dịch ấy của ông đến nay hơn 50 năm, vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt thứ hai.

Ông sống tối giản, có thể ăn bánh chưng suốt một tuần rồi sau đó, nhịn đói hơn mười ngày, đi chu du, làm việc, dịch sách, nghiên cứu mà vẫn thấy bình thường. Ông bảo vì công phu, có am hiểu về các phương pháp thiền của nhà Phật. Và ông thực hành một trong các pháp môn ấy. Nhiều người chứng kiến được việc này chỉ đành gọi đây là “quái thiền”.


Sau đợt “khánh kiệt thứ tư”, căn phòng của ông có vẻ “dễ thở” hơn.


Ông ngủ từng chặp và thức liền mấy tiếng đồng hồ. Thời gian ông ngủ không bằng một phần tư thời gian ông thức trong ngày. Không có khách thì ông ngồi với sách vở. Có khách đến thì ông trò chuyện. Ông có thể trò chuyện từ ngày này qua ngày nọ. Có lần, chúng tôi đến tá túc nhà ông 5 ngày. Hầu hết thời gian, là ngồi hầu chuyện ông. Ông nói là chủ yếu, nói từ chủ đề này sang chủ đề nọ, thông kim bác cổ. Nói đến độ chúng tôi nghe hấp dẫn quá, chăm chú đến khi giật mình phát hiện ra đã hơn 3 giờ sáng, xin phép ông đi ngủ. 7 giờ sáng tỉnh dậy, ông đã pha trà đợi sẵn để tiếp tục câu chuyện.

Đi, đọc, viết, và nói say sưa như thế hơn 80 năm trong một đời người đâu phải ai cũng làm được.

Khoảng 3 năm trở lại đây, ông dường như ít ra khỏi căn phòng mà ông đã gắn bó gần 10 năm qua. Hỏi ra mới biết, ngoài việc dịch sách theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản thì ông đang dồn hết thời gian để dịch trọn bộ “Áo nghĩa thư” (Upanisas) – bộ kinh thư quan trong bậc nhất của nền minh triết cổ đại Ấn Độ nói riêng và của cả lịch sử văn minh nhân loại nói chung. Ông bảo, ông cố gắng giữ và cầu cho mình đủ sức khoẻ để hoàn thành bộ sách dịch 108 cuốn Upanisas đồ sộ đó ra tiếng Việt, phục vụ người đọc và nghiên cứu trong nước. Phải mất vài năm nữa việc dịch mới cơ bản hoàn thành.

Cầu cho ông chân cứng đá mềm để hoàn thành được tâm nguyện lớn lao, vì cộng đồng, vì những người yêu kiến thức, yêu chữ nghĩa ấy!

Bảo Bình


















Nguyễn Tiến Văn dịch sách bên cổng Chí Hòa
Bậc trí giả không cảm thấy bị cuộc sống vật chất chi phối 
Ảnh: Tam Lệ



TP - Tôi gặp lại Nguyễn Tiến Văn sau nhiều năm anh ẩn dật, hầu như không tiếp xúc với báo chí. Nhiều năm nay anh thuê phòng trọ ngay sát cửa khám Chí Hòa, trong nhà trọ chứa toàn sách.

Sau một đêm thức trắng để in sách ngoại văn từ mạng ra đọc trong căn phòng trọ tồi tàn quây bằng mái tôn, anh bình thản như thường, nói: “Kể từ khi về Việt Nam 2005, tôi đã dịch hàng trăm cuốn sách. Tháng nào cũng dịch. Tôi dịch nhiều đến nỗi không nhớ tên sách mình dịch. Nói đúng ra, sách chủ tâm dịch tôi mới quan tâm, còn sách các nơi thuê tôi dịch chỉ là công việc để có tiền mà sống. Tôi thích nhất trên đời là đọc thơ, nhưng đọc thơ không ai trả tiền nên tôi phải làm nghề dịch sách”.

Học chữ bạn tù
Năm 16 tuổi, anh Văn từ Hà Nội một mình vào Sài Gòn, tính chơi vài bữa rồi về, nhưng rồi đất nước chia cắt, anh cứ ở Sài Gòn mãi. Anh bảo đi máy bay vào, tính chơi thời gian, tổng tuyển cử rồi ra. Sau đó kẹt lại. Anh nói: “Đời tôi chỉ có một thú vui đó là đọc sách”. Lúc còn trẻ, anh đã thành lập một nhà xuất bản, đã đến gặp dịch giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê để tranh luận về ngôn từ dịch thuật. Nguyễn Hiến Lê rất đỗi ngạc nhiên, nói: “Anh là ai? Tôi không biết anh, còn tôi đã dịch mấy chục cuốn sách nổi tiếng ai cũng biết, anh đòi góp ý cho tôi thật à?”.

Nhà xuất bản Nguồn Sáng của anh in cả trăm cuốn sách. Nhưng đúng vào thời điểm cuốn sách anh tâm đắc nhất là cuốn Lũ người quỷ ám của Dostoievsky thì anh lại ngồi tù. Anh kể: “Cuốn sách dịch dựa vào 1 bản tiếng Pháp 2 bản tiếng Anh, xuất bản ra trên 1.000 trang. Cuốn sách dịch in khi tôi đang ở tù, nên lấy tên người bạn chứ không lấy tên tôi. Tôi đi tù trong Chí Hòa vì không chịu cầm súng ra chiến trường, họ khép vào tội bất phục tùng dân sự, bắt giam tôi vào khám Chí Hòa”.

Trong tù, ban đêm nhiều người mua dao lam, tự cắt 2 đốt xương của ngón tay trỏ, không lẩy cò được để không đi lính, đa số họ là tu sĩ của Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo, sau phải ra tòa về tội hủy hoại thân thể, cố tình chống lại lệnh quân dịch.

Với giọng nói rền vang và vẫn tính cách ngang ngạnh, dịch giả Nguyễn Tiến Văn nói: “Họ bắt tôi vào tù để cho tôi phải sợ hãi. Nhưng tôi thấy ở tù rất thoải mái, tôi tính ở tù cho hết chiến tranh. Không tốn tiền thuê nhà, không lo cơm ăn. Lúc đó tôi học được rất nhiều. Nguyên do là nhiều cán bộ mặt trận giải phóng đi tù cùng tôi trong Chí Hòa, có mấy ông già 50-60 tuổi, rất giỏi về làm thuốc, các ông ấy dạy cho tôi về nghề thuốc Đông Y, nhưng tôi học chủ yếu là để trau dồi chữ Nho. Trong tù, tôi cứ học chữ nho ông này nửa giờ, thầy mệt, tôi lại học ông kia một tí. Lúc đó tôi nghĩ chữa bệnh tinh thần cho xã hội quan trọng hơn, vì chữa bệnh thân thể mà bệnh tinh thần không chữa thì không ổn, nên cố học lấy chữ nho để sau này nghiên cứu dịch thuật”.

Tù nhân Nguyễn Tiến Văn thuộc lòng các tác phẩm “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”… Mấy cán bộ cách mạng bị bắt, có người thăm nuôi. Đôi khi có trà, mời nhau uống trà, chỉ cần anh Văn đọc “Truyện Kiều” cho anh em tù nhân nghe. “Có sống trong tù, tôi mới thấy tấm lòng của người Việt ta với văn thơ. Buồn là sau khi ra tù, gặp nhiều anh em văn nghệ sĩ mà trong nhà họ không có nổi một cuốn “Truyện Kiều”, đó là vì người ta có dễ dàng quá, nên người ta khinh không biết lưu giữ”.


Dịch giả Nguyễn Tiến Văn 
 Tranh: Nguyễn Văn Hổ


Tặng đời cả kho sách
Tháng 9/2008, giới học thuật xôn xao trước thông tin: Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM tiếp nhận 18.200 cuốn sách do dịch giả Nguyễn Tiến Văn, Việt kiều Canada, trao tặng. Số sách trên bao gồm hơn 17.000 cuốn sách tiếng Anh, gần 900 sách tiếng Hoa và khoảng 300 sách các ngôn ngữ khác (Pháp, Đức, Việt…), chủ yếu là các loại sách nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Trong số đó có các cuốn từ điển nổi tiếng như “Từ Hải”, “Triết học phương Tây”, “Britannica”, “Nho học”, “Đạo tạng”… Lúc ấy, ông Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Viện trưởng Viện NCXH phát biểu: Sắp tới, kho sách này sẽ được trang bị thêm hệ thống máy tính và một số trang thiết bị phục vụ nhu cầu tra cứu và xây dựng thư viện điện tử.

Thời điểm đó, kho sách chưa đưa vào hoạt động do quá lớn, còn phải qua quá trình làm mục lục và phân loại chủ đề, dự kiến công việc phải tiến hành để trong năm 2009 các nhà nghiên cứu, sinh viên được sử dụng số sách trên.

Nguyễn Tiến Văn trở về với việc công quả lớn như thế, nhưng anh cho là rất bình thường.

Phá cái ngu của bản thân
Trong căn phòng trọ ngay sát cửa khám Chí Hòa, anh Nguyễn Tiến Văn nằm đất, đói thì nấu cơm gạo lứt ăn. Hẳn anh lấy những kỷ niệm trong khám Chí Hòa làm động lực làm việc, anh nói: “Học và hành là một, học mà không hành thì không gọi là học”. Cách đây mười năm, tôi gặp anh Văn lúc anh thuê nhà ở quận 4 – cũng là nơi nhà nghèo thường ở.

Vài năm gần đây dịch giả Nguyễn Tiến Văn được biết đến như một dịch giả đem đến cho độc giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về Phật giáo rất chất lượng, hiện đại và hữu dụng. Anh tâm sự: “Vì sao tôi dịch cuốn Đạo Phật và Đạo Bằng Hữu (tác giả Subhamati – Subhuti)? Nhiều người ngày nay không quan tâm đến đạo bằng hữu, song không có đạo hữu thì không thể tu tập được”.

Anh nói anh thích những quan niệm về Từ Bi và Tính Không trong Phật giáo: “Trong tiếng Phạn có hai từ khác nhau là bi tâm và từ tâm. Bi tâm là tâm buồn vì sự đau khổ của người khác. Từ tâm là cái tâm chữa cái khổ của chúng sanh. Có người băn khoăn về nét mặt đau khổ của các vị La Hán chùa Tây Phương? Phải chăng các vị La Hán bất lực trước sự khổ đau? Không phải, đó là hình ảnh về bi tâm, về sự cảm thông của các vị La Hán với nỗi đau khổ mà con người trải qua”.

Về Tính không, dịch giả Nguyễn Tiến Văn nói: “Sách kinh điển nói rằng vạn vật không có bản chất, không vĩnh cửu, vô thường. Không nên nghĩ có cái gì là mãi mãi. Tính không áp dụng vào người là vô ngã, áp dụng vào vạn vật là vô thường”.

Nguyễn Tiến Văn dịch hàng loạt sách tư tưởng, văn hóa có giá trị như: “Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời?” (Tác giả Kentetsu Takamori ), “Hợp nhất với thần linh” (Swami Muktananda), “Giải thoát tâm đức” (Thubten Chodron),“Tâm vô lượng”(Andrew Olendzki)…

Những tác phẩm nghiên cứu tiếng Việt của ông Phan Khôi được Nguyễn Tiến Văn xem là “quan trọng nhất đối với cuộc đời tôi”, một cuốn nữa là cuốn “Kinh thi Việt Nam” của Trương Tửu, ông bảo rất hàm ơn vì giúp mình yêu thích ca dao tục ngữ. Cả cuộc đời nghiên cứu và xuất bản, dịch giả không chạy theo phong trào và hào quang lăng xê mà đi tìm những giá trị thực bị lãng quên: “Người viết văn ở miền Nam hay nhất theo tôi là Đỗ Long Vân. Chính tôi sưu tầm, hiệu đính để góp phần mới đây in được 2 cuốn sách cho ông ấy. Một chữ của Đỗ Long Vân tôi cũng coi trọng”.

Với Nguyễn Tiến Văn, ngôn ngữ không đơn giản mà nó là kho tàng chứa đựng các kiến thức từ đơn giản đến huyền vi của dân tộc Việt Nam. Năm 30 tuổi, dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã viết bài về “Thế chân vạc của ngôn ngữ văn tự Việt”, đăng 2 số Tân Văn mỗi số 15 trang. (Đề tên tác giả cùng với Đào Mộng Nam) trong đó có viết: “Nước nào tổng hợp được đạo học và khoa học để cho con người có được một thể nghiệm và trực giác toàn diện về thực tại sẽ dẫn đầu sự trở về nguồn. Nguồn này cũng chính là tương lai của con người sống trọn vẹn ra người”. Có lẽ sống giữa đạo học và khoa học chính là niềm hạnh phúc vượt mọi thời gian của dịch giả Nguyễn Tiến Văn. Hỏi “Từ Canada về Việt Nam sống trong ngôi nhà trọ tồi tàn như một nhà hoang để dịch sách anh thấy sao?”;Nguyễn Tiến Văn thản nhiên “Người ta sống được thì tôi sống được”.

Dịch giả cám ơn gạo lứt
“Dù tuần nào tôi cũng dịch sách, đọc sách thì ít nhất tới 12 giờ đêm, mỗi tuần ít nhất một tối thức trắng để đọc sách, nhưng tôi chưa dùng tới 1/10 sức của mình” – dịch giả tiết lộ. Ở độ tuổi 80, nhưng Nguyễn Tiến Văn ngoài dịch thuật còn in sách tiếng Anh, tiếng Pháp ra đọc suốt cả ngày không thấy mệt. Anh nói: “Tôi 50 năm nay chưa uống viên thuốc nào. Mình không làm chủ được cái thân cái tâm mình mà đổ bệnh phải đi dựa vào người khác cứu thì đó cũng là cái nhục!”.

Gạo lứt là phương thuốc của anh. “Tôi không bao giờ phải mang kính. Phải giữ một số kỷ luật, thí dụ: Uống cà phê không dùng đường, không dùng đá, không dùng ớt. Từ những năm 1960 tới nay tôi ăn gạo lứt. 20 năm ở Canada tôi phải mua gạo lứt người Hàn Quốc trồng để ăn. Về nước thì mua gạo lứt ở chợ Bà Chiểu ăn”. Quả thật tôi chưa bao giờ thấy dịch giả này dùng tới kính.

Trần Nguyên Anh
20/01/2019 












Dịch giả Nguyễn Tiến Văn:
Đừng học ngôn ngữ vì vụ lợi!


Những năm gần đây, với sự ra đời của các công ty truyền thông tư nhân như: Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks… tình hình dịch và xuất bản văn học thế giới được cải thiện. Tuy nhiên, cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc dịch các tác phẩm, các công trình nghiên cứu của thế giới sang tiếng Việt và ngược lại. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn về vấn đề này.

Ông nghĩ như thế nào khi có một bộ phận người Việt Nam suy nghĩ rằng đọc nhiều sách văn học nước ngoài là vọng ngoại, chỉ cần đọc văn học trong nước đã đủ?

Bây giờ, các học sinh, sinh viên học trong những cuốn sách giáo khoa, hay là cả khái niệm trong đầu óc của mọi người thì vẫn là học ngoại ngữ. Tờ tạp chí chuyên môn nhất cũng lấy tên là: Văn học nước ngoài. Theo tôi, cái đó là dở vì đặt vấn đề trong ngoài. Trong khi 200 năm trước, Goethe lại chủ trì không có văn học nước ngoài, nước trong, chỉ có văn học thế giới. Vậy thì chúng ta phải dùng khái niệm văn học thế giới (VHTG). Một người lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa phải hiểu đó là văn học của toàn nhân loại, là di sản của thế giới nói chung.

Ông bắt đầu tiếp xúc với VHTG từ khi nào?

Đầu tiên tôi học chữ Nho để đọc được thơ Đường, Tam quốc chí diễn nghĩa. Sau đó tôi học tiếng Anh, Pháp để đọc qua các tác phẩm đương đại mà chưa được dịch.

Tiếp xúc với VHTG sớm, đọc nhiều tác phẩm VHTG như thế, có bao giờ ông cảm thấy bị mất cân bằng trong tư tưởng giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới không?

Tôi không cảm thấy như thế. Vì tôi đọc nhiều tác phẩm VHTG nhưng có may mắn công việc của tôi lại là một dịch giả. Khi chuyển nó sang tiếng Việt tôi thấy tâm hồn mình lại gần gũi với văn hóa Việt Nam. Sắp tới đây, một tác phẩm của William Faulkner mà tôi mới dịch sẽ được xuất bản.

Ông có thể cho biết những dịch giả nào ở Việt Nam hiện tại mà ông cảm thấy rằng tác phẩm dịch của họ được đầu tư nghiêm túc, kĩ lưỡng?

Muốn biết dịch giả nào chuyện nghiệp thì phải tốn công so bản gốc với bản họ đã dịch. Cái đó thì phải làm việc cẩn thận. Nhưng theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ một trong những người làm việc nghiêm túc là Lê Anh Minh với cuốn Trung Quốc triết học sử. Ông rành chữ Nho để đọc bản gốc của Phùng Hữu Lan. Ông rành cả tiếng Anh để đọc bản dịch của Derk Bodde-người học trò của Phùng Hữu Lan. Ông đọc hai bản dịch và so sánh, có điểm khác biệt nào thi ghi chú thích.

Còn hai người nữa thì tôi không có khả năng để đối chiếu với bản gốc nhưng tôi cũng rất quí vì đó là tài liệu quan trọng. Ví dụ Phạm Vĩnh Cư dịch Siêu lý tình yêu của Vladimir Soloviev. Ông dịch từ bản tiếng Nga. Đây là tác phẩm về triết học, thần học quan trọng nhất trong 1000 năm nay của Nga.

Ngoài ra, còn có cô Nguyễn Hồng Nhung dịch một nhà luận văn và tư tưởng hàng đầu của Hungary bây giờ là Béla Hamvas. Ông viết rất nhiều luận văn về văn học, triết học. Hiện bây giờ, các bản dịch của Hồng Nhung đăng trên những trang web văn học như: Tiền Vệ, Da Màu…

So với các nước trên thế giới, ông có suy nghĩ gì về chính sách hỗ trợ của chính phủ cho việc dịch các tác phẩm trong nước sang tiếng nước ngoài để phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam thời điểm hiện tại?

Trên thế giới, những nước lớn lại không có chế độ ưu đãi cho các dịch giả dịch tác phẩm của họ sang tiếng nước ngoài. Những nước càng nhỏ trên thế giới, vì ngôn ngữ của họ ít có người sử dụng, ít có người học nên họ có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Hungary tuy là nước nhỏ nhưng rất quí các dịch giả. Họ lập nhà dịch thuật để nếu ai có ý hướng dịch văn học Hungary thì có thể đến đó để làm việc. Hungary sẵn sàng cung cấp không phải là xa hoa nhưng đủ để làm việc. Trước đây năm 1980, tôi có đọc một tập sách của Hội nhà văn Hungary có tên: “Ngôn ngữ nhỏ, văn học lớn”. Ngôn ngữ nhỏ là bởi vì có mấy triệu người dùng thôi nhưng văn học lớn là nếu như chia theo đầu người thì giải Nobel ở Hungary là nhiều nhất.

Một nước khác, cũng rất nhỏ ở châu Âu nhưng có chương trình dịch thuật hàng đầu thế giới là Hà Lan. Ở Hà Lan có những nhà xuất bản đứng đầu trên thế giới về tầm mức xuất bản. Tôi lấy ví dụ: một cuốn từ điển về ngữ nguyên của tiếng Anh lớn nhất thế giới lại là do Hà Lan xuất bản. Đó là cuốn A Comprehensive Etymological Dictionary of the English Language của Ernest Klein. Các nước lớn vẫn có thể in được nhưng họ lại không in. Theo tôi nghĩ có một lí do như thế này: suốt trong thời kì chiến tranh lạnh, vì những cuốn sách in ở Mỹ không được nhập vào các nước Xã hội chủ nghĩa, Hà Lan thì không bị vướng mắc. Vậy nên, chính những nước nhỏ trong lúc đó lại đắc địa. Những cuốn sách về khoa học, có nghiên cứu về tư tưởng mà không dính tới màu sắc chính trị thì những nước nhỏ như vậy đóng được vai trò.

Ở Đông Nam Á, từ năm 1990 Singapore đóng một vai trò rất quan trọng. Tất cả những công trình khoa học của viện Nobel đều được nhà xuất bản World Scientific Publishing ở Singapore phát hành. Singapore tài trợ cho chương trình đó và sự thật thì nó kiếm lời không được bao nhiêu cả nhưng để xuất bản thì những người trí thức ở Singapore phải ngồi nghiên cứu, biên tập. Đây là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự kĩ lưỡng rất cao.

Tôi nghĩ, người Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ về ưu thế của những quốc gia nhỏ, những ngôn ngữ nhỏ như Hungary, Hà Lan, Thụy Điển…và học hỏi những nước này. Hiện nay ở Việt Nam có quỹ Phan Châu Trinh về dịch thuật đang dần xây nên một tủ sách về học thuật. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho các dịch giả nước ngoài trong việc dịch các tác phẩm Việt Nam ra thứ tiếng của họ.

Theo ông, dịch thuật ở Việt Nam hiện tại đang gặp phải những vấn đề gì?

Dịch thuật không phải là công việc chỉ dịch một lần là xong mà phải dịch đi, dịch lại nhiều lần. Mỗi một thế hệ có một bản dịch riêng. Ví dụ trên thế giới, để đọc William Faulkner người ta phải có Companion to Faulkner, hay là James Joyce thì phải có James Joyce’s dictionary. Người ta phải tra từ điển để hiểu vì đó không phải là tiếng Anh mà tất cả mọi người đều có thể hiểu. Trung Quốc bây giờ cũng ra từ điển cho từng tác gia lớn. Việt Nam chỉ mới ra duy nhất từ điển về Truyện Kiều. Nhưng tôi cho rằng đó cũng là một điều tốt rồi. Nó là công trình của Đào Duy Anh, sau này là Phan Ngọc.

Việt Nam vừa mới qua chiến tranh, kinh tế còn yếu kém, chúng ta chưa có những dịch giả chuyên. Trên thế giới, mỗi một tác giả có dịch giả chuyên dịch về họ. Ví dụ tác giả người Ý Umberto Eco có một dịch giả chuyên dịch sang tiếng Anh cho ông là William Weaver. Người dịch giả tiếp cận với tác giả, có gì thắc mắc hai bên trao đổi. Như vậy, mới dịch chính xác được. Dịch giả ở Việt Nam thì hiện chưa có điều kiện đó mà chỉ mới làm việc trên văn bản. Vì vậy, chuyện dịch sai, hiểu sai vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng ta chưa đi vào chuyên nghiệp được.

Như vậy, để khắc phục tình trạng đó, trước mắt chúng ta cần phải làm những công việc gì trong điều kiện hiện tại cho phép? Ngoài ra, nhìn từ bài học của các nước trên thế giới ông thấy chúng ta có thể học hỏi được điều gì ở họ?

Thứ nhất, Việt Nam phải coi vấn đề dịch là quốc sách. Bởi vì tất cả các sách căn bản của thế giới chúng ta vẫn chưa dịch. Nhật Bản đã làm việc này từ thế kỉ 19. Hàn Quốc đã làm từ mấy chục năm nay rồi. Một sinh viên Nhật bước chân lên giảng đường đại học, những tác phẩm triết học, khoa học, văn học…trên thế giới họ đều có thể đọc ngay bằng tiếng Nhật. Nếu chúng ta không lo việc này thì trong một thời gian ngắn, sinh viên Việt Nam không thể so sánh được với sinh viên các nước trong khu vực chứ chưa nói thế giới. Malaysia đã thành lập 5 trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có thể mời các giáo sư nổi tiếng trên thế giới giảng dạy ngay lập tức. Và sinh viên đó học xong có thể đi ra khắp thế giới tiếp thu, ngay khi học lại có thể tiếp cận với toàn bộ các tác phẩm văn học cũng như tác phẩm khoa học của thế giới. Nếu không coi dịch là quốc sách, chúng ta sẽ vẫn cứ chậm.

Thứ hai, với việc học ngôn ngữ trên thế giới thì chúng ta phải bắt chước những nước như Hà Lan, Hungary, Thụy Điển, Na-Uy, Hàn Quốc…Đương nhiên, một trí thức là phải rành ít nhất một thứ tiếng phổ thông trên thế giới. Ở Hàn Quốc người ta coi tiếng Nhật Bản là ngôn ngữ thứ nhì bắt buộc phải học. Trước đây, Nhật Bản cai trị Hàn Quốc 50 năm từ năm 1895 cho đến năm 1945 rất tàn ác. Lúc đó, tất cả các trường không được dạy tiếng Hàn mà phải dạy tiếng Nhật. Người Hàn Quốc từng rất hận thù người Nhật. Nhưng dù hận như thế nào, Hàn Quốc cũng học hỏi Nhật Bản vì đó là xứ hấp thu rất nhiều những canh tân đổi mới của phương Tây. Bây giờ Hàn Quốc có chừng trên 1 triệu người lúc trước bị bắt qua Nhật để làm lao động cũng như là lính thợ Việt Nam mà sang Pháp. Những người đó đã ở Nhật 60,70 năm nay rồi nhưng vẫn không vào quốc tịch Nhật và chuyển tiền, kĩ thuật, học thuật về cho Hàn Quốc. Đó là cả một nguồn năng lượng trí tuệ kinh khủng. Trong khi Việt Nam đến năm 1915 mới bãi bỏ chế độ khoa cử nhưng bây giờ đếm số người có thể đọc được các tác phẩm Trung Quốc là trên đầu ngón tay. Rồi Pháp lại ở Việt Nam đến 100 năm, đào tạo biết bao nhiêu trí thức hàng đầu nhưng bây giờ chúng ta lại bỏ không học tiếng Pháp nữa. Từ đó, cho thấy rằng chúng ta đã từng học ngôn ngữ không phải vì yêu quí trí thức, yêu quí văn hóa mà đã học vì mục đích rất vụ lợi: để đi làm cho các công ty của nước đô hộ lúc đó kiếm tiền. Chính vì vậy mà nó không được tiếp tục duy trì sau khi các nước đô hộ ta đầu hàng. Tôi cho rằng ở điểm này chúng ta nên học hỏi người Hàn Quốc.

Fretto Frek








Dịch giả Tiến Văn:
'Tri thức càng chia sẻ càng lớn mạnh'



Ngày 22/9, tại TP HCM, dịch giả Nguyễn Tiến Văn, Việt kiều Canada, trao 18.200 cuốn sách cho Viện nghiên cứu xã hội. Ông cho biết, ý định này được nung nấu từ nhiều năm, nhằm giúp sinh viên và học giả trong nước có thêm nguồn tư liệu nghiên cứu.


Anh Vân -

- Nếu có người nói việc cho đi hơn 18.000 cuốn sách của ông là chơi ngông, ông nghĩ sao?

- (cười) Thế thì rất mong có thêm nhiều người ngông như tôi. Thật ra, từ 3 năm trước tôi đã có ý định này. Muốn thực hiện được tôi phải chuẩn bị mọi việc kỹ càng chứ không phải là quyết định nhất thời.

Miếng bánh hay món đồ khi nhiều người chia sẻ với nhau thì sẽ bị hao hụt dần, nhưng tôi nghĩ tri thức mà chia sẻ với nhau thì lại càng tăng gấp bội.

Là người làm nghiên cứu, dịch thuật tôi hiểu tầm quan trọng của sách, đặc biệt là sách công cụ. Nếu được trang bị đầy đủ thì chắc chắn công việc nghiên cứu sẽ phát triển. Tôi tin trong số sách tôi trao tặng, có rất nhiều sách công cụ hữu ích.


Dịch giả Nguyễn Tiến Văn giới thiệu những cuốn sách trong kho sách ông tặng Viện nghiên cứu xã hội.


Tôi vốn không được học hành bài bản, chính quy tại môi trường đại học nên điều tôi thèm nhất là hiểu biết, thèm lục tìm trong sách vở. Đời tôi cũng không có tài sản gì quý giá khác ngoài sách. Thậm chí, khi về nước lúc lên máy bay tôi được mang theo 64 kg hành lý thì đến 60 kg là sách để tặng bạn bè, chỉ có 4 kg là vật dụng cá nhân.

Tôi mong mỏi giới nghiên cứu, giới học sinh sinh viên trong nước sẽ ngày càng có điều kiện tiếp cận sâu hơn với nền tri thức nhân loại.

- Làm thế nào ông có thể mang số sách khá lớn này về Việt Nam?

- Số sách này lúc trước nằm trong thư viện gia đình tôi ở miền Đông Canada. Khi biết tôi có ý định mang về nước trao tặng, một người bạn đã tài trợ cho tôi 5.000 USD dùng làm chi phí vận chuyển. Chúng tôi đã đóng sách thành một container nặng 7 tấn rưỡi, vận chuyển từ Canada về Việt Nam bằng đường biển. Khi cập cảng Cát Lái, TP HCM, vào năm ngoái, số sách đã đi được nửa vòng trái đất. Nếu không có bạn bè giúp đỡ thì tôi khó lòng làm hết mọi việc.

- Ông đã gầy dựng kho sách này như thế nào?

- Từ năm 15 tuổi đến nay gần 70 tuổi rồi, sách vở là đam mê lớn của tôi.

Tôi định cư tại Canada từ năm 1985. Sống ở bên ấy, nói thật, tôi ít khi dám ra ngoài cửa hàng mua sách vì tiền đâu mà chịu cho xuể. Muốn mua cuốn nào mà mình thích, tôi chờ những dịp có đợt bán sách giá rẻ ở các ĐH hàng năm. Hoặc như số sách Trung Quốc mà tôi có được cũng nhờ mỗi năm Bắc Kinh có qua Canada tham gia hội sách. Khi kết thúc hoạt động này, họ thường bán lại cho người bản xứ với giá rẻ để khỏi phải tốn công vận chuyển về nước. Chộp được bất kỳ cơ hội nào mua được sách hay giá rẻ là tôi không hề bỏ qua.

Hơn hàng chục năm, nhờ lựa mua từng cuốn sách mà đến nay tôi có được số sách khá lớn. Tôi có cái may mắn là được bà xã lo cho nên không phải làm công việc theo giờ hành chính và có thời gian toàn tâm toàn ý theo đuổi sách vở.

- Liệu có bao nhiêu nhà nghiên cứu Việt Nam đang sống ở hải ngoại có ý định giống ông?

- Theo tôi biết, có hai học giả tiếng tăm là Lê Thành Khôi (định cư tại Pháp) và Hoàng Xuân Hãn cũng muốn trao tặng sách cho quê nhà. Nhưng thời điểm hai ông muốn làm việc đó lại chưa thuận tiện nên chưa triển khai được.

Không chỉ có những nhà nghiên cứu mà nhiều bạn bè của tôi ở hải ngoại, ngoài công việc chuyên môn họ còn có niềm đam mê sách vở. Và để phục vụ công tác nghiên cứu, họ có ít nhất khoảng 5.000 cuốn sách thuộc nhiều thể loại. Khi thấy tôi mang về nước số sách lớn, họ cũng bày tỏ nguyện vọng nếu có dịp sẽ làm giống như thế.

Một người bình thường như tôi mà còn có thể làm được thì chắc chắn nhiều nhà nghiên cứu khác với kho sách, vốn tài liệu quý hơn, giá trị hơn hoàn toàn có thể chia sẻ cho mọi người.

- Trong kho sách ông trao tặng, có bao nhiêu đầu sách cổ, sách quý?

- Xin nói lại cho rõ, tôi không phải là một nhà sưu tầm sách cổ. Tôi yêu đọc sách và chọn mua từng cuốn sách có ích để đọc. Đọc xong rồi thì muốn chia sẻ cho người khác cùng đọc.

Đối với tôi sách càng mới càng tốt. Chỉ có hai thứ cần phải cổ là bạn và rượu mà thôi.


Bộ từ điển Britannica đồ sộ trong kho sách. 
Britannica là bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh lâu đời và uy tín nhất.


- Với người yêu sách thì sách chẳng khác nào người bạn tri kỷ, vậy cho đi một số lượng lớn như thế, cảm giác của ông thế nào?

- Cuộc chia tay nào mà không buồn. Nhưng riêng việc này, tôi lại thấy vui vì sách mình không bị mất đi. Nếu cần tôi có thể đến Viện nghiên cứu xã hội thành phố để đọc lại. Và tôi tin ở Viện, số sách này được bảo quản tốt hơn tại nhà tôi.

- Ông nhận xét gì về tình trạng dịch thuật sách văn học, sách nghiên cứu tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

- Dịch thuật trong nước đang phát triển mạnh song chưa quy củ. Sách dịch ngày càng nhiều và phong phú, người mua sách dịch cũng tăng nhanh. Hy vọng là theo thời gian, thị trường sẽ chọn lọc và thúc đẩy dịch thuật trong nước phát triển chất lượng hơn.

- Ông mong muốn thư viện sách mà ông hiến tặng cho Viện nghiên cứu xã hội sẽ phục vụ cho đối tượng nào?

- Cõi tri thức thì không có bất kỳ một giới hạn nào cả. Bản thân tôi từ ngày bé, trong nhà có Đạo Đức Kinh hay sách triết học gì cũng vớ đọc. Không hiểu hết được thì cũng hiểu tí chút. Không hiểu ngay thì cũng từ từ hiểu. Vì thế, tôi hy vọng thư viện này sẽ mở cửa, mở càng rộng càng tốt cho bất kỳ ai có nhu cầu tìm đến.

....


Theo số liệu thống kê sơ bộ do Viện nghiên cứu xã hội TP HCM thực hiện, tổng số sách do dịch giả Nguyễn Tiến Văn trao cho Viện là 18.200 cuốn thuộc nhiều chuyên ngành như: văn học, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học... Gồm: sách tiếng Anh: 17.102 cuốn; sách tiếng Hoa: 803 cuốn; sách ngôn ngữ khác (Pháp, Đức, Việt): 295 cuốn.

Trong số đó, sách công cụ (chủ yếu là từ điển các loại) là 591 cuốn. Tạp chí các loại là 210 cuốn. Và sách nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là 17.399 cuốn.

Ông Phan Xuân Biên, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội TP HCM cho biết, tháng 4/2007, Viện nghiên cứu xã hội được dịch giả Nguyễn Tiến Văn, Việt kiều Canada, gửi tặng một lô hàng gồm 300 thùng sách và ấn phẩm qua đường vận chuyển bằng tàu biển. Đây là một phần nhỏ trong thư viện cá nhân của ông Nguyễn Tiến Văn tại Canada.

Viện đã hoàn thành thủ tục hải quan tiếp nhận và thủ tục kiểm tra văn hóa phẩm lô hàng sách và ấn phẩm trên.

"Trong năm 2007-2008, Viện nghiên cứu xã hội đang xây dựng trụ sở mới nên chưa thể tổ chức lễ tiếp nhận món quà quý giá này. Vì thế, thời gian qua số sách phải gửi tạm tại Trung tâm thông tin của Ban tuyên giáo Thành ủy. Đến nay, việc xây dựng trụ sở đã hoàn tất, Viện dành một phần diện tích làm kho lưu trữ cho riêng số sách được biếu tặng. Kho này có diện tích 46 m2, gồm 12 kệ, mỗi kệ 8 tầng", ông Phan Xuân Biên giải thích lý do phải mất hơn 1 năm số sách mới được "an cư" tại lầu 1 thuộc tòa nhà của Viện khoa học xã hội.


Một góc nhỏ của thư viện hơn 18.000 cuốn sách 
do dịch giả Nguyễn Tiến Văn trao tặng Viện nghiên cứu xã hội TP HCM.

Ngoài sách, tại khu thư viện này còn có máy vi tính và một số trang thiết bị phù hợp để thời gian tới đây sách sẽ được tiến thành phân loại chi tiết, sắp xếp theo các thư mục chủ đề, nội dung theo chuyên môn của ngành thư viện. Ông Phan Xuân Biên cho biết, sắp tới có thể xây dựng những phòng đọc cạnh kho sách. Một Thư viện điện tử cũng là mục đích nhắm tới của Viện nghiên cứu xã hội nhằm số hóa kho sách phong phú này.

"Chúng tôi vô cùng cám ơn nghĩa cử của dịch giả Nguyễn Tiến Văn. Đây là nguồn tài liệu rất hữu ích cho hoạt động của Viện nói riêng và những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại TP HCM nói chung, Viện sẽ cố gắng đưa thư viện này vào hoạt động trong thời gian sớm nhất", ông Viện trưởng nói.









Tham khảo thêm về các dịch giả Nguyễn Tiến Văn , Hồ Liễu, Hà Vũ Trọng v.v....:











Thương yêu trong ca dao Việt Nam
Nguyễn Tiến Văn




Tặng Hương

Có hai từ căn bản trong quan niệm luyến ái của trai gái Việt Nam: thương và yêu. Hai từ này chuyển tải hai thái độ làm người và quan hệ có khác biệt khá nền tảng: thương là quan hệ truyền thống; yêu là quan hệ hiện đại. Mốc phân luồng có thể lấy là khoảng đầu thế kỉ 20 với ranh giới là 1915 khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ dưới thời Pháp đô hộ và phong trào lãng mạn dưới ảnh hưởng của phương Tây với chủ nghĩa cá nhân thịnh hành từ 1925 đến 1945, tức là trước ngày độc lập của dân tộc và kháng chiến chống Pháp.

Phong trào lãng mạn với ảnh hưởng phương Tây nay đề cao sự giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc của gia đình, gia tộc, phong tục luân lí của tập tục làng xã và luân lí gia trưởng phong kiến mà đại biểu là nhóm Tự lực văn đoàn giai đoạn 1932-1945.

Quan niệm truyền thống hàng ngàn năm của luyến ái Việt Nam chúng ta có thể tìm thấy trong văn học truyền miệng qua ca dao, tục ngữ, và qua các truyện Nôm.

Tần số xuất hiện của từ “thương” trong văn học truyền thống mang nhiều gấp cả chục lần từ “yêu” để chỉ quan hệ luyến ái của gái trai Việt Nam.


Một bài ca dao tiêu biểu là “Mười thương”:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai


Còn vô số những bài khác như:

Một thương, hai nhớ, ba sầu
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu ngậm hơi
Thương chàng lắm lắm chàng ôi!
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than
Muốn than mà chẳng được than
Kìa như đá đổ bên ngàn lầu tây
Đá đổ còn có khi đầy
Thương chàng biết thuở nào khuây hỡi chàng


Hoặc:


“Một thương, hai nhớ, ba trông
Tứ chờ, năm đợi, sáu mong kết nguyền”

“Một thương, hai nhớ, ba vì
Chín chờ, mười đợi có khi vuông tròn”

“Một thương, hai thương
Ba thương, bốn nhớ
Đạo chồng, nghĩa vợ
Là đức cù lao
Nhớ khi trăng gió mưa rào
Trăm năm gối phượng má đào bên em”

“Không đi thì nhớ thì thương
Đi thì lại mắc chiếc mương, chiếc cầu
Không đi thì thảm thì sầu
Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương”


Thương và yêu cũng có khi được dùng thay cho nhau, cả trong ca dao tục ngữ, tuy nhiên phần trội bật vẫn là thương. Ở đây, chúng ta tìm hiểu xem đâu là những khác nhau chủ chốt của hai từ này.

Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải đi đến cội nguồn của chữ để tìm nghĩa. Chữ ở đây là chữ Nho và chữ Nôm.

Trong chữ Nho cũng như chữ Nôm, thương có 2 chữ: một là chữ 心倉 với bộ tâm và chữ sương (kho lẫm); và một là chữ 伤với bộ nhân và chữ dương (trong âm dương).

Chữ thương chỉ tấm lòng chứa đựng nhiều, nên sầu bi cảm thông với kẻ khác. Chữ thương là vết thương, sự đau đớn, dẫn đến xót xa, chia sẻ với kẻ khác.

Còn chữ yêu trong chữ Nho và chữ Nôm cũng có 2 chữ: một là chữ 夭 với bộ đại và cái phết ở trên tức bé nhỏ và một là 要với bộ á và chữ nữ (đàn bà/con gái), có nghĩa là cần thiết, đòi hỏi, muốn có.

Chúng ta thương người là vì chúng ta đã biết đến đau khổ, cũng như “tay đứt ruột xót”, “máu chảy ruột mềm” không bị thương thì không thương mình và không có khả năng thương người.

Lòng thương, tình thương trong Phật giáo gọi là từ bi. Bi là buồn cho sự đau khổ của người khác. Từ là mở rộng lòng để ôm lấy, chữa trị, cứu độ cho nỗi đau khổ đó. Từ bi tiếng Anh là compassion tức cộng cảm, thông cảm. Từ thương này trong Kitô giáo gọi là passion như trong The passion of Jesus Christ tức sự thương khó của chúa Jesus Kitô, chỉ việc tuẫn nạn trên thập tự giá vì muốn gánh chịu chia sẻ với tội lỗi của loài người.

Như vậy thương bao dung, thâm thuý và cao cả hơn yêu. Vì yêu là mong muốn sở hữu, chiếm đoạt vì thiếu, vì cần, vì không có.

Hai sản vật đặc trưng của Việt Nam trong lịch sử là: ngọc trai và trầm hương. Ngọc trai (như châu trong Mị châu) là con trai bị tổn thương khi bị hạt cát cứa vào thịt, phải dùng nội tiết để chống đỡ, tự vệ và bao quanh hạt cát đó những lớp xa cừ óng ánh bảy màu. Nếu không thắng vượt thử thách này con vật sẽ bỏ mình.

Trầm hương là đặc sản của miền Trung Việt Nam ở rừng núi suốt từ Thanh hoá đến Đồng Nai trước là lãnh thổ của vương quốc Champa. Trầm hương chỉ có khi cây dó bị sét đánh, heo rừng húc, hay vét chém và cây dó tự cứu mình bằng cách tiết ra những nhựa sống để bao bọc lấy vết thương đó. Lâu ngày, nhựa đó kết thành trầm hương. Trầm là chìm vì nó nặng hơn bản thân gỗ dó và nước rất nhiều. Hương vì nó tỏa mùi thơm nên thường được dùng tạc tượng thờ luôn có hương ngát tự nhiên, ngay cả những thứ gỗ dác bên cạnh đốt lên cúng làm trầm nhang rất quý. Vì trầm quý như vàng nên những người thợ rừng có tục lệ là nếu đi gặp cây dó là phải chém một vài nhát để hi vọng có trầm hương, không phải cho mình,mà cho người sau. Thành ngữ “Ngậm ngải tìm trầm” là nói đến việc khó khăn phải dùng đến bùa ngải để tìm ra được sản phẩm quý hiếm này.

Tình thương, thương yêu là ban cho, tặng gửi, không phải là ham hố, thèm muốn vì thiếu thốn. Chỉ đến thập niên 1920 , với sự nẩy nở của văn minh thành thị và công nghệ cùng với thế hệ “tài hoa son trẻ” của chủ nghĩa cá nhân du nhập từ phương Tây, chữ yêu mới trở nên thịnh hành và lấn át chữ thương trong quan hệ luyến ái nam nữ thanh niên Việt Nam.

Ngày nay, nếu chúng ta về những vùng nông thôn, sống với xã hội truyền thống sẽ thấy rằng gái trai khi tỏ tình dùng chữ thương nhiều hơn chữ yêu. Có thể họ không cần phân tích, tính toán như nhà thơ Xuân Diệu:

Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

(Bài “Yêu” trong tập Thơ thơ, xuất bản năm 1938)

Ngay ở phương Tây, nữ sĩ de Sévigné (1626-1696) ở Pháp sống trước thời lãng mạn chủ nghĩa của thế kỉ 19, trong thư gửi con gái cũng định nghĩa rất là truyền thống: “Aimer, c’est donner et pardonner” (Thương yêu là cho và tha cho) mà tôi xin phóng dịch là “luyến ái thị từ bi hỉ xả”

Ngày Tết tôi cũng xin nhắc nhớ một vị thầy đã dạy đơn giản hơn nữa: “Thương yêu là ăn chung, ngủ chung và mộng chung.” Tức là chia sẻ về vật chất, về sinh lí, và về lí tưởng. Như thế cũng là đắc đạo vậy.



Ngày 8/2/2011
Nguyễn Tiến Văn













Hs Lê Thánh Thư, Dg Nguyễn Tiến Văn, Hồ Liễu, Nt Phạm Việt Cường, Dg Quế Sơn, ......, 
Sài Gòn 11/1/2012






Hs Phan Nguyên, Nv Nguyễn Đạt, Dg Nguyễn Tiến Văn, Hs Lê Thánh Thư, Nv Trần Thị NgH







Nguyễn Tiến Văn tháng giêng 2024
ảnh mới nhất (photo Lý Đợi)


















Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.