Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Trúc Phương (1933 - 1995)













Trúc Phương
Nguyễn Thiên Lộc
(1933 Trà Vinh - 18/9/1995 Sài Gòn)
(thọ 62 tuổi)



Thể loại nhạc vàng

Ca khúc tiêu biểu: Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần, Chiều làng em, Đò chiều, Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Tàu đêm năm cũ



Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc (1933 - 1995) là một nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.





Tiểu Sử

Trúc Phương sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết...và lập nghiệp luôn ở đó. Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản Tình thương mái lá, Tình thắm duyên quê viết vào năm 1957, sau đó là Chiều làng em (1958) và Đò chiều (1959)... Bản nhạc Tàu đêm năm cũ bất hủ của ông được viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.

Trúc Phương có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại hải ngoại như: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa...

Sau 1975, Trúc Phương vẫn còn sáng tác thêm một số bài nói về tình yêu cây lá, tình yêu quê hương nhưng hầu hết ca khúc này, như ông xác nhận, không thành công lắm, chỉ với lý do: Ông không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã được đón nhận từ trước 1975. Xin cảm ơn đời là ca khúc cuối cùng Trúc Phương viết tháng 3 năm 1995. Lời ca khúc này có thể coi như những tâm tình, uẩn khúc nhất mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.

Nhiều ca sĩ nổi tiếng nhờ trình bày những tác phẩm của ông như Thanh Thúy, Chế Linh...

Cuối thập niên 60, ông có mở một lớp nhạc ở số 33/230, đường Gia Long, Gò Vấp gọi là Trúc Phương Tự Lực đào tạo được một số ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông, nhưng không mấy thành công.

Năm 1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Sài Gòn. Ông vượt biên lần đầu năm 1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11. Những năm sau đó ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con li tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân. Khoảng giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Không lâu sau, ông trở về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Sau 3 lần vượt biên không thành công, ông không nhà cửa, không người thân, giấy tờ, sống lây lất khắp nơi (các con trai của ông đã vượt biên thành công sang Mỹ & Úc trước đó). Tuy hoàn cảnh rất bi đát nhưng ông chưa hề ngửa tay xin ai một đồng nào, ngay cả những người quen của ông lúc trước. Ông mất ngày 18 tháng 9 năm 1995 vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé.

Lúc Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (lúc này đã định cư ở Mỹ) có viết tặng Trúc Phương bài Gửi người về cát bụi với lời nhạc có nhắc tên một số bài hát của ông.

Năm 2014, lần thứ hai Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt Trúc Phương - Ông hoàng của dòng nhạc Bolero (DVD Asia 74) để vinh danh ông.










Ca khúc phổ thông






24 giờ phép
Áo cưới mùa đông



Ai cho tôi tình yêu




Bông cỏ may
Bóng nhỏ đường chiều
Buồn một mình
Buồn trong kỷ niệm
Chàng trai si tình (Có buồn nào buồn hơn)
Chắp tay lạy người
Chiều cuối tuần



Chiều làng em



Chín dòng sông hò hẹn
Chuyện chúng mình
Chuyện ngày xưa



Con đường mang tên em
(Còn chuyện chúng mình)




Để trả lời một câu hỏi[2]
Đêm gác trọ
Đêm tâm sự
Đêm trên vùng đất lạ[3]
Đêm Việt Nam



Đò chiều



Đôi mắt người xưa[4]
Đường chiều cao nguyên
Hai chuyến tàu đêm[5]




Hai lối mộng



Hình bóng cũ
Kẻ ở miền xa
Lời ca nữ
Mắt chân dung để lại[6]
Mắt em buồn
Một lần thương nhớ
Một người đi xa[7]


Mưa nửa đêm



Mười đầu ngón tay
Ngỏ ý
Người giãi bày tâm sự
Người nhập cuộc
Người xa về thành phố
Người xóm cũ
Người yêu lên tiếng
Những lời này cho em (Cho chuyện chúng mình)



Nửa đêm ngoài phố



Sau lưng kỷ niệm
Siết chặt bàn tay (Văn Khánh)[8]



Tàu đêm năm cũ



Thói đời
Thư gửi người miền xa (Viết thư tình)
Tiếng chày bên sông
Tình người chiến binh
Tình thắm duyên quê
Tình thương mái lá
Tình yêu trong mắt một người
Trả nhau ngày tháng cũ
Trên bốn vùng chiến thuật[9]
Trước mặt tình yêu (Lại chuyện chúng mình)
Tôi thương tôi
Tự tình trong đêm
Tuổi tình yêu
Vòng tay lửa (Nhận diện thời gian)
Xin cảm ơn đời





Sau 1975, Trúc Phương về Trà Vinh, Vĩnh Long và một số nơi khác. Thời gian này ông sáng tác một số ca khúc và tặng bản thảo do chính tay ông viết cho một số bạn bè. Một số bài được biết đó là: Chiều phố huyện, Hoa sách về xa, Trà Vinh trong những tình mật ngọt, Về An Quảng Hữu...




Chú thích
2/"Cho Dzũng Chinh, thằng bạn vai em, vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi. Cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054."
3/Khác với bài Đêm trên đường phố lạ của Tú Nhi.
4/Không phải ca khúc mở đầu bằng "Chuyện tình của tôi, tan vỡ từ lâu rồi tưởng không bao giờ còn nhớ...".
5/Viết chung với Y Vân.
6/Tặng ca sĩ Thanh Thúy.
7/Có giai điệu tương tự "Mưa nửa đêm" nhưng khác lời ca.
8/bài này Trúc Phương viết lời chứ không phải soạn nhạc.
9/Có giai điệu tương tự "Chuyện ngày xưa" nhưng được sáng tác sau và khác lời ca.











Trúc Phương đi chuyến đò chiều
(Vũ Đức Sao Biển)


Đêm 20/9/1995, vợ tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh điện thoại ra Hà Nội cho tôi, báo tin nhạc sĩ Trúc Phương đã từ trần. Thôi thế là hết, Trúc Phương đã ra đi!

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1932 tại Trà Vinh (tỉnh Vĩnh Bình cũ). Khi nghe tin ông bệnh, tôi đã đến thăm ông. Tháng 2/1995, mùa xuân đang còn phơi phơi thì nhạc sĩ Trúc Phương lâm trọng bệnh, nằm thoi thóp trong căn phòng nghèo nàn phía sau một căn hộ ở cư xá Lữ Gia. Thấy tôi đến thăm, ông thật sự vui mừng, hối hả bảo con trai đỡ dậy và mặc chiếc áo sơ mi vào. Ông cố gắng cười nói, giọng đôi khi đứt quãng vì những cơn ho. Nhà không có cây đàn guitar nào nhưng tôi vẫn cao hứng hát để ông nghe lại những ca khúc của ông. Ánh mắt mệt mỏi thỉnh thoảng lại sáng lên cái ánh sáng nghệ sĩ diệu kỳ phía sau đôi mắt kiếng cận thị nặng độ. Tôi hứa sẽ viết một bài về các tác phẩm âm nhạc Bolero đặc sắc của ông, về cuộc đời đáng yêu của ông. Và tôi đã làm được điều đó trên tờ Thanh niên bán nguyệt san số ra tháng 3/95, trong đó tôi ca ngợi ông như một nhạc sĩ tài năng biến điệu Bolero Nam Mỹ trở thành một phong cách Bolero Việt Nam chậm rãi, trữ tình và đầy ấp niềm tâm sự với ca từ rất lạ, rất sáng tạo mà chưa nhạc sĩ nào làm được.


Một chiều nào trên bến cô liêu
Xóm ven sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều...
Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông khuya mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi (Đò chiều)


Hình ảnh do Hồ Nhất Duy sưu tầm.


Nhạc sĩ Trúc Phương đã yêu, đã sáng tác nhiều ca khúc Bolero trữ tình nổi tiếng. Khó ai có thể quên được những Đò chiều, Nửa đêm ngoài phố, Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần... man mác tâm sự cô đơn của ông. Nhạc của ông đem lại cho người khác hạnh phúc; người thưởng ngoạn có được những bài Bolero vừa bình dân vừa bác học; chủ hãng băng đĩa in sang vô tội vạ làm giàu khá nhanh. Còn riêng ông, ông được gì? Một cuộc sống hạnh phúc vụt khỏi tầm tay, một đời cô đơn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở thành người thiên cổ và những mối tình đứt đoạn như những dây tơ đàn lên quá diapason.

Mưa lên phố nhỏ
Có một người vừa ra đi đêm nay
Để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi (Mưa nửa đêm)

Trong những ca khúc của ông, cái hồn Nam Bộ lãng mạn, trữ tình và bình dị, đậm đà đã được hình thành một cách hết sức rõ ràng. Bức thông điệp mà ông gởi đến cho đời sao mà buồn thê thiết. Hầu hết các ca khúc đều nói về những tình yêu dang dở, những người yêu xa biệt. Đò chiều là một đột phá duy nhất, trong đó ông phác nên một giấc mộng đoàn viên. Nhưng người khác thì đoàn viên, còn riêng ông, hai từ ấy chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Mong sao đừng quên mỗi lần
Chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông em khi phố cũ vừa lên đèn (Chiều cuối tuần)

Nếu âm nhạc là tiên tri của định mệnh thì chính âm nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương là những lời tiên tri đúng như thế. Tâm trạng cô đơn đã khiến cho tác phẩm của ông trĩu nặng những u hoài ly biệt và tác phẩm báo trước một ngày ra đi.

Tôi thiếp đi trong niềm vui
Và đêm rớt những giọt mưa cuối cùng (Mưa nửa đêm)

Đêm nay, giữa Hà Nội mùa thu có cơn gió heo may chớm về, thoáng nghe chút hương hoa sữa đầu tiên thoảng qua trên phố, tôi nhớ thương nhạc sĩ Trúc Phương, nhớ thương anh biết bao nhiêu. Thôi thế là hết những lần gặp nhau và hát cho nhau nghe Anh Trúc Phương đã thiếp đi trong niềm vui về cõi tiêu dao. Anh đã đi trên chuyến đò chiều của mỗi đời người. Đêm Hà Nội không mưa mà mắt tôi chợt ướt.









Trúc Phương - Tài hoa và bất hạnh

CỐ NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG
Tài hoa và bất hạnh




Chắc hẳn trong chúng ta, những người yêu quý dòng Nhạc Sến – Nhạc Mùi không ai không biết đến điệu Boléro nổi tiếng, có thể gọi là đặc trưng của dòng nhạc này và mang đậm dấu ấn của miền Nam. Và người nhạc sĩ, được ca tụng là “Ông hoàng Boléro” không ai khác là Nhạc sĩ Trúc Phương.

Hôm nay, tôi xin mạo muội viết đôi lời về cố nhạc sĩ tài hoa nhưng bất hạnh này (có trích dẫn thông tin từ một số bài viết từ một số nguồn trên internet), đề chúng ta – các Sen-er (cách tôi vừa nghĩ ra khi thực hiện bài này để chỉ các thành viên của Nhà Sến), hiểu rõ và cảm thông cho vị cố nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta yêu quý qua các tác phẩm kinh điển như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Ai cho tôi tình yêu, Thói đời…

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc. Ông sanh năm 1939 (cũng có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1933) tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Theo tác giả Hàn Phương kể, địa phương nơi họ Nguyễn trải qua thời niên thiếu là một vùng đất bao bọc bởi nhiều rặng tre, trúc... Do đấy, khi cần chọn cho mình một bút hiệu, họ Nguyễn chọn hai chữ “Trúc Phương”. Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết...và lập nghiệp luôn ở đó. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng, ông có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt.

Cuộc đời sáng tác của Trúc Phương luôn để lại trong lòng chúng ta ấn tượng về những cuộc tình ngang trái, lứa đôi chia lìa và những nỗi buồn không tên man mác như những Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Ai cho tôi tình yêu… và cuộc đời đau khổ, bất hạnh như Thói Đời. Như một số tư liệu đã từng thống kê, hầu như trong sự nghiệp của mình, Trúc Phương chỉ có 02 bài có giai điệu vui tươi là “Chiều làng em” và “Tình thắm duyên quê” đều viết về khung cảnh làng quê thanh bình, mộc mạc.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lìa. làm mủi lòng, gây thương cảm cho hàng triệu thính giả thời ấy.

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được.Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam,Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

Từ những cuộc tình ngang trái đó và kiếp sống nổi trôi, “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy, sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” đã ra đời với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.

Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai nhạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn”. Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái. 

Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng đời bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui ? khi trót sa vũng lầy nhân thế ”? 
Bài hát "Thói Ðời" đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống.Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa .” 
Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi.
Ông có tâm sự lại vài lời xót xa, nghẹn ngào, xúc động trên một đoạn video clip ngắn ngủi về đời sống của chính bản thân ông lúc đó như sau :

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó,”bèo dạt hoa trôi”…Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này..

Một kỷ niệm khó quên do ông Tín Đức – hội viên Hội Văn Nghệ Vĩnh Long kể về Trúc Phương (đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ), nay xin trích dẫn lại để các bạn theo dõi:

“Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.

Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng ...cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai - một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.

Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: "Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!".

Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:

- Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.

Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:

- Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?

Một người nhanh nhảu trả lời:

- Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!

Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:

- Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!

Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:

- Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!

Trúc Phương cầm lấy cây đàn:

- Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!

Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay/ Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây/ Nên những khi mưa nửa đêm/ Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm... Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn...”

Có thể nói rằng một điều là suốt mấy chục năm trời và cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sỹ, trung tâm băng nhạc, hãng đĩa đã thu âm, hát lại nhạc của ông, nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995 (theo tài liệu của ông Tín Đức là ngày 21-9-1996), tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi dép…

P/s: Bài viết này tôi thực hiện không phải vì trách nhiệm, cũng không phải là sự ca ngợi suông về một tài năng đã ra đi, mà vì một sự thành tâm kính trọng, khâm phục tài năng và tưởng nhớ của cá nhân tôi dành cho cố nhạc sĩ Trúc Phương.









Tham khảo thêm về nhạc sĩ Trúc Phương







Những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Trúc Phương




















Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.