Huỳnh Hữu Ủy
(1946 - .......)
Nhà nghiên cứu và phê bình Mỹ thuật.
Huỳnh Hữu Ủy sinh năm 1946 ở Huế, quê quán Hiền Lương, Phong Điền, Thừa Thiên.
Trước 1975, đi lính, tòng sự tại Khối Quân Sử/PS/Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn, từng tham gia biên soạn một số sách Chiến sử và Lịch sử quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Ông là hội viên Hội Nghiên cứu Đông Dương (tên tiếng Pháp: Société des études indochinoises). Bài tiểu luận đầu tay của ông là Đường bay của nghệ thuật in trên Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao, số 93, Đặc biệt về hội hoạ, 1967, Sài Gòn, đã gây được nhiều chú ý và từ đó ông bắt đầu viết nhiều về mỹ thuật.
Trong công trình văn hóa Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh do giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên, ông viết hai chương về nghệ thuật tạo hình: "Một mảng tranh dân gian ở thành phố" và "Mỹ thuật Sài Gòn từ đầu thế kỷ đến năm 1975".
Trước 1975, ông viết trên các tạp chí chuyên đề văn hóa nghệ thuật: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Văn Học, v.v.
Sau 1975, ông viết trên một số báo, tạp chí trong cũng như ngoài nước: Sông Hương, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Mỹ Thuật, Văn Nghệ, Kiến Thức Ngày Nay ở trong nước, và Đất Mới (Canada), Văn Lang, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Văn Học ở hải ngoại.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ.
Sách đã xuất bản
1
Nghệ Thuật Tạo Hình Dân Gian Việt Nam
(1993), Hồng Lĩnh.
2
Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam
(1995), Thanh Văn.
3
Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa
(1999), Văn Nghệ.
4
Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại
(1999), Văn Nghệ.
5
Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa
Văn Mới 2013
6
Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại
“Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” Của Huỳnh Hữu Ủy..
Phan Xuân Sinh
ghi nhận
Đây là một quyển sách đồ sộ về hình thức cũng như nội dung, nhận đinh về hội họa và điêu khắc từ khi Việt Nam bắt đầu mở trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1924 cho tới nay. Tác giả là Huỳnh Hữu Ủy nhà nghiên cứu hội họa, tên tuổi của ông từ lâu đã gắn liền với hội họa tại Miền Nam trong thời gian đất nước chia cắt. Sau 1975 mặc dù ông không tham gia viết lách nhận định hội họa trên báo chí, nhưng ông đã âm thầm làm việc nầy. Sau khi ra hải ngoại ông tiếp tục con đường của ông đã chọn và ông thanh thản từng bước đi vững chắc, chín chắn nhìn nền hội họa nước nhà một cách sắc bén và theo tôi chỉ có ông mới có thẩm quyền nhận xét về nến Hội Họa Viết Nam vì ròng rã mấy chục năm ông đã nghiên cứu, truy cập, một cách tỉ mỉ. Tôi là một người không biết về hội họa, nhưng khi đọc quyễn sách này tôi bắt đầu thấy say mê, hướng dẫn cho tôi cách nhìn về những tác giả mà tài năng của họ lẫy lừng bấy lâu nay,. cũng như những tên tuổi mà tôi chưa từng nghe thấy.
Để mô tả về sinh hoạt hội họa của Sài Gòn sống trong tự do. Huỳnh Hữu Ủy nhận định như sau: “…Những năm giữa thập niên 1950 kéo dài đến đầu 1960, không khí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn như hừng hực những ánh lửa kêu đòi đổi mới, khao khát sáng tạo. Làm mới, làm mới, phải bước qua những trang đời đã quá nhạt nhòa cũ kỹ không còn thể nào chịu nổi nữa. Trước vận hội đầy hứa hẹn của đất nước trẻ trung vừa vươn mình đứng dậy, sức sống sáng tạo thực sự bùng nổ. Sài Gòn đã có những tiếng nói rất mới, đầy âm vang mạnh mẽ và vô cùng thiết tha, ví dụ là những Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng , Thái Tuấn, Quách Thoại.”(1)
Trong sự khao khát đó, một số nghệ sĩ từ miền Bắc di cư vào họ mang trong lòng một chút phiêu lưu lại gặp một Miền Nam tự do, phóng khoáng, họ hội nhập một cách thoải mái. Tài năng của họ được nở rộ. Họ là những người tiên phong cho nền nghệ thuật nước nhà mang sắc màu đổi mới. Đến giữa thập niên 60 đến 70, theo sau họ là những nghệ sĩ xuất thân từ hai trường Mỹ Thuật Huế và Sài Gòn còn rất trẻ, nô nức và hăm hở hội nhập nhanh chóng vào nền hội họa Việt Nam bắng những bức phá và cải cánh, sắc màu trở nên táo bạo, theo Huỳnh Hữu Ủy: “…phải kể đến những khuôn mặt quy tụ chung quanh nhóm nghệ thuật tiền phong của Sài Gòn là HỘI HỌA SĨ TRẺ VIỆT NAM.”(2)
Từ trong NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI, ta mới biết được lịch sử hội họa Việt Nam, những nghệ sĩ tiếng tăm, những bức tranh làm say mê giới thưởng ngoạn một thời. Những họa sĩ như Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Liêm, Thái Tuấn, Ngô Viết Thụ là những cây cổ thụ của hội họa Miền Nam, là những người tiên phong trong ngành hôi họa của Miền Nam còn son trẻ. Chúng ta cũng được biết tên tuổi của Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Anh, Nguyễn Siêu, Trần Văn Thọ, Tú Duyên, Trần Đắc, Lê Văn Bình, Trọng Nội v.v…những họa sĩ tài danh của hội họa Việt Nam của thời kỳ tiền chiến. Đọc “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” ta tường lãm thêm được những khuynh hướng, trào lưu của những họa sĩ đeo đuổi trong sinh hoạt hội họa của họ.
Trước đây chúng ta đã nghe nói về HỘI HỌA SĨ TRỂ VIỆT NAM. Vì chúng ta không sinh hoạt trong hội họa, vì chúng ta ít quan tâm đến hội họa, vì chúng ta đến với hội họa chỉ cởi ngựa xem hoa, nên không biết rỏ về “Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam”. Thì đây, Huỳnh Hữu Ủy cho chúng ta biết về lý do, về sự cần thiết, trong một giai đoạn mà những thao thức, những đòi hỏi, mà hội nầy quy tụ một số họa sĩ tài năng để đưa nền hội họa đến tầm cỡ mà mọi người phải quan tâm:“ Đề cập đến nghệ thuật tạo hình Sài Gòn của những năm 60 và 70 trên bối cảnh chung là tất cả nền nghệ thuật có từ trước cùng với lớp họa sĩ đứng tuổi, kỳ cựu, phải nhắc đến những nghệ sĩ, điêu khắc gia quy tụ chung quanh Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sắc nhất của giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây. Góp phần xây dựng nền hội họa hiện đại, chúng ta đã đề cập đến Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, và phải kể tiếp theo các tên tuổi như : Cù Nguyễn, Rừng, Nghiêu Đề, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Mai Chững, Dương văn Hùng, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Hồ Thành Đức, Nguyễn Lâm, Lê Tài Điển, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Nghy Cao Uyên, Nguyễn Đồng. Đây là những nghệ sĩ trẻ say mê với nghệ thuật có tài hoa bẩm sinh, cộng thêm vào đó là nhiều suy nghĩ, tìm kiếm, những nghiên cứu thấu đáo ngôn ngữ tạo hình của thời đại. Sau vài cộng tác với nhau, đã phát biểu có chất lượng trong nghệ thuật tạo hình, họ cũng tự thấy là cần phải làm việc nhiều hơn, đào sâu kỹ thuật và tư tưởng, tiến về phía quảng đại quần chúng, và nhất là phải biết đặt mình trong tình cảnh của đất nước khổ đau và hùng tráng, để tìm một ngôn ngữ riêng của hội họa Việt Nam. Thái độ đó tỏ rõ rằng họ có một lập trường dân tộc tiến bộ nhưng không hẹp hòi mà cùng lúc cũng đặt mình trong tiếng nói tạo hình chung của nhân loại…”(3)
Hoặc một nhận định hoàn toàn xác thực về “Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam”:
“Hai mươi năm hội họa Miền Nam 1964 – 1975, đó là một chuyển động liền mạch nhưng mang nhiều tính bức phá và bùng nổ, cho nên từ nhóm Sáng Tạo, nền nghệ thuật ấy đã chuyển động mạnh với sự xuất hiện của các khuôn mặt trong nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định rằng nền nghệ thuật ấy, tuy chỉ ngắn ngủi trong vòng 20 năm, cũng đã thành hình và trở thành một giai đoạn mỹ thuật khá đặc biệt, rất quan trọng trong lịch sử mỹ thuật chung của toàn bộ đất nước”.(4)
Việc làm của Huỳnh Hữu Ủy trong hội họa cũng tương tự như Võ Phiến trong văn chương, ngồi lượm lặt từng tác phẩm, từng tác giả để tạo dựng lại một sinh hoạt văn hóa của Miền Nam từ 1954 đến 1975. Vì tất cả những gì trong 20 năm đó tại Miền Nam, những người thắng trận phương bắc đã xóa sạch không còn gốc tích. Họ chỉ đưa ra những tác phẩm tuyên truyền trong chiến tranh không có một chút nghệ thuật hay văn hóa, vì tất cả thứ nầy dưới sự chỉ đạo của guồng máy cai trị, phụng sự cho chính trị. Khi đặt văn hóa nghệ thuật của Việt Nam trong 20 năm chiến tranh, thì chỉ có Miền Nam sống trong tự do nên văn hóa nghệ thuật mới đúng nghĩa nhất. Thế nhưng tại Việt Nam hiện nay không thể tìm lại những gì đã mất vì đã bị hủy diệt một cách thô bạo sau khi Sài Gòn thất thủ. Công lao của Huỳnh Hữu Ủy và Võ Phiến hiện nay rất to lớn đối với những người sau nầy đi tìm những chứng tích văn hóa nghệ thuật của Miền Nam trong thời chiến tranh. Hai ông đã tìm được tài liệu gần như đầy đủ và tái xây dựng lại một cách hệ thống để người sau dễ dàng trong việc nghiên cứu.
Hội VAALA nơi bảo trợ in tập sách”Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” của Huỳnh Hữu Ủy có một tham vọng lớn hơn là sẽ in tập sách nầy bằng Anh ngữ, do Trần Thiện Huy (một thành viên của Ban Biên Tập tạp chí Da Màu) lãnh nhiệm vụ dịch thuật. Để giới thiệu nghệ thuật tạo hình Việt Nam với những người ngoại quốc muốn tìm tòi về hội họa. Vì hiện nay trong các thư viện tại Mỹ người ta chỉ thấy sách về hội họa của Hà Nội, giới thiệu về hội họa của họ rất nghèo nàn, thiếu tính nghệ thuật. Tập sách của Huỳnh Hữu Ủy đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về hội họa đa dạng của Việt Nam. Và cũng để giới thiệu cho giới trẻ Việt Nam biết về hội họa của nước mình một cách tường tận, biết lịch sử hôi họa từ phôi thai cho đến hiện tại.
Lời phát biểu của Ann Phong trong ngày khai mạc phòng tranh tại Houston 21tháng 8 năm 2010 thì đây là quyển sách cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về hội họa Miền Nam từ 1954 đến 1975. Trong các thư viện của Mỹ và trên thế giới khi tìm hiểu hội họa Việt Nam, người ta chỉ đọc những sách xuất bản từ Hà Nội và những bức tranh đượm chất tuyên truyền của miền Bắc. Chúng ta không tìm thấy một quyển sách nào đề cập đến nền hội họa của Miền Nam trước đây. Thực chất hội họa miền Nam mới phô bày được tính nghệ thuật, chất lượng, phóng khoáng, tài hoa của người nghệ sĩ và mới đích thực tiêu biểu cho nền hội họa chung của dân tộc. Công lao của Huỳnh Hữu Ủy tìm tòi nghiên cứu gần một đời người về hội họa, thì hội họa miền Nam chiếm một phần rất lớn trong đó.
Việc làm của Huỳnh Hữu Ủy có một sự hy sinh to lớn cho hội họa, mang lại một giá trị vô biên cho hội họa Việt Nam. Công lao của Huỳnh Hữu Ủy đối với các thế hệ sau thật quý giá và đó cũng là công ơn của ông đối với các họa sĩ quá vãng cũng như đương thời mà sự nghiệp của họ sẽ bị mai một, quên lãng nếu không kịp thời được Huỳnh Hữu Ủy ghi lại trong sách. Vì cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai làm chuyện đó. Mà nếu có ai đó làm việc nầy thì cũng không đủ tài liệu, không đủ bằng chứng như Huỳnh Hữu Ủy đã tích lũy mấy chục năm nay. Cho nên chúng ta phải nhìn nhận tập “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” có một giá trị to lớn, đã ghi lại các khuynh hướng, các trào lưu hội họa Việt Nam đầy đủ nhất từ khi phôi thai cho đến nay. Giúp cho sự nghiên cứu hội họa Việt Nam sau nầy dễ dàng và chính xác./.
ký hoạ Bùi Quang Ngọc
TƯỞNG NHỚ
HỌA SĨ NGỌC DŨNG
Huỳnh Hữu Ủy
Chân dung Ngọc Dũng
Trong đời tôi, tôi thấy có một điều may lớn là người nào mà tôi có lòng yêu mến và quý trọng thì trước sau gì cũng được gặp. Có người thì được gặp gỡ và trở thành quen biết lâu dài, có người chỉ được gặp thoáng qua nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp. Họa sĩ Ngọc Dũng là trường hợp thứ nhì ấy. Từ thời niên thiếu, xem tranh của ông, tôi rất thích; rồi đọc một bài viết của Nguyễn Trung trên tạp chí Văn Nghệ khoảng giữa thập niên 60, ghi nhận khuôn mặt, đời sống và thế giới hội họa của Ngọc Dũng, tôi càng hết sức thích thú, và cho mãi tới vài năm gần đây mới tình cờ được gặp. Gặp nhau lần đầu, nhưng đã như rất thân thiết, và cũng đã nói được với nhau nhiều điều. Có lẽ vì bầu khí nghệ thuật của ông đã quá quen thuộc với tôi chăng? Hay phần nào cũng vì dáng vẻ thanh nhã, nhẹ nhàng và điềm đạm của ông càng làm cho tôi thêm nhiều phần yêu mến.
Trước năm 1975, Ngọc Dũng là một khuôn mặt nổi bật của hội họa Sài Gòn, đặc biệt trước thời điểm của sự xuất hiện của nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ. Từ năm 1953, ở Hà Nội, ông đã bày tranh chung với Duy Thanh, nhưng sau khi di cư vào Nam, ông mới thực sự nổi bật. Đề cập tới nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại thì nhất định phải đề cập đến các nhà điêu khắc và họa sĩ của Sài Gòn của 20 năm 1954-1975. Mà đề cập đến nghệ thuật hiện đại của Sài Gòn thì không thể nào không nhắc đến ba khuôn mặt Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, những người nghệ sĩ di cư ấy, quy tụ chung quanh nhóm Sáng Tạo, đã góp nhiều phần làm mới nền nghệ thuật hiện đại của đất nước. Cái mới của họ vốn đã tiềm tàng từ đất Bắc, nhưng trong đợt sóng di cư vào Nam, trong một tình hình hết sức mới mẻ, có lẽ cái dục dã, thúc đẩy của lịch sử đã đưa họ đến những cách phát biểu mới, phù hợp với đòi hỏi của tình thế và thời đại mới. Dĩ nhiên, nói rằng nghệ thuật của họ mới mẻ, có nghĩa là phải nhìn họ trong tình hình của gần nửa thế kỷ trước để xem xét những vận động đổi mới của họ như thế nào đối với nền nghệ thuật của đất nước, chứ không thể đứng trong thời điểm hiện nay mà nói thế này, thế khác được. Cũng tựa như ngày nay, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền chẳng thấy gì lạ, nhưng lúc bấy giờ thì quả là quá lạ lùng, có người thích thú, phấn khích, hạnh phúc trong những cảm hứng thi ca đã hoàn toàn vượt ra thế giới cũ kỹ, quen thuộc trước đây; ngược lại có nhiều người trợn trừng mắt, giận dữ, la ó, phản đối, kết án, miệt thị dữ dội. Ngày nay, xem lại tranh của Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thái Tuấn, bút pháp của họ cũng chỉ là dừng ngang mức hậu ấn tượng, hoặc là dã thú, tượng trưng, siêu thực. Nhưng vào thời điểm đó, người xem tranh chỉ mới loanh quanh với cái đẹp từ các tác phẩm được sinh sản từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, ổn cố và chải chuốt với nghệ thuật ấn tượng là chủ yếu, thì những người nghệ sĩ ấy đúng là đã mang lại nhiều cái đẹp mới; đáp ứng với yêu cầu đổi mới trong tâm hồn và cảm quan người thưởng ngoạn.
Ngọc Dũng sinh hoạt với nhóm Sáng Tạo và Văn Nghệ rất tích cực, sáng tác mạnh, triễn lãm nhiều lần ở Sài Gòn và vài thành phố lớn khác của miền Nam. Ngọc Dũng là người rất mê vẽ phố, gần như Bùi Xuân Phái với với những băng màu về phố Hà Nội ở miền Bắc. Trong một phòng triễn lãm tranh của ông, ngoài chân dung những thiếu nữ, bóng dáng phụ nữ khỏa thân, khuôn mặt những người bạn, những tĩnh vật thì hầu hết đều là tranh về phố. Không chỉ là những khu phố lớn ở đô thị, mà cả những ngóc ngách của các xóm lao động, những mái nhà ủ dột, bên những trụ điện đường, dưới những hàng giây điện chăng mắc là một đề tài khá đầy cảm hứng của ông. Đó là cảm giác tôi còn giữ mãi đến ngày nay khi bước vào một phòng tranh của Ngọc Dũng hơn 40 năm trước, bày ở Nha Thông Tin Huế, ngay nơi chân cầu Trường Tiền ánh bạc bắc qua dòng sông thơm tĩnh lặng và êm đềm.
Nói đến tranh phố của Ngọc Dũng là nói đến một thế giới rất phố của riêng Ngọc Dũng, cũng như nói đến tranh phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái thì phải nói đến "phố Phái" như chữ dùng của Nguyễn Tuân. Hà Nội phố vốn đã là một biểu hiện văn hóa, nhưng Hà Nội phố qua mắt nhìn Bùi Xuân Phái thì đã trở nên một biểu hiện văn hóa khác của một nghệ sĩ lớn của đất nước thời hiện đại. Trở lại với những khu phố, những xóm nhà của Ngọc Dũng cũng vậy. Nơi những hẽm phố của Ngọc Dũng, chúng ta thường gặp những tảng màu hơi tối, mà ngay cả những màu tươi sáng cũng dường như đã trầm xuống khá kín đáo,, và những đường nét biểu hiện, đôi lúc hoang dại một chút, tự nó đã phô ra một thế giới đầy sinh động và thường ít khi có con người xuất hiện ở đây. Bút pháp hoàn toàn khác hẳng Bernard Buffet, nhưng ở điểm vắng bóng con người thì rất giống nhà danh họa này. Nhà cửa, ngõ hẽm, trụ điện đường, một vài bóng cây tự nó đã có tiếng nói linh hoạt riêng, không cần viện đến sự có mặt của con người. Ở tranh tĩnh vật của Ngọc Dũng cũng vậy; tĩnh vật của Ngọc Dũng là thế giới riêng hoàn toàn của ông. Bình hoa trên cái bàn vuông trải chiếc khăn ca-rô, mấy bông hoa cắm vượt thoát cao một chút, ấm nước và lò lửa để trên nền nhà gần chân bàn, đấy là đề tài một bức tĩnh vật của Ngọc Dũng. Cái thế giới ấy gọi là "tĩnh vật" nhưng chẳng tĩnh chút nào, trong cái im lặng có run rẩy, xao động, như hòa hợp cả hai mặt đối lập ấy để tạo nên một không khí thơ mộng biết chừng nào. Những đường cong chấm phá và vài nét thẳng thoải mái, giản dị, màu sắc êm dịu, nồng ấm, ngã sáng xám, gợn lên màu đỏ ẩn chìm. Ánh sáng bên ngoài không tác động chút nào lên tấm tranh là điều kiện cơ bản để dựng nên một bầu khí riêng. Và những thiếu nữ của Ngọc Dũng cũng vậy, dáng dấp mảnh mai, cổ hơi cao nhưng rất quân bình, hòa hợp. Những thiếu nữ Việt trang nhã ấm cúng và kín đáo ấy đã một thời chinh phục biết bao nhiêu tâm hồn yêu cái đẹp, đến với hội họa Ngọc Dũng.
Năm 1954, theo các làn sóng di cư, Ngọc Dũng đi về phương Nam, lập nghiệp ở Sài Gòn, đóng một vai trò đặc biệt trong nền nghệ thuật mới của đất nước, góp nhiều công trình tim óc, những tác phẩm đẹp mà hẳn nhiên là trong ký ức của những người yêu thích nghệ thuật vẫn còn lưu giữ những hình ảnh độc đáo và sáng tạo ấy. Năm 1975 Ngọc Dũng lại phải di cư một lần nữa,lần này xa hơn nhiều, xa đến nửa vòng trái đất, và định cư ở Mỹ. Người ta tưởng rằng Ngọc Dũng sẽ làm được việc nhiều trong tình thế mới,bởi vì rất rõ ràng trên vùng đất đai rộng lớn mênh mông này, từ nghệ thựat cổ điển đến các hình thức hiện đại nhất của nhânlọai đều có cơ hội phát triễn và nói tiếng nói của riêng mình. Hơn thế nữa, những trung tâm nghệ thuật lớn của „u châu dường như cũng đã chuyển về đây, để tạo nên một vẻ mặt mới cho nền nghệ thuật hiện đại. Có lợi thế rất đặc biệt ấy, mặt khác, những người nghệ sĩ di dân cũng phải đối đầu với nhiều cam go ác liệt của đời sống công nghiệp nơi đây, và hẳn nhiên là không dễ gì vượt qua nổi. Nhiều người họa sĩ đã phải bỏ nghề mà mưu sinh tồn tại, làm những công việc chẳng dính líu chút gì đến nghiệp dĩ và giấc mộng tinh thần của mình. Đó chính là trường hợp của Ngọc Dũng. Trong 25 năm sống đời di dân dường như ông chẳng còn làm việc gì được nữa.. Chỉ thỉnh thoảng mới có vài phác thảo, ký họa vẽ chơi cho đỡ nhớ. Vài năm gần đây, chúng ta mới được xem vài nét phóng bút của ông, vẽ nhanh bằng mực tàu, in trên vài tạp chí văn nghệ quen thuộc như Văn, Văn Học, Tạp chí Thơ, Thế Kỷ 21 rất tài hoa, thanh nhã, đôi lúc cho ta thấy được sự chín muồi của một cây cọ qua sự chín chắn của tư tưởng, cuộc đời và sự nhuần nhuyễn của bàn tay chủ động. Gần đây, nghe nói ông đang chuẩn bị vẽ lại, ông có vẻ hào hứng vì các bạn thân của ông là Thái Tuấn và Duy Thanh đã vẽ lại và thực hiện được những cuộc triển lãm đáng chú ý. Vừa được tin tức như vậy về Ngọc Dũng, thì bất thần tin buồn lại đến quá đột ngột, ông đã từ biệt chúng ta vào thượng tuần tháng Bảy vừa qua.
Họa sĩ Ngọc Dũng qua đời trong sự thương tiếc, yêu mến của bạn hữu và tất cả những ai yêu thích nghệ thuật, nặng lòng với đời sống văn hóa của dân tộc. Nhật báo Người Việt, cơ quan ngôn luận hàng đầu của người Việt trên khắp thế giới, loan tin ông qua đời ngay nơi trang nhất, lại ngay chính nơi mục bình luận của hàng ngày của tờ nhật báo này. Đó là một thái độ trân trọng đúng mức đối với một nghệ sĩ, một nhà hoạt động nghệ thuật đã có nhiều cống hiến đặc biệt. Họa sĩ Ngọc Dũng qua đời cũng là một mất mát lớn không bù đấp được đối với tất cả những ai yêu thích mỹ thuật, bởi vì rất rõ ràng ông đã có những hứa hẹn đẹp đẽ trong nhiều ngày tới thì lại bất thần ra đi. Chúng ta nhớ tiếc người nghệ sĩ ấy với lòng biết ơn vì đã được thừa hưởng nhiều di sản tinh thần của ông để lại.
HUỲNH HỮU ỦY
Tháng Tám, 2000
Nguồn: http://vanmagazine.saigonline.com
Mấy câu hỏi với họa sĩ Phan Nguyên
(thực hiện năm 1994 qua Điện thư)
Huỳnh Hữu Ủy (HHU)- Xin anh cho biết một vài nét về tiểu sử
Phan Nguyên (PN)-Tôi sinh quán Hà Nội, di cư vào Nam năm 54 cùng gia đình, thuở nhỏ học trường Tây, lên đại học theo ban Triết, sang Pháp học sư phạm rồi dạy học. Có thời gian mở trường dạy Pháp văn và làm cố vấn một trung tâm huấn nghiệp tại Paris. Tự lập rất sớm, làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ khi còn là sinh viên, và xuyên suốt những giai đoạn này là vẽ, mày mò tự học, là vọc sơn không ngừng.
HHU- Như vậy anh vẽ tranh từ lúc nào?
PN- Con đường đến với hội họa của tôi có phần gay go khổ cực hơn vì không được đào tạo ở trường lớp nào cả. Tự học là chính, thầy của tôi là những bạn bè họa sĩ tây và ta, là sách vở, viện bảo tàng, những cuộc triển lãm quốc tế hàng năm. Có điều tôi thích vẽ và mê tranh từ khi còn nhỏ, ngồi đâu vẽ đấy bạ gì vẽ nấy, đến khi sang Pháp tôi mới được thực sự tiếp cận với hội họa phương tây, được xem tranh các bậc thầy trên thế giới một cách có hệ thống. Đến khoảng những năm 80 tôi mới bắt đầu sáng tác.
HHU- Anh theo đuổi hội họa như một nghề tay trái? anh có đủ thời gian để tập trung cho việc sáng tác hay không?
PN- Nếu hiểu nghề tay phải là nghề kiếm sống, miếng cơm manh áo, thì hội họa là nghề tay trái, nhưng sinh hoạt này từ lâu đã tốn nhiều tim óc nhất của tôi. Hiện nay tôi đang chuyển sang tay phải đề có thể dành tất cả thời giờ cho hội họa và sống bằng những tác phẩm mình làm ra. Hơn nữa, có thời gian để làm tất cả những gì mình muốn rất khó, đặc biệt vẽ tranh lại càng khó hơn, phải rảnh rỗi vài ngày liền, tâm can phải thanh thản, bứt ra được những lo âu phiền toái hằng ngày trong cuộc sống, phải làm việc ở một nơi cố định. Nhưng mình vẫn phải làm vì vẽ là một nhu cầu như ăn, như ngủ, như hơi thở vậy thôi.
HHU- Chắc anh cũng theo dõi các trường phái lớn trên thế giới, vậy tranh của anh chịu ảnh hưởng của trường phái nào?
PN- Vâng, ở Paris tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn những giai đoạn phát triển của hội họa, từ Cổ Điển đến Hiện Đại, từ Dã Thú, Biểu Tượng, Ấn Tượng, Siêu Thực, Lập Thể, Trừu tượng và nhiều xu hướng khác hiện nay. Gần như một điều bắt buộc và cần thiết cho những ai muốn sáng tác. Nó giúp cho người họa sĩ biết mình đang đứng ở chỗ nào và đang đi về đâu. Tôi đã thử nhiều bút pháp, chịu nhiều ảnh hưởng ở mỗi lúc khác nhau, thử nghiệm nhiều lối vẽ. Hiện nay theo một số nhà phê bình, tranh của tôi thuộc trường phái Trừu Tượng Trữ Tình với chiêu pháp của nhóm Action Painting. Nói trữ tình là để phân biệt với xu hướng Trừu Tượng Hình Học của Mondrian. Nhưng sáng tác bao giờ cũng là kế thừa, tiếp nối những cái cũ, tìm tòi, cố gắng khai phá những cái mới và qua đó thể hiện bản chất của chính mình một cách tự do, nếu không thì chỉ là sao chép.
HHU- Anh có cho rằng vẽ tranh trừu tượng dễ hơn tranh hiện thực hay không? và khi vẽ anh dựa trên nguồn cảm hứng nào?
PN- Ở đây có hai vấn đề: Vẽ tranh trừu tượng "dễ" và nguồn cảm hứng khi sáng tác... Có thể nói chuyện hàng giờ nhưng tôi xin ngắn gọn như thế này: Vẽ kiểu gì thì vẽ, dễ hay không là do cái tạng của mỗi người. Vẽ tranh trừu tượng tưởng dễ mà không dễ, coi vậy mà không phải vậy, nhiều người nghĩ rằng cứ đổ sơn lên vải rồi bôi lung tung là có trừu tượng. Sự thực, tranh trừu tượng nó có cái nguyên lý của nó trong nhịp điệu, màu sắc, bố cục, nét vẽ v.v....Nó là thơ của không gian, là nhạc không lời, và cái chất thơ nhạc của không gian này cũng không phải đơn giản, dễ cảm nhận, nắm bắt được ngay. Những bậc thầy của phái Lập Thể khi xưa như Braque, Picasso cũng đã đứng trước ngưỡng cửa của Trừu Tượng nhưng phân vân không bước vào, có lẽ vì họ cho rằng, bỏ tất cả hình thể đi thì tranh không còn là tranh nữa. Nhưng hội họa cũng như âm nhạc có nhất thiết phải tượng hình hay không? Câu hỏi này đã được giải quyết từ lâu và tranh trừu tượng đã phát triển như một tất yếu lịch sử của hội họa gần trăm năm nay. Dĩ nhiên cũng phải có cặp mắt khá sành nghệ thuật mới phân biệt được tranh trừu tượng với những mảng màu đổ lên vải mà hồn tranh không có. Mỗi họa sĩ khi vẽ một bức tranh trừu tượng, như ném thêm một nhịp cầu để xem bên kia bờ hiện thực nó là cái gì? thế thôi! Tôi thấy vừa khó lại vừa nguy hiểm, vì không khéo anh có thể trở thành "dễ dãi chủ nghĩa" lúc nào không hay!
HHU- Còn nguồn cảm hứng của anh khi sáng tác?
PN- Giải thích thế nào ?... Thực ra, cảm hứng có thể đến từ nhiều phía, từ không gian ngoại cảnh tác động vào tâm hồn mình, từ những bức xúc nội tâm mà bật ra, từ trực cảm, từ tâm cảm, nhiều khi linh cảm được điều gì thì chụp bắt nó ngay, nó là quá trình đi từ vô thức đến nhận thức, từ độc thoại đến đối thoại. Khi xưa tôi vẽ những gì tôi nhìn thấy, bây giờ tôi vẽ những điều tôi cảm thấy. Khi ngồi trước giá vẽ, tôi không chuẩn bị một ý nghĩ nào cả ngoại trừ sơn cọ phải sẵn bên tầm tay và im lặng tuyệt đối. Khi một tín hiệu nào đó bất chợt rung động tâm can mình, thì màu gọi màu, nét nọ gọi nét kia, không biết đang làm gì nhưng cứ thế tranh nó kéo mình đi, như nói chuyện một mình, như đối thoại với tranh. Có thể kéo dài nhiều ngày và chỉ ngưng khi thực sự thỏa mãn hoặc biết mình không thể làm hơn được nữa. Được một bức tranh đẹp thì vui không tả xiết...
Nhưng ngẫm cho cùng, cái vẽ nó không nhất thiết nằm ở đề tài, ờ trường phái này nọ, hiện thực hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình, nó cũng không nằm ở những chất liệu được sử dụng như sơn, vải, gỗ, giấy; tất cả chỉ là cái cớ, là phương tiện phục vụ cái tâm anh có hay không trong động tác vẽ mà thôi ! Được cái tâm ấy đã là hạnh phúc lắm rồi.
HHU- Theo anh thế nào là một bức tranh đẹp?
PN- Cái đẹp thường là một tình cảm chủ quan, tự giác và tự do của mỗi người, nó vô cùng. Nhưng một bức tranh đẹp thường phải có tác dụng làm cho người xem thấy một khoái cảm nào đó, nó tác động trực tiếp vào thị giác, tri giác, trực giác và thỏa mãn những hứng thú tinh thần của người xem. "Cái đẹp là một thế giới ảo nhưng một bức tranh đẹp phải có khả năng đánh thức những gì còn ngủ yên trong tâm hồn và làm rung động lòng người", tôi nhớ có ai đã nói đại khái như thế, vì xem tranh cũng như nghe nhạc, ta cần cảm nhận hơn cần hiểu. Mặt khác, sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là một hoạt động chủ quan của nghệ sĩ. Cái đẹp trong tác phẩm chỉ phản ánh những khái niệm đẹp của người làm ra nó.
"Le laid peut être beau, le jolie... jamais" *
câu này là của Gauguin.
HHU- Nhiều người cảm nhận được tính chất Việt Nam qua những tác phẩm của anh, vậy khi sáng tác, anh có chủ tâm thể hiện tính chất này hay không?
PN- Tôi rất vui khi có ai đó cảm nhận được tính chất ấy, nhưng thú thật tôi không bận tâm mấy, cũng không chú trọng một cách đặc biệt. Nếu có tính chất Việt Nam thì tự nó sẽ hiện ra trong tranh vì tranh cũng là người. Có quan niệm cho rằng phải thể hiện tính chất VN bằng những hình ảnh đầy ắp tình tự quê hương như mẹ bồng con, mẹ nằm võng, áo dài, guốc mộc, chùa chiền đình miếu v.v... Cũng hay, nhưng tôi nghĩ tâm hồn người việt nam rất phong phú, rất đa dạng, đa tầng, đa chiều mà chúng ta cần phải khám phá, khai thác, nó nằm trong từng mạch máu của mỗi người chứ không chỉ ở những biểu tượng ước lệ kia. Tóm lại khi vẽ, tôi không cố tình áp đặt tính chất nào cả. Tranh của tôi chỉ là một sự gợi ý, người xem tranh có thể đến với tất cả hỉ nộ ái ố tham sân si cùng gốc rễ của họ. Tranh vẽ xong, nó không còn là của tôi nữa.
HHU- Anh có dịp về Việt Nam chưa?
PN- Tôi có về một vài lần, để thăm gia đình, bè bạn.
HHU- Nhận xét chung của anh về hội họa Việt Nam như thế nào hiện nay?
PN- Tôi thấy có nhiều họa sĩ tài hoa, kỹ thuật điêu luyện. nhưng có cảm tưởng họ ít tìm tòi cái mới. Có thể vì giao lưu văn hóa còn hạn hẹp, họ ít được ra nước ngoài và ảnh hưởng của nền kinh tế du lịch quá mạnh chăng? (đây chỉ là cảm tưởng qua một vài chuyến đi, do đó có thể không chính xác). Hiện nay ở Việt Nam, họa sĩ sống được, họ vẽ ra tiền (không phải chơi chữ đâu!) Họ sống khá giả hơn trước và tập họp thành những nhóm sáng tác ở khắp ba miền. Mâu thuẫn, đố kỵ nhau cũng nặng nề, nhiều khi chỉ vì ranh giới địa phận, chứ không phải thuần túy nghệ thuật! Nhưng nói chung, hội họa Việt Nam đang có một sức sống rất lớn, vì cái anh vẽ vời được tự do hơn cái anh viết lách. Tôi tin rằng, một vài năm nữa hội hạo Việt Nam đối với thế giới sẽ không là một câu chuyện ngoài lề. Muốn được như vậy, đội ngũ những nhà phê bình nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn, người buôn tranh phải làm ăn quy củ hơn, không thật-giả vàng-thau lẫn lộn. Tác phẩm và tác quyền cần được bảo vệ tích cực hơn, nghĩa là dần dà chúng ta phải bắt kịp những tiêu chuẩn quốc tế về mọi phương diện.
HHU- Anh thích tranh của họa sĩ Việt Nam nào nhất?
PN- Những họa sĩ xưa và nay, trong và ngoài nước tôi thích cũng nhiều, mỗi người mỗi vẻ, phong cách bút pháp rất khác nhau. Cho tới nay, tôi vẫn chưa thấy ai vượt qua Nguyễn Phan Chánh với tranh lụa hay Nguyễn Gia Trí với sơn mài, hai vị này vẫn là những đỉnh cao về mặt kỹ thuật truyền thống. Riêng về sơn dầu có tranh của Võ Đình, Lê Bá Đảng, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Bửu chỉ, Nguyên Khai v.v... Tối mến cái tài và rất phục cái tâm cái trí cùng nỗ lực của họ đối với hội họa.
HHU- Những họa sĩ khác trên thế giới?
PN- Picabia, Wols, Pollock, Zao Wou Ki, Tapies v.v...
HHU- Anh thích nhà văn nhà thơ Việt Nam nào nhất?
PN- Hiện nay tôi thích cái chất nhân bản trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, cái chất khai phá thử nghiệm, cố gắng làm mới văn chương của Phạm Thị Hoài, cái chất nghịch ngợm tàn bạo và trí tưởng tượng phong phú của Trần Vũ. Cả ba đều độc đáo trong thể truyện ngắn và sẽ để lại dấu ấn trong văn học VN. Còn những tác phẩm chói sáng qua lăng kính chính trị một thời thì... một thời rồi thôi. Dĩ nhiên còn nhiều văn tài khác như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh v.v... Riêng về thơ tôi vẫn thích Bùi Giáng, Xuân Diệu, Hoàng Cầm và đang tìm cái hay, cái mới lạ, cái chất "hậu hiện đại" ở những nhà thơ trẻ như Chân Phương, Trân Sa, Hoàng Hưng, Khế Iêm, Đỗ Kh.
HHU- Anh có một loạt tranh mang tên "Fractus", anh có thể cho biết tại sao?
PN- Đó là những bức tranh khổ nhỏ bằng hơn bàn tay, vẽ trên giấy những lúc có ít thời giờ, lâu ngày nhìn lại thấy cũng vui, vì chúng là những dấu tích trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống của mình, là những cảm xúc rơi rớt nên tôi đặt là "Fractus"(Mảnh vỡ). Nhiều người lầm tưởng là những phác thảo, những esquisse để vẽ lại tranh lớn nhưng không phải. Đấy là những bản chính và duy nhất. Lắm khi tôi yêu những bức tranh khổ nhỏ này hơn cả những tấm lớn hai ba thước.
HHU- Anh đã triển lãm được bao nhiêu lần và có gặp những khó khăn, trở ngại nào?
PN- Tôi bầy tranh rất ít, được vài lần cá nhân, tham dự các salon và triển lãm tập thể thì không nhớ bao nhiêu, còn trở ngại thì có nhiều. Hiện nay ở Pháp cũng như Châu Âu nói chung, nền kinh tế đang xuống dốc, nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng, tâm lý làm ăn rụt rè tính toán rất kỹ, cho nên các chủ galerie cũng ít dám mạo hiểm với nghệ sĩ. Là người buôn bán, họ chỉ bầy tranh khi nắm chắc lợi nhuận trong tay và ngay lập tức chứ không dám đầu tư lâu dài như xưa. Nhưng nếu có tiền anh vẫn có thể bày tranh bất cứ nơi nào và rồi ai xem ai mua? Mặt khác thị trường tranh ảnh ở Pháp rất bảo thủ so với Mỹ hay Nhật Bản. Paris sẻ không còn đóng vai trò tiên phong và ngã tư văn hóa của thế giớ mà là Tokyo hay New York. Nhưng cái khó nhất đối với một họa sĩ sáng tác vẫn là vẽ và tác phẩm, nó là một cuộc tình khó hiểu và đầy cạm bẫy, tốn công tốn của, biết thế nhưng nhiều người vẫn lao vào để "bỏ mạng" cho vui.
HHU- Theo anh phải làm những gì để trở thành họa sĩ?
PN- Phải vẽ thực lòng, phải dám sống chết với hội hạo, không chơi chơi mà chơi thật. Tôi nghĩ không ai "trở thành" nghệ sĩ... mà có "là" nghệ sĩ hay không từ khi lọt lòng mẹ. Nó là bản chất, bản năng trời cho của một con người, ta thường nói cái "máu nghệ sĩ" là vì vậy; và dĩ nhiên, với thời gian, qua học tập, tu luyện, khổ luyện anh mới phát huy được những khả năng trời cho ấy, có vậy thôi.
HHU- Anh có muốn nói thêm điều gì về hội họa hay nghệ thuật nói chung?
PN- Ở thời đại ngày nay, mọi người đều nhận thấy một điều: là nghệ thuật đang trên đà bị "quốc tế hóa". Liệu sẽ có nguy cơ làm giới hạn mọi trí tưởng tượng, nghèo nàn hóa mọi bộ óc sáng tạo, dẫn đến một nền hội họa đồng phục, đơn điệu, na ná như nhau hay không? Và rồi nghệ thuật sẽ đi về đâu? Sự lo âu này có cái lý của nó nhưng tôi nghĩ rằng: nghệ thuật chỉ hiện hữu khi thực sự có những bộ óc sáng tạo, dù ở bất cứ chân trời nào, và một người sáng tạo đích thực bao giờ cũng là một tài năng cá biệt, độc nhất khả dĩ thoát ra được những lề thói thông thường ở thời đại mình sống. Người nghệ sĩ dù muốn hay không, vẫn có một quê hương, gốc rễ cội nguồn, vẫn phải sống trong cõi đời này với tất cả hệ lụy của nó, với những trào lưu cũ mới, với những hoài nghi, thất vọng, mơ ước, sợ hãi của ngày hôm nay và những hy vọng của ngày mai. Hơn nữa, một trường phái hội họa, một trào lưu văn học chỉ là phương cách biểu hiện thực tại sống trong một không gian thời gian nhất định nhưng chắc chắn không ổn định, bất biến vì cuộc sống là sinh động, biến thái không ngừng. Mọi thể chế chính trị rồi cũng sẽ bị thay đổi, mọi nền văn minh đều có thể tiêu vong, mọi hình thái nghệ thuật rồi cũng sẽ suy tàn và sự hiện hữu của chúng ta hôm nay, cũng chỉ là một ánh chớp trong cõi vô cùng.... Nghệ thuật sẽ đi về đâu?... chả biết, chỉ biết còn con người thì còn sáng tạo, còn sáng tạo thì còn nghệ thuật... bài học duy nhất mà nghệ thuật cho tôi là bài học nhân ái.
HHU- Xin cảm ơn họa sĩ Phan Nguyên.
* Tạm dịch: Cái xấu có thể đẹp, cái xinh xinh...(thì) không bao giờ (đẹp).
Huỳnh Hữu Ủy & họa sĩ Lương Văn Tỷ
HUỲNH HỮU ỦY
bày tỏ với một họa sĩ
Tinh thần sáng tạo luôn vẫn là một năng động dẫn đạo ở người sáng tác cũng như kẻ thưởng ngoạn. Kẻ thưởng ngoạn đích thực là người sáng tạo đích thực. Chính ở chỗ ấy mà có một ràng buộc linh thiêng và tinh khiết giữa hai giới người ấy.
Tôi vẫn mắc phải một trạng chứng kỳ cục ấy là niềm tin của tôi đối với những nghệ sĩ mà dưới mắt tôi được khám phá như một thiên tài, thiên tài còn ẩn dấu hay đã phát lộ. Khi tôi đã tin một nhà văn, một thi sĩ hay một nhà họa, nỗi đau đớn, qua tác phẩm, họ gửi đến cho tới không những được chia xẻ mà còn chính là niềm đau buốt tôi gửi trả đến họ, tôi vẫn tin có một điều gì linh thiêng vô cùng ở đó. Khiếm khuyết của tác phẩm gây nên một trắc trở nơi chính tôi, niềm vui của một rạng đông tươi thắm và bí ẩn nơi tâm hồn tôi. Tất cả đều trở nên một hòa hợp, cộng thông và rung lên trên những âm vang và ba động của cùng một cung bậc, va nhau mà cùng dội lên những âm thanh của một bản hợp ca, biết đâu trên những âm hưởng vang động ấy lại chẳng trở thành một khúc Đại nhạc.
Kẻ thưởng ngoạn đích thực chia xẻ với người sáng tạo đích thực, bằng chính tất cả tấm lòng mình.
Suốt một buổi chiều tôi phải đi kiếm một nơi yên tĩnh để uống rượu say mèm, để quên đi một cảm giác vừa buồn bã vừa khó chịu ray rức khi xem bức tranh của một họa sĩ quen biết. Bức tranh chỉ còn là một thứ faux Semblant, đẹp đẽ, bóng loáng nhưng giả tạo quá, chỉ có thể đáng lừa mắt nhìn trong thoáng chốc. Còn đâu là tâm hồn nghệ sĩ thơ mộng của anh? Còn đâu là những năng lực tâm linh tuyệt đẹp pha trộn với chất liệu phong phú của đời sống mà anh vẫn thường cưu mang nuôi dưỡng?
Tôi thấy anh đã đánh mất đi quá nhiều phong độ. Làm sao tôi không buồn bã, nao lòng khi đời sống vừa giết chết một tâm hồn quý phái. Một tâm hồn nhạy cảm đã trở thành thiết thạch hay băng giá, một cánh chim lộng lẫy đang vỗ mạnh trên trời xanh vừa mắc phải mũi tên tẩm độc mà rơi xuống vực thẳm. Tôi cố gắng không tin như thế, tôi đã cố gắng lắm để nghĩ ngược lại mà không khỏi đau lòng khi trở về từ phòng tranh nơi một tầng lầu cao của Đại học.
Tôi không còn cảm xúc do một trực nhận nơi tranh anh như độ nào, để mà lòng trở nên xôn xao hay giá buốt, vui tươi hay buồn thảm, thẻ thiết.
Một tác phẩm hội họa không phải chỉ là những tảng màu sắc được liên kết bằng một kỹ thuật vững chãi. Tác phẩm hội họa, không những chỉ là màu sắc là đường nét, chính lài tâm hồn, nhịp đập và hơi thở của nghệ sĩ. Bởi vì nếu không, vẻ đẹp kia chỉ còn là một vẻ đẹp vô hồn, chết cứng. Cánh bướm đẹp bởi những lúc lang thang đập nhẹ trên những nụ hoa vàng, không phải là lúc đã được dán lên giữa một sưu tập những loài bướm đẹp.
Kỹ thuật là một phần chính yếu nhưng chưa phải là tinh yếu. Nghệ thuật và kỹ thuật, nói như một hành giả của Thiền Đạo, là mũi tên bắn ra và đích nhắm tới, cho đến một lúc nào đó mũi tên và đích chỉ là một. Nghệ thuật là đích điểm của mũi tên kia, là gặp gỡ của những hoài vọng đạt tới, nếu không chỉ là một mũi tên lạc đường. Mũi tên trau chuốt, mạnh khoẻ, óng ả mà làm gì!
Vài người bạn khi đứng trước những bức tranh óng ả, bóng loáng của anh đã phàn nàn rằng tôi quá khắc nghiệt, vài người bạn khác lại nói rằng sở dĩ thế chẳng qua cũng bởi vì vấn đề sinh kế, anh phải sống và sống giữa những điều kiện kinh tế khó khăn của một thời buổi hỗn loạn. Riêng tôi, tôi có dám khắc nghiệt gì đâu. Mà nếu có thì cũng chỉ lại lòng tin tôi đã đặt nơi anh, mà nếu có cũng chỉ bởi tại những đòi hỏi bất vụ lợi nào đó rất tinh tuyền. Thực tình tôi cũng chẳng dám đòi gì nơi anh nữa, đời sống và sinh kế đã giết chết một nghệ sĩ, đâu phải ai cũng dũng cảm và can đảm sống lấy định mệnh của đời mình, tôi chỉ đau khổ khi đứng trước bức tranh của anh không còn là tác phẩm tinh huyết, cốt tủy giữa những quằn quại của một tâm hồn nghệ sĩ.
Tôi nhớ đến một thời trước và một giai đoạn sống của đời anh. Một đêm nào anh uống rượu say và trở về căn nhà xám trên dốc cao đi qua những vai cầu co ro trên giòng sông lạnh buốt trải rộng, giòng sông đã lảo đảo, tất cả đều cùng với cơn say của anh mà trở nên chóng mặt, chiếc cầu đã chao đi, đã lảo đảo trở nên những tảng màu bốc rượu. Tôi đọc thấy trong đôi mắt thơ mộng của anh một cơn say nào khác, hồn nhiên, rực rỡ, óng ả và chân tình, Bức tranh “Cầu say” của anh dù rằng còn nhiều khiếm khuyết về kỹ thuật, còn những vụng về của một khởi đầu trên bàn tay cầm cọ run rẩy, vẫn đập mạnh vào cảm thức tôi những rung động sâu thẳm. Cái khiếm khuyết và bất toàn nơi bức tranh ấy bày tỏ thông điệp của những bước chân trên con đường hoàn thiện. Tôi rung động và ngưỡng mộ anh.
Những dấu chân run rẩy và ngơ ngác thời ấy bây giờ đã trở thành những bước chân vững chãi, mạnh mẽ, nhưng tiếc thay sức nóng ấm tỏa ra từ đó đã không còn, bày giờ chỉ còn những bước chân của kỹ thuật. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng anh đang chơi giữa một canh bài toàn bạc giả, nhưng tôi thấy tâm hồn anh đã trở nên ốm yếu, sa sút, đã đánh mất quá nhiều phong cách của một con người sáng tạo. Tôi xin phép được phát biểu công nhiên điều đó với anh bởi vì chỉ như thế tôi mới có thể giải tỏa phần nào ấm ức đang là cực hình dằng xéo đau đớn nơi tôi, còn ngoài ra tất cả đều chỉ là bất kể.
(Khởi Hành số 109, ngày 17-6-1971)
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.