Lê Thiết Cương
(1962 - .....)
Họa sĩ
LÊ THIẾT CƯƠNG
Sinh năm 1962 tại Hà Nội
Bố là Lê Nguyên – Nhà viết kịch bản cho phim, nhà biên kịch và nhà thơ nổi tiếng
Mẹ là Đỗ Phương Thảo – nhà quay phim nổi tiếng
1964-1973 Sơ tán về làng Bình Đà để tránh bom Mỹ tại Hà Nội
1973-1980 Học trung học tại Hà Nội nhưng không theo học một trường lớp nghệ thuật chính thống nào
1980-1984 Tham gia quan đội, vẽ bản đồ và làm nông trong vụ thu hoạch lúa
1985-1990 Theo hoc trường Cao Đẳng Điện Ảnh tại Hà Nội. Học thiết kế trong vòng 2 năm và làm phim hoạt hình trong 3 năm cuối
1987 Triển lãm cá nhân tại Hà Nội
1990 Bắt đầu nghiên cứu về Đạo Phật Tây Tạng và cho ra đời một loạt tranh ảnh hưởng bởi tư tưởng này
TRIỂN LÃM:
1991 Triển lãm cá nhân tại Nhà triển lãm, Hà Nội, Việt Nam
1992 Triển lãm cá nhân tại Nhà triển lãm, Hà Nội, Việt Nam
1993 Triển lãm cá nhân tại Nhà triển lãm, Hà Nội, Việt Nam
1995 Triển lãm cá nhân mang chủ đề “Con đường yên tĩnh” tại phòng tranh Plum Blossoms ở Hồng Kong và Singapore
1996 Triển lãm nhóm mang chủ đề “ Độc lập” tại phòng tranh Nam Son, Hà Nội
1997 Triển lãm nhóm mang chủ đề”Một thoáng Hà Nội” tại phòng tranh Đức Minh, thành phố Hồ Chí Minh
Triển lãm nhóm mang chủ đề “Họa sĩ trẻ Việt Nam” tại trung tâm Wallonie Bruxelles, Paris, Pháp
Triển lãm nhóm mang chủ đề “Nghệ thuật Việt Nam sau thời kỳ mở cửa” tại trung tâm quốc tế Meridia,Washington D.C, Mỹ
1997 Triển lãm cá nhân “Thay đổi tầm nhìn” tại phòng tranh Plum Blossoms ở Hồng Kong và Singapore
1998 .Triển lãm “Việt Nam thời kỳ mới” tại phòng tranh Andy Jilien, Zurich, Thụy Sỹ
1999 Triển lãm “Tầm nhìn” tại phòng tranh Plum Blossoms, Hong Kong và Singapore
2000 Triển lãm “Đường tới thiên cảnh” tại phòng tranh Ancient, thành phố Hồ Chí Minh,Việt Nam
Triển lãm “Ngoài tầm nhìn” tại phòng tranh 55, Bangkok, Thái Lan
2002 Triển lãm “Cách duy nhất” tại phòng tranh 55, Bangkok, Thái Lan
2003 Triển lãm “Phi ngôn ngữ” tại phòng tranh Plum Blossoms NewYork., Mỹ
2004 Triển lãm “Cận cảnh Việt Nam” tại phòng tranh Gajah, Thái Lan
2005 Triển lãm “Cảm hứng từ bài thơ của Basho” tại phòng tranh Singhendo, Tokyo, Nhật Bản
Triển lãm “Gặp gỡ chính mình”tại phòng tranh 55, Bangkok, Thái Lan
2006 Triển lãm “Rồng và Bướm II” tại Vittoriano, Roma, Ý
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tốt nghiệp trung học năm 1984 và tham dự khóa học của trường Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội những năm 1985-1990. Lê Thiết Cương là cái tên không xa lạ trong giới hội họa, là một trong số ít những người sống được, thậm chí là giàu có với nghề ở Việt Nam. Thế nhưng với rất nhiều người, nhiều giới khác, Lê Thiết Cương không chỉ là một họa sĩ thành công, mà con người này còn “nổi tiếng” ở rất nhiều mặt, đôi khi chẳng giống ai.
Nói đến Lê Thiết Cương, người ta thường nhắc đến 2 từ “nghệ sĩ”, bởi Lê Thiết Cương có phong cách sống rất “nghệ”, mà hội họa chẳng bao giờ là ham thích duy nhất của anh. Là người có đời sống dư dả, nhưng không thấy Lê Thiết Cương mua đất dựng nhà sàn, làm trang trại, xây biệt phủ… như các ông bạn họa sĩ khác. Anh rất khoái sưu tập đồ cổ, đồ lạ. Mà những thứ đồ ấy đừng có dễ nhìn, dễ hiểu, cầu kỳ, mềm mại, nuồn nuột… phải giản dị, đẹp theo kiểu sần sùi, gai góc và thật, thật như chính con người anh, như cuộc sống đang chuyển động chung quanh vậy. Bấy lâu, thấy nghệ sĩ Lê Thiết Cương ngày càng “dấn sâu” vào viết lách, hết truyện ngắn sang viết báo, lại đến làm kịch bản phim. Hỏi thì anh trả lời, vừa thật thật, vừa vui vui:
“Cái sự viết của tôi thực ra là những bài báo ngắn về văn hoá nghệ thuật, trong đó chủ yếu là hội hoạ chứ không có ý định “dấn sâu”, “dấn nông” gì. Viết với tôi là cách tự học. Đến một lúc nào đó thì chắc ai cũng thấy rằng không thể chỉ vẽ mãi bằng tay được“.
Lê Thiết Cương chính là chủ nhân của gallery 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cũng là nơi ở hiện tại của gia đình anh. Không gian sống là nơi phản ánh văn hóa, thẩm mỹ và phong cách sống của chủ nhân, và điều này đặc biệt đúng với căn nhà mà Lê Thiết Cương đang sở hữu. Ngôi nhà nằm trên mặt phố Lý Quốc Sư, chỉ cách Nhà Thờ Lớn vài bước chân. Nó thường xuyên đóng kín cửa mỗi dịp không có triển lãm hay các sự kiện nghệ thuật và sẵn sàng đón nhận những người bán hàng rong vỉa hè không chút cằn nhằn.
Tất cả diện tích dùng để treo tranh, hoặc ảnh và đặt các tác phẩm sắp đặt. Khó định giá được ngôi nhà có kiến trúc tuyệt đẹp nằm ở khu đất vàng, trong giới kháo nhau ít nhất nó cũng phải đáng giá 10 triệu USD (chừng 230 tỷ đồng). Toàn bộ tầng 1 của căn nhà được dành để treo tranh của Lê Thiết Cương cũng như những món đồ gỗ, đồ gốm cổ anh sở hữu.
Với nội lực sáng tạo dồi dào, Họa sĩ Lê Thiết Cương còn tham gia nhiều lĩnh vực khác, như gốm, làm sách, viết báo… Tuyên ngôn nghệ thuật của anh, dù là hội họa, điêu khắc, hay thiết kế đều đề cao sự tối giản, cô đọng, súc tích. Cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng “nói” ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng “vô ngôn”.
“Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Nói cách khác, tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay của tôi, là người nào của ấy, là “căn cước” của tôi.” – Lê Thiết Cương.
Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương
Tác phẩm “Cầu” của họa sĩ Lê Thiết Cương
Tác phẩm “Mẹ” của họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu sơn dầu
Tác phẩm minh họa bằng mực nho trong “Chuyện nhà Dr Thanh” của họa sĩ Lê Thiết Cương
Triển lãm hội họa “Lê Thiết Cương và Bạn” vào tháng 07/2018 đã trưng bày 20 tác phẩm của 8 tác giả. Trong đó có bức “Mẹ”, chất liệu sơn dầu, mà tác giả Lê Thiết Cương rất tâm đắc. Họa sĩ kêu gọi những người bạn của mình tham gia triển lãm gồm 18 tác phẩm sơn dầu và 2 tác phẩm mực nho trên giấy. Triển lãm dành tặng 60% từ việc đấu giá cho Quỹ từ thiện Những trái tim ấm áp (Warm Hearts). Trong khu vực triển lãm còn cho đặt hòm từ thiện “Quỹ trái tim ấm áp” – “Dù chỉ với 5.000, 10.000 nhưng ai đến với buổi đấu giá cũng được làm việc thiện.” – anh chia sẽ.
Lê Thiết Cương là một trong số ít những họa sĩ dám bày tỏ tiếng nói riêng và quan điểm nghệ thuật của mình với sự thay đổi chuyển mình lớn nhỏ trong khắp các công trình nghệ thuật trên cả nước. Nhưng hơn ai hết Lê Thiết Cương được sống đúng với những gì mình mong muốn và được cống hiến cho nghề; chừng ấy là đủ cho mục tiêu mà mỗi người chúng ta đều hướng tới.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã có 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, từ 1988 đến nay, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét…
Ông là một nghệ sĩ đa tài với năng lực tiếp cận ở nhiều lĩnh vực: hội hoạ, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc và design, đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, và cũng là giám tuyển của nhiều triển lãm uy tín. Tác phẩm của ông có trong sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.
Họa sĩ Lê Thiết Cương:
Vẽ chính là trải nghiệm sống
(HNMCT) - Họa sĩ Lê Thiết Cương từng tâm sự rằng, đầu tiên anh theo phong cách tối đa, cách thể hiện trên tranh không thừa một chi tiết nào. Thế nhưng, người thầy của anh - nhà thơ Đặng Đình Hưng đã phát hiện ra “hạt tối giản” trong tố chất của anh. Không định trước con đường này, nghệ thuật tối giản đến với anh một cách tự nhiên. Không chỉ tối giản trên tranh, anh còn đưa phong cách hội họa tối giản lên gốm, thổi cho gốm một hình dáng khác, linh hồn khác.
- Cách đây 5 năm, tôi đã làm triển lãm “Thơ Gốm”. Tôi chọn câu thơ của các nhà thơ mà tôi yêu thích và viết lên trên lọ gốm Bát Tràng, kèm theo hình minh họa cho câu thơ đó. Sau đó, vào năm 2020 tôi lại có một triển lãm khác về gốm với chủ đề “Kinh gốm”. Tôi đã chọn những câu thơ thiền nổi tiếng chủ yếu từ thời Lý - Trần và viết lên trên lọ gốm, kèm theo đó là hình minh họa. Ngoài gốm Bát Tràng, tôi có thêm vào các sản phẩm gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng, gốm Thanh Hà (một làng gốm ở ngoại ô Hội An, Quảng Nam). Những câu thơ của Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông và một số câu thơ của Nguyễn Du đã đi vào những sản phẩm gốm của tôi như vậy.
- Có vẻ như họa sĩ Lê Thiết Cương nung nấu ý muốn đưa một dáng hình mới của gốm vào cuộc sống hiện đại?
- Đó vẫn luôn là công thức muôn đời, bởi nếu không đi theo con đường ấy thì nghề thủ công mỹ thuật của người Việt sẽ chết. Cho dù là một làng gốm lâu năm, có truyền thống thì nếu anh vẫn làm những cái lọ, cái vại như ngày xưa, với những họa tiết như thế sẽ không đi được vào đời sống hiện đại. Tôi tận dụng đất tốt nhất của Bát Tràng, lửa hay nhất của Bát Tràng, nước của làng Bát Tràng... Bạn chỉ nên lấy truyền thống ấy, tay nghề ấy, nguyên liệu ấy, kỹ thuật ấy nhưng bạn phải thổi vào đấy một câu chuyện mỹ thuật hiện đại thì nó mới có thể sống được trong đời sống hôm nay. Ví dụ, trong một ngôi nhà được thiết kế hiện đại, bạn không thể đưa một lọ gốm với các họa tiết rồng phượng. Điều đó không phải là không hay nhưng nó là một giá trị đã qua. Và không chỉ với gốm, nghề đúc đồng, mây tre đan, khảm trai, sơn mài... cũng thế. Tôi luôn luôn ghi nhớ và luôn ủng hộ tuyệt đối công thức ấy: Nguyên liệu, kỹ thuật là truyền thống, mỹ thuật phải hiện đại.
- Vậy còn dự định sắp tới của anh với gốm thì sao?
- Tôi dự định tổ chức triển lãm tranh và gốm với chủ đề “Kiều”. Đó là 24 bức tranh bột màu trên vải màn, được bồi trên giấy dó, cộng thêm 20 lọ gốm Bát Tràng, với những câu thơ khá quen thuộc như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, hay “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” được viết trên lọ gốm kèm theo hình vẽ minh họa. Hoặc là hình ảnh nàng Kiều chơi đàn: Lần đầu tiên cho Kim Trọng, lần thứ hai phải chơi cho vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, lần thứ ba phải chơi theo sự ép buộc của Hồ Tôn Hiến với câu thơ mà nhiều người biết: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”... Vẽ được những hình ảnh đó lên lọ gốm cũng là một quá trình thú vị. Muốn vẽ Kiều, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần "Truyện Kiều", đọc cả những bình luận về Kiều của các nhà nghiên cứu tên tuổi... Tôi cũng phải đến các đình, chùa để xem hoa văn, họa tiết, các nét chạm khắc...
- Trong hành trình sáng tạo của mình, anh từng chia sẻ: Người họa sĩ không chỉ vẽ mãi bằng tay mà phải tìm thấy lòng mình thì mới có nghệ thuật?
- Đến một giai đoạn của cuộc đời thì vẽ chính là trải nghiệm sống. Một người vừa tốt nghiệp đại học vẽ khác, còn khi 60 tuổi thì vẽ khác. Các cung bậc cảm xúc: Buồn - vui, hạnh phúc - đau khổ... cũng là nguyên liệu. Nhiều khi tôi vẽ bằng ký ức, hồi niệm. Bạn phải sống với mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc của con người. Nhìn tranh sẽ biết ngay người đó như thế nào. Bởi cũng chỉ có từng ấy màu, từng ấy giấy, bút nhưng người có trải nghiệm sống, có tình cảm thì cách dùng màu của họ cũng khác.
- Cho đến thời điểm này, nếu nói về con đường hội họa tối giản của mình, anh có thể khái quát trong cụm từ nào?
- Tối giản là một đại lộ mà mỗi người phải tìm ra được một phố, ngõ, ngách cho riêng mình. Cũng giống như khi chúng ta nói về hội họa trừu tượng, cũng là một đại lộ. Con đường của tôi là hội họa tối giản - thiền. Bởi vì thiền là vô ngôn, nói thật ít hoặc không có gì để nói. Tôi tự nhận hội họa tối giản của tôi gần với mỹ học thiền.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương!
BẢO TRÂNthực hiện
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.