Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Anh Việt (1927 - 2008)














Anh Việt

Trần Văn Trọng
(1927 Rạch Giá - 2008 California)
Thọ 81 tuổi
Nhạc sĩ







Anh Việt là một nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác từ trước năm 1945. Ông cùng với Nguyễn Văn Đông được xem là hai nhạc sĩ có cấp bậc cao nhất trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.




Tiểu sử

Ông tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1927 tại Rạch Giá, Kiên Giang, xuất thân trong một gia đình công chức, song thân sành cổ nhạc và làm thơ.

Ông bắt đầu viết nhạc khá sớm, từ những năm đầu thập niên 1940. 
Năm 1945, ông tham gia Kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông bỏ chiến khu về thành và năm 1951, ông tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam, theo học ngành quân cụ, tham gia binh nghiệp cho đến năm 1975, thăng dần lên cấp bậc Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Sau 30/4/1975, ông sang tị nạn tại California, được nhà thờ Saratoga Federated bảo lãnh, mời dạy ở trường Naval Post Graduate tại Monterey.
Sau này ông mở Chợ Mekong cung cấp cho đồng hương những thực phẩm mang hương vị quê nhà. Đây là cửa hàng tạp hóa và hàng ăn đầu tiên của người Việt Nam tại địa phương.

Anh Việt đã theo học và tốt nghiệp tại nhiều trường dân sự, quân sự trong và ngoài nước:
Cao đẳng Công chánh Sài Gòn (1951)
Cử nhân Chính trị Kinh doanh, Viện Đại học Đà Lạt (1968)
Cao học Chính trị Kinh doanh, Viện Đại học Đà Lạt (1970)
Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức - Nam Định khóa 1 (1951)
Trường Quân cụ tại Fontainebleau và Beaurges, Pháp (1952-1953)

Ông còn là Trưởng ban nhạc Cung Thương, Hương Thời Gian, Hương Xưa, Quê Hương, Tổ Quốc trên Đài Phát Thanh Quân đội, Đài Phát Thanh Quốc gia và Đài Vô tuyến Truyền hình Việt Nam (1965)
Và Chủ bút tạp chí "Khởi Hành", diễn đàn của Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội (1967). Tạp chí "Khởi Hành" được nhà thơ Viên Linh tiếp tục tại hải ngoại cho đến nay.

Ông qua đời ngày 14/3/2008, thọ 81 tuổi.









Thơ Ngây
Nhạc: Anh Việt
tiếng hát: Hà Thanh


Khi ấy em còn thơ ngây 
Đôi mắt chưa vương lệ sầu 
Cười đùa qua muôn ánh trăng 
Đắm xinh đôi môi hồng thắm 
Em ngắm mây hồng hay giòng nước trong 
Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai 
Kìa đôi bướm nhởn nhơ vờn hoa 
Và trong nắng em nhìn đôi chim 
Nắng tỏ bướm vàng ánh trăng tiếng đàn 
Bóng thông gió ngàn lòng càng say sưa 
Rồi một hôm 
Có chàng trai trẻ đến nơi này 
Đời em có một lần 
Là lần tim em thấy yêu chàng 
Khi lòng yêu ai 
Môi hồng dầu phai 
Lắm buồn nhớ bâng khuâng 
Lắm yêu đương, lắm tơ vương 
Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây












Sự nghiệp âm nhạc






Giai đoạn tham gia kháng chiến chống Pháp 1945-1950


Bến Kiên Giang
(1945)







Chiều trong rừng thẳm
(1945)

Trong rừng xa vắng . . . âm u nhuộm ánh dương mờ 
Tiếng gió rít lên . . . ngàn cây xác xơ 
Chuông chùa vang nhắc . . . ngân lên như những oan hồn 
Rừng con mang hận . . . mãi trong hoàng hôn 

Mây nặng u hoài 
Thây ngập bên rừng . . . tiếng dế hòa bi ai 
Đây là nấm mồ 
Bao nhiêu quân Nam . . . hy sinh vì quốc dân 

Bao ngày chinh chiến . . . nơi đây nhuộm máu anh tài 
Dấu vết vẫn ghi . . . nghìn năm chẳng phai 
Muôn cờ tươi thắm . . . trong sương gợi chí tang bồng 
Rừng chiều như vọng . . . tiếng gọi thù xưa 

Mau cùng nhau tiến 
Không sờn nguy biến 
Quyết cố đấu tranh 
Dưới ngàn núi rừng 
Trong nắng tưng bừng 
Quốc dân mong chờ 
Trong rừng xa . . . chờ












Em chờ
(1945)







Một chuyến đi
(1945)



Ngoài ngàn dặm, đoàn người ra đi 
Trong sương lạnh lòng trai bền chí 
Ra biên-cương xa-xăm ngàn phương 
Và còn vọng tiếng hát trong sương 

Người theo ngàn gió 
Biệt ly buồn nhớ 
Chờ đợi bao năm 
Sống với âm-thầm 

Chốn ấy xa-xăm người đi 
Chiếc bóng bên song chờ chi 
Tha-phương ngoài nghìn quan-san 
Từ bao lần lá thu tàn 

Có biết chinh-phu giờ đây 
Dấn bước theo muôn cờ bay 
Đi nhưng ngày về không mong 
Buồn vương ngàn mối tơ lòng 

Chiều nay buồn ngóng 
Tìm đâu hình bóng 
Ngàn dặm chân mây 
Khói biếc tan dần











Nhớ anh
(1945)







Bến cũ
(1946)

Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly 
Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng? 
Xa nhau bến xưa ngày ấy 
Anh đi thế thôi từ đây 
Sầu chết bên lòng 
Hồn nặng nhớ mong 

Biết đi sầu em mong 
Nhưng ngàn dân đang ngóng 
Dưới trời gió mưa 
Làn gió chiều đưa 

Xa nhau bến xưa ngày ấy 
Anh như bóng mây hồng trôi 
Về chốn xa vời 
Lòng nặng nhớ mong 

Cố quên sầu thương đi 
Anh nguyện đi theo gió 
Chớ buồn khóc chi 
Càng khổ người đi 

Bến ấy chiều sương chờ mong vấn vương lòng ta 
Gió cuốn mây trôi về đâu 
Cố nén sầu lòng bao năm













Tự do
(1946)








Lỡ chuyến đò
(1947)

Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương 
Đây người sang với con đò xưa. 
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương. 
Duyên tình xưa êm thắm còn đâu. (*) 

Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương. 
Tơ đàn say đắm quên sầu thương. 
Dành tình này cho kẻ khổ đau. 
Quên tình xưa thôn nữ chờ mong. 

Người của bốn phương 
Người đã ra đi có nhớ bao giờ 
Dù duyên thề ước đắm với giấc mơ 
Đường tơ vấn vương 
Đem gieo thắm tươi vào đời đau thương 
Và cố quên đi tình người bơ vơ 

Người nghệ sĩ đi khắp núi sông 
Cung đàn say đắm quên sầu thương 
Dành tình này cho kẻ khổ đau 
Quên tình xưa, quên cả đò xưa.











Lúa vàng

(1948)



Lời 1: 

Đêm trăng vàng lan trên miền quê xa vắng, 
Có tiếng xay lúa đều đều. 
Đây bóng nàng thôn nữ, 
Đêm thâu xay lúa dưới ánh trăng tàn. 
Đêm mơ người thương binh ngoài kia sương gió, 
Kháng chiến bao nhiêu mùa rồi. 
Nàng xay lúa luyến hương lòng; 
Thơm ngát gởi cho người chiến sĩ ngàn phương. 
Xay nhanh! xay nhanh! bao lúa vàng lúa vàng 
Rơi rơi rơi rơi gạo ngát hương trắng ngần. 
Lúa đây là sức giống dân Việt Nam chống thù. 

Lời 2: 

Trăng mơ màng vương 
Trên giòng sông man mác. 
Có tiếng ai hát đều đều, 
Đây có nàng thôn nữ 
Đêm khuya say hát dưới ánh trăng vàng. 
Quê hương ngày vinh quang, 
Người Nam khao khát 
Đón gió vương mơ hoà bình. 
Nàng xay lúa luyến hương tình, 
Ngây ngất gởi cho người chiến sĩ nghìn phương. 
Hy sinh! hy sinh! mau hướng về, tiến về, 
Giang san đang kêu gọi tiến lên giết thù. 
Lúa gây tình thắm 
Giúp dân Việt Nam chống thù.











Tiếng sóng Bạch Đằng
(1948)


Hờn vong quốc
(1948)







Ai xuôi biên thùy
(1949)


Rừng trong đêm nghe gió vi vu 
Có ai xuôi đến chốn biên thùy 
Năm tháng qua lòng người tha phương 
Dầu chết đi theo bụi bên đường 

Đời muôn dân say trong đảo điên 
Lúc sông núi đang còn nguy biến 
Ai nỡ yên mơ tình say duyên 
Ngoài biên quan nghe gió chiều lên 

Có ai lạc bước 
Mau về đây cùng người ngàn phương 
Đời cùng sương gió 
Tiếng vó câu ngàn trùng xa đưa 
Đêm dần xuống, muôn bóng quân tiến binh 
Tan dần mất bao lớp quân chiến chinh 
Khúc ca oai hùng vang rừng núi 
Mất dần sau chân đồi xa xôi 

Có ai về nhắn 
Biên thùy xa chờ ngày bình yên 
Lòng đừng lưu luyến 
Nhớ núi sông bằng nghìn yêu thương











Những ngày tàn mơ
(1950)




Bài Tự do được chọn làm nhạc hiệu Đài phát thanh Kháng chiến Nam Bộ, đồng thời cũng là bài hát chính của Liên đoàn Thanh niên Liên Việt. Sau 1954, bài Chiều trong rừng thẳm được Đài phát thanh Pháp Á chọn làm nhạc hiệu nhưng đổi tên thành Nhạc thanh bình với lời ca mới phục vụ cho Việt Nam Cộng hòa 1951-1975







Thơ ngây
(1951)



Khi ấy em còn thơ ngây 
Đôi mắt chưa vương lệ sầu 
Cười đùa qua muôn ánh trăng 
Đắm xinh đôi môi hồng thắm 
Em ngắm mây hồng hay giòng nước trong 
Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai 

Kìa đôi bướm nhởn nhơ vờn hoa 
Và trong nắng em nhìn đôi chim 
Nắng tỏ bướm vàng ánh trăng tiếng đàn 
Bóng thông gió ngàn lòng càng say sưa 

ĐK: 

Rồi một hôm 
Có chàng trai trẻ đến nơi này 
Đời em có một lần 
Là lần tim em thấy yêu chàng 
Khi lòng yêu ai 
Môi hồng dầu phai 
Lắm buồn nhớ bâng khuâng 
Lắm yêu đương, lắm tơ vương 
Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây....











Chiến ca
(1951)


Cô em xóm lúa
(1953)


Gặp gỡ
(1954)


Hững hờ
(1954)


Say trăng
(1954)


Quân cụ hành khúc
(1956)


Tình quê nối lại nhịp cầu
(1956)


Mây thu
(1957)


Mưa đêm
(1957)


Ý nhạc ngày xuân
(1957)


Áo em màu thiên thanh
(1958)


Hương thời gian
(1966)


Dạ khúc
(1967)


Sao không nói
(1967)


Ra khơi
(1968)







Rồi ngàn sau
(1968)



Rồi ngàn sau, núi sông cách xa muôn trùng, em ơi có nhớ chăng? 
Rồi ngàn sau, biết sao nói lên ân tình, đêm nao dưới ánh trăng. 
Rồi ngàn sau, biết bao cuộc đời đổi thay, 
ước sao duyên tình chớ phai, 
người em với suối tóc dài. 

Rồi ngàn sau, nhớ thương chắc không phai mờ, em ơi, với tháng năm. 
Rồi ngàn sau, hát lên khúc ca ân tình, trong mưa lướt thướt bay. 
Dù ngàn sau, cánh hoa phai màu thắm tươi, 
ước sao hoa còn ngất ngây, 
suốt đời gợi hương đắm say. 

Rồi có khi nào người em tóc rối, 
Nghe tiếng mưa tiếng mưa rơi rơi 
Lắng tiếng mưa như tiếng cuộc đời, 
lắm gió sương nhưng chắc ngàn đời, 
kỷ niệm còn ghi khó phai. 

Rồi có khi nào ngồi nhìn mây cuốn, 
Có cánh chim vút lên không gian. 
Nhớ chiều mưa đến giã từ nhau, 
thế giờ đây cách mấy trùng dương, 
bao nhiêu mùa đau thương. 

Rồi ngàn sau, đó đây hát lên thanh bình, em ơi hết chiến chinh. 
Tìm về đây, chốn xưa lá thu rơi đầy, bâng khuâng dưới ánh sao. 
Dù ngày ấy, có bao cuộc đời đổi thay, 
vẫn mơ tương phùng đón anh, 
đón chờ từng bước người về.











Nhảy dù hành khúc
(1968)


Tâm tư xóm nhỏ
(1969)


Đà Lạt mưa bay
(1970)


Dạ khúc số 2
(1971)


Tiếng ru vào đời
(1973)












Giai đoạn lưu vong sau 1975









Ngày tôi xa Sài Gòn
(1975)


Đừng khóc nữa em ơi
(1975)


Xuân viễn xứ
(1975)


Giọt sương đêm
(1978)


Tôi sẽ về quê hương
(1985)


Hè về đâu đây
(1985)


Từ chiều đó
(1986)


Ngày xưa yêu nhau
(1986)


Giọt buồn
(1987)


Một thời dễ thương
(1990)




Ngoài ra từ năm 1993 cho đến 1996, nhạc sĩ Anh Việt đã thực hiện được một cuốn sách Nhạc thiền mang tên "Những giọt không" và hai cuốn CD Nhạc thiền với nhan đề: "Hoa mặt trời" "Trường ca Avril". Phần lớn đều phổ nhạc từ thơ của Thiền Sư Nhất Hạnh.








Đời tư

Anh Việt lập gia đình với bà Tố Oanh họ Nguyễn cháu 5 đời của Nguyễn Văn Tường tại Huế và có được 9 người con. Tất cả đều đã trưởng thành và cư ngụ tại miền Bắc California (Hoa Kỳ)




















Nhạc sĩ Anh Việt và
Dòng nhạc 50 năm sáng tác

Trần Ngọc 


Ai trong chúng ta đã chẳng từng hơn một lần thưởng thức những lời ca trong sáng , lãng mạn và trữ tình của nhạc phẩm “Thơ Ngây” : 

Khi ấy em còn thơ ngây 
Đôi mắt chưa vương lệ sầu 
Cười đùa qua muôn ánh trăng 
Đắm xinh đôi môi hồng thắm 
Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong 
Thấy lòng ngẩn ngơ như tìm một bóng ai 
Kìa đôi bướm nhởn nhơ vờn hoa 
Và trong nắng em nhìn đôi chim 
Nắng tơ bướm vàng ánh trăng tiếng đàn 
Bóng thông gió ngàn lòng càng say mơ... 

Những lời ca trữ tình ấy lồng trong những cung bậc âm thanh dịu dàng xao xuyến như luôn mãi đưa chúng ta vào khung trời bềnh bồng hoa bướm mỗi khi được cất lên. Nhạc khúc ấy hình như đã đọng lại ở một góc nào đó trong tâm hồn của người yêu nhạc, chìm sâu ở đó nhưng không bao giờ mất, để sẽ sống lại mỗi khi được khơi lên, như lòng than vẫn ấm đỏ khi tro bụi được thổi bay đi. 

Trải qua bao thăng trầm của dòng đời, nhạc phẩm “Thơ Ngây” sáng tác năm 1951 của Nhạc Sĩ Anh Việt vẫn giữ vững vị trí tươi thắm của một nụ hồng xinh đẹp không bao giờ tàn phai trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam. Khởi đi từ giọng hát lãng mạn thuở xa xưa như Mai Hương, Lệ Thanh, Sĩ Phú, Elvis Phương rồi gần đây qua những tiếng hát như Hương Lan, Ái VÂn ...v..v.. nhạc phẩm Thơ Ngây vẫn là nỗi rung cảm tuyệt vời , nỗi say sưa mê đắm cho cả người hát lẫn người nghe . 

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, những nhạc phẩm có tác dụng giao hòa được tâm hồn và trái tim của người trình diễn lẫn người thưởng thức, như nhạc phẩm Thơ Ngây, không phải là nhiều . Chính vì thế “Thơ Ngây” đã sống mãi với thời gian, không khác gì những nhạc phẩm lãng mạn bất hủ như “Biệt Ly” của Doãn Mẫn, “Con Thuyền không bến” của Đặng Thế Phong , “ Nỗi lòng’ của Nguyễn Văn Khánh hay “ Em đến thăm anh một chiều mưa” của Tô Vũ...v...v.. 

Nhạc tình của Anh Việt có thể nói đã mang trọn vẹn âm hưởng của nhạc Tiền Chiến . Ngoài “Thơ Ngây” (1951) , còn ít nhất hai nhạc phẩm nữa là “Bến Cũ” (1946) và “Lỡ Chuyến đò” (1947) cũng nằm trong khuynh hướng này. 

Sở dĩ tôi chưa dám goị các nhạc phẩm trên là Nhạc Tiền Chiến , bởi vì theo sự phân tích của các nhà văn học sử thì Thi ca Tiền Chiến phải nằm trong thời điểm 1932-1945, là thời điểm khi ấy nước ta chưa có những trận đánh lớn với người Pháp , hay nói rõ hơn nước ta chưa thực sự là một Quốc gia có chiến tranh. Do đó mới gọi là Tiền Chiến . Cho đến năm 1945 thì với cuộc Cách Mạng mùa Thu của Việt Minh, nền Văn Học của chúng ta đã rẽ qua một khúc quanh khác , nên năm 1945 được coi như năm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn Tiền Chiến. Thêm nữa Thi ca Tiền Chiến về nội dung phải chuyên chở những tư tưởng tiến bộ , ca ngợi giá trị nhân bản và đặc biệt ca ngợi tình yêu lãng mạn . Đó là những điều thoát thai từ luồng tư tưởng mới, du nhập từ các xã hội Âu tây vào nước ta từ năm 1932, như một luồng gió lạ làm lung lay chế độ phong kiến với đạo Nho, đạo Khổng . Khởi xướng cho việc tiếp nhận luồng tư tưởng mới lãng mạn này là nhóm Tự Lưc Văn Đoàn gồm những nhà văn, nhà thơ như Nhất Linh, Khaí Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, T.T. KH, Nguyễn Bính , Quang Dũng ..v..v..rồi sang đến lãnh vực âm nhạc là các nhạc sĩ như Dương Thiệu Tước , Đặng Thế Phong, Văn Cao, Doãn Mẫn ..v..v.. 

Nhạc tình của Anh Việt có đầy đủ nội dung và ý nghĩa của Nhạc Tiền Chiến , nhưng thời điểm sáng tác lại sau năm 1945 , tuy rằng ông không hề chịu ảnh hưởng gì của cuộc Cách mạng Mùa Thu . Do đó nếu luận theo sự phân tích của các nhà Văn Học Sử , thì Nhạc tình của Anh Việt vẫn chưa thể được goị là Nhạc Tiền Chiến 100% . Nhưng nếu nói theo cảm quan, thì người ta vẫn xem Nhạc Tình của Anh Việt là Nhạc Tiền Chiến. 

Nhạc Sĩ Anh Việt , một ngôi sao sáng trong nền tân nhạc Việt Nam , nhưng ánh sáng sao của ông lại chuyên chở một nét vẻ rất đặc biệt. Nó chuyển biến theo những thăng trầm của chiều dài lịch sử Việt Nam, chuyển biến theo tâm thức và nỗi lòng nổi trôi của tác giả. 

Ông đã từng viết nhạc về lý tưởng, về chiến đấu , về tình tự quê hương và tình yêu lứa đôi . Rồi sau đó , đến những năm tháng dài ly hương , và khi ông đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy “ , tuổi đời mà ánh sáng nhạt phai của buổi hoàng hôn đã bắt đầu ghé thăm, ông đã vượt qua cái NGÃ của chính mình, để chuyển sang viết nhạc TÂM LINH , nơi đó ông đã nhìn thâý ánh sáng nhiệm màu và vĩnh cửu của cuộc đời . 

Rất ít ai biết rằng Nhạc Sĩ Anh Việt đã có một khối lượng sáng tác lớn, hơn 200 Nhạc phẩm, một số đã được phổ biến , một số chưa phổ biến, một số tuy đã phổ biến nhưng không được rộng rãi lắm , và một số thất lạc sau ngày di tản khỏi đất nước năm 1975. 

Trải qua sự thăng trầm của lịch sử và sự nổi trôi của của chính cuộc đời người nhạc sĩ, chúng tôi xin được phép phân tích Dòng Nhạc của Anh Việt ra làm ba giai đoạn : 

I ) Giai đoạn thứ nhất (1945-1950) : Giai đoạn viết Nhạc cho Kháng Chiến. 

Đây là giai đoạn nước ta còn là thuộc địa của Pháp . Những người trai trẻ Việt Nam ,với lòng ái quốc sục sôi , đã theo chân những đoàn kháng chiến để đứng lên chống Pháp , dành độc lập tự do cho dân tộc. Dòng sáng tác của Nhạc Sĩ Anh Việt đã không khỏi mang dấu tích của cuộc chiến đấu , như những ca khúc tiêu biểu: Bến Kiên Giang (1945), Em chờ (1945), Chiều trong rừng thẳm (1945), Tự do (1946), Một chuyến đi (1945) , Bến cũ (1946), Lỡ Chuyến đò (1947), Lúa vàng (1948), Tiếng sóng Bạch Đằng(1948), Ai xuôi biên thùy (1948), Hờn Vong quốc (1948), Những ngày tàn mơ (1949)...v..v.. 
Hãy nghe nhạc sĩ Anh Việt trong bước khởi đầu sáng tác , đã viết về Kiên Giang , nơi ông đã sinh ra và lớn lên , nơi đã có những chàng trai , từ giã người yêu bên bờ giòng nước Kiên Giang để ra đi vì nợ nước mà chẳng hẹn ngày về : 

Sông Kiên Giang lờ đờ 
Sông trôi đi nơi nào 
Hàng cây bến xưa còn đó 
Nhưng bóng anh nay còn đâu 
Đã ra đi lòng nguyện đền nợ núi sông 
(Bến Kiên Giang) 

Đó là cảm tình rất chung hậu của ông với nơi chôn nhau cắt rốn , nơi có hàng dậu thưa, có lũy tre xanh bóng, có ruộng đồng thẳng cánh cò bay, có dòng hạ lưu Cửu Long mặn mòi chảy qua trước khi đổ sang Vịnh Thái Lan , nơi làm điểm gặp cho những cuộc hẹn thề và tiễn đưa . 

Người nhạc sĩ đã vô chiến khu năm 1945 và đã sáng tác nhạc phẩm “Chiều trong rừng thẳm” (1945) ca ngợi những người lính chiến đã nằm xuống cho cuộc đấu tranh chống thực dân giải phóng Quê Hương . 

Bao ngày chinh chiến nơi đây nhuộm máu anh tài 
Dấu vết vẫn ghi ngàn năm chẳng phai 
Muôn cờ tươi thắm trong sương gợi chí tang bồng 
Rừng chiều như vọng tiếng gọi thù xưa 
( Chiều trong rừng thẳm) 

Trớ trêu thay, nhạc phẩm này đã trở thành Nhạc Hiệu của đài Phát Thanh Pháp Á tuy rằng họ đã đồi tên thành bản “Nhạc Thanh Bình”, với những lời ca mới như : 

Đây ngày tươi sáng muôn chim ca hót tưng bừng. 
Tắm ánh nắng mai ngàn hoa thắm tươi... 


Riêng bài “Tự Do” cũng đã được chọn làm nhạc hiệu cho Đài phát Thanh Kháng Chiến Nam Bộ , đồng thời cũng là bài hát chính cho Liên Đoàn Thanh Niên Việt. 

Những ca khúc sáng tác trong thời kháng chiến, có hai nhạc phẩm đặc biệt mà lời ca rất lãng mạn trữ tình và âm điệu lại rất êm đềm xao xuyến mang nặng âm hưởng của Nhạc Tiền Chiến mà tôi đã có dịp đề cập ở trên. Đó là bài “Bến Cũ” (1946) và bài “ Lỡ Chuyến đò” (1947) . Cả hai bài tuy lồng trong bối cảnh của một Quốc gia thời kháng chiến , nhưng lại là những bản nhạc tình thật hay , nói lên sự chia xa của một mối tình : Chàng lên đường theo tiếng gọi non sông , nàng ở lại bến cũ chờ mong . Thời gian trôi qua, nước sông đã xuôi chảy bao lần lá vàng , nhưng bóng người chinh chiến vẫn ngàn khơi không thấy và người con gái vẫn cắm sào nơi bến sông cũ chờ mong một ngày hẹn về vô định . 

Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly 
Gió cuốn muôn phương về đây 
Thấy bóng người về hay chăng... 
( Bến cũ) 

hay: 

Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương 
Đây người sang với con đò xưa 
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương 
Duyên tình xưa êm thấm còn đâu 
( Lỡ Chuyến đò) 

Hai nhạc phẩm này khiến tôi chợt nhớ đến những vần thơ trong cuốn Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, mô tả nỗi lòng của người cô phụ tưởng vọng trông chồng khi mỗi mùa xuân hoa đào nở : 

Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió 
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông 
Nay đào đã cuốn gió đông 
Phù dung lại đã bên sông bơ sờ 

II . Giai đoạn thứ hai (1951-1975) : Nhạc viết về Quê Hương , Quân Đội và Tình Yêu. 

Cuộc đấu tranh của dân tộc đã thành công đưa đến sự chấm dứt chế độ bảo hộ của người Pháp, nhưng cũng đã khiến hai miền Nam Bắc bị chia đôi sau Hiệp định Geneve 1954 với dòng sông Bến Hải làm lằn ranh ngăn cách. Việt Minh đã thanh toán tất cả các tổ chức kháng chiến quốc gia để độc quyền lãnh đạo và đã lộ nguyên hình là một tập đoàn Cộng Sản . Hàng triệu đồng bào đã rời bỏ miền Bắc để di cư vào Nam tìm tự do và nắng ấm. 

Trong giai đoạn này , nước ta đã rẽ sang một khúc quanh mới của lịch sử , với cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Quốc Gia và Cộng Sản. Nhạc Sĩ Anh Việt đã một lần nữa , khoác bộ Chiến Y để phục vụ trong QLVNCH , tiếp tục cuộc chiến bảo vệ tự do độc lập cho miền Nam . Một mặt cầm súng chiến đấu với bước chân đặt trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật của nẻo đường miền Nam Việt Nam, một mặt dùng lời ca tiếng hát để ca ngợi Quân Đội , Quê Hương và Tình Yêu. 

Cũng như các nhạc sĩ Phạm Duy, Trúc Phương ,Nguyễn văn Đông , Lam Phương, Trần Thiện Thanh..v... dòng nhạc Anh Việt đã không khỏi không ghi dấu những nét của cuộc chiến mà trong đó những người chiến binh QLVNCH đã được tiêu biểu để ngợi ca . Chẳng hạn như nhạc phẩm “ Chiến ca” viết cho Khóa I Thủ Đức ngày mãn khóa năm 1951 và đã được dùng làm nhạc phẩm đồng ca cho ngày mãn khóa , nhạc phẩm “ Quân Cụ Hành Khúc” (1956) và “ Nhảy Dù Hành Khúc “ (1968) ..v..v.. Đặc biệt với cuộc Hành Quân Hạ Lào 1972 , nhạc sĩ Anh Việt đã cảm khaí phổ nhạc cho một bài thơ hào hùng rất dài của nhà văn Phan Nhật Nam , mà hồi đó đã được phát thanh rất nhiều lần trên các làn sóng Quân Đội . 

Về Nhạc Tình và Nhạc Quê Hương của Anh Việt trong giai đoạn này, ta có thể kể : Thơ Ngây (1951), Cô Em xóm Lúa (1953), Hững Hờ ( 1954),Say trăng (1954), Mưa đêm(1957),Tình quê nối lại nhịp cầu (1956), Mây thu(1957),Áo em màu thiên thanh(1958),Hương thời gian (1966), Rồi ngàn sau( 1968), Tiếng ru vào đời (1973) ...v...v.. 

Điều cần nhắc lại là cũng thời khoảng này , Nhạc sĩ Anh Việt đã cùng bốn nhạc sĩ nổi danh khác là Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền, Hoàng Nguyên và Lan Đài góp bài để nhập chung những sáng tác về Tình Ca thành tuyển tập “ Nhạc Ru Tuổi Hồng” , rất được giới thưởng ngoạn yêu mến. Trong nhóm “ Nhạc Lâm Ngũ Sĩ “ này thì hiện nay chỉ còn lại có ba người, vì nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Lan Đài đã vĩnh viễn đi về miền an giấc ngàn thu. 

Với nhạc phẩm tình ca “Hương Thời gian” , có lẽ nhạc sĩ Anh Việt viết để tặng riêng cho mình .Một chiều nào đó , tạm rũ áo chinh y , trở về chốn cũ thăm lại cố nhân , nhưng người xưa nào đã chẳng thấy đâu , chỉ còn nghe tiếng gió ngàn , than thở trong nỗi quanh hiu: 

Bao năm còn nặng gánh non sông, còn giông tố 
Chiều nay dừng bước giang hồ , sau bao ngày chinh chiến 
Thân trai về sông núi, xông pha áo nhuốm phong trần 
Về lại thôn cũ chốn vườn xưa cỏ úa 
Bóng người xưa xa vắng , biết tìm về nơi nao. 
( Hương Thời gian) 

Tiếng lòng này cũng giống như tâm sự của chàng Kim Trọng trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du , trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Thúy Kiều nhưng nàng đã đâu còn thấy bóng : 

Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông 

Nỗi lòng này của Anh Việt cũng chỉ là một chút ủy mị thoáng qua, rất thường tình và “ rất người”. Và rồi trở về thực tại, nhạc sĩ Anh Việt vẫn sống cuộc đời Quân ngũ và vẫn tiếp tục phục vụ nghệ thuật , song song cuộc đời quân ngũ . Ông đã từng có những Sinh Hoạt Văn Nghệ trên các làn sóng : Đài Phát Thanh Pháp Á với Chương trình Nhạc Tình , Đài Phát Thanh Quân Đội vói chương trình Nhạc Quê Hương , Đài Phát Thanh Saigon vói Chương Trình Hương Thời Gian và Đài Truyên Hình Việt Nam với Chương Trình Nhạc Thính Phòng Jazz Symphonic , có sự cộng tác của các nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Nguyễn Hậu ..v...v...Rất nhiều tiếng hát nổi danh thời bấy giờ đã cộng tác như Mai Hương , Anh Ngọc, Thanh Lan..v..v.. 

Nhạc sĩ Anh Việt đã dành tuổi trẻ của mình cho Quân Đội nên viết nhạc cho Quân Đội là lẽ tất nhiên.. Tuy nhiên tình ca vẫn là tiếng lòng muôn thuở của loài người , nên như trên đã đề cập , Anh Việt đã viết rất nhiều Tình Ca để chia sẻ nỗi nhớ nhung của những người yêu nhau mà phải xa nhau vì chiến cuộc . Ông cũng viết nhạc Quê Hương để xoa dịu và chữa lành những vết thương do chiến tranh gây nên bằng những hình ảnh thân thương , cao đẹp và đáng yêu của đất nước . Có yêu nhau, có yêu Quê Hương thì sẽ đương nhiên phải chiến đấu để duy trì được những tình cảm đó. 

III . Giai đoạn thứ ba ( từ 1975 đến nay) : Giai đoạn tha hương. 

1. Thân phận cá nhân tha phương : 

Tiếc thay, miền Nam Việt nam, mảnh đất thân yêu của chúng ta cũng bị mất theo cuộc đổi đời ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhạc sĩ Anh Việt , cũng như gần hai triệu người Việt Nam , đã phải bỏ xứ ra đi lưu vong khắp bốn phương trời , để tìm tự do. 

Trong những ngày sống tha hương, khi Quê Hương đã nghìn trùng xa cách , nhạc sĩ Anh Việt vẫn không thể rời xa được cõi âm thanh mà tâm hồn ông đã gắn bó. Ý nhạc của Anh Việt cũng nổi trôi theo vận nước và thân phận con người , mang mang những nét bâng khuâng , nghẹn ngào , khắc khoải và lắm khi chua xót. 

Nỗi lòng này của nhạc sĩ Anh Việt , chúng ta có thể tìm thấy được trong các tác phẩm như : Ngày tôi xa Saigon ( 1975), Đừng khóc nữa em ơi ( 1975), Xuân Viễn xứ (1975), Giọt sương đêm (1978), Tôi sẽ về quê hương (1985), Hè về đâu đây ( 1985), Từ chiều đó (1986) , Ngày xưa yêu nhau ( 1986) , Giọt buồn (1987), Một thời dễ thuong (1990)..v..v.. 

Hãy nghe Sài Gòn hàng đêm trở về với Anh Việt, nhẹ nhàng như những thầm thì của một giấc mơ : 

Có nhiều đêm nằm mơ, về gặp lại Saigon 
Sài Gòn buồn hỏi tôi : 
Bây giờ anh vui mộng hải hồ 
Bây giờ anh quên tình sông núi 
Không , tôi không quên Saigòn đâu 
( Ngày tôi xa Sai Gòn) 

Và rồi Anh Việt hứa sẽ trở về quê hương , thăm lại đường xưa lối cũ: 

Tôi sẽ về Quê Hương tôi với non sông gấm vóc 
Tôi sẽ về lại làng tôi với ruộng sắn nương khoai 
Với đồng mạ xanh rờn và đàn cò bay nhởn nhơ. 
(Tôi sẽ về Quê Hương tôi) 

Ước mộng thật giản dị nhưng rất khó thực thi. Bao giờ quê hương ta mới thực sự tự do no ấm , bao giờ quê hương ta mới thực sự lúa vàng reo hát trong những ngày mùa ? Nhớ lại miền thùy dương bóng dừa ngàn thông, khi ngày ấy bên giòng Hương Giang lững lờ xuôi chảy , dưới hàng phượng vĩ đỏ thắm nở dọc hai bên bờ , “tôi đã đến thăm em một chiều nắng nhạt, một đêm trăng sáng, để thấy hương dạ lan vương mái tóc em, để làm hồn tôi vương vấn...” và để rồi từ đó hai tâm hồn đã tìm đến nhau dệt giấc mộng vàng trăm năm : 

Em đến với tôi rực rỡ như nắng hạ 
Bên bờ Hương Giang hoa phượng vĩ khoe màu thắm 
Như em đi vào đời tôi 
Tôi đến thăm em khi trăng vàng rơi trước ngõ 
Và mùi hương dạ lan còn vương tóc em 
Say sưa, mênh mang , vấn vương lòng tôi. 
( Ngày xưa yêu nhau) 

Cũng có khi , Anh Việt rung cảm với nỗi buồn triết lý của người bạn đời đã theo sát ông với những thăng trầm và nổi trôi của cuộc sống để viết ra những dòng nhạc nhẹ nhàng man mác như tiếng suối nhẹ chảy qua ghềnh đá: 

Nghiêng mình soi bóng nước 
Ta thấy bóng của ta 
In trên nền sỏi đá 
Giữa lòng sông chiều tà 
Một nỗi buồn xa lạ 
Xâm chiếm mảnh hồn ta 
Ta bảo sao ta không là sỏi đá 
Vô tư khi dòng nước trôi qua 
( Bâng quơ: Thơ Tố Oanh) 

Rồi cũng như bà Huyện Thanh Quan, một chiều nao “thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, nhạc sĩ Anh Việt đã hơn một lần trong ngày buồn tháng tư, chợt hỏi lại lòng mình để tìm xem nỗi bàng hoàng xúc cảm của ngày xa xưa ấy khi bước chân ra đi trong đời viễn xứ : 

Nhớ tháng Tư buồn chia tay, 
Nhớ người ra đi từng gọi tên Việt Nam. 
Nhớ thương vô ngần. ( Đêm tháng tư buồn ) 

2) Nhạc Thiền và Nhạc Kinh. 

Dòng đời vẫn xuôi chảy những tháng năm trên đôi vai người viễn xứ cho đến một ngày cách khoảng đây hơn sáu năm, nhạc sĩ Anh Việt thấy lòng mình thực sự trùng lắng : Cuộc sống con người rồi mai đây sẽ trở thành cát bụi , Những yêu thương giận hờn, những cơn mê chấp rồi cũng sẽ phai tàn . Chỉ còn tâm linh và cỗi rễ của tâm linh là vĩnh cửu . Tâm linh sẽ dẫn dắt con người tới nơi an dung tự tại, về trong ánh nhiệm màu của Đức Phật . Có thế mới cứu rỗi và xoa dịu được những nỗi đau trần thế. Chính vì ý niệm như thế , nhạc sĩ Anh Việt đã dấn thân vào lãnh vực Nhạc Thiền và Nhạc Kinh. 

Từ năm 1993 cho đến 1996 , nhạc sĩ Anh Việt đă thực hiện được một cuốn Sách Nhạc Thiền mang tên “ Những giọt không” và hai cuốn CD Nhạc Thiền với nhan đề : “Hoa mặt trời “ và “Trường ca Avril” . Phần lớn ông phổ nhạc từ thơ của Thiền Sư Nhất Hạnh. 

Mát lòng nhờ những giọt không 
Bỗng đâu thuyền đã sang sông tới bờ 
Cát mềm bãi vắng nguyên xưa.. 
( Những giọt không) 

và : 

Avril về trong rừng cây trang nghiêm 
Tình thương đã từ nơi ngàn xanh 
Nơi suối trong thể hiện bàn tay MẸ nhiệm màu 
Sửa soạn cho chúng ta ra đời 
Trong hào quang của mùa Xuân tình thương ấm áp. 
(Trường ca Avril) 

Về nhạc Kinh thì khoảng hai năm gần đây, nhạc sĩ Anh Việt đã thực hiện được hai cuốn CD : “ Nhạc Kinh 1 “ và “ Nhạc Kinh 2 ” , phổ nhạc từ Bài Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật . Đó là những bài Kinh, Kệ, Sám Nguyện của Kinh Phật đã để lại từ ngàn xưa , do thầy Nhất Hạnh dịch ra chữ Quốc Ngữ và nhạc Sĩ Anh Việt phổ nhạc .Tiếng đàn Mandoline của Anh Việt đã dịu dàng quyện lấy tiếng ca thanh thoát của các Phật tử như đưa tâm hồn người nghe vào chốn lâng lâng không vướng bụi trần . 

Anh Việt , người chiến sĩ thuở nào , đã từng hi sinh tuổi trẻ cho Quê Hương đất nước , phải chăng bây giờ đã tìm được cõi an vui thánh thiện trong tâm hồn . Cụ Nguyễn Công Trứ thuở xưa , sau khi hoàn tất bổn phận làm trai, đã ca ngợi thú điền viên . 

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ 
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo 
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu 
(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ) 

Nhưng Anh Việt thì khác, sau những năm tháng dài hiến tuổi trẻ cho Quê hương đất nước , đã tìm dến một cái gì cao hơn cái NGÃ của chính mình, để đi vào cõi nhạc tâm linh , cho mình và cho tha nhân . Nơi ấy đôi cánh âm nhạc bay miên man trong niềm an lạc , xa hẳn những chấp nê của cuộc đời và thoa dịu nỗi thương đau của trần thế . 

3) Nhưng vẫn còn Nhạc tình và Nhạc Quê Hương : CD “ Bến cũ” . 

Tuy nhiên nhạc sĩ Anh Việt vẫn chưa thể giã từ Nhạc Tình và Nhạc Quê Hương . Song song với những sáng tác làm cho chính mình , ông đã vì cảm tình riêng , phổ nhạc thơ cho một số văn hữu chẳng hạn như Thi Sĩ Hải Đường trong cuốn CD “Những tình khúc êm đềm bay vào đơn côi” với những tiếng hát Tuấn Ngọc, Hương Lan, Bích Ngọc, Lê Huỳnh, Như Mai, Giao Linh....và đặc biệt viết ca khúc làm Nhạc Kỷ Niệm cho hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thi Điểm của Hội Ái Hữu Cần Thơ trong CD “Đại Hội Hè 99 , Gia đình Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm hải ngoại” với hai giọng ca của Thung Lũng Hoa Vàng là Trần Ngọc và Ngân Hạnh ..v...v.. 

Và đặc biệt hơn hết ông sẽ cho ra mắt cuốn CD mang tên “Bến cũ” để kỷ niệm 50 năm sáng tác . CD này gồm 10 Ca khúc lựa chọn ưng ý mà ông đã viết cho kháng chiến , cho tình yêu và cho quê hương : Bến Kiên Giang, Bến cũ, Một chuyến đi, Ngày xưa yêu nhau , Bâng quơ, Hương thời gian, Chiều trong rừng thẳm, Thơ ngây, Theo dấu thơ nhạc và Lỡ Chuyến đò. Những tiếng hát nổi danh đã được mời cộng tác như Tuấn Ngọc , Ái Vân , Mai Hương, Nguyễn Thành Vân. 

Buổi kỷ niệm 50 năm cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông, trong đó có ra mắt cuốn CD “ Bến Cũ” sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 12 năm 1999 , tại Santa Clara Convention Center , Thung Lũng Hoa Vàng . 

Người viết bài này, cũng là MC cho Chương Trình, có cảm tưởng trước là Buổi Văn Nghệ kỷ niệm này sẽ rất thành công. Thứ nhất vì danh tiếng của nhạc sĩ Anh Việt cùng với gia tài âm nhạc quý báu mà ông đã cống hiến cho nền văn học nước nhà . Thứ hai , buổi sinh hoạt văn nghệ mang một ý nghĩa cao đẹp : Nhạc sĩ Anh Việt sẽ dùng số tiền bán vé để gửi về Việt Nam giúp đồng bào 7 tỉnh miền Trung đang chịu cảnh bão lụt tàn phá . 

Nhạc sĩ Anh Việt, với hơn 50 năm sáng tác và phục vụ âm nhạc ,từ thuở sơ khai cho đến giai đoạn cực thịnh , đã mặc nhiên tạo cho mình một chỗ đứng thật cao trong làng tân nhạc Việt Nam. Dù ông khiêm nhượng không muốn nhận chức vị này, nhưng người đời vẫn muốn trao cho ông chiếc áo cao quý đó . Trong trái tim của người yêu nhạc , những rung động của phím tơ dệt nên bởi nhạc sĩ Anh Việt sẽ mãi mãi là vùng trời bâng khuâng xao xuyến , có áng mây ấp ủ tình thương, có làn gió nhẹ mơn trớn tâm hồn và có những cành xôn xao lá hát để cùng nhau trao những tình tự đẹp giấc mơ hoa . 

Trần Ngọc 
San Jose, Mùa Lễ Thanksgiving 1999 

( Bài này đã được đăng trong Tạp Chí Mẹ Việt Nam số 131, nhân dịp Buổi Tổ Chức Kỷ Niệm 50 sáng tác của Nhạc Sĩ Anh Việt, tại Santa Clara Convention Center San Jose ngày 11 tháng 12 năm 1999)








Nhạc sĩ Anh Việt ( 1927-2008)
Nguyễn Ðình Toàn


Nếu hai thập niên 1940-1950 được coi là phồn thịnh của tân nhạc Việt Nam, thì phần đóng góp của Anh Việt không phải là nhỏ.

Vào thời ấy, buổi sáng người ta có thể nghe thấy Ngọc Bảo và Tâm Vấn hát “Bến Cũ” của Anh Việt trên đài phát thanh Hà Nội, buổi chiều hay đêm khuya người ta lại có thể nghe tiếng Anh Ngọc/Minh Trang, Mạnh Phát/Minh Diệu, Trọng Nghĩa/Ngọc Hà hát “Lỡ Chuyến Ðò”, “Một Chuyến Ði”, “Chiều Trong Rừng Thẳm” của ông trên sóng của các đài phát thanh Huế, Pháp Á hay Sài Gòn. Ấy là chưa kể có đài còn dùng nhạc của ông để làm nhạc hiệu nữa

Hầu hết các ca khúc của Anh Việt đều là tình ca.

Và, tình của chúng ta nói chung, trong thập niên 50, thường nói về những cuộc chia ly, nỗi nhớ nhung xa cách, ước mong một ngày yên bình được trở về chốn cũ, nối lại tình xưa...

Nhạc của Anh Việt cũng vậy.

Nhưng với cái ngọt ngào của âm điệu, thơ mộng của lời ca, ông đã biến các ca khúc của mình trở thành những bài hát điển hình của một thời đại.

Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương
Ðây người sang với con đò xưa
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương
Duyên tình xưa êm thấm còn đâu
Người của bốn phương
Người đã ra đi có nhớ bao giờ
Dù duyên thề ước đắm với giấc mơ
Ðường tơ vấn vương
Ðem gieo thắm tươi vào đau thương
Và cố quên tình người bơ vơ
(Lỡ Chuyến Ðò)

Anh Việt cho biết về tiểu sử của mình như sau:

“Sinh trưởng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa lúc cao trào kháng Pháp dành độc lập đang bùng lên. Buổi niên thiếu sống trong khung cảnh ruộng lúa phì nhiêu với sóng triều biển cả của những chiều gió lộng với dòng Kiên Giang in bóng trăng vàng và cũng là nơi còn ghi chiến tích oanh liệt của anh hùng Nguyễn Trung Trực chống giặc Pháp, nêu gương tiết liệt với ngàn thu”.

Chính ở đây Anh Việt đã viết các ca khúc “Bến Kiên Giang”, “Chiều Trong Rừng Thẳm”, “Một Chuyến Ði”, “Lỡ Chuyến Ðò”.......

Có điều hơi lạ Anh Việt là người Nam, tình yêu của ông đối với sông nước, ruộng đồng nơi mình sinh trưởng thật đằm thắm, nhưng nhạc của ông không có vẻ gì là sản phẩm của một người gốc gác miền Nam cả.

Nhà văn Nguyễn Trọng Trạc bày tỏ cảm tưởng khi nghe lại các ca khúc của Anh Việt như sau:

“Những bài hát cũ gợi lại cả trời xưa cũ, thời xưa cũ, những rung động xa xưa, cũng nhắc đến cả một chiều dài phức tạp của lịch sử đất nước Việt Nam cận đại. Anh đã khởi đi trong những ngày quật cường của quần chúng, đã sống cuộc sống giang hồ của một nghệ sĩ, đã góp tiếng lòng với quê hương, và cũng đã có tâm trạng của một kẻ bị lưu đầy”.

Còn nhà văn Thanh Nam đã mượn thơ Quang Dũng để viết về Anh Việt:

Chưa chắc cây cao hồ dễ im
Sông sâu hồ dễ đã êm đềm
Cây cao chừng đợi giờ giông tố
Sông đợi mùa dâng sóng nước lên

Có vẻ như Anh Việt muốn viết anh hùng ca, nhưng chất lãng mạn đã lấn át mọi cái khác, nên cuối cùng ông chỉ còn lại những bài tình ca.

Ngoài ngàn dặm đoàn người ra đi
Trong sương lạnh lòng trai bền chí
Ra biên quan xa xăm ngàn phương
Và còn vọng tiếng hát trong sương
Người theo ngàn gió
Biệt ly buồn nhớ
Chờ đợi bao năm
Sống với âm thầm
Chốn ấy xa xăm người đi
Chiếc bóng bên song chờ chi
Tha phương ngoài ngàn quan san
Từ bao lần lá thu tàn...
(Một Chuyến Ði)


Bài hát hùng tráng nhất của Anh Việt là bài “Chiều Trong Rừng Thẳm”. Bài hát này có thể coi như tiếng vang của tâm hồn ông đối với các nhân vật lịch sử và quê hương riêng, ông ấp ủ trong hồn. Chính nỗi bi tráng của bài hát trở thành hùng tráng:

Trong rừng xa vắng âm u nhuộm ánh dương mờ
Tiếng gió rít lên ngàn cây xác xơ
Chuông chùa vang nhắc ngân lên như những oan hồn
Rừng còn mang hận mãi trong hoàng hôn
Mây nặng u hoài
Thây ngập bên rừng
Tiếng gió hòa bi ai
Ðây là nấm mồ
Bao nhiêu quân Nam hy sinh vì quốc dân
(Chiều Trong Rừng Thẳm)

Bài tình ca ngọt ngào và trọn nghĩa nhất của Anh Việt có lẽ là bài “Thơ Ngây”. Ðây cũng là bài hát được nhiều ca sĩ chọn để trình bày nhiều hơn cả trong số các nhạc phẩm của ông.

Từ âm điệu đến lời ca có một vẻ gì đó nũng nịu, làm dáng, nhưng vẫn giữ được vẻ nghiêm trang, trong sáng, không quá trớn để trở thành bỡn cợt hay giả dối:

Khi ấy em còn thơ ngây
Ðôi mắt chưa vương lệ sầu
Cười đùa trong muôn ánh trăng
Ðắm xinh đôi môi hồng thắm
Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong
Thấy lòng ngẩn ngơ như tìm một bóng ai
..............
Rồi một hôm
Có chàng trai trẻ đến nơi này
Ðời em có một lần
Là lần tim em thấy yêu chàng...
(Thơ Ngây)

Anh Việt có vẻ là một người sống kín đáo. Ông ít xuất hiện ở nhưng nơi công cộng, dù cho đó có là nơi người ta mang nhạc của ông ra trình diễn. Hoặc giả ông cũng có tới dự nhưng tự lẫn vào đám đông, như những khán giả vô danh khác.

Ông từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ của chúng ta ở Sài Gòn xưa, nhưng cũng ít người biết ông.

Từ sau biến cố 75, sống ở hải ngoại, người ta cũng không thấy ông tuyên bố điều này điều khác, ở chỗ nọ chỗ kia.

Chắc ông chọn sự im lặng.

Những người yêu nhạc ông hoàn toàn kính trọng sư im lặng của ông, và xin gửi tới ông một bông hồng tạ ơn về nhưng gì ông đã cống hiến cho âm nhạc Việt Nam.

Bến Cũ
Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly
Gió cuốn mây trôi về đây
Thấy bóng người về hay chăng?
Xa nhau bến xưa ngày ấy
Anh đi thế thôi từ đây
Sầu chết bên lòng
Hồn nặng nhớ mong
Biết đi sầu em mong
Nhưng ngàn dân đang ngóng
Dưới trời gió mưa
Làn gió chiều đưa
Xa nhau bến xưa ngày ấy
Anh như bóng mây hồng trôi
Về chốn xa vời
Lòng nặng nhớ mong
Cố quên sầu thương đi
Anh nguyền đi theo gió
Chớ buồn khóc chi
Càng khổ người đi
Bến ấy chiều sương chờ mong
Vấn vương lòng ta
Gió cuốn mây trôi về đâu
Cố nén sầu lòng bao năm

Nguyễn Ðình Toàn







































Trở về 




Chân Dung Văn Nghệ Sĩ
Danh Sách Tác Giả




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.