Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

BÊN THẮNG CUỘC – phần mở đầu













BÊN THẮNG CUỘC
phần mở đầu


Mấy lời của tác giả

Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “hai mươi năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối.

Nhưng hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi. Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy, thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ.

Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe – buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.

Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày1, Thép Đã Tôi Thế Đấy2. Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.

Tôi vẫn ở lại miền Bắc, chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kênh trong những năm “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, chứng kiến khát vọng “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang san” của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến ở miền Nam, rồi chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng với chủ nghĩa xã hội mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới.

Năm 1983, tôi có một năm huấn luyện ở Sài Gòn trước khi được đưa tới Campuchia làm chuyên gia quân sự. Trong một năm ấy, hai cô em gái của Trần Ngọc Phong3, một người bạn học chung ở trường sỹ quan, hàng tuần mang tới cho tôi bốn, năm cuốn sách. Tôi bắt đầu biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Cho dù đã kiệt quệ sau tám năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Những năm ấy, góc phố nào cũng có mấy bác xích lô vừa mỏi mòn đợi khách vừa kín đáo đọc sách. Họ mới ở trong các trại cải tạo trở về. Tôi bắt đầu tìm hiểu Sài Gòn từ câu chuyện của những bác xích lô quen như vậy.

Mùa hè năm 1997, một nhóm phóng viên vì nhiều lý do phải rời khỏi tờ báo Tuổi Trẻ, gồm Đoàn Khắc Xuyên, Đặng Tâm Chánh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Tuấn Khanh, Huỳnh Thanh Diệu, Huy Đức. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp như Thúy Nga, Minh Hiền, Thế Thanh, Phan Xuân Loan… Thế Thanh lúc ấy cũng vừa bị buộc thôi chức tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, và cũng như Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh trước đó, chị không được tiếp tục nghề báo mà mình yêu thích.

Chúng tôi nói rất nhiều về thế sự, về những gì xảy ra trên thế giới và ở đất nước mình. Một hôm ở nhà Đỗ Trung Quân, nhà báo Tuấn Khanh, người vừa gặp rắc rối sau một bài báo khen ngợi ca sỹ bị coi là chống cộng Khánh Ly, buột miệng nói với tôi: “Anh phải viết lại những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử”. Không ai để ý đến câu nói này của Tuấn Khanh, nhưng tôi lại bị nó đeo bám. Tôi tiếp tục công việc thu thập tư liệu với một quyết tâm cụ thể hơn: Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của Việt Nam sau năm 1975 trong một cuốn sách.

Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.

Không chỉ thường dân, cho đến đầu thập niên 1980, nhiều chính sách làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”4, như “Z30”5 cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ Chính trị cũng không được biết. Nội bộ người Việt Nam đã có nhiều đụng độ, tranh cãi không cần thiết vì chỉ có thể tiếp cận với lịch sử qua những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền. Không chỉ các thường dân, tôi tin, những người cộng sản có lương tri cũng sẽ đón nhận sự thật một cách có trách nhiệm.

Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế, chính trị học, và xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm. Trong vòng ba năm, từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012, tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có năm nhà sử học uy tín của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung, tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước, tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại Mỹ và Pháp đồng ý in, nhưng để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.

Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, và sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau. Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra, và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.

Sài Gòn – Boston, 2009-2012


Lời cám ơn

Trong quá trình thu thập tư liệu để viết cuốn sách này, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của nhiều nhân vật lịch sử, sự hợp tác của các nhân chứng, sự đóng góp của các đồng nghiệp, và sự ủng hộ của rất nhiều bè bạn.

Tác giả đặc biệt cám ơn các nhà lãnh đạo đã trả lời phỏng vấn trực tiếp cho cuốn sách này: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng, các Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Đình Liệu, Trần Phương, Đoàn Duy Thành, Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Hà Phan, Bí thư Trung ương Đảng Phan Minh Tánh, Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương, Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Trung tướng Võ Viết Thanh…

Xin cám ơn các nhà lãnh đạo đã trả lời các cuộc phỏng vấn của tác giả với tư cách là một nhà báo mà một phần nội dung được sử dụng trong cuốn sách này: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Phạm Văn Trà, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Phan Diễn…

Cuốn sách không thể hoàn thành nếu không có sự giúp đỡ, hợp tác và tư vấn của những người giúp việc, những người có nhiều năm gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng như ông Trần Việt Phương, ông Vũ Kỳ…; của nhóm giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đậu Ngọc Xuân, thư ký tổng bí thư, ông Đống Ngạc; của nhóm giúp việc và chuyên gia tư vấn của Tổng Bí thư Trường Chinh: Tiến sỹ Hà Nghiệp, Giáo sư Trần Nhâm, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Giáo sư Dương Phú Hiệp, Giáo sư Đào Xuân Sâm, ông Trần Đức Nguyên…; của những người giúp việc Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: ông Trần Văn Giao, ông Hồng Đăng, ông Dương Đình Thảo, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh; của những người giúp việc Tổng Bí thư Đỗ Mười: Thống đốc Lê Đức Thúy, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam; của những người giúp việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Trợ lý Vũ Quốc Tuấn, Trợ lý Nguyễn Trung, Trợ lý Vũ Đức Đam, ông Phạm Văn Hùng, ông Nguyễn Văn Huấn, Bác sỹ Đinh Trần Nhưng, Thư ký Nguyễn Văn Trịnh…; của những người giúp việc Thủ tướng Phan Văn Khải: Trợ lý Nguyễn Thái Nguyên, Trợ lý Nguyễn Đức Hòa, Thư ký Nguyễn Văn Kích; của người viết tự truyện cho Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tá Khuất Biên Hòa.

Xin chân thành cảm ơn bà Nguyễn Thụy Nga, phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn, bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Phan Lương Cầm, phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin, tư liệu. Xin cám ơn sự giúp đỡ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể, và Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn; bà Võ Hiếu Dân, con gái, và ông Phan Thanh Nam, con trai Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, con trai Tổng Bí thư Trường Chinh.

Cuốn sách cũng nhận được sự cộng tác rất tận tình của các vị từng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành chính sách ở các giai đoạn khác nhau của Việt Nam như Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe (1946-1960), Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (1992-2002), Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá, Tổng Cục trưởng Địa Chính Tôn Gia Huyên, các đời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Trọng Truyến, Lê Xuân Trinh, Lại Văn Cử, Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Hữu Thọ…

Đặc biệt cám ơn các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam từng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh như Cục trưởng Tác chiến, Trung tướng Lê Hữu Đức, Cục phó Tác chiến Thiếu tướng Lê Phi Long, Cục phó Tác chiến Thiếu tướng Phan Hàm, những người trong gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn, Cục trưởng Tình báo Quân đội Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Văn Huyên…

Xin chân thành cám ơn các nhà cách mạng lão thành đã cung cấp cho tác giả hơn năm mươi cuốn hồi ký, phần lớn chưa từng xuất bản. Có những cuốn có giá trị tham khảo đặc biệt quan trọng, như các tập hồi ký của Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương, một người từng gần gũi với Tổng Bí thư Trường Chinh, từng chỉ huy mạng lưới tình báo miền Bắc ở miền Nam và từng là trưởng Ban Bảo vệ Trung ương Đảng. Có những cuốn rất thẳng thắn của Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV Nguyễn Thành Thơ, người từng chỉ đạo kinh tế mới và hợp tác hóa ở miền Nam. Có những cuốn tiết lộ xung đột đảng phái thời kỳ ngay sau 1945 của Đại tá Công an Trần Tấn Nghĩa, người nhận lệnh trực tiếp ám sát và bắt giữ các thành viên đảng phái không cộng sản trong các năm 1945, 1946. Có những cuốn nói về thời kỳ “giúp bạn” Campuchia của Đại sứ Ngô Điền, Đại sứ Trần Huy Chương. Cũng có những cuốn rất thú vị, giúp tiếp cận với những góc độ khác của các nhà lãnh đạo tối cao như tự truyện của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hồi ký của bà Nguyễn Thụy Nga, người vợ miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tác giả xin chân thành cám ơn các sỹ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa: Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người chỉ huy trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1-1974; cám ơn Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Hảo, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dân biểu Ngô Công Đức; cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam, các nhà thơ Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, nhà văn Uyên Thao; cám ơn Giáo sư Lê Xuân Khoa, bà Khúc Minh Thơ, những người đã giúp tác giả hiểu thêm về những nỗ lực của cộng đồng để giúp những người tù cải tạo được định cư tại Mỹ.

Tác giả cũng chân thành cám ơn Giáo sư Thomas Bass (Đại học Albany-SUNY), người đã thu xếp cuộc phỏng vấn cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tại Boston vào tháng 2-2006; chân thành cám ơn các nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, Yên Ba, Nguyễn Khoa Diệu An, Trần Chí Hùng, Nguyễn Giang, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Khanh, Lê Thiệp, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà ngoại giao Đinh Hoàng Thắng, nhà nghiên cứu Lưu Thu Hương, Tiến sỹ Trần Tố Loan đã giúp tác giả tiếp cận với nhiều nhân vật và nhiều tài liệu lịch sử quan trọng. Tác giả cũng xin chân thành cám ơn hàng trăm chính khách, sỹ quan, nhà tư sản, nhà báo, thường dân, các thuyền nhân và nạn nhân của những biến động sau năm 1975, những người đã giúp tác giả có được những câu chuyện sinh động. Những trích dẫn không có chú thích trong cuốn sách này được lấy từ những cuộc trò chuyện do tác giả thực hiện trực tiếp với các nhân chứng.

Xin cảm ơn nhà thơ Bùi Khương Hà, người đã đọc những chương đầu tiên trong bản thảo đầu tiên và có những ý kiến xác đáng giúp tác giả điều chỉnh nội dung và cấu trúc cuốn sách.

Tác giả cũng xin chân thành cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Giáo sư Trần Hữu Dũng (Đại học Wright, Ohio), Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học George Mason, Virginia), nhà sử học Sophie Quinn Judge (Đại học Temple), Giáo sư Shawn McHale (Đại học George Washington), Giáo sư Hồ Huệ Tâm (Đại học Harvard), Giáo sư Peter Zinoman (Đại học UC Berkeley), Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (Đại học New York) đã đọc và tận tình góp ý để tác giả hoàn chỉnh bản thảo cuốn sách này.

Cuốn sách cũng không thể hoàn thành nếu không có nhóm giúp việc gồm một số trí thức trẻ, một số sinh viên mà trong lần xuất bản này tác giả chưa thể nêu tên họ. Trong quá trình thực hiện cuốn sách tác giả đã luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của những người bạn như Nguyễn Thanh Toại, Đặng Cao Thắng, Lê Hải, Đỗ Trung Quân, Hà Tân Cương, Nguyễn Quang Lập, Đặng Tâm Chánh, Bùi Nguyên Cẩm Ly, Trần Minh Khôi, Võ Văn Điểm, Huỳnh Kim Phụng, Đào Ngọc Lâm, Bùi Đức Thịnh, Nguyễn Văn Diễn, B.V.D, N.T.H, Nguyễn Đức Quang, Trần Ngọc Phong, Mai Kỳ, Xuân Bình, Nguyễn Hải Phong, Lê Thị Hoàng Anh, Phùng Văn Vinh, Trần Minh Triết …

Tác giả hy vọng tiếp tục nhận được sự góp ý chân thành để hoàn chỉnh cuốn sách này trong những lần xuất bản tới.



BẢN TÓM TẮT
PHẦN I: MIỀN NAM

Chương 1: Ba Mươi Tháng Tư
Diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30-4 (Đi từ bưng biền/ Xuân Lộc/ Tướng Big Minh/ Trại Davis/ Nguyễn Hữu Hạnh/ Sài Gòn trong vòng vây/ Xe tăng 390/ Đầu hàng/ Tuẫn tiết)

Chương 2: Cải Tạo
Những bàn bạc bên trong, quan điểm của chính quyền trong việc đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền”, những thủ thuật được áp dụng để đưa sĩ quan vào trại cải tạo; số phận của những người tù không án, không biết ngày về và những bi kịch mà người thân của họ phải nhiều năm gánh chịu. (Những ngày đầu/ “Ngụy Quyền”/ “Ngụy Quân”/ “Đoàn tụ”/ “Phản động”/ Tù và cải tạo/ “Thăm nuôi”/ “Học tập”).

Chương 3: Đánh Tư Sản
Những công cụ chuyên chính vô sản áp dụng ngay sau ngày 30-4-1975: Đánh tư sản vào tháng 9-1975 và liền sau đó là đổi tiền lần thứ nhất 22-9-1975; Cải tạo tư sản tháng 3-1978… Sự khác nhau của cải tạo tư sản và đánh tư sản (“Chiến dịch X-2”/ Đổi tiền/ “Gian thương”/ “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh”/ Hai gia đình tư sản/ Kinh tế mới)

Chương 4: Nạn Kiều
Sự thật về vấn đề người Hoa năm 1978 (Đội quân thứ năm/ Hiệp định Geneve/ “chổi ngắn không quét xa”/ Hoàng Sa/ Sợ “con ngựa thành Troy”/ ‘Nạn Kiều”/ “Phương án II”/ “Ban 69”/ Vụ Cát Lái).

Chương 5: Chiến Tranh
Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh ở CPC và biên giới phía Bắc năm 1979 (Biên giới Tây Nam/ Pol Pot/ Đi dây/ Khmer Đỏ và Campuchia dân chủ/ “Kẻ Thù Lịch Sử”/ Thất bại trong tấn công ngăn chặn [Pre-emptive War]/ “Nhất biên đảo”/ “Áo lính lại khoác vào ngay”).

Chương 6: Vượt Biên
Điều gì đã khiến cho hàng triệu người VN phải bỏ nước ra đi. Bi kịch của người dân và thái độ chính quyền trước cuộc tị nạn lớn nhất của người Việt Nam trong lịch sử (“Vượt biên”/ Từ “trí thức yêu nước”/ Đến “thường dân”/ Trước khi tới biển/ Trại tị nạn).

Chương 7: “Giải Phóng”
Cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng có thực sự giải phóng sau những gì mà những người cộng sản áp dụng tại miền Nam (Sài Gòn thay đổi/ Kinh tế mới/ Đốt sách/ Cạo râu/ “Cách mạng là đảo lộn”/ Lòng người/ Những người sinh ra không đúng cửa/ “Cánh cửa” Thanh niên xung phong/ Cửa không đủ rộng/ “Nổi loạn”/ “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”).


BẢN TÓM TẮT PHẦN II:
THỜI LÊ DUẨN

Chương 8: Thống Nhất
Những lo lắng từ hai phía đặc biệt là của ông Lê Duẩn dẫn đến quyết định thống nhất hai miền cả về chính trị và kinh tế, áp dụng mô hình miền Bắc vào miền Nam một cách vội vã, mặc dù, nhiều người lúc đó, kể cả ông Lê Duẩn, nhận thấy nền kinh tế tư nhân miền Nam hiệu quả hơn những gì áp dụng trên miền Bắc (Nước Việt Nam là một/ “Bắc hóa”/ Chủ nghĩa xã hội/ “Con đường của Bác”/ “Mỗi người làm việc bằng hai”/ Lê Duẩn và mối tình miền Nam/ Chấp chính và chuyên chính).

Chương 9: Xé Rào
Chính sách kinh tế kế hoạch hóa và sản xuất lớn nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” đã dẫn đất nước đến chỗ kiệt quệ. Người dân và chính quyền các địa phương, thay vì tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” chấp nhận một số quy luật của kinh tế thị trường, tiến trình này bị coi là “xé rào” nhưng chính những “lỗ thủng” đó đã trở thành lối thoát cho dân chúng (Bế tắc/ Mậu dịch quốc doanh/ Máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng/ Tháo gỡ/ Nghị quyết Trung ương Sáu/ Bù giá vào lương/ Cắm cờ xé rào/ Khoán chui/ Ông Kiệt xé rào, ông Linh lãnh đạn/ “Ai thắng ai”).

Chương 10: Đổi Mới
Vai trò của Trường Chinh trong việc tiếp thu thực tiễn và chuẩn bị về mặt lý luận để những người cộng sản chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, điều mà về sau gọi là đổi mới (Hội nghị Đà Lạt/ Nhóm giúp việc mới/ Người của những khúc quanh lịch sử/ Từ chính sách Kinh Tế Mới/ Đến chọc thủng bức tường bao cấp/ Giá-Lương-Tiền/ Nã pháo vào bộ tổng/ Khép lại trang sử Lê Duẩn/ Vai trò của Mikhail Gorbachev/ Tuyên ngôn đổi mới/ Bàn tay Lê Đức Thọ/ Phút 89).

Chương 11: Campuchia
Dù muốn hay không, Campuchia đã “nằm trong một trang sử” của Việt Nam. Không gian chiến tranh trong thập niên 1980s và cách mà Việt Nam đã làm để thoát ra khỏi hai cuộc chiến: Biên giới phía Bắc và Campuchia (“Pot ở đầu phum ta cuối phum”/ “Xuất khẩu cách mạng”/ Tư tưởng nước lớn/ Bị cô lập/ Phương Bắc/ Hội nghị Thành Đô/ Campuchia thời hậu Việt Nam).







BÊN THẮNG CUỘC tập 2:
QUYỀN BÍNH






BẢN TÓM TẮT PHẦN III:
Dấu ấn Nguyễn Văn Linh


Chương 12: Cởi trói
Thời kỳ “trăng mật” của TBT Nguyễn Văn Linh, vai trò của ông trong việc mở ra một không gian tự do hơn cho báo chí, văn nghệ và xét lại vụ Nhân văn Giai phẩm (Những Việc Cần Làm Ngay/ Xiềng xích “Nhân văn”/ Miền Nam “giải phóng”/ Cởi ra…)

Chương 13: Đa nguyên
Trong lòng xã hội Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhu cầu cải cách chính trị, những sửa đổi chính sách trong giáo dục đại học đã tác động tích cực đến tư duy và hành động của đội ngũ giảng viên đặc biệt là sinh viên. Trước những diễn biến ở trong nước và Đông Âu, ông Nguyễn Văn Linhnhanh chóng siết lại báo chí, cách chức Trần Xuân Bách, bắt Dương Thu Hương và những người bất đồng chính kiến khác (Cải cách ở bậc đại học/ Sinh viên và các phong trào tự phát/ Đông Âu/ Cứu chủ nghĩa xã hội/ “Đa nguyên, đa đảng”/ Cách chức Trần Xuân Bách/ Kết thúc “trăng mật” với báo giới)

Chương 14: Khoảng cách Linh – Kiệt
Vì sao ông Linh đưa ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 thay vì ông Kiệt. Thực chất mối quan hệ của ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt – sự khác nhau về mặt tính cách, quan niệm sống và gia đình (Tại sao Đỗ Mười/ Cimexcol hay “Vụ án Dương Văn Ba”/ Hai tính cách/ Hai cuộc hôn nhân/ Ở Việt Bắc/ Bà Trần Kim Anh/ Hai người con trai/ Đi bước nữa/ Vợ (bà Phan Lương Cầm) và bạn/ Cuộc sống và ý thức hệ) 

Chương 15: Tướng Giáp 
Mối quan hệ giữa Lê Duẩn cùng những người thân cận của ông với Tướng Giáp. Sự thật vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”; Vai trò thực sự của Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh 1955-1975; Sự kiện Vịnh Bắc bộ và vụ án “chống đảng” năm 1967 (Vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”/ “Cách mạng miền Nam”/ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ/ Mậu Thân và tham vọng của Lê Đức Thọ/ “Nghị quyết 21”/ Chiến dịch Hồ Chí Minh/ “Thống chế đi đặt vòng”)


BẢN TÓM TẮT PHẦN IV:
TAM NHÂN


Chương 16: Thị trường 
Đông Dương đã từ một chiến trường trở thành thị trường như thế nào. Những chuyển động bên trong xã hội sau khi chấp nhận kinh tế thị trường. Cách mà Chính phủ VN và người dân tiếp thu các kiến thức về kinh tế thị trường (Tái lập hòa bình/ Lạm phát & Nước hoa Thanh Hương/ Những bước đi đầu tiên/ Lược sử kinh tế tư nhân/ Học lại “kinh tế thị trường”)

Chương 17: Tam quyền không phân lập
Các thời kỳ xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản. Thực chất của “tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh”. Tranh cãi và tranh chấp chính trị trong quá trình hình thành Hiếp pháp 1992 và những thay đổi của hệ thống chính trị trong thập niên 1990 (Nửa thế kỷ, bốn hiến pháp/ Quốc hội có vai trò hơn/ Thủ tướng và “người đứng đầu”/ Chia tỉnh/ “Công nông hoá” tư pháp/ “Bỏ Điều 4 là tự sát”)

Chương 18: Tam nhân phân quyền
Cho dù không chấp nhận tam quyền phân lập nhưng quyền lực nhà nước trong thập niên 1990 cũng có “cân bằng và giám sát” bởi sự phân quyền của tam nhân: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt (Bộ ba/ Gỡ cấm vận/ “Đa phương hóa”/ Tổng cục II/ Đất quân đội/ Hóa giá nhà/ Đường dây 500)

Chương 19: Đại hội VIII
Công cuộc chuyển giao thế hệ nửa cuối thập niên 1990 diễn ra đầy kịch tính do những vị lão thành chưa muốn rời chính trường. Lần đầu tiên chiếc áo khoác phục vụ tổ quốc phục vụ nhân dân tuột ra để lộ tham vọng quyền lực một cách mãnh liệt (Khúc dạo đầu/ “Thư gửi Bộ Chính trị”/ Vụ án Nguyễn Hà Phan/ Tam nhân tại vị/ Sức khỏe Trung ương) 

Chương 20: Lê Khả Phiêu và ba ông cố vấn
Ông Lê Khả Phiêu là người thế nào. Ai đưa ông lên và vì sao ông bị hạ bệ năm 2001 (Kỷ nguyên Internet/ Luân chuyển cán bộ/ “16 chữ vàng”/ Hiệp định thương mại Việt-Mỹ/ Bill Clinton và Lê Khả Phiêu/ Đại hội IX) 

Chương 21: Định hướng xã hội chủ nghĩa
Ý thức hệ được sử dụng như một quyền lực chính trị đã cản trở những cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. Tiến trình tư nhân hóa khu vực kinh tế quốc doanh gặp khó khăn và định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai dân tộc (Quốc doanh chủ đạo/ Thị trường và lập trường/ Phan Văn Khải/ “Sân chơi” không bình đẳng) 

Chương 22: Thế hệ khác
Chân dung của những nhà lãnh đạo đương thời; những thay đổi về bản chất cầm quyền của Đảng cộng sản (Người kế nhiệm/ Kinh tế tập đoàn/ Nông Đức Mạnh/ “Phương án” Nguyễn Văn An/ Sở hữu toàn dân)


Mấy lời tác giả
Tôi rời Campuchia trước khi Việt Nam rút hết “Quân tình nguyện”. Khi học ở trường chuyên gia quân sự 481, chúng tôi được chuẩn bị tư tưởng để “giúp bạn lâu dài”. Nhưng thay vì ở lại hàng thập niên, tôi chỉ phải ở lại Campuchia gần bốn năm. Tôi quyết định rời quân đội. Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác.

Cuối năm 1987, tôi bắt đầu làm việc ở Văn phòng huyện uỷ Nhà Bè. Thời gian ấy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang viết “Những việc cần làm ngay”. Công việc ở Văn phòng huyện uỷ thật an nhàn, tôi đã sử dụng phần lớn thời gian để viết văn và viết bài cho các báo. Sau khi đọc những bài báo ấy, Bí thư huyện uỷ Trần Văn Đông giao cho tôi phụ trách biên tập tờ tin và đài truyền thanh huyện Nhà Bè. Chỉ mấy tháng sau, tôi được nhà văn Nguyễn Đông Thức đưa về Tuổi Trẻ.

Không chỉ có kho sách cực kỳ phong phú của thư viện Đắc Lộ mà tờ Tuổi Trẻ tiếp quản sau khi các giáo sỹ dòng Tên bị bắt năm 1979, đội ngũ Tuổi Trẻ thời “161 Lý Chính Thắng” cũng là một “kho tư liệu” vô giá. Không phải ai ở trong cái không khí “thanh niên sôi nổi” ấy cũng biết hết những trắc ẩn trong lòng các đồng nghiệp của mình.

Ở đây, tôi gặp những đồng nghiệp về sau trở thành nhân vật trong cuốn sách của mình. Ở đây, tôi gặp những con người lặng lẽ, tưởng quá khứ đã được chôn chặt, như: biên tập viên Lệ Xuân, con gái ông Nguyễn Thành Đệ, người sau khi đóng 200 lượng vàng để vượt biên theo Phương án II không thành bị lấy nốt căn nhà cuối cùng(1); thư ký toà soạn Võ Văn Điểm – chủ biên đầu tiên của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười – người có vợ và hai con chết trên biển trong một chuyến vượt biên.

Thế hệ chúng tôi may mắn được làm báo sau “đổi mới”. Những người viết có trách nhiệm nhận thấy một cơ hội to lớn sau tuyên bố “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để không còn tiếp tục sự nghiệp viết lách bằng thứ văn chương minh hoạ hay báo chí tô hồng. Đó là một thời đáng nhớ của văn nghệ và báo chí. Rất tiếc là chỉ hơn một năm sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sỹ tự cứu mình, tự ông đã có nhiều thay đổi.

Ngay trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng, chúng tôi có thể cảm nhận sự căng thẳng. Có lúc một số phóng viên Tuổi Trẻ đã phải chuẩn bị cho khả năng bị khởi tố. Có những buổi chiều, nhất là sau khi Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh đi gặp Phó bí thư Thành uỷ Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, đi gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đi gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ trở về…, chúng tôi nín thở chờ chị bàn bạc với anh Ba Lãng(2). Những hôm gay cấn, hai ngườ i còn phải tham vấn Cựu Tổng biên tập Võ Như Lanh(3). Cho đến trước khi ông Nguyễn Văn Linh hết nhiệm kỳ, những người tiên phong trong văn nghệ, báo chí đều phải ra đi gần hết.

Tuổi Trẻ còn tạo cơ hội cho tôi bước ra bên ngoài khuôn viên “161 Lý Chính Thắng”. Tôi may mắn được phân công viết đủ các loại đề tài, từ chính trị tới xã hội, từ kinh tế tới văn hoá, từ hoạt động của các cơ quan tố tụng đến các hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Từ năm 1989, tôi trực tiếp đưa tin hầu hết các vụ án lớn xảy ra trên cả nước, theo dõi từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi nội vụ được đưa tới toà. Cũng từ năm 1989, tôi được giao viết về các kỳ họp Hội đồng nhân dân và sau đó có mặt ở Hội trường Ba Đình gần như mỗi kỳ Quốc hội họp.

Những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Cánh nhà báo chúng tôi(4) có nhiều cơ hội trao đổi, đủ loại thông tin, với các nhà lãnh đạo cả khi tác nghiệp, khi bên tách trà và không ít khi bên chén rượu.

Chính trường được phản ánh trong cuốn II bao gồm những gì mà tác gỉa có thể quan sát t ừ cự ly rất gần.

Ở những thời điểmnóng bỏng nhất, tôi có thể vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải; tôi cũng có không ít dịp đến nhà riêng, vào phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn. Chúng tôi chứng kiến một cách trực tiếp các xung đột giữa những người chủ trương kinh tế thị trường với những người lo “chệch hướng”, những xung đột đã làm biến dạng khá nhiều chính sách.

Tất cả những tư liệu ấy đều được tôi lưu trữ. Nhưng không chỉ dừng lại ở những ghi chép của mình, từ năm 2003, khi bắt đầu tập trung phần lớn thời gian cho cuốn sách này, tôi ngồi điểm lại toàn bộ tư liệu mình đã thu thập được, đánh dấu các khoảng trống và bắt đầu tiến hành thêm hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Với sự giúp đỡ của một nhóm sinh viên và một số nhà nghiên cứu trẻ, tôi bắt đầu đối chiếu lời kể của các nhân chứng với các ghi chép của chính họ, của tôi (với các sự kiện mà mình trực tiếp quan sát trong thời gian làm báo), đối chiếu với báo chí ở các thời điểm khác nhau, với lời kể giữa các nhân chứng và đặc biệt là đối chiếu với các tài liệu gốc, gồm thư từ, công văn, chỉ thị, nghị quyết và biên bản các cuộc họp.

Cuốn II bắt đầu từ thời điểm ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền cho đến khi ba ông cố vấn đưa ông Lê Khả Phiêu ra khỏi chiếc ghế Tổng bí thư. Tuy có những câu chuyện còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011), nhưng hai chương cuối của cuốn II chủyếu nói về “cái đuôi” chủ nghĩa xã hội và những hệ luỵ mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu.

Chương tướng Giáp được đặt ở vị trí cuối phần “Dấu ấn Nguyễn Văn Linh”, bắt đầu bằng một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “vị tướng Điện Biên” diễn ra cuối nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng chủ yếu nói về mối quan hệ giữa Lê Duẩn – tướng Giáp – Lê Đức Thọ. Những xung đột quyền lực đã chi phối phần lớn các quyết định liên quan đến cuộc chiến diễn ra thời thập niên 1960, kéo dài tới giữa thập niên 1980, liên quan đến không ít máu xương và để lại khá nhiều di chứng. Phần còn lại của cuốn II chủ yếu viết về những gì diễn ra bên trong Ba Đình thời thập niên 1990. Thời mà ý thức hệ không chỉ tồn tại như một đức tin của những người cầm quyền mà còn trở thành những công cụ chính trị phục vụ cho quyền lực. Tuy nhiên, Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra. Tuy kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia và đời sống nhân dân nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu cho dù “nguy cơ” này đã được chỉ ra từ năm 1994.

Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thay vì chọn phương thức hiệu quả nhất đã phải để cho kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống chính trị thay vì lấy sự minh bạch, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực để có thể mang lại công lý và tránh tham nhũng, lạm quyền lại ưu tiên đảm bảo vị trí cầm quyền của Đảng.

Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.

Sài Gòn – Boston (2009-2012)





(tiếp)


















Bên Thắng Cuộc
tập II

























(Hết)

















Trở về 




Danh Sách Tác Giả

Chân Dung Văn Nghệ Sĩ

Emprunt Empreinte





MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.