Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Ngô Nguyên Dũng

 









Ngô Nguyên Dũng
Tên thật: Ngô Việt Dũng
(1951 - ) Sài gòn
Nha văn, nha thơ














Để thấy ra trò sáng tạo chỉ là khoảnh khắc những phù hoa
Sài Gòn 20.06.22

Ngô Nguyên Dũng








về một nỗi mất mát

(tặng N.Ð.T.)

ta đi khắc khoải chiều trở gió
tháng mười nắng chợt trổ trắng bông
góc phố ngập ngừng bên quán trọ
những tường những vách những hư không


ta về hong lại ngày bóng mát
sinh quán chia nhau một dửng dưng
quanh co lối cũ bàn chân lạc
hỏi thăm thời tiết tuổi thanh xuân


chốn hẹn ta tìm bàn ghế lạ
đánh rơi một chiếc đũa mất đôi
sợi khói tay che hình bóng xoá
ra đi đành đoạn lạnh chỗ ngồi


thôi ta về lại bên kia xứ
thời gian khép cửa mắt rưng rưng
đất trời một cõi xôn xao ấy
chia tay lặng lẽ ngày mênh mông


NND











Tiểu sử


Ngô Nguyên Dũng tên thật là Ngô Việt Dũng
Sinh năm 1951 tại Sài gòn. 
Du học và định cư tại Cộng hoà Liên bang Ðức từ 1969.
Tiến sĩ hoá học.
Cộng tác với nhiều nguyệt san văn chương quốc ngoại từ 1980.
Hội viên Hội Văn bút những Tác giả Lưu vong tại các Quốc gia nói tiếng Đức (Exil-P.E.N., Sektion deutschprachige Länder).









Tác phẩm đã ấn hành







Việt ngữ:


1
Dòng Chữ Tâm Tình
(Tập truyện, Văn Nghệ, 1988)





2
Mười Hai Hoa Cúc
(Tập truyện, Làng Văn, 1988)





3
Đêm
(Truyện vừa, Làng Văn, 1989)





4
Tiếng Núi
(Tập truyện, Làng Văn, 1992)





5
Chuông Đêm
(Tập truyện, Làng Văn, 1992)





6
Gia Đình Cún
(Tập truyện, Làng Văn, 1994)





7
Âm Bản
(Tập truyện, Minh Văn, 1994)





8
Khung Cửa Nắng
(Truyện dài, Văn Học, 2000)





9
Hòn Còng Lửa
(Tập truyện, Văn Mới, 2002)





10
Ngôn Ngữ Tuyết
(Tập truyện, Quyên Book, 2006)





11
Núi Đoạn Sông Lìa
(Truyện dài, Nhân Ảnh, 2017)





12
Thơ Ngô Nguyên Dũng
(Thơ, Nhân Ảnh, 2020)





13
Đêm và Những Truyện Ngắn Khác
(Tập truyện, Nhân Ảnh, 2022)





Đức ngữ:


14
Die Insel der Feuerkrabben
(tập truyện, POP-Verlag, 2011)





15
Tausend Jahre im Augenblick
(tiểu thuyết, POP-Verlag, 2019)







Đọc Ngô Nguyên Dũng




(thơ)


(thơ)


(truyện ngắn)


(nghệ thuật)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(truyện ngắn)


(tạp văn)


(thơ)


(tiểu luận)


(điểm sách)


(truyện ngắn)


(thơ)


(ngôn ngữ)


(truyện ngắn)


(truyện ngắn)


(truyện ngắn)


(truyện dài)


(truyện dài)


(truyện dài)


(truyện ngắn)


(truyện)














Mưa Ngũ Cung
Ngô Nguyên Dũng



"Tui học ca diễn với bầu Tám Ngà của gánh Chuông Vàng lúc tui đâu chừng bảy tuổi, đang học lớp tư trường làng, mới ê a đọc viết. Sáng đi học, chiều về bữa chăn trâu bữa phụ làm ruộng bữa vét mương, đủ chuyện hết. Ba má tui vốn là tá điền cho địa chủ Huỳnh tấn Bửu, bá hộ khét tiếng sáu tỉnh Nam kỳ thủa đó. Nói thiệt, ổng không phải là người ác như lời thiên hạ đồn. Má tui kể lại, lần bả chuyển bụng sanh tui, nếu không có ổng cho ghe máy chở ra nhà thương tỉnh, chắc cả mẹ lẫn con đã ra người thiên cổ. Tui nằm ngược, phải mổ. Sau đó họ nuôi trong lồng kiếng thêm ba tháng mới cho đem về nhà. Mấy bà y tá nói lại với má tui, lúc mổ bưng tui ra, tui xuội lơ hà, nếu sống hẳn bị một khuyết tật nào đó. Ai dè lúc tui vừa lên năm, còn nói ngọng, mà đã võ vẽ hát xướng rồi. Tại dì Năm Xuân hết trọi. Dì là em ruột của má, bỏ quê lên tá túc tạm nhà ba má tui, chờ được phát ruộng đất, nhận chưn tá điền. Nói cho ngay, địa chủ Bửu có phần nào bóc lột. Đâu phải ai muốn làm tá điền cho ổng cũng được. Phải chờ có chỗ trống, mình nhảy vô thế. Trong khi chờ cũng phải lao động cật lực như mọi người. Sau mỗi vụ lúa, được phát gạo. Tới Tết được cấp cho vài thước vải ú. Dì Năm Xuân dang nắng dầm mưa nước da đen đúa, nhưng có duyên hết sức. Đặc biệt dì có giọng ca trong trẻo, nên ngân nga hát xướng tối ngày. Má tui nói hoài, tui biết hát nhờ sữa của dì Năm. Không hiểu sao, mới mười tám tuổi, đâu đã đẻ chửa gì mà dưng không dì có sữa thay má cho tui bú. Má kể, thủa nhỏ tui đẹp như tiên đồng, ai thấy cũng đòi nựng. Thời đó làng quê mình nghèo lắm, làm gì có điều kiện ra tiệm chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, thành ra tui chỉ còn giữ mấy tấm lúc tui khởi nghiệp cầm ca. Để tui đưa cho ông ký giả coi chơi!"

Dông dài một hơi, tới đó nghệ sĩ Đắc Phước run tay cầm quyển lưu ảnh đưa cho ký giả Văn Trọng.

Hai người ngồi đối diện. Căn gác chật, tháng tám, thời tiết thất thường. Hôm qua mưa dầm trọn đêm, mát mẻ được buổi sáng, trưa nắng lên lại nóng hầm. Cửa nẻo toang hoác. Vài ngọn gió nhút nhát tuôn qua, phả hơi yếu ớt. Lâu lâu Văn Trọng lại rút khăn tay chặm mồ hôi trán.

Trong lúc Đắc Phước vòng vo chuyện đời, tai Văn Trọng lắng nghe mà mắt chăm chú ngắm nhìn tấm vách trước mặt. Ảnh lộng kiếng treo sắp lớp. Màu thuốc rửa ngả nâu, có tấm ố vàng, bạc thếch từng đốm như bị vôi tạt. Trước khi tới đây để phỏng vấn nghệ sĩ lão thành Đắc Phước, người đã hiến dâng gần như trọn đời cho sân khấu cải lương, ký giả Văn Trọng đã chịu khó tìm đọc tiểu sử của ông. Vỏn vẹn ba trang với ảnh bán thân trong quyển biên khảo "Nguồn gốc và nhân vật điển hình ca tuồng Nam bộ". Ông sanh năm 1921 tại làng Đầm dơi, tỉnh Cà mau, xuất thân bần cố nông, ... Và phần kết luận: "Ông đã tận tuỵ góp phần không ít vào hai cuộc cách mạng vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Sự nghiệp của ông vì vậy đáng được vinh danh như tấm gương tiêu biểu cho ngành ca tuồng Nam bộ."

Đọc xong, Văn Trọng không khỏi trầm ngâm. Theo lời vài đồng nghiệp đi trước, kẻ bảo Đắc Phước bị móc nối làm cán bộ nội thành của Mặt trận Giải phóng sau lần xuất ngoại trình diễn ở Ba-lê, người cho rằng ông chỉ là nạn nhân của tranh chấp, không những trong giới ca diễn mà còn trong tầng cấp xã hội.

Đắc Phước nhấc ghế sát gần Văn Trọng, tay lật từng trang quyển lưu ảnh, giọng xúc động:

"Ông ký giả coi nè, ảnh nầy chụp tui sắm vai Na Tra trong tuồng cải lương Hồ Quảng 'Đường sang Tây trúc'. Còn trong tấm nầy, tui làm vua Tàu, cái ông Phổ Nghi đó, ông ký giả biết mà! Tui còn đóng vai Tấn Lực trong 'Phạm Công, Cúc Hoa', làm tiểu đồng theo hầu Lương Sơn Bá. Đó là thời tui còn nhỏ, được quần chúng gọi tưng 'thần đồng'. Tuy đóng vai phụ, nhưng trong tuồng nào, ông nhưn cũng xếp cho tui được hát hò vài câu. Thủa đó người diễn vai nhí không nhiều, nên thỉnh thoảng tui còn vẽ mặt làm đào con. Để tui kể chuyện tui theo gánh hát cho ông ký giả nghe chơi! Bầu Tám Ngà là bà con xa bên ngoại tui. Bãi trường năm đó ban Chuông Vàng tới đóng đô ngoài chợ lồng, cách làng Đầm dơi gần nửa buổi chèo. Một hôm ông bầu theo xe ngựa quảng cáo, tạt ngang nhà thăm ba má tui, nhằm lúc tui đang lùa vịt vô chuồng, tay cầm roi tre phất 'trót, trót' trong không khí, miệng nghêu ngao điệu Lý chim quyên học được của dì Năm Xuân …"

"Giọng đứa nào nghe sắc quá vậy chị?"

"Thằng Phước đó chú Tám, con út của tụi tui. Nó hát hò miệng không kéo da non."

"Chị kêu nó vô cho tui coi tạng!"

Chào hỏi xong xuôi, bầu Tám rịt tay thằng Phước, lật coi qua loa rồi vuốt má thằng nhỏ, nói:

"Tốt, có hoa văn, vóc vạc thanh tao, hồng diện dĩnh ngộ. Cháu lên mấy rồi?"

Thằng Phước đỏ mặt lúng búng:

"Dạ, bảy."

"Hát lại cái bài mới nãy cho chú nghe!"

Thằng Phước cúi gầm, lắc đầu nguây nguẩy. Người mẹ cười lớn:

"Xấu hổ đó mà. Thôi, đi tắm rồi phụ dì Năm dọn cơm. Nhơn tiện mời chú Tám ở lại dùng bữa với tụi tui, cơm canh đạm bạc."

"Cám ơn chị, hôm nay không được, đám xe thồ ngồi chờ ngoài kia, Tui còn lui tới nữa mà. Hôm nào rảnh, tui mời anh chị tới coi tụi tui diễn tuồng, nhớ dắt thằng Phước theo!"

Hôm cả nhà đùm túm chèo ghe ra chợ tỉnh coi hát tuồng, người mẹ chuẩn bị cơm nước đem theo từ sớm, gồm cơm nắm muối mè, vài miếng khô cá tra gói giấy nhựt trình và bình trà ủ trong vỏ dừa điếc. Dì Năm Xuân chèo mũi, người cha chèo lái. Quần áo dành cho ba ngày Tết được đem ra bận. Dì Năm Xuân còn xức dầu dừa chải tóc, hái bông bụp đỏ vò nát xoa hai má. Chỉ vậy thôi mà gương mặt dì rạng rỡ hẳn. Mỗi lần dì vung tay khua chèo, cánh áo bà ba ngấp nghé lưng quần sa-teng đen, hé khoảnh tam giác trắng muốt.

Ghe khởi dầm từ trưa, tới chợ tỉnh lúc nắng đã xế. Bữa nay ban Chuông Vàng diễn tuồng "Hoa Mộc Lan tòng chinh" tại đình Quan Công, người coi đông nghẹt. Bầu Tám dành cho nhà thằng Phước mấy chỗ ngồi hạng cá kèo. Sân khấu đèn đuốc sáng choang. Giàn nhạc tiều kéo điệu Nam, điệu Quảng ron rót. Phông cảnh lộng lẫy, đào kép sắm y trang hực hỡ. Lúc nghỉ giải lao, bầu Tám tới xin phép ba má dắt thằng Phước vô hậu trường.

Dãy hành lang hẹp, lót gạch nung đằng sau sân khấu là lối đi dành cho ban cúng đình hằng năm, giờ thành chỗ hoá trang sắm bộ cho đào kép. Bầu Tám chỉ trỏ, giải thích luôn miệng. Thằng Phước lắng tai mà thần trí lất vất nơi đâu. Trời đã vào đêm mịt mùng. Bàn hoá trang gỗ tạp thắp đèn dầu ngọn lớn, rọi sáng những khuôn mặt kề gương bể, loang ố lớp tráng thuỷ. Đào kép đương tô lại dấu son phai, dặm lại gò má lợt, sửa lại hàng mi nghiêng. Thứ ảnh sắc nầy, thằng Phước mới thấy lần đầu mà có cảm tưởng như đã chiêm nghiệm đâu rồi. Ảo giác lờ mờ, gẫy nét nhưng linh động với toàn bộ ngũ quan, tựa thứ cảm xúc mỗi lần nó khứng tiếng hát chơi: Bầu sữa mát rượi trắng tươi của dì Năm Xuân bú mớm bài ru em hay điệu Xuân tình, Bình bán. Nó nhớ hoài lời má nói, thằng Phước tốt giọng nhờ sữa của con Năm!

Vãn tuồng lúc đêm đã sâu. Ngoài bến sông, ghe xuồng náo nhiệt tra dầm, quay mũi. Trăng cận rằm rải vàng lên mặt sông. Không hiểu sao, sắc nguyệt đêm nay đỏ ửng như bén lửa. Cha vặn nhỏ tim đèn. Lúc vẩy nước ám sắc, ngước mặt thấy lớp mây vắt ngang khuôn trăng, xám xịt như đám khói một cơn hoả tai. Sông mênh mông, tinh tú tận cùng, chiếc tam bản run rẩy như cành khô trong cơn bần thần của trời nước. Dư âm buổi hát tuồng còn ấm tro, gió trăng hứng tình làm bốc lửa tiếng hát thằng Phước xướng cao. Bài vọng cổ từ biệt lúc nữ tướng lên ngựa ra sa trường. Vừa lúc trăng nức sáng. Đám cháy thật sự phát hoả, rảy chập chờn lên lưng nước. Quang cảnh trông như giả, như thể mọi sự vừa vuột mất bản tướng, gắn lên tấm mặt nạ hoá trang, bước qua cảnh giới huê rạng vô biên của tuồng tích.

Dì Năm Xuân cũng hoà giọng hát cương. Tới đoạn sông tẽ nhánh, cha rẽ dầm. Đôi bờ cây rậm, dây leo lơi lả như rắn treo. Chỗ nước hẹp, lục bình lắp kín lòng sông. Vòm cây, có nơi đom đóm nhấp nháy hoan lạc, có nơi nhớn nhác hai mắt thú loé lân tinh. Ghe trườn tới đâu, côn trùng bặt tiếng tới đó. Chỉ còn giọng thằng Phước dịu nhiễu rót đầy khung đêm, mùi mẫn tới độ cỏ cây cũng xúc động, lả ngọn rã rượi.

Vài ngày sau, nhằm bữa nghỉ hát, bầu Tám tới viếng nhà ba má thằng Phước. Lần nầy ông nấn nán lâu hơn. Cơm nước xong xuôi, ông và cha thằng Phước ngồi uống trà, hút thuốc vấn bên hiên nhà trống vách. Nắng uể oải nghiêng bóng. Tít tắp, chỗ ruộng đất giáp trời, mây xám cuồn cuộn, vạm vỡ.

Bầu Tám rít một hơi sâu, phả khói khoan khoái, rồi cất giọng nhấp chừng:

"Anh chị tính sao với thằng Phước?"

Người cha nhíu mày, toan hỏi thì bầu Tám đã tiếp lời:

"Ý tui muốn nói tới tương lai của nó đó mà."

Người cha ngập ngừng:

"Ừ, thì ... cũng như tui thủa trước ... Tới tuổi trổ mã tui cho nó đi theo đám len trâu qua mùa nước lụt, rồi dìa nối nghiệp tui làm tá điền cho ông chủ đây."

"Hơi uổng nghe anh!"

"Sao uổng?"

Bầu Tám hạ giọng chậm rãi:

"Anh nghĩ coi, đã đành tui là cái thứ xướng ca vô loài, trôi sông lạc chợ, nhưng một khi đã vay nghiệp thì phải trả. Tui thấy thằng Phước vừa đẹp tướng vừa tốt giọng, nếu để nó theo nghề làm ruộng, thiệt uổng. Ý tui muốn xin anh chị cho nó theo tui."

Nét mặt người cha sửng lại giây lát. Ông không trả lời ngay mà nâng chung trà mẻ miệng, hớp ngụm nhỏ. Bầu Tám nơm nớp ngó thẳng mặt ông. Khoảnh khắc ấy, có tia sáng lạc lên gương mặt người cha dải nắng chan mưa, tựa như đèn tuồng vừa phực sáng, vẽ lên tấn đời bần cùng, xơ xác của kiếp gặt thuê cấy mướn. Ông nheo mắt chói nắng, day nhìn bầu Tám, giọng buồn buồn:

"Chú nói có lý, nghiệp dĩ có vay có trả. Để tui hỏi lại ý bả rồi cho chú hay sau. Chừng nào chú nhổ rạp?"

Bầu Tám mừng khấp khởi:

"Tới mùa gặt thì dọn gánh, áng chừng hơn tháng nữa."

"Còn lâu mà. Rảnh, chú cứ ghé chơi. Vợ chồng tui nghèo của nhưng giàu nhơn nghĩa, chú chớ ngại!"

Rồi hai người xoay qua bàn chuyện thế sự. Nghe đồn đám người ám sát Đức thầy đang làm hoành làm tướng ở miệt Trà vinh, Châu đốc. Họ cũng là Việt minh, cũng chống Pháp nhưng theo lời Đức thầy giảng dạy lúc còn tại thế, họ khác chí hướng. Dân cư những miệt hẻo lánh khiếp sợ tới đỗi cất dẹp bàn thờ, chôn giấu nữ trang chạm khắc tượng Phật; chùa chiền thưa người lai vãng. Biết vậy, nhưng mấy ai rành rẽ đầu đuôi. Chuyện trước tiên là tìm cách tháo ách thực dân đô hộ, sau là thoát căn tá điền, bôi sạch tầng lớp địa chủ là thứ tay sai ngoại bang, bóc lột giai cấp bần cùng.

Chợt, nắng tắt ngúm, một vạt tối úp xuống. Hai người đàn ông hoang mang rảo mắt ngó mông. Từ hướng trời nặng trịch mây xám, một đám bụi đen thốc lên. Thoạt đầu nhỏ như bàn tay xoè, thoắt cái loang rộng, lắp kín vòm trời đỏ ối ráng chiều, kèm theo thứ tiếng động dị thường, nghe như hằng triệu hàm răng nghiến nhau tru tréo. Không ai bảo ai, mọi người trong nhà túa ra sân, ngửng đầu theo dõi hiện tượng lạ. Đám bụi xoẹc ngang, từng vệt chằng chịt như tên bắn, cứa bấy da trời. Tiếng cứa loen loét như kim chích vô thính giác. Dơi. Không phải một bầy mà hằng hà sa số, xoạc cánh ngập kín không trung. Phút chốc, mặt đất tối bưng như cảnh nhật thực. Cỏ cây cùng sinh vật đồng loạt bất động như bị thôi miên, sửng mắt nghiệm lại từng chi tiết từ góc sâu quá khứ. Lịch sử man rợ thời Nam tiến. Lưỡi dao vĩ đại bén ngót của tham vọng quét ngang đất, huỷ diệt cả một chủng tộc. Riêng giống dơi kịp thời lánh ra biển, ẩn náu trong hang động một hoang đảo ngoài khơi xa, để lại dấu tích nơi nầy cái tên Đầm dơi.

Hôm nay, chúng đột ngột kéo về. Những hồn ma diệt chủng kiếp nào loi ngoi theo dậy, réo tiếng nguyền rủa, đòi lại những thứ đã bị cưỡng đoạt.

Hiện tượng kỳ quặc kéo dài chừng vài phút, rồi không gian trở lại như cũ. Vài giọt sáng gắng sức hà nhịp thở cấp bách vào lòng trời đỏ chạch như thổ huyết. Cây lá, cỏ đất bê bết phân dơi.

Bầu Tám cắt nghĩa như sau:

"Chữ nho gọi dơi là phước, đồng âm với phước lợi, ắt hẳn điềm lành, bà con đừng lo!"

Khuya đó, vô giường, cha thằng Phước rủ rỉ thuật lại đề nghị của bầu Tám cho vợ nghe. Thoạt đầu bà quyết liệt không chịu, sau nghe lời giải thích của chồng, bà bảo để nghĩ lại.

Thằng Phước bưng mặt khóc khi nghe má hỏi nó có ưng bụng đi theo bầu Tám học nghề hát. Chỉ khóc chớ không trả lời, rồi chạy một mạch ra chòi lá, chỗ nó thường đụt mưa. Nó vật người xuống ổ rơm, tỉ tê thêm một lát rồi trở lưng nằm ngửa, mặt ngước lên mái lá chằm quăn queo, khô khốc. Tiếng tắc kè tróc lưỡi chăm chắp rồi ngưng bặt. Thằng Phước tưởng ra đó là tiếng báo hiệu tuồng hát sắp mở màn. Trống tiểu gõ tung tung, liên hườn với chập choã và song lan lóc tróc dồn dập. Sân khấu đèn thắp sáng trưng. Phông cảnh sơn thuỷ chập chờn. Đào kép trang phục rạng rỡ, diêm dúa. Bộ tịch ăn khớp nhịp nhàng theo bài bản ngũ cung. Tiếng đờn kìm ẻo lả kéo ngang dọc điệu Nam, điệu Huế ai oán. Cõi lòng thằng Phước như vừa lấn sang cõi giới khác. Nó bỗng thấy ra trước mặt cái lối đi như được vạch sẵn.

Người mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe đứa con trai thuận lòng đi theo gánh hát. Thằng Phước nói như người lớn:

"Cái số con là như vậy, sắm tuồng cho thiên hạ mua vui."

Người mẹ quệt nước mắt, gượng cười:

"Ờ, con nhập ban chú Tám một mùa coi sao. Ưng bụng thì theo luôn, còn như không khứng thì dìa đây làm ruộng. Gì thì chớ, nhớ cho ba má biết tăm hơi, đừng ngậm thinh làm má trông, nghe con!"

Tối trước ngày xa nhà, thằng Phước xin dì Năm Xuân cho nó vô mùng nằm chung. Nhà dì Năm mới cất ở cuối vườn, cạnh mương nước giáp ruộng lúa mênh mông. Bên trong, dì Năm tóm vén gọn gàng, sạch sẽ. Một vách lá chia gian. Thằng Phước ưa tới đây. Lần nào cũng vậy, nó đều chạy vô gian trong, thót lên giường tre lót chiếu nằm dang tay, miệng ton hót đủ chuyện. Chỗ nằm của dì Năm có hơi hướm lạ mũi, ngọt đằm hương trái chín, the the mùi dầu khuynh diệp. Và dìu dịu hơi người, thứ hợp hương của mồ hôi đàn bà và chất sữa mà thằng Phước bú mớm thuở sơ sanh.

Dì Năm múc cho thằng Phước chén chè thưng, miệng cười mím chi, hỏi:

"Cháu đi theo đám hát, nhớ cái gì nhứt?"

Thằng Phước ngồi ở mép giường, nhai xệu xạo, thấy vị chè lạt lẽo, không như mọi ngày. Nó buông muỗng, chùi mép, cố giữ chặt dạ:

"Nhớ đủ thứ hết, nhứt là ... là ... nhớ dì Năm."

Dì Năm tới ngồi cạnh, giơ tay vuốt tóc thằng Phước. Đứa con trai lặp cặp đặt chén chè xuống đất, ngoặt đầu dựa vai người đàn bà. Hương da thịt thân quen xông lên. Rồi không cưỡng được cơn sóng lòng, nó dụi mặt vô trũng ngực mềm mại, mát rượi của người đàn bà, ngấn vai rúng động từng chặp. Người đàn bà úp má xuống đầu tóc lười xười khét nắng, chắt lưỡi vỗ về:

"Có gì đâu mà khóc. Đi rồi dìa, chớ bộ đi luôn!"

Đoạn người đàn bà lẩm nhẩm cất giọng bi, điệu Mẫu tầm tử, ngả lưng xuống chiếu. Chụp đèn trứng vịt móc đầu sào tre căng mùng rảy ánh sáng yếu, vàng lườm lên khoảng ngực hở khuy, nhấp nhô theo làn hơi ngũ cung. Ngón tay thằng con trai dò dẫm theo bẩm tánh sơ khai, lần tháo những khuy nút còn lại, lướt môi tìm. Núm ngực căng theo tiếng nức ứ đọng cổ họng. Ngọn đèn chòng chành cảm xúc ly tán.

Lúc dì Năm Xuân ngưng giọng, ngoài đêm trở mình xào xạc gió xô lá. Muỗi vo ve quanh quất. Thằng Phước vùi mặt ngủ quên trên phiến ngực trần. Dì Năm nhẹ nâng đầu nó, đặt xuống gối. Mép môi đứa con trai còn hoen giọt sữa thanh tân.


"Ông còn giữ tấm hình nào của dì Năm?"

Nghệ sĩ Đắc Phước xoè tay chặn lên trang ảnh ố màu, thở ra tiếng, mắt nhìn ra vuông cửa mở. Nắng xuyên lá, trổ bóng lập loè. Những chiếc bóng, những ma ảnh quen mắt thân hơi chợn vợn. Ông lắc đầu:

"Không. Tối đó là lần cuối cùng. Hôm sau bầu Tám tới dắt tui đi. Không phải một mà mút mùa. Thời gian đầu, khuya nào tui cũng khóc vì nhớ nhà, hễ chợp mắt là thấy dơi từng đàn kéo về đặc kín. Nghe tui ngủ mớ la lối, nỉ non suốt đêm, mấy cô chú đào kép không biết làm sao, rốt cuộc thay phiên nhau cho tui nằm chung. Mộng dữ lần hồi tan đi. Tui quen dần với kiếp cầm ca rày đây mai đó. Năm thì mười hoạ tui mới nhận được tin nhà. Mỗi bận nhận thơ, tui lẫn đẫn bỏ ăn bỏ ngủ mấy hôm liền. Bao nhiêu lá thơ, tui giữ đủ bấy nhiêu, dẫu những biến động quốc sự. Hết Tây ruồng tới Thổ dậy, rồi đất nước phân hai, đám tập kết đám ở lại. Tới thời chống đế quốc Mỹ, họ vượt tuyến trở vô ..."

Đắc Phước vừa lê la giọng kể vừa xô ghế đứng lên, tới mở hộc tủ, lấy ra xấp thơ ràng dây chữ thập. Giọng ông lúc gần lúc xa, khi to khi nhỏ, trầm bổng như đóng tuồng. Ký giả Văn Trọng gật đầu không ngớt theo bản năng nghề nghiệp, tay lia bút bi lên tập giấy kê đùi. Đắc Phước ngưng tiếng, cúi mặt cặm cụi tháo gút. Bàn tay xương, lóng dài, hai ngón út móng khoằm bấu lên phong thơ giấy xấu, xám ngoét, dòng mực lợt lạt tuồng chữ của kẻ tập tành. Ông lật qua lật lại từng phong bì, miệng nhẩm đọc tên người gởi, rồi rút ra một lá, nét mặt sa sầm:

"Nội dung bức thơ nầy tui thuộc nằm lòng. Thơ của má tui đọc cho sắp nhỏ viết ngày mồng chín tháng hai năm 1932, báo tin nạn dơi hành. Tui đọc đoạn nầy cho ông ký giả nghe chơi:

Chắc con còn nhớ hồi nẳm, lần chú Tám Ngà ghé thăm nhà mình, chặp tối chợt có bầy dơi xẹt ngang, phóng uế đầy mặt đất? Tưởng yên, ai dè nửa năm sau chúng kéo vô bận nữa. Lần nầy lúc nửa đêm. Quỉ thần ơi, nằm trong nhà nghe tiếng chúng liệng cánh vun vút, gọi bầy then thét, điếc con ráy. Không biết cớ gì mà chúng ùa vô đây, sa xàn xạt xuống mái nhà, va chanh chách vô mái lá, nghe thắt cả ruột. Nghe đồn đây là giống dơi hút máu, răng nhọn lểu như kim khâu, chích không đau, nước miếng chúng có chất làm tê da cứng thịt.

Sáng ra, chèn ơi, quang cảnh tiêu điều, xơ xác như có cơn trốt vừa kéo qua. Ruộng lúa vừa trổ đòng đòng bị chúng cắn phá trụi lủi. Chuồng trâu của điền chủ Huỳnh cũng bị chúng tấn công, con nào con nấy lòng ròng máu đỏ. Gà vịt thì khỏi nói, chết như rạ. Thấy nổi gai ốc. Sau đó là cái sợ lớn: Đói.

Điền chủ Huỳnh là người nhiễm Tây học, vậy mà bữa nọ ông mời thầy pháp tới lập đàn cúng tế. Đám tá điền tới dự, chen kín sân trước. Một con nghé đực bị đập đầu, tế thần, thọc huyết hứng đầy thau lớn. Thầy pháp nhúng máu vẽ bùa lên giấy kim bổi, đốt lấy tro, chia cho mỗi người một nhúm đem về rắc trước cửa nhà phòng đại hoạ. Rồi ông điền chủ hứa sẽ phát lúa ứng trước cho mọi gia đình, chờ tới mùa gặt kế. Chắc con biết, ổng có nhà máy xay lúa ngoài chợ, nhưng con không thể tưởng tượng nổi ổng giàu tới mức nào. Ghe bầu chở lúa khẳm lườn, nối đuôi cắm sào ngoài sông, dài mút mắt. Ai cũng đội ơn ông điền chủ. Khỏi đói, nhưng mắc nợ trần thân, không phải đời mình mà cho tới đời con, đời cháu."

Đọc xong, Đắc Phước run tay gấp tờ thơ cũ, tháo gọng kiếng lão đặt lên bàn, khép mắt. Văn Trọng ngừng tay chép. Cụ già đưa hai ngón cái nhíp chặt đôi khoé mắt, ngăn lệ chảy. Tâm tư ông thoáng chốc cuồn cuộn thác đổ.

Chặp sau Văn Trọng cất tiếng:

"Xin lỗi cụ, tôi có nghe thiên hạ kháo sự đôi điều về đời tư cụ ..."

Đôi mắt cụ già nhíu lại, chơn mày trái giựt nẩy vài cái. Một sợi lông bạc dài trội, cong chạm gò má. Văn Trọng thấy ngộ nghĩnh. Nó bắt anh nghĩ tới những tiểu tiết nhủng nhẳng bên lề cuộc sống, tuy vặt vãnh và thường khi vô can, nhưng có khả năng làm câu chuyện linh động thập phần.

Văn Trọng ngó băm bẳm vô tròng mắt tủa gân máu đỏ lừ của cụ già, hồi hộp chờ một phản ứng. Mép môi nghệ sĩ Đắc Phước nhếch như điểm cười, hỏi:

"Ông ký giả nghe họ nói gì?"

Văn Trọng lúng búng:

"Dạ, tôi nghe ... cụ thứ lỗi cho ... Có người bảo rằng đời sống tình cảm của cụ hơi khác thường."

"Nghệ sĩ nào mà không vậy?"

Văn Trọng lúng túng thật sự:

"Nhưng trường hợp cụ ... họ nói ... dạ, không biết phải diễn tả sao cho phải "

Đắc Phước xua tay, cười hắt:

"Rồi, để tui tóm lược cho ông nghe chơi, sau đó muốn phê phán sao cũng được."


Chỉ sau mấy tháng tháp tùng gánh Chuông Vàng, thằng Phước ca thạo gần hết bài bản. Thầy dạy tuồng là bầu Tám, còn mánh lới hát xướng nó học từ đám đào kép. Bầu Tám coi vậy mà khe khắt, lúc dạy tay thủ lăm lăm thanh tre chẻ đôi, vừa dùng đánh nhịp vừa dùng đập vai thằng Phước mỗi khi nó hát trật. Lúc bực mình, ông "mày, tao" với nó:

"Nè, Bình bán vắn là điệu hứng khởi, mày không được ngân mà ngắt, bẻ. Ngắt như lặt rau vậy, dứt khoát, không tiếc rẻ. Có lúc còn phải bẻ giọng như trường hợp Lương Sơn Bá áng chừng Chúc Anh Đài là gái cải nam trang, hát mà giọng như luyến láy liếng khỉ, ví như giơ tay ngoặt cành cây cong oằn, nhưng không được ngắt gẫy. Hiểu không?"

Lúc khác:

"Điệu nầy là Tứ đại oán, trữ tình thê thiết, hát nguyên bài buồn ngủ lắm, thành thử chỉ rứt ra vài đoạn. Y hệt mấy điệu sầu bi khác như Vọng cổ, Trường tương tư hay Văn thiên tường, bắt buộc mày phải ngân nga rảy hột. Có như vậy mới mùi mẫn, não nuột. Nghe chưa?"

Không bao giờ ông khen thằng Phước một tiếng. Đào kép nói với nó, tánh ổng vậy đó, hà tiện lời khen, nhưng em để ý lúc ổng nghe em hát mà hai mắt ổng lim dim như mắt thằn lằn ngấm thuốc phiện là ổng ưng bụng lắm đa.

Thời gian trôi mau. Qua rồi cái thuở thằng Phước bị bắt làm những chuyện lặt vặt như kéo màn, phựt đèn màu, bưng nước, dưng mão cho đào kép, đã tới lúc nó được nhập tuồng thủ vai nhí. Nó nhớ như in cái đêm đầu tiên đóng vai tiểu đồng hầu Kim Trọng trong tuồng "Kim Vân Kiều", hồi nhứt "Tuý Kiều du Thanh minh ngộ Kim Trọng", nó chỉ phải xướng vài câu hoạt náo, vậy mà láp dáp muốn không ra lời. Thét rồi quen, nó được sắm vai quan trọng hơn, được hát dặm vài câu. Và nó lớn dần theo vai trò tuồng tích. Cùng phế hưng thời thế.

Xứ Nam kỳ lúc đó là đất bảo hộ trào Tây. Pháp cho phép dân lập gánh hát là để góp tiền mua quốc trái, giúp họ chống giặc Đức ở Ấu châu. Bầu gánh là kẻ cổ deo hai tròng. Ngoài mặt hát giúp thực dân Tây, trong ngầm ủng hộ các đảng phái ái quốc kháng Pháp. Đó là chưa kể nội loạn Thổ phỉ thừa lúc nhiễu nhương, nổi dậy cướp phá mấy vùng giáp ranh Cao miên, giành lại đất. Gánh Chuông Vàng nhổ giàn lánh nạn liên miên. Có năm, hát đâu được mấy tháng, thất thu, đào kép lần lượt bỏ gánh về quê làm ruộng kiếm ăn qua ngày. Cũng là lúc thằng Phước tới tuổi trổ mã, mép lún phún lông tơ. Giọng hát nó trưởng thành theo tuổi, ngắt bẻ điệu vui rành rọt, ngân rảy khúc bi ai như chuốc rượu sầu. Bầu Tám còn dạy nó mấy điệu tân thời như Phong nguyệt, Hoài tình, Lục xuân hoa, ... Bài nào bài nấy thằng Phước đều học ron rót làm ông hài hòng hết sức. Có điều bắt ông khởi tâm lo lắng, từ cái đêm tắp ghe nghỉ tạm trong lần tản cư lánh Thổ dậy miệt Châu đốc. Ông không chợp mắt gần như thâu canh, trăn trở âu lo, không biết ngày mai ra sao. Cạnh ông, thằng Phước ngủ ngáy mê mệt. Chợt, nó chép miệng ú ớ, xoay người quàng tay ôm ông cứng ngắt, phà hơi thở ấm gáy. Ông để yên, không muốn phá giấc thằng nhỏ. Đáy lưng, chỗ chưn thằng Phước gác lên đùi ông, cộm nhẹ. Rồi không biết nó mộng mị thấy gì mà hẩy nhịp vài cái. Bầu Tám thở dài. Thì ra thằng Phước đang độ đương thì, sẽ tới lúc bể tiếng. Con ngựa nòi mà ông bỏ công tập dượt lâu nay, giờ đang tới mùa rượn tình, không biết xổng cương lúc nào.

Ông suy tính ngược xuôi rồi quyết định thuyết phục thằng Phước bằng một đề nghị táo bạo.

Bám trụ gánh Chuông Vàng chạy loạn ngược xuôi, rốt cuộc còn lại năm người thuộc nhiều thế hệ. Đào Sáu Phụng là phụ nữ duy nhứt lo chuyện cơm nước. Cô đã ngoài ba mươi, ca diễn trung bình, mặt rỗ huê mỏng, khoé cười và chuôi mắt đa tình, thường được sắm vai đào lẳng. Nhiều người xầm xì, cô để bụng thầm ưa kép Bảy Sáng, kiểu tình ái một chiều, vì ai cũng biết Bảy Sáng đã xấp xỉ bốn mươi, vợ lớn vợ bé và con cái đùm đống. Từ khi kép chánh là Tư Trọng đột ngột bỏ gánh, nghe đồn theo Việt minh kháng Pháp, Bảy Sáng nhảy vô thay. Tài riêng của anh so với Tư Trọng thua mấy bực, có điều Bảy Sáng chịu khó nghe lời truyền giáo của bầu Tám, thêm diện mạo ăn đèn, nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh thủ vai chánh rành rọt, ngon ơ. Ngặt nỗi, Bảy Sáng ghiền thuốc phiện. Trước khi ra sân khấu, anh phải kéo vài hơi, thần khí mới nhập vai phóng dậc. Chính anh là người an ủi và chỉ vẽ cho thằng Phước những lúc nó bại hoại tinh thần. Người cuối là hề Râu. Trước khi theo gánh hát, anh làm nghề thiến heo. Anh có hai bàn tay ngón dài thuôn thả thiệt đẹp, thêm nghề vặt thủ công thiệt khéo. Anh xếp giấy, vấn lá, chuốc bông vải vô cùng tinh xảo. Phông và cánh gà do một tay anh hoàn tất. Trên sân khấu, anh hoá trang làm hề nên ít ai thấy mặt thật anh ngoài đời. Anh có hai luồng thị lực dị thường. Không phải kiểu nhìn xoi xói khiếm nhã mà như có sức thôi miên người đối diện. Nghe đâu thuở trước hề Râu không chỉ hành nghề thiến heo mà còn lén lút đi nạo thai non cho tiểu thơ con nhà địa chủ lỡ tằng tịu với tá điền. Anh có ngón phẫu thuật không cần thuốc mê. Có người kể, trước tiên anh phóng nhãn bắt đương sự hồn phiêu phách tán, rồi dùng kim bạc châm vô huyệt yên chi, ngăn cảm giác lên não bộ. Về sau, có lẽ ý thức ác nghiệp, anh bỏ nghề theo gánh hát. Có điều ngược ngạo, lúc đóng tuồng hề Râu lí lắc, hoạt náo bao nhiêu thì ngoài đời anh trầm tư, dè dặt bấy nhiêu. Vì vậy ít khi thằng Phước luẩn quẩn bên anh.

Gánh Chuông Vàng tất tả ngược xuôi sông rạch chằng chịt lục tỉnh Nam kỳ, tới cận tết thì giạt hướng xuôi về cực nam. Chốn nầy hoang sơ, rừng trầm thuỷ bưng bít. Ghe bầu neo sào nghỉ chân trong một đầm nước ngọt, sen dại chen kín mặt. Loạn lạc dường như chưa lan tới đây. Thuỷ thổ và thời khí còn man dã, khắc nghiệt. Điều may, vùng nầy sát biển nên muỗi mòng thưa thớt.

Thằng Phước được bầu Tám cho tháp tùng Bảy Sáng ngày ngày vô rừng lượm trứng, bẫy chim. Chưa bao giờ thằng Phước thấy chốn nào nhiều chim như chốn nầy. Lớn có cò, diệc, bồ nông, quạ, ó, ... Chiều xuống, không hiểu từ đâu, cò bay về đông nghẹt. Đủ loại, từ cò bông, cò ma, cò xám, cho tới cò hương, cò quắm. Chim nhỏ thì khỏi kể, trừ một vài loại thằng Phước quen mắt như nhạn, yến, cút, chào mào, cúm núm, còn mấy loại khác nó mới thấy lần đầu. Bảy Sáng nói, chúng thuộc giống "hải điểu" , sanh sống ở miệt biển, biết "bắt" cá. Mắt chúng tinh như gương chiếu thuỷ, lượn trên không, thấy được cá lội dưới mặt nước. Con nào lớ ngớ trờ lên là nó xếp cánh đâm xuống, quắp lấy, mười lần trúng sáu, bảy.

Bảy Sáng chu miệng, cung tay vẽ vờn đường phóng của chim. Thằng Phước reo lên:

"Làm chim coi vậy mà sướng."

Bảy Sáng trợn mắt:

"Sướng quá chừng chớ 'coi vậy' cái gì nữa. Có thứ suốt đời chỉ biết ăn cá, thứ chỉ ăn hột ăn trái, còn giống người ăn đủ thứ hằm bà lằng, đâm cực. Nội cái chuyện lo cho đầy cái bao tử đã muốn hộc máu rồi."

Thằng Phước gật đầu, ngâm nga:

"Cá dưới biển hoá long ... ờ ... Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong. Anh đi … ơ ... lục tỉnh giáp vòng. Tới đây trời khiến ... ờ ... đem lòng thương em ... Mà chú Bảy nè, sao mấy câu hò câu hát ưa có câu mào đầu không ăn nhậu vô đâu vậy chú? Con cá lòng tong nó ăn giống gì thây kệ nó, mắc mớ gì tới cái chuyện 'anh đem lòng thương em'?"

Bảy Sáng nhíp mắt cười khì:

"Ờ, hổng biết tại sao nữa. Giơ tay ơ ... anh rứt cọng ngò. Thương em đứt ruột, anh giả đò … ờ ... ngó lơ. Mầy còn nhỏ, đời còn dài, chưa biết thương ai. Còn tao lậm tình nhiều rồi, đủ hạng người, giờ nghe tới là phát ớn."

Thằng Phước dừng bước dưới tàn cây rải bóng lốm đốm, than mỏi chưn. Bảy Sáng rút con dao phay giắt hông, phát quang lào rào quanh gốc cây làm chỗ ngồi. Tiếng chim ré lên thon thót, một con cúm núm le te lủi vô bụi. Cả hai ngồi dựa lưng vô gốc cây. Bảy Sáng cởi túi vải, trong đựng một con gà bông mắc bẫy bị bẻ cổ, đặt xuống đất, xăn áo ngang ngực, tay quạt phành phạch. Da bụng Bảy Sáng trắng xanh như bụng thằn lằn, khắc màu với da mặt da tay sạm đen. Thằng Phước đưa cho Bảy Sáng bầu nước ngọt. Gã đàn ông ngửa cổ ực ngụm nhỏ, líu quíu đậy nắp, chợt bung tay vật người ra đất. Thằng Phước chỉ kịp đỡ lấy bầu nước, kêu hoảng "chú Bảy, chú Bảy", chồm tới quặp lấy Bảy Sáng, tay miết từng chặp lên ngực người đàn ông, dằn cơn hành. Trời đứng bóng. Gió lùa xao xác trên rặng tràm minh mông. Trong tiếng thú ngơ ngác từng cơn, dường như có cả tiếng sóng biển ầm ì vọng lại.

Ngày nào cũng vậy, tới giấc nầy, Bảy Sáng bị cơn nghiện vật.

Bảy Sáng dặn trước, thấy tao lên cơn lăn cù ra đất, xuất hạn dầm dề, mắt trợn trắng, miệng sùi bọt mép, kệ tao nghe không! Nó hành một chặp rồi hết. Tao chịu trận như vậy ba tháng, sẽ dứt cơn ghiền. Nhưng thằng Phước không nỡ đứng nhìn Bảy Sáng gấp lưng chống chọi vật vã cơn đòi thuốc của thể xác. Lần nào cũng vậy, nó đều xông tới ôm chặt người đàn ông, xoa nắn vô ý thức lên thân thể tươm nhớp mồ hôi, lên những sớ thịt săn cứng như ứ hơi, chực ộc ra thứ rác rưởi tanh tưởi của thèm muốn. Mười lăm phút sau, Bảy Sáng trở lại bình thường, duỗi lưng thở dốc. Thằng Phước quýnh quáng xức dầu nóng hai bên thái dương người đàn ông, quệt thêm vài cái lên nhân trung. Hai tròng mắt Bảy Sáng đục ngầu, đầm đìa nước mắt sống.

Lâu sau anh mới thốt nên lời:

"Lần nầy là … là lần thứ mấy?"

Thằng Phước nhẩm tính rồi đáp:

"Thứ sáu mươi mốt, chú Bảy à!"

Suốt chặng đường chạy loạn, thằng Phước và Bảy Sáng nẩy ra sáng kiến làm dấu mỗi cơn nghiện vật bằng cách thắt gút sợi dây lát. Ba tháng, vị chi chín mươi lần. Trên ghe đã sẵn sáu sợt lát, mỗi sợi mười gút.

Nét mặt Bảy Sáng rực lên, nhếch mép cười:

"Lẹ dữ a!"

Day sang, thấy thằng Phước ngồi bó gối chèo queo, mặt chầm dầm, Bảy Sáng bật dậy, ngạc nhiên:

"Ủa, chuyện gì vậy, mậy?"

Thằng Phước thở ra cái khì:

"Tui cũng không biết tính sao."

Rồi nó thuật cho Bảy Sáng nghe lời đề nghị của bầu Tám. Bảy Sáng chép miệng:

"Mầy trả lời ổng chưa?"

Thằng Phước quơ tay bứt mấy cọng cỏ úa, thả vu vơ lên đất, lắc đầu:

"Tui thấy khó lòng quá ..."

Đột nhiên nó khóc nức lên:

"Chú nghĩ coi, nếu … nếu ... tui không chịu, thì cái nghiệp cầm ca của tui hổng ... hổng ... biết đứt đoạn lúc nào."

Bảy Sáng nâng gương mặt điển trai của thằng Phước lên, soi thẳng vô mắt nó, hỏi:

"Mầy bao nhiêu tuổi rồi?"

"Tết nầy là mười hai."

"Vậy sao? Hồi đó tao bể tiếng đâu chừng mười ba, mười bốn tuổi. Mà tao đâu có cái giọng trời ban độc nhứt vô nhị như mầy. Khó tính thiệt đó."

Thằng Phước giơ tay chùi nước mắt, thút thít:

"Chờ hết chạy giặc, chắc tui dìa quê làm ruộng, chú Bảy à!"

"Uổng mậy, suy nghĩ lại đi! Mầy vừa sáng mã tốt giọng, sau nầy lên Sài gòn thủ kép chánh, hốt bạc đa!"

"Chú cũng là kép chánh."

"Tao thuộc loại tép riu, kép chánh cho gánh bồ tèo, tài cán đủ đong gạo sống qua ngày. Còn mầy, cả một tương lai xán lạn, hực hỡ ..."

Thằng Phước bộp chộp ngắt lời:

"Chú Bảy thấy hề Râu có mát tay, đáng cho tui ..."

Bảy Sáng cười ra tiếng:

"A, cái thằng thiến heo đó hả? Tao biết nó lúc nó đã bỏ nghề rồi, nên không dám có ý kiến. Kể nghe chơi, thiên hạ đồn lúc trước nó còn đi nạo thai kiếm tiền nữa nghe mầy, nghe bắt ớn lạnh. Muốn biết rõ, mầy thử la cà làm quen với nó coi sao. Mặt mày nó bặm trợn vậy chớ hiền khô hà!"

Thực vậy, hề Râu có hai luồng thị lực khác thường, ẩn trong lõm mắt sâu, dưới cặp chơn mày rậm cong như mái che. Lúc thằng Phước mon men tới cạnh, hề Râu đương ngồi vá vuông lưới rách. Không ai nói gì. Ngón tay hề Râu, móng cắt khéo, múp thon như ngòi viết lá tre, chờn vờn như múa trên máng lưới quắp giữa hai ngón cái. Cái gì ở hề Râu cũng lạ. Tựa như mọi thứ nằm bừa bộn đây đó, bà mụ vui tay, quơ quào ráp đại. Đôi mắt của phù thuỷ, bàn tay của thợ vẽ, ngón chưn của dã nhơn, linh hồn của kẻ gieo rắc tiếng cười.

Chợt hề Râu cất tiếng:

"Mầy suy nghĩ kỹ chưa?"

Thằng Phước giựt thót, líu lưỡi:

"Tui ớ ... tui cũng ... chưa rõ nữa, chú à!"

"Vậy tới đây làm gì?"

Thằng Phước ngọng nghịu:

"Quớ ... tui tới ơ ... hỏi chú ..."

"Bầu Tám cho tao biết hết rồi. Chịu hay không tuỳ mầy. Ưng thì tao động thủ."

Thằng Phước nói mau như sợ quên:

"Còn chú nghĩ sao?"

"Trăng sao gì ở đây? Chuyện của mầy, đâu phải của tao."

"Tỷ như tui chịu thì ... thì... sau nầy tui lấy vợ có con được hông?"

Hề Râu ngưng tay, hai ngón chưn giãn ra, ngọ nguậy cho đỡ mỏi, lát sau day mặt ngó thằng Phước, thấp giọng:

"Mầy thử nghĩ, con heo người ta thiến nó với mục đích gì? Để lúc nó trổ nòi, nó khỏi nứng tình, không tổn hao sức lực. Ở đời, đâu có thứ gì 'được' mà không 'mất'. Mọi sự đều có cái giá của nó."

Toàn thân thằng Phước run rẩy:

"Tui s ..ơ ... ợ chú à."

Hề Râu lạnh lùng:

"Thì thôi, ai ép?"

Vừa khi ấy, có cơn gió lướt qua cửa, cuốn vài tờ giấy mở phong phanh trên bàn. Nghệ sĩ Đắc Phước quơ tay chặn lại. Không kịp. Một tờ lảo đảo rơi xuống sàn gỗ. Chuyện kể đứt đoạn. Không biết từ bao giờ, bóng nhá nhem bủa đầy căn gác nhỏ. Tháng tám, chiều nào cũng mưa. Ngoài kia, mảnh trời xám bầm. Gió xô xao xác chòm mận trắng. Tiếng động dưới lòng hẻm hối hả trước cơn mưa lớn.

Đắc Phước lượm lá thơ cũ, gấp tư, đứng lên đi bật công-tắc đèn. Tháng tám xã hội chủ nghĩa, điện cúp. Chưn đèn cầy từ bệ thờ ông bà được đem xuống, vừa loé lên thì ánh chớp loằng ngoằng soi lên vách, kéo theo tiếng sấm nứt trời. Diễn tiến ngắn ngủi mà không hiểu sao, ký giả Văn Trọng có cảm tưởng như vừa vén màn bước qua cảnh giới khác. Từ thực tại lùi lại. Từ ánh sáng tắt lụn bùng lên. Giờ, chỉ còn lại những đổ vỡ của thanh sắc kiêu hãnh, của đèn đuốc huyền thoại, của tuồng tích mất cảm giác. Và trận mưa nhiệt đới nặng trịch. Gió như căm phẫn, đập không thương tiếc lên mảnh đất ốm cong.

"Tui kể tới đâu rồi hé?"

Văn Trọng hít hơi sâu, nhắc:

"Tới đoạn ông cà kê với hề Râu."

Nét mặt cụ già thoáng trầm ngâm, cổ họng khẽ phát tiếng "hừm":

"Trời đổ mưa ngang xương làm mất hứng. Nói theo giọng tuồng, nước mưa dội sạch mọi rác rến quá khứ. Quên à, không đời nào. Nhưng phải công nhận, có sạch."

Văn Trọng nhíu mày không hiểu. Giọng cụ già đều đặn như biểu đồ nhịp đập của một đời sống mất thăng trầm:

"Tui còn nợ ông ký giả một câu trả lời. Số là như vầy ... Chẳng có ai ép uổng gì tui hết á, mà tự tui định đoạt lấy số phần mình. Tui đồng ý cho hề Râu động thủ. Rồi, như ông ký giả biết đó, sự nghiệp tui lên như diều căng gió. Cái năm chia đôi lãnh thổ, có kẻ rủ rê tui tập kết ra ngoải. Tui kẹt lại vì phải về quê chịu tang cha. Sau đó tui lên Sài gòn gầy dựng tiếng tăm. Đâu năm 1967, nhơn chuyến lưu diễn Ba-lê, tui móc nối lại với một vài đồng chí cũ, trở nên cán bộ nội thành từ đó. Thiệt tình, đời sống tui không bình thường như của mọi người. Tui đóng tuồng không phải mỗi đêm, mà quanh năm suốt tháng. Trước mặt tui lúc nào cũng có tấm gương tráng thuỷ, hiện ra diện mạo hoá trang vai nầy vai nọ, lẫn lộn. Tui không còn là tui khi nào, chẳng hay. Mất tiêu. Chỉ cảm thấy hứng tình với chính mình. Tui đóng chặt, khoá kín, tối tăm. Dịp tổng công kích tết Mậu thân một chín sáu tám không như ý, tui lánh mặt vô bưng, chỉ còn hát xướng động viên tinh thần lai rai. Bấy giờ tui sạch. Tất cả trở nên vô nghĩa trước cái chết rình rập. Người bạn đồng chí chia chung manh bố rách đêm Trường sơn, cả những khoái lạc không tên gọi, một hôm trúng bom, xác nát bấy, còn lại bàn tay đeo nhẫn cưới. Chiếc nhẫn ấy, tui giữ tới bây giờ, là chứng tích đời đời ăn sâu lòng tui, gã thái giám ngu xuẩn của chủ nghĩa. Bao nhiêu danh vọng, tất cả biến động tang thương của đất nước là đây, nơi ngón tay nầy ..."

Nói tới đó, cụ già lun run giơ cao bàn tay. Ánh kim loại loé lên, mỏng như lằn chớp cơn mưa ngũ cung vài giọt đọng.

(2018)












Phỏng Vấn






Da Màu Phỏng vấn nhà văn Ngô Nguyên Dũng
ĐINH TỪ BÍCH THUÝ thực hiện



(1) Thưa anh, bài tiểu luận “Dịch thuật: sáng tạo hay kỹ xảo của ngôn ngữ và hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm bằng tiếng bản xứ” đưa ra những chi tiết rất thú vị về quá trình một nhà văn di dân tự dịch văn của mình, đồng thời cũng tự tìm những phương tiện thích hợp để phổ biến sách cho chính mình. Trong bài anh nói đến “bản sắc dân tộc cao độ” của người dân Đức và cũng nhận định rằng: “Là một người chủng gốc da màu, muốn chen chân, tìm một chỗ đứng làm ‘nhân vật của đám đông’ trong cộng đồng người bản xứ tại đây, không đơn giản.” Thưa anh, theo như anh nhận xét, người Đức chắc không có một truyền thống văn chương diaspora, post-kolonialen, hoặc về các giống dân thiểu số (ethnische)?

NND: Để trả lời câu hỏi này của Bích Thuý, trước tiên tôi xin được lạm bàn đôi điều về những khác biệt giữa bản sắc dân tộc Đức đối với bản sắc một vài dân tộc khác.

Mãi cho tới thế kỷ 19, đế quốc Đức mới khởi sự đi tìm thuộc địa. Trễ quá! Vì các vùng đất béo bở đều “bị” các quốc gia láng giềng Anh, Pháp, Hoà-lan, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, v.v... phỏng tay trên mất rồi. Chỉ còn lại vài tiểu quốc ở châu Phi. Vì vậy có thể nói, lịch sử Đức quốc không có một quá trình đi tìm thuộc địa “huy hoàng”. Và, người Đức có ít “kinh nghiệm”, va chạm cũng như tiếp xúc, với các giống dân da màu. Tôi cho rằng, chính vì lý do này, họ không có một ý thức hướng ngoại phóng khoáng, vượt ngoài biên cương quốc gia. Từ đó, có thể kết luận, dân Đức không có ý niệm rõ rệt về “chủ nghĩa hậu thực dân” (Post-Kolonialismus).

So sánh với Hoa kỳ là một quốc gia hợp chủng, thì nước Đức là một dân tộc thuần chủng. Những xung đột trong một xã hội thuần chủng phải thường xuyên cọ xát, chung đụng với truyền thống văn hoá và tín ngưỡng dị biệt của các giống dân thiểu số là điều khó tránh. Suy rộng, tôi e rằng, trong khi ở hợp chủng quốc Hoa kỳ chỉ có nạn kỳ thị chủng tộc, thì ở Đức còn có thêm tệ trạng kỳ thị người ngoại quốc. Đa số người Đức không chấp nhận một xã hội đa văn hoá. Trong khi dân Đức có khuynh hướng dễ dàng chấp nhận người ngoại quốc cùng màu da và tín ngưỡng, thì đối với di dân lao động Thổ-nhĩ-kỳ hoặc các giống dân gốc ả-rập hay trung đông theo Hồi giáo với những đạo luật hình sự khắt khe (Scharia), đặc biệt đối với nữ giới, và truyền thống triệt để giao phó vai trò rường cột cho nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người Đức đặc biệt e dè, nặng nề thành kiến. Họ đòi hỏi các thiểu số sắc tộc sinh sống tại đây hội nhập vào xã hội, văn hoá Đức. Nhưng họ quên rằng, hội nhập là một tác động thoả hiệp song phương. Cộng đồng di dân có thể hội nhập vào xã hội Đức, nhưng không thể bắt buộc họ chối bỏ bản sắc, tín ngưỡng và những sinh hoạt truyền thống. Những vấn nạn chủng tộc này bắt nguồn từ hai phía, mà bản tính tự mãn hẹp hòi, thiếu tính thoả hiệp của cả đôi bên là nguyên nhân chính.

Riêng với cộng đồng di dân Việt nam ít oi tại đây, ngoại trừ một vài hành động khủng bố của thiểu số “Tân-Đức-quốc-xã” đối với người da màu thường xảy ra tại các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ, có thể nói, người Việt được giới truyền thông đánh giá như một “thiểu số thầm lặng”. Thế hệ thứ hai hội nhập tốt, tỷ số giới trẻ đỗ đạt ngang ngửa, đôi khi vượt hẳn giới trẻ bản xứ. Có điều tôi không dám khẳng định, với bản tính tự hào dân tộc cao, nhiều tỵ hiềm và hay chỉ trích của dân Đức, rằng họ có sẵn sàng công nhận một thế hệ di dân á đông sinh trưởng tại đây là người Đức? Tôi e rằng, không.

Từ những nhận định chủ quan nêu trên, bàn qua lãnh vực văn học, tôi có thể khẳng định, Đức quốc không có truyền thống văn chương “hậu thực dân” hoặc “hậu thuộc địa”, lại càng không có truyền thống văn chương “di dân” (Diaspora). Theo tôi biết, có vài nhánh văn chương của di dân Thổ-nhĩ-kỳ, di dân người Đông Âu gốc Do thái, v.v..., nhưng không thể gọi đó là “truyền thống văn chương” của dân tộc Đức. Cho tôi gọi đó là những nhánh “văn chương biệt lập” (Ghetto-Literatur).

Dẫu vậy, cũng không thể nói, người Đức không quan tâm tới văn chương mang tính “hương xa” (tạm dịch từ exotic hay exotisch) có xuất xứ từ các quốc gia thuộc “thế giới thứ ba”. Không rầm rộ, không gây ra một trào lưu, nhưng có. Ở điểm này, tôi thấy khác với khiếu thưởng ngoạn văn chương của người Việt. Trước 1975, cá nhân tôi chưa hề nghe ai nhắc tới, cũng như chưa thấy tác phẩm văn chương nào của các tiểu quốc láng giềng như Nam-dương, Căm-bốt, Ai-lao, Thái-lan, v.v... được dịch sang Việt ngữ. Chúng ta nên giải thích hiện tượng này như thế nào đây? Là một sơ suất của văn học Việt nam hay là một dạng thái khác của ẩn tính phân biệt chủng tộc?


(2) Từ phương diện một nhà văn di dân tự túc, anh đã tự tìm những môi trường thích hợp để phổ biến tác phẩm của mình, như việc gia nhập Exil P.E.N., chọn những người mentor như ông Hans Lindemann và ông Thomas Kade, ghi tên tham dự liên tiếp nhiều khoá hội luận và phê bình bản thảo tại truờng Bách khoa Bình dân thành phố mà người Mỹ ở đây gọi là quá trình “workshop”, và kiếm nhà xuất bản cũng là một hội viên của Exil P.E.N., và cuối cùng anh đã thành công. Ngoài ra, anh có người đại diện (literaturagent) hoặc một editor để giúp anh trong công việc phổ biến bản thảo của mình hay không? Theo anh, thì ngoài những phương tiện mà anh đã khai thác, một nhà văn di dân có nên kiếm một agent hoặc một editor?

NND: Ngoài những chi tiết tôi đã nêu ra trong bài tiểu luận, tôi không có chủ đích tìm một người hoặc một “đại lý tiếp thị văn phẩm” (Literaturagentur) cũng như một “người xuất bản” (Editor), vì một lý do rất dễ hiểu: khả năng tài chính và kinh nghiệm ít oi của tôi không cho phép tôi “mạo hiểm”. Ông Thomas Kade đã nhiều lần khuyên nhủ chúng tôi, phải hết sức thận trọng trong vấn đề này, vì con buôn văn nghệ đầy rẫy khắp nơi. Tôi xin mượn lời khuyên của ông để chuyển tới các bạn văn khác.


(3) Trong cùng thời gian sửa soạn “Die Insel der Feuerkrabben”, anh có sáng tác hoặc đóng góp vào thẳng những sinh hoạt văn chương Đức trong thành phố anh hiện cư ngụ, như một cách tạo résumé?

NND: Tôi có đóng góp truyện ngắn trong một vài tuyển tập thơ văn (Anthologie) cho Exil P.E.N. , cho “tuần lễ sách” của thành phố Bern , cho quí san Matrix của nhà xuất bản POP , và thơ cho Hierreth-Verlag. Tôi cũng từng gởi thơ văn tham dự các giải văn chương tại đây, nhưng không đạt kết quả khả quan.


(4) Xin anh cho biết thêm về dư luận địa phương hoặc trong dòng chính về “Die Insel der Feuerkrabben”? Tấm hình thứ 2 anh gửi là một tờ báo địa phương có tít “Feuerkrabben Erobern Literatur” (“Bầy Còng Lửa Xâm Chiếm Văn Học”) như vậy chắc dư luận và sự tiếp đón Còng Lửa đã khả quan, nồng hậu? Độc giả Đức nghĩ gì về những câu truyện Việt Nam “đậm đà hương vị Việt tính được tôi dọn bằng dĩa, ăn bằng muỗng nỉa nơi đất lưu vong”?

NND: Không như Bích Thuý phỏng đoán, tôi không nghĩ rằng, “dư luận và sự tiếp đón Còng Lửa đã khả quan, nồng hậu”. Bài báo phỏng vấn tôi nhân dịp quyển sách ấn hành là một kết quả tình cờ. Người phỏng vấn, bà Gisela Weiler, cũng là một trong những tham dự viên trong khóa hội luận và phê bình bản thảo tại trường Bách khoa Bình dân có tôi tham dự. Bà còn là nhân viên bán thời gian cho một nhật báo địa phương, tờ Westfälische Rundschau, và cũng là một trong nhiều người đã giúp tôi sửa lỗi ngữ pháp các bản dịch. Khi sách xuất bản, tôi ký tặng bà một quyển, đồng thời hỏi xin bà giúp tôi quảng cáo sách trong tờ báo bà đang cộng tác. Bà vui vẻ cho tôi một cái hẹn để phỏng vấn. Kết quả là có một bài “nhật trình” tường thuật ngắn gọn về xuất xứ, về vấn đề hội nhập, về tâm trạng cá nhân tôi trong cuộc sống lưu vong và hoàn cảnh ra đời của quyển sách.

Khi sách in xong vào tháng 9 năm 2011, tôi viết điện thư tới bạn bè đồng hương và bản xứ, nhờ cổ động. Các học viên bản xứ trong các lớp Việt ngữ do tôi phụ trách cũng giúp tôi phổ biến tác phẩm trong vòng bạn bè, đặc biệt những người quan tâm và có thiện cảm với đất và người Việt nam.

Một vài phản ứng của người đọc, tôi biết được, hoặc im lặng hoặc tương đối thuận lợi. Thí dụ, có người cho rằng, ngữ pháp dịch thuật của tôi “khác lạ”, vì vậy có được “bản sắc”. Tôi chỉ mong rằng, “bản sắc” ấy chính là văn phong, là cá tính văn chương trong bản gốc đã được tôi chuyển sang Đức ngữ. Là người tự dịch tác phẩm văn chương của mình sang một thứ tiếng học hỏi tại trường ốc, thú thật, tôi khó lòng nhận ra “văn chương tính” của câu cú bằng ngôn ngữ khoa bảng.


(5) Ở Đức, môi trường xuất bản qua e-book có phải là một môi trường lý tưởng cho một nhà văn di dân? Dân Đức hiện có nhu cầu e-book cao như ở Mỹ không anh? Ở đây, nhiều nhà sách đã bị đóng cửa vì họ không thể cạnh tranh với giá rẻ của amazon, đồng thời qua sự thịnh hành của các máy e-readers và e-books, hiện đang xâm chiếm vùng đất của sách in.

NND: Theo như tôi biết, thị trường sách điện tử (e-book) tại Đức không phổ biến rộng rãi và đuợc những con mọt sách hưởng ứng nhiệt tình như ở Mỹ. “Die Insel der Feuerkrabben” cũng được quảng cáo qua hình thức sách điện tử trong amazon. Nhưng có ai hỏi mua hay không, tôi không biết.

Hình thức sách in vẫn được dân Đức ưa chuộng. Thống kê năm 2010 cho biết, sách điện tử chiếm vỏn vẹn 0,5 phần trăm tổng số tiêu thụ sách . Tiên đoán cho năm 2015, con số này có thể lên tới 6,3 phần trăm . Vẫn còn quá ít. Điều này cho thấy, trong trường hợp này, bản tính dân Đức vẫn còn bảo thủ. Trong số đó, có tôi.


(6) Người Mỹ trong thời đại hậu thuộc địa theo tôn chỉ politisch korrekt rất dễ nhạy cảm về những vấn đề exotic, có nghĩa là các loại văn chương có màu mè khác lạ với giòng chính và làm cho những nhân vật và đề tài bị khoanh tròn mãi mãi vào thành phần “kẻ lạ”. (Ngày nay, thơ của Baudelaire có lẽ sẽ bị phê bình là đề cao exoticism). Anh nghĩ đây có là một vấn đề cho một nhà văn di dân ở Đức hay không? Nói cách khác, trong quá trình phổ biến những tác phẩm của mình, anh nhấn mạnh tính chất exoticism hay universal, hoặc cả hai, trong những truyện ngắn của mình?

NND: Các truyện ngắn trong“Die Insel der Feuerkrabben” được tôi chọn lựa, trước tiên, theo sở thích cá nhân, sau đó, theo tiến trình thời gian như một giai đoạn lịch sử rút ngắn từ thời Pháp thuộc cho tới sau biến cố 1975, như tôi đã trình bày trong phần tóm lược tập truyện . Tôi không chú tâm nhiều vào tính “hương xa” (exotic) hoặc “toàn cầu tính” (tạm dịch từ universal) của văn bản. Nhưng, ông Thomas Kade có nhắc tôi, nên để ý chuyển dịch một vài truyện có diễn biến xảy ra tại Đức. Tôi hiểu ý ông. Và đó là nguyên nhân ra đời của những “Die Philosophie der Haare”(Triết lý của tóc), “Frühstück in New York”(Điểm tâm ở Nữu-ước), v.v... Coi như một thoả hiệp, một nhịp cầu văn chương nối liền quê nhà với đất khách.

Tôi không thể xác định mức độ nhạy cảm của người Đức về những đề tài văn chương nói trên. Mặc dù họ cũng có quan điểm “chính trị thẳng thắn” (politisch korrekt), nhưng niềm tin tôn giáo của họ không đến nỗi cực đoan, bảo thủ như dân Mỹ tới độ, tự động ném những đề tài có mùi vị “hương xa” vào xó xỉnh văn chương “kẻ lạ”, một khuynh hướng văn chương rạch cạn, ao tù không có điều kiện đổ ra sông dài, biển rộng. Chỉ riêng bút danh của tôi đã tiết lộ phần nào nội dung quyển sách. Tôi có thể hình dung được phản ứng của độc giả Đức khi nhìn cái bìa sách và cái tên tác giả “không biết đọc ra sao”: chỉ một thiểu số cầm lên lật xem cái người á châu này viết gì trong đó, và một thiểu số của thiểu số tò mò mua về đọc thử.

Với tôi, nối kết giữa người viết và người đọc là động tác một chiều: chủ động dẫn tới phản ứng, không có trường hợp ngược lại. Hành trang của một nhà văn lưu vong, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng lỉnh kỉnh vấn đề. Quán hàng xén của người “khách trú” bừa bộn, ngổn ngang trăm nỗi. Với tôi, nỗi niềm của ông ta “hương xa” hay “toàn cầu tính” không phải là vấn đề hàng đầu, mà là khả năng truyền đạt bằng phuơng tiện dịch thuật. Tôi nghĩ rằng, khả năng này tỷ lệ nghịch và có thể triệt tiêu tất cả các vấn đề quấn quýt kèm theo.


(7) Không hiểu anh có ý định dịch tiểu thuyết “Núi Đoạn Sông Lìa” sang tiếng Đức? Nếu anh cũng có ý định dịch tiểu thuyết này, có phải đây là một loại tiểu thuyết mehrgenerationenhaus như “Buddenbrooks” của Thomas Mann, hoặc như những tiểu thuyết về những gia đình miền Nam bị suy sụp sau Nội Chiến Hoa kỳ của Faulkner?

NND: “Núi Đoạn Sông Lìa” là một tiểu thuyết đậm nét “hương xa”. Đúng vậy, ý định của tôi khi khởi sự truyện dài này (được đăng nhiều kỳ trong nguyệt san Làng Văn trước đây. Chưa xong thì tờ báo đình bản) là phác hoạ hoàn cảnh một gia đình trung lưu miền Nam vào thời điểm hỗn mang, chính trị tối sáng, dẫn tới hiệp ước chia đôi Việt nam hai miền quốc cộng. Truyện được tôi hư cấu với nhiều chi tiết huyễn hoặc, hoang tưởng, lồng trong bối cảnh thiên tai tại một xứ nhiệt đới. Nhưng, quan trọng hơn cả, qua đó tôi có ý đưa ra một thủ đoạn của người cộng sản Việt nam sau khi ký kết thoả hiệp tập kếp: ra chỉ thị cho những người tập kết ra Bắc tìm cách cưới hỏi hoặc tằng tịu với phụ nữ miền Nam, nhằm cấy mầm huyết thống cho mục đích chính trị và chiến lược về sau.

Truyện khá dài, còn thiếu đoạn kết. Và tôi cũng chưa biết tôi có đủ kiên nhẫn và khả năng dịch thuật hay không. Tiện thể, cho tôi nhỏ nhẻ thốt lời... hỏi thăm tới các dịch giả uyên bác hơn tôi tại Đức: “Quí vị nào rảnh và giàu hảo tâm, xin vui lòng liên lạc! Đa tạ”


(8) Trong các những truyện anh đề cập trong tuyển tập “Die Insel der Feuerkrabben”, có 5 truyện đã xuất hiện trên Da Màu từ năm 2006 cho đến nay. Thúy rất thích truyện “Triết Lý của Tóc” và “Nhân Chứng” vì thấy trong hai truyện này văn phong trau chuốt, tượng hình (“Nhiều lúc chàng có cảm tưởng sờ mó được nỗi cô đơn”) và có nhiểu tính chất thử nghiệm từ cách cấu trúc quan điểm tâm lý của từng nhân vật. “Triết Lý của Tóc” hình như có những nét ảnh hưởng từ điện ảnh (như ẩn dụ đoàn tàu hỏa đi xình xịch vào đêm đen của góc căn phòng tắm “rộng một cách vô lý”). Về “Triết Lý của Tóc”, có lẽ anh đã xem phim Zentropa của Lars Von Trier, hoặc Le Locataire của Roman Polansky? Và “Nhân Chứng” tuy trào lộng, làm người đọc nghĩ đến phim Rashomon của Kurosawa?

NND: Tôi chưa xem Zentropa, nhưng có xem Le Locataire và Rashomon. Tôi còn nhớ như mọi chuyện mới xảy ra tuần trước: phim Lã-sanh-môn (Rashomon,) chiếu tại rạp Mô-đẹc (Modern) ở đường Trần văn Thạch, bây giờ đổi tên là gì, tôi không biết, gần chợ Tân định, lúc trước cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Ba má và chị hai tôi đi xem, nhưng đám lóc nhóc còn lại, trong đó có tôi, không được tháp tùng. Ấm ức vô cùng.

Nhận xét của Bích Thuý đúng năm mươi phần trăm. “Nhân Chứng” là một thử nghiệm kiểu Việt nam của tôi lạm bàn về chân lý và tính không theo triết lý Phật giáo chịu ảnh hưởng Lã-sanh môn, tôi được xem sau này ở Đức. Còn “Triết Lý của Tóc” là một cách giải toả những bức bách của cá nhân tôi trước nhãn quan thiên vị, tả khuynh một chiều về chiến tranh Việt nam của giới trẻ phương tây trong thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Là âm bản những oan hồn một dân tộc nhược tiểu bị dương bản của giới trẻ và giới truyền thông “mù con mắt tả” bức tử trong cuộc đọ sức giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản ở chiến trường Việt nam.


(9) Anh nói rằng “Hòn Còng Lửa” (Văn Mới xuất bản lần đầu năm 2002 tại Hoa kỳ) mang “Cốt truyện xoay quanh hòn đảo, chỗ bầy còng lửa hội về hằng năm, ‘bị’ tôi bắt chuyên chở một ẩn dụ chính trị, mà có lẽ ít người nhận ra. Độc giả bản xứ không am tường lịch sử và thời sự Việt nam càng khó lòng cảm nhận.” Thưa anh, tại sao “ẩn dụ chính trị” này lại khó nhận ra, ngay cả trong thành phần độc giả Việt? Từ phương diện chuyển dịch truyện sang tiếng Đức, không hiểu có phần giới thiệu/diễn giải bối cảnh lịch sử từ chính dịch giả và tác giả?

NND: Biết đâu chừng, “ẩn dụ chính trị” trong truyện ngắn “Hòn Còng Lửa” đã được một số độc giả... giải mã mà tôi chưa biết.

Câu hỏi này của Bích Thuý bắt tôi bối rối, vì tôi không có thói quen giải thích ý nghĩa những gì tôi viết. Nếu đó là một “ẩn dụ”, tôi càng không muốn. Trong trường hợp này, có hai giả thuyết: Một là tôi vụng viết, không truyền được ẩn ý giữa những hàng chữ tới bạn đọc; hai là tôi “lặn” khéo đến nỗi độc giả “bắt” không được, “nhìn” không ra?

Thật ra, cũng không có gì khó cảm nhận lắm đâu. Tôi vẫn tin ở thẩm quan văn chương tinh tế của độc giả gốc da màu. Còn độc giả da trắng, tôi không chắc. Thôi thì như vầy đi! Bao giờ truyện ngắn “Hòn còng lửa” được giới thiệu tới quí độc giả Da màu, nếu có ai thắc mắc, xin cho biết, tôi sẽ liệu cách trả lời. Bằng không, cứ... để vậy, coi như một... nghi án của văn chương lưu vong. Bích Thuý đồng ý không?

“Die Insel der Feuerkrabben” không có lời giới thiệu cũng như diễn giải bối cảnh lịch sử của dịch giả. Bây giờ tôi mới nhận ra, đó là một thiếu sót.


(10) Anh nhận định trong bài “Dịch thuật, với tôi vì vậy, không phải là quá trình sáng tạo thuần nghĩa khám phá ý tưởng mới lạ bằng những rung động của cảm hứng, mà chỉ là một bộ môn văn chương sử dụng kỹ xảo hành văn: một bản sao từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.” Thưa anh, có thật sự người dịch “sao” lại, hay là phải tái tạo lại từ tiếng Việt sang tiếng Đức? Sự khác biệt như thế nào, xin anh cho một vài thí dụ cụ thể từ một (hoặc vài) văn bản của anh.

NND: Tôi ưng ý câu hỏi này của Bích Thuý, ví như một căn phòng có nhiều cánh cửa khép hờ. Chỉ cần đẩy nhẹ, cửa sẽ mở ra cõi không gian bí ẩn bên ngoài kích động tính khai phá.

Là kẻ sắm hai vai, vừa là tác giả vừa là người dịch, trong tấn tuồng văn chương đa dạng, rối rắm, tôi không phải là trường hợp tiêu biểu để trả lời rốt ráo câu hỏi này của Bích Thuý. Nhưng thú thật, trong khi chuyển ngữ những tác phẩm do chính tôi sáng tác, tôi chỉ tìm cách “sao dịch” lại, càng sát càng tốt, từ tiếng Việt sang tiếng Đức. Tâm thức “sáng tạo” của tôi trong khoảnh khắc ấy, tự động khép kín. Nếu phải tìm tòi, suy nghĩ; thì ý thức ấy thuần tính kỹ thuật, không phải khám phá. Vì vậy tôi chuộng cụm từ “kỹ xảo” hơn, vì nó nói lên được cách thức dụng ngữ khéo léo, tinh tế của dịch giả. Tôi không cho rằng, trình độ dịch thuật của tôi đã đạt được kỹ thuật ấy, vì có nhiều đoạn hiểm hóc, khả năng của tôi không đủ chuyển ngữ, tôi… đánh vòng.

Chẳng hạn:

“Meine Heimat lag an der mit frischem Schlamm angeschwemmten Küste, wo die Mangroven sich schlängelnd angesiedelt hatten. Dahinter lag ein Wäldchen mit dünnen tropischen Myrtenheiden- und Mangroven-Bäumen, um die sich viele Legenden rankten. Nicht einmal ich wagte es, allein dorthin zu gehen.” (1).

Hoặc:

“Aber nein, wer hätte denn schon einen schwierigen Weg ausgesucht, nicht wahr, Herr Reporter? Einmal war ich entschlossen, den Novizenregeln zu folgen. Ich konnte aber die alltäglichen Sutren nicht einmal auswendig lernen, wie dann die Shuramgama-
oder Lankavatara-Sutra? Ich erinnere mich an jene Zeit, wo ich jedes Mal, wenn ich die Texte dieser Mantras rezitierte, in Gelächter ausbrechen musste. Nichts war zu verstehen! Offen gesagt, würde Buddha von mir sehr enttäuscht sein. Aber man hat die Sutren nicht in unserer Sprache geschrieben …” (2).

So với bản Việt ngữ, bản dịch (1) không bám sát, nhưng ý nghĩa không mất. Trích đoạn bản dịch (2) tương đối sát, nhưng tôi đành bỏ câu tiếng Phạn “Nam mô bà già bà đế” trong bản chính, vì không biết phải dịch ra sao cho đúng, thay vào đó là câu “… wenn ich die Texte dieser Mantras rezitierte…” (có nghĩa: “… khi tôi tụng bài kinh này …”). Dù vậy, vẫn không thể cho rằng tôi đã “sáng tạo” một văn bản mới, hoàn toàn khác với bản gốc.

Cho tôi được ví von: Bản văn gốc giống như một đứa trẻ được sinh ra và dạy dỗ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ; về sau nó được mẹ nuôi chỉ bảo thêm nhiều ngôn ngữ khác. Đứa trẻ ấy có thể sử dụng thông thạo nhiều thứ tiếng, nhưng nó chỉ có thể rung động hoàn toàn và thật sự khi được chuyện trò, kể lể bằng ngôn ngữ sinh trưởng. Mẹ ruột là người sáng tạo cả hồn lẫn xác; còn mẹ nuôi chỉ là kẻ mở rộng tầm kiến thức, hoàn toàn không dự phần vào tiến trình thành hình bản sắc của đứa trẻ.

Tôi hy vọng, tôi đã trả lời phần nào thoả đáng những câu hỏi của Bích Thuý. Với bài phỏng vấn này Bích Thuý đã đưa ra nhiều đề tài đáng thảo luận, tạo phần linh động cho ngành văn chương dịch thuật từ Việt ngữ sang ngoại ngữ, nhằm góp mặt vào sinh hoạt văn chương bản xứ. Cám ơn Bích Thuý và Ban biên tập Da Màu.

Da Màu chân thành cám ơn anh Ngô Nguyên Dũng. Mến chúc anh nhiều thành công trên con đường văn chương “xâm chiếm” giòng văn hóa Đức.

Trân trọng.

Đinh Từ Bích Thúy
Thay mặt BBT Da Màu











Nghĩ Về Truyện Ngô Nguyên Dũng


Khi đọc truyện ngắn "Chốn Tâm Tình Ẩn Náu" Ngô Nguyên Dũng mới cho đăng trong tạp chí Văn Học gần đây, tôi nghĩ tác giả đã dùng một phần kỷ niệm của mình để xây dựng nhân vật Nhượng. Một cậu con trai mới lớn, con nhà khá giả, sắp đi du học, thích Unchained Melody của Righteous Brothers hoặc Only You của The Platters. Bài hát nào vậy? Còn hai ban nhạc nào vậy? Thử đem tên hai bài ca ấy, hai ban nhạc ấy hỏi thầy Hương Quản (một nhân vật trong một truyện ngắn khác của Ngô Nguyên Dũng), hay con Huệ con ông tá điền làm việc cho ông điền chủ Thiệt (trong truyện ngắn Hình Bóng Cũ), chắc chắn thầy Hương Quản và con Huệ sẽ ngơ ngác xấu hổ vì họ chưa hề nghe tới một bài ca Tây ca Mỹ, chứ đừng nói tới chuyện nhớ tên một bài ca, một ban nhạc ngoại quốc. Con Huệ chỉ thích câu hát huê tình "Lan huệ sầu ai, lan huệ héo… lan huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi".

Đem hỏi những bạn cùng trang lứa với nhân vật Nhượng nhưng không được may mắn như anh, câu hỏi có thể khiến những bạn trẻ sắp vào Quang Trung, Thủ Đức hoặc sắp hội thảo, xuống đường thời ấy nổi giận. Họ cho rằng cái mẫu sống nhởn nhơ bên lề thời cuộc ấy là một thách thức đối với họ, chẳng khác nào họ đang gặp cảnh tang gia bối rối thì có một đám trẻ tụ họp nhảy rock'n roll ngay trước quan tài. Họ thù ghét những mẫu sống như mẫu sống của Nhượng, họ nghĩ dân tộc Việt Nam đã mất đi một đứa con và những xứ sở tân tiến xa xôi nào đó ở Âu châu, Mỹ châu sắp có thêm một công dân hạng nhì.

Những tình cảm khắc nghiệt hoặc tiên đoán bi quan trên đây, sau cuộc đổi đời lớn lao của đất nước, đã chứng tỏ hết sức sai lạc. Việt Nam chưa hề mất đi những đứa con như nhân vật Nhượng. Ngược lại, những thanh niên thiếu nữ rời Việt Nam sang du học ở ngoại quốc trong thời kỳ chiến tranh như Nhượng, sau khi xa rời những hàng cây, những đường phố thân quen, lưu lạc nơi xứ người, lại trở thành những người tha thiết hơn ai hết đến quê hương, đến nơi chôn nhau cắt rún. Chúng ta đọc được những lời ngợi ca quê hương đẹp đẽ nhất, sâu sắc nhất, tha thiết nhất qua tác phẩm của những nhà văn nhà thơ như Linh Bảo, Võ Đình... Bây giờ, bạn đọc lại được đọc những truyện ngắn đầy ắp tình tự quê hương của Ngô Nguyên Dũng.

Cũng như nhân vật Nhượng, Ngô Nguyên Dũng lìa quê hương sang Tây Đức du học vào lúc chiến tranh Việt nam sôi động điên đảo, và các bạn bè của anh ở Sài gòn thì đang sống trong thắc thỏm và cuồng nộ, nay hội thảo mai xuống đường. Cũng như Nhượng, có lẽ trên chuyến phi cơ phản lực cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất bay qua Âu châu trong tâm trí Ngô Nguyên Dũng thời đó, có luyến tiếc chăng thì luyến tiếc những đêm đàn đúm ở nhà Hiroshi, những "ghế" mặc minijupe gặp gỡ trong các buổi tối "bùm" lậu, những vòng tay ôm tham lam trong tiếng ca dìu dặt của bài Aline…

Nhưng đặt chân lên Âu châu, chàng thanh niên Việt thời đầu thập niên 70 đó mới bắt đầu ý thức rõ mình đã mất thứ gì. Những luyến tiếc phù phiếm tan nhanh như hơi sương, và càng sống tiếp những năm lưu lạc, đất nước càng trải qua những bi thàm khủng khiếp, Ngô Nguyên Dũng càng tìm ra những luyến tiếc đích thực, trường cửu.

Tuy tuổi còn trẻ, Ngô Nguyên Dũng viết văn như một người hối hả đi tìm lại thời gian đã mất.

Anh đi tìm lại tuổi thơ, và ngoài những truyện ngắn anh viết cho lứa tuổi hồn nhiên, Ngô Nguyên Dũng kiên trì vượt qua mọi trở ngại để giữ cho tờ Măng Non được sống. Anh rán làm hết sức mình cho những em bé được sống trọn tuổi ngây thơ đầu đời, anh lo âu cho những số phận như số phận bé Vi trong truyện Những Vì Sao. Trong khuynh hướng này, Ngô Nguyên Dũng rất gần với những nhà văn đi trước đã dành trọn lòng ưu ái thiết tha cho tuổi thơ như Nhật Tiến, Lê Tất Điều. Nói tới tuổi thơ, Ngô Nguyên Dũng luôn luôn dùng một giọng văn đằm thắm, dịu dàng, chân thành, đôn hậu. Giọng của một người anh trong một tối lửa trại, giọng của một chị trong đêm trăng kể chuyện đời xưa!

Ngô Nguyên Dũng đi tìm lại quê hương đã mất, cái quê hương miệt vườn xa xưa mà thời còn ở Sài gòn, chưa chắc anh quan tâm tới - Thời đó, giữa lời ca Aline và "Lan huệ sầu ai lan huệ héo", Ngô Nguyên Dũng đã chọn Aline. Bây giờ, anh mới hiểu tận thâm tâm, anh vẫn chọn "Lan huệ sầu ai…" Khám phá đó thêm sức sáng tạo cho Ngô Nguyên Dũng - Như một người đột ngột tìm thấy một kho tàng vô giá lâu nay ở bên cạnh mình mà không để ý, Ngô Nguyên Dũng tìm đọc lại những sách báo viết về "văn minh miệt vườn", ôn lại những kỷ niệm ấu thời, sưu tầm ca dao tục ngữ địa phương. Kết quả là những truyện ngắn phong tục đầy thi vị quê hương như Hình Bóng Cũ, Ao cá Sấu, Câu Chuyện Thầy Hương Quản. Cùng với các nhà văn gốc miền Nam khác như Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Lê Mỹ Hương, Huyền Châu, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng đã làm sống lại một thứ huyền sử thời kỳ khai hoang của vùng rừng đước, đất mới cực nam hoang sơ với những con người chơn chất và quả cảm. Những gì thế hệ Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên mở đường, nay Ngô Nguyên Dũng cùng với các nhà văn hải ngoại khác tiếp nối và phát triển.

Nhưng thực tế trước mắt không thể trốn chạy dược. Thực tế lưu vong. Thực tế cơm áo. Được sống với thời gian đã mất là một giải pháp tạm bợ. Đi cho hết vòng rồi cũng trở lại với hôm nay, với những hệ lụy đời sống phức tạp. Lúc đó, tôi thấy tâm trạng Ngô Nguyên Dũng gần giống với tâm trạng nhiều người di tản lớp sau. Qua những truyện ngắn như Mười Lăm Tháng Giêng, Những Vì Sao, Đóng Lại Giùm Tôi Cánh Cửa Sau Cùng, Ngô Nguyên Dũng đã cố gắng tạo ra những dây liên hệ mới, tạo ra những kỷ niệm mới với cái quê hương thứ hai này. Như nhân vật chính trong Mười Lăm Tháng Giêng, anh cũng muốn thay thế Vĩnh long, Bến tre bằng Winterhof, muốn thay vườn chuối bằng cây đại thụ rậm rạp phía trước khách sạn Zum Winterhof. Muốn lặp đi lặp lại một hành động để gắng tạo kỷ niệm sâu sắc, như trở lại đúng căn phòng số 7, gặp lại đúng người con gái giang hồ đầu tiên dẫn vào thế giới nhục cảm, thăm lại những người đã thăm đúng ngày này năm trước. Sự cố gắng ấy thực cảm động, và bi thảm - Đồng thời, nó cũng tạo thành một số truyện ngắn tâm lý sâu sắc nhất của Ngô Nguyên Dũng trong thời gian gần đây.

Nhiều người vẫn thường lên tiếng lo ngại rằng rồi đây tiếng Việt, chữ Việt, văn chương Việt tại hải ngoại sẽ mất đi, khi thế hệ di dân thứ nhất lần lượt qua đời. Người ta căn cứ vào các định luật của xã hội học về di dân để quyết đoán rằng sang đến thế hệ thứ hai, thế hệ trẻ lớn lên và được giáo dục trong môi trường mới, văn hóa Việt sẽ không còn chỗ đứng. Tôi cho rằng lập luận ấy bi quan quá đáng.

Xin cứ lấy trường hợp Ngô Nguyên Dũng làm thí dụ. Anh rời Việt nam qua du học và sống ở Tây Đức 18 năm ròng. Tới nay, qua những truyện ngắn trong tập truyện này, Ngô Nguyên Dũng của năm 1988 còn Việt nam hơn Ngô Nguyên Dũng của thời sắp rời Sài gòn qua Tây Đức du học. Quê hương chưa hề mất một đứa con nào. Chẳng những thế, Vĩnh long quê ngoại, Bến tre quê nội và Sài gòn nơi ấp ủ tuổi thơ của Ngô Nguyên Dũng, đột ngột mừng vui vì không ngờ từ bên kia Đại Tây Dường, có một đứa con lưu lạc dành trọn 18 năm để nhớ thương và dành trọn tài năng hết lời ca tụng quê hương đã mất.

Tưởng tượng cảnh thầy Hương Quản, con Huệ, và Hiroshi đứng bên nhau vẫy tay gửi lời nhớ thương cho Ngô Nguyên Dũng, tôi không khỏi mỉm cười thích thú. Cách biệt về tuổi tác, quá khứ, thân thế, học thức; ôi! những cái phù du. Sức mạnh của văn Ngô Nguyên Dũng, sức mạnh của tụ hội những mẫu sống khác biệt ấy kề cận hồn nhiên bên nhau, là ở tấm lòng!


NGUYỄN MỘNG GIÁC
Cali 3-8-1988

………………………….

* Tựa của cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết cho tập truyện "Dòng Chữ Tâm Tình", Văn Nghệ ấn hành năm 1988.































































Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.