Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Nguyễn Bình Phương












Nguyễn Bình Phương
(1965 Thái Nguyên - ....)

Nhà văn, nhà thơ









Nhớ cho, hết lá vẫn còn cây
Hết cây. còn cả rừng mơ tưởng









Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. 
Tốt nghiệp khóa 4 trường Viết văn Nguyễn Du, ra trường chuyển về đoàn kịch quân đội, và sau đó là Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Nguyễn Bình Phương bắt đầu viết văn từ năm 1986 với tâp trường ca Khách Của Trần Gian. Là nhà văn quân đội, cấp bậc Thượng tá, Nguyễn Bình Phương âm thầm sáng tác và cho đến nay đã ra mắt tám tiểu thuyết và năm tập thơ, những tác phẩm đã từng gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc và giới sáng tác, phê bình. Nguyễn Bình Phương còn được xem là nhà văn tiêu biểu của văn chương đương đại Việt Nam.
Hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn.








“Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người”. 


NBP













Đi

Nguyễn Bình Phương

Những hàng cây lập lờ bồng bênh. Đôi ba căn nhà hư ảo, ma quái rải rác trong bóng tối ngai ngái. Trăng đứng giữa trời, tròn vạnh nhưng không toả rạng. Chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống đất làm thành con đường vàng nhạt, mỏng, sắc, vẩn những hạt bụi li ti. Người lính lầm lũi đi trên vệt sáng đó, chiếc ba lô sau lưng anh rộp lên như cái bướu khổng lồ, khẩu AK khoác chéo, nòng súng hờ hững nhô khỏi vai phải. Dáng người lính xương xương, đôi mày rậm đổ bóng xuống hốc mắt thành một quầng tối ảm đạm.

-Hai nhăm... ba mươi... ba mươi bẩy.

Người lính sải những bước dài, một bước chắc nịch xen một bước chênh vênh, cả người anh in sững trong vệt sáng vàng nhạt.

-Năm sáu... sáu mốt...

-Mình!

Tiếng gọi yếu ớt thoảng bên tai. Người lính dừng chân ngó quanh. Bốn bề vắng ngắt. Rìa đường, trong bóng tối, vài ba gốc cây đổ chỏng chơ. Một tảng đá hình chữ nhật nằm ép sát mé trái, nó giống chiếc quan tài khổng lồ. Người lính đánh mắt nhìn đôi bướm trắng, chúng bay theo anh từ lâu, bốn cái cánh chờn vờn thoắt ẩn thoắt hiện tựa bốn mảnh giấy vụn quấn quýt trong gió. Người lính nhíu mày, mấy nếp nhăn cựa quậy xô đẩy trên cái trán ngắn choằn của anh. Kỷ niệm chầm chậm rẽ lớp sương mờ hiện về:

-Mình thích không?

-Thích!

-Tìm cho em cái cặp tóc, nó rơi đâu đây thôi. Mai mấy giờ mình đi?

-Họ bảo tập trung trên huyện lúc bẩy rưỡi. Chán thật. Cặp của mình đây này. ở nhà chu đáo với mẹ một tý. Năm nay mẹ yếu lắm rồi đấy.

-Vâng. Mình đừng quên em đấy nhé.

-Quên thế chó nào được. Tôi sẽ về, nhất định sẽ về với mình. Tôi chỉ đi hai nghìn linh chín bước thôi.

-Không, hai nghìn linh tám cơ.

-Thì hai nghìn linh tám. Đúng hai nghìn linh tám, không hơn không kém, còn lại mặc kệ...

-Mình muốn nữa không?

-Có.

-Sao mình khoẻ thế!

Người lính mấp máy môi, anh sốc lại ba lô khiến chúng kêu leng keng. Không gian rì rào, cái rì rào thiêng liêng nơi sự sống không có mặt. Đôi bướm trắng bay ra từ gốc cây đổ, chúng lượn sát mép vệt sáng sau đó dấn lên rồi lại chìm vào bóng tối thăm thẳm.

-Ba trăm tám mốt, ba trăm tám hai... Bốn trăm... bốn trăm linh tư...

Người lính nhẩm đếm, anh cảm giác ai đó đang đi sau nhặt những con số của mình. Lại một tiếng thở dài. Ngày xưa cả thị trấn mắc bệnh thở dài, vừa hát vừa thở dài, vừa hôn nhau vừa thở dài... Mẹ ngồi bên bậu cửa nhìn đăm đăm ra đường, trên ban thờ, bố trẻ măng nhìn mẹ. Sau đó tất cả biến mất, chỉ còn lại tiếng thở não nề bất tận.

-Hai nghìn linh một... hai nghìn linh bốn, hai nghìn linh năm...

Người lính nhắm mắt khi nhận ra không khí ngả lạnh.

-Hai nghìn linh sáu...

Người lính rùng mình, anh mở choàng mắt và thấy mình đứng dưới chiếc cổng hình bán nguyệt. Chiếc cổng bằng đá xám liền khối, uy nghiêm, chắc nịch, hai cánh của nó trong suốt gợn mấy vết mờ. Hơi nước phả ra nghi ngút. Người lính hít hơi dài.

-Hai nghìn linh bẩy.

Anh mạnh dạn dấn bước đi xuyên qua cánh cửa sang bên kia. Nòng súng có một lực cản nhẹ. Trước mặt người lính là khoảng mênh mông màu nâu nhạt. Tít xa, cuối tầm mắt, loé lên vài ba tia sáng lấp lánh chỉ nhỏ bằng hạt cát. Người lính bần thần ngoái cổ, con đường anh vừa đi qua đã biến mất, ở đó chỉ còn một vệt mờ đang lịm tắt để lộ ra miệng vực đen ngòm.

-Mình!

Tiếng gọi bị cản bởi lớp cửa nhỏ dần nhỏ dần cùng đôi bướm. Bốn cái cánh lảo đảo rơi theo chiều nghiêng. Người lính thở hắt, đầu anh loãng ra sau đó trở nên nhẹ nhõm tinh khôi.

Người lính bước và đếm lại từ đầu:

-Một, hai, ba, bốn...

Những bước chân bây giờ y hệt lúc đầu, nó nhẹ nhàng, châng lâng.

-Mười tám... hai mốt...

Người lính không biết khi vượt qua vòm cổng, anh đã bước sang bên kia mặt trăng, ở đấy vĩnh viễn chỉ có hai nghìn linh bẩy bước.








Tác phẩm







1

Bả Giời
Nxb CAND






2
Vào cõi
Nxb Thanh niên, 1991






3
Những đứa trẻ chết già
Nxb Văn học, 1994







4
Người đi vắng
Nxb Văn học, 1999






5
Trí nhớ suy tàn

Nxb Thanh niên, 2000



Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, độc thoại chiếm một tỉ lệ cao. Đó là những ý nghĩ chồng chéo dằng dặc giữa thực và mộng mị, sự chắp nối những ám ảnh, sợ hãi và giấc mơ,... Nhà văn dường như không có ý can thiệp, phân tích tâm lí nhân vật mà chỉ "kể" về diễn biến tâm lí của nhân vật. Trong Trí nhớ suy tàn, đó là dòng độc thoại miên man của “em” với những câu văn trong veo. Như tiếng chuông gõ. Giàu chất thơ. Tuy thế, nhân vật của Nguyễn Bình Phương thơ trong cõi vô thức, kí ức bao nhiêu thì lại khốc liệt bất nhẫn bấy nhiêu trong hiện thực. Khi nhân vật được "thả" ra cõi thực, ngôn từ trở nên thô nhám, nhiều khi tục tĩu. Đọc Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Ngồi, thấy những từ thông tục, từ tục (mà nhân vật dùng) xuất hiện với tần số cao và có xu hướng ngày càng công nhiên. "Chuẩn mực tính" của ngôn từ văn học truyền thống bị phá vỡ. Có lẽ, với lối hành văn dùng từ như thế, Nguyễn Bình Phương muốn khai thác triệt để những ưu thế của thể tiểu thuyết để thể hiện sự hỗn tạp của cuộc đời. Anh muốn chất liệu ngôn từ phải được khai thác bình đẳng trên cùng một mặt sân giá trị. Ranh giới giữa tính đặc tuyển và tính thông tục ở đây bị cố ý làm mờ. Tuy nhiên, nếu cực đoan hơn nữa, sự cách tân theo lối này có thể đi quá “giới hạn văn chương” theo cách nhìn của nhiều bạn đọc Việt Nam (một kiểu bạn đọc khá “bảo thủ”!). Diễn tả thế giới vô thức, văn chương Nguyễn Bình Phương không bị rối rắm. Có thể coi đây là những trang viết giàu chất thơ nhất của anh, thể hiện sinh động những vùng “hiện thực mờ”, vùng khuất lấp và cả sự thánh thiện trong cõi sâu thẳm mịt mù của con người. ở đây, ngôn từ của người làm thơ đã giúp ích cho anh rất nhiều.


Phùng Gia Thế 







6

Thoạt kỳ thuỷ


Nxb Hội Nhà văn, 2004


Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương, đầy huyễn mộng, viết về hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn. Khởi đi từ cá nhân một đứa trẻ, lọt lòng mẹ vô tội, đến trưởng thành máu mê, tự diệt. Thoạt kỳ thủy là hậu quả việc trồng người trong môi trường thường trực kích động chiến tranh. Là chuyện nhỡn tiền nhân quả. Là thế giới con người trong vòng u mê, tử khí. Thoạt kỳ thủy khởi tố những cách dìu dắt trẻ thơ về những con đường chém giết, là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu những nguy cơ của mảnh trần gian lấy bạo lực và dốt nát làm cẩm nang giáo dục con người.









7

Ngồi


Nxb Đà Nẵng 2006, Nxb trẻ tái bản 2013






8
Xe lên xe xuống
Nxb Diễn Đàn Thế kỷ 2012 (Hoa Kỳ)

Ðây là cuốn tiểu thuyết được Phương viết xong năm 2010 nhưng bị các nhà xuất bản trong nước từ chối in ấn và nó được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên “Xe lên xe xuống”. Mãi đến năm 2014 nó mới được nhà xuất bản Trẻ chấp nhận. Ngay lập tức “Mình và họ” nhận được hoan nghênh hưởng ứng của giới văn chương và độc giả. Có thể nói về tư tưởng và nghệ thuật đây là cuốn sách đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương. Anh lấy nguyên cớ trận chiến biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984 để chuyển tải một thế giới con người Việt hiện đại, đa dạng và sinh động. Những con người dần mất đi cảm xúc trước các vấn đề cuộc sống kể cả cái ác. “Mình và họ” được Hội Nhà văn Hà Nội bỏ phiếu tuyệt đối trao giải thưởng thường niên. Cũng rất khác biệt ở cuốn tiểu thuyết này khi nó được bạn đọc ở Mỹ tán thưởng, điều rất khó chấp nhận khi tác giả là một sĩ quan quân đội và thường thì rất ít tác phẩm trong nước được độc giả ở Mỹ chào đón. 

(theo Vietnam.net)




8'

Mình và họ


Nxb Trẻ 2014







CÒN TRÊN CẢ HAY


Bản thảo tiểu thuyết Mình và họ tôi được tác giả đưa cho đọc đã khá lâu rồi. Nó hay quá chừng đối với tôi. Nhưng mãi không thấy được xuất bản. Không phải sách của mình mà thấy buồn bực. Bây giờ sách ra, trước tiên ngẫm thấy ân hận là mình đã vội nghĩ không phải về các “ông” xuất bản nước mình.

Theo cách đọc đã thành nếp quen và cố nhiên là cũ kỹ của mình, với tôi, văn học VN sau năm 1985, hạng nhất, ngoài các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp như Không có vua, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Sang sông... là các tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn và Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, kế nữa là Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Rồi thì dừng lại.

Không phải là trong hơn chục năm qua không xuất hiện những tác phẩm hay, thậm chí rất hay, tuy nhiên vẫn thấy chưa cuốn nào, chưa một ai tới được tầm của các tác phẩm và tác giả kể trên. Cho tới bây giờ thì đã có cuốn này - Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cố nhiên đấy là tôi nghĩ thế, người đọc khác nghĩ khác.

Mình và họ là người bên mình với người bên kia biên giới, là người dương người âm, là người còn kẻ mất... Và là một trong những bi kịch lớn nhất của đất nước, bắt đầu từ năm 1979, hoặc đúng hơn là từ ngàn xưa. Không dày, không đồ sộ, nhưng cô đọng và sâu sắc. Là một tiểu thuyết rất không dễ đọc đối với tôi, nó thách thức lối đọc văn học xưa giờ tôi vẫn quen, song trang này tiếp trang khác, trường đoạn này qua trường đoạn khác, Mình và họ hoàn toàn chế ngự tôi.






Nguyễn Bình Phương:

Không Thể Tẩy Xóa Lịch Sử Giữ Nước 



Nhà văn Nguyễn Bình Phương trong tiểu thuyết Mình và họ không chỉ lột tả tâm trạng người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mà phơi bày cả một vùng cư dân biên địa đều trở thành chứng nhân lịch sử.

Mặc dù hoàn thành từ năm 2010, đến nay Mình và họ mới được NXB Trẻ ấn hành chính thức.

Nguyễn Bình Phương vừa dành cho Tuổi Trẻ mấy lời trao đổi ngay khi sách được phát hành.

* Năm 2010, trên tờ Văn Nghệ Trẻ, nhà văn Bảo Ninh với “một chút buồn cho bản thân” có “bóng gió” nói đến một tuyệt tác của một nhà văn đàn em “không già không trẻ”... Giờ thì tác giả của Nỗi buồn chiến tranh khẳng định “sách lúc đó chưa được xuất bản nhưng ai cũng biết là tôi nói tới Mình và họ của Nguyễn Bình Phương”. Còn lúc đó, đọc bài đó, anh nghĩ gì?

- Hơi vui, vì tôi nghĩ nhà văn Bảo Ninh là người cũng khó tính, thậm chí là kiêu ngạo trong nghề, ông ấy khen thì chắc là bản thảo ấy của mình cũng ổn. Nhưng thú thật là tôi cũng hơi... ngượng, vì tôi chưa quen với những lời khen.

* Đọc tiểu thuyết Mình và họ, thấy cuộc sống của cư dân vùng biên giới phía Bắc hiện ra khốc liệt hào sảng mà cũng đau thương quá. Điều gì gây cảm hứng cho anh để anh bắt tay viết tiểu thuyết về đề tài này? Anh đã thu thập tư liệu từ những nguồn nào?

- Tôi có một quãng tuổi thơ dài dặc gắn với núi rừng phía Bắc, sau đó lại có thời gian công tác trên mạn biên giới, và sau này vẫn thường xuyên theo bạn bè đi chơi trên đó nên cũng có chút hiểu biết và tình cảm với vùng đất này.

Điều gì gây cảm hứng cho tôi ư? Thật khó mà trả lời cho rạch ròi. Không rõ các nhà văn khác thế nào, riêng tôi thì trước khi viết, mọi thứ cứ lờ mờ, mang máng, cứ quẩn quanh trong đầu rồi một lúc nào đó nó bật ra và mình bắt tay vào cày xới, thế thôi. Tôi đi nhiều, nghe nhiều, đọc cũng... tàm tạm và các tư liệu ấy là thành quả của mỗi nguồn một tí, hóng hớt một tí, đọc một tí, thấy một tí và hình dung một tí.

* Nếu theo dõi các không gian truyện từ những bộ tiểu thuyết trước đây kiểu Một thời ngang dọc, Lửa hận rừng xanh, thì Mình và họ có không gian hiện đại với chiếc điện thoại di động và máy bộ đàm, nhưng những góc tối trong cuộc sống như phỉ, cướp, các đường dây tội phạm... thì vẫn còn đâu đó...

- Chỉ bằng cảm nhận thì tôi thấy về căn bản, con người ở vùng cao ít biến chuyển, có thì chỉ là một bộ phận nho nhỏ, còn lại vẫn cứ hoang hoang, chân chất thế. Nhiều chuyến đi, vượt qua cả chặng dài ngoắt ngoéo, chênh vênh, lên đỉnh ngó xuống, tôi phải tự thú nhận rằng ở vùng cao, thay đổi thật chẳng dễ chút nào.

Tôi có ấn tượng với cái đoạn miêu tả ba người thợ săn đứng ven đường trong đêm, khi ấy tôi viết đại khái rằng đứng ven đường, giữa ánh sáng chiếu vào, họ là thợ săn, nhưng lùi vào bóng tối, họ là phỉ. Con người là thế, mấp mé giữa các ranh giới mà “ranh giới nào cũng hiểm nguy” cả. Đấy là lời một nhân vật trong cuốn sách này của tôi đã nói thế.

* Thú thật là có cảm giác “người đọc phải làm việc nhiều” khi theo dõi mạch truyện bởi cách viết trùng điệp nhiều tuyến truyện cùng phát triển như trong Mình và họ với các chuyến đi lên đi xuống được đan xen. Anh có chịu ảnh hưởng của ai trong kỹ thuật viết như thế này, hay anh cố tình sáng tạo ra một kiểu viết độc đáo để... tìm tri kỷ?

- Tôi nghĩ về căn bản, kỹ thuật viết của tôi ở các cuốn vẫn thế, các tuyến vẫn song song với nhau, như Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy... Có khác là ở chỗ các cuốn trước ít có sự di chuyển, còn cuốn này thì bản chất là di chuyển, luôn luôn di chuyển lên xuống và tôi cố gắng viết như một dạng du ký với các chi tiết cũng cố gắng tỏ ra... thật hơn cho khớp với tính chất đó. Tóm lại là một kẻ ảo kể một câu chuyện cực thật.

* Mình và họ hé mở về đề tài cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng cũng cho thấy sự khốc liệt thời ấy và cả cái bóng chiến tranh ám ảnh day dứt thời hậu chiến. Anh có cho rằng đề tài này cần được viết tiếp? 

- Tác phẩm này của tôi đúng là chỉ hé mở, chứ trọng tâm chưa hẳn là đổ dồn về chủ đề ấy. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã có người viết, thậm chí nhiều người là đằng khác, và sẽ còn nhiều nhà văn nữa quan tâm để viết tiếp. Điều ấy là hiển nhiên vì đây cũng chỉ là một chủ đề như bao chủ đề khác, bởi sự kiện đã xảy ra và đã là một phần không thể tẩy xóa của lịch sử giữ nước. Vấn đề ở chỗ cách khai thác, cách xử lý và mục đích của mỗi nhà văn khi viết về chủ đề này thế nào mới là quan trọng. 

Theo Tuổi Trẻ - LAM ĐIỀN thực hiện







Tập Thơ





1
Khách của trần gian
Nxb Văn Học 1986





2
Lam chướng
1992





3
Xa thân
1997





4
Từ chết sang trời biếc

?






5
Buổi câu hờ hững
Nxb Văn Học





6
Xa Xăm gõ cửa
Nxb Văn Học 2015





7
Một Ví Dụ Xoàng 
Nxb Hội Nhà Văn
Tiểu thuyết
(2021)










Đọc thơ Nguyễn Bình Phương













Nguyễn Bình Phương: 
U uất, sợ người nhưng trời nhiều mây trắng


TP - Đồng nghiệp biết tôi đi phỏng vấn Nguyễn Bình Phương kèo thêm một câu: Nhớ hỏi vì sao sách của anh “khó đọc” thế nhé!. Phương với ấn tượng rụt rè, khó tính, ngại giao tiếp hóa ra đều sai cả trong “tổng hành dinh” của anh: Tạp chí văn nghệ Quân đội. Cuộc trò chuyện chốc chốc lại bị cắt ngang vì đủ thứ sự vụ cần một Tổng Biên tập giải quyết.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương. 
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Một năm ra hai cuốn sách: “Mình và họ” (tiểu thuyết) và “Xa xăm gõ cửa” (thơ), thấy hai đơn vị làm sách đều kêu là dụ dỗ thế nào cũng không mời được Nguyễn Bình Phương tham gia họp báo, ký tặng sách. Nguyên tắc của anh à?
Tôi hơi ngại đám đông. Cái tạng của mình nó không hợp với những việc như thế.

Tạng của Nguyễn Bình Phương là gì?
Có lẽ hơi u uất một chút!

Trong giới anh cũng nổi tiếng là người lười giao tiếp, họ bảo gặp anh khó lắm?
Tôi vẫn gặp gỡ, uống rượu với bạn bè. Nhưng không ham. Vài ba người tụ tập có thể là tinh túy, nhưng năm người trở lên là nhức đầu.

Anh không có nhu cầu chia sẻ với đồng nghiệp?
Nhà văn cũng chả cần chia sẻ. Có gì thì viết ra thôi. Để mất đi lớp tuyết đầu tiên của suy nghĩ thì chán. Tôi nghĩ thế!

Từ khi lên chức đến giờ, anh viết thế nào?
Bốn tháng rồi, chưa viết được gì mới dù đang rất thèm viết. Tôi vẫn đang sửa chữa một cuốn tiểu thuyết khác.

Một số người thích văn anh thậm chí đã lo anh sẽ bị những sự vụ hành chính làm mất hứng?
Tôi sống bằng nghề chữ nghĩa, chắc là kiểu gì rồi cũng sẽ thu xếp để viết được.

Anh vừa nói đang sửa chữa một cuốn tiểu thuyết, như vậy là nó có thể sắp xuất hiện?
Chưa nói chắc được. Tôi viết khá nhanh nhưng sửa chữa rất lâu. Có cuốn viết mất một năm nhưng sửa mất hai ba năm. Từ bản thảo đầu tiên của tôi đến bản in khác nhau một trời một vực là thường.

Trước khi viết, anh có làm đề cương hay lên một kế hoạch cụ thể?
Không không! Việc viết đối với tôi giống như đi theo một lực hút bí ẩn không biết phía trước là gì. Tôi kệ bản năng dẫn dắt. Để nó trôi dạt, lênh đênh. Khi sửa chữa mới dùng lý trí và kỹ thuật can thiệp vào.

Trong quá trình chìm đắm ấy, những người xung quanh anh có nhận ra là anh đang bị chữ nghĩa “hành” không?
Chắc là có. Bởi vì những lúc ấy trông sẽ hơi phờ phạc. Nhưng viết ra được thì thích. Thấy người khỏe ra.

Trong câu chuyện anh hay bận tâm đến vấn đề sức khỏe, cứ như một dấu hiệu tuổi tác?
Sức khỏe quan trọng chứ. Để tốt cần khỏe, để ác cần khỏe, để chết cũng cần khỏe.

Cuộc sống của anh, ngoài văn chương?
Là một công chức đơn điệu điển hình. Sớm vác ô đi tối vác về.

Hình như còn không thạo internet, vậy nguyên liệu để anh chế biến trong tiểu thuyết lấy từ đâu?
Để nhân vật có mùi, vị, màu sắc nhà văn phải sống, va đập và tưởng tượng tốt. Cũng có thể vì không thạo internet nên nhân vật của tôi không cập thời lắm.

Anh có từng nghe giới phê bình nhận xét văn của anh ảnh hưởng người này người khác?
Ảnh hưởng khó lắm, bắt chước thì dễ. Vì muốn ảnh hưởng phải hiểu được cái lõi, bản chất và tinh túy của người ta, tìm ra được những thứ này ở các thiên tài đâu phải dễ.

Anh đọc vào lúc nào?
Thường tôi dùng toàn bộ buổi tối để đọc.

Anh đang đọc gì?
“Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa và “Người nuôi giữ bồ câu”.

Thực lòng mà nói, công việc viết lách hấp dẫn anh ở điểm nào?
Người ta có thể làm ra rất nhiều thứ mà sau đó những thứ ấy không thuộc về họ. Nhưng văn chương lại khác. Nhà văn viết ra chữ nào thì chữ ấy là của anh ta, chỉ của anh ta. Dù sau đó người ta đọc nó kiểu gì, khuấy đảo, nhào lên trộn xuống ra sao, hay tô son trát phấn, cũng vẫn không cướp được chữ của nhà văn.

Một trong những lý do người ta hay vu cho cái sự khó đọc tác phẩm của anh là vì nó “nhiều u uất”, anh thấy sao? ?
Tâm hồn người ta luôn có một vùng tối. Nếu con người chỉ có mặt sáng thì sẽ là một loài rất đơn giản. Trong lúc ta bắt đầu buổi sáng thì ở một nửa bán cầu còn lại bắt đầu đêm tối. Có lúc nào loài người cùng hưởng một bình minh chung đâu?

Lại nói cái vùng tối ấy ta không diệt hết được vì không chỉ nó có sẵn mà nó còn phát triển hàng ngày hàng giờ. Ta chỉ có thể dò dẫm, cố gắng tìm hiểu, phân tích nó, rồi tìm cách sống chung với nó. Tôi thì tôi cho rằng con người đi đâu rồi cũng gặp lại mình và loanh quanh khám phá cái vùng tối của chính mình thôi. Cuộc sống con người, “xét cho cùng, từ khởi nguồn đến giờ, chưa hề mất đi một cái gì, kể cả sự mông muội” (Mình và họ).

Cũng có một nhà phê bình nói rằng, tiểu thuyết mới nhất của anh “Mình và họ” có u uất lắm đâu, vì nó có rất nhiều đám mây. Những đám mây bay ở bên trên cuộc chiến.
Có nhiều người gặp tôi vỗ vai khen “viết về chiến tranh ác liệt thế”. Nhưng nếu nói “Mình và họ” viết về chiến tranh thì không đúng. Chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, một cái cớ để tôi nói những chuyện khác. Như chuyện về sự bàn quan giữa con người với con người, chuyện ác một cách hồn nhiên…

Nhưng mà cũng chẳng sao. Việc hiểu lệch đi của người đọc sẽ kéo dài tuổi thọ cho một tác phẩm. Nếu người ta hiểu một phát đúng luôn thì thế là tác phẩm xong rồi.

Hình như tác phẩm nào của anh xuất hiện cũng hứng nhiều khen chê tranh luận. Trong khi bố vợ anh, ông Hoàng Ngọc Hiến lại chưa từng viết gì?
Cụ không viết gì có cái hay. Tránh đàm tiếu. Mồm thiên hạ là thứ không lường được.

Làm rể một ông bố nổi tiếng, anh có áp lực không?
Không. Mỗi người có một con đường đi riêng. Đời tôi không có thần tượng, vì thế cũng không run rẩy trước người nổi tiếng hoặc có quyền lực cao. Mà này, tôi nghĩ hình như tôi cũng là người nổi tiếng đấy chứ.

“Xa xăm gõ cửa” mặc dù mới in nhưng cũng không phải là tập thơ mới của anh. Bao lâu rồi anh không làm thơ?
Tôi vẫn làm đều. Chỉ có điều cứ ém trong kho, thỉnh thoảng lôi ra nhìn đi ngắm lại, sửa chữa, thêm thắt với khoái cảm thầm kín. Đến khi chán rồi thì mới đem đi in. 


Nguyễn Bình Phương tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV. Nổi bật ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ.

Các tác phẩm đã xuất bản:

Tiểu thuyết: Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Mình và họ (2014).

Thơ: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa (2014).

Hiện Nguyễn Bình Phương là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.







Thụy Khuê

Thoạt kỳ thủy trong vùng đất
Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương



Năm mươi người trai chết ở trên ngàn
Năm mươi người gái chết chìm dưới bể
Thơ Nguyễn Bình Phương


Thoạt kỳ thủy, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Bình Phương, viết xong từ tháng 8 năm 1995, nhưng đến tám năm sau, tháng 8 năm 2003, tác giả mới "chỉnh sửa" lại để in và để được in, nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã phát hành tại Hà Nội đầu năm 2004. Nghe đâu, phần "chỉnh sửa" cũng mất hàng trăm trang. Đối với một cuốn sách nhỏ, 163 trang, "chỉnh sửa" như thế là nhiều và có lẽ đó là một trong những lý do khiến người đọc đôi lúc có cảm tưởng hụt hẫng, không hiểu gì cả. Nếu Thoạt kỳ thủy được in cùng thời với tập trường ca Khách của trần gian (nxb Văn Học, Hà Nội, 1996) thì có lẽ người đọc dễ tiếp nhận hơn, vì thơ "dẫn" cho văn, văn "vận" vào thơ, bởi Bình Phương là nhà văn có "căn" thơ và giữa hai tác phẩm lấp ló những đầu mối chung của một "luận đề", nếu chúng ta công nhận có một luận đề trong Thoạt kỳ thuỷ.

Thoạt kỳ thủy là một cuốn tiểu thuyết khác thường, khó đọc, bởi lối hành văn và cấu trúc truyện rất lạ, một thứ "thoạt kỳ thủy" trong văn chương mang dấu ấn sáng tạo. Nhưng sáng tạo nếu chỉ lạ, chỉ kỳ không chưa đủ, còn phải có gì khác nữa. Vậy đâu là những yếu tố "khác" trong tác phẩm "kỳ thủy" này?

Trước tiên, trong Thoạt kỳ thủy, Bình Phương không liên lạc sự kiện, diễn biến với nhau. Trước mỗi bối cảnh, người viết như muốn ở cùng vị trí với người đọc, để cùng quan sát, tiếp thị. Tác giả không đứng ở vị thế chủ thể sáng tạo, mà chỉ muốn là một kẻ ghi chép, không hơn không kém.

Chúng ta thử đọc những dòng đầu cuốn Thoạt kỳ thủy:

"Mười một giờ mười.


Con cú giật mình chới với rơi từ vòm lá sung xuống. Không tiếng nổ, không người. Một vật gì bằng ngón tay cái đã nhằm trúng ngực nó.

Con cú dang rộng đôi cánh màu hoa mơ, cố cất lên, nhưng không được. Một bên cánh mỏi dừ, nặng nề sã xuống... Nó kêu mấy tiếng nhỏ, bất lực để cơ thể chạm nước. Bóng cây sung vỡ tan, loang rộng thành những vòng tròn mịn và nổi gồ.

Nước thong thả chảy.

Trưa, vắng.

Chiếc bè vó lầm lũi áp dần vào bờ trái. Trên bè vó một người đàn bà ngồi vắt vẻo ru cho đứa bé trai ngủ.

Bên kia, bãi ngô, nóc nhà, ngọn cây của dân xóm Soi đột ngột dâng cao.

Nước ngấm qua lông, chạm vào da khiến con cú tỉnh táo lạ thường. Nước mơn man vuốt ve bụng nó. Đôi chân con cú thu gọn lại, áp sát vào ức. Và nó thấy khoan khoái vì trạng thái dập dềnh nhè nhẹ.

Xa xa, rặng bạch đàn xanh mờ chạy thành bức tường chắn ngang sông cái.

Con cú tròn xoe mắt nhìn hai bên bờ. Nó trôi theo dòng nước, chậm rãi, lờ đờ.

Người đàn ông què chống gậy chui từ bè ra, đến phiá sau, vạch quần đái. Tiếng nước chạm nhau ồ ồ, dai dẳng, xen với tiếng ho khan.

*

Liên bưng mâm cơm từ bếp lên. Khi lách qua cửa nhà, cạnh mâm chạm vào thành cửa, xô nghiêng. Một đôi đũa rơi xuống. Một chiếc bát trượt ra mép tay. Liên lúng túng cố chỉnh mâm cho cân. Phước, chồng Liên đang ngồi trên giường, tay mân mê cái chén, nhắc vợ:

- Cẩn thận.

Bát rơi.

Tiếng vỡ thô, đanh.

Liên hạ mâm, toan quay lại nhặt mảnh vỡ, bị Phước đạp thốc vào bụng. Liên cắn răng ôm bụng ngồi bậc cửa, đầu tỳ lên cánh tay. Bụng Liên to, vồng tròn.

- Hết tiền à?

Phước hỏi.

- Hết.

Liên đáp, nhẹ hơn gió. Phước bặm môi, nén tiếng thở dài.

Lúc ấy môi Phước xám đen, run run.

- Không có rượu, cơm cũng thành cứt.

Thôi, dọn đi!

Mâm cơm lại về bếp.

Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách. Không có rượu, Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ. Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm.

Liên sang bên vợ chồng Điện, lúc về, xách theo nửa chai rượu trắng đục. Mắt Phước sáng rực, trìu mến.

Liên đặt chai trước mặt chén, Phước vồ lấy. Liên hỏi:

- Lúc nãy anh đạp chết con thì sao?

Phước tợp chén, cười:

- Chết thì đền.

Liên ôm mặt, tóc xõa ra:

- Mạng người không phải là cái lá...

Phước hồ hỡi:

- Thiếu đếch gì, còn khối!"

(Trích Thoạt kỳ thủy, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2004, trang 9-12).


Đó là khung cảnh thien nhiên và nội cảnh gia đình trước khi Tính, nhân vật chính ra đời.

Trích đoạn trên đây biểu hiện lối văn trong Thoạt kỳ thủy, văn viết theo cấu trúc thơ, mỗi câu là một thực thể độc lập, và chúng không nhất thiết phải liên lạc với nhau: "Liên ôm mặt / Tóc xõa ra / Mạng người không phải là cái lá / Phước hồ hỡi / Thiếu đếch gì, còn khối". Năm câu cùng trong một mạch văn, nhưng vị trí có thể thay đổi, ví dụ nếu ta thử viết lại theo cách khác:

- Mạng người không phải là cái lá. Tóc xõa ra. Liên ôm mặt.

- Còn khối, thiếu đếch gì. Phước hồ hỡi

vẫn "đọc" được!

Không những thế, mỗi câu còn gói trọn một "xen": Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách / Không có rượu / Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ / Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm.

Như thế để thấy rằng, truyện này có thể đọc xuôi, đọc ngược, đọc từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đều "được" cả! Cấu trúc lắp ghép, cắt dán của hội họa, cho phép mỗi độc giả có thể tự sáng tạo ra một lối đọc riêng. Và vì có thể có nhiều "sự đọc" khác nhau, cho nên có nhiều cách hiểu khác nhau, và do đó tác giả đã tạo ra một mê đồ trận.

Vì mỗi câu đều có thể đứng riêng một mình và đều có khả năng tạo một hình ảnh, một bối cảnh độc lập, cho nên khi lắp ghép một cách vô trật tự những câu ấy với nhau, tác giả đã tạo ra lối nói, lối mơ của người điên, của một cộng đồng bị đẩy ra ngoài lề xã hội, nhưng lại là hậu quả không thể giấu diếm, loại trừ được, mà Tính là biểu hiệu nhỡn tiền. Những giấc mơ điên của Tính hoà hợp sâu sắc giữa mê và tỉnh, giữa sự thực trần trụi đã bị xoá nhoà nhưng vẫn trổi dậy thành một thực thể hỗn loạn trầm uất trong mơ.

Đây, chắc chắn không phải là một truyện viết theo lối truyền thống, vì vậy cũng cần những cách đọc không truyền thống. Trước hết, văn tuy viết theo lối thơ không vần, nhưng không phải thơ, mà lại gần kịch.

Kịch, ở điểm vào đầu có một chương giới thiệu các nhân vật.

Kịch, ở điểm bỏ hết giải thích, bỏ mọi liên lạc giữa những diễn biến xảy ra.

Kịch, ở điểm phi tang mọi hình thức kể.

Nhưng lại không kịch ở chỗ: chẳng cứ người, mà cả cảnh lẫn vật đều có thể nói. Không kịchở chỗ: ngoài đối thoại, mọi hình thức diễn đạt khác đều có thể hiện diện trong tác phẩm.

Những yếu tố vừa kịch vừa phi kịch vừa thơ vừa phi thơ này chính là những mấu chốt cấu trúc tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy.

Trang đầu, màn kịch mở ra, không phải người mà cú xuất hiện. Trang chót đóng lại, cũng trên hình ảnh và động tác của cú. Trong màn chót này Nguyễn Bình Phương dường như muốn tạo ra một cảnh mới về tận thế:

"Mười hai giờ.
Con cú nhắm mắt, sau đó lại mở. Cái xoáy nước chỉ cách nó một chút. Dòng sông chảy băng băng dưới bụng.
Con cú hít một hơi dài, ngực đau buốt.
Nó hít hơi nữa. Hơi nữa...
Hai bên bờ, những vạt ngô lao vùn vụt thành bức tường xanh.
Mặt đập hiện ra, lừng lững, tàn nhẫn.

Đột nhiên, bằng sức mạnh phi thường, con cú kêu lên một tiếng xé lòng. Nó xoè cánh, cất mình lên theo đường thẳng đứng. Hai chân con cú quặp chặt lấy nước. Dòng sông khựng lại. Nước bị kéo lên như tấm vải

Con cú rướn người.
Dòng sông níu nó bằng toàn bộ khối lượng của nước, lá mục và váng mỡ.

[...]

Và dòng sông bị đứt khỏi đôi bờ." (sđd, trang 155-156).

Lồng trong những hình ảnh cực kỳ siêu thực, ý niệm thời gian trở nên rất mơ hồ: kịch mở màn mười một giờ mười, kết thúc mười hai giờ, không ngày tháng, tạo cảm giác như thể từ thoạt kỳ thủy đến hồi chung cục, kể như từ lúc Tính sinh đến lúc Tính chết, bi kịch chỉ kéo dài 50 phút, thời gian diễn một vở kịch vừa.

Quan hệ giữa người và cú là một quan hệ mở, từ người đến cú mất bao nhiêu năm? Và từ cú lên người mất bao ngày tháng? Không biết. Chỉ biết rằng: Trong năm mươi phút, con cú đã khép tròn vòng quay, về một cõi nhân sinh có dòng sông bị đứt khỏi đôi bờ, về một cõi sống sa lầy trong chém giết, trong dốt nát tối tăm, trong dục vọng không được thoả mãn, trong bạo lực không kiềm chế được: một vũ trụ không chỗ dung thân cho cả người lẫn cú, từ lúc khai nguyên đến hồi tận thế. Và vũ trụ này, Nguyễn Bình Phương đã từng diễn tả trong thơ:

Bãi tha ma Linh Sơn hoang vu
Cây Cậm cam rờn xám
Cơn sốt dậy sắc hồng hồng quái dị
Trong vàn lá tí xiu
Những tiếng thở não nề dần chết
Những vực thẳm lặng lờ
Mạch rễ vươn chậm chậm...
Con đường trắng lừ lừ đi xuống nước
Bè vó ngủ
Giấc mù loà màu đá gan gà
Một cái bóng xanh xao trùm qua đỉnh núi
Một người mẹ run run tay đặt lên bụng
Giờ nào con ra?

[...]

Năm 1965
Tháng Giêng
Ngày 29

Con rắn mào rời núi
Một chú bé ra đời cười sằng sặc
Lăn hai vòng
Rồi đi
Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi
Đêm ấy đám người điên
Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo
Đêm ấy những hàng cây đại thụ
Long rễ và héo rũ

(trường ca Khách của trần gian)



Những yếu tố: Tha ma, vực thẳm, sắc hồng quái dị, người điên, cười sằng sặc... đã xuất hiện, đã xuất hiện từ ngày người khách trần gian ấy chào đời, vào đời cùng với:


Những đứa trẻ tuổi trâu
Những đứa trẻ tuổi hùm
Những đứa trẻ chết già bên đường
Những đứa trẻ ngủ mơ màng trong cỏ
Những đứa trẻ trẹn mây chăn chim
Những đứa trẻ dưới nước chăn cá
Những đứa trẻ mồ côi trôi vĩnh viễn
Trôi như một nụ hoa tái nhợt
Trôi không nở bao giờ
Những đứa trẻ cuồng nhiệt dứt một ngọn lửa
Những đứa trẻ thờ ơ nhập một cây khô
Những đứa trẻ đêm đêm gào thét
Những tảng đá màu huyết thanh
Nằm ngoài rìa nghĩa địa

( Trường ca Khách của trần gian)

Mấy ai để ý đến những đứa trẻ? Đến những đứa trẻ chết già này? Ai biết Bình Phương sinh ngày 29/12/1965? Ai biết bối cảnh vào đời, hay vào cõi của những người khách trần gian cùng chung một "thoại kỳ thủy" như Tính? Vậy bây giờ chúng tôi mời bạn vào thăm vùng đất ấy, vùng chôn rau cắt rốn của Tính và những đứa trẻ chết già:

Thoạt kỳ thủy, màn mở, chưa thấy người, nhưng bạo lực đã xuất hiện: con cú bị một vật gì bằng ngón tay cái ném trúng ngực, rơi xuống sông, và dòng nước -vẫn thong thả chảy như chẳng có chuyện gì xảy ra- vô tình băng bó vết thương cho con vật.

Rồi người xuất hiện, với cử chỉ thô tục (vạch quần đái) làm ô uế dòng nước, làm vẩn đục môi trường, làm tha hóa dương gian với những cục cằn và tàn nhẫn, bằng lời nói và hành động.

Phước, người cha, kẻ thống trị trong gia đình, hơi có máu điên, là một tay nghiện ngập, thô lỗ, chỉ biết thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lúc thèm rượu gặm đít chén canh cách, sẵn sàng tặng cho con (còn trong bụng mẹ) những cú đá điếng người và thích cho nó nghe (vẫn từ trong bụng mẹ) những âm thanh cục cằn, những lời lẽ coi rẻ mạng người như rác. Những lời khinh mạn khi nói về mạng người "Thiếu đếch gì, còn khối!", vừa như muốn dọa trước: mày còn muốn "chào đời" nữa không? vừa biểu hiện "mặt bằng" của một xã hội lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh nhân mạng, bởi từ trên xuống dưới, chẳng ai coi mạng người ra "cái đếch" gì.

Liên, người mẹ, sau khi bị đánh, đi vào núi Hột đập đá. Và nàng cứ chung thân sống kiếp khổ sai đập đá. Liên không có khả năng phản hồi, trong nàng, tất cả đều tê liệt. Trăm phầm trăm tê liệt: Liên thuộc lớp người cầu an, thấp cổ bé miệng, bị ngược đãi, bị bạo hành, nhưng không có cách gì khác ngoài việc cộng sinh với kẻ bạo hành, đẻ ra đứa con là Tính. Liên và Hiền, vợ Tính sau này, là hai người phụ nữ, biểu dương tâm thức cộng đồng, tâm thức bầy đàn, chịu trận. Muốn yên, họ đành câm nín, chịu đựng, sống cho qua ngày.

Người tạo ra bạo lực, người dồn nhau trong bạo lực, người sống trong bạo lực, nhưng không chỉ có người dồn người trong bạo lực. Ở đây, cả đến cây, cỏ, chim chóc, cả đá cũng bị bạo hành. Núi Hột bị đập, bị khoét vẹt một nửa "như một cơ thể bị mất thịt, rướm máu".

Đang đập đá, Liên đau đẻ và sinh ra Tính.

Từ lúc Tính được cấu tạo trong bào thai, bắt đầu thời của Thoạt kỳ thủy.

Vậy, thoạt kỳ thủy, có thể hiểu là từ lúc sơ khai; từ lúc chưa ra đời, Tính đã tiếp nhận bạo lực, qua những cú đá thốc của người cha độc tài và nghiện ngập, từ trong bụng mẹ. Ngoài bạo lực đến từ người cha, cũng từ thoạt kỳ thủy, trăng đã xuất hiện, một vầng trăng đe dọa, đàn áp:

"Vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại.

Trăng không đi hình vòng cung lên cao. Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời. Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết." (trang 14-15)

Lọt lòng mẹ, Tính đã thấy trăng, và Tính đã biết sợ. Tính đã co rúm người lại, đã gào thét như thấy ngáo ộp. Trăng không vòng vo lưỡi liềm mà trăng chọc thẳng vào tính, vào nhân tính, vào con người, vào tính người, trăng trực tiếp can thiệp, trăng choán kín bầu trời, trăngchiếm hữu phần dưỡng khí, trăng làm cho người "ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng lạnhlẽo, rên riết".

Mỗi hình ảnh đều lạ thường quái đản, không còn dây dưa gì với những ý nghĩa thông dụng nữa. Mỗi câu, mỗi chữ, là một ẩn dụ bí mật, với những ngụ ý khác thường, đa nghiã, biến nghĩa. Ví dụ như trăng, một vầng trăng cực kỳ khả nghi, đen tối, đi với màu vàng, nó có thể trở thành sao, đi với màu đỏ, nó trở thành máu. Mà tất cả những màu sắc này, dường như đều có những ngụ ý riêng, đều gắn bó mật thiết với lịch sử của đất nước này, không phải vô tình mà chúng có đó.

Màu chính bao trùm lên toàn cõi sống này là màu vàng. Một màu vàng đầy chất khả nghi"đèn hắt ra vàng đục như mắt chó gặp lửa" (trang 14). Màu vàng này lại luôn dây dưa vớichó: "Tính phát hiện ra con chó nhà ông Điện mắt vàng, sáng quắc đang rọi vào mình."(trang 26). Ám ảnh chó, vàng, trăng không ngớt chi phối Tính. Từ đó, nảy ra điệp khúc "Mắt chó vàng như trăng". "Câu thơ" mắt chó vàng như trăng, trở thành khẩu hiệu chảy suốt dọc dòng tư tưởng và dòng đời điên loạn của Tính, thức cũng như ngủ, mơ cũng như tỉnh, Tính luôn luôn nhìn thấy mắt chó vàng như trăng. Hình ảnh này trở thành bầu khí quyển bao trùm lên Tính và những người đồng loại.

Ba chữ: trăng, chó, và vàng, biến thiên trong mỗi ngữ cảnh khác nhau, biểu lộ toàn bộ bản chất xã hội chung quanh Tính.

Hai tuổi, Tính đã "thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm". Không đi học, Tính lấy việc giết kiến, giết công cống, làm thú vui duy nhất: "Tính giết sạch một tổ kiến dưới gốc sung" (trang 29). "Tính dành thời gian giết công cống, bắt được con nào cũng trân trọng đặt lên lòng tay, rồi bất thần đập tay kia xuống. Công cống chết nát bét. Tính cười mỉm, mặt rực lên." (trang 21).

Ở gần nhà ông Điện hoạn lợn, mỗi lần mổ lợn ông Điện đều dẫn Tính theo, bởi Tính dễ sai, bảo gì cũng làm, nhưng "càng về sau, ông Điện càng ít gọi Tính đi theo mình vì ông để ý thấy Tính nhìn cảnh chọc tiết lợn với vẻ ham muốn đáng nghi. Mắt Tính càng lớn càng vằn lên".(trang 23).

Chuyện Tính gợi nhớ chuyện Mạnh Tử. Ban đầu, nhà ở gần lò sát sinh, cậu Kha, tức Mạnh Tử, ngày ngày bắt chước, chơi trò mổ moi, chọc tiết; người mẹ bảo chỗ này không phải chỗ con ta ở, bèn dọn nhà đến gần chợ. Ở chợ, cậu Kha lại bắt chước buôn bán đảo điên, bà mẹ lại phải dời nhà, lần này đến gần trường học, và ở đây cậu Kha bắt chước học trò, nghiêm trang đi học. Bà mẹ không dọn nhà nữa. Thoạt kỳ thủy dường như muốn hướng về việc trồng người theo quan niệm mẹ Mạnh Tử, và chối bỏ những cách trồng người sau này người ta khẩn trương hô hào thực hiện.

Để cậu Kha bên cạnh cậu Tính, mới thấy tầm quan trọng của giáo dục, thấy nguy cơ một đứa trẻ ngay từ lúc còn trong bụng mẹ đã nhận bạo lực như bài học vỡ lòng. Và nguy cơ của một xã hội trong đó con người từ lúc sinh đến lúc chết chỉ được biết có độc một vừng trăng, được biết có độc một thứ ánh sáng vàng duy nhất.

Rồi Tính không được học hành, và ông Điện lại có con chó mắt vàng như trăng, sáng quắc luôn luôn rọi vào nó. Tất nhiên gậy ông phải đập lưng ông: ông Điện dạy Tính chọc tiết, theo dõi Tính bằng con mắt chó vàng, cảnh cáo Tính "Mày chơi với bọn điên, khốn!" Hẳn là có ngày Tính phải "giải quyết" ông Điện. Tính đã thực nghiệm bạo hành đầu tiên trên việc đốt nhà ông Điện, đốt cháy người thày, sau khi đã xử lý hàng loạt ruồi, muỗi, kiến, công cống, lợn... Sau đó Tính thử nghiệm trên những người khác, khi thành khi bại, cuối cùng Tính thử nghiệm việc chọc tiết trên chính mình. Tính đã hoàn thành một vòng hủy diệt theo đúng quy luật: mạng người không đáng một con kiến.

Người thày thứ nhì của Tính và của lũ trẻ trong làng là Hưng, người anh hùng đi Bê có tác phong du đãng. Thuộc "trường phái" chiến tranh, một trường phái sát sinh khác, nhưng Hưng lại không giống mẫu người hùng chiến sĩ chút nào. Hưng nhìn ngày giải phóng lịch sử, dưới những nét xếch-xi đặc biệt: "Dạo vào Sài Gòn tôi bắn vỡ bao nhiêu kính. Cái đàn này ăn thua gì! [...] Đốt bao nhiêu sách, có cả ảnh cởi truồng. Bây giờ thì tôi vẫn rạo rực... cháy mất nửa vú..." (trang 92). Và Hưng có những giấc mơ tiêu cực: "Hưng kể đêm mơ toàn người chết. Họ về hò nhau lăn Hưng như lăn su hào. Tay người nào cũng cầm súng. Ông Phùng bảo thế là địch rồi. Hưng gật." (trang 96). Hưng nói lên tâm thức vô thần, vô đạo của những người xung quanh: "Hưng chỉ vào hình Chúa Jê-su đúc nổi trên chiếc thánh giá, hỏi ông Khoa: Thằng Mỹ nào mà dạng chân dạng tay ra thế kia?" (trang 73). Hưng mô tả chuyện đánh Mỹ bằng những hình ảnh porno đồi trụy:

"Các buổi chiều trẻ con xúm lại nghe Hưng kể chuyện đánh Mỹ. Hưng lấy hai quả chuối gắn vào hai khoé mép, vươn cổ ra trước:

- Khoặp! Ðấy, một nhát là đi đứt.

Bọn trẻ vừa sợ vừa khoái. Nhiều đứa đến trường thấy cô giáo, bèn chạy sấn lại, há mồm, rồi kêu:

- Khoặp!" (trang 19).

"Hưng kể chuyện cắn cổ Mỹ, xong, nói về cảnh đốt trại tù binh. Tính nghe, mồn há hốc. Hưng tả:

- Lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên.

Tính nhìn Hưng chằm chằm. Ðang say sưa, bị mắt Tính rọi thẳng, Hưng líu lưỡi, thổ ra một câu:

- Mắt chó vàng như trăng" (trang 32).

Hưng hát Lửa bốc cao căm hờn. Bốc từ bẹn bốc lên... (trang 33).

Rồi đang ba hoa, "Hưng co chân, đứng dậy bỏ đi. Bụi cây lay động. Tính lẩm bẩm: Mắt chó vàng như trăng." (trang 38). Tóm lại, không ai thoát khỏi "mắt chó", khỏi ám ảnh bị mắt chó theo dõi, Tính cũng trở thành "mắt chó" ngó Hưng. Trong bụi rậm lại có một "mắt chó" khác đang rình Tính. Tính còn đủ khôn để biết mình đang bị mắt chó rình, nhưng liệu Tính có hay rằng mình đã trở thành mắt chó?

Đập vỡ huyền thoại anh hùng, Hưng mớm cho Tính chất du đãng, chất lính tráng, chất đào ngũ, chất bất phục tòng, cộng thêm những cao kiến của các bậc niên trưởng: "Ông Sung bảo đi đánh nhau. Tính hỏi đi chọc tiết à? Ông Sung bảo đến đấy tha hồ mà chọc tiết" (trang 114) Những cao kiến này luôn luôn mở ra như những cẩm nang, chúng quằn quại trong những giấc mơ điên của Tính, những giấc mơ mà kiến, người và lợn trở thành đồng chủng:

"Tính ngồi cắm cúi nhặt kiến, di tanh tách. Tính nhắm mắt, trong bóng tối lảo đảo, hiện ra một cái tai cưỡi trên con ngựa già đuổi theo một chú lợn. Cái tai xám, mơ màng, tay huơ huơ con dao thọc tiết lợn sáng quắc: "Chọc!" Tính hét lên, choàng mắt" (trang 40).

Trong bầu khí hừng hực của một tổ quốc lúc nào cũng sẵn sàng lâm nguy: "Lại chiến tranh! Đêm ấy không ai ngủ. Chó không tru. Gió kéo về từng luồng hun hút" (trang 111), ông Phùng nhà văn như một kẻ mù lòa, một tên hành khất, ăn lông ở lỗ. Chả ai thèm biết ông viết gì, bản thảo không ai đọc, trở thành cỏ rác. Cuối cùng, rồi ông Phùng cũng giật được giải thưởng văn chương như một hình thức"phục hồi", nhưng trên đường đi lãnh thưởng, ông bị Hưng giết. Bản thảo duy nhất còn lại trong di cảo, viết về một mụ điên, có tên "Và cỏ", cũng là một bản thảo điên.

Trong không gian
Ông thiến lợn quăng dây thòng lọng
Không khí kêu eng éc (Khách của trần gian)

bất cứ hình ảnh nào rồi cũng có thể trở thành máu mê. Tính sinh ra trong môi trường ấy, người ta quên dạy yêu thương, không ai tha thiết với văn chương, Tính sống trong vùng mang huyền thoại:

Năm mươi người trai chết ở trên ngàn
Nở
Năm mươi cô gái

Năm mươi cô gái chết chìm dưới bể 
Nở
Năm mươi chàng trai

Đêm giao hợp đầu tiên sông núi thở dài (Khách của trần gian).

Huyền thoại xoáy vòng trôn ốc như một luân hồi sinh diệt, Tính không có khả năng yêu đương, không có khả năng làm đàn ông, Tính bị tuyệt đường tính dục. Hiền, người vợ đẹp, tồn tại như một đóa hoa nghệ thuật trơ trọi chưa nở đã tàn. Hiền cũng là một trong "những đứa trẻ mồ côi trôi vĩnh viễn, trôi như một nụ hoa tái nhợt, trôi không nở bao giờ". Tất cả trong Tính chỉ còn đọng lại một màu: máu. Máu đổ từng câu, từng khúc, từng đoạn, hỗn loạn trong vô thức của Tính như những câu thần chú: "Mắt chó vàng như trăng. Nó giàn giụa sáng. Mẹ ạ, phải làm gì bây giờ. Kiến đấy thôi, xọc một nhát dao vào cổ thì thành lợn. Mẹ biết máu chảy từ chỗ nào không? Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Da thịt của đá mỏng manh lắm. Sánh sao được với nước sông cái. Ông bồi què chẻ nước bằng mái chèo xám xịt. Chẻ tanh bành điên cuồng. Vậy mà nó cứ liền lại cứ tỉnh không. Nó cứ trôi, da thịt và máu cứ trôi..." (trang 36). Những giấc mơ siêu thực, hoảng loạn, chứa đựng những gian dối từ trong lời mẹ: đẻ bằng nách, những giấc mơ đầy bắt bớ, thủ tiêu, những giấc mơ đầy đói khát, đập đá chung thân, tất cả lộn lèo sùng sục trong đầu Tính như một nồi cháo lú đang sôi: "Bị dắt đi, dắt đi. Có mấy sợi lông mèo treo dưới tán lá đen. Hai người ngồi trong hốc cổ thụ nói về máu. Đập đập đập đập đập... đẻ ra từ nách này. Hôm nay có quần áo mới, họ xúm lại ăn. Bố uống thả cửa. Giá như lúc ấy vồ được con thạch sùng, sẽ đem ra chọc tiết. Cần thì cho ông Thụy thả xuống Ao Lang chơi. Nó đỏ rực rừng rưng.

Hiền đỏ như máu. Đỏ như điã xôi gấc. Búa tạ đập vỡ lò nhà ông Quyên cho sướng. Nát tay chứ chẳng chơi. Ai bảo nó ăn cắp thịt? Thằng Chanh Linh ấy. Mắt chó vàng như trăng [...] Máu rỉ ra từ ngực. Sông hút máu như chậu hút máu lợn, bát hút máu gà, con dao ông Điện hút máu ai nhỉ?

Bị dắt đi, dắt đi, dắt đi, dắt đi...

Cây sợ run bần bật. Nhiều trăng lắm nhé, mẹ nhé. Thích nhỉ, mẹ nhỉ." (trang 66-67).

Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương, đầy huyễn mộng, viết về hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn. Khởi đi từ cá nhân một đứa trẻ, lọt lòng mẹ vô tội, đến trưởng thành máu mê, tự diệt. Thoạt kỳ thủy là hậu quả việc trồng người trong môi trường thường trực kích động chiến tranh. Là chuyện nhỡn tiền nhân quả. Là thế giới con người trong vòng u mê, tử khí. Thoạt kỳ thủy khởi tố những cách dìu dắt trẻ thơ về những con đường chém giết, là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu những nguy cơ của mảnh trần gian lấy bạo lực và dốt nát làm cẩm nang giáo dục con người.

Thụy Khuê, 10-7-2004
© Copyright Thuy Khue 2004











Thụy Khuê
Sóng từ trường II
___
Nguyễn Bình Phương 


Nguyễn Bình Phương sinh ngày 29/12/1965 tại thị xã Thái Nguyên. Trong chiến tranh, gia đình sơ tán về xã Linh Nham, thuộc huyện Ðồng Hưng, tỉnh Thái Nguyên. Ðến năm 79 mới trở về quê quán. Học hết phổ thông trung học năm 1985 rồi vào bộ đội. Năm 1989 thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Ra trường đi công tác một năm tại đoàn kịch nói Quân Ðội. Sau đó làm biên tập viên nhà xuất bản Quân Ðội cho đến nay, với cấp bậc đại úy . Bắt đầu viết văn từ những năm 86-87. Những sáng tác đầu là những tập thơ Khách Của Trần Gian (trường ca, nxb Văn Học, 1986), Xa Thân (1997), Lam Chướng (1992). Có viết một số tiểu luận và truyện ngắn, trong đó có truyện Ði, in trên Văn Nghệ Trẻ (số ra ngày 10 tháng 1 năm 1999) đã gây dư luận khá xôn xao. Sau cùng là một loạt tiểu thuyết: Vào Cõi (nxb Thanh Niên, 1991), Những Ðứa Trẻ Chết Già (nxb Văn Học, 1994), Ngườì Ði Vắng (nxb Văn Học, 1999), Trí Nhớ Suy Tàn (nxb Thanh Niên, 2000). 

Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Những Ðứa Trẻ Chết Già.     Trong quan niệm cổ điển, những người viết truyện thần kỳ thường đứng riêng một phía, như Liễu Trai Chí Dị Bồ Tùng Linh, như Truyền Kỳ Mạn Lục Nguyễn Dữ.

Văn học muốn tự phân: Truyện kỳ và truyện thật. Trừ vài trường hợp đặc biệt, tiểu thuyết không mấy khi rời xa lãnh vực hiện thực và tâm lý. Hiện tượng siêu linh ít khi có mặt, hay nếu có, cũng chỉ vãng lai, tạm trú để chờ đợi một giải thích khoa học, hoặc bị kỳ thị như một ám ảnh bệnh hoạn...

Khi khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành chỉ đạo trong văn học miền Bắc thì những hình thái truyền kỳ hầu như tuyệt chủng. Mặc nhiên, tâm linh huyễn hoặc chưa bao giờ tách khỏi đời sống hàng ngày của người Việt, cho nên khi nhà văn thể hiện linh dị như một thực tại khác của đời sống, phải chăng là để phục hồi chất sống, là bước một bước nữa gần hơn về phía con người? 
*
Dân tộc Maya coi mình phát xuất từ ngô -Maya-mais. Ngô là mẹ đẻ nhà văn Miguel Angel Asturias, Guatemala, Nobel 67. Asturias đã bám rễ vào tổ tiên bên ngoại để xây dựng "hiện thực thần kỳ" hay "hiện thực huyền ảo" của mình bằng ngôn ngữ bên nội: tiếng Tây Ban Nha, tiếng của người cha conquistador đã chiếm đoạt, cưỡng hiếp, diệt chủng Mẹ Maya, đẻ ra Guatemala-Asturias. Asturias, từ rễ da đỏ, chồi lên cách suy tưởng Maya: Tại sao thổ dân Maya lại có thể thấy một tảng đá lớn hóa thành người khổng lồ, hoặc một đám mây biến thành tảng đá? Bởi họ nghĩ bằng hình ảnh. Họ nhìn sự vật -tạm gọi là thực tại thứ nhất- qua một kích thước mộng mơ, rồi những mộng mơ đó biến thành hình thể sờ mó được, chúng tạo ra một thực tại thứ nhì: Thực tại huyền ảo.

Ở một nơi khác, Colombia, Gabriel Garcia Marquez, năm 1967, đã lấy siêu linh như một cốt yếu, giải tỏa nỗi cô đơn hiu quạnh của con người từ lúc sinh đến lúc chết, từ thuở khai thiên đến ngày tận thế, trong mỗi chu kỳ khép kín 100 năm. Có thể xem đó là vài khuynh hướng hiện thực huyền ảo khá tiêu biểu của văn học Châu Mỹ La Tinh.

Với tiểu thuyết Những Ðứa Trẻ Chết Già Nguyễn Bình Phương dường như muốn đưa hiện thực huyền ảo vào văn học Việt. Ðó là một thử nghiệm đáng trân trọng.

Tác phẩm Những Ðứa Trẻ Chết Già xuất hiện từ năm 1994 nhưng không được chú ý. Ðiều đó cũng dễ hiểu, vì lối viết mới lạ của Nguyễn Bình Phương không dễ ngấm vào một công chúng quen đọc truyện theo lối "cổ điển".

Hành trình tiểu thuyết chia làm hai lộ song song: Hiện thực người sống và hiện thực người chết (gợi nhớ đến thằng bé bằng xương bằng thịt và cái bóng của nó, sống chung, trong Asturias), cả hai có mặt cùng lúc trên vùng sông Linh Nham và núi Rùng, với những địa danh như Làng Phan, Trại Cam, Ðầm Ðục, Khe Bò Ðái, v.v... thuộc tỉnh Thái Nguyên mà dường như chỉ là hư ảo. Ðiều thực nhất là thời gian -theo lời tác giả-"thời gian là kẻ sát nhân tàn khốc."

Làng Phan của Nguyễn Bình Phương, tựa Macondo của Marquez, tựa Guatemala của Asturias, có không khí đặc biệt của một vùng đất thần bí, hoang đường. "Ngày 7 tháng 6, giờ Dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc lên cột khí trắng hình con rắn.

Ngày 9 tháng đó, phía tây có đám mây mầu đỏ xuất hiện, hình dáng không khác gì người đàn ông cụt đầu, tay cầm dao quắm." (Những Ðứa Trẻ Chết Già, nxb Văn Học, 1994, trang 9). Như muốn nhại lối chép sử biên niên, đã thấy trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư: "Mùa xuân, tháng giêng, ngày mùng 5, động đất ba lần. Mồng 10, có mây không mưa, rồng vàng hiện ở góc Ðoan Minh. Bầy tôi chúc mừng, duy có nhà sư Pháp Ngữ nói: Rồng bay trên trời, nay lại hiện ra ở dưới là điềm không lành (1)." Các "sử thần" xưa cũng đã cho nhiều "loại" hiện thực gặp gỡ: hiện thực hiện tượng như động đất, mây, mưa; hiện thực linh vật như rồng ..., còn đưa cả điềm vào chính sử. Ðiều này chứng tỏ Nguyễn Bình Phương không bịa đặt gì, anh chỉ làm công việc chép linh truyện, ngoa truyện, bằng lối viết chính sử thăng hoa qua hình tượng nghệ thuật. Và đó cũng là không khí hiện thực cõi dương trong tác phẩm, trích những đoạn được gọi là chương. *

Vẫn bầu trời và mảnh đất Thái Nguyên, còn có một hiện thực khác: "Không khí ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà mệt mỏi. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Ðôi chỗ, chè hoang mọc xanh đậm lên tận chóp đồi. Hương chè nhả ra, chát đặc." (trang 17)

Ðó là hiện thực cõi âm trong những đoạn được gọi là vô thanh. Người âm chừng luôn di chuyển, họ thấy những quả đồi chầm chậm lùi lại..., như thế chết là vẫn tiếp tục sống một đời không có âm thanh, hay âm thanh trong âm cõi, người trần không nghe thấy được.

Những chương và những vô thanh nối tiếp, xen kẽ, như thể cả hai cõi âm dương đều cùng sống trên mảnh đất Linh Nham. Khác chăng là người sống có cuộc đời hữu hạn và người chết đã bước vào du trình vô hạn. Thời gian có thể tiêu diệt người sống nhưng không thể triệt hạ người chết. Chết chỉ có nghĩa là Ði. "Sau khi bị chém, Lưu Nhân Chú buồn bã men theo con đường trở về quê." (Người Ði Vắng, nxb Văn Học, 1999, trang 320) "Ðộng tác" đi này, Nguyễn Bình Phương còn viết, về sau, trong truyện ngắn Ði, cô đọng hiện tượng đi, về (chết đi chết lại) của một người lính đã chết như muốn thể hiện các ngả "vào đời" khác. Dòng Linh Nham cũng như chiếc xe trâu, tải vận những chuyến đi vào vĩnh cửu. Bachelard đã từng viết những dòng tuyệt tác về du trình này trong L'eau et les rêves (Nước và mộng). "Chết là đi và mỗi cuộc đi là một lần chết"(2) .

Tất cả mọi dòng sông đều trôi về thủy tận (3)- Chiếc quan tài không phải là chiếc đò cuối mà chính là chuyến đò đầu bước vào chuyến linh du, vào khởi thủy và nước vừa là tri âm, vừa là đồng hành của cái chết.

Người Việt cũng không khác gì. Chúng ta nói về người thân vừa chết: "Cụ đã đi rồi." Và Thần Thủy (hay thủy thần) trong chúng ta, luôn luôn là người bạn đồng hành của Thần Chết. *

Nguyễn Bình Phương biểu dương chuyến đi của người chết bằng chiếc xe trâu, một hình ảnh rất Ðông phương, với một gã đánh xe cha truyền con nối, gầm gừ hai tiếng "vắt, diệt", những âm thanh bí mật, có thể là tiếng rừng núi Thái Nguyên, mà cũng có thể là tiếng người thời trước, tiếng âm người trần không hiểu.

Cõi trần có gia đình Trường hấp. Hàng con, lão Liêm. Hàng cháu, Hải và Loan.

Cõi âm, nhân vật chính được gọi là Ông. Ông là một tiền kiếp hay hậu kiếp của Hải. Âm dương giao hòa trên vùng đất huyền ảo Linh Nham "toàn ma quỷ với những chuyện lạ lùng" (trang 129), đại loại như "cả làng bị mất tiếng", "cứ về đêm, mọi âm thanh của người và vật đều biến mất. Những con chó sủa không thành tiếng, chỉ thấy mõm chúng ló ra, ngậm vào như hình ảnh trong giấc mơ." (trang 59). Ðấy là một hiện thực đáng sợ. Hiện thực chó tru ma. Hiện thực người mất tiếng nói. Rất dị kỳ, huyền ảo mà cũng có thể là thực tế Linh Nham, thực tế Âu Lạc xưa và nay.

Còn nhiều hiện tượng kỳ quặc khác nữa:

"Ngày 21, sông Linh Nham cạn sạch. Ao nhà bà Liêm tự dưng đầy ắp nước, trong ao có con cá trê đỏ to bằng bụng chân, mắt mù, đuôi dài như chiếc khăn phu-la" (trang 90)

hoặc:

"Bà giáo có chửa và sinh con đầu lòng [...] Nó là trai. Người ta phát hiện ra rằng con bà giáo có râu. Không những thế, ba bốn ngày sau, tóc nó bạc trắng. Ðứa trẻ không khóc, nó dương đôi mắt kèm nhèm nhìn mọi người như phán xét." (trang 58)

Tất cả những "điềm" gở này là những cơn mộng chờ diễn giải. Nhìn trực từ con mắt "mê tín" của người dân quê, có nghĩa khác, mà nhìn chéo từ con mắt "tỉnh táo" của một nhà sử học, xã hội học, lại có những ý nghĩa khác. Những quái thai, những khốc liệt, những biến hình đổi dạng trong đời sống... chẳng qua chỉ là thực tại, chiếu dưới những góc độ quan sát khác nhau, mơ mộng khác nhau, ngay cả sự chung sống giữa người sống và người chết. Asturias hay Marquez không sáng chế ra hiện thực huyền ảo. Họ chỉ viết lại thực tế của Châu Mỹ La Tinh, nơi mà những người dân da đỏ (theo Asturias, có người đã "ăn giấc ngủ" của mình để hóa thành đất) vẫn ướp xác người thân đã chết, trong vị thế tĩnh tọa, tới ngày lễ, giỗ, con cháu bê các cụ (đã ướp) ra ngồi chơi, xơi nước, ăn cỗ chung với lũ trẻ.

Trong đầu óc người dân quê Việt Nam, cõi âm không sống trực hệ thể xác với cõi dương như thế, mà gián cách trên bàn thờ, trong cây đa, cây đề, ở núi Ông Voi, hang Ông Tạ... Trong thế giới đó, thiên nhiên cất giấu những linh vật, âm vật của trần thế để tạo ra những "điềm" và mỗi dân tộc có một cách "giải điềm" khác nhau. "Ngọn Rùng đen thẫm in trên nền trời. Khói hương bốc ngùn ngụt. Ngay cả tiếng thầm thào ở gốc si cũng biến mất như kẻ tuân theo một mệnh lệnh nghiêm khắc." (trang 59)

Miền Linh Nham, Núi Rùng, có thật hay là một vùng tưởng tượng? Thái Nguyên đầy đủ yếu tố để phát triển thực tại huyền ảo: diễn biến của nhiều thế hệ sống và chết giao nhau trên mảnh đất này. Mọi hành động đều như tuân theo một lời nguyền có từ nhiều đời trước. Những nhân vật còn sống và đã chết, đều ít nhiều là những kẻ ham hố trong cuộc đời. Họ tìm của, tìm vàng, tìm hạnh phúc, tìm tự do, nhưng rồi đều bị cuồng lực của hung hãn, thô tục, bạo tàn, lôi cuốn vào những cuộc chiến thảm khốc, phi lý. Ở đây, không có cảm thông giữa người và người, mà là không khí nghi ngờ, đối đầu triền miên, giữa cha con, chồng vợ. Phũ phàng trong đối thoại, cộc cằn trong đối xử. Tàn phũ bao trùm cả cõi âm lẫn cõi dương. Con người mất liên lạc với nhau. Ông nói gà, bà nói vịt. Ở đây, là thế giới chiến tranh không ngừng giữa người và người. Dã man. Bạo hung. Tàn nhẫn. Những miếng đời chặt ra, xương xẩu, vấy máu, không có sự thông thương đồng cảm. Ở một thế giới như thế, loạn luân và tội ác là tất yếu. Mọi việc đều bí bí, mật mật, đến cả cỗi rễ của gia tộc, cũng trở thành mật bí, làm sao tránh khỏi anh em giết nhau hoặc giao hợp với nhau, mà không biết rõ ai là ai?

Vai trò của tưởng tượng, trong một tác phẩm như thế, có thể tung hoành vô tận, bởi tất cả mọi tình huống đều khả thể.

Rút cục, ở bến cuối cùng và cũng là bến khởi đầu, mọi người đều gặp nhau trong cái chết. Chết là khởi hành vào vĩnh cửu. Luận đề của tác phẩm phải chăng là con người chẳng hiểu gì về mình, từ lúc sinh đến lúc chết. Nguyễn Bình Phương viết:

"Cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt đến. Bao nhiêu năm nay, con người cứ khao khát thanh thản, khao khát tự do, bình đẳng, khao khát cả nỗi cô đơn tịch mịch nữa? Những điều đó đều nằm trong cơ thể của cái chết." (trang 173)

Những bạo tàn, tranh chấp, chiến tranh xẩy ra trên mảnh đất Linh Nham này, thảy đều vô ích, phi lý. Hạnh phúc phải chăng chỉ là con thú lạ. Con linh vật mà người ta không biết và người ta chờ đợi, rình rập, ở đây là con nghê, và khi nó đến, người ta giành giật, cướp đoạt làm sở hữu để mở cửa kho tàng. Khi đã chặt được đầu nghê thì sự chiếm hữu trở thành phi lý: hạnh phúc đã bị tiêu diệt, và con người, chết đi để gặp nhau ở một cõi khác. Lại bắt đầu hành trình sục kiếm và đấu tranh để tìm một bến bờ không có trong cõi âm, chẳng có trong cõi dương. Bởi lẽ: không có bến bờ. Và cuộc đời ngàn năm vẫn chỉ là điều không sao hiểu được. 



Tính chất hiện thực linh ảo âm dương trong tiểu thuyết Người Ði Vắng

Tiểu thuyết Người Ði Vắng, tác phẩm thứ nhì của Nguyễn Bình Phương, in năm 1996, bốn năm sau cuốn Những Ðứa Trẻ Chết Già, đem lại cho người đọc một kỳ ngạc, kỳ ngộ pha lẫn kỳ vọng, bởi, sau Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có lẽ đây là tác giả thứ ba trổi dậy trong vòng 15 năm nay, như một giá trị khai phá đích thực.

Với Người Ði Vắng, linh địa tìm kiếm đã rõ hơn: Bình Phương khai triển và phát triển vùng hiện thực linh ảo âm dương của những người đi vắng. Ðó là một thế giới bao quát, gồm thiên nhiên, vật giới, hiện tượng và con người, bộ mặt toàn thể vũ trụ hiện diện khi người đi vắng. Ði vắng, ở đây, có thể là đi xa, thoát kiếp, mà cũng có thể là vẫn sống đấy mà như đã chết: tình trạng hôn mê (coma).

Người ở đây không còn giá trị độc tôn, luôn luôn nắm quyền sinh tạo, như trong cái nhìn cổ điển. Người ở đây, chỉ là một phần tử, có tiếng nói, hoặc không có tiếng nói, cũng như, vật giới xung quanh. Nói khác đi, đối với Nguyễn Bình Phương, lá chuối, cục đất, mặt đất, sấm, chớp, mưa, mây, ban mai, con mọt, con bò, con sâu răng, con rồng, con đom đóm, không khí, sương mù, đôi giầy, cây nhãn, cây tùng, ánh sáng, thai nhi, cái chuông, cái chậu... đều phát ngôn, đều "hành động", tác dụng vào môi trường, có phản ứng như một thực thể tồn tại, không khác gì con người. Tính chất đa giọng, đa âm của tiểu thuyết lộ rõ một cách khá triệt để, trong tác phẩm.

Sự kỳ ảo đến từ các hiện tượng siêu linh, có thể là mê tín, là hoang tưởng, là bệnh hoạn, là mê hoặc, nhưng có thể chỉ đơn thuần là sự sống của những vật giới và linh giới bên cạnh chúng ta mà chúng ta không biết, hoặc không cảm -vì chủ quan, hoặc vì tính tự tôn của loài người- đã loại tất cả những hiện tượng ấy ra ngoài cái vùng được gọi là ánh sáng khoa học, hoặc cũng có thể chỉ vì bất lực không giải thích được.

Nguyễn Bình Phương đã đem "những hiện tượng không giải thích được" ấy vào tiểu thuyết, trình bầy như một quan niệm bao quát hơn về vũ trụ nhân sinh, kết hợp cỏ cây, vật giới, hiện tượng và âm dương. Tất cả đều đi tìm bản thể của mình, như lời cây chuối: "Tại sao ta ở đây? Tại sao ta là chuối mà không là gì khác?" (trang 193) *
Mảnh đất Thái Nguyên, quê hương tác giả, với những đại ngàn âm u, trùng điệp, bí mật, là mảnh đất linh ứng truyền đời, phù động để tác giả dựng nên hành trình về cái chết của mỗi "nhân vật" trong tác phẩm (chữ nhân vật hàm nghĩa: người, vật và hiện tượng). Bởi chính hành trình về cái chết là mục đích tối thượng của vạn vật, cao nhất và đáng nói nhất.

Mảnh đất Thái Nguyên này, từ thế kỷ XII đến ngày nay, đã chứng kiến bao nhiêu cái chết? Bao nhiêu sự vắng bóng? Bao nhiêu chuyến đi về Ðất? Mỗi hành trình ấy đã diễn ra như thế nào? Ai là tác giả? Ai chủ động? Ai chứng kiến? - Thời gian và Ðất. Ðó là hai yếu tố chủ chốt của cái chết và của tác phẩm.

Khai tử khái niệm thời gian để đưa tác phẩm vào vùng đất phi thời gian bằng cách cho thời gian chồng chéo lên nhau, trên mảnh đất Thái Nguyên: Cảnh công chúa Diên Bình đời Lý, nghe lời phụ hoàng, lấy thủ lĩnh phủ Phú Lương, thế kỷ XII; rồi việc Lê Sát chém Lê Nhân Chu ở thế kỷ XV; rồi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Ðội Cấn và Lương Lập Nham (tức Ngọc Quyến) đầu thế kỷ XX; rồi cuộc sống ngày nay -kinh tế thị trường, của những gia đình cụ Ðiển, gia đình ông Khánh... được "hiện diện", được "tồn tại" cùng một lúc. Như thể là ký ức của Ðất.

Ðất kể lại chuyện mình. Ðất Thái Nguyên kể lại chuyện mình. Chuyện những thế hệ đã sống và đã chết ở đây. Và Ðất thì không có ý niệm thời gian, hoặc có biết, nhưng đất cứ lờ đi, coi thời gian như một loại ký sinh trùng, chỉ có tác dụng hủy diệt sinh vật, nhưng không hủy diệt được đất, bởi đất không bị chết. Ðất là vĩnh cửu.

Sự giao tranh giữa Ðất và Thời gian là sức mạnh của tác phẩm. Con người sống trên mặt đất, dày xéo lên nó, nhưng khi hai chân chỉ rời mặt đất vài gang -như trường hợp người treo cổ- là chết ngay (trang 163). Nhận xét tàn nhẫn và chính xác trên đây, giúp con người khiêm nhượng hơn khi nói đến chính mình, đến khả năng "làm chủ muôn loài", khả năng lấp sông, xẻ núi. *

Vào truyện, Nguyễn Bình Phương cho xuất hiện những nhân vật chủ động đầu tiên: Mưa rào và sấm, và đây là chân dung của "họ":

"Mưa xuân ắt phải khác mưa rào. Mưa xuân buồn bã phơ phất lang thang như người mộng du mặc áo xám đi trên đồng vắng bãi thưa. Nhưng đây là mùa hạ, dù thích hay không mưa rào vẫn có mặt ồn ã hào phóng chẳng khác gì một gã trai đẹp mã nhưng hơi ngu độn, nông cạn. Mưa rào lấp lánh ngân nga tiếng chuông. Sấm gừ gừ ở chốn cao xa, uyển chuyển hệt như con mèo thoắt lui về thoắt phóng ra, soãi hai chân trước, móng co cứng lại cào lên tấm vải bạt đã cũ rích nhưng còn khá bền. Mưa rào thực sự là một đám rước." (trang 9)

Nguyễn Bình Phương dùng những hình ảnh đặc biệt sống động để tả chuyển động của sấm: uyển chuyển hệt như con mèo, thoắt lui về, thoắt phóng ra v.v... và nền trời được nhìn như một tấm bạt vải đã cũ rích nhưng còn khá bền.

Một nghệ thuật tạo hình mới vừa xuất hiện: hoạt hóa và linh hóa những thực thể tưởng như không hoạt động, không linh hồn. Cách viết này bao trùm tác phẩm, bất kể vật thể hay trạng thái, đều có thể có một đời tư, một tính cách, một thân phận. Thí dụ: "Tiếng mọt đang rào rào nghiến ngấu [...] làm ngôi nhà ngứa ran lên" (trang 21), "giữa đống thư có một giọng cất lên nhỏ đều đều và buồn" (trang 110), "cơn đói màu xanh đen lồng lộn trong dạ dày thoát lên cổ, ra khỏi mồm rồi lại tụt xuống" (trang 115).

"Cương giẫm phải cành khô, nó kêu răng rắc rồi oải ra thành nhiều mảnh vụn" (trang 36), "căn phòng dãn ra, rộng mênh mông nhưng không có tầm nhìn" (trang 43), "cánh hoa héo đang ngả sang màu khoai tây rán rúm ró đau khổ" (trang45), "trong bóng tối, chiếc điện thoại ở cạnh giường tỏa ra ánh lân tinh xanh mờ, nó rung rẩy theo nhịp chuông tựa như con mèo thở" (trang 23). Và đây là lời tâm sự của dòng sông Linh Nham, mà có thể cũng là một phát ngôn ngạo mạn của thời gian:

"Ta vươn qua lớp lá mục chồng chéo hàng vạn đời. [...] Thời gian thắng thế chỉ vì biết kiên nhẫn. Ta trong suốt lướt êm ru qua mặt trời qua trăng, trên những đám mây mờ tỏ đôi khi ai đó còn quên lại một bàn cờ màu gụ [...] Ta róc rách miên man, yêu những buổi mai khi ánh sáng chưa kịp tỏa rạng trên vạn vật với làn da xanh trong của cơ thể không hình hài đột nhiên hiển hiện giữa sương sớm mát dịu và thanh khiết. Xa xửa xa xưa có một thằng bé tên là Thắng đã tắm trong ta..." (trang 48)

Ðôi khi lại là giọng đối thoại của một hậu thân nói chuyện với tiền kiếp: "Mày là tao ngày xưa phải không?" (trang 165)

Ðôi khi là cả một bức tranh hoành tráng, siêu thực và đầy chất thơ, cảnh những đứa trẻ chăn trâu tha ma, vàng mã, ăn quả cậm cam:

"Cậm Cam chín vào tháng sáu, những chùm quả nhỏ xiu óng ánh trong sắc xanh nhạt ẩn dưới các mặt lá. Tầm ấy trẻ trâu mò ra, chúng đi theo tốp, mỗi tốp hai ba đứa, sục sạo một cách hờ hững, ngứt những chùm quả ăn ngay tại chỗ rồi nhìn nhau cười đắc chí. Trong im lặng mênh mông của bãi tha ma chiều, tiếng bọn trẻ lúc ngân nga, lúc rời rạc đứt quãng. Những đứa trẻ gầy gò nhưng rắn rỏi bền bỉ, quần áo xộc xệch vá chằng vá đụp, bóng chúng hòa lẫn bóng những lùm Cậm Cam đổ dài trên cỏ được bao phủ bởi màu vàng xộm của nắng. Mỗi đứa trẻ di chuyển đều gây ra một cảm giác kỳ ảo như ở thế giới khác, thế giới chỉ hiện diện sau khi người ta nhìn thật kỹ vào đồ vàng mã. Tiếng rứt quả xoàn xoạt. Một thằng bé đặt chùm Cậm Cam lên lòng tay xòe ngửa giơ trước mặt ngắm nghía với con mắt thỏa mãn. Chùm quả rung lên trên tay nó, những chiếc cuống vươn dài cong xuống vì sức nặng mơ hồ của quả, mỗi quả nhỏ tròn như mắt cá chuối đính vào một chiếc cuống, nhiều chiếc cuống đính vào một chiếc to tạo thành một bản nhạc dập dềnh trôi nổi vượt qua sự kiểm soát của lý trí. Chỉ có vẻ đẹp của kỷ niệm mới cân bằng với vẻ đẹp của trái Cậm Cam. Chiều không đi về chân trời như người ta vẫn tưởng, chiều lăn vào Cậm Cam. Lũ trẻ trâu biết được bí mật đó, với sự tinh quái, chúng xơi tất cả các buổi chiều sau đó trâu đứa nào về nhà đứa ấy, đứa nào ngủ trên giường đứa ấy nhưng giấc mơ thì luôn giống nhau" (trang 172-173)

Nhiều đoạn văn hiện thực linh hoạt và thơ mộng như trên dàn trải trong tác phẩm. Trước tiên là một hiện thực trần thế. Lũ trẻ chăn trâu, ăn quả cậm cam trong những buổi chiều mùa hạ. Nhà văn đã âm hóa chúng khi gắn bó với thực tại: chúng xuất hiện ở bãi tha ma, chúng từ một thế giới vàng mã. Quả cậm cam -có những "chiếc cuống vươn dài cong xuống" có "hình tròn như mắt cá chuối"- đã trở thành "nhân vật" có chuyển động, có linh hồn và với "nhiều cuống nhỏ đính vào một cuống to" tạo thành một "bản nhạc dập dềnh", thì cậm cam dẫn ta vào tưởng tượng siêu thực "vượt qua sự kiểm soát của lý trí" để so sánh vẻ đẹp của trái cậm cam với vẻ đẹp của kỷ niệm, một thật, một mộng. Tiếp đó là nhận định "chính xác": "Chiều không đi về chân trời như người ta vẫn tưởng, chiều lăn vào cậm cam" để đưa đến một nhận xét thần tình: "Lũ trẻ trâu (có thể là ma, ma trâu) biết được bí mật đó, chúng ăn cam tức là chúng đã xơi tất cả các buổi chiều." Thật ít có một hình ảnh nào đẹp, nên thơ, huyền hoặc, hư ảo mà lại chính xác đến thế.

Ðây là một trong những đoạn văn khá tiêu biểu cho tính chất hiện thực linh ảo, âm dương, của tác phẩm. Những đoạn văn như thế lôi cuốn người đọc, phải đọc đi đọc lại nhiều lần để khám phá thêm những hình tượng nghệ thuật ẩn dấu sau mỗi câu, mỗi chữ.

Khi chấp nhận tất cả các hình thái, hữu thể hoặc vô thể, vật chất hoặc tinh thần đều có tiếng nói, trong quan điểm tạo vật hòa đồng của Lão Trang thì vũ trụ sẽ vô cùng linh ảo và tầm nhìn của con người có thể mở rộng mãi ra: Ở đây, các "hiện tượng" thông thường và dị thường họp nhau trong một đại hội quần phi: sấm, chớp, gió, mưa giao thoa với những bí mật phong thủy như sức "đùn" của đất, sức "rút" của đất, vọng ảnh rồng hiện, huyễn tượng "khuấy rối" của người chết trở về, giao hòa cùng những hiện trạng mờ ám trong trí não bệnh hoạn của con người, tạo nên những vũ điệu phù ảo, dị kỳ, đong đưa giữa hư và thực. *

Muốn triệt tiêu sức tàn phá của thời gian, nhà văn đã làm "sống lại" tất cả mọi yếu tố: dĩ vãng, hiện tại, tiền kiếp, hậu thân trong một triết lý nhân quả được linh ảo hóa, tạo nên một dàn giao hưởng dị kỳ: Ðất có quyền lực như một vị trí phong thủy chiến lược: Sự động thổ, xâm phạm vào dĩ vãng của đất có thể đưa đến những kết quả không thể lường được. Những điềm hay, điềm gở trong đầu óc mê tín của người dân quê -phản khoa học nhất- lại có thể tiên liệu xã hội trong thâm độ khắc bạc nhất về sự tha hóa của con người.

Thật vậy, sườn chính của tiểu thuyết là sự tha hóa của con người. Tha hóa cá nhân: Con người bệnh hoạn. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết đều mang một chứng nan y. Tha hóa gia đình: Bốn đời xông trận tức là bốn đời giết người mà không đem lại một "lợi lộc" gì.

Cá nhân cụ Ðiển, gia trưởng, bù nhìn, vô học, hí hửng với những ám ảnh nửa võ biền, nửa phù pháp: ám ảnh rút đất để hạ địch thủ và cũng chết vì ám ảnh đó.

Phép "rút đất" của cụ Ðiển có thể là bệnh trưng ghê gớm nhất về sự thua đủ, ta-địch, nơi những chủ soái mù chữ, háo thắng. Ở cụ Ðiển "cầm súng" là một lý tưởng kiêu kỳ: "dân công thì mãn đời cũng chẳng được mó đến một viên đạn chứ đừng nói mó đến súng ngắn" (trang 122)

Ông Ðiều, con cụ Ðiển, anh hùng Ðiện Biên, đã từng "đập vỡ nắp hầm của thằng Ðờ Cát để xông vào bắt sống toàn bộ tướng tá Pháp" (trang 122). Nay hầu như bị tê liệt hoàn toàn, đến bọn ruồi nhặng cũng qua mặt được.

Thắng, con ông Ðiền, cháu cụ Ðiển, anh hùng Quảng Trị, "đánh nhau vào sống ra chết sẹo đầy người, cuối cùng chẳng dọa được ai" (trang 129). Ngược lại, những xác chết không bao giờ dứt truy lùng Thắng trong những cơn ác mộng. Kỷ mắc chứng nan y tự kỷ ám thị. Yến nghiện mùi cồn, một thứ nha phiến ít tiền và thông dụng, chỉ cần ở gần những thân thể đã hôn mê phải tẩm cồn để che mùi thiu thối.

Sơn, có máu nổi loạn, trong một xã hội không được phép nổi loạn. Sơn là người ngay thực trong một xã hội không ngay thực. Rút cục hành động đáng kể nhất của Sơn trong cuộc đời là ăn cắp dàn compắcđít -có thể chỉ là hành động bất lương thuần túy, có thể là hành động cao đẹp- để giữ lời hứa "cho anh nghe nhạc thả cửa", lại xoay thành hành động giết người và diệt mình.

Hoàn, vợ Thắng, thể hiện trạng thái đam mê cuồng nhiệt, dẫn đến hôn mê (coma), bắc cầu giữa sống và chết: Một hình thái lẩn trốn hiện tại để chạy ngược thời gian tìm về tiền kiếp nhưng không thành công. Và cái chết của con người, dù là người đẹp như Hoàn, cũng bầy nhầy, hôi tanh, nhơ nhớp, không bằng cái chết cao ngạo, khô ráo của cây tùng.

Ngoài gia đình cụ Ðiển, không khí chung quanh cũng không khá hơn: Ông Khánh, cha của Hoàn, bị mặc cảm hiện sinh. Sự "buồn nôn" nơi ông Khánh, như một "nhận thức" không tiêu hóa được về những khốn nạn của cuộc đời, đã khiến ông muốn đoạn tuyệt với con người để sống cùng cây cỏ.

Hà và Chung là những kẻ mắc bệnh mặc cảm. Hà bị mặc cảm nhà quê. Chung -có hình tích công an mật vụ- mang mặc cảm bị thiến. Mặc cảm bị thiến được tác giả triệt để nhấn mạnh trong tác phẩm, từ trang đầu, qua nhiều màn ngoạn mục.

Cụ Ðiển khoe đã tát Bụt, thiến Bụt (trang 28). Tính chất bị thiến đe dọa con người từ thuở còn thơ: "Thằng bé rùng mình, đột nhiên nó cảm thấy cô đơn sợ hãi. Nếu như ông thiến lợn đến bây giờ thì sao? Mắt nhắm chặt, thằng bé cố kìm nỗi sợ bằng cách đặt ra câu hỏi ai là người đẻ ra những ông thiến lợn?" (trang 10)

Ai là người đẻ ra những ông thiến lợn? Một câu hỏi ngây thơ của con trẻ, nhưng có thể là một câu hỏi đa nghĩa, hướng về những tác giả có trách vụ làm què quặt, thui chột, đui điếc, bất lực hóa con người.


"Ai thiến đê ...ê ...ê ...ê

Từ phía đối diện với cơn mưa tiếng rao cất lên khàn khàn ủ ê. Tim thằng bé nhói đau, chân tay bủn rủn, dái nó co lại, quắt đi, cố gắng lẩn vào giữa bụng để được an toàn." (trang 41).

Những "kẻ thiến lợn" có khả năng biến thiên, chúng không diện mạo, không cha, không mẹ, chúng thường ẩn dấu sau bức màn mưa, chúng hù dọa, đàn áp, chúng đeo đuổi con người từ lúc sinh đến lúc diệt. Chúng là một thực thể vô hình. Một sức mạnh tự kỷ ám thị. Một sự tự thiến. Tự hủy. *

Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cô đơn, lạc lõng, mất liên lạc với nhau và mất liên lạc với cuộc sống. Xã hội xung quanh cũng không hơn. Ðó là một tập hợp của những khối cô đơn bên cạnh nhau, mỗi người đều mang cây thập tự của riêng mình trên hành trình về cõi chết. Những thế hệ trước cũng không khá gì. Lương Ngọc Quyến và Ðội Cấn là hai mẫu cô đơn anh hùng. Tính chất anh hùng ở đây, được xác định như một khả năng hủy diệt và tự diệt: Khi bị Pháp vây khốn, Ngọc Quyến tức Lập Nham yêu cầu Ðội Cấn bắn vào bụng mình. Và đến phiên Ðội Cấn bị nguy, hạ lệnh cho Ba Nho không được, đành tự sát. Ðội Cấn chết với ảo ảnh cuối cùng vọng về người yêu. Hành trình về cái chết của người anh hùng và người không anh hùng chỉ khác nhau ở một điểm: Người anh hùng có khả năng tiêu thụ sinh mạng của nhiều người và của chính mình. Người không anh hùng, cố bám chặt cái phao hy vọng, vào sự sống, dù khi thể xác và tinh thần đã thối rữa, đã trống rỗng từ lâu. Anh hùng sống vận tốc nhanh, nhiều lần nhúng tay vào tội ác nhưng lại tránh khỏi tình trạng tha hóa tiệm tiến và được tiếng anh hùng. *

Ở những cuộc đời bình thường, sự tha hóa tiệm tiến đến từ nhiều phía: Ðiên loạn. Tự Thiến. Tự kỷ ám thị. Bản thân là tập hợp nhiều yếu tố thiện ác, tích tụ từ nhiều đời, nhiều cõi. Bản thân là nhân quả của những tiền kiếp. Sự điên loạn cũng có thể đến từ chỗ con người không nhận thức được tầm quan trọng của những tồn tại khác xung quanh mình và chính những tồn tại ngoại lai ấy, như thiên nhiên, cây cỏ, như linh hồn, đã tác động con người trong hành vi tự hủy. Nhưng lại có lẽ cũng không hẳn thế. Vì ông Khánh là nhân vật duy nhất biết sống với cây cỏ, ở một khía cạnh nào đó, ông đã chấp nhận cây tùng như một người tình, một thành tố của cuộc sống. Sự giao hoan giữa ông Khánh và cây tùng khiến ông được sống những phút giây huyễn ảo, nhưng đồng thời cũng lại đưa ông vào bến bờ mê dại.

Dường như mọi con đường kết hợp giữa người và người, người và vật đều vô nghĩa. Bởi con người không thể kết hợp được với ai, dù "ai" đó là ai chăng nữa, cơn mưa hay ngọn cỏ, cây tùng hay cây bách. Con người bị kết án ngàn đời là khối cô đơn khổng lồ, sinh ra và chết đi, vĩnh viễn, cô lập. 


Những yếu tố của tiểu thuyết mới trong tác phẩm Trí Nhớ Suy Tàn

Trí Nhớ Suy Tàn, cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Bình Phương, do nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tại Hà Nội tháng 2 năm 2000, hoàn toàn khác hai cuốn trước.

Với Trí Nhớ Suy Tàn, Nguyễn Bình Phương xác định vị trí tìm tòi trong dòng viết thường được gọi là Tiểu thuyết mới, Le nouveau roman. Trước khi phân tích tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, chúng ta thử trở lại vấn đề tiểu thuyết mới. Thế nào là tiểu thuyết mới, và tiểu thuyết mới khác với tiểu thuyết cũ hay tiểu thuyết cổ điển như thế nào?

Ðể tìm một định nghĩa cho tiểu thuyết mới, Alain Robbe Grillet, một trong những người chủ xướng phong trào này, đã đưa ra lối nhìn phủ định: Theo ông, tiểu thuyết mới không phải là một lý thuyết với những quy luật riêng mà chỉ là một sự tìm kiếm. Mỗi tác phẩm là một sự tìm kiếm. Bởi lẽ đơn giản là những người viết tiểu thuyết hôm nay, không biết rõ một cuốn tiểu thuyết thực sự nó phải như thế nào?

Nhưng điều rõ ràng nhất là người sáng tạo ngày nay, không còn như thời Balzac nữa. Tiểu thuyết Balzac miêu tả thế giới như thể người kể chuyện thấu hiểu tất cả mọi việc, mọi lẽ; tác giả có mặt ở khắp nơi, cùng một lúc. Tác giả giải thích được tất cả những gì đã xẩy ra trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Một người như thế chỉ có thể là Thượng Ðế. Tiểu thuyết gia ngày nay từ chối vai trò Thượng Ðế, hắn chỉ dám đứng ở địa vị con người, một người chủ quan, với tầm nhìn, với cảm giác và óc tưởng tượng của chính mình để trình bầy sự việc.

Nói như vậy không có nghĩa là tiểu thuyết mới không có những dự kiến chủ đạo. Mà ngược lại, những người viết theo dòng nhận thức này, có đặt lại một số vấn đề cơ bản.

Ngoài việc từ chối vai trò Thượng Ðế, như một quan điểm ưu tiên; điểm thứ nhì, những người viết tiểu thuyết mới phủ nhận vai trò độc tôn của con người. Ðối với họ, tương quan người-vật không còn là mối tương quan cũ: Con người ngày nay từ bỏ vị thế độc tôn trên vạn vật. Nói khác đi, người cũng chỉ là một thực thể có vị trí tương đương như vạn vật. Người ta thấy thế giới đồ vật của Alain Robbe Grillet, của Francis Ponge; nhất là Francis Ponge đã đứng hẳn về phía sự vật như hòn sỏi, con ốc, để quan sát và mô tả con người.

Ðiểm thứ ba: Tiểu thuyết mới đặt lại vấn đề hiện thực.

Nhà văn nào cũng mơ tưởng đến một hiện thực đúng nhất, sát nhất, kề cận nhất với thực tế và sự thật. Ðối với tiểu thuyết mới, cái hiện thực đáng chú ý chính là cái hiện thực nằm trong trí nhớ, trong trí tưởng tượng của nhà văn, chứ không phải là hiện thực chụp ảnh, cóp-pi lại sự vật như trong tả thực cổ điển. Ví dụ nếu con chim là một đối tượng thì người viết tiểu thuyết mới sẽ không tìm cách tả cho nó y hệt giống, mà phải tạo ra một con chim mới với óc tưởng tượng, cảm giác và ghi nhận của chính mình. Con chim này có thể hoàn toàn sai lệch với con chim trong thực tế. Nhưng chính độ lệch đó là đáng kể.

Ðiểm thứ tư, về mặt "nội tâm". Nathalie Sarraute phản bác dạng thức phân tích tâm lý kiểu Dostoievski: Những khám phá phân tâm của Freud đưa ra nhiều "tầng" tâm lý và phần nào chứng minh rằng cái tầng mà chúng ta gọi là tâm lý hay "nội tâm" của nhân vật, thật ra chỉ là một cái thùng không đáy. Ðúng hơn, nội tâm là một sự im lặng. Im lặng hoàn toàn.

Ðiểm sau cùng cũng là điểm khá quan trọng, phát xuất từ triết học hiện sinh. Ðó là sự tồn tại. Tiểu thuyết mới chú trọng đến sự tồn tại và chỉ có sự tồn tại mới là đáng kể. Thân phận con người, theo Heidegger, làđang ở đấy. Tóm lại, người, vật, hiện diện lù lù ra đấy. Không cần giải thích vì không thể giải thích mà chỉ có thể quan sát. Từ đó phát hiện quan điểm "cái nhìn" (regard). Tiểu thuyết mới còn gọi là Trường Phái Cái Nhìn (Ecole du regard). Khi chấp nhận một quan điểm như thế thì những khái niệm về nhân vật có tên tuổi, có lý lịch, câu truyện có tình tiết, kết cấu v.v... không còn giá trị nữa. Và chỗ mà tiểu thuyết hiện thực cổ điển dựa vào như sự độc đáo của tính người, hay tính anh hùng v.v... trở thành phi lý, bởi thực chất không ai có thể làm kiểu mẫu cho một loại người lý tưởng nào đó trong xã hội mà mỗi người là một trường hợp riêng. Nhân vật được xác định bằng sự hiện diện, bằng tồn tại của nó với những hành vi, những ứng xử trước mọi hoàn cảnh. Không phải cái tên hay tâm lý xác định con người mà chính những hành vi, ứng xử xác định con người.

Trong thực tế, tiến trình "hiện đại hóa" tiểu thuyết bắt nguồn từ một vài khuôn mặt lớn:

Joyce trong Ulysse, tìm cách chiếu sáng một ngày (ngày 16 tháng 6 năm 1904) trong đời sống một số nhân vật, dưới nhiều ống kính đặt trong những vị trí hoàn toàn khác nhau, với những cách viết (thể loại văn học) khác nhau, trong một ngôn ngữ giầu chất sáng tạo, khởi phát một "hiện sinh" đa diện chưa từng thấy trong văn học và báo hiệu một nền văn học điện ảnh - điện ảnh văn học sẽ xuất hiện trên toàn cầu.

Kafka tạo tiểu thuyết tình huống (roman de situation) mà K, vai chính, phải đối phó với hoàn cảnh trong một sa mù tuyệt vọng. K hay Kafka trực diện tình huống phi lý, tiên đoán tình huống "KGB", "CIA", tình huống bị theo dõi, rình rập của con người trong thế kỷ XX.

Với Marcel Proust, người ta khám phá ra rằng thời gian và ký ức mới là tác nhân chính trong tiểu thuyết. Sự khám phá kho tàng quá khứ ẩn dấu trong thời gian là một trong những rường mối cơ sở cho tiểu thuyết hiện đại. Với Proust, cái tôi Thượng Ðế không còn là tác giả mà chính ký ức mới thực sự là tác giả của tiểu thuyết.

Tiểu thuyết mới đi xa hơn đến chỗ đối cực, phản đề, phản tiểu thuyết (anti-roman), đưa ra cấu trúc phi thời gian và sự lãng quên của hồi ức.

Phim L'année dernière à Marienbad (Năm ngoái ở Marienbad) của Alain Robbe Grillet và Alain Resnais là một ví dụ. Ðó là câu chuyện của hai người tình. Họ nhớ là họ đã gặp nhau và yêu nhau ở Marienbad, năm ngoái. Nhưng năm ngoái là năm nào? Có thực họ đã gặp nhau ở Marienbad hay không? Hay chỉ là ảo tưởng của trí nhớ? Sự nhập nhằng của ký ức tạo ra một không gian phi thời gian. Bồng bềnh, hư hư, thực thực... *

Với tựa đề Trí Nhớ Suy Tàn dường như Nguyễn Bình Phương muốn xướng lên hai yếu tố: Trí nhớ và sự suy tàn của trí nhớ, như hai thành tố cấu tạo nên cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh. Ðây là một cuốn tiểu thuyết ngắn. Ðúng hơn là một tạp ghi của trí nhớ, viết vội, kẻo sợ chóng tàn. Ðây là một chuỗi hồi ức của một người con gái không biết tên gì, ghi lại những ấn tượng chao đảo giữa hai người tình. Người con gái ấy tự họa bằng bút pháp tự động:


"Chẳng mấy tháng nữa sẽ tròn hai mươi sáu tuổi.

Mang trong mình sự phức tạp của phố phường, đôi lúc không tránh khỏi những giờ phút mơ mộng hão huyền từ thời sinh viên để lại.

Nói nhanh, âm trong veo, không chịu rè đi ngay cả lúc đã mệt mỏi, chán nản. Giọng ấy tự nó ngân nga vang vọng, xoáy vào tình cảm cho dù ngôn ngữ cứ sắc lạnh. Mắt thông minh, cong với làn da mỏng và chiếc mũi hếch ngộ nghĩnh, tinh quái. Cái ấy mẹ cha chẳng can thiệp, nó là của trời. Giọng nói của trời, làn da của trời, con mắt của trời. Vào thời điểm bất chợt nào đó, đem những thứ của trời ấy dâng cho người mình yêu, như một sự bày tỏ, một đền đáp, một ân huệ vụng trộm." (Trí Nhớ Suy Tàn, nxb Thanh Niên, 2000)

Ðó là những dòng mở đầu tiểu thuyết.

Những mệnh đề hầu hết không có chủ từ nối tiếp nhau, như ở trên không võng xuống. Dưới hình thức cổ điển, người ta sẽ viết: "Tôi sinh ra trong một thành phố, cách đây 26 năm ..."

Nhưng Bình Phương chọn lối phát biểu mới: Nói trống, biểu lộ tính chất "không tiêu biểu", "không xác định" của nhân vật. Có thể là tiếng nói của "ai đó", một cựu sinh viên, không nhất thiết là của một cô Lan, cô Huệ nào. Nhưng khi "căn cước" của người nói nhòa đi, thì cái điều mà người ấy muốn nói, muốn bầy tỏ; đúng hơn, cái ký ức mờ ảo, suy tàn của người ấy lại lộ rõ ra, muôn phần hơn, với tất cả tính cách độc đáo, nên thơ và huyền ảo của nó. Nguyên chất, ký ức đã mơ hồ, đã gần gũi với thơ, vì bị màn sương thời gian bao phủ, nhưng khi ký ức ấy được ghi lại bằng những câu vô chủ (không có chủ từ) thì sự mông lung lại thêm bội phần.

Người ta có thể đọc tập ký ức này như một bài thơ dài, bị "tiếng nói nhanh, âm trong veo" kia kéo đi hết trang này đến trang khác, hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác của Hà Thành. Lạc trong mê lộ của đường phố, rơi vào những khúc mắc của tình yêu, của ảo tưởng. Cái âm trong veo ấy, có lúc vọng lên như từ một con đường, khi lại vọng lên tự đáy tâm hồn, một tâm hồn xưng em ngọt ngào, với người yêu, với người đọc.

Cái âm trong veo ấy dẫn chúng ta xuyên Hà Nội băm sáu phố phường với những thực tại văn hóa đã được lập lại trăm, ngàn lần trong sách vở. Nhưng lần này, lạ hẳn:


"Những người đàn bà ăn mặc quê mùa chân chất, áo phin hoa, quần đen, gánh hàng rong đi qua cây điệp, bóng họ đổ xuống hè còn hình hài in trong cửa kính lẫn với xe máy, đài, tủ lạnh, phích điện. Tuồng như những người đàn bà đó từ quá khứ trở về, lại tuồng như họ chỉ tình cờ đi ngang qua trong vẻ uể oải mãn tính. Ðiểm dừng chân của người bán hàng rong là một bí mật sâu kín.

Cốm, chè lam, khoai luộc, bánh dầy giò trôi nổi luồn lách khắp Hà Thành như những chiếc lá khô trong cơn nước lũ. Mà không hiểu sao dạo này đài, báo lại hay ra rả nhắc đến lũ, làm lòng người bị lung lạc phấp phỏng.

Ăn một que kem ở cửa hàng cách cây điệp vài chục mét. Ăn chậm, nhẩn nha, chỉ cốt có chỗ ngồi ngắm kỹ lại cái màu vàng làm mình chao đảo.

Hoa điệp nở thành nhịp điệu phức tạp lắt léo, gợn sóng ở tầng dưới, lộn xộn rời rã ở tầng trên. Màu vàng chạy chéo nhau đan cài dập dềnh với mối liên kết ma quái nhưng thi thoảng vẫn có những cụm hoa riêng lẻ tự do trôi dạt như những giờ phút lang thang chán đời. Cả cây hoa là một chiếc áo vàng chập chờn lay động. Và sực nhớ tới người đàn bà kỳ dị trong mơ." (trang 95-96)

Trí nhớ và cái nhìn ở đây là tác nhân của tiểu thuyết. Không logic, không biện luận, không mô tả theo nghĩa thông thường. Người viết truyện chỉ là thư ký, ghi lại những gì trí nhớ cô gái xướng lên, trong trạng thái nguyên thủy, mỗi liên tưởng có thể gần gũi mà cũng có thể nhẩy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác. Trong thể loại cổ điển người ta gọi đó là tùy bút. Nhưng ở đây có cái gì rất khác, rất xa tùy bút. Ðó là sự vắng mặt của cái tôi xác định. Ở tùy bút, cái tôi xác định của nhà văn luôn luôn hiện diện như một Thượng đế nhỏ, thay cho Thượng đế toàn năng, nơi tiểu thuyết cổ điển.

Ở đây không còn cái tôi xác định nữa, chỉ còn tiếng nói mờ ảo của ký ức, đang nhòe đi, đứt quãng, khi nhớ, khi quên, khi chắc, khi không chắc, lúc đoán, lúc tưởng.

Trí nhớ ấy rọi vào đời sống hàng ngày của Hà Nội, chiếu lên những khuôn mặt của hai người tình có tên Vũ, Tuấn, của những giao hữu thân sơ như cô bạn gái có tên "chủ hiệu cầm đồ", ông họ Trịnh với biệt danh "hai mươi bẩy vết thương" hay bà già độc thân hàng xóm, hoặc những người như Hoài, Huyền, Quẩy... Ðó là những chân dung được ký ức ghi lại, khi tỏ, khi mờ, tất cả tạo nên một không gian Hà Nội của trí nhớ, phi thời gian, vừa thơ mộng, vừa hiện thực.

Cái hiện thực trong tác phẩm Trí Nhớ Suy Tàn của Nguyễn Bình Phương là một hiện thực hiện sinh trong trí tưởng tượng của nhà văn, nó đã khác xa với hiện thực chụp ảnh thời Balzac, được độc tôn và biến cải thành hiện thực tô hồng thời xã hội chủ nghĩa. Hiện thực hiện sinh trong trí nhớ nhà văn vừa huyền ảo vừa đa nghĩa, có thể đã xuất hiện từ xưa cùng một lúc với thi ca, nhưng trong khoảng thời gian dài -ít nhất là từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX- đã bị hai phong trào hiện thực Balzac, rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa lấn át. Sự trở lại của hiện thực hiện sinh trong trí nhớ nhà văn đã nuôi dưỡng những trào lưu tiểu thuyết nổi tiếng của thế kỷ XX như hiện thực huyền ảo Châu Mỹ La Tinh, như phong trào tiểu thuyết mới.... *

Tự nhận là khách của trần gian, Nguyễn Bình Phương đã đưa ra những suy ngẫm sâu sắc về chiến tranh, về thực chất của anh hùng, về những tha hóa truyền kiếp của phận người.

Một khách trần gian đang đi qua trong đời sống, mỗi bước đi của anh không chỉ dẫn tới tương lai mà còn có khả năng quay về dĩ vãng, phục vị những sáng tạo tiềm ẩn chôn sâu trong lòng đất.

Paris, tháng 6/2000
Thụy Khuê 



Chú thích:

(1) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, nxb Khoa Học Xã Hội, 1983, trang 279.
(2) La mort est un voyage et le voyage est une mort (L'eau et les rêves, trang 89, Bibliothèque Essais, Livre de poche)
(3) Tous les fleuves rejoignent le Fleuve des morts (Sđd)
© 1995-2001 Thụy Khuê 























Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.